Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Thiền Sư Thanh Đàm

17/07/201520:19(Xem: 4543)
10. Thiền Sư Thanh Đàm
THIỀN SƯ VÀ TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ 
Như Hùng
Chân Nguyên xuất bản 1987

Thiền Sư
THANH ĐÀM

1. Hành trình tìm đến Giác Ngộ 
2. Tác phẩm Pháp Hoa Đề Cương
3. Công án tham cứu về chân tâm của Thanh Đàm


I. HÀNH TRÌNH TÌM ĐẾN GIÁC NGỘ

Thiền Sư Thanh Đàm một trong những danh tăng đời Nguyễn. Ngài xuất gia tu học với Thiền Sư Đạo Nguyên vào năm 1807. (Đạo Nguyên Thiền Sư lúc bấy giờ đang chủ trì Thiền Viện Nguyệt Quang một tổ đình của môn phái Chân Nguyên)
Một hôm Thanh Đàm hỏi Thiền Sư Đạo Nguyên 

- Tâm không phải ở trong thân, cũng không phải ở ngoài thân, cũng không phải ở chặng giữa. Vậy tâm rốt cuộc nằm ở đâu ?
Đạo Nguyên mỉm cười và trao cho ông bài kệ:

Ứng dụng theo thời
Gặp vật thấy cơ
Chân tính như như
Trong ngoài chẳng nệ.
(Tùy thời ứng dụng
Ngộ vật kiến cơ
Tính bản như như
Hà quan nội ngoại)

Cả cuộc đời của Thanh Đàm tựu thành được giác ngộ cũng nhờ vào đề án tham cứu nầy. Ngay từ đầu Thanh Đàm đã không rơi vào trường hợp như ngài A Nan là phải đi hết chặng đường chấp tâm ở trong ngoài, trên giữa thân. Tra vấn mạnh nhất của Thanh Đàm là tâm nằm ở đâu? Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật hiển lộ cho ngài A Nan về chân tính thường còn, không thể y cứ vào một căn tính mà có thể cho đó là tâm, không khởi lên phân biệt chấp trước vào đâu, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm.

Đề cập về Tâm là đề cập đến một cấu trúc qua nhiều giai tầng và phức tạp nhất. Nhưng nó là then chốt quan trọng, yếu tính quyết định tối hậu trong việc đạt được giác ngộ. Nếu không nắm chắc được nó là cái gì thì khó mà tựu thành được sự nghiệp giải thoát. Dĩ nhiên không thể dùng suy luận mà có thể lý giải được tâm, hình như nó mênh mang không nằm trong tiêu đề hay định lý của quan niệm. Nếu dùng suy luận thì vô tình nhốt kín nó vào khuôn khổ đã được bao bọc bằng thứ định lý hẳn chắc không giúp được gì cho tiến trình vượt thoát. Đồng ý là chúng ta phải có khái niệm về nó, nhưng không có nghĩa y vào khái niệm nầy mà ta quả quyết đó là tâm. Nhưng nếu tách rời ra khỏi quan niệm thì chúng ta mù mờ trước những mênh mang diệu dụng của tâm. Con đường để đạt đến giác ngộ, trước hết phải khơi dậy cái linh năng tri giác, quật tung làm hiển nở bản tâm thanh tịnh của mỗi người.

Cũng một cái tâm nầy, mà chúng ta điên đảo tử sinh và cũng chính cái tâm nầy ta mới vượt thoát được sống chết. Hình ảnh của Huệ Khả trong bao năm trời dong ruổi không biết làm thế nào để đạt được sự an tâm. Khi gặp Bồ Đề Đạt Ma ngài thưa: “Tâm con chưa an xin thầy an cho”. Bồ Đề Đạt Ma đáp “Đem tâm ngươi ra đây ta an cho” Huệ Khả ngập ngừng lưỡng lự sau một phút rồi thưa: “Con tìm mãi nhiều năm mà không thấy” Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.” Huệ Khả bừng giác ngộ sau khi nhận được sự tương hợp với Bồ Đề Đạt Ma.

