Truyện Cổ Phật Giáo
Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập
---o0o---
Phần 03: 11/ Lòng ích kỷ quá độ 12/ Của tuy đất cát lòng con kính thành 13/ Gần Phật và xa Phật 14/ Một cuộc chiến thắng vinh dự 15/ Quả báo của lời nói, hành động đâm thọc ly gián |
Lòng ích kỉ quá độ
Ngày xưa có một thủy quái tên Makara vô cùng ích kỉ, vô cùng tự phụ và cũng vô cùng tàn bạo.
Tưởng chừng cả thế giới phải tiêu diệt, thì lòng khát vọng của nó mới thỏa mãn. Mỗi bữa ăn, nó ăn hết số cá mà một chiếc mành phải làm trong một ngày. Các loài thủy tộc, từ lớn đến bé đều lạ lùng, hoảng hốt, hãi hùng, bởi vì nó ăn tất cả, không chừa một con nào. Nhưng dĩ nhiên là trừ nó ra.
Ðứng trước cảnh tượng diệt vong, loài thủy tộc phải làm thế nào, biết tìm đâu một chỗ trốn tránh: Ở dưới nước, hay đáy bể, cũng như trên đất bằng không có lấy một chỗ, có một đôi con mọc cánh bởi vì nó sắp biến hóa thành chim, chúng nó hy vọng được cất cánh. Nhưng vừa vọt ra khỏi mặt nước, đâu lại vào đấy, nó rơi vào bể cả. Con thủy quái, khoái lạc nhìn con mồi, và chế nhạo trước mưu mô ngu ngốc của đồng loại. Loài cá, dù bơi hay lặn, lớn nhỏ đều bị nghiến ngấu. Con thủy quái ra chiều đắc ý, nhưng lòng dục vọng không đáy nó vẫn không thỏa mãn.
Không bao giờ nó có ý nghĩ rằng mình rồi cũng có ngày bị ăn thịt. Phải, vì còn ai mạnh khỏe, hung tợn, kiêu ngạo bằng nó? Loài cá càng làm cho nó tin rằng mình là đúng?
Nhưng loài cá, con thì bị ăn thịt, con thì chạy trốn, nên trong bể thưa thớt dần. Vật thực càng hiếm hoi, càng khó kiếm, và khi nhai những con cá nhỏ xíu dưới hàm răng to tướng của mình nó tức điên lên.
Makara nghiến và cắn lưỡi. Giận dữ, có giật mạnh cái đuôi vĩ đại bằng phẳng và cứng rắn như một tấm ván.
Nó quật lung tung nhưng không có tăm hơi một con cá nhỏ nào trong vùng nước nổi sóng. Nó ngạc nhiên, thất vọng và bực tức vật thực đã hết mà cơn đói lại càng hoành hành mãng liệt. Biết làm sao bây giờ? Nó bơi lội, sục sạo khắp nơi. Bỗng nhiên nó nghe bốc lên một mùi quen thuộc, mùi khuyến rũ của loài cá, mùi ấy nếu không bốc lên từ người nó thì còn từ đâu nữa?
Tình trạng giống như con hươu chạy đuổi kiệt sức theo mùi xạ từ cổ nó tiết ra.
Con Makara lúc thì lặn xuống đáy bể, lúc thì nổi lên mặt nước. Cái mùi thơm ngon từ mình nó lại theo nó mãi. Trong cơn ngạc nhiên và bị kích thích, nó cắn nghiến lấy thịt mình. Mộ cảm giác vừa đau đớn vừa hoan lạc nổi lên. Nó nhắm nhía lấy máu mình và nó không thể dừng được nữa. Cứ như thế, nó ăn cho đỡ đói, và nó “đã lăn mình vào đau khổ để quên đau”. Ðến lượt biển cả lại ăn thịt nó, và cái gì còn sót lại, thì đó là vang bóng của lòng kiêu ngạo của nó, và lòng ám ảnh hãi hùng của bầy cá đang sợ sệt dìu dắt nhau trở về.
Toàn Siêu
“Như sét do sắt sinh ra rồi trở lại ăn sắt, ác nghiệt do con người gây ra rồi trở lại dắt con người đi vào cõi ác.”
Của tuy đất cát lòng con kính thành
Hôm ấy nghỉ học, sáu đứa bé cả trai lẫn gái thân hình cũng như trạc tuổi xấp xỉ ngang nhau, chúng rủ nhau lại trong chiếc sân rộng mát trước nhà em Lệ Xa, con của ông bà Ðăng Quang, một gia đinh lễ giáo rất sùng thượng để chơi trò chơi mà mấy hôm nay chúng không chơi được vì mưa lạnh. Không biết trò chơi này ai bày ra và đâu truyền đến mà đứa bé Ấn Ðộ nào cũng biết và rất thích chơi, nhất là những lúc có mặt độ năm bảy đứa.
