- Phẩm I: Quán về Nhân duyên (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm II: Quán về Ði lại (gồm 25 bài kệ)
- Phẩm III: Quán về Sáu tình (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm IV: Quán về Năm ấm (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm V: Quán về Sáu chủng (gồm 6 bài kệ)
- Phẩm VI: Quán về Ô nhiễm, người ô nhiễm (gồm 10 bài kệ)
- Phẩm VII: Quán về Ba tướng (gồm 35 bài kệ)
- Phẩm VIII: Quán về Tác, tác giả (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm IX: Quán về Bổn trụ (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm X: Quán về Ðốt cháy, bị đốt cháy (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm XI: Quán về Bổn tế (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm XII: Quán về Khổ (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XIII: Quán về Hành (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XIV: Quán về Hiệp (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm XV: Quán về Có, không (gồm 11 bài kệ)
- Phẩm XVI: Quán về Trói, mở, (gồm 10 bài kệ)
- Phẩm XVII: Quán về Nghiệp (gồm 33 bài kệ)
- Phẩm XVIII: Quán về Pháp (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm XIX: Quán về Thời (gồm 6 bài kệ)
- Phẩm XX: Quán về Nhân quả (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXI: Quán về Thành hoại (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXII: Quán về Như Lai (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm XXIII: Quán về Ðiên đảo (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXIV: Quán về Tứ đế (gồm 40 bài kệ)
- Phẩm XXV: Quán về Niết bàn (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXVI: Quán về Mười hai nhân duyên (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XXVII: Quán về Tà kiến (gồm 31 bài kệ)
- Phụ Lục
TRUNG LUẬN
(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu
---o0o---
PHẨM XXVII:QUÁN VỀ TÀ KIẾN.
(Gồm 31 bài kệ).
Hỏi:Đã nghe nói pháp Đại thừa phá tà kiến, bây giờ muốn nghe nói pháp Thanh văn phá tà kiến ?
Đáp:
1. Ta có mặt hay không có mặt trong đời quá khứ, thế gian là thường hay vô thường v.v… các kiến chấp ấy đều nương đời quá khứ mà khởi lên.
2. Ta có làm hay không làm trong đời vị lai, thế giới có biên hay không có biên v.v… các kiến chấp như thế đều nương đời vị lai mà sinh khởi.
"Ta có mặt hay không có mặt, vừa có vừa không có mặt, chẳng phải có chẳng phải không mặt trong đời quá khứ" đó là các tà kiến chấp thường v.v… do quán sát đời quá khứ mà khởi lên. "Ta làm hay chẳng làm, vừa làm vừa chẳng làm, chẳng phải làm chẳng phải không làm trong đời vị lai" đó là các tà kiến chấp ta và thế giới hữu biên vô biên v.v… do quán sát đời vị lai mà khởi lên. Các tà kiến như vậy, vì nhân duyên gì mà gọi là tà kiến. Nay sẽ nói:
3. Trong đời quá khứ có ta, việc ấy không thể có được, vì ta trong đời quá khứ không làm ta trong ngày nay.
4. Nếu cho rằng ta chính là tự ngã, (trước sau như một) mà thân có tướng sai khác, nhưng nếu lìa thân tướng, thời ở chỗ nào có tự ngã.
5. Lìa ngoài thân không có ngã. Việc ấy đã thành rồi, hoặc cho rằng thân tức là ngã, nếu như vậy thời đều không có ngã (vì thân tức là ngã, mà thân vô thường tức ngã cũng vô thường, vô thường nên không có ngã).
6. Nhưng thân chẳng là ngã, vì thân tướng có sinh diệt, làm sao mà cho thân năm uẩn có sanh diệt chấp thọ là ngã chấp thọ được.
7. Nếu lìa thân mà có ngã, việc ấy cũng không đúng, vì không có thân chấp thọ năm uẩn mà có ngã, thật tế không thể có được.
