Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 04: Đời vân thủy

24/03/201417:29(Xem: 6987)
Phần 04: Đời vân thủy

Phần 4: Đời vân thủy

Chuyến xuôi Nam

- Đời sống của một tăng sinh

- Qua các học viện: Giác Sanh, Lưỡng Xuyên, Huệ Nghiêm ...

- Theo nghiệp bút nghiên

- Dấu chân nhà giáo
HT Thích Bảo Lạc

Hai vầng nhật nguyệt
Sáng tỏa mười phương
À ơi năm bảy mà thương chưa tròn
Người thân đưa tay vẫy gọi
Tiễn người đi lưu kỷ niệm khó quên
(Hành trang – Sông Thu)


“G

ieo nhân phải chọn giống tốt hột lành mới tươi cành xanh ngọn. Thân, cành, lá xanh tươi tốt, dĩ nhiên cái quả sẽ tương xứng không phải uổng phí công lao. Buổi ban đầu sơ tâm học đạo, những việc làm sai quấy, lệch lạc, thầy không la rầy quở phạt là để uốn nắn thân non cho già năm tháng. Người đệ tử phải biết tự chế, khắc phục sửa sai để sau này khi ra làm việc đạo mới đi vào khuôn phép mẫu mực, xứng đáng nhà mô phạm... Đời sống tăng sinh như cánh chim ngàn muôn phương tụ hội về một nơi, chung thầy, chung chúng, chung trường, chung cùng chí hướng. Sống trong một đại gia đình có tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài đâu ra đó hẳn hoi.

...Cái cao rộng mênh mông của mây nước lưu chuyển tự do trong trời đất, cũng như gót chân người tăng sĩ đi lại tự tại trong khắp bốn phương trời, lúc xa thật xa mà khi gần cũng thật gần đời sống. Như mây vờn trên đỉnh núi, nước xoáy trên ghềnh


non” (lời tựa sách Mây Nước Thanh Bình, Pháp Bảo ấn hành 1995).

Như lời tổ Qui Sơn Linh Hựu thiền sư dạy người xuất gia:

Phát túc siêu phương, tâm hình dị tục

Thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân

Dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu...

Bước chân dạo khắp muôn phương

Thân tâm khác tục đạo thường dồi trau

Ươm mầm Phật chủng dài lâu

Quân ma nhiếp phục hồi đầu quy y

Dứt sạch ba cõi phiền si

Bốn ân đền đáp kiên trì quyết tâm...

(Thích Bảo Lạc dịch)

Đó là sự hành hoạt và chí nguyện của người tu học đạo xuất thế, sống theo hạnh viễn ly, đi khất thực như Đức Phật và tăng đoàn hồi Phật còn tại thế; mỗi ngày ăn một bữa, nơi gốc cây ngủ một lần để không bị vướng chấp vào nơi đâu. Thật là cao đẹp, một lý tưởng sáng ngời của hàng đệ tử xuất gia như thế! Thế nhưng, đời sống của con người ngày càng khó khăn, phức tạp; cái ăn, cái mặc gắn liền theo cuộc mưu sinh để tồn tại nên hàng đệ tử cũng uyển chuyển tùy nghi phương tiện như ta thấy Phật giáo Đại Thừa ngày nay. Như trăm sông đổ về biển, dù theo phương tiện nào, nhưng lý tưởng của người tu vẫn phải kiên trì phấn đấu diệt trừ quân ma đạt đến giải thoát rốt ráo; chỉ có một vị - vị giải thoát – an lạc. Vị giải thoát không chỉ tìm cầu trong hiện tại mà còn qua lại chốn nhân thiên để hội đủ nhân duyên hướng về Phật đạo.

Đời vân thủy một bình ba áo

Kiếp ta bà muôn dặm cô thân

Bước du phương giáo hóa xa gần

Tay quán chúng điều hành nội ngoại.

(Hòa Thượng Huyền Quang)

Hay:

Gót đạo sĩ bốn phương trời rảo bước

Cõi Ta bà đâu chẳng phải nhà ta

Một mình đi với bình bát, cà sa

Đói xin ăn dưới gốc cây nằm ngủ...

Hoặc:

Một mình dạo khắp Ta bà

Ôm bình bát pháp mọi nhà xin ăn

Chỉ vì sanh tử đảo điên

Xuân thu giáo hóa gieo duyên độ đời.

Xuôi về phương nam: Sự nghiệp của nhà sư gồm 3 pháp y và một chiếc bình bát. Y pháp nuôi pháp thân, bình bát nuôi sắc thân; cả thân tâm đều ở trong môi trường thích hợp để học đạo, tu tập và hoằng đạo mà người xuất gia theo truyền thống nào cũng phải vâng giữ mới tròn tâm nguyện thực hành hạnh xuất thế.

Nhứt bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu.

Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt chỉ gói ghém trong 20 chữ mà hàm chứa ý nghĩa cao xa sâu rộng đủ diễn tả công hạnh tu trì, hóa độ của hành giả từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn như nguyên vẹn. Cứ mỗi lần câu hội vào những dịp lễ lạc, bút giả thích được nghe tán bài này, với giọng cao vút đệm theo tiếng tang, linh nhịp nhàng như đưa tâm hồn ta vào cõi an nhiên siêu thoát.

