Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 5: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu (Bài viết của Cư Sĩ Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc

13/01/202306:28(Xem: 2774)
Bài 5: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu (Bài viết của Cư Sĩ Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc

stayhomecovid19

Học Phật Trong Mùa Đại Dịch
( 5)
Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
(Tiếp Theo 4)


Bài viết của Cư Sĩ Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc




 

C. TĂNG BẢO :

Sau khi đã tìm hiểu Pháp Bảo, chúng ta học bước tiếp theo là Tăng Bảo mà theo bản Kinh Châu Báu, chúng ta có 8 Bài Kệ  ( số 6, 7, 8, 9, 10, 11, 14  và 17 ) qua đó Đức Phật đã tán thán và ban bố lời khuyên các sanh linh, gồm có chư Thiên, Nhân và Phi Nhân hãy đảnh lễ, cúng dường Tăng Bảo. Bố thí các vị ấy được kết quả to lớn.

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của từng bài Kệ.

Bài kệ số 6 :

Tám vị bốn đôi này,
Được bậc thiện tán thán.
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Được kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng Chúng,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

 

Bài Kệ trên đề cập đến Tăng Chúng. Vậy Tăng là ai ? Những điều kiện gì để được gọi là Tăng, hay được gia nhập vào Tăng đoàn ?

Tăng-già phiên âm từ tiếng Pali, saṅghaSanskrit, saṃgha, có nghĩa là một nhóm, một số đông, một cộng đồng, một đoàn thể. Theo Phật giáo, Tăng già là một đoàn thể, do đó còn gọi là Tăng Chúng, ít nhất phải từ bốn thành viên trở lên, gồm các vị tu hành, xuất gia, không gia đình, không nhà cửa, không sống đời thế tục, là các vị Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, sống đời phạm hạnh, tuân theo Giới Luật của Đức Phật chế định. Các thành viên thuộc Tăng già, được gọi tắt là các vị Tăng. Ni, dùng chỉ những vị xuất gia phái Nữ. Tỳ Kheo, "Bhikkhu” được dịch từ chữ Pali có nghĩa là được cứu tế, người hành khất. Thời Đức Phật còn tại thế, Tăng chúng sống bằng khất thực, chỉ có một bình bát và ba chiếc y, sống trong rừng, dưới cội cây nhưng dần dần được những vị đại thí chủ xây cất và cúng dường các Tịnh Xá tiện nghi, yên ổn hơn. Ba tháng an cư được dễ dàng, vì khí hậu ẩm ướt, nhằm mùa mưa làm cho côn trùng, ruồi, muỗi, kiến, sâu bọ sinh sôi nẩy nở quá nhiều, không thuận tiện cho việc ở ngoài trời hay đi kinh hành có thể giẫm đạp chết. Như vậy là vô tình tạo nghiệp sát hại.

Việc an cư mùa mưa, trước tiên là do lòng từ bi, tránh không sát hại các loài trùng, kiến, sâu bọ và cũng là một dịp cho Tăng Đoàn tụ hội lại một nơi, được Đức Phật hoặc các bậc trưởng thượng, cao tăng chỉ dạy thêm, học hỏi thêm. An cư trở thành một tục lệ, cho đến ngày nay, được thực hiện từ Rằm tháng Tư cho đến Rằm tháng Bảy mỗi năm. Thời buổi hiện tại thì chuyện giẫm đạp côn trùng sâu bọ không phải là lý do để An Cư vì hoàn cảnh sống đã thay đổi, nhưng An Cư chính là một dịp giúp cho Tăng Chúng ở yên một nơi để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới Đức, siêng tu Tam Vô Lậu học, đó là cơ duyên đưa đến Thánh Quả, đó chính là duy trì mạng mạch Phật Pháp.

Theo Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Số 4, giải thích nghĩa An Cư : Thân Tâm đều tĩnh lặng gọi là An. Qui định thời gian ở một chỗ gọi là Cư.

( Trích Ý Nghĩa An Cư Kiết Hạ, TT Thiện Hạnh, Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học )

Tham khảo thêm: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/y-nghia-an-cu-kiet-ha.html

Ngoài ba tháng an cư, Đức Phật dạy Tăng Chúng không nên ở yên một chỗ, mà đi giáo hóa khắp nơi, hãy cùng đọc :

“Này các Tỳ khưu, ta đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các Tỳ khưu, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các Tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung (một đường). Này các Tỳ khưu, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa. Này các tỳ khưu, ta cũng sẽ đi đến ngôi làng của Senāni ở Uruvelā cho việc thuyết giảng Giáo Pháp.” (Kinh Đại Phẩm, CHƯƠNG TRỌNG YẾU) https://budsas.net/uni/u-luat-daipham/dp-01a.htm

