Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 08

19/10/201311:47(Xem: 8231)
Phần 08

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 8


36/ Phật Ấn với Ðông Pha
37/ Thiếp nguyện hai điều
38/ Công đức cúng dường Xá Lợi
39/ Gọi Phật bằng bạn
40/ Ðạo trời báo phục

Phật ấn với Ðông Pha

Tô Ðông Pha, quan Hàn Lâm học sĩ triều Tống, nổi tiếng là người học rộng nghe nhiều, tài hoa lỗi lạc. Ỷ tư chất thông minh, ông xem mọi người dưới tầm con mắt, thường làm những bài văn với tính cách trào lộng để mai mỉa tình đời. Ðối với đạo Phật, ông lại còn tỏ ra thái độ khinh rẻ, không tin, thẳng lời bài bác.

Một độ, nhân đi phó nhậm ở Chiết Giang, nghe danh sư Phật Ấn ở đỉnh Vân Cư là bậc học thông ba tạng, Tô Ðông Pha liền nảy ra ý định đến viếng cửa thiền, mục đích để trêu chọc lão Hòa Thượng này chơi. Ðến đây tôi xin tạm dừng câu chuyện thăm viếng ấy lại, để lược thuật cho quí vị biết tướng mạo và hành vi của vị tăng ở núi Vân Cư ra thế nào?

Phật Ấn thiền sư, vóc người cao lớn, mập mạp. Trên mặt ngài luôn luôn nở nụ cười, mỗi khi tiếp chuyện với khách. Về ngôn ngữ, Sư nói rất trôi chảy tài tình, khiến cho người đối thoại phải lặng thinh khâm phục. Sư có nhiều hành động khác thường, đến như rượu thịt là giới cấm trong nhà Phật, sư cũng không từ. Nhưng với bao nhiêu cử chỉ ấy, tất cả Tăng đồ và tín đồ thời bấy giờ không ai dám bài bác, và nhận thấy ở nơi sư có một cái gì siêu phàm hay làm cho người đời tỉnh ngộ, mà kẻ dung thường không thể bắt chước. Cho nên, hành vi khác lạ của sư được nhiều người ghi chép bằng nhiều bài thi, trong ấy có những câu :”Viễn Công cô tửu yêu Ðào Lịnh, Phật Ấn thiêu trư đãi Tử chiêm” (Ngài Huệ Viễn mua rượu mời Ðào Uyên, minh sư Phật Ấn nướng thịt đãi Tô Tử Chiêm). Ðây là hành vi của bậc đại triệt, đại ngộ, tùy cơ giáo hóa. Những vị tăng sĩ nào chưa được như thế, không nên khen ngợi bằng lối bắt chước, cũng đừng vội chê bai.

Xin tiếp tục câu chuyện trước. Khi Tô Ðông Pha đến non Vân, sư Phật Ấn còn đang ngồi tịnh trong phương trượng, nghe thị giả thưa: “Có quan Hàn Lâm học sĩ đến” Sư vui vẻ chào hỏi và mời khách ngồi. Sau khi đáp lễ xong, Tô Ðông Pha liền mở lời vấn nạn:

- Bạch Hòa Thượng! Xin cho tôi hỏi một câu:

- Vâng, tôi cũng xin tùy chỗ hiểu biết để hầu chuyện cùng ngài.

- Bạch, tôi muốn mượn thân tứ đại của Hòa Thượng làm tòa ngồi, có được chăng?

Một nụ cười nở trên môi, Phật Ấn thiền sư đáp:

- Nếu bần đạo trả lời không suông, xin theo tôn ý, bằng trái lại, ngài sẽ tính thế nào?

- Tôi xin đem chiếc đai ngọc, một vật quí của vua ban cho, để đáp tạ Hòa Thượng.

- Bần đạo tứ đại vốn không, ngũ uẩn chẳng có, vậy ngài lấy chi làm tòa ngồi.

Tô Ðông Pha sửng sốt hồi lâu, không trả lời được, đành phải mở đai ngọc giao cho Phật Ấn thiền sư. Sư thâu nhận, rồi bảo thị giả vào trong đem chiếc áo bá nạp ra tặng cho quan Hàn Lâm học sĩ. Tô Ðông Pha gắng gượng tiếp lấy và làm bài kệ trình lên rằng:

Căn tối đành ngơ trước máy thần

Nặng vì thân bịnh vướng đai cân!

Muốn khuyên khất thực nhà ca kỹ?

Nên mới nhường cho áo núi Vân.

Ðoạn, hai người cùng nhau tiếp chuyện rất thân mật.

Từ khi được gặp Phật Ấn thiền sư và sau mấy phen ngài chiết phục, Tô Ðông Pha trở nên bạn thân của vị Tăng phi thường ấy. Trong thời gian đó, ông lại được quen với một vị sư khác: ngài Hoành Sơn Cốc. Khi rảnh việc Tô Ðông Pha thường mời hai bạn đến nhà thết tiệc khoản đãi, hoặc cùng đi dạo ở những nơi thắng cảnh. Nhưng, trong ba người, chỉ có sư Phật Ấn là mạnh ăn nhất. Vì thế, Tô Ðông Pha, Hoành Sơn Cốc thường bị cụt hứng và thường chịu lép trong những cuộc vui.

Một hôm, Ðông Pha bảo người nhà sửa sang con thuyền và sắm sẵn gỏi ngon rượu tốt, rồi mời riêng Sơn Cốc thiền sư cùng mình mở cuộc lãng du trên dòng nước. Không dè ngài Phật Ấn hay được việc ấy, lén đến mé sông trước, và dở ván ngồi lẳng lặng dưới khoang thuyền. Sơn Cốc, Ðông Pha đến sau thờ ơ không hay biết chi cả, bảo trạo phu gay chèo để phát khởi cuộc du trình.

Lúc ấy nhằm ngày rằm. Hoàng hôn đã trở về từ lâu nên mặt sông thu yên tĩnh. Vào khoảng đầu hôm, chị Hằng lộ dáng đứng trên dãy non Ðông, như bàng hoàng giữa vầng Ngưu Ðẩu. Hàng cây bên bờ sông in bóng dài trên bãi cát. Một ngọn gió mát từ đâu thoảng lại, thổi phất phơ tà áo vị thiền sư trí tuệ và trang học sĩ tài hoa. Thuyền từ từ tách khỏi bến ra giữa lòng sông, thả suôi theo dòng nước. Ði không lâu, chiếc du thuyền rẽ vào một mặt hồ to rộng, bao la. Bấy giờ, những thức ăn uống được sắp bày trên thuyền, dưới gương nga tỏa sáng. Trước khi nhập tiệc, Ðông Pha bảo Sơn Cốc:” Chúng ta mỗi người hãy làm bốn câu thi tức cảnh, hai câu sau lấy trong sách Tứ thơ và kết cuộc bằng chữ “tai”. Nếu ai làm không được phải bị phạt ba chén rượu. Và, bước đầu tôi xin nhường cho Ngài. Lộ vẻ tươi cười, thiền sư đáp: “Thế thì còn chi thú vị bằng! Tôi xin lĩnh ý”.

Bấy giờ con thuyền đang từ từ rẽ nước. Cánh bèo theo gợn sóng tan ra, lộ dáng mấy con cá lội thấp thoáng. Sơn Cốc trông thấy liền ngâm:

Phù bình bác khai

Du ngư xuất lai

Ðắc kỳ sở tai!

Ðắc kỳ sở tai!

(Bèo nổi tan ra, Dáng cá lội qua

Phải cảnh nó a! Phải cảnh nó!).

Ðông Pha vỗ tay khen: “Hay! Hay lắm! Thật là tuyệt!” Rồi, vẻ mặt trầm ngâm ông nhìn khắp chung quanh để tìm câu gợi tứ. Chợt trông lên trời thấy áng mây trắng bay qua để lộ màu thỏ bạc, ông liền đọc:

Phù vân bác khai

Minh nguyệt xuất lai

Thiên hà ngôn tai?

Thiên hà ngôn tai?

(Mây nổi qua mau, Trăng tỏ lộ màu

Trời nào nói đâu, Trời nào nói đâ?)

Sơn Cốc cũng vỗ tay khen: “Mấy câu vừa rồi ý nghĩa siêu thoát lắm! Không biết ngài có nhận được mùi thiền trong ấy chăng? Ðông Pha không đáp, yên lặng tủm tỉm cười. Ðoạn, hai người cùng rót rượu để tán thưởng cho nhau và sắp sửa vào tiệc. Nhưng, Phật Ấn thiền sư đã dở ván, từ dưới khoang thuyền chun lên, vừa đọc lớn:

Phù bản bác khai

Phật Ấn xuất lai

Nhơn yên sưu tai?

Nhơn yên sưu tai?

(Ván lót dở cao, Phất Ất ra mau

Người giấu được nào? Người giấu được nào?).

