Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương tám

14/10/201310:32(Xem: 13038)
Chương tám

coitroi1


Chương tám

Nghe nhắc đến tên Như Tâm, nàng “a” lên một tiếng rồi gật đầu tỏ dấu như thể nàng đã hiểu chuyện gì rõ ràng lắm giữa tôi và Như Tâm vậy! Rồi im lặng một lúc, nhấp ngụm cà phê, lại nhấp một ngụm trà, nàng hỏi tôi, Như Tâm làm thế nào mà quen tôi.

Thời gian trú ẩn trên căn gác nhỏ ở nhà bà Bàng, thỉnh thoảng tôi lại phải cải trang bằng bộ âu phục, với đầu tóc dài hơn hai tháng chưa cạo chụp lên một cái mũ lưỡi trai, đạp xe chạy một vòng đến mấy chỗ quen, tìm đường vượt biển. Mỗi lần đi như thế có thể từ sáng sớm khi khu xóm chưa thức giấc, hoặc vào giấc trưa vắng người, cho đến xâm xẩm tối mới về tới. Vì bà Bàng ít khi vắng nhà nên tôi đi đâu cứ đi, tối về thì có bà ra mở cửa. Nếu về bấm chuông mà lỡ không có bà thì đạp xe đi thêm một vòng, tìm một công viên hay quán nước nào đó, ngồi chờ. Nhiều lần như vậy đã quen, cả bà Bàng lẫn tôi đều thấy cần thiết là phải cóp-pi thêm một chìa khóa cửa sắt cho tôi.

Tối hôm ấy, sau một ngày đi vắng, tôi về bấm chuông. Chuông vừa mới bấm đã thấy tiếng chìa khóa tra vào ổ, vặn lách cách, rồi cánh cửa sắt được mở ra ngay. Tôi hài lòng về sự mau mắn hôm nay của bà Bàng vì mọi khi bà càng chậm tôi càng khổ–vì đứng chờ lâu ở ngoài chỉ tổ làm cho người ta chú ý, biết đâu có người báo cáo công an. Nhưng ngước nhìn lên lại thấy người mở cửa không phải là bà Bàng mà là một ni cô trẻ tuổi, trạc tuổi tôi. Cô gật đầu chào tôi, hơi tránh qua một bên, hỏi với giọng Huế nhỏ nhẹ:

“Phải thầy Khang không?”

“Dạ, phải,” tôi đáp.

“Dạ cái chi mà dạ. Bộ đây không biết Khang là ai sao mà dạ lễ phép y như là phật-tử rứa!”

Tôi cười, không nói, nhấc xe đạp, đẩy vào trong. Chưa kịp dựng xe để quay lại đóng cửa, tôi đã nghe tiếng những cái bánh xe nhỏ nghiến trên đường rây của cánh cửa sắt xếp. Cô ấy đã mau mắn làm công việc ấy rồi. Cô bước đến gần tôi, nói:

“Khi nãy đến chơi, tính về rồi nhưng bác Bàng giữ lại, nhờ coi nhà giùm để chờ thầy về mà mở cửa cho thầy vô. Bác Bàng phải đi công việc chưa biết khi mô về.”

Tôi cám ơn cô rồi bước nhanh vào nhà sau, leo bậc thang dẫn lên căn gác gỗ. Thay vội bộ âu phục thành bộ đồ tu xong, tôi ngồi nơi bàn đọc sách. Tôi và cô ấy không quen biết, tôi ngại phải bước xuống nhà dưới để tiếp cô. Vả lại, cô ấy không phải là khách của tôi, mà tôi cũng chẳng phải là chủ nhà, đâu có lý do gì để tôi phải xuống. Tưởng vậy là xong, chuyện ai nấy làm, đường ai nấy đi, nhưng không, tôi nghe có tiếng chân leo lên bực thang và sau một lúc ngập ngừng, ni cô xuất hiện ở cửa phòng. Tôi quay nhìn cô, chào. Cô đứng tựa ở bậc cửa, nhoẻn miệng cười rồi nói tự nhiên:

“Chắc Khang không biết đây là ai mô, nhưng Khang thì ai không biết. À, thầy Nguyên Hỷ có nhắc Khang biết là có một ni cô muốn lên kinh tế mới thăm Khang không?”

“Thầy Nguyên Hỷ hả? ờ…ờ…có nhắc, nhưng lâu quá không nhớ lắm.”

“Tệ ghê, cả thầy Nguyên Hỷ và Khang có ai thèm để ý gì người ta đâu. Là như ri, hôm đó thầy Nguyên Hỷ có nói sẽ lên chùa Long Quang kinh tế mới ở chơi với Khang một tuần. Nghe vậy tôi hỏi có phải Khang viết cuốn Mây Ngàn Nhẹ Bay không, thầy nói phải, tôi liền xin đi theo để biết tác giả, nhưng thầy nói đường lên kinh tế mới cực khổ lắm, phải lội bộ mấy cây số bụi bặm ngút trời… nên nhất định không cho đi theo. Chứ nếu đi hôm đó thì bây giờ là người quen rồi.”

“Ừ thì quen trước quen sau chi cũng vậy thôi mà! Cô là…”

“Như Tâm,” cô đáp nhanh, rồi hỏi tiếp, “Khang có nghe thầy Hỷ nói chứ hỉ?”

“À, có, có nghe, hình như cô ở chùa… Hoa Nghiêm?”

“Đúng rồi!” cô reo lên, giọng vui lắm, “Khang biết không–à, cho Như Tâm gọi bằng Khang, được không, chứ gọi bằng thầy nghe xa lạ quá. Khang là bạn của thầy Nguyên Hỷ thì cũng như bạn của Như Tâm thôi–cuốn truyện của Khang được chuyền tay khắp các chùa sư nữ, từ Hoa Nghiêm, Huệ Lâm, Huê Lâm, Từ Nghiêm, Bồ Đề Lan Nhã…cho đến Chơn Không, Viên Chiếu ở Long Thành… không ai mà không đọc, không ai đọc mà không thích. Như Tâm cũng đọc từ năm kia, có chép lại một số đoạn hay mà đọc đi đọc lại. Chao ôi, đọc mà cười, cười rồi khóc. Như Tâm cứ ước ao có ngày gặp được cái nhân vật xưng tôi trong truyện... ước ao là phải chi những lúc nhân vật ấy gặp hoàn cảnh hoạn nạn khổ sở như trong truyện, sẽ có Như Tâm bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ… Thực đó, sau này lại nghe thầy Nguyên Hỷ nói Khang bỏ chùa Già Lam đi kinh tế mới, Như Tâm càng mến Khang nhiều hơn, Như Tâm muốn gặp Khang ghê nơi! Gần đây nghe đồn Khang bỏ kinh tế mới vì chuyện hoạt động chính trị, phải lang thang ẩn náu ở Sài Gòn, Như Tâm thấy xót xa làm sao… Như Tâm cũng có ý muốn gặp Khang để xem có giúp gì được cho Khang không nhưng biết Khang ở đâu mà kiếm; bất ngờ khi nãy tình cờ ghé thăm bác Bàng, nghe bác nói là Khang ở đây, Như Tâm giật mình… không ngờ cuối cùng Như Tâm cũng gặp. Thực Như Tâm vui hết sức đó.”

