Truyện Cổ Phật Giáo
Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập
---o0o---
Phần 12
|
Những con ngựa dữ
Phật ví hạng người hung dữ trong môn đệ Ngài, giống như những con ngựa dữ khó điều phục. Ðó là:
1. Hạng người khi được bạn bè chỉ dạy lỗi lầm cứ chối bai bải, bảo: “Tôi không nhớ, tôi không nhớ!” Giống hệt con ngựa dữ bị tra hàm thiếc và quất roi da vào mông, vẫn còn hục hặc không chịu đi.
2. Hạng thứ hai, khi được chỉ lỗi, bèn đứng làm thinh, không nhận cũng không chối, giống như con ngựa dữ đứng dựa gọng xe không chịu đi.
3. Hạng thứ ba, là vị tu sĩ khi bị chỉ lỗi, liền hỏi trở lại người chỉ lỗi mình: “Huynh cũng phạm như tôi sao dám chỉ lỗi tôi”, giống như con ngựa dữ, ngã nhào xuống đất, trầy đầu gối, gãy gọng xe.
4. Hạng thứ tư, là loại người phản ứng bằng cách quạt lại người chỉ lỗi mình: “Ðồ ngu, phận huynh còn phải nhờ người chỉ dạy sao dám lên mặt chỉ dạy tôi”, giống như con ngựa dữ cứ thụt lui không chịu bước tới.
5. Hạng thứ năm là kẻ hay nói trớ sang chuyện khác, đem lòng thù hiềm oán hận người nhắc nhở mình. Như con ngựa dữ chạy bừa vào đường hiểm, làm cho xe bể bánh, gãy trục.
6. Hạng thứ sáu, là kẻ không sợ tội lỗi, không ngán chúng tăng, không cho ai chỉ lỗi, lấy đồ bỏ đi. Giống như con ngựa dữ bất kể nài và roi, ngậm hàm thiếc chạy càn, vô phương kiềm chế.
7. Hạng thứ bảy, phản ứng cách lộn ngược, y đứng giữa hội chúng khua tay nói lớn: “Ai cho phép mấy người dạy khôn tôi”. Như con ngựa dữ dựng ngược hai chân và sùi bọt mép.
8. Hạng thứ tám, loại dữ dằn nhất nói ong óng: “Mấy người có cho tôi y bát, tọa cụ thuốc men không mà dám sửa sai tôi”. Nói xong chưa đã giận, còn xả giới, lột y vứt bên đường, nghênh mặt hỏi chúng tăng: “Tôi đã hoàn tục rồi, mấy người vừa lòng hả dạ chưa?” Hạng người này giống như con ngựa dữ nằm bẹp giữa đường.
Kể xong về tám loại người hung dữ, Ðức Phật khuyên hàng môn đệ của Ngài nên dễ dạy bình tĩnh khi nghe người ta nhắc nhở mình, dù lời chỉ dạy có đúng hay sai đều giữ lòng bình thản và chân thật. Riêng người chỉ lỗi cho bạn phải biết đúng thời đúng lúc, nói năng dịu dàng nhỏ nhẹ, và nhất là thật yêu thương muốn giúp đỡ bạn chứ không phải vì ganh tỵ ghét bỏ.
Xong Ðức Phật kết luận:
- Này các Tỳ kheo! Ta đã nói đầy đủ, đằng kia là các cội cây, các hang trống. các ông nên đến đó mà tọa thiền, chớ có buông lung mà về sau hối tiếc không kịp. Ðây chính là lời nhắn nhủ của Ta đối với các ông.
“Có lỗi đã là một điều lỗi, không chịu nhận lỗi lại là một điều lỗi nữa”.
Thế nào là Thượng Tọa ?
Thuở ấy, Ðức Ðạo Sư đang ngự ở Tịnh xá Kỳ Viên, có mười vị Tỳ kheo từ Câu Thi Na đến yết kiến Ngài. Lúc mới vào Tịnh xá nhóm Sa Môn này gặp một chú Tiểu ra vái chào. Sau khi đảnh lễ Ðức Ðạo Sư xong, đoàn Sa Môn lui ngồi một bên. Phật hỏi họ:
- Sáng giờ các Thầy có gặp một vị Thượng Tọa vừa rời khỏi nơi đây không?
Các Thầy Sa Môn đồng thưa:
- Bạch Thế Tôn không ạ!
- Các Thầy không gặp ai cả sao?
- Thưa, chúng con có gặp một chú Tiểu chưa đến hai mươi...
- Này các Tỳ kheo! Vị ấy không phải là một chú Tiểu... Ðó chính là bậc Thượng Tọa mà ta muốn nói.
- Nhưng... Chú ấy còn trẻ quá. Bạch Thế Tôn.
- Này các Tỳ kheo! Ta không gọi ai là Thượng Tọa vì tuổi tác, vì họ được ăn trên ngồi trước hay đã xuất thân từ dòng danh giá vọng tộc. Chỉ có người nào thấu đạt Chánh Pháp, cư xử tốt với mọi người, Ta mới gọi vị ấy là Thượng Tọa.
Dù tuổi cao mày bạc
Không tịnh hạnh tu trì
Tôn xưng là Hòa Thượng
Danh xuông chớ ích chi (PC-260)
*
Những ai thấy Chánh Pháp
Tự điều phục thân tâm
Thanh tịnh không não hại
Mới đáng gọi là Thượng Nhơn (PC-261)
Người được ca ngợi
Thời Phật còn tại thế, có một vị Lão Tăng ẩn cư trong rừng sâu, người ta gọi Ngài là Hòa thượng Nhất Cú, vì Ngài chỉ biết độc nhất có mỗi cậu kệ, đó là:
“Sa môn nào với tư tưởng thanh cao, tinh tấn luyện mình trong sự im lặng thì vị ấy sẽ được an tịnh, thông suốt và không còn phiền não”.
Vào những ngày Bồ Tát, vị lão Tăng chỉ đọc có bài kệ ấy và được Chư Thiên trong vùng tán thưởng bằng những tràng pháo tay vang rền.
Một hôm cũng vào ngày Bồ Tát có hai vị Tỳ kheo thông suốt Tam Tạng cùng đi với một hội chúng đông đảo đến khu rừng ẩn cư. Thượng tọa Nhất Cú vui vẻ đón tiếp họ và cầu thỉnh:
- Các hiền giả đến đây thật quý hóa, xin quý vị đọc luật cho tôi và chư vị nơi đây cùng nghe.