Đời sống của một tăng sinh: Sau bao nhiêu năm lê gót chân từ Đà Nẳng vào Sài Gòn, tôi đã có dịp sống, tu học, hành đạo ở nhiều chùa - viện tại thôn quê cũng như thành thị; tiếp xúc đủ hạng người của mọi miền đất nước, cũng như thưởng thức đủ các món chay tịnh đặc sản của từng nơi, ngồi ôn lại mới thấy mình đủ phước phần nên chưa đến nổi chìm trong cảnh “áo vũ cơ hàn” như câu chuyện của một em bé lang thang đêm trời đông không nơi nương tựa, đói rách, lạnh buốt cô thân và lạnh cả tình người.

Từ năm 1959 tôi đã vào đất Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông – nơi mà hơn 300 năm trước chúa Nguyễn Hoàng đã mở rộng bờ cõi cho đất nước Việt Nam chạy dài từ Ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau như hiện nay.

Đầu tiên nhờ sự giới thiệu gởi gắm của thầy Thị Thành (Hạnh Từ), tôi vào ở chùa Hưng Long, số 298 đường Minh Mạng quận 10 Sài Gòn. Trụ trì chùa lúc đó là Thượng Tọa Bảo Đảnh (Như Trạch – Giải Anh), tánh Ngài rất hiền hậu, từ tốn dễ dãi, đặc biệt là rất thương chúng. Đến năm 1960, Thượng Tọa Như Vinh – Giải Quảng – Pháp Ý kế tục, trụ trì chùa Hưng Long đời thứ ba, cũng có tâm rộng rãi đối với chúng như bào huynh vậy. Chùa lúc bấy giờ đã xây thêm tăng xá kế giếng nước, nên chúng tôi đỡ phải lây lất ngủ trong điều kiện kham nhẫn như các thầy trước đó từ miền trung vào ở để đi học như thầy Hạnh Từ, thầy Chơn Phát... Ở đây không có lớp học, tôi phải dùng xe đạp đi tới chùa Giác Sanh ở đường Lê Đại Hành nối dài với trường đua ngựa Phú Thọ. Đoạn đường dài độ 15km tôi đạp xe đạp mỗi ngày hai bận đi và về tốn khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Cứ sáng đạp xe đi và chiều đạp về như vậy được một năm, tới năm 1960, nhà trường tổ chức thi xếp lớp, tôi được trúng tuyển nên đổi về học nội trú tại Hội Lưỡng Xuyên Phật Học – Trà Vinh. Hội Lưỡng Xuyên là ngôi trường Phật học đầu tiên tại miền Nam do các ngài Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải... thành lập năm 1934, do Hòa Thượng Khánh Hòa làm Pháp sư tức giáo thọ. Các vị Thiện Hòa, Hành Trụ, Thiện Hoa, Huệ Hưng là những tăng sinh theo học khóa đầu tiên vào năm 1935. Một mặt Hội lo đào tạo tăng tài để cung ứng nhân sự điều hành các Phật sự tương lai; mặt khác các vị trong ban sáng lập còn chủ trương xuất bản tạp chí Duy Tâm để truyền bá Phật pháp bằng chữ quốc ngữ.

Lúc đó Chánh Hội Trưởng là ông Huỳnh Thái Cửu, Hòa Thượng Khánh Hòa làm pháp sư kiêm Tổng lý của Hội. Hòa Thượng có tầm nhìn xa thấy rộng, nên vạch rõ sự cần thiết phải thành lập Giáo Hội, xuất bản tạp chí và kiến tạo Phật học đường là ba Phật sự hàng đầu để chấn hưng và phát triển nền Phật giáo nước nhà lúc bấy giờ. Lực bất tòng tâm, với sự cố gắng của Ngài và các pháp lữ trong việc quản trị và giáo dục Phật học đường, nhưng chiến tranh xảy ra, Lưỡng Xuyên Phật Học Hội và Phật học đường phải ngưng hoạt động. Chúng tăng ly tán mỗi người một ngã, quân đội Pháp chiếm đóng cơ sở Phật Học Hội; Phật giáo lại một lần nữa ngộ nạn, nhưng chưa tử nạn. Hiệp định Genève ký kết năm 1954, người Pháp ra đi, trả lại độc lập cho Việt Nam. Một phong trào Hòa Bình và Thống Nhất đất nước được thành lập, Hòa Thượng Huệ Quang lúc đó là Pháp chủ Giáo hội tăng già Nam Việt, cùng với giới trí thức Phật tử, tích cực vận động tăng ni và tín đồ Phật giáo hưởng ứng.

Lưỡng Xuyên Phật Học đường tái hoạt động từ năm 1957, cho tới ngày lớp của chúng tôi dời về đây là khóa thứ 3 từ 1960 đến 1963. Lúc này Chánh Hội Trưởng là ông Huyện Luôn, Giám viện là Thượng Tọa Minh Thông, sau nửa khóa thay thế Thượng Tọa Liễu Minh chăm lo về chương trình Trung Đẳng Phật học. Chương trình học 3 năm, lớp chúng tôi có 21 tăng sinh như: Thông Quang, Như Toàn, Thanh Tịnh, Nguyên Tịnh, Đức Viên, Bửu Lợi, tôi (Bảo Lạc)...

Ghi lại những hoài niệm thân thương của thời còn mài đủng trên ghế nhà trường bằng những dòng chữ chân thành.