Ðọc xong sư điềm nhiên ngồi chễm chệ trước tiệc, quơ đũa không mấy chốc, thức ăn đã hết sạch. Sơn Cốc và Ðông Pha dở khóc dở cười, nhìn nhau ngơ ngẩn.

Những việc trớ trêu tương tự như thế, thường xảy đến với Tô Ðông Pha, nhưng cũng do đấy, ông càng nghĩ càng khâm phục sư Phật Ấn.

Khách đa tài phần nhiều hay đa tình, Ðông Pha có bảy người thiếp rất đẹp. Một hôm, trong cơn đàm thoại, Phật Ấn thiền sư bảo ông rằng: “Tôi nghe ngài có nhiều thê thiếp, mà tôi lúc này thiếu người hầu hạ, không biết ngài có vui lòng cho tôi mượn một nàng không?” Ðông Pha cười nói: “Hòa Thượng đã muốn, tôi đâu dám chẳng vâng lời”. Sau khi về đến nhà Ðông Pha cho gọi thiếp thứ bảy ra bảo: “Hôm nay, Phật Ấn thiền sư hỏi tôi mượn một cô hầu. Vậy nàng hãy sửa soạn để đi đến chùa cho sớm”. Người thiếp tỏ vẻ không bằng lòng, thưa: “Ông ấy đã tu hành, sao còn nói gở như thế?” Ðông Pha bảo: “Người quân tử đã hứa, tất phải nhớ lời. Nàng nên vì tôi chịu phiền đi đến xem Hòa Thượng sử sự ra sao?”

Khi người thiếp đến chùa, Phật Ấn thiền sư ra tiếp, đưa vào cho an nghỉ một phòng. Ðoạn, sư bắt bảy cái lò gần đấy, quạt lửa than cháy đỏ rồi suốt đêm bước qua bước lại trên lò. Sáng ra, thiền sư bảo xa phu gác xe đưa mỹ nhân trở về. Sau khi về đến nhà, người thiếp thuật rõ lại hành vi của sư Phật Ấn trong đêm vừa qua. Ðông Pha nghe xong, thầm nghĩ: “Ðây chắc là thiền sư ngụ ý bảo: ta có bảy nàng hầu như bảy lò lửa, hành vi bước qua có phải tỏ rằng mình đã thoát khỏi vòng ái dục rồi chăng?” Nghĩ đến đó, ông dường như tỉnh ngộ.

Về sau, do sự hóa độ của Phật Ấn thiền sư, Tô Ðông Pha lần lần hồi tâm trở về với đạo Phật. Khi lớn tuổi, ông mướn thợ vẽ một bức tượng A Di Ðà, đi đâu thường mang theo mình. Có ai hỏi, ông đáp: “Bức tượng này là công cứ của tôi đấy”.

Giữa Phật Ấn và Ðông Pha còn lắm đoạn kỳ quan. Theo lời truyền thuyết ở các sách tàu, Tô Ðông Pha là thân sau của giới thiền sư, cũng là bạn đồng tu học của vị tăng núi Vân Cư từ kiếp trước. Trong tiền thân Phật Ấn thiền sư đã đắc đạo. Ngài tái sanh làm vị tăng với mục đích nhắc nhở người bạn tiền duyên trở lại con đường giác ngộ. Ðiều này, nên tin hay không ở đây không thành vấn đề bàn luận. Chúng ta chỉ nên biết rằng hành vi của ngài Phật Ấn không những có ý nghĩa với Tô Ðông Pha, mà với tất cả bao nhiêu người đồng tâm trạng, cảnh ngộ như ông.

TRÍ HIỀN

Một hôm, Tô Ðông Pha sáng tác được một bài thi mà ông rất hài lòng, ông bèn cho đem tặng Phật Ấn thiền sư ở chùa Kim Sơn. Thay cho lời khen mà ông Tô Ðông Pha mong ước, thiền sư lại phê hai chữ “phóng thí” (*) Ức lòng, Tô Ðông Pha bương bả vượt sông đến Kim Sơn bắt lỗi. Thiền sư lấy bút sửa câu chót, làm cho Tô Ðông Pha dở khóc dở cười.

Nguyên văn bài thi của tô Ðông Pha như sau:

Khể thủ thiên trung thiên.

Hào quang chiếu đại thiên.

Bát phong xuy bất động.

Ðoan tọa tử Kim liên.

Làm để xưng tụng Ðức Phật, bài thi ấy thật rất hay, nhưng thiền sư biết tác giả chỉ là người múa văn, chơi chữ, chứ không phải người thâm nhập Phật lý đến mức thực chứng cảnh giải thoát “Bát phong xuy bất động”, nên thiền sư phê hai chữ “phóng thí” để trêu. Quả như thiền sư tiên liệu: Tô Ðông Pha đã nổi nóng, vượt sông đến hỏi. Nhưng sau khi thấy thiền sư sửa câu chót thành “phóng thí đã quá giang”, Tô Ðông Pha hổ thẹn vì đã để cho một cái “Lỡ trôn đánh bay ngang sông”. Ðông Pha bái phục ra về, không nói được một lời... (**)

Pháp sư SIÊU TRẦN

Tám gió (bát phong) là chỉ những cái ưa ghét của người đời, hễ một trong những cái ấy đến thì lòng người bị xao xuyến, như gió thổi nước lay. Tám gió ấy là : 1. Lợi, 2. Suy (tổn thất), 3. Hủy (chê), 4. Dự (khen), 5. Xưng (phong tặng), 6. Cơ (nói xấu), 7. Khổ (cay đắng), 8. Lạc (vui).

“Rồi đây nguyện được như lời

Thuyền từ một chiếc thảnh thơi giữa dòng

Hỡi những ai còn trong bể khổ

Hãy nương thuyền tế độ mà qua

Bến mê vượt khỏi ái hà

Lên bờ giải thoát mới là an vui...”

*Thí : có nghĩa là lỡ trôn nếu nói theo trong Nam, hay trung tiện nói theo Bắc, Trung.

** Bài thi của Tô Ðông Pha có nghĩa: Cúi đầu làm lễ Thần của các vị Thần mà ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, là đấng mà “tám gió” thổi không lay và đang ngồi trên hoa sen vàng tía.

Thiếp nguyện hai điều

Túp lều xiêu vẹo ấy, cô lập bên triền đồi thấp, sau đồi là một dãy trường sơn.

Ðây là gia đình của hai mẹ con thiếu phụ nghèo, sống với nghề trồng hoa. Nhưng tiếp luôn mấy năm hoa bị mất mùa và hư luôn cả giống. Gia đình trở nên túng thiếu, đến nỗi người con gái của thiếu phụ nay đã 16, 17 tuổi mà áo xống không đủ che thân. Người mẹ hy sinh cho con, bà thường xuống núi làm thuê và dặn con đừng ra đường.

Hôm ấy, vua nước A Kỳ La Nại đi săn, khi ngang qua đồi của Trinh Nữ (tên người con gái) bỗng một con chim ưng rất lớn, đậu ngay trên chòi tranh, tiếng kêu thanh thót, vua giương cung bắn, chim chết rơi ngay vào nhà nàng, thấy quan quân vào tìm chim, Trinh Nữ hổ thẹn, núp kín trong cửa và cầm chim quăng ra. Trong đám quân hầu, có vị tướng sư khi vào lượm xác con chim, thoạt nhìn cánh tay của bần nữ rất đẹp. Ông tấm tắc khen ngợi, biết không phải người thường.

Năm sau Hoàng hậu băng hà, vua sai sứ tìm người đức hạnh bốn phương. Song mãi chưa tìm được người như ý.

Vị tướng sư nhớ ngày đi săn vào nhà Trinh Nữ, mới đem việc ấy tâu vua. Vua y lời, sai sứ đến tận nhà nàng. Gặp lúc thiếu phụ đi vắng, Trinh Nữ thấy khách đến xôn xao, nàng lại cả thẹn vào núp trong nhà.

Sứ giả đứng ngoài cửa gọi ba, năm lần, nàng không trả lời, thoáng thấy có bóng nàng, mà gọi không lên tiếng, Tướng sĩ cả giận xẵng tiếng:

- Bần nữ có nhà không, ra đây!

Trinh Nữ ở trong nhà nói vọng ra:

- Các ông là ai? Dám đường đột vào nhà con gái, đi ra mau.

Sứ thần bảo:

- Quốc vương sai ta đến đòi nàng, nàng là người hèn hạ, sao dám đuổi sứ nhà vua?

- Quốc Vương đòi tôi có việc gì? Ðòi để trị tội ư? Tôi tuy nghèo hèn, nhưng không làm gì phạm đến phép nước cả, còn nếu đòi tôi để sung vào tam cung lục viện, thì các ông là bộ hạ của tôi, sao dám thất lễ?

Không biết làm thế nào, sứ thần về tâu lại. Vị tướng sư tâu vua:

- Bần nữ không phải người thường, thật đáng ngôi mẫu nghi thiên hạ.

