Chương mười hai
Nàng nghe chăm chú lắm, nhưng đưa tay ra dấu tôi ngưng một lúc, để nàng xuống bếp lấy bình thủy nước sôi. Tôi ngồi nhìn theo dáng nàng quay đi. Bước tự nhiên, không làm điệu bộ, vậy mà tha thướt uyển chuyển làm sao!... Cái duyên nào đẩy đưa nàng và tôi trở thành bạn với nhau một cách tự nhiên và nhanh chóng như vầy nhỉ? Rõ ràng là nàng làm quen tôi trước, nàng tạo ra cái duyên đó. Nhưng cũng không hẳn như vậy. Nói theo cách ông thầy già ấy thì “dục lôi kéo dục…” Nếu ở cái phút ban đầu, tôi vô tâm vô tình thì có lẽ nàng đã không dám làm quen tôi… Chính vì đôi mắt và tia nhìn đầy khát dục của tôi đã mở đường cho mọi duyên nợ vây theo, đeo bám.
“Em nghĩ là vị thầy kia nhận xét đúng,” nàng quay trở lại, vừa châm nước sôi vào bình trà, vừa nói.
“Đúng ở điểm nào?” tôi nghi ngại hỏi lại.
“Nhiều điểm lắm, nhưng đặc biệt là… đối với cô cán bộ y tế đó, anh không nên làm điều gì bất thường; bởi vì… đó không phải là điều anh mong đợi tìm kiếm. Em rất đồng ý với ông thầy già ấy.”
Tôi phì cười, nói:
“Bất thường là thế nào? Em hiểu chữ bất thường của ông ấy muốn nói là gì không? Chính anh cũng không hiểu nổi. Chỉ đến khi mọi chuyện qua rồi mới biết ông ám chỉ cái gì…”
Phương nói vậy, nhưng cô không nói chuyện ngay. Cô bước ra ngoài, đi dọc theo hành lang của dãy bệnh xá một vòng từ đầu này qua đầu kia, lại đi ngược từ đầu kia đến đầu này, như là đi canh gác. Rồi cô bước ra phía sân, đi dọc theo hàng giậu, lượm mấy nhánh cây khô nhỏ và vài miếng giấy rác, mắt cô kín đáo liếc nhìn xung quanh. Xong, cô mới trở vào, lại đi dọc theo hành lang một vòng rồi mới bước đến chỗ tôi,
“Anh Khang đau bao tử hồi nào vậy?”
“Hình như từ hồi mười một tuổi.”
“Tức là khoảng thời gian anh mới đi tu đó hả?”
“Cô cũng biết tôi đi tu lúc đó sao?”
Phương cười:
“Lý lịch của anh, em nắm vững lắm mà!”
Tôi cười nhạt:
“Ừ, thì công an nhà nước rảnh rỗi, cứ dành hết thì giờ mà nghiên cứu lý lịch của nhân dân thôi.”
“Không phải vậy. Thực ra em đâu có bổn phận nghiên cứu lý lịch của anh Khang. Chuyện đó đã có người khác lo rồi. Em chỉ hiếu kỳ, đọc cho biết anh Khang như thế nào thôi. Nè, hồi chiều anh Khang ăn cơm với thứ gì vậy? Anh còn thức ăn không?”
“Còn.”
“Anh ăn chay từ hồi mới đi tu đến giờ, vậy anh thấy trong người thế nào? Có khỏe không?”
“Khỏe chứ. Không những khỏe mà còn thấy nhẹ nhàng nữa.”
“Lạ há. Nhưng em thấy anh gầy quá. Hồi ở ngoài anh có gầy như vầy không?”
“Chẳng để ý nữa.”
“Cơm tù phát đâu có đủ. Dù có gia đình thăm nuôi thêm, vẫn thiếu dinh dưỡng như thường, phải không anh?”
Không thích nghe Phương nói loanh quanh những chuyện chẳng quan trọng, tôi chụp cơ hội này, mớm ý ngay:
“Dù không bị tù, dù có dinh dưỡng đầy đủ, mà thiếu tự do thì cũng coi như thiếu tất cả.”
Phương cười buồn, nói giọng cám cảnh:
“Em hiểu. Con người của thời đại nào, đất nước nào, lại chẳng yêu chuộng tự do. Nhất là anh, một người sống nếp sống thong thả nhẹ nhàng trong chùa, đáng ra không vướng bận chuyện thế gian, mà cuối cùng phải vào đây… Xã hội phải có cái gì không được ổn nên anh mới phải như vậy, em nói đúng không? Anh Khang à, em thực sự là muốn giúp anh đó.”
Tôi bắt đầu thấy run từng hồi trong người, dè dặt nói:
“Tại sao cô muốn giúp tôi?”
Phương im một lúc rồi nói nhỏ giọng:
“Thực ra thì trong khi làm việc, em giúp được ai thì giúp, chẳng phải với riêng anh. Nhưng, ở trường hợp anh, có một cái gì đó… khó nói lắm. Em chỉ thấy là… em muốn giúp anh, không muốn thấy anh phải lâm vào hoàn cảnh như vầy.”
“Có nghĩa là cô muốn giúp tôi được tự do?”
“Phải, em muốn vậy.”
“Điều này sẽ nguy hiểm cho bản thân cô hoặc sẽ phương hại gì đến nghề nghiệp của cô.”
Phương cười:
“Nếu em bám lấy nghề nghiệp chức vụ thì bị mất chúng, mới gọi là phương hại. Còn bản thân em hả, một khi từ bỏ mọi công tác, tìm một đời sống mới ở một nơi xa xôi nào đó, hẳn là không phiền hà gì, trái lại còn vui vẻ hạnh phúc hơn. Nói thiệt với anh, em đã muốn từ bỏ nơi này từ lâu. Má em không thích em làm việc trong ngành này. Bà nói em làm công việc thất nhơn thất đức, ăn rồi chỉ biết chằm hăm làm hại người ta thôi. Thực ra thì công việc của em đâu phải như vậy. Em chỉ lo về hồ sơ, với lại lo chăm sóc bệnh nhân tù thôi mà. Nhưng theo suy nghĩ của má em: hễ ở trong ngành công an thì nếu không trực tiếp cũng gián tiếp hăm dọa, khủng bố, bắt bớ, giam cầm kẻ khác. Hi hi, anh có thấy vậy không?”
“Cũng tùy thôi. Nếu mình thực tâm thương người, giúp người, thì ở trong ngành nghề hay hoàn cảnh nào mình cũng có thể làm lợi ích được cho người.”
“Hay quá, phải như em biết nói được câu đó với má em từ lâu thì có lẽ bà không cằn nhằn em hoài. Nhưng mà… anh biết sao không? Ban đầu em tưởng má em nói gì thì nói, chẳng ảnh hưởng gì đến em đâu, nhưng càng lúc em càng thấy rằng em bị thấm cách suy nghĩ của bà… đến độ nhiều khi, em cảm thấy rằng em như một thứ người xấu xa, tàn ác, bất nhân thế nào đó.” Phương ứa nước mắt, mặt hơi cúi xuống. “Đã nhiều năm em sống trong thứ mặc cảm đó, cái mặc cảm cho rằng mình sống trên đời chỉ mang lại đau khổ cho kẻ khác. Bước ra đường, hay cả khi về đến nhà, em đều có cảm tưởng là mọi người tránh né em, sợ hãi em, thù ghét em, khinh bỉ em.” Phương tháo gỡ cặp kiếng cận, đưa tay quẹt nước mắt. “Em ước mơ làm được một cái gì để thay đổi hoàn cảnh, để được sống một cuộc đời mới, nhưng thực tình là em chưa biết làm cái gì cho ý nghĩa. Cho đến khi gặp anh, theo dõi hồ sơ khai cung và các bản tự khai của anh… Anh khai cung và viết tự khai rất thẳng thắn, không che đậy. Nhờ vậy, em hiểu được lý tưởng và ước vọng cao đẹp của anh. Ôm ấp và suy nghĩ mãi về những gì anh làm, băn khoăn về hậu quả khổ đau mà riêng anh phải gánh, em thấy trong lòng khó chịu thế nào ấy. Rồi một hôm nọ, em bỗng thấy, bỗng hiểu rất rõ là cái lý tưởng của anh, ước vọng của anh, mới chính là những gì mà em mong muốn, chứ không phải là… mỗi ngày đến đây, gián tiếp bảo vệ một chế độ mà mình không còn tin tưởng.”
