Truyện Cổ Phật Giáo
Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập
---o0o---
Phần Một
1/ Tấm gương đạo hạnh muôn đời còn ghi |
Tấm gương đạo hạnh muôn đời còn ghi
Khu rừng phía Nam kinh thành bỗng xáo động hẳn lên. Chim chóc gọi nhau lẩn trốn, thiêm thiếp lo sợ trong các cành cây kẽ lá. Từ hươu nai cho đến hổ báo đều loan truyền một tin hung dữ: Nhà vua đi săn.
Ca Lợi Vương đi săn. Khác hẳn với các cuộc đi săn thường, lần này nhà vua tổ chức một cuộc săn quy mô trong suốt tuần lễ. Vì nhiều lẽ, và trong đó có một lẽ là để trừ khử uy tín của một đạo sĩ về tu hành trong khu rừng phía Nam này.
Ðoàn người đi săn đã đến tại mé rừng. Thật như là một binh đoàn đi chiến trận. Có đủ cung tên gươm giáo, có ban tiếp vận lương thực, có hệ thống truyền tin liên lạc. Họ dựng lều trại và sửa soạn cho vua tá túc. Ca Lợi Vương cưỡi một con bạch mã, bận nhung phục gọn ghẽ, dẫn đầu toán lính săn. Bản chất mạo hiểm của ngài thường thấy bộc lộ trong những trường hợp như thế này. Ðoàn người tiến sâu vào rừng. Mỗi lần nhà vua bắn hạ được một con thú thì cả đoàn hoan hô vang dậy và sẽ có một bọn sắp sẵn để mang con vật xấu số đến trước mặt ngài.
- Muôn tâu Hoàng thượng! Con thú bị mũi tên thần bắn trúng vào chính giữa đầu.
- Muôn tâu Hoàng thượng! Hoàng thượng vừa hạ một con hươu đẹp đẽ nhất trong loài hươu.
- Muôn tâu Hoàng thượng!...
Và Hoàng thượng kiêu hãnh mỉm cười, truyền lịnh khao thưởng quân sĩ.
Ðến trưa, cuộc đi săn tạm nghỉ. Vua ngả người trên chiếc võng và an mình trong giấc điệp. Khi ngài thức dậy thì ngài ngạc nhiên thấy quân lính thiếu mặt rất nhiều. Bọn chúng đi đâu? Ngài đang băn khoăn thì bỗng đội liên lạc về phi báo là bọn quân lính đã tề tựu ở dưới một gốc cây Bồ Ðề để nghe một đạo sĩ thuyết pháp.
Hãy tưởng tượng Ca Lợi Vương giận dữ đến bực nào! Trước đây, dư luận đã xôn xao về tin này, người ta đã cho nhà vua hay là có một vài người trong hoàng tộc cũng lén lút đến nghe đạo sĩ thuyết pháp. Và chính bởi lẽ đó mà vua tổ chức cuộc đi săn này để tìm hiểu thực hư. Vậy mà giờ đây, tên đạo sĩ lại cả gan khuyến dụ cả quân lính nhà vua.
Lệnh tập họp cấp tốc được lan truyền. Số vắng mặt vẫn chưa thấy trở về. Vua đinh ninh rằng kẻ tu hành đã đánh bùa mê để cầm giữ một cách phi pháp lính của ngài. Ngài nhảy lên ngựa và đích thân đến nơi. Quan quân lục tục kéo đi theo ngài.
Gần đến nơi rồi. Một vài cận thần thân tín thúc ngựa lên trước. Họ quát tháo ầm ĩ. Quân lính đang vây quanh vị đạo sĩ sực nhớ lại nhiệm vụ của họ đối với Hoàng thượng, nên vội vàng nới rộng vòng và cúi đầu chịu hình phạt. Họ vừa nghe một bài dạy về hạnh từ bi, họ cảm thấy tội lỗi của họ trong cuộc đi săn đầy sát khí, và giờ đây họ ước muốn nhà vua đuổi cổ họ về, hơn là họ tiếp tục cuộc chém giết.
Nhà vua đã xuống ngựa. Ngài định tiến đến trước mặt nhà đạo sĩ, nhưng những cận thần đã vội ngăn cản :
- Muôn tâu Hoàng thượng, việc trục xuất tên Sa Môn này đâu phải nhọc đến thánh thể, xin cho phép để hạ thần ra tay.
Vừa tâu xong, họ xông đến. Họ dùng bao nhiêu lời thô bỉ để lăng mạ, để chửi rủa như trong giây phút họ sẽ phanh thây đạo sĩ thành trăm mảnh. Nhưng “chó vẫn sủa mà lạc đà vẫn đi qua”, đạo sĩ vẫn không nói lại một lời, không sắc giận, điềm nhiên như không.
Cảnh tượng ấy làm vua Ca Lợi Vương khá ngạc nhiên. Từ trước đến giờ, kẻ nào thấy vua cũng phải phủ phục dưới chân để tung hô hoàng đế vạn tuế, thế mà hôm nay lại có một kẻ tu hành trước mặt ngài vẫn cứ ngồi lỳ như chết. Ngài bước tới, truyền lịnh cho các cận thần lui ra và dõng dạc hỏi :
- Này tên Sa môn ương ngạnh kia! Nhà ngươi ngồi đây để làm gì?
Ðạo sĩ trả lời:
- Kẻ này tu hạnh nhẫn nhục.
- Hạnh nhẫn nhục là thế nào?
Ðạo sĩ điềm tĩnh trình bày, giọng từ hòa như giọng đã thuyết pháp cho các người lính săn ban nãy :
- Tâu Hoàng thượng! Tu hạnh nhẫn nhục là giữ tâm khiêm nhường với tất cả mọi người, là trừ bỏ những hành vi tự đắc, kiêu mạn, là dùng lời nói êm dịu để khuyến hóa chúng sanh. Tâu Hoàng thượng...
Nhà vua không nén được giận dữ nữa. Những lời đáp của đạo sĩ thì chân thật mà vua tưởng là cố ý xoi bói công kích sự ồ ạt nóng nẩy của mình. Hoàng thượng thét, cắt ngay lời đạo sĩ:
- Im, im ngay.
Vua quay lại, như muốn hạ lịnh cho vệ sĩ của ngài ra tay tức khắc. Bỗng vừa nẩy ra sáng kiến gì, vua lại hướng về phía đạo sĩ, rồi dịu giọng hỏi:
- Nhưng mà, ta hỏi thêm nhà ngươi câu này. Tại sao khi nãy, cận thần của ta hết lời mắng chửi nhục mạ nhà ngươi mà nhà ngươi vẫn làm thinh?
- Tâu Hoàng thượng! Kẻ này suy nghiệm rằng: Nếu như những lời chửi mắng của người khác là đúng thì phải sanh lòng hổ thẹn để mà hối cải. Còn nếu những lời chửi mắng nhầm lẫn thì xem như là những tiếng vang như gió thoảng ngoài tai mà thôi. Tuyệt nhiên không khi nào sanh tâm oán hận.
Câu trả lời có một phản ứng mạnh. Quân lính thì thầm thán phục, các cận thần trố mắt kinh ngạc. Còn nhà vua, ngài cảm thấy tự ái của ngài xúc động. Ðể phục hồi uy tín của ngài, ngài rút mạnh thanh kiếm, và bảo:
- Ðây là những lời xảo trá và vô lễ!
Rồi ngài hạ tay cắt đứt đôi vành tai của đạo sĩ. Dòng máu đỏ rỉ rả thấm ướt đầm cả đôi má. Mọi người nín lặng. Tuy nhiên, đạo sĩ vẫn tĩnh tọa sắc mặt vẫn thản nhiên. Không chút gì tỏ vẻ đau đớn và oán thán.
Nhà vua không ngờ có một sức chịu đựng lạ lùng. Hay đây là một tên phù thủy có nhiều pháp thuật? Dầu sao, vua không thể lùi bước được. Ngài vung kiếm chặt đứt thêm hai bàn tay đạo sĩ đang chấp trước ngực:
- Hãy xem tên th ầy pháp này nhẫn nhục đến nước nào?
Máu đào tuôn ra, thấm quanh chỗ ngồi của vị tu hành. Tuy thế đạo sĩ vẫn không thốt lên một tiếng kêu than. Vết thương như làm cho thần trí của người thêm sáng suốt và dõng mãnh. Gương mặt người trông từ bi lạ lùng.
Thật là một dòng nước mát rưới lên lửa hận thù của nhà vua hung bạo. Vua lặng thinh. Bây giờ ngài hiểu rằng kẻ đương ngồi trước mặt ngài không phải là một kẻ tầm thường. Ngài gượng cất tiếng giữa sự im lặng nặng nề của quân binh :
- Hỡi đạo sĩ, tại sao ngươi bị hành hạ thân xác mà ngươi không chút gì sắc giận?
Ðạo sĩ thong thả trả lời:
- Tâu ngài, nếu như tôi có lỗi mà bị hành hạ thì tôi phải nhẫn thọ như uống được nước cam lồ và sinh lòng cung kính với người. Còn gặp trường hợp không phân biệt phải trái mà người xúc phạm đến tôi, thì tôi suy nghĩ rằng ngày nay tôi vô tội, nhưng biết đâu không phải do ác nghiệp ngày trước mà nay phải chịu. Vả lại, thân này là sự cấu hợp giả tạm thì cũng không nên lấy gì làm luyến tiếc.
Ca Lợi Vương bấy giờ đã hối hận về tội ác của mình. Nhưng vì tập tánh chủ quan chỉ biết hạch lỗi kẻ khác lâu nay, vua gạn hỏi thêm một lần nữa :
- Hay lắm! Nghĩ được như thế thì hết sức tốt đẹp. Nhưng làm thế nào cho ta tin rằng nhà ngươi thật tình nghĩ như thế. Làm thế nào cho ta tin rằng nhà ngươi không oán hận ta, không oán hận những cận thần của ta đã sỉ nhục nhà ngươi?
Ðạo sĩ giơ hai cánh tay cụt, mắt sáng lên một cách lạ thường. Người phát thệ:
- Tôi thề rằng tâm tôi không có một chút oán hận nào. Những người gây đau thương cho tôi chỉ vì bị mây mờ che lấp đáng thương mà thôi. Nếu như lời tôi không chân thành với tâm tôi thì những vết thương của tôi trở thành lở lói ghê gớm, bằng như trái lại, tâm tôi hoàn toàn không oán hận thì những vết thương của tôi sẽ lành lặn.
Trời đất bỗng nhiên rung chuyển. Hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Ca Lợi Vương và mọi người nín lặng chờ đợi. Họ trông thấy, ôi kinh ngạc biết bao! Họ trông thấy thân thể đạo sĩ lành lặn như xưa. Người ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ Ðề, gương mặt từ bi, chói lọi hào quang.