 

Từ ban đầu, lúc thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, Đức Phật đã nghĩ đến việc truyền bá giáo pháp của mình và với sự thỉnh cầu của chư Thiên mà việc ban bố Giáo Pháp được thực hành. Trước tiên Đức Phật nghĩ đến hai vị đạo sĩ, từng là bậc Thầy của mình, nhưng các vị này đều đã qua đời, Ngài liền hướng đến năm người bạn lúc còn tu khổ hạnh là nhóm ông Annata Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya (Bạt-đề-ly), Vappa (Thập-lực-ca-diếp), Assaji (A-thấp-bà-trí) và Mahanama (Ma-nam-câu-lợi). Nơi vườn Lộc Uyển, sau khi nghe Pháp, bài pháp đầu tiên của Đức Phật, cũng là bài Kinh Chuyển Pháp Luân, thuyết giảng về Tứ Thánh Đế, tôn giả Kiều Trần Như đã chứng Pháp Nhãn thanh tịnh và tất cả năm vị đồng tu này trở thành những đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Có thể nói Tăng đoàn được thành lập từ lúc này. Khởi đầu chỉ có những vị xuất gia phái Nam, về sau thì Đức Phật thâu nhận thêm các đệ tử phái Nữ, do lời thỉnh cầu của người Dì mẫu là bà Gotami. Mahāpajāpatigotamī, vị Tỳ khưu ni đầu tiên trong Giáo Hội của Đức Phật Thích Ca. Với thời gian tuần tự trôi, sau 45 năm thuyết giảng Chánh Pháp, Chánh Pháp được lưu truyền, lan xa khắp toàn cầu, Tăng Đoàn tăng trưởng mạnh cho đến thời điểm hiện tại, theo Phật lịch, tính từ năm Đức Phật nhập Niết Bàn là 2566 năm, quả là một may mắn vô cùng lớn lao cho nhân loại và chúng sinh nói chung.

Tham Khảo thêm về sự thành lập Tăng Đoàn : https://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dao-phat/11351-Su-thanh-lap-Tang-doan-thoi-Duc-Phat.html

 

Sau khi hiểu Tăng Chúng là ai, chúng ta thử tìm hiểu Tám Vị Bốn Đôi được nêu nơi bài Kệ.

Theo tài liệu của Tỳ Kheo Hộ Pháp, chư Tăng có hai hạng :

1- Chư phàm Tăng: Puthujjanasaṃgha :

Chư Tăng là bậc Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, quý Ngài đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi đang hành theo pháp hành giới-định-tuệ, mà chưa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, vẫn còn là phàm nhân, do đó, gọi là chư phàm Tăng (Puthujjanasaṃgha).

2- Chư Thánh Tăng: Ariyasaṃgha : Chư Tỳ khưu Tăng là bậc Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, quý Ngài đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi hành theo pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân. Do đó, gọi chư Thánh Tăng (Ariyasaṃgha).

Chư Thánh Tăng có 4 đôi, thành 8 bậc tính theo tâm Siêu tam giới.

Bậc Thánh Tăng có 4 đôi :

Thánh ĐạoThánh Quả tương xứng:

Nhập Lưu Thánh ĐạoNhập Lưu Thánh Quả

Nhất Lai Thánh ĐạoNhất Lai Thánh Quả

Bất Lai Thánh ĐạoBất Lai Thánh Quả

Arahán Thánh ĐạoArahán Thánh Quả

8 bậc Thánh Tăng

4 Thánh Đạo và 4 Thánh Quả:

Bậc Nhập Lưu Thánh Đạo
Bậc Nhất Lai Thánh Đạo
Bậc Bất Lai Thánh Đạo
Bậc Arahán Thánh Đạo

Bậc Nhập Lưu Thánh Quả
Bậc Nhất Lai Thánh Quả
Bậc Bất Lai Thánh Quả
Bậc Arahán Thánh Quả

Như vậy chúng ta được hiểu Tám Vị Bốn Đôi này chính là chư Thánh Tăng, đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Là những đệ tử của Bậc Thiện Thệ, Đức Như Lai. Các vị tu hành phạm hạnh, xứng đáng được cúng dường và cúng dường các vị ấy, sẽ được kết quả hay lợi ích, phước báu lớn.

Tham khảo thêm về Tăng Bảo : https://www.budsas.org/uni/u-nentangpg/q1c16.htm

Hãy thử tìm hiểu phước báu của việc bố thí, cúng dường là như thế nào ?

Trước tiên hãy cùng đọc KINH PHƯỚC ĐIỀN (Trung A Hàm)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phước điền?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Cư sĩ, ở đời có hai hạng người phước điền. Những hạng người nào là hai? Một là hạng học nhân, hai là hạng vô học nhân.

