- Chương 1: Tôi đặt hết lòng tin nơi các bạn
- Chương 2 : Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì hoà bình
- Chương 3: Hãy làm một cuộc Cách mạng từ bi
- Chương 4 : Các bạn có thể làm được gì cho thế giới?
- Chương 5: Thế giới từ bi là có thật
- Chương 6 : Tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt
- Chương 7: Giáo huấn thứ nhất
HÃY LÀM MỘT CUỘC CÁCH MẠNG !
Lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Đức Đạt-lai Lạt-ma, Sofia Stril-Rever
Hoang Phong chuyển ngữ
Chương 1
Tôi đặt hết lòng tin nơi các bạn
Hỡi các anh chị em thân mến, hỡi những người bạn trẻ của tôi!
Các bạn sinh ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này. Các bạn quả là tuổi trẻ của thế giới. Thế kỷ này chưa được hai mươi tuổi, do đó còn rất trẻ, trẻ như chính các bạn hôm nay. Thế giới sẽ lớn lên cùng các bạn, và sẽ trở thành đúng với những gì mà các bạn đang tạo ra cho nó.
Sở dĩ tôi đưa ra những lời kêu gọi này vì tôi đã từng theo dõi các bạn và đặt hết lòng tin nơi các bạn. Từ nhiều năm nay tôi vẫn luôn dành ưu tiên trong việc tiếp xúc với các bạn, dù là trên đất Ấn, hay trong các dịp du hành tại các xứ sở xa xôi, dù là ở Âu Châu, Hoa kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu hay Nhật Bản. Qua các cuộc trao đổi đó, tôi đã đạt được một niềm tin thật vững chắc là thế hệ của các bạn sẽ có đủ khả năng biến thế kỷ mới sinh này thành một thế kỷ của hòa bình và hợp tác. Các bạn thừa sức hòa giải nhân loại đang rách nát này với chính nó và cả với môi trường thiên nhiên.
Các bạn là hiện thân của một sự đổi mới đang bị bủa vây bởi những cảnh u tối của một thế giới già nua, những sự hỗn loạn đầy mờ ám, đau thương và nước mắt. Các bạn là các chiến sĩ tiên phong trước một đêm tối đầy hiểm nguy, hận thù, ích kỷ, hung bạo, tham lam và quá khích, tác hại đến cả sự sống trên địa cầu này. Thế nhưng tôi vẫn tin rằng tuổi trẻ của các bạn với tấm lòng quả cảm không hề nao núng, sẽ sớm san bằng mọi sự mờ ám lưu lại từ quá khứ.
Hỡi các bạn trẻ của tôi, các bạn là niềm hy vọng của tôi trước sự tồn vong của nhân loại. Tôi muốn cất tiếng thật cao và thật mạnh để các bạn đều nghe thấy thông điệp của tôi và hãy quan tâm đến nó. Tôi luôn tin vào tương lai, bởi vì tôi đoan chắc rằng các bạn sẽ biến nó trở nên thân thiện, công bằng và đoàn kết hơn.
Tôi nói chuyện với các bạn qua kinh nghiệm của bản thân tôi ở tuổi 82 này. Năm 16 tuổi (đối với người Tây Tạng vừa sinh ra là đã được 1 tuổi - ghi chú trong sách), ngày 17 tháng 11 năm 1950, tôi mất hết tự do, không được ngồi lên chiếc ngai ở kinh đô Lhassa để nhận lãnh trong trách tối thượng, trên cả hai phương diện thế tục và tín ngưỡng của xứ Tây Tạng. Năm 25 tuổi, vào tháng 3, 1959, tôi mất cả quê hương. Bằng vũ lực, quê hương tôi đã bị sáp nhập vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Sinh năm 1935, tôi từng biết đến những nỗi đau thương của thế kỷ XX, một thế kỷ với những cuộc đại chiến đẫm máu nhất trong lịch sử. [Quả đáng tiếc], trí thông minh tuyệt vời của con người thay vì được sử dụng vào việc phục vụ, yêu thương và bảo vệ sự sống, thì lại bị lèo lái để hủy diệt sự sống, bằng một thứ vũ lực mà chính mặt trời cũng phải vay mượn để tạo ra sức mạnh cho mình (ý nói trí thông minh của con người đã bị lợi dụng để sáng chế ra bom hạt nhân). Các bạn sinh ra trong một thế gìới mà các kho vũ khí hạt nhân của một số cường quốc nguyên tử có thể hủy diệt đồng loạt hàng chục hành tinh như thế này.
