Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi lăm

14/10/201311:45(Xem: 11807)
Chương hai mươi lăm
coitroi2




Chương hai mươi lăm

Ngọn đèn từ trụ điện ở xa mút phía đầu đường hắt đến một luồng sáng trắng nhòa nhòa, không đủ soi con hẻm vắng. Một con chó vùng chạy ra xa rồi đứng lại sủa khi thấy tôi lầm lũi bước đi trong đêm. Gió khuya lùa nhẹ qua hẻm làm lao xao những giấy rác. Ngoài đường lộ chính cũng khá vắng. Xa xa có một chiếc xích lô chở khách chạy thật nhanh trong khi một chiếc khác thì uể oải chạy từ từ trên đường. Người phu xa bấm cái chuông nhỏ vài tiếng khi nhác thấy bóng tôi xuất hiện ở vùng có đèn sáng. Tôi cúi đầu bước đi, không buồn ra dấu trả lời.

Tôi không biết đi đâu. Cứ nhắm một đường thẳng trước mặt mà đi, đi mãi. Một cái gì rưng rức, rưng rức ở bờ tim tôi. Giống như một con đê bị tức nước sắp vỡ. Giống như một cơn ngứa cồn cào ở cổ họng bắt buộc phải ho. Hình như tôi muốn đến một chỗ nào thật vắng để có thể hét lên một tiếng thật to. Hoặc là tôi muốn một cái gì đó na ná như ao ước được điên. Vâng, sống ở thế giới này, tốt hơn hết là hãy điên. Ôi, tôi thèm điên biết bao. Cho tôi điên đi, cho tôi quên hết đi, những lý tưởng, những tính toan, những nghi kỵ oán hờn, những đau buồn mất mát, những con người, những giao tình thân sơ đậm nhạt...

Hết con đường này, tôi lại qua con đường khác, bước mãi, đi cho đến khi bất ngờ nhìn thấy chiếc tàu Tiền Giang lù lù bên bờ sông Bạch Đằng, tôi mới giật mình là dường như trong vô thức, chân tôi đã bước theo một vết tích quen thuộc nào đó.

Tôi tiếp tục lần dò men theo bờ sông trong khi trời vẫn chưa có dấu hiệu gì là mặt trời sắp mọc. Tôi đến ngay chỗ băng ghế đá mà tôi và Nam Phương cùng ngồi buổi sáng hôm qua. Dưới ánh đèn vàng từ trụ điện gần đó soi tới, tôi thấy một thằng bé dơ dáy, chừng mười ba tuổi, đang nằm co trên ấy. Nó đắp một tấm chăn ngắn lủng nhiều lỗ, kéo ngang tới ngực, trong khi phía dưới, một bàn chân đầy bụi đất của nó cũng ló ra khỏi chăn. Đầu tóc nó rồi bù, rít rắm, gối trên một đôi giày xăn-đan của người lớn rất quen thuộc mà tôi không nhớ rõ đã thấy từ đâu. Nó ngủ ngon lắm, không biết tôi đang đứng nhìn ngắm nó. Ôi, thằng bé sao vô tư dễ thương chi lạ! Có lẽ nó mồ côi, không cha không mẹ, không anh chị em, không cả những bạn bè thân thiết. Nó phải tự lo tìm sinh kế để sống qua ngày, một thân một mình chống chọi với cuộc đời đầy man trá hiểm ác để tồn tại, nhưng vẫn chưa đánh mất cái vẻ hồn nhiên tự tại. Ước chi tôi được là một thằng bé mồ côi lang thang như vầy. Tôi đứng nhìn nó một lúc thì một nỗi buồn nặng trịch đè nặng xuống tim. Nhìn quanh, những băng ghế đá khác đều có người nằm hoặc một vài cái bao hành lý gì của ai đặt trên ấy. Tôi thèm được nằm xuống bên sông này, nhìn lên trời cao. Tôi đứng dựa vào lan can sắt chạy dọc bờ sông khá gần băng đá. Thằng bé cục cựa trở mình rồi bỗng chớp mắt nhìn thấy tôi, nó giật mình ngồi vùng dậy, một tay chộp lấy đôi giày xăn-đan, một tay cuốn nhanh cái mền nhỏ làm một nùi dưới nách. Thấy tôi chỉ đứng im chứ không có dấu hiệu gì là hành hung nó, nó yên tâm ngồi lại, ngó quanh một lúc. Tôi giơ một bàn tay lên, chào nó:

“Em ơi, em tên gì vậy?”

Thằng bé lại ngó quanh một lúc để xác định lại là tôi hỏi nó hay ai khác. Thấy tôi chỉ hướng về nó, nó đáp giọng nhỏ nhẹ:

“Em tên Rơi. Anh là ai vậy?”

“Anh tên Khang.”

“Anh là công an hả?”

“Không, không phải.”

“Anh đến đây tập thể dục hả?”

“Không, anh chỉ muốn... nằm nơi băng đá mà em đang ngồi. Em có thể trao đổi với anh không?”

“Trao đổi cái gì?”

