- 01. Xuất gia tu học (HT Như Điển)
- 02. Chùa Phước Lâm
- 03. Làm nhang
- 04. Học tập
- 05. Về lại chùa Viên Giác
- 06. Ngày mất mẹ
- 07. Làm đậu hủ
- 08. Pháp nạn năm 1966
- 09. Học tán tụng
- 10. Về Cẩm Nam
- 11. Hội An ngày ấy
- 12. Hồi Ký
- 13. Tết năm Mậu Thân
- 14. Thầy Tôi
- 15. Di Tích
- 16. Chiếc nón bài thơ
- 17. Xa Hội An
- 18. Cách học cho giỏi
- 19. Lời cuối
- 20. Gặp lại nhau
- 21. Ba thế hệ đậu Tiến sĩ (Bác sĩ văn học)
- 22. Lời ngỏ (Trần Trung Đạo)
- 23. Vài nét về chùa Viên Giác
- 24. Thời thơ ấu ở Duy Xuyên
- 25. Đến chùa Viên Giác lần đầu
- 26. Rời chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện
- 27. Trở lại chùa Viên Giác
- 28. Tưởng nhớ sư phụ, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí
- 29. Thầy tôi - Để tưởng nhớ bổn sư Thích Như Vạn
- 30. Tưởng nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh
- 31. Phố cổ Hội An và những ngôi trường cũ
- 32. Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi !
- 33. Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê Hương
IV Học tập
Niên khóa 1964-1965, tôi và một số quý chú vẫn học ở trường Trung Học Diên Hồng. Bước sang niên khóa 1965-1966, chúng tôi học đệ lục cũng là sau một năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tỉnh Quảng Nam, Giáo Hội quyết định thành lập Trường Trung Học Bồ Đề, dạy từ lớp đệ thất cho đến hết đệ nhị. Việc xây cất trường do Thầy Như Vạn trông coi. Thầy Như Huệ, Thầy Chơn Phát cùng Thầy tôi (Thích Long Trí) chạy bên ngoài để lo ngoại giao, tiếp sức, chúng tôi những học sinh đệ thất và đệ lục năm ấy học tạm ở cái nhà bằng tranh vừa được dựng lên ở phía trước chùa Tỉnh Hội. Chúng tôi về lại đây giống như là về lại nhà của mình; nên tha hồ mà nghêu ngao trả bài và hãnh diện với bạn bè rằng Phật Giáo cũng có trường Trung Học rồi đó. Tôi nhớ lúc đó hình như Thầy Phạm Phú Hưu được mời làm Hiệu Trưởng, Thầy Võ Văn Mạo làm Giám Học và mấy niên khóa đầu Hòa Thượng Thích Chơn Phát làm Giám Học và sau đó là Hòa Thượng Thích Như Huệ. Còn hai Thầy lớn nữa, đó là Hòa Thượng Thích Trí Giác và Hòa Thượng Thích Trí Minh; nhưng quý Ngài ít xuất hiện. Vì lẽ tuổi quý Ngài lúc ấy cũng đã cao rồi.
Quý chú bây giờ có cơ hội tập họp lại với nhau để học trường Bồ Đề. Học cùng lớp với tôi có chú Như Phẩm và bây giờ là Hòa Thượng vẫn còn tu và đang ở chùa Long Tuyền. Chú nầy bao giờ cũng học giỏi nhất lớp.
Hình 8 : Trường Trung Học Bồ Đề Hội An
Đứng nhì là tôi và trong lớp có một cô nữ sinh cùng học chung, đó là Nguyễn Thị Xuân Hương, nghe đâu sau nầy cô ta tốt nghiệp trường Dược trở thành Dược sĩ. Tôi và chú Chín tức Thầy Như Phẩm hứa cùng nhau rằng suốt các năm học và suốt trong các tháng đừng cho cô gái đứng lên trên mình. Thế là chúng tôi thay phiên nhau đứng nhất và đứng nhì, còn cô Xuân Hương lúc nào cũng về ba. Suốt từ đệ lục cho hết năm đệ tứ cũng vậy.
Sau nầy có năm người học giỏi nhất lớp từ đứng một đến đứng năm được qua học đệ tam nơi trường Công Lập Trần Quý Cáp mà khỏi phải thi tuyển vào. Đứng nhất lúc ấy là chú Như Phẩm, đứng nhì là tôi, đứng ba là Dương Hứa Nguyên, đứng tư là Nguyễn Thị Xuân Hương và đứng năm là Phùng Rân.
