Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm I: Song Yếu

12/04/201316:59(Xem: 14307)
Phẩm I: Song Yếu

Kinh Pháp Cú

Phẩm I: Song Yếu

1. Nếu Con Mắt Ngươi Làm Hại Ngươi, Hãy Móc Bỏ Nó Ði

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.

Phật dạy Pháp Cú này tại đâu?

- Tại Xá-vệ.

- Cho ai?

- Cho Trưởng lão Cakkhupàla.

Tôi nghe như vầy: Tại Xá-vệ có một Trưởng giả tên là Ðại Phú (Mahà Suvanna). Ông ta rất giàu, có nhiều của cải và đủ trò vui chơi giải trí, nhưng lại chẳng có con.

Ngày nọ trên đường đi tắm trở về nhà, ông trông thấy bên vệ đường một cây rừng thật lớn, tán lá to rộng. Nghĩ rằng đây chắc là chỗ ở của một vị thần đầy uy lực, Trưởng giả ra lệnh cho dọn sạch miếng đất dưới gốc cây, rào tường chung quanh và rải cát bên trong, rồi cho trang hoàng đủ loại cờ xí và nguyện: "Nếu có một đứa con, ta sẽ tạ ơn thần xứng đáng".

Chẳng bao lâu vợ ông mang thai. Bà lập tức báo tin cho chồng. Ông liền tổ chức lễ Bảo thai cho bà. Sau mười tháng bà hạ sinh một bé trai, và ông đặt tên con là Pàla, có nghĩa là người Bảo Trợ, vì nhờ sự bảo vệ và chăm sóc cội cây mới sinh được đứa bé. Ít lâu sau, ông có thêm đứa con nữa, bèn đặt tên là Culla Pàla (Bảo Trợ em), đứa lớn là Mahà Pàla (Bảo Trợ anh). Ðến tuổi trưởng thành ông bà cưới vợ cho hai con. Thời gian sau, cả hai ông bà đều qua đời, để lại cho hai anh em toàn bộ gia sản.

Lúc bấy giờ đức Phật đang chuyển Pháp Luân. Sau khi du hành từ nơi này đến nơi nọ, Ngài trú tại Tinh Xá Kỳ Viên do Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc xây cất, trị gía năm trăm bốn chục triệu đồng.

Suốt thời gian ngụ tại Kỳ Viên , đức Phật dạy về pháp sanh thiên, pháp giải thoát (Ðức Thế Tôn chỉ ở lại một mùa an cư tại ngôi tịnh xá do hai nhánh thân tộc Ngài xây dựng, một nhánh gồm tám vạn gia đình bên ngoại và một nhánh gồm tám vạn gia đình bên nội. Ngài trú tại Kỳ Viên suốt mười chín hạ, và sáu hạ tại Pubbàràma, một tịnh xá do bà Tỳ-xá-khư, một nữ cư sĩ lỗi lạc xây cất, trị giá hai trăm bảy chục triệu đồng. Do công đức lớn lao của hai gia đình Cấp Cô Ðộc và Tỳ-xá-khư, đức Phật đã an cư gần Xá-vệ trong suốt hai mươi lăm hạ).

Ông Cấp Cô Ðộc và bà Tỳ-xá-khư mỗi ngày đều đặn đi đến Thế Tôn hai lần. Họ không bao giờ đi tay không vì biết rằng các thầy Sa-di trẻ đang chờ họ để bát. Trước ngọ, họ dâng thức ăn loại cứng và loại mềm. Sau ngọ, họ cúng năm thứ dược liệu và tám thức uống. Ngoài ra họ luôn dành sẵn chỗ tại nhà cho hai ngàn Tỳ kheo. Bất cứ vị nào cần thức ăn, nước uống hay thuốc men liền được cung cấp như ý muốn.

Trưởng gỉa Cấp Cô Ðộc không hề thưa hỏi Phật. Người ta nói rằng sở dĩ ông không dám thưa hỏi vì Quá kính mến Phật. Ông nghĩ rằng đức Thế Tôn là một vị Phật cao qúy và là một thái tử phong nhã. Sở dĩ Thế Tôn thuyết pháp cho ai vì nghĩ đó là thí chủ của Ngài. Nếu bây giờ phải thuyết pháp cho ta, Ngài sẽ nhọc mệt thêm. Vì lý do đó, Trưởng giả Cấp Cô Ðộc không hề thưa hỏi Phật. Nhưng khi ông vừa ngồi xuống, đức Phật đã nghĩ: "Trưởng giả này bảo trợ cho Ta khi Ta không cần bảo trợ. Ta đã trải qua bốn a-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp để thành tựu đạo quả. Mái tóc đeo đầy trang sức Ta đã cắt bỏ, đôi mắt Ta đã vứt đi, máu thịt tim Ta cũng nhổ bỏ tận gốc. Con Ta, vợ Ta thân thiết như chính mạng sống, Ta cũng từ bỏ, chỉ vì muốn đem chánh pháp đến cho chúng sanh. Người này bảo trợ cho Ta khi Ta không cần bảo trợ". Rồi đức Phật thuyết một bài pháp.

Lúc ấy có năm mươi triệu trong số bảy mươi triệu cư dân thành Xá-vệ nghe xong liền xin làm đệ tử tại gia của Phật. Còn lại hai mươi triệu chưa tin đạo. Các cư sĩ đệ tử của Phật có hai nhiệm vụ: trước ngọ để bát cho chư Tăng, sau ngọ cầm hương hoa và cùng với tôi tớ mang y phục, thuốc men, thức uống đi đến đức Phật nghe pháp.

Một ngày nọ, Mahà Pàla trông thấy các cư sĩ đi đến tịnh xá với hương hoa trên tay, anh ta bèn hỏi:

- Các vị đi đâu vậy?

Và được trả lời:

- Ði nghe pháp.

- Cho tôi đi với.

Rồi anh ta đi theo họ đến đảnh lễ đức Phật và ngồi bên ngoài vòng pháp hội.

Khi chư Phật thuyết pháp, các Ngài luôn tùy theo căn cơ của thính chúng từng người một, xem người nào thích hợp để quy y, để thọ giới hoặc xuất gia. Ngày hôm ấy, đức Phật để ý đến căn cơ Mahà Pàla và thuyết pháp cho anh ta. Ngài giải thích rành rẽ, theo thứ lớp từng vấn đề về trí tuệ, bố thí, giới luật, sự sanh thiên, nghiệp báo, sự ngu si và uế trược của dục lạc, và về phước lành của hạnh xuất gia.

Gia chủ Mahà Pàla chú tâm lắng nghe. Anh nhận định khi con người từ giã cõi đời sang bên kia thế giới, chẳng có thể đem theo con cái hay tài sản; hơn nữa, cả thân này cũng chẳng đi theo được, vậy sống đời tục gia có lợi gì? Và anh định xuất gia. Vì thế cuối thời pháp, Mahà Pàla đến bên đức Phật xin gia nhập Tăng đoàn.

Ðức Phật hỏi:

- Con còn thân nhân nào không, để việc xuất gia được đúng pháp?

- Bạch Thế Tôn! Con còn một em trai.

- Vậy thì hãy báo tin cho em con.

Mahà Pàla hoan hỷ thưa:

- Xin vâng.

Rồi chào Phật trở về nhà, gọi em đến bảo:

- Này chú! Mọi tài sản trong nhà, động sản và bất động sản, anh giao hết cho chú, hãy bảo quản.

Người em ngạc nhiên hỏi:

- Còn anh thì sao?

- Anh sẽ theo Phật, gia nhập Tăng đoàn.

- Anh nói gì vậy, anh thân yêu? Khi mẹ mất anh chăm lo cho em như mẹ, đến cha mất anh lại thay cha. Nhà anh đầy của cải, chắc chắn anh sẽ làm được việc thiện dù sống đời tại gia. Xin anh đừng xuất gia.

- Này chú, sau khi nghe Phật thuyết pháp, anh không muốn sống đời tại gia nữa. Ðức Phật đã giảng rất hay trong phần đầu, phần giữa và phần cuối. Ngài đã nêu lên một cách chính xác và đúng đắn ba tính chất của các pháp: vô thường, khổ và vô ngã. Anh không thể hành trì trọn vẹn giáo pháp nếu còn bận bịu việc nhà. Anh phải xuất gia em à!

- Anh ơi! Anh còn trẻ lắm, để lúc già hãy đi tu.

- Ðợi đến già để thành lão khọm à! Tay chân lụm khụm, không làm gì được theo ý mình, lại thêm con cháu đùm đề. Không, anh không thể nghe lời chú được. Anh sẽ làm tròn bổn phận Tỳ-kheo.

Tuổi già tay yếu run chân
Tu sao được nữa khi thân mỏi mòn?

Anh sẽ đi tu, dù chú cản trở cách gì.

Mặc người em than khóc, Mahà Pàla đi đến gặp Phật và xin xuất gia vào Tăng đoàn. Ðược thu nhận và tu học, Mahà Pàla trải qua năm mùa hạ với thầy Tế độ và Giáo thọ. Mãn hạ thứ năm và làm lễ giải hạ xong, thấy đến chỗ Phật, đảnh lễ và thưa hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Nương theo Thế Tôn con có bao nhiêu bổn phận tu tập phải thọ trì?

- Này Tỳ-kheo! Chỉ có hai là Pháp học và Pháp thiền.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Pháp học? Và thế nào là Pháp thiền?

- Pháp học là hiểu biết Phật ngôn tùy theo căn cơ mỗi người, phải thông suốt một hoặc hai bộ A Hàm, hay toàn bộ Tam Tạng kinh điển, thuộc lòng, đọc tụng và giảng dạy. Còn Pháp thiền sẽ dẫn đến quả vị A-la-hán. Thiền định đòi hỏi một đời sống đạm bạc, ưa thích ở nơi vắng, luôn chuyên niệm về lão và tử, và khai triển Minh sát tuệ bằng sự nỗ lực bền bỉ.

- Bạch Thế Tôn! Vì con đã lớn tuổi mới xuất gia, con không thể làm tròn bổn phận đối với Pháp học, nhưng con có thể làm tròn bổn phận đối với Pháp thiền. Xin dạy cho con thiền định.

Phật dạy cho thầy pháp tu dẫn đến quả vị A-la-hán. Thầy đảnh lễ đức Phật và tìm được sáu mươi vị Tỳ-kheo cùng đi với mình. Thầy đi khoảng hai mươi dặm (tám mươi cây số), đến một làng rộng lớn gần biên giới, và cả đoàn vào làng khất thực. Dân làng thấy các vị oai nghi chỉnh tề, làm tròn bổn phận tăng sĩ và lại dễ thân cận nên sanh lòng quý kính. Họ mời các thầy ngồi, dâng những thức ăn ngon.

Rồi họ hỏi:

- Thưa chư Tôn giả, các vị đi đâu?

- Này chư thiên tín, chúng ta đi đến một chỗ ẩn cư thích hợp.

Dân làng khôn ngoan tự hiểu rằng những vị Tỳ-kheo đáng kính đang tìm chỗ an cư trong mùa hạ. Họ thỉnh cầu:

- Nếu chư Tôn giả bằng lòng ở đây suốt ba tháng hạ, chúng con xin quy y và thọ giới.

Nghĩ rằng nhờ những thí chủ này trợ giúp để tu ra khỏi sanh tử luân hồi, các thầy ưng thuận ở lại. Dân làng dựng ngay một tịnh xá, xây khu vực ban đêm và khu vực ban ngày, dâng cúng lên chư Tăng. Các Tỳ-kheo chỉ có việc đều đặn vào làng khất thực. Có một y sĩ phát tâm đến tịnh xá chữa bệnh, ông đã trình lên chư Tăng nguyện vọng của mình:

- Chư Tôn giả! Chỗ nào đông người đều không tránh khỏi bệnh tật. Nếu có người bệnh, xin nhắn tôi đến chữa trị.

Ngày đầu hạ, Trưởng lão Mahà Pàla đã gọi tất cả Tỳ-kheo lại hỏi:

- Các huynh đệ, suốt ba tháng hạ các vị sẽ tu trong mấy oai nghi?

- Trong bốn oai nghi, bạch Ðại đức.

- Nhưng có thích hợp không, các huynh đệ?

Chúng ta phải thật chánh niệm, chính vì đức Phật chỉ dạy Pháp thiền mà chúng ta đến đây hành trì. Sở dĩ chúng ta được chư Phật gia hộ chẳng do nhờ dối trá hai mặt, mà chính do hạnh tinh tấn tu tập. Bốn thứ khổ sanh, lão, bệnh, tử đang chờ người giải đải tán tâm, đó là cảnh giới họ ra vào quen thuộc như nhà riêng của mình. Vì thế, các huynh đệ hãy chánh niệm.

- Còn Ngài, thưa Ðại đức?

- Tôi chỉ dùng ba oai nghi. Tôi sẽ không đặt lưng nằm.

- Tốt lắm! Thưa Ðại đức, hãy chánh niệm!

Sau tháng thứ nhất Trưởng lão Mahà Pàla, người tự nguyện không ngủ, bắt đầu thấy nhức mắt. Nước mắt chảy ra từ mắt thầy giống như từ chiếc bình bể. Suốt đêm dài, thầy dốc hết thân tâm ngồi thiền, và chỉ đến sáng thầy mới vào liêu ngồi nghỉ. Ðến giờ đi bát, chư Tăng đến chỗ Trưởng lão thưa:

- Bạch Trưởng lão! Ðã đến giờ đi khất thực.

- Tốt lắm, huynh đệ, hãy lấy y và bát.

Bảo họ lấy y bát rồi, chính thầy cũng lên đường. Các Tỳ-kheo thấy thầy chảy nước mắt, hỏi:

- Có việc gì vậy, thưa Ðại đức?

- Gió làm xốn mắt tôi.

- Sao ta chẳng mời y sĩ, thưa Ðại đức? Chúng ta sẽ nhắn ông ta đến.

- Tốt lắm.

Các Tỳ-kheo báo tin cho y sĩ. Ông chế một thứ thuốc gởi đến. Trưởng lão thoa thuốc mỡ vào mũi và vẫn ngồi như thường lệ. Rồi Ngài vào làng. Y sĩ gặp Ngài hỏi thăm:

- Thưa Tôn giả, con nghe nói gió làm Ngài bị đau mắt?

- Ðúng thế, thiện tín ạ.

- Thưa Tôn giả, Ngài có thoa vào mũi thuốc con đã chế và gởi đến không?

- Có, thiện tín ạ.

- Bây giờ Tôn giả thấy thế nào?

- Vẫn đau nhức như trước.

Y sĩ bán tín bán nghi, thuốc mình gởi đến chỉ thoa một lần là khỏi bệnh, vì sao Tôn giả không hết đau? Ông bèn hỏi tiếp:

- Khi thoa thuốc Ngài ngồi hay nằm?

Trưởng lão im lặng. Mặc cho y sĩ hỏi đôi ba phen, Ngài vẫn không nói một lời. Y sĩ không biết làm sao để giải quyết, chỉ còn cách chào Ngài và đến tịnh xá xem xét chỗ ở.

Liêu của Trưởng lão chỉ có lối kinh hành và một chỗ ngồi, không có chỗ nằm. Y sĩ thắc mắc:

- Thưa Tôn giả, khi thoa thuốc Ngài đã ngồi hay nằm?

Trưởng lão vẫn im lặng.

- Thưa Tôn giả, xin Ngài đừng làm vậy. Việc tu tập chỉ có thể tiến hành khi nào thân thể được chăm sóc cẩn thận. Ngài có nằm khi thoa thuốc không?

Y sĩ hỏi đôi ba lần, Trưởng lão mới trả lời:

- Hãy về đi, Y sĩ. Tôi sẽ hội ý lại và quyết định việc này.

Trưởng lão không có ai thân thích ở đó cả, vậy thì Ngài hội ý với ai? Ngài chỉ bàn với chính mình: "Này Pàlita, thầy quí con mắt hay quí Phật đạo? Trong vòng luân hồi không manh mối, biết bao lần thầy không được sáng mắt. Trong vô số muôn ngàn đức Phật đã ra đời, thầy đã không gặp được một vị nào. Giờ đây trong mùa hạ này, thầy đã quyết không nằm suốt ba tháng. Vậy cứ để cho đôi mắt bị hư. Chỉ lo giữ giới luật, đừng giữ con mắt".

Và để khiển trách thân, Ngài đọc bài kệ sau:

Mắt tai nay đã hỏng rồi,
Cả thân này nữa cũng thôi không còn.
Ðó là chuyện mỏi mòn thân ấy,
Pàlita, sao vẫn tán tâm?
Mắt tai này đã hết mong,
Cả thân này nữa chẳng trông lâu dài.
Ðó là chuyện hoại hư thân ấy,
Pàlita, sao vẫn tán tâm?
Mắt tai nay đã tiêu tan,
Cả thân này nữa tan hoang còn nào!
Ðó là chuyện hư hao thân ấy,
Pàlita, sao vẫn tán tâm?

Tự khiển trách mình với ba câu kệ xong, Trưởng lão thoa thuốc lên mũi, lại tiếp tục ngồi như trước, rồi Ngài vào làng khất thực. Y sĩ trông thấy hỏi:

- Thưa Tôn giả, Ngài có thoa thuốc vào mũi?

- Có.

- Ngài thấy thế nào?

- Vẫn đau như trước.

- Thưa Tôn giả, Ngài có ngồi khi thoa thuốc hay nằm xuống?

Trưởng lão im lặng. Y sĩ hỏi lại mấy lần, Trưởng lão vẫn không nói một lời. Y sĩ bảo:

- Ngài không chịu làm điều phải làm để lành bệnh. Vì vậy Ngài không nên xin thuốc, và tôi cũng sẽ không chế thuốc cho Ngài. Tôi không còn cách nào hơn.

Bị y sĩ từ chối chữa bệnh, Trưởng lão trở về tịnh xá, tự dặn dò: "Tỳ-kheo, dầu cho thầy bị y sĩ từ bỏ, chớ từ bỏ tư thế ngồi của mình".

Như con bệnh nan y,
Y sĩ thôi chữa trị,
Chắc chắn gặp tử thần,
Pàlita, sao còn tán tâm?

Tự khiển trách mình với bài kệ trên, Trưởng lão lại tiếp tục thiền định. Vào cuối đêm đôi mắt Ngài mù hẳn, các lậu đồng thời hết sạch. Ngài chứng A-la-hán an trú trong an lạc của Minh sát tuệ. Rồi Ngài vào liêu ngồi nghỉ. Ðến giờ khất thực, các Tỳ-kheo đến bên Trưởng lão thưa:

- Bạch Tôn giả, đã đến giờ chúng ta đi bát.

- Ðến giờ rồi ư, chư hiền hữu?

- Thưa vâng.

- Thế thì các thầy hãy đi.

- Còn Ngài, thưa Tôn giả?

- Mắt tôi đã mù.

Họ nhìn vào mắt Ngài và mắt họ đẫm lệ:

- Ðừng lo ngại, chúng con sẽ săn sóc Ngài.

Họ an ủi Trưởng lão, và sau khi xong bổn phận hành thiền, họ vào làng khất thực.

Không thấy Trưởng lão, dân làng hỏi thăm:

- Bạch quý thầy, Tôn giả Trưởng lão của chúng con đâu?

Khi rõ sự việc, họ gởi cháo về cúng dường Ngài. Sau đó, từng người một đem thức ăn đến đảnh lễ Trưởng lão, lăn mình dưới chân Ngài, không ngớt than khóc. Rồi họ an ủi Ngài:

- Thưa Tôn giả, xin đừng lo lắng, chúng con sẽ săn sóc Ngài.

Từ đó, dân làng đều đặn gởi cháo đến tịnh xá. Trưởng lão thường răn nhắc sáu mươi Tỳ-kheo, và các Tỳ-kheo đều tuân hành theo lời Ngài, nghiêm chỉnh đến nỗi vào ngày giải hạ tất cả đều chứng A-la-hán và đắc thần thông.

Cuối mùa an cư, vì muốn gặp Phật, các Tỳ-kheo thưa với Trưởng lão xin đi. Trưởng lão không tránh khỏi đăm chiêu: "Ta nay sức yếu, trên đường về lại đi qua khu rừng có nhiều ma quỷ. Nếu ta cùng đi, các thầy sẽ nhọc công và không thể khất thực. Ta sẽ để họ đi trước".

Và Ngài bảo:

- Các thầy hãy đi trước.

Các Tỳ-kheo thắc mắc:

- Nhưng còn Tôn giả?

- Tôi ốm yếu, đường đi phải băng qua khu rừng có nhiều ma quỷ, nếu tôi cùng đi các thầy sẽ nhọc công. Các thầy hãy đi trước.

- Không được, thưa Tôn giả. Chúng con chỉ đi cùng Ngài.

- Xin các thầy đừng làm thế, tôi chẳng vui lòng. Nếu em tôi gặp các thầy và hỏi thăm tôi, hãy bảo là tôi mù mắt, nó sẽ gởi người đến và dẫn tôi về. Hãy nhân danh tôi chào mừng đấng Thập Lực và tám mươi vị Ðại Trưởng lão.

Nói xong, Tôn giả bảo họ ra đi. Bắt buộc phải lên đường, các Tỳ-kheo đành xin phép Trưởng lão vào làng khất thực rồi lên đường.

Dân làng mời ngồi, dâng thức ăn, năn nỉ ở lại; nhưng biết các Tỳ-kheo phải về gặp Phật, họ đành khóc lóc tiễn đưa. Du hành một thời gian, các thầy đến Kỳ Viên và nhân danh Trưởng lão chào mừng Ðạo sư cùng tám mươi vị Ðại Trưởng lão. Xong các thầy đi khất thực, qua nhà gia chủ em của Trưởng lão. Gia chủ nhận ra các thầy ngay, thân mật đón tiếp, mời ngồi và hỏi thăm Trưởng lão.

Các Tỳ-kheo kể lại những gì đã xảy ra. Người em lăn mình trên đất, than khóc mếu máo, không biết phải làm sao bây giờ.

Các Tỳ-kheo vỗ về:

- Trưởng lão muốn có ai đến đưa Ngài về.

- Thưa, đây là Pàlita, con của chị con. Xin gởi nó đi!.

- Ðể nó đi không ổn vì đường nhiều nguy hiểm. Nếu cho nó xuất gia thì an toàn hơn.

Người em bằng lòng.

Thế là các thầy làm lễ xuất gia cho chàng trai, dạy anh ta cách thức đắp y v.v.. trong vòng hai tuần, rồi chỉ đường cho anh ta đi.

Băng qua nhiều làng mạc, một hôm thầy Sa-di trẻ gặp một cụ già tại cổng làng đó và hỏi thăm:

- Chào cụ, cụ có biết một tu viện ẩn cư nào gần đây không?

- Thưa Tôn giả, có.

- Ai sống ở đó?

- Có một Trưởng lão tên Pàlita.

- Hãy chỉ cho tôi đường đến đó.

- Tôn giả là ai?

- Tôi là con của em gái vị ấy.

Cụ già liền dẫn thầy đến nơi ẩn cư. Thầy tới đảnh lễ Trưởng lão, và trong hai tuần làm đủ bổn phận từ việc lớn đến việc nhỏ đối với Trưởng lão, chăm sóc Ngài thật tận tụy. Rồi thầy đề nghị với Trưởng lão:

- Thưa Tôn giả, cậu của con mong được gặp Ngài.

Chúng ta hãy trở về.

- Tốt lắm, hãy nắm lấy gậy của ta.

Và như thế tay không rời gậy, cả hai người một già một trẻ đi vào làng. Dân làng tìm hết cách thuyết phục Trưởng lão ở lại nhưng vô hiệu, họ đành khóc lóc đưa đi một đoạn đường. Họ đi đến ngôi làng kế cận ở ven rừng tên là Katthanagara, và lần bước ra khỏi làng.

Bỗng từ xa cất tiếng hát của một cô gái đang gom củi. Thầy Sa-di chợt cảm thấy yêu mến ngay tiếng hát trong trẻo (Ðức Thế Tôn đã từng dạy: "Này các Tỳ-kheo! Chưa từng có âm thanh nào khác thâu nhiếp con tim người nam bằng tiếng người nữ"). Và quá xao xuyến thầy liền buông đầu gậy ra thưa với Trưởng lão:

- Thưa Tôn giả, chờ con một lát. Con bận một chút việc.

Nói xong thầy tất tả đi về hướng cô gái. Trông thấy thầy, nàng ngừng hát và thầy phạm giới tà hạnh với cô gái. Trưởng lão đợi thầy Sa-di hồi lâu chưa thấy trở lại, đoán ngay có điều bất thường, có tiếng hát phụ nữ và chú Sa-di lại đi lâu quá, chắc đã phạm giới rồi.

Thầy Sa-di sau đó trở về bên Trưởng lão, hối hả giục Ngài tiếp tục lên đường:

- Thôi ta đi, thưa Tôn giả.

Trưởng lão nghiêm giọng:

- Này Sa-di, con đã phạm tội phải không?

Thầy im lặng, và dù được hỏi lần nữa thầy vẫn nín khe. Trưởng lão răn tiếp:

- Một kẻ tội lỗi như chú không bao giờ được nắm đầu gậy của ta.

Thầy Sa-di quá ăn năn, cởi chiếc y vàng, khoác áo thế tục, cúi đầu nhận lỗi:

- Thưa Tôn giả, trước đây con là thầy tu, nay trở lại làm cư sĩ. Con đi tu chẳng phải do tín tâm, chỉ vì sợ những bất trắc dọc đường. Giờ thì chúng ta đi thôi.

Trưởng lão vẫn không đổi ý:

- Một kẻ xấu ác, dù là bậc xuất gia hay tại gia vẫn là kẻ xấu ác. Khi là Sa-di chú không giữ được phạm hạnh, thì liệu chú có là người tốt khi làm cư sĩ không ? Một kẻ tội lỗi như chú không bao giờ được nắm đầu gậy của ta.

-Tôn giả ! Ðường đầy ma qủy, Ngài lại mù, làm sao Ngài lại ở đây được ?

- Chú đừng lo việc ấy. Ta có nằm chết ở đây hay đi đâu chăng nữa, cũng không có gì quan trọng. Ta không đi với chú.

Nói xong, Trưởng lão ngâm đoạn kệ sau:

Ôi ánh sáng mắt ta đã mất!
Con đường dài mệt mỏi xiết chi.
Ði cùng với kẻ ngu si,
Thà rằng nằm xuống chẳng đi, không màng.
Ôi ánh sáng mắt ta đã mất!
Con đường dài mệt mỏi xiết chi.
Ði cùng với kẻ ngu si,
Thà rằng phải chết, chẳng đi, không màng.

Chú nghe những lời này, hối hận, nghẹn ngào, cất tiếng than:

- Con đã phạm một tội ghê gớm, một lỗi lầm kinh khủng.

Rồi khóc lóc vặn vẹo đôi tay, chú lao vào rừng mất dạng.

Ðức hạnh của Trưởng lão làm cho ngai vàng Ðế Thích dài sáu mươi dặm, rộng năm mươi dặm, dày mười lăm dặm, rực rỡ màu hoa hồng đỏ, tự động hạ thấp khi Ðế Thích ngồi, vương cao khi Ðế Thích đứng, bỗng nhiên nóng bỏng lên. Ðế Thích giật mình không hiểu ai có thể hắt ngài ra khỏi ngai như thế này, và quan sát thế gian, với thiên Nhản Ngài thấy Trưởng lão. Người xưa kể rằng:

Ðế Thích có ngàn mắt,
Làm thanh tịnh mắt thần.
Pàla ghét tội lỗi,
Làm thanh tịnh tâm thân.

Ðế Thích có ngàn mắt,
Làm thanh tịnh mắt thần.
Pàla sùng giới luật,
An lạc trong đạo tâm.

Ðế Thích tự nhủ: "Nếu ta không đến giúp một Trưởng lão ghê tởm tội lỗi và tôn sùng giới luật như vậy, thì đầu ta sẽ bể làm bảy mảnh. Ta sẽ đến giúp Ngài".

Vậy là:

Ðế Thích có ngàn mắt,

Thống lãnh hết chư thiên,

Ðến ngay trong khoảnh khắc,

Bên Cakkhupàla.

Và Ðế Thích bay đến Trưởng lão. Khi đến gần, Ngài kéo lê chân.. Trưởng lão bèn hỏi:

- Ai đó?

- Tôi, một bộ hành.

- Này thiện tín, ngươi đi đâu vậy?

- Ðến Xá-vệ, thưa Tôn giả.

- Hãy tiếp tục lộ trình.

- Nhưng thưa Tôn giả, Ngài đi đâu?

- Tôi cũng đến đó.

- Tốt quá, vậy thì chúng ta cùng đi.

- Này bạn, tôi ốm yếu, đi với tôi bạn sẽ chậm trễ.

- Tôi không có việc gì gấp. Hơn nữa nếu đi với Ngài, tôi sẽ được công đức vì đã làm một trong mười điều thiện. Ta hãy cùng đi, thưa Tôn giả!

Nghĩ rằng đây là một người ngoan đạo, Trưởng lão bằng lòng:

- Tốt lắm, hãy nắm lấy đầu gậy của tôi.

Ðế Thích y lời và làm phép thâu ngắn đoạn đường để họ đến Kỳ Viên kịp trong chiều ấy. Và rồi tiếng kèn, trống và những nhạc cụ khác nổi lên bên tai, Trưởng lão ngạc nhiên:

- Tiếng ấy ở đâu?

- Ở Xá-vệ.

- Này thiện tín, lần trước tôi đi lâu lắm mới đến, sao kỳ này nhanh vậy?

- Thưa Tôn giả, tôi biết một lối đi tắt.

Trưởng lão hiểu ngay đây không phải là người thường mà là một vị trời.

Phạm thiên có ngàn mắt,
Thống lãnh hết chư thiên,
Thâu ngắn đi khoảng cách,
Ðến Xá-vệ thật nhanh.

Rồi Ðế Thích dẫn Trưởng lão đến một túp lều bằng lá và cỏ, nơi người em của Trưởng lão dựng riêng cho anh mình ở tạm, để Trưởng lão ngồi trên giường, và hóa thành anh bạn đến thăm người em. Anh bạn này kêu lên khi đến nhà:

- Bạn Pàla!

Pàla chào bạn:

- Gì vậy bạn?

- Anh có biết Trưởng lão đã về chưa?

- Chưa! Ngài về thật sao?

- Quả vậy, tôi vừa từ nơi ẩn cư về, thấy Trưởng lão đang ngồi trong lều của anh.

Nói xong anh bạn ra đi.

Vị gia chủ bèn đi đến lều cỏ. Vừa trông thấy Trưởng lão, anh gieo mình xuống chân Ngài, lăn trên đất khóc lóc:

- Con biết mà, Trưởng lão! Vì thế con không muốn để người đi tu.

Hàn huyên thăm hỏi xong, gia chủ bèn trả tự do cho hai nô lệ, cho chúng xuất gia làm đệ tử Trưởng lão để trông nom Ngài. Anh dặn dò:

- Nhớ về làng lấy cháo và thức ăn, chăm lo săn sóc Trưởng lão.

Hai tân Sa-di chăm sóc Trưởng lão hết sức tận tụy, làm đủ các bổn phận từ việc lớn đến việc nhỏ.

Ngày nọ, một nhóm thầy Tỳ-kheo ở xứ khác đến kính viếng Phật. Sau khi lễ Phật và thăm tám mươi Ðại Trưởng lão, họ đi tham quan tịnh xá. Ðến thất của Trưởng lão Cakkhupàla họ bàn nhau đến vấn an Ngài. Chiều hôm đó họ định vào thăm, nhưng một cơn bão dữ dội nổi lên, họ đành quay về và hẹn sáng hôm sau trở lại. Cơn mưa lớn kéo dài suốt canh một, đến canh hai thì dứt. Trưởng lão, một con người giàu nghị lực đã quen kinh hành, lần xuống hàng hiên vào canh năm, và vô tình giẫm chết rất nhiều côn trùng bò lổn ngổn trên nền đất ẩm. Các thầy Tỳ-kheo ngụ tại đó không quét dọn sớm, nên khi các thầy Tỳ-kheo ở xa đến thăm Trưởng lão, thấy đủ loại côn trùng nằm chết rải rác ngoài hàng hiên. Họ kinh ngạc lên tiếng:

- Ai đã bước đi trên lối này?

Và được trả lời:

- Thưa Tôn giả, Thầy chúng tôi.

Họ bực bội nói:

- Xem một Tỳ-kheo kìa! Khi ông ấy sáng mắt thì nằm ngủ và không tạo tội. Còn bây giờ mù mắt lại nghĩ: "Tôi sẽ kinh hành". Và đã giết chừng ấy côn trùng. Ông ấy nghĩ mình làm đúng, nhưng thật chẳng đúng tí nào.

Rồi họ bỏ đi và bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trưởng lão Cakkhupàla nghĩ "Tôi sẽ kinh hành", và đã giết hại nhiều côn trùng.

Thế Tôn gạn hỏi lại:

- Nhưng các ông có thấy ông ấy giết không?

- Thưa không thấy.

- Thực sự các ông không thấy ông ấy giết, cũng vậy, ông ấy không thấy côn trùng. Này Tỳ-kheo! Người giải thoát các lậu hoặc, không còn ý sát sanh.

- Bạch Thế Tôn, vị ấy chắc chứng A-la-hán, vậy do đâu mà bị mù?

- Này các Tỳ-kheo, đó là vì lỗi lầm trong một kiếp quá khứ.

- Sao thế, bạch Thế Tôn, vị ấy đã làm gì?

- Các ông hãy lắng nghe!



Chuyện quá khứ

1-A. Người Ðàn Bà Và Ông Thầy Thuốc Ðộc Ác.

Thuở xưa, khi vua Kàsi lên ngôi ở Ba-la-nại, có một thầy thuốc đi dạo xóm làng chữa bệnh. Gặp một người đàn bà đau mắt, ông hỏi:

- Bà sao vậy?

- Tôi không thấy rõ.

- Tôi sẽ chữa cho bà.

- Xin thầy làm ơn chữa giùm.

- Bà sẽ trả công cho tôi thế nào?

- Nếu thầy chữa được cho tôi mắt sáng và khỏe mạnh lại như xưa, tôi và luôn cả con trai con gái tôi sẽ hầu hạ thầy.

- Tốt lắm.

Rồi ông kê toa cho thuốc. Chỉ sau một lần dùng thuốc, đôi mắt của người đàn bà sáng lại. Hạnh phúc vừa đến nhưng lại kèm theo nỗi lo âu mãi lởn vởn trong đầu: "Mình hứa làm nô lệ cho ông thầy, cả các con mình cũng phải làm. Nhưng xem ra lão ấy chẳng tử tế đâu. Chà! Làm sao bây giờ đây? Phải tìm cách để gạt lão mới được". Kịp đến lúc thầy thuốc trở lại hỏi thăm bệnh tình, bà làm ra vẻ khổ sở:

- Trước đây mắt tôi đau ít, nay lại đau dữ dội hơn bao giờ.

Ông thầy đoán ngay là bà ta muốn lừa mình để quỵt tiền công chữa bệnh. Ông tức giận lầm bầm: "Ðược rồi, ta chẳng cần mụ trả công, ta sẽ cho mụ mù luôn". Và ông bỏ đi ngay không nói một lời, trước cặp mắt ngơ ngác của người đàn bà thất hứa.

