- Phẩm I: Quán về Nhân duyên (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm II: Quán về Ði lại (gồm 25 bài kệ)
- Phẩm III: Quán về Sáu tình (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm IV: Quán về Năm ấm (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm V: Quán về Sáu chủng (gồm 6 bài kệ)
- Phẩm VI: Quán về Ô nhiễm, người ô nhiễm (gồm 10 bài kệ)
- Phẩm VII: Quán về Ba tướng (gồm 35 bài kệ)
- Phẩm VIII: Quán về Tác, tác giả (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm IX: Quán về Bổn trụ (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm X: Quán về Ðốt cháy, bị đốt cháy (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm XI: Quán về Bổn tế (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm XII: Quán về Khổ (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XIII: Quán về Hành (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XIV: Quán về Hiệp (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm XV: Quán về Có, không (gồm 11 bài kệ)
- Phẩm XVI: Quán về Trói, mở, (gồm 10 bài kệ)
- Phẩm XVII: Quán về Nghiệp (gồm 33 bài kệ)
- Phẩm XVIII: Quán về Pháp (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm XIX: Quán về Thời (gồm 6 bài kệ)
- Phẩm XX: Quán về Nhân quả (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXI: Quán về Thành hoại (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXII: Quán về Như Lai (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm XXIII: Quán về Ðiên đảo (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXIV: Quán về Tứ đế (gồm 40 bài kệ)
- Phẩm XXV: Quán về Niết bàn (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXVI: Quán về Mười hai nhân duyên (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XXVII: Quán về Tà kiến (gồm 31 bài kệ)
- Phụ Lục
TRUNG LUẬN
(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu
---o0o---
PHẨM XV:QUÁN VỀ CÓ, KHÔNG.
(Gồm 11 bài kệ)
Hỏi:Các pháp đều có tự tính riêng, vì có năng lực tác dụng, như bình có tự tính bình, vải có tự tính vải, tự tính ấy khi có các duyên hiệp lại thời xuất hiện ?
Đáp:
1. Trong các duyên sẵn có tự tính, việc ấy không đúng. Tự tính từ các duyên xuất sinh, tức gọi nó là pháp tạo tác.
Nếu các pháp có tự tính thời không thể từ các duyên mà xuất hiện, vì sao? Vì từ các duyên xuất hiện tức là pháp có tạo tác, chứ không có tính nhất định.
Hỏi:Nếu các pháp tự tính từ các duyên tác thành, thì có lỗi gì ?
Đáp:
2. Nếu tự tính là cái có tạo tác, làm sao có nghĩa ấy. Vì tự tính là cái không do tạo tác, không phải đợi có pháp khác mới thành.
Như vàng lẫn với đồng thời không phải vàng thật, như vậy nếu các pháp có tự tính thời không cần các duyên. Nếu từ duyên mà xuất hiện, thì nên biết nó không có tự tính chơn thật. Lại tự tính nếu quyết định có thời không cần đợi cái khác mới xuất hiện, không phải như dài và ngắn, kia và đây không có định tính nên phải chờ đợi nhau mới có được.
Hỏi:Các pháp nếu không có tự tính, thời nên có tha tính ?
Đáp:
3. Các pháp nếu không có tự tính, thì làm sao có tha tính. Tự tính đối với tha tính cũng gọi là tha tính.
Tự tính các pháp từ các duyên tác thành, nên cũng nhân nơi đối đãi mới thành, nên không có tự tính. Nếu như vậy, tha tính đối với tha tính cũng là tự tính, cũng từ các duyên sinh, vì đối đãi nhau nên cũng không có tha tính; vì không có tha tính thời làm sao nói các pháp từ tha tính sinh, vì tha tính cũng là tự tính. (tự tính đối với tha tính thì trở thành tha tính cũng như vậy)
Hỏi:Nếu lìa tự tính tha tính mà có các pháp, thì có lỗi gì ?
Đáp:
4. Tách lìa tự tính tha tính, đâu còn có được pháp gì, nếu có tự tính tha tính, thời các pháp mới thành được.
Ông cho rằng lìa tự tính tha tính vẫn có pháp, việc ấy không đúng. Nếu lìa tự tính tha tính thời không có pháp gì, vì sao ? Vì có tự tính tha tính thời pháp mới thành, như chính bình là tự tính đối với áo là tha tính.
Hỏi:Nếu lấy tự tính tha tính mà phá hữu pháp, vậy thì bây giờ nên có vô pháp ?
Đáp:
5. Nếu pháp có tự tính tha tính mà pháp còn không thành, thì không có tự tính tha tính làm sao thành. Vì nhân có pháp thật có, nên khi pháp thật có ấy hoại diệt, thì gọi là không có.
Nếu ông đã chấp nhận hữu pháp không thành, thời cũng nên chấp nhận vô pháp cũng không có, vì sao ? Vì hữu pháp hoại diệt nên gọi là "vô pháp" (không có), cái không có ấy, nhân hoại diệt mà có.