Vua sắc trăm quan sắm đủ lễ nghi, và 500 cung nữ đem xa giá đến đón nàng.

Trăm quan đem xe giá, heo dê v...v... đủ lễ, chuông khánh vang đường. Khi đến túp lều tranh, sứ giả xuống xe, vào làm theo lễ Quốc Mẫu.

Bần nữ theo mẹ ra tiếp sứ và nhã nhặn:

- “Cảm phiền quan liêu, ngàn dặm đến đây đón tôi. Tôi tự thẹn mình nghèo hèn thô lậu. Sắc không đẹp bằng hoa Mạn đà, hoa Ưu đàm, tiếng không được thanh tao như đàn cầm, đàn sắc, đức độ không bằng Thánh nhân, trí thức tầm thường, nay phiền quan liêu đến đón, tôi thật cảm kích vô cùng”. Sứ giả và quan Khâm mang đồ sính lễ ra: vàng bạc, ngọc ngà, gấm, nhung, sô nhiễu v...v... 500 thể nữ người dâng áo mão, kẻ mang chuỗi anh lạc và sửa soạn cho nàng xong. Ngắm lại quả là một bậc sắc nước hương trời, lạc loài nơi thôn dã. Phước diện và cử chỉ của nàng thật xứng bậc Mẫu Nghi.

Trinh Nữ cùng mẹ lên kiệu hoa. Xe giá rầm rộ kéo đi như một đạo ngự.

Khi xe giá nàng vừa đến cung vua, thì tự nhiên cửa ngọ môn mở rộng, trong chánh điện có hào quang chiếu sáng, mọi người cho là điềm lành của nước.

Vua mặc triều phục, thân hành ra nghinh tiếp, khi thấy bần nữ sắc đẹp lộng lẫy khả ái, vua rất yêu mến và sanh tâm kính trọng. Năm ngàn phu nhân ra lậy mừng, ai thấy Hoàng Hậu cũng đều sinh tâm kính trọng. Vua sách phong Hoàng hậu cho nàng ngay. Trinh Nữ vào cung bảy ngày bảy đêm, nàng không ngủ, chỉ vui chơi với các phu nhân và cung nữ. Tâm nàng thanh tịnh không bợn chút nhiễm ô, nên đối với đức vua nàng thường lánh mặt. Vua sai người đến thăm hỏi, và xin ra mắt. Nàng bảo các phu nhân thưa lại:

- Bình sanh tôi có hai điều nguyện: một là được làm Hoàng hậu hai là được gặp Phật. Nay được một, còn một chưa được gặp Phật.

Vua bảo:

- Hoàng hậu cho ta gặp mặt, ta sẽ sai người đi mời Phật cho.

Hoàng hậu:

- Nếu tôi chưa gặp Phật thì tôi chưa thể gặp vua được.

Vua tức mình, thân hành xuống cung Hoàng hậu.

Hay tin vua xuống, Hoàng hậu vào phòng đóng kín cửa.

Vua nổi xung đứng ngoài phòng bảo:

- Ngươi là kẻ hạ tiện, sao dám trái ý trẫm.

Hoàng hậu:

- Vẫn biết thiếp là kẻ hạ tiện, nhưng đã về với Quốc Vương thì thiếp cũng là bậc Mẫu nghi. Nghiệt là thiếp đã nguyện được yết kiến Phật trước, mới gặp vua sau. Vậy xin bệ hạ tha tội cho.

Vua càng tức mình:

- Ta đủ oai thế, nếu kẻ nào trái ý ta, thì cứ như phép nước trị tội.

Hoàng hậu:

- Vua là bậc Chí Tôn cầm quyền trăm họ, song trị tội trăm họ cho đúng đạo. Còn nếu chỉ vì ai trái ý mình thì trị tội, ai vừa ý thì ban thưởng, cái ấy thiếp thấy kẻ phàm phu còn chưa làm thay, huống là thiên tử.

Vua giận lắm hét lên:

- Thuận ý ta thì còn, trái ý ta thì chết!

Hoàng hậu cũng không vừa:

- Thiếp cũng có nguyện của thiếp, nếu được như nguyện thì sống, bằng không như nguyện, thì chết cũng không sợ.

Nghe Hoàng hậu nói quả quyết vua nguôi giận và bỏ nhỏ:

- Thế làm sao gặp Phật được?

Hoàng hậu:

- Ðức Phật hiện ở nước Xá Vệ, nếu thỉnh Phật thì qua thỉnh.

- Trẫm sợ bách quan cười trẫm.

- Sao lại cười? Bệ hạ cứ thỉnh Phật về, Phật thăng tòa thuyết pháp, bách quan được thấy Phật, nghe pháp thì sanh hoan hỷ, đời đời còn được phước đức vô lượng.

- Thôi, Hoàng hậu an tâm, trẫm sẽ sai người sắm đủ phẩm vật để đi thỉnh Phật.

Sắm sửa xong, vua cho người tin với Hoàng hậu để sai người đi. Hoàng hậu bảo:

- Ðức Phật là đấng chí tôn chí thượng, thỉnh Phật thì Ðại Vương phải thân hành đi, chứ không thể ai thay được.

Vua tức lộn ruột:

- Nếu ta đi thỉnh thì ta đi, đây ngươi muốn thỉnh thì ngươi đi, chứ ta không đi.

Hoàng hậu:

- Ðại vương tuy tôn quý, nhưng thiếp nay là vợ của Ðại vương, nếu thiếp đi thỉnh Phật thì sao bằng đại vương đi, nay Ðại vương cố chấp không chịu đi thỉnh Phật thì thiếp không phải là người của Ðại vương.

- Ta với ngươi chưa thành phu phụ, sao gọi là người của ta, ta nhất định không đi.

Biết ý vua đã cương quyết. Nàng làm thinh và từ đấy u sầu bỏ ăn bỏ ngủ.

Vua nghe tin, sợ nàng quyên sinh hoặc trốn đi, nên cho người canh phòng cẩn thận, bốn cửa đều có người coi giữ.

Bỗng một hôm, cung nhân hốt hoảng báo tin là Hoàng hậu biến đi đâu mất.

Vua hoảng sợ, cho người bủa tìm khắp nơi. Trong hoàng cung tiếng khóc như ri, náo động cả nước, vì câu chuyện Hoàng hậu mất tích.

Vua rất hối hận, buồn bã bảo các phu nhân:

- Bởi vì trẫm không chịu nghe lời đi thỉnh Phật, bây giờ biết sao cho thấy được Hoàng hậu. Thấy vua có vẻ hối hận, đệ nhị phu nhân tâu:

- Hoàng hậu thật không phải người thường. Nên đã biến hình ẩn tích đâu đây, nay sự việc đã như vầy, thì theo ý thiếp, Ðại vương nên thân hành đi thỉnh Phật, may ra nhờ oai lực của Phật mà Ðại vương có thể gặp lại Hoàng hậu cũng nên.

Vua đành nghe lời và sắm sửa xe giá lễ vật rồi thân hành qua nước Xá Vệ.

Khi đến nơi, vua đảnh lễ, bạch Phật:

- Ðệ tử là quốc vương nước A Kỳ La Nại, tên A Ca Ðạt Lưu xin đảnh lễ yết kiến Ðức Thế Tôn.

Ðức Phật rất hoan hỷ và hỏi thăm quốc dân, quốc sự được yên ổn thái bình chăng?

Vua bạch:

- Ðệ tử nhờ đức độ của Tiên vương để lại, nên dân sự được yên ổn. Nay đệ tử đến đây yết kiến Như Lai và thỉnh Phật từ bi khuất thần qua nước hèn của đệ tử, để cho trăm họ được chiêm ngưỡng.

Ðức Phật hứa khả. Vua về rồi, Ðức Phật liền vận thần thông qua nước A Kỳ La Nại.

Vua cùng văn võ ra khỏi thành mười dặm, cung thỉnh Phật vào cung lên pháp tòa. Vua cùng đình thần cùng cung nhân thể nữ đều ra đảnh lễ Phật.

Gặp Phật, vua càng nhớ lại Hoàng hậu, nên tâm hồn vơ vẩn đâu đâu.

Ðức Phật hiểu ý liền hỏi:

- Như Lai thấy được trong lòng đại vương không vui, phải chăng vì Hoàng hậu mất tích?

Vua đem sự tình đầu đuôi bạch Phật.

Ngài mỉm cười liền lấy tay chỉ. Vua theo ngón tay Phật thì quả nhiên thấy Hoàng hậu đương phủ phục một bên của Ðức Phật: đồng thời mọi người đều thấy. Tất cả hoàng cung rất vui mừng.

Vua và Hoàng hậu cùng thiết trai cúng dường.

Phật thọ trai xong. vua đảnh lễ và bạch:

- Hoàng hậu xuất thân trong gia đình bần tiện, nay lại được làm Mẫu nghi thiên hạ, lại có thần thuật ẩn hiện như các vị La Hán, là do nghiệp báo, và phước duyên gì?