8. Hiện tại ngã không lìa thân năm uẩn chấp thọ, cũng không chỉ là thân năm uẩn chấp thọ, nhưng chẳng phải không có thân năm uẩn chấp thọ, cũng chẳng phải không có ngã (giả ngã). Đó chính là nghĩa quyết định của pháp duyên khởi.
Ta có mặt trong đời quá khứ, việc ấy không đúng, vì sao ? Vì ta trong đời trước chẳng làm ta trong đời nay, vì nếu ta đời trước không làm chính ta đời nay thì có lỗi chấp thường. Nếu thường thì có vô lượng lỗi, ví như người nhờ tu phước nên được làm trời, sau lại làm người, nếu ta trong đời trước tức là ta trong đời nay, thời trời tức là người. Lại như người tạo tội bị làm kẻ Chiên-đà-la, sau lại làm người Bà-la-môn, nếu ta trong đời trước tức là ta trong đời nay, thời Chiên-đà-la tức là Bà-la-môn. Thí như Bà-la-môn Đề-đạt ở nước Xá-vệ, đi đến thành Vương xá cũng gọi là Đề-đạt, chứ không vì đi đến Vương xá mà khác đi. Nếu trước làm trời sau làm người, thời trời tức là người, Chiên-đà-la tức là Bà-la-môn, như vậy không đúng, vì sao ? Vì trời không tức là người, Chiên-đà-la không tức là Bà-la-môn. Vì có các lỗi chấp thường như vậy.
Nếu bảo "Ta đời trước không làm ta đời nay, như người khi giặt áo gọi là người giặt áo, khi cắt cỏ gọi là người cắt cỏ. Cũng như vậy khi ta mang thân trời thì gọi là trời, khi ta mang thân người thì gọi là người, ta trước sau không khác mà thân có khác", nói vậy không đúng, vì sao ? Vì nếu trời tức là người thì không nên nói trời làm người (trời tức là người, khác với nghĩa trời làm ra người). Như người giặt áo với người cắt cỏ là khác hay không khác. Nếu không khác, thời người giặt áo có thể tức là người cắt cỏ, như vậy trời tức là người, Chiên-đà-la tức là Bà-la-môn. Nói có ta, thời có lỗi chấp thường như vậy. Nếu khác, thời người giặt áo không làm người cắt cỏ, như vậy trời không làm người, vậy thì ta cũng vô thường. Vô thường là tướng vô ngã, thế nên không được nói "Ta tức là", trời tức là người.
Hỏi:Ta tức là, chỉ nhân nơi chấp thọ nên phân biệt là trời là người. Chấp thọ là năm uẩn. Do nhân duyên của nghiệp nên phân biệt năm uẩn này là trời, năm uẩn kia là người, là Chiên-đà-la, là Bà-la-môn. Chứ "ta" thật chẳng phải trời chẳng phải người, chẳng phải Chiên-đà-la chẳng phải Bà-la-môn. Cho nên không có các lỗi vừa nói ?
(Luận chủ) Đáp:Việc ấy không đúng, vì sao ? Vì nếu thân làm trời, làm người, làm Chiên-đà-la, làm Bà-la-môn chẳng phải ta làm, thời lìa ngoài thân có cái ta riêng ư ? Hiện tại những việc tội phước sinh tử qua lại đều là thân chứ chẳng phải ta. Do tạo tội nên đọa ba đường ác, do tu phước nên sinh ba đường thiện. Hoặc việc thọ, khổ, vui, giận, mừng, lo, sợ v.v… đều là thân chứ không phải ta, dùng ta làm chi. Như trị tội người thế tục, thời không can dự người xuất gia. Do nhân duyên của năm uẩn tương tục nên tội phước không mất, nên mới có sự giải thoát, nếu việc ấy đều do thân, chứ không phải ta, thì dùng ta làm gì.