Tôi thọc tay vào túi quần, móc ra mấy cái bì thư mà Tửu vừa nhét vào cho tôi khi nãy. Tôi bước tới một bước. Thằng bé có vẻ sợ hãi, đứng dậy như muốn đề phòng và chuẩn bị bỏ chạy. Tôi đứng im để nó yên tâm rồi đưa mấy cái bì thư, nói:

“Em nhường cho anh cái băng đá chừng một vài tiếng đồng hồ thôi, anh cho em mấy cái này.”

“Cái gì vậy?” thằng bé vừa ngạc nhiên vừa nhớm người tới, hỏi. “Ô, tiền. Nhiều quá vậy. Thôi... anh cứ nằm đây đi, em chạy chỗ khác được mà, không cần lấy tiền đâu.”

Tôi bước đến xoa đầu nó, nói:

“Cầm đi, anh cho em đó. Coi chừng người ta giựt nghe.”

Thằng bé run run đón lấy một trong ba cái bì, nửa tin nửa nghi, rồi bỗng thụt tay lại, nói:

“Hôm qua đói quá em không có tiền nên mới ăn cắp đôi giày của anh để bán mà chưa bán được. Bây giờ em trả lại cho anh nè, anh đừng bắt em nghe.”

Tôi cười, vỗ vai nó, cố gắng làm cho nó tin:

“Không, cho em đó. Cả tiền này nữa, cầm lấy rồi đi đâu thì đi, anh không nhìn theo, không bước theo em đâu. Anh chỉ muốn nằm ở đây.”

Tôi dúi nhanh mấy bì thư vào lưng quần nó, rồi không chờ nó kịp phản ứng gì, bước đến băng đá, nằm xuống. Thằng bé cứ đứng mãi ở đó, nhìn tôi, không chịu đi.

“Đi đi, em hứa tìm chỗ khác để ngủ rồi mà.”

Thằng bé không nói gì. Đứng một lúc bên cạnh băng đá rồi bỗng bật khóc. Tôi vẫn nằm im, không nhìn nó. Chỉ nghe tiếng thút thít rất tội nghiệp. Tiếng khóc nghẹn ngào và sung sướng như thể đã lâu lắm nó mới được bật trào ra như vậy. Ôi, ai cũng khóc được một cách dễ dàng, sung sướng, sao tôi lại chẳng khóc được nhỉ!

Hình như thằng bé ngồi bệt xuống đất gần đó, không chịu đi.

“Sao anh tốt với em vậy?” nó vừa hỏi rồi vừa lật mấy bao thư ra nhìn hay đếm, nghe tiếng giấy sột soạt.

Tôi im, không nói.

“Anh ơi, anh biết không, sáng mai em lấy tiền này đi mua một cái thùng gỗ, rồi mua thuốc lá, mua vé số, để đi bán dạo. Em có vốn rồi thì không sợ đói nữa. Em cám ơn anh lắm. Hôm qua em ăn cắp giày của anh mà anh không ghét em hả? Bộ anh biết em hay ngủ ở đây hả? Nhà anh ở đâu vậy? Sao anh không nói gì với em hết? Anh có muốn đắp mền cho đỡ lạnh không? Sao anh buồn quá vậy?”

Tôi nhắm mắt, tiếp tục im lặng. Vừa thấy mệt, vừa thấy như có một cái gì nghẹn tức sắp òa vỡ ra từ lồng ngực.

Thằng bé đứng dậy, rục rịch làm gì đó rồi se sẽ bước đi, vừa nói với giọng rụt rè ái ngại:

“Em cám ơn anh, cám ơn anh nhiều lắm. Em đi đây nghe, để anh ngủ.”

Tôi đan hai tay gối đầu, mở mắt nhìn trời. Lâu lắm tôi mới được giây phút tự do như vầy. Bầu trời quang mây, lấp lánh ánh ngàn sao. Giữa rừng sao chằng chịt đan kết thành từng tụm như đua nhau tỏa chiếu khắp nền trời đen kịt, tôi chú ý hai ngôi sao nhỏ bé đứng cạnh nhau đang chớp nhè nhẹ như đôi mắt long lanh của ai đó nhìn tôi e ấp, buồn bã, muốn nói một điều gì mà không nên lời. Chúng làm rung cả lòng tôi một lúc. Và bất chợt, tôi thấy những giọt lệ rơi xuống từ đôi mắt ấy, hay chính đôi mắt ấy đã rơi xuống khỏi nền trời cao thẳm, rơi vào mắt tôi. Mắt tôi bỗng nhòa đi, và từng hàng lệ nóng tuôn chảy, tuôn chảy, rơi ngang hai vành tai tôi. Nước mắt tôi đã rơi từng hàng, từng dòng, cơ hồ bất tận, nhưng chúng rơi câm lặng, không kéo được nỗi đau khổ ra khỏi tim tôi. Và cho đến lúc này, tôi vẫn biết tôi vẫn chưa thực sự khóc. Khối chì đè nặng nơi ngực vẫn còn trơ ra đó, nghẹn cứng, khiến tôi như khó thở.