Hình 9 : Hình chụp tại Hội An năm 1967
Khi qua Trần Quý Cáp học đệ tam, chúng tôi lại chia ra ba nhóm; một nhóm gồm tôi, Dương Hứa Nguyên và Phùng Rân học chung lớp đệ tam ban A vào buổi chiều. Chú Như Phẩm học ban C và cô Xuân Hương học ban A buổi sáng. Thế là mỗi người mỗi nơi; nhưng chúng tôi vẫn là những học trò giỏi lúc nào cũng đứng đầu lớp; nên được quý Thầy Cô khen rất nhiều.
Hình 10 : Trường Trung Học Trần Quý Cáp Hội An.
Cuối năm đệ tứ niên khóa 1967-1968 tôi lãnh ba phần thưởng. Phần thưởng thứ nhất là phần thưởng học lực toàn trường, phần thưởng thứ hai là phần thưởng hạnh kiểm toàn trường và phần thưởng thứ ba là phần thưởng nhất lớp. Lẽ ra chú Như Phẩm phải hơn tôi; nhưng quý Thầy Cô cộng lại tất cả các môn và sau đó chia đều với nhau cũng như sự siêng năng không bỏ lớp và hạnh kiểm cũng như học giỏi mà tôi có kết quả như vậy. Cho đến bây giờ (2005) sau hơn 40 năm những học bạ và những bảng danh dự thuở ấy, tôi vẫn còn giữ lại đây để làm kỷ niệm. Khi chết đi chẳng ai mang theo được gì, ngoài cái nghiệp của mình; nhưng ít ra tôi để lại cho đệ tử cũng như những đồ tôn của mình biết lúc đó Thầy và Sư Ông học như thế và tu như thế. Còn các con bây giờ thì sao – quá đầy đủ phương tiện mà chẳng lo tu học gì cả. Có nhiều người nghĩ rằng tôi „rung cây nhát khỉ“; nhưng không, đó là một bài học không lời, phải trải qua nhiều sự gian khổ như thế mới có được ngày hôm nay.
Trường Trung Học Bồ Đề Hội An của Giáo Hội Tỉnh Quảng Nam lập ra lúc bấy giờ được xây dựng trên vạt đất gần tháp Chàm cũ đã đổ vỡ, đối diện với chùa Tỉnh Hội lúc ấy. Nay gọi chùa Pháp Bảo. Trường chiều dài độ 30m và chiều ngang độ 6 đến 8m. Có ba tầng và mỗi tầng độ 6 đến 8 lớp. Tuổi trẻ thấy cái gì cũng đồ sộ to lớn và chỉ biết đến lớp của mình cũng như văn phòng mà thôi; nên tôi vẫn thường hay được gọi là một „chú Tiểu rụt rè“.
May nhờ học giỏi nên lũ bạn không quấy phá nhiều; chớ không thì tôi phải khổ với những Hùng, Nam Quế, Cường v.v... Ngồi chung bàn với tôi là chú Năm tức Thị Điểm, sau 1975 ra đời và con cái thành danh; hình như cũng sắp có cháu nội cháu ngoại. Điểm và tôi thân nhau từ dạo ấy, mặc dầu Điểm ở chùa Tỉnh Hội, còn tôi ở chùa Phước Lâm và hết niên học giữa năm 1966, tôi về ở chùa Viên Giác với Thầy tôi. Chú Giải Trọng bây giờ là Hòa Thượng Thích Giải Trọng đang ở chùa Long Tuyền Hội An là một chú rất bình thường, học không giỏi nhưng rất chăm chỉ, cùng ở chung với chú Như Phẩm và chú Tuất, chú Hoàng tại chùa Long Tuyền; nơi mà mỗi năm vào mùa An Cư Kiết Hạ ba tháng từ sau lễ Phật Đản đến lễ Vu Lan, tôi có cơ hội học đạo với Hòa Thượng Chơn Phát và Thượng Tọa Thích Chánh Thiện lúc bấy giờ. Lớp tôi học có tất cả 10 chú và 30 học sinh nam nữ bình thường khác. Hình như trong lớp không có một cô Ni nào học cả. Phong trào cho Ni đi ra ngoài học lúc bấy giờ quý Sư Bà Như Hường và Sư Bà Diệu Hạnh vẫn chưa cho phép. Mãi về sau nầy mới có một số quý cô vào trường Bồ Đề học ở những niên khóa sau nầy.