Ðoàn khách Tăng ngạc nhiên:
- Nhưng... Ngoài Thầy ra, khu rừng này còn ai nữa đâu?
- Có chứ! Vào những ngày tuyên giới, khu rừng này vang dội tiếng vỗ tay của Chư Thiên.
Sau khi phân tọa, một vị Tỳ kheo bắt đầu đọc luật và vị kia giảng rộng ra... Nhưng chẳng có ông trời nào vỗ tay cả. Ðoàn khách Tăng ngạc nhiên:
- Thế này là thế nào?
Vị lão Tăng cũng thắc mắc không kém:
- Mấy bữa trước họ đều vỗ tay sao hôm nay lạ vậy cà? Ðược rồi, thưa các Tôn giả, để tôi đọc thử coi...
Thượng tọa Nhất Cú bèn đọc câu kinh thường nhật và Chư thiên lại vỗ tay vang rền.
Thấy vậy nhiều người bất bình:
- Chư thiên ở vùng này quả là có lòng thiên vị, khi người ta giảng thông suốt về giáo pháp thì họ im lặng, không một tiếng tán dương, còn khi lão Tăng này chỉ đọc có một câu thì họ lại hoan hô ầm ĩ.
Các Tỳ kheo trở về bạch Phật tự sự. Nghe xong Ðức Ðạo sư dạy:
- Này các Tỳ kheo, ta không gọi ai là người thông suốt giáo pháp chỉ vì họ biết hoặc đọc nhiều kinh điển. Nhưng kẻ nào, dù chỉ biết một câu, hiểu rõ như thật, theo đó hành trì, ta mới gọi là người thông suốt kinh điển.
- Nói nhiều lời hư vọng thêm huyễn hoặc cuồng si.
- Học ít nhưng tâm đắc, mới là bậc hộ trì. (PC.259)
“Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thật hành theo, thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa Môn, khác nào kẻ chăn bò, chỉ lo đếm bò cho người khác.
Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, trừ diệt tham, sân, si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này, hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi của Sa môn”.
Lại Tra Hòa La
Khi Ðức Phật du hóa tại xứ Kuru đến thị trấn Thu La, dân chúng đồn đãi kéo đến bái yết Ngài để nghe thuyết pháp. Bấy giờ trong đại chúng có thanh niên tên Lại Tra Hòa La, con trai của một gia đình thượng tộc giàu có nhất vùng, sau khi nghe pháp, suy nghĩ:
- “Như ta hiểu lời Thế Tôn dạy, thì ở nhà thật khó thực hành đời sống phạm hạnh một cách viên mãn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
Nghĩ vậy xong, sau thời thuyết pháp của Phật. Sau khi hội chúng đã lễ Phật mà lui về, thanh niên ấy đến bên Ðức Thế Tôn, xin Ngài xuất gia tu học.
- Bạch Thế Tôn, như con được hiểu lời Thế Tôn dạy, thì tại gia thật không dễ gì sống đời phạm hạnh một cách viên mãn, hoàn toàn trắng bạch như vỏ ốc. Con muốn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy cho con xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn.
- Nhưng này thanh niên, con có được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia chưa?
- Bạch Thế Tôn. con chưa được cha mẹ bằng lòng.
- Này thanh niên, Như Lai không cho xuất gia nếu cha mẹ không bằng lòng.
- Bạch Thế Tôn, vậy con phải làm những gì cần thiết để cha mẹ bằng lòng cho con xuất gia.
Lại Tra Hòa La đảnh lễ Phật ra về, xin cha mẹ:
- Thưa ba má, con muốn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình. Xin ba má hãy bằng lòng cho con được xuất gia.
Khi nghe nói vậy ông bà phú hộ bảo:
- Này con, đừng ăn nói dại dột. Con là đứa con duy nhất của ba má được nâng niu như vàng ngọc từ tấm bé, lẽ nào ba má để cho con được xuất gia? Huống chi nhà ta vàng nén, hột xoàn kim cương chất đống, bao nhiêu của chìm của nổi, tài sản mấy đời tổ tiên để lại, tất cả đều dành cho con. Con hãy ăn chơi thỏa thích, rồi muốn tu thì bố thí, làm phước là được rồi. Con chưa biết gì đến sự gian khổ, làm sao ba má để con sống đời khổ hạnh được? Ba má không bao giờ cho con xuất gia.
Sau ba lần năn nỉ không được chấp nhận, Lại Tra bèn nằm lăn ra giữa nhà, tuyệt thực với ý định: “Ta sẽ chết ở đây, nếu không được xuất gia”.
Hai ông bà đưa cơm cháo gì đến, Lại Tra vẫn nằm bất động. Một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi bảy ngày trôi qua, chàng nhất định không ăn uống, không cục cựa, mặc cho cha mẹ khuyên lơn. Thân thể chàng đã yếu lả, mắt lờ đờ như người hôn mê sắp chết. Ông bà phú hộ đâm hoảng, đến cầu cứu những người bạn trẻ của con:
- Này các cháu, Lại Tra Hòa La đòi đi tu, hai bác không cho, nên nó tuyệt thực nằm vạ cả tuần lễ nay chẳng chịu nhúc nhích nói năng gì cả. Các cháu hãy đến năn nỉ nó ăn uống lại giùm. Hãy khuyên nó bỏ ý định xuất gia.
Các thanh niên làm theo lời, đến bên Lại Tra để khuyên nhủ. Nhưng sau năm bảy lần thuyết phục, chàng vẫn bất động. Thấy thế nguy, họ đề nghị với ông bà phú hộ:
- Thưa hai bác, chúng cháu thấy rõ Lại Tra đã nhất quyết theo ý định mình, không thì chết. Vậy hai bác nên bằng lòng cho anh ta xuất gia, họa may thỉnh thoảng hai bác còn gặp lại được. Nếu không hai bác đành vĩnh viễn mất người con.
Hai ông bà đành phải chấp thuận, đến nói với Lại Tra:
- Thôi, con đã nhất quyết thì ba má cũng chiều lòng. Nhưng đi tu xong phải thỉnh thoảng về nhà thăm ba má và mấy người vợ mới cưới của con, kẻo chúng nhớ tội nghiệp.
Lại Tra mở bừng mắt ngồi nhỏm dậy, trở lại ăn uống. Sau khi lấy lại sức, chàng từ giã cha mẹ ra đi, đến chỗ Phật trú.
- Bạch Thế Tôn, con đã được cha mẹ cho phép xuất gia. xin Thế Tôn hãy cho con xuất gia tu phạm hạnh.
