Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi hai

14/10/201311:40(Xem: 12686)
Chương hai mươi hai
coitroi2




Chương hai mươi hai

Chắc mình phải về anh ơi, ngồi đây em không chịu nổi. Nàng nói. Sao vậy, có chuyện gì không. Tôi hỏi.

“Ngồi đây, chỗ đông người, em không khóc được. Mình về nhà, anh há!”

“Ừ, về. Ủa, đôi giép của anh đâu rồi?”

Tôi ngồi trên băng đá khom người xuống dò tìm dưới đất. Nàng đứng dậy, nhìn quanh, nói:

“Vậy là người ta ăn cắp giép anh rồi. Chắc cái thằng hồi nãy, em thấy nó đi ngang phía sau lưng mình, nhưng đâu có ngờ nó khoèo đôi giép anh. Tài thật!”

“Bây giờ… làm sao đây? Chẳng lẽ lại đi chân không ngoài đường?”

Nàng nhìn tôi một lúc rồi bật cười lên khanh khách. Ôi, nàng cười hồn nhiên, dễ thương làm sao! Nhưng tôi thì dở khóc dở cười. Ngồi kể chuyện hăng say, thả giép dưới đất, chân đong đưa cho mát một chút, vậy rồi đặt chân xuống đất thì đôi giép đã thành tài sản của người khác.

“Em chở anh đi bằng Honda, đâu có sao, không ai thấy đâu.!”

“Dị hợm quá! Ai lại đi chân không ngoài đường!”

“Thời xưa Phật cũng đi chân không khắp nơi khắp chốn mà. Anh ngồi xe, em chạy thật mau, chẳng ai để ý đâu mà lo. Thôi mình về.”

Hồi xưa (chẳng xưa lắm, chừng mười năm trước), lúc ở Hội An, dù có đi ra ngoài ruộng hoặc kéo xe bò xin phân chuồng ở nhà người ta, tôi vẫn không bao giờ chịu đi chân không. Ra ruộng thì bỏ giép trên bờ mà lội xuống sình, lên bờ thì mang giép vào lại. Mà giả như lúc đó có đi chân không thì cũng chẳng sao, áo quần tu lem luốc, rách nát, tay chân nhơ nhớp sình lầy, lại còn vác cuốc trên vai, hợp quá đi chứ! Đàng này, ở trung tâm thành phố Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam, mặc áo quần đàng hoàng tươm tất, lại đi chân không! Coi làm sao được.

Xe chạy đi cả đoạn rồi mà nàng vẫn cứ cười. Nàng tìm đường vắng xe cộ để chạy nhanh. Vậy mà tôi cũng phải xấu hổ đến đỏ mặt. Tôi giấu mặt không nhìn ai trên đường, và đầu trán tôi tựa vào vai nàng. Nàng ngưng cười. Có mùi của một loài hoa nào đó phảng phất trên tóc nàng.

Nàng tấp xe nhanh vào một tiệm giày trên đường Lê Thánh Tôn. Tôi bước vào nhanh, lựa một đôi xăn-đan quai nâu. Nàng giành trả tiền, tôi không chịu. Túi tôi hãy còn dày cộm tiền, tôi móc ra trả.

Về đến nhà, chúng tôi lại ngồi ở phòng khách, soạn bày bình trà ra.

“Chút nữa em chở anh đến nhà bạn anh, lo việc của anh xong, em chở anh về lại đây há. Anh cứ ở đây cho đến ngày hai đứa mình đi Nha Trang, chạy tới chạy lui ở đâu làm gì cho mệt. Ở đây yên lắm, em nói với anh rồi.”

“Để coi đã. Gặp bạn bè rồi mới biết.”

“Em cũng cần đến chùa Hoa Nghiêm bữa nay để nhờ mấy sư cô thay phiên đến trông nhà giùm trong thời gian em đi thăm nuôi, anh muốn đi chung không?”

“Anh cần ở chơi lâu với bạn bè… chắc là một vài hôm, trước khi ra Nha Trang. Như vậy, có thể chút nữa em bỏ anh ở chỗ Tửu rồi em đi công việc của em.”

Nàng xụ mặt, lộ vẻ buồn một chút rồi tươi lại ngay, nói:

“Thôi cũng được, nhưng bất cứ lúc nào anh muốn đến đây thì đến nghe. Em ít khi đi vắng lắm. Các mối quen của em, họ đều đến đây để giao hàng. Hơ, hồi nãy ngồi ở bến Bạch Đằng, em muốn khóc dễ sợ nhưng tức cười chuyện anh mất giép, bây giờ thấy hết khóc rồi. Thôi, anh kể chuyện tiếp đi.”

“Kể tiếp để được khóc đó hả? Đàn bà con gái mấy người làm như là thích nghe kể chuyện gì đau khổ lắm vậy!”

***

Sau cái chết của Tuấn, lại thêm mười mấy bệnh nhân khác ở bệnh xá lần lượt nằm xuống vì bệnh đường ruột. Ông Trợ cứ ghi chung chung một thứ bệnh: rối loạn tiêu hóa. Cán bộ phụ trách y tế cằn nhằn ông Trợ:

“Anh lại bảo là mấy người này mắc chứng rối loạn tiêu hóa! Sao ai cũng rối loạn tiêu hóa hết vậy! Rối loạn là sao, ý anh muốn nói là phản động đó hả?... Thì cứ nói là phản động chứ cần đếch gì phải nói rối loạn, rắc rối thế! Còn tiêu hóa là cái đít, tôi hiểu. Thế nhưng phản động cái đít là phản động thế nào chứ?”

Ông Trợ lật đật giải thích. Lại giải thích! Đã giải thích rồi, bây giờ cán bộ lại quên. Tiêu hóa đâu phải là cái đít! Chắc cán bộ lộn với chữ hậu môn rồi! (Mà hậu môn cũng không phải là cái đít! Hậu môn thì người ta nói chữ khác kia!) Cái đít nói cho lịch sự là cái mông, còn lịch sự hơn nữa thì gọi đó là bàn tọa đó, thưa cán bộ. Như vậy, “rối loạn tiêu hóa” có nghĩa là bị rối loạn bộ phận tiêu hóa. Rối loạn là không làm việc bình thường nữa, chứ không có dính gì đến phản động chính trị cả. Còn bộ phận tiêu hóa là gì hả? Lại phải giải thích nữa. Bộ phận tiêu hóa là cái bộ phận thu nạp và đào thải… Không, phải nói như vầy thì cán bộ dễ hiểu hơn, đó là bộ phận tiếp thu và xử lý thực phẩm trong cơ thể con người; nói cách khác là…

“Dân ngụy các anh dùng chữ rắc rối luộm thuộm quá, không bắt kịp cách nói mạch lạc văn minh của chế độ xã hội chủ nghĩa!”

Vậy rồi, cán bộ đi họp với trên sao đó mà bẵng đi mấy ngày không thấy ghé bệnh xá, chỉ có lệnh từ văn phòng ban chỉ huy Khu đưa đến là chuẩn bị dời bệnh xá. Dãy phòng rộng nhất của trại giam nằm sát vách với văn phòng ban chỉ huy Khu C được sử dụng làm nơi chứa bệnh nhân; còn văn phòng Ban chỉ huy Khu thì trở thành văn phòng bệnh xá. Từ nay bệnh xá đã có văn phòng riêng, lịch sự, khang trang, có một cửa trổ qua phòng bệnh nhân. Phòng bệnh rộng lớn như một cái kho, mái cao, rất khoảng khoát, có bốn cạnh vuông vức. Trừ một cạnh dành cho hai cánh cửa ra vào, ba cạnh còn lại được đóng và dựng lên ba dãy sàng gỗ đồ sộ, rộng rãi, mỗi dãy lại có tầng trên và tầng dưới, vị chi sáu hàng giường bệnh, mỗi hàng dài mười lăm thước, có thể chứa từ một trăm rưỡi đến hai trăm bệnh nhân nếu nằm san sát nhau. Chuyện dời bệnh xá qua khu vực này, có thể là do người ta nghĩ rằng khu vực bệnh xá cũ khá tối tăm, nằm ngay luồng gió độc, hoặc đã “nhiễm trùng” vì sự mất vệ sinh do nhiều tù nhân có bệnh nan y đã chết tại đó… Lại có lời đồn: cán bộ trại sợ khu vực bệnh xá có ma quỉ lôi kéo, khiến nhiều người bệnh rủ nhau mà chết.

Không những bệnh xá đổi chỗ mà còn đổi luôn cả cán bộ trông coi. Cán bộ y tế hình như đã từ chức hoặc đã bị cách chức và thay vào đó là một cán bộ người miền Nam, khá trẻ tuổi, tên là Phong. Cũng như người trước, Phong không có chút kiến thức gì về y khoa, nhưng tánh tình Phong hiền lành, vui tính, cởi mở, biết thương bệnh nhân, biết quí trọng ban y tế; vậy thì cũng đỡ vất vả cho bệnh xá rồi. Tuy nhiên, Phong khá nghiêm khắc trong việc sổ sách giấy tờ. Và điều này thì kẹt cho ông Cảnh.

