- Về thăm xứ Quảng
- Phần 01: Tiếng Khóc Mẹ Hiền
- Phần 02: Nếp Tu Hành
- Phần 03: Linh Ứng chùa tôi
- Phần 04: Đời vân thủy
- Phần 05: Giống nhau giữa hai huynh đệ
- Phần 06: Chí hướng
- Phần 07: Nguyện ước
- Phần 08: Sách cùng tác, dịch giả
- Phần 09: Tuổi thơ
- Phần 10: Mốc thời gian
- Phần 11: Xuất gia học đạo
- Phần 12: Hương Lúa Chùa Quê
- Phần 13: An Cư, Thọ Giới
- Phần 14: Những ngôi Chùa nổi tiếng tại Hội An
- Phần 15: Xa Hội An
- Phần 16: Tạm biệt Sài Gòn
- Phần 17: Đại học Nhật Bản
- Phần 18: Trở lại Việt Nam
- Phần 19: Trở lại chùa xưa
- Phần 20: Lời cuối
- Phần 21: Cùng một tác giả
- Phần 22: Phương Danh Ấn Tống
- Giới thiệu tác phẩm Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển.
- Tiếng nói
- Dáng dấp
- Cùng xuất gia tuổi đồng chơn
- Tôn thờ cùng một lý tưởng
- Cùng môn phái
- Xuất ngoại du học
- Dịch kinh, viết sách
- Cùng sinh hoạt trong chi bộ PG.
- Hoằng pháp
- Thành lập 2 trung tâm tu học
HT Thích Bảo Lạc
Buổi tiệc tiễn đưa trước khi đi du học
C |
ầm bút viết câu chuyện đời tu vừa tròn năm mươi sáu năm (1957) của tôi có thể nói là một trường thiên đầy bi hùng như ngọn thủy triều mỗi ngày hai bận xuống lên. Nhưng con nước vẫn âm thầm xuôi dòng đi đến tận cùng ra tới đại dương, dù trải qua bao phong ba tuế nguyệt dàn trận tứ bề như thiên la địa võng. Tuổi Nhâm Ngọ, con trai xưa nay ai cũng nghĩ là con người sang, tướng quý phái, học rộng, có nhiều tài năng đặc biệt; không hiểu tôi có được phúc nằm trong số người mang các tính chất nổi bật đó không. Nhâm Ngọ (1942) cầm tinh con ngựa; ngựa có nhiều loại: ngựa kéo xe, ngựa đua, ngựa phi nước đại như con tuấn mã mà ai lại chẳng thích. Tánh tôi ưa kỹ lưỡng, nhanh nhẹn, trách nhiệm, chịu khó, bước đi thoăn thoắt như gió giống như ngựa vậy. Mạng mộc thuộc dương liễu mộc – gỗ cây thông – đa dụng lắm đấy dùng làm cột nhà, trụ đèn, sàn lót chắc bền lại đẹp nữa, kể ra cũng thú vị đấy chứ! Ấy thế mà nhiều người muốn vào ngôi tuổi Nhâm Ngọ, nhưng nào có được, vì nghiệp đã buộc và định cả rồi, có chăng chỉ còn hy vọng mong manh ở kiếp sau đi lộn mới trúng nhằm sao quả tạ chiếu kỷ đầu thai trở lại cho rõ đen trắng, hư thực là như thế nào; lúc đó mới tá hỏa tam tinh è cổ ra mà thọ báo đừng có than trời trách đất rằng mình… à… ư… lắc lư… cái con ngựa gầy… là khổ lắm!
Nhâm Ngọ tháng tư năm sanh là nhằm vào mùa hạ mà hạ ở miền Trung khỏi phải nói ai cũng biết cái oi nồng nóng bức ra sao rồi; biết sức mình không chịu đựng nổi được cái nóng nên tôi chỉ sống có mười mấy năm ở quê rồi dọt lẹ, thành thử tôi thoát nạn liền liền, khi thì ở nơi núi rừng thanh lương ở Ngũ Hành Sơn – Non Nước; hay Sài Gòn, lúc Trà Vinh, Phú Lâm. Rồi nhờ phi mã tôi dông tuốt qua Nhật Bản một dạo, vẫn thấy chưa yên ổn, vì lo nạn động đất, sóng thần tôi phi thân sang Úc nương náu như chỗ tạm dừng chân. Chắc hẳn đường còn dài tôi sẽ dời đến tân thế giới vào một ngày không xa. Nhìn lui lại dòng đời tôi đã chứng kiến qua bao khúc quanh của lịch sử: Nhật đảo chánh Pháp (1945), đất nước chia đôi hai miền Nam – Bắc (1954), chiến tranh quốc gia – cộng sản (1945 – 1975). Hai đợt di cư lịch sử của người Việt Nam đánh dấu hai biến cố quan trọng:
- Người miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 từ bỏ hay chạy trốn chế độ Cộng sản độc tài đảng trị.
- Sau năm 1975 người Việt khắp ba miền hơn 2 triệu liều chết bỏ nước ra đi tỵ nạn cộng sản ở khắp các nước tự do trên thế giới. Trong số những thuyền nhân tỵ nạn, theo như thống kê của Liên Hiệp Quốc có đến 500 ngàn người đã chết trên đường vượt biển hay vượt biên.
Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng tôi khỏi phải thi hành nghĩa vụ quân sự, vì người xuất gia đã là một chiến sĩ rồi. Tôi được cái may mắn hy hữu này nên vô vàn trân trọng với trách nhiệm của mình để khỏi tổn hại của đàn na thí chủ.
Sự giống nhau giữa hai huynh đệ : Ông bà cụ tôi sanh ra được 8 người con 3 gái và 5 trai, chết hết 3 người. Đến nay còn lại 2 gái và 3 trai; người chị cả tôi sanh năm Mậu Thìn (1928) nay đã 86 tuổi vừa mất đầu năm nay thọ 87 tuổi, người chị thứ năm sanh năm Ất Hợi (1935), người anh thứ tư sanh năm Quý Dậu (1933) năm nay 80 tuổi vẫn mạnh khỏe, sáng suốt, đang trông coi chăm sóc từ đường tộc Lê và những ngày giỗ kỵ, chạp mã tại Mỹ Hạc – Duy Xuyên – Quảng Nam.
Cuộc đời tu tập, hành đạo của tôi và thầy Như Điển tưởng có nhiều việc đáng nói để quý độc giả chia xẻ đôi điều, nhất là các thế hệ con cháu bây giờ và về sau này. Có một câu hỏi mà nhiều người hay chất vấn tôi: tại sao thầy đi tu? Câu trả lời của tôi không theo công thức nhưng mà tùy đối tượng, có lúc nghiêm chỉnh như nhà tu kín và cũng nhiều khi pha trò dí dỏm để làm mọi người vui. Nói về nguyên nhân để một người xuất gia có nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau: gia đình tin Phật lâu đời, nhà ở cạnh chùa nên ảnh hưởng, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, có người thân xuất gia, gặp hình tượng Phật phước tướng trang nghiêm, chứng kiến nếp sống thanh thoát của tăng đoàn, dự các đại lễ Phật giáo, nghi lễ Phật giáo thu hút tâm hồn tuổi thơ, thầy Trụ trì thương mến trẻ con, thức ăn chay ở chùa ngon miệng, Phật tử gặp nhau chắp tay lại xá chào… và còn nhiều rất nhiều nữa những hoàn cảnh tiêu cực, người ta cũng bỏ đi tu, nhưng huynh đệ chúng tôi không nằm trong bản phong thần loại đó.
Bây giờ xin đi vào các khúc quanh của từng điểm một:
- Tiếng nói:Mỗi người sinh ra có một giọng nói khác nhau, nên hễ đã quen nghe rồi, ta nhận ra được liền, nhất là chỉ nghe giọng nói mà không thấy được người như qua điện thoại là một ví dụ điển hình. Tôi và thầy Như Điển không có vẻ gì giọng nói giống nhau; có thể chỉ giống phần nào như lúc tụng kinh Lăng Nghiêm vào thời công phu sáng. Chúng tôi có giọng trong, cao, ấm, hơi dài nên đọc một hơi kéo dài tới vài chục chữ mới dứt. Khi xướng lễ sám hối hồng danh chư Phật, có những danh hiệu Phật dài tới 12, 14 chữ tôi đi luôn một hơi, chẳng hạn: chí tâm đảnh lễ Nam mô hoan hỷ tạng ma ni Bảo Tích Phật, hoặc bài chú vãng sanh đọc một hơi dài từ đầu cho đến chấm dứt không là điều gượng ép có tính biểu diễn.