Ðức Như Lai mỉm cười rồi thuật lại tiền kiếp:

- “Hoàng hậu từ kiếp xa xưa, vốn người nước Ca La Việt, là một vị trưởng giả giàu có, sang trọng vô cùng. Nhưng tánh lại xan lẫn keo kiệt, bà lại bóc lột, lấn công lấn của... của kẻ khác, không hề cho ai một đồng nhỏ, lại áp chế hiếp đáp đồng loại v...v... Vì nhân keo kiết, bóp chặt, lấn hiếp người nên nay bị quả báo nghèo khổ bần tiện. Song Ca La Việt tánh ưa đọc sách, học hỏi nên nay được trí tuệ hơn người. Sau được gặp chánh pháp mới biết cúng dường, nhưng tâm chỉ ưa cúng dường mà chẳng chịu bố thí, sau nhờ gặp thiện tri thức khuyến hóa lần lần bớt niệm xan lẫn. Ca La Việt và Ðại vương là hai người thân thiết, nay thành phu phụ. Ðại vương bảy phen sanh loài trời, Ca La Việt bảy phen làm tiên nữ. Ðại vương bảy phen sanh vào kiếp nhân gian, Ca La Việt cũng nguyện sanh theo. Hai người kiếp kiếp theo nhau, nguyện đồng sanh tử. Và cuối cùng được gặp Như Lai nên đều được giải thoát.

Vua nghe Ðức Phật dạy tiền sự của mình, thì rất vui mừng đảnh lể Phật và phát nguyện thọ lãnh năm điều cấm giới, lấy mười điều thiện để dạy muôn dân.

Hoàng hậu mở ba kho báu giúp dân nghèo, và mở trường dạy phụ nữ những nghề nghiệp thiện, nhất là trau dồi tư tưởng và hành động trong sạch. Những ngày trai tiết Hoàng hậu tu “Bát quan trai” và luôn luôn tập cho cung nhân tu các hạnh lành, nhờ đức độ của Vua và Hoàng hậu nên ngoài trăm họ được an cư lạc nghiệp, trong muôn lòng hòa thuận tin yêu.

Một hôm Vua cùng Hoàng hậu nhân xem hoa quỳnh nở. Hoàng hậu bỗng giác ngộ thế sự mong manh nên liền xin Vua xuất gia.

Vua bảo:

- Ái khanh là bậc mẫu nghi thiên hạ, nay cạo đầu làm sa môn, trẫm sợ trăm quan chê cười.

Hoàng hậu tâu:

- Trước thiếp đã có vô số bậc mẫu nghi, nhưng khi chết chỉ đem theo một mớ tội lỗi của nghiệp phú quý, thiếp nghĩ mà ghê sợ. Vì vậy thiếp chỉ lo vua Diêm Vương không nể mặt, chứ chẳng sợ trăm quan chê cười. Huống nữa, xưa nay kẻ nữ nhân như lửa dữ, như rắn độc v.v... Người trí sợ nữ nhân như rắn độc, lửa dữ, vì sao? Rắn độc, lửa dữ chỉ hại sắc thân một đời, nữ nhân làm hại muôn kiếp trầm luân, sống thì mất thanh danh, chết thì làm quỉ ô uế. Chính thiếp tiền thân một kiếp xa xưa cũng là nam tử, song chỉ vì mê ly nữ sắc nên vô lượng kiếp trở lại nữ nhân. Nữ nhân thật đáng sợ vậy.

Biết ý chí cương quyết của Hoàng hậu, vua phải bằng lòng.

- Khanh là người tiên cốt, nay lại ngộ được Phật tâm, quyết chí ly trần, trẫm xin tùy hỷ. Trẫm tự thẹn mình là nam tử, nhưng chót lỡ vương mang ngôi báu bên mình. Vì thái tử còn nhỏ mà quý phi chưa phải là bậc đảm đang quốc sự được. Chứ thật ra huỳnh bào ngọc ấn nặng nề triền phược, làm sao bằng một mảnh cà sa?

Ðược lịnh vua cho xuất gia, Hoàng hậu liền triệu tập tất cả Thái tử, quý phi, cung nữ v.v... rồi dịu dàng dạy vẻ ân cần, nhất là việc trau dồi tâm đức, bỏ các việc ác, làm các hạnh lành và thừa sự quốc vương nuôi dạy thái tử v.v... ta nguyện sớm thành Chánh giác sẽ trở về độ các ngươi.

Ba ngàn cung phi đều cảm động, khóc rống lên, tiếng ảo não trong hoàng cung thấu đến cõi trời Ðao Lợi, vua Ðế Thích thân hành đem cà sa và bình bát xuống cúng dường.

Hoàng hậu tức thời rụng tóc, liền thành Sa môn, thân mặc cà sa vận thần thông giữa hư không.

Tất cả hoàng cung rất đỗi kính phục. Vua A Ca Ðạt Lưu thấy vậy hoan hỷ kính tán:

- Hoàng hậu phước đức đồ sộ như núi diệu cao, trẫm rất vui mừng.

THÍCH NỮ THỂ QUÁN

“Phật động lòng thương kiếp đọa đầy

Hóa thân làm tuyết bốn trời bay

Kết hoa sáu cánh sen mười trượng

Giọt tịnh bình xoa dịu đắng cay”.

Công đức cúng dường Xá Lợi

Ngày xưa, trong thời kỳ giáo pháp Ðức Phật Ca Diếp, lúc ngài đã nhập niết bàn, các Phật tử quyết định kiến tạo một bảo pháp bằng vàng thật vĩ đại, chiều cao một do tuần, để tôn thờ Xá Lợi của Ngài.

Thuở ấy, có một tín nữ ngoan đạo. Nàng sống thật hạnh phúc dưới mái ấm gia đình, tất cả tình thương nàng đều dành cho cô con gái xinh đẹp và ngoan ngoãn của nàng tên là Sê Sa Va Ti. Trong các dịp lễ lớn nàng thường cùng cô con gái đến dâng hương lễ Phật. Một hôm đến chùa thấy thợ bạc nấu vàng cho chảy ra, rồi đúc thành từng viên gạch một, cô con gái lấy làm ngạc nhiên hỏi mẹ:

- Thưa mẹ, thợ bạc đúc vàng thành viên gạch để làm gì?

Người mẹ đáp:

- Người ta đúc vàng thành gạch, xây cất bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi của Phật.

Sê Sa Va Ti nghe mẹ bảo như thế rất hoan hỷ, nàng phát tâm trong sạch với Ðức Phật. Nàng thưa với mẹ:

- Thưa mẹ, con muốn hùn phước bằng sợi dây chuyền nơi cổ con để góp phần vào việc xây dựng bảo tháp, mẹ nghĩ sao?

Nghe con phát tâm bồ đề như thế, người mẹ đáp:

- Lành thay, lành thay, thật quý báu, mẹ vô cùng hoan hỷ trước sự phát tâm của con gái yêu quý của mẹ.

Nàng liền đem sợi dây chuyền đến hùn phước.

Kiếp đó, khi nàng lâm chung, nhờ phước báo cúng dường sợi dây chuyền để xây bảo tháp, nàng được thọ sanh vào cõi trời, hưởng lạc thú nơi tiên cảnh.

Ðến thời giáo pháp Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, nàng giáng trần thọ sanh trong xứ Na Lan Ðà tên là Sê Sa Vát Ti. Tuy mới 15 tuổi nhưng dung nhan thật diễm lệ, tánh tình lại ngoan hiền, nàng được mọi người yêu mến.

Cũng tại xứ Na Lan Ðà, có một vị Trưởng giả đang giàu có, bỗng trở nên nghèo khổ, vì bao nhiêu ngọc ngà, châu báu thọ hưởng cha mẹ để lại đều biến thành đá.

Một hôm, ông trưởng giả nghĩ ra phương cách, làm cho những viên đá vô dụng kia sẽ trở thành châu báu như cũ. Ông bèn đem những viên đá ra chợ bán với niềm tin nếu gặp người có phước đức, tất cả những viên đá này sẽ trở thành châu ngọc.

Ngày kia nàng Sê Sa Vát Ti vâng lời mẹ, đi chợ mua dầu. Khi bước vào chợ, cô trông thấy một gian hàng trưng bày toàn vàng bạc châu báu chiếu sáng rực rỡ. Sê Sa Vát Ti bước đến gần để xem cho kỹ và ngạc nhiên cô hỏi người chủ hàng:

- Thưa ông chủ, vì lẽ gì mà ông đem vàng bạc, ngọc ngà chất đống trên sập này như vậy. Ðáng lẽ, tất cả những của này phải gìn giữ cẩn thận trong tủ, trong kho mới phải.