Ðức Phật nhận lời cho thanh niên cạo tóc đắp áo cà sa, thọ đại giới, theo Ngài về ở Tịnh xá Kỳ Viên nước Xá Vệ. Tôn giả Lại Tra tinh tiến tu hành, ưa thích đời sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chẳng bao lâu đã đạt đến cứu cánh cao tột của đời phạm hạnh, vì cứu cánh này mà những thiện gia nam tử đã từ bỏ gia đình, ấy là quả vị A La Hán. Vị ấy biết sanh tử đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm xong, không còn phải trở lại cuộc đời này nữa.
Một hôm, Tôn giả đến đảnh lễ Phật:
- Bạch Thế Tôn, nếu Ngài cho phép, con sẽ xin trở về ngôi làng cũ.
Ðức Phật quán xét biết Tôn giả bây giờ đã có thể trở về, không có gì nguy hiểm cho phạm hạnh, nên Ngài dạy:
- Lại Tra, ngươi có thể làm những gì ngươi nghĩ là phải thời.
Sau khi đảnh lễ đấng Ðạo Sư, Tôn giả Lại Tra thu xếp lên đường. Ðến thị trấn Thu La, Tôn giả tuần tự khất thực. Khi đến nhà cha mẹ, Tôn giả ôm bát đứng ngoài cổng. Thoáng thấy bóng chiếc áo cà sa, ông phú hộ chưa kịp nhìn kỹ, đã nổi trận lôi đình, nghĩ: “Kìa là một Sa môn trọc đầu tới xin ăn. Vì những người đó mà đứa con yêu dấu độc nhất của ta đã bỏ nhà ra đi biền biệt. Nay còn tới đây báo hại cái gì?” Rồi không thèm nhìn ra, ông quát tháo:
- Này Sa môn trọc đầu kia hãy đi đi! Ta không muốn nhìn cái mặt mo ấy. Ði cho mau, đi cho khuất con mắt của ta!
Tôn giả lặng lẽ ôm bát tiếp tục đi. Chợt từ ngõ sau nhà, người nữ tỳ bưng nồi cháo đi đổ. Tôn giả nói:
- Này chị, chị bưng cái gì thế?
- Tôi đem nồi cháo ăn còn thừa từ bữa qua đi đổ vào thùng rác ngoài lộ.
- Xin chị hãy đổ vào bát của bần tăng cũng được, khỏi phải đi xa cho nhọc lòng.
- Càng tốt.
Khi người nữ tỳ đến gần để trút cháo vào bát Tôn giả, cô ta nhận ra đôi chân quen thuộc. Ðánh bạo nhìn lên tay, mặt, thì rõ ràng là vị tiểu chủ ngày xưa, không còn lầm gì nữa. Nữ tỳ chạy vào nhà:
- Thưa ông bà chủ, tiểu chủ đã về tới ngoài kia!
Bà phú hộ mừng rỡ:
- Ðâu, đâu? Nếu thật như mày nói, thì mày sẽ được phần thưởng xứng đáng, con ạ.
Ông phú hộ cũng chạy ra:
- Con ta đâu nào?
- Thưa, tiểu chủ đang ngồi ăn cháo thừa đằng kia.
Lúc ấy Tôn giả đang tựa lưng vào một bức tường mà dùng cháo vừa xin được. Bà phú hộ nhìn kỹ là con mình, liền chạy lại khóc:
- Con ơi là con! Sao con về nhà mà con không vào nhà của con lại ngồi dọc đường dọc sá thế này? Lại đi ăn cháo vữa cháo thiu! Hãy vào nhà, đi con.
- Thưa gia chủ, bần tăng không có nhà. Bần tăng có đến nhà của gia chủ, nhưng không nhận được bố thí, chỉ nhận được lời sỉ nhục và xua đuổi.
Ông phú hộ cũng đã nhận ra, bèn tới năn nỉ:
- Này con, con hãy vào nhà. Ba má sẽ dọn đồ ăn ngon lành cho con. Ðừng ăn cháo thiu mà đau bụng.
- Thưa gia chủ, hôm nay việc ăn uống đã xong.
- Vậy thì trưa mai, con hãy nhận lời ba má.
Tôn giả im lặng chấp thuận. Ông bà phú hộ trở vào nhà, bàn mưu tính kế. Ông nói:
- Con ta đã về tới đây, phải làm sao để giữ chân nó lại, đừng cho nó ra đi. Ngày mai, bà với tôi phải hiệp sức mà thuyết phục nó. Trước hết, bà hãy dọn cho nó một bữa ăn ngon lành, có gà nướng, có rượu hảo hạng, đừng thiếu món gì. Rồi còn nữa? À, hãy đem tất cả vàng bạc, kim cương ngọc ngà châu báu trong kho ra, chất một đống giữa nhà cho thật cao, ngập mặt ngập mày, mà chỉ cho nó nhìn, cho nó biết tài sản của mình là nhiều như vậy. Kế đó là phần việc của mấy đứa con dâu. Chúng nó đâu rồi, bà hãy gọi chúng nó ra đây, để chúng ta cắt công cắt việc.
Khi các con dâu đến, ông phú hộ bảo:
- Này các con dâu! Ngày mai chồng của các con trở về ăn cơm tại nhà đấy. Các con phải tận lực hợp sức cùng ba má để kéo nó ở lại, đừng cho nó đi. Các con phải trang điểm cho thật lộng lẫy huy hoàng. Hãy đeo vào đầu, vào cổ, vào tay, vào chân những đồ trang sức mà ngày xưa chồng các con nó ưa nhìn thấy các con đeo. Hãy sức nước hoa, tưới dầu thơm cho thật nhiều vào, trét phấn, thoa son, bôi mi mắt, kẻ lông mày, uốn tóc cho dợn sóng lên, chống lỗ mũi, lỗ tai lên.
Những cô dâu khúc khích che miệng cười:
- Thưa ba, không có chống lỗ tai đâu ạ!
- Vậy thì, các con hãy làm cái gì các con nghĩ là hợp thời để quyến rũ chồng của các con cho bằng được.
Rồi ông bà phú hộ cắt đặt cho gia nhân trưng dọn, trang hoàng nhà cửa, ngọc ngà châu báu được đem ra chất giữa nhà một đống, lấy màn che lại. Các cô vợ trẻ trang sức lộng lẫy như đào hát đứng thành một tốp, cũng lấy màn che lại. Phú ông ngắm nghía nhà cửa, vàng ngọc, và người, tỏ vẻ đắc chí, hài lòng:
- Thế là được. Ngày mai cứ như vậy mà thi hành.