Mỗi ngày Phong đều có mặt khá lâu ở bệnh xá để bảo ông Cảnh cho xem bệnh án này, hồ sơ kia, rồi lại quan sát cách ông Cảnh quản lý tủ thuốc công, tủ thuốc tư nơi bệnh xá. Ông Cảnh rất lúng túng. Thấy công việc ông Cảnh làm không được hiệu quả, Phong bực dọc khiển trách, buộc ông trong vòng hai ngày phải sắp đặt ngăn nắp thứ tự hồ sơ bệnh án của bệnh xá và hai tủ thuốc, sao cho khi hỏi đến là phải tìm được ngay chứ không ấp a ấp úng lục lọi suốt ngày như bây giờ. Phong rời bệnh xá rồi, ông Trợ đề nghị với ông Cảnh:

“Nhờ anh Khang giúp cho một tay chứ không thì bị phạt kỷ luật cả ban y tế luôn cho xem!”

“Có gì đâu mà phải nhờ người này người nọ, mất công. Chuyện của tôi để tôi làm!”

Ông Cảnh vẫn thường bướng bỉnh và tự ái vặt như thế. Có lẽ ông tự hào đã từng là thư ký của Ủy ban Nhân dân xã nên không cần nhờ một “nhân dân” nào giúp tay. Rồi ông lụi hụi sắp xếp đống giấy tờ lộn xộn trong ngăn tủ. Chẳng biết ông sắp xếp theo nguyên tắc nào mà phải từ sáng đến chiều mới xong. Qua ngày thứ hai, ông Cảnh mới xoay qua hai tủ thuốc: một cái tủ công (tức thuốc của trại giam giao cho ban y tế dùng để chữa trị bệnh nhân), một cái của tư (tủ thuốc đựng tất cả thuốc men riêng tư của mỗi tù nhân do gia đình của họ gởi vào; tôi cũng có một gói thuốc riêng trong ấy). Ông Cảnh cứ loay hoay lôi ra, cất vào, tốn nguyên buổi sáng vẫn thấy hoàn là một núi lùm xùm ngổn ngang những bịch ni-lông cái lớn cái nhỏ chồng đống lên nhau như một đống rác.

Đến trưa, Phong cầm tờ giấy chạy tới văn phòng bệnh xá, vui vẻ đọc tên một số bệnh nhân nan y được trả tự do. Đây là số người có tên trong danh sách của đợt II (mà nửa tháng trước đã cứu xét cho về một phần ba), nay được gọi thêm khoảng một phần ba nữa. Phong có vẻ vui lây khi đọc to từng tên một trong danh sách, vừa đọc vừa thú vị nhìn vẻ hớn hở mừng vui của tù nhân như thể chính anh là người ban ân huệ tự do cho họ vậy. Cả bệnh xá lăng xăng, rộn rịp lên. Người được đọc tên thì run rẩy thay quần áo (bỏ đồ tù, mặc đồ dân sự nếu có), người ở lại thì chồm qua chồm lại xin đồ của những người may mắn để lại. Có cả tên ông Cảnh, nhưng không có tên tôi. Ông Trợ lại an ủi, nói rằng danh sách bệnh nhân nan y chưa hết, còn khoảng bốn mươi người nữa đang còn chờ cứu xét.

Ông Cảnh được trả tự do với bệnh “đau bao tử cấp tính.” Tuy nhiên, trong khi tất cả những người được đọc tên ra tập trung ở văn phòng trại để chờ nhận giấy lệnh tha thì Phong bắt ông Cảnh ở lại bệnh xá, buộc phải thanh toán cho xong công việc làm ngăn nắp tủ thuốc và hồ sơ của bệnh xá trước khi rời trại. Ông Cảnh có trình cho Phong xem tủ hồ sơ mà ông đã cặm cụi sắp xếp lại nguyên ngày hôm trước. Phong hỏi tới hỏi lui vài câu, ông Cảnh không trả lời được, Phong lớn tiếng:

“Làm lại, sắp xếp lại! Chưa được. Như vầy mà anh bảo là đã ổn định sao! Vậy anh lấy tôi xem hồ sơ bệnh án của anh coi nào? Đó, đó, thấy chưa, lại đi tìm, đi tìm, mất thì giờ quá! Làm lại cho tôi, cho tới khi nào tôi thấy được mới cho về. Với lại, trước khi về anh phải bàn giao công việc cho người khác, mà bàn giao thì phải bàn giao đầy đủ mọi thứ chứ lộn với thiếu tùm lum như vậy thì bàn giao cho ai!”

Vậy là ông Cảnh ở lại, mằn mò ghi ghi chép chép, kiểm soát và thống kê số thuốc hiện có trong tủ. Dù sao thì ông cũng đã có tin vui. Ông bỏ ăn trưa, ngồi mãi nơi bàn giấy của văn phòng bệnh xá mà làm việc. Trong lúc đó, ban y tế hỏi ý ban chỉ huy Khu xin đề cử một thư ký bệnh xá thay thế ông Cảnh. Ý kiến qua lại như thế nào đó mà cuối cùng, ông Sinh và ông Trợ đến kêu gọi tôi nhận lời làm việc. Và tôi lại được tháo cùm, ra khỏi giường bệnh, chuẩn bị nhận sổ sách và hai tủ thuốc do ông Cảnh bàn giao. Nhưng khác với ông Cảnh, tôi không phải chỉ làm thư ký mà còn cáng đáng luôn việc làm anh nuôi của bệnh xá (vì anh nuôi Thành đã được trả tự do cùng ngày hôm nay).

Hai giờ chiều mà ông Cảnh vẫn chưa làm xong công việc của ông. Cuối cùng, ông mới nhờ đến tôi. Tôi hướng dẫn ông sắp xếp hồ sơ và hai tủ thuốc theo phân loại mẫu tự thông thường mà ai cũng có thể biết. Công việc chỉ tốn chừng một giờ đồng hồ để cho vào thứ tự hơn một ngàn hồ sơ bệnh án. Các hồ sơ của người chết thì để riêng một ngăn, cũng sắp theo vẫn mẫu tự. Văn phòng bệnh xá thiếu mọi thứ tiện nghi để có thể gọi là “văn phòng.” Bìa cứng không có, tôi lấy giấy trắng xếp lại rồi viết hai mươi bốn mẫu tự thật to để kẹp các hồ sơ. Tủ thuốc cũng chia theo từng ngăn chứ không thồn đại vào như ông Cảnh trước đây. Tôi cũng giúp ông tổng kết thuốc tồn kho, loại bỏ những chai lọ cũ đã quá hạn, chiếm nhiều chỗ trong ngăn tủ.

Bốn giờ chiều thì thực sự ổn định công việc của văn phòng bệnh xá. Phong nãy giờ chạy ra chạy vào nhìn tôi làm việc giúp ông Cảnh, hài lòng lắm. Phong nói với ông Cảnh:

“Nếu ông nhờ người ta sớm hơn một chút thì bây giờ đã ở nhà với vợ con rồi. Thôi, thay đồ lẹ lẹ ra văn phòng Khu gặp tôi lấy lệnh tha mà về!”

Nói rồi Phong bỏ đi. Ông Cảnh vội xuống hậu cần lấy đồ ký gửi rồi trở lại với bộ đồ tây, bỏ hai bộ đồ tù lại cho mấy anh bệnh nhân đang nằm ở bệnh xá tranh nhau. Ông từ giã ông Trợ và ông Mậu rồi đến bên tôi, ngỏ lời cám ơn. Sau lời cám ơn, ông ngập ngừng một lúc rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ:

“Cái hôm công an vây bắt lực lượng Phục quốc ở xã mình, rồi sau đó vây chùa Long Quang để bắt thầy Khang, tôi hoàn toàn không biết, vì vụ bố ráp đó đột xuất, bí mật, do công an tỉnh Đồng Nai tiến hành. Cả công an huyện còn không biết trước huống gì tụi tôi chỉ là hàng xã.”

Tự dưng đến lúc chia tay ông đột ngột gọi tôi là “thầy” và nói cái chuyện của “xã mình” mà đáng ra ông có nhiều cơ hội để nói trong suốt nhiều ngày trước, khi tôi bắt đầu nằm ở bệnh xá. Có lẽ lúc ấy ông hãy còn sợ sự liên hệ với tôi. Thảo nào ông cứ tránh né, không muốn tôi phụ giúp ông. Đến khi gần về rồi mới chịu xuống nước. Tôi cười nói:

“Đâu có sao, nếu lúc đó chú đi bắt tôi cũng được thôi, lệnh mà.”

“Không phải, tôi nói không phải để phân bua gì đâu. Ý tôi muốn nói là vụ của thầy Khang hôm ấy là có người báo trực tiếp với công an tỉnh Đồng Nai. Nghe nói là từ Sài Gòn báo lên đó. Thôi tôi về nghe. Chúc thầy cũng được về sớm.”

Tôi ngồi lại nơi văn phòng bệnh xá, nhìn theo dáng ông hí hửng bước ra văn phòng Khu. Khi nào thì đến lượt mình đây? Tôi tự hỏi và thấy lòng chùng xuống. Tù chính trị, lại là tu sĩ, làm thế nào được về sớm mà cứ mong đợi, cứ hy vọng? Linh cảm ư, hay chỉ là vọng tưởng? Tôi lấy thuốc ra hút. Ông Cảnh hàm ý gì nữa đây khi nói cho tôi biết là có người từ Sài Gòn báo cáo hoạt động của lực lượng Phục quốc cho chính quyền tỉnh Đồng Nai. Bây giờ tôi biết rõ thêm chuyện đó thì sao chứ? Có lợi gì đâu. Biết là có người tố giác chuyện mình làm, xác định thêm sự bội phản của Hân, ích gì chứ! Gông cùm xiềng xích đã đóng kín tương lai, chôn vùi dĩ vãng trong tôi. Tôi không còn thì giờ để bận tâm cái gì ở phía trước hay ở sau lưng nữa. Công việc của tôi bây giờ là ngồi ở văn phòng này, chờ đợi có ai đến xin lấy thuốc (của họ) hay xin thuốc (của bệnh xá) thì lấy cho họ. Gần đến giờ ăn thì đi cùng hai anh nuôi và một bệnh nhân xuống nhà bếp để nhận phần cơm cho cả bệnh xá hơn trăm người.

