Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo Lý Phật Đà đã chuyển nghiệp Vua A Dục như thế nào ?

31/10/201721:42(Xem: 6082)
Giáo Lý Phật Đà đã chuyển nghiệp Vua A Dục như thế nào ?

asoka

GIÁO LÝ PHẬT ĐÀ

ĐÃ CHUYỄN NGHIỆP VUA A DỤC NHƯ THẾ NÀO

 

T/S Lâm Như-Tạng

 

oOo 

 

A-NGHIÊN CỨU MỘT

A Dục, Asoka  (Sanskrit). Khi đức Phật Thích ra đời, Vua A Dục là một đứa trẻ, trong lúc đang chơi đức Phật đi ngang qua, đứa trẻ đem cát mà coi như cơm cúng dường đức Phật, nhờ phước ấy đời sau sanh lên được làm vua có tên là A Dục. A Du Ca có nghĩa là Vô Ưu, không buồn rầu, thoát khỏi sự sầu não. A Du Ca là nhà vua Đại Anh Hùng, thống nhất Ấn Độ vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, đóng đô tại thành Hoa Thị (Pâtaliputra). Theo những bia đá do ngài cho dựng tại  nhiều nơi trong nước, ngài lên ngôi năm 273 trước Tây Lịch, chánh thức được tôn vương năm 269 trước Tây Lịch, đi bình phục toàn cõi Ấn Độ.

Vào năm 261 trước Tây Lịch, ngài qui y Tam Bảo. Năm 259 trước Tây Lịch thọ giới Tỳ Kheo, nhập vào Giáo Hội Tăng Già nhưng còn tạm giữ ngôi vua để dễ bề xiễn dương Phật Pháp. Công nghiệp hoằng pháp của ngài rất lớn. Có truyền thuyết cho rằng  ngài đã cho xây cất khoảng 84. 000 chùa tháp thờ Phật Khắp nơi trên Ấn Độ. Ngài cho dựng rất nhiều tấm bia đá tại nhiều nơi công cọng ghi những lời dạy của đức Phật khuyên dân chúng làm các điều thiện. Và dựng rất nhiều trụ đá A Du Ca tại những thánh tích của đức Phật để ghi rõ về những Phật Tích đó…

Ngài mở ra cuộc kết tập Kinh Điển của Phật, qui tụ  được ngàn vị Thánh Tăng  để kết tập Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận) nhất là bảo tồn giới hạnh cho các vị xuất gia.

Không những lo khuyến thiện mà ngài còn nêu gương từ thiện rất đứng đắng. Ngài thường mở ra những cuộc Đại Thí Hội, chẩn bần và cúng dường Trai Tăng. Trong cung vua không sát hại chúng sinh. Ngài in Kinh cho chư Tăng Ni và hàng cư sĩ tại gia đọc tụng, nghiên cứu. Vua A Dục tại vị được 37 năm, ngài tịch năm 256 sau Phập nhập Niết Bàn.

B-NGHIÊN CỨU HAI

Trong tự  điển danh từ Phật Học tiếng Anh có viết về vua A Dục như sau: Asóka, Grandson of  Candragupta (Sandrokottos), who united  India and reached the summit of  his career about 315 B.C.  Asóka  reigned from about 274 to 237 B.C.  His name Asóka (free from care), may have been adopted on his converson. He is accused of the assassination of his brother and relative to gain the throne, and of  a fierce temperament in his earlier days. Converted , be became the first famous patron of  Buddhism,  encouraging its development and propaganda at home and abroad, to which existing pillars, etc., bear  witness; his propagant is said to have spread from the borders of China to Macedonia, Epirus, Egypt  and  Cyrene. His title is Dharmãsóka; he should  be distinguished from Kãlãsóka, grandson of  Ajãtasátru. The name of  a tree under which the mother of the Buddha was painlessly delivered of  her son, for which Chinese texts give eight different dates; the jonesia Asóka; it is also called Vrkasa.

 

asoka 3

C-NGHIÊN CỨU BA

I-THÂN THẾ

Asoka là cháu của Đại Vương Thiên Đà Quật Đa (Chan-dragupta) khoảng năm 321 trước Công Nguyên, sáng lập ra vương triều Khổng Tước ở Ấn Độ. Khoảng năm 270 trước Công Nguyên, ngài thống nhất toàn cõi Ấn Độ. Ngài có công phát triển Phật Giáo rộng khắp tại Ấn Độ và truyền bá ra thế giới.

Truyện về nhà vua Nam Bắc viết khác nhau. Kinh A Dục Vương lưu truyền ở phương Bắc và A Dục Vương Truyện có kể lại rằng: Nhà vua lúc còn nhỏ rất cuồng bạo nên không được vua cha yêu mến. Vua cha muốn chọn người anh là Tu Tư Ma (Susmana) làm người nối ngôi. Không may gặp nước Đức Xoa Thi La (Taksasi) trong đế quốc dấy binh nổi loạn. Vua cha bèn sai A Dục đi đánh dẹp loạn. Về việc vua cha chuẩn bị cho A Dục đi dẹp loạn theo Kinh A Dục Vương: “Khí giới và đồ dùng, hết thảy đều không cung cấp đầy đủ cho ông”. Còn theo A Dục Vương Truyện thì: “Riêng về quân đội, không cho khí giới đầy đủ”. Ý của phụ vương có lẽ là muốn cho A Dục chết trận. Nhưng nhờ tài giỏi thiện chiến nên A Dục đã bình định được phản loạn, danh tiếng lẫy lừng. Sau khi vua cha mất A Dục giết anh là Tu Tư Ma rồi lên ngôi vua.

Thiện Kiến Luật , quyển 1, lưu truyền ở phương Nam, Đảo Sử Chương 6, Đại Sử Chương 6, thuật lại có phần khác. Các sách nầy kể rằng: vua A Dục khi chưa lên ngôi đã từng làm phó vương Điểu Xà Diễn Ma (Ujjayini), đảm nhiệm việc thu thuế. Khi nghe tin phụ vương mất, ông vội vàng trở về kinh đô. Ông đánh úp và giết chết Tu Tư Ma, tự lên ngôi vua. Chỉ trong 4 năm ông trừ khử người em cùng mẹ Để Tu và giết 99 người anh em khác mẹ, rồi lên ngôi vua. Đó là khoảng 280 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn.

Hai thuyết tuy khác nhau, nhưng việc trước và sau khi lên ngôi có sự xung đột trong anh em thì giống nhau. Bắt đầu lên ngôi ông vẫn cuồng bạo như cũ, giết hại đại thần và phụ nữ, nghe lời Chiên Đà Kỳ Lợi Kha xây địa ngục lớn…

Về sau ông bỗng nhiên hồi đầu hướng thiện quy y theo Phật Giáo, phát huy mạnh mẽ tinh thần từ bi, cố gắng hướng về chánh pháp. Động cơ mà nhà vua quy y Phật Pháp, theo A Dục Vương truyện quyển 1, cho biết là do nhà vua thấy  kỳ tích của ngài Hải Tỳ Khiêu. Nhưng theo Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1, thì đó là do sự cảm hóa của ngài Ni Cù Đà (Nigrodha). Từ khi qui y Phât nhà vua nhiệt thành khác thường. Ở khắp nơi trong nước  nhà vua cho xây dựng vô số các chùa và bảo tháp. Ông còn cho khắc vô số những bia đá ghi lời dạy của đức Phật dựng ở khắp nơi trong nước Ấn Độ. Đích thân nhà vua đi chiêm bái và cúng dường các Phật Tích tại nhiều nơi trên Ấn Độ. Đó là những công tích rất nỗi tiếng của nhà vua.

