Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bát Nhã em ở đâu ?

03/11/202315:14(Xem: 1734)
Bát Nhã em ở đâu ?

hoa_sen (15)

BÁT NHÃ EM Ở ĐÂU

Đồng Thanh




Tôi đi tìm em từ hừng đông quá khứ đến chiều tà của muôn kiếp vị lai. Em vẫn biệt tăm ! Em đang ở đâu ? Phải chăng em đang ở tận đầu gành bến Giác hay cuối bãi Vô Minh. Giữa hai bờ đối đãi tôi bơ vơ hụt hẫng khi thấy mình vẫn là người Cùng Tử lang thang. Có những khi nơi chợ đời một sớm mai xuôi ngược hải hồ, tôi dong ruổi theo từng vòng xoay sanh diệt để tìm kiếm sự giao thoa của tâm thức, nơi đó hằng mong gặp bạn tâm đầu để cùng nhau hát khúc Tâm Kinh, hay nơi cao sơn lộng gió tôi lắng nghe Năm Uẩn tranh giành ai sẽ là bản ngã độc tôn ?

Có tiếng ai trong thinh không tĩnh lặng vụt thoáng qua trong từng sát na; vừa cau có giận hờn, vừa vỗ về xoa dịu:
-Có gì đâu ! có gì đâu ! Hãy nhìn kìa ! Hòn đá cụi vẫn nằm im trên đỉnh đầu gió hú, thì có gì mà thổn thức chuyện Sắc, Không .

Tôi lặng bước trong miên mang vô định mặc cho Thinh Trần dìu dặc, gõ bước phiêu linh trong nhịp khúc giao mùa, lá thu phong bên đường xưa rơi rụng, lót bước chân tôi trong vô vọng truyệt mù xa. Trong bể dâu bỉ thử bao giờ tôi mới gặp em? Vì em là thực thể của Như Lai thanh tịnh còn tôi được sinh ra từ Lục Căn ô hợp, ngày lại ngày chưa bao giờ thương tưởng đến em, bỏ phế vườn nhà cùng với Lục Trần giao hảo để rồi kiến tạo không gian mịt mờ cát bụi, được một chút thành tựu mong manh nhưng cho đó là vĩnh cửu, đến khi tứ đại hao gầy mà vẫn cô đơn trong căn nhà trống lạnh vì bóng hình em giờ này còn mịt mù nơi tận cuối trời xa. Tôi gục đầu tự hỏi : Tại sao tôi và em lại phải cách xa bởi hai đầu mộng thực vì những khái niệm và định kiến lâu đời ? Nên tôi cố tìm em nhưng chưa thể gặp được em, dù biết rằng em đang ở gần tôi. Giữa Chơn như và Vọng tưởng hay Bồ Tát và Chúng sinh tôi chưa nhận ra tất cả đều là Huyễn, là Mộng để rồi cứ mãi tôn thờ và dong rủi theo hình hài khổ luỵ, nhặt lá khô cuối mùa mà cứ nghĩ rằng xuân đã chớm nụ trên nhành hoa mai. “Sắc là Không, Không là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều giống nhau”… Lời kinh mẹ tụng sớm mai tôi vẫn nhớ ! Nhưng mắt tôi chưa thấy được khoảng Không trên nền trời xanh thẳm vì trong tôi quá nhiều cái để Có nên chưa thể thấy được cái Không. Quán Tự Tại ngài đã gặp được em nên mênh mông vạn hữu là hư không vô tận, chẳng còn hình hài sắc tướng kể cả Ngài cũng là hư vô, vậy mà bao năm tôi vẫn thường xem Ngài là hiện hữu, một sự hiện hữu ngập tràn nhị nguyên đối đãi trong khi Ngài đến và đi như mây trắng ngang trời mùa hạ, như ánh chóp vụt sáng chiều đông, tất cả chỉ thoáng qua rồi mất đi nhưng chưa bao giờ trụ lại. Ngôn ngữ mà tôi thường gặp trên chặng đường gió bụi tìm em, nó như vó ngựa của kẻ đơn cô trên con đường thiên lý, vì sao ? Vì tôi tìm em luôn nghĩ rằng em có chổ để tìm, nhưng thực ra hành tung em bất định mới gọi em là Vô Sở Y, em không dính mắc vào đâu nên em là Vô Sở Trước, em chưa bao giờ đến và cũng chưa bao giờ ra đi nên gọi em là Bất Sinh Bất Diệt, em vẫn là em đừng bao giờ cho em là Phật vì em chưa bao giờ là Phật ( Vô Sở Đắc ). Có phải em là khoảng mênh mông trong nhứt thể nhiệm mầu, không sắc tướng, không âm thanh nên em cũng là Tánh Không của vạn hữu ? Tôi càng hỏi tôi càng rối răm bởi những ngôn từ và khái niệm, em có thể cho tôi một ý nghĩa dễ hơn, gần hơn để cho tôi có thể tiếp cận và xem được chân tướng của em ? Nói đến đây chắc em lại mỉm cười và mỉa mai tôi ! Vì em có chân tướng đâu mà đòi xem ! Tôi lại tiếp tục ra đi tìm em như tìm dấu chân chim trong hư không vô lượng. Giữa thâm u cô tịch tôi nghe tiếng thét của Lâm Tế như xé nát màng đêm :

Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh
Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân
Hữu thời nhân cảnh câu đoạt
Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt

( Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh
Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân
Có khi nhân cảnh đều đoạt
Có khi nhân cảnh đều không đoạt ).