Tôi ngồi một lúc thì Phong từ ngoài bước vào, cười cười, nói:

“Tôi mệt cái ông Cảnh đó quá. Bây giờ có anh Khang làm thư ký, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ êm xuôi hơn. Nè, anh Khang nằm dưỡng bệnh ở đây bao lâu rồi? Hai tháng rưỡi hả. Vậy chắc cũng nắm được phần nào sinh hoạt ở đây, theo anh thì để tránh bệnh hoạn, nhất là tránh chết chóc thì bệnh xá phải làm sao?”

“Ơ… chuyện đó thì phải hỏi mấy ông bác sĩ mới được.”

“Bác sĩ à? Hứ, ở đây có bác sĩ nào đâu. Ông Trợ hay ông Mậu đều là y tá Đông y sĩ cà tàng thôi. Dĩ nhiên là mấy ổng rành chuyện chữa bệnh hơn mình, nhưng mà… chỉ chữa bệnh chứ không biết gì khác. Hỏi ý mấy ổng làm sao để tránh chết chóc nhiều trong trại thì mấy ổng không biết. Có ai bệnh đem đến đây thì chữa, vậy thôi. Nhưng chữa sao mà cứ hết đợt này tới đợt khác. Hay là… ngoài chuyện bệnh hoạn còn có thứ tà khí độc địa vô hình nào đó chăng? Anh nghĩ sao? Nghe đồn là có mấy người đã chết ở bệnh xá cũ, đêm đêm xếp hàng đi ra hồ sen mà tắm! Có thể họ phá những người sống không? Anh có cách gì trừ chuyện đó không?”

Tôi cười thầm trong bụng. Phong hỏi vậy tất anh biết tôi là tu sĩ, và anh đã đồng hóa tu sĩ Phật giáo với ông thầy tụng, thầy đám, thầy pháp nào đó ở làng xã anh thì phải. Cán bộ cộng sản ngày nay cũng còn biết tin và sợ ma quỉ! Thảo nào không lo hỏi bác sĩ mà lại hỏi ý tôi! Do bởi Phong tin tưởng mà hỏi tôi như vậy, tôi lợi dụng cơ hội ấy, muốn đề nghị một số vấn đề của bệnh xá mà lâu nay tôi hằng ưu tư. Tôi nói:

“Thực ra thì cái chuyện này mấy ông y sĩ phải biết rành hơn tôi, có điều họ không dám nói ra đó thôi. Nói ra thì sợ bị kết tội là… nói xấu, xuyên tạc chế độ, rồi bị cùm biệt giam kỷ luật đến bại liệt hay rục xương.”

“Vậy có nghĩa là anh có biết, anh có thể nói ra không? Không có chuyện cùm phạt kỷ luật đâu.”

Thấy Phong có vẻ khẩn khoản, tôi mạnh dạn:

“Nói được chứ. Anh hỏi thì tôi nói. Như vầy: cái bệnh chung của cải tạo viên nơi trại này là bệnh suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến vi trùng bệnh dễ xâm nhập. Vi trùng xâm nhập mà cơ thể không đủ sức kháng cự thì cơ thể sụm. Bệnh nhẹ cũng chết, bệnh nặng càng dễ chết hơn. Đó là chưa nói đến chuyện thiếu thốn thuốc men. Nếu có thuốc tốt đưa đến đây nhưng bệnh nhân ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, lại nằm trong một bệnh xá dơ dáy, thiếu vệ sinh, thiếu mọi tiện nghi, lạnh không có mền đắp, nóng không có quạt thổi, thì thuốc tiên cũng thành vô dụng. Còn nữa, mỗi ngày đi tắm ở hồ sen, chỗ cuối dòng nước chảy; nước ở phía bên kia khu trại gia súc chảy ngang qua khu nhà tròn, rồi đổ về hướng này. Tất cả bệnh nhân, tất cả tù nhân ở đây đều tắm ở cái chỗ cuối dòng nước chảy đó, hứng hết bao nhiêu rác rưới dơ bẩn từ đầu nguồn đổ xuống. Tắm xong lên bờ không có gì lau. Trời lạnh trời nóng gì cũng hụp xuống cái ao đó. Ăn uống xong không có nước rửa chén bát. Thức ăn mỗi ngày không đầy bụng mà lại bỏ quá nhiều sức ra để lao động—điều này là mầm bệnh lao lực, kiệt sức. Chuyện nấu nướng của nhà bếp cũng phải xét lại. Tôi thấy anh nuôi của nhà bếp rửa rau, vo gạo ngay tại cái hồ sen nuôi đầy cá tra với bông lau chuyên môn ăn phân người đó. Anh thử nghĩ xem, vậy thì bệnh tật làm sao tránh khỏi. Không phải chỉ những người nằm nơi bệnh xá này mới mang bệnh mà có thể là tất cả tù nhân trong trại này đều có bệnh, nhiều hoặc ít. Đống hồ sơ bệnh án dầy cộm của bệnh xá chứng minh điều đó. Tôi biết nói ra điều này cũng chẳng thay đổi được gì vì nó nằm ở ngoài khả năng của anh, nhưng tôi cũng cứ nói để anh thấy rõ phần nào cái tình trạng của bệnh xá. Không phải tà khí hay ma quỉ gì đâu. Chỉ vì cái gì cũng thiếu mà thôi.”

Phong chớp đôi mắt, ngó lơ ra cửa một lúc rồi quay mặt vào, nhìn tôi một lúc, nói:

“Đúng là cái này nằm ngoài khả năng của tôi. Nhưng có thể một ngày nào đó, tôi sẽ đề đạt ý kiến này lên ban quản trại để cải thiện lại sinh hoạt trại giam… Anh nói cũng đúng, đa số các trường hợp bệnh chết tại đây đều là đau bao tử, đau ruột, và nhất là kiệt sức. Có nghĩa là có vấn đề trong chuyện vệ sinh và ăn uống, phải không? Cám ơn anh phát biểu trung thực.”

“Còn một điều này nữa, không biết anh có để ý không: những người bệnh kiệt sức chỉ còn trơ lại bộ xương, vậy mà khi nằm dưỡng bệnh ở bệnh xá, họ cũng chỉ được phát phần cơm hay cháo ít hơn phần cơm tiêu chuẩn của những người lao động bên ngoài. Điều này đúng theo cách nói ‘tay làm hàm nhai,’ không lao động thì ăn ít; nhưng cũng không đúng lắm trong trường hợp các bệnh nhân kiệt sức vì họ đang cần lấy lại sức, phải tẩm bổ cho họ chứ. Nếu trại không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho họ thì ít nhất cũng cho họ ăn cơm hay cháo nhiều một chút. Đã có mấy người kiệt sức, vào đây nằm, rồi chết. Chết thật vô lý. Tôi tin rằng nếu cho họ ăn tương đối đầy đủ và được nghỉ dưỡng một thời gian thì tự dưng họ hết bệnh.”

“Chuyện đó… bây giờ phải làm sao? Bệnh xá phải báo cáo hoặc làm đơn xin cấp dưỡng gì đó thì ở trên mới giải quyết được chứ.”

“Trước đây tôi thấy ông Cảnh có làm đơn xin thuốc men, nhưng chưa hề thấy làm đơn xin cấp dưỡng thực phẩm cho các bệnh nhân kiệt sức. Tôi không biết là nếu từ hôm nay, tôi làm đơn xin cấp dưỡng thực phẩm với chữ ký chứng nhận của ban y tế, thì có cơ quan hay bộ phận nào của trại cứu xét không?”

“Ô, ý kiến hay đó. Sẽ có ban lương thực của trại cứu xét cấp dưỡng.”

“Nhưng mà… làm như vậy lâu lắm. Đơn từ gởi đi rồi chờ cứu xét, thực phẩm chưa kịp tới nơi thì bệnh nhân đã chết. Cho nên, tốt hơn hết là ban lương thực của trại trích sẵn một số lượng thực phẩm đủ loại nào đó trong mỗi tháng, đưa vào kho hậu cần của Khu; khi bệnh xá gởi phiếu xin cấp dưỡng thì cầm tay đem qua văn phòng Khu—mất có hai mươi bước; văn phòng Khu chứng nhận rồi cầm tay đưa xuống hậu cần—mất bảy chục bước; ban hậu cần sẽ lãnh trách nhiệm mang thực phẩm cấp dưỡng đó đến bệnh xá—mất năm chục bước. Như vậy chỉ trong vòng cao lắm là một giờ đồng hồ, đơn xin cấp dưỡng đã có hiệu quả. Tôi không biết đề nghị này có quá đáng, có thiếu thực tế lắm không? Anh nghĩ sao?”

“Được, chắc là được. Để tôi đề nghị. Tôi ghi nhận ý kiến của anh.”

