'Vũ khí bí mật'
giúp Đức Đạt Lai Lạt Ma khỏe mạnh
Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, quá kiểu cách chẳng khác nào tự trừng phạt và điều con người nên làm để khỏe mạnh cả về tâm trí lẫn thể xác là cười chân thành.
Nếu đảm nhận vai trò nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân, bị giám sát bởi đội ngũ vệ sĩ và cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, hẳn khuôn mặt bạn sẽ hằn sâu dấu vết mệt mỏi, áp lực. Thế nhưng, khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, bạn sẽ thấy Ngài ngập tràn niềm vui. Nhờ tính hài hước, Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm niềm vui ở tất cả mọi thứ, tất cả mọi người. Đó là cách Ngài chiếm được cảm tình đám đông, cũng là thứ Ngài tin rằng bất cứ ai cũng nên học để cuộc sống thêm khỏe mạnh, tốt đẹp.
Tháng 12/2016, Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì một hội nghị tại ngôi đền Mundgod (Ấn Độ). Hội nghị quy tụ hàng nghìn tu sĩ, các nhà khoa học nổi tiếng thế giới và những người quan tâm. Ai nấy đều vô cùng nghiêm túc, họ đợi trong đền và trò chuyện rất nhỏ.
Một giọng nói lớn vang lên, báo hiệu nhà lãnh đạo tinh thần chuẩn bị xuất hiện. Cả ngôi chùa im bặt, mọi người ngồi thẳng dậy. Thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma đi vào, đám đông đứng dậy và vỗ tay hoan nghênh, một số quỳ rạp trên đất. Bước chậm rãi, Đức Đạt Lai Lạt Ma cười lớn và vẫy tay chào.
Bầu im lặng tiếp tục bao trùm như mong chờ Đức Đạt Lai Lạt Ma mở lời. Thế nhưng, thay vì cầu nguyện hay bàn về những chủ đề nghiêm túc, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho đây là thời điểm thích hợp để lau trán. Ngài lấy khăn lau rồi để nó ngay trên đầu như một chiếc mũ suốt một giờ đồng hồ.
"Chiếc mũ" hài hước trên đầu Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh: CNN. |
Sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma với lọ thủy tinh đựng kẹo trên bàn. "Đây không phài đồ trang trí đâu", Ngài nói đùa rồi đưa kẹo bỏ vào miệng. Hành động của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chốc lát khiến đám đông nghiêm nghị cười lớn, không khí ấm áp hơn hẳn ban đầu.
"Khi Ngài cười, tôi thấy mọi người cũng cười. Nụ cười thật dễ lây nhiễm", bác sĩ Sanjay Gupta từ đài CNN phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma sau sự kiện. Ngài đáp: "Về cơ bản, chúng ta là động vật xã hội. Chúng ta cần bạn bè mà để phát triển tình bạn chân thành, lòng tin vô cùng cần thiết. Muốn tin, bạn cần cho họ thấy sự tôn trọng, yêu thương chân thành. Tôi nghĩ biểu hiện cả tình cảm ấm áp chính là nụ cười chân thành".
Được hỏi về lý do đội chiếc khăn lau lên đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận mình bị nóng song còn một nguyên nhân sâu sắc hơn. Ngài tâm niệm các nhà lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo tinh thần, rất nên "hành động như một con người" và sống vui tươi.
"Thông thường mọi người quá kiểu cách. Chẳng khác nào tự tra tấn", Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận định. Muốn khỏe mạnh hạnh phúc, điều quan trọng là để bản thân được thoải mái, tìm thấy niềm vui trong đời.
Nụ cười chính là vũ khí bí mật của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh: mrdata.ru. |
Khoa học đã chứng minh nụ cười cùng khả năng hài hước vô cùng hữu ích cho sức khỏe. Nếu vui vẻ, con người không chỉ giảm căng thẳng cho bản thân mà cho cả cộng đồng xung quanh, tăng cường khả năng quan sát, dễ thông cảm, bớt nhàm chán, nâng cao trí thức, thêm bạn bè và hạnh phúc hơn. Chưa hết, nụ cười cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ miễn dịch, kiểm soát đường huyết, giúp ngủ ngon, đốt calo.
Dù cuộc sống khó khăn đến mức nào, cách tư duy tích cực cũng đem lại cho bạn những điều sâu sắc. "Chỉ suy nghĩ trên khía cạnh tích cực không những không giúp tìm ra giải pháp mà còn phá hủy sự yên bình của tâm trí", Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Tôi yêu những nụ cười và mong ước của tôi là được ngắm nhìn thật nhiều nụ cười chân thành".
Minh Nguyên
vnexpress.net
Muốn có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên con người từ bi với chính mình, dành thời gian suy nghĩ và sống như một đứa trẻ.
Trả lời phỏng vấn CNN, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra 5 lời khuyên để mỗi cá nhân sống hạnh phúc, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm trí cho dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào.