Hỏi:Tội phước v.v… đều nương nơi ta, vì "ta" có biết, còn thân không có biết, biết tức là ta. Do nhân duyên khởi nghiệp làm ra tội phước, nên biết phải có tác giả, tác giả đây là ta. Thân là để ta sử dụng, và làm chỗ ở, thí như ông chủ nhà, dùng cỏ cây, đất gỗ làm nhà là vì cái thân, nên tùy sự sử dụng của thân mà làm nhà tốt xấu. Ta cũng như vậy, theo nghiệp thiện ác mà mang cái thân tốt xấu. Sáu đường sinh tử đều do ta làm. Thế nên cái thân tội phước đều thuộc nơi ta, thí như cái nhà thuộc ông chủ, chứ không thuộc người khác.
(Luận chủ) Đáp: Thí dụ ấy không đúng, vì sao? Vì ông chủ nhà có thân hình, có xúc chạm, có sức lực có thể giữ được cái nhà, còn cái ta của ông nói đó vô hình, không xúc chạm, không có sức tạo tác, tự không có sức làm, cũng không thể sai người khác làm. Nếu ở thế gian có một vật gì vô hình, không có xúc chạm mà có thể có tạo tác, thì tôi mới tin thọ lời ông, biết có tác giả, nhưng việc ấy không xảy ra. Nếu ta là tác giả, thời người ta không nên tự làm việc đưa khổ đến cho mình. Nếu ai suy nghĩ như vậy, thời có thể ham làm việc đưa vui đến cho mình, không lúc nào quên.
Nếu ta không tự làm khổ mà khổ cứ áp đến, cũng như các việc khác đều tự nó sinh ra chứ chẳng phải ta làm. Nếu cái thấy là ta, thời mắt thấy sắc, mắt ấy là ta. Nếu mắt thấy mà chẳng phải ta, thời trái với câu trước nói thấy là ta. Lại nếu thấy là ta, thời ta không thể còn nghe tiếng, ngữi mùi v.v… vì sao ? Vì như mắt là thấy, mà mắt không thể nghe tiếng ngữi mùi v.v… thế nên nói ta là thấy, đều không đúng.
Nếu bảo "người cắt cỏ dùng liềm cắt cỏ, ta cũng như vậy, dùng tay chânlàm việc", ví dụ ấy không đúng, vì sao ? Vì rời bỏ cái liềm còn có người cắt cỏ; chứ lìa ngoài thân tâm các căn, thì không có cái ta riêng.
Nếu bảo "tác giả tuy chẳng phải mắt tai làm được, cũng có tác giả", thế thời đứa con của thạch nữ cũng có thể tạo tác. Như thế thời các căn đều là vô ngã.
Nếu bảo "mắt bên hữu thấy vật, mắt bên tả biết, nên biết riêng có người thấy". Việc ấy cũng không đúng. Hiện tại tay bên hữu tập luyện, tay bên tả không có khả năng. Thế nên không riêng có tác giả. Nếu riêng có tác giả, thời tuy tay bên hữu tập luyện, tay bên tả cũng có khả năng, mà thật không có (như tay hữu tập viết, tay trái không viết được). Thế nên không có tác giả.
Lại nữa, người chấp có ta nói rằng: "khi thấy người khác ăn quả chua mà trong miệng mình nước miếng chảy ra, đó là tướng ta". Nói vậy không đúng, vì sao ? Vì đó là năng lực của nhớ tưởng chứ không phải năng lực của ta. Lại đây cũng là nhân duyên phá ta; như người ở giữa chúng, rất hỗ thẹn vì nước miếng chảy ra, thế mà nó cứ chảy, không được tự do, vậy nên biết là không có ta.
Lại nữa, nếu có tội điên đảo mà phải đời trước là cha, đời nay làm con, giữa cha con chỉ thân có khác nhau mà ta là một, như từ nhà này đi đến nhà khác, cha vẫn là cha, chứ không vì đi đến nhà khác mà cha khác đi. Nếu có ta thì cha và con là một, như vậy có lỗi lớn.