Bàn về Tâm nhiều học giả Phật giáo y vào những cách giản dị và minh bạch nhất, mô tả tâm có ba phương cách thứ lớp. Phương diện thứ nhất thể hiện về mặt ngoài, hoạt động gọi là “Dụng” bao hàm những tác động của cả Tám Thức và chức năng như tình cảm trừu tượng yêu, ghét, dục vọng, lý trí, tưởng tượng, ký ức, hoài cảm v.v… đây là điều hẳn nhiên mà trong chúng ta ai cũng có thể trực tiếp thể nghiệm và cảm nhận điều nầy. Nếu có cái nhìn đúng mức ta sẽ nắm được hay có được một ý niệm cụ thể trong những tiến trình hưng khởi của nó. Nếu một ý niệm về trừu tượng khởi lên, chăm chú ta sẽ thấy cái biến động của tâm dẫn dắt ý thức của ta theo một chức năng khác, nhìn kỹ ta có thể tìm ra những ngõ ngách để thấy mức độ biến hiện của nó theo những cảm năng khác nhau. Nếu chúng ta bén gót theo từng ngõ ngách và phong tỏa tất cả những động tác, đó cũng có thể là cách thức trắc nghiệm đúng mức về nó vậy.

Phương diện thứ nhì là “tướng” còn gọi là bản chất hay hình thể. Đó có nghĩa là tự thức. Tự thức có nghĩa là ý thức được những biến động hưng khởi của ý thức. Ý thức một cách minh mẫn sáng suốt không còn năng tri, sở tri, không còn có ý thức và bị ý thức, không còn có khuynh hướng của nhị nguyên, mà phải hợp nhất trở thành một thể độc nhất trong mọi cảm quan. Đề cập đến tự thức là đề cập đến bản chất của Tâm, đây không phải là những tác động do sự sai sửa của tri thức khơi lên sự vọng động không thật, nhưng là cái tri thức ở những giá trị đích thực của nó. Khi một tâm thức đã được mở rộng không còn nằm trong giới hạn của những ý thức sai biệt, kẻ này có thể thong dong và không bị ngăn ngại bởi những sai sử hạn cuộc. Kiểm soát tâm ý một cách tự nhiên trong sự minh mẫn trong sáng, hoàn toàn của tâm linh chiếu rọi, soi sáng hành trình đập phá tan hoang những trì trệ do vô minh chủ động. Làm chủ và phát động tâm thức theo bản chất ngàn năm vốn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, đó là, bộ mặt nghìn đời, bản lai diện mục của chính mình. Dĩ nhiên dây chưa phải là cứu cánh tuyệt đối trong hành trình chiêm nghiệm được tự thể, vẫn còn nằm ở bờ bên này của giải thoát chứ chưa thật sự bước vào ngôi nhà tịch nhiên, đây chỉ là con đường dẫn ta đến bến bờ, chứ chưa phải là lộ trình hoàn tất được sự nghiệp. Nếu không khéo chúng ta sẽ lạc lối. Với Thiền, Ngộ là chặt đứt và tiêu diệt chặng đường đưa ta đi đến giải thoát, cần nhất là phải “đạt ý quên lời” “được cá quên nơm” dùng bè để qua sông tới bờ bên kia đâu cần bè nữa. 

Điểm mấu chốt nhất vượt qua tất cả những sự chấp trước, không bị ngăn ngại chính cái chiếu diệu biến hiện, phải đạt đến cái Tâm điểm cuối cùng, hoàn toàn của Tâm, đó là cái “không”, hoàn toàn tự do, hoàn toàn vô sự sáng tỏ. Cái tính không, trạm viên, sáng tỏ, linh năng, trống rỗng nhưng năng động là “Thể” của Tâm ! Đây không phải là cái thể thuần nhất hay cụ thể và cái không này không có nghĩa hư không, trống rỗng. Lại càng không có nghĩa phủ nhận tính chất của nó. Đây có thể là biểu hiện nay biểu thị về cái tính của các pháp. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” biểu thị về hình tướng cũng có thể là không hay ngược lại, nếu dùng quan niệm của ý thức hay dùng ngữ ngôn để diễn tả ta sẽ rơi vào sai biệt. Chỉ có sự cảm nhận vượt ra ngoài khuôn mẫu và tác động may ra ta mới thể nghiệm được cái hoàn toàn tự do của Tâm.