Sau phút họp mặt chúng liền phân phối công việc để sắm sửa cuộc chơi. Mấy em gái thì đi chợ và nấu cơm, mấy em trai xây nhà và chưng dọn.
Nguyên liệu làm nhà là những viên gạch bé, những tấm ván thừa. Nhà thì có nhà song không ở và làm gì trong nhà được cả. Bông hoa, đồ dùng đều phải chưng dọn bên ngoài. Chợ chúng là hàng rào râm bụt, hoa đỏ lá xanh là những thức ăn ngon lành dể mua. Gạo thì có sẵn bên hè nhà chỉ còn xúc nấu: Ấy là cát. Tuy nhiên, Li Tơ em bé gái phụ trách nấu cơm vẫn giả bộ bem hem, buốc huốc chum hum thổi phò qua những khe củi không bao giờ cháy vì tươi xanh và không có lửa, thức ăn thì không cần nấu, sau khi mua về chúng ngắt vụn và cứa nhỏ vào bát đĩa là xong, nói bát đĩa cho oai chứ toàn là những miếng mảnh sành, nắp hộp và khu chén. Còn đũa thì rất sẵn ở bờ đậu chúng tự bẻ lấy.
Hí hoáy, chạy ngược chạy xuôi la thúc hối trong chốc lát thì tất cả đâu vào đấy: Thức ăn đều được sắp lên bàn, ố thật là giản dị chỉ là cái đòn, có nải chuối tráng miệng, không biết chúng tạo đâu ra hay lượm trong thùng rác của chị bếp.
Bày biện xong xuôi, chúng mời nhau lại để khai mạc buổi tiệc. Ðang xúm vít vây quanh chiếc bàn thấp lè tè thì bỗng nhiên đôi mắt tròn xoe của Lệ Xa hướng về những người đức hạnh trong những bộ áo cà sa vàng nghiêm trang vượt qua hàng cây trước bờ rào, rồi tất cả lũ trẻ quay mặt nhìn theo… Bữa tiệc chưa bắt đầu nhưng đã bị gián đoạn vì đoàn người kia khoan thai, im lặng bước vào cổng. Lệ Xa liền rời khỏi bàn ăn chạy ngay đến trước Ðức Phật chắp tay vái chào và kính thưa:
- Thưa Ngài, thầy mẹ con hôm nay có việc phải qua làng bên cạnh.
- Tốt lắm! Thôi con trở vào chơi với bạn, Ðức Phật bảo Lệ Xa.
Ngần ngừ không lui bước, Lệ Xa tỏ vẻ vì không có gì để cúng dường, mọi hôm, vào giờ này khi Phật và Chư Tăng đi ngang là cha mẹ Lệ Xa thường hay dâng cúng vật thực.
Ðoán biết em bé Lệ Xa muốn thưa thỉnh điều chi nên Ngài chưa đi vội.
Bỗng Lệ Xa nhanh nhẩu về phía bạn nhanh tay bưng ngay bát cơm to nhất trên bàn đem dâng cúng Phật với đôi tay tín thành kính cẩn.
Các đệ tử đứng sau đều lấy làm lạ, xầm xì và hỏi nhau về thứ lễ vật lạ kỳ mà em bé đang dâng cúng. Chính lũ trẻ, bạn của Lệ Xa cũng không hiểu Lệ Xa đang làm gì và rất lo ngại cho nó…
Ðỡ lấy bát, Ðức Phật nói với giọng trong thanh, hiền dịu: “Của tuy đất cát, lòng con kính thành. Như Lai nhận cho con”.
Ðoạn Ngài trao bát cơm ấy cho Tôn giả A Nan, dặn đem về vãi lên nền nhà Ngài ở. Nhìn khắp các đệ tử, Ngài dạy thêm:
- Em bé này có tâm hoan hỷ cúng dường, nhờ công đức ấy một trăm năm sau sau khi Như Lai nhập diệt, em bé sẽ làm vị Quốc Vương tên là A Dục. Vị lãnh tụ này sẽ là một người hộ pháp đắc lực, rất tôn sùng Tam bảo, biết phân chia Xá Lợi, xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp để tôn thờ, biết đem Chánh Pháp áp dụng trong công việc trị dân, giúp nước, tiếng tăm lừng lẫy…
Tôn giả A Nan lại ngạc nhiên hơn nữa liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn em bé này chỉ cúng dường chút ít đất cát mà sao lại được phước báu nhiều như thế, nhất là được nhân duyên xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp để cúng dường Xá Lợi?
Ðức Phật ôn tồn giải đáp:
- Này A Nan và tất cả đại chúng. Không phải chỉ trong kiếp này mà ở một tiền kiếp xa xưa em bé đã là một vị Quốc Vương tên Ba Tắc Bỳ luôn luôn được cúng dường Ðức Phật Phất Sa, và nghĩ đến nhân dân chưa có dịp được chiêm ngưỡng đức tướng trang nghiêm của Ðấng Giác ngộ, người đã mời rất nhiều họa sĩ vẽ tám vạn bốn ngàn bức tượng để lưu truyền khắp mọi nơi. Nhờ công đức ấy cộng thêm việc đang làm trong hiện tại mà sau này em bé sẽ được vô lượng phước báu và nhất là đước có nhân duyên xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp để tôn thờ Xá Lợi.