Thấy Phong có vẻ sốt sắng chịu để ý đề nghị của mình, tôi hứng thú nói thêm:

“Tôi có thể tóm tắt ý kiến của tôi lần nữa không? Điều này anh cũng như mọi người đều thấy rõ và cũng như tôi đã nói trước khi nãy: phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Bệnh xá trước đây chỉ lo việc chữa bệnh chứ không bao giờ có một kế hoạch hay chương trình gì về chuyện phòng bệnh. Cứ khi nào có người bệnh nặng sắp chết thì mới thấy cõng vào bệnh xá, đến lúc ấy thì chuyện chữa trị đã trở thành muộn màng, khó khăn, ít hi vọng. Ban y tế không bao giờ có cơ hội khám bệnh tổng quát cho tù nhân. Buổi tối ban y tế đi dạo một vòng các phòng giam, chỉ hỏi: ‘Có ai bệnh hoạn gì cần khai báo hay xin thuốc uống không?’ Hỏi như vậy đâu phải là khám. Bệnh nhân làm sao biết mình có bệnh gì mà khai. Có khi họ mang trọng bệnh trong người mà không biết, cho đến khi bác sĩ phát hiện được thì đã trầm trọng, quá trễ. Có người đang lao động ngoài trời bỗng ho ói ra máu rồi mới đưa vào bệnh xá. Đâu phải là căn bệnh bắt đầu từ lúc ói ra máu mà đã bộc phát từ trước đó nữa chứ, phải không? Cho nên, ít nhất cũng phải tổ chức cho ban y tế có cơ hội khám bệnh tổng quát cho mọi người mỗi tháng một lần, không thể khám một lần trong ngày tất cả bệnh nhân thì chia ra từng đợt, ngày nào cũng có khám, mỗi ngày khám cho một phòng giam thì mỗi tháng cũng khám được hết cho toàn trại… Không hiểu chuyện đó có thể thực hiện được không?”

“Ý kiến hay lắm… Không biết sao trước đây chẳng ai nghĩ tới vậy kìa!” Nói câu ấy rồi, Phong có vẻ như thấy rằng mình vừa lỡ lời, liền chữa lại. “Thực ra kế hoạch y tế của nhà nước ta lúc nào cũng quan tâm đến chuyện phòng và chữa bệnh, cũng như việc khám bệnh tổng quát cho nhân dân hàng ngày hàng tháng đó chớ, chỉ có điều là chưa hề áp dụng cho trại cải tạo đó thôi.”

Tôi cười nói:

“Chuyện anh nói là chuyện của các thành phố thôi. Nhưng không phải ai cũng có sổ khám bệnh; mà dù cho có sổ khám bệnh đi nữa, cũng xếp hàng suốt ngày để được khám, rồi được phát một bọc xuyên tâm liên chứ có thuốc gì khác hơn đâu. Bệnh gì cũng uống xuyên tâm liên, thuốc trị bá bệnh đó mà. Còn nữa, ở các vùng kinh tế mới không có bệnh viện, bệnh xá hay trạm y tế gì cả. Mỗi lần có bệnh gì phải lội bộ cả chục cây số mới đến được một trạm y tế nhỏ. Tóm lại là vấn đề y tế của nước mình còn yếu kém quá cho nên không trách gì các trại cải tạo, phải chịu vậy thôi! Tôi góp ý nhưng nghèo quá thì cũng chẳng thực hiện được đâu.”

“Được chứ, được chứ, phải khắc phục được hết.”

Nói rồi, Phong có vẻ ưu tư suy nghĩ một lúc, rời bệnh xá. Hôm sau, Phong trở lại, vui vẻ nói với tôi:

“Anh có thể làm đơn xin cấp dưỡng cho những người bị kiệt sức rồi đó. Đây nè, có một số loại trái cây, thịt, cá, lúa, bắp, đậu… mà trại có thể cung cấp, ngoài số này thì phải chờ lâu một chút, vì những thứ kê khai nơi đây là trại có sản xuất. Anh dựa theo cái danh sách này mà viết đơn nghe. Đơn viết xong, đưa ban y tế duyệt ký rồi đưa qua văn phòng Khu, ở đó có tôi ký rồi anh có thể mang thẳng xuống kho hậu cần. Dĩ nhiên không phải lúc nào tôi cũng có mặt ở văn phòng Khu nhưng nội trong ngày, thế nào cũng có tôi ở đó hoặc ở đây. Nhớ nhé. Công việc này tôi tin tưởng mà để anh làm chứ chưa chắc người khác tôi đã đồng ý đâu. Còn chuyện khám bệnh cho toàn trại thì ở trên đang còn nghiên cứu kế hoạch thực hiện. Tôi hy vọng sẽ được duyệt xét.”

Kể từ hôm đó, bệnh xá có vẻ có sinh khí hơn. Các người bệnh nặng được chăm sóc kỹ lưỡng. Mấy anh kiệt sức đều được tẩm bổ thịt, cá, trái cây, bột. Mặc dù phần cấp dưỡng ấy chẳng là bao, nhưng có còn hơn không. Bệnh xá tạm thời cứu sống được một số bệnh nhân èo uột chỉ còn trơ lại bộ xương. Những bệnh nhân này đều không có hoặc chưa có quà thăm nuôi của gia đình từ lâu. Không phải chỉ những người kiệt sức được cấp dưỡng theo phiếu đề nghị mà cả những bệnh nhân khác trong bệnh xá đều được nhận phần cơm hay cháo nhiều hơn. Ngoài ra, mỗi tuần anh nuôi hậu cần đều có mang vào bệnh xá một thúng trái cây giao tôi chia đều cho các bệnh nhân. Thường thường là đu đủ và cam chín rụng hoặc sắp hư hay bán không hết, nhặt từ vườn cây trái và nhà hàng của trại—mà trước đây đem đổ hay bán tháo ở đâu không biết, bây giờ dành cho bệnh xá. Điều này chưa hề xảy ra trong quá khứ. Tôi nghĩ có lẽ lời tôi đề nghị với Phong đã có kết quả. Kết quả không phải là cải cách lớn lao gì lắm, nhưng dù sao, tôi hy vọng rằng đây sẽ trở thành một tiền lệ sáng sủa hơn cho bệnh xá. Vả lại, cái chuyện bé xíu ấy xét cho cùng thì cũng khai thác được chỗ dụng cho những trái cây và thực phẩm thặng dư của trại. Những trái cây và thực phẩm cấp dưỡng ấy có bầm dập hay meo mốc đến mức nào đi nữa thì xem ra vẫn còn chút tươi mát, chút sinh khí dinh dưỡng, dễ nhìn và lôi cuốn hơn những anh chàng bệnh nhân ốm đói của bệnh xá.

Ó

Từ khi ông Cảnh được về, danh sách bệnh nhân nan y cần được trả tự do để chữa trị—còn lại mấy chục người chưa cứu xét—bỗng dưng đứng khựng lại, cơ hồ không còn dấu hiệu gì là sẽ được đá động tới. Tôi không còn chút hy vọng gì về danh sách ấy nữa, chỉ biết sống và làm việc từng ngày trong trách nhiệm của mình nơi bệnh xá. Nhưng ông Trợ thì chưa chịu thua, mỗi lần thấy tôi ngồi im lặng nơi bàn giấy của bệnh xá, ông trờ tới, lại an ủi:

“Chắc đang còn cứu xét, vì số người chưa được cứu xét đa phần là tù nhân vượt biên và chính trị, phải chậm hơn chứ.”

Tôi chỉ cười, không có ý kiến gì. Nhưng ngay ngày hôm sau, bỗng thấy một ông già cán bộ mặc sắc phục xanh của công an, theo Phong vào bệnh xá, ra lệnh tất cả bệnh nhân có tên trong danh sách bệnh nan y và cả những bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh xá, tập trung tại văn phòng, để ông già ấy khám bệnh. Ông Trợ gọi ông ấy là cán bộ bác sĩ. Chẳng biết bác sĩ già này tốt nghiệp trường lớp nào mà cách khám bệnh coi mòi khá đơn giản, nhanh chóng, lẹ tay, ít mất thì giờ, e có thể so được với Tuệ Tĩnh hay Hoa Đà. Ông chỉ sử dụng cái ống nghe, đặt nơi vùng ngực vài chỗ, vùng lưng vài chỗ, là đã có thể ghi được bệnh. Vâng, bệnh gì cũng vậy, cũng chỉ nghe là có thể luận được rồi. Ông cũng chẳng cần bảo bệnh nhân hít mạnh thở sâu, thở vào thở ra gì cả. Vọng, văn, vấn, thiết(nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch—bốn phương cách chẩn bệnh của y sĩ), ông chỉ sử dụng “văn” theo cái nghĩa là nghe bằng ống nghe của ngành y học Tây phương chứ không phải “văn” là thăm dò thanh âm giọng nói của bệnh nhân cũng như những lời tự khai về triệu chứng của chính bệnh nhân ấy. Cái ống nghe đối với ông cán bộ già này có vẻ như là cây đèn thần, chiêc đũa tiên, hay viên ngọc như ý. Dường như với ông, chức năng của ống nghe không phải là nghe bệnh mà là chữa bệnh. Vâng, xem cách ông trân trọng “cung thỉnh” cái ống nghe từ trong hộp đồ nghề y khoa ra, người ta có cảm tưởng là ông sắp ra tay cứu độ bệnh nhân, tiêu diệt các căn bệnh hiểm nghèo. Cũng không có gì trách ông, vì trên thực tế, dụng cụ y khoa rất hiếm: ống nghe chỉ dành cho cán bộ y tế cao cấp và các bác sĩ. Bởi hiếm hoi, nó được xem như là một trong những vật biểu trưng sáng chói của nền văn minh và tiến bộ nhảy vọt của chế độ xã hội chủ nghĩa; móc nó vào cổ thì tự dưng con người trở nên sáng giá, cao kỳ, vĩ đại hơn lên.