Dĩ nhiên những hé mở về 3 phương diện đó, chỉ nhằm cho ta một khái niệm, đơn thuần chứ thật ra Tâm vượt ra ngoài tất cả, không một ngữ ngôn nào có thể diễn tả trọn vẹn được nó. Nó bao trùm khắp sơn hà đại địa không nơi nào là không có nó. Là cái toàn thể rộng lớn, ý thức con người làm sao có được một quan niệm đúng mức trong đó. Nó là cái chiếu diệu thường hằng bất khả luận bàn. Kinh điển Bát Nhã thường hay cảnh giác:

Ngôn ngữ đã dứt
Tâm hành cũng xong
Thấm nhuần an lạc
Tự tâm tịch tĩnh

Bài kệ Đạo Nguyên trao cho Thanh Đàm có ảnh hưởng trực tiếp tới câu hỏi Thanh Đàm đã đặt ra như thế nào? “Ứng dụng theo thời, gặp vật thấy cơ” mà Đạo Nguyên đề cập đến, phải chăng duyên theo những biến hiện của dòng tâm để khơi dậy cơ duyên thực ngộ? Và phải chăng cái dụng đúng mức nào đó sẽ là nhịp cầu trao gởi giữa những đối tượng với tâm tư vốn đã huân chứa cái thể tròn nhiên nầy? Một cái tâm linh năng chiếu rọi cả càn khôn, và một cái tâm mênh mang mù mờ trước những ngõ hẻm đen tối của cuộc đời, đàng nào rồi cũng chứa đựng cả một hành trình và kết quả khác nhau như chính sự quyết định rõ rệt phân minh ở hai lối. Nếu có được một giả hợp hỗ tương nào đó trong việc nương nhau vốn đã dung chứa ở trong tâm tư mỗi người, tuy nhiên nếu phân định ranh giới giữa những phổ cập ấy, nhìn kỹ sẽ thấy được ngăn chia rõ rệt và lối đi vào hay ra khác nhau. Tuy vậy nó vẫn phát động từ một gốc gác, thâu tóm được điều này ngọn ngành ấy tự nhiên gãy đổ. Thâu tóm không phải không có quá trình, một ngăn cách dù không giới hạn đúng mức, nhưng là hố thẳm nghìn trùng không có đáy, muốn vượt qua không sẩy chân xuống đó, nếu không có được sự chuẩn bị siêu việt há không phải luống công nhọc sức hay sao? Có phải đó là điều mà Đạo Nguyên muốn nhắn bảo cho Thanh Đàm hay không? Tương quan nào lại không phải cái tương duyên cần thiết, đích thực cho giác ngộ châm ngòi? Nhưng nếu trước đó không thâu trọn thì làm sao tìm ra được ý nghĩa nầy. Cần nhất phải khơi thông những trì trệ ứ đọng cho hành trình thâu tóm ấy ! Những ngăn ngại cũng có thể tạo nên hãi hùng cho những ai không quyết tâm vượt thoát. Còn ngoài ra tất cả đều vô nghĩa như chính cái vô nghĩa của cuộc đời. Đạo Nguyên đã khẳng định điều này qua hai câu cuối “Chân tính như như, trong ngoài chẳng nệ” Nó vốn là thế đó. Cái chân tính như như trước sau y vậy, chưa hề sứt mẻ, và cũng chưa một ai vén mở thấy nó lớn dài, to nhỏ khác biệt, trước sau? Quan niệm đều vỡ tung, những hưng trổi của quá khứ, hiện tại, vị lai, đâu đó như một vì sao rụng giữa bầu trời mênh mang sáng rực. Nó trùm kín và cũng có thể thơ mộng tuyệt đẹp nhất trong cuộc đời. Cái tự do thong dong trên đỉnh non cao ngút ngàn của những gì cao nhất cũng vẫn không tìm ra bóng dáng của nó. Nó cũng có thể bé tí ti như cây kim, hay ngược lại vĩ đại như hư không, hoàn toàn tùy vào khả năng hoán chuyển chính cái khơi dậy đó. Trong ngoài làm sao câu nệ khi đã không có giới hạn năng tri sở tri.

Đạo Nguyên còn ngăn chận cái lầm chấp cố hữu trong mỗi con người, nên đã trao cho Thanh Đàm một bài kệ trong ngày ông thọ giới cụ túc (tỳ kheo).

Trán phóng hào quang đâu phải Phật
Dưới chân mây trắng chửa là Tiên
Hãy nuôi trâu nọ cho cường tráng
Hôm sớm cày sâu đám ruộng mình.

