Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười một

14/10/201310:38(Xem: 11687)
Chương mười một

coitroi1


Chương mười một

Nàng đứng dậy, tính mang bình trà xuống bếp châm thêm nước sôi, nhưng nghĩ sao lại ngồi xuống, nói:

“Anh không sợ người ta gài bẫy gì sao?”

Tôi cười:

“Nếu mình đang ở ngoài đời thì còn sợ cạm bẫy; đàng này, vào tù tức đã vào trong bẫy rồi, còn sợ bẫy gì nữa chứ. Nhưng nói thì nói vậy chứ lúc đó cũng nghi ngại lắm. Chỉ do sự thúc đẩy của ý hướng tự do mà mình phải liều nhắm mắt đưa chân thôi. Biết đâu… lại có người tốt giúp mình, giống như thời ông Diệm, có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo âm thầm giúp đỡ, báo tin, bảo vệ chư Tăng Ni Phật giáo trong những cơn nguy ngập, tù tội. Nhờ họ làm việc cho chính quyền nên biết cách giúp mình, thông báo cho mình những tin tức chính xác. Trong khối người làm việc cho chính quyền cộng sản, không lẽ không có một phật-tử?”

“Dĩ nhiên là có phật-tử rồi, nhưng cô cán bộ y tế này… e rằng không giúp anh một cách đơn giản đâu. Em chỉ sợ anh bị hại… Thôi anh kể tiếp đi, em muốn biết cô ta thế nào.”

***

Tại phòng trực của bệnh xá, sau khi Khoa và Phương cùng ký tên vào cuốn sổ gì đó, Khoa quay qua tôi nói:

“Anh tạm thời ở lại đây chữa bệnh nhé. Ráng đi, khi nào ban y tế xét thấy không gì nguy hiểm… ý tôi nói là bệnh tình của anh thuyên giảm, thì sẽ thông báo tôi cho anh trở về phòng ngay.”

Nói rồi, Khoa quay đi. Hai anh nuôi bước theo. Giọng Khoa có vẻ như cám cảnh tội nghiệp của tôi đã “bị” bệnh nặng và phải ra nằm ở bệnh xá buồn teo, không được vui nhộn như trong phòng giam tập thể. Tôi cười thầm trong bụng và khi Phương tằng hắng một tiếng nhỏ, tôi mới sực ý thức được là chỉ còn lại một mình tôi với Phương nơi phòng trực, tim tôi bắt đầu đập mạnh. Tôi biết từ bệnh xá này, tôi đang khởi sự bước vào cái chương hồi quan trọng nhất của vở kịch mưu tìm tự do. Mà vở kịch ấy, nếu Phương hay một nhóm cán bộ nào đó đóng vai chính thì tôi, lại thêm một lần nữa, trở thành nạn nhân dại khờ của một cạm bẫy. Còn nếu tôi có thể chủ động đóng vai chính, thì có lẽ tôi thành công theo hướng của tôi. Nhưng tôi mà vai chính thế nào đây khi đến nước này vẫn còn ôm nặng mối nghi với công án “Bệnh nặng có thể được về.” Nghĩ vậy, tự dưng tôi đâm rùng mình. Dường như đến phút này tôi mới thấy được cái liều lĩnh ngu dại của mình khi đâm đầu vào một ngõ thoát lờ mờ mà từ lối đi cho đến chung cục chẳng có cái gì thực sự rõ nét. Tôi cảm thấy hơi bấn loạn trong lòng.

Phương lại tằng hắng một tiếng nhỏ rồi kéo ghế, ngồi xoay mặt về hướng tôi, vén tóc mai, chậm rãi nói:

“Cuối cùng cũng có dịp để làm việc riêng với anh Khang há.”

Tôi chỉ cười, chưa biết nói gì. Phương tiếp:

“Anh bây giờ là bệnh nhân của em, phải nghe lời em thì mới hết bệnh, em bảo uống thuốc hay chích thuốc gì thì cứ làm theo chứ không được cứng đầu như xưa nay, nghe không? Hi hi…”

Nghe Phương đùa vui như vậy, tôi mạnh dạn chạm vào cái công án đang treo lơ lửng trong lòng:

“Nếu bệnh nặng quá không chữa khỏi thì sao?”

Thấy tôi đã mở miệng, Phương cười tươi, phấn khởi nói:

“Bệnh nặng có thể được về đấy chứ!”

Tôi giật mình nghe câu trả lời ấy. Dù bấy lâu nay tôi đã đinh ninh rằng Phương viết dòng chữ ngắn đó cho tôi trong lá thư của gia đình gởi vào, nhưng bây giờ chính miệng cô lặp lại, tôi mới xác định thêm cô là tác giả. Tôi run run hỏi:

“Bệnh nặng cỡ nào thì được về?”

Phương nhún vai:

“Nếu ban y tế trại xác nhận là bệnh nặng không chữa nổi thì… có thể đề nghị cho anh điều trị ở các bệnh viện lớn như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Thống Nhất… ở Sài Gòn.”

“Chỉ được về một thời gian để chữa trị thôi chứ đâu phải trả tự do hoàn toàn, phải không?”

Phương cười hóm hỉnh, nói:

“Trả tự do à? Chẳng phải anh đang sống trong một xứ sở tự do hay sao?”

Tôi cười một tiếng khô. Phương cũng bật cười lên một tràng khanh khách. Một chặp, tôi hỏi:

“Cô thực sự tin rằng đất nước này có tự do à?”

Phương không nói, hơi cúi mặt xuống. Một chặp, cô quay ngó ra sân. Đôi mắt buồn bã nhìn mông lung. Nắng trưa đổ chang chang trên khoảnh sân nhỏ của khu vực bệnh xá. Sau hàng giậu thưa, tôi thấy thấp thoáng con đường đất nhỏ dẫn đến khu phòng giam tập thể. Xa xa ở phía ấy, một cái bót gác nhô lên khỏi dãy tường rào. Dáng người lính gác nhỏ xíu, chỉ thấy một chấm đen đội cái mũ cối, ló ra khỏi mấy bao cát. Phương từ từ quay mặt vào, nhìn tôi như lựa lời một lúc, cũng với đôi mắt và vẻ mặt thật buồn, rồi cô nói một cách khẳng định:

“Tất cả chúng ta đều đi tìm tự do.”