Khám đến tôi, ông già đặt cái “dĩa nghe” (tôi tạm gọi cái vật tròn tròn nơi ống nghe của y sĩ như vậy vì thực chẳng biết thuật ngữ chuyên môn y khoa gọi nó thế nào), nơi ngực tôi một lúc thì có vẻ ngạc nhiên, tỏ vẻ khó hiểu, ngước nhìn tôi một cái, rồi cúi xuống lắng nghe trở lại. Hình như ông không nghe gì cả. Ông tháo ống nghe ra khỏi tai, nhìn hồ sơ bệnh án của tôi do ông Trợ chẩn đoán trước đó; rồi ông đặt ống nghe vào tai trở lại, bảo tôi hít thở sâu. Tôi làm theo lời ông, hít thở thật mạnh. Ông vẫn không nghe gì thì phải. Tôi biết lúc ấy trái tim của tôi nó không chịu đập. Nó đứng yên không nhúc nhích gì cả như nó đã từng làm như vậy nhiều lần trước đây. Ông giật mình gỡ hai tuýp nghe ra khỏi tai, đưa một tay lên sờ trên ngực tôi:

“Lạ nhỉ, trái tim anh này nó không đập! Hít thở đều coi nào, hít mạnh, thở mạnh! Kỳ khôi thế nhỉ!”

“Báo cáo cán bộ, anh ấy bị lớn tim… cái van tim bị chèn hay là bị hở đấy ạ,” ông Trợ đứng bên liền nói vào.

Ông cán bộ già gật gù vừa nói vừa lấy viết ghi mấy chữ vào cuốn sổ mới do Phong cung cấp cho ông:

“Tôi biết mà, nghe qua là tôi biết ngay.”

Sau khi ông cán bộ y tế già đích thân khám bệnh cho bệnh nhân ở bệnh xá, Phong ôm luôn cuốn hồ sơ bệnh do ông cán bộ già ghi, cùng ông rời khỏi bệnh xá. Từ hôm đó, bệnh xá im lìm, không có sự cố gì xảy ra ngoài việc đón nhận và chăm sóc một anh tù chính trị tên là Nam, bị cán bộ, công nhân và cai tù đánh ngất xỉu trước sân trại. Nam được đưa vào nằm ở bệnh xá từ buổi trưa, đến chiều tối thì tắt thở. Cái chết của Nam gây dư luận xôn xao trong trại khiến cho ban quản trại e dè, ra chỉ thị ngăn cấm bàn tán, rồi còn dặn dò phải khai báo như thế nào nếu có cán bộ tỉnh vào điều tra. Công việc lập biên bản tử vong đáng ra là công việc của ông Trợ và tôi thì lại để cho ông cán bộ y tế già và người phụ tá của ông thực hiện. Xác của Nam thay vì để ở bệnh xá thì đem ra văn phòng Khu để chờ cán bộ y tế tỉnh vào khám nghiệm.

Buổi tối hôm ấy, vào giờ báo nghiêm, trong khi bệnh nhân chúng tôi đã lên giường và bị xích chân vào cùm sắt để ngủ thì Phong vội vã bước vào, bảo mở cùm cho tôi ra, đến làm việc tại văn phòng của bệnh xá. Phong đưa tôi bản sao (bằng tay) đơn xin cứu xét những bệnh nhân nan y của đợt trước (trong số đó có một số người chưa được cứu xét trả tự do) cùng với cuốn sổ bệnh mới mà ông cán bộ y tế già vừa mới lập, bảo tôi làm một đơn xin cứu xét kèm danh sách mới. Danh sách này dựa theo danh sách đợt trước, loại trừ những người đã được về, giữ lại những người chưa được cứu xét và thêm một số tên mới. Và dĩ nhiên là tên tôi, một lần nữa được ghi vào. Phong cho thời hạn là trong vòng đêm nay phải làm xong để sáng sớm ngày mai anh mang đi. Danh sách bệnh nhân tổng cộng gần một trăm bốn mươi người, ghi rõ tên họ, tuổi tác, sinh quán, nguyên quán, nghề nghiệp, tội trạng, căn bệnh… của mỗi người. Có một số tên ở đâu lạ lắm, không thuộc số bệnh nhân đang nằm điều trị ở bệnh xá này. Tôi nghĩ có lẽ họ ở bệnh xá của các Khu khác. Làm xong bản danh sách lại phải sao thêm hai bản khác, sao bằng tay.

Trong khi tôi đang ngồi lập bản danh sách gốc, Phong hãy còn đi qua đi lại hoặc ngồi nói chuyện với ông Trợ để chờ đợi. Thấy công việc không thể xong ngay, Phong bước đến chỗ tôi, ngồi im nhìn tôi làm việc một lúc rồi nói, giọng nhỏ, vừa cho tôi nghe:

“Những gì anh nói với tôi trước đây, tôi thấy đúng lắm, nhưng trong khả năng của tôi, tôi cũng chẳng làm được gì để cải thiện nổi. Chỉ còn cách là đề nghị cứu xét tạm tha, tạm tha hết những người bệnh nặng thì may ra tránh được những cái chết vô lý. Cái chết của anh Nam mấy ngày trước… anh Khang có chứng kiến không?”

Ngừng bút, mắt không ngước lên, tôi nói:

“Tôi còn bị bắt buộc phải chứng kiến cảnh người ta dùng roi để đánh anh Nam nữa kia. Đánh cho đến ngất xỉu, đem nước lạnh dội cho tỉnh lại, rồi đánh tiếp. Tám người cầm roi vây đánh một người bị còng tay. Tôi không hiểu ban quản trại muốn gởi đến tù nhân chúng tôi cái thông điệp gì đây.”

“Lúc đó tôi đang lo họp về vụ bệnh nhân của bệnh xá, không có ở đây. Vả lại, đó là việc của ban quản giáo và ban chỉ huy Khu, tôi không can dự. Nhưng tôi cũng hoàn toàn không đồng ý chuyện xử phạt tù nhân trốn trại bằng cách đó. Dã man quá. Đó, rồi anh Khang cũng biết, thêm một người chết trong bệnh xá làm cho tôi lại mang tiếng. Thực ra anh Nam đâu phải là bệnh nhân của bệnh xá. Tôi kiện lắm ban quản trại mới đem xác anh ấy ra văn phòng ban Chỉ huy Khu đó.”

Phong vừa nói đến đó thì ông Trợ bước vào, kéo ghế ngồi cạnh tôi, nói:

“Để tôi đọc giúp anh cho nhanh nhé.”

Phong ngồi một lúc rồi đứng dậy, bước ra, ngang chỗ tôi ngồi, Phong đứng lại, vừa nói vừa cười:

“Anh Khang này giỏi lắm nghe, phải không ông Trợ? Làm việc gì cũng tận tâm, hết mình, mà lại nhanh chóng nữa.”

“Báo cáo cán bộ, đúng vậy đó, anh ấy giỏi lắm. Ở bệnh xá này, bệnh nhân thương quý anh ấy hơn cả tôi và mấy y sĩ ở đây nữa kia.”

Phong vỗ vai tôi, cười, rồi nói:

“Mai này có về đừng ăn chay nữa nghe. Ăn chay hoài làm sao đủ sức khỏe, cho nên mới bệnh đó, phải không?”

Nói rồi, Phong rời bệnh xá. Câu nói của Phong dù không có gì chắc chắn lắm, nhưng cũng gợi ý cho tôi ít nhiều cái viễn cảnh tươi đẹp của tự do, trả lại cho tôi niềm hy vọng đã chìm mất từ những ngày trước.

Trước lễ Giáng Sinh hai ngày, trong khi tôi đang ngồi ở bệnh xá thì Lộc bước vào, tay cầm một tờ giấy. Thấy tôi, Lộc mừng lắm, reo lên:

“A, anh Khang, anh lúc này khỏe không? Trời ơi, em có nghe nói là bây giờ anh làm thư ký bệnh xá mà chưa có dịp nào ghé thăm anh. Bận quá anh Khang ơi. À, có cái danh sách này, ông Liệt giao em đi lấy mấy người ở bệnh xá, vậy anh Khang đọc dùm em đi, em đâu có biết chữ.”

Tôi cầm tờ giấy. Lộc vỗ tay ba tiếng bảo bệnh xá im lặng:

“Lắng nghe nè, ai có tên thì mang đồ đạc cá nhân tập trung ở văn phòng ban Chỉ huy Khu. Rồi, đọc đi anh Khang.”

Tôi đọc lớn. Danh sách có tên tôi. Lộc nghe thì giật mình, hỏi:

“Vĩnh Khang là tên anh, phải không?”

“Ừ.”

“Mẹ bà tụi nó! Anh Khang như vầy mà…”

Ông Trợ nghe vậy thì bước tới, hỏi dồn:

“Danh sách này là danh sách gì vậy anh Lộc? Nói tôi nghe đi. Cho về hay là đi đâu vậy?”

Lộc ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Đâu phải danh sách về! Đây là danh sách vô nằm nhà đá đó!”

“Úy trời, vậy thì không được! Tôi không cho các anh lấy anh Khang đi đâu. Anh ấy bị bệnh tim nặng lắm, có cán bộ y tế của trại chứng nhận mà, không đi nhà đá được đâu. Đi lần này là chết chắc! Tôi nói rồi đó, tôi không chịu trách nhiệm đâu nghen. Hay là anh trình cho cán bộ Phong biết ngay đi để cán bộ Phong can thiệp. Cán bộ Phong cũng biết anh Khang bệnh mà.”