(Quang phóng mi gian vô Phật đạo
Vân sinh túc hạ vị ngôn tiên
Nhiêu quân bảo dưỡng ngưu phi tráng
Triêu tịch thục canh bỉ thốn điền)

Bài kệ thứ hai nầy như một răn dạy ngăn ngừa hơn là một công án tham cứu cho Thanh Đàm. Và sự nhắc nhở tối hậu của Đạo Nguyên là phải lo “Trâu” (tượng trưng cho Tâm ở trong thập mục ngưu đồ) một khi đã được minh mẫn sáng suốt thì mới có thể cày bừa kỹ càng dòng tâm. Đừng bao giờ tìm cầu tâm bên ngoài. Chỉ có cái Tâm của mình mới giải quyết cho chính mình.

Những tác phẩm do Thanh Đàm sáng tác gồm có:
- Pháp Hoa Đề Cương
- Tâm Kinh Trực Giải

II. TÁC PHẨM PHÁP HOA ĐỀ CƯƠNG

Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm nghiên cứu biên khảo rất giá trị. Thanh Đàm đã khơi dậy những bí ẩn đang ngự tìm trong kinh Pháp Hoa với nhãn quan của Thiền Học. Ngài đọc kinh với cốt cách của Thiền Sư và luận bàn với tâm thức đã thực ngộ. Văn của Thanh Đàm viết gọn diễn tả trọn vẹn được tinh yếu, nếu không đọc với con mắt khác thường thì khó mà tìm thấy giá trị vô cùng trong đó. Lối thuật dụng Thanh Đàm dùng đến là chen lẫn thơ kệ. Đây là nhịp cầu gạch nối điểm bùng lên giữa đối tượng và nhận thức. Và cũng là phương tiện giúp người đọc cảm thấy dễ chịu cho đôi mắt và tâm hồn.

Tư tưởng giải thoát của Thanh Đàm thể hiện một cách gọn ghẽ trong bài Bạt nói về năm chữ “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Thiền Sư Thanh Nguyên có lẽ là huynh đệ với Thanh Đàm đã ca tụng tán dương sách Pháp Hoa Đề Cương trong bài tựa cho sách này.

Bích thanh đàm xuất diệu liên hương
Hoa mục chi tiêu tổng pháp cương
Minh chính nhất thừa khai tối quảng
Đạo trung tâm yếu thị hoằng dương
Quần phương hội ngộ viên tâm tịnh
Chúng đẳng đế quan nhập lý trường
Thanh tịnh liên hoa quang pháp giới
Tỳ lư tính hãi diễn chân thường.

Dịch:
Hồ xanh trong biếc nẩy sen thơm
Kinh mục nêu bày nghĩa đại cương
Minh chính nhất thừa đà quảng bá
Đạo trung tâm yếu lại hoằng dương
Quần vương tỏ ngộ tâm viên tịnh
Đại chúng đồng tham lý vĩnh trường
Thanh tịnh sen kia ngời pháp giới
Tự tính Tỳ Lô khéo xiển dương.

Để có khái niệm về văn của Thanh Đàm ta hãy đọc bài bạt nói về “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”
“Diệu là chỉ cho tâm thanh tịnh xưa nay. Tâm nầy từ vô thủy đến nay tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, nơi thánh không thêm, nơi phàm không bớt, lấm không dơ rửa không sạch, lặng lẽ tròn đầy pháp giới, mênh mông đầy khắp hư không. Tâm là nguồn gốc của chư Phật mà cũng là Phật tính của chúng sanh, nguyên không có tướng trạng mà mọi tướng trạng đều từ đó phát hiện, vốn là chân không mà cái không cũng từ đấy sinh ra. (Tâm ấy) giống như viên ngọc ma ni trong vắt, không có màu sắc mà mọi màu sắc có thể tự do xuất phát, cũng như biển giác lặng đầy ảnh chiếu lục trần mà không nhận một hạt bụi, là họa sư vẽ nên mười pháp giới, là mẹ trí huệ của tất cả các đức Như Lai. Kinh Hoa Nghiêm có nói:

“Nếu ai muốn hiểu biết
Các đức Phật ba đời
Hãy quan sát pháp giới
Tất cả do tâm tạo.”

Mục đích tối hậu của sự tu tập là tâm ấy vậy. Hỏi: “tâm linh diệu như thế thì làm sao mà nắm được?” Đáp: Ngôn thuyết và biểu thị không thể nắm được chân tâm. 

