Đôi điều góp nhặt về Bồ Tát Địa Tạng
nhân Ngày Lễ Vía Ngài
Những bài giảng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát thì rất nhiều trong các trang mạng, nhưng khi thấy ghi: “Kinh Địa Tạng Vương là một loại kinh mê tín của Đại thừa giáo ...” thì con cũng mở xem trang http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/953-tkdt biện luận như thế nào.
Thực tập Văn, Tư, Tutheo Trạch Pháp trong tinh thần y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, con xin mạn phép góp nhặt đôi dòng thiển cận về vị Bồ Tát có nhân duyên rất lớn với chúng sanh trong cõi Ta Bà này.
Kinh Địa Tạng được Phật thuyết trên cung trời Đao Lợi, vì Thánh Mẫu mà thuyết nên được xem là Hiếu Kinh. Đa số Kinh được Phật thuyết tại những thánh tích có thể đến chiêm bái như núi Linh Thứu, vườn Cấp Cô Độc, Trúc Lâm Tinh Xá, v.v. Cũng có Kinh được thuyết ở những cõi khác, như Kinh Thập Thiện ở Long cung Ta-kiệt-la, Kinh Địa Tạng ở cung trời Đao Lợi, v.v.
Trong Kinh nói về tiền thân Bồ Tát Địa Tạng, thì vị nữ nhân dòng Bà La Môn trong thời Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai và thiếu nữ Quang Mục trong thời Thanh TịnhLiên Hoa Mục Như Lai đều cứu mẹ thành công nhờ hạnh nguyện rộng lớn giải thoát chúng sanh thoát khỏi ba đường ác, thành Phật cả rồi mới thành bậc Chánh Giác. Vị trưởng giả thời Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai và vị vua nước lân cận thời Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai đều nguyện chưa chứng thành Phật quả khi chẳng trước độ những kẻ tội khổ được an vi đắc quả Bồ Đề. Đại Nguyện “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề”, người con Phật nào mà không thuộc nằm lòng.Do đó nên xưng tán Ngài là Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Thánh, Đại Từ, BổnTôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát.
Vào trang https://phatgiao.org.vn/y-nghia-sau-xa-cua-kinh-dia-tang-d32595.html thì rõ “Bổn” là Bổn tâm, “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Như vậy, chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi u minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham sân si của chính mình.Địa ngục chính là địa ngục tham sân si, vì chúng sanh khổ là do tham sân si mà khổ. Và khi có tham sân si đầy dẫy trong tâm, phiền não dấy khởi, thì cái gì mới phá được cửa địa ngục này? Dĩ nhiên phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình, tự tánh Như Lai tạng tâm địa, cái cực tôn cực quý, hoặc nói gọn như trong kinh Niết Bàn, nhận lại Phật tánh của mình, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham sân si và cứu giúp chúng sanh muôn loài.
Địa ngục nghĩa là tham sân si phiền não của chúng sanh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.Phật nói kinh Địa Tạng là cốt cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tự tâm, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình.
Trang https://quangduc.com/a30356/tu-tuong-kinh-dia-tang giới thiệu sách“Tư Tưởng Kinh Địa Tạng”do HT Thích Chơn Thiện biên soạn, Nhà Xuất Bản Phương Đông ấn hành năm 2010. Hòa Thượng là đệ tử của cố Đại lão HT Thích Tịnh Khiết, Đệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trích dẫn Trang 22, tương phản với con đường chánh đạo là buông lung dẫn đến đọa lạc: “Đường vào các thống khổ của địa ngục là tà kiến, si mê, bất tín nhân quả, phỉ báng tam bảo...” “tất cả đều có mặt chân tâm, chỉ vì không nghe tiếng nói của chân tâm, đi theo tà kiến bà mới bị khổ đọa”. Khi tâm được giác tỉnh, hướng về chân tánh thì tất cả các vọng niệm, ác niệm đều được chuyển thành chánh niệm, thiện niệm, thoát ly hẳn ác đạo. Khi tâm đã hướng thiện thì các ác niệm, vọng niệm cũ dứt, do đó kinh nói: “Tất cả tội nhân cũng được ra khỏi địa ngục và sinh Thiên giới một lượt với Bà Duyệt Đế Lợi”.