Thinh âm tiếng thét ấy chấn động một thời, âm ba còn vang vọng mãi đến ngày nay và có thể xuyên suốt muôn vạn đời sau, nhưng mấy ai hiểu và thông được, tai này có cũng như không, nếu có sao không chịu nghe, nếu nghe sao không thông suốt để rồi ôm chặt một mớ hư danh hổn độn, mặc cho thinh âm tiếng hét bồng bềnh như chiếc thuyền không bến đỗ, dẫu có đỗ âu cũng là mượn gió để phất cờ mà thôi ! Hèn chi em cứ mãi mịt mù nơi tận cuối trời xa và tôi vẫn cứ đi tìm. Sáng nay thức dậy sao cõi lòng nặng trĩu vì hơn nữa đời người mà vẫn còn cất bước lãng du ! Hành trình tôi đi tìm em không giống như Thiện Tài trong dặm dài thiên lý cầu học Bồ Tát để tỏ rõ đâu là kết tinh của vạn pháp trong thế giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm.

Em không phải tập hợp bởi các pháp để thành tựu, mà em chính là sự hiện diện thực tại trống không, nhưng trong sự trống không ấy sinh ra diệu dụng nhiệm mầu, một sự nhiệm mầu có thể dung thông và tường tận mọi sự sanh diệt của vạn pháp, không còn chi phối bởi vô thường khổ đau, chính em là đối tượng để cho ai muốn đạt được quả vị Nhất Như và em cũng là tri kỷ tâm đầu của Bồ Tát trên lộ trình lập hạnh thành tựu Bồ Đề. Em như vầng trăng trên đỉnh Lăng Già vằng vặc lung linh rạng ngời soi sáng khắp cả đại dương, tôi muốn đến và leo lên để tạn mặt nhìn em, nhưng chân muốn đi mà ngại ngùng con sóng dữ, thuyền con một chiếc làm sao chịu nỗi gió biển ba đào, vã lại muốn ra đến đó, muốn nhìn thấy em nhưng tâm tôi vẫn còn hoảng hốt lo sợ thì làm sao đối diện trước hình thù quái dị của thủ quỷ Dạ Xoa. Lỗi là ở tôi, lúc hùng tâm tráng chí không chịu ra đi một cách hăng say mà lại la cà bởi muôn ngàn quán trọ, nghêu ngao ca hát tận hưởng dục lạc, nuôi lớn và làm nô lệ cho Bản Ngã, em thì muôn đời vẫn nằm đó, như như bất động trên đỉnh non cao. Đường đến bên em đã bày ra phía trước vậy mà mắt không chịu mở to, chân tay khoẻ mạnh mà như kẻ tật nguyền, rồi bày đặt lúc trà dư tửu hậu mượn lời Thánh nhân mà ta thán : ” Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng“! ( Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu ! ).

Bản ngã ! Từ bao luỹ kiếp nó đã cai trị ta, sai sử ta, đày đoạ ta, đã đến lúc nó và ta nói lời từ biệt bằng tất cả ý chí và nghị lực quật cường trong tháng ngày còn hiện diện trên cõi nhân sinh. Ta đã nhận ra cái gì tạo ra nó và biết được nó đến từ đâu. Hãy lắng nghe hỡi bản ngã ! Một tên lưu manh lỳ lộm ! Ta sẽ biến nó thành hư không cát bụi nơi đó chỉ có ma vương mới là quyến thuộc của nó. Ta không phải là thân cây thì nó cũng đừng hòng làm nhành chùm gởi, dựa dẫm hình hài để dày xéo tâm cang. Nó dùng Ngủ Uẩn : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức làm lãnh thổ thành trì để giữ gìn và bành trướng, đến một ngày nào đó Ngũ uẩn không còn, tất cả giai không thì còn đường nào cho nó cư ngụ. Ta đã lầm và luôn luôn cho rằng Ngủ uẩn luôn thường hằng và không bao giờ mất đi nên yêu thương vun đắp giữ gìn, nó còn là ta vui, nó mất là ta buồn. Cực khổ, đấu tranh, hơn thua bỉ thử. Nhưng kỳ thực Ngũ uẩn do nhiều yếu tố kết họp bởi do duyên mà thành tựu, nó không ở một hình thể nhất định thường hằng. Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn… tất cả đều giống nhau, đủ duyên thì đến, hết duyên thì tan, không cái nào có được thực chất cố định vĩnh cửu nên nó là không. Không chẳng phải là không có gì, mà Không ở đây nghĩa là không cố định một pháp mà là vạn pháp tuỳ duyên kết hợp. Nếu vô minh vọng chấp cho rằng Ngũ uẩn có và trường tồn nên sanh tâm lo lắng giữ gìn khi nó mất đi, cũng như sân si cuồng nộ khi bị ai tước đoạt. Ngược lại nếu tỉnh ngộ ra rằng Ngũ uẩn là Không là Huyễn thì dẫu nó mất đi thì ta đâu còn luyến tiếc làm gì. Đến đây chắc bản ngã cũng hiểu ta không dại gì mà tiếp tục để cho nó hành xử và sai khiến hay chế ngự. Chúng ta có được Pháp ấn mà Thế Tôn chỉ dạy, Pháp ấn ấy như thanh bảo kiếm chặt đứt mọi hung hăng tàn bạo của bản ngã.