Ông bà và cha mẹ các bạn từng biết đến các cuộc đại chiến thế giới và vô số các cuộc xung đột khác, thiêu đốt và làm ngập máu thế giới của chúng ta, khiến 231 triệu người đã bị thiệt mạng trong thế kỷ vừa qua. Một cơn sóng thần hung hãn chưa từng thấy đã cuốn trôi cả nhân loại. Cơn sóng đó được nuôi dưỡng bởi các thứ chủ nghĩa quốc gia thật khắc nghiệt, sự kỳ thị chủng tộc, bài do thái (anti-semitism) và sự nhồi sọ ý thức hệ. Tôi từng sống trong thời đại xảy ra thảm họa holocaust (thảm họa thiêu người tập thể) gây ra bởi chủ nghĩa phát xít tại Âu Châu, với trận hỏa hoạn hạt nhân tại Nhật Bản, với chiến tranh lạnh, với các cuộc thảm sát thường dân tại Triều Tiên, Việt Nam, Kampuchea, với cuộc Cách mạng Văn hóa và nạn đói kém làm thiệt mạng 70 triệu người tại Trung Quốc và Tây Tạng.
Các bạn và cả tôi đều trông thấy xứ Afghanistan và vùng Trung Đông bốc cháy trong lửa đỏ, gây ra bởi những cuộc xung đột đang tàn phá những xứ sở mà trước kia từng là chiếc nôi của [nền văn minh] nhân loại. Hôm nay lại hiện lên với chúng ta từ Địa Trung Hải hình ảnh thây người lềnh bềnh trên sóng, thây của trẻ thơ, vị thành niên, phụ nữ và cả đàn ông, họ là những người đã mang sinh mạng mình thách đố một lần cuối cùng với sự sống còn, với hy vọng rồi đây sẽ có phương tiện giúp đỡ những người thân sống sót.
Các bạn và tôi cùng chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống môi sinh trên Địa cầu. sự đa dạng sinh học (biodiversity) đang sút giảm ở mức độ kinh hoàng, cứ mỗi 20 phút lại có một loài thực vật hay động vật bị tuyệt chủng. Chúng ta đang chứng kiến nạn phá rừng hàng loạt tại các vùng Amazon, xé nát lá phổi cuối cùng của hành tinh này. Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng acid hóa trong tất cả các đại dương, sự hóa trắng của các mảng san hô (san hô chết hàng loạt), các tảng băng ở Bắc cực và Nam cực tan thành nước. Ở mức độ thứ ba là xứ Tây Tạng, nơi mà 46.000 băng hà đang hết tuyết, khiến nguồn nước của các con sông lớn của toàn thể Á Châu bị khô cạn, thế nhưng nguồn nước ấy cũng là nguồn sống của một tỉ rưỡi người trong các vùng chung quanh.
Các bạn thừa biết những chuyện trên đây. Thật vậy các bạn sinh ra và lớn lên trong cơn lốc của các sự tàn phá mang tầm cỡ của cả hành tinh này: chiến tranh, khủng bố, phung phí tài nguyên thiên nhiên.