Tiếng nói quan trọng nhất là âm bên trong mà sự khác nhau qua giọng nói là ở phần âm này để dễ dàng phân biệt được giữa người này với người kia. Nói chung, người cùng một gia đình cũng có giọng nói khác nhau; và rộng ra như người trong cùng một nước nói giọng khác nhau là điều dễ thấy rõ. Có đủ thứ giọng nói như trầm, bổng, du dương, the thé, ồ ồ, vui vẻ, nghiêm nghị, xẳng, ngọt, cay cú, đanh thép, bỉu môi…
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe
Như ca dao đã biểu tỏ, có lý nào mà người ta lại quên khuấy đi, cho cuộc đời thêm rắc rối chứ! Dù hai giọng nói trên mặt hình thức có khác, nhưng về phương diện đức tánh qua đời sống tu niệm, huynh đệ chúng tôi hầu rập khuôn ở một cường độ của tiếng nói: tiếng nói của từ bi, tiếng nói của dũng chí, tiếng nói của hùng lực, tiếng của tha thứ, tiếng của pháp mầu…
- Dáng dấp: giữa hai thầy Bảo Lạc và Như Điển chỉ giống chiều cao nhưng lại không giống chiều rộng hay bề ngang, thì làm sao để bảo giống nhau cho được. Thế nhưng, không hiểu sao mà có nhiều người lầm đậm. Có một hôm, tôi đang đi trên đường phố Cabramatta (Sydney) nghe có người phụ nữ phía sau kêu vói lại, và hỏi:
- Bạch thầy, thầy qua khi nào vậy?
Không nói ra, tôi biết cô này lầm tôi với thầy Như Điển. Nhưng tôi cũng lịch sự trả lời:
- Tôi ở đây đã trên 20 năm nay, chứ có đi đâu mà qua với lại.
Thế là người đàn bà lấy làm hòa nói ngay:
- Như vậy thầy là thầy Bảo Lạc ở chùa Pháp Bảo gần đây mà!
- Đúng đó, chính tôi.
Rồi một lần khác, không phải tại Úc mà tại Hoa Kỳ năm 2000, nhân dự lễ khánh thành chùa Cổ Lâm và Đại hội GHPGVNTN tại thành phố Seatle – Washington – Hoa Kỳ. Nhân lúc dạo chơi chụp hình trong sân chùa, có một Đại Đức nhìn tôi có vẻ lạ rồi hỏi:
- Bạch Thượng Tọa, con trông thầy độ này hơi ốm đấy!
Tôi biết thầy ấy lầm giữa tôi và thầy Như Điển, nên nói ngay:
- Hồi nào tới giờ tôi có mập đâu mà Đại Đức bảo ốm với mập. Tuy tôi cũng muốn mà không được.
Thầy ấy xin lỗi, làm quen cho hay rằng rất hân hạnh được gặp tôi lần đầu. Vì xưa nay chỉ nghe danh mà chưa gặp mặt bao giờ. Chỉ nói qua vài chi tiết nhỏ như thế để cho thấy hình dáng nó quan trọng dường nào. Cũng vì lầm giữa người này và người kia mà chàng rể cưới nhầm cô chị tưởng là cô em; khiến hai người phải sống dỡ chết dỡ, cắn răng chịu đựng cho trọn kiếp với nhau. Hay có trường hợp lầm người khiến đương sự bị sa vào lưới pháp luật hoặc phải họa lây; cũng do cái dáng dấp ngoại hình có ảnh hưởng gắn bó tới nhân vật không rời nhau.
Về ngoại diện chúng tôi giống như in qua: chiếc áo nhà tu, mái đầu cạo bóng, nghiêm trì giới luật, sống độc thân không có gia đình, hoằng pháp lợi sanh là sự nghiệp, giải thoát là lý tưởng đạt thành. Giống nhau nói đây không nhất thiết phải rập khuôn y choang mẫu mã như có nhiều người nghĩ mà trên một vài phương diện như vừa nêu trên cũng đủ chứng tỏ đó là sự thật. Chỉ có sự thật ở đời mới tồn tại lâu dài được nhiều người ưa chuộng, học hỏi, noi gương trong tinh thần hiểu biết và xây dựng. Điều đáng để ý hơn cả mà tôi không hiểu đã có tự bao giờ, giữa tôi và thầy Như Điển có sự lựa chọn trùng hợp ngẫu nhiên, nay sau hơn 56 năm tu học nhìn lại thấy như một dấu ấn còn sâu đậm.
Cùng xuất gia năm 15 tuổi:Theo như giáo pháp Phật dạy chúng ta không tin sự ngẫu nhiên trùng hợp nào mà đều do có đủ nhân duyên hợp thành. Cách đây 5 năm khi ngồi nghĩ lại tôi nhớ rõ ràng mình sanh năm 1942, xuất gia năm 1957 lúc 15 tuổi. Chuyện đi tu của tôi kể như một huyền thoại như Tất Đạt Đa thuở xưa. Tôi trốn gia đình ra đi vào một đêm khuya vắng, và để lại bao nhiêu thương nhớ cho người thân, nhất là mẹ hiền đang trông tin con trong mỏi mòn héo hon. Biến cố hi hữu ấy đối với tôi như là một bài học giá trị vô cùng cao quý trên đường tu niệm. Đây cũng là bài học mà tôi đã học được từ câu nói để đời của Nguyễn Bá Học:
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”
Cho dù gian lao khó khổ đến đâu cũng phải nhẫn nại tinh tấn vượt qua, nhất là thời tuổi thơ háo thắng, nhiều mộng mơ, đầy ước vọng. Nếu như không có đích điểm sẽ làm ngăn chướng con đường thoát hiểm là điểu hiển nhiên khó tránh. Vì tự cho mình là người chịu đựng, hy sinh trong đó, kể cả có quyền thay thế cho người thân nữa. Lúc đó em trai tôi có ý định xuất gia, tôi không tán đồng lại còn có ý ngăn chặn nữa, với lời giải thích đơn giản rằng: Xuất gia không đơn giản, người tăng sĩ phải qua bao nhiêu sự sàng lọc, thử thách như lửa thử vàng như tôi đã và đang trực diện, nên không muốn thấy bất cứ người nào trong gia đình phải khổ thân đi theo tôi nữa. Vì lúc đó tôi chỉ nhìn được một mặt – mặt tiêu cực – nhưng lại không nhìn rõ được mặt khác – mặt tích cực – hoán chuyển nghiệp lực và đạt đích giải thoát rốt ráo. Lời căn ngăn của tôi kể ra cũng vô hiệu đối với người em trai út của tôi là Lê Cường. Chú ấy nuôi chí nguyện xuất gia từ lâu rồi, nên không có một sức mạnh nào đủ làm ngăn ngại được cả. Mặc dù cha mẹ tôi thương yêu chú ấy hết mực vì gia đình lúc đó trống vắng, nếu chú chín mà rời nhà vào chùa tu như chú bảy (tôi thứ 7) thì mẹ có nước chết đi là hơn, lời của mẹ van lơn như thế! Riêng chú ấy đâu có chịu hiểu để chia xẻ nỗi khổ của mẹ, của tôi, của cha và mọi người trong gia đình. Ông bà nghe tôi cản chú em xuất gia lấy làm hoan hỷ lắm, nên cứ tìm cách hưởn binh hẹn cù chầy cù nhày cho qua chuyện. Nhưng cuối cùng rồi, chú ấy liều tuyên bố: nếu cha mẹ không cho con đi tu, con theo cách như anh bảy trốn nhà đi xuất gia, lúc đó ai cản được con? Cho đến nước này, mẹ tôi đành gạt nước mắt cho con đi tu nhưng can trường đoài đoạn, thương khóc nhớ nhung qua nhiều đêm mất ngủ. Chú Cường đạp xe đạp từ nhà đến Hội An vào chùa Viên Giác xin Thượng Tọa Thích Long Trí xuất gia học đạo vào năm 1964. Năm ấy Cường vừa tròn 15 tuổi (sanh năm 1949). Cái tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống như con chim non sổ lồng, biết trôi dạt về đâu, như ý nghĩ của mẹ tôi lúc đó mà bà có dịp tâm sự với tôi tại nhà sau khi hay tin em Cường đã vào ở chùa Viên Giác, tôi về thăm gia đình để an ủi hai ông bà đang côi cút chờ mong con từng giờ từng phút. Lúc này đây, tôi tựa như chiếc phao để mẹ níu kéo tỏ bày... Bao nhiêu tâm sự bà kể hết cho tôi, làm cho tôi cũng mũi lòng không kém.