Cái kiêu hãnh trước đây tạm thời cung cấp cho nhà vua một sức mạnh ồ ạt, mong manh, bây giờ vỡ tan ra bọt nước. Và hạnh nhẫn nhục của đạo sĩ quả là một năng lực bền bỉ, trường cửu, và bất khả chiến thắng. Nhà vua qùy sụp xuống bên đạo sĩ và xin sám hối bao nhiêu tội lỗi. Vua còn nguyện ghi nhớ gương sáng nhẫn nhục này để thực hiện trong đời sống cá nhân, trong việc trị quốc của mình và đời đời kiếp kiếp xin tận tâm phụng sự Chánh Pháp.
Ðạo sĩ khiêm tốn đỡ Ca Lợi Vương dậy và hiền dịu bảo:
- Lời phát tâm tốt đẹp của ngươi tự nó đã xóa bỏ được lỗi lầm do chính ngươi gây ra. Và ta hứa với ngươi rằng, trong tương lai khi ta thành đạo, ta sẽ nhận ngươi làm đệ tử đầu tiên của ta.
*
Vị đạo sĩ đáng kính trên đây là tiền thân Ðức Phật Thích Ca và Ca Lợi Vương là tiền kiếp của ngài Kiều Trần Như.
Và đúng như lời đã hứa, sau khi thành Phật, mở đầu cho lịch trình truyền đạo 49 năm trời, Ðức Thế Tôn đã thuyết pháp lần đầu tiên tại khu vườn Lộc Uyển cho năm vị đệ tử, trong đó có ông Kiều Trần Như.
Quảng Huệ
“Kẻ nào bị người khác làm nhục mà trong lòng không sinh mối ác cảm, kẻ ấy đã thắng một trận vẻ vang.”
Hương Trinh công chúa
Hoàng đế Ðại Lâm nhìn ra sân, màn sương còn dày đặc: Ủa, Võ hộ giá sao chưa thấy? Thì tiếng nhạc ngựa vừa đến. Một thanh niên bước xuống, chàng nai nịt gọn gàng trong bộ đồ săn thú trông oai phong nhưng không kém vẻ hào hoa.
Là Tiên Ðình võ hộ giá của Hoàng đế Ðại Lâm, chàng đã đẹp trai lại có vẻ tiên phong đạo cốt. Tuy được vua trọng dụng, Tiên Ðình vẫn gây nhiều thiện cảm với quần chúng. Nhất là chàng đã khuyên vua bỏ nhiều tội ác. Vì thế Tiên Ðình rất được lòng dân, các bạn đồng liêu đều kính mến và thường gọi chơi là “bạch diện thư sinh”.
Lịch sử của chàng như một giấc mơ. Người ta không biết Tiên Ðình con cái nhà ai? Chỉ nghe đồn miệng: cách 10 năm về trước, trong ban nhạc của nhà vua có một em bé mặt đẹp mà ca hay, nên một hôm sau buổi tấu nhạc Hoàng hậu cho tuyển em vào hầu cận ở hoàng cung. Tiên Ðình thông minh ý tứ nên hai vua đều thương cả.
Giữa lúc đang được cưng sủng thì bỗng đâu tai bay họa gió đến với em. Một chuỗi ngọc châu quý của Hoàng hậu khi không, không cánh mà bay.
Hôm ấy sau buổi dạ yến, Hoàng hậu vừa trở về phòng vừa cởi ra thì không biết vì sao xâu chuỗi mất biến. Trong phòng riêng của Hoàng hậu trừ hai vua thì chỉ có một Tiên Ðình ra vào. Vì vậy em bị bắt.
Quan tư pháp bộ hình để riêng một phiên xử vụ Tiên Ðình. Khi chủ ngục dẫn em ra, thoạt nhìn, quan bộ Hình cũng phải yêu. Ngài ôn tồn: “Theo tuổi con thì chưa có luật (em mới 12 tuổi). Vậy con có lấy chơi bỏ đâu thì khai ra ta sẽ tâu vua tha tội cho. Nếu không khai chắc bị tra tấn con làm sao chịu được những hình phạt nặng nề, vậy con cứ khai đi ta sẽ châm chước cho.
Em cúi đầu lặng, vẻ mặt bình tĩnh có dáng suy nghiệm nhiều, lúc lâu em thưa:
- Thưa ngài, về vụ này một mình con không thể lấy lọt được nên trong đây có bốn người tòng phạm.
Mọi người đều nín lặng, nhất là quan bộ Hình chăm chỉ nghe. Ông dỗ:
- Ừ, ai con cứ khai ra ta sẽ xử phân minh.
- Thưa ngài, nếu con đã khai thì ngài phải mời cả bốn người chứ đừng vị tình chi cả.
- Ừ được rồi, con nói đi!
Giao hẹn xong, em khai trong vụ này có Hoàng tử Mạnh Ðan, đại thần Trí Tuệ, phú ông Ðức Trí và cô ca kỹ Dạ Lý Hương.
- Ủa sao bốn nhận vật em khai lại toàn những danh nhân trong nước cả. Thái tử Mạnh Ðan là điện hạ của đương kim Hoàng đế, đại thần Trí Tuệ là tể tướng đầu triều, phú ông Ðức Trí oai quyền sang trọng địch quốc, Dạ Lý Hương một danh ca tài sắc đương thời.
Từ cái ngạc nhiên này đến cái ngạc nhiên khác, bốn nhân vật em khai sao không dính dáng gì đến nhau cả. Nhưng không lửa sao có khói? Không lẽ thằng bé này dám khai dựng đứng? Coi bộ nó nói chắc chắn lắm mà... năm sáu dấu hỏi trong lòng mọi người, nhất là rắc rối cho quan tư pháp. Vì thế vụ xử đành đình lại, và dĩ nhiên quan tư pháp tâu lên chúa thượng.
Vua và Hoàng hậu rất lấy làm lạ. Cho hỏi Ðông cung cũng tức cười rồi vì tính hiếu kỳ ngài muốn đi cho biết.
Ðại phàm việc gì vừa vừa thì người ta mới tức bực chớ những cái không ngờ mà xảy ra thì họ tức cười hơn. Nhất là trong vụ này lại có nàng Dạ Lý Hương. Cái nhan sắc khuynh thành của cô ca kỹ đã làm cho ba ngài quên đi cái bực mình. Thái tử, Ðại thần, Phú ông ngồi nhìn sững Dạ Lý Hương nét mặt buồn của người đẹp càng đẹp lạ, các ngài đồng nghĩ: Không biết thằng bé này vô tâm hay hữu ý, mà nó khai kèm Dạ Lý Hương vào đây thật diệu kế. Thật thế nếu không có cô Dạ Lý Hương ngồi đó thì em bé phải biết tay ba ngài. Nhưng nhờ vậy, Hoàng tử khoan hồng hỏi Tiên Ðình: con có dại lấy chơi thì trả lại ta sẽ tâu Hoàng hậu tha tội cho, chứ sao con dám khai cho ta hử? Trước mặt người đẹp dù sao Phú ông cũng không lẽ hung hăng, ông nhìn Tiên Ðình: Này em, em ngó lại qua đây có khi nào vào Hoàng cung đâu, huống chi chỗ phòng riêng của Hoàng hậu sao em lại khai rắc rối cho qua thế? -Dạ Lý Hương e lệ trước quý ngài nàng cũng dịu dàng: Này em coi có bao giờ chị gặp em đâu mà em lại đi khai lựng lựng cho chị tội quá!
Trí Tuệ đại thần ngồi yên lặng, ông đang suy nghĩ: Lạ thật, không biết ai bày mà nó lại khai ta với ba người này thật vô lý quá, ông có ý tức nhưng khi nhìn thấy Tiên Ðình thì ý tức giận của ông tiêu ngay. Mặt nó thông minh thế kia, xinh quá ai mà không yêu! Nó khai rắc rối cho người ta rồi ngồi tự nhiên tự tại. Ừ, sao nó không khai cho bọn cung nữ lính tráng trong cung, lại lựa bốn người nhất hạng trong nước mà khai? Lạ thật! Vậy để ta bình tĩnh suy nghiệm kỹ may ra manh mối chăng?
Từ khi nghe Thái tử bị liên quan vào việc này, tuy Hoàng hậu không nghi nhưng rất buồn, Ngài truyền nhiều lính Ngự lâm đi khắp nơi dọ hỏi. Mấy chục cung nhân giả dạng thường dân cũng phân đi các ngả dò xét.
Phú ông khi có lịnh quan mời, Phú bà rất lo sợ, một mặt sai gia nhân đi kiếm và bỏ tiền thuê người rải tán mọi ngả, đón đường để hỏi tìm.
Dạ Lý Hương một danh ca được nhiều vương hầu bá tước để ý, nhưng nàng còn chưa ghé mắt xanh. Nay nghe Dạ Lý Hương bị bắt, các ngài bết bát cưỡi ngựa rong xe thân hành lùng khắp tất cả, từ thành nội thành ngoại, các thôn quê, những ngả đường, hiệu cầm đồ, nhà bán ngọc v...v... ai cũng tâm niệm cho mình tìm ra thì được người đẹp để ý.
Suốt mấy hôm Trí Tuệ đại thần không nhắm mắt, ông suy nghiệm mãi, rồi đến một hôm cách ba ngày sau ông tin cho quan bộ Hình biết là: xử vụ này phải mời cả Chúa thượng, Hoàng hậu cùng tất cả bá quan chứng kiến.
Hôm sau khi công chúng tề tựu đông đủ, Ðại thần đứng lên dõng dạc hỏi: Tâu Thánh thượng, trong phòng Hoàng hậu trừ Tiên Ðình ra, ngài có nuôi con vật nào không? Câu hỏi của Ðại thần như một tiếng trống dội mạnh, cả hai vua đều thốt:” À hay Lệ Nô? Có lẽ Lệ Nô”. Thế là một toán Ngự lâm vội vàng chạy vào hậu cung... thì trên một cây nhãn cành lá sum sê, đấy, gia đình của Lệ Nô, quả nhiên chuỗi ngọc treo tòn ten trên cành cao. Lệ Nô là một con khỉ cái rất tinh khôn cũng được hai vua thương lắm. Thái giám dâng chuỗi ngọc ra, đức vua đưa lên cao cho mọi người xem. Ai cũng khen tài của quan Ðại thần. Nhưng người ta không khỏi ngạc nhiên cái việc em bé khai, nhất là quan Ðại thần Trí Tuệ. Ông liền xoay lại hỏi em vì lý do chi em khai như vậy?