Ông thầy thuốc về nhà, kể lại cho bà vợ nghe cho hả tức. Vợ ông lặng thinh, còn ông thì tức tốc bào chế một thứ thuốc mỡ khác, mang đến cho người đàn bà và dặn thoa vào mắt. Người đàn bà làm theo chẳng chút nghi ngờ và ánh sáng đôi mắt vụt tắt.

Ông thầy thuốc đó chính là Cakkhupàla.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

- Này các Tỳ-kheo! Ðệ tử ta làm ác nên bị ác nghiệp theo đuổi mãi mãi, vì việc ác đi theo người làm ác như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe.

Kể chuyện xong, đấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tuyên đọc bài kệ sau:

(1) Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.

2. Khóc Ðòi Những Chuyện Trên Trời

Pháp cú thứ hai cũng bắt đầu bằng câu:

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.

Do Phật dạy tại thành Xá-vệ, từ câu chuyện Matthakunddali.

Tôi nghe như vầy: Tại Xá-vệ có một Bà-la-môn tên là Adinnapubbaka, có nghĩa là "không cho", vì ông ta không hề cho ai vật gì. Ông có một đứa con trai duy nhất hết sức cưng quí. Ông muốn cho con một món đồ trang sức, nhưng biết rằng hễ giao thợ bạc chạm trổ thì phải trả tiền công, nên ông tự tay đập mỏng miếng vàng, gò thành một đôi hoa tai sáng bóng đeo cho con. Do đây mà con ông có tên là Matthakundali, nghĩa là Hoa Tai Sáng Bóng.

Lên mười sáu tuổi, con ông bị bệnh vàng da. Bà mẹ trông thấy nóng ruột, hối ông mời thầy thuốc đến chữa bệnh. Tuy thương con ông vẫn lừng khừng, không muốn đi, nên tìm cách thối thác với bà vợ:

- Bà à! Nếu gọi thầy thuốc đến, tôi phải trả công bằng lúa gạo, kho lẫm sẽ hao hụt. Bà sao không để ý đến việc bảo quản tài sản cho tôi chút nào!

Bà mẹ vẫn một mực lo lắng cho con:

- Vậy thì phải làm sao? Ông phải tính sao cho con tôi chớ?

- Yên chí! Tôi sẽ sắp xếp sao cho chẳng tốn xu nào.

Thế là ông đi đến từng thầy thuốc, tìm cách hỏi đon hỏi ren cho ra phương thuốc trị bệnh cho con ông:

- Này ông anh, nếu gặp một người bị bệnh như vầy.. như vầy..., thường thì ông trị liệu ra sao, cho uống thuốc gì?

Họ liền kể ra các thứ vỏ cây, tên cây, tên khác.. Thế là ông đi kiếm đủ thứ vỏ cây, lá rừng.. mang về sao chế thuốc cho con. Nhưng dầu làm hết cách, bệnh trạng đứa con càng ngày càng tệ. Cuối cùng hết phương cứu chữa, ông mời hẳn một thầy thuốc đến. Nhìn thấy chàng trai quá yếu, thầy thuốc khéo léo từ chối:

- Tôi đang bận một việc quan trọng, xin mời một vị khác đến chữa trị. Tôi rất tiếc.

Và ông vội vàng rời khỏi nhà.

Thấy con mình gần chết, tuy có đau buồn nhưng vẫn không quên tính keo kiệt, bo bo giữ của, ông ra lệnh mang con ra khỏi nhà, đặt nằm trên thềm, vì sợ những người đến thăm con mình sẽ dòm ngó luôn tài sản trong nhà.

Hôm ấy, từ sáng sớm, đức Thế Tôn đã xuất định Ðại Bi, và để tìm xem những ai có lập nguyện trong đời chư Phật trước, những người căn lành tròn đầy, những đạo hữu có thể xuất gia, Ngài quán sát với Phật nhãn mở rộng đến mười phương thế giới, và thấy Matthakundali đang nằm hấp hối ngoài thềm nhà. Ðấng Ðạo sư biết ngay là anh ta vừa từ trong nhà được khiêng ra đặt nằm đó, và cũng biết rằng anh ta có nhân duyên với Phật, đặt niềm tin nơi Phật, sẽ chết và sẽ tái sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba, sống trong lâu đài bằng vàng, có một ngàn thiên nữ theo hầu. Bà-la-môn sẽ thiêu xác con, rồi đi quanh bãi thiêu khóc lóc. Vị trời sẽ tự ngắm mình thân cao ba dặm, được trang điểm với sáu mươi xe đầy ắp đồ trang sức, có ngàn thiên nữ vây quanh. Vị ấy thắc mắc không biết do công đức gì mà được quả báo thù thắng như thế, và rồi vị ấy biết là do tín tâm. Rồi vị ấy thấy cha mình trước đây không chịu lo thuốc thang cho mình, nay đang đi trong bãi thiêu than khóc. Vị ấy liền quyết định sẽ làm cho cha thay đổi tâm tánh.

Vị trời xúc động vì cha, sẽ hóa hình thành Matthakundali đi đến bãi thiêu, gieo mình xuống đất khóc lóc. Ông Bà-la-môn sẽ hỏi:

- Người là ai?

Vị trời sẽ trả lời:

- Là Matthakundali, con của cha.

- Con tái sinh ở đâu?

- Ở tầng trời thứ ba mươi ba.

Ông Bà-la-môn sẽ hỏi tiếp:

- Con làm công đức gì mà được?

- Nhờ tin Phật.

Người Bà-la-môn chưa tin hẳn, sẽ hỏi lại Thế Tôn:

- Có ai do tin Phật mà được sanh thiên không?

Thế Tôn sẽ đáp:

- Chẳng phải có hằng trăm, hằng ngàn hay hằng trăm ngàn mà vô số người đều được.

Rồi Thế Tôn sẽ đọc một đoạn Pháp Cú. Cuối đoạn Pháp Cú sẽ có tám vạn bốn ngàn người được Pháp nhãn thanh tịnh. Matthakundali sẽ chứng quả Dự lưu, cả Bà-la-môn Adinnapubbaka cũng chứng quả ấy. Như vậy nhờ chàng trai ưu tú này mà nhiều người được Pháp nhãn thanh tịnh.

Ðức Phật biết rõ như đã kể trên, nên hôm sau vệ sinh xong, Ngài đi giữa một đoàn Tỳ-kheo vào thành Xa-vệ khất thực, và trên đường đi Phật ghé nhà người Bà-la-môn. Lúc ấy Matthakundali đang nằm quay mặt vào nhà. Phật biết anh ta không trông thấy Ngài, bèn phóng một luồng hào quang. Chàng trai ngạc nhiên không biết là ánh sáng gì, quay mặt ra định hỏi thì nhìn thấy đức Phật, liền thưa thỉnh:

- Vì ông cha ngu xuẩn nên con không được ân huệ đến với đức Phật tôn quí, cũng không được hầu hạ Ngài, để bát hoặc nghe pháp. Giờ đây tay con cũng không nhúc nhích được, con chẳng làm gì được nữa!.

Nói vậy rồi anh ta đặt trọn lòng tin nơi Phật.

Ðức Ðạo sư hoan hỷ bảo:

- Vậy là đủ!

Và Ngài bước đi.

Khi đức Phật xa dần khỏi tầm mắt, chàng trai tắt thở trong tín tâm. Và như vừa ngủ dậy, chàng tái sinh vào cõi trời, y như Phật đã thấy biết trước. Và khi người Bà-la-môn gặp lại chàng đứng khóc tại bãi thiêu, đã đọc kệ hỏi lý do:

Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói,
Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương,
Vặn bàn tay và khóc lóc thảm thương,
Sao anh khổ giữa rừng sâu như thế?
Chàng trai đáp:
Chiếc xe ngựa quý - thân tôi
Sáng chói bằng vàng nguyên khối,
Bánh xe tìm không ra nổi,
Ðau buồn tôi sẽ chết thôi!
Người Bà-la-môn:
Bánh xe ấy bằng vàng hay bạc?
Bánh đồng hay ngọc quý kim cương?
Nói cho ta nghe thật rõ ràng,
Ta sẽ kiếm cho chàng đầy đủ.

Chàng trai lạ lùng vì thái độ của ông Bà-la-môn, lúc trước con đau thì bỏn xẻn không dám mời thầy thuốc đến chữa trị, nay thấy mình giống con ông ấy thì không ngại tốn kém, hứa kiếm bánh xe cho mình dù bằng vàng, kim cương hay bạc đồng; do đó vì muốn trên chọc ông ta, anh hỏi:

- Cặp bánh ông làm cho xe tôi lớn chừng nào?

- Lớn như ngươi muốn.

- Tôi muốn được mặt trời và mặt trăng làm bánh xe, hãy cho tôi đi!

Chàng bảo Ba-la-môn:

Ôi!
Trăng trời là cặp sinh đôi giữa ngàn.
Xe tôi nguyên khối bằng vàng,
Có thêm đôi cánh rỡ ràng biết bao!
Người Bà-la-môn trả lời:
Ngươi thật là một kẻ ngu
Ði kiếm thứ ở xa mù
Ta e rằng ngươi sẽ chết
Trời trăng há dễ được ru?

Nhưng chàng trai vặn lại:

- Nhưng ai ngu hơn? Người khóc đòi thứ hiện hữu hay người khóc đòi thứ không hiện hữu?

Trời trăng rạng rỡ đến đi,
Ðây kia đều thấy chẳng khi nào lầm.
Con ông chết chẳng còn trông,
Ai người ngu ngốc khóc mong suốt ngày?
Nghe xong, người Bà-la-môn như bừng tỉnh, thấy chàng trai có lý, ông kết luận:
Trong hai kẻ khóc than thảm thiết
Ta, người ngu khôn xiết chẳng sai
Trăng kia, trẻ mãi khóc đòi
Như ta mong gặp con trai chết rồi.
Hết cả đau buồn nhờ chàng trai giải thích nên người Bà-la-môn khen ngợi:
Tôi như ngọn lửa cháy hừng
Tưới thêm dầu mỡ có ngưng được nào
Người như một trận mưa rào
Tiêu tan sầu khổ lòng nào vui hơn?
Mũi tên đau đáu sầu thương
Nhờ người nhổ bỏ hết vương lụy phiền
Tôi nay vui vẻ an nhiên
Không còn buồn khóc, lời khuyên ghi lòng.
Rồi người Bà-la-môn hỏi:
- Anh là ai?
Là trời, Càn-thát-bà,
Hay Ðế Thích thù thắng?
Là ai? Con của ai?
Làm sao tôi biết đặng?
Chàng trai đáp:
Tôi là người ông khóc than,
Là con ông, đã cháy tan nơi này.
Nhờ làm việc phước, quý thay!
Dứt hơi liền đã sanh ngay cõi trời.
Bây giờ người Bà-la-môn hiểu hết tự sự, nhưng vẫn còn một điểm thắc mắc:
Lúc con còng ở tại nhà
Tí ti cũng chẳng bỏ ra cúng dường
Ăn chay cũng chẳng có luôn
Công đức nào được khiến con lên trời?
Chàng trai trả lời:
Khi tôi nằm ở tại nhà
Ðau nhức vì bệnh trầm kha
May mắn được trông thấy Phật
Người không dục vọng, nghi ngờ
An vui, trí tuệ cao tột.
Lòng tin trong tôi phát ra
Cúi đầu chắp tay quỵ ngưỡng.
Sanh ngay cõi trời ba mươi ba.
Nghe chàng nói, người Bà-la-môn thân tâm tràn ngập vui sướng, nên cất tiếng tán thán:
Kỳ diệu thay! Mầu nhiệm thay!
Kính lễ được quả báo này
Hoan h��� và đầy tin tưởng
Tôi quy y Phật hôm nay.
Chàng trai đáp từ:
- Hôm nay quy y Phật, Pháp, Tăng với tín tâm, ông hãy lãnh thọ năm giới, giữ gìn nguyên vẹn không sai sót:
* Không được giết sinh mạng kể từ phút này.
* Không lấy của không cho
* Không uống rượu
* Không nói dối
* Chung thủy với vợ mình
Người Bà-la-môn ưng thuận và nói bài kệ:
Này Phạm thiên cao quý,
Người mong tôi an vui,
Người mong tôi hạnh phúc,
Tôi xin vâng lời người.
Người là thầy của tôi,
Tôi xin quy y Phật,
Quy y Pháp và Tăng.
Từ nay thôi giết hại,
Không lấy của không cho,
Không uống rượu, nói dối,
Chung thủy với vợ mình.

Vị trời, trước khi từ giã ngỏ ý khuyên bảo:

- Này Bà-la-môn, ông có nhiều của cải. Hãy đến đức Ðạo sư, cúng dường, nghe pháp và thưa hỏi.

Rồi biến mất.

Người Bà-la-môn lòng vui mừng hớn hở về nhà dặn vợ:

- Bà à! Tôi sẽ thỉnh Sa-môn Cồ-đàm đến nhà và thưa hỏi. Hãy chuẩn bị tiếp đón.

Ðoạn ông ta đi đến tịnh xá. Không lễ Phật và cũng chẳng bày tỏ sự vui mừng được gặp Ngài, ông đứng một bên thưa:

- Ngài Cồ-đàm, xin Ngài và chúng Tăng nhận lời thỉnh thọ trai tại nhà tôi hôm nay.

Ðức Ðạo sư nhận lời. Ông liền nhanh chóng trở về chuẩn bị tại nhà các thức ăn loại cứng và mềm.

Ðức Ðạo sư cùng chúng Tăng đến nhà ông, ngồi nơi chỗ đã dành sẵn, và được ông cung kính hầu hạ. Một đám đông không mời gọi đã tu tập không chậm trễ. Khi một ngoại đạo thỉnh Phật, sẽ có hai hạng người tụ đến. Những kẻ tà kiến sẽ tụ đến với ý nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thấy Sa-môn Cồ-đàm bối rối vì những câu hỏi bủa vây. Còn những người chánh kiến sẽ nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thấy oai lực và sự thù thắng của đức Phật.

Ðức Thế Tôn thọ thực xong, ông đến bên Ngài, ngồi xuống chỗ thấp và hỏi:

- Ngài Cồ-đàm, có ai được sanh thiên chẳng phải vì cúng dường Ngài hay xưng tán Ngài, cũng chẳng vì nghe pháp hay ăn chay, mà chỉ do một hành vi đầy lòng tín tâm?

- Này Bà-la-môn, tại sao ông hỏi Ta? Chẳng phải con trai ông Matthakundali đã nói cho ông nghe rằng anh ta được sanh thiên nhờ kính tin Ta sao?

- Hồi nào, Ngài Cồ-đàm?

- Chứ chẳng phải hôm nay ông đã đi đến bãi thiêu, và khi đang khóc lóc ông trông thấy một chàng trai cũng vật vã than khóc. Và ông đã chẳng hỏi:

Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói
Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương.

Rồi đức Ðạo sư tiếp tục kể rõ ràng chi tiết cuộc đối đáp giữa hai cha con và trọn vẹn câu chuyện của Matthakundali.

Do đây mà đức Phật nói lên đoạn kinh:

- Này Bà-la-môn, chẳng phải là một trăm hay hai trăm, mà có vô số người do đặt niềm tin nơi Ta mà được sanh thiên.

Thấy đám đông chưa hết nghi ngờ, đấng Ðạo sư ra lệnh:

- Phạm thiên Matthakundali, hãy đến đây với lâu đài của ngươi!

Tức thì Matthakundali hiện ra, thân cao gần một dặm với nhiều đồ trang sức cõi trời. Từ lâu đài bước xuống, Phạm thiên đảnh lễ đức Ðạo sư rồi cung kính đứng một bên.

Ðức Phật hỏi:

- Ngươi đã tạo lập công đức gì mà được phước báo thế này?

Phạm thiên với dung nhan thù thắng.
Chiếu sáng bốn phương như sao trời,
Hỡi vị trời oai lực phi thường,
Sinh thời làm công đức gì thế?

Phật nói kệ xong, Phạm thiên đáp:

- Bạch Thế Tôn, con được phước báo thù thắng này do kính tin Ngài.

- Ngươi được phước báo sanh thiên nhờ kính tin Ta?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Ðám đông chiêm ngưỡng vị trờ và đồng vui mừng thốt lên:

- Oai lực của chư Phật thật là kỳ diệu! Con trai Ba-la-môn Adinnapubbaka được phước báo như thế này chỉ do kính tin Phật, chẳng phải do công đức nào khác!

Ðức Ðạo sư bèn thuyết giảng:

- Tâm ý là gốc của hành động, cả tốt lẫn xấu. Chính tâm ý điều khiển hành động. Bởi vì việc làm do lòng tin theo người đi trong nhơn thiên như bóng theo hình.

Ðấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tiếp tục đọc Pháp Cú sau:

(2) Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.

3. Chàng Mập Tissa

Nó mắng tôi, đánh tôi...

Lời giáo huấn này đức Ðạo sư dạy Trưởng lão Tissa lúc Ngài trú tại tịnh xá Kỳ Viên.

Hình như Ðại đức Tissa là con trai người cô của Phật. Xuất gia khi đã lớn tuổi, lại thêm dáng người mập mạp, Tissa ưa thích lợi dưỡng và sự tôn kính riêng cho Phật. Y áo của Ðại đức lúc nào cũng giặt ủi láng bóng, và ông luôn luôn ngồi giữa giảng đường tinh xá.

Một hôm, vài du tăng đến viếng Thế Tôn và tưởng Tissa là một Ðại Trưởng lão, họ xin được đặc ân hầu hạ, chùi chân cho Tissa v.v.. Ðại đức im lặng.

Lúc ấy một thầy tăng trẻ tuổi hỏi:

- Ngài được mấy hạ?

Tissa trả lời:

- Chưa có hạ nào cả. Tôi già rồi mới xin xuất gia.

Thầy tăng buột miệng:

- Ông Tỳ-kheo tồi! Ông cứ tưởng mình là quan trọng. Gặp các vị Ðại Trưởng lão này, ông cư xử chẳng lễ độ một chút nào. Khi họ xin hầu hạ ông các thứ, ông im lặng nhận lời. Ông lại không tỏ ra một chút ân hận về tư cách tồi tệ của mình!

Nói rồi, vị tăng búng tay cái tách.

Lòng kiêu hãnh của một người thuộc giai cấp chiến sĩ nổi dậy, Tissa gắt gỏng:

- Các ông đến gặp ai?

- Chúng tôi đến thăm đấng Ðạo sư.

- Nhưng đối với ta, các ông cũng phải tìm hiểu xem người này là ai chứ? Ta sẽ giết tiệt dòng họ các ông!

Nói một mạch cho hả hơi, rồi Tissa đi đến chỗ Phật buồn rầu khóc lóc. Ðấng Ðạo sư thấy vậy mới hỏi:

- Tissa, sao vậy? Sao ông đến đây tèm lem nước mắt, sầu khổ thế kia?

Các du tăng trước đây có bàn với nhau không dám để Tissa đi một mình e gây nhiều chuyện rắc rối, nên đi theo Tissa, đến đảnh lễ đức Ðạo sư và cung kính ngồi một bên.

Tissa nghe Phật hỏi liền đáp:

- Bạch Thế Tôn, những Sa-môn này lăng mạ con.

- Nhưng ông đang ngồi ở đâu?

- Ở giữa giảng đường tinh xá, bạch Thế Tôn!

- Khi những Sa-môn này đến, ông có thấy họ không?

- Con có thấy họ, bạch Thế Tôn!

- Ông có đứng dậy chào họ không?

- Thưa Thế Tôn, không.

- Ông có đỡ giùm đồ đạc giúp họ không?

- Bạch Thế Tôn, không. Con không đỡ giùm đồ đạc cho họ.

- Ông có sẵn lòng phục vụ họ không? Và mời nước uống không?

- Không, bạch Thế Tôn! Con không phục vụ cũng chẳng mời nước uống.

- Ông có đem tọa cụ đến mời ngồi và chùi chân cho họ không?

- Thưa không, Thế Tôn!

- Tissa, ông nên làm các việc trên đối với những Sa-môn lớn tuổi, vì ai không làm thế sẽ không được quyền ngồi giữa tịnh xá. Chỉ có ông là đáng bị rầy. Hãy xin lỗi những Sa-môn này đi!

- Nhưng họ đã lăng mạ con, Thế Tôn! Con sẽ không xin lỗi họ.

- Tissa, chớ làm như vậy. Chỉ có ông mới đáng bị rầy. Xin lỗi họ đi!

- Con không xin lỗi họ, Thế Tôn!

Các Sa-môn bạch Phật:

- Ông ấy thật là cứng đầu, thưa Thế Tôn!

Ðức Ðạo sư trả lời:

- Này các Sa-môn, đây chẳng phải là lần thứ nhất ông ấy cứng đầu. Kiếp trước ông ấy cũng đã bướng bỉnh như thế.

- Chúng con đã rõ tính ương ngạnh của ông ấy trong hiện tại, bạch Thế Tôn. Nhưng còn kiếp trước ông đã làm gì?

- Này các Sa-môn hãy lắng nghe!

Và đức Phật kể câu chuyện.

Chuyện quá khứ

3A. Devala và Nàrada

Vào thuở nọ, dưới triều một vị vua ở Ba-la-nại, có một nhà tu khổ hạnh tên là Devala sau tám tháng ở Hy-mã-lạp-sơn về thành kiếm muối và giấm. Ông cũng muốn về ở gần thành phố trong bốn tháng mùa mưa.

Gặp hai chú bé nơi cổng thành, ông hỏi:

- Các Sa-môn đến thành phố thường ngủ đêm tại đâu?

- Nơi nhà người thợ gốm, thưa Tôn giả.

Thế là Devala đi đến nhà người thợ gốm, đứng trước cửa hỏi:

- Gia chủ! Nếu người bằng lòng, tôi sẽ nghỉ lại một đêm trong nhà người.

Thợ gốm mở rộng cửa mời:

- Ban đêm tôi không làm việc, nhà lại rộng: xin Tôn giả cứ ngủ tại đây.

Devala vừa vào nhà và ngồi xuống thì có một ẩn sĩ khác tên Nàrada cũng từ Hy-mã-lạp-sơn đến xin tá túc. Người thợ gốm, với lòng tử tế và hiếu khách đối với các Sa-môn, lo lắng không biết vị ẩn sĩ đến trước có chịu ngủ chung với vị mới đến hay không, nên khéo léo bảo Nàrada:

- Nếu vị ẩn sĩ đến trước đồng ý thì xin mời Ngài.

Và Nàrada Nàrada đến gặp Devala nói:

- Thưa thầy, nếu thầy đồng lòng, tôi xin ngủ lại đây một đêm.

Devala hoan hỷ:

- Nhà còn rộng, xin mời thầy vào và ngủ lại một bên này.

Rồi Nàrada bước vào, ngồi phía sau Devala. Họ chào hỏi nhau một cách thân thiện. Ðến giờ ngủ, trước khi nằm xuống, Nàrada cẩn thận ghi nhớ chỗ của Devala và vị trí cửa ra vào. Nhưng Devala, thay vì ngủ đúng chỗ của mình, lại nằm ngay giữa lối đi. Hậu quả là khi Nàrada bước ra ngoài ban đêm, ông đạp nhằm bím tóc của Devala. Tức thì nhà khổ hạnh la toáng lên:

- Ối! Ai dẫm lên bím tóc ta?

Nàrada từ tốn trả lời:

- Thưa thầy, tôi.

Devala, giọng nóng nảy tiếp tục la:

- Ðồ đạo đức giả! Ngươi là đồ rừng rú. Ngươi đã đạp lên tóc ta!

- Thưa thầy, tôi không biết thầy nằm ở đây. Xin thứ lỗi cho tôi!.

Rồi Nàrada bước ra, để lại Devala một mình khóc lóc như bị ai bóp vỡ tim.

Chưa hết. Sau đó, Devala xoay ngược người lại, nằm xuống, đặt đầu vào chỗ ban nãy đã để chân, cố ý để Nàrada giẫm lên mình.

Nàrada bước vào, lòng dặn lòng hồi nãy mình đã lỡ xúc phạm vị đạo sĩ, lần này mình sẽ đi mé dưới chân người.

Tất nhiên là khi vừa bước vào, Nàrada dẫm ngay lên cổ Devala. Tức thì Devala hét ầm lên:

- Trời! Ai đó?

Nàrada vội vàng nói:

- Thưa thầy, tôi.

Devala lần này càng kêu to:

- Ðồ đạo đức giả! Lần đầu ngươi dẫm lên tóc ta, lần này ngươi đạp lên cổ ta. Ta sẽ nguyền rủa ngươi!

- Thưa thầy, tôi không đáng bị khiển trách. Tôi không biết thầy nằm ở phía này. Khi bước vào tôi đã hết sức dè dặt, tự nhắc nhở phải cẩn thận, đi phía dưới chân đạo sĩ, tránh xúc phạm người. Xin thầy thứ lỗi cho tôi!

Devala vẫn la oai oái:

- Ðồ đạo đức giả! Ta sẽ nguyền rủa ngươi.

- Ðừng làm vậy, thưa thầy!

Mặc những lời thiết tha xin lỗi của Nàrada, Devala vẫn rủa tiếp:

- Mặt trời có ngàn tia sáng, có trăm ánh lửa xua tan bóng tối. Sáng mai vào lúc mặt trời mọc, đầu ngươi sẽ vỡ làm bảy mảnh.

Nàrada đáp:

- Thầy, tôi đã giải bày hết lời là không phải lỗi tại tôi, thầy vẫn chẳng chịu nghe. Ðầu kẻ có lỗi sẽ vỡ làm bảy mảnh chớ không phải đầu người vô tội.

Tức thì Nàrada đọc lời nguyền sau:

- Mặt trời có ngàn tia sáng, có trăm ánh lửa xua ta bóng tối. Sáng mai vào lúc mặt trời mọc, đầu người sẽ vỡ làm bảy mảnh.

Ẩn sĩ Nàrada có đại thần thông, có thể thấy suốt tám mươi tiểu kiếp: bốn mươi tiểu kiếp quá khứ và bốn mươi tiểu kiếp tương lai. Vì vậy ông thấy lời nguyền sẽ rớt trúng ngay ông thầy khổ hạnh bạn mình. Ông cảm thấy thương xót, và vì vậy làm phép không cho mặt trời mọc.

Không thấy mặt trời mọc, dân chúng tụ tập trước cổng cung vua, rên rỉ:

- Tâu Ðại vương, mặt trời không mọc nữa! Ngài là vua, làm sao cho mặt trời mọc giùm chúng tôi với!

Nhà vua xét lại những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, thấy chẳng có điều gì sai trái, nên không hiểu nguyên nhân nào mặt trời không mọc. Nhà vua suy đoán rằng đây có thể là do tu sĩ cãi cọ bất hòa với nhau nên hỏi thăm, và liền cầm đuốc đi đến nhà thợ gốm cúi chào Nàrada, cung kính ngồi xuống một bên và nói:

- Bạch ngài Nàrada, dân xứ Diêm-phù-đề không thể sinh hoạt như bình thường. Tại sao bóng đêm bao trùm thế giới? Xin trả lời câu hỏi của tôi.

Nàrada kể lại toàn bộ câu chuyện và hậu quả của lời nguyền.

Vua hỏi tiếp:

- Nhưng thưa Tôn giả, làm sao ông ta có thể thoát chết?

- Ông ấy sẽ thoát chết nếu xin lỗi tôi.

Vua bắt Devala phải xin lỗi Nàrada. Nhưng Devala một mực ngoan cố:

- Tâu Ðại vương, ông bạn này đã dẫm lên tóc tôi và đạp lên cổ tôi. Không đời nào tôi thèm xin lỗi đồ đạo đức giả đó!

Vua vẫn khẩn thiết yêu cầu Devala:

- Xin lỗi đi, Tôn giả! Ðừng làm như vậy!

- Ðại vương, tôi không thèm xin lỗi.

- Ðầu Ngài sẽ bể làm bảy mảnh!

- Mặc kệ! Tôi cũng không xin lỗi.

Lần này vua gằn giọng:

- Ông vẫn không chịu xin lỗi phải không?

Thế rồi nhà vua nắm lấy tay, chân, bụng và cổ nhà ẩn sĩ, bắt cúi đầu dưới chân Nàrada. Nàrada lòng cởi mở:

- Hãy đứng lên thầy! Tôi đã tha lỗi cho thầy!

Rồi Nàrada tâu với vua:

- Ðại vương, ẩn sĩ này không chịu xin lỗi tôi. Hãy đem ông ta đến một cái hồ gần thành, đặt một cục đất sét trên đầu ông, bắt ông ta đứng dưới nước ngập cổ.

Vua y lời. Nàrada còn dặn thêm khi ông làm phép cho mặt trời mọc trở lại, Devala hãy lặn xuống nước và trồi lên nơi khác rồi đi đi!

Quả đúng như rằng, ngay khi ánh mặt trời lóe lên thì chạm vào cục đất sét làm vỡ thành bảy mảnh. Tức thì Devala lặn xuống nước, trồi lên nơi khác và đi mất.

Thế Tôn kết thúc câu chuyện:

- Này các Tỳ-kheo! Nhà vua lúc ấy là Ananda, Devala là Tissa, còn Nàrada chính là Ta. Thuở đó Tissa cũng cứng đầu như vậy.

Rồi đức Ðạo sư dạy Trưởng lão Tissa như sau:

- Tissa! Nếu một Tỳ-kheo cho phép mình nghĩ rằng người này người kia mắng tôi, người này người kia đánh đập tôi, người này người kia đánh bại tôi, cướp giật của tôi, ông ấy sẽ hận thù không nguôi. Nhưng nếu Ty-kheo ấy không ôm ấp những ý nghĩ như vậy, thù hận sẽ nguôi ngoai.

Nói xong Phật đọc Pháp Cú:

(3) Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi,

Ai ôm biềm bận ấy,

Hận thù không thể nguôi.

(4) Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi,

Không ôm biềm bận ấy,

Hận thù được tự nguôi.

4. Không Lấy Oán Trả Oán

Với hận diệt hận thù...

Phật dạy Pháp Cú này cho một người hiếm muộn, lúc Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên.

Một người kia, sau khi cha chết, một mình lo liệu gánh vác tất cả việc nhà cửa ruộng vườn, lại còn chăm sóc bà mẹ.

Mẹ bảo anh:

- Con ạ, mẹ sẽ kiếm cho con một cô vợ trẻ.

Người con hiếu thảo bèn thưa:

- Mẹ thân yêu, đừng nói thế. Ước ao duy nhất của con là được phụng dưỡng mẹ suốt đời.

- Con ơi, mẹ không muốn một mình con phải gánh vác hết mọi việc trong nhà ngoài ruộng, hãy để mẹ kiếm vợ cho con.

Anh ta từ chối đôi ba phen, rồi đành im lặng bằng lòng. Bà mẹ hớn hở rời khỏi nhà, định đi đến một nhà nọ kiếm con dâu đem về.

Anh ta bèn hỏi mẹ:

- Mẹ định đến nhà ai vậy?

Bà lão giơ tay chỉ:

- Ðến nhà kia kìa!

Anh ta không để mẹ đi đến nhà theo dự định, mà chỉ cho bà một nhà khác anh thích hơn. Vậy là bà đến nhà con mình thích, chọn nàng dâu rồi lựa ngày làm lễ cưới. Rủi thay lại gặp một nàng dâu không sinh đẻ. Bà mẹ nóng lòng bế cháu nên vội vã bảo anh con trai:

- Con ạ, con đã bảo mẹ đem về người vợ do con tự chọn, nhưng cô ấy lại chẳng sinh đẻ. Gia đình không con cái sẽ lụn bại, giống dòng sẽ tuyệt tự. Con hãy để cho mẹ kiếm một nàng dâu khác nghe con!

Anh con trai có vẻ không bằng lòng nên lắc đầu:

- Xin mẹ đừng nói nữa!

Nhưng bà mẹ vẫn nhai đi nhai lại điệp khúc cũ nên lọt vào tai cô vợ hiếm muộn. Lòng cô ngổn ngang trăm mối. Chắc chắn là con phải vâng lời mẹ thôi, nếu bà già kiếm được một người dễ sinh nở thì cô sẽ bị nhà chồng xem thường, coi như đầy tớ. Chi bằng chính cô chọn vợ cho chồng.

Thế là người đàn bà hiếm muộn đi đến nhà nọ kiếm một cô gái cho chồng. Nhưng vừa hở môi bà đã gặp sự chống đối của cha mẹ cô gái. Họ hỏi gặng lại bà:

- Này, bà nói cái gì thế?

Người đàn bà không con trả lời:

- Thú thật ông bà thương, tôi chẳng may xấu số không sinh đẻ, mà gia đình không con sẽ tuyệt tự. Nếu con gái ông bà về nhà tôi sinh được con trai, cô ấy sẽ là bà chủ quán xuyến hết cả gia sản. Xin ông bà hãy cho tôi cưới cô nhà về cho chồng tôi.

Cuối cùng người đàn bà đã thuyết phục được cha mẹ cô gái và rước cô về nhà. Dù đã làm được theo ý mình, người đàn bà hiếm con vẫn không an tâm, cứ lo sợ đối thủ sinh con, sẽ là bà chủ trong nhà. Rồi bà đến nói với đối thủ của mình:

- Nè em! Hễ em có thai thì cho chị biết nhé!

Cô kia ngoan ngoãn trả lời:

- Dạ.

Và như lời hứa, ngay khi mang thai cô đến báo cho người vợ cả biết. Hằng ngày vợ cả thường tự tay nấu cháo cho đối thủ mình ăn. Thế là từ hôm đó bà bỏ vào cháo một ít thuốc phá thai. Kết quả đối thủ của bà bị sẩy thai. Lần thứ hai, người vợ sau cũng lại báo tin cho vợ cả khi mang thai. Vợ cả làm như lần trước và cô này lại sẩy thai nữa. Các bà hàng xóm thấy cô vợ sau ngây thơ, nên vừa thương tình vừa tò mò mới hỏi thăm:

- Có phải đối thủ của chị thọc gậy bánh xe chị không?

Và khi nghe kể lại sự vụ, họ bảo:

- Ðồ ngốc, sao chị dại dột như vậy? Bả sợ chị chiếm ưu thế trong gia đình nên trộn thuốc phá thai cho chị ăn. Lần sau đừng có nói cho bả biết nữa nghe chưa!

Lần thứ ba người vợ sau không nói gì cả, nhưng bà hiếm con thấy bụng người vợ sau ngày càng to liền hỏi:

- Sao em có thai mà không nói cho chị biết?

Bà vợ sau thật thà nghĩ sao nói vậy:

- Chính chị mang tôi về đây, vậy mà hai lần rồi chị làm tôi hư thai. Tại sao tôi phải nói với chị kia chứ?

Bà không con thất vọng: "Hỏng, thế là ta thua rồi!". Từ đó bà theo dõi, chờ cơ hội đối thủ thiếu cảnh giác lại ra tay, vì bà vẫn chưa chịu thua.