Tôi nằm đó nhìn những vì sao cho đến khi chúng mất dạng trên nền trời sáng dần với màu hồng tía của bình minh và khi tiếng loa phóng thanh tập thể dục phát ra từ một góc nào đó. Tiếng hô của anh huấn luyện viên thể dục làm tôi rùng mình thoáng nhớ lại những ngày chân còn bị cùm ở trại K4. Tôi mỉm cười nhìn lại mình. Tôi ý thức được tôi đang tự do. Tôi ngồi dậy, nhìn quanh. Một nhóm người Hoa đang tập Thái cực quyền. Vài anh cán bộ thực hiện nếp sống văn minh, chạy tại chỗ ở khoảng trống đưa xuống bến phà. Mặt trời hừng đỏ ở phương đông. Tôi đứng dậy, tiếp tục lang thang trên hè phố, đi về hướng đường Trần Hưng Đạo. Đoạn đường này sẽ đi ngang Sở công an thành phố. Hai ngày trước tôi còn e ngại, sợ bị công an bắt lại, nhưng bây giờ, tôi mặc kệ. Tôi cứ đi ngang đó, để đến nhà Nam Phương.

“Anh Khang! Ô, anh đến bất ngờ quá. Anh đi bằng gì vậy?” Nam Phương hé mặt nơi cửa sắt vừa reo lên, rồi vội mở khóa, kéo cửa cho tôi lách vào.

“Anh đi bộ hả! Từ đâu? Từ nhà anh Cường à?”

Tôi gật đầu.

“Trời đất! Sao anh không mượn xe đạp mà đi cho khỏe, hay là kêu xích lô đến đây rồi em trả tiền. Khổ thân anh chưa! Chắc anh chưa ăn sáng đâu hả?”

“Không, không ăn đâu. Anh muốn ngủ, anh muốn được nằm một mình. Anh mệt lắm.”

“Được rồi, được rồi. Anh nghỉ trên lầu há, cũng phòng bữa trước em dọn cho anh. Đi với em.”

Nàng bước đi trước, nhanh chóng dọn sơ chỗ nằm cho tôi. Khi nàng ra dấu đã xong, tôi bước vào phòng, leo lên giường, nằm xuống ngay. Nàng bước ra khép nhẹ cửa, nhưng rồi chỉ một chốc lát, nàng lại vào, đem theo một cái chăn mỏng, đắp cho tôi. Tôi nhắm mắt nằm im để nàng làm công việc chăm sóc đó. Rồi nàng bước ra với cảnh cửa khép lại thật cẩn trọng. Tôi chỉ nằm một lúc ngắn thì ngủ say, không biết gì nữa.

Khi thức dậy, tôi thấy trong người nhẹ hẫng, khỏe khoắn; tinh thần thì phấn chấn, sảng khoái lạ lùng. Tôi không biết lúc này là mấy giờ. Chỉ thấy nắng bên ngoài luồn qua khe cửa sổ có vẻ sáng chóa. Tôi bước đến cửa sổ, đẩy nhẹ hai cánh ra. Nắng ập vào phòng bồng bềnh lung linh như reo múa quanh tôi. Bầu trời xanh ngát ở xa làm sân chơi cho những cụm mây nhỏ nghịch ngợm rượt đuổi nhau, từ góc này đến góc kia. Thấp phía dưới tầm nhìn của cửa sổ là sân chơi của một trường mẫu giáo với mấy cái xích đu còn đong đưa kẽo kẹt trong khi bầy trẻ đã vào lớp tập đánh vần ê a. Tôi cơ hồ quên khuấy đi mọi thứ trong giây lát và trở thành một con người mới, yêu đời, hân hoan, vui phơi phới trong lòng.

Có tiếng gõ cửa nhẹ nhẹ của Nam Phương, tôi quay người lại, thì nàng đã hé cánh cửa, ló đầu nhìn vào.

“Anh thức rồi hả? Em nghe tiếng cửa sổ mở ra,” nàng vừa nói vừa bước vào, thu dọn chăn gối.

“Để anh làm,” tôi bước tới giành lấy công việc đó.

“Thôi, em làm được mà. Anh thấy khỏe chưa? Em có nấu chay dọn sẵn dưới đó chờ anh. Bây giờ gần một giờ trưa rồi.”

Trong khi Nam Phương vừa nói vừa xếp chăn, tôi đứng gần đó nhìn nàng đăm đăm và bất chợt một cơn đói khát thèm muốn bừng bừng bốc dậy. Cơ thể tôi nóng ran, run rẩy, mắt tôi hoa lên, môi tôi mấp máy, hơi thở tôi dồn dập... Tôi đưa một tay về hướng Nam Phương, tính đặt lên vai nàng, hoặc chạm vào mái tóc óng ả của nàng, hoặc sờ nhẹ trên cần cổ cao và trắng muốt của nàng; nhưng rồi tôi thụt tay ngay lại. Nam Phương hình như cũng biết được tôi vừa làm cử động gì, nàng hơi né người đi bằng cách cúi xuống chỉnh cho ngay lại cái gối nằm.