Giữa hai người con xuất gia, tôi đi tu trước 7 năm (vì tôi hơn chú Cường 7 tuổi) có lên kế hoạch, nhưng lấy “dĩ đào vi thượng sách”, chẩu là cách hay nhất. Việc xuất gia của tôi không nhắm giữa thanh thiên bạch nhật, lại trốn gia đình đi giữa đêm thanh vắng vào ngày rằm tháng 2 của năm ấy. Còn chú Cường đi tu tỏ ra bài bản hơn tôi nhiều. Bài bản ở điểm chú được cha mẹ đồng ý cho xuất gia, ra đi giữa ban ngày, đi ngang nhiên trên yên xe đạp. Nhưng tôi biết trong thâm tâm Cường không giận tôi, ngược lại còn cảm ơn tôi mới phải. Việc ra đi không chính thức của tôi là cái giá để Cường treo cho cha mẹ thấy đó, bề nào rồi cũng với tới được. Với lại, lời cản ngăn không cho chú xuất gia của tôi, cũng chẳng qua đứng về phía mẹ cho bà cảm thấy an tâm lúc yếu lòng mà thôi. Biết đâu lời can gián của tôi năm nào như là một sự động viên tích cực để trên đường tu của Đại Đức không lui sụt thoái tâm. Như vậy tác dụng của chỉ một lời nói vẫn còn kéo dài mãi về sau, nghĩ cũng thấm tương chao thật đấy chứ. Cũng như việc âm thầm ra đi của tôi trong đêm vắng chẳng phải việc dở mà đó chính là điều hay, giúp tôi nung nấu chí nguyện thêm kiên cường trên con đường tu tập, cũng như trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Miệt mài, tinh cần hy sinh tài năng sức lực, kể cả trí tuệ để xây dựng và phát huy Phật Pháp.
Hai mái đầu tròn xuất gia cùng độ tuổi 15 ngày nay một người tròn trèm vào hàng giáo phẩm lão tăng; còn một người trong trung gian Hòa Thượng. Tuy cả hai vị đều ở vai vị Phương Trượng của tự viện Pháp Bảo – tu viện Đa Bảo (Úc châu) và Phương Trượng chùa Viên Giác – tu viện Viên Đức (Đức quốc). Và là trưởng tử của Đức Như Lai và xuất gia tử thuở đồng chơn rất đáng trân trọng.
Tôn thờ cùng lý tưởng: Chúng tôi biết đạo rất sớm, lúc tuổi còn nhỏ đã theo mẹ đi chùa; lớn lên một tí lại thích sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, là một đoàn sinh năng nổ với GĐPT Hà Linh ở chùa Hà Linh trong làng. Biết đạo sớm, nhưng hiểu đạo chẳng được bao nhiêu, tôi rất hăng say hoạt động với ngành thiếu và oanh vũ nam trong 5 năm (1952-1957), nhờ đó mà học được nhiều điều hay đẹp, nhất là học kinh nghiệm cầm đội, cầm đoàn, điều khiển họp, tổ chức, Phật pháp căn bản v.v...
Phật giáo lúc bấy giờ ở thôn quê hãy còn sơ sài lắm, người ta tin Phật như ông thần không khác. Ngôi chùa Hà Linh không rõ do ai khai sáng, tôi chỉ biết ở chùa có ông thầy Bốn chuyên đi cúng đám, chứ không có thuyết pháp giảng kinh như các thầy sau này. Ông ở chùa như vai trò ông Từ lo nhang khói cho Phật, vì bản thân ông cũng có gia đình như mọi người đâu còn đủ thì giờ lo cho đạo được đầy đủ trọn vẹn. Người xuất gia phải cắt ái ly gia như bổn nguyện lúc ban đầu và giữ đến trọn đời mới viên thành tâm nguyện. Có những lúc sống có thầy cùng chúng bạn tu học đông vui trong khuôn khổ, có những khi ra nước ngoài gặp gỡ, tiếp xúc rất tự do thoải mái, người thanh niên như tôi cũng ham vui và bay bướm như bao chàng trai trẻ khác. Nhưng thật tình, tôi ý thức vai trò của mình và rất kỵ đàn bà hay nói cho ngay mình yếu đuối sợ các cô nàng háp hồn nên chẳng dám gần gũi nói chuyện lâu. Cho tới khi ra làm đạo tôi vẫn giữ cho mình một chừng mực có qui định: tiếp khách bổn đạo phái nữ không quá 5 phút là chấm dứt không dây dưa nữa. Không biết đây có phải là chủ trương hay không mà tôi bị thiên hạ gán cho là ông thầy khó tánh. Cũng như sư đệ, chúng tôi nguyện giữ trọn đời sống thiểu dục tri túc, nâu sồng đạm bạc, ngày hai bữa tương rau thanh đạm, không cà phê, thuốc lá, không xài phí ăn mặc tốn kém của tín chủ đàn na. Cùng tôn thờ một đấng cha lành là đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, tu tập và thực hành giáo pháp giải thoát của Ngài, ngày hai buổi chúng tôi có 6 thời hành trì: thiền tọa, công phu sáng, ngọ trai quả đường, kinh hành niệm Phật, công phu chiều, tọa thiền buổi tối. Lấy hoằng pháp làm sự nghiệp, song công việc của chúng tôi có phần chuyên biệt một tí: phiên dịch, sáng tác, bình giải; nên phải cần đòi hỏi ở sự kiên trì bền chí mới thực hiện được. Tôi làm việc như quên cả giờ giấc, có khi ngồi suốt 3 giờ liền không đứng lên; và có lúc không để ý tới giờ thọ trai chi cả. Được thế, một phần do sức khỏe tốt, phần khác cũng quan trọng không kém là con mắt còn tinh anh nên khỏi dùng tới mắt kiếng; cũng thêm thuận duyên cho công việc. Thầy Như Điển còn nhanh nhẹn dẽo dai hơn tôi, thầy làm việc mỗi ngày 6, 7 tiếng đồng hồ ngày nào cũng vậy. Hễ ngồi xuống viết bài, dịch kinh thầy viết luôn một mạch từ 12 đến 15 trang giấy viết tay khổ A4 chữ nhỏ. Một cuốn sách dày độ 300 trang chỉ cần 6 tuần lễ là thầy ấy viết hay dịch xong không bị trở ngại khó khăn. Đó cũng phải nói nhờ nhân duyên đặc biệt nữa, vì có nhiều người kiến thức rất rộng, nhưng viết bài không được do tánh không chịu đựng dẽo dai ngồi lâu được. Cho nên khi đọc bài, sách, báo tôi thường để tâm cám ơn tác giả đã bỏ tâm huyết vào đó cho ta có ý tưởng hay câu chuyện hấp dẫn làm thích thú người đọc.
Cùng môn phái Chúc Thánh: Một nhân duyên khác rất thuận lợi là chúng tôi chọn thầy bổn sư đều cùng trong pháp hệ thiền phái Chúc Thánh – Hội An do tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng vào cuối thế kỷ thứ mười bảy.
Tổ Minh Hải biệt xuất bài kệ truyền pháp:
Minh thiệt pháp toàn chương
Ấn chơn như thị đồng
Chúc thánh thọ thiên cữu
Kỳ quốc tộ địa trường
Đắc chánh luật vi tông
Tổ đạo giải hạnh thông
Giác hoa Bồ đề thọ
Sung mãn nhơn thiên trung.