Khi đứa bé trong bụng mẹ đã thành hình, bà cả thừa một dịp nọ trộn thuốc cho bà vợ sau ăn, nhưng vì hình thể đã đầy đủ nên thai nhi không bị hư, mà lại kẹt ngang cổ tử cung. Ngay sau đó bà mẹ đau bụng dữ dội và cảm thấy giờ chết đến nơi. Bà la hoảng lên:

- Mày giết tao! Chính mày mang tao về và cũng chính mày giết ba đứa con của tao. Giờ tao sắp chết, kiếp sau tao sẽ thành quỷ dạ xoa ăn thịt con mày!

Nguyền rủa rồi bà tắt hơi và lại sanh vào nhà ấy thành một con mèo. Còn ông chồng lúc ấy tóm bà vợ không con, nạt nộ:

- Chính mày làm tan nát gia đình tao.

Rồi ông dùng cùi chỏ, đầu gối.. đánh đập bà tàn nhẫn. Sau trận đòn, người vợ cả ốm nặng rồi chết, lại cũng sinh vào nhà ấy thành một con gà mái.

Như vậy bà vợ sau tái sinh là con mèo, vợ cả là con gà. Khi gà mái đẻ trứng, mèo đến ăn sạch hết. Ba lần như vậy gà mái cất tiếng:

- Ðã ba lần mày ăn trứng con tao, bây giờ mày còn chực ăn luôn cả tao. Kiếp sau tao sẽ ăn thịt mày và con mày.

Nguyền như vậy rồi nó chết và sinh làm con beo cái. Còn mèo sinh làm con nai cái. Ba lần nai cái sinh con, ba lần beo đến nuốt tươi. Khi sắp chết, nai cái lại nguyền rủa:

- Ba phen ác thú này nuốt sống con ta và giờ nó định nhai luôn cả ta nữa. Kiếp sau ta sẽ nhai nuốt nó và con nó! Rồi nai cái tái sinh là quỷ Dạ-xoa và beo chết đi đầu thai thành một cô gái dòng tôn quý ở Xá-vệ. Lớn lên, cô gái lập gia đình sống bên nhà chồng tại một khu xóm nhỏ gần cổng thành. Một thời gian sau cô có con. Quỷ Dạ-xoa biến thành một người bạn thân đến thăm cô gái và hỏi người nhà:

- Bạn tôi đâu?

- Ở phòng trong, cô ấy vừa sinh hạ một đứa bé.

Da-xoa hớn hở hỏi tiếp:

- Con trai hay con gái vậy? Tôi muốn thăm chị ấy.

Rồi tất tả bước vào trong, giả vờ nhìn ngắm đứa bé và nhanh tay chộp lấy nhai nuốt xong đi ra. Lần thứ hai, quỷ cũng nuốt tươi con của người vợ trẻ như vậy. Ðến lần thứ ba, thấy bụng đã lớn cô vợ trẻ thủ thỉ với chồng:

- Anh à, tại đây có một con quỷ Dạ-xoa đã nuốt chết hai đứa con của chúng ta và trốn thoát. Lần này tôi định trở về nhà để sinh nở.

Lúc bấy giờ đến phiên quỷ Dạ-xoa đi kéo nước (Da-xoa thay phiên nhau kéo nước từ hồ Anottatta đổ lên nguồn, mãn hạn bốn hay năm tháng chúng được thả về, nếu không bị chết vì kiệt sức). Ngay khi vừa được thả ra, quỷ Da-xoa liền chạy đến gặp người vợ trẻ hỏi:

- Bạn tôi đâu rồi?

Người trong nhà đáp:

- Chị chẳng gặp cô ấy đâu. Có một con quỷ Dạ-xoa đã ăn thịt những đứa con cô ấy sinh ra trong nhà này. Vì vậy cô ấy đi về nhà cha mẹ ruột rồi.

Quỷ lầm bầm:

- Dù có chạy đằng trời, nó cũng không thoát khỏi tay ta!

Nôn nóng vì thù hận, Dạ-xoa tức tốc đi vào thành.

Ðến ngày lễ đặt tên, bà mẹ tắm rửa và đặt tên cho đứa bé xong, thưa với chồng:

- Ông à, bây giờ chúng ta hãy trở về nhà.

Cô vợ ẵm con đi bên cạnh chồng. Trên con đường băng ngang tinh xá, khi đến hồ nước của tinh xá, người vợ trẻ giao con cho chồng và xuống hồ tắm. Cô tắm xong, đến phiên chồng, và cô ngồi đợi gần đó và cho con bú. Ngày lúc ấy quỷ Dạ-xoa xuất hiện. Cô vợ trông thấy nhận ra nó, lập tức la lên:

- Ông ơi! Ðến đây mau! Con quỷ đây nè!

Sợ chồng đến không kịp, cô xoay người đâm đầu chạy vào tinh xá. Lúc ấy đức Ðạo sư đang thuyết pháp giữa chúng hội. Người vợ trẻ đặt con dưới chân Phật thưa:

- Con xin cúng dường Ngài đứa bé này. Xin hãy cứu lấy nó!

Quỷ cũng rượt theo tới nơi. Thiên thần Sumana khi đó đang trú tại hốc cửa bên trên cổng tinh xá, liền ngăn quỷ Dạ-xoa lại không cho vào. Ðức Ðạo sư bảo Trưởng lão A-nan:

- A-nan, ngươi hãy ra gọi quỷ Dạ-xoa vào đây!

Trưởng lão y lệnh. Người vợ vừa thấy quỷ lo sợ, kêu lên thất thanh:

- Nó đó, thưa Thế Tôn.

Ðức Ðạo sư dạy:

- Hãy để nó vào. Ðừng làm ồn!

Dạ-xoa bước vào, đứng trước Phật. Phật hỏi:

- Sao ngươi làm như vậy? Nếu không gặp một vị Phật như Ta, ngươi sẽ ôm ấp mối hận đến ngàn đời, không khác gì con Rắn và con Cáo run rẩy giận dữ, như Quạ và Cú. Sao ngươi lấy oán trả oán? Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù.

Và đức Phật đọc Pháp Cú:

(5) Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được,
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Nghe dứt bài kệ, Dạ-xoa liền đắc quả Dự lưu. Phật bảo người đàn bà đưa đứa bé cho Dạ-xoa. Người đàn bà vẫn còn sợ, không dám đưa. Nhưng sau khi Phật cho biết là không cần phải đề phòng, bà ta mới dám trao. Dạ-xoa nhận đứa bé trong tay, ôm hôn âu yếm rồi trả lại cho mẹ nó, xong bắt đầu khóc. Nghe Phật hỏi tại sao, Dạ-xoa liền thưa:

- Thưa Thế Tôn! trước đây con hết sứ xoay sở mà chẳng đủ ăn. Giờ con không biết sẽ sống ra sao.

Phật an ủi Dạ-xoa, rồi quay sang người mẹ, Ngài dạy:

- Hãy cho Dạ-xoa ở trong nhà con và nuôi bằng loại cháo ngon nhất.

Người đàn bà vâng lện đưa Dạ-xoa về nhà, cho ở trên cây kèo giữa và nuôi bằng loại cháo ngon. Khi đến mùa đập lúa, máy đập vọt lên vọt xuống, Dạ-xoa sợ máy đập vào đầu nên nói với bạn không thể ở đây thêm, và xin đi nơi khác. Dạ-xoa lần lượt được cho ở trong chòi để máy đập lúa, chỗ giếng nước, lò bánh mì, kho phân, đống tro và cổng làng, nhưng không chịu ở đâu hết, luôn cằn nhằn: chỗ thì máy đập lúa nâng lên e rằng chẻ đầu ra làm hai, chỗ thì tụi nhóc tiểu bậy, chỗ thì đàn chó nằm dài, hoặc bầy trẻ phóng uế, có khi liệng rác, chỗ thì trai làng đến xem bói. Vì thế cô ta đưa Dạ-xoa về một nơi yên tĩnh ngoài làng, mỗi ngày đều mang cháo ngon đến cho ăn.

Một hôm Dạ-xoa nói với bạn mình:

- Năm nay trời sẽ mưa nhiều, nên trồng lúa ở nơi khô ráo.

Có khi Dạ-xoa cho biết:

- Năm nay hạn hán, nên trồng lúa nơi ẩm thấp.

Lúa của người khác bị hư vì lúc úng lúc hạn, nhưng lúa của người đàn bà trẻ thì bội thu. Dân làng ngạc nhiên đến hỏi cô:

- Này chị, lúa của chị chẳng bị úng, chẳng bị hạn. Chị làm mùa dường như biết trước thời tiết. Phải vậy không?

Cô ta đáp:

- Tôi có người bạn là Dạ-xoa cho tôi biết trước sự thay đổi thời tiết, và tôi trồng lúa trên đất cao hay đất thấp tùy theo sự chỉ dẫn của chị ấy. Các bạn không thấy sao, ngày nào tôi cũng mang cháo ngon và các loại thức ăn đến cho chị ấy. Nếu các bạn làm như tôi cũng sẽ được trúng mùa.

Dân làng lập tức tôn vinh Dạ-xoa. Và từ đó Dạ-xoa chăm sóc mùa màng cho mọi người, nhận được nhiều quà biếu và được nhiều người tôn kính. Dạ-xoa tạo nên thông lệ bữa ăn tám món, còn được duy trì mãi đến nay.

5. Những Vị Tỳ Kheo Hay Cãi Cọ Ở Xứ Câu Thâm (Kosambi)

Và người khác không biết...

Ðức Phật thuyết bài pháp này cho các Tỳ-kheo ở Kosambi khi Ngài ngụ tại Kỳ Viên.

5A. Các Tỳ Kheo Cãi Nhau

Tại Kosambi, trong tinh xá Ghosita có hai Tỳ-kheo trú ngụ, một vị là luật sư, vị kia là pháp sư, mỗi vị dẫn đầu năm trăm tăng. Một hôm, vị pháp sư sau khi tắm xong đã chừa lại một ít nước trong bồn tắm và đi ra. Kế đó, vị luật sư đi vào thấy nước dư, lúc trở ra ngoài ông hỏi bạn:

- Này huynh, có phải huynh đã chừa nước lại không?

Vị pháp sư đáp:

- Vâng, huynh ạ!

- Nhưng huynh không biết là đã phạm lỗi sao?

- Thật ra tôi không biết.

-Này huynh, đó là một lỗi.

- Như thế, tôi sẽ sám hối về lỗi ấy.

- Dĩ nhiên, này huynh! Nếu huynh không cố ý làm, vô tâm thì không gọi là lỗi.

Nghe vị luật sư bảo thế, vị pháp sư yên trí xem như không có lỗi. Ấy thế mà vị luật sư lại nói với học chúng của mình:

- Vị pháp sư dù đã phạm lỗi vẫn không thấy lỗi.

Và nhóm học chúng này khi gặp nhóm học chúng của vị pháp sư liền kháo nhau:

- Thầy của các anh đã phạm lỗi mà không nhận lỗi.

Học chúng của vị pháp sư về kể lại với thầy mình. Vị pháp sư nghe qua liền đáp:

- Vị luật sư này trước đó đã nói là không lỗi, bây giờ nói có lỗi. Ông ta là người dối trá.

Học chúng của hai bên gặp nhau, rồi lời qua tiếng lại:

- Thầy của các huynh là người dối trá!

Họ tranh cãi nhau. Và vị luật sư thừa cơ hội tuyên án tẩn xuất vị pháp sư vì đã không nhận lỗi. Từ đó, ngay đến những thí chủ cúng dường cho họ cũng chia làm hai phe, ngay cả những cô ni được họ dạy, cả thiện thần hộ pháp, bạn bè và những người thân tín, chư thiên trên trời, lan đến Phạm thiên đều như thế. Mọi người, ngay cả những người chưa quy y cũng chia làm hai phe. Sự tranh cãi lan rộng từ trời Tứ thiên vương cho đến trời Ðế Thích.

Ðến mức độ thì có một Tỳ-Kheo tới gần thế Tôn thưa kể tự sự: "Những người tuyên án tẩn xuất thì giữ quan điểm rằng pháp sư bị tẩn xuất là đúng luật, ngược lại những người bênh vực thì cho rằng trái luật, và tụ họp lại để ủng hộ pháp sư mặc dù những người tuyên bố tẩn xuất cấm họ làm như vậy". Ðã hai lần Thế Tôn nhắn hai bên Tỳ-Kheo hãy đoàn kết, và đều nhận được câu trả lời:

- Bạch Thế Tôn! Họ không chịu đoàn kết.

Lần thứ ba, Thế Tôn bảo:

- Tăng đoàn đã bị chia rẽ!

Nói xong, Phật đến chỗ các Tỳ-kheo và chỉ cho nhóm vị Tỳ-kheo luật sư, người tuyên bố tẩn xuất, sự sai lầm trong quyết định ấy, và đối với nhóm vị Tỳ-kheo pháp sư, người không nhận lỗi, Ngài cũng chỉ sự sai lầm trong hành động ấy. Một lần nữa, Phật bắt các Tỳ-kheo kiết trai và khiến họ hành sám ngay tại chỗ, trong khu vực giới hạn. Ngài đặt luật cho các Tỳ-kheo, nếu gây gỗ trong phòng ăn hoặc các nơi khác, họ bắt buộc phải ngồi chỗ riêng biệt trong trai đường.

Nhưng các Tỳ-kheo vẫn không ngừng gây nhau, đức Phật lại đi đến nơi và khuyên răn:

- Ðủ rồi, các Tỳ-kheo! Ðừng gây gỗ nữa! Gây gỗ, đấu tranh, tranh chấp, tranh cãi, mọi thứ này đều nguy hại. Bởi lẽ vì tranh cãi một con chim bé bỏng cũng làm một con voi quý phải chết.

Và đức Phật kể chuyện Bổn Sanh "Con Chim Nhỏ". Ngài dạy tiếp:

- Các Tỳ-kheo, hãy đoàn kết! Hãy dừng tranh cãi, vì sự tranh cãi mà hàng ngàn con chim nhỏ đã mất mạng.

Và Ngài kể chuyện Bổn Sanh "Những Con Chim". Nhưng dù vậy họ vẫn không nghe lời Phật, và một ngoại đạo muốn Phật bớt phiền nhiễu, thưa rằng:

- Bạch Ngài, đấng Thế Tôn, đấng Pháp Vương! Hãy ở nhà! Ðấng Thế Tôn! Ngài hãy sống một đời vô sự và tự tại ở cõi này. Chúng con có gây gỗ, đấu tranh, tranh chấp, tranh cãi nhau mới làm sáng tỏ ai phải ai trái.

Liền đó, đức Phật kể chuyện Bổn Sanh như sau: "Có một lần, này các Tỳ-kheo, Phạm-ma-đạt trị vì Ba-la-nại, là vua xứ Kàsi. Phạm-ma-đạt gây chiến với vua Dìghati Kosala, đánh chiếm vương quốc và giết vua khi đang cãi trang. Con trai của Dìghati là hoàng tử Dìghàvu, mặc dù biết rằng Phạm-ma-đạt là kẻ giết cha mình, vẫn tha mạng kẻ thù. Do đó họ sống hòa bình với nhau".

Và Ngài huấn thị các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, lòng kiên nhẫn và tư cách phong nhã của những ông vua hay sử dụng dao gậy cao đẹp thế đó. Tỳ-kheo, các ông là những kẻ xuất gia được giáo huấn bằng Pháp và Luật chu đáo như thế, phải làm sao chiếu sáng thế gian hơn với lòng kiên nhẫn và tư cách cao nhã của các ông chứ.

Dù đã được khuyên nhủ như thế, các Tỳ-kheo vẫn không đoàn kết theo lời Phật. Không vui vì phải sống trong cảnh ồn náo, không thoải mái vì bị quấy rầy, hơn nữa các Tỳ-kheo này không đếm xỉa đến lời Phật dạy, nên Thế Tôn quyết định sống độc cư tránh xa đám người chộn rộn. Sau khi đi khất thực ở Câu-thâm, không từ giã Tăng đoàn, đức Phật đắc y, ôm bát, một mình đi đến Bàlaka, chỗ bán muối, tại đây Ngài thuyết pháp cho Trưởng lão Bhagu về đời sống độc cư. Rồi Ngài đến Ðông Trúc Lộc Giã, và thuyết pháp cho ba chàng trai gia thế về hạnh phúc an lành của sự hòa hợp. Và từ đó, Ngài đến Pàrileyyaka. Ở đó, dưới gốc cây Sala đẹp đẽ, trong rừng Bảo Hộ, đức Thế Tôn đã trải qua một mùa hạ an vui, có voi Pàrileyyaka phục vụ.

Khi nhóm cư sĩ ở Câu-thâm đến tinh xá và không gặp đấng Ðạo sư, họ hỏi các Tỳ-kheo:

- Thưa chư Tôn giả, đấng Ðạo sư đi đâu?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Vào rừng Pàrileyyaka.

- Tại sao thế?

- Ngài cố gắng hòa hợp chúng tôi, nhưng chúng tôi không hòa hợp được.

- Này chư Tôn giả, có phải các vị, sau khi được chấp nhận là Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của Ðạo sư, lại cãi lời Ngài lúc Ngài yêu cầu các vị hòa hợp?

- Ðúng thế, đạo hữu.

Rồi có người nói tiếp:

- Những vị Tỳ-kheo này, sau khi được thu nhận làm Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của Ðạo sư, lại không muốn hàn gắn những rạn nứt theo lời yêu cần của Ngài. Ðây hoàn toàn do lỗi của họ mà chúng ta không được gặp Phật. Ðối với những Tỳ-kheo này, chúng ta nhất quyết sẽ không mời ngồi và cũng không bao giờ kính lễ hoặc cúng dường nữa.

Và từ đó họ không thèm cúng kính các Tỳ-kheo nữa. Hậu quả là các Tỳ-kheo bị thiếu vật thực và gần chết đói, nên chỉ sau vài ngày các Tỳ-kheo đã biết phục thiện. Rồi họ sám hối nhau, xin được tha thứ. Họ bảo các cư sĩ:

- Ðạo hữu! Chúng tôi đã hòa hợp. Xin đối với chúng tôi như xưa.

- Thưa chư Tôn giả, các vị xin sám hối với đức Thế Tôn chưa?

- Chưa, đạo hữu.

- Vậy thì hãy xin sám hối Thế Tôn. Và ngay khi được Phật tha lỗi, chúng tôi sẽ trở lại với các vị như trước.

Nhưng vì đang giữa mùa an cư, các Tỳ-kheo không thể đến gặp Phật, và họ kiết hạ trong sự thiếu thốn, trong khi Phật thì an vui, được voi hầu hạ. Con voi này là voi đầu đàn đã rời bầy và vào rừng với lý do độc nhất là muốn được an vui. Nó nói:

5B. Ðức Phật, Voi và Khỉ.

- Tôi sống ở đây bị voi cái, voi con, voi trẻ làm phiền nhiễu. Ðầu ngọn cỏ tôi thường ăn bị chúng nhai nát, chúng ăn hết nhánh cây này đến nhánh nọ khi tôi vừa bẻ xuống, chúng quấy đục nước tôi uống. Khi tôi xuống nước và lên bờ, voi cái đến cọ xát vào thân tôi. Có lẽ tôi nên rời đàn và sống một mình.

Rồi con voi đầu đàn bỏ bầy, đến gần Pàerileyyaka, vào rừng Bảo Hộ, dưới gốc cây Sala đẹp đẽ, ngay nơi Thế Tôn ngụ, thân cận với Ngài. Ðến trước Thế Tôn, nó đảnh lễ Ngài, rồi nhìn quanh quất tìm chổi, không thấy chổi, nó bèn đạp cây Sala phía dưới và dùng vòi quật phía trên cho ngã xuống rồi lấy một nhánh cây quét đất. Sau đó, nó lấy vòi quấn bình nước mang đi lấy nước. Vài khi cần đến nước nóng, nó nấu nước nóng (Sao có thể được chứ?). Ðầu tiên nó dùng vòi kéo dùi lửa cho bật lửa ra và nhen củi chà vào. Nó nhóm lửa như thế và nung những hòn đá nhỏ rồi dùng một cây gậy lăn vào một lõm đá (có nước). Xong nó hạ vòi xem nước đủ nóng chưa, rồi đến cúi đầu trước Phật. Thấy voi đến, đức Phật hỏi:

- Nước nóng chưa, Pàrileyyaka?

Và phật đến đó tắm. Sau đó voi dâng Phật những loại trái cây rừng.

Ðến giờ Phật vào làng khất thực, voi lấy y bát của Phật đặt lên đỉnh đầu và đi theo Ngài. Ðến ven làng, Phật bảo voi đưa trả y bát:

- Pàrileyyaka! Chú không đi xa hơn được! Hãy giao y bát cho Ta.

Phật vào làng và voi đứng đó đợi Ngài trở lại, tiến tới đón Ngài, để y bát lên đầu như lúc trước và đem về chỗ Phật ngụ, hầu hạ Ngài như thường lệ rồi quạt hầu Phật với một nhánh cây. Ban đêm, để ngừa thú dữ, nó dùng vòi nắm một cây gậy lớn tự nhủ: "Ta sẽ bảo hộ Phật". Và đi tới lui trong khu rừng cho tới khi mặt trời mọc. (Từ đó khu rừng được gọi là rừng Bảo Hộ). Buổi sáng, mặt trời lên, voi lấy nước cho Phật rửa mặt, và theo cách như đã nói trên, nó làm tròn mọi bổn phận khác.

Bấy giờ, một con khỉ thấy cử chỉ và hành động mỗi ngày của voi, làm những bổn phận nhỏ nhặt hầu Phật, bèn phát tâm sẽ làm giống như vậy. Một hôm, trong lúc chạy nhảy tình cờ nó gặp một tổ mật trên cây không có ong. Nó bẻ cành cây xuống, cầm tổ mật còn nguyên trên cành cây, hái một lá chuối, đặt tổ ong trên lá và mang dâng Phật. Ðức Phật nhận lấy. Khỉ trố mắt xem Phật có dùng không và ngạc nhiên thấy Phật không ăn. Khỉ thắc mắc không biết có chuyện gì đây, bèn lật qua lật lại tổ ong, vừa xem xét cẩn thận, và khám phá có vài trứng sâu. Nhẹ nhàng lấy trứng sâu ra, khỉ lại dâng tổ mật lên Phật và Ngài hoan hỷ độ. Khỉ vui sướng chuyền từ cành này sang cành khác và nhảy nhót hân hoan vô kể. Nhưng đâu ngờ những nhánh cây khỉ vừa nắm và đạp lên bỗng gẫy lìa. Khỉ rơi xuống một cọc cây, bị đâm xuyên người và chết tức khắc. Vì đặt niềm tin trọn vẹn vào Phật, nó được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba, trong một cung điện bằng vàng cao ba mươi dặm với một đoàn gồm một ngàn thiên nữ hầu cận.

Cả vùng Diêm-phù-đề đều biết rằng đức Phật đang ngụ trong rừng Bảo Hộ, được voi đầu đàn phụng sự. Từ thành Xá-vệ, ông Cấp Cô Ðộc và bà Tỳ-xá-khư - một tín nữ lỗi lạc - cùng một số nhân vật tiếng tăm khác đã gởi lời thỉnh nguyện đến ngài A-nan xin được đặc ân gặp đức Thế Tôn. Năm trăm Tỳ-kheo ngụ ở ngoài thành mãn mùa an cư cũng thỉnh cầu được nghe pháp từ kim khẩu Thế Tôn lâu nay vắng tiếng.

Trưởng lão A-nan bèn hướng dẫn các Tỳ-kheo đến rừng Bảo Hộ. Với đức tính chu đáo của một thị giả, Ngài không dám đến gặp Phật với đám đông Tỳ-kheo vì biết Như Lai đã độc cư suốt ba tháng. Vì thế, Ngài để các Tỳ-kheo chờ ở bên ngoài và một mình đi đến gặp Phật. Khi voi Pàrileyyaka thấy Trưởng lão, nó quấn gậy xông tới. Ðức Phật quay nhìn và bảo voi:

- Trở lại! Pàrileyyaka! Ðừng rượt ông ta. Ðó là thị giả của Như Lai.

Voi lập tức ném gậy đi và thỉnh Trưởng lão đưa y bát, Trưởng lão từ chối. Voi thầm nghĩ nếu ông ta biết luật sẽ không đặt pháp cụ của mình trên tảng đá Phật thường ngồi. Voi đã quá lo xa vì Trưởng lão A-nan đã đặt y bát trên đất (những người biết luật không bao giờ đặt pháp cụ cá nhân lên chỗ ngồi hoặc giường của bậc tôn túc). Rồi Trưởng lão đảnh lễ Phật, ngồi xuống một bên. Phật hỏi:

- Ông đến một mình thôi sao?

- Bạch Thế Tôn, con đến với năm trăm Tỳ-kheo.

- Họ ở đâu?

- Con chưa hiểu ý Phật thế nào, nên để họ đứng ngoài và vào đây một mình.

- Bảo họ vào!

Trưởng lão y lời. Ðức Phật đáp lại lời chào hỏi của các Tỳ-kheo một cách thân tình. Các Tỳ-kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn, Ngài là một vị Phật quý phái, một ông hoàng mảnh mai. Chắc Ngài đã chịu đựng nhiều gian khổ, đứng và ngồi ở đây một mình suốt ba tháng trời. Dĩ nhiên không có ai hầu Phật những việc chánh và phụ, không có ai dâng nước rửa mặt hay làm mọi việc khác cho Ngài.

Ðức Phật trả lời:

- Này các Tỳ-kheo! Voi Pàrileyyaka đã làm hết những việc ấy cho Ta. Nếu ai có được bạn đồng hành như nó thì cuộc sống độc cư tốt đẹp. Nếu như không có được, thì cuộc sống độc cư vẫn tốt đẹp hơn.

Nói xong, Thế Tôn đọc ba câu Pháp Cú sau trong phẩm Voi:

Nếu được bạn hiền trí
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy,
Hoan hỷ sống chánh niệm.
Không gặp bạn hiền trí,
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Như vua bỏ nước bại,
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi.
Tốt hơn sống một mình,
Không người ngu kết bạn,
Ðộc thân, không ác hạnh,
Sống vô tư, vô lự,
Như voi sống rừng voi.

Ngay khi Thế Tôn kết thúc bài kệ, năm trăm Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán.

Trưởng lão A-nan bèn đưa lời thỉnh cầu của ông Cấp Cô Ðộc và những người khác.

- Bạch Phật, năm mươi triệu thánh đệ tử do Cấp Cô Ðộc dẫn đầu mong mỏi Phật trở về.

Phật chuẩn y:

- Tốt lắm! Hãy mang y bát.

Và Phật đi ra khỏi rừng. Voi thấy thế liền đến và đứng chéo chân giữa đường. Các Tỳ-kheo thấy lạ nên hỏi, và được Phật đáp:

- Này các Tỳ-kheo, nó muốn cúng dường các ông. Lâu nay nó đã phục vụ Ta, không nên làm tổn thương tình cảm của nó, hãy trở lại các Tỳ-kheo!

Phật và các Tỳ-kheo trở lại. Voi vào rừng hái lượm chuối và những trái cây khác gom lại, và ngày hôm sau dâng lên các Tỳ-kheo. Năm trăm Tỳ-kheo không thể nào dùng hết. Thọ thực xong đức Phật ôm y bát đi ra khỏi rừng. Voi lại xen vào giữa các Tỳ-kheo và đứng chéo chân trước Phật. Các Tỳ-kheo không thể đoán được ý nghĩa, liền hỏi Phật và được trả lời: - Các Tỳ-kheo! Sau khi chào từ giã các ông nó muốn Ta trở lại.

Và hướng về voi, Phật bảo:

- Này Pàrileyyaka! Ta sẽ đi bây giờ, không trở lại nữa! Trong kiếp này, ngươi không có hy vọng vào được các tầng thiền, hay đạt đến trí tuệ, hay chứng Thánh quả. Hãy dừng lại!

Voi nghe Thế Tôn nói rút vòi vào miệng, từ từ lùi ra sau, vừa đi vừa khóc (nếu nó thỉnh được Phật ở lại, nó sẽ săn sóc Phật như trước đây cho đến hết đời). Ðức Thế Tôn tiếp tục đi, đến ven làng Ngài dừng lại bảo voi:

- Pàrileyyaka! Ði xa hơn nữa ngươi sẽ không được an thân. Dân cư rất nguy hiểm cho ngươi. Hãy dừng lại!

Voi dừng lại nơi đó và khóc. Ðức Phật bước đi, và khi vừa khuất tầm mắt, voi vỡ tim và chết. Vì đặt hết niềm tin vào Như Lai, voi được tái sinh vào cõi trời ba mươi ba, trong một cung điện bằng vàng lớn ba mươi dặm, có ngàn thiên nữ hầu cận. Voi tên là trời Pàrileyyaka.

Dọc đường, Phật ghé vào Kỳ Viên. Các Tỳ-kheo xứ Câu-thâm nghe Phật về Xá-vệ liền đến sám hối. Vua Kosala nghe tin cũng đến chỗ Phật và thưa:

- Bạch Thế Tôn, con sẽ không cho các Tỳ-kheo này vào nước con.

Phật khuyên ngăn vua:

- Ðại vương, những Tỳ-kheo này là người tốt, chỉ vì họ tranh cãi lẫn nhau nên không vâng lời Ta. Giờ đây họ đến để sám hối. Hãy cho họ vào, đại vương!.

Ông Cấp Cô Ðộc cũng bạch với Phật là không cho các Tỳ-kheo xứ Câu-thâm vào tinh xá. Nhưng Phật không đồng ý và ông ta đành im lặng. Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy đến Xá-vệ. Thế Tôn ra lệnh chuẩn bị chỗ ở riêng biệt cho họ. Những Tỳ-kheo khác không đứng hay ngồi chung với họ, lần lượt từng người đến hỏi Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn! Những Tỳ-kheo xứ Câu-thâm hay tranh cãi đang ở đâu?

Thế Tôn chỉ họ và nói:

- Họ đó! Họ đó!

Những Tỳ-kheo từng người chỉ về phía họ và bàn tán với nhau đến nỗi họ xấu hổ không dám ngẩng đầu lên. Rồi họ gieo mình dưới chân Phật xin sám hối. Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo! Tội lỗi các ông đã phạm nặng nề biết bao! Sau khi được nhận làm Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của một vị Phật, lại cãi lời mặc dù Ta đã cố khuyên giải đủ điều. Ngay cả bậc trí giả vẫn nghe kỹ lời dạy bảo của cha mẹ trước khi chết. Họ không dám cãi lời khi cha mẹ từ giã cuộc đời, và sau đó họ được giao quyền lãnh đạo cả hai vương quốc.

Rồi đức Phật lặp lại chuyện Bổn Sanh Kosambika một lần nữa, và kết luận:

- Này các Tỳ-kheo! Hoàng tử Dìghavu, ngay khi cha mẹ mất mạng, ông vẫn không dám cãi lời dạy bảo, sau đó ông cưới con gái của vua Phạm-ma-đạt rồi trị vì cả hai vương quốc Kàsi và Kosala. Còn các ông vì không vâng lời Ta nên đã phạm lỗi nặng.

Và đức Phật nói câu Pháp Cú:

(6) Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị bại.
Chỗ ấy ai hiểu được,
Tranh luận được lắng êm.

Nghe xong Pháp Cú này, các Tỳ-kheo ở đó liền đắc quả Dự lưu.

6. Kala Anh và Kala Em

Ai sống nhìn tịnh tướng...

Câu Pháp Cú này được đức Phật nói khi ngụ gần thành phố Setavya, dành cho Kàla em và Kàla anh, tức Tiểu Hắc (Culla Kàla) và Ðại Hắc (Mahà Kàla).

Tiểu Hắc, Trung Hắc (Majjihima Kàla) và Ðại Hắc là ba gia chủ anh em sống ở Setavya. Tiểu Hắc và Ðại Hắc, tức người em út và người anh cả, thường đi qua xứ khác với một đoàn năm trăm xe bò chở đầy đồ gia dụng để bán, còn Trung Hắc thì ở nhà bán hàng hóa do họ mang về.

Có một dịp, hai anh em mang đủ loại hàng hóa trên năm trăm xe bò rời khỏi Vệ-xá. Giữa đường Xá-vệ và Kỳ Viên họ dừng lại, tháo yên cương các xe. Chiều xuống, Ðại Hắc thấy các Phật tử ở Xá-vệ cầm hoa hương lũ lượt đi về hướng tinh xá. Ông tò mò bèn chận một người lại để hỏi thăm. Ðược biết họ đi nghe pháp, ông cũng đồng tình muốn đi. Dặn dò cậu em để ý coi chừng đoàn xe, ông ra đi.

Ðến tinh xá, ông đảnh lễ Như Lai rồi ngồi xuống bên vòng ngoài hội chúng. Hôm ấy, Phật thuyết nhiều bài pháp tuần tự theo căn cơ của Ðại Hắc; Ngài nhấn mạnh về khổ uẩn với những kinh nói về tội lỗi, sự điên đảo cùng sự nguy hiểm của dục lạc.

Ðại Hắc nghe pháp xong, trong lòng băn khoăn: "Ai cũng phải rời bỏ mọi vật sở hữu khi qua đời, sang bên kia thế giới sẽ không có tài sản hay thân quyến nào đi theo được, vậy tại sao ta lại sống đời thế tục?". Và ông phát tâm xuất gia.

Ông xin Phật gia nhập Tăng đoàn. Phật hỏi:

- Ông có còn thân quyến phải xin phép không?

- Con có một đứa em, bạch Thế Tôn!

- Hãy hỏi ý hắn!

- Vâng, bạch Thế Tôn!

Rồi Ðại Hắc đến gặp Tiểu Hắc, bảo em hãy nhận hết tài sản.

Tiểu Hắc ngạc nhiên không hiểu tại sao, và khi biết được ý định xuất gia theo Phật của anh, không tránh khỏi bàng hoàng. Ông tìm đủ cách thuyết phục anh từ bỏ ý định xuất gia, nhưng vô hiệu. Cuối cùng Tiểu Hắc đành tùy thuận.

Ðại Hắc ra đi theo Phật và trở thành Tỳ-kheo. Và thật lạ lùng, Tiểu Hắc cũng xuất gia theo anh, nhưng với một ý định khác hẳn, tức là chỉ đi tu một thời gian rồi sẽ hoàn tục, và lúc đó sẽ kéo ông anh theo.

Ít lâu sau, mãn hạn tập sự, Ð���i Hắc đến chỗ Phật thưa thỉnh:

- Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu bổn phận tu tập trong giáo pháp?

Ðức Phật cho biết là có hai, pháp học và pháp thiền. Ðại Hắc thưa tiếp:

- Bạch Thế Tôn, con xuất gia khi đã lớn tuổi, con không thể làm tròn pháp học. Nhưng con có thể vâng giữ pháp thiền.

Và ông được Phật chỉ dạy chuyên tu hạnh thanh tịnh bằng cách đến bãi thiêu để tu, nhắm đến quả vị A-la-hán.

Cuối thời thiền quán đầu hôm, khi mọi người đều ngủ, ông đến bãi thiêu xác. Hừng đông, khi chưa ai thức dậy, ông trở về tinh xá. Bấy giờ, người giữ bãi thiêu là một phụ nữ tên là Kàlì, có trách nhiệm hỏa thiêu xác chết. Thấy Trưởng lão này cứ đứng lên, ngồi xuống và bước quanh, bà không khỏi thắc mắc và muốn tìm cho ra xem người đó là ai. Nhưng bà không biết được gì về Trưởng lão, nên một đêm bà thắp đèn trong chòi ở bãi thiêu, cùng con trai con gái núp vào một góc rình xem. Khi thấy Trưởng lão đến, bà tới gần đảnh lễ, hỏi:

- Thưa Tôn giả, bậc Tỳ-kheo tôn quý lại ở đây sao?