Với tôi đây là một nơi thật lý tưởng để học Phật mà mãi tới ngày nay hơn nửa thế kỷ, như còn lưu lại bao nhiêu kỷ niệm của tình người, với trái ngọt rau ngon, canh thơm cơm dẽo; người dân hiền hòa, cảnh vật hữu tình và nhất là những người Phật tử chân thành hết lòng lo cho đạo, nuôi lớn tăng sinh chúng tôi trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn kinh tế, như bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, ông Huyện Luôn (Chánh Hội Trưởng), bà Tư Phán, cô Sáu v.v... và còn nhiều vị nữa tôi quên tên. Những vị hộ pháp ân nhân này của Phật học đường Lưỡng Xuyên, nay đã không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng tôi tin chắc, với cái nhân lành của họ, quý vị ấy vẫn đang trở lại hành hoạt đâu đây...

Ngồi trong lớp học tại đây, tôi liên tưởng tới chư tôn Hòa Thượng Huệ Quang, Khánh Hòa, Khánh Anh, Pháp Hải... nối gót theo phong trào Phật giáo do Thái Hư đại sư bên Trung Hoa cổ xúy, quý Ngài muốn thành lập Phật học viện và Thư xã... Vì nghĩ ân đức các bậc thầy tổ đã từng dày công gầy dựng nên phong trào học Phật và nở rộ thành các Phật học viện cho anh em tăng sinh có đất dụng võ sau này.

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

Ngoài các bậc ân sư, đàn na thí chủ cũng đóng góp rất nhiều trong việc đào tạo tăng tài, về mặt ngoại hộ cũng quan trọng không kém. Nhờ những vị Phật tử đạo tâm thuần thành cho chúng tôi có được một đời sống vật chất ổn định”. (N.M.T.K & T.Q Ân Từ của tác giả).

Tại viện nơi đây chúng tôi hưởng được nhiều mặt thuận lợi về tinh thần lẫn vật chất. Về tinh thần, lớp học được Giáo hội Trung Ương nâng đỡ như những đứa con ruột nên tăng sinh chúng tôi cảm thấy an tâm và hãnh diện. Vì trên đã có các bậc thầy lo liệu, giữa có Ban Giám đốc và Ban Giáo Thọ trực tiếp chăm sóc dạy dỗ, dưới có Ban Bảo Trợ Phật Học Viện chu toàn bốn sự cúng dường: thức ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men đầy đủ. Có thể nói được rằng đời sống vật chất ở đây rất sung mãn, tăng sinh được ăn ngon, bữa nào nhìn vào bàn ăn cũng có đủ 4 món cơm, canh, món xào, món kho hay rau sống hoặc rau luộc thay đổi bữa. Buổi trưa có giờ nghỉ ngơi (ngủ) lấy sức từ 13 tới 14 giờ 30. Ngủ dậy lại được bồi dưỡng món chè thơm ngon, nóng hổi mà chúng tôi không hề quên được, dù bất cứ hoàn cảnh nào, nay cũng không tìm lại được cảnh sum họp vui vầy như thuở nào của thời học tăng tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Lớp người trước nay đã ra đi gần hết, và theo như chỗ tôi biết chỉ còn lại Hòa Thượng Liễu Minh từ hơn ba thập niên qua Ngài nương náu nơi một ngôi chùa tại Mỹ Tho. Hẳn tuổi thọ Ngài năm nay cũng ngoài 80, không rõ sức khỏe ra sao. Lớp huynh đệ chúng tôi hầu như sau những biến cố lịch sử của Phật giáo Việt Nam năm 1963 và 1975, đã cởi áo tu và trở lại đời sống như người Phật tử, và còn một số đã về hầu Phật. Mỗi người đều có cộng nghiệp và biệt nghiệp để theo, chúng ta không thể nói cùng được. Điều tâm sự ở đây, nhờ phước có tu tôi luôn được hồng ân Tam Bảo che chở thoát qua bao nhiêu hiểm nạn. Bịnh thập tử nhất sanh lúc nhỏ, sắc dục lôi cuốn rồi cũng buông, danh vọng không đủ sức thuyết phục được nhà tu nghệ sĩ tánh này. Cũng nhờ những biến cố thử thách trong đời hằn sâu nơi tâm tư tôi mới tồn tại được như hôm nay. Xin cảm ơn tất cả những ai trực hay gián tiếp, vô hình hoặc hữu thể tạo cho tôi những cơn thử lửa, được bình an trong cõi tịnh độ để hỗ trợ cho nhau đi trọn hành trình đạt đến giải thoát từ đời này và kiếp khác.