Kinh Pháp Hoa nói rằng:

“Thôi thôi ! đừng nên nói
Pháp ta mầu khó nghĩ
Những kẻ tăng thượng mạn
Nghe thấy chẳng kính tin.”

Cái bản thể bất động, tịch nhiên, chiếu rọi của Tâm, không thể đạt được bằng suy tư luận bàn. Nó không có tướng trạng, bặt hết mọi ngôn thuyết, móng tâm động niệm đều sai, lấy gì để quan niệm tư duy? Tâm phát sinh ra mọi pháp, những luân lưu vận chuyển cũng từ tâm mà ra, nhưng nó không có tướng trạng. Đừng khởi những chấp tướng vướng pháp, cứ để nó thong dong trong tâm thức linh diệu. Hãy quay về để khám phá cái nhiệm mầu đang ở trong ta.

Bài tụng về cái Diệu của Diệu như sau:

“Không hình không trạng cũng không tên
Mầu nhiệm trong lòng một điểm linh
Thường tịch viên thông soi pháp giới
Bản lai thanh tịnh rạng chân tinh
Từ đây phát hiện nên chư Phật
Do đấy thành ra có chúng sinh
Đứa con nghèo khổ lưu linh mãi
Quên mất người cha của tự mình.”

Đề cập đến chữ “Pháp” Thanh Đàm viết:

“Pháp là tất cả mọi vật, là sự ứng dụng của Diệu Tâm. Diệu Tâm là nguồn thiêng của mọi vật. Pháp là Tâm, Tâm là Pháp. Pháp là tùy duyên của Diệu Hữu khi không nhiễm thì gọi là Diệu Pháp. Tâm là ứng vật của chân không, khi không vướng vào trần thì gọi là chân tâm. Mượn cái gì mà nói được về chân tâm? Nói về diệu pháp thế nào để không ngăn ngại sự tu chứng? Các pháp môn để tu chứng thì nhiều vô lượng, ta phải tìm pháp môn nào gần nhất để đi vào. Vả lại các pháp tuy vô số mà bất quá đều quy vào căn, trần và thức. Ba thứ nầy đều do Diệu Tâm hiển hiện, cho nên thường nói “pháp từ tâm sinh khởi, tâm là nguồn pháp.” Một niệm nghĩ lúc ban sơ đã khiến cho biến hóa vạn cách, trôi nổi liên tiếp, sinh diệt luân hồi, cho mãi đến bây giờ vẫn còn đuổi theo vọng tưởng, quên mất chân tính giống như anh chàng Diễn Nhã quên đầu nhận bóng. Nay muốn khai thị và đốn ngộ nguồn tâm thì trước hết phải biết rằng thức là huyền ảnh, trần là hoa đốm hư không, cả hai thứ đều không thể xử dụng làm căn cứ để tu hành, phải lấy căn làm phương tiện gần gũi nhất để tu tập. Tại sao vậy? Tại vì trần không có tự thể, do căn mà phát hiện, như mắt nhận thấy hoa đốm giữa hư không. Vì vậy cho nên nói rằng trần là hư hoa không có tự thể. Thức cũng không có tự thể thực hữu, nhờ trần cho nên mới sinh diệt và qua lại được. Đã sinh diệt qua lại tức là vô thường. Chỉ có căn tính mới là thường tại, nên Phật bảo căn tính nầy là Diệu Căn, căn pháp là Diệu Pháp. Căn pháp dù do tâm hiện ra, như mặt trăng thứ hai xuất hiện khi ta đè lên mí mắt, nhưng mặt trăng thứ hai cùng với mặt trăng thứ nhất là một, lúc đè lên mí mắt thì có, lúc biết thì không có thế thôi. Khi có vọng tưởng thì căn tánh là cái chân tâm thứ hai vậy. Khi ở trong trạng thái vô tướng linh tri, thì chân tâm là cái chân tâm thứ nhất. Tuy vậy căn tính và linh tri cùng một thể, chỉ khi mê thì thấy có căn tính, khi ngộ thì căn tính không còn. Căn tính ấy cũng là một với bản thân thanh tịnh xưa nay không hư huyễn như Trần và Thức. Cho nên Phật chỉ bày rằng căn tính là nhân địa gần nhất cho sự tu hành, khiến cho chúng sinh có thể đi vào chân tâm bằng cánh cửa căn tính, vào dòng, trở nên đầu nguồn thấy được tâm thể xưa nay của mình.