Tiên Ðình đứng lên hùng dũng thưa :
- “Thân con thơ dại tứ cố vô thân, may được vua thương cho vào hầu cận, rủi mất ngọc, Hoàng hậu nghi con cũng phải, vì cung ngài chỉ một mình con được ra vào. Ðã bị nghi, nếu con nói quanh quẩn chắc các ngài nổi xung thế nào cũng bị tra tấn, con bé bỏng làm sao chịu được cực hình? E phải chết oan! Con nghĩ: Nếu khai mạo cho Thái tử thì Hoàng hậu đủ uy thế, cung nga thể nữ nhiều, ngài sẽ cho đi tìm ngọc. Phú ông giàu sang địch quốc, nếu khai ông dính dáng vào vụ này thì Phú bà phải thuê người dò xét. Cô Dạ Lý Hương bị bắt thì các công tử nóng ruột thi nhau đi tìm giùm. Còn đại thần Trí Tuệ là quan công minh xưa nay, may nhờ trí sáng của ngài xét nghiệm có thể ra manh mối...
Mọi người đều ngạc nhiên và khâm phục trí thông minh của em. Có người cảm động đến rơi nước mắt.
Sau vụ tìm ra ngọc, hai vua càng thương quí, cho em học hành và dĩ nhiên Tiên Ðình học rất thông minh, đến năm 20 tuổi thì văn võ toàn tài, hiện nay tức Lã Tiên Ðình võ hộ giá của Hoàng đế Ðại Lâm.
Cuộc lạp du (Ði săn bắn) hôm nay do Tiên Ðình tổ chức đơn sơ vì chàng đã tâu trước với đức vua nhân việc săn bắn ở Mã Lạp Sơn sẽ bàn nhiều quốc sự.
Săn bắn là thú thích của ông vua gian hùng hiếu sắc ấy. Nhưng đã mấy năm nay Tiên Ðình lên giúp vua chàng thường can vua, không để vua chơi những trò hung bạo.
Thế mà hôm nay chàng lại tổ chức đi săn khiến vua ta rất bằng lòng. Màn sương còn đọng, bạc cả ngàn cây. Hai con bạch mã song song trên đường thiên lý, hướng về Mã Lạp Sơn.
Vua mặc thường phục, theo sau vài tên Ngự Lâm không xuất sắc.
Tiên Ðình đăm chiêu nhìn khoảng đường khúc chiếc quanh co. Ðã đôi ba phen chàng trả lời bâng quơ không ăn khớp câu hỏi của Chúa thượng. Nhưng bạo chúa làm sao đọc được những ý niệm tế nhị trong đôi mắt của vị thiếu niên anh tuấn ấy??? Rồi không hiểu sao? Hay chàng đã thấy gì? Bỗng nhiên Tiên Ðình quất ngựa chạy, chạy mau, vua cũng chạy theo, ngựa chàng cứ phi lên, ngựa vua cũng thế, hai anh Ngự lâm bất giác cũng chạy theo nhưng không kịp nữa. Con đường đến núi quanh co nhiều ngả quá, họ trông theo dấu bụi để tìm nhưng vẫn chịu tìm không thấy. Hai anh ngơ ngác nhìn nhau, được cái họ tin ở tài quan Võ hộ giá chắc không để Chúa thượng phải lâm nguy.
Hai chúa tôi nãy giờ cứ loanh quanh mãi tìm đường, nhưng càng tìm hình như lại càng đi sâu vào núi. Có lẽ xa lắm rồi, nơi đây không có dấu chân người. Vua hơi chột dạ, nhưng được Tiên Ðình bình tĩnh nên ngài đỡ lo.
Không biết đã mấy giờ? Cơn nắng lên cao lắm, xuyên qua những cành cổ thụ. Trên nét mặt Tiên Ðình nổi lên nhiều đường gân, môi chàng mím lại... Vua mệt nhiều, mồ hôi ướt như tắm, ngựa cũng uể oải vì nắng gắt. Tiên Ðình tâu vua xin dừng ngựa nơi đây cho định thần và đỡ mệt. Vua nằm dài trên tảng đá dưới cây cao rồi ngủ mê như chết. Chàng vén tay áo lên trong đôi mắt cháy đỏ vì hận thù... Phải chăng chàng đã thấy gì trong cánh tay nõn nà như ngọc chuốt ấy? Hai cái sẹo to nổi lên hai chữ “phục thù”... Rồi cả một khung cảnh diễn lại tuy mơ hồ từ ngày chàng còn bé... nhưng càng theo tuổi lớn lên lại rõ thêm.
Ngày ấy, khi vua cha bị Hoàng đế Ðại Lâm chiếm ngôi, mẹ con chàng được một vị trung thần phò đi lánh nạn. Năm ấy Tiên Ðình mới lên sáu, chàng còn nhớ câu nói đầy uất hận của phụ vương: “Than ôi! Nếu Hương Trinh là trai thì thù này mong báo được, ta vô phước sinh Hương Trinh, thôi còn nói gì nữa!?”. Tuy mới 6 tuổi, Hương Trinh cũng biết tủi mình trước lời Phụ hoàng than. Không chịu nhục và bắt đầu nuôi chí nguyện, nàng khắc ngay hai chữ “phục thù” vào cánh tay để nhớ mãi.
Trong những ngày mẹ con lánh nạn, Hương Trinh nhớ rõ lắm. Nhớ những khi mẫu hậu cầm tay dặn con qua hơi buồn thảm: “Con ơi! Bốn năm trước khi Phụ hoàng bị cực hình, cha con có than: Không con trai để phục thù” nhưng giờ đây mẹ lại mừng vì con là gái. Mẹ là Phật tử, được tắm trong bể cả từ bi của Phật, vì thế không bao giờ muốn con nuôi chí ấy. Lâu nay mẹ chờ con đủ trí khôn mẹ mới nói: Con ạ! Lấy ân trả oán thì oán mới tiêu, lấy oán trả oán, oán kết thêm nhiều, vả lại mẹ khuyên con nên thấy cảnh gia đình mình tan nát, thì đừng gieo rắc sự tan nát cho kẻ khác, mẹ chỉ khuyên con như thế... rồi vì không chịu được sơn lam chướng khí, Hoàng hậu đã băng hà trong núi sâu giữa đêm mưa gió tơi bời. Cựu thần an táng Hoàng hậu xong, rồi không lâu, tuổi già cũng đưa con người trung thần ấy về nơi cõi chết. Những tấm màn đen dày đặc phủ lớp này lớp khác lên đời công chúa thơ ngây, mất lần hết những tình thương yêu. Một mình Hương Trinh sống bơ vơ giữa núi rừng hoang vu. Trong huyết quản của Công chúa trộn lẫn hai dòng: Mẹ là Phật tử phụng sự từ bi, cha thuộc Bà La Môn giáo, tính cương quyết và hiếu chiến. Cương quyết của Công chúa giống cha. Hương Trinh cải trang (giả trai) rồi lần về đồng nội. Nhờ mặt đẹp ca hay đã tiến cử em sung vào ban nhạc kịch đồng ấu của tân quân. Rồi mối thù cũng như tuổi tác mỗi ngày lớn lên. Hương Trinh chờ cơ hội. Và nàng đã sắp đặt cơ hội trong cuộc lạp du hôm nay.
14 năm nuôi chí nguyện, sống trong lo sợ hồi hộp, chịu nhiều oan trái... cơ hội chỉ đến trong giờ phút này. Hương Trinh run lên, khi hình tướng tiều tụy của Phụ Hoàng nhìn mẹ con lần cuối cùng. Nàng nóng bừng đôi má vì câu than của Tiên vương... Kẻ thù làm tan nát gia đình, tan nát hạnh phúc của nàng nằm sờ sờ trước mặt. Hương Trinh vận hết sức lực tuốt kiếm ra... Linh hồn Tiên Vương đang mỉm cười sung sướng vì thấy nàng không kém con trai.
Nhưng than ôi! Lưỡi kiếm sáng vừa ra khỏi vỏ thì bóng mẫu hậu hiền dịu hiện ra... “Mẹ là Phật tử được tắm trong bể cả từ bi mẹ không muốn con nuôi chí phục thù...” nghe cha thì bỏ mẹ, nghe mẹ thì phụ cha, hai chí hướng trái ngược của mẹ và cha dằng co trong lòng người con hiếu. Tay bủn rủn, nàng cảm thấy thanh kiếm nặng nề cầm không muốn nổi. Nhưng hình ảnh Tiên Vương lại hiện ra, hai cánh tay người cha yêu quí bị kẻ thù trói chặt, nàng còn bé, nắm áo mẹ đứng xa xa, Mẫu Hậu vì khóc to đã bị lính nạt nộ. Nét mặt Phụ Hoàng tiều tụy, tiếng than đầy uất hận : “Ta vô phước sinh Hương Trinh! Thì còn mong gì?”.
Mặt nàng nóng rần, khí hận xung lên, hiếu tâm kích phát dữ dội trong lòng. Hương Trinh rít lên: “Không thể dụ dự hèn yếu nữa, 14 năm trời ta chỉ trông có một chút này. Ðại Lâm, ngươi phải đền tội. Ngươi đã giết Phụ Hoàng ta, ta phải giết ngươi, ngươi đã làm cho gia đình ta tan nát ta phải làm gia đình ngươi tan nát lại. Nghe chưa Ðại Lâm!” Lưỡi kiếm Hương Trinh vừa chém mạnh xuống... thì ôi! Bàn tay hiền mẫu lại dịu dàng đưa ra:... “Con ạ, hãy lấy ân trả oán thì oán mới tiêu. Ðem oán trả oán thì oán kết thêm nhiều... Mẹ không muốn con gieo rắc nỗi đau khổ cho kẻ khác...”.
Hương Trinh tưởng tượng khi Ðại Lâm chết, một nhóm cựu thần sẽ thời cơ khởi nghĩa giam Hoàng Hậu, hại Ðông Cung v.v... gia đình tan nát... thêm vào đấy muôn dân đồ khổ điêu linh vì chiến tranh... ba, bốn năm nay từ ngày nàng giúp tay với kẻ thù để trị nước, mục đích nàng chỉ muốn trăm họ được an, nay nếu vì thù riêng, sẽ không khỏi xáo trộn cuộc sống thanh bình của quần chúng. Rồi vô số gia đình cũng tan nát theo... điều mà mẫu hậu không muốn, đã tha thiết khuyên nàng.
Hương Trinh nhẩm lại: “Ngươi đã giết cha ta, ta phải giết ngươi, ngươi đã làm gia đình ta tan nát, ta phải làm cho gia đình ngươi tan nát lại... Ồ sao mà hèn quá, ta nuôi chí nguyện 14 năm để làm cái việc hèn ấy ư”.
