Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

52. Thầy và quê hương (Thích Như Tịnh)

17/06/201408:34(Xem: 18900)
52. Thầy và quê hương (Thích Như Tịnh)

blank

Quê hương, hai tiếng gọi thiêng liêng mà ai ai cũng nhớ đến trong những lúc đi xa. Phàm làm người, ai cũng có quê hương nguồn cội. Bởi lẽ, chính nơi đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ta cất tiếng khóc ban sơ mở đầu cho kiếp nhân sinh hãn hữu này. Vì vậy, quê hương là nỗi nhớ thương da diết cho người viễn xứ và cũng là niềm bồi hồi nôn nao khi ta lại trở về. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết về quê hương như sau:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay….

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi.

Quê hương nếu ai không nhớ,

Sẽ không lớn nổi thành người.

Quê hương Việt Nam với hình ảnh mẹ già, cây đa, giếng nước với những con đường làng quanh co nho nhỏ là bức tranh tuyệt tác, là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn của người con Việt. Yêu quê hương, góp phần xây dựng quê hương cũng là nét đẹp của con Lạc cháu Hồng nói chung và người đệ tử Phật Việt nói riêng.

Thầy[1] sinh ra và lớn lên tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một mảnh đất giàu truyền thống tu tập Phật giáo. Trong năm huyện thị tại Quảng Nam[2], huyện Duy Xuyên có số lượng Tăng Ni xuất gia nhiều nhất. Trong những mùa Pháp nạn, đạo hữu Phật tử Duy Xuyên cống hiến rất nhiều xương máu cho sự trường tồn của Chánh pháp.

Thuở ấu thơ, Thầy ở quê nhà Xuyên Mỹ với một gia đình nền nếp Phật giáo. Theo năm tháng, Thầy trưởng thành từ sự lam lũ của người cha và nỗi vất vả lo toan của từ mẫu. Đất mẹ Duy Xuyên đã nuôi dưỡng hình hài của một bậc xuất trần Thượng sĩ về sau.

Năm 15 tuổi, Thầy rời mái nhà xưa để xuất gia học đạo. Chùa Viên Giác là nơi Thầy thế độ và Thầy đã tham học tại các chốn tổ Chúc Thánh, Phước Lâm, Long Tuyền. Các ngôi cổ tự tại Hội An đã ươm mầm một hạt giống Bồ đề mà 50 năm sau tỏa tàn che mát khắp mọi nơi.

Học hạnh khiêm ưu, năm 23 tuổi, Thầy được Hòa thượng Bổn sư và Chư tôn đức cho đi du học tại Nhật Bản với mục đích đào tạo thế hệ kế thừa cho Phật giáo Quảng Nam mai hậu. Tuy nhiên, tất cả những dự tính đều không như ý nguyện. Sau năm 1975, Thầy không có cơ hội trở về quê hương để kế thừa tổ nghiệp và đã chọn nước Đức làm nơi hoằng pháp lợi sanh.

Trong tâm khảm của người Việt Nam chúng ta, không ai muốn xa rời quê hương để đến sinh sống tại một vùng đất lạ, dù vùng đất lạ đó ở trong nước hay ở nước ngoài. Đối với người thế gian, việc di chuyển đến nơi khác để sinh sống ngoài lý do chính trị ra còn có sự mưu cầu cuộc sống mà dân gian thường gọi là “Tha hương cầu thực”. Còn với người tu sĩ Phật giáo việc đến nơi khác hành đạo hoặc do tác động của chính trị thời cuộc, hoặc vì một nhân duyên nào đó nhưng tất cả đều đặt trên tinh thần “Phật bổ xứ”. Nghĩa là mỗi vị tu sĩ đều theo nhân duyên của mình mà tùy duyên hóa độ, tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp làm lợi lạc cho nhân quần xã hội.

Năm 1972, Thầy sang du học tại Nhật Bản, đến năm 1974 Thầy về thăm quê hương một lần. Năm 1977, từ Nhật, Thầy phát nguyện sang nước Đức để hướng dẫn tinh thần cho dòng người di dân sang xứ sở này. Đến nay đã tròn 40 năm chẵn, Thầy chưa có cơ hội về lại quê xưa để một lần thăm viếng. Với khoảng thời gian ấy, tại quê nhà với biết bao biến thiên, từ con người cho đến cảnh vật. Hai đấng sanh thành cũng như các bậc Thầy tác thành giới thân huệ mạng cho Thầy cũng đã không còn nữa. Con đường làng bằng đất năm xưa nay cũng đã được tráng bê-tông để người dân đỡ vất vả trong mùa mưa lũ. Dù không gian và cảnh vật thay đổi, nhưng tấm lòng hướng về quê xưa chùa cũ của Thầy mãi bất biến với dòng thời gian vô tận.

