- 1. Giới thiệu Kinh Pháp Cú
- 2. Kinh Pháp Cú (Tiếng Việt)
- 2. Kinh Pháp Cú (Tiếng Anh)
- 3. Thi kệ Pháp Cú Pali-Anh-Việt - Phần mở đầu - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Song Yếu - Twin Verses - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Tinh Cần - Heedfulness - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Tâm ý - The Mind - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Hoa hương - Flowers - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Ngu si - Fools - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Hiền trí - The wise - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm A la hán - The Worthy - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Muôn ngàn - Thousands - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Ác hạnh - Evil - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Hình phạt - The Rod or Punishment - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Già yếu - Old Age - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Tự ngã - The Self - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Thế gian - The world - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Phật đà - The Enlightened one - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm An lạc - Happiness - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Hỷ ái - Affection - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Phẫn nộ - Anger - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Cấu uế - Impurities or Taints - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Pháp trụ - The Righteous - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Chánh đạo - The way or the Path - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Tạp lục - Miscellaneous - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Ðịa ngục - Hell or Woeful state - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Voi rừng - The Elephant - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Tham ái - Craving - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Tỳ kheo - The Bhikkhu - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Phẩm Bà la môn - The Brahmana - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- 4. Kinh Lời vàng Phần I - Tỳ kheo Giới Đức
- Phần II - Tỳ kheo Giới Đức
- Phần III - Tỳ kheo Giới Đức
- 5. Trích tụng Pháp Cú Nam Tông Phần I
- Phần II - Hòa thượng Thích Trí Quang
- Phần III - Hòa thượng Thích Trí Quang
- 6.Tích truyện Pháp Cú Phần mở đầu
- Phẩm I: Song Yếu
- Phẩm II: Không Phóng Dật
- Phẩm III: Tâm
- Phẩm IV: Hoa
- Phẩm V: Ngu
- Phẩm VI: Hiền Trí
- Phẩm VII: A La Hán
- Phẩm VIII: Ngàn
- Phẩm IX: Ác
- Phẩm X: Hình Phạt
- Phẩm XI: Già
- Phẩm XII: Tự Ngã
- Phẩm XIII: Thế Gian
- Phẩm XIV: Phật
- Phẩm XV: Hạnh phúc
- Phẩm XVI: Hỷ ái
- Phẩm XVII: Sân hận
- Phẩm XVIII: Cấu uế
- Phẩm XIX: Công bình pháp trụ
- Phẩm XX: Đạo
- Phẩm XXI: Tạp lục
- Phẩm XXII: Địa ngục
- Phẩm XXIII: Voi
- Phẩm XXIV: Tham ái
- Phẩm XXV: Tỳ kheo
- Phẩm XXVI: Bà la môn
- 7. Trích giảng Kinh Pháp Cú Bài giảng về Kinh Pháp Cú
- Nếp sống đạo hạnh và trí tuệ trong Kinh Pháp Cú
- Trích giảng kinh pháp cú - Thích Thanh Từ
- An lạc - Khát vọng của mọi hành trình. - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Ðức Bổn Sư - Hình ảnh của lòng kiên định - Tịnh Minh Đặng Ngọc Chức
- Tinh cần giữa phóng dật
- Biết đủ thì an lành
- Hãy để tâm bình yên - Tỳ kheo Na Tiên
- Ðoạn diệt để giải thoát
- Ðạo đức Phật giáo qua kinh Pháp Cú. - Thích nữ Giới Toàn
- Nghiên cứu so sánh văn bản kinh Pháp Cú chữ Hán và chữ Pàli - Thích nữ Nguyệt Chiếu
- Giá trị thẩm mỹ trong kinh Pháp Cú - Thích Huệ Quang
- Kệ ngôn kinh Pháp Cú số 295
Kinh Pháp Cú
7. Trích giảng Kinh Pháp Cú
Bài giảng về Kinh Pháp Cú)
Bài giảng này được HT Thích Minh Châu, giảng nhân dịp lễ Phật Đản 2521, tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, ngày 2-6-1977.
Hôm nay là ngày Lễ Phật Đản 2521, ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh ra đời, và theo truyền thống Nam Tông cũng là ngày kỷ niệm ngày Ngài giác ngộ và nhập Niết Bàn, các Phật tử năm châu đều vui mừng và hân hoan, đón mừng ngày Đại Lễ này và Phật tử Việt Nam chúng ta cũng chung niềm hân hoan ấy để đón mừng Đại Lễ. Có người đón mừng với Đại Lễ, có người đón mừng với khóa kinh cầu nguyện, có người đón mừng với tâm hoan hỷ cúng dường. Phần chúng tôi đón mừng Đại lễ với công đức phiên dịch hai bộ kinh: Kinh Tăng Chi Bộ Kinh tập III và Kinh Pháp Cú (Dhammapada) trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya).
Và cũng với mục đích cúng dường Pháp trong dịp Đại Lễ Phật Đản năm nay, chúng tôi lựa chọn bản dịch Kinh Pháp Cú để trình bày nội dung và giới thiệu cùng quý vị và các Phật Tử, một bản kinh Pàli, có thể nói được dịch ra cùng nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, một bản kinh được các vị Sa Di các nước theo Phật Giáo Nam Tông học thuộc lòng khi bước chân vào đời sống tu hành, một bài kinh có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật.
Bộ Dhammapada tức là Pháp Cú gồm có 423 bài kệ (gàthà), chia thành 26 phẩm hay vagga, mỗi phẩm đặt trọng tâm vào một đề tài chính, như "Phẩm về Tâm" quy tụ các câu kệ nói về Tâm, "Phẩm Không Phóng Dật" quy tụ các bài kệ nói về "Hạnh không phóng dật".
Giá trị chính của Bộ Kinh Pháp Cú là ở chỗ kinh này chứa đựng một cách gọn ghẽ và đầy đủ giáo lý nguyên thủy của Đạo Phật, và những giáo lý này được trình bày dưới hình thức các bài kệ đơn giản và súc tích gồm phần lớn là 4 câu, thỉnh thoảng lên đến 6 câu và mỗi câu gồm có 8 âm đồng đều.
Hơn nữa, trong Tập Pháp Cú này, Đức Phật dùng phương pháp định nghĩa và các ví dụ để trình bày giáo lý của mình, và chúng ta có thể nói Ngài vận dụng rất thành công hai phương pháp này, như đoạn sau sẽ nêu rõ.
Trước hết, Kinh Pháp Cú gồm có một số bài kệ có tính cách cách ngôn, diễn tả một số nhận xét chung về cuộc đời, về con người, không mang màu sắc tôn giáo, không có phân biệt quốc gia chủng tộc.
Ở đời, thật khó tránh khỏi bị chê như bài kệ khéo diễn tả:
"A-tu- la nên biết
Xưa vậy, nay cũng vậy:
Ngồi im, bị người chê,
Nói nhiều, bị người chê,
Nói vừa phải, bị chê.