“Hạng hữu học có mười tám, hạng vô học có chín.

“Này Cư sĩ, mười tám hạng người hữu học là những ai? Là tín hành, pháp hành, tín giải thoát, kiến đảo, thân chứng, gia gia, nhất chủng, hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm, trung Bát-niết-bàn, sanh Bát-niết-bàn, hành Bát-niết-bàn, vô hành Bát-niết-bàn, thượng lưu sắc cứu cánh. Đó là mười tám hạng hữu học.

“Này Cư sĩ, chín hạng người vô học là những ai? Tư pháp, thăng tấn pháp, bất động pháp, thối pháp, bất thối pháp, hộ pháp, hộ tắc bất thối bất hộ tắc thối, thật trụ pháp, tuệ giải thoát, câu giải thoát. Đó là chín hạng vô học.”

Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng:

Học, Vô học trong đời
Đáng tôn, đáng phụng kính
Các ngài tu chánh thân
Miệng, ý cũng chánh hành
Ruộng tốt cho tại gia
Cúng dường được phước lớn.

Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Qua bản Kinh trên, chúng ta học thêm hai chữ Phước Điền. Điền là ruộng, đất, ngụ ý là nơi mà chúng sanh có thể gieo trồng những hạt mầm, là Nhân của Phước báu, của thiện nghiệp và sẽ hưởng được Quả lành từ những thiện nghiệp này. Chính là nơi Tăng Bảo, những vị được gọi là Hữu Học và Vô Học đã từ bỏ những tham muốn thế tục, dâng trọn đời mình trong việc tu tập theo Chánh Pháp để cầu Niết Bàn, Vô Thượng Đạo và phát Bồ Đề Tâm để dìu dắt chúng sinh cùng đi trên con đường giải thoát.

 Chúng ta có thêm định nghĩa giản dị, dễ hiểu hơn về các bậc Hữu Học và Vô học như sau : Được gọi là bậc Hữu học là bậc đã thành tựu được Thánh Đạo tám ngành.  Nghĩa là trên cơ bản vị ấy thành tựu được tám chi phần đưa đến diệt nghiệp luân hồi, nhưng chưa diệt trọn vẹn. Như vị Thánh Dự Lưu chỉ diệt được nghiệp đưa tái sanh về bốn khổ cảnh, vị Thánh A Na Hàm chỉ diệt tận những nghiệp đưa tái sanh về dục giới. Và bậc Vô Học, chính là các vị A La Hán. Nơi Kinh Căn Bản Pháp Môn, đức Phật dạy :

“ Lại nữa, này các Tỷ kheo, có vị tỷ kheo là bậc A La Hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn các việc nên làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát

Chỉ có các vị A La Hán mới đoạn tận hoàn toàn 10 Kiết Sử :

– Thân kiến (sakkàya-ditthi),
– Hoài nghi (vicikicchà),
– Giới cấm thủ (silabata-paràmàsa)
– Tham đắm vào cõi dục (kàma-ràga)
– Sân hận (vyàpàda),
– Tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga),
– Tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga),
– Mạn (màna),
– Trạo cử vi tế (uddhacca),
– Si vi tế (avijjà).

Tham khảo thêm : https://thuvienhoasen.org/a13221/c-2-vi-thanh-huu-hoc-sekkh

https://thaoluantrungbokinh.wordpress.com/vai-thao-luan/muoi-kiet-su-ten-fetters/

Các vị Hữu Học hay Vô Học đều vượt trội phàm phu chúng ta cả hai phương diện đức hạnh và trí tuệ do đó các vị này là Phước Điền cho chúng ta nương tựa, cúng dường.

Nên chú ý các chữ Bố Thí và Cúng Dường đều có cùng một nghĩa như nhau : Cho, San sẻ, phân phát, tiếp tế, cung cấp những gì mà người khác đang thiếu thốn. Trước tiên là giúp cho đối tượng có điều kiện vật chất để duy trì, nuôi dưỡng, nuôi sống thân mạng. Hai chữ Bố thí được dùng khi đối tượng là ngang hàng hoặc thấp kém hơn. Đối tượng có thể là người mà cũng có thể là súc vật. Cúng Dường có thể đồng nghĩa với Cung Dưỡng, cung cấp vật thực, đồ dùng, thuốc men, với lòng cung kính, hiến dâng lễ vật để đối tượng có điều kiện nuôi sống thân mạng, như vậy là mang thêm ý nghĩa phụng dưỡng, được dùng đối với các bậc trên, thường được xét về mặt đức hạnh, phẩm hạnh cao thượng, đáng kính, đáng nể, theo Kinh Châu Báu, ở đây là Tăng Chúng. Cúng Dường được dùng khi có sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng, lòng biết ơn, tự mình dâng hiến, không ai bắt buộc và cũng thường có tính cách lâu dài. Người đời như chúng ta thì dùng chữ Biếu, Tặng, một vài trường hợp có thể dùng là Dâng, thí dụ đối tượng là các bậc trưởng lão, cha mẹ, vua chúa.

