- Về thăm xứ Quảng
- Phần 01: Tiếng Khóc Mẹ Hiền
- Phần 02: Nếp Tu Hành
- Phần 03: Linh Ứng chùa tôi
- Phần 04: Đời vân thủy
- Phần 05: Giống nhau giữa hai huynh đệ
- Phần 06: Chí hướng
- Phần 07: Nguyện ước
- Phần 08: Sách cùng tác, dịch giả
- Phần 09: Tuổi thơ
- Phần 10: Mốc thời gian
- Phần 11: Xuất gia học đạo
- Phần 12: Hương Lúa Chùa Quê
- Phần 13: An Cư, Thọ Giới
- Phần 14: Những ngôi Chùa nổi tiếng tại Hội An
- Phần 15: Xa Hội An
- Phần 16: Tạm biệt Sài Gòn
- Phần 17: Đại học Nhật Bản
- Phần 18: Trở lại Việt Nam
- Phần 19: Trở lại chùa xưa
- Phần 20: Lời cuối
- Phần 21: Cùng một tác giả
- Phần 22: Phương Danh Ấn Tống
- Giới thiệu tác phẩm Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển.
N |
ăm 1966 là năm đầy sóng gió với cuộc đời tu sĩ non trẻ của tôi. Nào thay đổi chỗ ở, nào vào tù, nào tang Mẹ, nào mất mát niềm tin của tuổi thơ v.v… thế mà dòng thời gian cứ mãi lặng lờ trôi, tôi vẫn tu, tôi vẫn học, vẫn đi vào cuộc đời giông bão ấy.
Về lại Viên Giác đời sống nội tâm yên ổn hơn. Tuy nhiên tôi phải đối diện với công việc. Vì trong các chú Tiểu như: Thứ, Ngô, Sơn lúc bấy giờ, tôi là người to con lớn xác hơn cả. Đây là cơ hội để bà Chín „xem mặt mà bắt hình dong“ bảo tôi mỗi tháng hai lần vào ngày 14 và 30 nếu tháng âm lịch ấy đủ phải xay đậu nành và chú Ngô phụ bà Chín sáng sớm ngày rằm và mồng một mang đậu ra chợ bán. Dĩ nhiên là tôi thích xay đậu hơn việc đi bán đậu. Chú Ngô còn nhỏ ít mắc cỡ. Còn tôi lúc ấy đã 17 tuổi rồi, lỡ đi bán đậu, gặp các bạn học cùng lớp sẽ bị chế giễu; cho nên cuối cùng rồi tôi đã chọn công việc nặng nhọc kia.
Thứ thuở ấy còn nhỏ, đi đâu và đứng ở đâu cũng cắn móng tay; nhưng được cái là học giỏi, lanh lẹ nên Thầy tôi chọn chú làm Thị Giả đi đây, đi đó với Thầy. Thế mà sau 75 không tu nữa, ra đời làm đến Giáo Sư Đại Học trong hiện tại. Thứ giữ nhiệm vụ cho đậu và nước vào cối xay; còn tôi chỉ có nhiệm vụ quay cối cho đều để có được những thùng nước đậu nành trắng xóa là được rồi. Nước đậu ấy đem đổ vào vải để „bòng“ cho ráo, chỉ còn xác đậu. Đó là nước nhất. Đoạn đổ nước lạnh vào
bã đậu „bòng“ một lần nữa để có được nước thứ nhì. Cả 2 nước đậu ấy dồn chung lại đổ vào nồi để bà Chín nấu và canh cho đến khi nào nước đậu sôi, lấy một ít nước đậu còn lạnh đổ vào nồi, để nước sôi trong nồi hạ xuống. Tiếp theo dùng thạch cao đổ vào thau, quậy cho đều; đoạn đem nước đậu vừa nấu sôi đổ vào thau, khuấy cho đều tay cho đến khi nào đậu đông lại thì dừng. Còn xác đậu thảy ra bên ngoài dùng để cho heo ăn hay làm phân bón cho cây cỏ.
Độ 15 phút sau, đậu đông cứng rồi, đem đậu ấy đổ vào một khuôn đậu, bên dưới có lót sẵn vải và đổ đậu đông kia vào đầy khuôn, sau đó bắt các chéo vải lại, đậy lên trên một tấm ván vừa cái khuôn đậu, tiếp theo lấy đá đè lên bên trên miếng ván ấy, để cho nước chảy hết ra ngoài, chỉ còn toàn là đậu nguyên chất thì dỡ khuôn ra và cắt thành từng miếng, rộng vào trong nước, kế tiếp đem ra chợ bán. Đậu nầy người miền Trung gọi là Đậu Khuôn. Vì đậu được làm nằm trong khuôn gỗ. Miền Bắc gọi là Đậu Phụ. Thực sự ra đậu phụ nếu viết bằng Hán văn, nó chỉ có nghĩa là hạt đậu nành mà thôi. Người Hoa gọi là Đậu Hủ. Chữ Hủ có nghĩa là thối. Đậu nầy mà ủ lâu ngày có thể làm chao, làm tương được. Thật sự ra gọi cách nào cũng đúng cả. Vì trong cả 3 danh từ ấy chữ đậu vẫn đóng vai trò chính.