Ông trưởng giả nghe vậy, lấy làm mừng rỡ, biết rằng đã gặp được người hữu phước. Ông không vội trả lời mà hỏi lại Sê Sa Vát Ti:

- Cô em ở đâu? Con cháu của ai?

Sê Sa Vát Ti lễ phép đáp:

- Thưa ông, cháu là con của một người nông dân ở xứ này.

Ông trưởng giả vội vàng gom góp tất cả vàng bạc ngọc ngà cho vào bao, rồi mời Sê Sa Vát Ti cùng về nhà ông. Ðến nơi ông mới giải thích với nàng:

- Trước đây, tôi là một vị trưởng giả giàu sang bậc nhất trong xứ này. Nhưng bỗng nhiên tôi trở thành nghèo khổ, vì tất cả châu báu của tôi đều biến thành đá cả. Vì thế, tôi mới đem một số đá này ra chợ với hy vọng tìm người hữu phước, tất cả của cải này kể như cho cô em hết, vì cô em là người đầy đủ phước đức, xứng đáng được hưởng tài sản này.

Nói xong, ông trưởng giả hướng dẫn nàng Sê Sa Vát Ti đến kho chứa vàng bạc châu báu cho nàng xem. Khi đến nơi, nàng chỉ nhìn qua, tất cả của cải đều hoàn lại thành châu ngọc lóng lánh muôn màu như cũ.

Sau đó, ông trưởng giả và Sê Sa Vát Ti trở về nhà luôn dịp để diện kiến song thân nàng, ông trưởng giả kể lại cho cha mẹ Sê Sa Vát Ti nghe. Sau cùng ông ngỏ lời xin được chọn nàng làm con dâu. Phụ thân của Sê Sa Vát Ti hết sức hân hoan trước lời cầu hôn của ông trưởng giả nên tán thành. Rồi những thiệp hồng mang tin vui đến thân bằng quyến thuộc. Nhà cửa được trang trí treo đèn kết hoa rực rỡ. Ngày vu quy, Sê Sa Vát Ti lên xe hoa trong tiếng pháo đì đùng.

Nàng sống hạnh phúc bên chồng và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Cũng trong thời gian ấy, dân chúng trong khu vực sông Hằng sống yên vui dưới ánh đạo vàng của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nơi đây, đạo nghĩa trọng hơn bạc vàng. Hình bóng của bậc tu hành được tôn kính hơn quyền chức. Trong hàng môn đồ của Ðức Phật, có Tôn giả Xá Lợi Phất là vị đại đệ tử đức hạnh và trí tuệ tuyệt vời.

Một hôm, sau buổi thiền định, Ngài nhận thấy tuổi thọ của Ngài sắp hết. Ngài vào đảnh lễ Ðức thế Tôn, từ giã và xin phép về xứ Na Lan Ðà để nhập niết bàn nơi đây, đồng thời cũng để tế độ song thân của Ngài hãy còn lầm lạc trong vòng tà kiến ngoại đạo.

Về đến Na Lan Ðà, đại đức Xá Lợi Phất sau khi thức tỉnh được song thân trở về với chánh pháp, nương tựa dưới bóng mát Phật, Pháp, Tăng, Tôn giả liền nhập niết bàn ngay trong phòng mà Ngài đã chào đời.

Sau một tuần lễ để cúng dường và chiêm ngưỡng, chư Phật tử quyết định lễ hỏa táng di thể của Ngài Xá Lợi Phất thật long trọng và trang nghiêm.

Khi ấy nàng Sê Sa Vát Ti đã có mang đứa con đầu lòng của nàng hơn chín tháng. Lúc hay tin lễ hỏa táng nhục thân của vị Tôn giả mà nàng hằng kính mến sắp cử hành, Sê Sa Vát Ti liền xin phép cha mẹ chồng đến tế lễ trước kim quan.

Cha mẹ chồng tìm đủ lý lẽ để cản ngăn vì biết rằng nàng cũng sắp sinh nở. Nhưng Sê Sa Vát Ti có ý chí và đức tin vững mạnh, nàng cương quyết vì tín ngưỡng tham gia cuộc lễ, cuối cùng ông bà trưởng giả phải vị nể tán thành.

Nàng cùng những gia nhân thân tín, mang lễ vật đến hoa đài, nơi đang quàng kim quan của đại đức Xá Lợi Phất.

Khung cảnh hoa đài lúc ấy rất náo nhiệt, dân chúng chen chúc lễ bái lần cuối cùng trước khi hỏa táng.

Nàng Sê Sa Vát Ti cùng đoàn tùy tùng mang lễ vật đến, nàng được mọi người nhường lối đi, vì trong xứ ai cũng kính mến nàng giàu lòng nhân ái và đức hạnh. Nàng bày lễ vật trước kim quan rồi thành kính dâng cúng.

Nhờ phước báo này, sau khi lìa trần, Sê Sa Vát Ti được thọ sanh vào cung trời Ðao Lợi. Nàng hưởng an vui hạnh phúc trong một cung điện bằng vàng cẩn ngọc vô cùng tráng lệ có hàng chư thiên nữ hộ giá.

Ngày nọ, tiên nữ Sê Sa Vát Ti chợt nhớ đến tiền kiếp của mình, nàng hiện xuống Kỳ Viên tịnh xá, yết kiến Ðức Thế Tôn.

Lúc ấy Ðức Thế Tôn đang tiếp kiến đại đức Va Bha Sa Gi The Ra, bỗng thấy hào quang muôn sắc, chiếu sáng thật xinh đẹp, rồi tiên nữ Sê Sa Vát Ti xuất hiện đảnh lễ Thế Tôn, bà thuật lại đầy đủ chi tiết về tiền thân của mình.

Nhân cơ hội ấy, Ðức Thế Tôn thuyết một thời pháp tán dương công đức sự cúng dường Xá Lợi Phất.

GIỚI ÐỨC

“Bố thí là kho châu báu thường theo người.

Bố thí là nhóm điều vui, trừ đau khổ”.

Gọi Phật bằng bạn

Một mùa an cư, sau khi mãn hạ, Ðức Thế Tôn du hành một mình thăm viếng các trú xứ của những Tỳ kheo, để biết lối sống của họ, việc tu hành tiến thoái của họ. Chính nhân những cuộc du hành này mà đã có lần Ngài tâm sự với thị giả Nàgita :

- Này Nàgita, mỗi khi đi ngang một làng mạc mà thấy một am cốc của Tỳ kheo, thì dù vị ấy đang ráo riết thiền tọa, Như Lai vẫn không hài lòng về trú xứ của vi ấy. Vì Sao? Vì vị ấy có thể bị phụ nữ, trẻ con, người lớn trong làng đến phiền nhiễu, tán chuyện, làm cho vị ấy không thể chứng đắc những pháp chưa chứng và có thể thối thất những pháp đã chứng. Trái lại mỗi khi trông thấy một vị Tỳ kheo ở trong rừng, dưới gốc cây, thì dù vị ấy đang tựa gốc cây mà ngủ gục, Như Lai vẫn hài lòng, nghĩ rằng: Tỳ kheo này sau khi hết cơn buồn ngủ, có thể tiếp tục tọa thiền không bị ai quấy rối. Y sẽ chứng đắc những pháp chưa chứng đắc.

Trong cuộc du hành chúng ta đang nói đến, khi Ðức Thế Tôn đi ngang một làng nọ thì trời đã sẩm tối. Ngài ghé vào một nhà thợ gốm xin trú ngụ. Không một ai biết đấy là đấng giác ngộ, vì Ngài làm như một vị tỳ kheo thông thường giản dị, không có tùy tùng thị giả. Ngài ngỏ lời với thợ gốm:

- Này thợ gốm, tôi có thể nghỉ lại nhà người một đêm không?

Thợ gốm nhìn Ngài đáp:

- Sa môn muốn ở lại cũng được, nhưng đã có một vị xuất gia đến trước cũng đang nghỉ tại đây. Xin hiền giả hãy ngỏ lời với vị ấy, nếu ông ta đồng ý thì hiền giả cứ tự nhiên.

Ðức Thế Tôn bước vào trong gặp một tỳ kheo trẻ đang ngồi, Ngài hỏi:

- Hiền giả, tôi muốn ở lại đây một đêm, có phiền gì cho người chăng?

- Ồ thưa hiền giả, không có gì phiền. Nhà thợ gốm rất rộng.

Thế Tôn bèn trải thảm cỏ, ngồi kiết già. Vị Tỳ kheo cũng ngồi kiết già ngồi tọa thiền cho đến quá nửa đêm. Ðức Thế Tôn quán sát cử chỉ của Tỳ kheo thanh niên ấy, lấy làm hài lòng. Ngài nghĩ: “Thanh niên này có những cử chỉ tín thành. Ta hãy hỏi chuyện y”. Và Ngài mở lời:

- Này bạn, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình, sống đời khất sĩ? Ai là thầy của bạn?