Lại nữa,
6. Nếu người nào còn thấy có, thấy không, thấy tự tính, tha tính, người ấy như vậy không thấy được nghĩa chân thật của Phật pháp.
Nếu người chấp đắm sâu vào các pháp, thời chắc chắn họ đi tìm cái phải có thấy được, nên nếu phá tự tính thời họ lại thấy tha tính; nếu phá tha tính thời họ thấy có, nếu phá có thời họ lại thấy không, nếu phá không thời họ hoang mang mê hoặc. Còn những người lợi căn tâm chấp đắm nhẹ, nên biết diệt hết các kiến chấp thời được an ổn, họ không sinh ra bốn thứ hý luận (có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không), thời người ấy thấy được nghĩa chân thật của Phật pháp. Thế nên nói bài kệ trên.
Lại nữa,
7. Phật diệt trừ các chấp kiến có, không; như trong kinh Hóa-ca-chiên-diên, Phật dạy xa lìa chấp kiến có và không.
Trong kinh Sách-đà-ca-chiên-diên, Phật dạy về nghĩa chánh kiến là cái thấy xa lìa có, xa lìa không. Nếu các pháp mà quyết định thật có chút ít, thời Phật đã không phá có, không; nếu chỉ phá có thời người ta cho là không. Phật thông đạt thật tướng các pháp, nên nói có và không đều không. Thế nên ông nên bỏ kiến chấp có và không ấy đi.
Lại nữa,
8. Nếu pháp thật có tự tính, thời lúc sau không thể không có, vì nếu tự tính lại có tướng trước sau khác nhau, là việc hoàn toàn không đúng.
Nếu các pháp quyết định có tự tính thời không bao giờ biến khác, vì sao ? Vì nếu pháp quyết định có tự tính thời không thể có tướng khác nhau như trên đã nói ví dụ vàng thật. Hiện tại thấy các pháp có tướng khác nhau, nên biết các pháp không có tướng nhất định.
Lại nữa,
9. Nếu pháp thật có tự tính, thời làm sao có thể đổi khác, nếu pháp thật không có tự tính, thời làm sao có thể đổi khác.
Nếu pháp quyết định có tự tính thời làm sao biến khác được. Nếu pháp không có tự tính tức là không có tự thể, thời làm sao có thể biến khác được.
Lại nữa,
10. Quyết định là có thời là chấp thường ; quyết định là không có thời là chấp đoạn, thế nên người có trí không nên chấp có và không có.
Nếu pháp quyết định có tướng có, thời hoàn toàn không có tướng không, như vậy là thường, vì sao ? Ví như nói ba đời, trong đời vị lai có tướng pháp, pháp ấy đi đến đời hiện tại, rồi chuyển vào đời quá khứ, trước sau không bỏ bổn tướng, như thế là thường. Lại nói trong nhân trước đã có quả, thế cũng là thường. Nếu nói quyết định có pháp "không", pháp không ấy trước có mà nay không, như thế thời là đoạn diệt; không có nguyên nhân tương tục. Do vậy hai lối thấy có và không ấy, lìa xa Phật pháp.
Hỏi:Cớ gì mà nhân nơi pháp có, sinh ra thường kiến, nhân nơi pháp không, sinh ra đoạn kiến ?
Đáp:
11. Nếu pháp có tính nhất định, chứ chẳng phải không có, ấy thời là chấp thường; trước có mà nay không có, ấy là chấp đoạn diệt.
Nếu pháp tính quyết định thật có, thời là tướng có chứ chẳng phải tướng không, trọn không thể là không; nếu không thời chẳng phải có tức là không; lỗi này trước đã nói rồi, nên như vậy thời đọa thường kiến. Nếu pháp trước đã có rồi bại hoại mà thành không, ấy là đoạn diệt, vì sao? Vì có không thể là không, vì ông nói có và không đều có định tướng. Nếu chấp đoạn chấp thường, thời đều không có tội phước, phá hoại việc thế gian. Thế nên, nên buông bỏ.
*
Tóm tắt phẩm XV:Quán về có, không.
Các pháp do nhân duyên sinh khởi như huyễn như hóa. Khi nhân duyên hòa hợp có tướng như huyễn như hóa hiện ra, gọi là có, khi nhân duyên ly tán, tướng pháp như huyễn như hóa chia lìa biến mất gọi là không. Có và không theo giáo lý Phật là như vậy. Nhưng vì vô minh nên chấp các pháp có thật có, không thật không. Phẩm này xét phá lối kiến chấp ấy.
Phẩm này gồm: 1. Xét về tự tính phi hữu (kệ1.2). 2. Xét về tha tính phi hữu (kệ3). 3. Xét về tính thứ ba phi hữu (kệ4). 4. Xét về tự tính, tha tính, tính thứ ba phi vô (kệ5). 5. Khai thị nghĩa chơn thật (kệ6.7). 6. Ngăn phá hữu vô kiến (kệ 8 đến kệ 11).
---o0o---