- Ðúng vậy, bà chị.

- Thưa Tôn giả, ai đến ở bãi thiêu này cần phải chấp hành một số điều lệ.

Thay vì nói "Chị nghĩ rằng tôi phải vâng theo điều lệ của chị sao?" Trưởng lão lại nói:

- Tôi phải làm gì, đạo hữu?

- Thưa Tôn giả, người đến ở bãi thiêu bắt buộc phải thông báo trước cho người giữ bãi, với Trưởng lão Thượng thủ của tinh xá và với thôn trưởng.

- Sao vậy?

- Những tên trộm, khi bị chủ nhân truy nã thường chạy trốn vào bãi thiêu và bỏ tang vật lại đây. Rồi chủ nhân mất của đến đe dọa và gây hại cho người cư ngụ nơi này. Nhưng nếu nhà cầm quyền được báo tin một cách chính đáng, thì sẽ tránh khỏi phiền phức bằng cách xác nhận vị Tỳ-kheo tôn quý đã cư ngụ ở đây một thời gian.. Ông ta không phải là kẻ trộm. Vì vậy, Ngài bắt buộc phải cho nhà cầm quyền biết ý định của Ngài. Ðại Hắc hỏi tiếp:

- Tôi còn phải làm gì nữa?

- Thưa Tôn giả, khi nào Ngài còn ở trong bãi thiêu thì Ngài phải kiêng ăn cá, thịt, mè, bột, dầu và mật. Ngài không được ngủ ngày, không được hôn trầm. Ngài phải sống tinh tấn cao độ, sử dụng hết năng lực ý chí, tránh nói hai lưỡi, dối trá. Chiều tối khi mọi người đã ngủ, Ngài phải rời tinh xá đến đây. Hừng đông, trước khi mọi người thức dậy, Ngài phải trở về.

Thưa Tôn giả, trường hợp Ngài ngụ trong bãi thiêu này và đạt được cứu cánh đạo quả, và nếu có người mang xác đến vứt đi, tôi sẽ đặt xác trên giàn hỏa và cúng lễ như thường lệ với hương hoa, làm đúng theo nghi thức thiêu xác. Nhưng nếu Ngài không đạt đạo, tôi sẽ châm lửa trên giàn hỏa, kéo xác chết với một cây cọc để ở ngoài giàn hỏa, chặt từng khúc bằng rìu rồi ném vào lửa thiêu hết.

- Tốt lắm, bà chị. Nhưng trường hợp chị thấy một tử thi có thể làm đề mục thích hợp cho tôi thiền quán về sắc tướng, xin mở lòng tốt cho tôi biết.

- Vâng, tôi xin hứa.

Theo đúng ý nguyện, Trưởng lão Ðại Hắc thiền quán trong bãi thiêu. Còn Trưởng lão Tiểu Hắc thì bận rộn, lăng xăng vì luôn luôn nghĩ đến đời sống gia đình, nhớ con, nhớ vợ, cứ nghĩ là anh mình đã dấn thân vào một việc làm hết sức khó khăn.

Bấy giờ, có một phụ nữ trẻ con nhà thế gia vọng tộc bị bệnh và chết vào chiều hôm ấy, nhan sắc còn mặn mà. Thân quyến và bạn bè đưa xác cô vào bãi thiêu với củi, dầu và những món cần thiết khác. Họ nói với người giữ bãi hãy thiêu xác này.

Rồi họ thanh toán giá cả, giao tử thi và ra về. Người giữ bãi cơiû y phục cô gái, chú ý đến thân thể đẹp đẽ vàng chói, chợt thân này thích hợp làm đề mục thiền quán cho Tôn giả. Rồi bà đến chỗ Trưởng lão thưa cho biết và thỉnh Ngài đến. Trưởng lão đến nơi, yêu cầu bỏ áo che thân tử thi và đứng quán sát từ chân tơ kẽ tóc. Ngài dặn bà giữ bãi hãy ném tấm thân vàng chói đẹp đẽ này vào lửa, và khi ngọn lửa cháy bén, cho Ngài hay. Xong Ngài về chỗ riêng của mình và ngồi xuống. Người gác làm theo lời dặn rồi đến báo. Trưởng lão đến lò thiêu và quán sát tử thi. Chỗ thịt bị lửa táp, da của cô gái giống da con bò vằn vện, bàn chân lòi ra và thòng xuống, bàn tay co quắp, trán bị lột da. Trưởng lão nghĩ thầm: "Ai nhìn thấy thân này bây giờ mà không bỏ hết những lời tán tụng, một thi thể đã thối rữa, đã hoại diệt". Và Ngài về chỗ riêng của mình ngồi xuống, nhận thức rõ ràng về Hoại và Diệt:

Các hành vô thường,
Là pháp sanh diệt.
Sanh diệt diệt rồi,
Tịch diệt là vui.

Ðọc Pháp Cú này xong, Ðại Hắc khai mở Minh-sát-tuệ và đắc quả A-la-hán cùng các thần thông.

Khi Trưởng lão Ðại Hắc đắc quả A-la-hán, đấng Ðạo sư đang du hành với chúng Tỳ-kheo vây quanh. Ngài đến Setavya và vào rừng Simsapà. Những bà vợ của Tiểu Hắc nghe tin đức Phật đã đến đều mưu toan giành lại chồng mình. Họ sai người đi thỉnh Phật. Trong khi chờ đợi Phật đến, theo lệ thường họ phải sửa soạn chỗ ngồi không hạn chế, và để đảm bảo sự sắp xếp được chu đáo, một Tỳ-kheo được phái đến trước, chuẩn bị Phật tòa đặt ở giữa, bên phải là chỗ ngồi của Trưởng lão Xá-lợi-phất, bên trái là Trưởng lão Mục-kiền-liên, và kế đó ở hai bên phải xếp đặt chỗ cho chúng Tỳ-kheo. Do đó, Trưởng lão Ðại Hắc là người có trách nhiệm giữ y bát của chúng Tăng, gọi Tiểu Hắc lại bảo:

- Ông hãy đến trước và điều khiển việc xếp chỗ ngồi.

Ngày từ lúc gặp lại Tiểu Hắc, các phu nhân giễu cợt ông. Họ đặt những tòa thấp ở phía đầu cho chúng Trưởng lão ngồi và tòa cao cho các tân Tỳ-kheo ngồi. Tiểu Hắc dặn họ sửa đổi lại:

- Ðừng có đặt như thế, đừng để tòa thấp ở trên và tòa cao ở dưới.

Nhưng mấy bà không muốn nghe lời ông, họ còn hùng hổ:

- Ông đi tới đi lui làm gì ở đây? Ông lấy quyền gì ra lệnh xếp chỗ? Ông đã bỏ ai đi tu? Ai xuất gia cho ông? Ông đến đây để làm gì?

Nhạo báng ông hết lời rồi, họ xé toạc y thượng và hạ của ông, khoác bộ đồ trắng thế tục vào, đặt một vòng hoa lên đầu và đẩy ông ra ngoài, tặng thêm một câu:

- Hãy đi mà tìm Phật, để chúng tôi sẽ xếp đặt chỗ ngồi!

Vào thời đó, những người mới thọ Tỳ-kheo trong thời gian ngắn, chưa từng an cư kiết hạ, nếu hoàn tục thì không có gì phải xấu hổ. Do đó Tiểu Hắc không phiền hà gì về y phục của mình. Ông đến đảnh lễ Phật và thỉnh Phật cùng Tăng đoàn của Phật xong về nhà.

Khi đức Phật và chư Tăng thọ trai xong, các bà vợ của Ðại Hắc thấy vậy cũng toan tính giành lại chồng. Thế là họ lại thỉnh đức Phật vào ngày sau. Nhưng lần này một Tỳ-kheo lại được phái đến sắp xếp chỗ ngồi, và như thế các bà vợ của Ðại Hắc mất cơ hội gây phiền toái cho Ngài. Dọn xong chỗ ngồi cho chúng Tăng, các bà dâng thực phẩm. Những vị tăng muốn thọ thực ngồi xuống và độ ngọ, những vị tăng muốn ra ngoài đứng lên và đi ra. Ðức Phật ngồi xuống và thọ thực. Ðợi Ngài thọ thực xong, các bà vợ liền thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ngài Ðại Hắc sẽ hồi hướng công đức rồi trở về sau, thỉnh Thế Tôn về trước.

Phật chuẩn y:

- Tốt lắm!

Phật về đến cổng làng, chúng Tăng bất bình nói với nhau:

- Chao ôi! Hành động của Ðạo sư quả là khó ổn. Không biết Ngài có để ý hay không. Hôm qua Tiểu Hắc đến trước để sắp chỗ thì đành chấm dứt đời sống phạm hạnh. Còn hôm nay một vị tăng khác được phái đến thì không việc gì xảy ra.

Nhưng đức Phật vẫn để Ðại Hắc ở lại và tiếp tục lên đường. Các Tỳ-kheo lại bàn tán:

- Tỳ-kheo Ðại Hắc đức hạnh và cao thượng, không biết các bà vợ có khiến Ngài chấm dứt đời sống phạm hạnh?

Nghe xôn xao, đức Phật dừng lại và hỏi họ:

- Các ông đang bàn gì thế?

Họ kể lại, Ngài bảo:

- Nhưng này các Tỳ-kheo, các ông không nghĩ là Ðại Hắc giống Tiểu Hắc chứ?

- Vâng, bạch Thế Tôn, Tiểu Hắc có hai vợ, nhưng Ðại Hắc có tới tám. Nếu bị tám bà này vây quanh và bắt lấy thì không biết Ngài sẽ xoay trở ra sao, thưa Thế Tôn?

- Các Tỳ-kheo, đừng nói thế! Tiểu Hắc sống bận rộn lăng xăng, để tâm tham đắm trong những thú vui. Còn Ðại Hắc, con của Ta, trái hẳn, không chạy theo dục lạc, không lay động như một ngọn núi đá.

Rồi Phật nói Pháp Cú sau:

(7) Ai sống nhìn tịnh tướng,
Không bộ trì các căn,
Ăn uống thiếu tiết độ,
Biếng nhác chẳng tinh cần,
Ma uy hiếp kẻ ấy,
Như cây yếu trước gió.
(8) Ai sống quán bất tịnh,
Khéo bộ trì các căn,
Ăn uống có tiết độ,
Có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá trước gió.

Các bà vợ cũ của Ðại Hắc vây quanh Tôn giả, hè nhau kể lể:

- Ai đã cho phép ông đi tu? Bây giờ ông có chịu trở lại làm gia chủ không?

Nói xong, và mạnh bạo hơn lần trước, các bà tìm cách lột y vàng của Ngài. Nhưng Tôn giả đã đoán trước, dùng thần thông bay xuyên qua nóc nhà, rồi bay đến chỗ Phật, hạ xuống đất ngay lúc Thế Tôn kết thúc Pháp Cú. Tôn giả ca ngợi kim thân Phật và đảnh lễ dưới chân Ngài.

7. Ðề Bà Ðạt Ða Ðắp Y Không Tương Xứng

Tâm chưa rời uế trược...

Lời dạy này được thuyết khi Phật ngụ tại Kỳ Viên, dành cho buổi lễ thọ y vàng của Ðề-bà-đạt-đa tại Vương Xá.

Vào dịp hai đệ tử Phật, mỗi người dẫn đầu năm trăm Tỳ-kheo, từ biệt Phật đi từ Kỳ Viên đến Vương Xá, dân Vương Xá - nhóm từ hai, ba người hoặc đông hơn - cúng dường theo nghi thức dâng cúng cho khách tăng.

Một hôm, Tôn giả Xá-lợi-phất, trong phần hồi hướng công đức nói: "Này các cư sĩ, có người chính mình bố thí nhưng không dạy người khác bố thí, người ấy được phước báo giàu có nhiều đời liên tiếp nhưng không có phước báo về thân bằng quyến thuộc. Một người khác dạy láng giềng mình bố thí nhưng chính mình thì không, người ấy có phước báo về thân bằng quyến thuộc trong nhiều đời nhưng không có phước báo về tài sản. Người khác tự mình không cho cũng không dạy người khác bố thí, trong nhiều đời liên tiếp người ấy không có cơm cháo no bụng mà còn bị cô quạnh và thiếu thốn. Lại nữa, một người vừa tự mình bố thí và dạy người khác bố thí, người đó nhiều đời liên tiếp, trong trăm đời ngàn đời, trong trăm ngàn đời, vừa được phước báo về tài sản vừa có nhiều thân bằng quyến thuộc".

Tôn giả Xá-lợi-phất đã thuyết pháp như thế.

Một trí giả nghe xong tự nghĩ: "Thưa Ngài, bài thuyết pháp này thật kỳ diệu, giải thích ý nghĩa của hạnh phúc. Ta phải tạo công đức đối với hai giác giả này".

Rồi ông ta mời Trưởng lão đến thọ thực, ông thưa:

- Bạch Tôn giả, xin Ngài cho tôi được phụng sự, cúng dường vào ngày mai.

- Cư sĩ, ông mời bao nhiêu Tỳ-kheo?

- Ðoàn tùy tùng của Ngài gồm bao nhiêu Tỳ-kheo, thưa Tôn giả?

- Một ngàn Tỳ-kheo, cư sĩ ạ!

- Xin dẫn theo toàn thể Tỳ-kheo của Ngài vào ngày mai và cho tôi được phụng sự, cúng dường vào ngày mai.

Tôn giả nhận lời.

Rồi cư sĩ đi khắp đường phố, khuyên những người khác cúng dường.

- Các ông, các bà! Tôi đã thỉnh một ngàn vị Tỳ-kheo. Quý vị có thể dâng vật thực cho bao nhiêu Tỳ-kheo? Quý vị có khả năng bao nhiêu?

Dân cư hứa dâng vật thực, mỗi người tùy phương tiện của mình, họ nói:

- Chúng tôi sẽ dâng cho mười vị.

- Chúng tôi sẽ dâng cho hai mươi vị.

- Chúng tôi sẽ dâng cho một trăm vị.

Cư sĩ hướng dẫn họ đem vật thực đến một nơi và bảo:

- Chúng ta hãy gom vật thực tại một chỗ và nấu nướng chung. Tất cả các ông bà hãy mang đến mè, gạo, bơ, sữa lỏng, mật và những loại khác.

Bấy giờ một gia chủ dâng một bộ y vàng ướp hương đáng giá một trăm ngàn đồng tiền, nói:

- Nếu những vật thực cúng dường góp lại mà không đủ, hãy bán bộ y này lấy tiền bù vào chỗ thiếu. Nếu vật thực đã đủ, các ông bà có thể cúng bộ y này cho bất cứ vị Tỳ-kheo nào mà quý vị đồng ý.

Vật thực góp lại đầy đủ theo ý của gia chủ, không còn thiếu gì nữa. Do đó, cư sĩ nói với những người đàn ông:

- Này quý ông! Lá y vàng này do một gia chủ cúng, vì mục đích như đã kể, nay dư thừa. Vậy chúng ta nên dâng cho ai?

Vài người nói:

- Chúng ta nên dâng cho Trưởng lão Xá-lợi-phất.

Người khác lại bảo:

- Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ tới lui khi mùa xong lúa chín. Còn Ðề-bà-đạt-đa đến với chúng ta thường xuyên, ngày mùa cũng như ngày thường, và lúc nào cũng sẵn sàng như cái bình đựng nước. Chúng ta hãy dâng cúng cho Ngài.

Sau một hồi lâu bàn cãi, phe đa số hơn được bốn người đã quyết định dâng y cho Ðề-bà-đạt-đa. Rồi họ dâng cho Ðề-bà-đạt-đa. Ðề-bà-đạt-đa cắt y ra làm hai, may, nhuộm, để một phần làm thượng y và phần kia làm hạ y; rồi mặc y vào khi đi ra. Dân chúng lại bàn tán khi thấy ông đắp y mới:

- Y này không tương xứng với Ðề-bà-đạt-đa, mà tương xứng với Tôn giả Xá-lợi-phất. Ðề-bà-đạt-đa đã đắp với bộ thượng y và hạ y không tương xứng với ông ta.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo ở phương xa đi từ Vương Xá đến Xá-vệ, ông ta đến đảnh lễ đức Phật và bày tỏ niềm hoan hỉ được gặp Ngài. Ðức Phật hỏi ông về sự phúc lợi của hai Ðại đệ tử. Vị Tỳ-kheo liền kể cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện về bộ y từ đầu đến cuối.

Ðức Phật nói:

- Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu Ðề-bà-đạt-đa đã đắp bộ y mà ông không xứng đáng. Ở kiếp trước ông ta cũng đã đắp y không tương xứng.

Nói xong, Ngài bèn kể câu chuyện sau:

7A. Thợ Săn và Voi Chúa

Thuở xưa một lần, khi vua Phạm-ma-đạt (Brahmadatta) cai trị Ba-la-nại, có một thợ săn voi sinh sống bằng nghề giết voi, đem ngà, móng, bộ đồ lòng và thịt chặt ra chợ bán. Bấy giờ trong một khu rừng có hằng ngàn con voi đang kiếm cỏ. Một hôm, vào rừng chúng gặp một vài vị Phật Ðộc giác. Kể từ hôm đó, cả lượt đi và về, chúng đều quỳ gối trước Phật Ðộc giác rồi mới tiến bước tiếp.

Người thợ săn thấy hành động của bầy voi, ông ta không khỏi thắc mắc: "Giết bầy thú này thật là khó khăn, lần nào đến và đi chúng đều đảnh lễ những vị Phật Ðộc giác. Chúng thấy cái gì mà đảnh lễ vậy kìa?". Ði đến kết luận rằng đó là vì chiếc y vàng, hắn bèn quyết định: "Ta cũng phải đắp một y vàng lập tức". Rồi hắn đi đến cái ao nơi vị Phật Ðộc giác thường đến. Trong khi Ngài đang tắm, lá y để trên bờ, hắn trộm y của Ngài. Rồi hắn đi săn, ngồi chờ trên con đường có đàn voi thường qua lại, với cái giáo trong tay và lá y phủ trên đầu. Ðàn voi thấy hắn, tưởng là Phật Ðộc giác, dừng lại đảnh lễ hắn và bước đi. Con voi đến đảnh lễ cuối cùng tức voi đầu đàn bị giết với một nhát giáo. Lấy xong cặp ngà với những phần có giá trị khác, chôn xác còn lại xuống đất, hắn bỏ đi.

Ít lâu sau, Bồ-tát tái sanh làm voi, sau đó trở thành voi đầu đàn của đàn voi ấy. Lúc đó, người săn vẫn tiếp tục mưu chước cũ. Voi chúa nhìn thấy số voi trong bầy sút giảm liền hỏi:

- Chúng voi đi đâu mất vậy kìa, bầy chúng ta còn quá ít?

- Chúng con không biết, thưa Ngài.

Voi chúa tự nghĩ: "Chúng không thể đi đâu khi không được phép của ta". Rồi mối nghi hiện ra trong đầu voi: "Cái gã ngồi ở chỗ nọ với tấm y trùm đầu, hẳn là nguyên nhân gây ra lộn xộn, ta phải theo dõi hắn".

Rồi voi đầu đàn để những con voi khác đi trước và chính nó đi cuối cùng, bước thật chậm. Khi những con voi cuối đảnh lễ xong và đi qua, gã thợ săn thấy voi chúa đến, lập tức hắn cuộn y lại và phóng ngọn giáo. Voi chúa đã đề phòng khi đến gần, nên bước lui tránh mũi giáo. Biết ngay là người đã giết voi của mình, voi chúa lập tức phóng tới để tóm hắn. Nhưng gã thợ săn đã nhanh nhẹn nhảy qua và núp sau một cội cây. Voi chúa dự định sẽ lấy vòi quấn cả gã thợ săn với cội cây, tóm lấy gã và quật gã xuống đất. Ngay lúc đó, gã thợ săn nhanh trí chìa tấm y vàng ra cho voi trông thấy. Thấy lá y, voi khựng lại có vẻ đắn đo: "Nếu ta tấn công người này, lòng quý trọng mà hàng ngàn chư Phật, Phật Ðộc giác và A-la-hán đã dành cho ta tất nhiên sẽ mất hết", voi đành dằn lòng, hỏi thợ săn:

- Có phải anh đã giết hết những thân quyến kia của ta không?

Thợ săn trả lời:

- Vâng, thưa Ngài.

- Tại sao anh hành động xấu xa thế? Anh đã khoác tấm y dành cho những vị đã thoát khỏi tham dục, nhưng không xứng hợp với anh. Khi làm như thế, anh đã phạm tội nặng.

Nói xong, voi lại khiển trách hắn lần cuối:

Ai mặc áo ca-sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo ca-sa.

Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chân thật,
Thật xứng áo ca-sa

- Anh đã hành động không xứng đáng.

Con voi nói như thế.

Khi đấng đạo sư chấm dứt bài học này, Ngài đồng nhất những nhân vật trong truyện Bổn Sanh như sau:

- Người thợ săn lúc ấy là Ðề-bà-đạt-đa, voi chúa đã quở trách hắn chính là Ta. Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu Ðề-bà-đạt-đa đã khoác tấm y mà hắn không xứng đáng, hắn đã làm như thế trong kiếp trước rồi.

Nói xong, Ngài đọc những Pháp Cú sau:

(9) Ai mặc áo ca-sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo ca-sa.
(10) Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chân thật,
Thật xứng áo ca-sa.

8. Những Ðại Ðệ Tử

Không chân, tưởng chân thật...

Giáo lý này được đức Phật thuyết khi Ngài ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, và liên quan đến việc những đại đệ tử Phật tường trình rằng ngoại đạo Sanjaya chối từ không đến quy y Phật. Ðầu đuôi câu chuyện như sau:

8A. Ðời Sống Của Phật

Bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp quá khứ, đấng Ðạo sư của chúng ta sanh làm một hoàng tử Bà-la-môn trong thành Amaravatì là Sumedha (Siêu thuật). Sau khi đã thông đạt mọi xảo thuật, Ngài từ bỏ di sản lên đến vô số triệu của cha mẹ để lại, xuất gia, sống đời ẩn sĩ, ngụ trong vùng Himalaya, và ở đó tự mình thiền định đắc được thần thông. Một hôm Phật Nhiên Ðăng, đấng Thập lực, rời tinh xá Sadassana đến thành Ramma, dân chúng đi trước dọn đường. Sumedha hôm đó bay trên không, thấy con đường đã được dọn sạch, Sumadha chọn một đoạn đường chưa sạch, đợi đức Phật đến, lấy thân mình làm cầu, trải áo bằng da hươu trên bùn, nằm lên trên và nói: "Xin đừng để đức Phật và Tăng chúng bước trên bùn, xin Ngài hãy bước trên thân con, để tiếp tục cuộc hành trình".

Khi Phật thấy Sumedha, Ngài nói: "Ông hoàng kia là một vị Phật tương lai. Bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp sau này ông ta sẽ thành Phật tên Cồ-đàm". Ðó là lời của Phật Nhiên Ðăng thọ ký cho ông hoàng Bà-la-môn Sumedha. Sau khi Phật Nhiên Ðăng đến những vị Phật sau: Kodanna, Màngala, Sumana, Revata, Sobhita, Anomadassì, Paduma, Naràda, Padumuttara, Sumedha, Sujàta, Piyadassì Atthadassì, Dhammadassì Siddhattha, Tissa, Phussa, Vipassì(Tỳ-bà-thi), Sikhì(Thi-khí), Vessabhù (Tỳ-xá-phù), Kakusandha (Câu-lưu-tôn), Konàgamana (Câu-na-hàm-mâu-ni) và Kassapa (Ca diếp). Lần lượt hai mươi bốn vị Phật ra đời và soi sáng thế gian. Và từ mỗi vị Phật, ông hoàng Bà-la-môn Sumedha đều nhận được lời thọ ký sẽ thành Phật. Bấy giờ sau khi Sumedha đã viên mãn 10 ba-la-mật, 10 ba-la-mật bậc hạ và 10 ba-la-mật bậc thượng, tất cả là 30 ba-la-mật, Ngài được tái sanh là thái tử Vessantara và trong kiếp làm thái tử Vessantara, Ngài hành các pháp đại thí, hy sinh cả vợ và con làm chấn động quả đất. Mạng chung, Ngài tái sanh vào cõi trời Ðâu suất, cũng trong kiếp sống đó, các vị trời của mười ngàn thế giới tụ họp lại xưng tán Ngài:

Thời đã đến, hỡi bậc Ðại Lực,
Hãy giáng sanh thai mẹ đi thôi,
Cứu nhơn thiên chìm đắm nổi trôi,
Và khám phá con đường bất tử.

Ngay sau đó Ngài tư duy năm điều đại quán. Và qua kiếp đó Ngài sanh vào dòng vua Thích ca, được nuôi dưỡng trong nhung lụa hoàng gia. Suốt thời gian này, Ngài tận hưởng tuổi xuân tốt lành, ở ba lâu đài tùy theo mùa trong năm, hưởng thụ nếp sống huy hoàng đế vương có thể sánh ngang cõi trời. Thời gian trôi qua, một hôm liên tiếp trong 8 ngày, Ngài đến khu vườn để giải trí thì gặp ba thiên sứ, đó là một người già, một người bệnh và một người chết. Trong ba ngày đó, Ngài trở về hoàng cung lòng chấn động khôn tả.

Vào ngày thứ tư Ngài gặp một người xuất gia, sống đời tu sĩ. Một ý tưởng bừng nở trong tâm trí: "Tốt hơn hết, ta nên từ bỏ thế gian, sống đời tu sĩ".

Ôm ấp trong đầu ước mơ về đời sống tu hành, Ngài tiếp tục đến khu vườn, suốt ngày ngồi trên bờ hồ trong hoàng cung. Khi Ngài ngồi đó, trời Vissakamma đến, dưới dạng người thợ cạo và mặc vào Ngài y phục quý giá, trang điểm Ngài với mọi thứ trang sức. Ở đó Ngài nhận được tin hoàng tử La-hầu-la vừa ra đời. Cảm thấy lòng thương con mạnh mẽ trỗi dậy, Ngài sáng suốt nhận định: "Ta phải cắt đứt ngay sự ràng buộc này, nếu không sẽ lớn mạnh thêm nữa". Chiều đó Ngài trở về hoàng cung, Kisà Gotamì con gái của bà bác Ngài, đọc câu kệ sau đây:

Hạnh phúc thay người mẹ,
Hạnh phúc thay người cha,
Hạnh phúc thay người vợ,
Có người chồng như Ngài.

Kisà Gotamì đọc câu kệ trên khiến Ngài phải buột miệng: "Gotamì đã nói cho ta biết đâu là chân hạnh phúc để tìm"

Rồi Ngài lấy một chuỗi ngọc gửi tặng cô.

Trở về cung, khi nằm xuống long sàng. Ngài thấy rõ diện mạo d�� xấu của những cung nữ đang ngủ. Ghê tởm, Ngài đánh thức người coi ngựa Xa-nặc, bảo đem ngựa Kiền-trắc đến, và Ngài cưỡi Kiền-trắc mang theo Xa-nặc làm bạn đồng hành, có chư thiên mười ngàn cõi giới vây quanh. Ngài ra đi, thực hiện một cuộc xả ly vĩ đại.

Phi ngựa đến bờ sông Anomà, Ngài rời bỏ thế gian và sống đời tu sĩ.

Sống đời tu sĩ, Ngài tiếp tục đến Vương Xá và đi vào thành khất thực. Rồi Ngài rút lui vào núi Pandava, ngồi tu trong hang. Vua nước Ma-kiệt-đà đến nơi dâng vương quốc cho Ngài nhưng Ngài liền từ chối. Ngài hứa với vua là sẽ đến thăm vương quốc ngay khi Ngài chứng đạo. Rồi Ngài đến với Alàrà và Uddaka. Nhưng sau khi tu theo giới pháp của hai vị này. Ngài không chứng được đạo quả (A-la-hán). Sau đó Ngài dấn thân vào cuộc đại chiến trong sáu năm.

Một sáng sớm ngày rằm của tháng Visìkhà, Ngài dùng bát cháo do Sujàtà dâng cúng, thả cho bát vàng trôi ngược trên sông Ni-liên, rồi suốt ngày trong rừng Mahàana (Ðại Lâm) Ngài nhập định vào các tầng thiền. Buổi chiều Ngài lằng nghe long vương Kàla tán thán đức hạnh cao quý của Ngài. Ngài bước lên tòa Bồ-đề, nhận bó cỏ của Sotthiya dâng, rải ra trước mặt mình và phát lời thệ nguyện: "Ta sẽ không rời khỏi tòa ngồi này cho đến khi Ta hoàn toàn dứt tham đắm ngũ dục thế gian và tâm Ta hoàn toàn giải thoát hết lậu hoặc".

Sau đó Ngài ngồi quay mặt về hướng đông và chiến thắng Ma vương trước khi mặt trời lặn. Trong canh một Ngài chứng Túc mạng minh, canh hai Ngài chứng Thiên nhãn minh, cuối canh năm Ngài chứng Lậu tận minh, đạt đến Toàn Giác và đắc Thập lực, Tứ vô ngại biện và tất cả đức hạnh cao thượng, Ngài ngồi trên tòa Bồ-đề suốt bảy tuần. Vào tuần thứ tám, Ngài ngồi dưới cội đa của người chăn dê (cây-bồ-đề) và quán tưởng về sự thậm thâm vi diệu của pháp, cuối cùng Ngài đâm ra e ngại không có khả năng thuyết pháp độ sanh.

Ngay lập tức, Phạm thiên Sahampati cùng với chư thiên mười ngàn cõi giới trong đó Ðại Phạm thiên thường đi theo, đến gặp Ngài và thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. Quan sát thế gian với Phật nhãn, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên. Ngài nghĩ tiếp:

- Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước tiên?

Nhìn quanh thế giới, Ngài thấy Alàra và Uddaka đã qua đời, nhưng nhớ lại năm Tỳ-kheo đã từng tận tình phục vụ mình, Ngài đứng lên và đi đến Kàsipura, và gặp Upaka trên đường và nói chuyện với ông ta.

Vào ngày rằm tháng Aasalha, Ngài đến Isipatana trong vườn Lộc Uyển, nơi năm Tỳ-kheo cư ngụ. Năm Tỳ-kheo xưng hô với Ngài không đúng cách, Ngài dạy họ cách xưng hô đúng. Rồi Ngài bắt đầu chuyển Pháp luân, ban nước bất tử đến một trăm tám mươi triệu chư thiên, nhưng trên hết cho Tỳ-kheo Annà-Kondanna (A-nhã Kiều-trần-như). Sau khi đã chuyển bánh xe pháp, vào ngày thứ năm của nửa tháng, Ngài độ năm Tỳ-kheo trên, tất cả đều chứng A-la-hán. Cũng vào ngày ấy, Ngài thấy rằng chàng vọng tộc trẻ tuổi Yasa đã đủ nhân duyên xuất gia, và khi Yasa rời khỏi căn nhà, lòng nhờm tởm những gì đã thấy trong đêm, Ngài nhìn thấy anh gọi lại:

- Ðến đây, Yasa!

Và cho anh xuất gia. Cũng trong đêm đó Ngài độ cho Yasa chứng quả Dự lưu, và ngày tiếp theo chứng A-la-hán. Sau đó Ngài độ cho năm mươi bốn bạn hữu của Yasa xuất gia.

Ngài gọi họ:

- Hãy đến đây, Tỳ-kheo!

Họ liền trở thành Tỳ-kheo, rồi Ngài độ họ chứng A-la-hán.

Vậy là có sáu mươi mốt A-la-hán trên thế gian. An cư trong mùa mưa và làm lễ tự tứ xong. Ngài phái sáu mươi Tỳ-kheo đi khắp nơi:

- Hãy đi, các Tỳ-kheo! Hãy thuyết giảng!

Còn chính Ngài đến Uruvelà. Trên đường đi tại khu rừng Kappàsika, Ngài thuyết giáo cho ba mươi chàng trai thuộc nhóm Bhaddavaggiyas. Những người kém nhất trong nhóm chứng Sơ quả (Dự lưu) và những người ưu việt nhất chứng Tam quả (A-na-hàm). Tất cả những chàng trai này được nhận vào Tăng đoàn chỉ với lời gọi "Ðến đây, Tỳ-kheo!" Xong, Ngài phái họ đi khắp nơi. Ðến Uruvelà, Ngài thi triển ba ngàn năm trăm phép thần thông và xuất gia cho Uruvelà-Kassapa, Nadì Kassapa và Gayà-Kassapa. Ðó là ba anh em Ca-diếp, những vị khổ hạnh bện tóc, có một ngàn đệ tử. Ngài dạy pháp cho những vị khổ hạnh này xong, nhận họ vào Tăng đoàn chỉ với lời nói: "Ðến đây, Tỳ-kheo!" Tại Gayàsìa, Ngài độ họ chứng quả A-la-hán đi theo, Ngài đến vườn Latthivana gần thành Vương Xá, định thực hiện lời hứa với vua Bình-sa-vương (Bimbisàra) nước Ma-kiệt-đà.

"Ðấng Ðạo sư đã đến!" Người ta kêu vang rân. Nghe tin báo, vua Bình-sa-vương đã đến cùng rất đông gia trưởng Bà-la-môn theo hầu, và đức Phật đã hoan hỉ thuyết pháp cho vua, độ vua và gần hết số Bà-la-môn đó chứng quả dự lưu, và quy y cho các Bà-la-môn còn lại. Ngày sau Phật lắng nghe vua trời Ðế thích, dưới dạng một Bà-la-môn trẻ, đến thành Vương Xá tán thán công đức cao quý của Ngài, sau đó Ngài vào thành Vương Xá. Thọ thực trong hoàng cung xong, Ngài nhận lời vua cúng tinh xá Veluvana (Trúc Lâm) và ngụ ở đấy. Và tại đây, Xá-lợi-phất (Sàriputta), Mục-kiền-liên (Moggallàna) đã đến với Ngài

8B. Cuộc Ðời của Upatissa (Sarìputta ) và Kolita (Moggallaana)

Trước khi Phật xuất thế, có hai làng Bà-la-môn không xa Vương xá tên Upatissa và Kolita.

Một hôm, vợ một người Bà-la-môn tên Rùpasàri sống ở làng Upatissa biết mình thọ thai, cũng cùng ngày đó vợ của Bà-la-môn tên Moggalì sống ở làng Kolita cũng biết mình thọ thai. Nghe kể rằng trong bảy thế hệ, hai gia đình ấy đã kết tình thân hữu chặt chẽ và gắn bó mật thiết với nhau. Họ tổ chức lễ Bảo-thai cho hai bà mẹ có mang trong ngày đó.