Phương ngưng ngang đó, quay mặt chỗ khác, lấy tay áo lau nước mắt. Xong, cô bước ra ngoài, đi dọc hành lang một vòng nữa như thăm dò động tịnh rồi trở vào, thút thít nói tiếp:
“Anh biết không, ba em đi tập kết bị chết trên Trường Sơn, má em thì hồi đó có giúp đỡ cho mấy người cán bộ nằm vùng bạn của ba em trốn trong hầm nhà, nên sau ngày giải phóng, gia đình em được coi là gia đình liệt sĩ có công với cách mạng. Em nhờ vậy mà được nhà nước cho tiếp tục ăn học, được ra làm việc, chứ thực ra em có lý tưởng cộng sản hay lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa gì đâu! Trước giải phóng, em còn nhỏ, đi học; giải phóng rồi, lại tiếp tục đi học. Học xong ra làm việc, đơn giản như vậy. Lý tưởng cộng sản đối với em chỉ là cái ước mơ chung không bao giờ với tới được của những người nghèo khổ. Gia nhập đảng cộng sản trong hoàn cảnh mới của đất nước, đối với em, chỉ là cách để làm vững công ăn việc làm và chân đứng của xã hội của mình mà thôi. Cuộc đời em cứ thế mà tiến tới một cách thuận lợi theo sự phấn đấu cá nhân cũng như sự hỗ trợ của lý lịch gia đình. Em không biết ở ngoài cái vòng đai an ổn của chức năng nghề nghiệp và giai tầng xã hội mà em được ưu đãi, người dân bên ngoài đang phải uất nghẹn sống dưới một chính thể bất công, thiếu tự do, thiếu mọi thứ… Mà chắc anh cũng hiểu, chức vụ nhỏ nhoi của em, khả năng bé nhỏ của em, có đáng gì đâu, làm sao xoay chuyển được gì cả một guồng máy khổng lồ và chằng chịt những kẻ cảm tử sẵn sàng bảo vệ nó. Cho nên, em cứ như vậy mà sống, cố gắng tránh hại người khác, chứ cũng chẳng dám nói là làm lợi gì được cho ai. Bây giờ đối với chuyện của anh, em đã suy nghĩ khá nhiều, và… em có ý nghĩ muốn giúp anh ra khỏi nơi này.”
Tôi xúc động lắng nghe câu chuyện của Phương, đến câu chót thì tim tôi đập loạn xạ lên, hồi hộp nghĩ đến chân trời tự do đang chuẩn bị mở ra trước mắt. Một lúc tôi mới lấy lại được bình tĩnh, nói:
“Cám ơn lòng tốt của cô. Nhưng có thể nói, tôi là tù nhân có trọng án của chế độ, cô dây vào chuyện tôi chỉ chuốc họa vào thân, không những phiền cô mà còn lụy đến gia đình cô nữa.”
Phương cười:
“Em đã đoán trước điều này: nội chuyện thuyết phục cho anh nhận lời cũng khó rồi chứ chưa nói đến kế hoạch thoát ra khỏi nơi đây. Anh luôn quan tâm đến kẻ khác, chứ không phải thấy lợi cho mình là nhảy vào. Đó là điều mà em không bao giờ có thể tìm thấy được trong những đồng chí mà em từng gặp gỡ hoặc quen biết. Anh Khang à, anh không thể ở mãi trong này đâu. Anh nói đúng, mức án của anh, em biết là nặng lắm. Người ta sẽ đày đọa anh, cố ý giết anh một cách có âm mưu, để anh chết dần chết mòn, hoặc chết trong một cơn bệnh nặng, hoặc chết vì đói khát, chết vì kiệt sức. Nếu anh có may mắn sống còn đi nữa, anh cũng tàn thân, không còn đủ sức lực hay ý chí để đấu tranh, hoặc anh sẽ bị họ giam cho đến bạc đầu, còn gì để nói để làm nữa… Mà một người như anh, em thực không cam lòng để cho phải chôn vùi oan uổng như vậy. Em suy nghĩ về chuyện này cũng nhiều ngày rồi và em có tâm sự với má em, bà nói, nếu em giúp được anh là em đã làm một việc rất phước đức. Nhưng em không mong cầu phước đức, em chỉ mong là giúp được anh, vậy là đủ rồi. Má em cứ khuyến khích, hỏi chừng em hoài về chuyện anh. Bà có vẻ thương anh lắm, nói anh tội nghiệp, tu hành mà phải lao đao, khổ nhọc. Má em cũng ăn chay trường như anh đó anh Khang à. Bà nói bà có cách đối phó nếu người ta hỏi đến. Bà đồng ý ở lại một mình trong một thời gian ngắn rồi sẽ bỏ Biên Hòa, về quê sống với bà con bên chồng, tức là bên ba em, ở Tây Ninh; còn em thì đưa anh đi trốn về quê của má, tức là ở Tân Châu, Châu Đốc, sống ẩn dật, cải tên đổi họ, rồi tìm cách đưa anh vượt biên giới, qua Campuchea, hay Thái Lan mà sống. Chuyện gặp lại bà thì tính sau. Anh… anh nghĩ sao?”
Tim tôi đập mạnh. Những gì Phương nói hoàn toàn vượt sức tưởng tượng của tôi. Từ khi liều lĩnh tìm cách tạo cơ hội để gặp riêng Phương mà thăm dò cái câu ”bệnh nặng có thể được về,” tôi vẫn có hy vọng tìm được một lối thoát nào đó, nhưng tôi không làm sao có thể tưởng được có một kế hoạch, một con đường mênh mông, cao rộng như thế. Đề nghị của nàng dĩ nhiên là mở ra cho tôi một chân trời mới lạ, khiến tôi ngay lúc đó, tự dưng cảm thấy rằng tôi không thể chịu đựng được nữa cái giới hạn của những bức tường, những chấn song tù hãm chung quanh. Tôi mường tượng một vùng Thất Sơn với bảy ngọn núi sừng sững như những vị thần từ xa đứng nhìn về những nhánh Cửu Long cuồn cuộn chảy xiết từ ngọn nguồn của Hy Mã Lạp Sơn anh linh huyền bí. Ngày ở chung phòng giam với ông Trọng ở T20, Sài Gòn, tôi và ông Trọng đã từng ước hẹn với nhau về chuyện đi vào Thất Sơn, nếu không lập được nghĩa quân đủ mạnh để giành lại quê hương thì ít nhất cũng làm những nam nhi sống tự do với rừng núi bạt ngàn cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, hoặc làm những đạo nhân chay tịnh, sống thong dong trong chốn rừng già hoang sơ… Bây giờ Phương đề nghị đưa tôi đi về hướng đó, cái hướng Thất Sơn huyèn hoặc kỳ bí từng khơi dậy trong tôi bao giấc mộng vẫy vùng.