Âu Châu là tấm gương hòa bình cho toàn thế giới
Nếu nói theo các người bạn Anglo-saxon của chúng ta (Anglo-saxon là những người gốc Đức, di trú sang hòn đảo Anh Quốc ngày nay từ thế kỷ thứ V trước khi nơi này được Ki-tô giáo hóa từ thế kỷ thứ VII, sau đó dần dần họ trở thành dân địa phương của nước Anh ngày nay) các bạn không nên để cho các "ý nghĩ bệnh hoạn về một thế giới xấu xa" tràn ngập tâm hồn mình (quan điểm này là dựa vào một giả thuyết thuộc lãnh vực văn hóa của giáo sư George Gerbner (1919-2008) cho rằng những hình ảnh hung bạo trên các màn hình sẽ dự phần đưa đến các hành động hung bạo, sự nơm nớp lo sợ và các cảm tính không an toàn trên thực tế - ghi chú trong sách). Điều này có thể khiến các bạn bị tràn ngập bởi thất vọng, không ý thức được rằng tinh thần yêu chuộng hòa bình cũng có thể nẩy nở được bằng cách ý thức về giá trị của các thể chế dân chủ và nhân quyền. Vâng, sự hòa giải có thể thực hiện được, các bạn ạ! Các bạn cứ nhìn vào nước Đức và nước Pháp thì sẽ rõ. Khoảng hai mươi cuộc xung đột đã từng xảy ra giữa hai nước này từ thế kỷ XVI, sự man rợ trong hai trận thế chiến vừa qua đã được đẩy đến mức độ tột đỉnh. Vào các năm 1914 và 1939, các đoàn xe nối đuôi nhau đưa các đoàn lính trẻ ra trận. Họ ở vào lứa tuổi của các bạn đấy, không một chút ý niệm gì về những sự tàn bạo đang chờ đợi mình nơi chiến tuyến, trong các hầm hố ngập bùn hay trong các trại giam [tù binh] thật kinh hoàng. Cả một thế hệ trẻ bị tàn sát, biết bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh tang tóc, hàng triệu trẻ mồ côi, xứ sở tan hoang, cả một nền văn minh ngã gục.
Thế nhưng nơi xứ sở của những kẻ hiếu chiến ngày xưa, nguyện vọng hòa bình đã loại bỏ được chủ nghĩa quốc gia theo kiểu "xung phong ra trận tuyến". Konrad Adenauer (1876-1967, nguyên thủ quốc gia của Đức) và Robert Schuman (1886-1963, nguyên thủ quốc gia của Pháp) là các nhà lãnh đạo thấy xa, một lòng vì tình huynh đệ và sự đoàn kết đã cùng nhau xây dựng Liên minh Âu châu. Sau họ các nhà chính trị khác đã tiếp tục công trình hòa giải đó để hàn gắn lại những vết thương của cả hai dân tộc từng chịu đựng những cảnh tang thương.
Trường hợp của Âu châu đã mang lại cho tôi cả một niềm hy vọng đối với thế hệ của các bạn. Sự hăng say vì hòa bình đang bùng lên thật phù hợp với hiện thực của thế kỷ mới mẻ này. Quả là một phong trào thật cần thiết khi chủ nghĩa quốc gia trong một số các nước thành viên [của Liên minh Âu châu ] vẫn chưa biết dừng lại là gì. Thiết nghĩ các bạn cũng đã nhận thấy, hiện nay nhiều nơi đã bắt chước theo mô hình của Âu châu, và nhờ đó nhiều tổ chức đã được hình thành khắp nơi trên toàn thế giới (chẳng hạn như Liên bang Nam Phi, ASEAN (Đông Nam Á), ALENA, MERCASUR, AEA, CARICOM (Bắc Mỹ và Nam Mỹ) ... Danh sách đầy đủ trên trang mạng www.wikipedia.org/wiki/Liste_d%27organisations_internationales - ghi chú trong sách). Các bạn nên cải thiện thêm các tổ chức này để đưa đến các hình thức hợp tác sâu rộng hơn, nhằm tránh bớt các nguy cơ xung đột có thể xảy ra, và để nêu cao các giá trị dân chủ và tự do căn bản đang bị chà đạp tại những nơi vô-luật-pháp trên khắp các lục địa. Tôi khuyên các bạn nên phát động lý tưởng của mô hình Liên minh Âu châu trên toàn thế giới.
Hỡi những người trẻ của Phi châu, các bạn hãy thiết lập Liên minh Phi châu liên kết các quốc gia trên lục địa rộng lớn của các bạn. Hỡi những người trẻ của Gia Nã Đại và các công dân nước Mỹ (trong nguyên bản là chữ Étatsuniens, một thuật ngữ dùng để chỉ người dân của Hiệp Chủng Quốc Mỹ/american). Hỡi những người trẻ trong các nước Châu Mỹ la-tinh (Mễ-tây-cơ và các nước Trung và Nam Mỹ, nói các thứ tiếng có nguồn gốc La-mã chẳng hạn như các tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) hãy thành lập Liên minh các nước Châu Mỹ La-tinh; và các người trẻ Châu Á hãy thành lập các Liên minh các nước Á Châu. Trên phương diện quốc tế các liên minh này sau khi đã được thành lập sẽ giúp cho Liên Hiệp Quốc mở đầu bản tuyên cáo thành lập tổ chức của mình bằng những dòng tuyệt đẹp: "Chúng ta, các dân tộc của Hiệp Chủng Quốc..."