Hỏi: Tại sao không chỉ thẳng cái thứ nhất là Diệu Tâm xưa nay, mà lại chỉ cái thứ hai là Căn Tính để làm phương tiện tu hành ?

Đáp: Tâm vốn vô hình làm sao mà chỉ? Trước kia tôi đã nói một lần rồi: ngôn thuyết và biểu thị không nắm được tâm. Tuy vậy dù tâm vô hình, nhưng sự ứng dụng của căn lại có vết tích, vì có vết tích nên có thể chỉ bày, khiến cho người tu học có thể nhìn vết tích của sự ứng dụng, do ánh sáng ấy mà về được tâm.

Hỏi: Dấu vết ấy ở đâu ?

Đáp: Ở trên đối tượng lục trần. Do sắc mà có cái thấy, do thanh mà có cái nghe, lục trần là dấu vết ứng dụng của lục căn. Nay muốn nắm được dấu vết của căn thì phải quán sát cái thấy cái nghe nơi đối tượng sắc thanh. Nên biết rằng công dụng của căn là công dụng của Tâm, căn nhận thức là tâm nhận thức, cái khác nhau là căn có tới sáu công dụng mà Tâm chỉ có một bản thể tinh minh. Các đức Phật truyền cho nhau căn pháp nầy, các vị tổ truyền cho nhau Tâm Tông ấy. Đó là bí quyết mà các kinh chỉ bày để đắc căn bản trí. Pháp ấn truyền giữ qua các thời đại cũng lấy cái ấy để phát giác sơ tâm. Chứng ngộ mau hay chậm là vì căn cơ rộng hay hẹp. Nên biết rằng pháp này được đặt tên tùy theo trường hợp và địa phương, tuy sai biệt vô cùng mà cũng chỉ pháp ấy. Lại cũng nên biết là danh hiệu của chư Phật và đề mục của các linh cũng đều là biệt hiệu cảu pháp ấy.

Hỏi: Tâm ấy làm sao mà trao truyền ? 

Đáp: Đức Thế Tôn đưa lên một nhành hoa Ca Diếp mỉm cười, sau đó các tổ truyền lại giữ gìn, trường hợp khác nhau, chỉ có người giác ngộ mới tự biết lấy.

Hỏi: Tu trì làm sao ?
Đáp: “Thôi, Thôi” đó là phương pháp. Thiền Sư Đạo Xuyên nói:
“Tri âm tự khắc tùng theo gió
Trăng trong gió mát đất trời nhàn
Lại nói:
Nắm được ở tâm
Ứng được nơi tay
Tuyết gió hoa trăng
Trời đất lâu dài
Cứ hễ canh năm gà gáy sáng
Xuân về hoa núi nở ngàn nơi.”

Hỏi: “Mục đích tối hậu là gì?”
Đáp: “Phổ Hóa Hòa Thượng nói: Tìm chỗ đi tới không được”

Và bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm cũng nói:

“Nghiêng mình làm lễ trước biển Chân Tính Hoa Nghiêm và trước tất cả các bậc quang minh biến chiếu trước thế giới trang nghiêm do hạnh nguyện Phổ Hiền thiết lập trước kho tàng pháp giới Chân Như !”
Thôi xin chào, xin chào ! Có bài kệ về Pháp của Pháp như sau:

“Vạn Pháp tuy nhiều không đếm xiết
Chung quy cũng chỉ thức, căn, trần
Huyễn duyên dư ảnh dù không thực
Chân tri chính kiến vẫn bao dung
Gặp thầy chỉ dạy đường mê ngộ
Thấy Phật tìm ra lẽ sắc không
Nếu muốn lên mau bờ bến giác
Con đường trước mặt chớ lần khan.”

Cả cuộc đời và tư tưởng của Thanh Đàm hiển nở đều nằm nơi bài kệ ban đầu mà Đạo Nguyên đã trao. Ở đó qua tác phẩm trên ta thấy ngài đã thâm nhập vào cái Tâm rộng lớn dung chứa mọi vật, nhưng không hề ngăn ngại và cản trở. Tất cả đều là diệu dụng lưu xuất, nếu nắm được, tử sinh vô nghĩa trước dòng đời nổi trôi.