Thuở ấy có một người đàn bà trung niên tên là Cô Bốn từ Cẩm Nam hay sang đây làm công quả trong những ngày rằm, mồng một như thế để phụ cho Bà Chín, kể cả việc đi bán đậu sau nầy, khi Bà Chín bị tai nạn giao thông mất. Thế là Cô Bốn có lý do chính thức ở lại chùa luôn thay thế nhiệm vụ của Bà Chín lâu nay. Chúng Điệu chúng tôi không ai được hỏi ý kiến và cũng không họp chúng để thâu thêm người vào. Nếu là chùa Phước Lâm thì chú Hạnh Thu đã làm nhiệm vụ ấy rồi. Chúng tôi không thắc mắc mà chỉ để ý những việc làm của người đàn bà tuổi trung niên ấy mà thôi. Bà nầy chỉ biết có Thầy trụ trì, còn Điệu chúng tôi hay bị bà la mắng, chửi xéo khi có người hỗ trợ bà. Chúng tôi cảm thấy bơ vơ vì không có ai bênh vực cho mình; nên cũng tủi thân; chỉ biết nhìn nhau và tự thông cảm cho thân phận làm người tu của mỗi chú trong giai đoạn nầy mà thôi.
Thân ở trong chùa mà tâm ít yên vì ngoại cảnh chung quanh chi phối nhiều quá nên tôi đã xin Thầy mỗi tối xuống nhà bà Huỳnh để nhờ anh Tiến chỉ bài cho học. Đây cũng chỉ là cái cớ để xa chùa. Nhớ là khi xưa còn làm thân Cư sĩ. Tuy sinh hoạt ở nhà; nhưng lúc nào cũng hướng đến chùa và đến chùa Hà Linh ngủ lại qua đêm. Còn bây giờ thân đã làm Tăng sĩ mà không muốn ở chùa, tâm lại hướng đi hướng khác. Quả thật đời nầy có nhiều khúc quanh là vậy.
Kể ra nhà ông bà Huỳnh nầy là một nhà rất tốt. Nhà có hai chị gái lớn là chị Mai và chị Hồng. Anh Tiến chỉ là học sinh Trung Học Đệ Nhị Cấp trường Trung Học Trần Quý Cáp đến ở trọ mà thôi. Tôi nhờ anh chỉ toán cho một thời gian, đâm ra tự tin hơn; chứ thật ra lúc ấy tôi chưa biết giải phương trình một cách rành mạch. Anh Tiến chỉ cho tôi cách học thuộc những công thúc như: „Sign đối với huyền, Cosign kề huyền; tan đối với kề, cotan kề đối“. Hoặc giả cách rút căn số và cách giải phân số v.v… Sau thời gian chừng 3 tháng như vậy tôi không đến nhà bà Huỳnh nữa và Thầy tôi cũng chẳng la rầy gì cả. Có lẽ sự vắng mặt của chúng tôi, Thầy tôi không để ý chăng ?
Tôi hỏi ý Thứ và Bác Thị Tâm bây giờ mình phải làm sao, thì tất cả đều chọn giải pháp „im lặng là vàng“. Thế rồi từ đó trở về sau; chuyện gì xảy ra trong chùa Viên Giác nầy, chúng tôi hầu như là: „xúc sự vô tâm“ không quan hoài đến; chỉ muốn lo làm xong bổn phận của mình mà thôi.
Ngoài ra tôi cũng biết thêm nghề chằm nón; nên mua lá, vành và khuôn nón về để xây nên những chiếc nón bài thơ xinh xinh và đem đi bán tạo thêm kinh tế cho chính mình trong việc mua sách vở, bút mực. Thuở ấy cũng hay! Chúng tôi chẳng ai nghĩ rằng: Cuộc đời của mình sẽ ra sao sau nầy khi không có tiền bạc dính túi. Chúng tôi lúc đó hầu như vô sản. Nếu có ai về quê thăm, các anh chị cho chút đỉnh, dùng tiền ấy để dành, cất kỹ; chờ cho có việc gì trọng đại mới đem ra dùng, còn tương lai phía trước, mình phải sống như thế nào, hầu như chẳng có chú nào để ý đến. Chúng tôi chỉ có bổn phận tu, học và làm việc; Thầy trụ trì cung cấp cho cơm, gạo, nước non là đủ.
Ở trước vườn chùa Viên Giác thuở ấy có một khoảng đất trống. Ở đây được trồng những dây khoai lang, chúng tôi có bổn phận tưới chúng và chú Ngô là người có nhiệm vụ cắt rau theo mệnh lệnh của cô Bốn để mỗi ngày chúng tôi có được rau lang luộc, rau lang xào, rau lang chiên, rau lang nấu canh v.v… mỗi ngày đều có rau lang đổi món và mỗi tuần đều lặp đi lặp lại xoay vần như vậy. Thế mà chúng tôi vẫn khỏe mạnh như thường. Nếu không nhờ Phật độ, làm sao chúng tôi có thể vượt qua được những giai đoạn thử thách cả nội tâm lẫn ngoại cảnh như vậy.