“Phương à, anh cần đi tắm, sau đó hãy ăn cơm trưa, được không?”

“Dạ, anh tắm cho khỏe, em chờ anh được mà.”

Nàng lại vào buồng tắm dọn dẹp sơ cho tôi bước vào.

Bữa cơm trưa ăn chung mâm, tự dưng tôi và nàng im lặng không biết nói gì với nhau một lúc khá lâu. Hôm qua chúng tôi ngồi với nhau ở quán cà-phê trên đường Nguyễn Huệ và băng đá công viên bên sông Bạch Đằng, nói chuyện vui vẻ, thân mật lắm, mà tự dưng bây giờ lại có điều gì e ngại khiến cho cả hai co rút như hai con ốc giấu mình vào vỏ cứng. Tôi ân hận đã tỏ một cử chỉ khá sỗ sàng khi đưa một cánh tay về phía nàng. Dù rằng cử chỉ đó đã bị tôi kịp thời kềm hãm lại, không đi đến đâu, nhưng ít nhất trong ánh mắt và đôi môi thèm khát của tôi, nàng cũng có thể nhận ra được rằng nếu nàng ngoan ngoãn hướng về phía tôi, tôi sẽ ôm ghì lấy nàng với toàn bộ sức sống mãnh liệt bị dồn nén lâu ngày nơi tôi.

“Anh rời chỗ nhà anh Cường từ lúc mấy giờ vậy?” nàng hỏi.

Tôi thấy nhẹ nhõm, biết nàng không chấp trách gì; tự nhiên nói:

“Từ lúc 3 giờ khuya.”

“Sớm vậy à. Mà sao 8 giờ mấy anh mới đến đây?”

“Anh đi một vòng xuống bến Bạch Đằng rồi quanh lại...”

“Xuống bến Bạch Đằng? Để làm gì giờ đó?”

“Không được sao?”

“Không phải là không được... nhưng em lo cho anh mà. Lỡ họ thấy anh đi lang thang nửa khuya, chận lại hỏi giấy tờ thì phiền lắm. Nhiều người đi vượt biên qua ngã sông Bạch Đằng đó. Cho nên khu vực ven sông công an đi tuần nghiêm ngặt lắm.”

“Anh hết sợ chuyện đó rồi. Anh thấy anh thật ngu khi phải sợ công an hỏi giấy tờ. Ở tù ra họ cấp cho mình có một tờ giấy tha chứ không có tờ giấy nào khác kèm theo, vậy có hỏi đến thì đưa tờ giấy độc nhất đó ra, có gì phải lo sợ tránh né chi cho mệt! Thủ tục hành chánh giấy tờ của họ như vậy mà. Còn giả như có bắt vào đồn bót để điều tra thì cuối cùng cũng tìm ra sự thực rằng anh là tù nhân được tạm tha hợp lệ, có phải trốn trại đâu. Nước cùng là giam anh vào tù trở lại... thì cũng được thôi. Trước sau gì cũng vào tù lại mà.”

“Đừng nói vậy. Anh không thể vào tù lại,” nàng nhăn mặt nói.

“Anh chưa được tự do thực sự, em biết rồi mà. Tờ giấy tha anh mang theo người chỉ là lệnh tạm tha thôi.”

“Nhưng... anh không thể vào tù lại. Em không muốn anh bị ở tù lần nữa. Thời gian hai năm tù của anh, so với người khác là ngắn, nhưng như vậy cũng đủ rồi. Anh không cần phải trau luyện hay thử thách gì nơi đó nữa.”

Tôi im lặng. Nàng bới chén cơm khác và gắp thức ăn vào chén cho tôi bằng đôi đũa của nàng. Cử chỉ thân mật đó làm tôi thấy ấm lòng, dễ chịu. Tôi vui vẻ nói đùa:

“Vậy em nghĩ anh cần trau luyện ở môi trường khác hơn là trại giam, phải không?”

“Ở đâu lại chẳng là trường trau luyện. Cái đó anh thừa biết, em đâu dám nhắc nhở hay khuyên răn gì. Nhưng em thấy... hình như anh vẫn còn nỗi khắc khoải ưu tư hay một niềm đau nào đó chưa giải tỏa hoàn toàn.”

Tôi giật mình kinh ngạc, lắp bắp nói:

“Em nhận ra được điều đó à?”

“Trên nét mặt anh,” nàng thản nhiên nói, rồi lại nhíu mày, đổi giọng thiết tha. “Anh có một cái gì còn giấu ở bên trong, chưa nói ra được, phải không? Sao anh không nói em nghe. Anh đã kể em nghe cả hai năm tù của anh với bao đắng cay tủi nhục và sự phấn đấu để nhoài mình ra khỏi thống khổ... vậy sao anh hãy còn giữ lại cái gì đó trong lòng? Cái đó khó nói lắm sao?”