Tôi lại một phen giật mình khi nghe Phương nói vậy. Lâu nay, dù chẳng nói ra hay biểu lộ một thái độ nào rõ rệt, nhưng quả là ở một góc nào đó của tâm hồn, tôi vẫn nhìn những người cộng sản kiểu như cô nữ cán bộ này bằng một thứ thành kiến cao ngạo nào đó. Tôi vẫn cho rằng đa số họ là những người dân quê ít học mà hay nói chữ, không tài đức mà thích ngồi cao, đã vậy còn hồ hởi đem cả cuộc đời mình để chạy theo một thứ chủ nghĩa lai căng không tưởng di hại cho không biết bao nhiêu đồng loại… Vậy thì có gì đáng để nói với họ! Nhưng bây giờ, Phương buông ra một câu với anh mắt như van cầu một sự cảm thông nào đó, tôi biết ngay là cô cũng có niềm ưu tư và nỗi khổ của cô trước hiện tình đất nước. Cũng như anh chàng cán bộ Tri ngoài Hà Nội vậy thôi, sinh ra trong nỗi loạn ly của đất nước, có thể Phương cũng là một người trẻ tuổi xông xáo đáp lời non sông, đi tìm một tương lai tươi đẹp, tự do, hạnh phúc… Cuối cùng, tuổi trẻ Việt Nam chúng tôi, trở thành những con cá dại khờ vùng vẫy từ cái rọ chủ nghĩa này đến cái rọ ý thức hệ kia, cắn xé nhau, tàn hại nhau, giam nhốt nhau, ganh tị nhau, hận thù nhau, khinh bỉ nhau… Chúng tôi đối xử với nhau, làm tất cả những điều ấy cho nhau, chỉ để làm vui lòng những ngư ông mà thôi.

Trước mắt tôi bây giờ, Phương như là một con người khác, không còn là cô nữ cán bộ nhà quê tham lam các khẩu hiệu hơn lúa bắp ngô khoai, Cô cũng giống như Tri, là một người bạn trẻ của tôi, “sinh ra trên đất nước này là để lớn lên trong cái đồng phận khốn khổ của tuổi trẻ quê hương.” Tôi gợi ý:

“Tuy rằng ai cũng muốn tìm tự do, nhưng khổ nỗi là người ta chỉ biết sử dụng những phương thức độc tài, chuyên chế, để mưu cầu tự do hoặc để bảo vệ một thứ tự do trong ảo tưởng mà thôi. Cái nhân nô lệ kềm kẹp thì không thể nào đưa đến cái quả tự do được cả. Chuyện đơn giản như vậy, nhưng chẳng ai để ý giùm cho.”

Phương ấp úng một lúc rồi nói:

“Có thể người ta cũng biết chứ anh, nhưng chưa có cách để chỉnh lại đấy thôi!”

“Biết đâu người ta chỉ mong cầu một hiện trạng như vậy. Độc lập, tự do, hạnh phúc… chỉ là những miếng mồi để câu những con cá nô lệ khổ đau mà thôi.”

Phương gục gặc tỏ sự đồng ý, rồi không nói lời nào, cô giơ ngón tay trỏ lên ra dấu yêu cầu tôi đừng nói nữa. Cô đứng dậy rời phòng, để tôi ngồi lại một mình trong phòng trực của bệnh xá. Cô đi qua lại nơi dãy hành lang một lúc rồi quay trở vào, nói ngay vừa đủ tôi nghe:

“Em phải đưa anh Khang vào phòng giam đặc biệt dành cho bệnh nhân, cũng kế bên đây thôi chứ không xa. Ngồi lâu ở đây không được đâu. Rồi mình sẽ nói chuyện tiếp. Ở đây ban ngày có cán bộ bảo vệ canh gác bệnh xá; họ chỉ thay nhau đi kiểm soát các cửa và các vách của dãy bệnh xá chứ chẳng biết gì về nhân số hay bệnh trạng của bệnh nhân; khi nào có trường hợp khẩn cấp thì họ gọi cán bộ y tế; còn ban đêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng của ngày kế tiếp thì có hai cán bộ trực tại bệnh xá là em và anh Thà, tụi em thay nhau mỗi người trực 3 đêm trong tuần, dư lại một ngày, cứ vậy mà đôn lên, cho nên nếu tuần này trực thứ hai, thứ ba, thứ tư, thì tuần sau trực vào chủ nhật, thứ hai, thứ ba… Đại khái phiên trực của em là như vậy, nói cho anh biết để anh cần gì thì cho em biết trong khoảng thời gian em trực, như vậy dễ hơn. Đêm nay là đêm trực đầu của em trong tuần này. Thôi, bây giờ đi theo em.” Cô nhỏ giọng xuống thấp hơn, “tối nay mình có cơ hội để nói chuyện nhiều hơn.”

Tôi xách giỏ đồ đạc cá nhân bước theo Phương ra khỏi phòng trực của khu bệnh xá. Nhìn trước nhìn sau, tôi thấy dãy bệnh xá có chừng sáu phòng nhỏ khác nằm hai bên phòng trực. Phương hướng dẫn tôi qua căn phòng nhỏ thứ hai, cách phòng trực một phòng. Bên ngoài có cánh cửa gỗ, bước vào trong thì có thêm một lớp song sắt, có khóa. Phương mở cửa, nói nhỏ:

“Anh nằm ở giường còn lại há. Người kia cũng là đồng nghiệp của anh đó.” Chờ tôi bước vào rồi, cô tiếp, giọng lớn lên như cố tình cho người ở bên trong nghe, “anh cứ uống tạm thuốc đó rồi chiều nay khám lại, tôi tìm cho thuốc khác, vậy nhé!”

Phương khóa cửa sắt rồi quay đi. Tôi đứng tần ngần một lúc rồi bước sâu vào. Phòng hẹp, chiều ngang khoảng bốn thước, chiều sâu khoảng sáu thước. Sau lưng tôi là song sắt, còn lại ba vách đều kín bưng không có cửa sổ. Có hai cái giường nhỏ đặt dọc theo hai vách hai bên. Cuối cái giường phía bên phải có một vách ngăn cao chừng một thước rưỡi, tạo thành một phòng nhỏ ở trong góc. Tôi đoán đó là chỗ để tắm rửa và làm vệ sinh. Cái giường bên trái còn trống. Giường bên phải thì có một người đang ngồi tựa lưng vào vách, hai đầu gối đưa lên, hai cánh tay gác trên hai đầu gối, hai bàn tay xương xẩu thỏng xuống, đong đưa. Một ông già tuổi xấp xỉ sáu mươi, mặc đồ tù màu lam sẫm. Đầu hớt lúp xúp như thầy tu. Khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo. Đôi mắt sáng quắc. Đầu mũi to, cánh mũi đầy, sóng mũi cao. Đôi môi hơi mỏng mím chặt lại vẫn không giấu được chiều kịch đặc biệt của một cái miệng rộng. Hai vành tai ép sát vào da đầu; trái tai dài như tai Phật. Quả là tưởng hảo của một dị nhân. Ông này là ai, làm gì, mà Phương nói là đồng nghiệp của mình nhỉ? Tôi tự hỏi như thế khi cúi đầu chào ông già. Ông chỉ nhìn tôi, từ đầu đến chân, một thoáng thật nhanh, rồi gật đầu nhẹ một cái. Bây giờ tôi nhìn rõ mặt ông hơn. Ông nhăn nhó, chàu bàu như thể đang phải chịu đựng một cơn đau nào đó. Cũng có thể tại vì vẻ mặt ông vốn như vậy–vẻ mặt của một cụ già khó tính, bẳn gắt.