Cao trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam lên đến cao điểm là sau mùa lễ Phật Đản vào tháng 5 năm 1963, lớp học của chúng tôi được Giáo hội Trung Ương rút về Sài Gòn từ tháng 6 năm 1963 để tăng sinh tiếp sức vào công cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo của Ủy Ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo, do Hòa Thượng Tâm Châu làm Chủ tịch. Huynh đệ chúng tôi phải tạm tá túc ở chùa Quang Minh gần cổng xe lửa số 6 Phú Nhuận – Gia Định, do Hòa Thượng Tài Quang trú trì. Vì là ngôi chùa tư do bà Sáu chủ hộ nên mọi việc không đơn giản và dễ dàng, làm cho tăng sinh có phần hơi nản. Tuy nhiên chúng tôi tự nghĩ nơi tạm dừng chân như trạm nghỉ lấy sức, có gì phải bận tâm cho mệt trí. Tại chùa Quang Minh, chúng tôi đa phần đều ra ngoài học theo chương trình thế pháp; chờ ngày thi vô Phật học viện Huệ Nghiêm. Cuối tuần chúng tham gia tranh đấu đòi tự do tôn giáo. Sau cuộc tự thiêu hùng tráng của Hòa Thượng Quảng Đức vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 (20/4 nhuần Quý Mão) phong trào tranh đấu của Phật giáo dâng lên như vũ bão. Công an, mật vụ của chế độ ông Diệm theo dõi, lùng bắt tăng ni biểu tình phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo. Để khỏi bị theo dõi chúng tôi cải trang thành người thường len lõi vào trong quần chúng phân phát tài liệu của Ủy Ban Liên Phái kêu gọi đình công bãi thị. Có khi chúng tôi bị công an rượt chạy thục mạng. Vào tháng 7 năm 1963, không nhớ rõ ngày, tôi bị cảnh sát đô thành Sài Gòn đuổi rượt tại chợ Bến Thành, định tóm bắt tống lên xe cây chở về đồn cảnh sát. Hai viên cảnh sát nắm giật chiếc y của tôi đang mặc, túng quá tôi bỏ y chạy thoát thân; nếu không lanh lẹ đã bị tóm gọn cho vào ngồi nhà đá rồi. Thế nhưng vì nghiệp chung, tôi đã bị bắt trong cuộc tấn công chùa Xá Lợi vào đêm 20 tháng 8 năm 1963, cùng với các nhà lãnh đạo Phật giáo lúc đó, trong số có Thượng Tọa Trí Quang. Cảnh sát đủ các ngành và quân đội ồ ạt tiến vào chùa như một trận xung kích, sau một hồi lục soát, họ bắt tất cả tăng ni và Phật tử tranh đấu đang ở tại chùa Xá Lợi, dẫn ra sắp hàng trước đường Bà Huyện Thanh Quan, sau đó họ cho riêng tăng ni lên 10 chiếc xe thùng và chở đi trong đêm tối. Xe chạy độ một tiếng đồng hồ là tới nơi, lúc được thả xuống xe, chúng tôi mới nhận ra đó là khu An Dưỡng Địa nơi mà tôi sắp thi nhập học.

Họ giam lỏng độ 400 tăng ni ở đó trong 3 ngày, rồi được lệnh Cảnh sát chở hết chúng tôi về trung tâm cải huấn thanh thiếu niên tại Thủ Đức và giam giữ tại đó cho tới sau ngày Cách mạng 1 tháng 11 năm 1963 thành công.

Tưởng cần nói rõ, 20 tháng 8 năm 1963 là ngày mà chính phủ ông Diệm có kế hoạch tấn công nước lũ vào chùa chiền khắp trong toàn quốc, bắt sạch hết chư tăng, nhất là những vị nào hăng say tranh đấu chống chính quyền. Ở tù thời gian hơn 3 tháng, cũng giống thiên thu tại ngoại, đếm tính mới nghe thấm thía câu này của người nào đó đã nói rằng: Chữ tù liền với chữ tu một vần.

Biến cố kinh hoàng đêm ấy, đối với chư tăng ni nói riêng và toàn thể Phật giáo đồ nói chung không thể nào quên được. Hòa Thượng Thanh Cát (hiện trụ trì chùa Giác Minh tại Bắc Cali – Hoa Kỳ) có làm bài thơ ghi lại đêm lịch sử đầy bi thiết đó như sau:

Đêm giông tố

Đêm lặng lẽ bốn phương trời xa vắng

Ta ra đi thấp thoáng giữa canh trường

Ta ra đi hòa nhịp với gió sương

Và đi vì lũ bạo quyền gian ác

Nguyện vì đạo thân này dù có thác

Quyết đấu tranh đến hơi thở cuối cùng

Cho toàn dân được hưởng hạnh phúc chung

Và hậu thế khỏi cười chê hèn nhác

Lạy Phật Tổ và Quan Âm Bồ Tát

Cứu giúp con cùng Phật tử, tăng ni

Cho ai nấy thoát khỏi lúc gian nguy

Đều trở về hô Phật giáo bất diệt.

(Thích Thanh Cát, đêm 20/8/63)