Bá-linh, tháng 11 năm 1989: tuổi trẻ, hòa bình và dân chủ
Tôi muốn chia sẻ cùng các bạn một kỷ niệm thật khó quên, xảy ra vào tháng 11 năm 1989. Có thể các bạn không còn nhớ (vì còn quá trẻ) là vào thời bấy giờ nước Đức bị chia cắt thành hai quốc gia thù nghịch nhau, phân cách bởi một bức tường bê tông, cao ba thước sáu và dài khoảng một 150 thước mà người ta gọi là "Bức tường ô nhục". Với các chòi canh sừng sững bức tường này đã chia đôi một dân tộc và giữa các gia đình với nhau.
Vào đúng lúc đó tôi đang ở tại Bá-linh, hàng chục ngàn người trẻ biểu tình thật hăng say, với hai bàn tay không họ đã phá thủng Bức tường và hạ các ụ canh tiền tuyến từng ụ một, nhưng tuyệt nhiên không xảy ra một sự hung bạo nào. Toàn thế giới đã phải nín thở. Lịch sử đã xoay chiều trước sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cả phía Tây lẫn phía Đông, thế hệ mới không chấp nhận sự kình chống ý thức hệ nữa mà chỉ quyết tâm thống nhất dân tộc Đức. Sự kết hợp đó sở dĩ được thành hình là nhờ vào chủ trương minh bạch (glasnost/ngay thẳng và lương thiện) do người bạn của tôi là Mikhaïl Gorbatchev chủ xướng từ năm 1986, lúc đó ông đang lãnh đạo cựu Liên bang Sô-viết. Chính ông đã ra lệnh không được phép bắn vào những người trẻ tuổi và sau đó ông cũng cho biết thêm là Bức tường bị sụp đã tránh được cuộc Thế chiến thứ Ba.
Tôi vẫn nhớ mãi ngày hôm đó, với một ngọn nến trên tay và thật nhiều xúc động trong lòng tôi tiến đến dưới chân Bức tường sụp đổ. Đám đông vụt hoan hô, nhấc bổng và đặt tôi đứng trên một đống gạch vụn. Trong một thoáng thật lạ lùng, bỗng dưng tôi cảm thấy ngọn gió hòa bình và tự do đang thổi vào thế giới. Đám đông thúc dục tôi đưa ra một lời tuyên bố. Tôi liền khẳng định với họ là ngày hôm qua nào ai có thể tưởng tượng được Bức tường sẽ sụp đổ ngày hôm nay, thế nhưng đấy là một sự thật, [cũng vậy] xứ Tây Tạng [rồi đây] cũng sẽ tìm lại được sự tự do.
Biến cố trên đây đối với tôi càng mang nhiều ý nghĩa hơn nữa khi tôi nghĩ đến các cảnh đàn áp dã man không sao chịu đựng nổi đối với những người biểu tình ôn hòa tại Lhassa vào tháng ba cùng trong năm đó. Ba tháng sau, tức là vào tháng sáu, tại quảng trường Tiên An Môn ở Bắc Kinh sinh viên biểu tình bị xe tăng nghiền nát. Thế nhưng sự sụp đổ của Bức tường Bá-linh vào tháng 9 năm 1989 thì lại cho tôi thấy sự chiến thắng của tuổi trẻ và tinh thần phi-bạo-lực cũng có thể mang lại chiến thắng trước các chế độ độc tài nghiền nát tự do. Hôm nay khi hồi tưởng lại thì biến cố đó (Bức tường sụp đổ) hiện lên với tôi như những lời kết thúc của thế kỷ XX với những thảm kịch đau thương của nó. Những lời kết thúc ấy cũng chẳng khác gì như một tấm vải lọc gạn bỏ những vết thương của Thế chiến thứ Hai và báo trước sự chấm dứt của chế độ cộng sản tại các nước Đông Âu. Sự sụp đổ đó của các chế độ độc tài đã củng cố lòng tin của tôi đối với sự ý thức của tuổi trẻ trước các giá trị toàn cầu về dân chủ và sự đoàn kết. Các hậu quả lưu lại từ cuộc cách mạng đẫm máu năm 1917 (Cộng sản Nga lên nắm chính quyền sau khi lật đổ Nga hoàng) đã làm tê liệt định mệnh của Liên bang Sô viết suốt 70 năm dài, sự nổi dậy của tuổi trẻ yêu chuộng hòa bình đã quét sạch 70 năm đó mà không làm đổ một giọt máu nào.