Tôi đặt giỏ xuống đất, cạnh cái giường trống phía bên trái mà tôi biết là chỗ Phương đã sắp đặt cho tôi. Rồi tôi cũng leo lên giường, ngồi xếp bằng, tựa lưng vào vách. Ông già ngó tôi chăm bẳm một lúc rồi đứng dậy, rời giường nằm đi vào góc phòng, khạc nhổ. Xong, ông quay ra, bước ngang chỗ tôi, đến khung cửa, vịn hai tay vào song sắt, nói bâng quơ, hay nói với tôi mà mắt nhìn đâu ở ngoài:

“Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Cái thế giới khùng điên này, chạy lòng vòng một hồi rồi cũng gặp toàn là oan gia trái chủ mà thôi…”

Tôi nghe ông nói vậy thì đâm hiếu kỳ, chú tâm chờ đợi lắng nghe ông nói thêm. Nhưng ông không nói nữa, lại quay trở về chỗ nằm, leo lên giường, ngồi tựa lưng vào vách, hai chân duỗi ra, đưa tay xoa cái đầu xưng xửng tóc bạc. Một chặp lâu ông mới hỏi:

“Chú mày có hút thuốc không?”

“Dạ cháu biết hút thuốc, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hút với bạn bè cho vui, không ghiền.”

“Có nghĩa là chú mày không có mang thuốc hút theo đây?” ông già hỏi với vẻ thất vọng.

“Dạ… không. Nhưng cháu có tiền mặt, có thể gởi mua được. Bác thường hút loại nào?”

“À… à, Đà Lạt, Hoa Mai hay thuốc rê gì cũng được mà. Nhưng chờ chú mày gởi mua được thuốc thì còn gì là hứng thú. Hây, chán chú mày quá đi mất! Ở tù mà không hút thuốc thì buồn thúi ruột đi được. Chú mày còn tiền, vậy mà không thủ một bao thuốc trong giỏ để đi đâu xách theo! Hừ, tiền là cái gì chứ! Chỉ là giấy thôi. Thuốc hút mới là đồ giá trị. Ai lại bo bo giữ tiền còn thuốc thì để ngoài chợ! Thiệt là uổng phí. Bây giờ ngồi đây, rảnh tay rảnh chân, làm cái chó gì! Với lại ở đây không phải có tiền là muốn mua cái gì cũng được đâu. Cái tụi cán bộ y tế trực ở đây không có bổn phận mua thuốc hút cho bệnh nhân. Nhờ chúng mua thì chỉ tổ chọc chúng chửi. Chỉ có thể gởi được mấy thằng anh nuôi thôi, nhưng gởi tụi này thì phải chờ đợi lâu lắc lâu lơ. Ôi trời, sao lại cho tôi gặp cái thằng công tử bột không ghiền thuốc vậy trời!”

Tôi bật cười, nói:

“Thôi, đừng rầu nữa bác, để một chặp cháu gởi mua một cây thuốc rê to tổ bố như cái bắp chân, mặc sức bác hút.”

Ông già trố đôi mắt sáng quắc, nhìn tôi, gục gặc cái đầu:

“Ừ, chú mày ngon, chú mày chơi được. Nhưng bây giờ tính gởi ai mua thuốc đây?”

“Ừm coi nào, gởi cô y tá khi nãy đưa cháu vào đây, được không?”

“Cái con trung úy khỉ đó hả? Nó thì tốt lắm nhưng tốt ở cái chuyện chăm sóc, cho thuốc trị bệnh, lo cơm nước cho bệnh nhân đầy đủ… chứ không phải để sai nó đi mua thuốc hút đâu.”

Tôi cúi xuống lôi cái giỏ dưới đất lên, lấy tiền ra. Từ ngày chị Thuần đưa một nghìn đồng lúc thăm nuôi gặp mặt, tôi chỉ gởi mua một ít rau tươi vào dịp trưởng phòng theo cán bộ đi chợ. Nay hãy còn khá nhiều tiền.

“Để trưa hay chiều cô ấy có việc ghé vào đây, cháu sẽ nhờ cô ấy mua giúp. Có lẽ cô ấy không từ chối đâu.”

Ông già cười tươi, vừa nằm xuống vừa nói:

“Cần gì phải chờ đến chiều. Chú mày chịu chi tiền thì tao gọi nó đến ngay. Tao gọi nó vào khám bệnh, còn bổn phận chú mày là gởi mua thuốc đó nghe.”

Nói rồi, ông già la lớn lên:

“Báo cáo cán bộ, ớ cán bộ…!”

Nghe cái giọng khàn đặc của ông, tôi vừa buồn cười vừa thấy tội nghiệp cho ông, tính đứng dậy để hô giúp ông thì đã thấy Phương lật đật cầm xâu chìa khóa chạy đến.

“Gì vậy? Có sao không?” vừa hỏi Phương vừa nhìn tôi rồi nhìn ông già.

Tôi ấp úng nói:

“Không biết ông ấy bị cái gì...”

“Gì vậy bố già?” Phương tử tế hỏi.

Ông già làm bộ trở mình khó nhọc, rồi ngước mặt hướng về phía Phương, nói thều thào, giọng thiểu não:

“Thì nó đau lại đó mà…”

“Thuốc tôi đưa cho bố còn mà.”

“Còn, nhưng thuốc này tôi thấy chẳng ăn thua gì cả.”

“Ráng đi bố ơi, chỉ có thuốc đó thôi. Con đã nói rồi, đang chờ ở trên cứu xét cho gởi thuốc tốt xuống mà. Bây giờ thấy nhói dữ lắm hả?”

“Khi nãy nhói lắm, nhưng bây giờ cũng dịu rồi, thôi cám ơn. Để tôi ngủ một giấc là êm…”

Phương cười, quay qua nói với tôi:

“Cái bệnh của ổng là vậy đó, cứ lâu lâu nổi cơn đau bất tử, rồi hết ngay, nhưng cũng làm mình hết hồn! À, trưa nay anh Khang có muốn ăn cháo không? Ăn cơm bình thường hả? Khi nào anh muốn ăn cháo thì nói cho biết há. Cháo cho bệnh nhân ở đây, Phương xin được tiêu chuẩn cao lắm đó. Có thịt bằm hoặc cá. Ủa, mà anh… có ăn thịt cá được không vậy? Ở trong này đâu cần phải ăn chay làm gì cho mất sức. Quen rồi hả? Thôi kệ, ráng đi. À, sau giờ cơm trưa Phương không trực ở đây mà làm việc ngoài văn phòng trại, chiều tối mới quay trở lại để trực ca đêm cho bệnh xá. Cho nên anh Khang có cần gì thì nói để Phương lo chứ cán bộ trực buổi chiều không phải là y tá đâu, anh ta chỉ có nhiệm vụ gác thôi.”

“Phải rồi, tôi thường gặp cô ngoài văn phòng trại kia mà. Làm sao cô có thì giờ trực bệnh xá? Cô làm nhiều việc vậy?”