Hôm sau, đến giờ thọ trai, Tôn giả ôm bát từ từ tiến vào cổng. Ông bà đon đả ra mời. Khi Tôn giả vào nhà, ông chỉ:
- Này con, hãy nhìn đây, (ông kéo màn) vàng bạc châu báu cả đống đấy, tất cả đều là của con. Con hãy ở lại mà thọ hưởng, muốn chi cũng được.
- Thưa gia chủ, nếu gia chủ dành cái đống đó cho tôi, thì xin gia chủ cho xin thêm ít cái bao bố may sẵn, dộng nó vào, và mướn một, hay hai, ba chiếc xe chở ra ngoài sông lớn mà đổ ngay giữa dòng, cho nó chìm sâu xuống đáy nước. Vì sao? Vì nó là nguồn gốc của tất cả khổ não đến với gia đình.
Ông phú hộ lại kéo mấy cái màn che mấy bà vợ cũ ra. Các nàng chạy đến ôm chầm lấy Tôn giả, khóc ròng kể lể:
- Ối chàng ôi! Bộ chàng muốn mấy cô tiên nào trên trời nên đi tu để được lên trên ấy phải không? Chàng đã bỏ bê chúng thiếp để mơ tưởng lên trên trời với mấy cô tiên. Hù hu, hù hu. Nói đi, có phải vì mấy cô tiên nữ mà chàng xuất gia tu phạm hạnh hay không? Hù hu.
- Các chị, các chị, không phải vì mục đích được sanh lên cõi trời mà bần tăng xuất gia tu phạm hạnh.
Khi ấy các bà vợ cũ đấm ngực, khóc than thảm thiết:
- Ối, cha mẹ làng nước ơi, chồng chúng ta bây giờ lại gọi chúng ta bằng chị! Ối trời đất quỷ thần ơi!
Rồi họ ngã lăn ra giữa nhà, bất tỉnh nhân sự, Tôn giả nói với ông bà phú hộ:
- Thưa gia chủ, gia chủ muốn thí đồ ăn thì bố thí đi, chớ có phiền nhiễu bần tăng.
- Hãy ăn đi, con yêu dấu. Ðồ ăn đã dọn sẵn.
Thọ thực xong, Tôn giả đứng lên nói bài kệ:
Mày ngài mắt phượng mà chi?
Tốt tươi rồi cũng một bì xươngkhô.
Tâm: rừng tham ái sầu lo
Thân: nhà chứa bệnh, nấm mồ chờ ai
Nào đâu mắt phượng mày ngài?
Khi thây quăng bỏ ra ngoài đồng hoang
Mưa sa gió cuốn phũ phàng,
Ðống xương vô chủ võ vàng trăng soi
Ðãy da chứa đủ tanh hôi
Lại toan sơn phết ra mòi bảnh bao!
Kẻ ngu mê lại lăn vào
Như nai sa bẫy, người nào khác chi!
Ai đà giải thoát sầu bi
Tránh xa lưới ái, tình si đâu còn!
Bẫy nào bắt được nai khôn
Lúa ăn vừa đủ, tẩu bôn vô rừng
Thợ săn ngơ ngác hết mừng
Thì đành đấm ngực vẫy vùng khóc la.
Ðọc xong bài kệ, Tôn giả cáo từ đi đến vườn Lộc Uyển ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây. Khi ấy, vua xứ Kuru bảo người hầu cận sửa soạn cho vua dạo rừng. Người hầu thấy Tôn giả liền trở vế tâu:
- Tâu Ðại vương, ngoài rừng Lộc Uyển, có vị Sa môn đang ngồi, chính là con trai của gia đình thượng tộc ở thị trấn này, tên là Lại Tra Hòa La.
- Vậy, thay vì đi dạo rừng, ta hãy đến thăm vị Tôn giả ấy.
Vua cùng người hầu đi đến rừng Lộc Uyển, chỗ Tôn giả đang ngồi. Vua cung kính đưa tấm nệm gấm ra mời:
- Xin Tôn giả hãy ngồi trên tấm này cho êm.
- Ðại vương, tôi đã có tọa cụ. Ðại vương hãy ngồi trên chỗ của Ðại vương.
- Bạch Tôn giả, người đời thường xuất gia vì bốn sự suy vong: một là lão suy, hai là bệnh suy, ba là tài suy, bốn là thân suy. Như những người lúc trẻ thụ hưởng dục lạc đã đầy đủ chán chê, đến khi già không còn ham muốn gì nữa, và cũng đã hết sức lực mới vô chùa nghỉ. Ðó là lão suy. Lại như người mắc bệnh kinh niên không thể lao động sản xuất được, ở ngoài đời không lợi chi cho ai, lại thêm gánh nặng cho gia quyến, nên xin vô ở chùa. Ðó là bệnh suy. Rồi có những người làm ăn thất bại, hoặc bị mất mát về tiền bạc, hoặc đánh bài bạc bị phá sản, đổ nợ đổ nần, không thể gầy dựng lại được, bèn chán nản vô chùa xin gởi tấm thân tàn, sống nốt quãng đời còn lại. Ðó là tài suy. Cũng có những người xuất gia vì lẽ không còn ai thân thích để nương tựa. Ðó là thân suy. Thông thường vì bốn sự suy vong này mà xuất gia. Nhưng xét Tôn giả, tuổi còn thanh xuân, tóc đen nhánh, thì không phải lão suy. Da dẻ hồng hào tươi nhuận chứng tỏ sức khỏe không đến nỗi nào, thì đâu phải bệnh suy. Tôn giả xuất thân từ một gia đình thượng tộc giàu nhất vùng thì đâu phải tài suy. Song thân còn đủ, các bà vợ đang mong chờ, thì cũng không thể gọi là thân suy. Vậy Tôn giả xuất gia vì nguyên nhân nào?
- Ðại vương, tôi xuất gia vì bốn điểm thuyết giáo của Ðấng Ðạo Sư mà tôi thấy đúng như thật. Thứ nhất là, Ngài dạy mọi sự ở thế gian là vô thường.
- Nghĩa là sao, xin Tôn giả giải thích.
- Ðại vương, như thân thể của Ðại vương đó, lúc nào cũng như lúc nào hay mỗi lúc một khác?