Tôi chưa kịp quyết định hay nói một lời nào đã nghe tiếng giày gõ cồm cộp ở đâu đó ngoài hành lang. Phương vội vã bước ra, chào hỏi một người nào đó. Rồi có tiếng một người đàn ông nói nói cười cười với Phương. Giọng người đàn ông trầm xuống, chỉ nghe âm không nghe được lời; còn tiếng của Phương thì trong, cất cao lên, dường như là cố tình cho tôi nghe:
“Đâu phải phấn đấu làm thêm giờ! Chỉ tại có một bệnh nhân bị đau bao tử hay đau ruột gì đó, em đem thuốc đến cho uống thôi.”
“Ra thế à! Bệnh nhân nào mà tốt phước quá nhỉ. Phải như anh đây cũng được em chăm sóc như thế!”
Họ đứng đâu đó trước văn phòng trực của bệnh xá, nói với nhau thêm đôi điều nữa rồi cùng đi dọc theo hành lang. Tôi rút vào trong, leo lên giường, nằm xuống. Đèn phòng đã được bật sáng từ công tắc chung ở văn phòng trực. Giờ này có lẽ vào khoảng bảy giờ tối. Phương và người đàn ông kia–dĩ nhiên phải là một cán bộ–đang bước ngang cửa phòng giam tôi. Hình như họ ngừng lại, nhìn vào một chút rồi tiếp tục đi.
Dự tính, hay nói đúng hơn, kế hoạch mà Phương đưa ra, giống như một chuyến tàu tốc hành bất ngờ vụt qua trước hiên nhà. Nó đến quá sớm, quá nhanh, khiến tôi không kịp thì giờ suy nghĩ chín chắn. Nó dường như thúc giục tôi phải trả lời, phải quyết định thật nhanh, trước khi một trở lực hay một sự đổi ý nào đó xảy đến. Nó đã sắp sẵn những lý do rất hợp tình hợp lý như là hành trang đi xa cho người lữ hành phóng lên chuyến tàu vội vàng ấy. Phương đã túm vén cho tôi vài thứ để yên tâm lên đường: tự do, cơ hội để tiếp tục đấu tranh, cứu nàng ra khỏi hoàn cảnh của nàng. Đó là cơ hội ngàn năm một thuở mà có lẽ ít có tù nhân án nặng nào lại từ chối. Tôi nghĩ đến cái án và cơ hội tự do của mình. Hai thứ nay giống như hai kẻ thù không chịu ngó mặt nhau. Cả hai đều tuyên bố với tôi rằng nếu tôi chấp nhận chọn kẻ kia thì không thể có được kẻ này. Đó là hai cô dâu mà mỗi tù nhân chỉ được quyền chọn một để ôm ấp dài lâu trong cuộc sống của hắn. Án tù, giống như cô dâu có bộ mặt dữ tợn xấu xí của một ác quỷ, chẳng có tù nhân nào thích chọn, nhưng lại không có chút quyền hạn nào để từ chối vì nó thuộc quyền của tòa án nhà nước–một thứ tòa án không luật sư biện hộ cho bị cáo, chỉ xuất hiện trong những xã hội man rợ mà quan tòa và bồi thẩm đoàn chính là những kẻ được đề cử ra từ cái nền của sự mê muội cuồng tín, cái nền của thứ tín lý một chiều gợi nhớ những tòa án dị giáo thời trung cổ. Chỉ có tự do mới là cô dâu có bóng dáng kiều diễm và e lệ như một tiên nữ mà tù nhân nào cũng yêu thương, mong ước. Nhưng cơ hội nào, cái giá nào, để có được nàng tiên như vậy? Chẳng phải chọn lựa là được. Án tù và tự do là hai thứ mâu thuẫn đối nghịch nhưng chính cái mâu thuẫn đó cũng là chỗ liên hệ khắng khít mật thiết với nhau: được tự do có nghĩa là án tù đã mãn hoặc được hủy bỏ; lãnh án tù có nghĩa là bị tước đoạt tất cả quyền tự do. Như vậy, một khi án tù, nhất là cái án chính trị của một nhà tu, đã bị treo trên đầu thì cái mong ước về tự do là điều hoang tưởng. Tôi đã vào tù, có nghĩa là không còn cơ hội để chọn lựa. Người ta chỉ có thể chọn lựa khi còn ở bên ngoài xã hội chứ không thể chọn lựa lúc ở trong tù. Ở tù có nghĩa là chín mươi chín phần trăm chấp nhận lấy cô gái mặt quỷ làm cô dâu. Phải ôm lấy cô ấy để sống với niềm hãi sợ, kinh hoàng cho đến một ngày nào đó, chính cô ta chán ngán muốn buông bỏ mình.
Nhưng bây giờ, rõ ràng là tôi có một cơ hội hy hữu để chọn lựa con đường tự do. Nàng tiên tự do của tôi đã hiện thân làm một cô nữ công an, nữ cán bộ y tế, không đẹp nhưng tốt bụng, biết điều phải quấy. Phương sẽ mở đường cho tôi bằng một cách nào đó để ra khỏi nhà tù này, và tôi sẽ đi với cô, sống ẩn lánh ở vùng biên giới Việt-Miên. Có phải là sống chung không nhỉ? Phương chỉ nói trông trổng rằng sẽ đưa tôi đi trốn, cải đổi tên họ, sống ẩn dật,… chứ không nói rõ là sống ẩn dật như thế nào, sống một mình tôi hay sống có cô bên cạnh. Suy ngẫm một lúc, tôi thấy rõ rằng, nếu Phương cứu tù nhân chính trị như tôi, lại bỏ ngành công an để đưa tôi đi xa hẳn nhiên là bản thân cô cũng có tội và lo ẩn lánh. Cả Phương và tôi đều trở thành những kẻ tội đồ của chế độ thì phải trốn chung, sống chung. Phương từng làm việc trong ngành công an, sẽ biết cách luồn lách thế nào để giải thoát được màng lưới chằng chịt của tình báo; sẽ biết cách làm giấy tờ giả cho cô và cả cho tôi để sống yên ổn dưới chế độ công an trị của Việt Nam hay Campuchea. Phương cũng quen thuộc những ngõ ngách ở vùng biên giới, sẽ biết cách tìm được chỗ ẩn thân an toàn. Như vậy, mọi thứ tôi đều bị lệ thuộc Phương, tôi phải theo Phương, để cô lo liệu sắp đặt tất cả. Tôi phải bám theo cô để tự tồn. Nghĩ đến điều này, tôi thấy rùng mình.
Ông thầy già hồi sáng hình như có thuật bói toán: ông đã thấy trước cái gì sắp xảy đến cho tôi. Ông đã nói gì nhỉ? À, à, “con nhỏ đó có ý tốt chứ chẳng hại gì chú mày đâu…” Gì nữa? À, “một ngả rẽ cho cuộc đời chú mày sẽ bắt đầu từ cái phòng này nếu chú mày có một quyết định bất thường nào đó.” Chao ôi, ông già này, thực là một dị nhân tinh xảo, phi thường!