“Thì tại thiếu cán bộ nên phải kiêm nhiệm cái ngành y tế này, chứ thực ra công việc của Phương là lo hồ sơ và ba cái việc linh tinh ngoài văn phòng trại kia. Anh cần gì không?”

“Cần mua thuốc hút, cô mua giúp được không?”

“Anh cũng hút thuốc à?”

“Không được sao?”

“Không phải không được. Nhưng… hi hi… cái tướng anh, cầm điếu thuốc thấy đâu có hợp!”

Ông già nghe lóm được câu đó, liền xen vào:

“Xì, mấy thằng đàn ông không hút thuốc thì có làm nên trò trống gì đâu cà!”

“Vừa thôi bố già ơi! Thiếu gì người không hút thuốc mà có sao đâu. Điếu thuốc đâu có làm nên đàn ông, phải không? Hi hi…”

Ông già nói lầm bầm gì đó, rồi quay mặt vào vách. Tôi đưa tiền cho Phương, nói:

“Mua giùm một cây thuốc rê Tân Phú, được không?”

“Một cây? Một cây thuốc rê là thứ người ta quấn lại một tảng to như cái gối đó phải không? Hút gì dữ vậy! Ho chết đó anh Khang à. Mua vài gói có đầu lọc được rồi, nghen. Với lại Phương đâu biết thuốc rê Tân Phú là thuốc như thế nào.”

“Thôi, vậy mua cho một cây thuốc Đà Lạt, một cây thuốc Hoa Mai.”

“Một cây là mười gói, một gói hai chục điếu, phải không? Sao anh mua làm gì một lúc nhiều quá vậy?”

“Tại vì ở trong này khó mua thuốc lá lắm, mỗi lần nhờ được ai mua thì phải nhờ mua nhiều như vậy. Mua sớm giùm đi, ở căn-tin của trại có bán đó,” vừa nói, tôi vừa đưa tiền cho Phương.

“Thôi, anh cất đi, để Phương mua cho.”

“Bậy, cầm tiền đi, bằng không tôi không nhận thuốc đâu à nghen!”

Phương cười, vênh mặt lên, nói nhỏ:

“Em bắt anh phải nhận. Em là y tá mà, bắt bệnh nhân dùng thuốc gì thì phải dùng thuốc đó, không được cãi. Khi nãy em có nói điều lệ đó cho anh nghe rồi mà, anh quên rồi sao?”

Nói rồi nàng cười tình tứ với tôi, quay đi. Tôi chưng hửng đứng lại nơi cửa sắt, chẳng biết đối phó làm sao. Đang còn phân vân đứng đó thì ông già ngồi vùng dậy, bước đến bên tôi, vỗ vai tôi, nói:

“Khà khà… chú mày đó nghe! Con nhỏ mê mệt chú mày rồi!”

“Không có gì đâu,” tôi nói cho có lệ.

“Không có gì? Chú mày tưởng tao đui tao điếc à. Chẳng phải chú mày đưa tiền mà nó không chịu lấy sao. Nhờ nó đi mua thuốc đã là chuyện khó rồi, còn khiến cho nó tự nguyện bỏ tiền túi ra mua nữa thì hết nói!”

“Chút nữa mình đưa trả tiền lại cho cô ấy chứ đâu có lấy thuốc khơi khơi như vậy, kỳ cục!”

“Xì, sống kiểu quân tử như chú mày tao chán quá đỗi! Việc gì phải dằn co, cà thụt cà thò bởi ba cái chuyện lắt nhắt. Chớ chú mày cũng chẳng biết rằng tạo cơ hội cho chúng sanh bố thí cúng dường cũng là điều tốt sao! Có gì mà phải bận tâm!”

Tôi giật mình, quay lại ngó sững ông già:

“Cái gì? Bác nói gì?”

Ông già xua tay, vừa quay trở về chỗ nằm vừa nói:

“Có gì đâu. Đã nói là oan gia trái chủ, chạy lòng vòng một hồi cũng gặp nhau mà.”

“Nhưng… mới vừa rồi bác nói cái gì khác kia.”

“Ộ, cái gì quan trọng đâu, nói là chúng sanh bố thí cúng dường thì cứ hoan hỷ nhận, miễn họ tự nguyện là được rồi, mình có ép họ đâu. Tất cả hành động nào trên đời, hễ mà dính tới nguyện, thì tự nhiên không dính tới nhân quả. Ạ, hà hà, ý chú mày muốn hỏi tại sao tao dùng cái ngôn ngữ nhà chùa ra mà nói chứ gì! Hứ, bộ dạng chú mày chẳng phải thầy tu thì cũng là thầy chùa thôi chứ chạy đi đâu, hả thầy chùa con!”

Tôi run người leo lên giường, ngó ông già chăm bẳm, vừa kinh ngạc vừa hơi khớp sợ ở trong lòng. Ngôn ngữ, điệu bộ của ông, giống như một lão gàn tham lam, mà kỳ thực ẩn sâu phía sau là cái vẻ phong quang khoáng đạt, rất mực tự tại giải thoát. Ông làm tôi nhớ đến thi sĩ Bùi Giáng.

***

Năm 1982, vào thời gian cuối cùng trước khi tôi rời bỏ Sài Gòn để đi kinh tế mới, thi sĩ Bùi Giáng có ghé vào tu viện Già Lam, ngồi chơi ở cái bục xi măng xây quanh gốc vú sữa to lớn giữa sân. Lúc đó đã qua khỏi giờ ngọ, tăng chúng đã thọ trai xong và đang nghỉ trưa. Tôi là người trực báo chúng nên không nghỉ trưa. (Trực báo chúng tức là đảm trách việc đánh kẻng, khai bảng, rung chuông… nói chung là căn cứ vào thời khắc sinh hoạt đã qui định trong ngày của tu viện để sử dụng pháp lệnh mà báo cho tăng chúng biết; chẳng hạn đến giờ thọ trai thì gõ ba tiếng mộc bảng, đến giờ tụng kinh hay học thì thỉnh ba tiếng báo chúng–loại chuông nhỏ treo trên giá– v.v…). Lúc ấy cũng sắp đến giờ báo thức, tôi đi dạo nơi sân chùa và tình cờ bắt gặp nhà thơ đang ngồi dưới gốc vú sữa. Ban đầu tôi không biết ông là ai. Nhờ mấy chú tiểu chọc ghẹo kêu tên ông, tôi mới biết. Tôi ngưỡng mộ ông từ lâu, nay có dịp gặp, tôi vui lắm, bước tới chào ông và thật xúc động thấy ông ăn bận rách nát, dơ dáy như một gã hành khất lang thang. Tôi từng nghe đồn đãi về cái gàn điên của ông, nhất là từ những năm sau 1975, nhưng đối diện ông, tôi mới thực sự thấy được cái vẻ tự tại thong dong của một thiền gia cư sĩ đang nhập thế hành đạo. Tôi ngồi xuống ở cùng cái bục xi măng mà ông ngồi, kín đáo quan sát. Một vài thầy đến bắt chuyện, đọc thơ người này người nọ rồi yêu cầu ông đọc thơ cho nghe để mua vui. Rồi lần lượt họ bỏ vào trong, để ông ngồi lại đó một mình. Ông lẩm bẩm nói gì đó rồi bất chợt bắt gặp tôi ngồi im một chỗ ngắm nhìn ông, ông bèn cười, nói:

“Chú ơi, chú hiền như con nai tơ ấy. Sao chú im lặng quá vậy hả?”

