Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Làm đậu hủ

13/04/201422:09(Xem: 8452)
07. Làm đậu hủ
blank


VII Làm đậu hủ

Cách làm đậu hủ cũng đơn giản thôi; nhưng phải trải qua nhiều công đọan. Đầu tiên, người ta đem đậu nành ngâm vào nước lạnh, để qua đêm cho đậu nở lớn ra. Sáng hôm sau cần hai người; một người xay và một người cho đậu vào cối xay. Nước phải cho vào cho đều. Nếu cối tốt, đậu xay ra rất nhuyễn; nếu cối cũ hạt đậu không nát hết, phải xay lại lần thứ hai để lấy nước. Sau đó bà Chín hoặc cô Bốn phải bòng đậu. Bòng là một danh từ chuyên môn của người làm đậu hủ. Người ta cho đậu đã xay vào trong một miếng vải lọc và túm bốn đầu vải lại, đoạn lấy tay bóp thật mạnh vào lớp vải, nước đậu chảy vào thau. Sau khi bòng nước một xong, bòng nước hai và nước ba, cho đến khi nào bột đậu nành chỉ còn là xác thật sự và nước thật trong mới lấy xác ra ngoài, bắt đầu bòng lớp khác. Cứ như thế và như thế nước đậu được bòng đổ vào nồi để nấu. Công đoạn nầy rất quan trọng, người nấu đậu phải biết rằng mình đổ cho bao nhiêu khuôn đậu, phải canh cho đúng nước đậu để nấu và đặc biệt thạch cao hoặc chanh hay giấm hòa sẵn trong một thau lớn gần đó. Khi nước đậu sôi lên, lấy một ít nước đậu chưa nấu đổ vào nồi dằn cho bột không bị trào lên trên, đoạn nhắc nồi xuống đổ liền vào thau hòa sẵn thạch cao. Lấy muỗng lớn khuấy thật đều cho thạch cao và nước đậu đã nấu sôi quyện lại với nhau đóng thành cục, gọi là đậu hủ đông. Sau khi đậu hủ đông rồi mới đem đậu nầy đổ lên trên một cái vĩ, gọi là khuôn đậu. Khuôn làm bằng gỗ có khắc nổi những lằn ranh của miếng đậu. Bốn bên là bốn thanh gỗ được khép lại với bốn cái mộng có sẵn. Sau khi đổ đậu vào khuôn, người ta lấy vải phủ kín ba bên bốn bề đậy lại. Đậu vừa nước vừa cái rất nóng được đổ từ trong nồi ra bốc lên mùi thơm phưng phức. Lấy một tấm ván vừa khít với vòng trong của khuôn đậu trấn lên và lấy đá dằn xuống cho ra nước. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, lấy đá lên và tháo khuôn, lột vải, sẽ có một khuôn đậu thật hấp dẫn, vừa thơm vừa mát mắt; nên người miền Trung đa phần gọi là đậu khuôn. Vì do khuôn mà tạo thành đậu. Trong khi đó người miền Bắc gọi là đậu phụ và người miền Nam gọi là đậu hủ. Thật sự, không có tiếng gọi nào sai cả. Vì tất cả cũng chỉ là nguyên thỉ từ chất liệu đậu nành mà thành tựu. Cái khó nhất ở đây là việc hòa thạch cao. Vì lẽ nếu bột nhiều quá, đậu sẽ đông cứng lại mất ngon. Nếu bột hòa ít quá, đậu không đông, dầu cho để cả nửa tiếng đồng hồ sau vẫn còn toàn là nước lợn bợn nổi trên mặt. Trường hợp nầy rất hao đậu; nhiều khi phải thêm vào, bớt ra thạch cao sao cho đủ lượng; nhưng kết quả miếng đậu hủ chai lì; hoặc giả mềm quá. Thông thường nếu gặp trường hợp nầy chỉ để dùng tại chùa chứ không mang đi chợ bán. Nếu bán cho khách hàng, dầu cho đó là khách hàng Phật Tử đi chăng nữa, trong lòng cũng không an.

blankCó lẽ nhờ thường xay cho nên tôi có đôi tay dài. Sau nầy khi được hỏi: “Tại sao bàn tay của Thầy dài vậy? tôi trả lời rằng: “Nhờ gánh nước tưới cây ở chùa Phước Lâm và nhờ xay đậu hủ ở chùa Viên Giác“. „Tại sao Thầy hảo tướng như thế? Tôi bảo rằng “nhờ lạy Phật và nhờ ăn đậu hủ lâu năm“.