Niên khóa 1966-1967 tôi đã học lớp Đệ Ngũ tại trường Trung Học Bồ Đề và mùa hè năm 1967 chùa Long Tuyền có tổ chức an cư kiết hạ cũng như giới đàn; nên tôi xin phép Sư Phụ lên chùa Long Tuyền để được nhập chúng an cư tu học. Thầy tôi đồng ý ngay và đây cũng là cơ hội để tôi xa Viên Giác trong 3 tháng hè ấy. Lẽ ra Sư Phụ cũng nên cho biết, đây là chùa của Sư Ông Phổ Thoại sáng lập và trong hiện tại Sư Bác Chơn Phát trụ trì; nhưng Thầy tôi đã không tạo sự gần gũi ấy cho tôi, sau nầy tôi mới hiểu khi ra làm việc với nhau, giữa Sư Bá và Sư Phụ có nhiều quan điểm không giống nhau; nên tình huynh đệ, pháp lữ trong chốn Thiền Môn không khắn khít với nhau lắm. Chúng tôi hàng hậu học, đệ tử chỉ có biết như thế thôi và hầu như chẳng ai dại gì đi hỏi lý do tại sao để dễ bị mắng nhiếc cũng là chuyện bình thường thôi.
Chùa Long Tuyền nằm trên một cồn cát gần Thị xã Thanh Hà, chung quanh toàn là mồ mả; nhưng trong vườn chùa có cả một rừng cây „Vỏ“ cho quả vào mùa hè thật là ngọt ngào. Quanh chùa được rào bởi một hàng cây nhân tạo để cho trâu bò khỏi vào bên trong phá tháp hay mồ mả vốn có sẵn trong chùa. Chúng tôi vốn là những người học cùng lớp với nhau tại trường Bồ Đề nên rất dễ thân thiện với nhau; trong ấy có chú Giải Trọng, Như Hoàn là hai người mà chúng tôi thân thiết và gần gũi nhất; chúng tôi đã kết nghĩa anh em từ thuở ấy. Như Điển nhỏ tuổi nhất, sinh năm 1949 làm em út. Như Hoàn sinh năm 1947 làm anh kế; còn Giải Trọng sinh năm 1946 lớn nhất làm anh cả. Ngoài ra chú Như Phẩm, chú Bảy, chú Quít, chú Tuất cũng đang ở chùa nầy và đang học chung lớp, cũng là những người bạn dễ thương. Họ là những người đệ tử cùng Thầy và nếu họ nhận tôi vào hàng vai vế thì chúng tôi là anh em Chú Bác trong cửa chùa với nhau; nên cũng chẳng xa lạ gì.
Đây là mùa tập sự an cư đầu tiên của chúng tôi. Thời khóa rất nghiêm ngặt, gồm có tọa thiền và công phu khuya. Sau khi điểm tâm lên lớp học buổi sáng; đến trưa cúng ngọ và dùng quá đường. Tiếp đó nghỉ trưa và chiều lên lớp học nữa. Kế tiếp đi công phu chiều, sau đó dùng cháo và tối lại ôn bài, cuối cùng là tịnh tọa trên giường lúc 10 giờ đêm để đi ngủ và ngày hôm sau cũng lặp lại nguyên như vậy.
Thầy dạy thì có Hòa Thượng Chơn Phát dạy giáo lý căn bản trong 37 phẩm trợ đạo. Thầy Chánh Thiện dạy chữ Hán, Thầy Như Huệ dạy cách thức diễn giảng và nghi lễ, Thầy Như Vạn dạy về hành chánh, Thầy Như Luận dạy về sinh hoạt Tăng Ni… Chúng tôi tuổi còn trẻ nên học bao nhiêu môn đầu óc vẫn tiếp thu bình thường không có gì khó khăn cả. Riêng chỉ có những ngày sám hối, bố tát, tụng giới và lễ lạy Thù Ân là vất vả hơn một chút. Vì có sám hối hồng danh, tụng giới và lạy Chúc Tán vào sáng ngày rằm cũng như mồng một. Đây là những nghi lễ của Thiền Môn đã có lâu đời tại Việt Nam và đã trở thành một truyền thống, không có chùa nào là không thực hiện. Nhờ vậy mà cho đến ngày nay, ở ngoại quốc đã hơn 40 năm rồi, tôi vẫn không quên Chúc Tán vào những ngày Sóc ngày Vọng nầy. Riêng kinh Thủ Lăng Nghiêm là một Thần Chú rất quan trọng cho tất cả mọi Tăng Sĩ; nên kể từ khi đi xuất gia cho đến ngày nay gần 50 năm dài, tôi không bao giờ xao lãng hành trì Thần Chú nầy.
Kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp, mà đẹp nhất là kỷ niệm của tuổi học trò. Chúng tôi vừa là học trò, vừa là chúng điệu của các chùa nên cũng có những niềm vui nho nhỏ của mình. Ví dụ như trong mùa an cư kiết hạ có giờ tịnh tâm ngồi thiền trước khi đi ngủ. Nếu ngồi thiền trên chánh điện hay Thiền Đường thì chẳng có vấn đề gì để nói. Vì nơi ấy có vị Thiền Chủ đi tuần, thấy ai bị hôn trầm thì cảnh sách ngay. Việc cảnh sách bằng cách lấy thiền trượng đánh vào vai phải hay vai trái để thiền sinh khỏi bị ngủ gục. Đàng nầy Hòa Thượng Chơn Phát cho chúng tôi ngồi thiền trên chiếc đơn của mỗi người. Vì chùa miền quê có muỗi; nên mỗi chiếc đơn đều có phủ lên đó một chiếc mùng. Chúng tôi thả mùng hết xuống và ngồi đâu lưng sát lại với nhau, cứ thế mà thiền. Khi đâu lưng như vậy có nhiều chú ngáy lớn tự nhiên, khiến cho Thầy Như Luận đi tuần tra bắt gặp; thế là kế hoạch của chúng tôi bị bại lộ, bị phạt và cả chúng đều phải lên sám hối hết. Tuổi trẻ thật ngây thơ là vậy.
Hoặc giả khi học trong trường Bồ Đề chú nầy bị cặp đôi với cô nữ sinh kia; tuy không tỏ tình với nhau; nhưng nhìn nhau khi ra vào lớp cũng cảm thấy bẽn lẽn trong lòng. Có nhiều lúc tụi bạn viết giả thư rơi và chữ ký để chọc nhau và cuối cùng rồi đâu cũng vào đó. Thuở ấy tôi còn nhớ có giờ toán chạy. Nghĩa là Thầy Kế ra đề toán và cả lớp đều làm. Ai đáp án nhanh, kể từ người số 1 đến số 10 sẽ được chấm điểm. Tụi học trò biết chúng tôi làm toán nhanh; nên chúng cột vạt áo sau của chúng tôi vào thành ghế, khi vừa làm xong, chỉ lo chạy lên nộp cho kịp giờ, chẳng may vạt áo dài sau bị rách toạt. Thế là chúng nó cười thật lớn; trong khi đó chúng Điệu chúng tôi đang lo toan là ai sẽ vá lại dùm chiếc áo bị sứt chỉ nầy đây.
Ngày xưa đời sống ở Tu Viện hay Chùa Tổ rất khổ sở. Hầu như người ta không chú trọng đến cái ăn, cái mặc, mà dẫu cho có chú trọng đi chăng nữa thì đời sống của người dân vẫn còn quá khổ, làm sao đời sống trong chùa khá hơn được. Quanh đi quẩn lại chỉ có gạo, muối, tương, chao vẫn là những món ăn thường nhật của nhà chùa. Chỉ có Thầy Trụ Trì hay Thầy Giám Viện được các bà Tịnh Hạnh Nhơn nấu riêng một mâm cơm có cả đậu hủ kho tương và một đĩa rau luộc. Như thế là tươm tất lắm rồi. Nhưng mâm cơm nầy, sau khi hầu Thầy, Thị Giả được dùng, có đâu chia đều cho chúng được. Vì chúng quá đông. Ngày ấy hầu như chúng tôi không phàn nàn về chuyện ăn uống và ngay cả chuyện tu học cũng không dám có ý kiến. Trên bảo sao, dưới nghe vậy. Học nhiều hay học ít là tùy theo mỗi người. Còn chương trình dạy ở chùa và ở trường cứ như thế mà theo. Ai học được, cuối năm đủ điểm lên lớp. Ai không đủ điểm ở lại học thêm một năm nữa. Không như ở ngoại quốc, khi lên Trung Học người ta chia ra từng loại học sinh khác nhau để tiếp tục đi học chữ, học nghề, hay học trường đặc biệt. Đây là cái học quá xưa cũ, mà cho đến nay vẫn chưa thấy cải tiến được bao nhiêu. Thông thường cha mẹ nào chẳng muốn cho con mình học tiếp tục vào Đại Học; nhưng đứa con ấy bị khó khăn với học trình ngay từ ngưỡng cửa của Trung Học, thì làm sao học cho nổi khi vào Đại Học. Thế mà cứ đẩy con mình vào.
Nhà chùa thì sao? Việc giáo dục của nhà chùa còn cổ hơn trường đời nữa. Nghĩa là tất cả cho vào một lớp; không tính tuổi tác khác nhau; không để ý trình độ hiểu biết khác nhau và thị hiếu khác nhau. Có lẽ vì không đủ Giáo Thọ cũng như nếu có chia ra nhiều lớp thì những trò học dở, những chú học không tiến bộ ấy sau nầy sẽ làm gì ? Đây là một câu hỏi chưa có đáp số; nên các trường Đạo đều giữ nguyên lại cách dạy xưa cũ ấy.
