SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1994
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa - Giảo chánh
Nhuận sắc: Minh Tiến & Huệ Trang
SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC TRỌN BỘ
[1] Đảnh cách có nghĩa là in một dòng cao hơn những dòng khác, những dòng kế đó in thấp xuống một chữ.
[2] Lục phàm: thiên, nhân, A Tu La, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ.
[3] Hiền Thủ Ngũ Giáo (ngũ giáo theo cách phán định của ngài Hiền Thủ): Ngài Hiền Thủ chính là tam tổ của tông Hoa Nghiêm. Ngài phán định giáo pháp của đức Phật được chia thành năm loại, tức là: Tiểu Thừa Giáo (ngu pháp Thanh Văn giáo), Đại Thừa Thỉ Giáo (Quyền giáo), Đại Thừa Chung Giáo (Thật Giáo), Đốn Giáo, Viên Giáo (theo Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương, quyển 1). Sở dĩ gọi là Hiền Thủ Ngũ Giáo để phân biệt với Ngũ Giáo được phán định bởi ngài Khuê Phong Tông Mật cũng thuộc tông Hoa Nghiêm.
[4] Tứ Giáo là cách phán định giáo pháp của tổ Trí Khải (Trí Giả đại sư) tông Thiên Thai, gồm: Tạng, Thông, Biệt, Viên.
[5] Tam luân thể không: Bản thể của người thí, người nhận, vật được bố thí đều là không.
[6] Trong Đại Tạng Kinh có hai bản Phật Thuyết Vị Tằng Hữu Nhân Duyên Kinh:
1. Bản thứ nhất gồm một quyển được dịch vào thời Đông Hán, tên người dịch đã thất lạc. Vị Tằng Hữu chỉ thiện căn của Như Lai rộng lớn, hiếm có. Kinh này xiển dương công đức vô lượng của việc kiến tạo Phật tháp và Phật tượng.
2. Bản thứ hai gồm 2 quyển, do ngài Đàm Cảnh dịch vào thời Nam Tề. Nội dung tường thuật chuyện Phật sai Mục Kiền Liên đến thành Ca Tỳ La thuyết phục Da Du Đà La cho La Hầu La xuất gia. Rồi đức Phật giảng cho vua Ba Tư Nặc và đình thần công đức của việc nghe pháp, lại giảng cho bốn tên “thạch nữ” (đàn bà không thể có con được, thân hình ô dề, thô kệch, sức vóc như đàn ông, chuyên lo khiêng kiệu cho hoàng hậu, phi tần) hiểu do nghiệp báo nào họ lại là thạch nữ, cũng như nói những phương tiện Khai - Giá của Ngũ Giới cho vương tử Kỳ Đà nghe.
Bản kinh được hòa thượng Tịnh Không nhắc đến ở đây chính là bản kinh thứ hai.
[7] Chư Kinh Yếu Tập còn có tên là Thiện Ác Nghiệp Báo Luận, do ngài Đạo Thế (có thuyết nói là ngài Đạo Tuyên là tác giả) được soạn vào năm Hiển Khánh thứ tư (659) đời Đường. Tác phẩm này bao gồm những trích đoạn quan trọng từ các kinh, nhưng chú trọng nhiều nhất về nghiệp báo thiện ác, rồi chia thành từng loại. Sách gồm 20 quyển, chia thành 815 tiểu mục. Sách này có tính chất gần như một tiểu từ điển bách khoa về Phật giáo. Dựa trên cấu trúc và ý tưởng của sách này, về sau, Pháp Uyển Châu Lâm được biên soạn chi tiết và đầy đủ hơn.
[8] Cụ Túc Giới (Upasampana), còn phiên là Ô Ba Bát Na, dịch nghĩa là Cận Viên (gần với sự viên mãn), tức là thân cận với Niết Bàn. Đôi khi còn dịch là Cận Viên Giới, Cận Cụ Giới, hoặc chỉ gọi vắn tắt là Đại Giới, tức là giới luật của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. So sánh với giới của Sa Di, giới phẩm Tỳ-kheo phức tạp, chi tiết hơn nên gọi là Cụ Túc Giới. Tỳ kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 348 giới. Các nước theo truyền thống Đại Thừa và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa dùng Tứ Phần Luật làm căn bản cho Cụ Túc Giới. Muốn được thọ Cụ Túc Giới, giới tử phải thân thể khỏe mạnh, các căn đầy đủ, không bị đui, mù, câm, điếc v.v.. không phạm tội, không phạm giới hủy nhục Tỳ-kheo-ni, Sa-di-ni v.v… tuổi từ 20 đến 70.
[9] Tam Đàn Đại Giới là giới đàn truyền cả ba cấp giới cho giới tử gồm: Sơ Đàn: Truyền Sa Di, Sa Di Ni Giới; Nhị Đàn: Truyền Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni giới; Tam Đàn: truyền xuất gia Bồ Tát Giới. Theo truyền thống của Phật giáo Trung Quốc, người xuất gia phải thọ đủ cả ba giới đàn này mới được coi là người xuất gia có tư cách Đại Thừa. Thời gian truyền giới thường bắt đầu từ hôm 30 tháng trước đến 14 tháng sau. Một đại đàn truyền giới như vậy phải có một vị Đắc Giới hòa thượng, Yết Ma A Xà Lê Sư, Giáo Thọ A Xà Lê Sư, gọi chung là “tam sư hòa thượng”, ngoài ra là bảy vị tôn sư chứng minh. Do đó, có thuật ngữ “tam sư thất chứng”.