Làm người không bị chê,
Thật khó tìm ở đời." (Pháp Cú 227)
Và tiếp theo, cùng một dòng tư tưởng:
"Xưa, vị lai, và nay,
Đâu có sự kiện này:
Người hoàn toàn bị chê,
Người trọn vẹn được khen." (Pháp Cú 228)
Nhìn thái độ của loài người đối với hận thù, Đức Phật đưa ra nhận xét:
"Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được,
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu." (Pháp Cú 5)
Rồi với lòng từ mẫn thương xót chúng sanh, Ngài thấy rõ chúng sanh ít người bỏ ác làm lành, ít người hướng tìm giải thoát:
"Ít người giữa nhân loại,
Đến được bờ bên kia. [1]
Còn số người còn lại
Xuôi ngược chạy bờ này." (Pháp Cú 85)
Tuy vậy, với lòng tin tưởng ở khả năng hướng thượng của con người, Đức Phật nói đến hoa sen nở trên đống rác bụi đời:
"Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ giữa đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người." (Pháp Cú 58)
Cái nhìn của Đức Phật bao giờ cũng là cái nhìn hướng thượng, cái nhìn đến tiềm lực hiền thiện của con người khi Ngài nhìn thấy được hoa sen nở trên đống rác bụi đời.
Tuy vậy, Ngài không bao giờ tránh né những hiện trạng đè nén trên kiếp sống con người, và đã là người thời làm sao tránh khỏi già, tránh khỏi bệnh, tránh khỏi chết. Như các câu kệ sau đây khéo diễn tả cảnh già, cảnh bệnh, cảnh chết làm bối cảnh cho đời sống con người:
"Như trái bầu mùa thu,
Bị vất bỏ quăng đi,
Nhóm xương trắng bồ câu,
Thấy chúng có vui gì?" (Pháp Cú 149)
Hay:
"Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Đường trường thiếu tư lương." (Pháp Cú 235)
Hoặc:
"Với gậy người chăn bò
Lùa bò ra bãi cỏ,
Cũng vậy, già và chết
Lùa người đến mạng chung." (Pháp Cú 135)
Khi nói đến con người bị già, bị bệnh, bị chết Ngài phân tích con người gồm có thân và tâm, hai thành phần này đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Và Ngài phân tích tính chất của thân và khả năng của thân:
"Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng." (Pháp Cú 41)
Tuy vậy, thân này không phải hoàn toàn vô dụng và đối với người có trí, thân sanh tử có thể làm được biết bao việc tốt:
"Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được làm,
Cũng vậy thân sanh tử,
Làm được nhiều thiện sự." (Pháp Cú 53)
Và những ai biết quán thân như bọt nước, như huyễn cảnh, cũng có thể nhờ thân này được giác ngộ giải thoát. Đây là một chứng minh nữa về cái nhìn của Đức Phật đến tiềm lực hướng thượng của con người:
"Biết thân như bọt nước,
Ngộ thân là như huyễn,
Bẻ tên hoa của ma,
Vượt tầm mắt thần chết." (Pháp Cú 46)
Gắn liền với thân là tâm ; và tâm là một cái gì khó nắm giữ, hay khinh động, hoảng hốt, khó hộ trì, khó nhiếp:
"Tâm hoảng hốt giao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên." (Pháp Cú 33)
Hay:
"Khó nắm giữ khinh động,
Theo các dục, quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến." (Pháp Cú 35)
Như vậy, chúng ta thấy rõ, tâm dẫn đầu các Pháp, tâm là tối thượng, tâm tạo tác ra thiện ác, đúng như hai bài kệ sau đây đã khéo diễn tả:
"Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo." (Pháp Cú 1)
Hay:
"Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình." (Pháp Cú 2)
Sau khi nhận xét về thân tâm con người, những yếu điểm cũng như những ưu điểm thân phận con người, sau khi so sánh về kinh nghiệm bản thân, tự mình tìm nguyên nhân sanh tử, tự mình tìm được con đường giải thoát cho mình và tất cả chúng sanh, bỗng nhiên Đức Phật thốt lên những lời cảm hứng như sau, những lời nói đầu tiên của Ngài sau khi Ngài giác ngộ:
"Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh." (Pháp Cú 153)
Hay:
"Ôi người làm nhà kia [2]
Nay ta đã thấy ngươi!
Ngươi không làm nhà nữa!
Đòn tay [3] ngươi bị gãy,
Kèo cột [4] ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong!" (Pháp Cú 154)
Và rồi Ngài nói lên một cách tóm tắt, nhưng hết sức chính xác và cô đọng, hướng đi chung cho con người, một bài kệ mà thường thường người đời cho là một câu đạo đức, khuyên bỏ ác làm lành, nhưng thật sự là một thái độ rất dứt khoát giữa thiện và ác, một sự lựa chọn giữa đêm đen tượng trưng cho bất thiện, và trời sáng tượng trưng cho thiện pháp, và cũng là một con đường hướng thiện, một con đường độc đạo, (eko maggo), một phương pháp tu thân, đưa đến tự tâm chói sáng:
"Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy." (Pháp Cú 183)
Bài kệ tiếp nói rõ hơn con đường ấy, với một vài chi tiết:
"Không phỉ báng phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh.
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy." (Pháp Cú 185)
Chúng ta có thể nói, lời dạy đầu tiên của Đức Phật là chớ có làm điều ác, hay nói một cách chính xác hơn, người Phật tử là người đã lựa chọn giữa thiện và ác, nhất định phải rời địa bàn của người ác và bước vào địa bàn của người thiện.
Đối với Ác, đối với bất thiện, cần có một nhhận định dứt khoát:
"Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhớp kẻ thí,
Ác pháp là vết nhơ,
Đời này và đời sau." (Pháp Cú 242)
Hay:
"Tốt hơn nuốt hòn sắt,
Cháy đỏ như than hồng,
Hơn ác giới buông lung,
Ăn đồ ăn quốc độ." (Pháp Cú 308)
Và sau đây, là những kết quả đang chờ đợi người làm ác, không thể nào tránh được:
"Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm." (Pháp Cú 138)
Hay:
"Hoặc tai họa từ vua,
Hay bị vu trọng tội,
Bà con phải ly tán,
Tài sản bị nát tan." (Pháp Cú 139)
Hoặc:
"Hoặc phòng ốc nhà cửa,
Bị hỏa tai thiêu đốt,
Khi thân hoại mạng chung
Ác tuệ sanh địa ngục." (Pháp Cú 140)
Đối với các cư sĩ tại gia, Đức Phật nói lên tai hại đối với ai phá năm giới căn bản của người đệ tử tại gia:
"Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người." (Pháp Cú 246)
Hay:
"Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình." (Pháp Cú 247)
Và Đức Phật không quên nhắc nhở các vị Sa môn xuất gia, phải biết tôn trọng áo cà sa và gìn giữ giới hạnh:
"Nhiều người khoác cà sa,
Ác hạnh không nhiếp phục,
Người ác, do ác hạnh,
Phải sanh cõi Địa ngục." (Pháp Cú 307)
"Như cỏ sa [5] vụng nắm,
Tất bị họa đứt tay,
Hạnh Sa môn tà vạy,
Tất bị đọa địa ngục." (Pháp Cú 311)
Lời khuyên thời thật dễ dàng, nhưng loài người đâu có dễ dàng phục thiện. Vì con người, đã lâu đời lâu kiếp bị những phiền não căn bản nhiếp phục chi phối, như bài kệ sau đây than trách:
"Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái!" (Pháp Cú 251)
Và khi đã nói đến ái, nhất là ái dục, thời thật là cả một đề tài muôn điệu, mà đã là con người, thật khó mà thoát ly. Và vì vậy, thật không gì lạ, nếu Đức Phật đã dành nhiều câu kệ cho ái dục:
"Ái luyến sinh sầu ưu,
Ái luyến sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi luyến ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?" (Pháp Cú 213)
Và:
"Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như dây leo.