Lộc nghe vậy thì cũng mừng, nói:

“Được rồi, được rồi, có lý do như vậy thì tốt, để tôi báo cáo lên là anh Khang bệnh nặng không thể vào nhà đá, có ban y tế xác nhận.”

Vậy là tôi không phải vào nhà đá. Ông Trợ nói rằng danh sách bệnh nhân nan y đang chờ cứu xét, nếu tôi vào nhà đá thì không có cơ hội để được nghe đọc lệnh tạm tha—có thể là trong những ngày sắp tới. Người ta không bao giờ trả tự do cho những phần tử đang bị giam ở nhà đá bao giờ.

Và trong khi mấy chục người bị lùa vào nhà đá trong dịp lễ Giáng Sinh thì vài ngày sau đó, khoảng gần năm mươi người ở bệnh xá và Khu C được gọi tên lên văn phòng ban chỉ huy Khu để nhận lệnh tạm tha; và lại không có tên tôi… Cả ông Trợ cũng được về trong đợt này dù rằng ông không có trong danh sách bệnh nan y. Bàn giao công việc của bệnh xá cho anh Oai và ông Mậu xong, ông Trợ nói riêng với tôi ở văn phòng bệnh xá, lại với giọng an ủi:

“Danh sách kỳ này một trăm bốn mươi người, anh biết rồi đó, hôm nay cho về chưa tới năm mươi, vậy thì vẫn còn cơ hội. Chắc là nay mai thôi. Anh sẽ về đó, tin tôi đi. Thôi, tôi về trước nghe.”

“Nhưng… xin hỏi chú một câu chót: có thực là tôi bị bệnh tim không?”

“Ư… thực ra thì tôi không biết anh bị bệnh gì, chỉ thấy là quanh vùng tim có tiếng lạ lắm, không giống như người khác. Đại khái là có cái gì bất thường nơi trái tim anh đó. Cái dấu hiệu đó giống như là bị hở van tim, mà có khi lại giống như là bị nghẽn van… khó nói lắm. Tôi chịu thua. Nhưng tốt hơn là cứ kết luận là bị đau tim để phòng ngừa chuyện anh làm việc nặng hay xúc động mạnh mà bị chết bất đắc kỳ tử.”

Tôi cám ơn ông đã giúp tôi trong thời gian qua. Ông cười, nói:

“Có gì đâu. Anh em cùng hội cùng thuyền thì giúp nhau thôi mà. Vả lại, anh bệnh thì tôi khám, tôi chữa, đó là công việc của tôi, có gì đặc biệt đâu mà cám ơn.”

Nói rồi ông vẫy tay, bước ra. Tôi không rõ ‘cùng hội cùng thuyền’ là như thế nào. Ông bị tù vì vượt biên, tôi bị tù vì hoạt động chính trị. Ông ấy là y sĩ, tôi là tu sĩ. Cùng cái hội nào, cùng cái thuyền nào? Cái hội tù nhân, cái thuyền K4 hay cái hội nhân dân trong cái thuyền Việt Nam… thì ai lại chẳng cùng. Thôi thì cứ ghi nhận. Cám ơn ông, một y sĩ xoàng nhưng có lương tâm, một hộ pháp thiện thần hiện thân để cứu giúp tôi suốt nhiều tháng qua.

Ông Trợ về rồi, Phong cắt Oai thay thế làm trưởng ban y tế của bệnh xá Khu C. Anh Oai bị bắt vì tội vượt biên. Anh khai là y tá của chế độ trước, nhưng nhìn cách anh chữa bệnh, tôi không nghĩ anh chỉ là y tá. Cỡ ông Nguyên ông Mậu so với anh Oai thì chẳng ra làm sao cả. Đến anh Oai này mới thật là y sĩ giỏi. Bao nhiêu căn bệnh khó trị mà ông Trợ bó tay để bệnh nhân nằm ì tại bệnh xá, anh Oai xăn tay chữa hết. Anh nhờ tôi làm đơn xin cấp một số thuốc tây đặc biệt để trị các căn bệnh hiểm nghèo. Trong đơn xin cấp thuốc, anh cũng cần thuốc gây mê và các dụng cụ giải phẫu. Các loại thuốc khác đều được cung ứng theo nhu cầu của bệnh xá, ngoại trừ thuốc tê và dụng cụ đặc biệt cho ngành giải phẫu. Có lẽ ban quản trại sợ nhân viên bệnh xá dùng thuốc mê và các dụng cụ bén nhọn này để ám sát cán bộ (?). Cho nên, anh chàng bị sạn bàng quang sau khi được anh Oai cho uống loại thuốc gì đó để tống hòn sạn theo đường tiểu ra đầu dương vật, đã nằm rên la thảm thiết đến độ không ai trong bệnh xá mà cầm lòng cho được. Anh Oai, hỏi bệnh nhân có chịu cho giải phẫu không có thuốc tê không. Anh kia đau quá nhận lời đại. Vậy là theo sự hướng dẫn của anh Oai, bệnh nhân cởi quần ra, đứng dưới đất, một chân gác lên mép giường, không một mũi thuốc tê nào, chịu đựng cho anh Oai dùng lưỡi dao mổ duy nhất của bệnh xá, nhúng cồn để tẩy trùng rồi xẻ đầu dương vật, lôi ra hòn sạn to bằng đầu ngón tay giữa. Lôi sạn ra rồi, anh Oai còn dùng kim chỉ để khâu đầu dương vật của bệnh nhân lại. Không một chút thuốc tê nào!

Một tuần sau khi ông Trợ về thì đến Tết dương lịch của năm 1987. Dịp này, lại thêm một đợt thả tù bệnh nan y, giải quyết gần hết cái danh sách sau cùng mà Phong bảo bệnh xá thực hiện. Nhưng vẫn chưa có tên tôi. Những người chưa được cứu xét còn lại trong bệnh xá là những người tù chính trị và án nặng. Điều này ngoài Phong và ban quản trại ra, có lẽ chỉ có mình tôi là người thấy rõ, vì chính tay tôi viết và sao danh sách cứu xét (có giữ lại một bản cho bệnh xá). Tù chính trị và án nặng thì khó được trả tự do. Tôi đã nghĩ đến điều ấy trước đây nhưng đến lúc này, sau nhiều đợt tha có tính cách chắt lọc thành phần tù án nhẹ và chừa lại thành phần tù án nặng, tôi mới thấy sự kiện một cách rõ rệt hơn. Niềm hy vọng của tôi càng lúc càng giảm nhiều.

Hôm sau, Phong cùng bốn tù nhân mang vào văn phòng bệnh xá một cái cân lớn và bốn, năm thùng cạc-tông chất đầy những cuốn sổ khám bệnh cá nhân (loại này nhà nước có in sẵn để phát cho nhân dân có hộ khẩu chính thức đi khám bệnh ở các bệnh viện công). Phong cười, nheo mắt riêng với tôi rồi giao cho thư ký bệnh xá lập sổ bệnh cho tất cả tù nhân của trại. Công việc văn phòng bệnh xá từ hôm ấy là đón nhận từng đoàn tù nhân ở các phòng giam xếp hàng bước vào để lập sổ bệnh riêng cho mỗi người. Sổ khám bệnh ghi tên tuổi và lý lịch tổng quát của mỗi người kèm theo tội trạng của họ. Chúng tôi cũng lo việc cân sức nặng và đo chiều cao của mỗi người rồi ghi vào sổ của họ, phát sổ ấy cho mỗi người giữ lấy. Công việc ấy không cần tới anh Oai và ông Mậu mà do tôi và vài bệnh nhân biết chữ khác đảm trách. Tôi vui vẻ làm công việc này suốt cả ngày cho tới tối gần giờ báo nghiêm mới nghỉ mà không biết mệt.

Buổi tối nằm trong cùm, nghĩ tới anh cán bộ miền Nam cởi mở như Phong, tôi có giả thiết rằng nếu những người cầm quyền hiện nay biết gạt bỏ chuyện chủ nghĩa, ý thức hệ, đảng phái… qua một bên, biết lắng nghe và tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong việc xây dựng và kiến thiết xứ sở… thì đất nước này đâu đến nỗi phải suy vong lụn bại như thế này. Tôi luôn luôn có cảm nghĩ rằng đất nước tôi không phải là mảnh đất thích hợp để gieo trồng duy nhất một loại hạt giống nào đó, nhất là loại hạt giống mang khả tính hủy diệt các hạt giống khác loại với nó. Vậy mà người ta cứ hăm hở xun xoe rước về những hạt giống xấu đã từng tàn phá những mảnh đất màu mỡ của vườn khác, đem về đây mà phá hoại vườn nhà. Càng phá hoại và làm đau khổ kẻ khác nhiều chừng nào, người ta càng vun bón làm giàu thêm chất tưởng tượng siêu phàm vô địch trong đầu họ chừng nấy, để rồi cứ bập bềnh trong giấc mộng hãnh tiến, không bao giờ chịu nhìn lui, nhìn lại, nhìn xuống, nhìn ngay, nhìn trước… chỉ có nhìn lên mà thôi. Vâng, nhìn lên thật cao, cái đỉnh cao chót vót của nền văn minh duy vật đã đánh bại tất cả các nền văn minh cổ xưa hay hiện đại của thế giới! Và thời đại hôm nay mà chúng tôi đang sống là thời đại thăng hoa vượt bực của diều giấy mộng tưởng. Trong khi các vệ tinh nhân tạo đã có thể bay vòng vòng chung quanh trái đất và các phi thuyền đang nhắm vào các vì tinh tú xa xăm thì nơi đây, chúng tôi vác búa liềm và cuốc rựa lên vai, miệng đồng loạt mỉm cười, hân hoan, tin tưởng, tự hào: phóng lên trời cao tất cả tinh hoa trí tuệ của một dân tộc may mắn được sự hướng dẫn của Bác-Đảng, phấp phới hồ hởi theo đôi cánh tung hoành ngạo nghễ của con diều giấy vô địch. Ôi là mộng tưởng ấu thời! Ôi là vinh quang chói lọi của ngọn cờ bách chiến bách thắng!