Tôi cười nói:

“Không gặp thì tốt hơn đó cô. Ai gặp tôi chỉ thấy phiền thôi, nhất là vào thời gian này.”

“Khang đừng nói vậy. Tâm tư của Khang và những chi Khang muốn làm hay đã làm, ai chẳng hiểu! Có những điều mà người ta muốn nói nhưng không nói được thì Khang đã nói thay cho họ trên giấy mực, có những điều mà người ta muốn làm mà không làm được, Khang đã thay họ một mình đứng ra làm và gánh hết…để đến nỗi như vậy… Như Tâm gặp Khang hôm nay lỡ có bị vạ lây thì cũng lấy làm điều vinh hạnh chứ có chi mô mà Khang nói phiền…”

Cô nói đến đó thì nghẹn, rồi nước mắt rưng rưng. Cô quay mặt ra ngoài, lấy khăn tay ra chậm nước mắt. Tôi chỉ biết im lặng, không nói được một lời. Khổ quá! Số tôi sao lạ, cứ mỗi lần tiếp xúc với các ni cô thì lại làm cho mấy cô khóc. Tôi có nói gì đâu, chỉ mấy cô nói, rồi mấy cô khóc! Chú Đức bạn tôi có hai người em gái đi tu, một cô tên Nguyên Anh, một cô tên Nguyên Xuân. Mỗi lần gặp tôi–có khi cô chị, có khi cô em, có khi cả hai–các cô tự động nhắc chuyện người anh, nhắc chuyện cuốn truyện của tôi, rồi tự động khóc rưng rức. Mà nếu cảnh đó diễn ra trước mặt một người nào đó thì tôi dễ bị hàm oan biết bao! Một thầy tăng và một ni cô đang nói chuyện với nhau thì ni cô khóc, vậy nghĩa là làm sao! Người ta chỉ ngó tôi lườm lườm rồi bỏ đi chứ có đứng lại hỏi để tôi có cơ hội giải thích đâu!

“Cô vui lên đi chứ không thôi bác Bàng về thấy, tưởng đâu tôi chọc ghẹo gì cô đó nghe,” cuối cùng thì tôi cũng phải lên tiếng.

Như Tâm bật cười, quay lại, vui ngay:

“Khang ở đây cần thứ gì thì nói Như Tâm biết nghe, đừng ngại, xem Như Tâm như bạn, hỉ? Nghe bác Bàng nói Khang đang lo đi vượt biên, chắc cũng cần đóng tiền cho người ta…Chuyện đó Khang lo tới đâu rồi? Nói Như Tâm nghe được không, để coi Như Tâm có phụ giúp chi được cho Khang không?”

“À, cũng đang chờ. Chưa biết lúc nào thì đi. Mọi chuyện lo hết rồi, chỉ chờ họ gọi thôi. Không phiền cô đâu.”

Cô đứng im, nhìn tôi, có vẻ suy nghĩ gì đó, rồi nhìn bâng quơ, rồi cô “vén tóc” mai. Vâng, cô vén tóc mai hay làm một điệu bộ tương tự như vậy. Cái mũ ni (tôi tạm gọi như vậy thay vì nói cái khăn đội đầu của mấy ni cô) là một miếng vải có hình thù như thế nào đó (mà tôi không làm sao biết được), khi trùm trên đầu, chit lại ở sau ót (bằng cách nào đó), sẽ thả xuống hai bên tai hai “cánh vải” như thể hai lọn tóc dài của các thiếu nữ thế tục; viền khăn phía sau thả xuống khỏi vai và hình như cũng được cắt theo hình dạng cong cong của mái tóc thề hay mảnh trăng hạ huyền. Rõ ràng là tôi thấy thỉnh thoảng cô lại vén cái “cánh vải” bên tai, hất ra sau, như cách một thiếu nữ thế tục vén tóc mai. Và đây là lần đầu tiên, tôi biết rằng có lẽ đa số ni cô dù đã xuất gia, cũng không bỏ được căn tính làm dáng của phái đẹp…Không có tóc thì họ cũng có cái khăn để vén, để hất ra sau, để vuốt…(Nói vậy không phải là chấp nhất, muốn các cô phải từ bỏ hết những điệu bộ nữ nhi, vì nếu điệu bộ các cô cũng thẳng đuột, khô khan, cứng nhắc như các thầy tăng thì…đâu là chỗ phân biệt và giới hạn giữa tăng ni nữa! Cái bình đẳng “ngay chừ” trên phương diện phái tính như thế dường như đâu phải là điều mà những con mắt nghệ thuật mong đợi trên thế gian này!)

Thấy điệu bộ làm dáng một cách tự nhiên của cô, tôi chợt có cảm nghĩ rằng hình như sự xuất gia của các ni cô đơn giản chứ không giống như tôi. Các cô vào chùa, cạo đầu ăn chay, sống đạm bạc không se sua, giữ giới luật và nội qui thật nghiêm chỉnh, tụng kinh đọc sách…gặp những thầy tăng có thể kết bạn được như tôi thì cứ kết bạn, kết bạn để nói chuyện đạo lý, văn chương…lòng không bợn chút tình duyên, cuộc sống nhà chùa êm đềm trôi, cứ thế mà tuần tự tiến đến niết-bàn, đơn giản như từ ni phòng bước lên chánh điện để tụng kinh. Dường như các cô đâu có nhu cầu giải thoát sinh tử, đốn ngộ nhập đạo…như các thầy tăng. Tự bẩm chất, từ căn tính tiềm tàng ngay từ khi lọt lòng, không phải rằng các cô dã cưu mang sẵn trong người cái chức năng làm mẹ, có nghĩa là sản sinh và hiến dâng tình cảm, chăm sóc tận tình kẻ khác đó sao? Với chức năng ấy, các cô vẫn hàm hữu cái quyền năng sáng tạo như một đấng Thượng Đế, nên đâu cần thắc mắc tìm cầu một cái gì bí nhiệm thẳm sâu. Các cô không cần thực tập từ bi quán để phát triển niềm thương yêu rộng lớn: vốn liếng thương yêu cúa các cô chỉ cần chuyển đối tượng là trở thành từ bi ngay! Các cô cũng đâu cần loay hoay đào xới ý nghĩa của sinh tử hay diệu lý của Tánh Không. Các cô đâu cần giải thoát! Chỉ những kẻ đa đoan nhiều chuyện như tôi, lúc nào cũng thấy cô đơn trơ trọi không vừa ý với cảnh đời huyễn mộng, lúc nào cũng muốn tìm biết cái căn nguyên sản sinh ra mình để rồi chạy rông trên bao ngả đường phương tiện, từ chối thực tại để vói lên, hướng lên, ước vọng, mong cầu, lục lọi tìm hiểu, phân tích, phán đoán, so đo…mới cần giải thoát mà thôi.

Trong khi tôi suy nghĩ bậy bạ như vậy thì Như Tâm cũng đang suy nghĩ gì đó. Chúng tôi cứ thế mà im lặng khá lâu. Đột nhiên cô nhoẻn miệng cười với tôi rồi lặng lẽ rời bậc cửa, xuống cầu thang. Một chốc, cô quay trở lại, bước đến chỗ bàn tôi, nói giọng thân mật:

“Khang ơi, Như Tâm phải về, Khang nói lại với bác Bàng giùm nghe. Nội qui của chùa Hoa Nghiêm gay lắm. Như Tâm muốn ngồi nói chuyện thêm với Khang một chập nhưng thôi để dịp khác. Như Tâm về nghe.”