Trong mùa An Cư Kiết Hạ năm ấy tôi kết thân với chú Giải Trọng và chú Như Hoàn, mặc dầu tuổi tác của chúng tôi chênh lệch nhau; nhưng cả ba đều học chung một lớp. Thầy Giải Trọng học trung bình, không có gì xuất sắc lắm. Anh Như Hoàn học giỏi hơn; nhưng hai Sư huynh ấy không người nào chạy theo kịp tôi. Có lẽ tôi trẻ hơn nên lanh lẹ hơn chăng ? Cái học nào đối với tôi cũng dễ dàng từ giáo lý đến chữ Hán; từ tán tụng cho đến học thuộc lòng. Khi trả bài cho Thầy giáo hay các Thầy dạy trong Đạo, tôi không bỏ sót một cơ hội nào để tự giới thiệu khả năng học thuộc lòng của mình, mỗi khi được dò bài.
Cuối niên học 1969 tôi vào Sàigòn tiếp tục con đường tu học của mình, không còn liên lạc với quê hương xứ Quảng nữa. Thời gian ấy kéo dài mãi cho đến năm 1975 và kể từ đó không được tin tức của nhau; nhưng sau nầy nhờ những người tỵ nạn đến định cư tại Đức và thư từ qua lại, tôi biết rằng Thầy Giải Trọng, Thầy Như Phẩm vẫn còn tu tại chùa Long Tuyền; chú Như Hoàn và một số chú khác đã ra đời. Biết chỉ để biết vậy thôi, làm sao để có cơ hội gặp gỡ đây.
Năm 2003 là năm kỷ niệm tôi trở về ngôi Phương Trượng, lúc ấy tôi 54 tuổi. Đây là cơ hội để cung thỉnh một số chư vị Tôn Đức từ quê hương đến tham dự lễ nầy, đặc biệt là quý vị từ quê hương xứ Quảng. Thế là chúng tôi có cơ hội gặp nhau. Điều nầy chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến, thế mà nay cơ hội đã được mở ra. Đến năm 2008 tôi được tấn phong lên phẩm vị Hòa Thượng trong Giới Đàn Pháp Chuyên cũng đã có cơ hội mời chư Tôn Đức Tăng Ni từ Quảng Nam sang Đức một lần nữa. Lần nầy cũng có Thầy Giải Trọng đến tham dự, đồng thời chúc mừng 60 năm sinh nhật của tôi. Kế tiếp đó là tháng 10 năm 2010 tại Cực Lạc Cảnh Giới ở Chiangmai, Thái Lan, rồi tại Hoa Kỳ và năm 2012 nầy tại Adelaide, Úc Châu. Bây giờ chúng tôi ai cũng đã già, tóc mấy màu trải qua cùng mưa nắng. Thầy Giải Trọng bây giờ hay ngồi vai Sám Chủ trong các Đại Trai Đàn và thỉnh thoảng giữ ngôi vị Gia Trì trong các Đàn Tràng Chẩn Tế.
Như Hoàn Phạm Sanh đã không còn liên lạc từ lâu; nhưng bỗng một hôm của năm 2011, Như Hoàn cho biết là sẽ sang Hoa Kỳ để đoàn tụ với con cái. Từ đó tôi đã nối kết lại liên lạc và hẹn nhau vào tháng 3 năm 2012 nhân chuyến hoằng pháp lần thứ 8 tại Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ gặp nhau tại Trung Tâm Quảng Đức tại Riverside thuộc miền Nam California. Quả thật quả đất tròn; nên chúng tôi đã có được những ngày hội ngộ thật là ý nghĩa. Bây giờ Như Hoàn đóng vai trò của một người Phật Tử thuần thành lo hộ trì cho Đạo; trong khi đó tôi được cung thỉnh như là một vị Pháp Sư chủ giảng tại đạo tràng nầy ngày hôm đó. Cuộc đời nầy mấy ai biết được chữ ngờ. Ngờ làm sao được ngày xưa chúng tôi là Huynh Đệ tu hành dưới mái chùa Long Tuyền năm 1967 và đã học chung Trung Học Đệ Nhất Cấp trường Bồ Đề Hội An từ năm 1964-1968. Thật ra không ai trong chúng tôi tiên liệu được việc gì cả. Thế mà bây giờ hai người bạn học ngày xưa lại ở hai vị trí khác nhau.
Ngay cả Thầy Hạnh Đức và Thầy Như Phẩm, họ cũng muốn gặp tôi để thăm hỏi; nhưng hơn 40 năm trôi qua, chưa một lần được hội ngộ bao giờ. Thời gian không biết sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa; nhưng nếu có niềm hy vọng, chắc có ngày sẽ gặp nhau. Mong sẽ được như vậy.
Khi dạy và khảo bài chúng tôi trong mùa An Cư Kiết Hạ nầy, quý Thầy thấy chúng tôi đã thuộc làu hai thời công phu sáng chiều và các oai nghi căn bản; nên đề nghị với Ban Giám Hiệu nhà trường cho chúng tôi đi thọ giới Sa Di. Chúng tôi những người được đề nghị khi nghe ai cũng mừng; nhưng ai cũng đều lo âu. Vì lẽ tất cả các môn thi, đều sẽ được thi thuộc lòng và không có thi viết.