Giọt nước Từ bi của Phật đã làm dịu ngọn lửa hận thù, tâm trí nàng lần lần bình tĩnh. Hương Trinh nhìn lại Ðại Lâm, một ông già gần 60 tuổi, chòm râu đế vương điểm hoa râm tuy hãnh diện vênh lên, nhưng giấc ngủ vô minh đã làm con người thành thây chết. Nàng nghĩ: Nếu ta hại người thất thế thật không phải khí tượng anh hùng. Và lại ngai vàng đã dày vò tâm trí kẻ gian hùng không ít, mà thời gian cũng tàn phá sức lực ông đã nhiều rồi, đợi gì ta phải giúp thời gian kết liễu đời ông? Thôi ta tha cho.
Giấc ngủ nặng nề vì nặng nhọc nắng bức, Ðại Lâm nằm nhừ, mồ hôi nhễ nhại, ông ú ớ trong mơ... Hương Trinh tra kiếm vào vỏ. Thức vua dậy: Tâu Chúa Thượng đường về hạ thần đã tìm ra.
Vua bàng hoàng mở mắt: Ồ may quá! Quả nhân vừa thoát cơn ác mộng. Vua quẹt mồ hôi, tiếp: quả nhân mơ thấy con gái cựu Hoàng vác kiếm đuổi trẫm.
Lã Tiên Ðình buông mắt nhìn xa, trong nét thu ba của vị anh hùng căng quắt (con gái) đượm một vẻ buồn khó tả.
Chàng nhìn vua: Oai danh bệ hạ lừng lẫy bốn phương, một người con gái đuổi bệ hạ sợ chạy sao?
Vua vuốt râu chữa thẹn: Ừ mộng mị nhiều khi biến tướng (không thật, thấy lớn hoá nhỏ, nhỏ hóa lớn, v.v...).
Lã Tiên Ðình nghiêm nét mặt: Nhưng giá như thật, Công Chúa tính chuyện phục thù thì Chúa Thượng nghĩ sao?
Linh tính đế vương cũng có một phần nào trong người con gái ấy. Ðại Lâm ngờ vực nhìn Lã Tiên Ðình, thấy vua thất sắc, chàng thương hại, rồi như một nhà hùng biện, Tiên Ðình đứng lên kể hết sự tình...
Vua hoảng hốt kinh ngạc và cảm động trước cử chỉ cao thượng của Hương Trinh và đức độ từ bi của cựu Hoàng hậu... thần lương tâm đã trở về với con người tham vọng. Ðại Lâm như một tội nhân, ông quỳ xuống: Quả nhân còn biết nói sao cho hết sự ăn năn của tội ác, thôi giờ đây trẫm xin giao lại đất nước để công chúa...
Tiên Ðình vội đỡ vua dậy: Bệ hạ yên tâm, tôi sẽ đưa đường ngài về để phục vụ muôn dân, còn đất nước là của chung. Ngài làm cũng như tôi. Nhưng tôi chỉ khuyên Ngài: muốn củng cố giang sơn phải triệt để thực hành phước thiện. Thưa Ngài: lấy nhân ái để giữ gìn đất nước là khí tượng của Thánh quân, lấy bạo tàn duy trì ngôi báu là hành động của bạo chúa.
Ðại Lâm cúi đầu ngượng ngạo ông thở dài, Tiên Ðình tiếp: Bệ hạ đừng ngại, trong Khế Kinh dạy: có hai hạng người được Như Lai tán thán: 1- Là người biết sợ tội phước tin nhân quả nên không bao giờ dám gây tội ác. 2- Là người chót làm tội ác, rồi biết sợ nhân quả mà ăn năn, nguyện chừa bỏ mà lấy công chuộc tội, thi ân cứu khổ cho mọi người v.v... cả hai đều được gọi là “đại trượng phu”. Hối hận, hổ thẹn, cảm động, kính phục... xáo trộn trong lòng. Ðại Lâm bơ phờ ngẩng nhìn Lã Tiên Ðình với tấm lòng tri ân.
Trên đường về, lại song song hai ngựa, nhưng chúa tôi hai dòng tư tưởng khác nhau.
Buổi thiết triều hôm nay sao mà buồn bã thế? Quân vương bâng khuâng như mất đi một vật gì quý giá. Mọi người cũng đều mặc cảm như thiếu một cái gì quen biết lâu nay.
Nhưng khi câu chuyện Lã Tiên Ðình là công chúa Hương Trinh đã công khai khi Hoàng đế Ðại Lâm kể lại, thì bá quan đều chưng hửng cũng như sự kinh ngạc và cảm động kính phục chí khí đức độ của vị nữ anh hùng.
Ðại Lâm tiếp: Thật thế, chỉ có lấy ân mà trả oán thì oán mới tiêu, lấy oán trả oán thì oán kết thêm nhiều. Nếu công chúa chiêu binh đem về phục thù thì trẫm không bao giờ chịu thua. Nhưng cựu Hoàng hậu đã dặn con: “Lấy nước từ bi dội lên lửa hận” thì quả nhân há không bằng một phu nhơn sao? Vậy trẫm cũng nhờ giọt nước từ bi rửa sạch lòng tham vọng... Thôi giang sơn trả về cho công chúa. Phiền các khanh ra dinh quan võ hộ giá thỉnh người vào đây.
Bá quan nôn nả ra đi. Nhưng đến nơi thì cửa văn phòng đóng chặt thanh bảo kiếm Tiên Ðình thường mang, đã treo sẵn trước cửa, là câu trả lời dứt khoát việc không có mặt của nàng.
Phải chăng Hương Trinh biết trước nên nàng đã yên lặng giã từ ngai vàng để đi tìm một cái gì cao đẹp hơn?
Thích Nữ Thể Quán
“Lấy oán thù đáp oán thù,
Oán thù không dứt, niềm từ lại tiêu.
Lấy tình yêu, gọi tình yêu,
Sóng lên một gợn, thủy triều liền dâng.”
Tôn giả Bạt Ðà Lợi
Không phải lúc nào thuyết pháp Ðức Phật cũng được mọi người hoan hỷ tín thọ phụng hành. Ðôi khi ngài phải đương đầu với những kích bác của ngoại đạo, và ngay trong chúng Tỳ kheo đệ tử đương thời của Ngài, cũng có nhiều vị không hoan hỷ, nhất là khi Ngài đưa ra những học thuyết hay giới luật họ khó thật hành, vì còn nhiều ngã ái. Nhưng chính trong những dịp này, chúng ta mới được thấy rõ đức bình tĩnh của đấng Thiên Nhân Sư. Ngài không bao giờ tỏ ra mất kiên nhẫn, đối với những kẻ cứng đầu.
Một thời khi đức Thế Tôn ở Kỳ Viên tịnh xá, Ngài gọi các Tỳ kheo bảo:
Này các Tỳ kheo, hãy ăn chỉ một bữa trong ngày, chỉ ngồi ăn một lần rồi thôi. Nhờ ta chỉ ăn một bữa trong ngày, ngồi ăn một lần, ta cảm thấy ít bịnh ít não, nhẹ nhàng có sức và yên vui. Do vậy, này các Tỳ kheo, các ngươi chỉ nên ăn một lần, thì sẽ cảm thấy ít bịnh ít não, nhẹ nhàng có sức và an vui.
Khi nghe vậy Tôn giả Bạt Ðà Lợi bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con không thể chỉ ăn một bữa, ngồi ăn một lần, ăn như vậy con sẽ thấy nhiều phiền não, hối tiếc, ân hận, mất sức và buồn rầu.
- Vậy này Bạt Ðà Lợi, khi nào ai mời ăn ngươi hãy ăn tại chỗ một ít còn một ít đem về để ăn sau. Ngươi có thể ăn như vậy mà sống qua ngày được không?
- Bạch Thế Tôn, con cũng không thể làm được. Bạch Thế Tôn, ăn như thế con cũng cảm thấy nuối tiếc, ân hận.
Trong mùa an cư ấy, Tôn giả Bạt Ðà Lợi luôn luôn lánh mặt Phật, vì đã không chấp hành học giới Ðức Ðạo Sư chế định cho chúng Tỳ kheo. Khi giải hạ, Tôn giả đi đến chúng Tỳ kheo để thăm viếng. Những vị này đang ngồi may một tấm y Tăng Già Lê cho Ðức Thế Tôn. Khi thấy Tôn giả Bạt Ðà Lợi, chúng Tỳ kheo nói:
- Tấm y này đang làm cho Ðức Thế Tôn, sau khi làm y xong, Thế Tôn sẽ du hành. Hiền giả hãy suy nghĩ lại về trường hợp vi phạm học giới của hiền giả để đến sám hối với Ðức Ðạo Sư, chớ để về sau lại càng khó khăn cho hiền giả.
- Thưa vâng, chư hiền.
Tôn giả Bạt Ðà Lợi vâng lời chúng Tỳ kheo đi đến Ðức Ðạo Sư, đảnh lễ và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, con thật ngu ngốc, thật si mê, thật bất thiện. Trong khi chúng Tỳ kheo tuân hành học giới đã được Thế Tôn chế định, thì con lại tuyên bố mình bất lực. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận cho sự sám hối của con, để có thể ngăn chừa trong tương lai.
- Này Bạt Ðà Lợi, đúng như vậy, một lỗi lầm đã chiếm đoạt ngươi, ông thật ngu ngốc si mê, bất thiện khi tuyên bố sự bất lực của ông đối với học giới đã chế. Này Bạt Ðà Lợi, trong thời gian ấy, ông đã không ý thức được rằng, bậc Ðạo sư đã biết ta là bậc Tỳ kheo không thực hành học giới trọn vẹn. Ông không ý thức rằng một số đông Tỳ kheo đến an cư tại Xá Vệ, sẽ biết mình là một Tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới. Ông không ý thức rằng, một số đông Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sẽ biết đến một thượng tọa Tỳ kheo là Bạt Ðà Lợi, là đệ tử của Sa môn Gotama, không thực hành trọn vẹn học giới.
- Bạch Thế Tôn, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt con. Mong Thế Tôn nhận cho sự sám hối của con, để có thể ngăn chừa trong tương lai..
- Này Bạt Ðà Lợi, khi một vị Tỳ kheo đã chứng câu phần giải thoát hay Tuệ giải thoát, hay Thân chứng, hay Kiến đạo, hay Tín thắng giải, hay Tùy pháp hành, hay Tùy tín hành, khi một đã chứng một trong bảy địa vị ấy, được ta bảo rằng, hãy lấy thân mình làm cầu trải cho ta đi qua đám bùn, vị ấy có vâng lời hay tránh né, bảo “Không”.
- Bạch Thế Tôn, vị ấy vâng lời.