Tuy rằng xa cách hơn nửa vòng trái đất, nhưng lòng Thầy vẫn luôn hướng về quê hương chốn tổ, nơi mà Thầy đã trải qua những tháng ngày êm đềm thuở ấu thơ cũng như những năm tháng sơ cơ học đạo.

Đối với đời, Thầy đã làm tròn bổn phận của một người con. Tuy rằng khi song thân Thầy quá vãng, Thầy không về được nhưng thông qua Chư Tăng Ni tại quê nhà, Thầy cũng đã làm tròn chữ hiếu đối với hai đấng từ thân. Thầy và bào huynh là Hòa Thượng Bảo Lạc đã kiến tạo từ đường thờ phụng tổ tiên, tổ chức đại lễ cầu siêu chư hương linh cửu huyền thất tổ, hướng dẫn toàn thể gia tộc quy y Tam Bảo. Với các đạo hữu Phật tử, bạn bè thân hữu đã giúp đỡ Thầy trong những tháng năm gian khó ở quê nhà, Thầy thường hỏi han và trợ duyên mỗi khi họ rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.

Đối với đạo, ngoài những Phật sự tại hải ngoại, Thầy thường quan tâm đến sự nghiệp đào tạo Tăng tài kế thừa mạng mạch Chánh pháp. Trên 20 năm qua, Thầy đã ủng hộ học bổng cho chư Tăng Ni du học tại Ấn Độ cũng như các học tăng Quảng Nam tu học tại các trường Phật học trong nước. Đây là một chương trình thiết thực mà không phải ai cũng có thể làm và duy trì một thời gian lâu như vậy. Ngoài ra, tại quê nhà có hai ngôi chùa mà Thầy quan tâm nhất: Đó là Tổ đình Chúc Thánh và chùa Viên Giác tại Hội An.

Tổ đình Chúc Thánh, nơi Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh mà Thầy là thế hệ kế thừa đời thứ 8. Năm 1991, nhân dịp Hòa Thượng Bổn sư sang dự lễ khánh thành chùa Viên Giác tại Đức, Thầy đã phát nguyện cúng dường 100.000 USD nếu như chùa tổ trùng tu. Mãi đến năm 2005, chương trình trùng tu Tổ đình Chúc Thánh mới được tiến hành và Thầy đã giữ trọn lời phát nguyện của mình, góp phần lo cho chốn Tổ được khang trang. Đồng thời trong lễ khánh thành Thầy phát tâm cúng dường Thiên Tăng Hội để đại lễ được thập phần viên mãn.

Chùa Viên Giác, nơi mà Thầy đã thế phát xuất gia học đạo. Tròn 50 năm tu học, thời gian Thầy ở Viên Giác không nhiều nhưng nơi đây đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời Thầy. Từ một cậu bé trở thành một chú tiểu để rồi hôm nay là Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc. Trong cương vị là Trưởng tử của Cố Hòa Thượng Bổn sư, Thầy là người kế thế trụ trì chùa Viên Giác tại Hội An. Do sự cách trở xa xôi nên Thầy đã Ủy quyền lại cho Sư đệ Như Tịnh trông nom đảm trách. Tuy nhiên, Thầy thường quan tâm sách tấn Sư đệ trong sự tu học, khuyến khích động viên trong việc nghiên cứu học thuật cũng như yểm trợ trong việc chỉnh túc ngôi Già lam Viên Giác ngày càng khang trang hơn. Năm 1998, Thầy lo xây dựng bảo tháp Hòa Thượng Bổn sư để báo đáp công ơn giáo dưỡng của Thầy tổ. Năm 2008, Thầy vận động chú Đại hồng chung và kiến tạo tháp chuông tại chùa. Năm nay, một lần nữa Thầy vận động tài chánh để mở rộng Già lam Viên Giác mở đầu cho chương trình đại trùng tu chùa trong những năm sắp đến. Có nhiều người thắc mắc: Tại sao Thầy lo lắng cho quê hương, cho chùa tổ quá vậy? Câu hỏi này thiết nghĩ không cần trả lời, chỉ có những ai yêu quê hương, yêu cái nơi mình mở mắt chào đời, yêu nơi mình sơ tâm xuất gia mới cảm nhận được mà thôi.

Bao nhiêu năm xa quê hương, tất cả tâm trạng của Thầy được nhà thơ Trần Trung Đạo diễn tả trong bài “Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng”. Vì thế, khi bài thơ này ra đời, Thầy đã học thuộc lòng mặc dù tuổi đã cao và toàn bộ bài thơ dài 56 câu. Hầu như trong những dịp gặp gỡ Chư Tăng Ni và Phật tử đồng hương, hay trong các lễ hội, Thầy thường ngâm bài thơ này, khiến cho mọi người đều ngậm ngùi xúc động. Thầy và thi sĩ Trần Trung Đạo đều xuất thân và trưởng thành “Dưới bóng đa chùa Viên Giác”, một người trong đạo, một người ngoài đời đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học Việt Nam tại Hải Ngoại.