Sau khi ra tù, chúng tôi về chùa Ấn Quang được quí thầy lớn, tăng ni và Phật tử đón mừng như những chiến sĩ thành công ca khúc khải hoàn nên được nhiều ưu đãi. Sau vài ba hôm, chúng tôi trở lại chùa Quang Minh lo việc học hành tiếp tục. Tuy trước mắt lo giải quyết nơi ăn chốn ở cho xong; yêu sách trước đó đã được trình lên Ban Giám Đốc, nhưng chúng tôi còn phải chờ đợi vì Giáo Hội bận lo nhiều việc, nên chưa có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, đúng mức, nhất là những đòi hỏi chính đáng của anh em tăng sinh chúng tôi. Có sự chậm trễ giải quyết mà lý do là công cuộc tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật giáo lúc đó chưa đạt thành. Giờ đây Giáo Hội mới đặc biệt lưu tâm tới số tăng ni trẻ đang theo học tại các Phật học viện, đã bị gián đoạn trong thời gian qua. Vì tăng sinh là tương lai của Phật pháp, mầm non của Phật giáo nên Giáo Hội dành mọi ưu tiên trưởng dưỡng tô điểm cho thành phần tăng trẻ. Chắc hẳn điều cấp thiết hàng đầu mà Phật giáo thời nào cũng vậy, không cứ chỉ riêng có thời điểm 1964. Hơn ai hết, giới lãnh đạo Phật giáo là những người biết nhìn xa thấy rộng đặt định cho tăng ni sinh một hướng đi vững chắc trong tương lai. Được các bậc thầy chiếu cố nâng đỡ, chúng tôi lại càng phải cố gắng học tập nhiều hơn để khỏi cô phụ ân đức cao dày của các Ngài.

Chuẩn bị dự thi: Vào tháng 1 năm 1964, chúng tôi dự kỳ thi tuyển vào lớp cao đẳng Phật học viện Huệ Nghiêm. Từ khi ra tù cho tới ngày dự thi chưa đầy hai tháng, tôi đã hết sức cố gắng dự cuộc thi tổ chức tại Ấn Quang gồm có 31 tăng sinh, kết quả đậu được 24 trên 31, trong số có 7 người rớt. Các môn thi gồm Kinh, luật, luận đã học tại trường Lưỡng Xuyên Phật học, cộng thêm môn Việt văn và sinh ngữ Anh, vì lớp chúng tôi theo chương trình phổ thông của Bộ Giáo Dục, nên chú trọng các môn thế pháp. Thi đậu vào trường Phật học Huệ Nghiêm, tôi vô cùng phấn khởi, vì từ nay mình bắt kịp môi trường trên đường học vấn những mong như con rồng bay cho thỏa chí đời vân thủy của người tu Phật mà bấy lâu nay ươm mộng chưa thành. Cũng trong năm 1964 này, ngoài việc đậu vào trường Huệ Nghiêm, tôi còn được Ban Giám Đốc cho thọ giới cụ túc tại Việt Nam Quốc Tự vào tháng 8 trong cùng năm. Đại giới đàn qui tụ hơn cả ngàn giới tử gồm tăng ni hơn 400 và trên 600 Phật tử; 2 vị Đàn đầu Hòa Thượng là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và Thích Hải Tràng, Yết Na A Xà Lê: Hòa Thượng Thiện Hòa, Giáo thọ A Xà Lê: Hòa Thượng Thiện Hoa. Có thể nói trong năm 1964 này đời tôi trải qua hai sự kiện khá quan trọng đáng nhớ để đời. Việc tôi đậu vô trường là một niềm hãnh diện chung cho cả pháp phái tông môn và thầy tổ, huynh đệ nữa, tôi vô cùng phấn khởi được đi trên con đường văn nhã từ đây, nên nguyện cố gắng hết lòng để khỏi phụ lòng kỳ vọng của mọi ân tình ưu ái dành trọn cho tôi. Người xuất gia không gì quan trọng bằng được thọ đại giới, tức là giới cụ túc (đủ chân) đầy đủ trọn vẹn mà không cần phải thọ thêm bất cứ giới nào nữa. Người tu được thọ thêm giới cũng như quân đội được tăng cấp bậc, tuy giữa đôi bên khác nhau về quân kỷ và giới luật. Từ nay tôi chính thức trở thành một tỳ kheo tăng trong tăng đoàn của Giáo Hội, sẽ rộng đường đóng góp vào việc chung theo khả năng và tâm lượng của mình. Việc trước mắt tôi nhắm tới là cần phải học trước nhất để đủ trình độ kiến thức hiểu giáo pháp Phật dạy bằng sự chọn lọc tinh tường mới không rơi vào đường tà. Một vấn đề mà tôi luôn luôn tự răn nhắc: Không có thế lực nào đáng sợ bằng lực vô minh, là lực đề kháng thường trực mà người tu không thể nào lơ là chểnh mảng để nó quật ngã mình được. Chúng ta luôn đề cao cảnh giác giữ giới như giữ gìn tròng con mắt vậy. Một người hể còn hơi thở lo giữ con mắt không để bụi bám như thế nào, người tu hành giữ giới cũng như thế ấy, luôn luôn theo dõi, đề phòng mọi bất trắc, xấu ác, kể cả tội lỗi xâm nhập lung lạc tâm niệm; nên cần nương vào đức chúng như hải.