“Chào cô,” tôi đáp.

Trước khi quay đi, cô để lại trên bàn một cái bì thư, bên ngoài đề tên người nhận là tôi, tên người gởi là cô. Cô không giải thích gì về cái bì thư đó, biến thật nhanh nơi cửa.

Những ngày kế tiếp, cô thường xuyên đến thăm tôi và luôn dẫn theo một ni cô khác nữa. Theo luật chùa thì ni cô đến thăm chùa thầy tăng phải đi hai người trở lên, thầy tăng đến thăm chùa ni cũng phải đi ít nhất hai người. Các cô giữ luật đó để đến thăm tôi. (Lần trước sở dĩ chỉ có mình cô gặp tôi là vì cô đến để thăm bà Bàng chứ không biết có tôi ở đó). Ni cô bạn của Như Tâm cũng người Huế, có vẻ lớn tuổi hơn một chút, tên là Như Nguyệt. Mỗi lần các cô đến đều có mang theo thức ăn chay, một vài món quà gì đó cho tôi, và cả sách đọc nữa. Các cô ở chơi khá lâu, đến giờ ăn thì yêu cầu bà Bàng dọn một mâm, mời tôi ngồi chung cho vui. Thường thì bà Bàng bưng cho tôi một mâm cơm chay, để tôi ăn một mình trên gác. Nay ngồi ăn chung, tôi không tự nhiên. Như Tâm tự tay bới cơm và gắp thức ăn cho tôi. Tôi thật ái ngại cứ nhìn chừng bà Bàng xem bà có phản ứng gì. Bà Bàng người Huế, ăn chay trường, suốt ngày tụng kinh niệm Phật, tôi nghĩ là khó tánh lắm, có thể không vừa lòng cái chuyện ni cô chăm sóc một thầy tăng quá đáng. Nhưng không, bà vui vẻ nói:

“Thầy Khang là rứa đó mấy cô ơi, suốt ngày im lìm, ăn uống lại ít, bao nhiêu ngày ở đây thầy chỉ nói với tôi vài câu. Tôi cứ sợ thầy buồn mà không biết làm sao. Tuần trước đem cái cát-xét ra-đi-ô để thầy nghe đài cho khuây khỏa, mà rồi cứ thấy thầy lặng lẽ buồn buồn làm sao ấy…Cái chuyến đi hôm nớ, mấy cô biết không, mạng thầy lớn lắm, không chịu đi, rồi sau ghe chìm chết hết…Từ đó, thầy càng buồn hơn. Bữa giờ có mấy cô đến chơi, thầy có bạn mới vui được chút chút đó. Gắp thêm món ni cho thầy nè, cô Như Tâm. Đậu ni ai kho mà ngon rứa?”

Lần cuối cùng đến thăm tôi, Như Nguyệt ngồi trò chuyện với bà Bàng ngoài phòng khách, Như Tâm đứng ở bậc cửa phòng tôi, nói:

“Như Tâm đau xót cho Khang quá. Con người của Khang phải như đại bàng tung rộng đôi cánh trên trời cao chứ đâu có lánh hoài trong căn gác bít bùng này! Phải chi… Như Tâm có mặt bên Khang mỗi ngày để Khang có người nói chuyện cho đỡ buồn. Không, phải chi Như Tâm có thể giúp Khang rời khỏi nước. Khang ơi, có chuyến nào sắp đi nữa không? Nói cho Như Tâm biết để Như Tâm lo.”

“Thôi, cám ơn cô, tôi tự lo được, không sao đâu. Mấy cái bì thư cô đưa từ hôm đó đến nay, tôi còn để kia kìa. Tôi ở trong nhà như vầy đâu có tiêu xài chi mà cô lo.”

“Nhưng khi rời khỏi nhà, hoặc đi vượt biên, ít nhất Khang cũng có tiền dằn túi, lỡ có gặp chuyện chi thì đưa cho họ mà chuộc thân. Khang phải giữ thân Khang, đừng để họ bắt, khổ lắm, không phải chỉ khổ Khang thôi đâu. Những người thân và bạn bè của Khang cũng đau khổ theo đó Khang à. Nói thực Khang nghe, Như Tâm đang tìm chỗ cho Khang đi. Mọi chuyện để Như Tâm lo hết, khi nào sắp đi thì đến báo cho Khang. Nhưng nếu Khang có chuyến nào kêu đi liền… thì Khang cứ đi, cầm theo tiền này để phòng thân, qua bên nớ rồi thì nhớ liên lạc cho Như Tâm biết để mừng.”

Rồi cô lại đặt lên bàn tôi một phong thư có ghi tên người gởi người nhận như lần trước, xong là biến ngay. Đàn bà con gái như vậy đó, giỏi để dành tiền lắm, nhưng khi thấy cần tiền thì chi ra chẳng biết tiếc tay. Mấy ni cô thì không có nhiều nhu cầu như những cô gái thế tục (không phấn son, không trang sức vòng vàng, y phục…) nên chuyện để dành càng giỏi hơn nữa. Vài ngày sau tôi quyết định rời khỏi ngôi nhà ấy để tìm đường thoát hoặc tiếp tục hoạt động đấu tranh. Tôi gom hành lý đơn sơ của mình và nghe lời Như Tâm, tôi gom luôn cả mấy cái bì thư của cô gởi tặng, mang theo mà phòng thân khi gặp bất trắc. Đó là lần đầu tiên trên đời tôi nhận tiền và lặng lẽ chịu ơn một người bạn khác phái.

Đáng tiếc là số tiền ấy cũng như ân nghĩa ấy không bảo vệ tôi nổi. Tuần sau tôi đến chỗ Hân tá túc, và cuối cùng bị Hân sắp xếp gài bẫy cho công an Sài Gòn vây bắt tôi ngoài đường.

***

Buổi tối, nhân đám tù chính trị có tiệc trà, tôi mang bánh, kẹo mè xửng Huế ra đãi cả phòng. Quà thăm nuôi tôi, giống như đồ ăn tráng miệng chơi, so với đời sống tù thì toàn là những thứ xa xỉ. Không có món nào là món quen thuộc với nhà tù cả. Mà vì là thứ xa xỉ, chúng có mặt dường như với mục đích chính là để biểu hiện sự chăm sóc của người bên ngoài hướng về tôi, và biểu hiện phần phẩm lượng của từng món quà chứ không nhắm vào cái thực tế cần thiết trong nhà tù là phần số lượng, dung lượng, trọng lượng…(Trong nhà tù cộng sản, tù nhân bị bỏ đói, thiếu dinh dưỡng, nên họ chỉ mong sao gia đình gởi quà vào thật nhiều; vì thế, cái bánh thì dở cũng được, nhưng phải to, bột ngũ cốc không cần ngon, chỉ cần nhiều…) Cũng may, phòng giam bấy giờ, sau đợt thả tù trước lễ Quốc khánh 2-9, chỉ còn khoảng bốn mươi người, nên chuyện đãi bánh kẹo cũng chẳng phải là điều khó khăn gì lắm. Người nào có bánh thì khỏi ăn kẹo mè xửng, và ngược lại. Vậy là đủ. Mỗi người được chút đồ ngọt chẳng là bao mà tôi có cảm tưởng là không khí trong phòng vui vẻ lên. Hay đó chỉ là ảo giác của một người đang được hạnh phúc?