Nếu nói rằng: "Không có ta trong năm uẩn tương tục, cũng có lỗi" nói vậy không đúng, vì sao? Vì tuy không có ta trong năm uẩn, nhưng năm uẩn tuy tương tục hoặc có khi hữu dụng, hoặc có khi vô dụng, như nước nho, đối với người xuất gia giữ giới thì được phép uống (hữu dụng) mà rượu nho thì không được phép uống (vô dụng) nếu biến rượu nho thành rượu đắng trị bịnh, thời lại được phép uống (hữu dụng). Năm uẩn tương tục cũng như vậy, hoặc hữu dụng hoặc vô dụng. Như thế nếu thỉ chung có một ta, thời có lỗi như vậy, còn năm uẩn tương tục thời không có lỗi ấy. Nhưng năm uẩn hòa hiệp giả gọi là ta, không có tính nhất định, như kèo cột hòa hiệp mà có nhà, lìa ngoài kèo cột không riêng có nhà. Như vậy năm uẩn hòa hiệp nên có ta, nếu lìa ngoài năm uẩn thời thật không riêng có ta. Thế nên ta chỉ là một tên giả, không thật có.
Trước ông (chỉ người ngoài) nói, lìa ngoài năm uẩn chấp thọ riêng có ta chấp thọ, lấy chấp thọ năm uẩn để phân biệt người chấp thọ là trời là người, nói thế không đúng. nên biết chỉ có pháp chấp thọ, không riêng có người chấp thọ. Nếu nói lìa ngoài pháp chấp thọ mà riêng có ta, là không đúng. Vì nếu lìa ngoài pháp chấp thọ mà riêng có ta, thời làm sao chỉ ra tướng ta ấy. Nếu không có tướng có thể chỉ, thời biết lìa ngoài pháp chấp thọ không có ta.
Nếu nói lìa ngoài thân năm uẩn thì không có ta, mà chính thân ấy là ta, cũng không đúng, vì sao? Vì thân năm uẩn có tướng sinh diệt, còn ta thời không có tướng sinh diệt. Lại nữa, làm sao cho pháp chấp thọ tức là người chấp thọ.
Nếu nói "lìa ngoài pháp chấp thọ, có người chấp thọ" cũng không đúng. vì nếu không chấp thọ năm uẩn mà có người chấp thọ, thời có thể lìa ngoài năm uẩn có người chấp thọ nhãn căn v.v…, nhưng thật tế không thể có được. Thế nên ta không lìa pháp chấp thọ, cũng không tức là chấp thọ, cũng chẳng phải không chấp thọ, cũng chẳng phải không có ta (ta giả danh). Đây là định nghĩa donăm uẩn hòa hiệp giả gọi là ta, không có tính nhất định.
Thế nên biết ta có mặt trong đời quá khứ, là không đúng, vì sao ?
9. Tự ngã đời quá khứ không làm tự ngã hiện tại, việc ấy không đúng; tự ngã trong đời quá khứ khác với tự ngã hiện tại, cũng không đúng.
10. Nếu tự ngã quá khứ khác tự ngã hiện tại, thời lìa tự ngã quá khứ, nên có tự ngã hiện tại, tự ngã quá khứ cứ ở trong đời quá khứ, còn tự ngã hiện tại cứ tự sinh ra.
11. Nói như vậy là rơi vào đoạn diệt, phá mất nghiệp nhân quả báo, người kia làm mà người này chịu. Có các lỗi lầm như vậy.
12. Ngã trước không mà nay có, cũng có lỗi. Vì như thế thì ngã là một pháp tạo tác, và ngã ấy cũng không có nguyên nhân.
"Ta trong đời quá khứ không làm ta trong đời nay" nói vậy không đúng, vì sao ? Vì ta trong đời quá khứ với ta trong đời nay chẳng khác nhau. Nếu ta đời nay khác với ta đời quá khứ, thời có thể lìa ngoài ta quá khứ kia mà có ta đời nay này, và ta đời quá khứ kia cũng có thể vẫn ở tại quá khứ, còn thân này tự tiếp tục sinh lại. Nếu như vậy, thời bị rơi vào đoạn diệt, mất hết nghiệp nhân quả báo. Lại người kia tạo tội mà người này chịu quả báo. (Nói ta đời nay khác ta đời trước) có nhiều lỗi lầm như vậy.