Huệ Nghiêm – An Dưỡng Địa: Mới nghe danh An Dưỡng Địa là đã có người đâm lo sợ, thắc mắc tại sao một trường Phật học lại đặt nơi vùng đất mộ địa của những người cõi âm? Tương lai của tăng sinh sẽ đi về đâu khi Giáo Hội dồn họ về nơi tử địa? Giáo Hội thành lập Phật học viện Huệ Nghiêm thuộc huyện Bình Chánh nằm về phía tây Sài Gòn cách trung tâm chừng 6km, vì nơi đây là khu nghĩa trang nên có tên là An Dưỡng Địa. Vào cuối năm 1963, Giáo Hội đã mở lớp chuyên khoa dạy chuyên về nội điển tức chúng Mã Minh mà ngày nay còn lại các vị: Phước Hảo, Pháp Chiếu, Nhật Quang, Tâm Thọ, Đắc Pháp (tịch 2012), Chơn Lạc... đều là các Hòa Thượng đang đóng góp rất nhiều cho Phật giáo Việt Nam. Sau chưa đầy một năm, vào năm 1964, viện tuyển thêm một lớp phổ thông lấy tên Huyền Trang mà tôi là một trong số 26 chúng lớp này. Lớp phổ thông học cả hai chương trình nội điển và ngoại điển. Ban ngày chúng học chương trình phổ thông, viện có chiếc xe mi ni bus 21 chỗ ngồi do ông Tư lái đưa ra trường Bồ Đề Sài Gòn, và chiều giờ tan học ông đưa chúng tôi về. Chương trình nội điển chỉ học ban đêm mỗi tuần 3 buổi, do ba Ngài Bửu Huệ, Thiền Tâm và Thanh Từ phụ trách. Ban Giám Đốc Phật học viện do ba Ngài đảm trách hai lớp chúng Mã Minh và Huyền Trang. Chúng Huyền Trang có 26 người như Đức Viên, Hồng Liên, Ngộ Hạnh, Bảo Lạc, Như Tín (còn hiện trụ trì Hưng Long Sài Gòn), Nguyên Tịnh (lớn), Nguyên Tịnh (nhỏ), Quảng Huệ (mất 3 năm), Quảng Hạo, Thiện Trí, Đồng Đài, Thụy Bửu (mất đã 3 năm), Nhật Châu, Bửu Lợi, Viên Dung, Thông Luận, Thanh Tịnh, Ngộ Minh (mất năm 1968), Thiện Ân (viên tịch 1970), Thông Nguyên, Như Tạng (đang sống ở Úc), Minh Hải, Thông Hạnh (mất 4 năm), Minh Thiền, Tâm Phú (tại Cali – Hoa Kỳ). Trong số huynh đệ đồng chúng hết hai phần ba ra đời, 6 người đã mất, tôi chỉ biết được hiện đang còn 13 vị trong số có 4 người còn giữ áo tu. Con số nêu lên đây chắc chắn không được chính xác lắm, nếu có sai sót lệch lạc mà quý huynh hoặc độc giả quen thân với những vị có nêu danh tánh hoan hỷ bổ túc giúp, được vậy tôi rất cảm kích và vô cùng cảm tạ. Nói đến Huệ Nghiêm trong tôi còn lưu nhiều kỷ niệm khó quên mặc dù nay đã hơn 49 năm qua bao lần thay đổi. Con đường từ ngoài quốc lộ đi về miền tây rẻ vào, hai bên là ruộng lúa, hễ tới mùa mưa nước lên nhấp nháy mặt đường. Con đường vào viện chính là lối vào lò thiêu và khu nghĩa địa phía sau nên được kiến thiết khá rộng ngang độ 4 mét dài khoảng hơn 1 km, và ngày nào cũng có xe nhà đòn tới lui, thân nhân tiễn đưa người thân quá cố. Ruộng lúa đối với tôi rất gần gũi và thân thương, nhìn cảnh ở đây lại nhớ về hương lúa miền quê tôi ở xa tít, mãi tận ngoài miền Trung. Vào những đêm mưa nghe tiếng côn trùng rả rít, tiếng ếch nhái, ểnh ương đua nhau hòa tấu bản nhạc đồng quê trầm bổng xa xa gần gần như đưa hồn người viễn xứ về lại chốn quê nhà. Cũng chính trên những bờ ruộng lúa trơn trợt này mà tôi và thầy Minh Đạt (hiện ở Stockton – Bắc Cali – Hoa Kỳ) phát hiện hai chú tiểu giở lờ bắt cá nướng nghe mùi từ xa vào giữa đêm khuya vắng vẻ. Lúc bấy giờ tôi là Liên Chúng Trưởng, còn thầy Minh Đạt là Liên Chúng Phó có bổn phận tuần canh ban đêm xem xét coi có chú nào nhảy rào phạm pháp. Thật đúng y như câu nói: “Năng đi đêm hẳn gặp ma”, nhưng ma chúng tôi bắt gặp đây không phải kẻ vô hình mà là người thật bằng da bằng thịt, và lại là kẻ xuất gia mới kẹt chứ! Vấn đề được trình lên Ban Giám Đốc qua một cuộc họp chúng xử phạt. Sau khi quý Ngài đã nghe hết các ý kiến, Hòa Thượng Bửu Huệ hỏi chúng tôi để lấy quyết định. Theo thiển ý tôi, đã là người xuất gia dù nhỏ tuổi cũng phải giữ giới sát làm đầu, nếu Ban Giám Đốc và Ban Lãnh Chúng thương mà tha họ lần này, lần khác họ sẽ tiếp tục tái phạm. Tốt hơn hết chúng ta phạt tẩn xuất họ và mời thân nhân tới giao trả các chú về để cha mẹ dạy bảo thêm. Nếu sự kiện ấy xảy ra sau đó 10 năm (74), 20 năm (94) chắc cái quyết định có khác; và biết đâu lại cứu vãn được tình trạng khá hơn. Song dù sao sau đó trong chúng cũng nể nang Ban Điều Hành theo đúng Nội Quy của Viện nên ít có người phạm luật.