Tôi cười rồi chắp tay cung kính chào ông. Ông chắp tay chào lại. Hai bàn tay dơ dáy đầy cáu bẩn ghép lại với nhau tạo thành một đóa sen nhàu nát, như thể từng bị vùi dập trong một bãi sình. Rõ ràng trước mắt tôi là một thi sĩ Bùi Giáng trang nghiêm, trầm lặng, không cà rỡn gàn điên như lời đồn lâu nay tôi nghe. Có lẽ nhiều năm nay, từ khi lũ trẻ khắp các phố phường Sài Gòn đều biết danh ông Bùi Giáng Điên, người ta khó tìm thấy ông trong những giây phút bình thường này, giây phút mà người ta mệt mỏi không nhìn ngó gì đến ông nữa.

Ông nhìn tôi bằng đôi mắt lạ lắm, có vẻ như ngắm nghía, tìm hiểu, rồi ông thu hai bàn chân lên, đặt trên bục xi măng. Hai bàn chân không mang dép, đầy bụi đất và nhiều chỗ sưng vù, tróc da chảy máu. Ngồi trong tư thế xếp bằng xong, ông nói:

“Chúng sinh thời nào cũng vậy, gặp mình là hỏi thơ, xin thơ, bàn thơ, luận thơ, tán thơ, xổ thơ… Làm như thể chỉ có ngôn ngữ mới là thơ thôi vậy. Hì hì, cho nên tôi thích chú lắm, tôi thích được ngồi bên một con vật, một tảng núi hoặc một người im lặng như chú.”

“Thầy đi lang thang như vậy có mệt không? Có đói không?” tôi hỏi.

“Sao chú gọi tôi bằng thầy?”

“Kính quí ai thì gọi người đó bằng thầy.Thầy có đói không? Tôi đem cơm ra đây thầy dùng nghen?”

Ông chắp tay, mắt nhắm lại, nói:

“Mô Phật, cám ơn, cho tôi xin một bát, chút xíu thôi cũng được.”

Tôi xuống nhà bếp xin cơm. Giờ đó mà đi xin cơm thường bị mấy dì vải dưới bếp từ chối, nhưng may là chị Vẻ, nhân vật chủ chốt của nhà bếp, rất quí tôi, nên chuyện xin một tô cơm không khó. Chị Vẻ vừa bới cơm vào cái tô, vừa nói với tôi với giọng ái ngại:

“Chú Khang xin cơm cho ông Bùi Giáng đó hả? Chú có biết là lâu lâu nổi khùng lên, ổng chửi hết mấy thầy không?”

Cho đến năm ấy, mặc dù đang tham dự khóa Cao đẳng Phật học tại Già Lam, tôi vẫn còn là một chú Sa-di chưa thọ giới Tỳ kheo, nên mọi người trong tu viện, kể cả những dì vải dưới bếp và các phật-tử chuyên đến chùa, đều gọi tôi bằng “chú.” Tôi nói với giọng hơi đùa với chị Vẻ:

“Bao nhiêu người khinh bỉ, chửi mắng ông hằng ngày, ông chịu được; lâu lâu ông chửi mình một tí, không lý ôm giữ trong lòng?”

Chị Vẻ nghe vậy thì không nói gì nữa, lo múc thức ăn cho vào tô cơm, và múc thêm một bát canh riêng; xong, chị nói:

“Chú Khang đi trước đi, để tôi bưng ra cho ổng.”

“Thôi, khỏi. Chị lo việc của chị đi, để tôi bưng.”

“Chú nói ổng ăn rồi đem cái tô trả lại cho nhà bếp chứ đừng vất ngoài sân thầy trụ trì la chết!”

“Tôi sẽ đem vào mà, đừng lo.”

Tôi mang cơm và canh ra, đặt lên cái bục xi măng, mời ông. Ông bưng tô cơm, nói một tiếng cám ơn rồi ăn ngay, không khách sáo. Ông ăn để trị cơn đói chứ không thưởng thức. Nhưng trong lúc ông đang ăn, tôi bỗng thấy máu rịn một dòng nhỏ, từ mái tóc bạc của ông kéo xuống đầu chân mày. Tôi hốt hoảng kêu lên:

“Ấy chết, thầy bị thương trên đầu, phải không? Máu chảy kìa.”

Ông đưa một tay lên rờ đúng ngay vết thương nhỏ nằm lẩn dưới tóc, xoa xoa vài cái, nhìn máu dính trên tay, chùi đại vào quần, bình thản nói:

“Không sao, không sao. Tụi con nít khi nãy chúng chọi đá đó mà. Sống ở cõi Ta bà này, mình phải biết kham nhẫn. Phải hết sức kham nhẫn mới được…”

Nghe ông nói đến đó tự dưng nước mắt tôi ứa ra, chảy thành dòng. Tôi quay mặt chỗ khác che giấu xúc cảm của mình. Một lúc, tôi nói:

“Thầy dùng cơm xong, ngồi đây một chút chờ tôi trở lại nha. Để tôi lên phòng lấy dầu và thuốc xức cho thầy.”

Ông đang ngốn cơm, không nói gì, chỉ nhướng mắt lên ngó tôi một chút rồi cúi xuống ăn tiếp. Tôi vội vã trở về phòng riêng, kéo hộc bàn lấy hết số tiền còm của tôi, rồi xin bông gòn và dầu gió của thầy quản chúng, lật đật đem xuống sân. Nhưng trễ rồi. Nơi chỗ ông ngồi, chỉ còn lại hai cái tô không. Tôi đi quanh sân tìm ông một lúc cũng chẳng thấy đâu. Đến trước cổng nhìn ra xa, cũng chẳng thấy. Ông biến dạng đi đâu rồi. Tôi buồn bã quay trở vào, đem hai cái tô trả lại cho nhà bếp. Lòng bâng khuâng, muốn khóc.

Vài tháng sau, tôi rời tu viện Già Lam, lên sống ở vùng kinh tế mới, không bao giờ gặp lại dị nhân Bùi Giáng nữa. nhưng có thể nói, phong thái tự tại vô ngại của ông cứ theo tôi mãi. Mỗi khi nhớ lại ông hoặc đôi khi phải đối đầu với một nghịch cảnh, tự dưng tôi nhớ đến hình ảnh ông lang thang giữa chợ đời, bị bao nhiêu người ném đá chửi rủa mà cứ một mực vui cười, giỡn cợt, lòng bình thản chịu đựng… Cái hình ảnh đó, là một bài học sống động in sâu vào tâm khảm tôi, như một thứ hành trang mà tôi có thể đem theo suốt đời, xài hoài không cạn, không hết: Kham nhẫn, kham nhẫn.