Lại nếu nói cái ta ấy có thể trước không có mà nay có, cũng có lỗi, vì cái ta ấy là pháp bị tạo tác, cũng là không có nhân duyên mà sinh.
Thế nên nói "ta đời quá khứ không làm ta đời nay", cũng không đúng.
Lại nữa,
13. Giống như kiến chấp về đời quá khứ, có ta hay không có ta, cũng có ta cũng không có ta, chẳng phải có ta chẳng phải không có ta, các việc ấy đều không đúng.
Như vậy suy tìm các tà kiến chấp có ta, không ta, cũng có cũng không có ta, chẳng phải có chẳng phải không có ta trong đời quá khứ, vì có lỗi là trước nói nhân duyên, nên đều không đúng (đến đây hết đoạn phá bốn câu chấp ta trong đời quá khứ).
14. Ta trong đời vị lai do ta trong đời hiện tại làm ra, hay không do ta trong đời hiện tại làm ra, các kiến chấp như vậy, đều đồng có lỗi với kiến chấp ta trong đời quá khứ.
Ta trong đời vị lai là do ta trong đời hiện tại làm ra hay không làm ra mà tự có. Bốn câu chấp ta trong đời vị lai đều có lỗi, giống như bốn câu chấp ta trong đời quá khứ, nên hiểu theo trong đó (đến đây hết đoạn phá bốn câu chấp ta trong đời vị lai).
Lại nữa,
15. Nếu trời tức là người, thời bị rơi vào thường kiến, như vậy thời trời là vô sinh, vì pháp thường thì chẳng sinh.
Nếu trời tức là người, thế là thường; nếu trời không sinh trong loài người, thời sao gọi là người. Cái gì thường thì không sinh, thế nên nói thường, không đúng, (đến đây hết đoạn phá chấp ta và thế gian là thường).
Lại nữa,
16. Nếu trời khác với người, ấy tức là vô thường. Nếu trời khác với người, tức là không có sự tương tục.
Nếu trời khác với người, thế là vô thường. Vô thường thời là đoạn diệt, như trước đã nói qua, nếu trời khác với người, thời không có tính tương tục, nếu có tính tương tục, thời không được nói trời khác người. (đến đây hết đoạn phá chấp ta và thế gian vô thường)
Lại nữa,
17. Nếu nửa trời nửa người, thời bị rơi vào hai bên thường và vô thường, nên việc ấy cũng không đúng.
Nếu chúng sinh một nửa thân là trời, một nửa thân là người, thời tức là cũng thường cũng vô thường. Nửa trời là thường, nửa người là vô thường, việc ấy không đúng, vì có lỗi là một thân mà có hai tướng thường vô thường (đến đây hết đoạn phá chấp ta và thế giới cũng thường cũng vô thường).
Lại nữa,
18. Nếu thường và vô thường, cả hai đều lập thành. Như vậy thời có thể thành lập chẳng phải thường chẳng phải vô thường.
Nếu thường và vô thường cả hai đều thành, vậy sau mới thành chẳng phải thường chẳng phải vô thường, vì trái với thường và vô thường. Nhưng kỳ thật thường và vô thường không thành, nên chẳng phải thường chẳng phải vô thường cũng không thành. Lại nữa, nói hiện nay sinh tử vô thỉ (không có bắt đầu) cũng không đúng, vì sao ?