Nghe đến đây Tôn giả A Nan và toàn thể đại chúng mới hết nghi ngờ.
Riêng về Lệ Xa thì em sung sướng và thỏa mãn vô hạn vì đã được Ðức Phật tiếp nhận lễ vật và tự tay em làm ra dâng cúng.
Lũ trẻ nãy giờ đứng xa nhìn lại, bây giờ sau khi nghe, thấy và nhận biết lòng thương bao la rộng rãi của Ðức Phật chúng rủ nhau đi gần lại và vây quanh Ngài.
Giờ đã gần hết, Ðức Phật và các đệ tử phải tiếp tục đi hóa trai. Trước khi ra đi, một lần nữa Ngài rờ đầu và chú nguyện cho Lệ Xa thường được sức khoẻ, học tập tiến bộ và Ngài dặn thêm lũ trẻ:
- Các con chơi với nhau cho hòa thuận, vui vẻ nhé!
Ðoàn người thanh tịnh khuất lần trong ngả xóm, nhưng lũ trẻ mải nhìn theo không chớp mắt.
Ðại Chí
“Tam Bảo là ruộng phước phì nhiêu cho chúng sanh gieo giống.”
Gần Phật và xa Phật
Một thời Ðức Phật ở nước Xá Vệ, tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn thuyết pháp cho Chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân học Tỳ kheo muốn yết kiến Ðức Phật. Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời tiết hạn hán, nên suối hồ đều cạn. Hai người đi ngang qua, bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ thì bị đầy những trùng, không thể uống được.
Hai người mới bàn với nhau rằng:
“Chúng ta từ xa lại, cốt trông mong chiêm ngưỡng Ðức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”.
Mội người nói rằng:
- Thôi ta hãy tạm uống để khỏi chết có vậy mới gặp được Phật và lại ta uống cũng không ai biết cả.
Người kia đáp rằng:
- Giới luật Ðức Phật chế ra, lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sanh để tự sống thì dù thấy Ðức Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà được sống.
Người đầu theo ý riêng của mình uống nước đỡ khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nhưng được sanh lên cõi trời Ðao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết mình ở kiếp trước nhờ giữ giới nên được sanh thiên, thật là do lòng tin mạnh nên phước báu chẳng xa vậy. Nghĩ như thế, bèn đem hương hoa đến lễ Phật rồi đứng hầu một bên.
Còn người uống nước, phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đầng Chí Tôn oai nghiêm, người liền cúi đầu đảnh lễ khóc lóc bạch Phật rằng:
- Con còn một người bạn muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong Ðức Thế Tôn biết cho.
Ðức Phật trả lời:
- Ta đã rõ rồi.
Liền lấy tay chỉ Tiên nhân đứng hầu một bên mà nói rằng:
- Người Tiên nhân này chính là người bạn của ngươi đó. Người này nhờ giữ trọn giới luật nên được sanh lên cõi Trời và được gặp ta trước ngươi.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn chỉ tay vào ngực người kia và bảo rằng:
- Ngươi tuy thấy hình ta mà không giữ giới luật của ta, thì tuy ngươi thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa ta ngàn vạn dặm, nhưng giữ giới luật thì người ấy tất đứng trước mặt ta.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:
Học nhiều lại nghe nhiều,
Hai đời được ngợi khen.
Học ít lại nghe ít,
Hai đời bị đau khổ.
Phàm học nên nghe nhiều,
Dầu gặp nhiều tai nan.
Trì giới chẳng tái phạm,
Sở nguyện được thành tựu.
Giữ giới không chu toàn,
Sở nguyện bị tán mất.
Xét lý nhận yếu nghĩa,
Không gì đáng can ngại.
Lúc bấy giờ vị Tỳ kheo nghe bài kệ xong bèn tự xấu hổ, cúi đầu xin sám hối, yên lặng suy nghĩ lời Phật dạy. Còn vị Tiên nhân sanh tâm hoan hỷ, chứng được Pháp nhãn, trong chúng hội hoan hỷ phụng hành.
Minh Châu
“Giới luật là thầy của các ngươi.
Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp.
Giới luật còn Phật Pháp còn.”
Một cuộc chiến thắng vinh dự
Trong Ấn Ðộ Dương, cách chừng hàng chục dặm về phía nam bờ biển Ấn Ðộ, có một hòn đảo khổng lồ. Ðó là đảo Tích Lan. Người ta gọi là đảo SinhGaLa (Singhaladvipa) vì người chinh phục đảo ấy là anh hùng SinhGaLa.