Xuất gia là một công đức rất lớn và thọ giới là một phước báu vô ngần; nên chúng tôi hăng hái ôn bài để đi thi, chính thức trở thành một Sa Di trong thiền môn. Vì lâu nay chúng tôi chỉ là một tịnh hạnh nhơn mà thôi. Sau khi thọ Sa Di 10 giới; người ấy mới trở thành đệ tử xuất gia chính thức và mang họ Thích ở đầu Pháp Danh. Năm ấy sau khi giải chế an cư, chúng tôi tập trung tại Phật Học Viện Phổ Đà ở Đà Nẵng để chờ giờ kiểm điểm các giới tử và nghe Hòa Thượng Đàn Đầu khai đạo giới tử dạy răn.
Giờ khảo hạch kinh, luật, luận rất căng thẳng. Vì Tuyên luật sư là Hòa Thượng Thích Trí Hữu. Ai trong chúng tôi cũng ngán. Vì Hòa Thượng là một bậc long tượng của Phật Giáo Quảng Nam; một người hành trì giới luật đệ nhất. Do vậy các giới tử lo lắng vô cùng. Khi được hỏi đến, mỗi người tự khai pháp danh và Thầy Tổ của mình ra và khi Hòa Thượng dạy đọc thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm đệ nhất hay đệ tam, rồi một vài chú trong thập chú, đoạn nghỉ một hồi, có hai Thầy phụ khảo ngồi chấm điểm. Chỉ riêng việc thấy ba Thầy đường đường Tăng tướng ngồi đó, chúng tôi cũng đủ khiếp vía rồi; chưa nói gì đến việc khảo hạch. Tiếp đến Hòa Thượng hỏi tại sao đi xuất gia ? Ý nghĩa của hai chữ xuất gia là gì và một vài bài chú trong Tỳ Ni Nhật Dụng; xong đâu đó Hòa Thượng bảo lui ra. Thế là mừng khấp khởi.
Mãi cho đến về sau nầy những Giới đàn như: Thiện Hòa được tổ chức năm 1983 tại Los Angeles Hoa Kỳ; Giới đàn Đại Nguyện ở Marseille, Pháp quốc năm 1988 và các Giới đàn tại Âu, Úc, Mỹ và đa phần chúng tôi được mời làm Tuyên Luật Sư, có nhiệm vụ khảo hạch các giới tử Sa Di và giới tử thọ Tỳ Kheo, xem ra ai ai cũng có cùng tâm trạng. Vì các giới tử nầy không biết là vị Tuyên Luật Sư sẽ hỏi mình những gì, trong khi kinh, luật, luận rộng mênh mông vô số kể, học suốt đời cũng chưa xong. Ở đó, một chú Tiểu nhỏ bé như chúng tôi thuở ấy làm sao chu toàn trách nhiệm: „tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự“ cho được.
Giới đàn năm 1967 tại Đà Nẵng do Cố Hòa Thượng Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu làm Đàn Đầu; Hòa Thượng Tôn Thắng trụ trì chùa Diệu Pháp làm Yết Ma; Hòa Thượng Tôn Bảo trụ trì chùa Vu Lan làm Giáo Thọ; Hòa Thượng Trí Hữu làm Tuyên Luật Sư và 7 vị Tôn Chứng Sư khác trong tỉnh nhà được mời đến truyền giới. Thông thường sau khi thọ giới có cấp giới điệp; nhưng những giới tử đến từ Hội An do Tăng Sự của Hội An đề nghị; cho nên chứng điệp của chúng tôi có xuất xứ là chùa Long Tuyền. Có lẽ lúc ấy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Trung Ương chỉ cho mỗi nơi, mỗi năm được mở một giới đàn; cho nên mới xảy ra việc hành chánh phải được phân chia như vậy cho hợp lý.
Thọ giới tại Đà Nẵng nhưng chứng điệp lại Long Tuyền
Sau khi thọ giới Sa Di, chúng tôi về lại chùa xưa; bây giờ có thêm tấm y vàng đắp lên người, trông chững chạc và bệ vệ làm sao. Phật Tử chùa Viên Giác tại Hội An ai cũng khen rằng: Chú Điển đắp y vào thấy trang nghiêm lắm.
Những năm 1967, 68, 69 ấy chiến trận ở biên thùy rối động; nên số thanh niên đi lính bị tử vong cũng không ít. Do vậy mà chúng tôi bị điều đi cúng đám ma liên miên ngoài giờ học của mình. Cũng nhờ Thầy Tư Toàn và chú Đồng kèm cho việc tán tụng, ngay cả tập cho việc đọc sớ, cúng vong v.v... nên ngày nay tôi mới có cơ hội để chỉ lại cho quý Thầy đệ tử bây giờ. Nếu không có cơ hội thực tập, làm quen, nghe qua rồi nhớ nằm lòng ấy, thì cơ hội tuyên dương pháp ngữ không có. Trong các chùa Việt Nam thật ra người còn sống hộ trì cho chùa đã đành; nhưng người đã chết, họ cũng giúp chùa không ít, qua những nghi lễ như ma chay, cưới hỏi nầy. Có nhiều người trong gia đình không biết đạo; nhưng nhờ có người quen thân như cha, mẹ hay anh em qua đời, đến dự lễ, nghe quý Thầy tụng kinh và đôi khi có nói một vài bài pháp kể từ ngày người thân nằm xuống cho đến 49 ngày, thân nhân trong gia đình lợi lạc không biết là bao nhiêu. Đây cũng là cơ hội để nhiều người biết quy y Tam Bảo và trở thành những Phật Tử thuần thành sau nầy.