19. Nếu pháp quyết định có lại và quyết định có đi, thời sinh tử là vô thỉ, song sự thật không có việc ấy.
Nếu pháp quyết định có chỗ từ kia lại đây, và có chỗ từ đây đi đến kia (lại và đi đây đồng nghĩa sinh và tử) thời sinh tử là vô thỉ. Nhưng lấy trí tuệ suy tìm không thấy pháp có chỗ từ kia lại đây và có chỗ từ đây đi đến kia, thế nên nói sinh tử vô thỉ, cũng không đúng. (theo ý luận chủ, nói sinh tử hữu thỉ thì phạm lỗi vô nhân sinh, nói sinh tử vô thỉ thì phạm lỗi vô cùng. Nên nói sinh tử hữu thỉ vô thỉ đều không đúng. Kinh Phật dạy: "Sinh tử vô thỉ" là cốt để đối trị tà kiến chấp cho rằng mọi vật sinh ra có nguyên thỉ từ tạo hóa, từ tâm, từ vật v.v… chứ Phật không chủ ý nói có tính vô thỉ thật, vì thời gian chỉ là tương đối không thật).
Lại nữa,
20. Hiện tại nếu không có thường, thời làm sao có vô thường, có cũng thường cũng vô thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường.
Nếu như vậy, do trí tuệ suy tìm, không thấy có pháp gì thường, vậy làm sao có pháp vô thường, vì nhân thường mà có vô thường. Nếu thường và vô thường đều không có, thời làm sao có cũng thường cũng vô thường. Nếu không có cũng thường cũng vô thường thời làm sao có chẳng phải thường chẳng phải vô thường, vì nhân nơi cũng thường cũng vô thường, nên mới có chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Thế nên quán sát đời quá khứ khởi lên bốn câu chấp thường, vô thường v.v… là không đúng, (đến đây hết đoạn phá bốn câu chấp thường, vô thường v.v… thuộc đời quá khứ).
Nhìn về đời vị lai khởi tà kiến chấp bốn câu ta và thế giới hữu biên, vô biên v.v… bây giờ đây sẽ nói, vì sao ?
21. Nếu thế gian hữu biên, thời làm sao có đời sau; nếu thế gian vô biên, thời làm sao có đời sau.
Nếu thế gian hữu biên thời không thể có đời sau, song kỳ thật có đời sau (vì có biên giới thì ngang đời này là giới hạn cuối cùng, chứ làm sao còn có các đời sau). Thế nên nói thế gian hữu biên là không đúng. Nếu thế gian vô biên cũng không thể có đời sau, song kỳ thật có đời sau (vì không có biên giới thì kéo dài mãi vô tận, không có đời cuối cùng, thì biết đời nào là đời sau). Thế nên nói thế gian vô biên cũng không đúng.
Lại nữa, cả hữu biên, vô biên đều không thể có được, vì sao ?
22. Thân năm uẩn thường tương tục, giống như ngọn đèn. Vì vậy, nên thế gian không thể hữu biên hay vô biên.
Từ năm uẩn lại sinh năm uẩn, năm uẩn thứ lớp tương tục, như từ các duyên hòa hiệp có ngọn đèn, nếu các duyên hết thì đèn cũng tắt. Nếu duyên hết đèn tắt, nên không được nói thế gian hữu biên, vô biên.
Lại nữa,
23. Nếu thân năm uẩn trước hoại, không nhân nơi thân năm uẩn ấy mà lại sinh ra thân năm uẩn sau. Thời thế gian là hữu biên.
24. Nếu thân năm uẩn trước không hoại, cũng không nhân thân năm uẩn ấy, mà sinh thân năm uẩn sau. Thời thế gian là vô biên.
Nếu thân năm uẩn trước hoại, không nhân nơi năm uẩn ấy lại sinh ra thân năm uẩn sau, như vậy thời thế gian là hữu biên, nếu thân năm uẩn trước hoại rồi, không còn sinh tiếp thân năm uẩn khác, ấy gọi là biên. “Biên” là chỉ cho thân cuối cùng. Nếu thân năm uẩn trước không hoại, và không nhân nơi thân năm uẩn ấy sinh ra thân năm uẩn sau, thời thế gian là vô biên, vô biên tức là thường, song sự thật không phải như vậy. Thế nên nói thế gian vô biên cũng không đúng.