Theo Thiện Kiến Luật Bà Sa Đệ Nhị thì nhà vua lên ngôi được 17 năm, nhằm ngăn ngừa những dị luận bèn tổ chức cuộc kết tập Kinh Phật lần thứ 3 tại thành phố Hoa Thị do ngài  Mục Kiền Liên Tử Đế Tu làm chủ tọa cùng với 1000 trưỡng lão làm việc ở đây, sau chín tháng mới xong. Sau đó nhà vua cử các phái đoàn đến các nước để truyền bá Phật Pháp.

Như ngài Mạt Xiển Đề (Majihantika) đến các nước Kế Tân và Kiện Đà La (Gandhara). Ngài Ma Ha Đề Sa (Mahadeva) đến nước  Ma Hê Sa Mạt Đà La (Mahisamandala). Phái ngài Lặc Khí Đa (Rakkhita) đến nước Ba Na Sa Tư (Vanavàsi). Phái ngài Đàm Vô Đức (Yonaka-dhamma-rakkhita) đến nước A Ba Lan Da Ka (Aparantaka). Ngài Ma Ha Đàm Vô Đức (Maha-dhamma-rakkhita) đến nước Ma Ha Lặc Xá (Maha-rahha). Ngài Ma Ha Bột Khí Đa (Mahàrakkhita) đến Tẩu La Thế Giới (Yona-loka-Hy Lạp). Ngài Mạt Thi Ma (Ma-jihima) đến nước bên núi Tuyết Sơn (Himavanta-poda) . Ngài Tu Na Ca Va  (Sokana) và Uất Đa La (Uttara) đếm Kim (Suvarna-blùmi - Miến Điện). Ngài Ma Hi ĐA (Mahinda) đến nước Sư Tử (Lankà – Tích Lan). Vua gởi các phái đoàn nầy đi truyền Dạo để khuyến khích mọi người thực hành theo giáo lý của Đức Phật, những điều vừa kể đều trích trong sách Luật Thiện Kiến.      

II-THÁP VUA A DỤC

Theo Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1 thì các nước mà vua A Dục cai trị có vô số chùa lớn,  vô số bảo tháp v.v…

Theo A Dục Vương Truyện quyển 1 thì nhờ có ngài Hải Tỳ Kheo mà nhà vua mới được biết Phật có huyền ký. Ông bèn đến thành Vương Xá, lấy 4 thăng xá lợi mà vua A Xà Thế chôn dấu, lại lấy hết xá lợi được chôn dấu ở sáu nơi khác sai làm vô số chiếc hộp báu mỗi hộp đựng một viên xá lợi. Tạo ra vô số vò báu, lọng báu, lụa, đồ trang sức để xây dựng vô số bảo tháp v.v…

Các sách Pháp Hiển Truyện và Tây Vực Ký v.v…Cũng chép việc nhà vua cho xây dụng vô số ngôi bão tháp. Kinh Tạp Thí Dụ quyển  9  nói: khi vua A Dục bị bệnh, có hứa nếu  bình phuc sẽ tạo dựng 1200 bảo tháp. Con số bảo tháp chưa biết thật chính xác, nhưng nhà vua thật tình muốn chấn hung Phật Pháp, xây nhiều chùa tháp thì không phải là việc hảo huyền. Nay những tháp ấy chắc không còn nữa, nhưng tòa tháp cổ Tăng Chí ở vùng trung Ấn Độ phải chăng là một trong những ngôi tháp nầy. Việc nầy cũng không thể khảo sát được.

Ngoài ra còn có truyền thuyết cho là tháp của vua A Dục cũng có ở Trung Quốc. Như Quảng Hoằng Minh Tập quyển 15 nêu số tháp ở Mậu Huyện trở xuống tất cả là 17 tháp. Pháp Uyển Châu Lâm quyển 38 liệt kê số tháp của Mậu Huyện trở xuống tất cả là 21 tháp, và coi đó là tháp do vua A Dục xây dựng.

Xét bờ cõi của vua A Dục không rộng tới Trung Quốc thì tháp từ đâu tới? Có lẽ đó chỉ là thuyết phụ hoạ. Sách Phật Tổ Thống Ký quyển 43 cho là Ngô Việt Vương tiền Thục, mộ việc xây dựng tháp của vua A Dục, bèn cho dựng vô số bảo tháp bằng vàng bạc và sắt tốt, trong đó chứa đựng hộp báu, Ấn Tâm và Chú Kinh rãi rác khắp trong cõi  10 năm mới xong. Sự phụ họa là từ đó chăng?

 

 

D-NGHIÊN CỨU BỐN

I-LƯỢC TRUYỆN

A Dục tiếng Pali là Asóka, tiếng Phạn là Asoka. Phiên âm thành A Du Ca, A Du Già, A Thứ Già, A Thú Khả, A Thúc. Dịch ý là Vô Ưu. Còn có tên là Thiên Ái Hỷ Kiến Vương (Phạn: Devãnampriya priyadrasĩ, trời thương yêu thấy thì mừng). Là Vua đời thứ 3 của triều đại Khổng Tước, nước Ma Yết Đà trung Ấn Độ. Nhà vua ra đời khoảng thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, là nhà vua bảo hộ Phật Giáo mạnh mẽ nhất. Ông nội vua là Đại Vương Chiên Đà La Cấp Đa (Phạn: Candragupta), người sáng lập triều đại Khổng Tước. Thân phụ là vua Tân Đầu Sa La (Phạn: Bindusãra), thân mẫu là  A Dục Vi Đầu Đạt Na (Phạn: Asókãvadãna) con gái một nhà Bà La Môn ở thành Thiệm Ba.

Ấn Độ Phật Giáo Sử Đa La Na Tha gọi ông là vua A Dục tham muốn. Nhưng trong các chương 4, 5, 6 của Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn, chương 7 trong Pháp Sắc khắc trên cột đá và Pháp Sắc của Hoàng Hậu v.v…đều chép rằng trong thời gian vua A Dục trị vì vẫn còn có anh chị em. Bởi thế, truyền thuyết nói rằng  vua A Dục đã giết hết anh em có thể do đời sau ác ý nói phóng đại. Vua lấy thành Hoa Thị làm thủ đô, phạm vi cai trị toàn bộ bắc Ấn Độ, một nữa Đại Hạ, phía nam đến Án Đạt La, phía đông đến bờ biển, ngang dọc vài nghìn dặm. Vua lại thi hành chính sách hợp lòng dân, yêu chuộng chân lý, giàu tinh thần bác ái. Từ khi Ấn độ có lịch sử, vua A Dục là nhà vua cai trị có thành tích lớn lao mà trong lịch sử từ trước đến thời điểm đó chưa ai có được.

Có nhiều thuyết khác nhau về năm tháng và nhân duyên vua quy y Phật. Truyện A Dục Vương quyển 1 nói: Nhân thấy đạo hạnh của Tỳ Kheo Hải (Phạn: Samudra) mà vua qui y Phật. Chương 6 trong Đảo Sử và Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1 thì nói: Do sự cảm hóa của ngài Ni Cù Đà (Pãli: Nigrodha) mà vua qui y Phật. Chương 6 trong Ấn Độ Phật Giáo Sử của Da La Na Tha Bảo, do sự tích kỳ lạ của vị đệ tử của A La Hán Da Xá (Phạn: Yasá)  mà vua qui y Phật. Theo Pháp Sắc khắc trên vách núi nhỏ ghi: Sau khi qui y Phật, hơn hai năm rưởi, tuy đã là Ưu Bà Tắc, nhưng vua chưa dốc lòng tin Phật, sau hơn một năm vua mới gần gủi chư Tăng và nhiệt tâm tu niệm.