Tôi thọ pháp với Hòa Thượng Thị Năng – Trí Hữu hiệu Hương Sơn trụ trì tổ đình Linh Ứng – Non Nước – Ngũ Hành Sơn thuộc đời thứ 9 tính từ chữ “Minh” theo bài kệ. Thầy cho tôi pháp danh là Đồng An, tự Bảo Lạc, hiệu Thanh Nghiệp, thế hệ thứ 10, đời thứ 43 tính theo mạch nguồn truyền pháp. Tổ Minh Hải đời thứ 34, sau chữ Minh tới Thiệt, Pháp, Toàn, Chương, Ấn, Chơn, Như, Thị, Đồng là 9 đời truyền pháp từ tổ Khai Sơn. Thầy Như Điển xuất gia với Thượng Tọa Long Trí (pháp hiệu) – Chơn Ngọc – Đạo Bảo; pháp danh là Như Điển, pháp tự Giải Minh, pháp hiệu Trí Tâm. Thầy Long Trí thế hệ thứ 7 tính từ chữ “Minh”, và đời thứ 40 theo kệ truyền pháp. Thầy Như Điển lớp hậu sanh mà đi trước sư huynh tới 2 đời, thuộc thế hệ thứ 8 và đời thứ 41. Ở đây tưởng cần nói thêm cho rõ một chút về mạch truyền thừa theo dòng kệ. Môn phái Chúc Thánh truyền theo hai nhánh: nhánh Hội An và nhánh Non Nước. Nhánh Non Nước do các Ngài Ấn Bổn – Tổ Nguyên – Vĩnh Gia (1840 – 1918) trụ trì đời thứ 6 chùa Phước Lâm, Hội An. Năm Quý Mùi 1883 Ngài được triều đình sắc phong trụ trì quốc tự Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn và trụ trì tổ đình Phước Lâm từ năm 1887 (Đinh Hợi). Ngài là đệ tử Ngài Chương Tư – Tuyên Văn – Huệ Quang (– 1873), năm Tân Dậu (1861) Ngài được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Ứng; năm Nhâm Tuất (1862) niên hiệu Tự Đức 15, Ngài lại được triều đình cải bổ trụ trì quốc tự Tam Thai. Do công hạnh tu trì và đạo phong cao hiển của chư Tổ môn phái Chúc Thánh, nhánh Non Nước truyền nhanh hơn. Trong khi nhánh Hội An thuộc tổ đình Phước Lâm, do các Ngài Pháp Ấn – Tường Quang – Quảng Độ (1739 – 1881) trụ trì đời thứ hai; Ngài Pháp Kim – Luật Oai – Minh Giác (1747 – 1830) trụ trì đời thứ ba; Ngài Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông (1798 – 1883) trụ trì đời thứ tư; và Ngài Ấn Bổn như đã nêu dẫn trụ trì đời thứ 6 từ năm 1887 đến khi viên tịch (1918). Ngài là bậc đạo cao đức trọng, không những được tăng, tín đồ kính trọng mà cả triều thần, vua chúa đều đem lòng mến phục như qua 2 lần sắc phong trụ trì 2 ngôi quốc tự Tam Thai – Linh Ứng đủ chứng minh công hạnh hoằng pháp của Ngài. Nhờ ân đức chư tổ mà trải qua các thế hệ kế thừa pháp phái Chúc Thánh quốc nội, hải ngoại đã và đang cống hiến cho nền Phật giáo một danh lục qua các nhân vật nổi bật hay danh tăng đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại như các Ngài Thiện Hoa, Hòa Thượng Thích Quảng Đức, Hòa Thượng Thích Khánh Anh, Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Hòa Thượng Thích Thanh Từ v.v...
- Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (1918 – 1973), viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN từ năm 1966 – 1973 là đệ tử của Hòa Thượng Thích Khánh Anh; được bổn sư cho pháp danh là Hoàn Tuyên nhằm ý rằng hoàn thành chí nguyện tuyên dương giáo pháp Phật đà. Thật vậy, Ngài cùng quý Hòa Thượng Trí Tịnh, Thiện Hòa, Trí Hữu, Bửu Huệ, Thiền Tâm... là những nhân vật hàng đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam – Việt Nam. Công đức cao dày của Ngài qua bộ sách quý “Phật học phổ thông” như kim chỉ nam cho hàng xuất gia cũng như Phật tử tại gia qua nhiều thế hệ.
- Hòa Thượng Thích Khánh Anh (1895 – 1961) pháp danh là Chơn Húy, thế hệ thứ 7, đời thứ 40 Lâm Tế Chúc Thánh. Năm 1935, Ngài cùng với quý Hòa Thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải... mở Phật học đường Lưỡng Xuyên tại Trà Vinh để đào tạo tăng tài; Ngài còn viết bài cổ động phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiến kịp đà các nước Phật giáo như Trung Hoa, Nhật Bản. Ngài được đại hội Tăng già Nam Việt suy tôn lên ngôi Pháp chủ năm 1955 tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn) để lãnh đạo Phật giáo miền Nam. Năm 1959, đại hội Phật giáo tăng già toàn quốc suy tôn Ngài vào ngôi vị Thượng Thủ để lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.
- Bồ tát Thích Quảng Đức (1897 – 1963), pháp danh là Thị Thủy, tự Hành Pháp, hiệu Quảng Đức thuộc Lâm Tế Chúc Thánh thế hệ thứ 9, đời thứ 42 theo dòng kệ truyền pháp của tổ sư Minh Hải. Là đệ tử của tổ Hoằng Thâm, ngay từ lúc thọ tỳ kheo giới, Ngài đã phát nguyện nhập thất ẩn tu; sống theo hạnh trì bình khất thực như một hành giả tu hạnh đầu đà (khổ hạnh). Năm 1963, Ngài phát nguyện tự thiêu để cúng dường Phật pháp, bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam được trường tồn, theo lời nguyện tâm huyết.
“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm – Phú Nhuận, Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”.
Mặc dù Phật giáo lúc bấy giờ bị chế độ gia đình trị nhà Ngô đàn áp khốc liệt, nhưng với tâm hạnh Bồ tát xem không kẻ oán – người thân, qua 4 điều nguyện trong đó, điều thứ nhất Ngài cầu:
“Mong ơn Phật tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản Tuyên ngôn. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”.
Danh hiệu Bồ Tát đã được GHPGVNTN suy tôn sau cuộc tự thiêu hùng tráng còn lưu lại quả tim bất diệt của Ngài để hậu thế học hỏi, noi gương cao cả sáng chói.
- Hòa Thượng Thích Hành Trụ (1904 – 1984) pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp tự Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42. Vốn có ý chỉ cầu học, ham tu từ hồi còn nhỏ, xuất gia năm 12 tuổi, miệt mài trau dồi kinh luật nội điển và Việt văn tại các trường hạ như chùa Thiên Phước (Thủ Đức), Bát Nhã (Phú Yên), Lưỡng Xuyên (Trà Vinh). Ngài là giáo thọ về kinh, luật nổi tiếng tại các chùa Lưỡng Xuyên, Long Phước, Viên Giác (Vĩnh Long), Hội Phước (Sa Đéc). Ngài thành lập chùa Tăng Già (1946) tại quận Tư Saigon mà nay đổi thành chùa Kim Liên. Năm 1947 Ngài cùng với hai sư đệ lập chùa Giác Nguyên, Q.4; năm 1963 Ngài mở Phật học đường Chánh Giác (Gia Định). Năm 1971, Ngài là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật viện Tông Thống (GHPGVNTN); từ năm 1977 – 1981, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài là bậc long tượng trong thời kỳ mạt pháp, là cổ đại thọ che rợp bóng mát cho hàng đệ tử xuất gia và Phật tử tại gia nương tựa tu học cầu giải thoát sanh tử luân hồi. Ngài còn lưu lại cho đời hàng chục tác phẩm về Phật giáo và giới luật rất có giá trị như: Sa Di luật giải, Tứ phần giới bổn như thích, kinh Vị tằng hữu thuyết nhân duyên, Tỳ kheo giới kinh.
- Hòa Thượng Thích Thanh Từ sanh năm Giáp Tý (1924) đến nay (2012) gần 90 tuổi, tuy vài năm trở lại đây sức khỏe có phần suy giảm, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn như thường. Ngài là đệ tử của Hòa Thượng Thiện Hoa chùa Phật Quang – Trà Ôn, pháp danh là Thanh Từ thuộc thế hệ thứ 9, phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42.
Ngài khôi phục và làm sống lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam, thiết lập nhiều đạo tràng như Thiền viện Chơn Không, Thường Chiếu, Viên Chiếu (Vũng Tàu), Thiền Viện Trúc Lâm (Lâm Đồng – Đà Lạt), Thiền viện Trí Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu)… đào tạo hàng ngàn tăng ni nay đã đủ sức ra làm Phật sự như Hòa Thượng Thích Nhật Quang (VN), Hòa Thượng Thích Thông Hải (Hoa Kỳ) v.v…
Từ thập niên 1960 đến thập niên 2010, Hòa Thượng giáo dưỡng hàng chục lớp tăng ni đã ra hoằng pháp, trụ trì, giáo thọ v.v… khắp mọi miền đất nước Việt Nam và hải ngoại. Sự nghiệp sáng giá của Hòa Thượng còn lưu lại với đời không phải những ngôi thiền viện bề thế mà là công hạnh giáo hóa, dịch thuật, trước tác có một chỗ đứng nhất định trong văn học, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam hiện đại nói chung và thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng.