Bố thí hay Cúng dường những vật dụng, đồ ăn, thức uống, áo quần, giường nằm, thuốc men, tiền bạc…tóm lại là những gì thuộc vật chất, được gọi là Tài Thí. Chú ý về tiền bạc, các vị xuất gia theo Phật Giáo Nam Tông thì không nhận tiền bạc. Bố Thí cũng là san sẻ những gì thuộc phần tinh thần, tâm lý hay tâm linh, như lời nói an ủi, vỗ về, đem tình thương, gây phấn khởi, làm vơi nỗi buồn khổ, giúp học hỏi, tìm hiểu Giáo Pháp, gieo duyên với Phật Pháp, phát triển trí tuệ, tìm đến con đường giải thoát…Gọi đó là Pháp Thí. Và được gọi là Vô Úy Thí khi có thể ban bố, san sẻ, đem lại cho người khác cái tâm không sợ hãi, làm tan biến cái tâm bất an. Có thể nhận ra nơi Pháp Thí cũng hàm chứa Vô Uý Thí. Chúng ta được biết Vô Úy Thí qua kinh Pháp Hoa, nơi phẩm Phổ Môn, nói về Bồ Tát Quán Âm, Đức Phật dạy : « Vị Đại Bồ Tát này, gặp chúng sinh sa vào nguy cấp kinh sợ, Ngài ban cho sự không sợ hãi nên trong thế giới Ta Bà, Ngài thường được gọi là đấng ban cho sự không sợ hãi »

Phàm phu chúng ta thì dễ có Tài Thí nhưng Pháp Thí thì khó hơn, song với Vô Úy Thí chắc là còn khó hơn một bậc nữa. Tăng Chúng thì có thể cho chúng ta Pháp Thí và Vô Úy Thí với trí tuệ, đức hạnh và sức mạnh tinh thần hay tâm linh của các vị. Các vị chỉ sống bằng sự khất thực hoặc nương vào sự cúng dường thì không dễ sẳn có Tài Thí để ban bố cho chúng ta. Tất nhiên các vị cũng có thể san sẻ phần vật thực, vật dụng, thuốc men, những gì mình đã nhận được, đem cho người khác nhưng vẫn hạn chế hơn người thế tục.

Kinh 42 Chương, chúng ta đọc thấy những lời dạy như sau : Phật dạy : Thấy người ta truyền bá Đạo, mình giúp thêm hoan hỷ, sẽ được phúc rất nhiều.
Một vị sa môn hỏi Phật : “Phúc đem chia người khác có hết không ?” Phật đáp : “Ví như bó đuốc cháy, hàng trăm, ngàn người cầm đuốc đến, châm lấy lửa đem về nấu thức ăn và đốt đèn sáng, mà lửa ở bó đuốc cháy đầu tiên kia vẫn còn nguyên. Vậy ông nên hiểu, phúc cũng như thế.”

Chúng ta thấy, dù chỉ khởi cái tâm hoan hỉ khi thấy người khác Bố Thí Pháp đều đã có phúc lành.

Ngoài ra, khi chúng ta thọ trì Ngũ Giới : Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu và chất say cũng là lúc chúng ta đang thực hành 5 Đại Thí vì nhờ không phạm các giới hạnh đó mà chúng ta bố thí sự không tai hại, không oan trái, chính là chúng ta đang bố thí sự an lạc đến tất cả chúng sinh vậy. Và người khởi tâm hoan hỉ, cho đến thực hành bố thí, đối với người giữ giới cũng được phúc lành như đối với người bố thí Pháp vậy.

Bố Thí là một thiện nghiệp mà ai thực hành được sẽ hưởng những quả thiện lành tương ưng, có thể ngay trong đời hiện tại cũng như những đời sau. Không quá đi sâu vào chi tiết của từng thiện nghiệp, từng loại phẩm vật được bố thí, nhiều hay ít, hảo hạng hay tầm thường, có tính cách lâu dài hay ngắn hạn, tạm thời, hoặc với cách thức bố thí, tự mình, hay phải qua trung gian người khác, với cái tâm hoan hỉ hay miễn cưỡng, cho đúng lúc, đúng thời, đúng điều cần cho, đối tượng là ai, người hay súc vật, bậc cao trọng hay người thấp kém …v.v…Bởi vì những chi tiết khác biệt về vật thí, cách thí, thời điểm thí, đối tượng thí…và với cái tâm như thế nào lúc thực hành bố thí, quả báu cũng sẽ khác biệt. Chúng ta chỉ có thể có cái nhìn tổng quát, quả báu chung của Bố Thí sẽ được 5 điều tốt lành :

  1. Tuổi thọ sống lâu.
  2. Sắc thân xinh đẹp.
  3. Thân, tâm an lạc.
  4. Thân tâm có sức mạnh.
  5. Có trí tuệ nhanh nhẹn, hoặc có quyền cao chức trọng.