Khảo sát chung những đoạn ghi chép trên đây với câu “Quán Đính lên ngôi hơn mười năm thì đến với Tam Bồ Đề” trong chương 8 của Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn, thì biết vua đã trở thành Ưu Bà Tắc vào khoảng  năm thứ bảy kể từ sau khi lên ngôi. Nhưng chương 6 trong Đảo Sử thì chép: Sau khi lên ngôi được 3 năm thì vua qui y Phật.

Theo chương 13 trong Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn chép: Sau khi lên ngôi được 8 năm, thì vua chinh phục Yết Lăng Già (Phạn: Kalinga), thấy cảnh giết chóc thảm thương, vua rất xúc động, do vậy mà niềm tin Phật Giáo lại càng kiên cố. Từ đó, vua quyết không dùng sức mạnh quân sự để mưu tìm con đường thống nhất nữa, và với niềm tin “sự thắng lợi nhờ Chánh Pháp mà đạt được là sự thắng lợi trên hết” (chương 13 trong Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn), vua dốc sức vào việc truyền bá Phật Pháp. Do Đó, phần nữa đời sau của vua được gọi là Đạt Ma A Dục Vương (Phạn: Dharmãsóka – vua A Dục Chánh Pháp).

II-CÔNG ĐỨC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO 

Theo truyền thuyết vua cho xây dựng 84.000 ngôi chùa và 84.000 tháp thờ Phật khắp trong nước Ấn Độ. Việc nầy đều được ghi chép trong chương 6 của Đảo Sử, trong Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1, trong kinh Tạp A Hàm quyển23, trong truyện A Dục Vương quyển một v.v…Nhưng trong các Pháp Sắc của vua thì không thấy ghi việc nầy.   

Trong Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 2 viết: Vua lên ngôi được 17 năm  thì mở đại hội kết tập Kinh Điển lần thứ 3 ở thành Hoa Thị, thỉnh ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Pãli: Moggaliputta-tissa) làm Thượng Tọa, có một nghìn vị trưỡng lão tham dự, sau chin tháng mới hoàn thành. Sau đó nhà vua cử nhiều phái đoàn ra nước ngoài truyền bá Phật Pháp.

Trong chương 7, Đảo Sử có chép: Ca Tha Bạt Thâu (Pãli: Kathãvatthu) trong tạng luận Pãli đã được kết tập vào thời bấy giờ. Nhưng trong các Pháp Sắc của nhà vua không thấy ghi việc nầy. Tuy nhiên, các chương 3,5 và 13 trong Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn có ghi: Mỗi 5 năm, vua mở hội nghị Quan Lại thuộc ngành Tư Pháp và thuế vụ để răn dạy về Pháp, thu thập pháp và đặt thêm các đại Pháp Quan  (Pãli: Dhamma-mahãmãta).

Khu vực truyền bá chánh pháp xa đến Syria, Ai Cập, Macedonia, Tắc Lợi Ni (Cyrene) v.v…

Còn về truyền thuyết kết tập kinh điển lần thứ 3 thì truyện A Dục Vương do phương Bắc truyền hoàn toàn không đề cập gì đến. Luận Đại Trí Độ quyển 2 tuy có nói (Đại 25, 70 thượng): “Vua A Du Ca mở đại hội Ban Xã Vu Sắt, các vị đại luận sư nghị luận khác nhau, vì thế có tên là Biệt Bộ. Tuy vậy, đây cũng không thể cho là ý kết tập. Do đó có thể nói truyền thuyết về cuộc kết tập kinh điển lần thứ 3 nầy sự thật thế nào chưa được rõ.

Về những kinh điển được lưu truyền đương thời vua A Dục, trong Pháp Sắc khắc trên vách núi nhỏ ở Gia Nhĩ Cát Đạt Bái La Đặc (Calcutta-Bairãt) có ghi bảy thứ:

1-    Tỳ Nại Da Tối Thắng Pháp Thuyết (Phạn: Vinaya-samukase).

2-    Thánh Chúng Kinh (Phạn: Aliya-vasãnĩ).

3-    Đương Lai Bố Úy Kinh (Phạn: Anãgata-bhyãni).

4-    Mâu Ni Kệ (Phạn: Muni-gãthã).

5-    Tịch Mặc Hành Kinh (Phạn: Moneya-sũte).

6-    Ưu Ba Đế Sa Môn Kinh (Phạn: Upatisa-pasine).

7-    Thuyết La Hầu La Kinh (Phạn: Lãghulovada).

Mấy loại Kinh trên đây, tương đương với:

  • Đại Phẩm trong Tạng Luật
  • Tăng Chi Bộ Kinh
  • Kinh tập, một bộ phận trong Trung Bộ Kinh thuộc Đại Tạng Pãli.

Lại Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 2 thì nêu ra các kinh mà những vị sư truyền đạo do vua A Dục phái đi đã giảng nói tại các nơi gồm có 8 loại sau đây:

1-    Kinh Độc Thí Dụ (Pãli: Asivisopama-suttanta).

2-    Kinh Thiên Sứ (Pãli: Devadũta-sutta).

3-    Kinh Vô Thủy (Pãli: Anamataggapariyãya-kathã).

4-    Kinh Hỏa Tụ Thí (Pãli: Aggikkhandho-pama-suttantakathã).

5-    Kinh Ma Ha Na La Đà Ca Diếp Bản Sinh (Pãli: Mahãnãradakassapa-jãtaka).

6-    Kinh Ca La La Ma (Pãli: Kãlakãrãma-suttanta).

7-    Kinh Sơ Chuyển Pháp Luân (Pãli: Dhammacakkapavattana-suttanta).

8-    Kinh Phạm Võng (Pãli: Brahmajãla-suttanta).

Chương 8 trong Đảo Sử  cũng nêu các kinh mà các nhà truyền đạo đã thuyết giảng gồm có 5 bộ như sau:

1-    Anamataggiya

2-    Aggikkhandhopama-suttakathã

3-    Nãradakassapa-jãtakakathã

4-    Kãlakarãma-suttantakathã

5-    Dhammacakkappavattana.

Tất cả các kinh nêu trên, có thể nói đều là những kinh điển được lưu truyền ở đương thời của vua A Dục. Còn theo các chương 1 đến 4 và 11 trong Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn, các chương 5, 7 trong  Pháp Sắc khắc trên cột đá ghi chép thì sau khi lên ngôi vua đã ban hành 26 lần đặc xá. Ngoài ra vua còn cấm sát sinh, làm việc bố thí, trồng cây hai bên đường, đào giếng v.v…

Cột đá hiện còn tại vườn Lâm Tì Ni, nơi Thái Tử đản sinh, có khắc câu: “Sau  khi quán đính lên ngôi được 20 năm thì đến nơi nầy”.  Pháp Sắc khắc trên cột đá ở Ni Cát Lợi Ngõa (Pãli: Nigliva) có ghi việc vua tham bái tháp Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Pãli: Konãgamana) và sửa chữa tháp nầy. Cuối  đời vua A Dục có vẻ rất buồn thảm . Theo truyện A Dục Vương quyển 3 chép thì vương hậu Đế Sa La Xoa (Phạn: Tassãrakkhã) muốn tư thông với vương tử Câu Na La (Phạn: Kunalã), nhưng bị cự tuyệt do đó bà ta sai người móc mắt vương tử. Vua nỗi giận đốt sống Đế Sa La Xoa, rồi đem tất cả của báu cúng dường hết đến nỗi không còn vật gì để cúng. Cuối cùng vua lấy một nữa quả am ma la (Phạn: ãmalaka) cúng dường chùa Kê Tước (Phạm: Kurputa).