Sau mười tháng âm lịch, cả hai bà đều hạ sanh. Vào ngày đặt tên cho hai trẻ, họ đặt tên Upatissa cho đứa con bà vợ Bà-la-môn Sàri, vì cậu bé là con của trưởng tộc trong làng Upatissa; và đứa bé kia, vì là con của trưởng tộc trong làng Kolita nên được tên là Kolita. Lớn lên, cả hai trẻ đều tài giỏi hơn ai hết trong mọi xảo thuật và học thuật. Mỗi khi chàng Upatissa đi ra sông hay vườn để du ngọan, có năm trăm kiệu vàng hộ tống, còn Kolita có năm trăm xe ngựa thuần chủng hộ tống. Hai chàng trai trẻ mỗi người có năm trăm gia nhân theo hầu.

Bấy giờ có một cuộc lễ hàng năm tại Vương Xá tên là hội Ðỉnh Núi. Một cái giường dành cho hai chàng kê ở một nơi, và hai chàng ngồi chung chứng kiến lễ hội. Ðến dịp cười, họ cười vang, có dịp khóc, họ khóc thảm thiết, tới lúc bố thí họ bố thí. Như thế, họ dự hội nhiều ngày. Nhưng một hôm, tuổi khôn lớn, họ không cười vào những dịp ngày xưa họ cười, không có giọt nước mắt nào khi gặp cảnh ngày xưa họ khóc và họ không bố thí khi được yêu cầu.

Người ta kể rằng, hai chàng khởi tưởng như sau: "Tại sao chúng ta lại xem những thứ này? Trước khi một trăm năm trôi qua, tất cả mọi người này sẽ mất đi và không còn ai trong thấy họ nữa. Tốt hơn chúng ta nên đi tìm con đường giải thoát". Họ ôm ấp ý tưởng đó, rồi Kolita bảo Upatissa:

- Bạn Upatissa! Bạn có vẻ không hài lòng và không thích thú như ngày trước. Hơn thế nữa, bạn ưu sầu phiền muộn. Bạn nghĩ gì thế?

- Bạn Kolita, tôi cảm thấy chẳng có gì toái ý lâu bền khi ngắm nhìn đám dân này, những cái này thật hết sức vô ích; tốt hơn tôi nên đi tìm con đường giải thoát cho chính mình. Nhưng tại sao bạn cũng phiền muộn?

Kolita cũng nói thế. Khi Upatissa khám phá ra Kolita đồng tâm trạng với mình, anh đi đến quyết định:

- Cả hai chúng ta đều có một hoài bão cao đẹp. Cả hai chúng ta cần phải đi tìm con đường giải thoát và cùng nhau rời bỏ thế gian. Chúng ta sẽ xuất gia với Ðạo sư nào đây?

Lúc bấy giờ, có một du sĩ khổ hạnh tên Saniaya đến thành Vương Xá với đông đảo du sĩ khổ hạnh tùy tùng. Upsatissa và Kolita cùng nhất trí:

- Ta sẽ xuất gia và đi tu dưới sự lãnh đạo của Sanjaya.

Rồi cả hai người bạn đồng giải tán năm trăm người hầu và ra lệnh cho họ:

- Hãy lấy kiệu và xe ngựa rồi đi đi!

Với năm trăm người còn lại, họ cùng nhau xuất gia và đi tu theo Sanjaya. Từ ngày hai chàng trai trẻ xuất gia và đi tu, Sanjaya đã tiến tới tuyệt đỉnh của danh lợi. Nhưng trong vài ngày, sự thông hiểu của họ vượt qua khả năng giảng dạy của Sanjaya. Do đó, họ thưa với ông:

- Thưa thầy, đây có phải là toàn thể chân lý mà thầy biết, hay ngoài ra còn có những gì cao hơn nữa?

- Ðây là tất cả, các con đã biết hết rồi.

Upatissa và Kolita đều băn khoăn: "Nếu như thế, thật vô ích cho chúng ta khi ở lại làm học trò vị thầy này thêm nữa. Con đường giải thoát mà chúng ta tìm kiếm khi từ bỏ thế gian, chắc chắn không thể đạt được từ vị thầy này. Nhưng vùng Diêm-phù-đề là một xứ to rộng, chúng ta hãy du hành qua thôn xóm, thành thị, hoàng thành. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm được bậc thầy chỉ dạy chúng ta con đường giải thoát".

Kể từ hôm đó, bất cứ nơi nào nghe có tu sĩ hay Bà-la-môn uyên bác, họ đều tìm đến và đàm luận. Những vấn đề Upatissa và Kolita nêu ra các vị ấy đều không thể trả lời; nhưng mọi vấn đề các vị ấy hỏi đến, Upatissa và Kolita đều trả lời trôi chảy.

Cứ như thế, họ du hành khắp vùng Diêm-phù-đề, rồi họ quay bước trở về nhà riêng của mình. Trước khi từ giã, Upatissa giao ước với Kolita:

- Bạn Kolita, ai trong chúng ta đạt đến sự bất tử trước xin báo cho người kia.

Rồi họ chia tay.

Trong thời gian hai người bạn sống giao ước như thế, đấng Ðạo sư sau khi du hành từ nơi này đến nơi khác, như đã kể ở trên, đến Vương Xá. Ðức Phật đã nhận cúng tinh xá Veluvana và ở lại đó.

Sau đó đức Phật đã phái sáu mươi mốt A-la-hán đi rao giảng công đức của Tam Bảo.

- Hãy đi, này các Tỳ-kheo! Hãy giảng và dạy!

Một trong nhóm năm Tỳ-kheo, Ðại Trưởng lão Ác-bệ, quay lại về Vương Xá, và vào sáng sớm hôm sau, đắp y ôm bát vào thành khất thực. Cũng trong ngày đó sáng sớm, du sĩ khổ hạnh Upatissa ăn sáng xong đi đến khu ẩn dật của những du sĩ khổ hạnh. Hình dáng Trưởng lão lọt vào mắt Upatissa. Lòng đầy kinh ngạc pha lẫn thán phục, Upatissa chăm chú nhìn Trưởng lão:

- Trước đây ta chưa hề thấy một tu sĩ nào như vị này. Ông phải là một trong những tu sĩ đã đắc A-la-hán trên thế gian, nếu không cũng là người đã bước vào con đường đưa đến Thánh quả A-la-hán, ta hãy thử đến gặp tu sĩ và hỏi Ngài: "Vì ai, thưa hiền hữu, mà hiền hữu tử bỏ thế gian? Ai là bậc thầy của hiền hữu? và hiền hữu truyền giáo pháp của ai?"

Nhưng chàng dằn lại vì dè dặt, sợ mình quá đường đột:

"Thật không đúng lúc để hỏi tu sĩ những câu như thế, vì ông đang đi khất thực từng nhà. Ta có nên theo sát bước của tu sĩ, như người ta vẫn thường làm để thỉnh cầu ân huệ một vị nào đó?"

Upatissa bước theo Trưởng lão Ác-bệ. Trưởng lão đã nhận xong một phần khuất thực. Trên đường đi tiếp đến một nơi nào đó, thấy rằng Trưởng lão muốn ngồi xuống, chàng liền đặt tọa cụ của mình trên đất và dâng cho Trưởng lão. Tu sĩ thọ thực xong, chàng rót nước trong bình của mình mời Ngài. Làm xong bổn phận của một đệ tử đối với thầy, và khi trưởng lão thọ thực xong, chàng lễ độ chào hỏi Trưởng lão, rồi thưa:

- Thưa hiền hữu, các căn của Ngài thật thanh tịnh, nước da của Ngài thật sáng bóng và trong trẻo. Vì ai, thưa hiền hữu, Ngài đã từ bỏ thế gian? Ai là thầy của Ngài? Và Ngài truyền bá giáo lý của ai?

Trưởng lão thầm nghĩ: "Những du sĩ khổ hạnh hay chống đối tôn giáo ta theo, do đó ta sẽ chỉ cho tu sĩ này sự thậm thâm của đạo ta".

Nhưng trước hết Ngài giải thích rằng Ngài chỉ là một sơ cơ. Ngài nói:

- Này hiền hữu! Tôi chỉ là một sơ cơ, tôi đi tu chưa bao lâu, tôi mới đến với Pháp và luật này, ngay bây giờ tôi không có nhiều lời để thuyết pháp.

Chàng tu sĩ khổ hạnh thầm nhủ: "Tôi là Upatissa, xin nói nhiều hay ít theo khả năng của Ngài, tôi nhất quyết sẽ tìm hiểu ý nghĩa bằng trăm ngàn cách".

Do đó chàng nói:

Hãy nói ít hoặc nhiều,
Nhưng nói điều cốt yếu,
Tôi chỉ cần cốt yếu,
Sao phải thốt nhiều lời?

Ðể trả lời, Trưởng lão dùng ngay dòng đầu của Pháp Cú:

Tất cả pháp từ nhân duyên sanh,
Nhân duyên ấy, Như Lai đã chỉ.

Ngay dòng đầu tiên, chàng du sĩ khổ hạnh đắc quả Dự lưu, hiểu hết ý nghĩa bằng cả một ngàn cách. Chàng vừa đắc quả Dự lưu xong, trưởng lão đọc nốt dòng thứ hai:

Và cũng dạy thế nào chấm dứt.
Ðây, giáo huấn của Ðại Sa-môn.

Chàng không chứng được quả vị cao hơn, chàng nghĩ là phải có một lý do nào đó, vì thế chàng trình Trưởng lão:

- Xin Ngài đừng thuyết pháp cao hơn nữa, đã đủ! Ðạo sư của chúng ta hiện ngụ ở đâu?

- Tại Trúc lâm, hiền hữu!

- Vậy thì, thưa Tôn giả! Xin ngài đi trước đi. Tôi có một người bạn, anh ta và tôi đã giao ước với nhau: "Ai trong chúng ta đạt đến sự bất tử trước tiên phải báo cho người kia". Tôi phải giữ lời hứa này trước đã. Tôi sẽ rủ bạn tôi cùng đến đấng Ðạo sư, đi theo con đường của Ngài.

Nói xong, Upatissa phủ phục năm vóc dưới chân Trưởng lão, đi nhiễu bên phải ba vòng và từ giã Ngài, đi đến gặp du sĩ khổ hạnh bạn chàng.

Nhà du sĩ khổ hạnh Kolita thấy chàng từ xa, không khỏi mừng thầm: "Hôm nay, vẻ mặt bạn ta khác thường, chắc anh đã đến sự bất tử".

Kolita nôn nóng hỏi ngay bạn mình:

- Bạn đã đạt được bất tử phải không?

Upatissa trả lời:

- Vâng, này huynh! Tôi đã đạt đến bất tử.

Nói xong, chàng nói Pháp Cú như Tôn giả Ác-bệ đã nói. Ngay khi kết thúc bài kệ, Kolita chứng quả Dự lưu. Rồi Kolita hỏi tiếp:

- Này bạn, đấng Ðạo sư ở đâu?

- Tại Trúc Lâm, bạn ạ. Trưởng Lão Ác-bệ, thầy chúng ta đã cho tôi biết.

_ Tốt lắm, này bạn! Chúng ta hãy đi, hãy đến gặp đức Phật.

Trưởng lão Xá-lợi-phất có một nét đặc biệt là luôn kính trọng sâu đậm vị thầy của mình. Do đó, Ngài bảo bạn:

- Này bạn, chúng ta hãy báo cho thầy mình, du sĩ khổ hạnh Sanjaya rằng chúng ta đã đạt được đến bất tử, như thế tâm ông sẽ thức tỉnh và trí ông sẽ hiểu biết. Dù ông có thiếu sự hiểu biết đi chăng nữa chắc chắn ông vẫn tin chúng ta không nói dối, và ngay khi được nghe Phật thuyết pháp, ông sẽ đạt đạo quả.

Hai du sĩ khổ hạnh liền đi đến Sanjaya.

Gặp lại họ Sanjaya hỏi ngay:

- Các đạo hữu! Các ông có thành công trong việc tìm người chỉ cho con đường bất tử không?

- Vâng, thưa Thầy, chúng tôi đã tìm được người như thế. Ðức Phật đã hiện trên thế gian, Pháp đã xuất hiện, Tăng đã xuất hiện. Còn Ngài, Ngài đi trong hư huyễn phi thực. Hãy đến đây, thưa Ngài, đi đến đấng Ðạo sư với chúng tôi.

- Các ông có thể đi. Ta không đi được!

- Tại sao?

- Trước đây, ta đã là một bậc thầy của nhiều người. Ðối với ta, trở lại thành một người đệ tử cũng vô lý như một tên nhếch nhác được phép đi đến giếng nước. Ta không thể sống cuộc đời người đệ tử.

- Ðừng làm vậy, Thầy ạ!

- Không sao, các bạn! Các bạn có thể đi, còn ta thì không đi được.

- Thưa Thầy! Từ khi Phật xuất hiện trên thế gian, dân chúng mang hương hoa và các thứ trong tay họ, đi đến và tôn kính một mình Ngài thôi. Chúng ta hãy đi đến đó. Thầy định làm gì?

- Này đạo hữu! Ai chiếm đa số trên thế gian này, người ngu hay người trí?

- Thưa Thầy, người ngu thì nhiều, người trí thì ít.

- Tốt lắm, đạo hữu! Hãy để người trí đến với tu sĩ trí tuệ Cồ-đàm, và hãy để người ngu đến với ngu phu là ta. Các anh có thể đi, còn ta không đi.

- Thầy sẽ trở thành một người nổi tiếng, thầy ạ.

Hai đệ tử cũ nói thế và lên đường. Khi họ đi rồi, giáo đoàn của Sanjaya tan rã, và khu rừng trở nên vắng vẻ. Sanjaya không chịu nổi trước cánh rừng vắng vẻ, ông buồn tức hộc máu tươi. Năm trăm du sĩ khổ hạnh tháp tùng Kolita và Upatissa một đoạn đường. Sau đó, hai trăm năm mươi người còn trung thành với Sajaya trở về, còn lại hai trăm năm mươi người, hai vị thu nhận họ làm đệ tử và cho họ đi theo đến Veluvana.

Ðức Phật đang ngồi giữa tứ chúng thuyết pháp, thấy hai du sĩ khổ hạnh từ xa đến, Ngài liền bảo các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, có hai đạo hữu đến đây là Kolita và Upatissa. Họ sẽ là đôi đệ tử của ta, đôi đại đệ tử cao quý.

Hai du sĩ khổ hạnh đảnh lễ Phật, cung kính ngồi xuống một bên và thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con xin được thu nhận vào Tăng đoàn theo Phật, chúng con xin quy y và xuất gia.

Ðức Phật bảo:

- Hãy đến Tỳ-kheo! Pháp sẽ được thuyết, hãy sống đời phạm hạnh cho đến lúc lâm chung để mọi đau khổ dứt hẳn.

Ngay tức khắc, nhờ thần thông, họ tự nhiên được y bát, và trở thành những vị Tỳ-kheo Trưởng lão một trăm hạ lạp.

Bằng vào sự thuyết pháp của hội chúng đệ tử, đức Phật gia tăng việc thuyết giảng pháp. Trừ hai vị Ðại đệ tử ra, mọi người đều đắc quả A-la-hán. Lạ lùng thay, hai vị Ðại đệ tử v��n không thành tựu thiền định dẫn đến ba quả vị cao hơn (Lý do gì như thế? Vì trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử Phật có một tầm quan trọng).

Lúc bấy giờ Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên, ngụ gần làng Kallavàla trong vương quốc Ma-kiệt-đà, rơi vào trạng thái hôn trầm dã dượi vào ngày thứ bảy sau ngày được thu nhận vào Tăng đoàn. Nhưng được đức Phật đánh thức, Ngài trừ khỏi hôn trầm dã dượi và áp dụng đề mục thiền quán về các đại mà đức Phật đã trao cho Ngài. Ngài thành tựu thiền định dẫn đến ba quả vị cao hơn và đạt được cứu cánh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử.

Còn Trưởng lão Xá-lợi-phất, hai tuần lễ ở với đức Phật, từ ngày được thu nhận vào Tăng đoàn, ngụ tại hang Sưukarakhata cũng gần thành Vương Xá. Khi nghe con của người chị Ngài, Ðạo sĩ Dìhanakha đọc lại bài kinh Vedanà pariggaha, Ngài chú tâm vào bài kinh, và giống như một người ăn được cơm nấu cho người khác, Ngài đạt được cứu cánh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử.

(Chắc chắn Tôn giả Xá-lợi-phất là một người đại trí tuệ. Vậy thì tại sao Ngài cần đến một thời gian lâu hơn Ðại Mục-kiền-liên để đạt dến cứu cánh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử? Bởi vì đối với Ngài những việc chuẩn bị cần phải tỉ mỉ. Chúng ta nên hiểu rằng đây là trường hợp tương tự với một vị vua, khi muốn ra ngoài du hành, cần phải chuẩn bị nhiều thứ, như sắp xếp những tấm phủ lên lưng những con voi sẽ cõi... Còn đối với một người nghèo, dù muốn đi đâu, anh ta đi được ngay không cần thêm gì lắm).

Ngay hôm Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên được nhận vào Tăng đoàn, khi trời gần tối, đức Ðạo sư triệu tập những đệ tử tại Trúc Lâm, đề cử địa vị Ðại đệ tử cho hai vị mới vào Tăng đoàn, và đọc giới bổn Pàtimokkha. Các Tỳ-kheo bất bình bàn tán với nhau:

- Ðức Thế Tôn tỏ ra thiên vị trong việc trọng vọng này. Ðịa vị Ðại đệ tử, Ngài phải ưu tiên cho những ai từ bỏ thế gian đầu tiên, tức là nhóm năm vị Kiều-trần-như. Nếu Ngài không đếm xỉa đến sự thỉnh cầu của họ, Ngài phải dành ưu tiên cho Trưởng lão Yasa và năm mươi bốn bạn đồng hành của ông. Nếu Ngài không cho những vị này làm Ðại đệ tử, Ngài phải dành ưu tiên cho nhóm ba mươi thanh niên. Nếu Ngài bác bỏ nhóm này thì phải dành ưu tiên cho ba anh em Uruvela-Kassapa, Nadì-Kassapa và Gayà-Kassapa. Khi bác bỏ tất cả những Tỳ-kheo đến trước và dành địa vị Ðại đệ tử cho những người từ bỏ thế gian sau hết, đức Ðạo sư đã tỏ ra thiên vị.

Phật hỏi họ:

- Này các Tỳ-kheo! Các ông đang tranh luận vấn đề gì?

Nghe họ kể lại, Phật nói:

- Này các Tỳ-kheo! ta không tỏ ra thiên vị trong việc trọng vọng này. Trái lại, ta dành cho các Tỳ-kheo này và cho tất cả những Tỳ-kheo khác những gì mỗi người mong ước khi phát lời thệ nguyện. Còn Annà Kondana có cúng dường những thành quả đầu mùa chín lần, nhưng không có thệ nguyện làm Ðại đệ tử. Trái lại, lúc cúng dường, ông thệ nguyện rằng ông phải là người đầu tiên đạt đến quả vị tối thượng, đó là A-la-hán quả.

- Bạch Thế Tôn, khi nào vậy?

- Hãy lắng nghe, các Tỳ-kheo!

- Vâng, Thế Tôn!

Sau đó, Thế Tôn kể:

Chuyện quá khứ

8C. Tiểu Kala và Ðại Kala

Này các Tỳ-kheo! Chín mươi mốt kiếp quá khứ, đức Phật Vipassì xuất hiện ở đời. Lúc đó có hai anh em Ðại Hắc và Tiểu Hắc, cả hai gia chủ này cai quản một cánh đồng rộng lớn trồng lúa. Môt hôm Tiểu Hắc đến ruộng lúa bóc vỏ lúa và ăn, thấy ngọt khác thường.

Sau đó không lâu, ông muốn dâng một món quà bằng lúa non lên Tăng chúng do Phật lãnh đạo. Vì thế ông đến ngỏ ý cùng anh mình:

- Nè anh! Chúng ta hãy bóc vỏ lúa non và nấu nướng thích hợp để cúng dường những vị Phật.

Em nói gì thế, hở em? Chưa hề có người nào bóc vỏ lúa non cúng dường, cũng không ai thích làm như thế trong tương lai, đừng có làm hỏng mùa màng.

Người em lặp lại ý kiến của mình nhiều lần. Cuối cùng người anh dứt khoát:

- Thôi được, hãy chia ruộng làm hai phần. Ðừng có đụng đến phần của anh, nhưng hãy làm những gì em thích trên phần ruộng của em.

Tiểu Hắc nói:

- Tốt lắm.

Rồi người em chia ruộng làm hai, thuê một số lớn nông dân lao động lột vỏ lúa non và nấu với rất nhiều sữa, thêm bơ lỏng, mật, đường và dâng món cơm chín đến Tăng đoàn do Phật lãnh đạo.

Bữa ăn chấm dứt, Tiểu Hắc thưa:

- Bạch Thế Tôn. do công đức cúng dường thành quả đầu mùa này, cho con được làm người đầu tiên đạt đến quả vị tối thượng là A-la-hán quả.

- Sẽ được vậy.

Rồi đức Ðạo sư hồi hướng công đức cho thí chủ.

Khi người em trở về, nhìn lại cánh đồng, ông ta thấy toàn bộ cánh đồng đầy những nhánh lúa nảy chồi, đan vào nhau như được buộc thành bó. Cảnh tượng này khiến ông cảm nhận được năm niềm vui. Ông hân hoan: "Ta thật là may mắn". Khi lúa trổ bông, ông cúng dường những bông lúa đầu tiên. Cùng với dân làng thành quả đầu tiên gặt được. Khi lúa được bó lại, ông dâng những bó lúa đầu tiên. Khi lúa gom thành đống, ông dâng lúa đầu tiên trong đống. Khi lúa chất thành ụ, ông dâng lúa đầu tiên trong ụ. Khi đập lúa, ông dâng những lúa đầu tiên xay xong. Khi đong, ông dâng phần lúa đong đầu tiên. Khi chất vào kho, ông dâng lúa đầu tiên vào kho lẫm. Như thế, ông dâng thành quả đầu tiên của vụ mùa đến chín lần để cúng dường. Bất cứ thứ gì ông đem dâng được bù đắp lại, và ông có một vụ mùa bội thu. Phước đức đến với người biết làm phước.

Do đó, đức Thế Tôn nói:

- Thật vậy, Ðại đức! Ðạo đức bảo hộ người biết giữ gìn đạo đức, sống đạo đức đưa đến hạnh phúc. Ðây là lợi lạc của cuộc sống đạo đức, người nào sống trong đạo đức sẽ không bao giớ đi đến tình trạng đau khổ.

Vì thế, trong thời kỳ của Phật Vipassì, Kiều-trần-như đã cúng dường thành quả đầu tiên tới chín lần, thệ nguyện làm người đầu tiên đạt được quả vị tối thượng. Cũng thế, trong thời kỳ của Phật Padumuttara, một trăm ngàn kiếp về quá khứ, trong thành Hamsavatì, ông đã cúng dường dồi dào, và phủ nhục dưới chân đức Phật, thệ nguyện làm người đầu tiên đạt được quả vị tối thượng A-la-hán quả. Vì vậy, Ta đã dành cho ông ta địa vị theo đúng thệ nguyện. Ta không tỏ ra thiên vị trong sự trọng vọng này.

Chuyện quá khứ

8D. Da-Xá (Yasa) và Năm Mươi Bốn Bạn Hữu

- Bạch Thế Tôn, năm mươi lăm thanh niên do Da-xá (yasa) cầm đầu tạo những công đức gì?

- Họ đã thệ nguyện dưới chân một vị Phật được đạt quả vị A-la-hán, và đã tạo nhiều công đức. Trước khi Phật hiện tại xuất hiện ở đời, họ đã kết bạn với nhau để thành tựu những công đức, và hết lòng lo việc thiêu xác chết của người nghèo khó. Một hôm, thấy xác chết của một phụ nữ mang thai, họ đem xác chết nghĩa trang để thiêu. Da-xá và bốn người bạn được chỉ định việc thiêu xác, những người còn lại trở về làng.

Khi Da-xá thiêu xác, chàng dùng cây xiên xuyên suốt thân xác chết, lật qua lật lại, và thấu rõ sự bất tịnh của thân xác. Ðể chia xẻ sự hiểu biết này với bốn bạn mình, chàng bày tỏ: "các bạn, hãy nhìn thân này. Ðây đó da dẻ nứt nẻ, không khác gì da của con bò đốm, bất tịnh, nhơ nhớp và gớm ghiếc."

Ngay đó, bốn bạn chàng cũng thấu triệt sự bất tịnh của thân xác.

Năm người bạn quay về làng và truyền đạt lại cho những người kia. Về phần Da-xá chàng về nhà và cũng truyền đạt cho cha mẹ và vợ, họ đều thấu triệt sự bất tịnh.

Ðây là công đức mà họ đã tạo trong kiếp trước. Và do chính công đức này, Da-xá chứng nghiệm được sự bất tịnh của thân xác khi ở trong phòng nhìn các mỹ nữ ngủ. Thêm vào đó, căn cơ họ đã đến lúc thuần thục, cho nên tất cả các chàng trai đều đạt quả thánh. Như thế, những chàng trẻ tuổi này đạt được điều mong muốn đúng theo họ thệ nguyện. Ta không tỏ ra thiên vị trong việc trọng vọng này.

Chuyện quá khứ

8 E. Ba Mươi Chàng Vọng Tộc

- Nhưng, bạch Thế Tôn! Ba mươi vị vọng tộc trẻ tuổi này đã tạo công đức gì?

Họ cũng thệ nguyện dưới chân chư Phật quá khứ đạt thành quả vị A-la-hán và đã tạo lập những công đức. Trước khi Phật hiện tại xuất hiện ở đời, họ tái sanh làm ba mươi kẻ ác, nhưng nghe lời khuyên dạy dành cho ông Tudila, họ giữ năm giới suốt sáu mươi ngàn năm. Rồi những người này cũng chứng đạt đúng theo họ thệ nguyện. Ta không tỏ ra thiên vị trong việc trọng vọng này.

Chuyện quá khứ

8F. Anh Em Ca Diếp

- Nhưng, bạch Thế Tôn! Ba anh em Ca-diếp là Uruvela Kassapa, Nadì-Kassapa, Gayà-Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Gia-da Ca-diếp) tạo dựng những công đức nào?

- Họ cũng tạo dựng những công đức và thệ nguyện đạt thành quả vị A-la-hán. Chín mươi hai kiếp quá khứ, hai đức Phật Tissa và Phussa cùng một lúc xuất hiện trên thế gian. Cha của Ngài Phussa là vua Mahinda. Khi Ngài Phussa giác ngộ thì người con út của vua trở thành Ðại đệ tử của Ngài và con của vị tư tế trở thành đệ tử thứ hai. Nhà vua đến chỗ Phật và bạch:

- Người con cả của tôi là Phật, người con út của tôi là Ðại đệ tử, và người con của vị tư tế của tôi là Ðại đệ tử thứ hai của Phật.

Và nhìn cả ba, vua hoan hỉ:

- Ðức Phật là của chính tôi, Pháp là của chính tôi, Tăng là của chính tôi.

Và ông long trọng xưng tụng ba lần:

- Xin tán thán Ngài là bậc Thế Tôn, Ứng Cúng, Toàn Giác.

Rồi ông gieo mình dưới chân đức Ðạo sư thưa:

- Bạch Thế Tôn, bây giờ vào cuối cuộc đời kéo dài chín mươi ngàn năm, dường như đã đến lúc để tôi ngồi nhắm mắt ngủ yên. Lúc nào tôi còn sống, xin đừng đến nhà người khác, hãy nhận tứ sự cúng dường của mình tôi thôi.

Nhận được sự ưng thuận của Phật, nhà vua đều đặn cúng dường cho Ngài.

Bây giờ nhà vua có ba người con khác. Người lớn nhất có năm trăm lính tùy tùng, người giữa ba trăm và người trẻ nhất hai trăm. Một hôm, họ xin phép cha được cúng dường người anh cả là đức Phật Phussa, nhưng bị từ chối. Việc này xảy ra nhiều lần, ít lâu sau, một cuộc nổi loạn bùng nổ ở biên giới và ba anh em được vua cha phái đi dẹp giặc. Thành công, trong việc khôi phục ở biên giới, họ trở về hoàng cung, vua cha ôm lấy họ, hôn lên tóc, ngợi khen và tưởng thưởng:

- Các con yêu của cha, cha sẽ cho những gì các con muốn.

Họ vâng lệnh:

- Tâu phụ vương! Chúng con xin nhận ân huệ của cha.

Sau vài ngày, khi cha họ nhắc lại:

- Các con yêu, ta sẽ cho bất cứ điều gì các con muốn.

Họ liền ngỏ ý:

_ Tâu phụ vương! Chúng con không cần gì khác ngoài việc từ nay trở đi chúng con xin được cúng dường anh cả của chúng con, hãy ban cho chúng con ân huệ này!

- Ta không ban cho các con ân huệ này được, các con yêu!

- Nếu cha không muốn ban cho chúng con đặc ân này thường xuyên, thì hãy ban cho chúng con bảy năm.

- Ta không muốn thế, con yêu!

- Thế thì hãy ban đặc ân cho chúng con sáu năm hay năm năm, bốn, ba hay hai năm, hay một năm, hoặc là bảy tháng, hay sáu, năm, bốn, ba hay hai tháng hoặc một tháng.

- Ta không muốn thế, các con yêu!

- Thế thì tâu phụ vương! Hãy cho mỗi đứa con một tháng, ban ơn cho chúng con tất cả ba tháng!

- Thôi được, các con yêu! Hãy cúng dường anh các con trong ba tháng.

Bây giờ cả ba anh em chỉ có một thủ khố và một quản gia. Viên quản gia có đến một trăm hai mươi ngàn người phụ việc.

Ba anh em cho vời thủ khố và quản gia lại chỉ thị:

- Trong vòng ba tháng tới, chúng tôi sẽ thọ giữ mười giới, đắp y vàng và an cư với đấng Ðạo sư. Khi chúng tôi vắng mặt, bổn phận các anh phải coi sóc lương thực cúng dường, mỗi ngày các anh phải cung cấp đầy đủ thức ăn, cả cứng và mềm, cho chín mươi ngàn Tỳ-kheo và một ngàn lính. Từ nay trở đi chúng ta sẽ không dặn dò gì nữa.

Rồi ba anh em đem theo một ngàn lính tùy tùng tuân giữ mười giới, đắp y vàng và bắt đầu an cư trong tinh xá.

Người thủ khố và quản gia hợp lực thay phiên nhau hoàn tất bổn phận cúng dường, lấy lương thực từ kho của ba anh em để cúng dường. Nhưng khi đám con của những người phục vụ đòi món cháo yến mạch và những thức ăn chúng đòi, trước cả lúc Tăng đoàn đến. Hậu quả là Tăng đoàn chỉ nhận được thức ăn thừa và không được cung cấp thức ăn nào mới nguyên. Cuối cùng, người thủ khố và viên quản gia cũng thèm ăn đến nỗi họ lấy bớt thức ăn, rồi làm ra vẻ như đưa cho đám trẻ, nhưng thực họ ăn hết. Thấy thức ăn ngon không nhịn thèm được, họ và nhóm tám mươi bốn ngàn người của họ đã ăn thực phẩm mà họ có bổn phận phải dâng cho Tăng đoàn, nên khi chết và thân bị tan rã, họ tái sanh vào loài ngạ quỷ.

Khi mạng chung, ba anh em và một ngàn người tùy tùng được sanh lên thiên giới và sống chín mươi hai kiếp qua lại từ cõi trời này đến cõi trời khác. Ðó là những công đức mà ba anh em đã tạo dựng trong thời gian đó vì lập nguyện thành tựu quả vị A-la-hán. Những gì họ nhận được chỉ là do lời thệ nguyện của họ. Ta không tỏ ra thiên vị trong việc ban cho điều gì cần ban. Viên quản gia bây giờ là Bình-sa-vương, thủ khố là cư sĩ nữ Visàkha (Tỳ-xá-khư) và ba hoàng tử là ba nhà khổ hạnh bên tóc.

Nhữnh gia nhân phục vụ của họ tái sanh trong loài ngạ quỷ. Một thời gian sau khi trải qua từ kiếp này đến kiếp khác, cả tốt và xấu, họ được tái sanh trong tiểu kiếp này ở cõi ngạ quỷ suốt bốn đời đức Phật. Trong tiểu kiếp này, đầu tiên họ đến gặp vị Phật Kakusandha, trụ thế bốn mươi ngàn năm, và hỏi Ngài:

- Xin Phật nói cho chúng con biết khi nào chúng con nhận được thức ăn?

Ðức Phật đáp:

- Các người sẽ không có gì để ăn trong thời kỳ hóa độ của Ta, nhưng sau Ta đại địa sẽ được nâng cao một dặm, và đức Phật Konàgamana sẽ xuất hiện, tốt nhất các ngươi hãy hỏi Ngài.

Họ chờ đợi suốt thời gian đó, và khi đức Phật Konàgamana xuất hiện, họ liền hỏi và được Ngài trả lời:

- Các ngươi sẽ không có gì để ăn trong thời kỳ hóa độ của Ta, nhưng sau Ta, đại địa sẽ nâng cao một dặm, và đức Phật Kassapa sẽ xuất hiện, tốt nhất các người hãy hỏi Ngài.

Họ chờ đợi suốt thời gian đó, và khi nghe đức Phật Kassapa xuất hiện, lại đến thưa hỏi và lại được nghe:

- Các ngươi sẽ không nhận được gì để ăn trong thời kỳ của Ta, nhưng sau Ta, đại địa sẽ được nâng cao một dặm, và đức Phật Gotama sẽ xuất hiện. Vào thời đó, thân quyến của các anh là Bình-sa-vương sẽ làm vua, ông ta sẽ cúng dường đức Ðạo sư và sẽ hồi hướng công đức tạo được cho các ngươi, và lúc đó các ngươi sẽ nhận được thức ăn.

Thời kỳ giữa hai đức Phật sau này đối với chúng cũng nhanh giống như hôm nay qua ngày hôm sau. Khi Như Lai xuất hiện ở thế gian và vua Bình-sa-vương cúng dường ngày thứ nhất, chúng không nhận được thức ăn. Chúng chờ đến đêm, và tạo một tiếng ồn đáng sợ và hiện ra trước vua. Nhà vua đến Veluvana vào ngày hôm sau, và thuật lại tình tiết cho Như Lai. Ðức Ðạo sư giải thích:

- Ðại vương, chín mươi hai kiếp trong quá khứ, dưới thời Phật Phussa, những ngạ quỷ ấy là thân quyến của đại vương. Họ lén ăn thực phẩm mà họ có bổn phận dâng đến Tăng đoàn, họ đã hỏi Phật Kakusandha, Konàganama, và Kassapa khi nào họ được ăn và chư Phật đã nói với họ như thế, như thế. Suốt thời gian này, họ rất muốn nhận sự bố thí của đại vương. Sở dĩ họ làm ồn đêm hôm qua vì đại vương có bố thí nhưng họ không nhận được phước báo bố thí đó.

- Nhưng bạch Thế Tôn! Trong trường hợp con bố thí bây giờ, họ có nhận được không?

- Sẽ nhận được, Ðại vương!

Ngày hôm sau, vua thỉnh Tăng đoàn do Phật lãnh đạo, dâng thức ăn dồi dào và thưa:

- Bạch Thế Tôn, từ nay trở đi vật ẩm thực từ cõi trời xin cho những ngạ quỷ này có phần.