***

Buổi sáng của ngày kế tiếp, ban y tế chúng tôi tiếp tục cân đo và lập sổ bệnh cho nhiều tù nhân từ các Khu khác kéo về. Văn phòng bệnh xá chật chội, chúng tôi khiêng bàn và cái cân ra ngoài sân. Phong đem đến thêm một cái cân khác và vài sợi thước dây (dùng đo vòng ngực bệnh nhân) để chúng tôi làm việc nhanh hơn. Và trong khi chúng tôi đang cặm cụi làm công việc ấy thì Phong đang sắp xếp những bệnh nhân đã có sổ bệnh bước vào một căn phòng nằm xéo góc với văn phòng bệnh xá, đối diện văn phòng ban chỉ huy Khu. Tôi không hiểu có gì xảy ra ở đó. Mãi đến khi lập xong hết sổ bệnh, tôi mới biết rằng mọi tù nhân đều phải xếp hàng để vào căn phòng đó, có các bác sĩ của tỉnh Đồng Nai từ Thủ Đức tới khám bệnh. Các vị bác sĩ này hiện đang làm việc ở một bệnh viện lớn nhất của tỉnh. Họ gồm mười ba người, mười bác sĩ và ba người khác là y tá lo ghi chép lập hồ sơ bệnh, hầu hết trẻ tuổi. Riêng bác sĩ trưởng thì cao tuổi nhất nhưng cũng chỉ đâu chừng trên dưới năm mươi.

Trong khi sắp xếp cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá xếp hàng vào khám, tôi nghe vị bác sĩ trưởng nói chuyện với Phong bằng giọng Huế. Bỗng dưng một cảm giác thân mật, gần gũi nào đó bừng dậy trong tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không nghe được cái giọng Huế nhỏ nhẹ dễ thương. Cái giọng Huế ấy sao mà giống cái giọng của ba tôi. Ở nhà tôi, chỉ có ba người nói tiếng Huế là ba tôi và hai chị lớn. Nhưng trong cái kho tàng ký ức của tôi, dường như chỉ có cái giọng Huế nhỏ nhẹ của ba tôi là tràn đầy và còn có thể gợi nhớ, còn có thể mường tượng ra được, bởi vì ngoài thì giờ làm việc ở sở, ba tôi dành rất nhiều thời giờ còn lại của ông để nựng nịu và nói lời thương yêu với từng đứa con trong nhà.

Đến lượt bác sĩ trưởng rảnh tay thì đúng lúc tôi bước vào. Vừa ra dấu tôi ngồi xuống giường, bác sĩ xem sổ bệnh.

“Tên là Vĩnh Khang à?”

Tôi chỉ gật đầu. Bác sĩ nhìn xuống phần lý lịch cá nhân, hơi giật mình ngạc nhiên một lúc rồi mặt ông thoáng hiện vẻ xúc động. Một lúc, ông lại hỏi nhỏ:

“Nghề nghiệp để là tu sĩ, vậy tu sĩ ở chùa hay tu sĩ ở nhà thờ đây?”

“Thưa, ở chùa.”

“Tội PCM là gì vậy?”

“Thưa, phản cách mạng.”

Bác sĩ im lặng, có vẻ ưu tư. Một lúc, ông xăn tay, cầm ông nghe lên, hỏi:

“Trong sổ ghi là bệnh đau tim, vậy đó là do ban y tế của trại khám hay do có bệnh từ trước mà biết?”

“Bác sĩ của trại khám nhiều lần đều cho là đau tim.”

“Có biết vì nguyên do nào không? Chẳng hạn trước khi vào đây, hay lúc nhỏ, có bị đau tim hay yếu tim sẵn không?”

“Tôi không nhớ, nhưng… có lần tôi bị người ta đánh đập, một người đạp mạnh vào ngay tim, chỗ này.” (Tôi nhớ trận đòn vượt biên ở Vạn Giã mà từ sau ngày đó, giọng nói và nhịp thở của tôi không còn mạnh mẽ như hồi thiếu niên nữa.)

Bác sĩ có vẻ xúc động mạnh, đưa mặt sát về hướng tôi một tí, hỏi nhỏ:

“Sao người ta lại đánh đập vậy?”

Có lẽ ông tưởng rằng tôi bị cán bộ hay cai tù đánh.

“Không có chuyện gì đâu. Đó là chuyện trước khi vào đây.”

“Thôi nằm xuống đi, thở mạnh, thở mạnh… Được rồi, được rồi, ngồi dậy đi.”

Ông ghi gì đó vào cuốn sổ bệnh của tôi rồi đem qua đưa cho Phong, hai người nói qua nói lại to nhỏ với nhau gì đó, tôi không nghe được. Tôi có ý đứng lại chờ đợi kết quả chẩn bệnh, nhưng Phong bước tới nói:

“Anh về lại bệnh xá được rồi.”

Tôi bước ra. Một lúc, Phong đến bệnh xá:

“Anh Khang, anh có thể lên phòng khám bệnh giúp làm thư ký cho bác sĩ trưởng, được không? Vì trên đó ba thư ký cho mười bác sĩ, không đủ. Bác sĩ trưởng cần xin một người làm thư ký riêng cho ổng. Anh lên đi há, giúp dùm đi cho nhanh.”

Tôi vội lên phòng khám. Từ đó tôi ngồi cạnh bác sĩ trưởng cho đến khi ông khám xong những bệnh nhân cuối cùng. Trong lúc đang làm việc, ở một góc bàn khác có hai anh công an một anh đọc hồ sơ bệnh, một anh đang đánh máy. Hình như là các hồ sơ bệnh nặng đều tập trung vào cái bàn của hai anh công an này. Tôi nghe một anh đọc lớn tên tôi, tôi giật mình quay lại. Phong đứng gần đó cũng quay nhìn về hướng hai anh công an kia, rồi lật đật chạy tới, nói nhỏ nhưng tôi đoán nghe được:

“Xuỵt, đọc nhỏ, có người này ở đây.”

Vậy là phần bệnh trạng của tôi do bác sĩ trưởng xác nhận, họ không muốn cho tôi nghe. Cái phần đó là phần quyết định. Tôi đoán rằng trại muốn trả tự do cho những tù nhân có bệnh nan y nhưng vì trong số này có tù chính trị án nặng nên trại phải mời các bác sĩ của bệnh viện tỉnh vào khám để dựa vào sự xác nhận của các bác sĩ này mà thả tù.

Buổi chiều, khi việc khám bệnh xong xuôi, bác sĩ trưởng quay qua bắt tay tôi và nói lời cám ơn. Tôi cũng cám ơn ông lần nữa. Ông nói với Phong:

“Thư ký bệnh xá này giỏi quá, các ký hiệu y khoa đều biết hết trơn! Giống như người học ngành y khoa vậy!” (Thực ra cách ghi các ký hiệu vắn tắt này, tôi chỉ mới học lóm được một ít từ anh Oai chứ chẳng biết gì khá hơn).

Phong cười có vẻ thích chí lắm, nói:

“Giỏi chớ. Tôi biết anh ấy giỏi mới kêu lên đây đó.”

Tôi còn tần ngần đứng chờ Phong đưa trở về bệnh xá (vì tôi không thể tự động đi một mình ở trong trại) thì bác sĩ trưởng nhân lúc Phong quay qua hướng dẫn hai anh công an kia làm việc, lại vỗ vai tôi, nói nhỏ:

“Về được thầy nhớ đi khám bệnh, bảo người ta đo điện tâm đồ để biết rõ thêm căn bệnh nhé. Chúc thầy may mắn.”

***

Thứ hai ngày 05-01-1987, hai hôm sau ngày tổng khám, hơn một trăm bệnh nhân được trả tự do. Nhiều bệnh nhân không có tên trong danh sách bệnh nan y do ban y tế bệnh xá lập trước đây mà do mười bác sĩ của bệnh viện tỉnh mới chứng nhận trong đợt tổng khám. Thật là một ngày đại xá vui vẻ chưa từng thấy ở trại giam. Tôi hồi hộp chờ nghe tên mình suốt cái danh sách dài, vẫn không thấy. Tôi chưa được tự do.

Thằng bé tên Bảy, mười tám tuổi, nhỏ con và khẳng khiu như một con nai con, là một bệnh nhân bị kiệt sức nằm lâu ở bệnh xá, được gọi tên thì mừng quýnh lên, nhảy cỡn một lúc rồi chạy tới ôm chầm lấy tôi, cười nói:

“Anh Khang ơi, em được về rồi, em được về rồi!”

Tôi sung sướng nhìn Bảy, xoa đầu nó. Nó nhón lên hôn nơi má, nói:

“Cám ơn anh Khang nhiều lắm nghe, em về trước, anh về sau há!”