III-NIÊN ĐẠI RA ĐỜI VÀ LÊN NGÔI CỦA NHÀ VUA

Bàn về niên đại ra đời của vua A Dục, xưa nay có nhiều thuyết khác nhau. Theo chương 13 trong Pháp Sắc khắc trên vách núi lớn viết: Các vua của 5 vương quốc thuộc Hy Lạp ở ngôi cùng số năm là 261 trước Tây Lịch, hoặc khoảng 14 hay 15 năm, từ năm 272 đến năm 258 trước Tây Lịch. Như vậy, ta có thể suy đoán là vua lên ngôi vào khoảng năm 270 trước Tây Lịch.

Về số năm từ khi đức Phật nhập diệt đến khi vua A Dục ra đời thì kinh Tạp A Hàm Bắc Truyền quyển 23, kinh Hiền Ngu quyển 3, phẩm A Du Ca Thí Thổ, kinh Tăng Già La Sát Sở Tập quyển hạ, kinh Tạp Thí Dụ quyển thượng, Đại Trang Nghiêm Kinh Luận quyển 10 và Luận Đại Trí Độ quyển  2 v.v…ghi là vua ra đời sau đức Phật nhập diệt một trăm năm. Luận Dị Bộ Tông Luận thì ghi sau Phật nhập diệt hơn một trăm năm. Luận Thập Bát Bộ và luận Bộ Chấp Dị thì ghi 116 năm.

Chương 6 trong Đảo Sử  và Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 2 ghi sau đức Phật nhập diệt 218 năm nhà vua lên ngôi, Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm thì có vua Ca La A Dục (Phạn: Kãlãsóka) đang ở ngôi. Vu Điền Huyền Ký (Lihi-yullun-bstan-pa) văn Tây Tạng chép, sau đức Phật nhập diệt 234 năm có vua Đạt Ma A Dục. Chương 5 trong Đảo Sử ghi thời gian vua A Dục cai trị là 37 năm.

Tham khảo: Đại Trang Nghiêm Kinh Luận quyển 3,4,10. Soạn Tập Bách Duyên Kinh quyển 10. A Dục Vương Truyện. A Dục Vương Kinh. A Dục Vương Tức Hoại Mục Nhân Duyên Kinh. Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện quyển 3. Đại Đường Tây Vực Ký quyển 8. A Dục Vương Sự Tích. Ấn Độ Tôn Giáo Sử Khảo. Ấn Độ Triết Học Nghiên Cứu quyển 2, 4 v.v…     

 

 

E-NGHIÊN CỨU NĂM

I-PHÁP SẮC

Pháp Sắc cũng gọi là A Dục Vương Khắc Văn, chỉ các bài văn răn dạy mang nội dung Phật Pháp do vua A Dục thuộc triều đại Khổng Tước ở Ấn Độ thời xưa ra lệnh khắc trên các vách núi và trên các cột đá. Những bài văn nầy đuợc khắc vào khoảng năm 250 trước Tây Lịch. Văn tự dùng để khắc là một thứ tiếng địa phương  (thổ âm) gần với tiếng Sanskrit và Pãli. Hiện nay người ta đã phát hiện 5 loại: bảy chỗ vách núi lớn, bảy chổ vách núi nhỏ, mười cột đá, bài minh khắc trong hang đá và trên bản đá.

Chỉ trong các Pháp Sắc khác trên vách núi nhỏ là có tên vua A Dục. Ngoài ra các loại khác đều dùng tên vua Thiên Ái Hỷ Kiến (Sanskrit: Devãnampiya Piyadrasí, Pãli: Devãnampiya Piyadassin). Loại văn khắc Pháp Sắc nầy có phạm vi rất rộng, hầu như rãi rác khắp Ấn Độ. Cao Tăng Pháp Hiển Truyện và Đại Đường Tây Vực Ký đã nhiều lần đề cập đến những cột đá nầy, về sau bị mai một, nên người đời không còn ai biết đến nữa.

Mãi đến năm 1356, vua Hồi Giáo là Fĩrós Shãl mới phát hiện hai cột đá: Một ở nơi cách Dehli hơn 160 cây số và một ở chỗ khác, cách Dehli hơn 60 cây số. Tất cả đều được dời về Dehli. Đến cách nay 100 năm về trước hai cột đá nầy được thượng úy Hoare thuộc công ty Đông Ấn Độ của người Anh chú ý, rồi từ đó các cột khác được lục tục được tìm thấy ở Ấn Độ, Népal, A Phú Hãn v.v…

Sau nhờ Prinsep khổ công nghiêng cứu, đến năm 1837 mới xác nhận được đó là văn khắc của vua A Dục. Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ và lịch sử Phật Giáo từ đó tỏa ra nhiều màu sắc mới lạ. Những văn khắc của vua A Dục hoàn toàn ăn khớp Đại Sử, Đảo Sử lưu truyền ở Tích Lan. Nhờ đó có thề biết được lĩnh vực chính trị và công việc truyền giáo của vua A Dục. Đồng thời, nó phản ảnh quang điểm đối với chính trị, đạo đức, Phật Giáo và chế độ quản lý hành chánh của vua A Dục.

Những bài minh khắc trên vách núi lớn đều khắc trên tảng đá to hoặc trên gò đá, trong đó có chỗ khuyết lược đều có 14 chương cáo văn. Nhưng cũng có chỗ khắc riêng hai chương để thay thế. Văn tự dùng để khắc là chữ thể xưa Khư Lô Sắt Để (Sanskrit: Kharothĩ) hoặc tiếng Sanskrit cổ  (Sanskrit : Brahmẽ). Khảo xét phần ghi chép, có thể biết những văn khắc nầy được khắc vào khoảng từ 12 đến 14 năm sau khi vua A Dục lên ngôi. Nói một cách khái quát, đại ý của những văn khắc nầy là cấm chỉ sát sinh, xây dựng các bệnh viện, viện dưỡng lão, đào giếng, sửa lại và định chế hội nghị, phát thuốc và khuyến khích trồng cây thuốc.

Cứ 5 năm một lần, vua mở đại hội Vô Già, quan dân đều tham dự, hoằng pháp lợi sinh, bảo đảm sự hưng thịnh của Phật Pháp và hạnh phúc yên vui của nhân dân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, khéo léo hòa giải sự xích mích giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Cấm chỉ các nghi lễ giả dối trái đạo đức, phải đề cao những nghi thức hợp với Chánh Pháp, vì phúc lạc  ở đời sau, phải thoát ly tội nghiệp đời trước. Cáo văn nầy bày tỏ niềm hối hận sâu xa của vua A Dục về nỗi bi thảm do cuộc chinh phục nước Yết Lăng Ca mang lại. Chính vì lẽ đó mà nhà vua quy y Phật Pháp và hết lòng hoằng dương Chánh Pháp, tin rằng chỉ có chinh phục bằng Chính Pháp là sự chinh phục hơn hết. Nhưng mục đích chủ yếu của vua là truyền bá Phật Pháp đến người Hy Lạp.

Những văn bản khắc trên vách núi nhỏ có một hoặc hai chương, có khác nhau hoặc giống nhau nhưng hoàn toàn khác với 14 chương nói ở trên. Đại ý các văn bản khác nhau là đối với bên ngoài thì mở rộng khu vực truyền bá Phật Pháp. Đối với bên trong thì phải nêu cao sự hiếu thuận chân thực.

Ngoài ra còn có một chương riêng dạy bảo chư Tăng nước Ma Yết Đà phải giữ gìn và tiếp nối Chánh Pháp cho lâu dài.