Hãy làm sụp đổ những bức tường ô nhục cuối cùng!
Vào đầu thế kỷ XXI này, hỡi các bạn trẻ của các nước trên thế giới hãy xô sập các Bức tường ô nhục cuối cùng, kể cả các bức tường dựng lên bên trong tâm thức các bạn! Đấy là các bức tường của sự ích kỷ, của sự thu mình phía sau tập thể, của chủ nghĩa cá nhân, của sự ngạo mạn và tham lam... Tất cả mọi sự chia rẽ sẽ đi vào quá khứ. Những gì phân chia, loại trừ sẽ không thể nào cưỡng lại được trước sức mạnh hòa bình, hiện thân của thế hệ các bạn.
Trên phương diện thực hành, đôi khi cũng cần đến sự hung bạo. Chẳng qua vì người ta vẫn hy vọng nhờ sức mạnh sẽ giải quyết được mọi vấn đề nhanh chóng hơn. Thế nhưng các sự thành công đó cũng chỉ có thể thực hiện được bằng cách bất chấp đến quyền hạn và sự an vui của kẻ khác. Chính vì thế nên các vấn đề chỉ tạm thời bị bóp ngạt, và trên thực tế thì vẫn còn nguyên, và nhất định chúng sẽ bùng lên trở lại. Lịch sử đã chứng minh điều đó trên phương diện quân sự: chiến thắng hay chiến bại tất cả cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Điều đó cũng đúng với cuộc sống thường nhật của các bạn, kể cả trong lãnh vực gia đình hay bạn hữu (thương ghét chẳng mấy hồi). Nếu không được che chở bởi các luận cứ vững chắc các bạn sẽ bị tràn ngập bởi sự giận dữ và hung bạo, và đấy cũng là các dấu hiệu của sự yếu đuối. Vậy hãy sử dụng trí thông minh giúp mình theo dõi các sự chuyển động bên trong tâm thức của chính mình. Trong lúc nổi nóng, các bạn bị chi phối bởi một thứ năng lực mù quáng phủ lấp khả năng tuyệt vời giúp mình phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Một người bạn của tôi là nhà phân tâm học Aaron Beck cho tôi biết là trong lúc tức giận tất cả những gì tiêu cực mà mình gán cho bất cứ một người nào hay một vật gì, thì 90% chỉ đơn giản là các phóng tưởng tâm thần của mình mà thôi. Vậy hãy phân tích thật cẩn thận những gì hiện lên bên trong chính mình hầu không để cho chúng nhận chìm mình. Hiểu biết cũng có nghĩa là một sự vượt thoát nhằm mang lại sự an bình cho mình. Lý trí có thể giới hạn hoặc loại bỏ hoàn toàn sự giận dữ cũng như các sự hung hãn và bạo lực do nó tạo ra.
Điều chủ yếu hơn cả là các bạn phải luôn phân tích các động cơ thúc đẩy thật sâu kín của mình, của những kẻ chống đối mình và cả kẻ thù của mình. Đối khi các bạn cũng khó tránh khỏi do dự trước bạo-lực và phi-bạo-lực. Thế nhưng các bạn cũng cần hiểu rằng một động cơ thúc đẩy tiêu cực luôn đưa đến một hành động gây tổn thương và tàn phá, kể cả trường hợp bề ngoài của hành động ấy mang tính cách nhân từ cũng vậy. Ngược lại nếu động cơ thúc đẩy chân thật và vị tha thì hành động tất sẽ phải là một hành động phi-bạo-lực và mang lại lợi ích. Duy nhất chỉ có lòng từ bi sáng suốt mới có thể bào chữa cho việc sử dụng bạo lực, trong trường hợp không còn một giải pháp nào khác hơn (vì tình thương thật sâu xa mà đành phải làm như thế mà thôi).