Nhảy đời này đời khác,
Như vượn tham quả rừng." (Pháp Cú 334)
Hay:
"Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại, vẫn mọc,
Ái tuỳ miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài." (Pháp Cú 338)
"Khi nào chưa cắt tiệt,
Ái dục của gái trai,
Tâm ý vẫn buộc ràng,
Như bò con vú mẹ." (Pháp Cú 284)
Hoặc:
"Dầu mưa bằng tiền vàng,
Các dục khó thỏa mãn,
Dục đắng nhiều, ngọt ít,
Biết vậy là bậc Trí." (Pháp Cú 186)
"Dòng ái dục chảy khắp,
Như giây leo mọc tràn,
Thấy giây leo vừa sanh,
Với tuệ, hãy đoạn gốc." (Pháp Cú 340)
Hoặc:
"Chớ gần gũi người yêu,
Trọn đời xa kẻ ghét,
Yêu không gặp là khổ.
Oán phải gặp cũng đau." (Pháp Cú 210)
Tuy ái dục chinh phục con người như vậy, ràng buộc con người như vậy, nhưng với người có trí, với người có nghị lực, vẫn có thể đối trị được dục ái và có thể được giải thoát:
"Người đắm say ái dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ không màng." (Pháp Cú 347)
Dù ái dục trói buộc con người nặng nề chặt chẽ như vậy, nhưng con người vẫn có thể thoát ly ái dục, nếu con người có ý chí, có nghị lực:
"Ai sống trong đời này,
Ái dục được hàng phục.
Sầu rơi khỏi người ấy,
Như giọt nước lá sen." (Pháp Cú 336)
Ở đây, một lần nữa cái nhìn con người hướng thượng của Đức Phật được chứng minh cụ thể. Ái dục tuy là nguyên nhân của đau khổ, là nguồn gốc của sanh tử luân hồi, nhưng vô minh luôn luôn giữ vai trò chủ chốt:
"Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh, nhơ tối thượng.
Đoạn nhơ ấy, tỷ kheo,
Thành bậc không uế nhiễm!" (Pháp Cú 243)
Hay:
"Không chân, tưởng chân thật,
Chân thật, thấy không chân:
Chúng không đạt chân thật,
Do tà tư tà hạnh." (Pháp Cú 11)
Với hai bài kệ trên, chúng ta đã thấy vai trò chủ yếu của Vô minh và Tà kiến trong các nguồn gốc phát sanh các hành vi bất thiện. Và như vậy chúng ta cũng không lạ gì khi Đức Phật khuyên chúng ta không nên tu khổ hạnh, không nên chuyên lo tế tự, vì những hành động này không dẫn chúng ta đến giác ngộ giải thoát:
"Không phải sống lõa thể,
Bện tóc, tro trét mình,
Tuyệt thực, lăn trên đất,
Sống nhớp, siêng ngồi xổm,
Làm con người được sạch,
Nếu không trừ nghi hoặc." (Pháp Cú 141)
Hay:
"Suốt năm cúng tế vật,
Để cầu phước ở đời,
Không bằng một phần tư,
Kính lễ bậc chính trực." (Pháp Cú 108)
Hoặc:
"Dầu trải một trăm năm,
Thờ lửa tại rừng sâu,
Chẳng bằng trong giây lát
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự." (Pháp Cú 107)
Khuyên tránh xa khổ hạnh, tế tự, tuyệt thực, Đức Phật hướng dẫn chúng ta ý thức được sự quan trọng của nghiệp tức là hành động của mình làm, vì chỉ có hành động mới là quan trọng, mới là chủ yếu, như bài kệ sau đây nêu rõ:
"Tự mình, điều ác làm,
Tự mình, làm nhiễm ô.
Tự mình, ác không làm,
Tự mình, làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình.
Không ai thanh tịnh ai!" (Pháp Cú 165)
Nói suông không đủ, lời nói phải được việc làm đi theo mới mong có kết quả:
"Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc, nhưng không hương.
Cũng vậy, lời khéo nói,
Không làm, không kết quả." (Pháp Cú 51)
Hay:
"Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc, lại thêm hương.
Cũng vậy, lời khéo nói,
Có làm, có kết quả." (Pháp Cú 52)
Và đối với người xuất gia cũng vậy, thuyết pháp suông không đủ:
"Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật,
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh." (Pháp Cú 19)
Như vậy, chỉ có hành động, chỉ có nghiệp là quan trọng, vì chính nghiệp mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người và người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp, và khi nghiệp đã làm rồi, thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp:
"Không trên trời giữa biển.
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp." (Pháp Cú 127)
Hay:
"Điều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương, ngọc báu." (Pháp Cú 161)
Do vậy, con đường duy nhất là bỏ ác, tránh xa điều ác, và chớ có khinh thường ác nhỏ!
"Ít bạn đường, nhiều tiền,
Người luôn tránh đường hiểm.
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy." (Pháp Cú 123)
"Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng: 'chưa đến mình'
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác.
Do chất chứa dần dần." (Pháp Cú 121)
Và người đã làm ác, thời chờ đợi là buồn khổ, sầu muộn và than khóc:
"Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm." (Pháp Cú 15)
Hay:
"Nay than, đời sau than,
Kẻ ác hai đời than,
Nó than: 'Ta làm ác!'
Đọa cõi dữ, than hơn." (Pháp Cú 17)
Và do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta hãy gấp làm điều lành, bỏ điều ác:
"Hãy gấp làm điều lành,
Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành
Ý ưa thích việc ác." (Pháp Cú 116)
Bao giờ cũng vậy, lời khuyên của Đức Phật là lời khuyên của các bậc cha lành (từ phụ) muốn con cháu làm lành tránh ác, và tin tưởng rằng con cháu mình có thể làm được khi đã chấp nhận lý thuyết nghiệp báo, khi đã phân biệt được thiện và ác khi đã cương quyết tránh xa không làm điều ác, thời chúng ta phải bước thêm một bước nữa. Tránh điều ác chưa đủ, cần phải làm điều lành, cần phải hành động lành!
"Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng: 'Chưa đến mình',
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần." (Pháp Cú 122)
Và khi đã làm lành, đã hành động thiện, thời chờ đợi là quả lành chochúng ta:
"Khách lâu ngày ly hương,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng." (Pháp Cú 219)
Hay:
"Cũng vậy các phước nghiệp,
Đón chào người làm lành,
Đời này đến đời sau,
Như thân nhân, đón chào." (Pháp Cú 220)
Và khi đã làm lành, đã tạo các nghiệp hiền thiện, Ta có quyền thốt lên nỗi niềm sung sướng an vui sau đây:
"Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui !
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm." (Pháp Cú 16)
Hay:
"Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Nó sướng: 'Ta làm thiện',
Sanh cõi lành, sướng hơn." (Pháp Cú 18)
Và muốn cho niềm an vui tồn tại lâu dài, muốn nuôi dưỡng thiện nghiệp, người Phật tử cần hướng thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp về các việc lành:
"Bậc trí bảo vệ thân
Bảo vệ luôn lời nói,
Bảo vệ cả tâm tư,
Ba nghiệp khéo bảo vệ." (Pháp Cú 234)
Hay:
"Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo Thánh nhân dạy." (Pháp Cú 281)
Sau khi đã chỉ dạy lý thuyết về hành động và nêu rõ con người làm chủ nghiệp của mình và chịu kết quả các hành vi thiện ác của mình, Đức Phật muốn cho con người ý thức rõ rệt bằng con người thật sự hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, nên Ngài tuyên bố rõ ràng Ngài chỉ là Đạo Sư dẫn đường chỉ lối, không thể cứu rỗi hoặc làm thay cho ai, và con người phải tự chủ lấy mình, tự mình đi trên con đường giải thoát:
"Nếu ngươi theo đường này,
Đau khổ được đoạn tận,
Ta dạy ngươi con đường.