Bắt đầu từ chính mình
Bước đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh là tập trung vào lòng từ bi. Nhân loại sẽ hạnh phúc hơn nếu hiểu thêm và chấp nhận con người mình, từ điểm tốt tới điểm xấu. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Hạnh phúc chủ yếu phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của chính bạn. Nếu luôn là một người trung thực, đáng tin về mặt cảm xúc, bạn có thể tìm thấy hạnh phúc cho dù xung quanh có xảy ra vấn đề gì".
Ở đây, lòng từ bi không chỉ hướng ra ngoài mà còn dành cho bản thân. Từ bi với người khác nghĩa là nhận ra và tôn trọng nỗi đau của họ. Theo các nhà tâm lý học, hành động này làm nảy sinh sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc của bạn dành cho người đó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng từ bi chính là |
Từ bi với chính mình là tử tế với bản thân ngay giữa lúc rối bời hay đau đớn về mặt tinh thần. Phó giáo sư tâm lý học giáo dục Kristin Neff tại Đại học Texas (Mỹ) giải thích lòng từ bi này khác hẳn với tự thương hại. Thay vì day lại nỗi đau và tự chỉ trích một cách cay nghiệt, bạn nhìn những thứ đã qua như một phần của kinh nghiệm nhân loại đồng thời giữ mọi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực trong chánh niệm chứ không đồng nhất với chúng.
Tuy thường bị bỏ quên, lòng từ bi với chính mình vô cùng quan trọng. Nó khiến lòng từ bi với người khác trở nên dễ dàng, bền vững. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng càng ít chỉ trích bản thân, con người càng khỏe mạnh và rất nhiều nghiên cứu đã công nhận lời răn dạy này.
Dành thời gian suy nghĩ
Bạn sẽ dễ dàng xây dựng lòng từ bi với bản thân hơn nếu dành thời gian suy nghĩ về những gì đã trải nghiệm. Đức Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày đều dậy từ 3h sáng và thiền 5 tiếng đồng hồ.
Tất nhiên, bạn có lẽ không thể ngồi thiền 5 giờ nhưng chỉ 10 phút cũng vô cùng hữu ích cho quá trình tư duy. Khoa học chỉ ra thiền tác động đến não, giúp đối phó với stress hiệu quả và thúc đẩy sự đồng cảm. Thiền lâu hơn khoảng 20 phút sẽ cải thiện tâm trạng, khả năng chú ý, trí nhớ.
Để cơn giận ra đi
Đừng bao giờ để cơn giận chiếm ưu thế trong suy nghĩ của bạn vì nó có thể dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, ăn vô độ, bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong sớm. Muốn xua tan cơn giận và nâng cao sức khỏe, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên mỗi người giữ lòng từ bi trong tâm trí đồng thời ở gần những người từ bi khác.
Tiếp xúc với các giáo viên Tây Tạng suốt nhiều năm qua, phó giáo sư Neff rất ấn tượng bởi dù phải sống như người tị nạn, họ vẫn rất hạnh phúc. "Họ không chối bỏ nỗi đau mà cởi mở, giữ lấy chúng bằng tình yêu và lòng từ bi", phó giáo sư lý giải.
Giúp đỡ người khác
Chìa khóa khác dẫn đến hạnh phúc, theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, là cố gắng giúp đỡ người khác: "Nếu có thể giúp đỡ người khác, dù rơi vào hoàn cảnh nào, bạn vẫn tự tin và giữ được hạnh phúc".
Sự giúp đỡ có thể bằng hình thức hoạt động tình nguyện. Bạn sẽ gắn kết hơn với xã hội, bớt cô đơn, hạn chế nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, bạn cũng chăm vận động hơn nhờ đó bảo vệ huyết áp, tăng tuổi thọ.
Đơn giản hơn, bạn hãy lắng nghe ai đó tâm sự lúc buồn bã. Không chỉ hữu ích cho đối phương, bạn còn đỡ căng thẳng và trở nên hạnh phúc.
Sống như một đứa trẻ
Lời dạy cuối cùng để đạt được cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma là sống như một đứa trẻ. Ngài quan niệm trẻ em rất thành thật và chấp nhận người khác không chút phán xét. "Chúng không quan tâm đến tôn giáo, quốc tịch hay xuất thân. Bản chất con người chính là từ bi".
Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn nở nụ cười vui vẻ. Ảnh: The Malcolm Auld Blog. |
Dù con người dễ bị che lấp bởi tính cạnh tranh và chủ nghĩa duy vật, Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng những cảm xúc đó đều có thể quay về nếu bạn vui tươi. Vì vậy, Ngài luôn nở nụ cười kể cả khi bàn về các vấn đề nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra người trưởng thành thường hình thành mối quan hệ tích cực và hài lòng hơn về cuộc sống nếu giữ thái độ lạc quan. Hơn thế, họ còn có xu hướng khỏe mạnh và ít lo âu.
Xem xét những lời răn dạy trên đây sẽ đem đến cho bạn sự khác biệt. "Hãy cố gắng vì một khi cố gắng, kết quả sẽ tới", Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm gọn. "Bạn sẽ hài lòng và hạnh phúc".
Minh Nguyên
vnexpress.net
Mô Phật