Tôi hạnh phúc thật. Tối đó thật khó ngủ. Tôi cứ nằm suy nghĩ. Tại sao lại có tên Như Tâm ghi nơi hộp bánh dẻo ấy? Nét chữ đó rõ ràng là nét chữ Như Tâm, như tôi từng thấy trên mấy cái phong bì mà cô biếu tôi. Như Tâm hay gia đình tôi đã đi thăm nuôi tôi? Như Tâm đâu quen biết các chị tôi, vậy tại sao tôi gởi thư cho các chị tôi mà quà thăm nuôi lại có Như Tâm góp vào?

Hôm sau thức dậy sớm, bỗng dưng tôi lại có cảm giác cuộc sống tù của tôi đến lúc này mới thực sự được ổn định, không còn lo lắng nữa. Trong khi các bạn tù còn ngủ vùi, tôi đi dọc theo “phi đạo,” cứ đến vách đầu này thì quay đầu đi ngược về vách đầu kia. Vừa đi vừa tụng thầm thời kinh công phu mà nhà chùa thường tụng vào giấc khuya. Nếu có ai thấy thì cũng tưởng tôi đi bộ tập thể dục thôi chứ không ai ngờ là tôi dang tụng niệm và “làm các hành vi tôn giáo.” Cứ như vậy, kể từ hôm có thăm nuôi, sức khỏe tôi dường như được hồi phục nhanh chóng, và tôi thấy có đủ phấn chấn để đi bộ hàng trăm vòng mỗi ngày trên phi đạo của phòng giam. Khi bạn tù còn ngủ, tôi tụng kinh, khi họ thức và sinh hoạt ồn ào, tôi niệm Phật hoặc quán thoại đầu, tham công án thiền. Chỉ một thời gian ngắn, tôi thấy cả thân lẫn tâm tôi đều nhẹ hẫng. Tôi không còn nhu cầu giải thoát nữa thì phải. Giải thoát ra khỏi nhà tù hay giải thoát ra khỏi luân hồi, đối với tôi lúc đó, dường như đều chẳng có ý nghĩa gì.

***

Đợt thăm nuôi kế tiếp nhằm ngày 15 tháng 9, tôi không có thăm nuôi nên không biết rõ chuyện thăm nuôi nửa tháng trước là do ai đứng ra thăm, gia đình tôi đã thực sự nhận thư và biết tôi ở tù hay chưa. Những dấu hỏi trên nẩy lên trong ngày thăm nuôi, rồi cũng qua đi ngay. Tôi không bận tâm lắm vì thấy cũng chẳng quan trọng gì. Tôi tiếp tục hỏi tôi: “Ai là người niệm Phật?” thay vì thắc mắc ai là người thăm nuôi. Quả là thời gian ấy, với sự chú tâm ngày đêm vào việc tham thiền và niệm Phật bằng cách đi bộ trên phi đạo, tôi tưởng chừng không còn vấn đề gì trên cuộc dời này đáng làm tôi bận tâm nữa. Nhưng bất ngờ, vào ngày 19 tháng 9, cán bộ vào gọi tên tôi ra “làm việc.” Tôi không bận tâm đời thì đời lại bận tâm đến tôi.

Theo viên cán bộ dẫn đường đến bàn trực của khu trại, tôi bắt gặp Hiền anh tôi. Anh cũng bị gọi ra “làm việc” như tôi vậy. Anh em chúng tôi được sắp thành hàng một, cùng vài tù nhân khác, theo một anh bảo vệ đi vòng vo một lúc rồi được tập trung tại một dãy phòng vấn cung mà trước nay tôi chưa từng đến. Chúng tôi đứng chờ ngoài hiên. Anh bảo vệ vào trong. Thừa lúc ấy, tôi hỏi nhỏ anh tôi:

“Anh khỏe không? Đã trốn ngoài đó rồi sao lại bị bắt vậy?”

“Trốn lâu thấy êm quá nên mò về nhà chơi vài hôm, công an vào bắt. Còn Khang thì sao? Bị hồi nào vậy?”

“Bị bắt ngoài đường cách nay bốn tháng.”

“Lâu dữ vậy! Hèn chi ở nhà không biết tin tức gì hết! Vậy là chưa có thăm nuôi phải không?”

“Mới có hồi đầu tháng này. Anh thì sao?”

“Bị bắt ở nhà nên gia đình biết, có thăm lúc còn ở trại giam Nha Trang. Chuyển vào đây thì gia đình chưa biết. À, vụ của mình hình như có nội gián nên chúng nó biết hết trơn. Khang có biết là ai không? Suỵt, nó ra kìa.”

Vài viên cán bộ thẩm cung, thay nhau bước ra nhận người, dẫn đi. Chỉ còn mình tôi đứng đó. Anh bảo vệ lấy tờ giấy ra nhìn lại một lúc, rồi dẫn tôi đi ra văn phòng chính của trại. Bước lên thềm cao, tôi thấy Phương đứng xớ rớ ở hiên chẳng biết đang làm gì. Không rõ công việc chính của cô là gì mà lúc nào đến đây cũng thấy có vẻ rảnh rang. Chắc là chỉ lo về y tế, khi không có việc thì rảo rảo ở các phòng để phụ giúp quét dọn, pha trà linh tinh cho ông trưởng trại, phó trại… Anh bảo vệ để tôi đứng lại ngoài hiên, bước vào một trong các phòng. Phương thấy tôi từ xa thì làm bộ như tìm kiếm anh cán bộ nào, thủng thỉnh bước tới gần, mỉm cười, hỏi nhỏ:

“Anh Khang khỏe không? Tay hết bị ghẻ chưa? Ô, hết rồi, hay quá,” cô nhỏ giọng xuống chút nữa, “bữa nay anh gặp cán bộ Bộ Nội vụ ở Hà Nội vào đó.”

Nói rồi cô lảng đi. Anh bảo vệ bước ra, ngang chỗ tôi, dừng lại nói:

“Anh đứng đây, sẽ có cán bộ trong phòng kia ra nhận.”

Anh bảo vệ vừa quay đi, đã thấy hai viên cán bộ từ căn phòng mà anh vừa rời khỏi, bước ra, hướng về phía tôi. Một già, một trẻ. Già thì khoảng gần sáu mươi tuổi, trẻ thì khoảng hai mươi chín, ba mươi, lớn hơn tôi chừng vài tuổi. Viên cán bộ già có bộ mặt nhăn nhó rất ư khó chịu, da ngăm đen; thấy tôi, ông quan sát nhanh từ đầu đến chân bằng cặp mắt sắc lẻm vô cảm, chẳng nói một lời. Anh cán bộ trẻ thì da dẻ trắng trẻo, có vẻ dân thị thành, mặt mày sáng láng, điển trai, anh có vẻ cởi mở, vui tính, gật đầu chào tôi, nói:

“Anh là Vĩnh Khang phải không?”

“Vâng, là tôi,” tôi đáp.

“Chúng ta vào trong này đi,” anh bước đi trước, hướng dẫn tôi. Viên cán bộ già bước theo sau lưng tôi.