Với trí, gai chướng diệt." (Pháp Cú 275)
Hay:
"Ngươi hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy,
Người hành trì thiền định,
Thoát trói buộc Ác Ma." (Pháp Cú 276)
Và do vậy con người phải tự nương tựa mình, tự mình thắp đước lên mà đi:
"Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác,
Nhờ khéo điều phục mình,
Được y chỉ khó được." (Pháp Cú 160)
Hay:
"Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình.
Vậy hãy tự điều phục.
Như khách buôn ngựa hiền." (Pháp Cú 380)
Và không có gì khó khăn hơn người biết tự điều phục:
"Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay tự điều phục." (Pháp Cú 159)
Hay:
"Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên
Người thợ mộc uốn ván.
Bậc tư điều, điều thân." (Pháp Cú 145)
Chỉ có người biết tự điều, mới tự mình xây dựng lên hòn đảo, nước lụt không có thể ngập tràn:
"Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự,
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn." (Pháp Cú 25)
Hay:
"Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt,
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già." (Pháp Cú 238)
Và khi tự mình đã xây dựng nổi hòn đảo, tự mình chiến thắng mình, Đức Phật không tiếc lời tán thán một người tự chiến thắng như vậy:
"Dầu Thiên Thần, Thát Bà,
Dầu Ma với Phạm Thiên,
Không ai chiến thắng nổi,
Người tự thắng như vậy." (Pháp Cú 105)
Hay:
"Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn.
Thật chiến thắng tối thượng." (Pháp Cú 103)
Con đường đạo đã mở rộng thênh thang. Các pháp môn đã được giảng dạy, và con người tiến dần trên lộ trình giải thoát giác ngộ, đã thấy rõ hành lộ nào cần phải dấn bước, giáo lý nào cần phải học hỏi, pháp môn nào cần phải hành trì:
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che." (Pháp Cú 173)
Hay:
"Lấy không giận, thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy." (Pháp Cú 320)
Con đường tu hành một khi đã mở rộng thời hạnh tu được trình bày dưới nhiều hình thức, dưới nhiều sắc thái:
"Ai chận được phẫn nộ
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ." (Pháp Cú 222)
Đây là hạnh nhẫn nhục được tán dương:
"Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi.
Chịu đựng mọi phỉ báng,
Ác giới rất nhiều người." (Pháp Cú 320)
Hiếu kính cha mẹ, cũng được tán thán:
"Vui thay, hiếu kính mẹ,
Vui thay, hiếu kính cha.
Vui thay, kính Sa-môn
Vui thay, kính Hiền Thánh." (Pháp Cú 332)
Hạnh không phóng dật được đề cập đến rất nhiều, vì có hạnh không phóng dật, mới có thể bảo vệ tự thân, mới siêng năng tinh cần, mới có thể dấn thân trên con đường giải thoát:
"Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che." (Pháp Cú 172)
Hay:
"Hãy vui không phóng dật,
Khéo phòng hộ tâm ý.
Kéo mình khỏi ác đạo,
Như voi bị sa lầy." (Pháp Cú 327)
Và với một số bài kệ liên tiếp, Ngài trực tiếp nhắn nhủ các đệ tử Gotama, tức là các đệ tử của Ngài, những lời dạy thiết thực, đi đến tâm, thay đổi hẳn đời sống thường nhật bên ngoài, một khi mình ý thức được mình là đệ tử của Đức Phật, tức là mình phải nghe những lời dạy của vị Bổn sư của mình, để tự sửa mình, để tự xứng đáng là đệ tử của một bậc giác ngộ, giải thoát:
"Đệ tử Gotama!
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại." (Pháp Cú 300)
Hay:
"Đệ tử Gotama!
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường niệm tưởng sắc thân." (Pháp Cú 295)
Hay:
"Đệ tử Gotama!
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Phật Đà!" (Pháp Cú 296)
Hoặc:
"Đệ tử Gotama!
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Chánh Pháp." (Pháp Cú 297)
Hoặc:
"Đệ tử Gotama!
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Tăng già." (Pháp Cú 298)
Hoặc:
"Đệ tử Gotama!
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán!" (Pháp Cú 301)
Các hạnh tu thật rất nhiều, các pháp môn rất là khác biệt, nhưng không một hạnh tu và pháp môn nào ra khỏi Giới Định Tuệ, hướng đi tuần tự duy nhất đưa đến giải thoát, hạnh tu liên hệ hổ tương đưa đến giác ngộ:
"Sáng sáng thẩm xét kỹ,
Bậc có trí tán thán,
Bậc trí không tỳ vết,
Đầy đủ Giới Định Tuệ." (Pháp Cú 229)
Trước hết, nói về Giới và Định song tu!
"Dầu sống một trăm năm,
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định." (Pháp Cú 110)
Hay:
"Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn,
Bậc trí hưởng Niết Bàn.
Ách an tịnh, vô thượng." (Pháp Cú 23)
Từ định, người tu tiến dần đến trí tuệ:
"Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục.
Đệ tử bậc Chánh giác,
Sáng ngời với Tuệ Trí." (Pháp Cú 59)
Hay:
"Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như cảnh huyễn,
Quán nhìn đời như vậy,
Thần chết không bắt gặp." (Pháp Cú 170)
Nhưng thật sự, thiền định và trí tuệ không bao giờ rời nhau:
"Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền, có tuệ,
Nhất định gần Niết Bàn." (Pháp Cú 372)
Hay:
"Tu thiền trí tuệ sanh,
Bỏ thiền, trí tuệ diệt;
Biết còn đường hai ngả,
Đưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng." (Pháp Cú 282)
Hoặc:
"Ai sống một trăm năm
Ác tuệ, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định!" (Pháp Cú 111)
Và con đường Giới Định Tuệ cuối cùng cũng dẫn khách lữ hành dấn thân trên đạo lộ giải thoát, tiến dần đến Niết bàn, đích cứu cánh của mọi con đường, một trạng thái an lành giải thoát chờ đợi người lữ hành:
"Hãy cầu vui Niết Bàn,
Bỏ dục không sở hữu,
Kẻ trí tự rửa sạch,
Cấu uế từ nội tâm." (Pháp Cú 88)
Hay:
"Những người thường giác tỉnh,
Ngày đêm siêng tu học,
Chuyên tâm hướng Niết Bàn,
Mọi lậu hoặc được tiêu." (Pháp Cú 226)
Hoặc:
"Đói ăn, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng.
Hiểu như thực là vậy,
Niết Bàn, lạc tối thượng." (Pháp Cú 203)
Hoặc:
"Không bệnh, lợi tối thượng!
Biết đủ, tiền tối thượng!
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng.
