- 1. Thiền Sư Khương Tăng Hội
- 2. Thiền Sư Thích Đạo Thiền
- 3. Thiền Sư Thích Huệ Thắng
- 4. Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi
- 5. Thiền Sư Pháp Hiền
- 6. Thiền sư Thanh Biện (? - 686) (Đời thứ 4, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
- 7. Thiền sư Định Không (730 - 808) (Đời thứ 8, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
- 8. Thiền sư Quảng Trí (Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông)
- 9. Thiền sư Vô Ngôn Thông (? - 826) (Tổ khai sáng dòng Thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam)
- Thiền Sư Viên Chiếu
Thiền Sư Việt Nam
5. Thiền sư Pháp Hiền (? - 626)
(Đời thứ 1, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Đỗ quê ở Chu Diên (Sơn Tây), thân hình to lớn cao đến bảy thước ba tấc (2m30). Khi mới xuất gia, Sư theo Đại sư Quán Duyên ở chùa Pháp Vân thọ giới. Đến lúc Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang Việt Nam vào chùa Pháp Vân gặp Sư, Tổ nhìn kỹ vào mặt hỏi:
- Ngươi họ gì?
Sư đáp:
- Hòa thượng họ gì?
- Ngươi không có họ sao?
- Họ thì chẳng không, Hòa thượng làm sao biết được?
- Biết để làm gì?
Sư bỗng nhiên tự tỉnh, liền sụp xuống lạy. Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi ấn chứng, từ đây về sau Sư luôn luôn theo hầu Tổ.
Sau khi Tổ tịch, Sư vào núi Từ Sơn tu thiền định, thân như cây gỗ, vật ngã đều quên. Các loài cầm thú thường quấn quít chung quanh Sư. Người đời thấy thế càng thêm kính mộ, đệ tử tìm đến học đạo càng ngày càng đông. Nhân đó, Sư mới lập chùa nhận đồ đệ ở tu, số học chúng hằng ngày trên ba trăm vị. Thiền tông phương Nam từ đây được thạnh hành.
Thích sử Lưu Phương nghe danh của Sư, bèn dâng sớ về Trung Quốc tâu lên vua nhà Tùy:
“... Cõi này người khâm sùng Phật giáo, lại có những vị cao đức danh tăng...”
Vua Tùy sai sứ mang năm hòm xá-lợi Phật và tờ điệp, bảo Sư xây tháp cúng dường. Sư bèn xây tháp ở chùa Pháp Vân và các chùa danh tiếng ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái... cũng đều dựng tháp cúng dường.
Về sau, Sư trụ trì tại chùa Chúng Thiện, núi Thiên Phước huyện Tiên Du.
Niên hiệu Võ Đức năm thứ chín đời Đường (626), Sư an tường thị tịch. Thiền sư Thanh Biện là người kế thừa dòng thiền của Sư.