- Này Bạt Ðà Lợi, vậy ông là gì trong thời gian ấy mà cãi lời ta? Ông đã chứng Câu phần giải thoát hay Tuệ giải thoát, hay Thân chứng, hay Kiến đạo, hay Tín thắng giải, Tùy pháp hành, Tùy tín hành.
- Bạch Thế Tôn, không.
- Vậy có phải ông là kẻ rỗng tuếch, mà lại ương ngạnh không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận cho sự sám hối của con, để ngăn chừa về sau.
- Này Bạt Ðà Lợi, vì ông thấy rõ lỗi lầm, và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho ông. Vì rằng, này Bạt Ðà Lợi, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật bậc thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy rõ lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và ngăn chừa trong tương lai.
Này Bạt Ðà Lợi, khi một vị Tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo sư, thì dù vị ấy sống trong rừng núi hoang vu với hy vọng chứng được pháp môn hơn người, vị ấy cũng không chứng được, vì bị Ðạo Sư quở trách, các vị đồng phạm hạnh có trí quở trách, bị chư thiên quở trách, và tự mình cũng quở trách mình.
Nhưng này Bạt Ðà Lợi, nếu vị Tỳ kheo nào thực hành trọn vẹn giới luật trong giới pháp của bậc Ðạo sư, thời vị ấy có thể chứng được các pháp thượng nhân, vì vị ấy không bị Ðạo sư quở trách, không bị chư thiên quở trách, và không bị chính mình quở trách. Vị ấy có thể ứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, cho đến tứ thiền, và với tâm định tĩnh, thuần tịnh vô nhiễm, vô phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vị ấy hướng tâm đến túc mạng minh, nhớ được nhiều đời trước của chúng sanh, biết người hạ liệt, kẻ cao sang đều do hạnh nghiệp của chúng. Vị ấy có thể hướng tâm đến lậu tận trí, trừ được dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, nhờ đã thực hành trọn vẹn các học giới trong giới Pháp bậc Ðạo Sư.
- Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì, có người được chúng Tăng giải tội một cách mau chóng, có người lại không?
- Này Bạt Ðà Lợi, nếu một vị Tỳ kheo thường phạm giới tội, khi bị cử tội lại tỏ ra bất phục, không có thiện chí sửa đổi, vị ấy không được giải tội mau chóng.
Nếu vị Tỳ kheo ít phạm giới tội, nhưng khi phạm và bị chúng Tăng cử tội, lại tỏ ra phẫn nộ, bất mãn, thì chúng Tăng cũng không giải tội mau chóng.
Nếu vị Tỳ kheo thường phạm giới tội, khi bị cử tội tỏ ra ăn năn lỗi lầm, vị ấy được giải tội mau chóng.
Nếu vị Tỳ kheo ít khi lỗi lầm, nhưng khi bị cử tội, lại ăn năn chừa bỏ, thì chúng Tăng giải tội người đó mau chóng.
Nhưng khi một vị Tỳ kheo chỉ còn sống trong Tăng chúng với chút ít lòng thương, chút ít lòng tin, thì Tăng chúng không kết tội người ấy, vì không muốn mất chút ít lòng thương còn lại nơi vị ấy. Này Bạt Ðà Lợi, cũng như người chỉ còn một con mắt, thân bằng quyến thuộc của người ấy sẽ lo bảo vệ con mắt còn lại của người ấy, không để cho nó bị đoạn diệt. Tăng chúng đối xử với Tỳ kheo chỉ còn chút ít lòng tin cũng thế. Do nhân duyên ấy, có khi chúng Tăng giải tội mau chóng, và có trường hợp chúng Tăng không kết tội một vị Tỳ kheo, khi vị ấy chỉ còn một ít tình thương đối với chúng Tăng.
- Bạch Thế Tôn, vì sao ngày xưa, học giới ít mà có nhiều Tỳ kheo ngộ nhập chánh trí, còn ngày nay học giới nhiều, mà Tỳ kheo nhập chánh trí rất ít?
- Này Bạt Ðà Lợi, khi diệu pháp sắp diệt thì học giới nhiều mà Tỳ kheo ngộ nhập thì ít. Khi hữu lậu pháp chưa sanh khởi trong Tăng chúng thì bậc Ðạo sư không chế giới làm gì. Chỉ khi hữu lậu pháp sanh khởi, bậc Ðạo sư mới chế giới luật để đối trị.
Khi nào thì hữu lậu sanh khởi? Ấy là khi Tăng đoàn lớn mạnh, đông người, khi Tăng chúng có nhiều quyền lợi, khi Tăng chúng bắt đầu có danh tiếng, khi Tăng chúng bắt đầu đạt đến địa vị kỳ cựu. Khi ấy bậc Ðạo sư mới chế định giới luật để đối trị các pháp hữu lậu ấy. Này Bạt Ðà Lợi, khi các người còn số ít, ta đã giảng thí dụ con ngựa tốt, ngươi có nhớ không?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Này Bạt Ðà Lợi, tại sao vậy?
- Bạch Thế Tôn, bởi vì trong một thời gian dài con đã không thực hành trọn vẹn các học giới trong giáo pháp bậc Ðạo sư.
- Bạt Ðà Lợi, không những chỉ có vì như vậy mà thôi, còn vì lý do này nữa: là trong khi ta thuyết pháp ngươi không có để tâm, chú ý, không nghe pháp với cả hai lỗ tai của ngươi. Vậy ta sẽ giảng lại cho ngươi, hãy nghe và suy nghiệm kỹ.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này Bạt Ðà Lợi, như người luyện một con ngựa tốt, trước hết phải tập cho nó quen với dây cương. Khi nó đã thuần thục với dây cương lại tập cho nó quen với yên ngựa, kế đó quen với sự diễn hành, rồi tập đi vòng quanh đi bằng đầu móng chân, phi nước đại, chơi các trò vương giả, vương lực, tốc lực tối thượng và cuối cùng trang sức đẹp đẽ cho nó. Con lương mã trở thành một báu vật của vua chúa.
Cũng vậy, này Bạt Ðà Lợi, một Tỳ kheo thành tựu mười pháp thì trở thành người đáng cung kính cúng dường: ấy là thành tựu vô học chánh tri kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh tinh tấn, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát. Này Bạt Ðà Lợi! Một vị Tỳ kheo thành tựu mười pháp này sẽ là phước điền vô thượng của thế gian.
Sau khi Ðức thế Tôn thuyết giảng, Tôn giả Bạt Ðà Lợi hoan hỷ tín thọ lời thế Tôn dạy.
Thích Nữ Trí Hải
“Chút phước mọn hôm nay gần bóng Phật
Con nghe như dìu dịu một mùi hương
Và, phảng phất một tình thương êm ấm
Qua huyết quản rộn ràng dâng mạch sống
Con tự nhủ qua rồi cơn ác mộng
Và theo Ngài vượt khỏi bến trầm luân
Xin cho con một tiềm lực tinh thần
Ðể vững thắng giữa trần ai phiền não.”
Mở mắt chiêm bao
Thuở xưa, có một chú Sa Di tên là Tăng Hộ. Tăng Hộ xuất gia cùng vị Thầy tế độ - Một vị A La Hán nguyên là cậu ruột của chú.
Hôm nọ, Tăng Hộ được thí chủ dâng cúng cho hai xấp vải thật đẹp. Chú mừng lắm, định đem về dâng Thầy để tỏ lòng biết ơn và kính mộ của mình. Ngờ đâu khi mới mở lời, ông Thầy của chú đã gạt phắt đi.
- Thôi ta đã đủ ba y rồi. Con hãy giữ lấy mà xài hoặc dâng cúng vị nào còn thiếu. Chú Tăng Hộ năn nỉ đến ba lần nhưng Thầy chú vẫn một mực từ chối. Tăng Hộ đâm ra buồn rầu, bực bội, vừa đứng quạt hầu cho Thầy, chú vừa để dòng tư tưởng trôi lan man... “Mình tứ cố vô thân chẳng có ai để nương tựa... chỉ có cậu mình là người thân nhất trên đời. Vậy mà cậu cũng không thương ta... Vậy ta còn sống ở đây làm chi cho bận lòng ổng. Ta đã năn nỉ ổng đến ba lần mà ổng cứ lạnh lùng từ chối... Thôi ta đi khuất mắt cho rồi. Nhưng ta đi đâu bây giờ? Lấy gì mình sinh sống? À! Phải rồi! Mình sẽ bán hai xấp vải lấy tiền mua một con bê... để nuôi. Hằng ngày mình dắt bê đi ăn cỏ bên vệ đường vừa thanh nhàn, vừa ít tốn kém. Loài thú này sinh sản rất mau nên chừng vài năm là mình đã có cả một bầy gia súc. Mình sẽ bán bớt đi để tậu nhà cửa, ruộng đất giường chõng... đồ đạc trong nhà cho khang trang và đến lúc trưởng thành mình sẽ cưới một cô vợ. Khi đứa con đầu lòng chào đời mình sẽ bế nó đến quy y với cậu mình... Ờ! Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao... Ðường xa trời nắng, ngó bộ mụ vợ đã mỏi tay ta bảo:
- Ðưa thằng cu anh bế cho. Nhưng nó không nghe, cứ giành ẵm trên tay, bất chợt... mụ vợ vấp một rễ cây, thằng bé rớt xuống đất... giận quá... ta với lấy một cành cây, gõ cho mụ vợ một cái nên thân:
- Ðã bảo đưa ta bế cho mà cứ không nghe cái thứ đàn bà hư... chỉ biết có cãi lời...
Dòng suy tư của chú Sa Di còn đang tiếp tục trôi chảy như thế thì bỗng nhiên chú nghe tiếng nói điềm đạm của Thầy chú vị La Hán cất lên :
- Này chú! Chú đánh không trúng cái mụ vợ hư thân ấy đâu, mà lại trúng ngay cái đầu trọc của ta, kêu cái “tróc” đây này.
Tăng Hộ bừng tỉnh cơn mơ chú hốt hoảng co giò chạy vừa ngẫm nghĩ:
- Chết rồi ta nghĩ gì trong bụng ổng biết hết trọi... phải chạy cho lẹ mới được.
Thấy chú khi không bỏ chạy như ma đuổi, các bạn chú vội vã rượt theo bắt lại được. Ðương sự được dẫn đến gặp Ðức Phật.
Sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện. Ngài an ủi chú Tiểu:
- Này chú! Cái tâm của phàm phu thường hay lén lút đi chơi như thế, nó thường đi rất xa, vô hình vô dạng... Người thiện trí nên khéo léo như gã mục đồng dùng dây xỏ mũi con trâu hoang, dẫn nó về chuồng cũ. Chăn dắt đến lúc nào buông lơi giây giàn mà nó không lén đi rong nữa mới tạm yên…
- Ðược lời dậy dỗ của Ðức Thế Tôn, chú Tăng Hộ bình tĩnh ở lại Tu Viện và tu cho đến ngày đắc quả A La Hán.