Niết Bàn, là tối thượng." (Pháp Cú 204)
Chúng ta đã được Đức Phật khuyên nên bỏ ác làm lành, nên tin ở hành động và tự nhận mình là chủ nhân của nghiệp. Ngài lại dạy cho chúng ta, con đường Giới Định Tuệ đưa đến Niết Bàn, mục đích cuối cùng của sự tu hành giải thoát. Nhưng Đức Phật cũng không quên nhấn mạnh vào một vài đặc điểm của đạo Phật, sự sai khác giữa người trí và người ngu, giá trị của Chánh pháp do đức Phật tuyên thuyết, và sự sung sướng của những vị đã thấm nhuần diệu pháp! Đạo Phật là đạo đối trị với vô minh tức là đối trị với kẻ ngu, nên tập Pháp Cú này để dành trọn một phẩm để đề cập đến hạng người này.
Trước hết, người ngu là người chịu đau khổ nhiều nhất, chịu luân hồi sanh tử dài nhất:
"Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu
Không biết chơn diệu pháp." (Pháp Cú 60)
Hay:
"Người ngu nghĩ là ngọt
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,.
Người ngu chịu khổ đau." (Pháp Cú 69)
Hoặc:
"Nghiệp ác đã được làm,
Như sữa chưa đông ngay.
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy." (Pháp Cú 71)
Vì là ngu si thiếu trí, người ngu có những hành vi sai trái, những tham muốn không tốt đẹp nhất là về ăn uống:
"Người ưa ngủ, ăn lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi." (Pháp Cú 325)
Tiếp đến là người ngu tham giàu sang:
"Tài sản hại người ngu,
Không người tìm, bờ kia.
Kẻ ngu vì tham giàu,
Hại mình và hại người." (Pháp Cú 355)
Đến khi danh lợi đến với kẻ ngu, thật là đại bất hạnh cho kẻ vô trí ấy, vì kẻ ngu tham danh nhiều chừng nào càng gặp nhiều nguy hiểm:
"Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu
Vận may bị tổn hại,
Đầu nó bị nát tan!" (Pháp Cú 72)
Vì là ngu si vô trí, không biết phân biệt chánh, tà, chơn, ngụy, nên kẻ ngu hay lựa chọn những pháp môn sai lầm để hành trì, và thật sự không gì lạ nếu kẻ ngu thường chọn các khổ hạnh để tu trì:
"Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê.
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông." (Pháp Cú 394)
Chính kẻ ngu, vì ngu si miệt thị giáo pháp bậc A La Hán, và do vậy chịu sự hoại diệt:
"Kẻ ngu si miệt thị,
Giáo pháp bậc La Hán,
Bậc Thánh, bậc Chánh mạng.
Chính do ác kiến này,
Như quả loại cây lau,
Mang quả tự hoại diệt." (Pháp Cú 164)
Và cũng vì ngu si, kẻ vô trí làm hại các người hiền thiện và hại người không đến đâu, trở lại mình bị hại, như ngược gió tung bụi:
"Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi!" (Pháp Cú 125)
Kẻ ngu si, vì thiếu hiểu biết, nên đã biến tự ngã thành kẻ thù với chính mình:
"Người ngu si, thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay." (Pháp Cú 66)
Và cũng vì không hiểu tự ngã, kẻ ngu càng chất chứa sự ưu não lên tự thân:
"Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não.
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?" (Pháp Cú 62)
Và thật không gì nguy hiểm bằng, khi người ngu tưởng rằng mình có trí:
"Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu!" (Pháp Cú 63)
Và cũng vì ngu si, nên dầu có sống trọn đời với kẻ trí, người ngu cũng không san sẻ được kết quả tốt lành khi thân cận kẻ trí:
"Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh." (Pháp Cú 64)
Và chúng ta không lấy làm lạ, khi Đức Phật khuyên chúng ta nên sống một mình cô độc, còn hơn là bạn với kẻ ngu:
"Tốt hơn sống một mình,
Không người ngu kết bạn,
Độc thân không ác hạnh,
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi." (Pháp Cú 330)
Hay:
"Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bạn bè kẻ ngu." (Pháp Cú 61)
Đối diện với kẻ ngu là bậc trí và cả một phẩm để dành nói đến bậc trí (Pandita) trong bộ Kinh Pháp Cú, và chúng ta sẽ thấy thật không dễ gì được gặp bậc hiền trí, và chỗ nào bậc hiền trí sanh, chỗ ấy được an lạc:
"Khó gặp bậc Thánh nhân,
Không phải đâu cũng có.
Chỗ nào bậc trí sanh,
Gia đình tất an lạc." (Pháp Cú 193)
Người trí được ví như con ngựa phi nước đại, bỏ sau con ngựa yếu hèn kém để nêu rõ hạnh tinh cần của người trí giữa các người phóng dật, và sự tỉnh thức của người trí giữa quần mê:
"Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê.
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn." (Pháp Cú 29)
Kẻ trí thấy rõ cần phải nhiếp phục tự thân:
"Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân." (Pháp Cú 80)
Và sau đây là hạnh của người trí giữa khen chê ở đời:
"Như tảng đá kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy giữa khen chê,
Người trí không giao động." (Pháp Cú 81)
Nói cho rõ hơn, người trí có một lựa chọn dứt khoát giữa thiện và bất thiện:
"Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng,
Bỏ nhà sống không nhà
Sống viễn ly, khó lạc." (Pháp Cú 87)
Và đứng trước lạc khổ ở đời, người hiền trí không cảm thấy vui buồn:
"Người hiền bỏ tất cả,
Người lành không bàn dục,
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không vui buồn." (Pháp Cú 83)
Và người trí chỉ giáo hoá người khác, khi tự mình đã có một vị trí thích đáng:
"Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng,
Sau mới giáo hoá người,
Người trí khỏi bị nhiễm." (Pháp Cú 158)
Sau đây là một hình ảnh thật linh động, thật tuyệt diệu diễn tả người trí thắng ma quân như con chim thiên nga bay liệng giữa hư không:
"Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời,
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này." (Pháp Cú 175)
Người trí đã sáng suốt, đã có hạnh tuyệt diệu như vậy, nên Đức Phật khuyên chúng ta nên thân cận kẻ trí hơn bạn bè kẻ ngu:
"Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân." (Pháp Cú 78)
Hay:
"Không gặp bạn hiền trí,
Đáng sống chung hạnh lành
Như vua bỏ nước bại;
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi." (Pháp Cú 329)
Do vậy:
"Bậc hiền sĩ, trí tuệ,
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, thánh nhân.
Hãy gần gũi, thân cận,
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao." (Pháp Cú 208)
Vì người trí:
"Người trí, dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi nếm vị canh." (Pháp Cú 65)
Và muốn cho chúng ta có một nhận xét và một phân biệt rõ ràng giữa người trí và người ngu, Đức Phật đã dùng một số bài kệ trong Kinh Pháp Cú để chúng ta thấy rõ ràng giữa người trí và người ngu:
"Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Đời sau, được hưởng lạc." (Pháp Cú 177)
Một bên sống phóng túng, một bên sống không phóng dật:
"Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống dời phóng dật,
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý." (Pháp Cú 26)
Kẻ trí và người ngu nhìn đời có khác nhau:
"Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say." (Pháp Cú 171)
Do vậy chung sống với người ngu, chung sống với người trí là cả một sự mâu thuẩn thái cực.
"Chung sống với người ngu,
Lâu dài bị lo buồn,
Khổ thay gần người ngu,
Như thường sống kẻ thù,
Vui thay gần người trí,
Như chung sống bà con." (Pháp Cú 207)
Và vì hai nếp sống khác nhau như vậy, nên bậc hiền trí có cái nhìn rất đặc biệt, rất sai khác đối với kẻ ngu si vô trí.