- Như vậy là trẫm đã hiểu. Quả thật, thân thể là vô thường, đổi khác luôn luôn, nhất là ở tuổi già như trẫm. Năm nay đã khác năm ngoái, nói gì đến tuổi trẻ với lúc già, thật khác nhau trời vực. Còn điểm thứ hai là gì, thưa Tôn giả?
- Thứ hai là vô hộ, vô chủ: không ai giúp đỡ mình được, không có chủ tể.
- Sao lại không? Như trẫm đây, biết bao nhiêu người phò tá, trẫm là chủ cả nước, muốn chi được nấy, làm sao Tôn giả lại nói vậy?
- Ðại vương, Ðại vương có thể đem cả tài sản, ngai vàng để thuê mướn kẻ khác đau thay, già thay, chết thay cho Ðại vương, không?
- Cái đó thì không được.
- Ví như Ðại vương tạo nghiệp ác, phải đọa địa ngục, thì Ðại vương có thể đem tài sản ấy đút lót cho Diêm vương để khỏi đọa, hay chính mình phải chịu?
- Ðúng như vậy, mình làm mình chịu, không ai thay được. Thế là trẫm đã hiểu vô hộ. Còn vô chủ thì sao?
- Ðại vương có thể làm chủ cái thân xác Ðại vương được chăng? Bảo nó không được bệnh, không được già, không được chết, nó chịu nghe chăng? Bảo cái tay đừng run, cái chân đừng quỵ, mắt đừng lờ, tai đừng lãng, được không? Ðại vương có thể bảo cái thân của Ðại vương khi nó đang đau rằng: “Hãy khỏe mạnh trở lại không? và Ðại vương có biết khi nào thì nó đau, khi nào nó chết không?
- Ðúng thế, quả thật trẫm không thể làm chủ được cái thân này, dù trẫm đang làm chủ cả quốc gia. Còn điểm thứ ba là gì thưa Tôn giả?
- Thứ ba là trên thế gian không có cái gì của mình.
- Ủa, sao Tôn giả nói vậy? Trẫm có biết bao nhiêu là kho tàng châu báu, giang sơn gấm vóc này thuộc về trẫm. Nói gì đến vật, ngay cả đến người, trẫm cũng sở hữu từ quan đại thần lớn nhất trở xuống, trẫm sai đâu chạy đó, sao lại không sở hữu?
- Ðại vương, khi Ðại vương nằm xuống, ngài có thể đem theo tất cả kho báu, giang sơn xuống âm phủ để tiếp tục sử dụng, hay phải giao lại cho kẻ khác, còn mình chết tay không? Ðại vương có thể bắt tất cả đình thần, quyến thuộc dân chúng cùng chết theo qua bên kia thế giới để Ðại vương tiếp tục làm chủ, hay Ðại vương phải ra đi một mình, để người khác thay Ðại vương trị vì thiên hạ?
- Thưa hiền giả, đúng thế. Trẫm không thể đem theo cái gì khi chết và phải chết một mình trơ trọi, để lại giang sơn này cho người khác. Thảm thương thay! Còn điểm thứ tư là gì, xin Tôn giả hãy giảng?
- Thứ tư là thế gian này thật thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho dục vọng, tham lam không bao giờ vơi.
- Nói vậy trẫm nghĩ e chỉ đúng với những người thường, chứ trẫm đây mà còn thiếu thốn thèm khát cái gì. Vì trẫm muốn gì chẳng có, đâu còn thèm gì nữa.
- Ðại vương, giả như Ðại vương bây giờ được tin phi báo của các đội quân tuần tiễu rằng: phía đông có mỏ vàng, phương nam có mỏ bạc, phương tây có mỏ kim cương, còn ở phương bắc hiện có một xứ giàu có, đất đai phì nhiêu mà gặp ông vua trụy lạc bê bối, cai trị mất lòng dân, nên sự nghiệp phòng vệ rất lỏng lẻo, thì Ðại vương nghĩ thế nào?
- Thưa Tôn giả, trẫm sẽ hội họp đình thần, cắt công tác cho vị này phụ trách khai thác mỏ vàng, mỏ bạc, vị kia đào mỏ kim cương. Còn cái xứ giàu có phì nhiêu dễ chiếm ấy, thì trẫm sẽ sai võ quan cử binh tới chiếm để mở mang bờ cõi.
- Ðại vương, đó chính là sự thèm khát, túi tham không đáy nơi Ðại vương. Người đã có một nước thì thèm chiếm thêm nước khác, cho đến kẻ vô sản thì thèm bắt con vịt, con gà của hàng xóm về làm của mình. Ðại vương kết tội kẻ trộm vặt, bỏ tù nó, mà quên rằng mình là kẻ trộm lớn khi mưu tính như vậy. Do đó mà Phật dạy: thế gian luôn luôn thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho lòng tham và dục vọng.
- Hay thay, bạch Tôn giả, quả như lời Tôn giả, bốn điểm thuyết giáo của Ðức Ðạo Sư thật vi diệu. Lành thay Ðức Thế Tôn! Trẫm xin quy y bậc A La Hán, Chánh đẳng giác và xin cáo từ Tôn giả.
- Ðại vương, xin từ biệt.
THÍCH NỮ TRÍ HẢI
“Tôi đã tạo hạnh phúc cho tôi bằng cách hạn chế sự ham muốn hơn là làm thỏa mãn nó”.
Sự tích Cái mõ
Ngày xưa, có một vị Hòa Thượng trụ trì một cảnh chùa ở gần bờ sông trong một thôn quê. Mỗi khi có việc ra tỉnh, Ngài quá giang bằng chiếc đò ngang.
Hôm ấy nhằm ngày 13 tháng bảy, Ngài quá giang ra tỉnh để chủ lễ một đàn kỳ siêu. Khi đò ra tới giữa dòng sông cái thì thấy sóng nổi lên ầm ầm làm cho thuyền tròng trành muốn đắm. Ai nấy ở trên đò cũng đều hoảng hốt kinh khủng, thì ngay lúc ấy, bỗng nhiên thấy nổi lên trên mặt nước, một con cá Kình rất lớn, dương hai mắt đỏ ngầu mà nhìn chăm chăm vào vị Hòa thượng kia. Nhưng Hòa thượng vẫn bình tĩnh ngồi niệm Phật.