Sự tinh tế và vài lời khích lệ của nàng khiến tôi mạnh dạn, muốn tuôn ra hết những gì tôi chưa muốn nói cho bất cứ ai tôi gặp từ ngày ra tù đến giờ: nàng, Như Tâm, Tửu, Nguyên Hỷ, anh Cường, chú Thuận hay thằng bé Rơi. Hai ngày qua, tôi không có chút hứng thú hay lý do thích đáng nào để kể lể với kẻ khác rằng tôi có người cha vừa mới chết. Không phải tôi muốn phủ nhận hay chạy trốn sự thực đó. Tôi chỉ cảm thấy rằng nói ra điều đó với mọi người, cũng chẳng có gì thay đổi cho tôi cả. Nghe chuyện cha tôi chết, người ta sẽ làm gì, nói gì? Chắc là:

“Ôi, tội nghiệp cho Khang!”

“Thật vậy à, thành thật chia buồn với Khang.”

“Sao mà nhanh thế, thôi giờ mình lo cầu nguyện cho ông cụ chứ biết sao. Đời vô thường mà...”

Đại khái tôi sẽ được đón nhận những lời như vậy. Tôi không thấy cần thiết những lời an ủi, chia buồn, dù rằng tôi tin tưởng và ghi nhận tấm chân tình của những người bạn nói trên dành cho tôi. Khối đau đó dường như là một cái gì trân quí mà tôi ích kỷ chỉ muốn chôn chặt vào tận đáy lòng, chẳng muốn chia sẻ cùng ai, để một mình gặm nhấm cho thấm thía đến cùng cực. Hoặc chỉ có thể vì con người lì lợm thường tự hào có nghị lực như tôi, không muốn òa khóc, không muốn biểu lộ cảm xúc đau khổ trước mặt kẻ khác. Nhưng người bạn mới, Nam Phương, lại là người bén nhạy lạ thường đến nỗi ngay lúc nàng khơi mào cho tôi bộc lộ, tôi có cảm tưởng rằng chỉ có nàng mới chính là nơi chốn thân yêu, là chiếc nôi an lành, là vòng tay dịu dàng bao dung nhất... để tôi ngã vào như một đứa trẻ.

Dù vậy, hãy còn một động lực ương ngạnh kiêu kỳ nào đó trấn ngự nơi cửa ải xúc cảm của tôi. Lợi dụng thời gian nhai cơm, tôi không vội nói gì với nàng. Tôi đắn đo tự hỏi lòng mình, nơi đây và lúc này có phải là thời điểm, là nơi chốn, là đối tượng, để tôi bộc bạch chăng. Không. Một tiếng “không” vang mạnh trong tôi làm tôi dứt khoát, bỏ đũa xuống, nói:

“Thực ra cũng chắng có gì quan trọng.”

Phương ngó tôi, quan sát, rồi nói với giọng buồn buồn:

“Anh chưa có hứng thú để nói thì thôi, em không nài. Em chỉ muốn anh biết rằng, em rất muốn nghe, rất thích nghe, tất cả những gì liên quan đến đời anh.”

“Để làm gì!”

“Để làm gì? Ha, con người đầy ắp những lý tưởng này nọ như anh lúc nào cũng muốn đặt một mục đích nào đó cho những hành động của mình. Không lẽ không có mục đích thì không có hành động sao? Lý tưởng và mục đích làm cho đời anh chết cứng, chỉ biết đi ngay ngó thẳng, không nhu nhuyến uyển chuyển được trong hành động. Anh đau khổ nhiều cũng vì vậy mà thôi.”

Tôi lại một lần nữa giật mình kinh hãi. Nam Phương không hoàn toàn chỉ là con người dịu dàng, nghiêm trang pha chút lãng mạn như tôi nghĩ. Nàng có những nhận xét sắc bén của một người giàu mạnh cả lý trí và cảm tính, nhưng quân bình được cả hai thứ đó; còn tôi thì thường rơi vào một trong hai cực đoan: đôi khi như một nhà mô phạm, đôi khi như một nghệ sĩ. Khi như một nghệ sĩ, tôi không hoàn toàn đóng vai nghệ sĩ vì luôn ý thức mình là một nhà tu hay một nhà mô phạm; khi như một nhà mô phạm, tôi không trọn vẹn là nhà mô phạm vì cảm tính nghệ sĩ luôn kéo lôi tôi vào dòng xúc cảm mạnh mẽ dị thường trước thiên nhiên và con người.

“Ơ, xin lỗi anh, chắc em nói không đúng... Anh đừng để tâm nghe,” thấy tôi im lặng, nàng nói vậy.

“Không, em nói đi. Anh nói với em hôm qua đã nhiều rồi, bây giờ đến lượt em đó. Anh muốn nghe chuyện của em.”

Nàng cười một tiếng thật khô:

“Đời em, ngoài chuyện xuất gia không thành, chẳng có gì quan trọng đâu mà kể.”

Sau câu ấy của nàng, chúng tôi hết chuyện nói. Và tôi biết, cái khát khao muốn bộc lộ của tôi đã chìm tắt.

“Anh phải đi bây giờ,” tôi nói.

“Anh đi đâu vậy? Anh có thể ở lại đây được mà.”

“Được, nhưng anh cần đi một vài chỗ trước khi ra Nha Trang.”

“Vậy em chở anh đi há?