"Người trí dẹp phóng dật.
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ.
Không sầu nhìn khổ sầu.
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng." (Pháp Cú 28)
Người muốn đi trên con đường giác ngộ giải thoát, cần phải học hỏi tìm Chánh Pháp và như vậy chánh pháp giữ một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm hướng dẫn quần sanh. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Đức Phật trong kinh Đại Bát Niết Bàn:
--"Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa người khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ tựa."
Và do vậy đức Phật đã dùng rất nhiều câu kệ để tán thán Diệu Pháp:
"Những ai hành trì Pháp,
Theo chánh pháp khó dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát." (Pháp Cú 86)
Hay:
"Vị tỷ kheo thích Pháp,
Mến Pháp suy tư Pháp,
Tâm tư niệm chánh pháp,
Sẽ không rời Chánh pháp." (Pháp Cú 364)
Hoặc:
"Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng không khuấy đục,
Cũng vậy, nghe Chánh Pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc." (Pháp Cú 82)
Chánh pháp là con đường hướng dẫn người tu hành. Đây là những giáo lý căn bản của đạo Phật đưọc tóm tắt gọn ghẽ sau đây:
"Tám ngành, đường thù thắng,
Bốn câu, lý thù thắng,
Ly tham, pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng." (Pháp Cú 273)
Hay:
"Đường này, không đường khác,
Đưa đến kiếp thanh tịnh.
Nếu người theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn." (Pháp Cú 274)
Và tiếp theo là một số câu kệ tán thán lợi ích nghe được Chánh pháp:
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy Pháp tối thượng,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được Pháp tối thượng." (Pháp Cú 115)
Hay:
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử.
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử." (Pháp Cú 114)
Hay:
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt." (Pháp Cú 113)
Hoặc:
Dầu nói ngàn ngàn lời
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong được tịnh lạc." (Pháp Cú 101)
Và cũng để nhắc nhở các đệ tử chớ có quên hành trì Pháp, vì Pháp là để hành trì chớ không phải để nói suông, với bài kệ sau này, đức Phật cảnh giác chúng ta:
"Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì Pháp.
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng Pháp.
Không phóng túng Chánh pháp.
Mới xứng danh trì Pháp." (Pháp Cú 259)
Và cuối cùng là một lời tán thán pháp để kết thúc đoạn tán dương Chánh pháp:
"Pháp thí, thắng mọi thí,
Pháp vị, thắng mọi vị,
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ,
Ái diệt, thắng mọi khổ." (Pháp Cú 354)
Câu kệ này cũng nói lên ý niệm lạc quan yêu đời của đạo Phật, một Đạo vẫn luôn luôn bị hiểu lầm là chán đời và yếm thế. Vì làm sao người Phật tử có thể chán đời, ghét đời được khi được Chánh Pháp đem lại cho pháp hỷ, như đã được khéo diễn tả trong bài kệ sau đây:
"Vui thay, già có giới!
Vui thay, tín an trú!
Vui thay, được trí tuệ!
Vui thay, ác không làm!" (Pháp Cú 333)
Hay:
"Vui thay, bạn lúc cần,
Vui thay, sống biết đủ!
Vui thay, chết có đức!
Vui thay, mọi khổ đoạn!" (Pháp Cú 331)
Hoặc:
"Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!" (Pháp Cú 197)
Hay:
"Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau!" (Pháp Cú 198)
Hay:
Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng!
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng!" (Pháp Cú 199)
Hoặc:
"Vui thay, chúng ta sống,
Không gì gọi của Ta,
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư Thiên Quang Âm!" (Pháp Cú 200)
Cũng trong Kinh Pháp Cú này, chúng ta được chứng kiến một số phương pháp đức Phật đã dùng để thuyết pháp. Ở đây hai phương pháp được dùng nổi bật nhất, tức là phương pháp định nghĩa và phương pháp dùng các ví dụ.
Khi Đạo Phật ra đời và khi đức Phật bắt đầu thuyết pháp hành đạo, Ngài đã gặp phải một số rất đông các bậc Đạo sư khác, như Lục sư ngoại đạo, rất nhiều đoàn thể giáo phái khác biệt như các du sĩ ngoại đạo, tà mạng ngoại đạo, giáo phái thờ lửa, thờ rắn v.v... Mỗi bậc Đạo sư đều có chúng đệ tử riêng biệt, có giáo lý riêng biệt, có phương pháp tu hành riêng biệt, có đoàn thể riêng biệt, nên một mặt đức Phật dùng những định nghĩa thật chính xác và rõ rệt để nói lên phần giáo lý pháp môn của mình, sai khác với ngoại đạo như thế nào; một mặt khác,đức Phật phải tìm hiểu thật chính xác giáo lý và phương pháp tu hành của các giáo phái ngoại đạo như thế nào, và với những danh từ các ngoại đạo thường dùng, đức Phật đem vào những định nghĩa thật mới mẻ, thật chính xác, phù hợp với lập trường giáo lý và pháp môn của mình.
Đối với danh từ Muni, ẩn sĩ, mà chúng ta thường dùng để g���i đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), đức Phật định nghĩa như sau:
"Từ bỏ các ác pháp,
Mới thật hiểu ẩn sĩ;
Ai thật hiểu hai đời,
Mới được gọi ẩn sĩ." (Pháp Cú 269)
Muni có nghĩa là im lặng, nhưng im lặng như ngu si đâu được gọi là ẩn sĩ. Mâu Ni phải là người có trí, biết đo lường cân nhắc phải trái:
"Im lặng nhưng ngu si.
Đâu được gọi ẩn sĩ!
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành. (268)
Với danh từ Samara dịch âm là Sa-môn, đức Phật giải thích rất rõ ràng:
"Đầu trọc, không Sa môn
Nếu phóng túng, nói láo.
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi Sa môn?" (Pháp Cú 264)
Với đạo Phật, Sa môn phải có nghĩa là làm lắng dịu các ác pháp:
"Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Được gọi là Sa môn." (Pháp Cú 265)
Và chỉ trong một bài kệ, đức Phật đã định nghĩa Phạm Chí, Sa môn và xuất gia:
"Dứt ác gọi Phạm Chí,
Tịnh hạnh gọi Sa môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia." (Pháp Cú 388)
Riêng danh từ Hiền Thánh, dùng để chỉ các bậc đã chứng được bốn đạo, bốn quả, đức Phật có những nhận định rất rõ ràng:
"Còn sát hại sinh linh
Đâu được gọi Hiền Thánh!
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền Thánh!" (Pháp Cú 270)
Hay:
"Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc Trí!
An ổn không oán sợ,
Thật đáng gọi bậc Trí!" (Pháp Cú 258)
Đức Phật dùng cả một phẩm để đề cập đến danh từ Bà-la-môn. Chúng ta đã thấy rõ, đối tượng mạnh mẽ nhất chống đối đức Phật và đạo Phật vẫn là các vị Bà-la-môn. Những vị trí này đã tạo thành một giai cấp thống trị, ngự trị và chi phối trên xã hội Ấn độ, với ba tập Vedà xem như là Thánh kinh, với pháp môn tế tự, xem như là phương pháp độc nhất để loài người chấm dứt đau khổ, và với giai cấp khác phải phục vụ cho giai cấp này. Đức Phật đã khéo thay thế ba tập Vedà với Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, đã bác bỏ pháp môn tế tự với 37 phẩm trợ đạo và chỉ chấp nhận những vị đủ hạnh đức trí đức mới là giai cấp tối thượng. Với những định nghĩa trên, Đức Phật đã đặt lại vị trí giai cấp của Bà-la-môn và dùng cả một phẩm để nói để nói đến hạng người này.