Sau hơn 300 năm từ 1700 đến nay sự truyền thừa của dòng thiền Lâm Tế pháp phái Chúc Thánh do tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sáng, các thế hệ kế thừa đã thực hiện những Phật sự nổi bật quan trọng hàng đầu như: lập phổ hệ truyền thừa theo hệ thống từ Phật tổ Thích Ca đến 33 vị tổ sư Ấn – Hoa qua đến Việt Nam. Năm 2006, công cuộc đại trùng tu Tổ Đình Chúc Thánh đã thực hiện và hoàn tất sau 2 năm xây dựng công trình. Đại lễ Khánh thành được tổ chức trọng thể vào các ngày tháng 3 năm 2009, nhân lễ vía Bồ Tát Quan Âm 19 tháng 2 âm lịch, hàng ngàn tăng ni và Phật tử trong toàn quốc và hải ngoại tham dự. Các pháp lữ đồng môn vận động thành lập môn phái Chúc Thánh hải ngoại từ năm 2004 đến nay, mỗi năm ngày giỗ Tổ được tổ chức nơi một chùa thuộc hệ phái trong toàn nước Úc. Tác phẩm biên tập lịch sử thiền phái Chúc Thánh do Đại Đức Như Tịnh ra công sức thực hiện đáng được tán dương công đức, rất xứng đáng hàng đồ tôn nơi chốn Tổ, làm tỏ rạng ngọn đèn thiền mỗi ngày càng thêm quang huy hơn nữa.
Thêm một điều kỳ lạ đến độ khó hiểu là tôi dù đàn anh, nhưng lúc nào cũng đi sau như việc trong môn phái đã nói trên. Nay bước sang việc xuất ngoại du học kẻ thiếu phước này cũng lại lẹt đẹt đi sau thầy em đến những hai năm, quý vị nghĩ thử có nghịch lý lắm không?
- Xuất ngoại du học:
Thời Việt Nam Cộng Hòa, một tăng sinh được du học nước ngoài là cả một sự vinh hạnh cho thầy tổ, môn phái, gia đình và bằng hữu. Có một số những điều kiện mà đa số tăng ni Việt Nam lúc bấy giờ không hội đủ như khả năng tài chánh, người bảo trợ, nơi ăn chỗ ở, trường sở nơi đến, ngoại ngữ… như những rào cản chắn lối khó thông, đối với một xứ nghèo như nước ta. Thế nhưng, thành phần sanh ra từ gốc rạ như chúng tôi lại hồ hởi được ra ngoại quốc du học, hẳn phải hội đủ nhân duyên gì kỳ lạ mới đạt đến được. Bây giờ ngồi nghĩ lại cũng khó mà phanh ra manh mối chính xác được. Tưởng cần đi tắt ngang lý lịch cho tiện, nếu đi vào các chi tiết tỉ mỉ chắc phải cần độ vài chục bao gạo sọc xanh nữa dò tìm mới đủ yếu tố thời gian kê khai đủ như thầy thuốc kê toa cho bịnh nhân bình phục.
Chưhuynh đệ tiễn đưa đi du học Nhật
Hồi năm 1972, thầy Như Điển sang Nhật du học, sau khi đậu Tú Tài phần hai xong, riêng tôi được xem như là một biến cố trọng đại đối với gia đình, một phần vì hãnh diện được làm anh của một tân khoa made in Japan – nhãn hiệu cầu chứng Nhật Bổn đàng hoàng – không phải giả mạo; một phần khác cũng thấy tự hào rằng dòng họ Lê cũng đã có người đăng vị học sĩ. Thú thật, trong thâm tâm tôi rất háo hức muốn bay bổng, nhưng vẫn an nhẫn trong tích cực luyện chưởng để chờ xem thử thời vận đặng thi thố tài năng cho thỏa chí hướng đời vân thủy đi mây về gió của kiếp tăng sinh! Có lẽ lòng thành đã được Phật Thánh cảm ứng, tôi đầu tư thì giờ vào việc học, để dành tiền bạc, theo dõi tin tức bạn bè, bạn bè ở Nhật để mong một ngày kia được nhẹ bước ra đi. Thế rồi, đầu năm 1974 sau hai năm du học Đại Đức Như Điển về thăm xứ sở và dẫn theo vài người bạn Nhật. Khả năng Nhật ngữ của thầy ấy lúc đó nói khá trôi chảy. Họ đi tới đâu, nhất là các du học sinh về nước thăm thú, đều được bộ quốc gia giáo dục ưu đãi nhiều khía cạnh mà một học sinh ở nhà không hưởng được quy chế ưu tiên đó. Lúc đó tôi vừa đi dạy học, vừa học đại học Văn khoa niên khóa 74 – 75. Chỗ dạy khá ổn, đồng lương cũng tương đối, bằng lương Đại Úy mỗi tháng 30,000 đồng VN. Nhưng cái đích của tôi nhắm tới nó ở đâu xa lắc xa lơ đến tận bên bờ Thái Bình Dương của Tokyo – Đông Kinh hay xứ hoa anh đào thơ mộng kia. Lại thêm một lần suy nghĩ, tại sao mình lại không được đối xử tử tế như mấy anh, mấy cô sinh viên du học ngoại quốc kia. Từ đó tôi mới có ý định lo thủ tục xuất ngoại du học và điểm đến không nơi nào khác hơn là Nhật Bản. Mọi thủ tục hoàn tất, tôi lên đường sang Tokyo vào tháng 12 năm 1974 sau bao nhiêu lo lắng đợi chờ. Được đi du học là một cái thú rồi, giờ đây lại có những mối lo khác: học hành, thi cử, ngôn ngữ, việc chuyển ngân, nơi ăn chốn ở, trường sở, phong tục, tập quán, sự tu tập… nhưng rồi một thời gian sau cũng hội nhập được.- Sinh hoạt với Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với cơ cấu tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung Ương đến địa phương: Tỉnh, Quận, xã, phường, khuôn hội… qui định phạm vi hoạt động trong nước và hải ngoại. Riêng tại hải ngoại Giáo hội cho thành lập các Chi Bộ Phật Giáo. Chi Bộ đầu tiên tại Pháp do thiền sư Nhất Hạnh lãnh đạo thành lập từ năm 1966, sau vài năm đổi thành Phái Đoàn Vận Động Hòa Bình PGVNTN, và tiếp theo là Chi Bộ PGVN tại Nhật Bản. Chi Bộ PGVNTN thành lập tại Nhật năm 1971, sau khi phái đoàn GHPGVNTN do Hòa Thượng Thích Huyền Quang trưởng đoàn, đại diện Viện Hóa Đạo tham dự đại hội các tôn giáo thế giới vì hòa bình tại Tokyo – Nhật Bản năm 1971.
Các thân hữu và học trò tiễn đưa tại Tân Sơn Nhất năm 1974
Hòa Thượng Chơn Thành: Chi Bộ Trưởng kiêm Chủ nhiệm nhiệm kỳ 2 từ 1973 – 1975, Chi Bộ Phó Nội vụ: thầy Nguyên Đạt, Chi Bộ Phó Ngoại vụ: thầy Như Điển. Sau này cho tới lúc quí thầy lần lượt đi định cư sang các nước khác, như thầy Minh Tâm đi Pháp năm 1973, thầy Thích Như Điển sang Tây Đức (1977), thầy Nguyên Đạt đi Hoa Kỳ (1980). Bây giờ Chi Bộ Phật Giáo còn lại thầy Chơn Thành, tôi (Thích Bảo Lạc), thầy An Thiên, thầy Minh Tuấn, thầy Minh Tuyền. Tờ báo Khuông Việt vẫn được quý thầy tiếp tục duy trì tới số 41, cho tới khi tôi rời khỏi Nhật năm 1981 để đi định cư tại Úc. Từ năm 1981, nhân sự của Chi Bộ PGVN tại Nhật Bản hụt hẫng, chỉ còn lại hai thầy Minh Tuyền và An Thiên. Các thầy vẫn cố gắng duy trì tờ báo, nhưng không được đều đặn như trước, và dần dà đi vào trong quên lãng và giải nghiệp báo tại số 51 hay tự động đình bản mà không Thông Báo hay Thông Tư đến độc giả, nhưng ai cũng hiểu “nghiệp báo” đã mãn!
Cho đến nay sau hơn 40 năm định cư tại Nhật, duy nhất còn lại chỉ Hòa Thượng Minh Tuyền đầy kiên trì nhẫn nại đã hô hào, vận động khắp nơi thành lập được ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản, tọa lạc tại Kanagawa, cách Tokyo 80km, chùa đứng cạnh dòng sông nước lặng lờ trôi và cảnh trí thật thơ mộng, hữu tình, cũng thu hút được những du khách tham quan.