Tuy lâu chú vẫn bị lâm vào cảnh “mở mắt chiêm bao” nhưng không khi nào chú trở cán quạt gõ vào đầu Sư phụ như lần trước, vì chú đã biết cách chăn trâu và cột trâu rồi.
“Loay hoay đã nửa kiếp người
Thu bay trên những nụ cười xanh xao.
Rõ ràng mở mắt chiêm bao
Biết như mộng huyễn vẫn đau xé lòng”.
Ðại bố thí
Tại nước Tỳ Xá Ly trong vườn cây Sa La, Ðức Thế Tôn hỏi A Nan:
- Ðối với những người đã chứng đắc tứ thần túc, thì mạng sống được một kiếp, còn như Ta đã chứng đắc tứ thần túc, còn phải hành trì giới đức, vậy thì A Nan có biết rằng Như Lai sẽ sống được bao nhiêu chăng? Thế Tôn hỏi luôn ba lần như vậy, nhưng khi ấy A Nan bị ma ba tuần che kín tuệ căn nên vẫn ngồi im lìm, chẳng trả lời cho Phật.
- Này A Nan, thầy hãy đi vào rừng, nơi thanh vắng, tịch tịnh mà tư duy thiền định.
Sau khi A Nan đi rồi, ma ba tuần liền hấp tấp vô ngay, đứng trước Phật bạch với Ðức Thế Tôn:
- Ngài xuất hiện ở đời đã lâu rồi, hóa độ vô lượng chúng sanh, làm lợi cho Chư thiên và nhân loại nhiều như cát sông Hằng, nay tuổi già yếu rồi Ngài còn luyến tiếc gì nữa, hãy vào Niết bàn cho yên tĩnh thân tâm, khỏi phiền lụy cho lũ chúng tôi nhờ. Ði Ngài, Ngài hãy vào Niết bàn đi.
Nghe ma ba tuần nói vậy, Thế Tôn bèn cạy chút đất để trên đầu móng tay, hỏi Ba tuần rằng:
- Ðất trên đầu móng tay của ta nhiều, hay đất trên đại địa này nhiều?
- Dĩ nhiên đất trên đại địa này nhiều hơn đất trên đầu móng tay của Thế Tôn rồi.
- Cũng vậy, ba tuần, chúng sanh vô lượng, hằng hà sa, chẳng thể tính toán còn trôi lăn trong ba đường sáu nẻo nhiều như đại địa kia, còn đối với chúng sanh mà Ta đã hóa độ thì thương thay rất ít oi, như đất trên đầu móng tay này. Nhưng nay cơ duyên hóa độ đã mãn, giáo pháp Ta đã truyền xong, Ta sẽ vào Niết bàn trong vòng ba tháng nữa. Ngươi đừng lo.
Ba tuần nghe Phật đã hứa, mừng rỡ rồi lui ra.
Khi ấy, A Nan vào rừng sâu, nơi tịch tĩnh, nhập thiền định nhưng cũng bị loạn động. Chợt thấy một thân cây to lớn, che rợp cả hư không, cành nhánh xanh um, trái hoa tươi tốt, điều thiện ích của cây vi diệu vô cùng. Bỗng nhiên, từ đâu thổi đến một trận cuồng phong mãnh liệt, đánh tan tác những chiếc lá xanh tươi, cành nhánh gãy rụng tơi bời, những đóa hoa tơi tả, những chiếc quả vỡ đôi lăn lóc, làm chấn động tinh thần A Nan, A Nan bừng tỉnh. Trống ngực hãy còn dồn dập, toàn thân nổi da gà, sửng sốt bàng hoàng. A Nan thầm nghĩ: “Cây đại thọ tỏa rợp bóng mát xanh tươi đã xoa dịu nổi nắng gió cho mọi người, làm mát cơn nắng hè gay gắt, rồi tại sao lại bị một trận cuồng phong ác liệt đánh tơi tả như vậy? Như Ðức Thế-Tôn là đấng Ðạo sư của Trời, Người làm lợi ích cho chúng sanh, một lòng thương tưởng cho đời, cũng giống như đại thọ, nay phải chăng Ðức Thế Tôn sắp vào Niết bàn nên đất trời chấn động? A-Nan liền đi thẳng vào tịnh xá, bạch Phật:
- Kính bạch Thế Tôn! Con vừa mơ thấy một ác mộng: trong khu rừng kia có một đại thọ sum suê hoa lá, là nơi trú ngụ của muôn chim, chốn nhà cửa của muôn loài, vậy mà từ đâu một trận gió thổi tới làm rơi rụng tiêu điều có phải chăng là điềm Thế Tôn sắp vào niết bàn?
- Thật vậy, này A-Nan, sau ba tháng nữa Ta sẽ vào Niết bàn, vì hồi nãy Ta đã nói với Thầy là người đã chứng tứ thần túc rồi có thể duy trì tuổi thọ một kiếp còn Ta do đức lực tu hành và đã chứng tứ thần túc vậy tuổi thọ được bao nhiêu? Ta đã hỏi ba lần như vậy, nhưng thầy vẫn im lặng, nên ma ba tuần đã thỉnh ta vào Niết bàn.
Như sét đánh ngang tai, A Nan choáng váng quá lo sợ, quá buồn khổ. Giờ đây Thế Tôn vào Niết bàn, chúng sanh biết nương dựa vào đâu? Con mắt thế gian sắp mất rồi.
Tin Phật sắp nhập niết bàn được truyền ra, hàng đệ tử vị nào cũng buồn bã, lo âu. Thấy vậy Thế Tôn bảo:
- Tất cả mọi vật trên thế gian này đều bị luật vô thường chi phối, nay còn mai mất, có cái sự gì là bất biến, nhất định đâu. Ta vì chúng sanh mà thị hiện ra đời, nay sự hóa hiện đó đã mãn thì ta vào nơi tịnh mặc, có gì mà các thầy phải khóc lóc, lo buồn. Ðiều Ta cần lưu ý các thầy, là phải chăm lo tu niệm để tự mình giải thoát vòng luân hồi sanh tử.
Lúc ấy Tôn-giả Xá Lợi-Phất than rằng: “Than ôi! Con mắt của thế gian đã đến ngày diệt tận, bóng tối tăm lại bao trùm nhân thế. Như-Lai sắp vào niết bàn, thật thảm thương cho chúng sanh hết chỗ cậy trông”. Rồi quỳ xuống bạch Thế Tôn :
- Kính lạy đức Ðạo sư chí kính, con không nỡ lòng nào để nhìn thấy sự ra đi của Thế Tôn vào nơi tịch mặc vĩnh viễn. Vậy cúi mong Thế Tôn hoan hỷ cho con được vào Niết bàn trước.
- Này vị thầy Trí Tuệ, thầy hãy làm việc gì mà thầy nghĩ là đúng thời. Nhưng thầy biết tất cả các bậc hiền thánh rồi cũng đều tịch diệt.
Nghe Thế Tôn nói xong, Xá Lợi Phất đi quanh Phật ba vòng, cúi lạy sát đất lấy chân Phật để lên đầu ba lượt mà bạch rằng:
- Kính lạy đức Ðạo sư của trời người, hôm nay là lần cuối cùng con xin từ biệt Thế Tôn. Xin Thế Tôn hãy khoan vào Niết bàn, vì lòng thương tưởng chúng sanh. Nói rồi cúi đầu cung kính lui ra. Xá Lợi Phất trở về La Duyệt Kỳ nơi sinh quán, Sa di Quân Ðề tin cho vua và các thân tín đều biết.
Khi ấy, Vua A Xà Thế biết Tôn giả Xá Lợi Phất sắp vào Niết bàn, tự thốt lên rằng: “Tôn giả Xá Lợi Phất là một kiện tướng trong Phật Pháp, than ôi! Ngài nhập niết bàn sao mà sớm vậy? Giờ biết lấy ai chấn chỉnh tà ma?
Mọi người từ Vua quan đến dân chúng ai cũng đều biết và kéo đến vây quanh Ngài và nói rằng:
- Kính lạy Tôn giả, xin Tôn giả hãy thương xót chúng con, Ngài vào Niết bàn rồi lũ chúng con đây bơ vơ như con mất cha, như gà mất mẹ chiu chít ngóng trông, chẳng chốn nương thân, không bề trông cậy. Tôn giả hãy đoái thương.
- Các Phật tử, Ta thương các ngươi lắm chứ, nhưng đến lúc Ta phải vào Niết bàn, các ngươi chớ buồn, tất cả muôn vật trên thế gian này đều trong định luật vô thường, đều phải tan rã. Vậy các ngươi hãy gieo căn lành, trồng điều thiện lợi để nhờ duyên lành đó mà sanh ra đời được gặp Phật tại thế, để chăm tu phước nghiệp cầu giải thoát sanh tử luân hồi.
Tùy theo căn cơ quần chúng, Tôn giả đi từ thấp lên cao mà giảng giải thuyết nghĩa an vui, lợi ích, khiến cho họ có kẻ đắc sơ quả, có người chứng A La Hán, thân tâm vắng lặng, an hòa, lễ tạ rồi lui.
Giờ này đã quá nửa đêm, Tôn giả đang tĩnh tọa vào thiền định: nhập Sơ thiền, rồi từ Sơ thiền lên Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, từ cõi Tứ thiền hướng đến Vô lượng Không xứ, rồi từ Vô lượng Không xứ hướng đến Vô lượng Thức xứ, từ Vô lượng Thức xứ hướng đến Vô sở Hữu xứ, từ Vô sở Hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng, Phi Vô tưởng xứ rồi nhập vào định Diệt tận và Bát niết bàn.
Sau khi Xá Lợi Phất xả báo thân, trời đất rúng động, chư thiên Ðế thích, quyến thuộc hàng trời, mang hương, dâng hoa cúng dường. Ðế Thích nhìn thấy báo thân Tôn giả mà bùi ngùi: “Tôn giả trí tuệ rộng sâu như trời cao, như biển rộng biện luận ứng cơ mau như chớp loáng, âm thanh như nước chảy, giới định tuệ hoàn toàn là một dõng tướng trong Phật pháp, thay Phật để chuyển pháp luân, nhưng giờ này Ngài đã Bát niết bàn rồi, kể từ đây nhân thiên lại tăm tối”.
Rồi từ thành thị đến thôn quê, người ngoài đông như mở hội, hoa hương tràng phan, bảo cái rợp đường, nhưng có điều rõ nhất là trên đôi mắt người nào cũng đẫm lệ, trong lòng âm thầm thương tiếc một bậc Tôn túc tuyệt luân đã vào nơi vắng lặng.