Người Tây Phương chủ trương một cách tiếp cận khác hẳn. Theo họ phi-bạo-lực và sự kháng cự ôn hòa chỉ thích hợp với văn hóa đông phương. Người Tây Phương có khuynh hướng nghiêng về hành động nhiều hơn, do đó họ chỉ muốn đạt được kết quả cụ thể và ngay tức khắc, dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cung cách hành xử đó dù mang lại hiệu quả trước mắt, thế nhưng trong lâu dài thì thường chỉ là một sự tàn phá, trái lại phi-bạo-lực dù đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và quyết tâm nhưng sẽ luôn mang lại sự xây dựng. Sự sụp đổ của Bức tường Bá-linh và các phong trào giải phóng tại các nước Đông Âu là các bằng chứng cụ thể cho thấy tính cách xây dựng đó. Tôi cũng nhận thấy trong biến cố xảy ra vào mùa xuân năm 1989, các sinh viên Trung Quốc dù được sinh ra và lớn lên dưới ngọn roi của cộng sản, nhưng đã bùng lên và kháng cự trong ôn hòa, đó cũng là thái độ mà Mahatma Gandhi từng nêu cao. Họ luôn giữ vững cung cách hành xử ôn hòa dù phải đối đầu với sự tàn bạo và đàn áp. Thật vậy, bất chấp mọi hình thức nhồi sọ, tuổi trẽ vẫn bước theo con đường phi-bạo-lực.
Chiến tranh đã hoàn toàn lỗi thời
Phi-bạo-lực là một giải pháp thực tế trước các sự xung đột trong thời đại của chúng ta. Dù trước đây phải chịu cảnh chiến tranh trên quê hương tôi, và đã từ 60 năm nay công an dưới lệnh của Bắc Kinh không ngừng gieo rắc sự sợ hãi và bóp ngạt chưa từng thấy mọi sự tự do của người dân trên quê hương tôi, thế nhưng tôi vẫn cương quyết làm kẻ xướng ngôn cho hòa bình thế giới (một vị Phật không vì một quê hương mà vì nhân loại). Trong bất cứ một diễn đàn nào cũng vậy, tôi luôn giải thích cách phải làm thế nào để tạo ra các nguyên nhân và các điều kiện cần thiết hầu mang lại hòa bình, từ bên trong chính mình và cả chung quanh mình. Nếu không vững tin hòa bình là một thứ gì đó có thể thực hiện được thì tôi đưa ra những lời kêu gọi trên đây để làm gì?
Ngày nay chiến tranh đã hoàn toàn lỗi thời. Trên phương diện pháp lý cũng vậy, người ta không còn tuyên bố chiến tranh như trước đây nữa, hơn nữa trong một số quốc gia mỗi khi điều động quân sự cũng phải xin phép Quốc hội. Ý thức hệ cổ lỗ nêu cao sự hiếu chiến đã hoàn toàn lỗi thời, bất cứ một cuộc xung đột vũ trang nào cũng đều bị các đoàn biểu tình nổi lên chống đối tại các thủ đô lớn trên thế giới. Tôi sẽ rất vui mừng khi trông thấy các bạn cùng họp nhau hàng chục ngàn người để nêu cao sự hòa giải, tình huynh đệ và nhân quyền. Các cuộc vận động cứu trợ vì nhân đạo quy tụ được đông đảo các bạn đã mang lại hơi ấm cho con tim tôi. Nhờ kỹ thuật tin học, thế hệ của các bạn là thế hệ toàn cầu hóa đầu tiên. Vậy hãy sử dụng thật cẩn thận các mạng lưới thông tin nào có thể mang lại cho mình những sự ý thức đúng đắn, không nên vướng vào những việc tìm tòi vô bổ trên mạng, hoặc các trò chơi trực tuyến khiến mình trở thành nghiện ngập, không thoát ra được nữa! Hãy chuyển cho nhau các tin tức độc lập và giá trị, phục vụ cho sự thật và đạo đức! Phải thật cảnh giác để không phổ biến các fake news (trong nguyên bản là tiếng Anh, có nghĩa là: "tin bịa"). Các bạn thuộc thế hệ "digital native" ("digital native" là thành ngữ tiếng Anh, chỉ định một thế hệ trẻ lớn lên cùng