Nhưng, biết đâu chỉ là một sự dàn cảnh! Tôi làm sao quên được tôi bị bắt vào tù bởi vì đã tin vào Hân, bạn tôi, và tin luôn ông Thầy Tư do Hân giới thiệu để rồi bị hai người này dàn cảnh cho công an Sài Gòn bắt tôi ngoài đường. Suy từ chuyện đó thì sự việc Phương và ông thầy già mà tôi tiếp xúc hôm nay, đều có thể là những diễn viên xuất sắc đang đóng một màn kịch lừa dối tôi, gài bẫy tôi sa vào một cái tội khác hòng bồi nặng thêm cho cái án tù của tôi, hoặc có cớ để xử bắn tôi–như nhiều người trốn trại khác trước đây đã bị bắn trước khi ra được khỏi tường rào của nhà giam. Trong xã hội này, những người đối xử với mình tốt nhất có thể là những người tàn tệ xấu xa nhất đang giăng bẫy để hại mình. Ai cũng có thể là người trung thành của đảng, sẵn sàng chỉ điểm, bán đứng, lừa gạt, thủ tiêu mình để bảo vệ sự cai trị bền vững dài lâu của đảng trên đất nước này. Tại sao tôi lại được Phương đưa vào cái phòng có ông thầy già để tôi được nghe những lời khuyên của ông ấy? Tại sao không đưa vào phòng khác có một nhân vật ù lì không thèm nói chuyện, hoặc không biết tiên tri, bói toán? Có thực là những phòng khác đều hết chỗ nên mới đưa tôi vào chung phòng với ông thầy già? Tại sao ông thầy già vừa nói xong những gì cần thiết với tôi là bị đưa qua chỗ khác ngay, để lại tôi một mình cho Phương dễ bàn việc riêng? Mà tôi một mình ở lại đây thì quá dễ dàng cho công an nhà nước thủ tiêu, chích thuốc, xiết cổ (như đã làm vậy đối với Thượng Tọa Thiện Minh trước đây), rồi phao tin là tôi bệnh chết hoặc tự tử bằng cách thắt cổ… Chuyện như vậy đơn giản, thuận lợi quá, cần gì phải dùng một “mỹ nhân” không đẹp bỏ công khuyến dụ tôi trốn thoát rồi sau đó hại tôi!
Tóm lại, tất cả những gì Phương và ông thầy già nói, đều có thể là thực hay giả, đều có thể là tốt hay xấu. Tôi băn khoăn không biết nên tin Phương hay tin ông thầy già, hoặc tin cả hai, hoặc không tin ai cả.
Không biết phải quyết đoán thế nào, tôi ngồi bật dậy, xếp bằng trong tư thế tọa thiền, hít thở nhiều hơi dài, buông bỏ hết mọi thứ, giữ tâm vắng lặng không cho bất kỳ một ý niệm nào dấy lên. Và tôi ngồi im như thế không biết bao lâu. Cho đến khi có tiếng gọi nho nhỏ vọng đến:
“Anh Khang, anh Khang…”
Tôi từ từ mở mắt ra, lại nghe tiếng ấy phát ra, từ phía song cửa sắt:
“Anh Khang, lại em nói này.”
Tôi xoa hai chân, vừa hỏi:
“Có việc gì nữa vậy? Không phải đã đến phiên trực của cán bộ khác rồi sao?”
“Cán bộ khác? Đâu có, đêm nay em trực mà. Còn ông cán bộ hồi chiều đến đây là thượng úy Sáu của ban quản giáo, ổng đến để nói chuyện, tán tỉnh em chứ có phải đến để thay phiên trực đâu… Ông ấy đã ngoài bốn mươi, có một đời vợ chết trong chiến tranh. Ông thích em, đòi cưới em hoài… mà em đâu có chịu. Em không thích ổng. Em đã muón bỏ ngành thì chọn làm gì cái ông trung thành với ngành như ổng. Với lại má em cũng không thích em lấy chồng công an. Bây giờ ở dãy bệnh xá này chỉ có mình em trực, nhưng cứ trong vòng một tiếng đồng hồ thì có người của ban bảo vệ đi ngang đây một lần. Họ vừa mới đi qua đó, cho nên em mới đến nói chuyện với anh một chút. Anh bước ra đây đi. Em muốn nói tiếp chuyện hồi chiều với anh cho xong.”
Tôi bỏ hai chân xuống giường, xỏ chân vào dép, từ từ tiến lại chỗ Phương. Trong lúc bước đi, tôi bỗng thấy tỉnh táo hết sức. Dường như bao nỗi băn khoăn khó xử trước đây đều tan biến hết. Và tôi có cảm tưởng những bước chân của tôi khi bước đến Phương là những bước chân của con voi chúa khi lâm trận–một hình ảnh oanh liệt hùng dũng trong kinh Pháp Cú dùng để mô tả bậc trí tuệ phạm hạnh trước sự tấn công vũ bão của gươm giáo thế gian.
“Có chuyện gì?” tôi hỏi.
Phương hơi khựng một lúc, nói:
“Sao anh nghiêm quá vậy?”
“Có gì đâu, cũng bình thường thôi.”
“Em… em muốn hỏi lại anh về chuyện hồi chiều. Anh cho em biết ý của anh đi. Anh thấy chuyện em đề nghị thế nào? Anh chỉ cần đồng ý là em sắp xếp lo hết mọi việc. Chuyện này hệ trọng không phải cho riêng anh mà cho cả em nữa, cho nên dĩ nhiên là em phải hết sức cẩn thận… Em bảo đảm là thành công, không sao đâu.”
Tôi bình thản nói:
“Cám ơn cô có lòng tốt tìm cách giúp tôi. Tôi có suy nghĩ về chuyện đó, thấy rằng cô không cần phải làm vậy.”
“Không làm vậy chứ phải làm sao bây giờ? Anh muốn tự do, em sẵn sàng giúp anh. Nhưng chuyện em làm cũng không phải làm cho riêng anh, mà cho cả em nữa. Em cũng muốn tự do, muốn thay đổi. Anh không tin em sao?”
“Tin, nhưng tôi không muốn được tự do theo cách đó.”
“Vậy chứ anh có cách gì hay hơn sao?”
“Ơ… không có cách gì.”
“Vậy thì để em lo, anh chỉ việc làm theo lời em dặn là được rồi.”
“Không phải vậy. Ý tôi muốn là… tôi chỉ muốn được tự do mà không phải gây phiền lụy và nguy hiểm đến người khác, chẳng hạn bản thân cô và má cô”.
“Em với má em đều bằng lòng làm vậy mà.”
“Nhưng tôi không yên lòng.”
“Vậy chứ làm cách nào anh mới yên lòng?”
“À… chẳng hạn cô chỉ việc ký giấy bệnh, cho xe đưa tôi đến bệnh viện nào đó, rồi tôi sẽ tự tìm cách lẻn trốn trên đường xuống bệnh viện thành phố, hoặc trong thời gian được chữa trị tại bệnh viện…”
Phương cười:
“Anh làm như dễ lắm vậy. Anh chưa biết cách công an dẫn độ và phòng vệ một tù nhân đi đường hay ở bệnh viện. Không đơn giản như anh tưởng đâu. Lúc nào cũng có lính theo gác chứ có phải chỉ có mấy người y tá của bệnh viện thôi đâu. Từ trại này đi xuống bệnh viện cũng có cán bộ bảo vệ đi theo. Ở bệnh viện, anh sẽ được cho nằm trong một phòng khám đặc biệt có lính gác. Chưa hết, ở trên xe cứu thương và ở trên giường của bệnh viện, một chân và một tay của anh sẽ bị còng, khóa vào chân giường sắt. Anh vác nổi cái giường đi theo anh không? Hi hi… Còn như phải dùng vũ lực để áp chế mấy anh bảo vệ rồi trốn, cho dù anh có khả năng đó đi nữa, em chắc là anh cũng không muốn làm, phải không? Vậy thì đừng nghĩ đến cái kế đó, anh ơi!”
“Vậy chứ kế của cô ra làm sao, nói tôi nghe thử xem?”
Phương suỵt một tiếng, để tôi đứng đó, bước ra ngoài hành lang, đảo một vòng rồi quay trở lại, nói nhỏ giọng:
“Những đêm trực bệnh xá, cứ đến khoảng gần sáu giờ sáng là em rời trại để về nhà lo tắm rửa thay áo quần, lấy thức ăn mang vào trại làm việc ngày kế tiếp. Cái khoảng thời gian đó là thời gian vắng vẻ nhất ở khu vực văn phòng và cổng trại vì chưa đến giờ làm việc. Chỉ có một hoặc hai cán bộ bảo vệ trong bót gác kiểm soát sự ra vào nơi cổng trại mà những người này thì thường thường chẳng biết hết mặt mũi cán bộ trong ban quản giáo và các ban ngành khác. Tuy vậy, họ đặc biệt biết mặt em vì em là nữ, lại là người ra vào thường xuyên, ra vào ở cái giờ vắng vẻ nhất nên họ dễ nhớ. Cho nên em chỉ việc lái xe chạy đến chỗ cây cần gỗ chặn ngang, đưa tay lên vẫy chào là cán bộ bảo vệ vẫy tay lại, cho em chạy ra ngay.”