Vậy rồi khi ra xếp hàng ngoài sân chờ vào văn phòng ban chỉ huy Khu để nhận giấy tha, Bảy ngất xỉu, chúng tôi phải cõng em vào bệnh xá. Anh Oai nói Bảy bị kiệt sức lại bị xúc động mạnh, rồi đứng xếp hàng chờ lâu ngoài nắng nên chịu không nổi, phải cho em ở lại bệnh xá bồi dưỡng vài ngày trước khi về. Tôi cấp tốc viết phiếu xin cấp dưỡng cho em. Nhưng buổi chiều cùng ngày, sau khi ăn xong phần cháo nấu với khoai tây và thịt bằm, em nằm một lúc thì tự dưng rùng mình, nói mệt, mệt lắm. Anh Oai đến khám, nói mạch đập em yếu hết sức, chắc là không qua nổi. Tôi nghe vậy thì tức muốn khóc. Đã được tha rồi mà còn về không được nữa sao, Bảy ơi, cái nghiệp gì mà nặng quá vậy! Tôi ngồi bên cạnh Bảy, chẳng biết làm gì khác hơn là cầu nguyện cho em. Một lúc, Bảy nắm lấy tay tôi, nói thì thào:

“Anh Khang ơi, sao anh tốt với em quá vậy?”

Tôi ngăn em, nói:

“Nghỉ ngơi, đừng nói nhiều mất sức. Cầu nguyện đi.”

“Có, em có cầu nguyện Chúa đó anh Khang.”

“Giỏi lắm, nhưng em biết cầu nguyện sao cho tốt không?”

“Anh nói em nghe đi.”

“Gạt bỏ hết mọi suy nghĩ, tập trung vào lời cầu nguyện. Đừng để tâm phân tán đủ chuyện, hiểu không?”

Bảy gật đầu nhẹ, rồi nhắm mắt lại. Một lúc, Bảy mở mắt ra, vói tay lôi từ giỏ xách của em một cái mũ cát-két màu cà phê sữa, đưa tôi, em nói:

“Cái mũ này của anh Khang cho em… Bây giờ em trả lại cho anh. Em xin lỗi anh. Em cũng cám ơn anh nhiều lắm, nghe anh Khang.”

Cái mũ ấy đúng ra là Bảy ăn cắp từ giỏ xách của tôi, bị người ta bắt được đòi tố em đi biệt giam kỷ luật; tôi bênh em, nói là tôi đã cho để em khỏi bị phạt.

“Không, em không cần phải xin lỗi. Cái mũ này anh cho em thật mà. Nó thuộc về em đó.”

“Nhưng bây giờ anh nhận nó đi. Em tặng lại anh để anh có mà đội cho khỏi nắng, với lại bữa nào về… anh có mà đội chứ để cái đầu như vầy thấy không đẹp. Em… chắc em không thể về được đâu.”

Tôi cười đau khổ, thương xót cho Bảy mà chẳng biết nói gì để an ủi em. Theo lời anh Oai nói, tôi biết là Bảy sắp chết. Phong đang nhắn gia đình Bảy đến nhận em về. Tôi đưa tay lên sờ cái đầu hớt kiểu tù của mình rồi đội cái mũ lên. Bảy cười, nói:

“Đó, như vậy, đẹp quá rồi.”

“Thôi, em cầu Chúa đi, đừng nói chuyện nhiều há.”

“Anh cũng cầu Chúa cho em với nghe, anh Khang.”

“Ừ, anh cũng cầu nguyện cho em.”

Buổi tối, tôi nằm trong cùm, ở một chỗ khá gần Bảy, bỗng thấy một con bọ ngựa màu xanh lá cây từ đâu bay tới, rớt ngay trước mặt. Tôi nâng nó lên xem thì thấy nó cứng đờ, chỉ ngọ nguậy đôi râu và đôi càng một lúc rồi chết. Tôi xoay qua nhìn Bảy, thấy em vẫn còn thở nhè nhẹ. Ngay lúc ấy, bất chợt một mối xốn xang bâng quơ nào đó dâng dậy trong tôi. Con bọ rơi chết trước mặt tôi có vẻ như một điềm báo chẳng lành. Tôi chẳng hiểu là điềm gì. Nâng con bọ ngựa chết trên tay, tôi chỉ thấy lòng buồn vời vợi, một cái buồn sâu lắng vào trong, đục khoét con tim.

Đêm đó tôi nằm ngủ trong giấc mộng chập chờn hình ảnh ba tôi, chỉ duy nhất ba tôi, đến ôm hôn tôi, xoa đầu tôi. Tôi bé nhỏ và sà vào lòng ông, đòi quà, đòi được dẫn đi xem xi-nê. Rồi bất chợt tôi lớn lên, trở thành tù nhân đứng trong khung cửa sắt. Ba tôi cùng vài người cảnh sát bước tới, mở cửa cho tôi ra. Tôi vui mừng quá lại đến ôm ông nhưng ông biến thành mẹ tôi. Mẹ tôi khóc. Mẹ tôi mang vành tang trắng, ngồi khóc lặng lẽ, nước mắt chảy thành dòng.

Tôi giật mình thức dậy thì đã qua một ngày mới. Bảy chết trên giường bệnh. Tờ giấy tha còn nắm trong tay. Đêm qua trước khi ngủ tôi không thấy em cầm tờ giấy ấy. Có lẽ em đã thức dậy nửa đêm, nằm đọc tới đọc lui tờ giấy tha cho đỡ buồn.

Hôm sau, ngày 07-01-1987 (nhằm ngày mùng 8 tháng chạp âm lịch), tôi đang ngồi làm sổ sách ở văn phòng bệnh xá thì Phong từ ngoài bước vào nhanh, thấy tôi thì dừng lại, cười cười, nói:

“Anh Khang, biết gì không?”

Tôi ngước lên nhìn Phong, chờ đợi. Phong cười rất vui, nói:

“Anh được về rồi đó.”

Tôi ngồi lặng một lúc, tưởng chừng như đang còn đắm mình trong một cơn mộng ban ngày. Cái phút ấy, tôi chờ đợi đã từ lâu, tin tưởng nó sẽ đến, nhưng bây giờ vẫn vô cùng ngạc nhiên để đón nhận. Tôi đứng dậy:

“Thật hả?”

“Thật đó, chuẩn bị đồ đạc mà về. Tôi đọc tên nghe.”

Phong bước một bước đến ngạch cửa, cái cửa ăn thông giữa văn phòng bệnh xá và phòng bệnh.

“Bệnh xá im lặng lắng nghe nè. Nguyễn Mậu, Vũ Quang Minh, Trần Quang, Lê Trực, Lê Văn Năm, Vĩnh Khang.” Đọc đến đây, Phong quay qua nhìn tôi, mỉm cười, rồi tiếp, “tất cả những người này lập tức lên văn phòng ban chỉ huy Khu nhận lệnh tha.”

Tôi bủn rủn rời khỏi bàn giấy, bước qua dãy phòng bệnh. Phong vỗ vai tôi, nói:

“Về giữ gìn sức khoẻ, đừng làm chuyện gì chống trái với pháp luật nhà nước nữa nghe anh Khang. Anh làm việc giỏi lắm, anh giúp bệnh xá này và giúp tôi nhiều lắm, nhưng tôi không muốn gặp mặt anh ở trại này nữa đâu.”

Tôi bàn giao sổ sách cho ông Nghị, một phụ tá thư ký của tôi ở bệnh xá, rồi xuống kho hậu cần lấy bộ đồ tây và đôi giép da mới mà gia đình gởi vào trong một đợt thăm nuôi trước đây. Trong sổ của kho hậu cần, tôi hãy còn một giỏ thức ăn khô chưa dùng hết và mấy trăm đồng chưa xài tới. Tôi mang vào bệnh xá, phân phát hết thức ăn, chỉ giữ tiền để đón xe về Sài Gòn, rồi thay bỏ bộ đồ tù (mà ông Trợ đã cấp cho tôi trước đây). Chào tất cả, bước ra văn phòng ban chỉ huy Khu. Ở đây, Phong dặn dò sáu người tù chính trị chúng tôi về chính sách của trại cải tạo, sau đó anh phát cho chúng tôi lệnh tạm tha. Các điểm được nhấn mạnh trong lệnh này là “lệnh này chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày ký; đương sự có thể bị hồi triệu về trại giam trong trường hợp có lệnh báo khẩn cấp; trong thời gian ở ngoài để điều trị bệnh, mỗi ngày đương sự phải đến trình diện với cơ quan chính quyền địa phương.”

Riêng với tôi, Phong nói:

“Lệnh ở trên là anh Khang phải trở về với gia đình ở Nha Trang, không được trở về chùa của anh ở Long Thành hay bất cứ ngôi chùa nào ở bất cứ tỉnh nào khác. Anh nhớ nghe. Đó là lệnh ở trên, tôi chỉ có bổn phận nhắc anh thôi.”

Tôi nhận lệnh tạm tha, đọc lại, và thấy quả đúng là người ta đã chỉ định nơi cư trú của tôi. Chỉ định cư trú như thế, phải ngầm hiểu rằng người ta không cho tôi ở chùa làm người xuất gia nữa. Nhưng điều này cũng chẳng có gì đáng phàn nàn đối với tôi lúc ấy. Tôi cần tự do cái đã, chuyện cư trú tính sau.

Theo lệnh tạm tha ghi, nơi tôi phải đến tạm trú là căn nhà năm xưa có giàn bông giấy đỏ, nằm ở khu chợ Đầm thuộc thành phố biển thơ mộng Nha Trang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com