Bấy giờ tình hình chiến sự mỗi lúc một tệ hại, người dân miền quê sống chịu cảnh một cổ hai tròng: ban ngày theo quốc gia, ban đêm theo Việt Cộng để đổi lấy sự an toàn tánh mạng cho bản thân và gia đình. Huệ Nghiêm bây giờ (1967 – 68) không còn như 4 năm trước đó nữa. Đồng bào các nơi như Phú Định ở quận 7 bị Việt Cộng pháo kích nên bỏ nhà cửa chạy tới Huệ Nghiêm làm chỗ nương thân. Họ căng những tấm bạt, tấm tôn ở hai bên đường ruộng lúa dẫn vào An Dưỡng Địa, làm nhà tạm trú; đến tết Mậu Thân (68) Việt Cộng tổng tấn công vào Sài Gòn nên đồng bào quận 8 cũng lục tục chạy tản cư. Họ đổ dồn về An Dưỡng Địa và làm nhà tạm ngay trên những ngôi mộ mà bất chấp ở bên dưới đang có người nằm an giấc không kể ma cũ hay ma mới. Lúc đó, Huệ Nghiêm chúng bị tấn công bởi hai mặt: đồng bào tới ở đông làm cho nơi yên tĩnh trở thành phức tạp. Họ lập lên những hàng quán chợ búa buôn bán đủ thứ không thiếu thứ gì, làm cho cảnh thiền môn trở nên náo động. Nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ xảy ra giữa những người tạm cư đến đổi cảnh sát phải tới can thiệp; nhưng đâu rồi lại cũng hoàn đấy. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc. Thế gian bao giờ cũng có muôn mặt, dù được ở trong đất già lam – tịnh địa rồi – người ta vẫn cứ tấn công tới sát vách tường chùa chưa từng dừng bước. Ngoài ra, chúng tôi còn bị một mũi tấn công yết hậu khác – thiếu hụt kinh tế hay ngân khoản điều hành. Lớp chúng tôi đã hoàn tất vào giữa năm 1967 sau 4 năm học tập. Đầu năm 1968, Ban Giám Đốc chính thức tuyên bố tạm giải tán Phật Học Viện do không đủ nguồn tài chánh điều hành để duy trì 270 tăng sinh thuộc chúng Mã Minh, Huyền Trang, Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ, Hư Vân và Vạn Hạnh. Từ đó chúng Huệ Nghiêm mỗi người tìm cho mình một sinh lộ mới. Riêng tôi, năm 1967, Hòa Thượng Thiền Tâm đề nghị lên Đại Ninh lập tịnh thất tu với thầy. Nhưng chưa có ý định đó, nên tôi thưa rằng, xin thầy cho con tiếp tục con đường học vấn 5, hay 10 năm nữa hẳn hay. Còn như bây giờ... con đã có chương trình, mấy huynh đệ định ra thành lập Lưu Học Xá để được tiếp tục đi học.

Theo nghiệp bút nghiên:

blank

Hình tác giả năm 28 tuổi

Cây bút và cuốn sách luôn theo sát bên tôi, thật quả đúng là cái nghiệp không bằng! Không phải hồi còn trẻ mà ngay bây giờ, đi đến đâu ai tặng quà bằng sách vở tôi nhận liền mà không một lời từ chối; như tặng bánh trái, thức ăn tôi tìm cách từ chối khéo để người tặng khỏi buồn giận. Sau khi rời khỏi Huệ Nghiêm, thay vì đi Tuyên Úy, nhập giảng sư đoàn hoặc đi Trụ Trì như các vị khác, tôi tiếp tục cắp sách đến trường học lớp 12 cho xong chương trình trung học đệ nhị cấp. Chỗ ở, tạm trú tại tăng xá Phước Huệ, do ngài Huyền Quang lập tại Phú Thọ Hòa, cạnh chùa Hưng Long để tiếp tục đi học trường Văn Học ở đường Phan Thanh Giản do bà Trần Bích Lan – Trịnh Thúy Nga điều hành trực tiếp.

Vì nhận thấy lối ở nhờ không bảo đãm lâu bền nên năm 1968 sáu huynh đệ chúng tôi gồm: Như Tín, Thiện Trí, Ngộ Hạnh, tôi (Bảo Lạc), Quảng Hạo và Minh Thiền thành lập Lưu Học Xá Huyền Trang; sau đó kết nạp thêm Đồng Niệm thành 7 thành viên, và tiến hành xây chùa Huyền Trang bên đối diện Lưu Học Xá tại hương lộ 15 Phú Thọ Hòa – Tân Bình – Gia Định. Sau đổi thành đường Lạc Long Quân quận 11 – Sài Gòn cho tới bây giờ. Lưu Học Xá như một nơi tụ hội của giáo sư và học sinh các trường Hạnh Đức, Huỳnh Kim vào dịp cuối tuần đông vui nhộn nhịp. Vừa dạy học để kiếm tiền tôi cũng vừa đi học, nhưng giấu không để học trò biết thầy đi học, tập vở nhét trong cặp dấu dưới yên xe Hon da 50­­­ccchờ hết giờ dạy là vọt tới trường Văn Khoa lo luyện chưởng... Cách điều hành Lưu Học Xá của chúng tôi có khác với các cơ sở xưa nay. Theo như Nội quy, mỗi người làm Quản Đốc Lưu Học Xá 6 tháng, rồi đến phiên vị khác, và cứ như thế luân lưu mãi. Công việc làm rất trôi chảy nên các huynh đệ quen thân rất thích, nhất là thành phần tăng ni trẻ. Đến nổi thầy bổn sư (Hòa Thượng Trí Hữu) vào thăm các pháp hữu ở Ấn Quang tôi có đến vấn an đảnh lễ Ngài. Khi nghe tôi đã ra lập Lưu Học Xá, Hòa Thượng tán thán và nói rằng: “Anh em tăng lớp sau các con khá đấy, còn biết ngồi lại với nhau để làm việc đạo. Thầy mong rằng huynh đệ biết sống đúng pháp lục hòa để mai sau ra gánh vác Phật sự thay cho quý thầy lớp đàn anh”. Lời động viên tinh thần của bổn sư tôi xem quý như vàng, và cũng kể từ đó tôi vĩnh biệt thầy luôn để du học Nhật, cho tới tháng 11 năm 1975 thầy về lại chốn cũ - Ấn Quang – để viên tịch.