Nhìn lại giai đoạn ba, bốn thập niên qua như vẫn còn lưu lại nhiều kỷ niệm trong tâm hồn của những du học tăng một thời làm Phật sự tại xứ Phù Tang, mặc dù ngày nay mỗi người ra đảm trách Phật sự tại nhiều quốc gia xa xôi như tại Hoa Kỳ hiện còn Hòa Thượng Chơn Thành, Hòa Thượng Chơn Minh, Hòa Thượng Trí Đức, Hòa Thượng Trí Hiền viên tịch 2 năm qua, tại Pháp còn Hòa Thượng Minh Tâm, Hòa Thượng Phước Toàn, tại Đức Hòa Thượng Như Điển và tại Úc có tôi. Riêng tôi và thầy Như Điển có nhiều dịp gặp lại nhau trong những Phật sự tại nhiều nơi, thật là hiếm quý trong đạo tình người con Phật. Nhắc lại ở đây, người viết muốn khơi lại những vị tăng sĩ đã có thời du học tại Nhật, sang định cư tại các xứ tự do nay đã thành lập được các đạo tràng để tuyên dương phát triển Phật pháp. Đạo tràng qui mô bề thế nhất hiện nay hẳn phải kể đến là Khánh Anh tại Paris – Pháp quốc do Hòa Thượng Thích Minh Tâm xây dựng 18 năm nay và sắp hoàn thành. Xứng đáng là một nơi hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam tại Âu Châu. Người thành công thứ hai là Hòa Thượng Thích Như Điển với đạo tràng chùa Viên Giác thành lập trên 20 năm nay, Hòa Thượng đã thế độ cho hàng chục đệ tử xuất gia và nay đã có người thừa kế chăm lo Phật sự, cũng như quy y cho hàng ngàn Phật tử tại gia thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Trong thời gian 6 năm trở lại đây Thầy lập thêm trung tâm Viên Đức tại miền Nam Đức (sẽ đề cập sau) cũng là một đạo tràng thuận tiện cho công tác hoằng pháp. Hòa Thượng Nguyên Đạt với trung tâm Liễu Quán và đạo tràng Bảo Tịnh (tại nam California – Hoa Kỳ) là nơi quy tụ đông đảo tín đồ hướng về tu học. Hòa Thượng Chơn Thành với đạo tràng Liên Hoa, dù không bề thế nhưng ở ngay trung tâm người Việt tị nạn vùng Garden Grove - Westminster thuộc tiểu bang California – Hoa Kỳ, nên được nhiều Phật tử lui tới lễ bái tu học. Còn Hòa Thượng Trí Hiền với trung tâm Khuông Việt – đạo tràng Pháp Quang – cũng khá rộng lớn qui tụ hàng ngàn người mỗi lần đại lễ và nhiều Phật tử về tu tập niệm Phật, tu thiền, Bát quan trai tại Taxes – Hoa Kỳ. Nhưng hóa duyên đã mãn, Hòa Thượng quảy dép về Tây tháng 10 năm 2010 thọ 74 tuổi, để lại nhiều quí tiếc cho tăng tín đồ Phật giáo hải ngoại. Cá nhân tôi (Bảo Lạc) cũng góp chút đỉnh vào ngôi nhà của Như Lai qua đạo tràng Pháp Bảo, thành lập vừa đúng 30 năm (1982 – 2012) tại thành phố Sydney, qui tụ khá đông đảo tín đồ tu tập Bát quan trai, huân tu niệm Phật, khóa tu Gieo Duyên cuối năm là những Phật sự hàng đầu đã và đang duy trì trong 3 thập niên liên tục. Ngoài ra, tôi cũng lập thêm tu viện Đa Bảo vào năm 2000, làm nơi tĩnh tu và còn là đạo tràng tu tập cho hàng Phật tử ham tu tập về đây trưởng dưỡng
Trước giờ từ giã mọi người thân thương lên đường du học Nhật
Thật đúng là nhân duyên do Phật bổ xứ, chứ chính tôi vào năm 1980 lúc đó đang ở Tokyo cũng lúng túng trong sự chọn lựa không biết nên đi về đâu. Giữa 3 nước Hoa Kỳ, Canada và Úc Đại Lợi. Phải thành thật mà nói, tôi cám ơn bào đệ rất nhiều, nhờ thầy Như Điển đã đến nhiều nơi và có nhận xét khá chính xác để giúp tôi chọn lựa. Chọn đúng nơi lý tưởng – xứ sở hiền hòa Úc Châu hiếu khách – tôi đặt địa bàn hoạt động từ khi vừa đến cho tới nay trong vai trò sứ giả hoằng pháp. Nhìn chung các thầy du học Nhật Bản năm nào, nay đã có cơ ngơi nhất định, đó là hoa trái có được của bao năm kiên trì nhẫn nhục mà được thành tựu như ngày hôm nay. Xin thành tâm niệm ân Phật – chư Tổ - các bậc thánh chúng mật thùy gia hộ; ân sư trưởng, đàn na thí chủ, bằng hữu… hỗ trợ mọi mặt cho những sinh viên tăng như chúng tôi được thành đạt và tích cực góp phần phát huy Phật pháp sâu rộng hơn nữa tại các xứ sở tự do ở phương tây.
- Không xem nhẹ giờ tu tập hay công phu không bỏ: Do suy nghĩ việc tu tập cũng như món ăn hằng ngày không thể thiếu được, chúng tôi luôn luôn khắc phục những chướng duyên, tập khí trong sự hành trì miên mật hai thời công phu mỗi ngày. Như tôi đã có dịp bày tỏ: “Có lần buổi sáng thức dậy cảm thấy uể oải trong mình định nghỉ công phu khuya. Ngồi suy nghĩ: nếu không đi tu giờ này ở ngoài đời ta đang làm gì? Có phải ai cũng tất bật vùng dậy hối hả lái xe đi làm không? Mục đích làm việc để kiếm tiền phục vụ cho cái bao tử. Còn ở chùa không lo đời sống thể chất, phải lo đời sống tâm linh chứ? Tại sao không chịu phấn chấn tâm hồn tinh tấn hơn lên để thân tâm bạc nhược? Thế là tôi vội khoát y lên người vào chánh điện tụng kinh sáng. Tinh thần tích cực này nung đúc tôi có thêm nghị lực niềm tin nơi Tam Bảo. Vạn nhất khi nào bịnh nặng không ngồi dậy nổi mới bỏ thời khóa công phu; thường thì tôi vẫn lên chùa đều đặn hầu như ít khi bỏ. Đây không gì khác cũng chỉ do thói quen mà thôi”.
Xin nêu dẫn thêm gương tu tập khác của thầy Tulku Thondrup, người Tây Tạng, viết nơi lời tựa sách “Peaceful death and joyful rebirth” như sau:
“Là một Phật tử, tôi được dạy là phải học và tu tập để phát triển phẩm chất của đời sống… Tôi đã trải qua thời thơ ấu tuyệt vời ở tu viện Dodrupchen thuộc miền đông Tây Tạng… Là một trong những địa điểm dân cư thưa thớt nhất thế giới, tu viện của chúng tôi nằm trong một thung lũng sâu giữa những rặng núi cao hùng vĩ. Với tâm trí của một đứa trẻ, tôi đã nghĩ rằng tu viện của mình là nơi an lạc vĩnh cửu. Tôi đã tin rằng không có một sức mạnh nào có thể đụng chạm vào sự hiện hữu thiêng liêng của tu viện này. Nhưng tôi đã lầm, bởi vì sức mạnh tham lam chính trị đã biến đổi đời sống yên tĩnh của chúng tôi… Sau những năm tháng nỗ lực, tôi đã tự điều chỉnh để thích ứng với nền văn hóa đa dạng và những giá trị của thế giới mới”.Nói như thế, có nghĩa nhờ tu tập hành trì miên mật mà có sự nhẫn nại quyết tâm vươn lên và đi tới như ta đã thấy nơi vị đại sư này đang dạy tại đại học Harvad – Hoa Kỳ, ngài thuộc phái Phật giáo Nyingma (phái Cổ Mật do đại sư Liên Hoa Sanh – Padmasambhava – Tổ khai sáng người Ấn Độ). Cho nên, tôi chủ trương tu cho mình, vì tự nghĩ “ai tu nấy chứng”; ngoài ra còn sắp đặt thì giờ cho đại chúng cùng tu chung tại đạo tràng tự viện Pháp Bảo – Sydney nữa. Tu chung bằng cách thọ trì những bộ kinh Đại thừa như Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, kinh Kim Cang Bát Nhã v.v… Các loại sám văn như: Lương Hoàng Sám, Từ Bi Thủy Sám… thường được chùa tổ chức cho Phật tử thực hành để hiểu sâu lời Phật dạy. Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa chúng tôi hành trì từ trên 30 năm nay, cứ vào dịp năm mới ngày Mồng Một Tết khai kinh Pháp Hoa và đại chúng trì tụng trong một tuần lễ chấm dứt. Tinh thần hành trì này đang tiếp tục và sẽ duy trì lâu dài về sau này. Riêng chùa Viên Giác tại Hannover – Đức quốc, Hòa Thượng Như Điển còn chủ trương lạy kinh Pháp Hoa, mỗi chữ một lạy và kéo dài đến 3 năm mới chấm dứt. Tiếp theo chúng tu học chùa Viên Giác lạy bộ kinh Đại Bát Niết Bàn cũng mỗi chữ một lạy và dường như tới nay đã lạy gần xong cuốn hai trọn bộ, kéo dài đến 5, 6 năm. Đây quả là một sự nhẫn nại kiên trì mà người chủ xướng phải hạ quyết tâm mới thực hiện được. Quan niệm lạy Phật để làm tiêu trừ nghiệp chướng thì đây quả là phương pháp tu tập hành trì hiệu quả, nhổ bạt những vướng mắc ràng buộc vô tình hay cố ý đối với hành giả theo con đường Bồ tát hạnh.