Thầy thường ví cuộc đời mình như nhà thơ Hạ Tri Chương. Hạ Tri Chương (659 – 744), người Cối Khê, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Ông thi đỗ tiến sĩ năm 684 và làm quan triều Đường Trung Tông, Đường Huyền Tông. Đến đầu năm Thiên Bảo ông cáo lão hồi hương ở ẩn. Sau bao năm tháng xa quê thăng trầm trên con đường hoạn lộ, lúc xế bóng trở về chốn xưa, tuy giọng quê không đổi nhưng tóc đã chuyển màu. Bạn bè theo năm tháng hóa thành người thiên cổ, trẻ con gặp không biết là ai nên mới hỏi: Khách từ nơi nào đến đây? Cảm khái thân phận mình, Ông đã viết bài “Hồi hương ngẫu thư”, một bài thơ hay trong văn học Trung Quốc, nói lên được nỗi niềm của người con xa xứ lâu ngày trở về quê xưa.

Hồi hương ngẫu thư

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Dịch thơ:

Khi đi trẻ, lúc về già

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.

Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng: “Khách ở chốn nào lại chơi?”

Phạm Sĩ Vĩ dịch

Còn Thầy, đã tròn 40 năm xa xứ, khi ra đi thì mái đầu xanh, đến nay tóc cũng đã hai màu trắng đen nhưng chưa có dịp về lại thăm quê xưa. Bao nhiêu năm xa quê nhưng giọng Thầy vẫn không thay đổi và Thầy thường nói mình là người nông dân của xứ Quảng. Không biết Thầy còn có cơ hội như Hạ Tri Chương hay không? Giả thiết nếu có một ngày Thầy về lại quê xưa thì ắt hẳn Thầy sẽ không buồn tẻ như Hạ Tri Chương. Bởi lẽ những gì Thầy làm cho Đạo pháp và quê hương, làm cho chùa tổ luôn được mọi người nhắc đến. Chân dung của Thầy được tôn trí trong Chương Đức Đường tại chùa Viên Giác, Hội An để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau biết rằng: đây chính là nơi xuất thân của một bậc Thầy cao cả như thế.

Xa chùa từ thuở đầu xanh

Ngày nay trở lại đã thành lão Tăng

Chú tiểu chắp tay cúi chào

A Di Đà Phật! Bạch Ôn mới về!

Viên Giác, cuối Xuân Giáp Ngọ

Pháp đệ Như Tịnh


[1] Thầy tức chỉ cho Hoà Thượng thượng Như hạ Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc.