Kinh Dānānisaṃsasutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Dānānisaṃsāsutta] dạy:

Thí chủ làm phước thiện bố thí có được 5 quả báu kiếp hiện tại và kiếp vị lai như sau:

1-   Thí chủ được nhiều người hài lòng kính mến.

2-    Bậc Thiện trí thường gần gũi tế độ thí chủ.

3-    Tiếng lành, tiếng tốt của thí chủ được lan truyền.

4-   Thí chủ không sao nhãng việc hành pháp của người tại gia.

5-   Thí chủ sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả được tái sanh nơi cõi trời dục giới, hưởng sự an lạc trong cõi trời.

Và nếu chúng ta bố thí, cúng dường với cái tâm mong cầu được giác ngộ, giải thoát, không tìm cầu phước lợi thế gian, cùng với sự thực hành Chánh Pháp thì sẽ được quả tương ưng như sau :

“ Như vậy, đối với hạng người bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn họ sẽ được thành tựu: quả báu cõi người (manussasampatti), quả báu cõi trời (devasampatti), và còn kết quả chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti) nữa ”.

Chúng ta thấy rõ, có hai hạng người bố thí, bố thí để mong cầu phước lạc cõi Trời, Người và bố thí với lòng mong cầu được giác ngộ, giải thoát. Chắc chắn là chúng ta đều hướng đến sự bố thí để mong cầu giác ngộ, giải thoát. Cho dù chỉ mong cầu giác ngộ giải thoát, chúng ta vẫn có thể hưởng phước lạc cõi Trời, Người. Lợi ích của sự bố thí quả là lớn lao.

Tham khảo thêm : http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/TimHieuPhuoc/BoThi1.htm

Sau khi tìm hiểu ý nghĩa và lợi ích, quả báu của sự Bố thí, Cúng dường một cách tổng quát, chưa đề cập riêng đến việc cúng dường Phật, Thánh Chúng hay Tăng Đoàn mà chúng ta cũng đã nhận thấy những quả báu tốt lành cho người thực hành huống chi là cúng dường đúng một vị Phật hay Thánh nhân. Và như lời Phật dạy nơi bài Kệ số 6 đã được nêu bên trên :

Bố thí các vị ấy
Được kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng
Là châu báu thù diệu
.

Không thể hoài nghi điều này khi mà chúng ta được biết qua các tài liệu Phật Giáo còn ghi chép lại về 7 vị Thánh Nhập Lưu đặc biệt hay ngoại lệ, không phải thuộc Tăng Đoàn, như các Đại Thí Chủ : Phú hộ Anāthapiṇḍika, Bà Visākhā mahā upāsikā, Chư thiên Cullaratha, Chư thiên Mahāratha, Chư thiên Anekavaṇṇa, Chư thiên Nāgadatta, Đức vua trời Sakka. Các vị Thánh Nhập Lưu này chỉ phải còn 7 lần sanh tử nữa để chứng Thánh quả A La Hán, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sanh tử luân hồi trong tam giới.

Như vậy thì cúng dường các bậc xứng đáng được cúng dường, “Tám Vị Bốn Đôi” này chắc chắn quả báu không thể nhỏ hơn nên Đức Phật đã khẳng định Tăng Chúng là Châu Báu Thù Diệu với Chân Ngôn và cũng là một lời Chúc Phúc : Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.

Bài Kệ số  7 :

Các vị lòng ít dục
Với ý thật kiên trì
Khéo liên hệ mật thiết
Lời dạy Gô-ta-ma!
Họ đạt được quả vị
Họ thể nhập bất tử
Họ chứng đắc dễ dàng
Hưởng thọ sự tịch tịnh
.
Như vậy, nơi Tăng chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc.