Cổng tam quan Tổng Trì Tự, Tokyo
- Dịch kinh, viết sách: Có lẽ nhờ ảnh hưởng của cụ thân sinh, là một túc nho, huynh đệ chúng tôi đã nghe, biết lỏm bỏm tiếng Hán hồi còn nhỏ. Lớn lên một chút độ tuổi thiếu niên tôi đã vào chùa nghiền ngẫm chữ Hán, học theo lối cổ điển – đọc nhuần mặt chữ và thuộc lòng – dù không hiểu vẫn cứ phải ráng nuốt trôi. Có khi nuốt không trôi cổ cứ ngất ngưỡng kiểu gà nút dây thun vẫn phải chịu, không được thua cuộc đầu hàng.
Người ham sách báo phải nói do đam mê và sở thích mới đủ sức kiên trì nhẫn nại. Viết một bài văn, dịch một cuốn sách phải miệt mài ngồi làm việc nhiều giờ mới nên được; người làm công tác này không thể cứ đứng lên ngồi xuống mãi làm sao tập trung tâm ý tạo thành câu cho suông sẻ súc tích được. Tôi có được cái đam mê đó và sở thích đọc sách như một món ăn tinh thần không thể thiếu được. Đi đâu xa, bạn bè tặng quà thức ăn tôi không nhận, nhưng tặng sách thì hoan hỷ tiếp liền, nên có nhiều người biết ý đã tặng tôi rất nhiều sách. Thư phòng tôi ở sách chất từ khắp nơi không chừa một chỗ, kể cả chất luôn dưới đất. Có ai bước vô thấy quở và lo hỏi: thầy không sợ sách sập đè sao? Tôi cười trả lời: chết dưới đống sách đâu có dễ, vì tôi là mọt sách mà, đâu có sợ gì! Những tác phẩm, dịch phẩm của tôi trong hơn 30 năm nay đã được trên 40 đầu. Nếu liệt nêu ra chừng ấy tên đầu sách cũng làm cho người đọc ngán đọc rồi, và không khéo thành ra quá đề cao việc làm của mình rồi đâm ra ngã mạn là việc mà tôi không muốn. Có người hỏi: Thầy lấy đâu ra thì giờ mà viết được sách, dịch được kinh? Vì tôi có chủ trương hẳn hoi đặt ra cho mình phải theo để không ỷ lại và trễ nãi mà nay như trở thành quy luật là mỗi năm ít nhất phải hoàn tất một tác phẩm. Nếu không, là không xứng đáng làm thầy lãnh đạo tinh thần của Phật tử. Điều này giúp cho tôi rất nhiều trong công việc trì chí viết sách hay dịch kinh trong sự an tịnh thoải mái mà không có bất cứ sự quấy rầy nào làm phân tâm. Về phần thầy Như Điển khả năng sáng tác, dịch thuật còn khỏe hơn tôi nhiều. Thầy thực hiện được tới nay trên 60 cuốn thuộc nhiều loại nghiên cứu khác nhau. Trong số đó tôi ưng ý qua các cuốn dịch: Tịnh Độ Tông Nhật Bản, Nhật Liên Tông, Lâm Tế Tông, Tào Động Tông, Chơn Ngôn Tông Nhật Bản. Vì sách tiếng Nhật ít có người rành, nhưng 5 tông phái chính ấy của Phật giáo Nhật Bản lại rất gần gủi với Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam, nên giúp các học giả chuyên ngành về Phật giáo bộ phái Nhật biết rõ hơn trong việc nghiên cứu rất tiện lợi. Thầy Như Điển còn có khả năng phóng tác, hai tiểu thuyết mang chủ đề Giai Nhân và Hòa Thượng và Chuyện Tình Hòa Thượng Liên Hoa cũng đã làm cho người đọc say sưa theo dõi. Qua nhiều tình tiết gay cấn, hồi hộp và rồi nhà tu chân chánh (Hòa Thượng Liên Hoa) nổi lửa tam muội tự thiêu thân, gây sự xúc động bồi hồi. Về phần tôi không viết được tiểu thuyết, nhưng có năng khiếu thi ca, đã xuất bản hai thi tập: Cho cây rừng còn xanh lá, Trầm hương; cũng dự định ấn hành thi tập: Tâm vật tố nguyên cống hiến độc giả một ngày gần đây. Đặc biệt, tôi lấy nhiều bút hiệu: Sông Thu, Giai Không. Còn thầy Như Điển hầu như mãi trung thành với cái pháp danh của sư phụ Long Trí cho hồi mới xuất gia theo giòng kệ của Tổ Minh Hải Pháp Bảo, là Như Điển, ý mong điển hình như thế, khuôn mẫu rõ ràng, y như khuôn khổ… không hề lệch sai. Đó cũng là điều hay giúp nhiều người thêm niềm tin nơi Tam Bảo. Những tác phẩm là những bức họa, bức chân dung của tác giả hình thành. Tác phẩm nghệ thuật qua những đường nét tinh vi do nhà nghệ sĩ cống hiến. Như tôi đã viết trong lời tựa cuốn “Thoáng quyện ân từ”, ấn hành năm 2010 như sau:
“Tùy theo cái nhìn và độ cảm của người thưởng lãm mà bức tranh có giá hay không. Như con tằm nhã tơ, cứ việc nhã tơ dệt thành chiếc kén, còn vẻ đẹp là do con người định. Con tằm hay cái kén không nói lên được gì cũng như trời đất bao la, vũ trụ vô tình. Nói vô tình mà kỳ thật hữu tình. Hữu tình mới nên thơ giàu nhạc tính. Nhạc tính phong phú hữu tình mới dễ dàng thu hút được con người.”
Còn sách dịch là chuyển tải đúng nguyên văn sang một thứ tiếng khác, cốt sao giữ cho hai bản trước và sau tương đương nhau về nghĩa và cách diễn tả, cho nên có thể nói dịch là phản ảnh lại đúng như những gì nguyên tác đã có để đưa độc giả tới chỗ say sưa thích thú. Thành thử, công việc sáng tác dù sao cũng dễ hơn dịch thuật gấp nhiều lần. Vào những năm sau này, chúng tôi chuyển dịch kinh trong bộ Đại Chánh Tân Tu từ chữ Hán, và năm 2013 có ấn bản dịch Tiếng Anh về Thiền Chánh Niệm. Còn thầy Như Điển dịch từ tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Anh sang tiếng Việt các sách chuyên đề Phật giáo.
Công cuộc hoằng pháp ngoài việc diễn giảng, dịch thuật, sáng tác cũng quan trọng không kém, nên chúng tôi đang cố gắng trong khả năng của mình để cống hiến món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những ai quan tâm tới tiền đồ Phật giáo nói chung trong thời hiện đại. Ngoài công việc văn hóa nghệ thuật, chúng tôi còn lập cơ sở để hoằng pháp, qui tụ nhiều người về một đạo tràng.
- Lập 2 Trung Tâm Tu Học:Cơ sở là nền tảng vững chắc làm địa bàn hoạt động lâu dài trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Hồi thời Phật còn tại thế, hai đạo tràng lớn qui tụ tới cả ngàn chư tăng là Trúc Lâm tịnh xá và Kỳ Viên (Kỳ Hoàn) tịnh xá ở trung Ấn Độ mà ngày nay danh hiệu vẫn còn lưu truyền qua sử sách.