Trong 10 cột đá thì trên 6 cột khắc 6 chương cáo văn giống nhau. Bốn cột còn lại, mỗi cột khắc một chương văn khác nhau, và trên đầu cột của 4 cột đá nầy có khối đá tròn giống hình quả chuông, trên đặt tượng sư tử, chung quanh riềm chạm trổ hoa sen, ngỗng v.v…Về chiều cao, cột nhỏ cao chừng 8 mét, cột lớn cao hơn 10 mét.

So sánh những bản văn khắc ở các nơi khác nhau, có thể biết vua A Dục đã làm những văn khắc nầy vào khoảng 26 năm đến 29 năm sau khi lên ngôi. Nội dung cấm chỉ giết hại, các quan phải lấy nhân từ làm chính để làm cho đạo thưởng phạt không lầm. Khuyên dân chúng dùng chính nghĩa để xa lìa nghiệp ác. Vua đối đãi với thần dân không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tín ngưỡng, mà chỉ nhìn họ bằng đôi mắt thương yêu như một.

Những chương văn khác thì khắc ghi nhân duyên Vương Phi bố thí rừng cây v.v…Hoặc ghi việc vua tham bái các Phật tích và dựng cột đá. Những văn khắc trong hang đá, đều ghi sự tích bố thí hang động. Ở gò Phạ Lạp, Phạ Nhĩ (Barãbar), cách Bồ Đề Già Da (Sanskrit: Buddha-gaya) hơn 20 cây số về mạng Bắc, có 4 hang đá, trong đó, 3 hang có văn khắc ghi chép việc bố thí hang động. Bản đá mới tìm thấy gần đây vốn là đá vách của một nhà nông ở gần Orissa.

Trong các loại văn khắc trên đây,  đặc biệt đáng chú ý là điều 13 trong văn khắc trên vách núi, nội dung nói về việc vua A Dục giao thiệp với nước ngoài. Nhân vật xuất hiện trong văn là ông vua Hy Lạp vào khoảng năm 260 đến 258 trước Tây Lịch. Nhờ đó có thể suy đoán mà biết niên đại vua A Dục ra đời và khu vực truyền bá Phật Giáo.

Tham khảo: Ấn Độ Tông Giáo Sử Khảo. Phật Điển Kết Tập. A Dục Vương Sự Tích. É. Senart: Inscriptions de Piyadasi. E. Hultch: Corpus Inscriptionum Indicarum. V. A. Smith: Asoka. V.v…

II-TRỤ ĐÁ A DỤC

Những trụ đá hình tròn do vua A Dục thuộc triều đại Khổng Tước của Ấn Độ xây dựng tại lưu vực sông Hằng vào thế kỷ thứ  III trước Tây Lịch để khắc các Pháp Sắc (Sanskrit: Dharma-dipi, Pãli: Dhamma-lipi). Đến nay người ta đã phát hiện 10 cột. Trong số nầy, có 6 cột cao từ 10 đến 13 mét không đều nhau. Các Pháp Sắc được khắc gồm có 6 chương chung một nội dung: Tôn trọng Phật Pháp, khuyên làm việc lành, dứt bỏ điều ác, cấm chỉ giết hại, nhân từ bình đẳng, tạo phúc lợi cho mọi người v.v…

Ngoài ra trên các cột đá đều có ghi chép sự tích vua A Dục. Bốn cột còn lại cao khoảng 7.5 mét, nội dung Pháp Sắc trên 4 cột nầy không giống nhau, đại khái là cấm phá hòa hợp Tăng và ghi việc vua A Dục đi chiêm bái các Phật Tích.

Trên đầu cột đá có chạm hình các loài thú, chẳng hạn như tượng sư tử. Tuy đã lâu đời nhưng cho đến nay những hình tượng ấy vẫn còn có thể phân biệt được rõ ràng. Niên đại xưa của Ấn Độ khắc trên các trụ đá rất được các học giả coi trọng.

Tham khảo: A Dục Vương Khắc Văn. V.v…

III-NÚI A DỤC

Núi A Dục nằm về phía đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Gọi tắt là núi A Dục Vương, xưa gọi là núi Mậu. Vào năm Thái Khang thứ 2 (năm 281, có thuyết cho là năm thứ 3, hoặc niên hiệu Thái Thủy năm đầu) thời Vũ Đế  nhà Tây Tấn, ngài Tuệ Đạt, tên tục là Lưu Tát Ha, đến núi Mậu thuộc huyện Mậu, ngài thấy một ngôi tháp cỗ, và cho đó là một trong số 84. 000 tháp do vua A Dục xây dựng. Ngài liền cất tịnh xá để thờ  tháp nầy, và đổi tên núi Mậu thành núi A Dục Vương. Tịnh xá của ngài Tuệ Đạt về sau được mở rộng thêm thành chùa A Dục Vương, là sơn môn thứ 5 trong 5 sơn môn của Thiền Tông Trung Quốc.

Đời nhà Tống, chùa A Dục Vương là đạo tràng của Tông Lâm Tế. Các thiền sư Tông Cảo, Đức Quang, Sư Phạm v.v…đã lần lược đến truyền giáo tại đây qua một thời hưng thịnh.

Tham khảo: Phật Tổ Thống Kỷ quyển 36, 45, 47, 53. Pháp Uyển Châu Lâm quyển 38. A Dục Vương Tự Chí. A Dục Vương Tự v.v…

 IV-THÁP A DỤC

Sau khi quy y Tam Bảo, vua A Dục đã làm được rất nhiều Phật sự. Đến đâu nhà vua cũng cho xây dựng chùa tháp thờ xá lợi Phật và cúng dường chư tăng. Theo Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1 chép: Lúc bấy giờ có rất nhiều nước dưới quyền thống trị của vua A Dục. Nhà vua ra lệnh cho các nước ấy xây dựng nhiều chùa lớn và nhiều ngôi tháp báu.

Truyện A Dục Vương quyển 1 và kinh A Dục Vương quyển 1 chép: Vua A Dục nhờ tỳ kheo Hải mà biết việc Phật nói trước, liền đến thành Vương Xá lấy 4 thăng  xá lợi do vua A Xà Thế chôn và lấy hết xá lợi ở 6 chỗ khác, rồi làm vô số những họp báu, mỗi hộp đựng một viên xá lợi. Lại làm vô số lọ báu và nắp lọ, vô số xấp lụa, xây vô số tháp báu để thờ Xá Lợi Phật.

Truyện Cao Tăng Pháp Hiển và Đại Đường Tây Vực Ký v.v… cũng đều có nói về việc vua A Dục cho xây rất nhiều chùa tháp. Kinh Tạp Thí Dụ quyển thượng chép: Để cầu hết bệnh, vua A Dục đã cho xây 1200 ngôi chùa và mỗi ngày cúng dường vô số vị Tăng khiến cho ngoại đạo ganh ghét toan phá hoại Phật Pháp.