SinhGaLa là con trai một người lái buôn giàu có. Chàng rất được nuông chiều. Cha chàng thì trông mong chàng ngày sau trở thành một người sung sướng, sống yên thân trong đống tiền của lớn lao, nhưng mộng của chàng lại khác. Chàng thích phiêu lưu, thám du đến những đất nước xa xôi. Bể khơi sóng gió và chân trời mới lạ thúc dục chàng SinhGaLa khẩn khoản nhiều phen mới xin được cha vượt bể cả cùng với một đoàn lái buôn hơn năm trăm người.
Ðoàn thuyền tiến về hướng Nam định sẽ ghé lại miền đất nào mà họ trông thấy trước nhất. Bỗng một chiều kia, một trận bão nổi lên dữ dội và đoàn thuyền bị sóng đánh tan từng mảnh. Trong tai nạn khủng khiếp này, một số người may mắn bám được vào các mảnh ván thuyền và trôi được vào bờ. Trong số này, có chàng thanh niên SinhGaLa.
Một đoàn thiếu nữ ra tận bờ biển đón tiếp họ rất nồng hậu. Mỗi ngườì đàn ông được mời về một nhà riêng, ở đó có một thiếu nữ chăm lo săn sóc ân cần, âu yếm như đối với người thân yêu nhất. Các thiếu nữ tha thiết mời họ mãi mãi ở lại đây. Những ngày đầu, những người đàn ông bị nạn đều lo an dưỡng cho lại sức và lúc thảnh thơi là lúc tâm trí họ hướng về quê hương, gia đình mà họ không biết bao giờ gặp lại. Nhưng rồi thời gian đã đổi thay lòng họ. Họ thấy quen lần với cây cỏ nước non, với sự thân mật quyến rũ của các người đàn bà đẹp. Họ chịu thay những bộ áo cũ để khoác những chiếc áo choàng bằng lụa mới, bắt dầu đòi hỏi những món ăn ngon rồi dần dà họ sống chung thành gia đình với những người đàn bà đến đón tiếp họ trong những cuộc vui say đắm. Tháng ngày lần qua, lần qua, nhiều cặp vợ chồng đã sinh hạ con cái.
Trong cảnh sống mới này, mọi việc đều do đàn bà đảm đương. Các người đàn ông được nghỉ ngơi dạo chơi thỏa thích. Nhưng có một điều là họ không được xuống hướng Nam. Sự cấm đoán này đem lại cho SinhGaLa, chàng thanh niên dũng cảm, nhiều nỗi nghi ngờ. Chàng quyết tâm tìm hiểu sự bí mật của những người đàn bà kỳ dị này.
Một đêm kia, SinhGaLa, chờ lúc vợ ngủ say, lén dậy và cặp chặt thanh gươm bên mình rồi đi thẳng về phía Nam. Chẳng mấy chốc, chàng thấy trước mặt bức thành kín không có cửa ra vào. Ðây là đâu? Người ta cất giấu cái gì trong này? Chàng đến gần và lắng tai nghe. Có tiếng văng vẳng từ trong phát ra. Nhanh trí SinhGaLa leo lên một cây mọc trên bờ thành nhìn vào.
Cảnh tượng thật là ghê rợn. Hơn trăm người ốm yếu, đói khát đang quằn quại bên cạnh những đống xương trắng chồng chất. Một mùi tanh hôi hắt ra kinh tởm. SinhGaLa giữ được bình tĩnh hỏi chuyện các người còn sống. Chàng mới biết rằng đây là một toán lái buôn Ấn Ðộ bị đắm tàu trôi dạt vào đảo này trước khi đoàn người cùng đi với chàng đến nơi này. Trước đây bọn đàn bà, cũng đã đón tiếp họ, nhận họ làm chồng để rồi khi có một số người khác đắm thuyền trôi dạt đến, bọn đàn bà đem nhốt họ tại đây, làm đồ ăn cho chúng. Họ sẽ lần hồi bị giết chết như những người bạn xấu số của họ mấy ngày vừa qua. Và rồi cũng sẽ đến đoàn lái buôn của SinhGaLa chịu cái số phận làm mồi cho bọn yêu tinh tàn ác dâm dục này.
SinhGaLa không lấy gì làm ngạc nhiên vì chàng đã đoán thấy cái quyến rũ gian trá của người đàn bà làm vợ chàng. Chàng nắm chặt thanh kiếm lại. Rồi chàng hỏi các người kia thử họ có biết cách gì để thoát khỏi nơi này không.
Có người trả lời:
- Mỗi năm, đến một ngày nhất định, có một con ngựa trắng, bay được, từ trên trời hạ xuống đảo này. Nó sẽ kêu lên ba lần.
“Ai về Ấn Ðộ sông Hằng,
Theo đây ta giúp vượt băng bể này”.
Người nào vững tâm theo bám chặt mình nó, sẽ trở về được quê hương, gia đình.