Ý nghĩa của bài Kệ là nói đến đức hạnh của các Tám Vị Bốn Đôi này : lòng ít dục tức là lòng ít tham muốn và cũng là tham ái. Tham ái thì vướng mắc vào sự luyến ái, thương, ghét, thích, không thích, nặng nề chấp trước nên gây phiền não. Tham muốn những gì thuộc vật chất để đem lại sự thụ hưởng, cung phụng cho cái thân Ngũ Uẩn này, ngoài những nhu cầu cần thiết như đồ ăn, thuốc uống, giường nằm, áo quần…thì các vị này đều biết thiểu dục tri túc, ngày đêm các vị kiên cố, kiên trì thu thúc Lục Căn, không để cho Lục trần hay Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp não loạn, các vị đoạn tận các lậu hoặc, trừ bỏ cấu uế do phiền não trói buộc, thôi thúc tìm cầu những gì không chính đáng hay bất thiện. Các vị kiên trì, tinh chuyên thực hành Giới Định Tuệ như lời dạy của Đức Gotama là Đức Thích Ca Mâu Ni. Nhờ vậy các vị này đạt được quả Niết Bàn Bất Tử, hưởng sự an lạc tịch tĩnh. Và cũng vì vậy, Tăng Chúng hay Tăng Đoàn là Châu Báu Thù Diệu. Đây là một Sự Thật. Và với Sự Thật này Đức Phật xướng lời Chúc Phúc cho chúng sinh được sống hạnh phúc chân thật.

Bài Kệ số 8 :

Như cây trụ cột đá
Khéo y tựa lòng đất
Dầu có gió bốn phương
Cũng không thể dao động.
Ta nói bậc Ch
ân nhân
Giống như thí dụ này
Vị thể nhập với tuệ
Thấy được những Thánh đế
.
Như vậy, nơi Tăng
Chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc.

Nơi bài Kệ mở đầu nói đến Tăng Chúng, Đức Phật chỉ rõ là Tám Vị Bốn Đôi, qua bài Kệ này chúng ta thấy Đức Phật nói đến bậc Chân Nhân thì cũng ám chỉ các vị Thánh Nhân, các Tám Vị Bốn Đôi không ai khác và cũng là Tăng chúng nói chung. Đức Phật ví các vị này những trụ đá được chôn sâu dưới lòng đất, nên chi thật vững vàng, không có gió nào làm cho nghiêng đổ được. Các bậc Thánh này đã quá vững vàng, không gì lay chuyển được nơi con đường tu tập ( Đạo Đế ) và đã đạt được cái trí tuệ thông suốt Thánh Đế, cũng là Tứ Diệu Đế. Có bản kinh nói thêm về sự vững vàng, không lay chuyển này là bất động, tự tại trước Tám Pháp của Thế Gian. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm về Tám Pháp Thế Gian này, chẳng sai khác với lời Phật dạy. Vậy Tám Pháp của Thế gian là gì ? Tám ngọn gió làm rung chuyển thế gian (tiếng Pāḷi là Aṭṭhalokadhamma, đó là:

- Được (lābha) và thua (alābha),

- Danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa),

- Ca tụng (pasamsā) và khiển trách (nindā),

- Hạnh phúc (sukha) và đau khổ (dukkha).

Kinh "Tùy Chuyển Thế Giới", Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Đức Phật dạy: Này các thầy Tỳ khưu, có tám pháp thế gian làm tùy chuyển thế giới. Thế nào là tám? Đó là: Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.

Sau đó, Ngài thuyết bài kệ:

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,

Danh vọng, không danh vọng

Tán thán và chỉ trích

An lạc và đau khổ.

 

Những pháp này vô thường

Không thường hằng, biến diệt

Biết chúng, giữ chánh niệm

Bậc trí quán biến diệt.

 

Pháp khả ái, không động

Không khả ái, không sân

Các pháp thuận hay nghịch

Được tiêu tan không còn.

 

Sau khi biết con đường

Không trần cấu, không sầu

Chân chính biết sinh hữu

Đi đến bờ bên kia.

Trích :http://chuaxaloi.vn/thong-tin/tam-phap-the-gian/1548.html

Do tâm không lay động, vng vàng trong Chánh Tín và Chánh Pháp, kiên trì trong tu tập mà các bậc này là Châu Báu Thù Diệu. Khi nói lên Sự Thật như thế thì Đức Phật luôn kèm theo lời Chúc Phúc cho chúng sanh : Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Bài Kệ số 9 :

Những vị khéo giải thích
Những sự thật Thánh đế
Những vị khéo thuyết giảng
Với trí tuệ thâm sâu
Dầu họ có hết sức
Phóng dật không chế ngự
Họ cũng không đến nỗi
Sanh hữu lần thứ tám
.
Như vậy, nơi Tăng chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc.