Và khi vua hồi hướng đến những ngạ quỷ công đức cúng dường của ông, chúng nhận được vật ẩm thực từ cõi trời.

Ngày hôm sau, những ngạ quỷ lại xuất hiện trần truồng. Ðức vua trình lên Phật:

- Hôm nay, bạch Thế Tôn, những ngạ quỷ này lại xuất hiện trần truồng, con không biết phải làm gì?

Ðức Phật giải thích:

- Ðại vương, vì ông không cho họ quần áo.

Ngày hôm sau, nhà vua dâng y đến Tăng đoàn do Phật lãnh đạo và cũng nguyện từ nay trở đi mong họ được quần áo từ cõi trời.

Và khi vua hồi hướng công đức cúng dường của ông cho họ như thế, lập tức họ được quần áo từ cõi trời, ngay lúc ấy họ bỏ thân ngạ quỷ và nhận thân chư thiên.

Khi đức Phật hồi hướng công đức, Ngài đọc bài kinh chú nguyện: "Ngạ quỷ đứng ngoài vách nhà"

Khi ngài kết thúc phần hồi hướng công đức, tám mươi bốn ngàn chúng sanh đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Trên đây đức Phật đã giảng pháp, thuật lại chuyện của ba anh em bện tóc.

Chuyện quá khứ

8G. Sarada và Sirivaddha

Nhưng, bạch Thế Tôn! Các Ðại đệ tử đã thành tựu công đức gì?

- Họ đã thệ nguyện đạt đến địa vị Ðại đệ tử. Trong một a-tăng-kỳ kiếp thêm một trăm ngàn kiếp quá khứ, Xá-lợi-phất được tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có, là ông hoàng Sarada. Mục-kiền-liên được sanh trong gia đình trưởng giả giàu có, tên là Sirivaddha. Hai chàng trai trẻ làm bạn với nhau từ khi còn nghịch đất.

Ông hoàng Sarada được hưởng của thừa kế to tát khi cha chết. Một hôm, ở một mình, anh băn khoăn: "Ta chỉ biết một ít về đời sống của thế giới này thôi, ta chẳng biết gì về đời sống của thế giới bên kia. Ai sinh ra đều chắc chắn phải chết. Ta phải từ bỏ thế gian, gia nhập Tăng đoàn và đi tìm con đường giải thoát". Do đó, anh đến gặp bạn và tâm sự:

- Bạn Sirivaddha, tôi dự định rời bỏ thế gian và đi tìm con đường giải thoát. Anh có thể rời bỏ thế gian với tôi hay không?

- Này bạn, tôi không thể rời bỏ thế gian, bạn hãy ra đi một mình.

Bạn từ chối, ông hoàng Sarada vẫn không thay đổi ý định, và lập luận rằng:

- Không ai đi đến đời sau với những người đồng hành hay thân quyến hay bạn bè. Ta muốn làm gì phải làm một mình.

Vì vậy, anh mở cửa kho và bố thí rộng rãi cho người nghèo khổ, du sĩ và ăn mày. Xong, anh rút vào chân núi và sống đời ẩn sĩ... Ðầu tiên một, rồi hai, rồi ba, rồi nhiều người khác theo gương anh chọn đời sống tu hành. Cuối cùng, ẩn sĩ bện tóc lên đến bảy mươi bốn ngàn, Sarada chứng được ngũ thông và bát định, và dạy những người ẩn sĩ bện tóc này phương thức tụ tập thiền định. Tất cả đều chứng ngũ thông và bát định.

Lúc ấy, Phật Anomadassì xuất hiện ở đời. Thành của Ngài tên Candavatì Cha là Yasavanta thuộc giai cấp chiến sĩ, và mẹ là bà Yasodharà. Cây thành đạo của Ngài là cây Ajjuna. Nisabha và Anoma là Ðại đệ tử của Ngài, Varuna là thí chủ, và Sundarà và Sumanà là nữ cư sĩ nòng cốt. Ngài trụ thế một trăm năm, vóc dáng cao năm mươi tám cubits, và phát hào quang từ thân xa đến mười hai dặm (năm mươi cây số). Ngài có một trăm ngàn Tỳ-kheo nương học.

Một hôm, bình minh vừa ló dạng, sau khi xuất định Ðại bi, Ngài quan sát thế gian và thấy ẩn sĩ Sarada và nhận ra rằng: "Hôm nay, khi Ta đến gặp ẩn sĩ Sarada, sẽ có một buổi đại thuyết pháp. Sarada sẽ lập nguyện đạt đến địa vị Ðại đệ tử, và bạn ông ta, trưởng giả Sirivaddha sẽ lập nguyện đạt địa vị Ðại đệ tử thứ hai. Cuối bài thuyết pháp, bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ bện tóc nương học sẽ chứng quả A-la-hán. Vì vậy Ta phải đến đó"

Rồi đức Phật Anomadassì đắp y ôm bát, không nói một lời với ai, độc hành như một con sư tử, với ý định hiển hiện để cho Sarada biết mình là một vị Phật.

Và trong khi môn đệ của ẩn sĩ Sarada vắng mặt vì đi tìm các loại trái cây, đức Phật từ trên trời hạ xuống đất ngay trước mắt Sarada.

Khi ẩn sĩ Sarada thấy thần thông và tướng hảo của Phật, ông thầm nhớ lại những câu thơ liên quan đến đặc tính của một bậc đại nhân. Ông biết rằng một người được phú cho những hình tướng như thế, nếu sống tại gia là một ông vua, một bậc chuyển luân thánh vương, sống đời xuất gia sẽ là người tận diệt tham dục, là một vị Phật toàn giác. Vì thế, Sarada đoan chắc người này là một vị Phật không nghi ngờ gì nữa.

Do đó, ông đến gặp Phật, năm vóc đảnh lễ, sửa soạn một chỗ ngồi dâng Ngài, đức Phật ngồi vào chỗ đã được sửa soạn, và ẩn sĩ Sarada chọn chỗ ngồi thích hợp, kính cẩn ngồi xuống một bên.

Bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ bện tóc lúc nãy vắng mặt vì đã đi tìm các loại trái cây ngọt và nhiều nước, bây giờ vừa trở về với thầy họ. Thấy đức Phật ngồi giữa và thầy họ ngồi kế bên, họ nói:

- Thưa Thầy, chúng tôi thường đi khắp nơi và đều cho rằng không có ai cao cả hơn thầy. Nhưng với vị này, chúng tôi cả quyết rằng Ngài cao cả hơn thầy.

- Ðạo hữu! Các ông nói gì thế? Có phải ý các ông đang so sánh một hột cải với núi Tu-di cao sáu mươi tám ngàn dặm không? Hỡi những đứa con ngây thơ! Ðừng so sánh ta với một vị Phật toàn giác.

Những ẩn sĩ đều đồng ý rằng: "Nếu đây là một người tầm thường, thầy chúng ta sẽ không so sánh như thế. Vị này quả thật cao cả làm sao!" lập tức họ phủ phục trước chân Phật.

Rồi thầy họ, ẩn sĩ Sarada bảo họ rằng:

- Các bạn, chúng ta không có một phẩm vật xứng đáng dâng lên chư Phật ở đây, và đấng Ðạo sư đã đến đây đúng lúc chúng ta thường đi khất thực. Chúng ta hãy dâng Ngài phẩm vật theo khả năng của chúng ta. Tìm và mang đến đây tất cả những loại trái cây hảo hạng.

Vì vậy, họ đi kiểm trái cây, ẩn sĩ Sarada rủa tay và đích thân đặt trái cây vào bình bát của Như Lai. Ngay khi đấng Ðạo sư vừa cầm đến những trái cây cúng dường Ngài, chư thiên gia thêm hương vị của cõi trời vào những trái cây đó. Ẩn sĩ Sarada cũng đích thân lọc nước dâng lên Phật.

Sau bữa ăn, khi đấng Ðạo sư vẫn còn ngồi tại chỗ, Sarada kêu gọi tất cả các môn đệ vào ngồi xuống, hoan hỉ đàm luận với đấng Ðạo sư.

Và đấng Ðạo sư thầm nghĩ: "Hai Ðại đệ tử và chúng Tỳ-kheo hãy đến đây". Ngay lập tức, hai Ðại đệ tử cùng với một trăm ngàn A-la-hán tháp tùng hiện đến, đảnh lễ đấng Ðạo sư và kính cẩn ngồi một bên. Rồi ẩn sĩ Sarada nói với môn đệ mình như sau:

- Các bạn, chỗ ngồi của Phật thì thấp và không có chỗ ngồi cho một trăm ngàn Tỳ-kheo. Hôm nay các bạn hãy lễ kính đức Phật. Hãy đi tìm ở chân núi mang về đây những bông hoa màu sắc rực rỡ và hương thơm ngào ngạt.

Có câu nói rằng thời gian bỏ ra để nói bàn chỉ phí phạm thôi, người có thần thông thì phạm vi thần lực không thể tưởng tượng được. Do đó, trong thoáng chốc những ẩn sĩ đem về những bông hoa màu sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt và họ kết thành một nệm hoa dài một dặm (gần năm km) cho Phật. Rồi họ kết tiếp một nệm hoa đài ba phần tư dặm cho hai Ðại đệ tử. Những nệm hoa cho những Tỳ-kheo còn lại dài nửa dặm hay ngắn hơn, nệm dành cho tân Sa-môn dài một usabha (120 cubit). Không nên thắc mắc tại sao những chỗ ngồi có kích thước vĩ đại như thế lại được xếp gọn vào tu viện khổ hạnh này. Sở dĩ có thể được do bởi năng lực huyền nhiệm. Khi chỗ ngồi đã sẵn sàng, ẩn sĩ Sarada đứng trước Thế Tôn và chắp tay cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn, xin hãy lên nệm hoa này để con được cứu độ và ân triêm công đức.

Do đó người ta kể rằng:

Ông góp nhiều loại hương hoa
Sửa soạn giường tòa, cung kính thỉnh thưa:
"Ðây con đã soạn sẵn sàng,
Chỗ ngồi thích hợp kết bằng hương hoa.
Thế Tôn, xin ngự vào tòa
Xin cho con được tâm hòa lòng an.
Bảy ngày đêm, Phật ngồi trên
Nệm hoa con kết và liền cho con
Tâm bình tịch lặng an nhiên
Từ người cho đến chư thiên đều mừng".

Khi đức Phật ngồi rồi, hai Ðại đệ tử và những Tỳ-kheo mỗi người ngồi vào chỗ dành cho mình. Ẩn sĩ Sarada lấy một lọng hoa lớn che trên đầu Như Lai. Ðấng Ðạo sư bảo:

- Nguyện cho những ẩn sĩ bện tóc dâng vinh dự này cho ta sẽ gặt được quả báo tốt lành. Và lập tức, Ngài nhập vào Diệt tận định. Nhận thấy đức Ðạo sư đã nhập Diệt tận định, hai Ðại đệ tử cũng nhập định và vào Diệt tận định. Trong bảy ngày đức Ðạo sư ngồi đó, hưởng niềm an lạc của Diệt tận định. Khi đến giờ đi tìm thức ăn, môn đệ của Sarada đi vào rừng và dùng những trái cây dại và nhiều thứ trái khác. Thời gian còn lại, họ đứng chấp tay cung kính trước Phật. Ẩn sĩ Sarada không đi tìm thức ăn, nhưng trong bảy ngày liên tục cẩm lọng hoa che đức Phật, đã tìm được niềm vui và hạnh phúc sung mãn.

Khi đức Ðạo sư xuất định, Ngài nói với vị Ðại đệ tử, Trưởng lão Nisabha, ngồi bên tay phải Ngài.

- Nisabha! Hãy hồi hướng công đức cho những ẩn sĩ đã dâng chúng ta hoa và chỗ ngồi.

Sau đó, Trưởng lão, như một dũng tướng vừa nhậm chức vị cao trọng từ tay Chuyển luân Thánh vương, lòng tràn đầy niềm hân hoan, hiển bày trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử, bắt đầu bài hồi hướng. Khi Ngài chấm dứt, đức Phật bảo Ðại đệ tử thứ nhì như sau:

- Con cũng hãy thuyết pháp cho các Tỳ-kheo!

Vâng lời Phật dạy, Trưởng lão Anoma suy nghiệm đến Tam tạng kinh điển, lời dạy của chư Phật, rồi thuyết pháp. Nhưng dù hai Ðại đệ tử đã thuyết pháp, không có một Tỳ-kheo nào đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Rồi đức Ðạo sư hiển lộ năng lực vô biên của Phật, bắt đầu thuyết pháp. Khi bài giảng kết thúc, tất cả bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ bện tóc đắc A-la-hán trừ ẩn sĩ Sarada. Ðạo sư khi đó duỗi tay ra và cất tiếng:

- Hãy đến, Tỳ-kheo!

Lập tức râu tóc họ rụng mất, và tám món cần thiết được khoác vào người họ.

Ðộc giả có thắc mắc vì sao ẩn sĩ Sarada không chứng A-la-hán không? Bởi vì ông tán tâm. Người ta kể rằng trong khi vị Ðại đệ tử ngồi tòa thứ hai kế bên Phật hiển bày trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử đang thuyết pháp, ngay lúc ẩn sĩ bắt đầu lắng nghe bài pháp, ông đã khởi niệm: "Ồ! ước mong sao, vào một lúc nào đó ở tương lai, trong Giáo đoàn của một vị Phật tương lai, ta được nhận trọng trách mà vị đệ tử này đã nhận!" Vì lẽ đó, ông không thể chứng đạo quả.

Sarada, tuy thế vẫn đảnh lễ Như lai, và đứng đối diện với Ngài, bạch:

- Bạch Thế Tôn! vị Tỳ-kheo ngồi tòa cạnh Ngài mang danh hiệu gì trong Giáo đoàn của Ngài?

- Ðó là người theo Ta trong buổi đầu Chuyển pháp luân, đó là người đã đạt đến tột đỉnh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử, đó là người đã hiểu thấu mười sáu thể của Tri thức. Do đó, ông ta được gọi là Ðại đệ tử trong Giáo đoàn của Ta.

- Bạch Thế Tôn! Ở đây, trong bảy ngày con đã đứng cầm lọng hoa che Ngài, bằng cách ấy dâng vinh dự lên Ngài. Quả báo của công đức này, con không mong cầu đời sau làm Ðế Thích hay Phạm thiên, nhưng trong tương lai, con nguyện được trở thành Ðại đệ tử của một đức Phật, giống như Trưởng lão Nisabha hiện tại.

Sarada lập nguyện xong, đức Ðạo sư muốn biết ước nguyện của người này có thành tựu không, Ngài bèn phóng thiên nhãn và quan sát những thời kỳ tương lai, thấy sau một a-tăng-kỳ kiếp cộng thêm một trăm ngàn kiếp, ước nguyện của Sarada sẽ thành tựu. Ngài cho ẩn sĩ Sarada biết:

- Ước nguyện này của ông sẽ không viễn vông. Cuối một a-tăng-kỳ kiếp cộng thêm một trăm ngàn kiếp nữa, Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Mẹ của Ngài là hoàng hậu Mahà màya, cha Ngài làvua Shudhodana, con Ngài là Ràhula, thị giả Ngài là Ananda, và Ðại đệ tử thứ hai của Ngài là Moggallàna, và ông sẽ là Ðại đệ tử nguyên soái của niềm tin, và tên ông là Sàriputta.

Sau khi đức Ðạo sư thọ ký cho ẩn sĩ, Ngài thuyết pháp, và rồi cùng Tăng chúng vây quanh, Ngài bay lên không mà đi. Ẩn sĩ Sarada tìm môn đệ và các trưởng lão của mình, nhờ họ nhắn tin cho bạn là trưởng giả Sirivaddha rằng: "Bạn ông, ẩn sĩ Sarada đã phủ phục dưới chân Phật Anomadassì và ước nguyện được địa vị Ðại đệ tử trong Giáo đoàn của Phật Gotama, người sẽ xuất hiện sau này của thế gian. Ông hãy ước nguyện được ở địa vị Ðại đệ tử thứ hai".

Xong, ông đi trước những Trưởng lão bằng một đường khác và đến đứng tại cửa nhà Sirivadha.

Gặp lại người bạn cũ, Sirivaddha hân hoan chào mừng:

- Cuối cùng, sau một thời gian dài vắng bóng, người bạn quí của tôi đã trở về.

Và lập tức Sirivaddha mời bạn ngồi tòa, và tự mình ngồi một ghế thấp hơn, thăm hỏi:

- Nhưng, này ông Tôn giả! ông không có môn đệ và những người cận sự?

- Có chứ, này bạn! đức Phật Anomadassì đã đến tu viện của chúng tôi, và chúng tôi đã tôn kính Ngài trong phạm vi quyền năng của chúng tôi. Ðức Ðạo sư thuyết pháp cho mọi người, và cuối bài giảng, tất cả số hội chứng trừ tôi đều đắc quả A-la-hán và đều gia nhập Tăng đoàn. Trông thấy vị Ðại đệ tử của đức Ðạo sư là Trưởng lão Nisabha, tôi ước nguyện được địa vị Ðại đệ tử dưới Giáo đoàn của Phật Gotama, Người sẽ ra đời sau này. Anh cũng nên ước nguyện được địa vị Ðại đệ tử thứ hai trong Giáo đoàn của Phật.

- Nhưng, Tôn giả! Tôi không có những quan hệ thân thiện với Phật.

- Tôi sẽ gánh vác trọng trách thưa với Phật, anh hãy chuẩn bị một quyết tâm vĩ đại.

Nghe lời như mở tấc lòng, Sirivsaddha liền về trang hoàng một khoảng rộng tám karisas (tám mẫu) trước cửa nhà mình thật long trọng xứng với một vị vua, rải cát, tung năm loại hoa, có cả hoa làja, dựng một lều che mái lợp toàn bằng hoa sen xanh, khiến dọn sẵn toà của Phật, và tòa của các Tỳ-kheo cũng được sửa soạn. Và biết bao phẩm vật được chuẩn bị chu đáo. Xong chàng nhờ ẩn sĩ Sarada đến mời Phật và A-la-hán. Vui lòng đẹp dạ, ẩn sĩ Sarada đưa Tăng đoàn do Phật lãnh đạo cùng đi đến nhà người bạn tâm giao. Sirivaddha ra trước nhà để gặp Tăng đoàn, đỡ bình bát từ tay Như Lai, hướng dẫn đoàn vào lều, mời ngồi trên toà đã dành sẵn, dâng nước và cung cấp những thức ăn chọn lọc.

Cuối bữa ăn, chàng dâng y đắt gia lên Tăng đoàn, và bạch đức Ðạo sư:

- Bạch Thế Tôn, chúng con cúng dường vì lập nguyện đạt đến địa vị không tầm thường. Xin Ngài rủ lòng từ bi ở lại đây trong bảy ngày như thế.

Ðức Ðạo sư thuận ở lại. Trong bảy ngày Sirivaddha dâng phẩm vật dồi dào như đã kể. Cuộc lễ cúng dường viên mãn, Sirivaddha đảnh lễ đức Ðạo sư, và đứng trước chắp tay cung kinh bạch:

- Bạch Thế Tôn, bạn con, ẩn sĩ Sarada ước nguyện trở thành Ðại đệ tử của một vị Phật. Con cũng nguyện xin trở thành Ðệ nhị Ðại đệ tử của một vị Phật ấy.

Ðức Ðạo sư quán sát tương lai, và thấy chàng sẽ được mãn nguyện. Ngài bèn thọ ký như sau:

- Cuối một a-tăng-kỳ kiếp và cộng thêm một trăm ngàn kiếp, ông sẽ trở thành Ðệ nhị Ðại đệ tử của Phật Gotama.

Nghe lời thọ ký của Phật, Sirivaddha tràn đầy sung sướng, mãn nguyện. Ðức Ðạo sư hồi hướng công đức về sự cúng dường thức ăn rồi cùng Tăng chúng trở về tinh xá.

Và Phật kết luận:

- Này các Tỳ-kheo! Ðây là ước nguyện của các đệ tử Ta lúc ấy. Họ đã thọ nhận đúng với ước nguyện của họ. Khi Ta ban bố một điều gì, Ta không thiên vị người nào.

(Chấm Dứt Chuyện Quá Khứ)

Ðức Ðạo sư thuật xong, hai vị Ðại đệ tử cùng đảnh lễ Ngài và thưa thỉnh:

- Bạch Thế Tôn, khi chúng con còn là gia chủ, chúng con đã đến xem lễ Ðỉnh Núi.

Hai vị kể lại toàn bộ câu chuyện đã xảy ra, cho đến khi chứng được thánh quả Dự lưu ngay lời đầu tiên Trưởng lão Assaji (Ác Bệ) thuyết pháp. Rồi họ thưa tiếp:

- Bạch Thế Tôn, chúng con đến gặp vị thầy cũ của chúng con, cốt hướng dẫn ông ấy nương theo Phật, và chỉ cho ông ấy thoát ra khỏi bóng tối của tư kiến, không quên nhấn mạnh đến lợi lạc tốt lành nếu như ông ấy chịu đến đây. Nhưng ông ấy bảo với chúng con: "Ðối với ta, bây giờ sống cuộc đời một môn sinh thì thật là vô lý, như kẻ quen ở dơ lại đi đến giếng nước. Ta không thể sống nổi cuộc đời một môn sinh". Chúng con cố giải bày: "Thưa Thầy, dân chúng hiện giờ tay ôm hương hoa và các thứ đến dâng cúng riêng cho đấng Ðạo sư. Vậy Thầy định sao?" Ông ấy hỏi ngược lại chúng con. "Trong thế gian này người ngu và người khôn ai đông hơn?" Chúng con đáp: "Thưa Thầy, người ngu thì nhiều kẻ khôn thì ít". Ông liền dứt khoát: "Vậy thì người khôn hãy đi đến vị Tỳ-kheo trí tuệ là Gotama (Cồ-đàm), và người ngu hãy đến với ta là kẻ ngu. Còn các ông, hãy đi đến chỗ các ông ưa thích". Với lời lẽ như thế, bạch Thế Tôn, ông ấy đã từ chối đến đây.

Ðức Ðạo sư nghe thế liền dạy các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, do chấp thủ tà kiến, Sanjaya đã lầm lẫn cho hư vọng là chân lý và cho chân lý là hư vọng. Nhưng các ông, do trí tuệ riêng của mỗi người, đã phân biệt đúng đắn cái gì là chân thật trong tính chân thật và cái gì hư vọng trong tính hư vọng. Các ông đã sáng suốt loại trừ điều gì hư vọng và chấp nhận điều gì chân thật.

Rồi Ngài nói Pháp Cú sau:

(11) Không chân, tưởng chân thật,
Chân thật thấy không chân.
Chúng không đạt chân thật,
Do tà tư tà hạnh.

(12) Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân,
Chúng đạt được chân thật,
Do chánh tư, chánh hạnh.

9. Trưởng Lão Nan Ðà

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào...

Giáo lý này đức Thế Tôn đã dạy cho Ðại đức Nan-đà khi Ngài ngụ tại Kỳ Viên.

9A. Nan Ðà Trở Thành Một Tỳ Kheo Bất Ðắc Dĩ

Sau khi bắt đầu chuyển pháp luân, Thế Tôn rời Vương Xá và đến ngụ tại Veluvana. Ngay sau đó, cha Ngài, Ðại vương Tịnh Phạn gởi sứ giả đến, người này tiếp người nọ, mỗi người mang theo một ngàn tuỳ tùng với lời dặn dò:

- Hãy tìm con trai ta và rước mời về trước mặt ta.

Chín sứ giả đã đến nơi, chứng A-la-hán và không trở về, sau cùng Trưởng lão Kàla Udàyi đến và cũng chứng A-la-hán. Biết rằng đã đến lúc Ðạo sư lên đường, Trưởng lão mô tả những cái hay cái đẹp trong cuộc hành trình và hướng dẫn đức Phật cùng hai mươi ngàn A-la-hán đi Kapilapura. Tại đây, giữa thân tộc vây quanh, đức Ðạo sư đã lấy trận mưa rào làm đề tài giảng pháp, và kể chuyện bổn sanh Bồ- tát Vessantara, tiền thân Ngài.

Ngày hôm sau, Ngài vào thành khất thực. Với bài kệ bắt đầu bằng câu: "Nỗ lực chớ phóng dật! Hãy sống theo chánh hạnh," đức Phật độ vua Tịnh Phạn chứng quả Dự lưu. và với câu" hãy khéo sống chánh hạnh..." Ngài độ Mahà Pàjapatì đắc Sơ quả, và vua Tịnh Phạn đắc thêm Nhị quả. Cuối bữa ăn, Phật thuật lại truyện Bổn Sanh Canda Kinnara vì ân nghĩa của mẹ La-hầu-la đối với Ngài.

Ngày hôm sau, trong khi nghi lễ Quán đảnh và đám cưới của hoàng tử Nan-đà đang tiến hành, đức Ðạo sư bước vào nhà khất thực, đặt bình bát vào tay Nan-đà và chúc phúc. Rồi từ chỗ ngồi đứng lên, đức Ðạo sư ra đi không lấy lại bình bát trong tay Nan-đà không dám hở môi "Bạch Thế Tôn, xin Ngài lấy lại bình bát", mà tự an ủi "Thế Tôn sẽ lấy lại bình bát ở đầu thềm". Nhưng khi đến đầu thềm, Thế Tôn đã không lấy bình bát. Nan-đà lại nuôi hy vọng" Thế Tôn sẽ lấy lại bình bát ở chân thềm". Nhưng Ðạo sư vẫn không lấy bình bát. Nan-đà lại nghĩ "Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở sân cung điện". Nhưng Ðạo sư cũng không lấy bình bát. Hoàng tử Nan-đà tuy rất muốn trở lại với cô dâu nhưng phải bấm bụng đi theo Ðạo sư. Vì lòng quý kính Ðạo sư quá sâu đậm chàng không dám nói "Thế Tôn hãy nhận bình bát", mà đành tiếp tục bước theo, trong lòng vẫn chưa tắt hy vọng: "Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở đây, Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở đó, Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở kia".

Lúc ấy người ta nhắn với cô dâu mới "giai nhân của xứ sở" Janapada-Kalyànì:

- Thưa công nương, Thế Tôn đã đem hoàng tử Nan-đà đi với Ngài, mục đích của Ngài là chia uyên rẽ thúy.

Lập tức Janapada-Kalyànì, khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đầu tóc chưa chải xong, tung mình lao theo vị hôn phu khẩn khoản:

- Công tử, xin trở lại ngay!

Lời của nàng làm tim Nan-đà chấn động. Nhưng đấng Ðạo sư vẫn không lấy lại bình bát, dẫn chàng về tinh xá và bảo:

- Nan-đà, ông có muốn đi tu không?

Vì lòng tôn kính Phật của Nan-đà quá sâu đậm nên chàng cố nín để đừng thốt: "Con không muốn tu", thay vào đó chàng thưa:

- Vâng, con muốn đi tu.

Ðấng Ðạo sư ưng thuận ngay:

- Tốt lắm, hãy xuất gia cho Nan-đà!

Thế là, vào ngày thứ ba sau khi Phật đến Kapilapura, Ngài đã tạo duyên cho Nan-đà thành Tỳ-kheo.

Vào ngày thứ bảy, mẹ của La-hầu-la trang điểm cho cậu hoàng con và gởi đến Thế Tôn, bà dặn dò:

- Con cưng, hãy đến xem vị Sa-môn này, người có hai ngàn tăng sĩ tùy tùng, có một thân hình vàng óng, có một dáng vóc đẹp đẽ của Ðại Phạm thiên. Sa-môn này là cha của con. Ngày xưa Ngài đã sở hữu những kho tài sản vĩ đại. Từ lúc Ngài xuất gia, chúng ta không được gặp Ngài. hãy đòi Ngài gia tài của con, hãy nói: "Cha thân yêu, con là hoàng thái tử, và ngay khi nhận lễ Quán đảnh, con sẽ trở thành Chuyển Luân Thánh Vương. Con cần có tài sản, cha hãy ban của cải cho con, vì một người con có quyền hưởng tài sản của cha để lại".

Hoàng tử La-hầu-la vâng lời đi đến Thế Tôn. Khi thấy ngài, cậu ta cảm thấy một tình cảm nồng ấm của cha dành cho mình, trong lòng sanh tâm hoan hỷ nên thỏ thẻ: "Bạch Thầy, dưới bóng mát của Thầy con thật hạnh phúc". Và cậu còn nói nhiều nữa, với những lời ngây thơ của trẻ con ở lứa tuổi ấy.

Thế Tôn thọ thực xong, hồi hướng công đức và từ chỗ ngồi đứng lên, bước đi. Hoàng tử La-hầu-la nối bước theo Thế Tôn, thưa:

- Bạch Thầy, hãy cho con gia tài mà con được thừa hưởng! Bạch Thầy hãy cho con gia tài mà con được thừa hưởng!

Ðức Thế Tôn im lặng, ngay cả chư Tăng cũng để mặc không ngăn cậu bé theo Thế Tôn.

Cứ thế, hoàng tử theo Thế Tôn đến khu rừng. Rồi một tư tưởng nảy sanh trong trí Thế Tôn: "Gia tài của cha mà cậu bé đòi sẽ không tránh khỏi hậu quả là mang đến sự hủy diệt. À, Ta sẽ ban cho nó bảy thánh tài mà Ta đã nhận được dưới cội Bồ-đề. Ta sẽ khiến La-hầu-la làm chủ một gia tài xuất thế gian".

Thế rồi, Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Xá-lợi-phất, ông hãy xuất gia cho La-hầu-la.

Nhưng khi hoàng tử La-hầu-la gia nhập tăng đoàn, vua Tịnh Phạn (ông nội) rất sầu muộn. Không chịu đựng nổi sự buồn rầu, ông bày tỏ với Thế Tôn và thỉnh cầu:

- Bạch Thế Tôn, sẽ phải lẽ hơn nếu chư Tăng đừng nhận những người vị thành niên vào Tăng đoàn khi cha mẹ không cho phép.

Ðức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu này. Lại một hôm, đức Thế Tôn ngồi trong hoàng cung sau bữa ăn sáng, đức vua cung kính ngồi một bên bạch:

- Bạch Thế Tôn, trong khi Ngài đang hành trì khổ hạnh, một vị trời đến và nói với tôi: "Con ông đã chết". Nhưng tôi không tin và trả lời: "Con tôi sẽ không chết cho đến khi giác ngộ:.

Ðức Thế Tôn nói:

- Phụ vương tin chuyện này không? Trong một kiếp trước đây, khi một vị trời chỉ một nắm xương và bảo phụ vương: "Con ông đã chết" phụ vương cũng đã không tin.

Và Ngài thuật lại truyện Bổn Sanh Mahà Dhammapàla, liên quan đến câu chuyện. Sau khi câu chuyện chấm dứt, nhà vua đắc quả A-na-hàm.

9B. Nan Ðà Và Những Thiên Nữ

Thế Tôn độ cho cha Ngài đắc Tam quả xong, Ngài lại trở về Vương Xá cùng với Tăng đoàn. Bấy giờ Ngài đã hứa với ông Cấp Cô Ðộc đến thăm Xá-vệ, ngay khi đại tinh xá Kỳ Hoàn được hoàn thành. Chẳng bao lâu, Ngài nhận được lời báo: "Tinh xá đã hoàn thành". Ngài liền đến Kỳ Viên cư ngụ. Ðại đức Nan-đà lúc đó trở nên bất mãn, tỏ sự buồn phiền của mình với các Tỳ-kheo:

- Chư huynh, tôi bất mãn. Tôi đang sống đời xuất gia, nhưng tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Tôi dự định xả bỏ những giới luật cao cả và trở về đời sống thấp hơn, đời sống của một cư sĩ thế tục?

Thế Tôn nghe được việc này, cho gọi Tôn giả Nan-đà đến bảo:

- Nan-đà, có phải thật sự ông đã nói với nhiều Tỳ-kheo rằng: "Chư huynh, tôi bất mãn. Tôi đang sống đời xuất gia nhưng tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Tôi dự định xả bỏ những giới luật cao cả và trở về đời sống thấp hơn, đời sống của một cư sĩ thế tục".

- Bạch Thế Tôn, hoàn toàn đúng thế.

- Nhưng Nan-đà, tại sao ông bất mãn với cuộc sống đạo hạnh mà ông đang sống? Tại sao ông không thể chịu đựng lâu hơn? Tại sao ông định xả bỏ những giới luật cao đẹp và trở về đời sống thấp hơn, đời sống của cư sĩ thế tục?

- Bạch Thế Tôn! Khi con rời nhà vị hôn thê yêu quí Janapada Kalyànì của con, với đầu tóc rối bời, từ giã con và khẩn khoản: "Công tử, xin hãy mau trở về!" Bạch Thế Tôn, vì con vẫn nhớ nàng nên con bất mãn đời sống xuất gia hiện con đang sống. Con không thể chịu đựng cuộc sống này lâu hơn, và con dự định xả bỏ những giới luật cao cả để trở về cuộc sống thấp hơn, cuộc sống của cư sĩ thế tục.

Khi ấy, đức Thế Tôn nắm tay Ðại đức Nan-đà, dùng thần lực đưa chàng đến cõi trời Ba mươi ba. Trên đường đi, đức Thế Tôn chỉ cho Tôn giả Nan-đà thấy trên một cánh đồng bị lửa rụi, một con khỉ háu ăn đang ngồi trên một gốc cây đã cháy rụi và lửa cũng đã thiêu đốt tai, mũi và đuôi của nó. Ðến cõi trời ba mươi ba, Ngài chỉ năm trăm thiên nữ gót son đang hầu hạ Sakka, vua của chư thiên (thiên chủ). Khi Thế Tôn cho thấy hai cảnh tượng đó rồi, Ngài hỏi Nan-đà:

- Nan-đà, ông thấy ai đẹp đẽ, ưa nhìn và duyên dáng hơn? Cô vợ quí Janapada Kalyànì của ông hay năm trăm thiên nữ gót son này?

- Bạch Thế Tôn, Nan-đà đáp, thật Janapada Kalyànì kém xa, giống như con khỉ háu ăn đã mất tai, mũi và đuôi. Bạch Thế Tôn, cô vợ quí Janapada Kalyànìi đối với năm trăm thiên nữ này, nàng còn kém xa hơn nhiều. So sánh với những thiên nữ này, vị hôn thê của con chẳng đáng kể, cô ta không bằng một phần nhỏ của họ, không bằng một phần nhỏ của một phần nhỏ của một phần nhỏ của họ. Ngược lại, năm trăm thiên nữ gót son này đẹp đẽ, ưa nhìn và duyên dáng vô cùng.

- Hãy vui lên, Nan-đà! - Ðức Thế Tôn trả lời - Ta bảo đảm ông sẽ được năm trăm thiên nữ gót son này.

Ðại đức Nan-đà thưa:

- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn bảo đảm con sẽ được năm trăm thiên nữ gót son này, thì trong trường hợp đó, bạch Thế Tôn, con sẽ sung sướng vô cùng để sống cuộc sống cao thượng của người xuất gia.