Tỳ kheo đáp:

- Ồ bạn ơi, có Sa môn dòng họ Thích Ca đã từ bỏ ngai vàng để trở thành một ẩn sĩ. Thiên hạ đồn rằng Ngài đã đạt Chánh Giác, được tôn xưng là Phật, Thế Tôn. Chính nhân danh con Người cao cả đó mà tôi đã xuất gia. Bậc Thế Tôn ấy là Ðạo sư của tôi. Tôi thích sống như Người.

- Vậy con người cao cả đó, Ðức Phật, Thế Tôn ấy, bây giờ ở đâu?

- Này bạn, có một đô thị ở phía bắc gọi là Xá Vệ, chính nơi đó Ðức Thế Tôn đang ngự tòa.

- Bạn có khi nào bạn thấy đấng Thế Tôn ấy chưa? Bạn sẽ nhận ra Ngài nếu gặp Ngài không?

- Bạn ơi! Làm sao tôi có được cái diễm phúc ấy? Tôi chưa bao giờ trông thấy Ngài, chỉ mới nghe danh của Ngài thôi. Nhưng chính vì Ngài mà tôi bỏ tục xuất gia, sống đời không nhà. Tôi chưa được gặp Ngài thì làm sao mà nhận ra Ngài được?

Ðức Thế Tôn suy nghĩ: “Thanh niên này đã nhân danh ta mà xuất gia. Vậy ta hãy thuyết pháp cho y”. Rồi Ngài dạy:

- Hỡi khất sĩ, tôi sẽ giảng pháp cho bạn, hãy lắng nghe.

- Ðược bạn cứ nói đi.

Ðức Thế Tôn thuyết pháp cho vị Tỳ kheo ấy về cấu tạo của con người gồm bốn đại, năm uẩn, trong đó không có cái gì là ta hay của ta, toàn là những kết hợp vay mượn bên ngoài, biến chuyển luôn luôn để đi đến hoại diệt. Do nhận thức chân chính ấy, khi mắt tiếp xúc với sắc, tai với âm thanh, v.v... và những cảm thọ như dễ chịu, khó chịu... vị Tỳ kheo không tham đắm, không ghét bỏ vì quan sát những cảm thọ ấy không phải là ta, không phải của ta. Vị ấy sẽ có thái độ “huệ xã” (giải thoát nhờ trí huệ) không còn vọng tưởng được sự bất động. Khi dứt được những vọng tưởng như vậy, vị Tỳ kheo ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh.

Ðức Thế Tôn dùng âm thanh vi diệu như tiếng hót chim Ca Lăng Tần Già để thuyết pháp cho vị Tỳ kheo ấy, khích lệ ông, làm cho ông hân hoan phấn khởi với những lời pháp của Ngài, như thể được nếm vị cam lồ bất tử. Nghe xong thời pháp của Thế Tôn, vị Tỳ kheo biết ngay đấy chính là đấng A La Hán Chánh Ðẳng Chánh Giác ông đang ngưỡng mộ tôn thờ. Ông sửa lại y, quì gối chắp tay bạch:

- Bạch Thế Tôn, con thật ngu si đã gọi Ngài là bạn. Xin Thế Tôn cho con sám hối tội lỗi.

- Này Tỳ kheo, vì ngươi không biết nên không gọi là tội lỗi.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Ai lơ lửng như thuyền nan không bến

Ai hận đời không một chút tình thương

Ai thấy mình sao lạnh lẽo thê lương

Mơ kiếp sống đượm mùi hương giải thoát,

THÌ ÐÂY:

Mắt Thế Tôn nhìn xa ngoài muôn dặm

Lòng Thế Tôn như bể thẳm xanh màu

Tay hiền từ đốt đuốc giữa đêm thâu

Với pháp nhũ đầy vàng châu cảm mến”.

Ðạo trời báo phục

(Truyện cổ Phật giáo Trung quốc)

Ở đất Tân Châu, thuộc huyện Cổ Thành, có một người họ Trương, tên Thiện Hữu, thường ngày ăn chay, niệm Phật, hay bố thí rộng rãi, ai cũng khen là người hiền đức. Vợ ông họ Lý, tên Trương, người ta thường gọi là Lý thị, lại là người tính tình thô bạo, kiến thức hẹp hòi, chỉ thích thu vào mà không muốn bỏ ra một đồng một cắc. Ðôi vợ chồng tính tình xung khắc, nhưng ăn ở thuận hòa, biết nhường nhịn lẫn nhau. Họ chẳng có con cái, nhà ít người, nên xài phí chẳng tốn kém gì nhiều. Với huê lợi thu được quanh năm, họ dành dụm để riêng được một số tiền từ hai đến ba trăm quan tiền, đem cho vay lấy lời. Cuộc sống của họ do đó có bề sung túc, chẳng phải lo lắng khổ nhọc.

Ở cách nhà họ chừng mười dặm đường, có một người đàn ông tên là Triệu Ðình Ngọc, nhà nghèo nhưng ăn ở tốt. Khi mẹ chết, anh ta chẳng có tiền làm đám tang. Anh ta nghe phong phanh Trương Thiện Hữu là người dư bạc dư tiền, liền có ý nghĩ muốn đến ăn trộm một mớ để lo đám tang cho mẹ.

Anh ta suy đi tính lại, lưỡng lự đến hai ba ngày. Rồi một đêm kia, anh ta lén đến nhà họ Trương đào một lỗ hổng dưới chân tường, lấy được một số tiền năm sáu chục lượng bạc. Về nhà, anh ta nhờ người chọn một ngày lành, làm lễ mai táng mẹ. Anh ta mua gạo, nếp, nhang, đèn, chuẩn bị mọi thứ hết sức đầy đủ, gửi giấy báo tang khắp hết bà con, thân thích, bạn bè, mướn dàn nhạc, nhà giàn. Rồi anh ta tự mình mặc sô gai, làm đám tang mẹ vô cùng trọng thể.

Ðôi khi nghĩ lại việc làm bất chính của mình, anh ta cho mình vốn không phải là một tên trộm, mà chẳng qua là không có tiền chôn mẹ, nên trong phút chốc trót quên lời dạy của người xưa “Bần nhi bất khả phú tang” (người con trai nghèo không nên chôn cất theo lối nhà giàu). Dẫu sao, anh ta cũng thấy mình đã làm một việc trái với lương tâm và lẽ phải, là đi ăn trộm tiền bạc của kẻ khác!

Trong khi anh ta nghĩ thầm như vậy, thì ở nhà Trương Thiện Hữu sau khi đêm bị mất trộm, sáng ngày Thiện Hữu phát giác ra, mình đã bị lấy mất năm sáu chục lượng bạc. Ông liền nghĩ thầm: “Tiền bạc, của cải là phù vân, nay tụ mai tán. Mất phần này, được phần khác, chẳng nên lo rầu!”.

Nghĩ như vậy, ông thản nhiên, không buồn giận, tự an ủi lấy mình rằng: “Sự việc phải như vậy thôi! Lời tục thường nói: “Nếu con không chết của không mất, thì trời cũng giáng hỏa tai hay đạo tặc mà thôi”.

Trái lại, vợ ông là Lý thị, với đầu óc cạn hẹp, cứ đau xót trong lòng không nguôi, cằn nhằn luôn miệng suốt ngày:

- “Nếu số tiền ấy không bị mất trộm, mình còn làm được bao nhiêu công chuyện. Ðem cho vay cũng lời biết mấy, để mất trộm oan uổng như thế này, tiếc ơi là tiếc.

Một ngày nọ, trong lúc bà ta đang cằn nhằn, bỗng nghe trước ngõ nhà có tiếng trống đánh vang lên, bà ta nghĩ thầm: “Ðây không hẳn là tiếng trống báo thúc thuế, vì tháng này đâu phải là tháng ba hay tháng 9”. Chẳng hiểu ra làm sao, bà ta liền chạy ra ngõ nhìn kỹ thì thấy một nhà sư đi hóa duyên, muốn tìm gặp Trương Thiện Hữu. Bà ta trở vào cho chồng hay. Thiện Hữu bước ra cung kính hỏi han nào là nhà sư từ đâu tới, đến đây có việc gì cần, đi hóa duyên ở đâu về, và làm sao biết đến mình? Nhà sư đáp:

- Bần đạo tu ở chùa Ngũ Ðài Sơn. Từ mấy năm nay, Phật điện bị đổ nát, hết nơi này đến nơi khác tiếp tục xụm xuống. Ngày qua ngày, gió mưa xối xả xuống cả tượng Phật, khiến bần đạo không thể an tâm ngồi ngó cảnh điêu tàn ấy. Nhưng nhà chùa chẳng có lợi tức nào, mà sự tu bổ quá lớn lao, bần đạo không nỡ điềm nhiên ngồi nhìn, bất đắc dĩ phải xuống núi đi khuyến giáo quanh vùng, cầu xin sự giúp đỡ của thiện nam tín nữ quý thiện tâm quân tử, để mong trùng tu lại Phật đường. Bần đạo đã chịu khó lần hồi gom được số bạc một trăm lượng, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Vả lại, còn nhiều tín chủ thành tâm đóng góp mà chưa thu nhận được, cho nên bần đạo phải đi thu hết các nơi ấy cho xong. Hiện nay, với số lớn mang theo trong người, bần đạo sợ bọn bất lương biết được mà cướp đoạt mất. Vì thế, bần đạo muốn tìm một nơi tín cẩn, an toàn để gởi nhờ. Tục ngữ có câu “Nhân tâm a thổ bì, thập nhân cửu bất tri” (Lòng người thường giấu dưới da bụng, mười người hết chín người không biết rõ) cho nên bần đạo chưa biết ai để gởi số tiền lớn này. Dọc đường đi, bần đạo nghe người ta đồn tín chủ đây là người chí thiện, ăn chay, niệm Phật, phát tâm làm lành, ai ai cũng đều rõ. Bần đạo quyết tâm tới đây gặp tín chủ để gởi số bạc này tạm thời trong ít lâu. Khi nào bần đạo đã thu góp đầy đủ các nơi, sẽ xin trở lại lấy đi, hợp với số bạc nọ, bần đạo trở vế núi lo tu bổ Phật điện. Bần đạo xin tín chủ cho biết ý kiến thế nào ?

Trương Thiện Hữu đáp:

- Ðó là một việc thiện, xin nhà sư chớ ngại. Nếu nhà sư muốn gởi bạc lại đấy, điều đó cũng như cất vào tủ của nhà chùa vậy. Tôi xin hứa sẽ giữ gìn chu đáo, không có gì sai suyển cả. Lúc nào nhà sư xong việc, xin cứ trở lại đây mà lấy bạc về.

Nói xong, hai đàng kiểm cân lượng của số bạc, niêm phong cẩn thận. Trương Thiện Hữu bèn gọi vợ ra trao tay bảo cất giữ cho thật kỹ. Họ Trương muốn mời nhà sư ở lại dùng cơm, nhưng nhà sư nói:

- Xin đừng lo việc cơm nước, bần đạo cần phải đi ngay, vì nhiều công việc quá gấp rút.

Trương Thiện Hữu nói:

- Tôi đã trao số bạc cho nhà tôi cất giữ. Khi nào nhà sư trở lại lấy nếu tôi đi vắng, tôi sẽ dặn nhà tôi trao lại cho nhà sư chẳng sai.

Nhà sư cảm ơn họ Trương rồi cáo từ ra đi.

Thế nhưng, khi Lý thị cầm được số bạc này trong tay, mụ ta vui vẻ như nở gan nở ruột, tự bảo thầm:

- Tuyệt quá! Tuyệt quá! Thật là hên! Ðêm trước chỉ mất trộm ngót sáu chục lượng, mà nay ông sư này lại mang đến những cả trăm lượng, quả là ta lời gấp bội!

Một hôm Trương Thiện Hữu sắp lên chùa Ðông Ngạc hành hương để cầu xin được cho sanh một đứa con trai đầu lòng, gọi vợ ra dặn rằng:

- Tôi đi vắng rồi, nếu có nhà sư chùa Ngũ Ðài Sơn hôm nọ đến lấy số bạc gởi, dù tôi chưa về đến, bà cũng đem số bạc ấy trao lại cho ông đầy đủ. Nếu ông muốn ở lại nghỉ, bà nên dọn một bữa cơm trưa. Ðó là bà làm một việc ân đức vậy.

Bà vợ đáp:

- Tôi đã rõ cả rồi mà!

Dặn dò xong, Trương Thiện Hữu lên đường. Hai ba hôm sau, nhà sư thu tiền xong, trở lại nhà họ Trương, xin được thu hồi gói bạc.

Lý thị nói:

- Nhà tôi đi vắng. Còn tôi chẳng biết, có ai đến gởi số bạc hay không. Thưa lão sư, lão sư có gõ lầm cửa nhà không ạ?

Nhà sư đáp:

- Cách mấy hôm trước đây, chính tay tôi đã trao số bạc tận tay ông Trương Thiện Hữu, ổng mang vào nhà và nói đã đưa cho vợ ổng cất giữ rồi. Sao hôm nay bà lại nói như vậy?

Lý thị thề nói:

- Nếu chính tôi nhìn thấy số bạc của lão sư thì mắt tôi trào máu ra mà chết!

Nhà sư nói:

- Bà nói như thế là có ý giấu giếm số bạc của tôi rồi.

Lý thị đáp:

- Nếu tôi giấu số bạc của ông, thì xin cho tôi rơi xuống 18 từng địa ngục.

Nhà sư nghe mụ ta thề thốt nặng lời như vậy, biết mụ ta là con người xảo quyệt, có ý trở mặt chiếm đoạt số bạc của mình gởi. Người tu hành chẳng dại đi gây chuyện to tiếng với một phụ nữ, không biết xử lý thế nào, nhà sư liền chắp tay than thở:

- Nam Mô A Di Ðà Phật! Của bố thí kia, bần đạo đã đi lượm lặt từ chỗ này đến chỗ khác, thu góp lại từng đồng từng chữ, tự nguyện không dám tiêu xài, nhịn ăn, nhịn uống để đem về tu bổ Phật đường. Bần đạo đã đem gởi cho nhà bà vậy mà bà dám làm việc mờ ám cả lương tâm, chiếm đoạt bạc của bần đạo, chẳng hề xót thương đến một kẻ tu hành già nua tuổi tác! Dẫu bà có giỏi hành động trong bóng tối, con mắt của các thần linh cũng đã soi thấu. Rồi đây, tuần hoàn báo oán, không ai tránh khỏi đâu, bà ơi!

Than thở, kể lể một hồi, nhà sư bỏ ra đi.

Bốn năm ngày sau, Trương Thiện Hữu đi hành hương trở về, hỏi vợ:

- Nhà sư có trở lại lấy số bạc không?

Lý thị đáp không do dự:

- Sau hôm ông đi một bữa, nhà sư trở lại lấy bạc, tôi đã hai tay nâng túi bạc lên trả cho nhà sư rồi!

Trương Thiện Hữu tin ngay lời vợ. Lời tục có nói: “Lời nói khéo, kéo được lòng”, bởi vậy Trương Thiện Hữu còn khen vợ:

- Chu tất như vậy thì hay lắm!

*

Hai năm sau, Lý thị sanh được một đứa con trai, đặt tên là Khất Tăng. Năm sau nữa, lại sanh thêm một trai, đặt tên là Phước Tăng.

Từ ngày sanh con trai đầu lòng, vợ chồng Thiện Hữu làm ăn càng ngày càng phát đạt, tiền bạc tuôn vào như nước. Khi lớn lên Khất Tăng làm lụng siêng năng, chịu khó thức khuya dậy sớm, ăn xài hết sức tiết kiệm, bòn chắt từng đồng tiền. Chỉ trong mấy năm, cả nhà trở nên khá giả.

Trái lại người con thứ là Phước Tăng tính nết tương phản vô cùng. Anh ta chỉ biết ăn chơi hoang đàng, rượu chè, cờ bạc, xài phí như ném tiền qua cửa sổ, không một chút tiếc nuối. Hằng ngày chủ nợ đến đòi nheo nhéo trước cửa, anh ta vẫn thản nhiên. Thiện Hữu là người biết trọng danh dự, đâu có thể chịu cho người ta đến lăng mạ con trai trước mặt mình! Ông phải dốc tiền ra bồi thường, trả hết kẻ này đến kẻ khác.

Một đàng nhìn thấy công lao khó nhọc của đứa con cả, một đàng chứng kiến sự hoang phí của đứa con thứ, Thiện Hữu hết sức đau lòng. Ông bèn quyết định chia gia tài ra làm ba phần: một phần cho người con cả, một phần cho người con thứ, còn một phần dành cho hai vợ chồng già. Rồi ai lo phận nấy. Kẻ nào phung phá cứ tự do cho tới khi hết của, khỏi phiền lụy đến kẻ khác.

Khi gia tài được chia xong, Phước Tăng phung phí của cải y như lấy nước sôi dội vào nước đá lạnh, như gió mạnh thổi tan mây. Chỉ non nửa năm, tất cả gia sản của cậu ta hoàn toàn hết sạch. Áo quần chẳng còn cái nào lành lặn để mà mặc, không có một túp lều để ở. Vợ chồng Thiện Hữu thấy tình cảnh con thứ như vậy, vừa quá tức giận, vừa đau lòng, muốn bỏ chết cho rảnh mắt. Nhưng, lời người xưa đã nói: “Hùm dữ không ăn thịt con”, hai vợ chồng đành đem phần chia của mình san sẻ dần dần cho con, đến không còn gì hết.