Dưới con mắt đức Phật, Bà-la-môn phải như sau:
"Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thể nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 411)
Hay:
"Như nước trên lá sen.
Như hột cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 401)
Hay:
"Thân thiện giữa thù địch,
Ôn hòa giữa hung hăng,
Không nhiễm giữa, nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 406)
Hoặc:
"Ai quá, hiện, vị lai,
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu, không nắm,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 421)
Hoặc:
"Bỏ trói buộc loài người,
Vượt trói buộc cõi trời,
Giải thoát mọi buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 417)
Hoặc:
"Ta không gọi Phạm chí,
Vì cha sanh, mẹ sanh,
Chỉ được gọi tên suông,
Nếu tâm còn phiền não,
Không phiền não chấp trước,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 396)
Hay:
"Tu thiền, trú ly trần,
Phận sự xong, vô lậu,
Đạt được đích tối thượng,
Ta gọi Bà-la-môn!" (Pháp Cú 386)
Với định nghĩa trên, chúng ta thấy một vị Bà-la-môn nào có khác gì một Phật tử tại gia hay xuất gia đang bước dần trên con đường giải thoát và giác ngộ, sống một nếp sống không khác gì các đệ tử Phật, hành trì các pháp môn không có xa lạ với 37 pháp trợ đạo, và đạt đến những quả vị không sai khác với quả vị bậc Hiền Thánh. Như vậy, pháp môn đức Phật chọn lựa ở đây là một chiến lược định nghĩa, và một khi đối phương đã chấp nhận những định nghĩa này, thời đã có một sự hòa đồng trên mục đích cứu cánh cũng như trên phương pháp hành trì. Vị Bà-la-môn của Bà-la-môn giáo, khi đã chấp nhận định nghĩa của Sa Môn Gotama, đã đương nhiên trở thành những Bà-la-môn Phật tử.
Riêng đối với những danh từ tỷ kheo, đức Phật cũng dùng những danh từ chính xác để loại bỏ những tỷ kheo giả hiệu và để nêu lên các vị tỷ kheo chân chánh:
"Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh Tỷ-kheo." (Pháp Cú 267)
Hay:
"Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định
Độc thân, biết vừa dủ.
Thật xứng gọi Tỷ-kheo!" (Pháp Cú 362)
Hoặc:
"Chỉ khất thực nhờ người,
Đâu phải là Tỷ-kheo!
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ." (Pháp Cú 266)
Và cuối cùng để đề cao các vị A-la-hán và chư Phật Như Lai, đức Phật dùng một số bài kệ diễn tả hình ảnh giải thoát và giác ngộ của các ngài. Hạnh sống của vị A-la-hán được diễn đạt như sau:
"Làng mạc hay rừng núi,
Thung lũng hay đồi cao,
La-hán trú chỗ nào,
Đất ấy thật khả ái." (Pháp Cú 98)
Hay:
"Đích đã đến, không sầu,
Giải thoát ngoài tất cả,
Đoạn trừ mọi buộc ràng,
Vị ấy không nhiệt não." (Pháp Cú 90)
Hay:
"Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy." (Pháp Cú 96)
Hoặc:
"Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc.
Khổ không theo vô sản". (Pháp Cú 221)
Và đối với các đức Phật Như Lai, hình ảnh các ngài được diễn tả thật sáng ngời và thanh thoát:
"Mặt trời sáng ban ngày,
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát lỵ,
Thiền định sáng Phạm chí,
Còn hào quang đức Phật,
Chiếu sáng cả ngày đêm!" (Pháp Cú 387)
Hay:
"Ai giải tỏa lưới tham,
Ái phược hết dắt dẫn,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích!" (Pháp Cú 180)
Một phương pháp nữa, đức Phật dùng rất biệt tài trong tập Pháp cú là sử dụng các ví dụ rất linh động và chính xác.
Trước hết, các ví dụ xác chứng điều đức Phật vừa nói, nhiều khi lại giải thích thêm cho cặn kẽ hơn, và điểm đặc biệt là gợi lên những hình ảnh linh động và chính xác để gợi cảm cho người nghe, và đức Phật thật sự đã thành công trong nghệ thuật dùng ví dụ này. Các ví dụ ngài dùng thật vô cùng phong phú và khác biệt. Riêng Kinh Pháp Cú gồm 423 bài kệ này đã có đến 86 ví dụ, và như vậy là mỗi năm câu kệ là có ít nhất một ví dụ. Và các ví dụ, Ngài dùng vừa phong phú linh động, chính xác và giản dị, vừa trong sáng, hướng thượng, hiền thiện và giải thoát. Tất cả những sắc thái này, những hình ảnh này không những đem lại giá trị văn chương cho tác phẩm kinh Pháp Cú, hơn nữa chính các hình ảnh do các ví dụ xây dựng lên, đã đem lại cho người đọc cũng như cho người nghe những cảm hứng, những cảm giác đột xuất và đột biến, hồn nhiên và trong sáng, thanh thoát và hiền thiện, làm nổi bật giá trị tác phẩm này.
Trước hết là đặc tính xác thực và phong phú của những ví dụ đức Phật dùng. Diễn tả kẻ ưa ngủ, ăn nhiều, nằm lăn lóc qua lại, đức Phật dùng hình ảnh con heo no bụng:
"Người ưa ngủ ăn lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu, nhập thai mãi." (Pháp Cú 325)
Diễn tả ái dục trói buộc người đắm say, đức Phật dùng những ví dụ như cây leo xiết cây Tala, như nhện sa lưới dệt, như thỏ dại sa lưới, như cây chưa chặt đứt rễ, thật là chính xác và thiết thực:
"Phá giới quá trầm trọng
Như cây leo bám cây [6]
Gieo hại cho tự thân,
Như kẻ thù mong ước." (Pháp Cú 162)
Hay:
"Người đắm say ái dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt
Người trí cắt trừ nó
Bỏ mọi khổ không màng." (Pháp Cú 347)
Hoặc:
"Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như cây leo,
Nhảy đời này, đời khác,
Như vượn tham quả rừng." (Pháp Cú 334)
Tả ái dục, dùng hình ảnh cây leo, leo từ cành này qua cành khác, lại dùng hình ảnh con vượn, nhảy từ cây này qua cây khác, thật là quá tuyệt diệu, cả hai hình ảnh cô đọng trong một bài kệ 4 câu, 5 chữ.
"Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Do vậy vị Tỷ kheo,
Mong cầu mình ly tham
Nên nhiếp phục ái dục." (Pháp Cú 343)
Các ví dụ đức Phật dùng, vừa xác thực lại vừa giản dị cô đọng, cho nên các hình ảnh đức Phật dùng thật súc tích, thật gợi cảm. Như nói đến con người dần dần tiến đến già rồi chết, đức Phật ví dụ người chăn bò với cây gậy lùa đàn bò ra bãi cỏ, già và chết lùa người đi đến mạng chung:
"Với gậy người chăn bò,
Lùa bò ra bãi cỏ.