Chỉ một niệm khởi lên thôi, biển tâm ào ào chuyển động, gió bát phong cuốn mất tâm linh huyền diệu, cửa tử sinh thoáng hiện đè nén lên tâm thức, mộng huyễn ảo xuất hiện, mù mịt trước ngưỡng cửa đuổi bắt tìm tâm, ở trong ngoài, trên mí mắt v.v… đâu đâu cũng chỉ thấy càng truy tầm tìm kiếm lại càng phải lạc loài, chơ vơ không nơi bám tựa. Tìm đâu khi cả càn khôn nầy đang rực lửa đốt cháy? và thấy gì mà tốn công đeo đuổi nắm bắt cái không thật ?

Then chốt cuối cùng nếu không bật tung thì làm sao đi vào biển trí tuệ Chân Như. Vận dụng, gõ liên tục vào chính cái đang đè nén đó, may ra mới tìm thấy ngõ ngách. Nương vào tướng trạng để phăng ra đầu mối đích thực. Nhưng nhớ đừng lấy niệm đè niệm, đừng lấy tâm đè tâm.

Thanh Đàm Thiền Sư dẫn dắt ta tìm đến cái Tâm và để rồi cuối cùng duy nhất còn lại hai chữ “Thôi, thôi” diễn tả bản thể bất động của Tâm. Trong kinh Kim Cương Trưởng Lão Tu Bồ Đề chấp tay cung kính bạch Phật rằng: “Hy hữu thay Đức Thế Tôn ! ngài thường nhớ nghĩ và bảo hộ các vị Bồ Tát. Ngài khéo dạy bảo các vị Bồ Tát. Bạch Thế Tôn nếu có người phát tâm Bồ Đề muốn cầu quả Phật thì:

“Làm sao hàng phục vọng tâm ?
Làm sao an trụ chân tâm ?

Hai lối đó là hai nỗi thắc mắc không cùng trong mỗi chúng ta, vọng tâm và chơn tâm ranh giới nào là điều thật, đây có phải là hai thể hay là một duy nhất đó là Tâm? Đức Phật nhiều lần phá bỏ ngã chấp và pháp chấp để hiển lộ nên cái chân tâm tròn đầy. Một câu nói trở nên bất hủ đó là “Bốn mươi chín năm thuyết pháp ta chưa từng nói một lời” Nếu ngã chấp và pháp chấp không san bằng tiêu hủy thì muôn kiếp vẫn phải trôi lăn, dù đó là những lời dạy của Phật.

Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.

Dịch:
Tất cả các pháp hữu vi
Khác nào mộng huyễn bào ảnh
Như sương, ảnh tượng, điện chớp
Thường nên quan sát như thế.

III. CÔNG ÁN THAM CỨU VỀ CHÂN TÂM CỦA THANH ĐÀM

Nhằm giúp độc giả dễ dàng trong việc tham cứu về Chân Tâm, ngài đưa ra ba công án, dù rằng ba công án nầy mang tính chất suy luận hơn là đẩy thẳng vào Tâm. Tuy nhiên cũng là cách gợi lên cho ta một ý niệm. Nếu xử dụng đúng mức trong việc truy tầm nguồn gốc hưng dậy của ý thức may ra ta vén mở được hình hài tỏa hương bất diệt. Thanh Đàm đưa ra ba nghi vấn ở ba công án. Nếu, không đại nghi thì làm sao đại ngộ được. Cũng có thể nghi là ngộ và không có cái ngộ nào mà trước đó không nghi:

1. Thế Tôn xuất thế bởi vì đâu
Tuyên thuyết liên hoa pháp nhiệm mầu
Thử hỏi cả đời sao chửa nói ?
Gần khi nhập diệt mới truyền trao.
(Thế Tôn xuất thử dĩ hà duyên ?
Chữ vị liên hoa đại sự yên
Hà nãi trung gian do vị thuyết
Niết Bàn tưởng cận thỉ ban tuyên)

2. Từ Tây Phương đến chỉ tám tông
Sao chín năm luôn mặt úp tường ?
Có phải vì căn cơ chửa chín ?
Chín rồi mới hiển lộ chân không ?
(Tây lai trực vị chỉ tâm tông
Hà nãi cửu niên diện bích trung ?
Tất đã đầu cơ cơ vị thục
Thục thời nhiên hậu hiển chân không ?)