“Như vậy cũng chưa chắc là tôi cũng đi lọt ra được.”
“Em chưa nói hết. Em sẽ cho anh mặc đồng phục của công an. Sáng sớm anh sẽ đi theo em từ đây ra đến cổng trại. Đi cho thật tự nhiên, vừa đi vừa nói chuyện. Ra đến chỗ để xe, à, anh biết chạy xe Honda nữ không vậy? Biết hả, vậy thì tốt quá. Này nhé, ra đến chỗ để xe, anh nổ máy chở em ra cổng trại, dừng lại ở chỗ cây cần gỗ, em đưa tay vẫy với cán bộ gác cổng, nếu họ cho đi thì mình cứ việc đi thẳng; còn họ không chịu giở cây gỗ lên thì anh cứ việc ngồi yên trên xe, dừng tắt máy, còn em sẽ xuống xe, đến chỗ họ để trình giấy. Em làm việc ở văn phòng mà, làm một tờ giấy giả để đi công tác đâu có khó khăn gì. Trình giấy xong là mình đi thôi, họ chẳng hỏi gì đến anh đâu. Ra khỏi trại, mình cố gắng chạy thật nhanh về Sài Gòn, tìm một địa điểm nào đó để thay đổi y phục, mang theo giấy tờ giả, rồi trà trộn với thường dân, ra bến xe mà về Châu Đốc. Trường hợp ở cổng trại mà bị họ làm khó gì đó, sẵn em đứng gần cây gỗ, em sẽ kéo cây giây nhấc nó lên, và anh cứ việc phóng xe chạy thẳng ra ngoài, anh thoát một mình đi, đừng ngần ngừ nán lại mà nguy hiểm.”
“Ứ, không được đâu. Đã nói là tôi không muốn vì chuyện tự do của mình mà làm hại đến người khác. Tôi dứt khoát là không lái xe bỏ chạy một mình đâu.”
“Vậy là… vậy là anh đồng ý rồi phải không? Đồng ý theo kế hoạch đó nhưng không đồng ý lái xe một mình trốn thoát bỏ lại em một mình?”
“Ơ… tóm lại là tôi chưa quyết định gì hết. Tôi chỉ muốn nói là giả dụ như gặp trường hợp bị làm khó dễ trước cổng trại, tôi sẽ không bao giờ lái xe bỏ chạy để cô ở lại chịu trận. Vậy thôi.”
Nói rồi, tôi lại thầm nghĩ: huống chi, chưa chắc tôi lái xe chạy một mình ở Biên Hòa mà có thể thoát được sự đuổi bắt của công an. Biên Hòa đối với tôi là một thành phố xa lạ, biết chạy đường nào, hướng nào…
Nhưng Phương nghe tôi nói vậy thì mỉm cười, có vẻ sung sướng. Một lúc cô nói:
“Sống chết có nhau, nhất định há!”
Tôi im, ngó lơ chỗ khác. Phương tháo kẹp tóc phía sau, thả tóc cô xuống. Tóc chấm ngang vai. Lần đầu tiên tôi thấy Phương thả tóc ra như vậy. Phương vén tóc mai, rồi lại túm những lọn tóc lên, kẹp lại. Tôi chẳng hiểu tại sao mở ra rồi lại kẹp vào nữa, mất công quá. Tôi nói:
“Thôi, cô trở về văn phòng trực đi, ở đây lâu có sao không vậy?”
Phương nhìn đồng hồ, nói:
“Cán bộ bảo vệ lại sắp đi ngang qua đây. Em phải ra, còn anh, anh suy nghĩ lại rồi cho em biết há. Biết sớm, em sẽ đủ thời gian lo liệu chu đáo hơn. Dù sao cũng không nên kéo dài thời gian anh ở lại bệnh xá này, sẽ gây nghi ngờ trong đám quản giáo đó, nhất là ông Sáu, ông ấy để ý em lắm?”
Trở về chỗ nằm, tôi lại ngồi xếp bằng, tọa thiền. Lần này, tâm tôi tán loạn, không định được. Trước mắt tôi cứ hiện ra mãi hình ảnh mình cải trang làm công an, phóng xe gắn máy ra khỏi cổng trại, Nỗi vui sướng của giấc mộng tự do bừng bừng dâng dậy làm nhẹ hẫng cả người tôi. Nhưng cái hình ảnh phóng xe vượt thoát đó, dù sinh động và sáng rỡ trong trí tưởng của tôi, vẫn không hề mang theo bóng dáng Phương ngồi phía sau. Một mình tôi lái xe đi thôi. Hình như tôi quên nghĩ đến Phương, mà chỉ nghĩ đến tự do của riêng mình. Ngay cả đến việc cố gắng mường tượng một người con gái ngồi phía sau xe, tay ôm choàng lấy bụng mình, tôi vẫn chỉ thấy một dáng người không có mặt mũi. Tôi không thể hình dung ra được khuôn mặt của Phương. Phương đã đến với tôi bằng một hình ảnh nhập nhòa, mờ nhạt, không có gì đặc biệt, và bây giờ, nhắm mắt lại. tôi không nhớ mặt cô như thế nào nữa.
Phương là ai? Phải chăng nàng là hiện thân của một thứ tự do vô hình, vô dạng, vô ảnh, vô tích? Phải chăng cô là hiện thân của một tấm lòng thương yêu không cần trang điểm, tô chuốc? Tại sao ở đâu, thời gian và địa điểm nào, tôi cũng có cơ hội để bắt gặp một con người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ mình? Tôi có xứng đáng để được phần thưởng đó không? Tôi có thể đón nhận sự giúp đỡ của một người tự nguyện chịu thiệt thân vì mình mà lại không nhớ nỗi khuôn mặt ấy như thế nào ư?
Nhưng Phương có thực sự là tự nguyện đến giúp tôi không? Có một thứ cạm bẫy nào đó trong sự việc Phương giúp tôi chăng? Thôi, cứ cho là Phương thực lòng đi–thà cứ tin tưởng hoàn toàn vào lòng tốt của một người dù người ấy có thể hại mình, còn hơn ôm mối hoài nghi và gán lầm cho người ấy những tính xấu mà mình không biết chắc là họ có–, vậy rồi cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu cùng Phương thoát khỏi trại này, trốn xuống vùng biên giới, cải đổi lý lịch, sinh sống như người bình thường? Lúc đó chúng tôi sẽ chia tay mạnh ai nấy sống hay là theo nhu cầu sinh nhai ở đời mà tôi vốn không phải là người dễ dàng thích nghi, chúng tôi phải nương nhau mà sống? Rồi sống thế nào? Tôi và Phương sẽ đóng vai gì với nhau trong cái đời sống bình thường ấy? Như anh em? Như bạn bè? Như tình nhân hay vợ chồng? Nghĩ đến đó, tôi lại thêm một lần nữa, thấy run sợ và cảm nghe trái tim mình như co rút lại. Nhưng chỉ khoảnh khắc sau đó, trong tôi lại nóng lên một thứ lửa không ngọn, như những luồng điện nhỏ, kéo nhau chạy rần rần khắp châu thân. Người tôi bừng bừng. Tai tôi ù. Tôi bất chợt nhớ đến lời cảnh cáo của ông thầy già về dục vọng của tôi. Ừ, cái dục vọng này, không dẹp trừ đi thì dù ở hoàn cảnh nào cũng cứ chiêu cảm, níu kéo, khơi dậy những dục vọng từ kẻ khác. Tôi vùng dậy, xuống giường vươn vai, làm vài động tác thể dục rồi vào nhà xí múc nước rửa mặt.