Thế gian có hai thứ, là Quốc độ thế gian và chúng sinh thế gian. Ở đây nói về chúng sinh thế gian.
Lại nữa, như trong Tứ Bách Quán nói (theo trong Phó Pháp Tạng kinh nói Đề-bà bồ-tát có tạo Tứ Bách luận):
25. Chân pháp duyên sinh, và người nói chân pháp, và người nghe chân pháp rất khó gặp được; như vậy thời bị sinh tử, chứ chẳng phải hữu biên, vô biên.
Vì không ngộ được chân pháp nên sinh tử qua lại không có biên giới. Nếu ai được nghe chân pháp được đạo thời không được nói họ là vô biên. (được đạo rồi thì giải thoát thân năm uẩn, không còn ở trong vòng sinh tử vô biên nữa ). Nay sẽ tiếp phá cũng hữu biên cũng vô biên.
26. Nếu thế gian một nửa hữu biên, một nửa vô biên, thế là cũng hữu biên cũng vô biên, đều không đúng.
Nếu thế gian một nửa hữu biên, một nửa vô biên, thời có thể cũng hữu biên cũng vô biên. Nếu như vậy thời ngay một pháp mà có hai tướng có và không. Nói vậy không đúng, vì sao ?
27. Người chấp thọ năm uẩn kia, tại sao một phần phá mà một phần không phá, việc ấy không đúng.
28. Pháp chấp thọ cũng như vậy, tại sao một phần phá, mà một phần không phá, việc ấy không đúng.
Đối với người chấp thọ năm uẩn, tại sao một phần phá (vì vô thường), một phần không phá (vì thường), như vậy không đúng. Nói cũng thường cũng vô thường cũng không đúng. Đối với năm uẩn chấp thọ cũng như vậy, tại sao một phần phá một phần không phá. Vì một pháp mà có cả hai tướng thường và vô thường đều có lỗi, thế nên nói thế gian cũng hữu biên cũng vô biên, cũng có lỗi.
Nay sẽ phá chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên.
29. Nếu thế gian cũng hữu biên cũng vô biên đều được thành lập, thời chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên, cũng có thể thành lập.
Trái với hữu biên nên có vô biên, như trái với dài nên có ngắn. Trái với có và không thời mới có cũng có cũng không, trái với cũng có cũng không, thời mới có chẳng phải có chẳng phải không. Nếu cũng hữu biên cũng vô biên quyết định lập thành được, thời mới có chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên, vì sao ? Vì nhân đối đãi nhau mà có. Trên đã phá câu thứ ba là cũng hữu biên cũng vô biên rồi, thời nay làm sao có câu thứ tư là chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên, vì không có sự đối đãi nhau.
Như vậy suy tìm bốn tà kiến chấp thế gian hữu biên, vô biên v.v… do nhìn về vị lai mà khởi lên, đều không thể có được.
Lại nữa,
30. Vì tất cả pháp đều rốt ráo không, vậy thời ở chỗ nào, vào lúc nào, và ai khởi lên các kiến chấp cho rằng thế gian là thường, vô thường v.v… ấy.
Trên đã nghe nói pháp Thanh văn phá các tà kiến, còn nay trong pháp Đại thừa thì nói các pháp từ trước lại đây rốt ráo tính không, ở trong tính không như vậy không có người, không có pháp, thời không thể sinh ra tà kiến, chánh kiến. Nơi chốn là đất đai, thời gian là ngày tháng, năm số. Còn cái gì là người, làm căn thể của các kiến chấp. Nếu nhất định có tà kiến chấp thường vô thường v.v… thời phải có người xuất sinh ra tà kiến ấy. Nay phá ngã nên không có người; và sinh ra tà kiến phải có nơi chốn, nhưng sắc pháp là thứ hiện thấy được còn bị phá, huống gì thời gian, phương hướng. (Nơi chốn, thời gian, và người là ba căn thể phát sinh tà kiến) nếu có các tà kiến thời phải có thật thể nhất định, nếu có thật thể nhất định thời không thể phá. Nhưng từ trước lại đây, đã nêu đủ lý do phá kiến chấp, thế nên biết các kiến chấp không có tự thể nhất định, thời làm sao sinh ra, như bài kệ nói: Nơi nào, lúc nào, ai khởi lên chấp kiến.