SinhGaLa hỏi lại:
- Thế tại sao các anh không nắm cơ hội trên để thoát khỏi nơi nguy hiểm này?
- Trời ơi! Chỉ vì chúng tôi bị mê đắm. Những lời thân mật, những cử chỉ vuốt ve của bọn đàn bà kia làm chúng tôi bỏ lỡ mất cơ hội rồi. Ðến phút này, chúng tôi chỉ còn một lời cuối cùng là chúc các anh may mắn can đảm trở về nước Ấn Ðộ yêu quí của chúng ta và nhắn chung với các người sau chúng ta hãy đừng mê đắm mà thiệt hại cả một đời.
Từ trên cây tụt xuống, SinhGaLa trở về nhà trước khi người đàn bà vợ chàng thức dậy. Chàng làm ra vẻ tự nhiên như không có điều gì xảy ra, và giữ kín những bí mật đã biết được.
Ngày quan trọng đến rồi. Ngày ngựa thần hạ xuống đảo. Chàng họp các bạn bè mình lại, nói cho họ biết số phận đen tối của họ. Mọi người đều kinh hãi và khi ngựa thần mới vừa hạ xuống thì ai nấy đều nhanh chóng bám chặt vào thân mình ngựa khổng lồ để được bay về xứ sở.
Ngựa đã bay lên cao và sắp vượt bể cả. Lúc bấy giờ bọn yêu tinh mới hay biết. Chúng nhờ phép lạ mà đuổi theo kịp ngựa BaLaHa. Mỗi con yêu bồng trên tay đứa bé mới sinh và đem hết những lời nói đường mật, những cử chỉ ái ân để quyến rũ chồng nó trở lại. Chúng đã đạt được kết quả. Từng người, từng người đàn ông mê hồn, buông tay ra và rơi vào trong lòng bọn quỉ đàn bà dâm dục ấy. Cuối cùng chỉ còn một mình SinhGaLa, người thanh niên can đảm, cương quyết đến nỗi không có gì lay chuyển nổi, bám chặt cổ ngựa thần và trở về được yên ổn, đáp xuống nước Ấn Ðộ, quê hương của chàng.
Về phần bọn nữ quái khi trở về đảo, chúng tỏ vẻ giận dữ với con yêu chúa bất lực đã không làm lay chuyển được lòng dạ SinhGaLa. Chúng trục xuất yêu chúa ra khỏi đảo cho đến khi nào con này đem được SinhGaLa trở lại.
Yêu chúa biến thành một người đàn bà đẹp, lộng lẫy vô cùng trong bộ áo lụa mỏng. Nó mang cả con nó theo vào đến tận nhà SinhGaLa. Nó tìm đến ông bà phú thương, thân sinh của SinhGaLa, tự xưng là công chúa một nước ở phương Nam. Rồi nó chỉ đến đứa bé rồi trách SinhGaLa đã bỏ mẹ con nó sau những năm ân ái nồng thắm, để cho nó phải lặn lội nhiều ngày mới ra được đến đây. Ông bà phú thương vừa cảm động cho tình nghĩa con dâu, vừa sung sướng được trông thấy cháu trai mập mạp kháu khỉnh nên lưu cả hai mẹ con lại và hứa sẽ bắt buộc SinhGaLa thuận tình hòa hợp. Ông lão nói với chàng:
- Con ơi! Con nỡ từ bỏ người con gái con một vị Quốc vương và đứa bé này hay sao? Mẹ con chúng nó là những kẻ đáng thương. Hãy rộng lượng mà tha thứ cho chúng nó nếu có gì mà con không bằng lòng.
SinhGaLa thấy cần trình bày cho cha mẹ mình rõ tung tích bọn đàn bà này:
- Thưa cha, người đàn bà này không phải là một công chúa, chính nó là một con yêu tinh ghê tởm.
- Con ạ! Không nên nghĩ như thế cho riêng nó. Phần nhiều đàn bà là yêu tinh. Hãy tha thứ.
- Không thể được! Thưa cha, con cương quyết rồi. Nếu không con đã mãi mãi cách biệt cha mẹ và quê hương như những người đã đi theo con. Giờ đây chỉ có hai cách, hoặc là cha mẹ giữ nó lại đây để con đi chỗ khác, hoặc là con ở đây và đuổi nó ra khỏi nhà này.
Thấy con một mực cương quyết, ông bà phú thương đành phải mời nàng công chúa giả mạo đi khỏi nhà mình. Cùng kế, con yêu tinh vào triều đình, kiện SinhGaLa với Ðức vua. Cố nhiên là việc nàng không thể làm SinhGaLa thay đổi ý định của chàng được, nhưng mang lại một điều tai họa, ấy là chuyện ông vua phải lòng người đàn bà đội lốt công chúa. Vua nói với SinhGaLa:
- Hỡi chàng thanh niên! Nếu chàng không thích, chàng hãy nhường nó lại cho ta.