Các Kinh Điển nêu trên tuy nói có 1200 ngôi chùa hoặc nhiều lần nói đến con số 84000 chùa tháp v.v… nhưng những con số ấy chưa hẳn đã  đúng. Nhưng lòng nhiệt thành của nhà vua xây dựng rất nhiều chùa tháp và nhiều hoạt động hoằng truyền Phật Pháp đó là sự thật đã được minh chứng qua nhiều sách truyện và nhiều di tích để lại khắp nơi…

Rất tiếc vì đã trãi qua quá lâu đời nên những chùa tháp ấy hầu hết đều đã mai một. Ngôi tháp cổ tại Sanchi bên Ấn Độ có lẽ là một trong những chùa tháp do vua A Dục xây dựng. Nhưng điều nầy cũng chưa thể xác định đưọc! Khi các ngài Pháp Hiển, Huyền Trang đến Ấn Độ đã tìm thấy rất nhiều tháp do vua A Dục cho xây cất, điều nầy đã được ghi trong Đại Đường Tây Vực Ký và Cao Tăng Pháp Hiển Truyện…Xưa nay cũng có truyền thuyết cho rằng tháp của vua A Dục cũng được tìm thấy tại Trung Quốc và Nhật Bản…

Trong Quản Hoằng Minh Tập quyển 13 nêu ra 17 ngôi tháp ở huyện Mậu và cho đó là số tháp trong 84000 tháp của vua A Dục đã cho xây dựng. Sách Pháp Uyển Châu Lâm quyển 36 chép: Ở huyện Mậu có 21 ngôi tháp đều do vua A Dục cho xây cất. Ngoài ra sách Đường Đại Hòa Thượng Đông Chính Truyện của ngài Nguyên Khai cũng ghi chép giống như thế.

Nhưng lãnh thổ của vua A Dục chưa bao giờ mở rộng đến Trung Quốc. Do đó những ngôi tháp do nhà vua xây dựng còn được bảo trì tại Trung Quốc là điều không thể có. Sách Nguyên Hanh Thích Thư quyển 11 của Nhật Bản ghi: chùa tháp đá tại quận Sinh gần Giang Phố là một trong 84000 tháp Xá Lợi của vua A Dục cho xây cất tại đây. Nhưng có thuyết cho là đây là tháp do vua Ngô Việt Tiến Hoằng Thục xây dựng tại đây, vì lãnh thổ của vua A Dục làm gì có tới Nhật Bản!

Sách Phật Tổ Thống Kỷ quyển 43 chép, khoảng niên hiệu Kiến Long năm đầu (960 năm) đời Tống, vua Ngô Việt Tiễn Hoằng Thục ngưỡng mộ việc vua A Dục xây tháp,  bèn dùng vàng bạc và thép tốt làm 84000 tháp nhỏ, bên trong để Bảo Kiếp Ấn Tâm Chú, rồi đem thờ khắp trong nước. Khoảng 10 năm công việc mới được hoàn thành. Bấy giờ, có vị sư người Nhật là Nhật Diên đến Trung Quốc, đưa được vài cái trong số tháp ấy về Nhật Bản nên đời sau có người lầm tưởng đó là tháp do vua A Dục làm…

V-CHÙA A DỤC

1-CHÙA A DỤC TẠI ẤN ĐỘ

Chùa A Dục Asókãrãma (Sanskrit). Tức là chùa Kê Viên tại thành Ba Tra Li Tử nước Ma Yết Đà mền trung Ấn Độ. Chùa nầy do vua A Dục xây dựng nên Phật Giáo Nam Truyền gọi là chùa vua A Dục.

Tham khảo:  Đảo Sử Chương 7.

2-CHÙA CÓ TÊN A DỤC VƯƠNG TẠI TRUNG QUỐC

Chùa trên núi A Dục Vương, phía đông huyện Ngân thuộc tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc. Pháp Uyển Châu Lâm  quyển 38 chép: Năm Thái Khang thứ 2 (281 có thuyết nói năm thứ 3, hoặc niên hiệu Thái Thủy năm đầu), đời Vũ Dế nhà Tây Tấn, có người xứ Li Thạch thuộc Tinh Châu, tên là Lưu Tát Ha , trong lúc mơ màn thấy một vị tăng người Ấn Độ bảo tội mình nặng, sẽ đọa vào địa ngục, phải đến Cối Kê lễ tháp A Dục Vương, để sám hối các tội lỗi.

Sau khi tỉnh dậy ông liền xuất gia, đổi tên là Tuệ Đạt. Ông đến Cối Kê huyện Mâu tìm tháp, nhưng tìm khắp nơi mà không thấy nên rất phiền muộn, buồn bã. Một đêm bỗng nghe từ dưới đất có tiếng chuông vọng lên. Ba ngày sau thì có tháp báu và Xá Lợi xuất hiện. Tháp nầy không phải bằng vàng ngọc đồng sắt, cũng không phải bằng đất đá;  có màu đen nhánh, chạm trổ khác thường, bốn mặt khắc 4 cảnh: Cảnh Vương Tử Tát Đỏa, cảnh cho mắt, cảnh bỏ não, cảnh cứu chim câu v.v…Phía trên không có nắp tháp (hình tròn giống như cái mâm), bên trong treo chuông. Tuệ Đạt liền cất tịnh xá ở chỗ ấy để cúng dường tháp và lễ bái sám hối. Đó là nguồn gốc của điện Xá Lợi trên núi A Dục Vương.

Năm 405 niên hiệu nghĩa Hi năm đầu, vua An Đế nhà Đông Tấn ra sắc chỉ xây tháp, đình và thiền đường, thỉnh chư tăng trụ trì gìn giữ. Năm 425 niên hiệu Nguyên Gia thứ 2, đời lưu Tống, ngài Đạo Hựu vâng mệnh vua sửa sang chùa nầy và xây thêm 3 tầng tháp.

Năm 522 năm Phổ Thông thứ 3, vua Vũ nhà Lương xuống lệnh xây cất điện nhà, phòng xá, hành lang, bang biển hiệu A Dục Vương Tự. Về sau chùa nầy đều được các vua Giản Văn Đế, Trần Tuyên Đế, Đường Trung Tông, Đường Tuyên Tông, Đường Ý Tông và Thế Tông nhà Hậu Chu kính ngưỡng.

Đây là chùa thuộc về Luật Tông, nhưng từ khi vua Chân Tông nhà Tống ban hiệu Quảng Lợi Thiền Tự thì chùa trở thành Thiền Viện của công cọng. Thời vua Anh Tông, ngài Đại Giác Hoài Liễn trụ trì chùa nầy, phát huy tông phong. Sau đó các thiền sư Tông Cáo, Giới Thẩm, Đức Quang, Sư Phạm v.v…lần lược đến đây truyền Pháp nên đạo tràng Lâm Tế hưng thịnh một thời.

Năm 1382 Năm Hồng Vũ đời nhà Minh, chùa nầy được sửa lại và đổi tên thành A Dục Vương Thiền Tự, là sơn môn thứ 5 trong 5 sơn môn của Thiền Tông Trung Quốc. Hiện nay còn điện Xá Lợi, điện Thiên Vương, Đại Hùng Bảo Điện v.v…Điện Xá Lợi có khắc bia gác Thần Khuê, bài minh suối Diệu Hỉ, và bia ruộng thường trụ chùa A Dục Vương khắc vào Đời Đường…

Ở những địa phương Qua Châu, Thanh Châu, huyện Bồ Phản tỉnh Hà Đông, Tinh Châu v.v…cũng có chùa tên A Dục Vương.