Đi cúng đám có cái vui là được đãi ăn ngon và sau khi cúng xong, gia chủ còn hậu tạ cho Thầy cả một số tiền cũng như bánh, chuối. Thế là chúng tôi được chia phần để hưởng lộc. Từ đó Thầy cả mới chỉ thêm cho là „chú nầy giọng tụng còn yếu quá, chú kia tán như vậy là được rồi“. „Lẽ ra lời Duy Nguyện ấy phải để cho Duy Na; nhưng chú nầy đã xởm giọng v.v...“. Thôi thì bao nhiêu tràng cười hả hê lại có dịp đến với lứa tuổi thanh xuân của chúng tôi lúc bấy giờ còn giòn hơn là bắp rang trong nồi nữa.
Những cuối tuần rảnh rỗi tôi được theo Thầy tôi hay Thầy Tư Toàn đi qua Cẩm Nam hay ra đến đảo Cù Lao Chàm để cúng đám hoặc thuyết giảng nữa. Cứ mỗi lần có cơ hội đi xa là mỗi lần học thêm được một vài bài học, hay có thêm được một vài người bạn mới. Đến Cẩm Nam tôi có quen thân với Nguyễn Lụa và Lê Viết Tấn. Sau nầy có Lê Hùng Anh và người nầy năm 1968 về chùa Viên Giác để ở tạm một thời gian và tập sự xuất gia bên Khất Sĩ. Nay là một giảng sư nổi tiếng bên Khất Sĩ tại Vĩnh Long có đạo hiệu là Pháp sư Thích Giác Ánh.
Cẩm Nam là một khu cồn đất; nơi đây là cái đảo của hai nhánh sông Thu Bồn được chẻ ra ở điểm cuối, trước khi dẫn nước trôi về nơi cửa Đại. Bên nầy Cẩm Nam là Phố cổ Hội An và bên kia là làng Kim Bồng làm nghề chạm trổ và dệt chiếu. Những ngôi nhà cổ Hội An thời trước do các thợ chuyên môn của Trung Quốc đưa sang, rồi họ sinh sống làm ăn tại Phố Hiến nầy, cuối cùng họ chết ở đây và nghề mộc chạm trổ ấy đã được truyền lại cho người dân Kim Bồng nầy; nên mãi cho đến thế kỷ thứ 21 nghề mộc Kim Bồng vẫn còn vang bóng một thời. Đó là chưa kể đến những ngày xa xưa của thế kỷ 17, khi mà Chúa Nguyễn Đàng Trong cho tự do mậu dịch ở phố Hội An thì các thuyền buôn từ Âu Châu tấp nập đỗ đến đây để buôn bán trao đổi với nhau. Thông thường trên những thương thuyền lớn nhỏ ấy họ mang theo những vị Giáo sĩ có nhiệm vụ giải tội cho những con chiên của họ và đến đất Đàng Trong để thăm dò tình hình dân tình ở đây như thế nào, rồi từ đó họ xuống thuyền ở chờ cho có gió Nam mới trở về lại cố quốc. Trong thời gian ở đây, họ đến trú ngụ tại làng Thanh Chiêm thuộc xã Thanh Hà, gần phố Hội. Các vị Giáo sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lắng nghe phát âm tiếng Việt của người Việt Nam mình và họ ghi chú ra bằng những mẫu tự tiếng La Tinh. Rồi những dấu nhấn như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng v.v... Mới đầu tiếng Việt còn thô sơ lắm; nhưng trải qua thời gian năm tháng mấy trăm năm; tiếng Việt ngày nay đã trở thành một loại quốc ngữ cho gần cả 100.000.000 người để nói, đọc, nghe và viết nhằm trao đổi, thông cảm bằng văn tự nầy. Ngày xưa chúng ta học sử và biết rằng: Công nầy là do Giám Mục Alexandre De Rhodes; nhưng ngày nay Viện ngữ học tại Hà Nội đã bác bỏ điều ấy và cho rằng: tiếng quốc ngữ của chúng ta ngày nay xử dụng được xuất phát từ làng Thanh Chiêm Hội An và người có công tìm ra cách phát âm của chữ quốc ngữ là các Giám mục người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tại Cẩm Nam người ta cũng có trồng lúa, trồng bắp và trồng dừa. Mỗi lần sang thăm Cẩm Nam hay đi cúng kiến tại các gia đình Phật Tử ở đây, chúng tôi mang về chùa Viên Giác không biết bao nhiêu là cây trái vùng quê ấy. Ở Cẩm Nam có gió mát quanh năm. Vì chung quanh đảo nhỏ nầy được bao bọc bởi sông và biển; nên người dân ở đây đa phần sống về nghề chài lưới và nghề nông.