Chư hành vô thường
Chư Pháp vô ngã
Niết Bàn tịch tịnh

Với ba Pháp ấn này sẽ đoạn lìa tận cùng gốc rễ của chân tướng bản ngã. Các pháp luôn biến đổi theo sự vận hành của duyên nên gọi là Vô Thường, nghĩa là không ở một trạng thái nhất định vĩnh viễn, nếu chấp chặt cho rằng nó mãi là của ta mà không ý thức rằng khi hết duyên nó sẽ ra đi, ta không thể níu kéo, như khúc gỗ trôi giữa dòng không thể nào về lại bên ta.

Các Pháp thì do các duyên nhóm hợp mà thành tựu nếu thiếu một thì các duyên kia không có cơ sở để tạo thành, nên nó không có chủ thể cố định, không có cái duyên nào tự cho mình yếu tố tối thượng để hình thành sự vật nên gọi nó là Vô Ngã, nếu vô minh vọng chấp nó có chủ tể nhất định thì Bản ngã phát sinh. Một làn gió thổi qua ngày hôm nay là cả một quá trình xô đẩy giản nở của không khí của ngày hôm qua cũng như muôn ngày trước đó, nó thoáng qua và mất đi trong sự luân hồi sanh diệt, đừng cho rằng nó sẽ còn mãi cho đến ngày hôm sau …

Một không gian hoàn toàn vắng lặng thanh tịnh nơi đó không còn phiền não khổ đau, không còn nhân ngã bỉ thử là cảnh giới Diệt tận, Diệt độ là An lạc là Bất sinh… Nơi đây không còn chịu sự chi phối bởi Nghiệp và sự vận hành của Duyên sinh, nơi đây là nơi thống nhất cái Nhất thể tuyệt đối của vạn vật, là nơi hoàn toàn vắng lặng của Pháp thân thường trú, tịch nhiên thường hằng cõi đó gọi là Niết Bàn.

Dùng phương tiện nào để đạt được cảnh giới này ? Phật dạy có tám phương pháp nếu tinh chuyên hành trì niêm mật sẽ đạt được cảnh giới Niết Bàn, tám phương pháp đó là : Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là tám phương pháp chấp dứt sự khổ đau và đạt đến Niết Bàn tịch tịnh. Nói đến đây chắc em lại mĩm cười, nhưng tôi chưa đón được e cười vì khen tôi hay lại mỉa mai tôi như lúc truớc. Phải chăng tôi đã thấy được lối đi trên con đường này ? Nhưng không ! Vì lối đi vẫn mãi là lối đi nếu tâm vẫn còn bám víu vào tiếng của bước chân trên lối mòn của tri thức thì hình bóng em không dễ gì hiện ra. Trong kinh Kim Cang đức Phật đã bày ra một loại ngôn ngữ phủ định hàm chứa tư tưởng phá chấp ngã và đây là triết lý tính không của ngã và vạn pháp khi muốn đạt được trí tuệ Bát Nhã :

Phật thuyết Bát nhã ba la mật, tức phi Bát nhã ba la mật, thị danh Bát nhã ba la mật,
( Như lai nói Bát nhã ba la mật, tức không phải là Bát nhã ba la mật, nên gọi là Bát nhã ba la mật)

Sở ngôn nhất thiết Pháp giả, tức phi nhất thiết Pháp, thị cố danh nhất thiết Pháp.
( Chỗ nói tất cả Pháp, tức không phải tất cả Pháp, nên gọi là tất cả Pháp )

Trong thế giới của hiện tượng hữu vi nếu không mượn lời của Tục Đế để thuyết minh ý nghĩa cứu cánh của Chân Đế thì làm sao hiển bày được trí tuệ, nhưng nếu muốn đạt được trí tuệ Bát Nhã thì hãy bỏ đi tất cả ngôn ngữ văn tự, nghĩa là đừng chấp chặt tất cả những gì ta thấy được, nghe được, hay học được dù lời nói ấy được rút ra từ kinh điển Phật nói.

Tôi lại tiếp tục lộ trình truy tìm dấu vết của một Dòng Sông, nhưng dòng sông ấy đã trôi đi để rồi hoà mình vào nhứt thể đại dương mênh mông, chỉ còn lại Con Sông trơ trọi phơi cát vàng trong ánh nắng chiều thu.

Melbourne ngày 01/11/2023
Đồng Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com