“Thôi, không phiền em đâu. Anh đi xa lắm, tận Long Thành.”

“A, anh muốn thăm lại chùa của anh trên kinh tế mới đó hả? Em chở anh đi bằng Honda, được không?”

“Không được, đường xá trên đó bụi bặm, đầy ổ gà; với lại trên đó vắng vẻ, thiếu an ninh, em đi không tốt đâu.”

“Anh lúc nào cũng tìm cớ từ chối, không cho em theo...” nàng phụng phịu một cách trẻ nít làm tôi ngạc nhiên, ngỡ như lúc nãy và bây giờ là hai con người khác nhau.

“Hôm nào đi Nha Trang, em đi với anh; còn bây giờ, để mình anh, nói thật đó.”

“Vậy... anh muốn đi bằng xe Honda của em không?”

“Không. Để anh đi xe đò thì khỏe hơn, khỏi vướng bận.”

“Anh sợ đi chiếc xe của em thì vướng bận em à?”

“Không phải. Anh sợ mang xe em theo lỡ có chuyện gì xảy ra trên đó... lại mất luôn chiếc xe của em.”

“Có chuyện gì là sao? Bộ trên đó ghê lắm hả? Vậy thì anh đừng đi.”

“Nhưng... anh thực sự muốn thăm lại chùa cũ trước khi ra Nha Trang... Anh muốn xem thử trên đó cần giúp gì không.”

“Anh nhờ Tửu hay ai đó đi thay không được à! Em không cho anh đi đâu. Thực đó. Em nói khi nãy rồi: em không muốn anh bị tù lần nữa.”

Phương nói như thể nàng có một liên hệ thật khắng khít hay một thứ thẩm quyền tình cảm nào đó đối với tôi vậy. Điều này làm tôi buồn cười mà cũng vừa thích thú ngầm. Tôi đùa khiêu khích nàng:

“Em lấy gì để cản được chân anh mà bảo là không cho đi?”

Nàng hơi khựng một chút rồi đưa tay tóm lấy đuôi tóc được kẹp túm lại từ phía sau, đưa ra trước, áp lọn tóc đen dày nơi mũi như ngửi hương tóc của mình mà kỳ thực là để che lấy nụ cười chúm chím, bẽn lẽn. Nàng chỉ làm vậy, không nói gì. Ôi, chỉ ngần ấy dáng điệu là tôi đã muốn đình chỉ mọi chuyến đi để chiều lòng nàng. Tôi nói:

“Nói giỡn chơi vậy thôi. Không đi Long Thành cũng được, nhưng ít nhất trong vòng tuần lễ còn ở Sài Gòn, anh phải tranh thủ làm một số công việc, vì khi ra Nha Trang... chẳng biết có được rời khỏi thành phố đó nữa hay không. Họ bắt buộc phải trình diện mỗi ngày ở bót công an địa phương thì làm sao cục cựa...”

Nàng nguýt tôi một cái dài rồi nói với giọng hơi bất mãn:

“Anh thật là đa đoan, ôm đồm nhiều chuyện quá! Anh thử nghĩ xem, nếu anh không may mắn được ra tù sớm thì những việc anh muốn làm hôm nay sẽ như thế nào? Chúng vẫn diễn tiến theo cái hướng nhất định của chúng. Anh không nhất thiết phải cưu mang. Cứ coi như anh đang còn ngồi tù đi, mọi người ở ngoài tự lo lấy chuyện của họ. Nếu những người thân với anh ở bên ngoài có điều gì cần phải làm trong thời gian này, thì đó là nên quan tâm đến an nguy của anh, một người tù mới được tự do, hai bàn tay trắng, không có nơi dung thân chắc chắn... chứ không phải là chờ đợi anh quan tâm lo lắng cho họ. Bây giờ, thực tế hơn, anh lo vấn đề của anh trước đã.”

“Nói vậy cũng không đúng. Cái thực tế trước mắt là anh đang ở đây, ngoài vòng tù tội: anh phải làm cái gì có thể làm được chứ! Khi không làm được gì, anh chịu thúc thủ; còn bây giờ, thấy có thể làm được vài chuyện, không lý ngồi yên!”

“Nói gì thì nói, chẳng qua là vì tánh anh như vậy, cứ muốn ôm đồm, bao sân, tự gánh cho mình những trách nhiệm hay bổn phận. Có khi nào anh nghĩ rằng những thứ bổn phận hay trách nhiệm đó níu kéo, vây bủa anh, đánh mất sự tự giải thoát của anh không!”

“Có khi nào em nghĩ rằng khi một người buông xả hết tất cả trách nhiệm với đời thì sẽ bị vướng mắc vào vòng trói buộc của một cái bản ngã to tướng vị kỷ hay không!”

“Thôi, thôi, em nói không lại anh đâu. Để anh tự quyết định đi. Anh muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm.”

“Em giận anh hả?”

“Em có quyền giận anh à!”

“Anh nghe rằng bồ-tát không biết giận.”

“Em đâu phải bồ-tát!” nàng đứng dậy bưng chén bát đến chỗ bếp.