Khi tôi trở ra, đã thấy Phương đứng nơi cửa sắt tự bao giờ. Phương cười, nói:
“Nãy giờ em qua mấy lần đều thấy anh ngồi tụng kinh hay niệm Phật gì đó, không dám kêu. Anh ngồi như vậy không thấy mỏi hả ? Nè, em nói anh nghe, ở đây cũng giống y như ở trong phòng giam tập thể, với em thì không sao, thấy anh ngồi yên như ông Phật em càng thích, nhưng anh đừng để mấy ông bảo vệ thấy được thì phiền lắm. Hồi nãy em phải giả đò ra đón, nói chuyện với anh bảo vệ để ảnh khỏi nhìn phòng này đó. Cái đèn phòng này sáng lắm, nhìn vào là thấy ngay. Anh muốn ngồi thì treo mùng lên, có thể khó thấy hơn, nghe anh.”
Tôi gật đầu. Phương vén tóc mai, lựa lời một lúc rồi bất chợt hỏi:
“Anh Khang à, hồi ở ngoài anh có quen bạn gái không? Em biết em hỏi không trúng, vì anh tu ở chùa thì dĩ nhiên là không có… nhưng ý em hỏi là có những cô gái nào đó thường đến chùa thăm anh, làm quen với anh không? Chắc có nhiều lắm hả?”
“Cô hỏi làm gì vậy?”
“Thì… hỏi cho biết vậy thôi. Tại vì em nghĩ là những người con gái đó thật may mắn, đến thăm và nói chuyện với anh thoải mái chứ đâu phải như em bây giờ…”
Tôi cười:
“Cũng vậy thôi, khác chi đâu!”
“Khác chứ anh, em bây giờ chỉ được nói chuyện với anh qua mấy cái song sắt này, lại vừa nói vừa sợ có bảo vệ đi ngang… Chỉ hi vọng là một ngày nào đó, anh được tự do, em sẽ có nhiều cơ hội gần gũi anh hơn. Em còn cần phải học nơi anh nhiều thứ nữa đó anh Khang. Nhất là chuyện tu hành, học giáo lý. Má em nói những người biết tu thì ở đâu họ cũng tu và dạy kẻ khác tu được…”
Tôi ngắt lời:
“Tôi đã suy nghĩ kỹ về chuyện mà cô bàn với tôi hồi chiều.”
“Vậy hả? Anh quyết định làm sao?”
“Tôi không trốn trại đâu.”
Phương chưng hửng:
“Sao vậy anh Khang? Hay là… tại anh không tin em?”
“Không phải. Chỉ tại tôi không muốn gây phiền lụy. Tôi thực sự là không muốn để cho bất cứ ai bị dây dưa vào chuyện của tôi. Vả lại, nghĩ đến chuyện phải sống ẩn náu trong hình thức người thế tục ở vùng biên giới… tôi thấy cũng chẳng phải là giải pháp tốt đẹp. Điều mà tôi muốn tìm kiếm không phải là như vậy. Tôi cám ơn cô nhiều lắm, cô Phương, nhưng tôi không thể nào nhận lời đâu.”
Phương im lặng một lúc, cười một nụ cười buồn, vừa mỉa mai thế nào đó, rồi nói:
“Anh hãy khoan nghĩ đến cái gì đằng sau sự tự do, hãy nghĩ đến tự do cái đã. Không phải rằng một khi anh được tự do ở một nơi chốn nào đó thì không có cái gì có thể ép uổng anh được nữa hay sao? Lúc đó, anh muốn quyết định thế nào, đi đâu và làm gì, đều là quyền của anh cả, không phải vậy sao?”
Thấy tôi im lặng không nói gì, Phương tiếp, giọng dịu xuống, tình cảm:
“Thực ra, từ khi nẩy ý giúp anh tự do, em đã có quyết định riêng của em rồi. Nếu có duyên thì còn gặp nhau, không duyên thì đành chia tay thôi. Em đâu có ý bắt buộc anh phải thế này thế kia. Anh có lý tưởng của anh, em biết chứ. Em đâu thể cầm chân anh. Chỉ cần giúp anh được chút gì là em vui rồi. Một điều nữa, cho dù anh không chấp nhận việc trốn đi với em, em vẫn sẽ bỏ ngành, bỏ thành phố Biên Hòa này, cùng má đi về quê làm lại cuộc đời. Thôi, để anh đi nghỉ há. Anh nhớ treo mùng lên nếu muốn ngồi niệm Phật hay tụng kinh gì đó. Như vậy tốt hơn. Còn chuyện kia, anh cứ suy nghĩ lại lần nữa đi. Anh còn nhiều thời gian để quyết định mà.”
Nói rồi Phương buồn bã quay đi. Tôi đứng tại chỗ một lúc, nhìn xa, thấy mấy vì sao chớp nháy trên bầu trời đen kịt.
***
Phương không đến gặp tôi trong hai ngày trực kế tiếp của cô. Có lẽ cô muốn cho tôi thời gian yên tĩnh để suy nghĩ và cũng có thể cô không muốn sự có mặt thường xuyên của cô khiến tôi nghĩ rằng cô cần tôi chứ không phải tôi cần cô. Sau hai ngày đó, đến phiên trực của cán bộ Thà. Anh cán bộ y tế này cũng hiền lành, dễ thương đúng như chức năng y tá mà anh đảm nhận. Anh thăm hỏi bệnh tình của tôi luôn khiến đôi lúc tôi thấy lúng túng–vì thực ra trong suốt thời gian ở bệnh xá, tôi chẳng bị bất cứ một căn bệnh hay cơn đau nào hành hạ cả. Rồi chính vì cái mặc cảm là mình giả dối trong việc khai bệnh, cái ước vọng tự do bừng cháy trong tôi những ngày trước bỗng dưng dịu xuống, chìm lắng đi, cơ hồ không còn hấp lực hay dẫn lực nào cho tinh thần tôi nữa. Đến nỗi, tôi muốn được trở về phòng giam tập thể, không muốn nằm lại ở bệnh xá. Buổi tối, nhân lúc Thà đi kiểm soát các phòng, tôi nói với anh điều đó. Thà nói phải chờ Phương quyết định, vì Phương là người đề nghị đưa tôi ra nằm bệnh xá.
Ngay trưa hôm sau, Phương đến gặp tôi, nói nhỏ:
“Nghe anh Thà nói anh muốn trở về phòng giam tập thể, phải vậy không? Có nghĩa là anh đã quyết định… Được rồi, em sẽ đưa anh về. Nhưng anh ráng nán lại đây vài hôm nữa đi, cho đến mấy ngày trực của em để em còn bàn với anh thêm vài chuyện nữa trước khi anh về phòng tập thể và trước khi em rời bỏ Biên Hòa. Vậy nhé.”
Tôi chờ. Đến phiên trực, Phương bước vào, đem cho tôi một giỏ thức ăn nhỏ, cô nói:
“Không phải của em hay của bất cứ cán bộ nào của trại này đâu mà anh từ chối. Đây là thức ăn chay của má em, tự tay bà nấu để… cúng dường anh đó. Má em dặn là phải nói vậy: cúng dường, không phải cho hay biếu. Má em nói là anh sẽ vui lòng nhận, vì tăng sĩ không có lý do để từ chối vật sản cúng dường của thí chủ thành tâm. Anh cất vào trong đi, rồi em nói chuyện.”