SinhGaLa tâu rằng:
- Xin Ðức vua hãy suy nghĩ lại. Tôi không thể nhận người đàn bà này và tôi cũng không có quyền nhường nó cho ai cả.
Từ sau khi vụ kiện này, con yêu tinh đã thâu nhận được lòng ái mộ của Nhà vua. Sắc đẹp mê hồn và những hành động quyến rũ của nó càng làm cho nhà vua ngây ngất, cho đến một hôm nó hoàn toàn làm chủ được tinh thần của Ðức vua.
Rồi đêm đến, dùng tà thuật, nó bắt mọi người trong cung lăn ra ngủ mê man. Nhanh như chớp nó bay về tìm các chị em nó và thúc giục:
- Hãy nhanh lên! Ta mất một SinhGaLa nhưng ta được trọn một cung vua. Nhanh lên, ai thèm máu tươi! Hãy theo ta!
Trong đêm tối, cả bầy yêu tinh hăm hở xuất hành với nguyên hình ghê sợ của chúng. Chúng đã hoành hành hết sức kinh tởm trên các thân người đang ngủ say.
Ðến sáng hôm sau, cửa cung vua vẫn đóng im ỉm. Người ta dồn lại nghẹt cả trên khúc đường vào cung điện. Các triều thần, các quan chức, các vị chỉ huy quân đội… Ðiềm chẳng lành truyền lan nhanh chóng và trên không trung, bầy quạ đen lượn qua lượn lại, kêu từng tràng tiếng dài rung rợn. SinhGaLa hiểu được công chuyện trước ai hết. Chàng bảo người bắc thang rồi leo nhanh vào thành, thanh gươm quý nắm chặt nơi tay. Chàng vung gươm xông vào giữa đám yêu tinh đang hối hả thanh toán bữa tiệc ngon của chúng. Cùng lúc ấy, quân lính ngoài thành cũng đã phá được cửa để vào trợ giúp SinhGaLa. Người ta thét lên vì căm giận cho sự tàn bạo của bầy yêu tinh. Bọn này hoảng hốt bay đi, đứa mang theo một cánh tay, đứa mang theo một cẳng chân người đang ăn dở. Không ai ngờ có sự tàn phá khốc hại trong cung vua như thế này, từ xưa nay. Ðức vua, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Cung phi, Mỹ nữ tất cả đều bị tàn sát.
Sau khi an táng thi hài Ðức vua và các người xấu số, triều thần lẫn dân chúng đều thấy mình lâm vào một tình trạng quẫn bách: Thiếu người đứng đầu quốc gia, thiếu vua: Ai sẽ đảm lên đảm nhận ngôi báu?
Mọi người đồng thanh:
- Trọng trách ấy phải dành cho kẻ thông minh nhất, can đảm nhất. Kẻ ấy, không ai xứng đáng hơn chàng thanh niên anh hùng SinhGaLa.
SinhGaLa từ chối vì chàng chưa có danh phận gì. Nhưng chàng chẳng đã chiến thắng bọn yêu tinh một cách rực rỡ hay sao? Chàng đã vững tâm không để sa mê vào lưới dục vọng hay sao? Ðến cuối cùng SinhGaLa nhận lời với điều kiện là mọi người hăng hái giúp chàng phá tan sào huyệt bọn yêu tinh dâm dục để báo thù cho những người bị giết, để giải phóng cho những kẻ hiện đang bị giam cầm. Toàn thể đều tán thành công cuộc thích đáng ấy.
Hôm SinhGaLa lên ngôi vua cũng là hôm chàng xuất quân. Ðội binh thuyền trương buồm tiến về phía Nam. Không có hy vọng đánh bọn yêu tinh vào lúc bất ngờ được, vì trên bãi bể chúng có dụng hai trụ cờ: trụ ngoài mé bãi báo tin mừng như tin có tàu chìm, trụ trên đồi cao phía trong bãi báo tin hung dữ như tin tấn công của chiến thuyền từ xa đến. Thành ra, muốn đánh chúng phải thật là tài giỏi và can đảm.
SinhGaLa đã tiến quân lên đảo. Bọn yêu quái đã chuẩn bị đối phó. Chúng hiện nguyên hình hung ác hòng đe dọa quân lính của SinhGaLa. Nhưng trái lại, chính bộ mặt yêu quái của chúng đã làm cho mọi binh sĩ phẫn uất thành ra họ càng thêm hăng hái mạnh mẽ. Vả lại cái quá khứ đầy tội ác của bọn chúng đã đưa chúng ngày hôm nay phải đền tội.
SinhGaLa thúc quân, oanh liệt chiến đấu, bọn yêu tinh túng thế, tan rã. Phần lớn đã bị tiêu diệt. Chỉ còn những đứa biết hối cải, nguyện từ bỏ cuộc sống tội lỗi để quay về đường lành được SinhGaLa ra lệnh tha thứ. Chàng khuyên chúng nên đi nơi khác để làm ăn lương thiện.