Rồi Thế Tôn đem Ðại Nan-đà theo Ngài, biến mất khỏi cõi trời ba mươi ba và hiện ra tại Kỳ Viên. Không bao lâu, những Tỳ-kheo được nghe kể như sau:

- Vì mong muốn được các thiên nữ mà Ðại đức Nan-đà, em đức Thế Tôn, con bà Di mẫu, tiếp tục sống đời tu sĩ. Ðức Thế Tôn đã bảo đảm rằng ông ta sẽ được năm trăm thiên nữ gót son.

Kết quả là những Tỳ-kheo huynh đệ của Ðại đức Nan-đà đã xem chàng như một người đi tu mướn, như người đã bị mua chuộc và họ nói về Ngài:

- Ðại đức Nan-đà là một người đi tu mướn, Tôn giả Nan-đà là một người bị mua chuộc, vì hy vọng được các thiên nữ mà ông ta sống đời tu sĩ, Thế Tôn đã bảo đảm rằng ông ta sẽ được năm trăm thiên nữ gót son.

Ðại đức Nan-đà, mặc dù bị các bạn đồng tu xem thường, xấu hổ vì chàng và làm khổ chàng khi gọi chàng là "người tu mướn" và "bị mua chuộc", Ðại đức vẫn sống độc cư, xuất ly, chánh niệm, tinh tấn, dõng mãnh. Không bao lâu, ngay trong đời này, chính Nan-đà an trú trong tuệ trí giác ngộ và đạt được đạo quả tối thượng của đời sống tu hành, đạo quả mà vì nó biết bao thanh niên thiện tín đã vĩnh viễn từ bỏ đời sống thế tục sống đời xuất gia. Ðại đức đã biết: "Sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, ta không còn trở lại đời này nữa". Vậy là thêm một Ðại đức Trưởng lão nhập vào hàng ngũ A-la-hán.

Bấy giờ, một vị trời đến chỗ Thế Tôn vào ban đêm, chiếu sáng cả Kỳ Viên, cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn! Ðại đức Nan-đà, con trai bà Di mẫu của Phật đã lậu tận; ngay trong đời này, chính Ðại đức đã an trụ trong chánh trí, đã được giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát tuệ giải thoát.

Thế Tôn cũng đã biết như thế. Trong đêm ấy, Tôn giả Nan-đà cũng đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ và thưa:

- Bạch Thế Tôn, con xin bãi bỏ lời hứa của Thế Tôn bảo đảm con sẽ được năm trăm thiên nữ gót son.

Thế Tôn trả lời:

- Nan-đà, chính tâm Ta đã thấu hiểu tâm ông và thấy do lậu tận, ngay trong đời này, chính ông đã an trú trong chánh trí, được giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Một vị trời cũng đã đến cho ta hay điều đó. Do đó, này Nan-đà, khi ông không còn tham đắm vào ngũ dục thế gian, tâm ông thoát khỏi dục lậu, ngay lúc ấy Ta không còn bị ràng buộc bởi lời hứa cũ.

Rồi Thế Tôn, thấu rõ ý nghĩa thâm sáu thực sự của việc này đã tuyên đọc Thánh ngôn sau:

Diệt sạch vọng tưởng nguy hại.
Ông sẽ bình thản, an nhiên,
Khi gặp hạnh phúc, đau khổ.

Một hôm, các Tỳ-kheo đến gặp Tôn giả Nan-đà và hỏi Ngài:

- Sư huynh Nan-đà! Lúc trước huynh nói: "Tôi bất mãn", bây giờ huynh có nói như thế không?

- Chư huynh, tôi chẳng còn ưa thích đời sống thế tục.

Khi các Tỳ-kheo nghe Ngài trả lời, họ nói:

- Tôn giả Nan-giả nói không thật, hoàn toàn nói láo. Ngày trước ông ta nói: "Tôi bất mãn". Nhưng bây giờ ông ta nói: "Tôi chẳng còn ưa thích đời sống thế tục".

Và lập tức họ đến và trình lại câu chuyện với Thế Tôn. Thế Tôn đáp:

- Này Tỳ-kheo! Ngày trước nhân cách của Nan-đà như một nhà lợp vụng, nhưng nay giống như một nhà lợp kín. Từ ngày ông ấy thấy những thiên nữ, ông ấy đã cố gắng hành trì để đạt đến cứu cánh của đạo nghiệp và bây giờ ông ta đã đạt được.

Nói xong, Ngài đọc những Pháp Cú sau:

(13) Như mái nhà vụng lợp,
Mưa tiền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.
(14) Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập.

Các Tỳ-kheo bắt đầu bàn tán chuyện trên trong Pháp đường:

- Chư huynh! Chư Phật thật kỳ diệu! Ðại đức Nan-đà đã bất mãn đời tu sĩ vì cô Janapada Kalyànì, nhưng đấng Ðạo sư dùng những thiên nữ làm mồi, khiến ông ta vâng phục hoàn toàn.

Ðức Phật đi đến và hỏi họ:

- Các Tỳ-kheo! Các ông ngồi đây bàn tán chuyện gì?

Nghe họ kể xong, Ngài nói:

- Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải lần đầu tiên Nan-đà đã vâng phục bởi mồi nhử bằng người khác phái, kiếp trước cũng xảy ra tương tự như thế.

Nói xong, Ngài kể như sau:

Chuyện quá khứ

9C. Kappata và Con Lừa

Ngày xưa, khi Brahmadatta (Phạm-ma-đạt) trị vì Benàres. Có một con lừa chở đồ gốm cho ông và mỗi ngày ông thường đi bảy dặm. Vào một dịp nọ, Kappata chất một lô đồ gốm lên lưng lừa và đi đến Takkasilà (thành Hoa Thị).

Trong khi ông bận sắp xếp hàng hoá, ông cho lừa chạy rong. Chàng lừa ta bèn lang thang dọc theo bờ mương, bỗng thấy một nàng lừa liền chạy thẳng đến. Nàng lừa chào hỏi thân mật và mở đầu câu chuyện:

- Anh từ đâu đến?

- Từ Benàres.

- Mục đích gì?

- Buôn bán.

- Anh mang hàng gì nhiều thế?

- Một lô đồ gốm thật nhiều.

- Anh đi bao nhiêu dặm mà mang số hàng nhiều thế?

- Bảy dặm.

- Trong những nơi anh đi qua, có ai xoa bóp chân và lưng anh không?

- Không!

- Nếu thế, anh phải chịu đường dài khắc nghiệt kinh khủng!

(Dĩ nhiên loài vật không ai xoa bóp chân và lưng, cô lừa nói chỉ vì để kết mối thân tình với anh lừa).

Lời cô lừa khiến chàng lừa trở nên bất mãn. Sau khi nhà buôn đã xếp đặt hàng hóa xong, ông chạy đến chàng lừa và nói:

- Nào, Jack, chúng ta đi!

- Ông đi đi, tôi không đi!

Nhà buôn cố gắng lặp đi lặp lại với những lời lẽ dịu dàng để thuyết phục nó đi. Mặc dù ông dỗ hết sức, lừa ta vẫn dở chứng, ông bèn trút hết lời chửi rủa nó. Cuối cùng ông nghĩ: Ta sẽ biết cách làm cho nó đi, và nói kệ sau:

Ta sẽ làm cây gậy
Có mũi nhọn thật dài
Sẽ đâm xẻ thân này
Nhớ đó nghe, lừa hỡi!

Lừa đáp:

- Nếu vậy, tôi biết ngay phải làm gì với ông.

Rồi nó đọc kệ:

Ông bảo sẽ làm gậy
Có mũi nhọn thật dài
Tốt thôi! Tôi cũng sẽ
Chân trước bấm chặt sâu
Tung vó hai chân sau
Ðá cho răng ông gãy
Nhớ nghe, Kappaka!

Khi nhà buôn nghe thế, ông thắc mắc không biết lý do gì khiến nó nói thế. Ông ta nhìn lại con đường và cuối cùng bắt gặp con lừa cái. À ra thế! Ông hiểu ngay. Cô ả đã dạy chàng lừa nhà ta mấy trò này đây. Ta sẽ hứa mang về nhà một con lừa cái như thế cho nó. Như vậy, dùng con lừa cái làm mồi, ta sẽ khiến nó phải đi.

Ông bèn đọc kệ:

Một lừa cái bốn chân
Mặt như dáng vỏ trai
Ðầy đủ muôn vẻ đẹp
Sẽ đi mua cho mày
Nghe ra chưa lừa hỡi?

Nghe thế, tim chàng lừa rộn rã và trả lời:

Một lừa cái bốn chân,
Mặt như dáng vỏ trai,
Ðầy đủ muôn vẻ đẹp,
Ông hứa mua cho liền.
Xưa đi ngày bảy dặm
Nay tôi chạy gấp đôi!

Kappata nói:

- Vậy thì tốt, đi!

Và ông dắt lừa lại chỗ để xe.

Vài ngày sau con lừa nói với ông ta:

- Chẳng phải ông đã nói với tôi là sẽ đem cho tôi một cô bạn ư?

Thương gia trả lời:

- Phải, ta đã nói thế, và ta không nuốt lời. Ta sẽ cho mi một cô bạn về nhà. Nhưng ta chỉ cung cấp thức ăn cho mi thôi. Không biết có đủ hay không cho cả mi và cô ả, nhưng việc đó mi giải quyết một mình. Sau khi hai đứa mi sống với nhau, sẽ sinh những chú lừa con. Thức ăn ta sẽ cho mi, không biết có đủ cho mi, bạn mi và những lừa con nữa hay không, việc này mi tự giải quyết lấy.

Thương gia nói rồi, con lừa hết mơ ước hy vọng.

Ðạo sư chấm dứt bài học này:

- Lúc đó, các Tỳ-kheo! Con lừa cái là Janapada Kalyànì, con lừa đực là Nan-đà và người thương gia chính là Ta. Khi xưa Nan-đà cũng đã chịu vâng phục vì miếng mồi khác phái.

10. Cunda - Ðồ Tể Mổ Heo

Nay sầu, đời sau sầu...

Giáo pháp này đức Ðạo sư dạy khi Ngài cư ngụ tại Veluvana (tinh xá Trúc Lâm) nhắm đến Cunda, người đồ tể mổ heo.

Chuyện kể rằng trong năm mươi lăm năm Cunda sống bằng nghề mổ heo để ăn hay bán. Nhằm lúc đói kém, ông ta đi về nông thôn với chiếc xe đầy nhóc gạo và trở về đầy ắp heo con, mua trong các làng, với giá mỗi con chỉ nửa lít hoặc một lít gạo. Sau nhà, ông ta có một miếng đất rào lại thành một chuồng heo, và ông ta nuôi heo với tất cả các loại cây cỏ và phân. Khi nào ông ta muốn giết heo, ông ta trói heo thật chắc chắn vào một cây cột và nện nó bằng một cây chày vuông để làm thịt nó sưng phồng lên và mềm đi. Rồi, banh hàm heo và lồng vào miệng nó một cái nêm nhỏ, ông ta rót nước thật nóng từ một nồi đồng đổ xuống họng nó. Nước nóng thấm vào dạ dày heo, làm lỏng phân, và tống ra ngoài hậu môn phân nóng với nước. Nếu còn một cục phân nhỏ sót lại trong bao tử heo, thì nước chảy ra biến màu và đục, nhưng khi bao tử heo đã sạch, nước chảy ra sẽ trong và sạch. Chỗ nước còn lại ông ta đổ lên lưng heo, và nước sẽ làm tuột da, lột lớp da đen. Rồi ông ta thui lớp lông cứng bằng một cây đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu heo bằng một thanh kiếm nhọn. Khi máu phun ra, ông ta hứng vào dĩa, rồi ông quay heo, bôi máu hứng được lên da. Và ông ta ngồi vào bàn cùng vợ con ăn thịt heo quay. Thịt còn lại, ông ta bán. Theo cách này, ông ta đã sinh sống trong năm mươi lăm năm. Dù đức Ðạo sư ở tinh xá bên cạnh mà không có một ngày nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một nắm hoa hay một muỗng cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả.

Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống, ngọn lửa của đại địa ngục A-tỳ đã bốc cháy trước mặt. (Ngọn lửa A-tỳ là một cực hình có sức thiêu đốt kinh khủng có thể phá huỷ mắt người nào nhìn cách một trăm dặm).

Thật ra, ngọn lửa ấy được mô tả như sau: "Ngọn lửa luôn luôn phụt ngọn liên tục vào mọi phía, xa đến một trăm dặm". Trưởng lão Nàgasena (Tỳ-kheo Na- tiên) đã dùng lối so sánh sau để chỉ sức nóng mãnh liệt biết bao so với ngọn lửa thường: "Ðại vương! Hãy nghĩ xem, một khối đá to bằng một ngôi chùa đưa vào ngọn lửa địa ngục sẽ tan chảy chỉ trong chốc lát. Tuy nhiên, chúng sanh bị tái sanh ở đó, vì quả báo của việc làm quá khứ, không bị chết tiêu mà cảm thấy như đang nằm trong thai mẹ".

Khi cực hình của đại địa ngục A-tỳ giáng xuống đồ tể mổ heo Cunda, hành động của ông ta thay đổi tương xứng với nghiệp quá khứ. Dù còn ở trong nhà, ông ta bắt đầu kêu ủn ỉn như heo và bò bằng tay và đầu gối, bỏ ra trước nhà rồi bò đến phía sau. Những người trong gia đình áp đảo và bịt miệng ông ta. Nhưng dù họ làm đủ cách (bởi không ai có thể ngăn được quả báo xảy đến cho một người do hành động quá khứ của chính người đó), ông ta vẫn bò lui và kêu ủn ỉn liên tục như một con heo.

Bảy nhà xung quanh không ai có thể ngủ được. Thân quyến của ông ta khủng khiếp vì sợ chết, không có cách nào khác có thể ngăn ông ta đi ra, họ chặn các cửa và nhốt ông ta ở trong nhà. Xong, họ bao vây nhà và đứng canh Cunda bò tới bò lui trong nhà suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ cùng cực của địa ngục, kêu ủn ỉn và rống eng éc như heo.

Qua bảy ngày bò như thế, ông ta chết và bị đọa vào đại địa ngục A-tỳ.

Vài Tỳ-kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng eng éc ồn ào, chỉ nghĩ là tiếng của những con heo, họ đi về tinh xá, ngồi một bên đức Ðạo sư và bạch:

- Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín, và suốt bảy ngày vẫn tiếp tục giết heo, chắc chắn ông ta định làm tiệc chiêu đãi. Thế Tôn nghĩ xem, bao nhiêu heo bị giết ! Hiển nhiên ông ta không có một chút từ bi và hoàn toàn thiếu lòng trắc ẩn. Thật từ trước tới giờ chúng tôi chưa thấy ai độc ác và man rợ như thế!

Ðức Ðạo sư nói:

- Này các Tỳ-kheo! Ông ta không giết heo trong bảy ngày qua. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm quá khứ của ông ta đã xảy đến bất ngờ đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của đại địa ngục A-Tỳ đã hiển hiện. Vì cực hình này, ông ta bò tới lui trong nhà suốt bảy ngày, kêu la eng éc như một con heo. Hôm nay ông ta chết và bị đọa vào ngục A-tỳ.

Khi đức Phật nói xong, các Tỳ-kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ðã đau khổ ở đây trong thế gian này, ông ta lại đi đến chỗ đau khổ nữa và tái sanh ở đó.

- Ðúng thế, các Tỳ-kheo!

Ðức Thế Tôn nói tiếp:

- Người nào sống buông lung, dù cư sĩ hay tu sĩ, đều bị đau khổ ở cả hai nơi.

Nói xong, Ngài đọc Pháp Cú:

(15) Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác hai đời sầu,
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm.

11. Cư Sĩ Hiền Thiện

Nay vui, đời sau vui...

Giáo lý này được Thế Tôn dạy cho một cư sĩ hiền thiện khi Ngài ngụ ở Kỳ Viên.

Chúng ta nghe kể ở Xá-vệ có năm trăm thiện tín sinh sống, mỗi người có năm trăm cư sĩ tuỳ tùng. Người thiện tín lớn nhất có bảy con trai và bảy con gái. Mỗi đứa con thường xuyên cúng dường theo lối rút thăm để dâng món cháo đặc và các thức ăn khác, ngoài ra còn cúng thức ăn, thức ăn cuối tháng, thức ăn đầu tháng, thức ăn chiêu đãi, thức ăn ngày chay, thức ăn cho khách viếng thăm, và thức ăn mùa mưa (hạ). Tất cả những người con đó đều là "thế hệ sau', cho nên thiện tín cùng vợ và mười bốn con duy trì mười sáu cách cúng dường. Và vị thiện tín đức hạnh, chính trực cùng với vợ con đều hoan hỷ trong việc sắp đặt bố thí.

Sau một thời gian, vị thiện tín mắc bệnh và sức khoẻ suy sụp. Mong muốn được nghe pháp, ông gởi lời đến Thế Tôn xin cử tám hay mười sáu Tỳ-kheo đến. Ðức Thế Tôn gởi các Tỳ-kheo và họ đi ngay đến vây quanh giường ông ta, rồi ngồi xuống chỗ được dành sẵn.

Vị thiện tín nói:

- Chư Tôn giả! Bây giờ muốn thấy các Ngài khó lắm vì tôi yếu quá, xin tụng lại cho tôi nghe một bài kinh thôi.

- Ông thích nghe kinh gì hở thiện tín?

- Kinh Tứ Niệm Xứ, phổ cập đối với tất cả chư Phật.

Thế là chư Tăng bắt đầu tụng bài kinh, mở đầu bằng những lời: "Chỉ có đường này, này các Tỳ-kheo, con đường duy nhất này dẫn đến sự cứu độ chúng sanh".

Vào lúc ấy từ sáu cõi trời hiện đến sáu chiếc xe dài một trăm năm mươi dặm do một ngàn con ngựa Sindth thuần chủng kéo, trang hoàng với đủ loại trang sức rực rỡ. Trên mỗi chiếc xe ngựa có một vị trời đứng, và mỗi vị trời nói:

- Cho phép chúng tôi chở Ngài về thiên giới của chúng tôi.

Và họ nói tiếp:

- Giống như ta đập bể một bình đất và thay bằng một bình vàng, cũng như thế chúng sanh sanh thiên sẽ được hạnh phúc trên cõi trời của chúng tôi.

Vị cư sĩ không muốn bị ngắt quãng trong khi nghe pháp, liền van xin:

- Hãy khoan! Hãy khoan!

Các Tỳ-kheo nghĩ rằng ông ta nói với mình nên dừng tụng pháp. Con trai và con gái của ông khóc thét:

- Trước kia cha chúng tôi không bao giờ cho rằng mình đã được nghe pháp đầy đủ, mà nay sau khi thỉnh các Tỳ-kheo đến và yêu cầu tụng pháp, chính ông ngăn họ lại. Rốt cuộc không ai mà không sợ chết.

Các Tỳ-kheo bàn với nhau:

- Không phải lúc ở lại.

Và lập tức họ đứng lên ra đi.

Sau một lúc, thiện tín tỉnh lại và hỏi các con:

- Tại sao các con khóc?

Họ đáp:

- Cha thân yêu, cha mời các Tỳ-kheo lại, và ngay khi đang nghe pháp, chính cha ngăn họ tụng pháp. Chúng con khóc vì nghĩ rằng rốt cuộc không ai là không sợ chết.

- Nhưng các vị Tỳ-kheo quí kính đâu rồi?

- Các Tỳ-kheo đã bảo nhau: "Ðây không phải là lúc nên ở lại", và lập tức họ từ chỗ ngồi đứng lên ra đi.

- Các con yêu, ta không phải nói với các Tỳ-kheo quí kính như vậy.

- Vậy thì cha nói với ai, cha thân yêu?

- Từ sáu cõi trời có sáu vị trời hiện đến trong sáu xe ngựa trang hoàng lộng lẫy, và đứng trên xe ngựa lơ lửng trên không, họ nói với cha: "Hãy hưởng hạnh phúc trên thiên giới của chúng tôi". Và cha đã trả lời với họ: "Hãy khoan! Hãy khoan!"

- Cha thân yêu, những xe ngựa ở đâu, sao chúng con không thấy?

- Ta có vòng hoa nào không?

- Có, thưa cha.

- Cõi trời nào vui sướng nhất?

- Cha thân yêu! Vui sướng nhất là cõi trời Ðâu-suất nơi cha mẹ chư Phật cư trú, cùng với tất cả các vị Phật tương lai.

- Tốt lắm, vậy hãy ném lên không một vòng hoa mà nói: "Hãy khiến vòng hoa này mắc vào chiếc xe ngựa của cõi trời Ðâu-suất".

Những người con của của vị thiêïn tín ném lên và vòng hoa mắc vào gọng xe ngựa treo lơ lửng trên không. Ðám con thấy vòng hoa lơ lửng trên không, nhưng không thấy xe ngựa. Vị thiện tín hỏi:

- Các con có thấy vòng hoa không?

- Vâng, chúng con thấy.

- Vòng hoa này treo lơ lửng nơi chiếc xe ngựa đến từ cõi trời Ðâu-suất. Cha sắp đi đến cõi trời Ðâu-suất, đừng lo lắng. Nếu các con muốn tái sanh theo cha, hãy làm những công đức như cha đã làm.

Khi dứt lời, ông chết và đặt chân lên chiếc xe ngựa, lập tức ông tái sanh thành một vị trời thân cao ba phần tư dặm, được trang điểm với sáu mươi xe đồ trang sức. Ông có một ngàn thiên nữ theo hầu và ở trong cung điện bằng vàng rộng hai mươi lăm dặm.

Khi những Tỳ-kheo về đến tinh xá, đức Phật hỏi họ:

- Các Tỳ-kheo, vị thiện tín có nghe tụng đọc pháp không?

- Có, bạch Thế Tôn! Nhưng nửa chừng ông ta kêu lên: "Hãy khoan! Hãy khoan!" và ngăn chúng con lại. Rồi con trai và con gái ông ta bắt đầu khóc. Lập tức, chúng con bảo nhau: "Ðây không phải là lúc nên ở lại", và chúng con ttuừ chỗ ngồi đứng lên ra đi.

- Các Tỳ-kheo! Ông ấy không nói với các ông. Từ sáu tầng trời có sáu vị trời đến trên sáu chiếc xe ngựa lộng lẫy, và họ gọi vị thiện tín ấy đi với họ; nhưng thiện tín không muốn bài pháp đang đọc bị ngắt quãng nên nói với sáu vị trời như thế.

- Thật vậy sao, Thế Tôn?

- Ðó là sự thật, các Tỳ-kheo ạ!

- Bạch Thế Tôn, bây giờ ông ấy tái sinh nơi nào?

- Trên cõi trời Ðâu-suất, các Tỳ-kheo!

- Bạch Thế Tôn, nhưng gần đây ông sống rất vui sướng giữa các thân tộc của mình, và bây giờ ông ấy cũng đi tái sanh một nơi vui thú.

- Ðúng vậy, các Tỳ-kheo! Ông là người giác tỉnh. Dù cư sĩ hay tu sĩ, ông được sung sướng cả hai nơi như nhau.

Nói xong, Ngài đọc Pháp cú:

(16) Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui,
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm.

12. Nghiệp Của Ðề Bà Ðạt Ða

Nay than, đời sau than...

Giáo lý này do đức Ðạo sư dạy khi ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Ðề-bà-đạt-đa.

Chuyện của Ðề-Bà-Ðạt-Ða, từ lúc trở thành Tỳ-kheo đến lúc mặt đất nứt ra và nuốt ông ta, đều có trong mọi chuyện Bổn Sanh.

Sau đây là tóm tắt câu chuyện:

Khi Thế Tôn ngụ tại vườn xoài Anupiya, gần Anupiya, một thị trấn của thị tộc Mallas, tám mươi ngàn quyến thuộc của ngài một hôm bổng nhận ra những đặc điểm của đấng Như Lai nơi Ngài, và tám mươi ngàn chàng trai con của họ đồng tình rằng Ngài là vua hay một vị Phật, Ngài cũng sẽ sống với một đoàn tùy tùng gồm những ông hoàng dòng Sát-đế-lợi. Sau đó trừ sáu ông hoàng trẻ tất cả đều xuất ly thế gian và trở thành Tỳ-kheo.

Thấy sáu ông hoàng trẻ họ Thích này là vua Bhaddiya, và các ông hoàng Anuruddha, Ananda, Bhayu, Kimbila và Devadatta chưa xuất thế, hoàng tộc họ Thích thảo luận với nhau:

- Chúng ta chỉ cho chính con của chúng ta vào Tăng đoàn. Còn sáu ông hoàng họ thích này chắc không phải quyến thuộc của Phật nên không xuất gia làm Tỳ-kheo.

Vì vậy, một hôm, ông hoàng họ Thích tên Mahanama đến gặp em là A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), tâm sự:

- Này em, trong gia đình ta chưa có ai xuất gia, em hãy xuất gia trở thành Tỳ-kheo và anh sẽ theo gương em.

Thuở đó, A-lậu-nâu-đà là người được nuôi dưỡng trong nhung lụa và sự cưng chìu, chàng chưa bao giờ nghe tiếng "không có". Thí dụ, một hôm sáu ông hoàng họ Thích này chơi bắn bi. A-nậu-lâu-đà lấy bánh ra đánh cuộc. Khi thua, chàng nhắn về nhà đòi bánh. Mẹ chàng làm bánh đưa cho họ. Mấy ông hoàng ăn bánh xong tiếp tục chơi. A-nậu-lâu-đà thua liên tiếp. Ba lần mẹ chàng phải gởi bánh tới. Lần thứ tư bà nhắn:

- Không có bánh để gởi.

Trước đó A-nậu-lâu-đà chưa hề nghe chữ "không có". Do đó chàng nghĩ rằng đó là một loại bánh khác, chàng nhắn bảo tên tiểu đồng về nhà:

- Hãy gởi cho tôi mấy cái bánh không có.

Khi mẹ chàng nhận được tin "Mẹ ơi! Hãy gởi cho con mấy cái bánh không có", bà tự nghĩ:

- Từ trước con ta chưa hề nghe chữ không có, vậy thì ta sẽ dạy cho nó biết nghĩa ấy.

Rồi bà lấy một bát vàng rỗng chụp lên một bát vàng khác và gởi cho con trai.

Chư thiên bảo vệ thành biết được khi xưa A-nậu-lâu-đà là Annabhara đã bố thí thức ăn phần mình cho Phật Ðốc Giác Uparritha và ước nguyện: "Không bao giờ bị nghe tiếng 'không có', không bao giờ cần biết thức ăn từ đâu đến". Bây giờ nếu để A-nậu-lâu đa thấy bát rỗng, các vị trời sẽ không bao giờ dự được hội trời, ngoài ra có thể đầu bị bể làm bảy mảnh nữa.

Vì thế chư thiên bỏ đầy bánh trời vào bát. Ngay khi bát được đặt xuống trên chiếc dĩa tròn và mở ra, mùi bánh thơm tỏa khắp thành. Hơn nữa, lúc miếng bánh đuợc đặt vào miệng, bảy ngàn thần kinh vị giác rung lên. A-nậu-lâu-đà thưởng thức xong liền kết luận:

- Mẹ ta chẳng thương ta, mọi khi mẹ chẳng hề chiên bánh không có này cho ta. Từ đây trở đi ta sẽ không ăn loại bánh nào khác.

Rồi chàng về nhà hỏi mẹ:

- Mẹ, mẹ có thương con hay không?

- Con cưng của mẹ, con ví như con mắt quí báu của một người chỉ có một con mắt, và cũng giống như trái tim mẹ yêu quí con còn hơn thế nữa.

- Vậy thì mẹ thương, tại sao mấy lần trước mẹ không chiên bánh "không có" cho con?

Người mẹ hỏi chú tiểu đồng:

- Nhỏ, không có gì trong bát chứ?

- Thưa bà, chiếc dĩa tràn đầy bánh, và thứ bánh này tôi chưa hề thấy trước kia.

Người mẹ liền hiểu: "Thật là con ta có công đức lớn. Chắc là nó có một ước nguyện. Những vị trời chắc đã bỏ bánh dầy đĩa và gởi cho nó".

Ðứa con nói tiếp với mẹ:

- Từ nay con sẽ không ăn loại bánh nào khác hơn.

Từ nay về sau xin mẹ hãy chỉ chiên bánh "không có" cho con.

Từ lần đó, khi con bà nói "Con muốn ăn bánh" bà liền gởi một bát không, đậy bằng một bát khác, và suốt thời gian chàng sống ở nhà, những vị trời gởi bánh trời cho chàng. Vì A-nậu-lâu-đà quá ngây thơ với mọi sự như thế làm sao chàng có thể nghĩ ra để hiểu ý nghĩ của từ ngữ "trở thành một Tỳ-kheo".

Vì lý do đó chàng hỏi anh mình:

- Trở tnành một Tỳ-kheo là sao?

Anh chàng trả lời:

- Ðời sống của một Tỳ-kheo gồm cạo bỏ râu tóc, ngủ trong bụi gai cũng bình thường như y trong giường đẹp và đi khắp nơi khất thực.

A-nậu-lâu-đà bày tỏ ý mình:

- Này anh, em quá sung sướng, em sẽ không bao giờ có thể thành một Tỳ-kheo.

- Tốt lắm, em thân yêu, vậy hãy học nghề nông và sống đời sống của một gia chủ. Nhưng ít nhất, một trong hai anh em chúng ta phải trở thành Tỳ-kheo.

A-nậu-lâu-đà nói:

- Làm nông là sao?

Làm sao có thể trông mong một chàng trai biết được ý nghĩ của chữ nông nghiệp khi anh ta không biết được thức ăn từ đâu đến? Như một ngày nọ, ba ông hoàng Kimbila, Bhaddiya và A-nậu-lâu-đà bàn lận với nhau về thức ăn từ đâu đến.

Kimbila nói:

- Nó đến từ kho lúa.

Bhaddiya nói với chàng:

- Anh không biết thức ăn từ đâu đến, nó đến từ cái nồi.

A-nậu-lâu-đà nói:

- Cả hai anh đúng là chẳng biết thức ăn đến từ đâu cả. Nó đến từ một bát vàng đậy nắp ngọc.

Người ta kể rằng: Một hôm Kimbila thấy gạo được chuyển ra từ kho thóc, và lập tức chàng nghĩ "những hạt gạo được sản xuất trong kho". Cũng vậy, một hôm Bhaddiya thấy thức ăn được múc ra từ một cái nồi, và chàng cho rằng "nó có được từ trong nồi".

A-nậu-lâu-đà chưa hề thấy người ta chứa gạo, nấu cơm hay múc ra khỏi nồi, nhưng chỉ thấy sau khi đã múc ra khỏi nồi và đặt trước chàng. Vì vậy chàng cho rằng khi người ta muốn ăn, thức ăn xuất hiện ngay trong một bát vàng. Ðó là sự ngu dốt của cả ba ông hoàng về việc thức ăn đến từ đâu.

Bấy giờ trở lại khi A-nậu-lâu-đà hỏi:

- Làm nông nghĩa là sao?

Chàng nhận được câu trả lời sau:

- Trước hết cánh đồng phải được cày lên, và sau đó những việc khác như thế, như thế phải làm. Và những việc ấy phải làm từ năm này đến năm khác.

Chàng tự nhủ:

- Những bổn phận ràng buộc với nghề nông như thế thì đến bao giờ mới hết. Bao giờ chúng ta mới có thời gian vui hưởng tài sản của mình một cách an nhàn?

Và vì cho rằng những bổn phận ràng buộc vào đồng áng không bao giờ hết và không bao giờ dừng, chàng liền đổi ý:

- Thôi thì, nếu như vậy anh phải sống đời sống của một gia chủ; còn em, em không sống như vậy.

Sau đó, chàng đến nói với mẹ:

- Mẹ! Hãy cho phép con! con muốn xuất gia trở thành một Tỳ-kheo. Ba phen chàng đòi mẹ cho phép trở thành Tỳ-kheo và ba lần bà từ chối. Cuối cùng bà nói với chàng:

- Nếu vua Bhaddiya, bạn con xuất gia, con có thể xuất gia với anh ta.

Sau đó, chàng đến Bhaddiya bạn mình và nói:

- Này bạn, tôi có xuất gia được hay không với điều kiện là bạn xuất gia đấy!

A-nậu-lâu-lâu-đà thúc giục bạn Bhaddiya bằng mọi lý lẽ khiến anh cùng đi xuất gia. Và cuối cùng, vào ngày thứ bảy Bhaddiya hứa khả.

Rồi sáu ông hoàng thuộc giai cấp Sát-đế-lợi - Bhaddiya, vua của những người họ Thích (Sakyans), A-nậu-lậu-đá, Ananda, Bhagu, Kimbila và Ðề-bà-đạt-đa - kèm thêm người hớt tóc là Upali thành bảy người, sau bảy ngày vui hưởng hạnh phúc thần tiên như những vị trời, bắt đầu ra đi với trang phục nhiều gấp bốn lần, như thể trên đường đến vườn giải trí. Khi họ tới lãnh thổ nước khác, họ ra lệnh quân lính trở về. Họ cởi những đo trang sức, gói lại và đưa cho Upali, nói:

- Này Upali, bây giờ hãy trở về. Tất cả tài sản này sẽ đủ cung cấp cho anh sanh nhai.

Upali gieo mình xuống chân họ, lặn lộn trên đất và khóc thảm thiết. Nhưng không giám cãi lệnh, đứng lên và trở về. Giờ chia tay rừng rủ lá, đất rung động. Upali đi được một quãng ngắn không an lòng vì nghĩ rằng những người Sakyans họ Thích ác nghiệt và tàn bạo có thể giết mình vì nghĩ rằng mình đã giết anh em họ. Những ông hoàng họ Thích Sakyans này đã từ bỏ nếp sống lộng lẫy xa hoa, đã lột bỏ những trang sức vô giá xem như một đống đờm dãi và dự định xuất gia trở thành Tỳ-kheo. Sao mình lại không?

Rồi ông mở gói, treo những đồ trang sức trên cây để mặc, ai muốn hãy đến lấy!

Xong, ông đến chỗ những ông hoàng. Họ ngạc nhiên hỏi ông tại sao ở lại, ông kể với họ toàn bộ câu chuyện. Như vậy sáu ông hoàng đem theo người thợ cạo Upali đến Thế Tôn và bạch:

- Bạch Thế Tôn, chúng con là những người họ Thích kiêu hãnh. Người thợ cạo này là người phục vụ chúng con từ lâu. Xin thu nạp ông ta vào Tăng đoàn trước, vì để ông ta vào trước chúng con sẽ cung kính ông ta, do sự kiêu hãnh của chúng con sẽ được giảm bớt.

Vậy là trước tiên họ đã xin cho thợ cạo Upali xuất gia trước và sau đó chính họ xin vào Tăng đoàn.

Trong sáu ông hoàng họ Thích này , Tôn giả Bhaddiya chứng Tam minh ngay mùa hạ đầu. Tôn giả A-nậu-lâu-đà chứng Thiên nhãn thông, và sau nghe bài kinh đầu đề "Những điều suy niệm của một bậc đại nhân", Ngài chứng A-la-hán. Tôn giả A-nan chừng quả Dự lưu, Trưởng lão Bhaya và Trưởng lão Kimbila sau đó khai mở Minh-sát-tuệ và chứng A-la-hán. Ðề-bà-đạt-đa chứng thần thông thấp hơn.