Sau khi đã thông hiểu đúng như thật nghĩa Tứ Thánh Đế, các bậc Thánh nhân đã thuyết giảng lại với trí tuệ thâm sâu, làm lợi ích cho Trời, Người, cho dù về mặt giới hạnh các bậc này còn có thiếu sót, chưa hoàn toàn chế ngự, còn dễ duôi, phóng dật nhưng các bậc này chỉ phải tái sanh lần thứ 7, không phải tái sinh thêm lần thứ tám, rồi sau đó đạt được quả vị Niết Bàn an lạc. Ở đây ám chỉ các bậc Thánh Nhập Lưu, quả thấp nhất của bốn quả vị tu chứng, và cũng được gọi là bậc Thất Lai. Cho dù vậy, có thể còn phóng dật và tái sinh thêm bảy lần, bậc Thất Lai này cũng là Châu Báu Thù Diệu. Đây là một Sự Thật và Đức Phật tiếp tục nói lên lời Chúc Phúc cho chúng sinh :Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc.

Bài Kệ số 10 :

Vị ấy nhờ đầy đủ
Với chánh kiến sáng suốt
Do vậy có ba pháp
Được hoàn toàn từ bỏ
Thân kiến và nghi hoặc
Giới cấm thủ cũng không
Đối với bốn đọa xứ
Hoàn toàn được giải thoát
Vị ấy không thể làm
Sáu điều ác căn bản
.
Như vậy, nơi Tăng chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc.

Nơi bài Kệ này, theo Chú Giải, Đức Phật dạy thêm về bậc Thất Lai này : nhờ có Chánh Kiến, thông suốt Tứ Thánh Đế, các bậc này đã đoạn trừ được Thân Kiến, cái thấy sai lầm do chấp trước cái Thân Ngũ Uẩn này là Ngã, là ta, của ta…Đoạn trừ được Hoài Nghi, không còn chút nghi ngờ về Chánh Pháp hay đối với bậc Đạo Sư, tín tâm vững vàng, không gì lay động. Đoạn trừ được Giới cấm thủ, các tà giới của các đạo giáo khác như tu hành khổ hạnh theo con bò, con chó, đứng một chân…Do nhận ra được Chánh Pháp của Đức Phật, không còn chút hoài nghi, với trí tuệ thông suốt như vậy, bậc Thánh Thất Lai này sẽ không bị tái sinh vào Bốn Đọa Xứ : Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc Sanh và A Tu La. Các bậc ấy cũng không thể phạm vào các điều ác căn bản là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm chảy máu một vị Như Lai, chia rẽ tăng đoàn và theo một vị Đạo Sư khác Đức Phật Thích Ca.

Đức Phật giảng xong về đức hạnh của bậc Thất Lai thì cũng khẳng định đó là một Sự Thật và Tăng Chúng chính là Châu Báu Thù Diệu, kèm theo lời Chúc Phúc: Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.

 Bài Kệ số 11 :

Dầu vị ấy có làm
Điều gì ác đi nữa
Với thân hay với lời
Kể cả với tâm ý
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy
Việc ấy được nói rằng
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc.

Đến bài Kệ này, Đức Phật tiếp tục nói đến đức hạnh cao quí của các vị Thánh Thất Lai, dầu các vị này có phạm vào các lỗi từ Thân Khẩu Ý, các vị ấy không bao giờ che đậy, dấu diếm vì đã được phát lồ sám hối với bậc Đạo Sư hay bạn đồng tu có phạm hạnh. Biết lỗi, tự thú, tiết lộ lỗi lầm chứng tỏ vị đó có trí kiến sáng suốt, sống theo Chánh Pháp, tinh tấn không xao lãng việc giữ gìn giới hạnh được trọn vẹn, tương lai không tái phạm, vị ấy không thể sa vào ác đạo.

 Kinh 42 Chương, Đức Phật dạy: Người có nhiều tội lỗi, không biết tự ăn năn sửa đổi, tội ấy chồng chất vào mình, chẳng khác gì nước dồn về biển, càng ngày càng nhiều.
Nếu người có lỗi tự giác-ngộ, đổi ác làm lành, tội sẽ tiêu mòn. Ví như người đau ốm được ra mồ hôi, bệnh tật sẽ dần khỏi vậy.

Điều này khẳng định Tăng Chúng là Châu Báu Thù Diệu. Đức Phật nói lên Sự Thật này và qua Sự Thật này, chúc lành cho mọi loài sanh linh được sống hạnh phúc.

Bài Kệ số 14 :

Nghiệp cũ đã đoạn tận
Nghiệp mới không tạo nên
Với tâm tư từ bỏ
Trong sanh hữu tương lai
.
Các hột giống đoạn tận
Ước muốn không tăng trưởng
Bậc trí chứng Niết Bàn
Ví như ngọn đèn này
.
Như vậy, nơi Tăng chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc.