Đây là một phòng vấn cung nhỏ, nằm cùng dãy với văn phòng ông Lâu trưởng trại mà tôi có vào cách nay gần hai tháng. Phòng chẳng bày biện gì ngay cả một bức tranh nhỏ. Chỉ có chiếc bàn gỗ và hai cái ghế đẩu vuông, đặt sát cửa sổ, cạnh cửa ra vào. Anh cán bộ trẻ vào trước, ngồi vào một ghế, còn lại ghế kia, anh mời tôi. Ông cán bộ già đứng xớ rớ một lúc rồi đi ra ngoài kiếm ghế, mang vào, đặt một bên anh cán bộ trẻ. Cả hai cùng ngồi đối diện tôi. Qua cách hai cán bộ ngồi vào bàn, tôi biết ngay anh cán bộ trẻ có chức vụ cao hơn. Nhưng anh lại đưa tay ra dấu, tỏ ý để ông cán bộ già nói trước. Ông cán bộ khó tính ngập ngừng một lúc rồi nhập đề:

“Trường hợp phạm tội của anh là một trường hợp phức tạp,” ông ngưng để tằng hắng, rồi tiếp với giọng quan trọng hơn, ‘thế nên mặc dù Sở công an thành phố Hồ Chí Minh lẫn công an tỉnh Đồng Nai đã kết thúc hồ sơ của anh, chúng tôi vẫn thấy còn một số yếu điểm chưa được giải đáp thỏa đáng. Chúng tôi muốn điều tra lại từ đầu để phanh phui ra các manh mối rối bù ấy. Thứ nhất, tên Nguyễn Hữu Thiện–cái người ký tên trong bản hiệu triệu quốc dân của lực lượng Phục quốc–là ai, hiện đang ở đâu? Anh nói anh không biết chỗ ẩn náu của ông Trần Văn Lương, thế còn ông Thiện? Nguyễn Hữu Thiện là ai? Thứ hai, sao lại có cái vụ anh Thiện Đắc đòi tự thiêu chống phá ngày 30 tháng 4 năm nay thế nhỉ? Anh Thiện Đắc đang ở Sài Gòn sao lại chạy lên Long Thành với anh rồi nảy ra cái ý tự thiêu chống đối chính quyền nhân dân? Có phải do anh xúi giục anh ấy không?”

Tôi bật cười:

“Tôi chẳng biết ông Nguyễn Hữu Thiện là ai. Tôi chưa hề gặp ông ấy. Tôi chỉ biết ông Lương. Khi truyền đơn in rồi tôi mới thấy tên ông Thiện ký ở dưới, mà tôi cũng không thắc mắc làm gì cái tên ấy. Nguyễn Hữu Thiện là ai mà chẳng được. Một người không đồng quan điểm với nhà nước, chống lại nhà nước, vậy thôi. Còn Thiện Đắc là bạn tôi, từ Sài Gòn lên Long Thành thăm tôi thì có gì lạ, có luật nào cấm bạn bè thăm nhau? Còn chuyện Thiện Đắc tự thiêu chống phá ngày 30 tháng 4 hả, không làm gì có chuyện đó.”

Viên cán bộ già đập bàn, đứng dậy quát:

“Anh đừng có ngoan cố! Cái tội của anh, bày đầu chủ mưu, không khai báo thành thật thì trước sau gì chúng tôi cũng đem bắn bỏ! Chúng tôi từ Hà Nội vào tới đây không phải để nghe anh giỡn mặt đâu nhé!”

Tôi ngước mắt, nhìn thẳng vào mắt ông, nói tỉnh:

“Các ông có từ cung vua, từ Hà Nội, hay từ trong rừng đến đây thì cũng thế thôi, đối với tôi chẳng đáng kể gì. Còn chuyện vấn cung, các ông hỏi, tôi biết gì nói nấy, hỏi đàng hoàng thì nói đàng hoàng, chứ còn nạt nộ với hăm tử hình thì đâu đáng cho tôi trả lời. Huống chi tu sĩ chúng tôi xưa nay vốn xem sanh tử như trò đùa, nếu các ông đem tôi ra tử hình thì xin cám ơn.”

Cán bộ già quắc mắt, giọng run lên:

“Bố láo! Anh thật là ngoan bướng, ừ để coi anh cứng đầu đến cỡ nào!” Ông quay qua anh cán bộ trẻ nãy giờ ngồi im quan sát, như dò hỏi ý kiến, thấy anh cán bộ trẻ không tỏ thái độ gì rõ rệt, ông quay qua tôi nói tiếp, “tôi không cần tử hình anh đâu, tôi lệnh cho lính nó cùm anh trong biệt giam cho rạc xương anh là đủ rồi.”

Cách ông cán bộ già sừng sộ hăm dọa còn một người khác ngồi im quan sát làm tôi nhớ lại gần hai tháng trước, có hai viên cán bộ cũng tiếp xử với tôi y hệt. Có lẽ đó là chiêu thức “vừa đánh vừa xoa” trong ngành công an. Rồi đây, ông cán bộ già sẽ ra ngoài, và anh cán bộ trẻ sẽ xin lỗi hoặc nói nhỏ nhẹ với tôi…Quả nhiên, tôi vừa nghĩ đến đó đã thấy ông cán bộ già bước nhanh ra ngoài. Anh cán bộ trẻ ngồi lại, chần chừ một lúc rồi cũng đứng dậy, bước ra theo, không quên nói với tôi:

“Anh ngồi đây chờ một chốc, chúng tôi trở lại ngay.”

Họ ra ngoài hội ý với nhau gì đó khá lâu. Còn lại một mình trong phòng vấn cung, tôi nhớ lại câu nói của ông cán bộ già về Thiện Đắc. Hóa ra Thiện Đắc bị bắt vì tội tự thiêu. Làm gì có chuyện này! Lúc cùng Thiện Đắc bị trói chung trên xe do Dũng áp tải từ trại giam T20 Sài Gòn đến trại giam B5 này, tôi không có cơ hội để hỏi xem tại sao anh ấy bị bắt. Các cán bộ hỏi cung tôi trước đây cũng chưa hề đả động gì đến chuyện Thiện Đắc, như thể chuyện của anh`và của tôi không quan hệ nhau. Cho đến hôm nay ông cán bộ già mới khơi chuyện Thiện Đắc với tôi.

***

Vào một ngày tháng 8 năm 1984, tức là cách nay hơn một năm, nhân có vụ nhà nước chiếm chùa Từ Quang ở quận 10 để lập trường phổ thông cơ sở cấp I và II Điện Biên, Thiện Đắc từ Sài Gòn lên Long Thành tìm tôi nhằm lúc Hân cũng từ Sài Gòn lên ở chơi với tôi vài ngày. Thiện Đắc đến lúc tôi đang tụng kinh nên Hân tiếp anh. Trong khi chờ đợi tôi, Thiện Đắc và Hân làm quen và trò chuyện với nhau. Tụng kinh ra, tôi thấy họ vẫn còn say sưa thảo luận, có vẻ tâm đắc lắm. Thiện Đắc thấy tôi thì vui mừng nói ngay:

“Khang à, tôi có việc lên tìm Khang đây. Cũng hay, nãy giờ ngồi chờ Khang mà quen với anh Hân, nói chuyện thú quá. Khang biết không, thầy Nguyên Hiền trụ trì chùa Từ Quang ở đường Phan Thanh Giản vừa bị bắt hôm kia. Công an lôi thầy ấy ra xe chở đi vì thầy không chịu ký tên vào biên bản giao nộp cơ sở chùa Từ Quang. Khang nghĩ có tức không, ngôi chùa người ta lâu nay sinh hoạt bình thường tự dưng chúng vào nói rằng chùa này do tiền Mỹ-Ngụy xây dựng nên, phải giao cho nhà nước quản lý. Vừa lôi thầy trụ trì ra xe buổi trưa thì buổi chiều đã thấy dựng bảng hiệu trường Điện Biên. Rõ ràng là chúng đã chuẩn bị trước rất chu đáo! Khi nãy tôi có nói với anh Hân đây, anh Hân cũng đồng ý với tôi.”