Từ độ ấy hòn đảo tên SinhGaLa tên của vị anh hùng đã chiến thắng bọn yêu tinh dâm dục. Vị anh hùng ấy là tiền thân Ðức Phật Thích Ca. Một vị đại từ bi nhưng không kém phần dũng mãnh…
Quảng Huệ
“Chẳng có sự thắng trận nào cao thượng bằng sự thắng trận Chánh pháp. Chẳng có sự bại trận nào đê hèn hơn sự bại trận giặc lòng.”
Quả báo của lời nói, hành động đâm thọc ly gián
Xưa có một vị Tỳ kheo tên Kondaahana kể từ khi vị này xuất gia, hễ thầy đi đâu thì sau lưng Thầy cũng có một người phụ nữ đi theo sau, riêng Thầy thì Thầy không biết gì cả, nhưng ai ai cũng đều thấy.
Khi đi khất thực, những thí chủ cúng dường để vào bát Thầy hai muỗng cơm, muỗng thứ nhất họ nói: Muỗng này là phần Thầy, và muỗng thứ nhì là phần cô bạn của Thầy.
Các vị Tỳ kheo thấy như vậy đinh ninh Thầy phạm giới Bất cọng trụ mới đi nói với Trưởng giả Cấp Cô Ðộc và yêu cầu ông đuổi Thầy Tỳ kheo Kondaahana ra khỏi chùa. Ông Trưởng giả không dám, chư Tỳ kheo cho bà tín nữ Visakha biết, bà cũng không dám. Các thầy mới vào chầu Ðức vua Ba Tư Nặc và thuật tự sự. Ðức vua nhận lời. Chiều lại vào chùa, vua cho quan quân bao vây chánh điện, còn vua thì lên điện, Thầy Kondaahana nghe ồn ào mới ra coi, thì vua thấy sau lưng Thầy có một người phụ nữ, riêng Thầy thì biết vua đến liền trở vào. Gặp Thầy vua không đảnh lễ, nhưng vua lại không thấy hình người phụ nữ lúc ở ngoài. Vua tìm trong kẹt cửa dưới gầm giường cũng không thấy, mới hỏi:
- Bạch Thầy, trẫm vừa trông thất một người phụ nữ ở tại đây, cô ấy đâu rồi?
- Tâu Ðại vương, bần đạo không thấy.
- Chính trẫm thấy một người phụ nữ đứng sau lưng Thầy.
Thầy Tỳ kheo vẫn quả quyết.
- Bần đạo không biết và không thấy.
Ðức vua nghĩ: “Chuyện này sao kỳ thế!”. Vua mới nói:
- Vậy xin Thầy hãy đi ra ngoài.
Khi Thầy đi thì lập tức có người phụ nữ theo sau lưng. Vua trông thấy rõ rồi, mới mời Thầy vào. Thầy trở vào và ngồi xuống.
Khi Thầy đi vào, vua trông chừng theo hình của người phụ nữ ấy, nhưng bỗng dưng lại biến mất. Vua lấy làm lạ mới hỏi:
- Bạch Thầy, còn người phụ nữ ấy đâu?
- Tâu Ðại vương, bần đạo chẳng thấy người phụ nữ nào cả.
- Xin Thầy thành thật nói cho trẫm rõ.
- Tâu Ðại vương, hàng Ðại chúng đều nói rằng có một người phụ nữ đi sau lưng bần đạo, mà bần đạo thì không thấy.
Vua mới nghĩ rằng đây là hình giả, nhưng hãy còn nghi nên lại phán rằng:
- Vậy xin mời Thầy đi khỏi chỗ này lần nữa.
Thầy ra đứng ngoài thì hình người phụ nữ lại hiện ra đứng sau lưng. Ðức vua hỏi Thầy vẫn trả lời như trước.
Vua mới nghĩ: “Quả thật là hình giả”, vua mới thưa rằng:
- Bạch Thầy, một khi đã có điều không được trong sạch thế này, thì không có ai trong sạch cúng dường cho Thầy, vậy từ đây Thầy cứ vào cung nội, trẫm xin cúng dường những vật dụng cho Thầy.
Các thầy Tỳ kheo mới nói với nhau rằng: Quý Thầy nghĩ xem nhà vua ương hèn thái quá, chúng ta đã mời vào để xem tình tệ như thế này lại không chịu đuổi Thầy Tỳ kheo phá giới ấy, mà còn mời vào cung để cúng dường. Rồi các thầy mới nói với Thầy Kondaahana rằng: “Này kẻ phá giới! Nhà vua cũng là kẻ hèn như ngươi vậy”.
Lúc trước thầy không có bằng cớ để đáp lại, nhưng bây giờ đã được nhà vua làm chứng nên liền trả lời rằng: “Các người là kẻ phá giới, các người là kẻ dẫn gái đi”. Các thầy Tỳ kheo mới đem chuyện ấy vào bạch với Ðức Thế Tôn.