Trong khi đó, con cá liền cất cao cái đầu lên khỏi mặt nước mà lắp bắp cái miệng nói: “Hỡi hành khách ở trên đò! Các người muốn được yên lành, hãy liệng lão ác tăng xuống đây cho ta, để nuốt chửng nó đi cho hả cơn giận. Các người có biết không? – Ngày trước, ta theo lão tu đạo, lão không chịu giảng dạy chi cả, cứ buông lỏng cho ta muốn làm gì thì làm, không hề kiềm chế. Vì vậy, ta mới sinh ra lười biếng, chỉ lo rong chơi ăn ngủ theo thế tục, không thiết gì tới công phu bái sám, ăn chay niệm Phật và săn sóc công việc Chùa. Không những thế, mỗi khi có đám tiệc lại để cho ta mang hậu đắp y để khoe khoang với đại chúng và bổn đạo. Vì những tệ đoan như thế, nên sau khi ta chết, phải đọa vào loài súc sanh làm thân cá Kình, đi tới đâu thì ồ ạt tới đó, làm cho những tôm cá chạy tét đi hết, không có cái gì để ăn, phải chịu đói khát, rất nên cực khổ, thiệt khổ còn hơn loài quỉ đói nữa. Vì thế mà ta chỉ oán lão thôi, còn các người đối với ta vô can, ta không muốn làm hại ai cả”.
Nghe cá nói xong, Sư Cụ liền mỉm cười mà đáp rằng: “Này nghiệt súc! –Nhà ngươi nói thế mới thật là thậm ngu. Há ngươi không hiểu câu phương ngôn: Ðạp gai, lấy gai mà lễ, hay sao? -Nếu ngươi đã biết vì tạo những tội lỗi như thế mà phải đọa làm thân cá thì nhà ngươi cần phải ăn năn sám hối tội lỗi và tạo duyên lành, ngõ hầu mới được tội diệt phước sanh, rồi mới mong thoát khỏi được quả báo. Ta là Thầy ngươi, mỗi khi dạy ngươi đúng theo giới luật, thì ngươi bảo là quá nghiêm khắc, hay la rầy quở phạt, còn thả lỏng cho ngươi không nghiêm trị, thì ngươi quen tánh mong lung, thành thử mới phải dọa làm loài cá. Một khi bị đọa, ngươi cần phải sám hối và báo cho ta biết để tụng kinh siêu độ và xả tội cho, còn nếu như muốn ăn thịt ta thì lấy ai để cứu ngươi nữa. Ðã có tội, không biết ăn năn mà còn kiếm cách đỗ lỗi cho người. - Phạm Phật thì có Tăng cứu, còn như phạm Tăng thì Phật không độ. Ngươi có hiểu câu đó chăng? Loài súc sanh kia!!!
Sư cụ quở vừa dứt lời, thì cá Kình kia cũng lặn chìm xuống dưới đáy nước.
Kế đó, sau bảy ngày đêm vang tiếng tụng kinh cầu siêu độ tại chùa, thì cá Kình liền trồi lên mặt nước, lết thẳng tới sân Chùa, nằm dài một đống và hướng vào trong
Chùa mà nói rằng: “Bạch Thầy, mấy hôm nay, nhờ công đức của Thầy và chư Tăng Ni chú nguyện và tụng kinh siêu độ cho, nên con đã được tiêu nghiệp, thoát kiếp cá Kình và sanh lên cõi trời Dục Giới. Trước khi lên cõi Trời để hưởng sự khoái lạc của chư Thiên, con xin đến đây thành tâm đảnh lễ tạ ơn Thầy cùng chư Tăng Ni và con nguyện lưu cái xác thân cá Kình tại Chùa để mỗi ngày, chư Tăng Ni cầm cây gõ lên đầu con, ngõ hầu làm gương cho những vị nào tu hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự tôn, tự đại, không chịu khép mình vào vòng giới luật và cũng là để nhắc nhở cho những vị ấy nhớ tới bổn phận tu tâm, hành đạo, để khỏi xao lãng công phu bái sám, niệm Phật tu thiền, thúc liễm thâm tâm, nghiêm trì giới luật.
Vì sự tích như đã kể ở trên, mà từ ngày ấy tới nay, cái mõ mới trổ theo hình con cá để làm kỷ niệm mà thức tỉnh người tu hành.
THANH TÂM
“Em nhớ hôm nào sông nước vắng
Chuông Chùa lay động ánh sương chiều
Lời Kinh, tiếng “Mõ” như thầm nhắn
Cái kiếp phù sinh buổi xế chiều”
Y Vương
Trong những năm mới ngoài ba mươi, trên đường du hóa, Ðức Phật gặp một ông Bà La Môn giàu có. Thấy Ðức Phật chúng ta quá đỗi đẹp trai, ông Bà La Môn liền kêu lại, ngỏ ý muốn gả con gái cưng cho, Ðức Ðạo Sư bèn từ chối và lựa lời giáo hóa ông Bà La Môn tốt bụng này. Thái độ của Phật khiến người đẹp Ma Ðăng Già cảm thấy bị tổn thương, vì cô không phải là hạng gái ế ẩm đến nỗi phải đem bán cho.
Với chủ tâm trả thù Phật, ngày hôm sau Ma Ðăng Già cho bắn tin với Ðại Vương thành U Du rằng cô đã bằng lòng. Một tuần sau, cô trở thành Hoàng phi vua U Du, đệ nhất phu nhân vùng Kasambi.
Nhiều năm trôi qua, ngày mà Ma Ðăng Già chờ đợi đã đến. Ðức Phật cùng A Nan du hóa qua vùng Kasambi. Những tay chửi lộn mướn chua ngoa nhất của kinh thành đều được tụ tập lại, để đón chào Ðấng Ðạo Sư. Ngài điềm nhiên đi qua những con đường vang rền âm thanh thô tục như không có chuyện gì xảy ra. Riêng Tôn giả A Nan, tối tăm mặt mũi trước những âm thanh kỳ quái đó, bèn bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, chúng ta đi về thôi!
- Về đâu hở A Nan?
- Thưa, đi đến một thành phố khác, như thành Ðề Xá chẳng hạn.
- Nhỡ nơi đấy, cư dân lại đón tiếp thầy trò mình y hệt như nơi đây thì ông tính sao?
- Thưa, chúng ta sẽ đi qua thành Hoa Thị!
- Và nếu tình trạng của thành Hoa Thị lại tương tự như vậy thì con tính sao?
- Bạch Thế Tôn, chúng ta sẽ đi và sẽ đến những nơi nào mà người ta không bạc đãi mình như thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly chẳng hạn.
- Này A Nan, Tại sao dân cư các thành phố đó lại ưu ái và ân cần với Thầy trò mình?