“Thầy Thiện Đắc này nhiệt tình lắm Khang à,” Hân chen vào, “tôi có hỏi thầy sao công an đàn áp Phật giáo, chiếm dụng chùa chiền, bắt bớ tăng sĩ… mà mấy thầy cứ lặng thinh không chịu lên tiếng hay làm một cái gì! Thầy Thiện Đắc nói sao Khang biết không, nói rằng phải tổ chức biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu… để đòi trả tự do cho tu sĩ các tôn giáo bị giam cầm cũng như các cơ sở bất động sản của tôn giáo bị nhà nước chiếm.”

Tôi cười, nói đùa với Thiện Đắc:

“Tự thiêu nóng lắm, Thiện Đắc ơi. Nếu không định tâm được thì chịu không thấu đâu. Tôi hỏi thực, anh có chịu tự thiêu không?”

Thiện Đắc cười:

“Tự thiêu cũng được thôi, nhưng… mình để dành chuyện đó cho những người nào tự phát nguyện, còn mình thì phải góp phần trong việc tổ chức biểu tình này nọ nữa chứ. Ai cũng đòi tự thiêu mà không có người đứng ra tổ chức, điều hành cho việc tự thiêu đó mang lại kết quả mong đợi thì có tự thiêu cả trăm người cũng vô ích thôi. Mình là mẫu người tổ chức mà, Khang có thấy vậy không?”

“Ừ, thì thầy lo tổ chức đi, khi nào cần người tự thiêu thì cứ đến đây tìm tôi,” tôi nói.

“Ấy, Khang đâu thể tự thiêu được. Khang cũng là người có óc tổ chức, công việc tự thiêu đâu phải của Khang!”

Tôi xua tay, nghiêm giọng nói:

“Tự thân mình không có ý sẵn sàng tự thiêu thì đừng nghĩ đến chuyện tổ chức tự thiêu. Thôi, đừng bàn chuyện ấy nữa.”

Dù tôi nói vậy, Thiện Đắc và Hân vẫn tiếp tục bàn thảo sôi nổi về cách tổ chức đấu tranh biểu tình chống lại nhà nước. Tôi im lặng ngồi nghe và nhớ lại trước đó vài tháng tôi cũng đã có ý định tự thiêu nhân khi nghe tin cộng sản sẽ đưa thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát ra tòa và sẽ tuyên án tử hình. Nhưng chuyện tự thiêu ấy đã không hề xảy ra một phần là tôi nghe lời khuyên của Thượng tọa Đức Nhân và một vài người bạn thân nhất, phần khác là bởi lý do nào đó, cộng sản đã không đưa thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát ra tòa xử vào năm 1984 ấy.

Xét lại câu chuyện “dự tính” tự thiêu của tôi cũng như câu chuyện “bàn tính” tự thiêu của Thiện Đắc, tôi thấy không có lý do nào mà công an biết được. Chuyện tự thiêu của tôi thì khỏi phải bàn tới, vì chỉ có vài người bạn thân của tôi biết chuyện đó nhưng cả Hân và Thiện Đắc đều không biết; còn chuyện “bàn tán” về tự thiêu của Thiện Đắc thì chỉ có Hân và tôi nghe được lúc đó. Như vậy, tôi bị bắt, Thiện Đắc bị bắt, thì người khai cái chuyện tự thiêu ấy nếu không phải Hân thì là ai? Còn nếu như không phải là Hân thì ắt kẻ đó phải là Thiện Đắc. Vâng, Thiện Đắc là một tu sĩ nhiệt tình nhưng có cái tật là nói nhiều quá. Có thể anh mang họa vào thân vì cái tật cố hữu của anh.

Nhưng tại sao vấn đề tự thiêu do Thiện Đắc bàn đã xảy ra từ tháng 8 năm 1984 tại chùa tôi tại Long Thành mà đến tháng 4 năm 1985, gần chín tháng sau, mới tiết lộ tại Sài Gòn mà lại mang một mục đích kỳ cục: “chống phá ngày 30-4-1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng”? Nếu Thiện Đắc có nói nhiều về chuyện này thì anh cũng đâu nói rằng chính anh sẽ tự thiêu! Khi bàn với tôi và Hân, Thiện Đắc nói anh chỉ muốn đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình lớn nếu có người phát nguyện tự thiêu mà thôi. Không có người tự nguyện làm chuyện đó thì Thiện Đắc cũng không làm gì được.

Như vậy, lý do ở tù của anh, tôi có thể đoán mập mờ rằng: có lẽ chỉ tại Thiện Đắc nói với Hân nhiều quá về các quan điểm và kế hoạch biểu tình của anh nhằm chống lại nhà nước cộng sản. Và phải chăng anh đặc tình trung thành là Hân, vào dịp lễ lớn này, không biết lấy gì báo cáo lập công nên đã phịa ra chuyện “tự thiêu chống đối ngày 30-4” và đẩy con người năng nổ, nói nhiều là Thiện Đắc vào tù?

***

Anh cán bộ trẻ trở vào một mình. Lẳng lặng ngồi xuống, vừa móc gói thuốc thơm trong túi áo ra. vừa nói:

“Đồng chí Tuân hơi nóng tính, chắc không thích hợp để làm việc với anh. Thôi thì anh em trẻ chúng mình nói chuyện với nhau thoải mái hơn. Anh hút thuốc không? Không à. Tôi nghĩ là những người viết văn làm thơ hay như anh thì hút thuốc dữ lắm chứ.”

“Tôi biết hút thuốc, không nghiện, và tôi đã bỏ rồi.”

“Thế à, tiếc thật,” anh bật lửa mồi thuốc, “tôi là Tri, cán bộ Bộ Nội vụ. Tôi vào công tác miền Nam chỉ với một việc duy nhất là gặp anh, cho nên nếu anh giúp tôi hoàn thành sớm công tác để tôi về quê thì tôi cám ơn anh lắm. Chuyện chẳng có gì, Cũng là khai lại những gì anh làm trong lực lượng Phục quốc và hai câu hỏi mà khi nãy đồng chí Tuân đã nêu ra. Anh có thể trình bày cho tôi rõ ràng hơn được không? Trước hết là vụ ông Nguyễn Hữu Thiện, xưng là Chủ tịch của Lực Lượng Phục Quốc Nội Biên, trên cả ông Trần Văn Lương, trung tướng Tư lệnh Liên Quân Phục Quốc. Anh biết ông Nguyễn Hữu Thiện là ai không?”