3. Huệ Năng được ấn pháp Kim Cương
Sao phải chạy về Nam Lĩnh Dương ?
Không ở ngay đây tuyên pháp ấn ?
Biết đâu chân tính vẫn mơ màng ?
(Huệ Năng đắc pháp ấn Kim Cương
Hà nãi tiền quy Nam Lĩnh Dương ?
Bất đán vị tha tuyên pháp ấn
Cái tri nhân tính thượng mê man ?)
Ba nghi vấn đưa ra để tham cứu:
“Tại sao Phật phải đợi đến lúc gần nhập diệt mới chịu thuyết kinh Pháp Hoa ?

2. Bồ Đề Đạt Ma qua đông độ để chỉ bày tâm tông, tại sao lại phải ngồi nhìn vách chín năm, hay là tại chưa thực sự giác ngộ ?

3. Huệ Năng nếu quả thật đắc pháp với Ngũ Tổ, tại sao không ở ngay đó để hoằng đạo mà phải chạy về Lĩnh Nam ?

Và một công án khác mà Thanh Đàm thường ưa xử dụng, đó là:
Niệm: 
Hay lắm, Thuần Đà
Hay lắm, Thuần Đà

Tụng: 
Không nói ngắn chẳng nói dài
Ngắn dài tốt xấu thảy đều sai
Tìm hay lại hóa người chê vụng
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay
Công danh cái thế màng sương sớm
Phú quí kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng hiểu bản lai vô nhứt vật
Công lao uổng phí một đời ai.

Thanh Đàm nhờ thành tựu được sơ tâm ban đầu qua bài kệ của Đạo Nguyên. Ngài đã xử dụng ý lực bình sinh trong việc gõ liên tục vào nội tại, những bùng vỡ của Thanh Đàm cũng có thể trước đó ngài rơi vào một vài nghi vấn đặt lại. Dù rằng 3 nghi vấn ngài đã trao lại hãy còn nằm trong suy luận, cũng có thể từ những đặt lại ý thức đó lại rơi vào dấu hỏi lớn và một khi đã giải quyết xong dòng tâm chuyển mình tìm đến thế giới của tự do. Và để rồi sau đó trong công án cuối mà Thanh Đàm hay xử dụng đưa ra một luận cứ phủ định tất cả những quan niệm dù đó là một lập luận, ngay cái dùng để phủ định đó lại phủ định ngay cái phủ định. “ngắn dài tốt xấu thảy đều sai”.

Thanh Đàm sáng tác bài thơ “Tìm Tâm” có âm hưởng tiếng trống đánh rất ngộ nghĩnh, vui vui:

Ngang lưng đeo trống đối tri âm
Duỗi thẳng hai tay đánh trống tâm
Tập tập tìm tâm, tâm tất tập
Tìm tâm, tâm tập, tập tìm tâm
Âm thanh hợp vận âm trùng họa
Tịch chiếu Tâm tông, tức tập Tâm
Trăng sáng gió thanh thường tự tại
Tìm tâm chẳng được, nghĩ tìm Tâm
Thôi nhé, tâm ta chẳng thể tầm
Tìm tâm dẫu được chẳng chân tâm
Mang đèn xin lửa thêm điên đảo
Thà đứng bên sông hát khúc ngâm.

(Kiên kình yêu cổ đối tri âm
Thư thủ vô vi phách cổ tâm
Tâm tập, tầm tâm, tâm tắc tập
Tầm tâm, tâm tập, tập tầm tâm
Cổ thanh hợp vận tùng thanh họa
Tịch chiếu tâm tông tức tập tầm
Minh nguyệt thanh phong trường tự tại
Tầm tâm bất đắc, tức tầm tâm
Chỉ chỉ ! Ngô tâm bất khả tầm 
Tầm tâm túng đắc tắc phi tâm
Tương đăng cầu hỏa tư điên đảo
Bất nhược song tiền thủ nhất ngâm)

Biết khi nào mới tìm được cái chân tâm đang chơi vơi giữa tử sinh, còn móng ý niệm để tìm thì muôn kiếp cũng không gặp được. Nó mênh mang, bàng bạc, bao trùm khắp tất cả, ở trong ở ngoài tìm đâu ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com