Phương nói với tôi với cái vẻ nhí nhành ngây thơ của một người em gái nhỏ. Cử chỉ của cô làm tôi chợt nhớ đến hai cô em gái của tôi, hoặc nhớ một bóng dáng yêu kiều nào đó trong quá khứ. Dường như mọi người nữ trên đời, dù già hay trẻ, xấu hay đẹp, thân hay sơ, đều mang cái vẻ nhõng nhẽo dễ thương như vậy trước phái nam. Đôi khi cái tính ấy đã phả lấp đi tất cả những khuyết điểm của họ. Tôi nói với Phương:
“Tôi cầu chúc hai mẹ con cô tìm được một cuộc sống mới an tịnh, hạnh phúc, luôn luôn gặp điều may mắn.”
Phương bùi ngùi cám ơn tôi một tiếng nhỏ, rồi tiếp:
“Em và má em sẽ bỏ đi thực đó anh Khang. Em có nói với má là anh quyết định không đi. Má nói: đừng ép thầy, chắc thầy có lý do chính đáng của thầy. Nhưng em cứ thấy tức trong lòng là sao anh lại không chịu… Anh Khang ơi, còn việc này nữa em muốn hỏi anh, anh có muốn em giúp anh bất cứ điều gì trước khi em bỏ ngành về quê không? Chẳng hạn về việc truy tìm hồ sơ, liên lạc với ai đó cần thiết, hay nhắn nhủ gì đó với thân nhân bạn bè anh ở ngoài…”
Tôi nói mà lòng không tin tưởng mấy:
“Chắc cũng có, nhưng để tôi suy nghĩ lại xem.”
Phương gật đầu rồi lặng lẽ từ giã.
Sáng sớm ngày mai, Phương xách giỏ đi ngang. Thấy tôi, Phương dừng chân, hỏi;
“Anh cần gì không? Em về nhà, khoảng tám giờ mới trở vào.”
Tôi nói ngay:
“Hôm qua cô có hỏi tôi cần nhắn nhủ gì bên ngoài, bây giờ tôi nói với cô được khong?”
Phương ghé sát vào chỗ cửa sắt, nói:
“Em sẵn sàng, anh nói đi.”
“Hai tháng trước, tôi thường ra khai cung làm việc với một cán bộ trẻ của Bộ nội vụ, tên là Ngô Ngọc Tri, từ Hà Nội vào, cô Phương biết anh ấy mà, phải không? Hồi đó, mỗi lần tôi ra làm việc với anh ấy, cô là người bàn giao mà.”
“Biết, em biết chứ. Cái anh chàng nhà văn đó mà.”
“Cái gì? Nhà văn nào?”
“Thì càn bộ Tri, anh ta là nhà văn, bút hiệu là Hoàng Bình Minh, viết truyện viết báo, có ra sách do nhà xuất bản Công An Nhân Dân in đó mà.”
“Vậy à? Hèn gì…” tôi nói đến đây thì ngưng, thầm nghĩ, “hèn gì các biên bản hỏi cung cũng như kết cung của anh ta thật rõ ràng, minh bạch, văn hoa, khác với tất cả những biên bản của những cán bộ trước đó mà mình đọc.”
“Bộ anh ấy không giới thiệu cho anh biết anh ấy là nhà văn hả? Sao, anh muốn nhắn gì với anh nhà văn à?”
“Tôi muốn gặp mặt anh ấy, có đôi điều muốn nói.”
Phương hơi ngạc nhiên, nhíu mày, nhưng rồi cô cũng nói:
“Chuyện đó dễ thôi, để em tìm cách liên lạc, nhắn anh ấy. Coi nào, chắc là phải điện thoại chứ viết thư hay đánh điện tín thì không rõ ràng mà lại không ổn nữa. Nhưng mà… anh nghĩ là chỉ cần nhắn vài lời như vậy thôi sao, không nói thêm chi tiết nào nữa hả? Biết anh ấy có chịu khó chạy vào đây không vì mấy lời nhắn đơn sơ như vậy? Chuyện không rõ ràng thì làm sao anh ấy tin lời em.”
“Cô cứ nhắn tôi muốn gặp anh ấy gấp, nếu anh ấy hỏi gặng nhiều thì nói tôi muốn phản cung, khai lại tất cả từ đầu. Vậy thôi.”
“Được rồi, em sẽ làm ngay. Anh cho em vài hôm nghe. Em cũng phải tìm xem số điện thoại của anh ta, ở đâu là tiện nhất để nhắn.”
Rồi Phương quày quã quay đi.
Phương hẹn vài hôm, nhưng ngay tối hôm sau, cô đã bước vào chỗ tôi, nói ngay:
“Anh Khang à, không được anh ơi.”
“Không được là sao, không có địa chỉ hay anh ấy không vào được?” tôi hỏi dồn.
“Không phải. Anh ấy bị… cách chức, khai trừ, tước thẻ Đảng, rồi sau đó, hình như còn bị bỏ tù nữa đó. Anh ấy bị giam ở nhà giam nào cũng chẳng ai biết. Có người nói là không chừng anh ấy bị thủ tiêu rồi.”
“Cái gì!” tôi sững sờ đứng lặng bên song cửa, chẳng biết nói gì thêm.
Phương nhìn tôi, ái ngại nói tiếp:
“Nghe đâu anh ấy điều tra hồ sơ cũ, đòi cứu xét lại mấy vụ án nổi danh ngoài đó. Anh ta còn viết truyện, làm thơ chống lại chế độ, tạo một phong trào đòi đổi mới trong giới cán bộ đảng viên trẻ, làm cho trung ương e ngại… Đó là những điều em điều tra được qua mấy con bạn đồng nghiệp đang làm việc ngoài đó. Tụi nó cũng thích anh Tri lắm đó anh. Tiếc là anh ấy chưa làm được gì nhiều. Anh ấy làm việc có vẻ gấp rút, sôi nổi quá; chỉ trong vòng mấy tháng mà làm ùm chuyện lên… thất bại là cái chắc. Anh Khang ơi, anh có sao không vậy?”
“Không sao. Cám ơn cô. Thôi cô lo việc của cô đi há.”
“Có việc gì vào giờ này đâu. Em đứng đây với anh một chút, nghen. Anh Khang nè, anh nghĩ em có thể giúp gì được anh thay cho anh Tri không? Anh nói đi, thực sự anh muốn nhờ anh Tri chuyện gì, biết đâu em cũng giúp được anh.”
“Thôi, phiền lắm. Cô lo phòng thân đi, không khéo lại bị… như anh Tri. Tôi sẽ ân hận cả đời.”
“Anh đừng nói vậy. Không phải tại anh Tri tiếp xúc với anh mà bị nạn đâu. Anh ấy khẳng khái làm những chuyện đụng chạm cấp trên như vậy thì tự dưng phải bị khai trừ, đâu có liên hệ gì đến anh mà anh ray rứt.”
“Với anh Tri thì tôi không liên hệ, nhưng nếu tôi nhờ cô hôm nay thì có liên hệ đấy chứ.”
“Nhưng chuyện anh nhờ không phải là chuyện công khai chống lại nhà nước, em đoán vậy, có đúng không? Nếu vậy thì đâu có sao, đâu đến nỗi nguy hiểm dữ vậy. Anh nói đi, em sẽ làm cho.”