Dấu chân nhà giáo:

blank

6 huynh đệ Lưu Học Xá Huyền Trang

(ảnh chụp tại Thảo Cầm Viên SG) 1972

Dù không theo học khóa sư phạm, tôi vẫn có năng khiếu về ngành giáo dục, nhờ có sinh hoạt Gia Đình Phật Tử và Hướng Đạo nên biết phương pháp, cách tổ chức. Vì thế, ở các trường Hạnh Đức, Huỳnh Kim tôi được mời làm giáo sư hướng dẫn học sinh các lớp 6, 7, 8, 9, nhất là lo về báo chí, tổ chức v.v... để giúp kỹ thuật, ý kiến. Vì thích văn chương, thi ca, tôi phụ trách môn Việt văn và thỉnh thoảng cũng dạy công dân giáo dục. Học ngoại ngữ chính là Pháp văn, do ảnh hưởng văn phạm, tôi đem áp dụng vào Việt văn. Cú pháp rành rẽ, rõ ràng, trò nào loạng choạng là chém ngang hông nhưng bằng chữ nghĩa, bằng bút mực chứ không hung hãn phạm giới sát để bị phê bình chỉ trích đâu. Tôi có thói quen ưa chấm bài bằng bút đỏ, số ít học trò không khá tiếng Việt bị tôi gạch đỏ cả cuốn tập, làm cho họ buồn khổ, thút thít cũng nhiều. Cũng vì sát phạt học trò kiểu ấy nên tôi bị sao quả tạ chiếu kỹ hay nói cho đúng từ Phật pháp – nhân nào quả nấy – nhưng tôi chưa phải nhận hậu quả liền lúc đó mà chờ chín muồi cho đến những 10 năm sau. Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi sang định cư tại Úc năm 1981, việc đầu tiên của tôi là cắp sách đến trường học tiếng Anh. Lúc đó tôi học trường TAFE tại Bankstown do cô giáo người Mỹ phụ trách. Cô là người thầy mô phạm, đối với học trò xem như bạn thân; mỗi khi trao món đồ gì cho họ, cô cầm trên hai tay và đưa qua một cách nhẹ nhàng; khiến tôi phải học qua cung cách này, nhưng đôi lúc vẫn còn chưa ổn, vì tự thân vốn mang nhiều tập tánh không tốt. Cứ sửa đi sửa lại mãi mà việc đâu vẫn còn đó, chỉ có chút xíu cải thiện sau bao nhiêu năm tôi luyện để bào mòn bản ngã, tánh nóng giận la lối bất tử. Cho tới một ngày kia... lúc nhìn vào cuốn tập viết tiếng Anh của mình đã bị cô giáo gạch đỏ nhiều chỗ, khiến tôi hơi nóng mặt. Đêm hôm đó nằm gát tay lên trán suy nghĩ: Ồ đúng rồi, đây là kết quả phải nhận lấy không thể phiền trách, đổ lỗi, hờn giận... ai cả. Nghĩ cho cùng, tôi đã học thêm được một bài học thấm thía tới tận xương tủy để đời. Viết lên chuyện có thật này để chia xẻ với bằng hữu và quý độc giả, vì biết đâu quý vị lại chẳng có những mẩu chuyện cười ra nước mắt như thế. Thật sự tôi đã thấm từ dạo đó, nên từ đó trở đi quyết khắc phục những gì chưa đi vào khuôn khổ, mực thước và sửa sai những lời chỉ trích phê bình đúng mà không cằn cựa bào chữa, rán cãi tới nơi như hồi còn trẻ trung hăng tiết ngày xưa. Ngược lại, tôi đem áp dụng 4 pháp cần hành: điều ác chưa sanh đừng cho sanh; điều ác đã sanh khiến tiêu diệt. Quán xét kỹ và lặp đi lặp lại mãi, nếu nhận ra những việc sai trái lỗi lầm phải khắc phục sửa sai. Nhờ tinh thần tự giác tôi kiểm nghiệm lại thấy có tiến bộ và dần dần trừ được những thói xấu để thăng hoa, cho nên tâm tư thanh thản, sức khỏe dồi dào và làm việc thoải mái duy trì cho tới lúc về hầu Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567