“Có tâm cứu vớt độ người là bồ tát rồi,” tôi vừa nói vừa giúp nàng dọn dẹp bàn ăn.

“Em chưa từng cứu vớt ai.”

“Em cứu vớt anh.”

“Làm gì có chuyện đó.”

“Nói thực,” tôi đến sát bên nàng, “ít nhất em đã cứu vớt anh.”

“Làm gì mà bảo là cứu vớt?” Nàng tựa lưng vào tủ búp-phê, mắt nhìn dưới đất.

“Em ban cho anh sự an tâm vô úy lúc anh loay hoay tìm chỗ trú đêm khi mới ra tù.”

“Anh có biết sợ ai đâu mà bảo là em cho anh sự vô úy.”

“Anh không sợ ai nhưng sợ em đấy chứ.”

“Xạo,” nàng trách yêu.

Tôi đưa một tay lên vuốt tóc nàng. Nàng đứng im, mặt cúi xuống, tay chân líu quíu. Thấy nàng có vẻ run rẩy, ngượng ngập, tôi e ngại rụt tay lại, nói:

“Thôi, để anh đi nghen.”

“Dạ,” nàng đáp nhỏ.

Tôi vào buồng tắm rửa tay, súc miệng rồi bước xuống lầu. Nàng cầm chìa khóa bước theo. Đến ngang phòng khách, nàng như sực nhớ điều gì, quay lại nói:

“Anh vẫn còn giữ ý định đi Long Thành hở?”

“Anh cần đi,” tôi quả quyết.

“Anh thực sự không cần xe của em hở?”

“Không, anh sẽ đi xe đò.”

“Anh ra bến xe bây giờ hay là về chỗ Tửu rồi mới đi?”

“Ra bến xe bây giờ.”

“Vậy em chở anh ra bến xe, nhé.”

“Ừ.”

“Còn điều này nữa, anh có tiền để trả xe đò không?”

“Có...” tôi đáp rồi giật mình nhớ lại là trong túi áo tôi chỉ còn vỏn vẹn một tờ giấy xếp tư, đó là giấy tạm tha; còn ở hai túi quần phía trước thì thọc vào chỉ đụng vải.

“Chứ không phải anh hết sạch tiền nên mới đi bộ từ nhà Tửu xuống bến Bạch Đằng rồi từ bến Bạch Đằng đi bộ đến đây sao?”

“Tại anh thích đi bộ vậy thôi,” tôi chống chế.

“Vậy đưa tiền của anh cho em đếm thử, coi có đủ cho hai vòng xe đò không. Giá tiền đi xe cũng khác hai năm trước khi anh vào tù nữa đó anh à.”

Tôi thọc hai tay vào túi quần, cười trừ, chẳng biết nói gì, làm gì.

“Thấy chưa, anh hết tiền rồi, em biết mà! Để em đưa anh... Anh không nhận thì không ra được khỏi nhà này đâu, chìa khóa em giữ đây. Anh ngồi chờ một chút, em lấy bóp giấy tờ để còn chở anh đi nữa chứ. Ngồi đi,” nàng đặt nhẹ tay nơi lưng tôi, đẩy về phía xa-lông, ấn hai vai tôi, bắt ngồi xuống, rồi nàng quay trở lên lầu.

Ngồi lại một mình nơi phòng khách, tôi chợt thấy con người mình bỗng teo rút, nhỏ bé lại một cách vừa thảm hại, vừa thích thú chi lạ. Bên cạnh Nam Phương, dường như tôi không đủ sức kháng cự những quyết định của nàng. Trong tâm cảnh của một người tù mới được tự do chưa kịp thích nghi với đời sống xã hội, tôi trở nên một kẻ vô dụng, chỉ biết nương tựa vào người lớn mà chơi, mà sống; và bây giờ, tôi ngồi đây chờ đợi Nam Phương như một đứa trẻ chờ đợi mẹ hay chị lớn của nó thay đồ rồi dẫn ra phố. Nam Phương nhỏ tuổi hơn tôi, trẻ trung, đôi khi cũng nhí nhảnh nũng nịu như Mộng Huyền, nhưng ở mặt khác, ở con người nàng đã hàm tàng chức năng của một người mẹ nhỏ. Chức năng đó luôn sẵn sàng ban phát tình thương và cử chỉ chăm sóc. Chức năng đó tràn đầy thứ tình cảm dễ chịu êm mát khiến cho những kẻ cứng đầu khô khan như gỗ đá bỗng trở nên ngoan ngoãn dễ dạy, và những người lớn xác già cỗi cũng biến thành bé thơ. Những thứ phụ tùng kiêu hãnh của đàn ông như lý trí, hoài bão, thông minh, lịch thiệp, kinh nghiệm, tài năng, đởm lược... đều là đồ chơi vụn vặt của trẻ con, có thể cất vào xó xỉnh nào đó, có thể đem vất đi để đến với người đàn bà bằng cái đầu trống rỗng, bằng hai tay không, bằng cái thân trần truồng, hết sức ngu độn, vô tư và hồn nhiên như trẻ con.