Phạm Thiên Vương và Tỳ Thủ Yết La cưỡi xe trời bay xuống, theo sau là sáu bộ chúng. Ðế Thích sai quỷ Dạ Xoa ra biển lấy gỗ chiên đàn, gỗ ngưu đầu về chất thành một đống, đổ dầu Tô, phóng hỏa thiêu báo thân Tôn giả. Ngọn lửa rực lên, như một lần bừng sáng rồi phụt tắt.
Ðốt xong, mọi người đều bái tạ lui về. Chờ cho ngọn lửa nguôi, Sa di Quân Ðề thâu tóm Xá Lợi của Thầy và y bát đem về bạch Phật.
- Kính lạy Ðức Thế Tôn, Thầy con là Xá Lợi Phất đã nhập Niết bàn, và đây là Xá Lợi, y bát, xin Thế Tôn chứng minh.
Khi ấy A Nan đứng hầu Phật thấy cảm động quá, liền quỳ xuống bạch Thế Tôn :
- Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc thượng tôn trưởng lão, ấy mà Ngài đã vào Niết bàn rồi, mai này Thế Tôn lại tiếp tục xả báo thân nữa thì chúng con còn lại biết nhờ ai?
- Tuy Xá Lợi Phất nhập niết bàn nhưng pháp thân vẫn thường hiển hiện, vì Xá Lợi Phất không muốn thấy Ta Niết bàn nên đi trước ta. Này A Nan, không phải chỉ đời này là như vậy, mà ở đời quá khứ cũng vậy.
*
Thuở xưa, đã lâu lắm rồi, cũng tại Diêm Phù Ðề này, có vua tên là Chiên Ðàn Bà La Tỳ, thống lãnh tám vạn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám muôn ức tụ lạc. Ông có hai muôn phu nhân và Thế nữ, bà thứ nhất tên là Tu Ma Ðàn, một vạn quan đại thần, quan lớn nhất tên là Ma Chiên Ðà, năm trăm Thái tử, người thứ nhất tên là Thi La Bạt Ðà.
Thành này chu vi ngang dọc bốn trăm do tuần, làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, đầy đủ mọi vật báu, trong nước an cư lạc nghiệp, dân chúng vui mừng, sung túc.
Một hôm vua ngồi trên bảo điện, chợt nghĩ như vầy: “Người ta ở trên đời được tôn vinh phú quí, chắc do quả báo tu nhân tích đức ở đời trước lưu lại. Cũng như kẻ làm ruộng, mùa Xuân phải mất công cầy bừa, gieo mạ cấy lúa, tới mùa Hạ, mùa Thu gặt hái được thóc gạo đem về ăn uống. Nếu mùa Xuân chẳng lo cấy cầy, thì kết quả mùa Hạ, mùa Thu chẳng có lúa đâu thu hoạch. Cũng vậy, Ta đời trước có tu phước lành, nên đời này hưởng quả tốt đẹp, nếu bây giờ Ta lại không tiếp tục tu phước bố thí nữa thì đời sau lấy chi thọ hưởng”. Nghĩ vậy, liền sắc quan mở kho đem tiền bạc, lụa là bố thí cho toàn dân và vua cũng ra lệnh cho tám vạn bốn ngàn vua kia cũng mở kho chẩn bần, bố thí.
Mệnh lệnh được truyền đi khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, hay hang cùng ngõ hẻm nào cũng biết vào ngày ấy vua xuất kho bố thí, nên mọi người kéo đến kinh thành đông như kiến cỏ. Người mạnh cõng kẻ yếu, người sáng dắt kẻ mù, lần lượt nhà vua phân cấp tiền gạo, áo quần đầy đủ. Tứ đó muôn dân được an nhàn hỷ hả. Danh đức nhà vua lừng lẫy, tiếng khen đồn khắp bốn phương.
Thì cũng thời đó, có một ông vua nước nhỏ ở bên cạnh tên là Tỳ Ma Tư Na thấy nhân dân ca tụng và cảm phục oai đức Vua Chiên Ðàn Bà La Tỳ, sanh lòng ganh ghét, ngày quên ăn đêm quên ngủ, ông thầm nghĩ mưu toan sát hại: “Nếu ta không tiêu diệt được lão vua kia, oai danh vang lừng trời đất, như vậy ta làm sao hiển danh trời đất, như vậy ta làm sao hiển đạt cho được”. Nghĩ xong, ông liền thi hành ngay độc kế, ra lệnh triệu tập hết thảy các thày Bà La Môn trong nước, nhà vua kính trọng cúng dường lễ bái. Sau rồi vua trình bày:
- Thưa các thầy Bà La Môn, tôi có một việc đáng lo, đến nỗi ngày quên ăn, đêm quên ngủ, quý ngài có kế chi để giải quyết cho chăng?
- Tâu bệ hạ, có việc chi xin cứ nói, nếu giúp được chúng tôi sẽ giúp.
- Thưa các ngài, hiện nay vua Chiên Ðàn Bà La Tỳ được muôn phương mến phục, phúc đức lớn lao, đó là điều đáng ngại cho tôi về sau này, vậy các ngài có phép chi cứu giúp giùm tôi để trừ khử ông vua ấy.
- Tâu bệ hạ, vua Ðàn Bà La Tỳ là người có đức lớn, thương dân như thương con, dân coi vua như bậc cha mẹ, chúng tôi nỡ lòng nào mưu tâm sát hại, thà chịu chết chớ không bao giờ giết người hiền lương. Nói xong tất cả người Bà La Môn đều kéo nhau về.
Vua Tỳ Ma La cảm thấy bực mình, vì công việc chẳng như ý, liền hạ chiếu cho toàn nước biết:
- Ai có khả năng lấy đầu vua Ðàn Bà La Tỳ mang về đây, vua sẽ gả con gái và phân nửa nước cho cai trị.
Thời đó có một người Bà La Môn tên là Lao Ðộ Sai, tu luyện ở núi nghe vua rao truyền như vậy, bèn đi đến ra mắt vua, và xin đi lấy đầu vua Ðàn Bà La Tỳ. Nghe nói vậy, vua hớn hở, vui mừng.
- Nếu khanh làm việc tốt, sứ mệnh hoàn thành, ta sẽ giữ đúng lời hứa. Vậy khi nào khanh đi, xin cho biết.
- Hẹn bệ hạ bảy ngày nữa. Nói xong từ tạ về rừng, quyết tâm liên tiếp bảy ngày, trì chú hộ thân.
Qua bảy ngày, ông lại đến cung vua, và được cung cấp lương thực, tiền lộ phí để lên đường. Trước khi đi ông còn ngoảnh lại nói rằng:
- Bệ hạ an lòng, tôi thề: “Nếu không lấy được đầu vua, quyết chẳng trở lại nơi này”.
Khi đó, trong nước vua Ðàn Bà La Tỳ, có những điềm chẳng lành xuất hiện: như động đất, chớp giật, sao băng, sấm động, ban ngày sương khói mờ mịt kéo giăng, sao chổi mọc, mưa đá, sét đánh tứ tung, các loài chim kêu thảm thiết trên không, và tự nhổ lông rơi đầy mặt đất. Hổ báo, sài lang tự đâm mình xuống hố, kêu gào thảm thiết. Tám vạn bốn ngàn ông vua nước nhỏ đều nằm mộng thấy cánh phướn vàng của nhà vua bị gãy, trống vàng bị thủng. Còn chính tự thân vua Ðàn Bà La Tỳ mơ thấy ác quỷ cướp mũ vàng của mình mang đi. Trên nét mặt mọi người cảm thấy lo âu, chẳng hiểu vì sao lại có những điềm bất tường như vậy.
Khi ấy thần coi thành biết ý định của Lao Ðộ Sai đến xin đầu vua, nên thần hóa phép làm tâm trí Lao Ðộ Sai cuồng loạn, không biết lối vào cung, cứ luẩn quẩn bên ngoài thành mà thôi.
Thấy vậy, các vị trời ở Tịnh Cư Thiên báo cho vua hay:
- Bệ hạ phát tâm bố thí, nên hiện giờ có người đến xin, nhưng ở bên ngoài thành không vào được.
Nhà vua thức dậy, ngạc nhiên hỏi cận thần:
- Ai ngăn cản dân chúng đến xin đồ cấp phát, ông hãy ra ngoài xem sao.
Ra cổng thành, nhìn bốn phía ngơ ngác, quan cận thần chẳng thấy ai đến, mà cũng chẳng có quân lính nào cản ngăn. Khi đó, thần giữ thành hiện lên thưa rằng:
- Thưa quan lớn, hiện có người dòng Bà La Môn ở nước khác muốn xin đầu vua của chúng ta, nên tôi không cho nó vào.
- Nếu quả thật như vậy thì đây là một tai họa lớn cho chúng ta, nhưng vua đã ra lệnh, chúng ta đâu dám trái ý, khi ấy quan cận thần Ma Chiên Ða tự nghĩ: “Nếu kẻ này quyết chí xin đầu vua thì ta hãy bày ra một kế, lấy năm trăm cái đầu bằng thất bảo để đổi cho nó”.
Sau cơn mê Lao Ðộ Sai bước vào cửa cung và lớn tiếng nói:
- Tôi là kẻ phương xa, biết được vua rủ lòng bố thí, chẩn bần cho muôn phương, ai muốn xin gì cũng được. Vì vậy, nay tôi tới đây muốn xin một việc.
- Ngài muốn xin gì cứ nói, dù khó khăn đến đâu, nếu có thể, tôi cũng xin làm vừa lòng ngài.
- Vua bố thí tài vật, tiền của cho mọi người có phước báo nhưng chưa bằng bố thí những vật trong thân vua, phước báo càng lớn hơn. Vậy tôi xin cái đầu của vua. Vua nghĩ sao? Cho hay không?
- Thành thực, ngài cứ lấy.
- Bây giờ hay khi nào?
- Ðạo sĩ xin cho khất lại bảy ngày.
Liền khi đó, quan cận thần Ma chiên Ðà liền mang năm trăm cái đầu bằng thất bảo đến trước Lao Ðộ Sai và nói rằng:
- Ðầu vua bằng xương thịt, máu mủ tanh hôi, là đồ bất tịnh chẳng quí giá gì vật ấy, ông xin làm gì cho nhơ nhớp. Và đây là những cái đầu làm bằng thất bảo quý hóa tuyệt luân, ông hãy mang đầu này về mà được giàu sang, phú quí suốt đời.
- Tôi chẳng cần thứ đó, chỉ cần đầu vua thôi.