31. Đấng Đại Thánh Chúa Cồ Đàm, vì thương xót chúng sinh mà nói pháp duyên sinh ấy, để chấm dứt tất cả các thứ kiến chấp. Con nay xin cúi đầu kính lễ Phật.
Tất cả kiến chấp tóm lược có năm kiến, là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến, nói rộng thời có 62 kiến. Vì để phá các tà kiến ấy nên Phật thuyết pháp. Đấng Thánh Chúa Cồ Đàm là bậc trí tuệ vô lượng vô biên không thể nghĩ nghì. Thế nên con cúi đầu đảnh lễ.
*
Tóm tắt phẩm XXVII:Quán về tà kiến.
Chính quán pháp mười hai nhân duyên như phẩm 26 ở trên liền được xa lìa các thứ hý luận tà kiến, chấp thường, chấp đoạn, chấp tà nhân, sinh ra vạn sự vạn vật tức chấp cho vạn sự vạn vật sinh ra từ nguyên nhân tà vạy. Hoặc chấp vô nhân sinh tức chấp vạn sự vạn vật tự nhiên sinh ra, chứ không do nguyên nhân nào cả. Chánh quán pháp do duyên mà sinh khởi thì ngộ nhập được pháp tính không; trong pháp tướng không thì không tất cả các hý luận tà kiến. Phẩm này thuyết minh về điểm ấy.
Đối trước trong 14 điều kiến chấp tà vạy Phật im lặng không giải đáp tức 14 điều bất khả ký, 14 vấn nạn sai lầm mà Phật bỏ qua không trả lời thì bốn câu kiến chấp về Như Lai có tồn tại hay không tồn tại v.v… sau khi diệt độ, đã xét phá ở phẩm Như Lai rồi. Còn lại các kiến chấp khác như kiến chấp cho ta đời trước có mặt hay không có mặt v.v…; ta đời trước là thường hay vô thường v.v…; ta trong đời vị lai hữu biên hay vô biên v.v…; hoặc thế gian là hữu biên hay vô biên v.v… sẽ quán xét phá bỏ ở trong.
Phẩm này gồm có: 1. Xa lìa hý luận (kệ 1,2). 2. Phá chấp ta có mặt trong quá khứ (kệ 3,4). 3. Ướt tức thân hay lìa thân đều không có ngã để phá (kệ 5 đến kệ 8). 4. Phá chấp ta không có mặt trong quá khứ (kệ 9 đến kệ 12). 5. Phá chấp ta chẳng phải có chẳng phải không có mặt trong đời quá khứ (kệ 13) 6. Phá chấp trong đời vị lai ta có làm hay chẳng làm (kệ 14). 7. Phá chấp ta thường (kệ 15). 8. Phá chấp ta cũng thường cũng vô thường (kệ 17). 9. Phá chấp ta chẳng phải thường chẳng phải vô thường (kệ 18 đến kệ 20). 10. Phá chấp thế gian hữu biên vô biên (kệ 21 đến kệ 25). 11. Phá chấp thế gian cũng hữu biên cũng vô biên (kệ 26 đến kệ 28). 12. Phá chấp thế gian cũng chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên (kệ 29,30). 13. Quy kết Tông chỉ chánh pháp (kệ 31).
(Dịch xong sáng 10.05. Tân Tỵ (30-06-2001)
---o0o---