[2] Năm huyện thị là cách nói trước năm 1975, bao gồm: Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc. Hiện nay 5 đơn vị này trực thuộc khu vực Bắc Quảng Nam. Từ huyện Thăng Bình trở vào giáp tỉnh Quảng Ngãi gọi là Nam Quảng Nam, từ huyện Quế Sơn trở ra giáp thành phố Đà Nẵng gọi là Bắc Quảng Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2024(Xem: 416)
Trung tâm sinh hoạt này rộng rãi, được bao bọc bởi rừng cây mát mẽ, môi trường thiên nhiên trong sạch. Cách phi trường Adelaide 30 phút lái xe và cách chùa Pháp Hoa 40 phút. Hệ thống phòng ngủ, vệ sinh và những khu vực sinh hoạt ngoài trời rất đầy đủ và tiện nghi. THAM GIA KHÓA TU: *Quý Phật tử tham gia khóa tu nên đăng ký nơi ngôi chùa mình đang sinh hoạt hoặc đăng ký trực tiếp với ban tổ chức qua email: vientri15@yahoo.com.au. *Các học viên ở ngoài tiểu bang Nam Úc xin hoan hỷ mua vé máy bay đến phi trường Adelaide từ sáng đến trước 3:00pm ngày 25-12-2024. Tất cả sẽ được BTC đón tại phi trường và đưa về nơi Khóa Tu Học. * Ngày 30/12/24 mãn khóa, học viên sẽ được đưa ra phi trường sau 12:00pm và đến phi trường khoảng 2:00pm. Phật tử học viên nào đến và đi sớm hoặc trễ hơn thời gian nói trên, xin sử dụng phương tiện tự túc.
28/12/2023(Xem: 808)
- Chiếu Hiến Chương, Chương III, Điều 14, Thành Phần Nhân Sự của Hội Đồng Điều Hành - Chiếu biên bản phiên họp của Giáo Hội tại Khóa Tu Học PPUC kỳ 21 tại Y Camp Adair, Papakura, Auckland ngày 26/12/2023, nay: QUYẾT ĐỊNH Điều 1: Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 22 sẽ được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 12 năm 2024 tại đất trại Woodhouse Activity Centre, Piccadilly, South Australia 5151 Điều 2: Thành phần nhân sự Ban Tổ Chức Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 22: -Trưởng Ban: TT Thích Viên Trí -Phó Ban điều hành tổng quát: ĐĐ Thích Viên Thành -Phó Ban đặc trách Nghi Lễ: TT Thích Nhuận Chơn -Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy: Tổng Vụ Hoằng Pháp-Giáo Dục -Thư Ký: TT Thích Viên Tịnh. Phó Thư ký: Đh. Hải Hạnh -Thủ Quỹ: Đh. Lý Tố Lan. Phó Thủ Quỹ: Đh. Thiện Tâm -Ban Vận Chuyển: Trưởng Ban: Đh. Đồng Khiết -Ban Trần Thiết: Trưởng Ban: ĐĐ Thích Chúc Hân. Phó Ban: Đh. Trúc Lâm -Ban Cư Trú: Trưởng Ban: Đh. Giác Định -Ban Ẩm Thực: Trưởng Ban: SC TN
15/12/2023(Xem: 16341)
An lạc thảnh thơi là chất liệu tâm linh, là dược nguồn năng lượng mà mỗi người con Phật đều mong ước tìm cầu và trải nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu thiết thực đó và tạo thuận duyên cho hàng Phật tử xa gần đến Auckland - NZ tu tập và tận hưởng suối nguồn an lạc, khóa tu học “AN LẠC THẢNH THƠI” sẽ được tổ chức tại trại YMCA Camp Adair nhằm giúp cho mỗi học viên tự trải nghiệm sự tinh thông của trí tuệ, an lạc của thân tâm, và thảnh thơi của tâm hồn thông qua việc thực hành giáo lý Phật Đà.
12/12/2023(Xem: 2868)
Thời tiết đã vào Thu, hoa lá đã chuyển màu, không mấy chốc mùa Đông sẽ trở về trên xứ Âu Châu. Cũng là thời gian của Khoá An Cư Kiết Đông 10 ngày sắp đến. Năm nay Giáo Hội quyết định tổ chức An Cư Kiết Đông tại : - Địa điểm : Tổ Đình Viên Giác - Hannover - Đức Quốc. - Thời gian : từ ngày 10.12.2023 đến 20.12.2023
29/10/2023(Xem: 951)
Đại diện nhà Chùa, Thầy Thích Nhuận Ân chia sẽ: “Về văn hoá và ngôn ngữ giữa hai nước Nhật- Việt, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của bà con nơi đây. Và những khó khăn nhất định mà mọi người sẽ đối diện thường nhật từ sự rào cản này.” Tiếp lời, Sư cô Thích Nữ Giới Bảo cho biết: “Từ sự ngăn ngại về văn hoá và ngôn ngữ, các bậc phụ huynh và con cái sinh ra, lớn lên được tiếp xúc với môi trường, hoàn cảnh hiện tại. Nên giữa hai thế hệ sẽ gặp khó khăn về mặt truyền thông, giáo dục, văn hoá kể cả tín ngưỡng tâm linh. Thứ đến, vì cuộc sống kinh tế và gia đình nên bà con mình làm việc cũng nhiều hơn, đôi lúc những áp lực từ công việc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi khi bà con về chùa được quý Thầy, quý Sư Cô hướng dẫn thực hành theo sự chỉ dạy của Đức Phật qua nhiều phương pháp như: tụng kinh, ngồi thiền, cầu nguyện…cũng phần nào giúp ích cho bà con về mặt tinh thần an tịnh và tích cực hơn, tháo gỡ những khó khăn về mặt tâm lý và cảm xúc trong cuộc sống”.
29/10/2023(Xem: 2905)
Tu Viện Quảng Đức sẽ tổ chức Khóa Huân Tu Tịnh Độ và xuất gia gieo duyên trong 3 ngày, từ Thứ Sáu, 8-12-2023 đến Chủ Nhật 10-12-2023. Chương trình tu học mỗi ngày gồm có công phu, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, lễ sám, nghe Pháp, ăn cơm trong chánh niệm, chia sẻ pháp đàm . Mọi phương tiện, ăn uống, ngủ nghỉ… đều miễn phí.
28/10/2023(Xem: 2227)
Thấm thoát đã 40 năm kể từ ngày Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan cùng nắm tay nhau gây dựng nền móng Phật sự tại quê hương mới này. 40 năm, một chặng đường dài, một chặng đường lịch sử đánh dấu sự thành hình của Phật giáo Việt Nam tại Hòa Lan nói chung và Chùa Vạn Hạnh nói riêng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567