“Mình đi anh há,” nàng trở xuống với chiếc áo kiểu tay phùng bằng lụa trắng, cổ áo xếp ly hơi cao, mặc với quần tây màu đen.

Tôi vừa đứng dậy thì nàng đã dúi nhanh một ít tiền vào túi áo tôi, rồi bằng một bàn tay nhỏ nhắn, nàng vỗ nhẹ mấy cái lên ngực tôi, nói như thể một người chị lớn dặn dò đứa em đi xa:

“Anh phải tập sống thực tế một chút. Làm từng việc, giải quyết từng việc, bằng khả năng mà mình có, đừng phóng mộng ước đi quá xa trong khi chân mình chưa kịp cất khỏi mặt đất này. Không phải em muốn cản trở những gì anh muốn làm. Em chỉ thấy tội nghiệp anh, thấy thương cho anh phải thay nhiều người để gánh cái gánh quá nặng... Em nói anh đừng giận nghe: dù trong quá khứ, chuyện anh làm không thành, nhưng như vậy đủ rồi anh ạ. Anh đã cố gắng, đã làm những gì có thể làm được, mà hoàn cảnh vẫn không thay đổi thì đó chẳng phải lỗi anh đâu. Anh đi đâu cứ đi, nhưng nên nhớ rằng em luôn chờ đợi, đón nhận anh. Nếu thế gian này không còn chỗ nào an ổn cho anh dung thân, và nếu anh thích, hãy về đây với em... Thôi, đi há.”

Tôi im lặng dắt xe ra ngoài giúp nàng, và im lặng cho đến khi đến bến xe. Nàng ngồi yên trên xe, nói với tôi những lời cuối trước khi chia tay:

“Thấy không có gì cần thiết thì về ngay, đừng ở lại lâu trên đó nguy hiểm nghe anh. Nhớ là còn đi Nha Trang với em nữa đó.”

Tôi gật đầu, định nói một lời gì mà chẳng biết nói làm sao. Tôi đứng như trời trồng một lúc, vẫn chưa nghĩ ra câu gì thì nàng lại ra dấu tôi bước lại gần nàng một tí, nói nhỏ:

“Cẩn thận đừng nói hay bàn gì chuyện chính trị nữa nghe. Chỉ lên thăm rồi về. Chỗ núi rừng độc địa, anh ở trong nhà đừng ra ngoài nhiều mà trúng gió, gặp bạn cũ đừng thức khuya, cũng đừng hút thuốc nhiều quá, coi chừng bệnh, nghe anh.”

Ban đầu nàng dặn dò, tôi thích thú vì được quan tâm. Nhưng nàng dặn kỹ quá làm tôi thấy mệt. Tôi cười, gật đầu lia lịa rồi vẫy tay chào nàng, bước lên xe. Tưởng vậy là xong, nào dè nàng lại dựng Honda, chạy tới bên cửa sổ xe đò, nói vói lên:

“Anh có tính đánh điện tín ra Nha Trang báo trước cho gia đình biết là anh sắp về không?”

“Không, không cần đâu,” tôi nói đại cho xong.

“Anh muốn về bất ngờ để làm gia đình ngạc nhiên hở? Nhưng báo tin cho ba mẹ anh biết sớm một chút thì có phải là ông bà vui sớm một chút, bớt lo một chút không! Há, chút nữa em đi đánh điện tín cho anh nha, đọc tên và địa chỉ đi.”

Tôi do dự một lúc, rồi đọc tên ba tôi kèm theo địa chỉ ngôi nhà xưa có giàn bông giấy đỏ rực con đường Nguyễn Thái Học Nha Trang.

“Để tên ba anh thôi, khỏi cần để tên mẹ, phải không?”

“Ừ, để một tên được rồi. Thôi, em về đi, để còn tránh đường cho xe người ta chạy kìa.”

Nàng ngước nhìn tôi, mắt long lanh như ứa lệ, đưa một tay lên vẫy ngoắc rồi đi. Ô kìa, sao nàng lại khóc nhỉ? Tôi về chứ có đi luôn đâu. Tôi cũng đâu có nói chuyện ba tôi đã mất cho nàng nghe đâu! Rõ thật là đàn bà, mau nước mắt quá. Tôi nghĩ thì nghĩ vậy chứ khi nàng lái xe chạy vòng ra khỏi bến rồi, tôi nhìn theo cũng thấy lòng bịn rịn, xao xuyến. Không rõ tôi xao xuyến vì chia tay nàng hay vì đã nhắc đến tên ba tôi khi nhờ nàng đi đánh điện tín. Ba tôi chết rồi, sao tôi lại đánh điện tín đề tên ông? Tôi không muốn ông chết khi tôi đang còn xa Nha Trang gần năm trăm cây số. Tôi không muốn nhìn nhận cái chết của ông trong lúc này. Hãy để tôi về đến căn nhà xưa ấy, nhìn tận mặt cái chết của ông, nếm cái đau khổ thực sự của ly biệt ngay ở nơi chốn kỷ niệm của một thời thơ ấu khi tôi còn trong vòng tay bảo bọc của ông.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com