với sự phát trển của mạng lưới Internet) do đó các bạn sinh ra với danh nghĩa là công dân của thế giới, bởi vì nền văn hóa kỹ thuật số không có một biên giới nào cả. Bên trong tâm thức các bạn, tất cả những người trẻ tuổi trong các quốc gia trên toàn thế giới chẳng phải đều là bạn hữu, đồng thuyền, đồng đội - nhưng không hề là những kẻ cạnh tranh, chống đối và thù nghịch với các bạn - hay sao? Thật vậy hiếu chiến là thành phần của tính khí con người (hiếu chiến phát sinh từ bản năng sinh tồn, loại bỏ được các sự thúc đẩy của nó thì lòng từ bi sẽ tự động bùng lên biến mình thành một con người khác hẳn), thế nhưng những cảnh diệt chủng trong thế kỷ vừa qua đã đánh thức lương tâm của đàn anh các bạn. Bậc cha mẹ của các bạn cũng từng thốt lên: "Không bao giờ để xảy ra như thế nữa!". Và chính họ cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy là các cuộc xung đột có thể dàn xếp được bằng đối thoại và phi-bạo-lực, bên trong một đại gia đình nhân loại.
Tất nhiên là các bạn có thể bác bỏ những lời tôi nói, đúng vậy dù chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI nhưng các cuộc xung đột vẫn cứ tiếp diễn ào ạt và các cường quốc vẫn cứ cố tình giải quyết mọi khó khăn bằng sức mạnh. Thể chế quân sự vẫn còn hợp pháp, một số người vẫn chấp nhận chiến tranh, không chịu hiểu rằng đấy cũng chỉ là một tổ chức sát nhân. Một sự tẩy não tối đa nào đó đã không cho phép họ hiểu được là bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng đều kinh tởm như nhau. Đấy là sự nghịch lý trong thời đại chúng ta: dù chiến tranh không còn mang một ý nghĩa nào nữa trên phương diện pháp lý, thế nhưng các cuộc khủng hoảng và tàn sát vẫn cứ tiếp diễn. Các bạn là các tấm bia cho các cuộc mưu sát đẫm máu. Paris, tháng 11, 2015; Manchester, 22 tháng 5, 2017... Các biến cố ấy đã làm tôi thương tổn thật sâu xa, và cả con tim tôi phải rướm máu. Những người trẻ này sát hại những người trẻ khác! Không thể hình dung được! Cũng không thể chịu đựng được! Những kẻ hành xử hung hăng với các bạn không hề sinh ra là những kẻ khủng bố. Họ chỉ trở thành những kẻ khủng bố mà thôi, họ bị nhồi sọ bởi sự cuồng tín cổ lỗ và thô bạo, khiến họ tin rằng mình sẽ gặt hái được vinh quang bằng các hành động tàn phá, trừng phạt và khủng bố.
Mong rằng những thứ ấy sẽ không làm cho các bạn thất vọng! Bổn phận của các bạn là rút tỉa các bài học của quá khứ, đồng thời phát động chung quanh các bạn lòng khoan dung và sự đối thoại. Khi phải đối đầu với bạo lực mù quáng thì các bạn chớ sợ hãi, bởi vì sự sợ hãi sẽ tạo ra oán hận, giận dữ và thèm khát được trả thù. Hãy nhìn vào tấm gương của thủ tướng Na Uy ngay sau cuộc khủng bố đẫm máu (khủng bố xảy ra tại Oslo và đảo Uroya tháng 7, 2011 - ghi chú trong sách), đã tuyên bố rằng chính phủ mà mình đang lãnh đạo sẽ đáp lại sự hung bạo bằng dân chủ, sự cởi mở và lòng khoan dung. Hãy đè nén những mối hận thù huynh đệ vì đấy là cách giúp mình trở trở thành những con người kiến tạo hòa bình. Đã đến lúc mà thế hệ của các bạn vứt bỏ chiến tranh vào sọt rác của Lịch sử. Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ những gì tôi từng nói với các bạn cách nay vài năm.
Bures-Sur-Yvette, 24.12.17
Hoang Phong chuyển ngữ