Hình 16 chùa Viên Giác đầu thập niên 1960

blankAi cũng nở môi cười đáp lễ; nhưng tất cả có lẽ đều hiểu rằng đó không phải là câu trả lời thật của tôi. Riêng tôi, tôi cũng chẳng biết tại sao. Phải chăng nhờ những tế bào phát triển đúng nhịp với sức lớn mạnh của cơ thể vậy. Trong gia đình tôi, tôi là người cao lớn nhất, gần 1,73 mét và nặng 85 kg như thế, ngay cả người ăn mặn, ăn sang trọng vẫn không có được cái thân thể to lớn và khỏe mạnh như tôi.




Hình 17 : Chùa Viên Giác những năm 1968-1970

Nghe đâu cái cối đá xay đậu nành làm đậu hủ đó ngày nay vẫn còn hiện hữu tại nhà bếp chùa Viên Giác ở Hội An như là một trong những kỷ vật của chùa. Hơn 40 năm rồi, tôi chưa về lại quê xưa, chắc cái cối xay ấy cũng nhớ tôi lắm! Hy vọng sẽ có một ngày trở về lại ngôi chùa Viên Giác thân thương quét lá đa và xay đậu nành để nhớ để thương những ngày làm điệu.

Đậu hủ được cắt ra thành từng miếng rộng vào nước để sáng sớm mồng một hay rằm, chú Ngô quảy gánh đậu hủ theo sau Bà Chín và cô Bốn đi xuống chợ Hội An bán. Khi nào chú Ngô bệnh, chú Thứ hoặc tôi thay thế; nhưng thật sự chúng tôi đều muốn chối từ chỉ vì mắc cỡ mà thôi. Chúng tôi quan niệm rằng đó không phải việc của đàn ông, con trai. Đành vậy, bà Chín hoặc cô Bốn phái gánh lấy.

Bây giờ nghe Như Tịnh cho biết chùa Viên Giác tại Hội An vẫn còn làm đậu hủ để bán; nhưng xay bằng máy và dùng điện chứ không dùng sức, người như bốn mươi năm về trước nữa. Quả thật, mỗi thời đại đều có những chuyện khác blanknhau như thế. Do vậy Phật dạy rằng: Tất cả các pháp đều không có tánh nhất định là đúng. Vì lẽ việc của ngày hôm qua, không phải là của ngày hôm nay và việc của ngày hôm nay sẽ không phải là của ngày mai. Tất cả các pháp đều luôn luôn thay đổi và tồn tại theo nhân duyên. Nếu ai chấp chặt vào một chỗ; chính người ấy sẽ không thấy được tướng của các pháp, mà thực tướng của các pháp là gì? – là không thực tướng – đã là không thực tướng, đâu có cái gì để trụ, để phẩm bình, để sanh nghi ngờ hay khen chê tốt xấu. Do vậy, đối với tôi, trong hiện tại tự thực hiện bởi chính mình hoặc khuyên đệ tử của mình rằng: “Hãy đừng vội mừng khi người khác khen tặng và hãy đừng vội buồn khi người khác chê mình. Vì khen và chê ấy vốn không có thật tướng, luôn luôn thay đổi theo luật vô thường. Do vậy, không nên trụ vào cái giả tướng ấy. "Tôi sống như vậy; nên rất tự tại và thoải mái chấp nhận việc gì đến cứ đến, việc gì đi cứ đi. Ai hơi đâu “dư nước mắt khóc người đời xưa”.

Hình 18 : Chánh điện chùa Viên Giác năm 2006

Muốn cho tâm mình được tự tại phải thực hành phép quán mọi vật không có thật tướng như thế. Vậy tướng thật của nó là gì? Tướng thật của nó là tướng chân như. Nghĩa là không một, không hai, không tốt, không xấu, không còn không mất, không chân, không ngụy v.v...

Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế ở North Hills California Hoa Kỳ khuyên đệ tử xuất gia của Ngài một câu thật là chí lý. “Các con hãy nhớ! sống trên đời nầy ai cũng muốn hơn hết chứ chẳng ai muốn thua người khác bao giờ; nhưng riêng con, đệ tử của Thầy hãy chịu thua người khác đi, như thế ít ra con tự thắng mình rồi“. Quả là, một lời dạy quá sâu sắc bao đời sau chúng ta cũng còn có thể học hỏi áp dụng vào đời sống mỗi người được, dầu cho người ấy tại gia hay xuất gia sống đời phạm hạnh.

Ý kiến bạn đọc
25/07/201817:53
Khách
“Làm Đậu Hủ”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com