- Thưa, vì họ đã nghe pháp, hiểu pháp, đã có trí tuệ để biết đâu là hạnh lành, đâu là hành động dữ, nên rất khát khao được chiêm ngưỡng dung nhan Ðức Thế Tôn.
- Và này, A Nan còn dân cư vùng này tại sao đón tiếp Thầy trò mình kiểu này?
- Vì họ chưa hề biết đến Phật pháp, chưa phân biệt rõ đâu là việc lành hay việc dữ nên họ mới hành động như thế.
- Này A Nan, ví như có một đại lương y tài giỏi thương bệnh nhân như con đẻ. Vị lương y này có bao giờ dán bố cáo trước cổng rằng:
“Nơi đây bổn hiệu chỉ nhận chữa bệnh cho những người lành mạnh hoặc ít bịnh, còn ai đau nặng thì xin miễn tiếp hay không?
- Bạch Thế Tôn, không bao giờ. Vì thầy thuốc hay cần cho bệnh nặng không phải dành riêng cho người mạnh khỏe.
- Này A Nan, cũng thế! Như Lai ra đời là vì lợi ích cho những chúng sanh si ám, chưa phân biệt rõ thiện và ác, chuyên tạo nghiệp dữ để chiêu vời những quả khổ trong ba đường ác. Những người bệnh nặng cần lương y như thế nào thì cư dân nơi đây cũng cần đến sự hiện diện của Như Lai như thế đó. Cư dân của thành Tỳ Xá Ly cùng Vương Xá giống như những người khỏe mạnh hay ít bịnh, các đệ tử Như Lai hiện diện nơi đó cũng đủ rồi. Còn nơi đây, nếu Như Lai không đích thân giáo hóa thì còn ai dám thế nữa, hở A Nan?
- Nhưng bạch Thế Tôn, nơi đây có ai thèm nghe Thế Tôn nói pháp đâu? Họ đã đón tiếp Thế Tôn bằng những gì thối tha bẩn thỉu nhất. Những người bệnh nặng mà không cần thầy thuốc thì dù lương y có sẵn từ tâm, cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi.
- Này A Nan, một người bị bệnh nặng, thân và tâm đều xúc não thống khổ, không thể nào có những tâm niệm ngôn ngữ và hành vi như những người bình thường được. Vị lương y phải tận tâm hành nghề, không xao xuyến về cử chỉ và lời nói bất nhã của bệnh nhân. Cho đến bao giờ, thấy rằng cư dân vùng này thật sự không còn cần đến Như Lai nữa. Như Lai sẽ đi ngay.
- Ngay lúc ấy, tên chúa trùm du đãng, thủ lãnh các tay anh chị chửi lộn mướn chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư nói riêng, xin được ngỏ lời xin lỗi Ngài cùng ông thầy đây.
- “Qua câu chuyện đối đáp giữa thầy trò của Ngài, chúng con vô cùng hối hận. Vậy xin Ngài Cồ Ðàm đừng giận mà hãy ở lại đây dạy dỗ chúng con, những bịnh nhân đang hấp hối.
Một tuần lễ sau, dân chúng thành U Du lại cư xử với đấng Ðạo Sư hệt như thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly. Ngày Ðức Ðạo Sư cùng Tôn giả A Nan lên đường du hóa nơi khác, dân chúng lũ lượt kéo nhau đi tiễn đưa, rải hoa và khóc than rất bi thiết.
THÍCH NỮ NHƯ THỦY
Ðời không đạo, đời vô liêm sỉ!
Ðạo không đời, đạo dạy cho ai?
Con cọp dễ thương
Xưa có một thiền sư sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc nọ. Trong một dịp tình cờ, Sư nhặt được một chú bé bị bỏ rơi, đem về hang núi nuôi dưỡng.
Chú bé lớn lên dưới sự chăm sóc của nhà sư giàu lòng bi mẫn, giữa những động đá thâm u, dưới những cội tùng xanh lá. Tâm tình chú cũng đơn sơ và bình yên như những con nước trong chảy róc rách qua các hòn cuội trắng. Ngoài Sư phụ ra, chú không hề thấy mặt một nhân vật nào khác. Bạn bè thân thuộc của chú là những thú rừng hiền thường đoanh vây quấn quít chung quanh chú như hươu nai, khỉ vượn.
Chú Tiểu đã lớn lên giữa khung trời bao la của thiên nhiên... và mãi đến lúc trưởng thành chú vẫn có màu mắt trong xanh như trẻ thơ... chú chưa từng biết buồn lo là gì cả.
Giang san của chú chỉ có một nhân vật đáng đề phòng là con cọp chúa thỉnh thoảng mò ra ven suối, uống nước ngắm trăng và kêu “cà um” inh ỏi. Mỗi lần vị chúa rừng này về, chú thường theo lệnh Thầy rút lên một cội cây cao cho an toàn... Và theo óc tưởng tượng của chú, cọp là một con thú có bộ dáng dữ dằn ghê lắm. Nhưng chú chưa từng giáp mặt với nó lần nào... nên rừng núi vẫn còn là một tổ ấm an ổn hồn nhiên che chở cho chàng trai mới lớn.
Cho đến một hôm vị Thiền sư nhận được tin một người bạn cố tri của mình lâm bệnh nặng, Sư liền quảy túi hạ sơn và chú Tiểu cũng được dịp theo Thầy xuống núi để học khôn luôn thể.
Những trần cảnh xôn xao đa diện của thế nhân khêu gợi óc hiếu kỳ của chàng trai hơn là ham muốn. Chàng bỡ ngỡ nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với một thái độ lạnh nhạt của người ngoài cuộc. Dòng đời vẫn miên man trôi chảy và chàng đã nhìn nó với cặp mắt xanh của trẻ thơ. Tất cả đều có vẻ lạ lùng đến buồn cười.
Và trên đường trở về hai Thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ bán lụa... Chàng trai kinh ngạc và say sưa nhìn gương mặt của người khác phái mà lần đầu tiên chàng thấy có một sự thu hút kỳ lạ... Thấy vẻ sững sờ của đệ tử, nhà tu vội vàng nắm tay chàng rảo bước, chàng trai bỡ ngỡ hỏi Thầy:
- Bạch Tôn sư... đây là con gì vậy?
Nhà sư buông thõng:
- Cọp đó! Ði lẹ lên kẻo mất mạng bây giờ.