Quý Thầy Cô dạy chúng tôi nhiều môn khác nhau và cho đến bây giờ tôi chỉ còn liên lạc được với một cô giáo dạy Vạn Vật cũ hiện ở Đức, đó là cô Huỳnh Thị Thúy Lan, vợ cũ của Đạo Hữu Nguyễn Hòa có bút hiệu là Phù Vân, hiện (2005) là Chủ bút Báo Viên Giác tại Đức. Câu chuyện thật tình cờ mà cũng rất là vui. Một hôm tôi lên Hamburg để làm lễ và thuyết giảng cho đồng bào Phật Tử tại vùng Hamburg. Năm ấy có thể là năm 1983 hay 1984 gì đó. Lúc ấy chưa có chùa Sư Nữ Bảo Quang của Sư Bà Diệu Tâm. Sau khi làm lễ xong, Đạo Hữu Nguyễn Hòa đưa tôi ra bến xe lửa để về lại Hannover, tôi có hỏi Đạo Hữu ấy ngày xưa làm việc ở đâu, làm gì? Đạo Hữu bảo rằng làm Trưởng Ty Nông Lâm Súc ở Hội An và hỏi cô ở nhà thì được biết rằng dạy ở trường Trung Học Bồ Đề môn Vạn Vật tên là cô Lan. Tôi nhớ không rõ lắm là cô dạy Vạn Vật năm tôi học đệ tứ tại Bồ Đề niên khóa 1967-1968. Về lại chùa mở học bạ ra xem, đúng là tên cô vẫn còn trong học bạ và lời phê của cô của cuối năm ấy là: “học hạnh kiêm toàn.“ Tôi photokopie học bạ ấy gởi cho cô; một mặt cô mừng, mặt khác thì cô bảo: “ngày xưa Thầy là học trò của con; nhưng bây giờ con là Phật Tử của Thầy đó. “Quả thật cuộc đời có những cái bất ngờ như thế ít ai dè được và tôi vẫn giữ niệm tri ân cô từ ấy đến nay.
Thuở ấy, Thầy Như Huệ làm Giám Đốc bị các giáo viên phàn nàn là tại sao tôi lãnh đến ba phần thưởng một lần; nhất là phần thưởng hạnh kiểm toàn trường. Vì quý Thầy Cô khác lý luận rằng là một người tu phải hạnh kiểm tốt rồi, hãy để phần thưởng ấy cho những học sinh khác. Thầy Như Huệ lý luận rằng nếu hạnh kiểm tốt mà học lực không giỏi cũng không được. Ngược lại học giỏi, không có hạnh kiểm cũng không cấp phần thưởng. Cuối cùng, chỉ có tôi được vinh dự ấy. Sau đó, tôi vào Nam và đi du học ở Nhật, rồi qua Đức; bẵng đi một thời gian khá lâu không có liên lạc. Năm 1982 tôi nhận được thư của Thầy Như Huệ đang ở Nhật và được tàu Na Uy vớt tạm đưa về đó chờ ngày đi định cư. Thầy có bảo tôi bảo lãnh Thầy qua Đức; nhưng tôi thưa rằng Đức lạnh lắm. Na Uy còn lạnh hơn nữa, con thỉnh Thầy sang Úc ấm áp hơn. Sau khi Thầy đồng ý, tôi liên lạc với Hội Phật Giáo Nam Úc tại Adelaide do Đạo Hữu Nguyễn Văn Tươi làm Hội Trưởng. Thế là sau ba tháng Thầy được đến định cư tại Úc và đã ở Úc gần 30 năm rồi. Thầy xây dựng chùa Pháp Hoa, Hội Phật Giáo Nam Úc và hiện là Hòa Thượng Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Năm nay (2005) Hòa Thượng đã 74 tuổi. Mỗi lần tôi gặp Ngài, đều đảnh lễ và xem như một vị Thầy mà mình đã mang nhiều ân nghĩa từ nơi quê hương yêu dấu của 40 năm về trước.
Sống tại Phước Lâm rất êm đềm trong hai năm, tôi chẳng những được hầu cận trách nhiệm Thị Giả cho Thầy Như Vạn mà còn được chúng thương mến. Vì lẽ tôi không thuộc vào danh sách những chú Tiểu cứng đầu, ngược lại rất dễ dạy và biết vâng lời người trên, lúc nào cũng chấp hành đúng mực.
Hình 11 : Chân dung cố Hòa Thượng Thích Như Vạn
Tôi không xem quý Thầy là Thánh; nhưng là người hướng dẫn tôi đi vào nẻo đạo. Đường đạo hay đường đời cũng có những việc trái ý nghịch lòng, do vậy tôi xin Thầy Như Vạn và đại chúng cho phép tôi về lại chùa Viên Giác để đi học cho gần và lý do đơn giản là tôi muốn hầu Thầy tôi, chứ thật tình lúc ấy chỉ có ba vị là bác Thị Tâm, chú Tùng và chú Đồng. Thầy Như Vạn thấy hợp lý cho phép tôi về lại Viên Giác.