Ðức Thế Tôn gọi Thầy vào hỏi:
- Thầy có mắng các Thầy Tỳ kheo kia không?
Thầy bạch:
- Bạch Thế Tôn, vì các Thầy ấy nói đệ tử.
Ðức Thế Tôn hỏi các Thầy kia:
- Tại sao các Thầy lại mắng Thầy Tỳ kheo này?
- Bạch Thế Tôn, vì chúng con thấy một cô phụ nữ đi theo sau lưng của Thầy Tỳ kheo này.
Ðức Thế Tôn mới phán hỏi Thầy Tỳ kheo Kondaahana rằng:
- Các Thầy Tỳ kheo này có thấy một người phụ nữ đi theo sau lưng ngươi, vậy tại sao ngươi lại không thấy, mà lại gây gỗ với các Thầy Tỳ kheo này. Quả này cũng do nơi nghiệp đê tiện của ngươi kiếp trước, vậy mà hiện nay tại sao ngươi cũng không bỏ tánh đê tiện ấy?
Lúc ấy các Thầy Tỳ kheo đồng bạch với Ðức Phật:
- Bạch Ðức Thế Tôn, thầy Kondaahana làm nghiệp thế nào trong quá khứ?
Ðức Thế Tôn mới dạy rằng:
- Trong thời kỳ Ðức Phật Ca Diếp, có hai vị Tỳ kheo yêu thương nhau chẳng khác nào anh em cùng một cha mẹ. Thời kỳ ấy, mỗi năm Chư Tăng hội làm lễ Phát Lồ một lần. Gần đến ngày Phát Lồ, hai thầy rủ nhau đi định đến nơi làm lễ phát Lồ.
- Lúc đi giữa đường, có một vị Chư Thiên ở cõi Trời Ðao Lợi thấy hai vị thương nhau mới nghĩ rằng: “Hai vị Tỳ kheo này rất thương yêu nhau, ta có thể chia rẽ được không?”.
Trong khi đang nghĩ kế chia rẽ, thì một trong hai thầy nói rằng:
- Xin Thầy vui lòng đợi tôi một chút, tôi cần đi sông.
Vị Chư Thiên mới đợi cho thầy Tỳ kheo ấy đi sông xong, khi từ trong bụi đi ra, vị này liền hóa ra một người phụ nữ một tay nắm lấy quần, một tay vén tóc làm như mới vừa ân ái với Thầy Tỳ kheo ấy xong. Vị Chư Thiên cố ý đợi cho Thầy Tỳ kheo kia thấy rồi mới biến mất.
Do đó, khi Thầy Tỳ kheo này đến thì vị kia liền nói:
- Thầy là người phá giới.
- Thưa Thầy đâu có!
Vừa rồi tôi thấy có một cô gái đi sau Thầy.
- Thưa Thầy chuyện này thật tôi không có.
Hai Thầy cãi nhau, kết cuộc hai Thầy chia đường nhau đi không bao giờ hợp nhau, vì không bằng lòng cùng nhau làm lễ Phát Lồ.
Vị Chư Thiên thấy kết quả tai hại như vậy mới nghĩ rằng: “Ta đã làm nên tội quá đáng lắm rồi”, liền hiện xuống nói:
- Giới đức của vị Tỳ kheo này vẫn trong sạch, đây là do nơi tôi muốn thử hai Ngài thôi. Xin hai Ngài cùng làm lễ Phát Lồ chung.
Chừng ấy, hai vị Tỳ kheo mới chịu nghe theo và hoan hỷ cùng nhau làm lễ Phát Lồ.
Vì nghiệp đê tiện ấy, sau khi chết, vị Chư Thiên mới bị đọa vào địa ngục A Tỳ, thời gian nhiều kiếp, đến nay mới sanh làm Kondaahana.
Khi nhắc tiền kiếp của Thầy Tỳ kheo Kondaahana xong, Ðức Thế Tôn mới phán rằng:
- Ngươi vì nghiệp đê tiện ấy nên mới có chuyện phi thường như hôm nay. Thế mà ngươi vẫn giữ tánh đê tiện ấy. Ngươi không nên nói tiếng gì với các Thầy Tỳ kheo. Ngươi phải nín lặng như người câm, khi ngươi làm được như thế mới mong hết nghiệp và chứng đạo quả…
Thông Kham
“Thánh hiền kiêng mọi lời nói vu khống. Nghe thấy điều gì, người cũng không nhắc lại để gây mối bất hòa giữa người này với người nọ. Bực hiền hòa giãi những người chia rẽ, kết chặt dây thân ái giữa người đồng tâm nhất chí. Bực hiền lấy sự hòa hợp của người khác làm sự vui thích của mình, coi đó là công việc là lạc thú của mình. Người chỉ nói những lời làm cho người hòa hợp.”