“Không, tôi không biết ông Thiện. Chỉ thấy cái tên ông ký dưới bản hiệu triệu quốc dân.”

“Vậy trước đó, tức là khi chưa tiếp xúc với lực lượng Phục quốc, anh đã từng nghe qua tên Nguyễn Hữu Thiện bao giờ chưa?”

“Chưa.”

“Anh cố nhớ lại thử xem, cái tên ấy không quen thuộc gì với anh sao?”

Tôi suy nghĩ một lúc, đáp:

“Có lẽ là tên giả. Ừ, cái tên thì bao giờ cũng giả cả.”

“Anh nói sao? Tôi không hiểu.”

Tôi cười:

“Cái tên thì lúc nào lại chẳng giả.”

“Ý anh nói… những tên ký trong các văn kiện ấy đều giả cả à? Ông Lương là có thật mà, các bản khai của anh cũng như những người trong Phục quốc đều công nhận là có một ông Lương, họ Trần. Chỉ có ông Thiện thì… anh chưa khai rõ thôi.”

Ngay lúc Tri nói câu ấy, tôi mới sực thấy tên ông Lương và ông Thiện ráp lại với nhau có một ý nghĩa hay hay; và từ ý nghĩa này, cũng như từ ý niệm về một cái tên giả (giả danh – cái tên tạm mượn nơi sự gá hợp của các nhân duyên mà gọi, hoặc cái mà ta chỉ mượn ngôn ngữ để đặt tên, nói nôm na thì là một cái tên giả – đây là một thuật ngữ của nhà Phật nói lên quan niệm phủ nhận tính chất thực hữu của vạn sự vạn vật trên thế gian), tôi lái nghi vấn của Tri sang hướng khác, nói nửa đùa nửa thật:

“Lương với Thiện chỉ là một biểu tượng của lực lượng Phục quốc mà thôi. Chẳng có ông Lương hay ông Thiện. Chỉ có tính LƯƠNG THIỆN được Phục quốc nêu ra như là biểu trưng của tinh thần đấu tranh của lực lượng để chiêu tập nhân sự.”

Tri hơi giật mình một chút, có vẻ bán tín bán nghi, nhưng rồi cũng cười nhạt một tiếng:

“Anh chỉ nói vậy thôi chứ ai lại chẳng biết là có hai nhân vật mang tên Lương và Thiện. Trần Văn Lương chính là ông Trương Văn Lân đó, cứ nói lái là biết ngay; còn Nguyễn Hữu Thiện…những người bị bắt trước anh đều khai rằng, đó chính là anh, nếu không phải vậy thì là anh Hiền, anh ruột của anh.”

Tôi bật cười lớn, một lúc, tôi nghiêm giọng nói:

“Không phải tôi chối cãi cái tên Thiện là vì tôi sợ đâu. Nếu Nguyễn Hữu Thiện đó là tôi, tôi nhận; trước giờ có điều gì tôi làm mà lại chẳng chịu nhận đâu. Các anh vấn cung tôi khỏe quá mà, tôi làm gì thì khai nấy, chỉ còn cái tên Thiện thôi thì có gì phải chối cãi chứ. Có điều đó là cái tên đặt ra làm biểu tượng, làm sao có thể tìm được con người cụ thể để thay vào đó! Nhưng nếu các anh cứ một mực ép tôi phải nhận cái tên Nguyễn Hữu Thiện thì cũng được đi, tôi nhận, cùng lắm thì các anh hủy trừ được cá nhân tôi thôi, chứ làm sao tiêu diệt được cái THIỆN của dân tộc! Bởi vì sau tôi, sẽ còn nhiều người mang tên THIỆN khác đứng dậy nữa. Không lý tiêu diệt hết à?”

Tri cười nhạt, thả điếu thuốc xuống nền, lấy chân dí đầu thuốc cho tắt rồi ngước lên nhìn tôi, chậm rãi nói:

“Tôi nói anh Khang nghe điều này nhé: cái lẽ đúng-sai, chính-tà, thiện-ác…chắc chắn tôi sẽ tìm cơ hội thảo luận với anh trước khi về lại Hà Nội, còn bây giờ, chuyện mà tôi muốn làm với anh Khang chỉ là chuyện thẩm cung thôi. Anh Khang có biết không, cái vụ của anh thật là phức tạp…đến nỗi trong này không giải quyết được, phải đưa sự vụ lên trung ương để xử lý. Nếu anh không khai thật thì tôi cũng chẳng biết làm sao, chắc là cứ cù cưa cù nhầy kéo dài mãi ra.”

“Đó là do các anh đa nghi nên bày vẽ chuyện thành ra phức tạp chứ có phải là do tôi đâu. Anh nghĩ lại xem, chẳng hạn tôi nói rằng tôi là Nguyễn Hữu Thiện, anh tin rằng tôi nói thật, anh ghi vào biên bản, rồi đưa ra tòa xét xử, vậy có phải là đơn giản không. Đàng này, tôi nhận nhưng anh lại không tin; còn nếu tôi chối, anh cũng không tin nốt. Tôi biết làm sao?”

“Với anh thì nó đơn giản, nhưng với pháp luật, với lẽ công bình… thì nó không phải như vậy. Bởi vì nếu anh không phải là Nguyễn Hữu Thiện thì anh không được nhận anh là Nguyễn Hữu Thiện.”

“Ồ, nói vậy có nghĩa rằng anh không tin tôi là Nguyễn Hữu Thiện? Thế thì càng dễ tính hơn nữa. Tôi không phải Nguyễn Hữu Thiện thì đừng mất công hỏi tới hỏi lui chuyện đó với tôi nữa.”

“Anh không phải Nguyễn Hữu Thiện thì anh nên khai ra cho cơ quan công lực biết ai là Nguyễn Hữu Thiện. Chuyện nó là như thế.”

“Khi các anh không nghĩ rằng Nguyễn Hữu Thiện là tôi, tôi biết Nguyễn Hữu Thiện chỉ là một tên giả, một biểu tượng, khi các anh nghi ngờ rằng Nguyễn Hữu Thiện là tôi, tôi thấy đúng tôi là Nguyễn Hữu Thiện, vì tôi hay những người cùng chí hướng với tôi, mỗi người đều tự thấy mình là một phần tử hay một đại biểu của phong trào, do đó cái tên Nguyễn Hữu Thiện đó có thể là tên của bất cứ ai, nhưng trước nhất, ngay nơi đây, đó là tên tôi.”

Tri xua tay nói:

“Thôi được, tôi sẽ ghi theo cái ý đầu tiên của anh. Nguyễn Hữu Thiện chỉ là cái tên giả, không có nhân vật cụ thể mang tên Nguyễn Hữu Thiện. Bây giờ đến chuyện tự thiêu của Thiện Đắc, anh có thể cho tôi biết sự vụ đó như thế nào không?”