***

Ông già ngồi trước mặt tôi thì không có những hành động cử chỉ khác thường như thi sĩ Bùi Giáng, chỉ có ngôn ngữ của ông nghe qua như nói khơi khơi mà kỳ thực thì có vẻ muốn nhắn gửi điều gì với tôi vậy. Nhìn ông một lúc, tôi hỏi:

“Sao bác bị bắt vào đây vậy?”

“Có gì đâu, tao không thích thì tao chửi, ừ, chửi cán bộ nhà nước. Thế còn chú mày? À, chắc là chửi chế độ.”

“Không phải là chửi…”

“Hậy, chống hay cự, bất mãn hay bất bình, viết hay nói, suy nghĩ hay hành động, cũng đều là một hình thức chửi cả, chú mày ạ. Chửi cái gì thối nát, tào lao. Đại khái là như vậy, phải không nà?”

“Cho là vậy đi,” tôi cười đáp, rồi hỏi tiếp. “Gia đình bác ở đâu?”

“Gia đình à?” ông vùng dậy, bước xuống giường, vào góc nhà xí, khạc nhổ, tiểu tiện. “Chú mày có gia đình sao?”

“Ơ… xuất gia rồi thì chẳng có gia đình, chỉ có chùa thôi. Dù sao, gia đình thế tục hãy còn chứ có mất đi đâu.”

“Có nghĩa là chưa hề cắt đứt?” ông từ nhà xí bước ra, vừa hỏi vừa đi nhanh đến cửa sắt. “Con nhỏ đi mua thuốc gì mà lâu vậy? Hơ, tao nghe nói xuất gia là cắt đứt liên hệ gia đình rồi mà.”

“Thì cắt đứt chứ…”

Tôi nói đến đây thì tự xấu hổ trong lòng. Hình như cho đến lúc này, khi mở miệng ra để nói với ông già khó tính này, tôi mới thấy rằng tôi chưa thực sự cắt đứt liên hệ gia đình, nhất là trong khoảng thời gian bị bắt vào tù. Khi được cán bộ cho gửi thư ra ngoài, tôi đã gửi thư cho gia đình thay vì gửi cho chùa. Tôi có lý do để trả lời rằng lúc ấy chùa tôi không còn ai và nếu còn, cũng không chắc là những người ở ngôi chùa kinh tế mới xa xôi ấy có thể làm đơn xin thăm nuôi tôi được. (Thủ tục thăm nuôi hình như không cho phép người dưng nước lã đứng đơn thăm, chỉ cho phép gia đình ruột thịt thôi. Những người cùng ở một chùa, trong con mắt của cán bộ nhà nước, chỉ là những người dưng với nhau. Vả lại, với tội trạng là “âm mưu lật đổ chính quyền,” tôi không muốn gửi thư cho bất cứ ai không phải là ruột thịt của mình, vì làm như vậy chỉ là hại người đó mà thôi–sự đa nghi truyền thống của công an nhà nước khiến tôi phải dè dặt không dám phiền đến kẻ khác). Nhưng cái lý do nêu trên, xét cho cùng, cũng không thích đáng đối với những người xuất gia quyết chí thoát ly gia đình. Cho nên, đáng ra khi vào tù, tôi không nên liên lạc với gia đình mới phải. Liên lạc để làm gì? Theo ông Trọng–người bạn tù già ở trại giam Phan Đăng Lưu trước đây–, liên lạc để gia đình biết chắc mình đang ở đâu mà yên tâm. Nhưng ngoài mục đích tinh thần đó, còn có một mục đích thực tế nữa là muốn gia đình thăm nuôi để ổn định vấn đề thực phẩm hàng tháng. Gia đình ruột thịt, cuối cùng vẫn là chỗ dựa gần gũi, dễ dàng cho một kẻ xuất gia khi lâm nạn. Thật là oái oăm, buồn thảm thay! Cái bể sâu tâm lý của tôi, dù có khỏa lấp bằng bao nhiêu lý do, vẫn cứ ảnh hiện sự thực tầm thường đó: sau mười lăm năm bỏ nhà đi tu, đời tôi hãy còn nối kết với gia đình ruột thịt bằng một sợi dây tình cảm vô hình mà đến những lúc hoạn nạn, hay những lúc buồn tủi nhất mới thấy được sự tồn tại bền bỉ keo sơn với nó. Như thế, nói theo chân nghĩa của sự xuất gia, tôi vẫn chưa phải là kẻ đã thực hiện được một cách nghiêm chỉnh. Đó là chỉ mới nói xuất gia theo nghĩa hạn hẹp nhất–tức là từ bỏ gia đình thế tục–chứ chưa nói đến ý nghĩa từ bỏ gia đình phiền não, gia đình tam giới… Tuy nhiên, tôi vẫn có thể tự bào chữa cho tôi được vì tôi biết rằng tôi đã xả giới hoàn tục, không còn là người xuất gia nữa. Nhưng đâu cần thiết phải phân bua với ai chuyện đó. Dù thế nào thì người ta vẫn đinh ninh tôi là người xuất gia mà.

“Cắt đứt? Chú mày nói đã cắt đứt liên hệ với gia đình, phải vậy không?” ông già mỉa mai hỏi lại tôi.

Tôi ấp úng nói:

“Trên hình thức là vậy.”

Ông già bật cười:

“Chỉ trên hình thức thôi? Vậy cái tâm chú mày vẫn còn để ở gia đình à?”

“Đôi khi không thể đánh giá được cái tâm bằng cái hình thức bề ngoài.”

“Cha, khá lắm, chú mày nhớ câu nói đó nghe. Tất cả đều do tâm tạo, ý chú mày nói vậy; ba cái hình thức lẻ tẻ thì ăn thua gì, phải không? Nhớ nhé!”

Ông càng nói tôi càng thấy lúng túng. Ngôn ngữ của ông già này thật lợi hại, chúng vây tôi, rồi dồn tôi vào ngõ bí, rồi lại khiêu khích, thách thức. Tôi thấy mệt, không muốn nói chuyện nữa, nằm dài xuống giường. Vừa lúc ấy, Phương bước vào:

“Anh Khang, quà cho anh nè.”

Tôi vừa ngồi dậy, chưa kịp nói gì, đã thấy ông già sẵn đứng nơi cửa sắt, mở lời ngay:

“Được rồi, cám ơn, để tôi nhận giùm nó, nó ngủ rồi.”

“Xí, bố già đừng có ham, cái này của anh Khang gởi mua. Kìa, ảnh ngồi dậy chứ có ngủ đâu.”

“Thì đưa đây, tôi đem vô cho nó, cần gì phải đưa tận tay chứ. Vả lại nó với bố già này coi như một nhà thôi, cô em không biết vậy à?”