Cũng vậy, già và chết
Lùa người đến mạng chung." (Pháp Cú 135)
Nói đến ác nghiệp người ngu làm, trở lại nghiền nát người ngu, đức Phật dùng một hình ảnh thật là cô đọng nhưng cũng thật táo bạo, hình ảnh ngọc kim cương nghiền nát các loài châu báu:
"Điều ác tự mình làm,
Tự mình sanh , mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si.
Như kim cương, ngọc báu." (Pháp Cú 161)
Trong nhiều ví dụ, chúng ta cũng nhận thấy đức Phật cũng là một nhà nghệ sĩ tài ba, những hình ảnh Ngài dùng có thể làm cho nhiều nhà nghệ sĩ phải lắc đầu thán phục.
Khuyến khích gần gũi nương tựa bậc Hiền Thánh, đức Phật dùng hình ảnh mặt trăng noi theo, bước theo con đường của ngàn sao, con đường của giải ngân hà dắt đường chỉ lối cho muôn loài:
"Bậc hiền sĩ, trí tuệ,
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, thánh nhân.
Hãy gần gũi, thân cận,
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao." (Pháp Cú 208)
Diễn tả kẻ trí giải thoát khỏi đời này, đức Phật phác họa hình ảnh con thiên nga bay liệng giữa hư không, vượt lên trên những cảnh xấu xa của cuộc đời, chiến thắng đoàn ma quân bạo tàn hung ác:
"Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời,
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này." (Pháp Cú 175)
Hình ảnh hoa sen thơm đẹp ý người nở lên trên đống rác nhớp nhúa gợi ý cho chúng ta thấy rõ, trong cuộc đời đầy ô trược, vẫn có những bậc chí thiện đứng lên trên, vươn lên trên, sáng chói và thơm đẹp:
"Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người." (Ph��p Cú 58)
Thật không có hình ảnh nào vừa đẹp đẽ, vừa hướng thượng, vừa đề cao giá trị con người bằng hình ảnh nhẹ nhàng thanh thoát như ví dụ hoa sen này!
Một trong những hình ảnh đức Phật thường dùng để nói lên lời dạy của mình, tức là hình ảnh trong sáng, chói sáng của các ví dụ, vì lời dạy của Ngài bao giờ cũng làm chói sáng, bừng sáng, rực sáng, tâm tánh hiền thiện của con người:
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che." (Pháp Cú 173)
Hay:
"Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che." (Pháp Cú 172)
Hoặc:
"Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ,
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây." (Pháp Cú 382)
Hình ảnh các ví dụ đức Phật dùng là những hình ảnh cởi mở giải thoát, phản ảnh trung thực giáo lý hướng thượng, giải thoát, giác ngộ của Ngài.
Sau đây là hình ảnh một vị tu sĩ không có nhà cửa chùa chiền, cư xá riêng tư, như con ngỗng trời, rời bỏ hồ ao, bay liệng giữa hư không:
"Tự sách tấn, chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn." (Pháp Cú 91)
Hay:
"Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xử,
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi, khó tìm." (Pháp Cú 92)
Hoặc:
"Ai lậu hoặc đoạn sạch
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xử,
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm." (Pháp Cú 93)
Hình ảnh sau đây còn linh động hơn, hướng thượng hơn và cao đẹp hơn, hình ảnh con ngựa phi nước đại, vượt lên và bỏ xa phía sau các con ngựa hèn yếu đang chạy một cách mệt nhọc và chậm chạp. Hình ảnh này ví dụ với người trí siêng năng tinh cần giữa quần chúng biếng nhác, tiêu cực, tỉnh thức giác ngộ giữa quần chúng si ám mê ngủ:
"Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê,
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn." (Pháp Cú 29)
Hai hình ảnh tiếp theo là hai hình ảnh hết sức linh động và hướng thượng. Hình ảnh bậc hiền trí nhờ không phóng dật, leo lên được lầu cao trí tuệ, không có sầu muộn ưu tư, rồi từ nơi lầu cao trí tuệ ấy, nhìn xuống kẻ ngu đang chạy qua chạy lại, sầu khổ, dưới đất bằng thắp kém:
"Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật.
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu nhìn kẻ sầu
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu đất bằng." (Pháp Cú 28)
Hình ảnh sau đây cũng là hình ảnh cuối cùng nói về các ví dụ, nói lên vừa đặc tính hướng thượng, vừa đặc tính siêu thoát của những ví dụ Ngài dùng. Đây là hình ảnh vị Tỷ kheo chèo thuyền lướt tới, thuyền được tát cho nhẹ nước, và nhờ vậy thuyền lướt tới mau nhẹ nhàng. Hình ảnh này diễn tả vị tỷ kheo đoạn trừ được lòng tham và sân hận và đang mau chóng tiến dần đến mục đích Niết Bàn an lạc:
"Tỷ kheo tát thuyền này,
Thuyền không nhẹ đi mau,
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết Bàn!" (Pháp Cú 369)
Và Niết Bàn tự nhiên là cảnh giới đang đợi chờ các bậc hiền thiện, Niết Bàn tự nhiên là hình ảnh đang chói sáng mọi tâm tư hướng thượng.
Kính thưa quý vị,
Trong hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu Kinh Pháp Cú (Dhammapada) cho quý vị với 423 bài kệ giản dị và tươi đẹp, với nội dung lành mạnh, trình bày những giáo lý căn bản nguyên thủy, những nếp sống và các pháp môn hành trì, và cuối cùng chúng tôi có đề cặp đến hai phương pháp định nghĩa và ví dụ đức Phật đã dùng trong tập Pháp Cú này.
Thật sự Kinh Pháp Cú này được hoan nghênh khắp hoàn cầu và được dịch ra nhiều thứ tiếng khắp cả năm châu là vì kinh này đã diễn tả được và làm nổi bật lên những đức tánh giản dị và cô đọng, trong sáng và hướng thượng, hiền thiện và giải thoát mà một tác phẩm chứa đựng chân lý phải được đầy đủ súc tích. Kinh Pháp Cú này sở dĩ được tán thưởng là vì đã chứa đựng rất đầy đủ những giáo lý căn bản nguyên thủy của Đạo Phật. Kinh này sở dĩ được mến chuộng và được rất nhiều người học thuộc lòng là nhờ những ví dụ phong phú trong sáng và linh động, những câu kệ gọn ghẽ và âm điệu đã để lại trong tâm tư người đọc cũng như người nghe rất nhiều tình cảm nhẹ nhàng và thanh thoát. Hơn tất cả, kinh này được hàng vạn người tôn kính và yêu quý vì kinh này gồm toàn những lời dạy của đức Phật và lời dạy của Ngài bao giờ cũng đem đến hạnh phúc và an lạc cho tất cả mọi loài và mọi người:
"Pháp thí, thắng mọi thí,
Pháp vị, thắng mọi vị,
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ,
Ái diệt, thắng mọi khổ." (Pháp Cú 354)
Và chúng ta, các Phật tử, các bạn của đạo Phật và các bạn hâm mộ đạo lý qui tụ hôm nay đón mừng đại lễ Phật Đản, là để nói lên sự ngưỡng mộ, lòng hân hoan và sự vui sướng của chúng ta cũng nói lên sự qui ngưỡng kính trọng của chúng ta đối với chánh pháp mà kinh Pháp Cú này là một hình ảnh tượng trưng tốt đẹp nhất.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chú thích:
[1] Bờ giải thoát
[2] Ái
[3] Thân
[4] Phiền não
[5] Cỏ Kusa
[6] Chỉ cho cây Sà la.