Vẫn tiếp tục tuyên dương, tán thán đức hạnh của các bậc Thánh Thất Lai là các vị Thánh cấp bậc thứ nhất trong 4 quả vị Thánh, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu là tất nhiên các bậc Thánh cấp cao hơn đều đã thành tựu các đức hạnh này. Đức Phật dạy nơi các vị ấy, nghiệp cũ đã tạo thì được đoạn tận nhờ các vị đã tu tập đúng theo Đạo Đế của Đức Phật truyền trao, thanh tịnh tâm ý, đoạn trừ tham ái, tất cả các hành động trong hiện tại không thể tạo nghiệp để tiếp tục tái sanh. Mầm mống, hay hạt giống của sanh hữu được đoạn tận, cắt bỏ, quăng đi, không còn có đất để sinh sôi nẩy nở. Và sự đoạn tận các mầm mống sanh hữu này cũng được ví như ngọn đèn không còn dầu, sẽ không thắp lên được một ngọn lửa tái sinh nào. Từ đấy các vị nhập Niết Bàn vô vi tịch diệt. Đức Phật lại khẳng định điều Ngài nói lên là một Sự Thật, chính Tăng Chúng là Châu Báu Thù Diệu. Ngài không mong gì hơn là qua sự thông hiểu Sự Thật này, mọi loài sanh linh được sống hạnh phúc chân thật.

Bài Kệ số 17 :

Phàm ở tại đời này
Có sanh linh tụ hội
Hoặc trên cõi đất này
Hoặc chính giữa hư không
Hãy đảnh lễ Ch
úng Tăng
Đã như thực đến đây
Được loài Trời, loài Người
Đảnh lễ và cúng dường
.
Mong rằng với hạnh này
Mọi loài được hạnh phúc.

Theo bản Chú Giải của Tỳ Kheo Thiện Minh thì các câu kệ với lời khuyên hãy Đảnh lễ Cúng dường Tam Bảo là do chư Thiên nói lên. Dù là lời Phật hay lời của chư Thiên, nội dung mới là điều quan trọng cho chúng ta ghi nhớ, thực hành. Điều cần thực hành là Đảnh lễ và Cúng dường Tam Bảo đã như thật đến đây, ý nghĩa điều này chỉ là nói lên Sự Thật. Tam Bảo hiện ra nơi đời đem theo Sự Thật cao quí, cao thượng, hiếm hoi, khó gặp, chỉ nhằm đem lại lợi ích cho thế gian này, chỉ nhằm loan báo Sự Thật cho chúng sanh tỏ ngộ thôi, đó là Tứ Thánh Đế, là Sự Thật về Khổ, Sự Thật về Nguyên Nhân của Khổ, Sự Thật về Sự Diệt Khổ và Sự Thật về Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ. Tất cả là Sự Thật, là Chân Lý. Nơi Phật có Bốn Sự Thật này, nơi Chánh Pháp có Bốn Sự Thật này, nơi Tăng Chúng có Bốn Sự Thật này. Bốn Sự Thật đã được nhận ra, được tu tập và được chứng đắc. Phật, Pháp và Tăng xứng đáng nhận sự Đảnh Lễ và Cúng Dường của chư Thiên và loài người.

Điều này là một Sự Thật và Đức Phật tiếp tục Chúc Phúc : qua Sự Thật, với Sự Thật mà Đức Phật đã đến như vậy, đã ra đi như vậy, đã tuyên dương Chánh Pháp như vậy, là chân lý, chân thật không hư dối, và Tăng Chúng cũng đã đến, cùng đi theo con đường của Như Lai, con đường chân thật, không hư dối như vậy, Sự Thật này sẽ đem lại cho mọi loài chân hạnh phúc.

Đến đây chúng ta học xong đầy đủ ba phần cần tìm hiểu là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo mà nội dung Kinh Châu Báu đề cập. Chúng ta sẽ cố gắng đúc kết tất cả những gì cần ghi nhớ sau khi đã tìm hiểu toàn bài Kinh. Học, Hiểu và Hành chính là Văn, Tư và Tu, ba bước cần phải thực hành của một Phật tử hay một hành giả khi tìm đến Giáo Pháp. Tìm đến Giáo Pháp qua sự học, sự hiểu và không dừng ở đó. Có sự thực hành, tu tập tiếp theo mới đích thực có giá trị, có ý nghĩa. Đức Phật đã nói, đã dạy, đã chỉ cho con đường và phần còn lại là của chúng ta, phải cất bước đi trên con đường đó.

Vậy chúng ta đã học gì, hiểu gì và phải thực hành những gì qua bài Kinh Châu Báu ?

Xin hẹn kỳ sau với phần Đúc Kết những gì đã học, đã hiểu và cần thực hành.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nhật Duyệt LKTH



* Bài liên quan:

Bài 1: Học Phật Trong Mùa Đại Dịch

Bài 2: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
Bài 3: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
Bài 4: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
Bài 5: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu

Bài 6: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com