Phương nhất định không đưa thuốc cho ông già, chờ tôi bước đến. Ông già đưa hai tay lên trời, vừa quay vào vừa nói:

“Hớ, đúng là… oan gia, đúng là oan gia!”

Tôi đưa tiền ra cho Phương, nói:

“Cám ơn cô, tiền thuốc đây, cô không nhận thì tôi không lấy thuốc mà từ nay tôi cũng không dám nhờ vả cô điều gì nữa đâu.”

Phương ngẫm nghĩ một lúc ngắn, rồi đón lấy mấy tờ bạc trên tay tôi, nói:

“Thôi được, em lấy, nhưng không nhiều như vầy đâu. Nè, anh cất bớt số này. Bây giờ em phải ra trực ngoài văn phòng. Chiều tối gặp lại anh nha, sẽ khám bệnh anh đó. Coi anh bệnh nặng cỡ nào.”

Phương cười duyên rồi quay đi. Ông già trờ tới ngay:

“Tốt, tốt, đi cho khuất mắt để chư thiên còn hưởng nhàn nữa chứ! Coi nào, thuốc gì đây, Hoa Mai, Đà Lạt, tốt, tốt lắm. Khui ra làm liền đi chú mày!”

Ông bóc cây thuốc Đà Lạt, lấy ra một gói, rút một điếu ngậm lên môi. Tôi giật mình nói:

“Ấy chết, cháu không có hộp quẹt! Quên dặn cô ấy mua luôn hộp quẹt diêm.”

Ông già cười, xua tay nói:

“Khỏi lo, tao thiếu thuốc hút chứ đâu có thiếu lửa. Mình không có khả năng mua thuốc thì phải biết giữ gìn lửa mồi chứ. Tao có bốn, năm cái hộp quẹt để dành trong giỏ. Cứ mỗi thằng bạn tù được trả tự do, tao chỉ xin cái quẹt lửa… Có lúc bọn tù thiếu lửa, tao bắt mỗi thằng phải cho một điếu thuốc thì tao mới cho mồi lửa. Mục đó tạm gọi là có lửa thì mới có khói. Khà khà, những lúc như vậy mới thấy cái hữu dụng của hộp quẹt, phải không? Nè, chú mày cũng làm một điếu đi, gọi là chào nhau giây phút tao phùng, mù mịt khói tỏa, mê cung lịm vào… Ha ha! Chờ một chút, tao lấy hộp quẹt.”

Ông già quay vào trong, lôi một cái hộp quẹt ga từ trong giỏ xách của ông, bật lửa mồi thuốc, rồi ngoắc tôi lại, đưa hộp quẹt cho tôi. Xong, ông leo lên giường, ngồi tựa lưng vào vách, hai chân duỗi ra phía trước, kéo sâu liên tục những hơi thuốc. Lim dim đôi mắt để tận hưởng điếu thuốc đầu, hình như ông không còn thấy biết gì về sự hiện hữu của tôi nữa. Tôi lặng lẽ đặt hai cây thuốc trên đầu nằm của ông rồi trở về chỗ giường nằm của mình. Ngồi im, thích thú quan sát ông một lúc, tôi đưa bật lửa lên, quẹt.

Gần tàn điếu thuốc, ông già mở mắt ra, thấy hai cây thuốc để gần, ông đưa tay rút một điếu khác đặt lên môi, lấy điếu trước mồi cho điếu sau. Lại tiếp tục lim dim đắm mình trong làn khói hư ảo. Trông ông lúc ấy vừa có cái vẻ đam mê của một nghệ sĩ trong phút xuất thần, vừa có cái vẻ thoát tục của một hành giả đang vào thiền định. Tôi có cảm tưởng hình như ở trạng thái này, ông mới thực sự là ông, còn suốt từ sáng đến giờ, ông lăng xăng ngổ ngáo chỉ là đóng kịch mà thôi.

Ông lại mồi đến điếu thuốc thứ ba. Im lặng hút, không nói một lời. Cũng không hé mắt ra nhìn tôi một thoáng nào. Sau hơn một giờ chộn rộn tiếp chuyện, nghe chuyện, bây giờ tự dưng đang thức mà lại im bặt ngang xương, không lời báo trước hay chào biệt, tự dưng tôi thấy như mình bị bỏ lại nơi phòng giam này một mình. Trơ trọi lẻ loi hết sức. Ông già giống như làn khói mỏng, tan đi, biến đi theo khói thuốc; còn tôi, tên thầy chùa nhà quê nặng nề này, cứ ngồi đây, tầm thường quá đỗi! Và bỗng dưng, trong vài hơi thuốc cuối cùng của ông nơi điếu thứ ba, tôi có linh cảm rằng ông sắp sửa nói với tôi điều gì quan trọng. Mắt ông đã hé mở và ông đang bặp thuốc liên tục. Khi đốm lửa trên điếu thuốc cháy gần sát đến hai đầu ngón tay, ông mới vứt xuống đất ở gần đó, ngồi im, ngó ra phía song cửa sắt. Đôi mắt lắng sâu vào một nỗi ưu tư khó hiểu nào đó.

Ngoài sân ngập nắng. Hàng giậu ngoài kia, với những cành lá xác xơ, như gắng sức vươn thẳng lên để chịu cơn thử thách thiêu đốt của mặt trời đứng bóng. Hình như không có con chim nào lang thang đậu xuống khu vực trại giam này. Xa xa, trên đầu tháp canh là những phiến mây trắng mỏng kéo ngang trên nền trời xanh lơ dịu mắt.

“Có một điều mà hình như chú mày không chịu để ý,” ông đột ngột nói câu ấy như là đang tiếp tục một cuộc đối thoại chưa hề gián đoạn. “Rằng một khi ái dục chưa dẹp được hết thì tất cả ngôn ngữ, cử chỉ, hành động và nhất là cái dạng tướng bề ngoài, đều phơi bày, một cách kín đáo hay lộ liễu, cái vẻ lôi cuốn dụ hoặc của dục tình. Dục lại chiêu cảm cái dục, giống như nhụy hoa và bông phấn, như nam châm và sắt. Thỏi nam châm đâu cần phát tiết hay mời gọi sắt mà sắt cũng tự đâm đầu vào. Nếu nam châm không có sức hút của nó, thì làm gì sắt bị kéo lôi. Hễ dục vọng của chú mày còn y nguyên đằng sau cái vẻ hiền hòa nghiêm trang kia thì nó, con ma dục vọng, vẫn còn lợi dụng được chú mày như thường. Nó luôn luôn mời gọi, quyến rũ những đối tượng đồng tình, đồng cảnh. Đứa nào dục vọng càng mạnh, càng bị chú mày hút mau, hút nhanh. Hậy, ôm cái thỏi nam châm đó mà lăn lộn với đời hay ẩn tu trong cửa chùa đi nữa, chú mày vẫn cứ thu hút, hết thỏi sắt này đến thỏi sắt nọ. Đôi mắt chú mày là đôi mắt của dục vọng, đôi môi chú mày là đôi môi khát ái. Hai thứ đó đi đôi với nhau, hờ, phiền lắm, khổ lắm! Chỉ tự chuốc họa vào thân mà thôi.”