Thế là ba phần gia tài, Phước Tăng đã phá hết hai, lại còn mon men muốn chiếm nốt của anh để xài phá cho sướng tay. Trước hoàn cảnh ấy, Khất Tăng hết muốn gìn giữ gia tài, tức giận không nhịn được, ngã xuống thành bệnh nan y, thầy thuốc không ai chữa được.

Trương Thiện Hữu quá đau khổ, than thở:

- Ðứa con giỏi bệnh nặng, đứa con hư lại mạnh khoẻ. Trong có mấy năm trời, nhà ta phải đến nỗi này! Phải chi đứa con thứ thay chỗ cho đứa con cả thì đâu đến nỗi nào!

Chẳng bao lâu Khất Tăng thở hơi cuối cùng. Vợ chồng Thiện Hữu thương khóc đứa con giỏi giang, cần kiệm, buồn khổ chẳng còn làm gì được. Còn Phước Tăng thấy anh chết lại hết sức vui mừng, thầm nghĩ số gia tài rồi sẽ về mình hưởng trọn.

Lý thị vừa thương con cả, vừa giận con thứ, lòng thổn thức ân hận, khóc từ sáng đến chiều, hai con mắt bật ra máu tươi dầm dề, chẳng bao lâu cũng chết luôn.

Phước Tăng thấy mẹ chết, trong lòng chẳng hề buồn khổ, mà bề ngoài cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt tỏ tình thương xót. Mặc dầu còn đang mặc tang phục sô gai, cậu ta vẫn rong chơi các nơi tửu điếm trà đình, ngày đêm miệt mài trong cuộc truy hoan. Lần hồi kiệt sức, Phước Tăng mang bệnh lao mà chết.

Trong một thời gian ngắn, phải chịu ba cái tang liên tiếp, Trương Thiện Hữu trở nên suy dại, lắm lúc tự nghĩ thầm:

- Con cái sinh ra tai quái ấy, ắt phải có tiền căn nào mới khiến gia đình gánh chịu chết chóc thảm thương như thế! Tục ngữ đã có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo!” (làm thiện được trả thiện, làm ác được trả ác). Nếu như việc làm thiện hay ác mà chưa thấy trả, đó là tại chưa đến cái giờ để nhận lãnh đó mà thôi! Hiện tại, cả đời ta chưa hề làm một việc ác nào, mà ngày nay phải chịu trả như thế này?

Trăn trở mãi với cái nghiệp chướng ấy, có lúc Thiện Hữu suy nghĩ:

- Ta đã đi hành hương cầu tự mới sinh được hai đứa con ấy. Thế mà Diêm Vương nỡ rước đi hết cho đành. Ta phải lên Ðông Ngục miếu, tố cáo việc này với thần linh, thử xem sự thực ra sao, kẻo lòng ta vô cùng ấm ức!

Một hôm, Thiện Hữu dậy thật sớm, mua nhang đèn, rồi đi thẳng lên miếu Ðông Ngục. Ðến nơi, ông vào quỳ mọp trước linh vị, khấn vái:

- Tôi là Trương Thiện Hữu, tuổi đã già, trọn đời chưa làm hại ai, luôn luôn thờ kính thần Phật, cứu giúp kẻ khốn cùng. Vậy mà Diêm Vương nỡ đang tâm cướp đoạt mạng sống của vợ con tôi, khiến cho tôi hôm nay phải sống cảnh cô đơn, nghèo khó và già nua như thế này. Tôi thật khốn khổ vô cùng tận, xin cúi lậy thần linh giải giùm nỗi oan ức của tôi. Nếu quả như tôi có tội, tôi cam chịu hết.

Khấn xong, Thiện Hữu khóc rống lên, té nhào xuống đất, bất tỉnh nhân sự. Ông ta nằm yên trong giấc ngủ mê, mơ màng thấy mình đến trước mặt Diêm Vương. Diêm Vương hỏi:

- Này Thiện Hữu, sao lão đến Ðông Ngục miếu tố cáo ta?

Thiện Hữu đá :

- Vì ngài nhẫn tâm đoạt tính mạng hai đứa con và vợ tôi, khiến tôi ngày nay phải trơ trọi khốn khổ như thế này! Bất đắc dĩ tôi phải cầu tôn thần quang minh chính đại xét xử cho tôi khỏi hàm oan.

Diêm Vương phán:

- Hàm oan hả? Lão muốn gặp hai đứa con của lão không?

Thiện Hữu đáp:

- Dạ, tôi hết lòng mong muốn, xin ngài cho phép.

Diêm Vương liền sai quỷ sứ đi gọi ngay hai đứa con của Thiện Hữu. Trong nháy mắt, Khất Tăng và Phước Tăng đến trước mặt cha.

Thiện Hữu vui mừng cực độ, hớn hở quay qua bảo Khất Tăng:

- Con ơi! Con hãy theo cha về nhà đi con!

Khất Tăng đáp:

- Tôi nào có phải con của ông đâu, mà về! Tôi nguyên trước là Triệu Ðình Ngọc, vì lấy trộm của ông mấy chục lượng bạc, nên phải thác sanh vào nhà ông để trả món nợ ấy. Tôi đã đền cho ông thập bội rồi! Tôi với ông có phải là cha con đâu!

Thiện Hữu nghe con cả nói thế, bèn nhẫn nhịn quay qua Phước Tăng nói:

- Anh con đã trở mặt nói nó là người dưng nước lã, vậy thôi con trở về với cha đi con.

Phước Tăng lạnh lùng đáp:

- Tôi cũng vậy, nào phải con ông đâu! Tôi là kẻ đến đòi nợ ông, đòi xong nợ là tôi đi. Có thế thôi!

Thiện Hữu ngạc nhiên to tiếng bảo:

- Mày nói sao? Cả đời tao có vay ai đâu, mà bảo là tao thiếu nợ? Tụi bay không muốn về thì thôi, đừng hòng đặt chuyện!

Phước Tăng cười ngạo mạn:

- Ông có nhớ nhà ông đã đoạt của nhà chùa đến ngót trăm lượng bạc không? Nay lại chối leo lẻo. Nè, sổ sách còn ghi đây! Ông có biết tôi là ai không? Tôi là quỷ La Sát, trước đây nhà sư trụ trì chùa Ngũ Ðài Sơn, đã bị vợ chồng ông toa rập cướp đoạt số bạc mà Hòa Thượng đã khổ công thu thập của bá tánh để làm chùa đấy! Bởi lẽ đó Diêm Vương cho tôi đầu thai vào nhà ông đòi lại, và đã phá tan tài sản của nhà ông cho đúng luật quả báo. Tôi nào phải con ông đâu mà về?

Thiện Hữu nghe nói tới đó liền hoảng hốt, run lẩy bẩy, nói ấp úng:

- Trời ơi! Tôi lại đi cướp của nhà chùa sao? Ðể tôi hỏi lại vợ tôi là Lý thị xem sự thật ra thế nào?

Diêm Vương ngồi trên ngai, biết rõ ý của Thiện Hữu, liền ra lệnh cho quỷ sứ mở cửa hỏa ngục, dẫn Lý thị lên hầu.

Một lát sau, Thiện Hữu thấy Lý thị bước ra, tay chân đều bị xiềng, cổ mang gông, bước chân đi không nổi, bọn quỷ sứ phải nắm dây sắt lôi đi đến trước mặt Diêm Vương.

Thoạt trông thấy vợ, Thiện Hữu kinh hoàng, mồ hôi ra dầm dề, toàn thân nổi da gà, mở miệng hỏi nhỏ:

- Bà đó phải không? Tại sao bà chịu cực hình khốn khổ như vầy?

Lý thị bật khóc, nói:

- Ông nó ơi! hồi ở dương gian tôi đã chiếm đoạt số bạc của nhà sư chùa Ngũ Ðài Sơn. Sau khi chết, tôi đã bị liệng xuống 18 từng địa ngục, chịu xiềng xích, chết lần chết mòn như vầy! Ðau đớn lắm ông ơi!

Nói rồi, mụ ta níu lấy áo chồng, khóc rống lên rất thảm thiết.

Diêm Vương ngồi trên ngai, cầm cái chày linh đập xuống bàn nghe chát lỗ tai. Trương Thiện Hữu giật mình thức dậy, mới biết là mình đã trải qua một cơn ác mộng. Ông hoàn hồn, bình tĩnh một hồi, rồi lau sạch nước mắt suy nghĩ, hiểu rõ nguyên do nghiệp chướng của mình phải trả đúng theo lẽ báo ứng tự nhiên của trời đất.

Sau đó, Trương Thiện Hữu trở về nhà, thu xếp mọi việc xong xuôi, từ giã xóm làng, ăn mặc nâu sồng, vào chùa tu cho đến lúc trăm tuổi già.

NGUYỄN VĂN Y

Nhà Xuất Bản Trẻ 1989


Của làm ra để trên gác

Của cờ bạc để ngoài sân

Của phù vân để ngoài ngõ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com