Xa xa khỏi Hội An chừng ba bốn cây số là Cù Lao Chàm. Nơi đây người ta lấy Yến để bán cho người Hoa tại phố Hội. Nghề lấy tổ yến đã có từ xưa đến nay. Tương truyền rằng ăn yến được bổ dưỡng rất nhiều; nên người ta đua nhau làm giàu về sự đồn đãi ấy. Trên đảo đa phần dân chài ở, làm nghề chài lưới; nhưng ở giữa đảo có một ngôi chùa tên là Hải Tạng đã được dựng lên từ bao đời nay, mà trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn cũng như trong quyển „Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tập 1“ của Giáo sư Tiến sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát có đề cập đến. Theo ông Lê Quý Đôn thì cho rằng Minh Châu Hương Hải Thiền Sư là tác giả của bài thơ:
Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô lưu tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Nghĩa:
Nhạn bay qua bầu trời, ảnh chìm dưới đáy nước
Nhạn không có ý lưu dấu vết, nước cũng không hề ghi lại ảnh hình.
Đây là bài thơ Thiền diễn tả về cái không rất hay và nổi tiếng một thời; nhưng theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì cho rằng: „Đây là bài thơ của Minh Châu Hương Hải Thiền Sư người Trung Hoa chứ không phải người Việt Nam. Việc chép sai ấy là do Lê Quý Đôn tác ý“.
Nguyên là Minh Châu Hương Hải Thiền Sư có liên hệ với một vài vị cận thần của Vua Lê Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; nên đã bị đày sang Đàng Trong. Trong khi ở Đàng Trong thì Minh Châu Hương Hải Thiền Sư cũng không được sự tin dùng của các Chúa Nguyễn thời bấy giờ; cho nên Ngài đã chờ cho đêm thanh cảnh vắng cùng với đoàn tùy tùng quy thuận về phương Bắc. Sử nước ta đã viết như vậy; nhưng thử hỏi: Nếu không phải là người tài đức, danh tiếng thì đâu có được vua quan chú ý. Ở đây Ngài Minh Châu Hương Hải nầy chắc chắn phải là một vị Thiền Sư phái Tào Động, tài đức vẹn toàn nên các Chúa Nguyễn Đàng Trong ban đầu mới dung nạp và cho lập chùa Hải Tạng tại Cù Lao Chàm nầy; nhưng dẫu là của ai, vấn đề ấy không quan trọng. Điều quan trọng là trong văn học Việt Nam của chúng ta có được một bài thơ Thiền tuyệt vời như thế, chúng ta nên trân quý và nên thể hiện tấm lòng cung kính những bậc tiền nhân đã vì tinh thần „vô tư chí công“ mà đã để lại cho đời một bài thơ tuyệt vời như vậy.
Vì dân ở đây đa phần theo nghề biển. Nếu không làm cá họ cũng chẳng biết làm gì. Do ruộng đất trên Cù Lao Chàm nầy rất ít. Cho nên khi lễ quy y Tam Bảo được tổ chức tại đây thì những người xin quy y, giới thứ nhất họ không giữ trọn vẹn được. Nên đáp rằng: Con xin cố gắng. Ở đây tôi làm quen với một người Phật Tử tên Văn và anh nầy về sau trở thành một Phật Tử thuần thành của chùa Viên Giác tại Hội An; mỗi tháng thường vào Viên Giác để sinh hoạt Gia Đình Phật Tử và sau nầy tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Cù Lao Chàm được thành hình tốt đẹp là do công lao một tay của anh gầy dựng nên.
Gọi là Cù Lao Chàm có lẽ ngày xưa đây là nơi sinh sống của người Chàm, chứ thật ra trên đảo ngày nay không còn sót lại dấu tích gì của người Chàm cả. Tại Quảng Nam ngày nay chỉ còn lưu lại di tích Mỹ Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật của người Chàm của một thuở xa xưa từ trước thế kỷ thứ 13, cho đến sau khi Châu Ô và Châu Lý được sát nhập vào nước Việt Nam thì những di tích của người Chàm đã bị người Việt đập phá dần. Đây là một sự mất mát lớn trong vấn đề bảo tồn những di sản văn hóa của thế giới ngày nay.
Năm 1967 trôi qua lặng lẽ với tuổi học trò Trung Học của chúng tôi và năm nầy riêng tôi có được nhiều cơ hội trong việc tu và việc học. Tuy là cái học, cái tu ở chùa Tổ, không sâu sắc bằng những Phật Học Viện; là những nơi đào tạo chuyên khoa cho Tăng Sĩ; nhưng với các chùa quê tại phố Hội lúc bấy giờ đã là một sự cải cách không nhỏ. Âu đó cũng là nhờ vào sự động viên của quý Hòa Thượng Thích Chơn Phát, Thích Như Huệ, Thích Như Vạn, vì quý Ngài nầy đã một thời xuôi Nam du học tại các Phật Học Đường Lưỡng Xuyên và Ấn Quang; nên chúng tôi mới thừa hưởng được những hồng ân như thế.