Tôi cười nhạt, bào chữa:

“Cháu không hề có ý quyến rũ dụ hoặc ai. Đối với phái nữ, cháu thuộc loại nhát gan, gặp họ cháu còn lo tránh né nữa là khác.”

“Hô hô, tránh né của chú mày chỉ là sự di động tinh quái của dục vọng, chú mày không biết à? Cứ lấy thỏi nam châm xoay nó một vòng dưới đất đi, xem kết quả ra sao? Chẳng phải càng di động, tránh né, nó càng hút được nhiều vật à! Phải đánh nó từ cái gốc. Hờ, thôi, cái này chú mày tự biết phải làm sao. Tao chỉ cảnh cáo cho chú mày biết là cái gì nó khiến chú mày lận đận, vậy thôi. Chuyện đánh dẹp là chuyện của chú mày.”

Tôi ngồi sững, vả mồ hôi khắp người. Dị nhân nào trước mặt tôi đây? Một lão thi sĩ gàn? Một thầy tướng số? Một đạo nhân? Một triết gia? Một thiền gia? Hay một bồ tát hiện thân để điểm đạo cho tôi? Chưa bao giờ cái dục vọng tàng ẩn trong tôi lại bị kẻ khác điểm mặt và đánh thẳng những đòn cân não như lúc này. Tôi thực sự là muốn bước xuống, đến bên cạnh ông già, sụp lạy ông, bất kể ông là hạng người nào. Nhưng chẳng biết sao tôi cứ ngồi ì ra đó, không nhúc nhích nổi. Có một sức cưỡng chống nào đó trong tôi, kềm tôi lại. Và tôi cứ ngồi một chỗ, nhìn ông già, không nói được lời nào nữa.

Bất chợt có một anh nuôi bước vào, nói lớn:

“Ông già, cán bộ Phương nói ông chuẩn bị đồ đạc cá nhân, chút nữa có cán bộ đưa ông trở về phòng.”

Nói rồi, anh nuôi quay đi ngay, Ông già xua tay, nói:

“Vậy sao? Hứ, tụi bây làm như tao không biết vậy. Tao còn bệnh mà đưa tao về phòng, không cho ở bệnh xá nữa hả? Thì thôi, cũng được thôi, có sao đâu. Hừ, dàn cảnh, toàn là dàn cảnh!”

“Nghĩa là sao, thưa bác?”

“Thì… con Phương, cái con y tá nó muốn dọn sạch chỗ này để còn lại chú mày một mình, dễ làm ăn hơn.”

“Cái gì? Không có đâu, không phải vậy đâu.”

“Ha ha, gì mà sợ dữ vậy. Không sao đâu, đừng sợ. Chuyện gì rồi cũng qua hết. Khà khà, chú mày có số nhờ đàn bà lắm nghe. Để coi nào, à biết rồi, biết rồi, số chú mày đó hả, đàn bà gặp thì tự nhiên muốn giúp đỡ, còn đàn ông gặp thì muốn nhờ vả. Cái số chú mày là như vậy. Cũng tốt nhưng cũng không tốt. Ăn thua là chú mày thôi. Nhớ lời tao nè: con nhỏ đó có ý tốt với chú mày, chẳng hại gì chú mày đâu; nhưng chú mày khôn hồn thì đừng có làm bất cứ cái gì bất thường. Tao chỉ nói vậy, chú mày tự hiểu. Cái phòng này, từ nay là phòng của chú mày, tao giao lại đó. Mà cũng từ cái phòng này, nếu chú mày quyết định một cái gì bất thường thì tự dưng mở ra một ngã rẽ cho cuộc đời mày đó. Tao chẳng nói cuộc đời đó tốt hay xấu, chỉ tóm tắt một câu là… nó thực sự không phải là cái chú mày tìm kiếm đâu.”

Bất ngờ một cán bộ bước vào, vừa mở cửa vừa hối thúc:

“Hoàng Ngọc Chân, phòng này phải không? Là ông đó hả? Lấy đồ đạc cá nhân.”

Ông già đứng dậy xách cái giỏ, thấy hai cây thuốc tôi để nơi đầu nằm của ông, ông cầm lên cây thuốc Đà Lạt đã bóc ra một gói, quay qua hỏi ý tôi. Tôi vội vàng bước đến, dúi hết hai cây thuốc vào giỏ của ông.

“Bác đem theo hút, cháu không hút đâu. Hẹn ngày gặp lại.” tôi xúc động nói nhỏ được vài lời như vậy.

Ông không khách sáo từ chối hai cây thuốc, chỉ mỉm cười đưa một tay lên vỗ nhẹ vai tôi, rồi vẫy chào một cái từ biệt, bước ra.

Tôi bước theo đến cửa sắt, nhìn theo dáng ông hơi khòm, bước thấp bước cao theo chân viên cán bộ. Tôi tự nhủ, “Ôi, nếu có ông ở chung một phòng giam thì hẳn là học được nhiều điều bổ ích lắm. Ông ấy là ai vậy kìa?”

Đến chiều, khoảng sau sáu giờ, mới thấy Phương đến cửa, hỏi:

“Anh ăn cơm chiều chưa?”

“Rồi,” tôi lạnh lùng đáp.

“Sao anh có vẻ buồn vậy?”

“Không có gì. À, cô Phương, ông già ở đây… tại sao phải trở về phòng? Ông ấy còn bệnh mà.”

“Hết bệnh lâu rồi, tại ổng thích ở đây cho yên tịnh nên em để ổng nấn ná một thời gian đó thôi. Ổng ở đây hay ở trong phòng tập thể thì cũng chừng đó chuyện, chừng đó thuốc, có gì thay đổi đâu. Ổng có kể chuyện của ổng cho anh nghe không?”

“Không. Ông ấy là ai vậy? Ý tôi muốn hỏi… ở ngoài đời ông ấy làm gì vậy?”

“Anh thực sự không biết à? Đồng nghiệp của anh đó. Ông ấy là thầy tu như anh vậy.”

“Cái gì? Thầy tu à!”

Tôi nhũn người ra, thấy tức đau đáu trong lòng. Chưa lúc nào trong đời tôi thấy tôi ngu đần đến mức không nhận ra một vị cao tăng hiện diện trước mắt mình. Rõ ràng là có nhiều lúc trên đời, tôi chỉ nhìn, chỉ đánh giá con người qua cái dáng vẻ và hành xử bề ngoài. Tôi đã mất cơ hội được sống bên cạnh một bậc thiện tri thức ngay trong ngục tù.

Tôi lặng người không nói gì nữa. Phương ái ngại ngó tôi một lúc rồi nói:

“Ông ấy cũng hoạt động chống lại nhà nước, giống như anh vậy. Nhưng ông vào đây từ năm 1980 kìa. Anh Khang à, thôi bây giờ mình nói về chuyện bệnh của anh há.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com