Câu hỏi của Tri lập tức khiến tôi nghĩ đến bao nhiêu bạn bè của tôi chỉ vì có liên hệ mật thiết với tôi mà phải khốn đốn qua vụ án Phục quốc này, nghĩ đến anh ruột tôi phải sa vòng tù tội, và cụ thể nhất là nhớ đến khuôn mặt khắc khổ tội nghiệp của Thiện Đắc với câu anh than với tôi là bị Sơn–trưởng phòng chính trị của Sở công an Sài Gòn–đập một báng súng lục vào mặt đến tươm cả máu miệng… tôi thấy chạnh lòng, đau xót. Tất cả vụng dại ngây thơ của tôi trong giao tiếp đã đẩy xô những bạn bè và người thân của tôi vào cảnh tù tội hoặc phải lang thang ẩn náu ở nhiều xó xỉnh khác nhau trên đất nước. Tất cả đều do tôi. Dù rằng trên thực tế, chuyện Thiện Đắc bị bắt chẳng dính dáng gì đến tôi cả, tôi vẫn thấy rằng tôi có lỗi. Bởi vì, nếu tôi không kết bạn và tin tưởng Hân thì Thiện Đắc đâu có làm quen và nói chuyện nhiều với Hân; Thiện Đắc không quen, không nói chuyện với Hân thì Thiện Đắc đâu có vào tù… Cho nên, chung qui cũng do tôi không biết chọn bạn hoặc do tôi quá vụng dại, quá tin người, để cho những bạn khác vì quá tin tôi nên cũng vụng dại theo! Kéo nhau cả đám vào vòng tù tội và trốn tránh lang thang cũng vì cái nhẹ dạ của tôi…

Tôi bình tĩnh nói:

“Tôi đã nói khi nãy với ông cán bộ kia, anh có nghe rồi, phải không? Tôi xin nhắc lại, Thiện Đắc chẳng bao giờ có ý định tự thiêu cả. Có thể một người nào đó báo cáo láo, hoặc báo cáo lầm về chuyện tự thiêu ấy.”

“Nhưng cũng có lửa thế nào mới có cái khói là Thiện Đắc dự tính tự thiêu chứ?”

“Lửa à? Thì đây, tôi, tôi là người có ý định tự thiêu đây. Người ta nói vô nói ra làm sao mà lộn qua Thiện Đắc.”

“Anh…anh định tự thiêu à?” Tri có vẻ hốt hoảng, kinh sợ khi nghe tôi nói vậy.

“Vâng, tôi có ý định tự thiêu đâu khoảng tháng 8 năm ngoái.”

Tri hơi xanh mặt, đốt một điếu thuốc khác, hỏi:

“Vậy rồi lý do gì anh… không tiến hành chuyện tự thiêu? À, là vì anh bắt được liên lạc với lực lượng Phục quốc.”

“Không phải vậy. Tôi không tự thiêu lúc đó là vì các anh không đưa vụ án Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát ra tòa.”

“Nghĩa là thế nào? Nếu chúng tôi xử án Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát thì anh sẽ tự thiêu?”

“Nếu các anh xử án nặng hai người đó, chẳng hạn tử hình, thì tôi sẽ tự thiêu.”

“Chứ không phải tự thiêu để chống phá ngày 30-4 à?”

“Làm gì có chuyện tầm phào là phá rối ngày 30-4? Anh nghĩ cái mạng tôi đây mà đem đổi cho một vụ phá rối thôi à?”

“Thì chống vụ án Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát cũng là phá rối, có khác gì đâu?”

“Đó không phải là phá rối mà là đổi mạng. Tôi muốn đổi cái mạng của tôi lấy mạng sống của hai người ấy.”

Tri hơi sững người một lúc, nói nhỏ giọng:

“Hai ông ấy lại quan trọng đối với anh đến thế à?”

“Quan trọng chứ, bởi vì, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát không những là tinh hoa của riêng Phật giáo mà còn là tinh hoa của đất nước, của dân tộc.”

Tri bập thuốc, nhả khói liên tu, chớp mắt nhìn tôi, nói:

“Thật tình tôi không hiểu sao trong Phật giáo ở miền Nam lại có cái chuyện tự thiêu lạ lùng như thế. Anh theo đạo từ bi mà lại có hành vi có vẻ bạo động như thế!”

“Bạo động à? Anh lầm rồi. Anh hiểu chữ bạo động như thế nào? Bạo động là làm những hành động tàn bạo mang phương hại đến người khác, phải không? Như vậy, nếu tôi bạo động thì tôi phải đốt các anh chứ sao lại tự đốt tôi? Các anh nói mà tôi không đồng ý, không chịu nghe, các anh giết tôi, còn tôi nói, các anh không nghe, tôi đốt tôi để thức tỉnh các anh. Hành vi nào bạo động?”

“Nhưng hành vi tự thiêu có vẻ gì rùng rợn ghê gớm quá!”

Tôi nhún vai nói:

“Có gì ghê gớm lắm đâu, thưa anh. Không tổn hại đến sinh mệnh và quyền lợi của kẻ khác, Phật giáo chúng tôi gọi là bất bạo động. Trong khi đó, các hành vi gây thương tổn đến người khác như tra tấn, chặt đầu, chôn sống, treo cổ, mổ bụng, xử bắn… mới là man rợ đầy thú tính, chứ tự đốt thân thì có hại đến ai đâu. Chuyện đốt một phần thân thể hay đốt toàn thân bắt nguồn từ kinh Pháp Hoa của Phật giáo, trong đó người đốt thân dâng hiến thân mạng của mình để cúng dường chánh pháp, cúng dường cái gì mình tin tưởng. Hành vi đốt một phần hay toàn phần thân thể cũng là một phương pháp tu hành để dẹp trừ bản ngã. Nếu còn quí chuộng thân xác, còn mê đắm thế gian, còn thấy thế gian là những gì có thực, hoặc còn muốn bảo vệ sự tồn hữu của mình… thì không thể nào thực hiện được việc đốt thân cả. Tóm lại, tự thiêu là một nghĩa cử bất bạo động mà người theo Phật chúng tôi sử dụng vừa để thực hành hạnh vô ngã, vô úy, vừa để cúng dường chánh pháp, vừa nhằm thức tỉnh những kẻ u mê bạo ác đang làm khổ đời sống nhân quần.”

Tri gục gặc tỏ ý hiểu, nhưng tôi không dám chắc là anh hiểu hết ý tôi muốn nói. Anh lại dụi điếu thuốc, hí hoáy ghi chú vào giấy một lúc khá lâu rồi ngước lên, hỏi lại tôi một lần nữa:

“Anh cam đoan là chuyện tự thiêu do anh dự tính trong đầu chứ không tác động một người nào khác, cũng không có ai khác muốn nối gót anh hoặc muốn thay thế anh để tự thiêu, phải không?”

“Chỉ một mình tôi, hoàn toàn là tôi, không có bất cứ ai khác dính dự vào cả.”

Tri ngồi im một lúc, xếp tập hồ sơ lại, nói:

“Được rồi, ngày mai ta làm việc tiếp. Giờ anh về lại phòng há. À, khoan đã, anh có biết anh Thiện Đắc cũng bị giam ở đây không?”

“Biết, tôi có biết.”

“Anh nghĩ gì nếu anh ấy khai rằng anh ấy vô tội và trút tất cả lên anh?”

“Tôi mừng chứ sao, vì điều đó chứng minh anh ấy đã nói sự thật và nãy giờ tôi cũng đã khai sự thật.”

“Anh có muốn nhắn gì với anh ấy không?”

“Nhắn à? Tôi được phép sao?”

“Vâng, anh muốn nhắn gì cứ nói, tôi sẽ gặp anh ấy chiều nay.”

Tôi ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Thôi, không cần, cám ơn.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com