Trước thái độ ương ngạnh của Lao Ðộ Sai, Mã Chiên Ðà chẳng biết làm sao, bằng xuống giọng êm dịu, năn nỉ, nói ngọt ngào mong thay đổi ý định, nhưng cuối cùng Lao Ðộ Sai cũng chẳng thèm nghe, bỏ đi chỗ khác.
Mã Chiên Ðà phẫn uất quá tim vỡ thành bảy mảnh chết ngay trước mặt vua.
Trên từ vua, xuống cho tới bá quan văn võ ai nấy đều rơi lệ tiếc thương cho một bậc trung thần, chánh khí. Vua sai thâu hài an táng đúng nghi lễ của một quan đại thần. Ðám tang vừa xong, vua cho quan quân cưỡi voi đi khắp nước thông báo cho dân chúng biết ngày vua bố thí đầu.
Ðược tin này, ai nấy đều rơi lệ, tám vạn bốn ngàn nước nhỏ liền đến tâu vua:
- Tâu bệ hạ, tất cả Diêm Phù Ðề này đều nhờ đức độ của bệ hạ mà mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp, cây cỏ muôn màu, mùa màng sung túc, khoái lạc an khương, sống trong cảnh thái bình thịnh trị. Vậy tại sao bệ hạ lại vì một người mà bỏ muôn dân?
Khi ấy các quần thần đồng thanh nói:
- Xin bệ hạ hãy bỏ ý định bố thí đầu, một sự việc quái lạ chưa từng thấy, bệ hạ nghe lời một kẻ khốn nạn, cùng đinh, sống trong núi rừng như dã thú, để rồi bỏ chúng tôi bơ vơ hay sao?
Hai muôn phu nhân và năm trăm thái tử vật mình xuống đất khóc lóc:
- Tâu bệ hạ, hãy xót thương vợ con của bệ hạ, rồi đây sẽ ngơ ngáo, vợ xa chồng, con chẳng có cha, sống đời mô côi mồ cút. Hãy nghĩ lại bệ hạ ôi!
Thật muôn cảnh bi đát, đáng thương tâm diễn ra trước mặt vua, nhưng vua với nét mặt hiền hòa, bình tĩnh an ủi:
- Xin các vương hầu khanh tướng, hãy bình tâm nghe tôi nói, con người vì kết buộc nhau trong tình ân ái từ kiếp lâu xa, nên chịu ách sanh tử bức bách, ta chưa thấy ai thực hành để bỏ, nhất là quý chuộng bản thân. Ta nghĩ rằng từ thời vô thỉ âm u trở lại đây, sống chết đã bao đời đâu kể xiết, lúc ở trong địa ngục, bỏ thân một ngày không biết bao nhiêu lần, chết trong nước phân tro, nằm trên giường sắt đốt, ôm cột đồng nóng, ngâm mình trong vạc dầu sôi, hay ngồi trên xe lửa, nằm ở hố than. Thật cái khổ nơi địa ngục biết kể sao cho cùng như vậy, thân này chết đây rồi sanh kia, trải qua vô số kiếp mà chẳng có chút ích lợi hay phước báo gì. Khi làm loài súc sanh thì bị người ta chém giết, thân thể bị phân thây, máu rơi xương rã. Còn khi làm loài quỷ đói, thì lửa trong mình phát ra hoặc vòng đao lửa bay tới chém thân chặt đầu, chết đi sống lại bao lần thì cũng chẳng có phước báo gì. Rồi khi ở nhân gian, làm người thì sanh lòng tham lam, giết hại lẫn nhau, cũng do tài sắc ràng buộc, cũng vì ân ái kéo lôi toàn là những việc xuôi theo nhân thế. Còn như hiện tại thân ta, đây cũng chỉ là một khối nhơ bẩn, máu tanh huyết nồng, rồi một ngày nào đó cũng sẽ rã tan, có gì luyến tiếc với cái đầu ô uế ấy mà chẳng dám xả bỏ, để tu lấy pháp thân thường hằng vĩnh tịch. Hơn nữa, ta còn có thể đem lại sự ích lợi cho muôn dân ở đời vị lai, phải nhìn xa thấy rộng, đừng vì tình thương luyến ái hạn hẹp trong một lúc này. Vậy thì các khanh khuyên ta làm gì. Ta bỏ cái đầu này để cầu đạo giải thoát, sau khi thành đạo, ta sẽ hóa độ các ngươi vượt khỏi nỗi khổ sanh, già, bịnh, chết được niềm an lạc của đạo tâm. Vậy các khanh hãy hiểu việc làm của ta không phải vô dụng. Các khanh cứ yên tâm lo toan việc nước.
Ai nấy nghe vua giảng giải đều làm thinh chẳng biết phải nói năng sao nữa. Ðã yên lòng trước sự an tâm của quần thần, vua kêu Lao Ðộ Sai bảo:
- Giờ đã đến lúc ngươi tự do lấy đầu ta.
- Tâu bệ hạ, hiện đây tôi chỉ có một mình, lực yếu thế cô, còn chung quanh vua, bá quan văn võ quá nhiều, nhỡ khi tôi lấy đầu vua họ thấy thương tâm mà giết tôi thì sao? Vậy nếu vua cho thì hãy ra sau vườn, nơi vắng vẻ, chỉ riêng mình tôi và vua, thì tôi mới dám.
Vua nói với quần thần:
- Các khanh thương ta, kính ta thì chớ hại Lao Ðộ Sai.
Nói xong, vua nắm tay Lao Ðộ Sai cùng ra hậu viên.
- Sức vua hùng tráng khỏe mạnh, khi bị cắt đầu đau đớn mà hối tiếc rồi đánh tôi thì sao? Vậy vua hãy cột đầu vào cành cây để tôi cắt cho dễ.
Ngồi dưới gốc cây to, vua túm lấy tóc cột vào cây rồi nói:
- Khi cắt đầu xong, hãy để trên tay ta, để ta dâng cho ông.
Rồi vua chắp tay phát đại nguyện rằng:
- “Kính lạy thập phương tam thế chư Phật, nguyện nhờ công đức bố thí này, con không cầu làm Phạm Vương, Ma Vương, Ðế Thích, Chuyển luân Thánh vương để được hưởng khoái lạc, mà duy chỉ một lòng cầu làm Phật, độ chúng sanh, hết thảy muôn loài đồng vào ngôi Chánh giác”.
Lúc ấy Lao Ðộ Sai vừa đưa dao lên chém, thì trên cây có ông thần, lấy ngón tay chỉ vào đầu làm cho Lao Ðộ Sai bủn rủn tay chân, vứt dao xuống đất ngã ngửa.
Vua xoay lại bảo thần cây:
- Thần cây nên hiểu rằng, từ đời quá khứ tới nay, dưới gốc cây này ta đã bố thí 999 cái đầu rồi, vậy hôm nay một lần nữa là đủ số. Ðối với nguyện bố thí của ta sắp hoàn mãn, ông đừng rắc rối, cản ngăn, làm suy thối đạo tâm của ta.
Nghe vậy thần cây thu hồi thần lực, Lao Ðộ Sai tỉnh lại, xách dao chém một phát, đầu rơi xuống tay vua, dâng cho Lao Ðộ Sai.
Ngay giờ phút đầu vua lìa khỏi cổ, đất trời chấn động, các cung điện trên thiên cung đều nghiêng ngả, các thiên tử, Phạm thiên chẳng biết điềm gì, bèn ngó xuống trần gian, thấy vị Bồ Tát vì chúng sanh mà bố thí thân mạng tất cả đều bay xuống tung hoa trời muôn màu, hòa lẫn với những dòng nước mắt của chư thiên rợp cả hư không.
- Kính lạy Bồ Tát, Ngài làm hạnh bố thí xuất tục siêu phàm, chưa ai dám bố thí như vậy, vô cùng tận chúng sanh đều phải tán phục sự thực hành, vô ngã tướng bố thí này.
Khi ấy tại nước mình, vua Tỳ Ma Tư Na, hay tên Lao Ðộ Sai đã lấy được đầu vua Ðàn Bà La Tỳ, đang trên đường trở về nước, ông vui mừng vô hạn, nhảy nhót, la hét thỏa chí, bất ngờ ông quay lăn ra chết tại chỗ, vì tim bị kích thích quá mạnh, nên vỡ tung từng mảnh trong lồng ngực ông.
Lao Ðộ Sai xách đầu ra về, vua quan, dân chúng, phu nhân, thái tử nhìn thấy lăn đùng ra đất gào thét. Có người cảm động quá hộc máu mà chết, có người nằm ngay đơ chết giấc, các phu nhân xé áo quần, vò tóc tai, ngất xỉu tại chỗ, các thái tử cào mặt máu chảy đầm đìa, lăn lộn dưới đất. Một thảm trạng đang diễn ra.
Mấy ngày đường đi về bổn quốc, Lao Ðộ Sai xách đầu vua đi thấy hôi thối quá chừng, bèn vất xuống đường, đạp lên mà đi. Dân chúng thấy vậy họ nguyền rủa: “Ông là kẻ bất lương, là phường lang sói ác độc, không dùng thì xin làm chi, giờ lại vất bỏ.” Rồi họ nói với nhau, không giúp đỡ đồ ăn, nước uống chi cho hắn.
Nhịn đói những ngày qua đã ngất xỉu, nửa đường gặp được người quen, Lao Ðộ Sai hỏi thăm vua Tỳ Ma Tư La như thế nào, người ấy đáp:
- Nghe tin ông xin được đầu vua, nên mừng quá mà vỡ tim chết rồi.
Một nỗi buồn vô hạn, bức đầu rứt tóc, vì sẽ không được vợ và mất ngôi vị vua, tức quá nên ông ta cũng vỡ tim chết luôn. Gieo ác gặp ác. Cả hai vua tôi đều phải gánh lấy quả báo hiện tiền và rơi vào địa ngục A Tỳ.
Ðến đây, Ðức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Này A Nan, chính vua Ðàn Bà La Tỳ thuở ấy là tiền thân của Ta. Vua Tỳ Ma Tư Na nay chính là Ma Ba Tuần. Lao Ðộ Sai là ông Ðiều Ðạt (Ðề Bà Ðạt Ða) bây giờ. Thần cây là Mục Kiền Liên. Và quan đại thần Ma Chiên Ðà chính là Xá Lợi Phất. Thuở ấy Xá Lợi Phất còn không nỡ thấy Ta chết mất đầu, nên ông cũng tự mình chết trước, huống nữa là bây giờ Xá Lợi Phất đã chứng đắc A La Hán, trí tuệ cao siêu.
Giới Ðức
“Ở đời ai nghèo đến nỗi không có thân. Thấy người làm việc thiện, tự mình giúp, như vậy cũng gọi là thí chủ, cũng được phước đức”.