Tham khảo: Lương Cao Tăng Truyện quyển 13. Pháp Uyển Châu Lâm quyển 31. Thích Thị Kệ Tổ Lược quyển 4. Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành Chức Phương Điển 979. V.v…

VI-TRUYỆN VỀ VUA A DỤC

Truyện về vua A Dục gồm 7 quyển, do ngài An Pháp Khâm đời Tây Tấn Dịch, được in vào Đại Chánh Tạng tập 50. Sách nầy ghi lại sự tích của vua A Dục và nhân duyên của các Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, Ưu Ba Cúc Đa v.v…có tất cả 11 phẩm:

1-    Bản Thí Thổ duyên

2-    A Dục Vương Bản Duyên truyện

3-    A Thứ Già Vương đệ bản duyên

4-    Câu La Na bản duyên

5-    Bán Am La Quả nhân duyên

6-    Ưu Ba Cúc Đa nhân duyên

7-    Ma Ha Ca Diếp Niết Bàn nhân duyên

8-    Ma Điền Đề nhân duyên

9-    Thương Na Hòa Tu nhân duyên

10-                       10-Ưu Ba Cúc Đa nhân duyên

11-                       11-A Dục Vương hiện báo nhân duyên

Bản dịch khác của tập truyện nầy là: Kinh A Dục Vương 10 quyển được in vào Đại Chánh Tạng tập 50, do Ngài Tăng Già Bà La dịch vào đời Lương, gồm có 8 phẩm:

1-    Sinh nhân duyên

2-    Kiến Ưu Ba Cấp Đa nhân duyên

3-    Cúng Dường Bồ Đề Thụ nhân duyên

4-    Cưu Na La nhân duyên

5-    Bán Am Ma Lặc Thí Tăng nhân duyên

6-    Phật Ký Ưu Ba Cấp Đa nhân duyên

7-     Phật Đệ Tử Ngũ Nhân Truyền Thụ Pháp Tạng nhân duyên

8-    Ưu Ba Cấp Đa Đệ Tử nhân duyên

Trong đây, bốn phẩm 1,2,5,10 trong truyện A Dục Vương là cùng bản với chương 26 đến chương 29 trong bản Sanskrit : Divyãvadãna (do E.B.Cowell, R.A. Neil v.v…xuất bản vào năm 1886) và quyển 23, 25 trong kinh Tạp A Hàm. Phẩm Cưu Ma Na nhân duyên tương đương với bản dịch Tây Tạng Ku-na-lahi rtogs-pa-brjod-pa. Ngoài ra, học giả người Pháp E. Burnouf dịch bộ phận ghi chép truyện vua A Dục trong Divyãvadãna ra tiếng Pháp vào năm 1845  và in chung trong tác phẩm Ấn Độ Phật Giáo Sử Tự Luận (Introduction à l’histoire du Bouddhisme Indien) của ông . Còn L. Feer thì dịch A Dục Vương truyền thuyết bản Tây Tạng ra tiếng Pháp, đề là Légende du roi Asóka (A Dục Vương Truyền Thuyết), ấn hành tại Paris năm 1865.

Ngoài Divyãvadãna  nói trên còn có bản tiếng Sanskrit  nữa là Asókavadãna, được R.Mitra (người Anh) dịch đại ý trong tác phẩm Nepalese Budhist Literature (Văn Học Phật Giáo Nepal)  của ông vào năm 1882.

Tham khảo: Xuất Tam Tạng Ký Tập quyển 2. Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 2,6. Phật Giáo Sử Địa Khảo Luận (Ấn Thuận, Diệu Vân tập hạ biên 9 đệ tam). V.v…

 VII-KẾT TẬP KINH ĐIỂN VÀ VUA A DỤC

Kết tập, tiếng Phạn, Pali: Samgĩti. Cũng gọi là Tập Pháp, Tập  Pháp Tạng, Kết Tập Kinh, Kinh Điển Kết Tập, Hợp Tụng  v.v… Tức là các vị Tỳ Kheo cùng tụ họp ở một nơi để đọc tụng, chỉnh lý và biên tập những lời dạy của Đức Phật sau khi Ngài Nhập Niết Bàn, nhằm xác định giáo quyền và phòng ngừa giáo pháp lâu ngày bị tán thất, gọi là Kết Tập.

1-LẦN KẾT TẬP THỨ NHẤT

Lần thứ nhất nầy được gọi là 500 kết tập, 500 Tập Pháp, 500 xuất.

Ngay năm Đức Phật Nhập Niết Bàn, dưới sự bảo hộ của vua A Xà Thế, 500 vị A La Hán tập họp trong Hang Thất Diệp, ở vùng ngoại ô thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, tôn ngài Ma Ha Ca Diếp làm Thượng Thủ, cử hành kết tập Kinh Điển lần thứ nhất.

Theo Luật Ngũ Phần quyển 30 và Luật Ma Ha Tăng Kỳ quyển 32, thì trong lần kết tập nầy ngài A Nan tụng Kinh (Tu Đa La hay Pháp Tạng). Ngài Ưu Ba Li tụng Luật (Tỳ Ni Tạng). Sau đó, các bậc trưỡng lão xem xét chỉnh lý rồi biên tập thành các Kinh, Luật.

Thuyết nầy được các nhà sử học cho là tương đối đáng tin. Ngoài ra còn có các thuyết như sau:

a-BA TẠNG KẾT TẬP

Kinh, Luật, Luận. Theo Luận Tứ Phần, quyển 54, Luật Thập Tụng quyển 60 và Luận Đại Trí Độ quyển 2, thì ngài A Nan tụng  Kinh, Luận (A Tỳ Đàm), ngài Ưu Ba Li tụng Luật. Còn theo Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện quyển 1, thì cho rằng ngài A Nan tụng Kinh, ngài Ưu Ba Li tụng Luật, ngài Ca Diếp tụng Luận.

Nhưng theo các bộ Ca Diếp Kết Sinh, Soạn Tập Tam Tạng và Tạp Tạng Truyện v.v… thì nói cả 3 tạng đều do ngài A Nan tụng ra.

b-NĂM TẠNG KẾT TẬP

Kinh, Luật, Luận, Tạp Tập, Cấm Chú. Theo Đại Đường Tây Vực Ký, quyển  9 và Bộ Chấp Dị Luận Sớ, thì ngài Ca Diếp triệu tập 500 vị A La Hán cử hành Kết Tập lần thứ nhất. Còn có vài trăm ngàn người suy tôn ngài Bà Sư Ba làm Thượng Thủ cử hành kết tập 5 tạng, gọi là Quật Ngoại Kết Tập, Đại Chúng Bộ Kết Tập để phân biệt với Quật Nội Kết Tập, Thượng Tọa Bộ Kết Tập của ngài Ca Diếp.

Nhưng đối với thuyết nầy, ý kiến giữa các học giả không giống nhau. Có người cho rằng thuyết nầy có lẽ đã do chúng tăng Thượng Tọa Bộ hư cấu ra sau khi các bộ phái phân hóa, cho nên không thừa nhận.

c-KINH ĐẠI THỪA KẾT TẬP

Theo phẩm Xuất Kinh trong Kinh Bồ Tát Xử Thai quyển 7, thì Tôn Giả Ca Diếp phân công cho ngài A Nan tụng các tạng Bồ Tát, Thanh Văn, Giới Luật v.v…gồm tất cả 8 Tạng là: Thai Hóa Tạng, Trung Ấm Tạng, Ma Ha Diễn Phương Đẳng Tạng, Giới Luật Tạng, Thập Trụ Bồ Tát Tạng, Tạp Tạng, Kim Cương Tạng và Phật Tạng.

Ngoài ra theo Đại Trí  Độ Luận quyển 100 và Luận Kim Cương Tiên, quyển 1, thì đồng thời với ngài Ca Diếp kết tập 3 tạng Tiểu Thừa ở núi Kỳ Xà Quật, các ngài Văn Thù, Di Lặc và A Nan cũng cùng nhau kết tập kinh điển Đại Thừa ở núi Thiết Vy, gọi là Thiết Vy Sơn Đại Thừa Kết tập. Nhưng đây có lẽ là truyền thuyết sau khi Phật Giáo Đại Thừa hưng khởi.

2-LẦN KẾT TẬP THỨ HAI

Lần nầy được gọi là 700 Kết Tập, 700 Tập Pháp, Đệ Nhị Tập Pháp Tạng, Đệ Nhị Tập.