Tôi đắn đo một lúc rồi nói:
“Đây là chuyện tôi muốn nhờ anh Tri, tôi kể lại cô nghe, nếu cô thấy có thể làm được thì làm giúp, còn không thì bỏ qua, há. Chuyện như vầy, trước đây tôi có người bạn khá thân. Tôi không biết anh ấy làm đặc tình cho công an Sài Gòn nên có nhiều điều tôi chẳng che giấu gì anh ấy cả. Cuối cùng, anh ấy gài bẫy cho công an Sài Gòn bắt tôi. Tôi vụng dại thì tôi chịu, không hối hận. Nhưng khổ nỗi, không phải chỉ bắt được tôi là xong, anh ấy còn tiến xa hơn, tiếp tục dẫn đường cho công an Sài Gòn đi lùng bắt những người bạn khác của tôi. Tôi sợ một lúc nào đó, vì hết chuyện để báo cáo, hết chuyện để lập công, có thể anh ấy bịa đặt ra chuyện này chuyện nọ để gán ép tội vạ cho các vị cao tăng trong Phật giáo… Mà anh ấy càng làm vậy, tôi càng ray rứt đau khổ như chính tôi đã làm hại cho đồng đạo của tôi vậy, bởi vì anh ta đã từng là bạn của tôi. Hờ, càng lúc anh ấy càng lộng hành, không để cho các chùa được yên, nên tôi thực là không chịu đựng nổi. Tôi muốn anh ấy chấm dứt ngay chuyện này.”
“Vậy có nghĩa là anh muốn ngăn cản cái anh bạn kia bằng cách…”
“Tôi chẳng biết phải bằng cách nào. Tôi chỉ muốn gặp Tri, hỏi ý anh ấy xem có thể làm gì được. Cô nghĩ nếu anh Tri biết việc này, sẽ đối phó làm sao?”
Phương cười:
“Bắt nhốt hắn ta chứ đối phó làm sao nữa.”
Tôi lắc đầu:
“Không có lý do gì để bắt nhốt. Anh ta làm tình báo đặc biệt cho công an Sài Gòn, có làm gì đâu mà bắt nhốt!”
“Nhưng hắn là thứ điệp đôi nguy hiểm, vừa làm đặc tình cho công an Sài Gòn vừa tham gia Phục quốc, vừa kết nghĩa lập Hội Lạc Long với anh. Nếu muốn có lý do thì chừng đó đã đủ rồi.”
Tôi giật mình đánh thót một cái, hỏi:
“Cô cũng biết việc đó nữa à?”
“Biết chứ sao không, anh Khang. Em có nói với anh là em đã nghiên cứu, đọc kỹ hồ sơ vụ án của anh rồi mà. Em đọc mà em tức anh dễ sợ! Người ta hại anh mà anh không biết, vào tù rồi vẫn khăng khăng chẳng chịu khai hắn ra. Anh bảo vệ ai thì được chứ sao lại bảo vệ hắn để hắn tiếp tục hại hết người này đến người kia. Hắn tên là Hân chứ gì, phải không? Anh tưởng anh không khai thì chẳng ai biết hết sao, anh lầm rồi, có vài bản khai cung khác sau anh, đã khai toạc tên Hân ra. Nhưng cái vụ của Hân cũng rắc rối lắm, công an Đồng Nai muốn bắt mà không bắt được vì Hân được công an thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ, với lại cũng chẳng biết Hân ở đâu mà bắt.”
“Tôi biết chỗ của Hân trước đây, nhưng không nhớ địa chỉ, và có lẽ sau chuyện dàn cảnh bắt tôi, Hân đã được công an Sài Gòn thưởng công, cho hộ khẩu hay chỗ ở khác rồi. Tôi nghĩ là chuyện bắt Hân không phải dễ đâu, vì Hân làm việc cho công an Sài Gòn, Nhưng tôi không bao giờ mong muốn cho Hân bị bắt; tôi chỉ muốn nhờ một người nào đó gặp Hân. Mà bây giờ muốn gặp Hân, chỉ có cách là chờ đợi ở cổng ra vào của Sở công an Sài Gòn, hoặc vào Sở mà hỏi thăm, may ra có thể gặp. Chuyện này không thể nhờ vả bất cứ thường dân nào làm được, nên tôi mới có ý nhờ Tri đến nhắn lời riêng với Hân…”
“Vậy anh chỉ muốn nhắn lời thôi chứ không phải nhờ anh Tri bắt giam Hân?”
“Phải, không cần bắt giam, chỉ cần nói với anh ấy những gì tôi muốn nhắn.”
“Nhắn làm sao? Anh Khang à, bây giờ không có anh Tri, em làm chuyện nhắn Hân giúp anh há, chịu không?”
Tôi dụ dự một lúc rồi quyết định:
“Thực ra cũng đâu cần nhắn gì nhiều. Chỉ cần nói với Hân là tôi đã biết tất cả sự vụ, nhất là chuyện tôi bị bắt, là do Hân mà ra. Anh ấy tưởng tôi không biết nên còn làm tới. Nay tôi cho anh ấy biết là tôi đã biết rõ rồi thì tự dưng anh ấy xấu hổ, phải ngưng việc với công an Sài Gòn thôi.”
Phương cười tủm tỉm nói:
“Đơn giản vậy thôi à?”
“Ừ, chỉ vậy thôi. Nói rõ cho Hân biết rằng chuyện tôi bị bắt ngoài đường cũng do một tay Hân dàn cảnh. Tôi không oán hận Hân, nhưng tôi chỉ yêu cầu Hân từ bỏ ngay cái nghề đặc tình thất đức kia đi.”
Phương ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
“Sao em thấy nghi ngờ là lời nhắn của anh chẳng kết quả gì lắm.”
Tôi tự tin nói:
“Tôi có thể lầm không hiểu thấu sự gian đối của bạn bè chứ không lầm về những tình cảm hướng thiện của họ đâu. Gian ác đến đâu cũng còn có trái tim cô Phương ạ. Tôi luôn tin tưởng như vậy. Lúc còn ở ngoài, tôi không biết là Hân sẽ sợ cái gì hơn vũ lực. Bây giờ thì tôi biết, anh ta sợ sự khinh bỏ của tôi… bởi vì tôi là kẻ cuối cùng trong số những bạn bè của Hân, người cuối cùng mà Hân nghĩ là còn tin tưởng Hân.”
“Hy vọng anh nghĩ đúng. Vậy, nếu anh giao em làm chuyện đó, bắt đầu ngày mai trở đi, tức là nội trong tuần này, em sẽ tìm cách đi Sài Gòn.”
“Cô đâu biết mặt Hân ra sao mà nhắn, ngộ nhỡ nhắn lầm người thì sao?”
“Đừng lo anh Khang, em có hai nhỏ bạn cùng khóa làm việc ở Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh mà. Mọi chuyện sẽ từ đó mà tiến.”
“Nhưng… nhớ là chỉ nhắn lời, đừng làm chuyện gì thất đức đó nghe, dù là đối với Hân.”
Phương cười:
“Biết rồi anh à, có muốn làm chuyện thất đức cũng không được đâu à. Em đây là cán bộ tỉnh Đồng Nai ghé chơi Sở công an thành phố Hồ Chí Minh, lấy tư cách gì mà bắt Hân! Anh yên tâm đi…” rồi cô nói nhỏ giọng xuống. “Thật thà ơi là thật thà, người ta hại mình đến vậy mà còn lo sợ người ta bị bắt!”
Phương đi rồi, tôi đứng lại ở cửa sắt nhìn sao trời lấp lánh xa xa. Tôi biết tôi không còn thật thà nữa. Nghĩ ra được cái chuyện nhắn lời để ngăn chặn Hân thì tâm ý tôi đã không còn đơn giản, ngây thơ như xưa. Tôi không muốn Hân bị nạn như tôi chẳng qua vì tôi vốn không có tâm địa trả thù, không có tâm địa làm tổn hại ai. Hân bội phản bạn bè, bán đứng sinh mệnh của các vị cao tăng trong Giáo hội thì đó là cái nghiệp nhân do chính anh tự gieo và sẽ tự gặt lấy cái nghiệp quả tương ứng vào một thời gian nào đó. Tôi không cần phải làm bất cứ điều gì đối với Hân ngoại trừ một lời nhắn nhủ để cảnh tỉnh anh dừng lại.