Hai thầy trò trở về Sơn động... Vị sư để ý thấy sau chuyến viễn du, người đệ tử của mình đâm ra thẫn thờ, bỏ ăn, bỏ ngủ... và có một cái gì thay đổi trong tâm tư chàng trẻ tuổi... Và một hôm, sau cơn dằn vặt tột độ chàng tìm đến Thầy thú thật:
- Bạch Tôn sư! Sao mà con nhớ con cọp hôm ấy quá... thà rằng... con tìm đến gặp nó, cho nó nhai xương con... cho rồi. Tán thân mất mạng về tay con cọp dễ thương còn dễ chịu hơn là ở đây mà dằn vặt nhớ thương nó... Từ 20 năm qua, chưa bao giờ con nếm phải một sự đau đớn kịch liệt như thế này. Con phải làm sao đây?...
“Một em bé tóc dài
Ðang rình con bướm bay
Bướm hoa màu sặc sỡ
Chập chờn trong nắng mai.
Bướm vừa đậu cành hoa
Em bé mừng lo xa
Ðưa tay nhè nhẹ bắt
Nhưng bướm vùng bay xa...
Tìm Thánh Tăng
Tại một ngôi chùa Trung Quốc hồi xưa, có một vị sư nổi tiếng về hạnh ở dơ. Thầy lại không đủ điều kiện thân tướng trang nghiêm để thọ giới, vì thế mặc dù ở chùa đã lâu, thầy vẫn giữ chức vụ của chú tiểu là làm các công việc ở nhà vệ sinh và trong bếp, ngoài vườn. Tất cả những công việc nặng nhọc dơ dáy đại chúng đều giao cho thầy phụ trách. Thầy làm tất cả mọi sự với tâm hoan hỷ, không phàn nàn, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi. Mặc dù y phục rách rưới dơ dáy nét mặt thầy luôn luôn rạng rỡ, có điều đáng phàn nàn nhất về thầy là mặc dù đã lớn tuổi, không còn bé bỏng gì, thế mà thầy luôn luôn để mũi chảy thò lò như một cậu bé, không chịu lau chùi, không bao giờ rửa mặt. Cho nên, tuy thầy rất dễ thương, cũng ít ai dám đến gần vì nhờm gớm. Mỗi khi các bạn đồng tu đề nghị:
- Xin chú mày làm phúc quẹt mũi giùm đi. Dơ dáy lắm.
Thầy chỉ cười hề hề!
- Em không có thì giờ quẹt mũi, Sư huynh ạ!
Rồi bỏ đi một nước. Một hôm, nhân ngày lễ Vu Lan, nhà vua thỉnh tất cả chư Tăng trong chùa không chừa vị nào, vào cung để dự trai Tăng. Nhà vua tha thiết yêu cầu vị Hòa thượng đừng để một vị nào ở chùa, vua sẽ cho người đến giữ chùa trong thời gian Tăng chúng vào cung.
Sở dĩ nhà vua muốn như vậy là vì Ngài có dụng ý. Vua vốn là người mộ đạo tha thiết, cầu gặp Thánh Tăng để khai thị cho mình yếu nghĩa bộ kinh Kim Cang. Do lòng chí thành, một hôm vua được thần nhân báo mộng trong ngôi chùa lớn có vị Thánh Tăng, hãy thỉnh về cung thuyết pháp. Tỉnh dậy, nhà vua hoang mang không biết Thánh Tăng ấy là ai, trong ngôi chùa đông cả ngàn Tăng chúng đó. Sau một hồi bàn luận với cận thần, vua được bày một mưu kế hay ho và vội thực hành ngay kế đó để tìm gặp Thánh Tăng. Thế là vua cho sửa soạn một buổi trai Tăng cúng dường toàn thể Tăng chúng trong ngôi chùa nọ.
Về phần Tăng chúng trong chùa, họ bàn nhau:
- Hôm nay vua thỉnh toàn thể Chư Tăng vào cung thọ trai không chừa một vị nào ở lại giữ chùa. Nghĩa là phải cho cái chú ở dơ của mình đi theo. Chú ấy chưa thọ giới, vậy trong khi chúng ta đắp y đi có hàng ngũ chỉnh tề thì hãy để chú ấy đi một mình sau rốt khỏi mất thể diện chúng Tăng.
Tăng chúng bằng lòng theo sự sắp đặt ấy và báo tin cho chú ở dơ sửa soạn theo hầu chư Tăng vào cung dự lễ. Họ không quên dặn chú làm phúc quẹt mũi giùm trước khi ra đi. Chú cười hề hề:
- Dạ được rồi, quý huynh đừng lo. Lần này em xin lau mặt mũi sạch sẽ để theo hầu quý sư huynh.
Vua và đình thần đứng xếp thành hàng rào danh dự đón chư Tăng đông đủ uy nghi từ từ bước qua cổng chính để vào cung. Mặt nhà vua hơi lộ vẻ thất vọng khi thấy gần hết chư Tăng đều điềm nhiên bước qua cổng lớn. Khi người cuối cùng của hàng dài Tăng chúng đắp y đã đi qua cửa cung, sắp có lệnh đóng cửa, thì một vị sư không đắp y, ăn mặc dơ dáy ở đâu nhảy bổ tới, lộn nhào hai ba vòng để tránh dẫm chân lên ngưỡng cửa, vừa lẩm bẩm nói một mình:
- Chết chửa! Ai dám dẫm chân lên pháp bảo của Như Lai.
Vua và đình thần quỳ mọp xuống trước vị Thánh Tăng, dâng bộ y quý giá:
- Ngưỡng bạch Hòa thượng, đệ tử xin cung thỉnh người thăng pháp tòa, để chúng con được ân triêm pháp nhủ.
Thánh Tăng bước lên pháp tòa dành sẵn, giảng kinh Kim Cang như nước chảy hoa bay cho tất cả đại chúng và triều đình. Ðến đoạn: “Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật” nhà vua thoát nhiên đại ngộ.
Sau thời thuyết pháp nhà vua quỳ sám hối trước đại chúng. Vì lòng tha thiết cầu gặp Thánh Tăng, nhà vua buộc lòng phạm đến pháp bảo bằng cách chôn một quyển kinh Kim Cang ngay lối vào cung điện. Với kế đó, nhà vua đã tìm ra vị Thánh Tăng trong hơn nghìn Tăng chúng, ấy là vị có thần thông biết được chỗ chôn kinh và tránh dẫm chân lên pháp bảo bằng cách lộn nhào qua cửa ngọ môn.
THÍCH NỮ TRÍ HẢI
“Nhạn lướt mặt hồ không để bóng,
Gió luồn khóm trúc chẳng lưu vang”.