Tự viện Pháp Bảo là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên xây dựng tại Sydney với diện tích 5000m2. Đất do Bộ Gia Cư (Department of Housing Commission) hiến tặng với điều kiện cho thuê tượng trưng mỗi năm là $1 Úc kim. Chùa khởi sự xây cất năm 1984 và khánh thành đợt I vào dịp đại lễ Phật Đản tháng 5 năm 1985 – Phật lịch 2528. Những phần còn lại như thư viện, hồ sen, vườn cảnh, thiền đường, chùa một cột… xây hoàn tất và lễ khánh thành hoàn nguyện năm 1998 với hàng ngàn quan khách Úc – Việt, Phật tử và tăng ni các sắc tộc tham dự. Từ ngày ngôi chùa xây xong, những khóa lễ thường nhật công phu, sám hối, các khóa tu Bát quan trai, huân tu Tịnh Độ, nơi tu niệm cho tăng ni, khóa tu gieo duyên hàng năm cũng được mở ra từ đó đến nay đã được 15 năm. Đại hội thành lập GHPGVNTN hải ngoại tại Úc Đại Lợi –Tân Tây Lan vào năm 1999 cũng tổ chức tại chùa Pháp Bảo. Các lễ quy y, lễ hằng thuận, lễ tưởng niệm các bậc danh tăng quá vãng, cầu siêu, cầu an, những tiệc chay gây quỹ v.v… đều diễn ra tại chùa. Chùa còn là nơi đào tạo, giáo dục lớp thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử để trở thành những công dân tốt trong xã hội đa văn hóa Úc Đại Lợi; ngôi chùa cũng là nơi tổ chức lễ an cư kiết hạ cho toàn Giáo Hội năm 2006, 2009, và địa điểm hội họp của Giáo Hội. Chùa đa dạng như vậy nên thi sĩ Huyền Không đã diễn tả tóm gọn trong 2 câu thơ:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Hoặc như nhà thơ Hồ Dzếnh qua:
Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
Trăng thanh gió mát đêm rằm
Chỉ thanh đạm thế
Âm Thầm thế thôi
Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.
Chùa Tổng Trì - Tổng Bổn Sơn – Tông Tào Động, Nhật Bản tại Yokohama – Tokyo
Cũng như chùa Pháp Bảo tại Sydney, Hòa Thượng Thích Như Điển thành lập chùa Viên Giác – Hannover – Đức quốc năm 1991 để qui tụ người Việt tỵ nạn Cộng Sản lại với nhau trong những ngày đại lễ như Phật Đản, Vu Lan và Tết âm lịch. Chùa Viên Giác như là một trung tâm văn hóa cho cộng đồng người Việt tỵ nan tại Âu Châu nói chung. Vì mỗi năm 3 dịp lễ hàng chục ngàn người đến chùa tham dự từ những quốc gia khắp toàn Âu Châu. Chùa Viên Giác còn là nơi tổ chức các lớp học Phật pháp cho học sinh, sinh viên người bản xứ, những khóa thiền cho người Đức, những buổi hội thảo, mít tinh, lễ lược… của cộng đồng, ngoài vai trò chính của nó như Pháp Bảo hay bao nhiêu ngôi chùa Việt khác tại hải ngoại. Viên Giác còn là nơi tổ chức các Đại hội Tăng ni Việt Nam hải ngoại năm 1995, Đại hội Ban chấp hành Hội Đồng tăng già thế giới năm 1991; nơi đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 năm 1995. Cũng như chùa Pháp Bảo, chùa Viên Giác có một thư viện chứa độ 5000 cuốn sách gồm đủ các ngành triết học, văn học, Phật giáo, tâm lý, xã hội, y học v.v… Trước đây chùa Viên Giác có nhà in xuất bản sách báo hoạt động hơn 10 năm, cho tới năm 2005 nhà in mới giải nghệ, vì thiếu nhân sự điều hành, cũng như máy móc quá cũ kỹ không đáp ứng đủ nhu cầu tân tiến. Viên Giác mỗi năm in ấn hàng chục tác phẩm, kể cả tờ báo Viên Giác – tiếng nói của kiều bào và Phật tử Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, duy trì được 34 năm qua. Là cơ quan ngôn luận của Phật giáo Việt Nam lâu năm nhất, có số báo phát hành rộng khắp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tờ báo Viên Giác như món ăn tinh thần thích hợp của người Việt tại Âu Châu, vì các quốc gia Âu Châu, trừ Pháp, không có nơi nào phát hành tuần báo, nguyệt san, kể cả nhật báo tiếng Việt như tại Úc và Hoa Kỳ. Chùa Viên Giác mỗi năm còn tổ chức hội chợ Tết 3 ngày vào dịp đón giao thừa để mọi người vui xuân, lễ chùa, hái lộc đầu năm hầu duy trì truyền thống văn hóa dân tộc. Chùa có chánh điện chứa độ 300 người tầng trên, mỗi khi có lễ hội trường đa dụng đủ sức cho 500 người tham dự ở tầng dưới; nơi đây cũng tổ chức những buổi văn nghệ, những đại nhạc hội có ca sĩ từ nước ngoài tới trình diễn thu hút cả ngàn khán giả ưa thích. Trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây, vì nhận thấy nhu cầu học Phật của người Phật tử gia tăng đáng kể, chúng tôi đặt kế hoạch tài chánh lập cơ sở thứ hai lấy tên là tu viện Đa Bảo (Sydney) và tu viện Viên Đức (Ravensburg – Đức). Cơ sở Đa Bảo – Sydney được tạo mãi vào năm 2000 tại Campbelltown và hoạt động hơn 10 năm, tới năm 2010, chúng tôi đổi về vùng núi đồi yên tĩnh mát mẻ tại gần Blue Mountains từ tháng 4 năm 2011. Nơi đây cảnh trí nên thơ mang dáng dấp của một khu đại tòng lâm Phật giáo. Nếu được chăm sóc đúng theo quy củ, là nơi đào tạo nhân sự cho Phật giáo tương lai. Trước mắt, chúng tôi dành thì giờ về đây tu tập và dịch, sáng tác trong những tháng năm còn lại cuối đời. Sư đệ cùng chí nguyện, sang Úc làm việc tại Đa Bảo như tôi mỗi năm 2 tháng và liên tục đã 9 năm rồi. Thầy ấy có ý định tới Úc đủ 10 năm làm việc trong vai trò văn hóa cho tới năm 2012 là chấm dứt. Vì từ năm 2006 thầy cũng tạo cơ sở thứ hai tại miền Nam nước Đức rộng 10,000m2có đủ phương tiện ăn ở, sinh hoạt là tu viện Viên Đức. Nơi đây hẳn là chỗ tĩnh dưỡng của thầy để tu niệm và dịch kinh, viết sách rất thích hợp cho người lớn tuổi.
Ở hai quốc độ: Đức quốc – Úc quốc dù xa xôi cách trở địa lý, nhưng chí hướng và tâm nguyện của chúng tôi đồng qui xem như gần trong gang tấc mà không có sự ngăn ngại nào cả. Chúng tôi rất cảm ơn cha mẹ đã tác tạo nên 2 con người, 2 tâm hồn trong sáng nhờ huyết thống nhiều đời của tổ tiên dòng họ tác thành, nuôi lớn cháu con được nhờ ân đức. Đồng thời nơi đây xin cảm niệm ân đức các bậc thầy đã dày công giáo dưỡng, nhất là sư phụ của con Hòa Thượng Thích Trí Hữu và sư phụ của sư đệ - Hòa Thượng Thích Long Trí, mong chứng giám cho chúng đệ tử, Bồ đề tâm bất thoái chuyển, và phát nguyện rằng:
Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng
Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí
Nghĩa là:
Hư không dù có chuyển di
Nguyện con muôn kiếp không hề lung lay
Nguyện cầu vạn pháp xưa nay
Hoàn thành trí nghiệp vững cây Bồ đề.
Để thâm tạ công ơn giáo hóa của thầy, chúng con nguyện dù tan thân mất mạng, quyết phụng sự Tam Bảo đời đời kiếp kiếp không hề lãng xao, để mong báo đáp phần nào công ơn như trời biển.
Ơn giáo huấn một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền
Viết rõ những điểm như thế để mai này chúng tôi có về hầu Phật, hàng đệ tử xuất gia cũng còn có chỗ y cứ, có tài liệu khảo chứng về các bậc thầy của các vị. Chúng tôi tin chắc rằng như câu nói của người xưa: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Hẳn được an nhiên tự tại như mây trời lãng đãng khắp trong không gian cao rộng.