Kinh Địa Tạng đã dạy:“Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theonghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặpnhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau”.Tu theo giáo lý của Phật là cần phải tự mình nổ lực phấn đấu, tự mình “thắp đuốc lên mà đi”. Khi biết khổ đau chính là do thân, khẩu và ý nghiệp của chúng ta tạo tác, thì chỉ có chúng ta mới chuyển hóa và giải thoátkhỏi khổ đau qua con đường tu tập.Trì tụng là bước đầu sửa soạn cho mình phát khởi thiện tâm để hành các thiện hạnh. Công đức ấy chỉ là trợ duyên, còn nhân tố chuyển nghiệp chính vẫn là ở thiện tâm của mỗi người tự cứu.
Trích dẫn Trang 25, “Cảnh giới địa ngục được kinh mở ra như một tấm gương soi cho người thấy rõ tâm mình mà cảnh giác xa rời các ác niệm và ác hạnh. Nó không hoàn toàn là một cảnh giới, mà là các tâm tà kiến, độc hại có thể thiêu cháy các hiếu tâm, từ tâm và thiện tâm. Ý nghĩa Địa Tạng Đại sĩ cứu thoát chúng sanh địa ngục là thế.”
Trang 27 nêu rõ: “Sứ mệnh của Địa Tạng Đại sĩ là đem lại chánh kiến và từ bi cho chúng sanh, chỉ đường đi ra khỏi biển khổ”.
Trang 36 và 37 mở ra con đường chánh kiến để xây dựng đời sống hướng lên giải thoát và giác ngộ, là phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng cho chúng sanh trong hiện tiền: “Chánh kiến và từ bi mà có mặt ở đời, có mặt ở mỗi tâm thức chúng sanh thì lo gì tội khổ trong sinh tử không tiêu...” “Chánh kiến của phàm phu thì có công năng loại bỏ ác hạnh, làm các thiện hạnh; chánh kiến của hữu học thì siêu vượt thiện ác, nuôi dưỡng trí tuệ vô ngã; chánh kiến vô học thì đoạn diệt hết các nhân sinh tử. Từ bi là độ tha, đem chánh kiến đến cho chúng sinh, thì khổ đau sẽ lui dần, xa dần, chúng sanh”.
Tóm lại, Trang 47: “Lễ bái, ca tụng, ngưỡng mộ Địa Tạng là ý nghĩa lễ bái ca tụng ngưỡng mộ chánh kiến và từ bi. Ca tụng, ngưỡng mộ và lễ bái chánh kiến và từ bi mới chỉ là giai đoạn đầu của người hành đạo hướng về học hỏi, tư duy về chánh đạo. Chỉ với công đức nầy đủ để ngưng lại nhiều ác niệm và ác hạnh”...“Công đức của bố thí, cúng dường là công đức làm phát khởi từ tâm, bi tâm và các thiện tâm. Công đức trì tụng kinh là công đức làm phát khởi trí tuệ”.
Được biết, thập niên 1960 và 1970, Thượng tọa Trí Quang dịch ra Việt văn và ghi phụ chú Kinh Địa Tạng; cư sĩ Chánh Lý Mai Thọ Truyền cũng dịch ra Việt văn, ghi thêm lời bàn dưới mỗi phẩm kinh và gọi là mật nghĩa. Như vậy, thiết nghĩ, kinh Địa Tạng không chỉ để dùng vào việc đọc tụng cầu siêu cho những người sắp chết và đã chết.
Tâm Quang
Darwin, mùa Vu Lan 2019
Nguồn: các trang mạng đã truy cứu và nêu trong bài. Con đã ghi lại nguyên văn vì sợ “sai một ly đi một dặm”, kính xin quý vị trang chủ hoan hỷ.