Sau một thời gian, khi Thế Tôn ngụ tại Kossambi, của cải và tiếng tăm đều dồn về Thế Tôn và chúng đệ tử của Ngài. Mọi người đến tinh xá thường mang trong tay y phục, thuốc men và những vật cúng dường khác, và hỏi:

- Ðức Ðạo sư ở đâu?

- Trưởng lão Xá-lợi-phất đâu?

- Trưởng lão Mục-kiền-liên đâu?

- Trưởng lão Ca-diếp đâu?

- Trưởng lão Bhaddiya đâu?

- Trưởng lão A-nậu-lâu-đà đâu?

- Trưởng lão A-nan đâu?

- Trưởng lão Bhagu đâu?

- Trưởng lão Kimbila đâu?

Nói xong, họ đi tìm chỗ ngồi của tám mươi vị Ðại đệ tử.

12A. Những Hành Ðộng Ác Của Ðề Bà Ðạt Ða.

Nhưng chẳng ai hỏi đến Ðề-bà-đạt-đa. Từ đó ông sanh lòng bất mãn: "Ta đi tu cùng lúc với những Tỳ-kheo kia, cũng thuộc giai cấp chiến sĩ như họ. Vậy mà các thí chủ mang phẩm vật cúng dường kia chỉ đến tìm những Tỳ-kheo ấy, chẳng ai nhắc đến tên ta. Ta sẽ về phe ai, thâu phục cảm tình ai để có được lợi dưỡng và sự tôn kính?" Và ông toan tính ly khai. Sau đó ông nghĩ tiếp: "Vua Bình-sa ngay hôm đầu gặp Phật cùng mười một vạn tùy tùng, đã chứng quả Dự lưu, ta không thể về phe ông. Ta cũng không thể theo phe vua Kosala, nhưng ta sẽ đến với hoàng tử A-xà-thế, kẻ không biết nhìn người".

Từ Kosambi, Ðề-bà-đạt-đa đi đến Vương Xá, tự biến thành một chàng trai, với bốn con rắn ở tay chân, một con quanh cổ, một con cuộn tròn trên đầu như búi nệm, một con vắt trên vai. Trang điểm đầy rắn như thế ông từ không trung bay xuống ngồi ngay trong lòng A-xà-thế hết hồn hỏi:

- Người là ai?

- Tôi là Ðề-bà-đạt-đa.

Ðể A-xà-thế hết sợ, Ðề-bà-đạt-đa biến nguyên hình trở lại là một Tỳ-kheo, đắp y mang bát và ông chiếm được cảm tình của A-xà-thế cùng lợi dưỡng và sự tôn kính.

Ðược lợi dưỡng và sự tôn kính rồi, Ðề-bà-đạt-đa quyết định: "Ta phải là người lãnh đạo Tăng đoàn". Vừa khởi ác niệm, Ðề-bà-đạt-đa mất hết thần thông. Bấy giờ đức Ðạo sư đang thuyết pháp cho Tăng chúng ở Trúc Lâm tinh xá, cũng có nhà vua trong chúng hội. Giữa thời pháp Ðề-bà-đạt-đa đảnh lễ Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay thỉnh cầu:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nay đã già yếu, mệt mỏi, hãy sống an nhàn không lo lắng. Tôi sẽ lãnh đạo Tăng đoàn, hãy giao phó Tăng đoàn cho tôi.

Ðức Ðạo sư, thay vì chấp nhận sự sắp xếp của Ðề-bà-đạt-đa, đã từ chối lời thỉnh cầu và gọi ông là hạng người ăn đờm dãi. Ðề-bà-đạt-đa căm phẫn tột độ ra đi. Ðây là lần thứ nhất ông oán hận đức Ðạo sư. Ðức Phật cho công bố câu chuyện Ðề-bà-đạt-đa tại Vương Xá.

Ðề-bà-đạt-đa hận thù không nguôi vì bị đức Phật khai trừ nên rắp tâm phá Phật. Ông đến gặp A-xà-thế bày kế:

- Này chàng tuổi trẻ, con người trước đây sống lâu, nhưng nay chết sớm. Một ông hoàng như anh chẳng bao lâu cũng sẽ chết. Vậy thì, anh hãy giết cha rồi lên làm vua, còn ta sẽ giết đức Thế Tôn và lên làm Phật.

Mưu kế thành tựu, A-xà-thế giết cha rồi lên ngôi, còn Ðề-bà-đạt-đa không bỏ cuộc, tự thân leo lên đỉnh núi lòng dặn lòng: "Một mình ta sẽ dứt đời Sa-môn Cồ-đàm". Rồi ông lăn đá xuống, nhưng chỉ làm thân Phật chảy máu. Thất bại lần nữa trong việc giết Phật, ông lại tính keo khác là thả voi Nàlàgiri hại Phật. Khi voi đến gần, Ðại đức A-nan đứng mũi chịu sào hy sinh cản đường cứu Phật. Ðức Ðạo sư nhiếp phục được voi và rời thành trở về tinh xá. Sau khi dự buổi thọ trai do hằng ngàn thiện tín cúng dường, đức Ðạo sư đúng thời nói pháp cho cư dân Vương Xá, đông đến một trăm tám mươi triệu người. Có tám mươi bốn ngàn người được Pháp nhãn thanh tịnh. Các Tỳ-kheo lúc đó không ngớt tán thán A-nan:

- Ðại đức A-nan thật cao thượng! Khi con voi hung tợn chạy đến, người dám hy sinh mạng sống đứng chắn cho đức Ðạo sư.

Ðức Phật nghe các Tỳ-kheo khen vậy liền bảo:

- Các thầy, đây chẳng phải là lần đầu A-nan hy sinh vì ta. Trong kiếp quá khứ, ông ấy cũng làm như vậy.

Và đáp lời thỉnh cầu của các Tỳ-kheo, Phật kể chuyện tiền thân Culla Hamsa và Kakkata.

Qua việc bày mưu giết vua, mướn người giết Phật, lăn đá, tính ác độc của Ðề-bà-đạt-đa chưa gây chấn động dư luận như lần thả voi hại Phật. Dân chúng biết chuyện xôn xao bàn tán: "Ðề-bà-đạt-đa một mình đã giết vua, mướn kẻ sát nhân ném đá, nay còn thả voi Nàlàgiri. Nhà vua đang thân cận một kẻ ác độc đến thế!" Nhà vua nghe được bèn bãi bỏ năm trăm nồi nấu thức ăn cho Ðề-bà-đạt-đa và từ đó không cung cấp, đáp ứng các nhu cầu của Ðề-bà-đạt-đa nữa. Dân chúng cũng vậy, khi ông đến nhà khất thực, họ vẫn không cúng dường.

Danh và lợi đều mất, Ðề-bà-đạt-đa lại giở trò quỷ quyệt. Ông đi đến đức Phật đưa ra năm điểm nhưng đức Ðạo sư bác bỏ:

- Ðủ rồi, Ðề-bà-đạt-đa! Ai muốn như vậy, hãy làm một nhà khổ hạnh ở trong rừng.

Ðề-bà-đạt-đa quay sang các Tỳ-kheo:

- Chư huynh đệ, lời dạy nào cao thượng hơn, lời Phật hay lời tôi vừa nói? Ðược rồi, Thế Tôn. Sa-môn suốt đời nên sống trong rừng, đi khất thực, mặc áo bằng giẻ rách lấy từ đống rác, ở dưới gốc cây, không ăn cá thịt. Ai muốn giải thoát đau khổ, hãy để người ấy đến với tôi.

Nói rồi, Ðề-bà-đạt-đa ra đi.

Một vài Sa-môn vừa mới xuất gia, thiếu trí, nghe những lời này nghĩ là Ðề-bà-đạt-đa nói đúng. Rồi họ đi theo Ðề-bà-đạt-đa cùng năm trăm Tỳ-kheo bằng mọi cách thuyết phục mọi người từ người dễ tin đến người dày dạn, chấp thuận năm điểm, và sống bằng cách khất thực từ nhiều gia đình. Ðồng thời Ðề-bà-đạt-đa vẫn tìm cách tạo sự chia rẽ trong Giáo đoàn.

Ðức Thế Tôn nghe ra bèn bảo:

- Ðề-bà-đạt-đa, có đúng như người ta nói, ông đang cố tình gây chia rẽ Tăng đoàn không?

Ðề-bà-đạt-đa trả lời:

- Ðúng!

Phật dạy:

- Ðề-bà-đạt-đa, chia rẽ Tăng đoàn là một tội ác ghê gớm.

Ðức Ðạo sư tiếp tục răn nhắc Ðề-bà-đạt-đa. Nhưng ông không để ý đến lời Phật dạy. Ðề-bà-đạt-đa ra đi, gặp Ðại đức A-nan đang đi khất thực trong thành Vương Xá, ông nói:

- Sư huynh A-nan, kể từ hôm nay tôi sẽ làm lễ phát lồ và tăng sự riêng biệt, không cần Tăng đoàn, không cần Thế Tôn.

Ðại đức A-nan kể lại cho đức Phật nghe, bậc Ðạo sư đã phẫn nộ một cách chính đáng, và biết rằng Ðề-bà-đạt-đa làm như vậy là tự đóng cửa nhơn-thiên, sẽ phải chịu đau khổ nơi đại ngục A-tỳ.

Và Ngài suy nghĩ như vầy:

Dễ làm thay việc ác,
Việc chỉ gây tai hại.
Những việc lành đem lại
Hạnh phúc, rất khó làm.

Rồi, đức Ðạo sư lại nói lên câu kinh sau:

Dễ thay cho người lành,
Làm những việc thiện tốt.
Khó thay cho người ác,
Làm những việc thiện lành.
Người ác khó làm lành,
Người lành khó làm ác.

Vào ngày phát lồ, Ðề-bà-đạt-đa ngồi về một phía với những người theo ông, nói:

- Ai đồng ý năm điểm hãy lấy một lá phiếu.

Năm trăm hoàng tử Lệ-xá, những Sa-di ít lòng biết ơn, lấy phiếu. Ðề-bà-đạt-đa đem những thầy này đến Gayàsìsa. Ðức Ðạo sư biết tin họ đến đó, liền phái hai đại đệ tử đi dẫn họ về. Hai vị đến đó, trổ hết thần thông thuyết pháp khiến năm trăm vị Tỳ-kheo nếm được vị Niết-bàn, liền theo hai vị bay về tinh xá hầu Phật.

Tỳ-kheo Kokàlika, người cùng âm mưu với Ðề-bà-đạt-đa, thấy vậy, đã vào đánh thức ông dậy:

- Dậy đi huynh Ðề-bà-đạt-đa, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã đoạt hết các Tỳ-kheo của anh rồi, anh chẳng nhớ tôi đã nói là đừng tin Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên sao?

Ðề-bà-đạt-đa nói:

- Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên ôm lòng ác độc.

Vừa nói lên câu ấy, đầu gối Ðề-bà-đạt-đa đã dộng trúng tim mình và miệng hộc máu tươi ra.

Các Tỳ-kheo trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất bay trong không giữa một đoàn Sa-môn tùy tùng, báo tin cho Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ðại đức Xá-lợi-phất đi chỉ với một người mà trở về huy hoàng với cả đám đông.

Ðức Ðạo sư đáp:

- Các Tỳ-kheo, đây không phải lần đầu xảy ra sự việc này. Khi Xá-lợi-phất sinh trong thân thú, ông cũng đã trở về với Ta huy hoàng như vậy.

Và Phật nói bài kệ chuyện tiền thân Lakkhana (Tiền thân của Xá-lợi-phất đã bảo vệ được năm trăm con nai trong đàn an toàn trở về sau mùa săn. Còn nai Kàla, tiền thân của Ðề-bà-đạt-đa không bảo vệ được đàn mình, để năm trăm con nai bị chết hết).

Người đạo đức, thân thiện,
Mọi sự đều tốt lành.
Kìa, Lakkhana xuất hiện!
Dắt theo đủ bà con.
Và kìa, xem Kàla,
Chẳng bà con nào còn!

Các Tỳ-kheo lại kể tiếp:

- Bạch Thế Tôn, người ta đồn rằng Ðề-bà-đạt-đa cũng đặt hai vị Ðại đệ tử ngồi hai bên và bắt chước Thế Tôn nói: "Ta sẽ thuyết pháp như Phật".

Ðức Ðạo sư nói: - Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu ông ấy làm như vậy. Trong một kiếp quá khứ ông ấy cũng bắt chước ta, nhưng đã thất bại.

Vìraka! Có thấy
Chồng tôi, Savitthaka (1), đâu không?
Tiếng chàng thanh dịu ngọt
Cổ rực rỡ như công?
Savitthaka ham bắt chước
Vĩraka, quạ nước
Lặn bắt cá trong hồ
Vướng rong rêu, đã chết.

(1) Quạ Savitthaka - tiền thân của Ðề-bà-đạt-đa - muốn bắt chứơc con quạ nước Vĩraka (tiền thân của Phật) lặn xuống hồ bắt cá, bị mắc giữa đám rong và chết.

Ðể kể hết câu chuyện, đức Thế Tôn thuật chuyện tiền thân Vìraka. Mấy hôm sau, cũng với đề tài này, Ngài kể các chuyện tiền thân Kandagalaka và Virokana:

Chim gõ mõ (2) bay trong rừng mổ
Cây cành mềm, hư đổ, kiếm ăn.
Cây keo gỗ chắc một khi
Hắn lầm mổ phải đầu thì bể ngay
Óc não mày nát chảy,(3)
Ðầu thì vỡ tan hoang,
Bao xương sườn gãy vụn,
Thật thảm thương kinh hoàng,

(2) Chim gõ mõ Kandagalaka, tiền thân của Ðề-bà-đạt-đa bắt chước chim bạn-tiền thân của Phật mổ cây leo kiếm sâu ăn. Vì khác loài, không đủ khả năng nó bị gãy mỏ, mắt lồi ra, đầu bể.

(3) Dã can (tiền thân của Ðề-bà-đạt-đa) sống nhờ ăn đồ thừa của sư tử - tiền thân Phật- một hôm dã can bắt chước sư tử, giết voi, bị voi đạp nát xương thịt rồi đi đại tiểu tiện lên.

Một ngày nọ, nghe lời nhận xét "Ðề-bà-đạt-đa là kẻ bội ơn", đức Ðạo sư kể lại chuyện tiền thân Java Sakuna:

Chúng tôi đã hết lòng phục vụ.
Và vô cùng tôn kính chúa công.
Vậy nay xin được cầu mong,
Chúa ban ơn huệ mở lòng tha cho.
Ta đã ngặm chắc ngươi trong mõm,
Ta sống bằng uống máu ăn tươi.
Thói ưa giết chóc ta nuôi.
Quá lâu ngươi đã sống rồi, tiếc chi!

Phật lại kể chuyện tiền thân Kurunga, cho thấy Ðề-bà-đạt-đa đi đây đi kia chỉ để sát hại:

Con nai biết quá rõ,
Chính ngươi (4) thả trái rơi:
"Ta mau đến cây khác
Cây không thích, nên rời."

(4) Người thợ săn chài lưới (tiền thân Ðề-bà-đạt-đa) liệng trái cây nhử nai (tiền thân Phật) để giết nhưng không thành công.

Lại nữa, khi người ta bàn bạc: "Ðề-bà-đạt-đa mất cả lợi dưỡng danh dự và địa vị tôn quý của một Sa-môn", đức Ðạo sư nói:

- Các Tỳ-kheo, đây chẳng phải là lần đầu ông ấy mất hết, trong một kiếp quá khứ cũng vậy; và Phật kể chuyện tiền thân Ubhataobhattha:

Mắt hư, áo bị mất (5),
Cãi vả đến trong nhà,
Việc làm ăn hỏng cả
Dưới nước lẫn trên bờ.

(5) Một người chài lưới (tiền thân Ðề-bà-đạt-đa) câu nhằm khúc cây tưởng là cá lớn, cởi áo lặn xuống bắt, bị va vào khúc cây mù hai mắt áo trên bờ bị lấy cắp. Vợ người ấy ở nhà sợ phải chia phần cá, cãi vã với hàng xóm và bị phạt vạ.

Trong lúc đức Ðạo sư ngự tại Vương Xá, Ngài đã kể chuyện tiền thân của Ðề-bà-đạt-đa như vậy. Rồi Ngài đến Xá-vệ ở tại Kỳ Viên.

Ðề-bà-đạt-đa bị đau trong chín tháng. Sau cùng, muốn gặp đức Phật, ông nói với đệ tử của ông:

- Ta muốn gặp đức Ðạo sư, hãy giúp ta đến gặp Người:

Họ trả lời:

- Khi còn sức khỏe, thầy đã đối xử thù nghịch với đức Ðạo sư, chúng tôi sẽ không dẫn thầy đến gặp Phật.

Ðề-bà-đạt-đa nói:

- Xin đừng hại tôi! Tôi thật có lòng thù hận đức Thế Tôn, nhưng Ngài không hề ghét tôi dầu chỉ mảy lông.

Và thật vậy:

Kẻ sát nhân Ðề-bà-đạt-đa
Và kẻ cướp Ương-quật-ma-la.
Voi Dhanapàla hay La-hầu-la
Với ai Phật cũng ôn hòa điềm nhiên.

- Cho tôi gặp đức Thế Tôn.

Ðề-bà-đạt-đa năn nỉ mãi.

Sau cùng họ để Ðề-bà-đạt-đa trên cái cáng khiêng đi. Các Sa-môn nghe Ðề-bà-đạt-đa đến, thông báo với Phật:

- Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa đang đến gặp Thế Tôn.

Phật dạy:

- Ông ấy sẽ không gặp Ta trong kiếp này nữa.

(Người ta nói rằng, kể từ lúc các Sa-môn đưa ra năm điều, họ đã không còn gặp Phật được nữa).

- Bạch Thế Tôn, họ đã đến nơi đó... nơi đó... rồi.

- Ông ấy làm gì thì làm, cũng chẳng bao giờ gặp lại Ta.

- Bạch Thế Tôn, hiện ông ấy chỉ còn cách một dặm, chỉ còn cách nửa dặm, chỉ còn cách một khoảng... ông ấy đến hồ sen.

- Dầu cho ông ấy vào đến Kỳ Viên, cũng không gặp được Ta.

Những người khiêng Ðề-bà-đạt-đa đến hồ sen tinh xá, đặt cáng và xuống tắm trước khi vào hầu Phật. Ðề-bà-đạt-đa ngồi dậy, bỏ chân xuống đất, và bị lún xuống đất, và bị lún ngay tại đó. Ông bị lún từ từ, ban đầu là mắt cá, rồi đến đầu gối, hông, ngực, rồi đến cổ... Sau cùng, khi làm sát đất, ông đọc đoạn kệ sau:

Với xương và thịt này
Cùng với hơi thở còn
Con xin quy y Phật
Thiên Nhơn Sư, Thế Tôn
Ðiều Ngự, đấng Toàn Giác
Ðức hạnh hằng tỏa rạng
Trăm hảo tướng chói ngời.

Theo truyền thuyết, khi đức Phật thấy sự việc như vậy, Ngài lại xuất gia cho Ðề-bà-đạt-đa làm Sa-môn, vì Phật biết nếu Ðề-bà-đạt-đa là một cư sĩ, chưa được xuất gia, với chừng ấy tội ác đã tạo, ông sẽ không thể còn có hy vọng, tin tưởng gì ở kiếp tương lai. Nhưng nếu ông là một Sa-môn thì dầu có phạm tội ghê gớm mức nào, vẫn có thể vững lòng tin vào kiếp tương lai. (Sau trăm ngàn kiếp Ðề-bà-đạt-đa sẽ thành Phật Ðộc Giác hiệu là Atthissara-Thiên Vương Như Lai, cõi nước tên là Thiện Ðạo).

Sau khi chết lún trong đất, Ðề-bà-đạt-đa đọa vào địa ngục A-Tỳ. "Vì ông phạm tội với một đức Phật thường hằng, hãy để ông chịu cực hình không gián đoạn". Và đó là sự đau đớn Ðề-bà-đạt-đa phải chịu. Vì ngục A-tỳ rộng lớn một trăm dặm nên thân ông cao một trăm dặm. Cả đầu đến lỗ tai ông bị ở trong một cáo sọ sắt và chân lún đến mắt cá nằm trong mặt nền bằng sắt. Một cọc sắt to bằng thân cây thốt nốt từ vách phía tây của chiếc ngục sắt đâm ngang thắt lưng, suốt qua ngực và xuyên qua vách sắt phía đông. Một cọc sắt khác từ vách sắt phía bắc. Một cọc khác từ đỉnh sọ sắt, đâm qua sọ của Ðề-bà-đạt-đa, suốt xuống phần dưới và xuyên đến mặt nền bằng sắt. Ðề-bà-đạt-đa chịu sự đau đớn trong tư thế không thể nhúc nhích này.

Các Tỳ-kheo bắt đầu bàn bạc: "Ðề-bà-đạt-đa từ xa đến nhưng không gặp được đức Ðạo sư, lại bị chôn sống".

Ðức Phật dạy:

- Ðây không phải là lần đầu Ðề-bà-đạt-đa phạm tội với Ta và bị chôn sống. Trong một kiếp trước ông cũng bị chôn sống như vậy.

Ðể minh chứng, Ngài kể câu chuyện đã xảy ra trong một tiền thân của Ngài làm voi chúa. Có một người bị lạc đường, voi để anh ta ngồi trên lưng và chở về nơi an toàn. Sau đó người ấy trở lại chỗ voi ba lần liên tiếp cưa lấy phần đầu, phần giữa và phần gốc ngà của voi. Vừa đi khuất tầm mắt voi chúa, anh ta liền bị đất chôn sống.

Và đức Ðạo sư kết thúc câu chuyện tiền thân Sìlava Nàga:

Một người ưa bội bạc
Và luôn tìm cơ hội
Dầu cho cả quả đất
Cũng không thấy thỏa lòng.
Mọi người bàn tán mãi chuyện này.

Vì thế đức Phật kể lại câu chuyện Kalàburàjà (tiền thân Ðề-bà-đạt-đa) bị đất nứt chôn sống vì làm hại Khantivàdi (tiền thân đức Phật). Rồi đức Ðạo sư lại kể chuyện Mahàpatàparàjà (tiền thân Ðề-bà-đạt-đa) bị đất chôn sống vì làm hại Culla Dhammapàla (tiền thân Phật).

Giờ đây khi Ðề-bà-đạt-đa đã bị đất nuốt, dân chúng vui mừng, treo cờ, dựng cây chuối rẻ quạt, bày những lu hũ đầy nước, mở hội lớn: "Cái chết của hắn quả là thắng lợi lớn đối với chúng ta".

Khi các Tỳ-kheo bạch lại chuyện này cho đức Ðạo sư, Ngài dạy:

- Ðây không phải là lần đầu dân chúng vui mừng vì Ðề-bà-đạt-đa chết. Trong quá khứ họ cũng vui mừng như vậy. Rồi Ngài kể câu chuyện tiền thân Pingala vua xứ Ba-la-nai, bị dân chúng oán ghét vì quá ác độc. Họ rất vui mừng khi vua chết:

Chính vua Pingala,
Làm hại khắp mọi người.
Nay vua kia đã chết,
Ai cũng an vui cười.
Này, anh chàng gác cổng!
Có phải ngươi khóc than
Vì lòng ngươi thương tiếc
Lão vua cặp mắt vàng?
Chẳng phải thương tiếc chi
Lão vua mắt vàng đó
Tôi khó vì lo sợ
Lão trở lại nơi này.
Lão đi đến cõi chết
Hại đến cả thần chết
Thần chết ngán ắt quẳng
Lão trở lại cõi này!

Sau cùng, các Tỳ-kheo hỏi Phật:

- Bây giờ, bạch Thế Tôn, hãy cho chúng con biết Ðề-bà-đạt-đa tái sanh nơi nào?

- Ông ấy ở nơi địa ngục A-tỳ.

- Bạch Thế Tôn, lúc sống, ông ấy chịu khổ, và khi chết đi, tái sinh ở cảnh khổ.

- Ðúng vậy, Tỳ-kheo. Người không chánh niệm, dù là tu sĩ hay cư sĩ, chịu khổ cả hai nơi.

Và đức Phật đọc câu kệ:

(17) Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hại đời than,
Nó than: "Ta làm ác"
Ðọa cõi dữ,than hơn.

13 . Bà Sumanà

Nay sướng, đời sau sướng...

Pháp Cú này đức Ðạo sư nói lúc ở tại Kỳ Viên tinh xá, liên quan đến bà Sumanaqa.

Mỗi ngày có hai ngàn Tỳ-kheo thọ thực tại nhà Trưởng giả Cấp Cô Ðộc ở Xá-vệ, và hai ngàn vị tại nhà bà đại thí chủ Tỳ-xá-khư (Visàkhà).

Tại Xá-vệ, ai muốn cúng dường, trước hết đều tìm đến hai thiện tín này. Bạn có thắc mắc lý do không? Giá như có ai hỏi bạn: "Liệu ông Cấp Cô Ðộc và bà Tỳ-xá-khư cúng dường có được nhiều bằng của bạn không?" Và nếu bạn trả lời không bằng, thì bạn có thể để ra một trăm ngàn đồng tiền để lo cúng dường, và dầu vậy, các Tỳ-kheo cũng không hoan hỷ, sẽ thầm thì: "Cúng dường kiểu gì vậy?" Sự thật là cả hai vị thí chủ trên biết tường tận khẩu vị của chư Tăng và biết chính xác việc gì phải làm. Vì vậy, tất cả những ai muốn cúng dường đều mời hai vị này cùng đi. Và nếu thỉnh chư Tăng về nhà riêng thì các thí chủ chẳng thể tự mình lo chu đáo được bằng họ.

Gặp những trường hợp này, Tỳ-xá-khư đâm ra lo lắng không biết ai sẽ thay bà hộ cho chư Tăng. Bà trông thấy đứa cháu nội và chỉ định cô ta thay thế bà. Từ đó, cháu gái bà Tỳ-xá-khư hộ cho chư Tăng tại nhà bà. Còn ông Cấp Cô Ðộc thì chỉ định cô con gái lớn Mahà Subhaddà, cô gái này chăm sóc chúng Tăng như lệ thường, lắng nghe pháp, và sau đó chứng quả Dự lưu. Rồi cô ta kết hôn và đến sống với gia đình chồng. Ông Cấp Cô Ðộc chỉ định cô em là Cullà Subhaddà, và cũng như chị cô chứng quả Dự lưu, và sau đó lấy chồng và đến s���ng bên nhà chồng. Cuối cùng ông chỉ định cô em út Sumanà. Cô này chứng quả Tư-đà-hàm, nhưng vẫn độc thân. Thất vọng vì không gặp được một người chồng, cô nhịn ăn. Và vì muốn gặp cha, cô cho người mời ông đến.

Ông Cấp Cô Ðộc đang ở trong phòng ăn khi nhận được lời nhắn tin của con gái. Ông đi đến ngay và hỏi:

- Chuyện gì vậy, con gái cưng Sumanà?

Sumanà bảo:

- Em nhỏ hỏi gì?

- Con nói chuyện thật lộn xộn.

- Này em nhỏ, tôi không nói lộn xộn.

- Con sợ hả, con gái cưng?

- Tôi không sợ, em nhỏ.

Cô không nói nữa, chết ngay.

Dầu đã chứng quả Dự lưu, ông Trưởng giả cũng không chịu nổi sự buồn phiền. Nên vừa chôn cất con xong, ông liền đến Phật khóc lóc.

Ðức Phật bảo:

- Này gia chủ, sao ông đến Ta buồn rầu, đầy nước mắt như vậy?

- Bạch Thế Tôn, con gái Sumanà của con đã chết.

- Rồi tại sao ông khóc? Cái chết không đến với mọi người sao?

- Con biết, bạch Thế Tôn. Nhưng con gái con quá hiền lành lương thiện, vậy mà khi chết nó không tỉnh táo, lại nói mê sảng. Thật quá đỗi đau buồn!

- Nhưng này Trưởng giả, con gái út của ông đã nói gì?

- Bạch Thế Tôn, con gọi nó "con cưng Sumanà" và nó trả lời "em nói gì, em nhỏ"; rồi con bảo nó "con nói thật lộn xộn" và nó trả lời "tôi không nói lộn xộn, em nhỏ"... Rồi nó không nói nữa, nó chết.

- Này ông Trưởng giả, con ông không nói nhảm đâu?

- Nhưng tại sao nó trả lời như vậy?

- Chỉ vì ông là "em nhỏ của cô ấy". Này gia chủ, con gái ông lớn về quả vị tu chứng. Trong khi ông chỉ chứng quả Dự lưu, con ông đã chứng Tứ-đà-hàm. Con gái ông lớn về quả vị tu chứng nên nói như vậy.

- Lý do là vậy sao, bạch Thế Tôn?

- Lý do là Thế, gia chủ.

- Bạch Thế Tôn, giờ nó tái sanh ở đây?

- Ở cõi trời Ðâu-suất.

- Bạch Thế Tôn, khi con gái còn sống ở đây với anh em thân thuộc, nó đi lại vui vẻ, và khi ra đi, nó lại tái sinh cõi phước lạc, an vui.

Ðức Ðạo sư bảo ông Cấp Cô Ðộc:

- Ðúng như vậy, gia chủ! Người chánh niệm, dù tại gia hay xuất gia, đều an vui đời này và đời sau.

Phật đọc bài kệ:

(18) Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Nó sướng: "Ta làm thiện".
Sanh cõi lành sướng hơn.

14. Chuyện Hai Huynh Ðệ

Nếu người nói nhiều kinh...

Pháp Cú này Phật dạy lúc trú tại Kỳ Viên liên hệ đến hai vị Tỳ-kheo đồng tu.

Tại Xá-vệ có hai chàng trai thuộc hạng khá giả vốn là bạn thân thiết không rời. Một dịp nọ, họ đến tinh xá nghe Phật nói pháp, liền bỏ hết dục lạc thế gian dấn thân vào phật đạo và trở thành Sa-môn. Sau năm năm an cư với các vị thầy hướng dẫn, họ đến gặp đức Ðạo sư và hỏi về bổn phận tu tập. Sau khi được nghe trình bày chi tiết về pháp thiền và pháp học, một người nói:

- Bạch Thế Tôn, vì con xuất gia khi đã lớn tuổi, con không thể làm tròn pháp học nhưng có thể làm tròn pháp thiền.

Vị này được đức Ðạo sư hướng dẫn thiền định hướng đến quả vị A-la-hán và ông đã cố gắng phấn đấu, đạt quả vị này cùng với các thần thông.

Còn người kia nói:

- Con sẽ làm tròn pháp học.

Dần dà vị này thuộc hết Tam tạng kinh điển, Phật ngôn. Ði đến đâu ông cũng giảng pháp và đọc tụng. Ông du hành thuyết pháp cho năm trăm Sa-môn, và làm thầy giáo thọ của mười tám hội chúng.

Bấy giờ một nhóm Tỳ-kheo được Phật chỉ dạy thiền định đi đến trú xứ của vị sư già chuyên tu thiền định nói trên. Và nhờ tinh tấn tu tập theo lời chỉ bảo của vị ấy họ đã chứng quả A-la-hán.

Sau đó, họ đến xá chào Tôn giả Trưởng lão thầy họ và nói:

- Chúng con muốn gặp đức Ðạo sư.

- Hãy đi, các huynh đệ. Cho tôi kính lời thăm hỏi đức Thế Tôn, tám mươi vị Ðại Trưởng lão và sư đệ tôi, nói rằng: "Thưa Tôn giả, thầy chúng con xin kính chào".

Các Tỳ-kheo đi đến tinh xá, đảnh lễ đức Ðạo Sư và các Trưởng lão: "Thưa Tôn giả, thầy chúng con xin kính chào". Khi họ đến chào Tôn giả huynh đệ của thầy họ chuyên về pháp học, vị này nói:

- Thầy chư hiền giả là ai?

- Thưa Tôn giả, là huynh đệ của Ngài.

- Nhưng chư vị học được gì từ ông ấy? có học được kinh nào trong Trường Bộ kinh và các kinh bộ khác? Có học được tạng nào trong ba tạng kinh không?

Và Tôn giả này tự nghĩ: "Ông ấy chẳng biết ngay cả bài kệ bốn câu. Vừa xuất gia liền mặc áo giẻ rách, vào rừng rồi tụ tập đông đảo đồ chúng. Khi ông ấy trở về đây mình phải hỏi vài câu mới được."

Chẳng bao lâu, vị sư già về thăm đức Phật. Tôn giả gởi y bát nơi người huynh đệ, đi gặp đức Ðạo sư và tám mươi đại Trưởng lão rồi trở lại trú xứ của vị huynh đệ. Tỳ-kheo trẻ tuổi này tiếp đón ân cần như thông lệ, mời ngồi tòa tương đương, và khi đã ngồi nhủ thầm: "Mình sẽ hỏi ông ấy một câu".

Ðức Ðạo sư biết trước "nếu Tỳ-kheo này quấy rầy con của Phật, ông ấy sẽ rơi vào địa ngục". Vì lòng từ, đức Ðạo sư giả vờ đi kinh hành quanh xá, đến nơi hai huynh đệ đang ngồi và Phật ngồi vào ghế dành sẵn (bất cứ nơi nào, trước khi ngồi, các Tỳ-kheo đều dành sẵn một chỗ cho đức Phật).

Khi đã an tọa, đức Phật hỏi Tôn giả chuyên học tập một câu hỏi về Sơ thiền, vị này trả lời đúng. Ðức Phật hỏi tiếp về Nhị thiền, về Bát định, về sắc giới và vô sắc giới... thầy đều đáp đúng cả. Ðến lúc đức Phật hỏi về quả Dự lưu, thầy không đáp được. Ngài liền hỏi vị sư già đã chứng A-la-hán và vị này đáp đúng ngay.

- Tốt lắm! Tốt lắm! Ðức Ðạo sư tán thán một cách hoan hỷ.

Rồi Ngài hỏi về các quả vị tiếp theo, Tôn giả chuyên học không đáp được lấy một câu, trong khi vị sư già đã chứng A-la-hán trả lờii thông suốt. Ðức Ðạo sư đều khen ngợi sau mỗi câu trả lời đúng. Nghe lời khen của Phật, tất cả chư thiên từ địa thần đến Phạm thiên, luôn cả long vương và kim xí điểu đều tán thán vang dội.

Nghe tiếng tán thán, những đệ tử của Tôn giả trẻ bất bình đức Phật. Họ nói với nhau:

- Tại sao đức Thế Tôn làm như vậy? Ngài khen ngợi sau mỗi câu trả lời của ông sư già chẳng biết gì! Còn đối với thầy chúng ta, thuộc lòng toàn bộ kinh điển và đang lãnh đạo năm trăm chúng, Ngài chẳng khen một lời.

Ðức Ðạo sư hỏi họ:

- Tỳ-kheo, các ông đang nói gì?

Khi họ trả lời, đức Phật dạy:

- Trong đạo của Ta, thầy các ông như kẻ chăn bò mướn, còn con của Ta như ông chủ được thọ hưởng năm sản phẩm của bò.

Rồi Phật nói bài kệ sau:

(19) Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật.
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa-môn hạnh.

(20) Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân si,
Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa-môn hạnh.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com