Lần kết tập nầy lấy Luật Tạng làm chính, xác định 10 việc mà các tỳ kheo thuộc chủng tộc Bạt Kỳ thực hành là trái phép.

3-LẦN KẾT TẬP THỨ BA

DO VUA A DỤC HỘ TRÌ

Năm thứ 236 sau khi đức Phật nhập Niết  Bàn, 1000 vị tỳ kheo nhóm họp tại thành Hoa Thị, nước Ma Kiệt Đà, tôn ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu làm Thượng Thủ, tiến hành kết tập Kinh Điển lần thứ 3.

Lần kết tập nầy lấy 3 tạng Kinh, Luật, Luận làm chính. Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu tự soạn bộ Luận Sư để phê bình và bác bỏ những dị nghị tà thuyết của ngoại đạo đương thời.

Sau khi kết tập, một số vị tỳ kheo đã được đại hội lựa chọn và phái đến những địa khu ngoài lưu vược sông Hằng và ngoài biên thùy Ấn Độ để truyền bá Phật Pháp.

Lần kết tập thứ nhất và thứ hai đều được lưu truyền ở cả phương Bắc và phương Nam. Nhưng lần kết tập thứ ba nầy chỉ được lưu truyền ở phương Nam mà thội.

4-LẦN KẾT TẬP THỨ TƯ

Lần nầy có cả 2 thuyết Bắc Truyền và nam Truyền.

a-BẮC TRUYỀN PHẬT GIÁO

Bắc Truyền Phật Giáo có 2 thuyết:

a/1-SAU PHẬT NHẬP NIẾT BÀN 400 NĂM

Sách Đại Đường Tây Vực Ký quyển 3 chép: Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn 400 năm dưới sự hộ trì của vua Ca Nị Sắc Ca (Phạn: Kaniska), 500 vị tỳ kheo nhóm họp tại nước Ca Thấp Di La (Phạn: Kásmir, tức là Kế Đàn) suy tôn ngài Hiếp Tôn Giả (Phạn: Pársva) và Thế Hửu (Phạn: Vasumitra) làm Thượng Thủ, tạo luận giải thích 3 Tạng.

Luận Ô Ba Đệ Thước, 10 vạn bài tụng được biên soạn, giải thích tạng Tố Đát Lãm (tạng Kinh). Tiếp theo, soạn luận Tỳ Nại Da Tỳ Bà Sa 10 vạn bài tụng giải thích Tỳ Nại Da (tạng Luật). Sau cùng, soạn luận A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa, 10 vạn tụng, giải thích A Tỳ Đạt Ma (tạng Luận).

Tất cả gồm có 30 vạn bài tụng, 960 vạn chử. Vua Ca Nị Sắc Ca cho cán mỏng đồng đỏ thành từng lá để khắc các bộ luận nói trên, xong cất trong hòm đá và xây tháp để thờ.   

a/2-SAU PHẬT NHẬP NIẾT BÀN 500 NĂM

Theo sách Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện chép: Sau khi Phật Nhập Niết Bàn 500, ngài Ca Chiên Diên thuộc Thuyết Nhất Thiết Hửu Bộ đến nước Kế Tân ở Tây Bắc Ấn Độ, triệu tập 500 vị A La Hán và 500 vị Bồ Tát tiến hành kết tập. Bồ Tát Mã Minh ghi chép và soạn thành Thuyết Nhất Thiết Hửu Bộ A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa (tức luận Đại Tỳ Bà Sa) gồm 100 vạn bài tụng.

Theo hai thuyết kể trên, thuyết của sách Đại Đường Tây Vực Ký đáng tin hơn. Tuy nhiên, Phật Giáo Nam Truyền thì hoài nghi.
b-NAM TRUYỀN THƯỢNG TỌA BỘ PHẬT GIÁO

Theo Đại Sử v.v…  thì cuộc kết tập lần thứ tư được cử hành trong động A Lô Ca (chùa A Lô) ở thôn Mã Đặc Liệt tại nước Tích Lan vào thời vua Bà Tha Già Mã Ni (Pãli: Vạttagãmanị), do đại Thượng Tọa La Hi Đa chủ trì, có 500 vị tỳ kheo tham dự. Trong hội đã tụng 3 Tạng của Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, sửa chữa các sách chú thích về 3 Tạng, sắp đặc lại thứ tự Kinh Điển, viết thành Bộ Tam Tạng đầu tiên bằng tiếng Pãli và các bản chú thích bằng tiếng Tăng Già La (Sinhalese, tiếng Tích Lan).

5-LẦN KẾT TẬP THỨ NĂM

Theo Chương thứ 6 trong Giáo Sử tiếng Pãli và lịch sử Miến Điện thì  vào năm 1871 vua Miến Điện là Mẫn Đông (Mindon, tại vị 1853 – 1878) đã triệu tập 2400 vị cao tăng, cử hành kết tập 3 Tạng lần thứ 5 ở thủ đô Mạn Đức Lặc (Mandalay).

Kết Tập lần nầy lấy Tạng Luật làm chủ yếu, hiệu đính đối chiếu chỗ đồng dị trong nguyên văn thánh điển. Cùng nhau hợp tụng suốt 5 tháng trời mới hoàn thành. Đem toàn bộ văn tự của 3 Tạng đã kết tập khắc trên 729 phiến đá hoa đại lý hình vuông, dựng trong chùa tháp Câu Tha Đà (Kuthodaw) ở chân núi Mạn Đức Lặc, phía ngoài có 45 ngôi tháp Phật vây quanh, hiện nay vẫn còn ở cố đô Mạn Đức Lặc.


6-LẦN KẾT TẬP THỨ 6

Ngày 17-5-1954, tức ngày lễ Phật Đản (Vesãkha Day, ngày Phật Giáo Thế Giới), dưới sự giúp đở của nhà nước, Phật Giáo Miến Điện cử hành kết tập lần thứ 6.

Nội dung cuộc kết tập nầy là đoàn kết Phật Giáo Đồ, đẩy mạnh sự phát triển Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, đề cao địa vị của nước Miến Điện dộc lập.

Địa điểm kết tập là trên sườn núi  Nghệ Cố thuộc vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Ngưỡng Quang (Rangoon) cuả Miến Điện, được kiến trúc phỏng theo hang Thất Diệp nơi cử hành kết tập lần thứ nhất tại Ấn Độ.

Lần kết tập nầy lấy văn bản được khắc trên 729 phiến đá hoa đại lý của lần kết tập thứ 5 làm chỗ y cứ. Đồng thời sử dụng tất cả các loại bản in tiếng Pãli của Hiệp Hội Thánh Điển Pãli ở Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Luân Đôn và Miến Điện để khảo đính một cách rõ ràng tỉ mỉ.

Sau khi kết tập hoàn thành, toàn bộ văn bản được in ấn để lưu hành.

Trong lần kết tập nầy, ngoài chư vị tỳ kheo thuộc các nước Phật Giáo Nam Truyền, các vị Tỳ Kheo của cả Phật Giáo Bắc Truyền cũng được mời tham dự, ròng rã hơn 2 năm, đến ngày lễ Visãkha năm 1956 (Phật Lịch 2500) mới hoàn thành.

Tham khảo: Kinh Phật Ban Nê Hoàn, quyển hạ. Kinh Phúc Cái Chính Hạnh Sở Tập, quyển 3. Cao Tăng Pháp Hiển Truyện. Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, quyển 2. Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký, quyển Trung. Nguyên Thủy Phật Giáo Thánh Điển Chi Tập Thành (Ấn Thuận). A Tỳ Đạt Ma Luận Nghiên Cứu. Thập Sự Phi Pháp v.v…

 

Lâm Như-Tạng

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com