[10] Thành Thật Tông có tên gọi này là do lấy bộ Thành Thật Luận của ngài Ha Lê Bạt Ma (Harivarman) làm kinh điển chủ yếu. Ngài Ha Lê Bạt Ma sống vào khoảng từ bảy trăm cho đến tám trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Thoạt đầu, Sư học giáo nghĩa Tiểu Thừa của bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ với Cứu Ma La Đà, rồi học tập các bộ giáo nghĩa Đại Thừa, Tiểu Thừa. Bộ Thành Thật Luận nhằm phê phán lý luận của Hữu Bộ. Năm Hoằng Thủy thứ 14 đời Diêu Tần (412), pháp sư Cưu Ma La Thập dịch bộ này sang tiếng Hán. Môn nhân của ngài La Thập là Tăng Đạo viết Thành Thật Luận Nghĩa Sớ, Đạo Lãng viết Thành Thật Luận Sớ. Về sau, ngài Tăng Đạo đi về phương Nam, hoằng pháp mạnh mẽ, chuyên giảng Tam Luận và Thành Thật Luận. Đồng thời, ngài Huệ Long do được Tống Minh Đế cầu thỉnh cũng giảng luận này. Giới tăng sĩ, trí thức Trung Hoa thời ấy đặc biệt yêu thích Thành Thật Luận nên có rất nhiều vị pháp sư giảng luận này, ngoài ra còn có Trí Tạng soạn Thành Thuật Luận Đại Nghĩa Ký, Thành Thật Luận Nghĩa Sớ, Viên Đàm Doãn soạn Thành Thật Luận Tụ Sao, Hồng Diệm soạn Thành Thật Luận Huyền Nghĩa… Hứng thú đối với Thành Thật Luận của Phật Giáo Trung Hoa kéo dài mãi đến đời Đường. Ngay cả ngài Huyền Trang trước khi sang Thiên Trúc thỉnh kinh cũng từng học luận này với ngài Triệu Châu Đạo Thâm. Sau khi các bộ luận như Thập Địa Kinh Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận được phiên dịch, ngài Đạo Tuyên, một môn đệ nổi tiếng của ngài Huyền Trang phán định tông này thuộc Tiểu Thừa, vì không vượt ngoài trình độ lý luận của hệ thống Tỳ Bà Sa, hứng thú nghiên cứu đối với bộ luận này giảm dần và đến giữa đời Đường hầu như không còn ai giảng giải nữa. Tông này mất hẳn. Giáo nghĩa chính yếu của tông này có thể tạm nêu như sau: Nhân không và pháp không, tức là ba đời thật có nhưng quá khứ, vị lai không có bản thể thật sự, chỉ là thể dụng của pháp hữu nhân duyên sanh trong từng sát-na. Pháp do nhân duyên sanh, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chủ trương Trung Đạo. Tông này phủ nhận thuyết Trung Ấm, chủ trương thánh đạo bất thoái, tức là A La Hán vĩnh viễn đoạn được ái căn nên không thoái chuyển. Tứ Đại là giả danh, nếu lìa sắc thì không có Tứ Đại. Các căn là giả danh, lìa Tứ Đại sẽ không có các căn v.v… Tông này chia chi ly các hiện tượng giả hữu thành 84 pháp. Nói chung, tông này chủ trương Không Tánh theo kiểu Chiết Pháp Không, tức là chia sự vật nhỏ nhặt đến vi trần, rồi chia vi trần thành nhỏ mãi đến thành hư không; nhưng không phải là “chân không diệu hữu” như trong Duy Thức. Trong cách lập luận của tông này, có dung hợp rất nhiều giáo nghĩa của Bát Nhã, Pháp Hoa, nên trong một thời gian dài, nó được coi là một tông phái Đại Thừa.
[11] Câu Xá Tông là tông phái y cứ vào luận Câu Xá mà thành lập. Thành Thật Tông được gọi là Không Tông, còn Câu Xá Tông gọi là Hữu Tông. Câu Xá Luận gọi đủ là A Tỳ Đàm Đạt Ma Câu Xá Luận do ngài Thế Thân trước tác, tổng hợp các giáo nghĩa từ Đại Tỳ Bà Sa Luận và giáo nghĩa của Kinh Lượng Bộ, phê phán giáo nghĩa Nhất Thiết Hữu Bộ. Bộ luận này do ngài Chân Đế dịch vào năm Thiên Gia đời Trần (564), Ngài còn soạn sớ chú thích. Các vị Huệ Khải, Huệ Tịnh, Đạo Nhạc cũng soạn sớ giải. Năm Vĩnh Huy thứ sáu đời Đường (654), pháp sư Huyền Trang dịch lại bộ luận này. Môn nhân là Thần Thái, Phổ Quang, Pháp Bảo đều viết chú giải. Chính bản dịch của ngài Huyền Trang và ba bộ chú giải của môn nhân mới là kinh điển y cứ căn bản của tông này. Từ sau thời Đường, tông này dần dần thất truyền, dù đã được truyền sang Nhật. Ngoài Câu Xá Luận, tông này còn lấy Tứ A Hàm và Đại Tỳ Bà Sa Luận, A Tỳ Đàm Tâm Luận, Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận làm kinh điển y cứ. Giáo nghĩa tông này chủ yếu thuyết minh chánh lý nhân duyên của các pháp, phá kiến chấp của phàm phu ngoại đạo, coi việc đoạn Hoặc để chứng thánh quả, xuất ly tam giới là mấu chốt. Họ phân định các pháp gồm hai loại lớn hữu vi và vô vi, rồi lại phân tích tỉ mỉ thành 75 pháp, tức là Sắc Pháp gồm 11 thứ, tâm pháp 1 thứ, tâm sở hữu pháp 46 thứ, bất tương ưng hành pháp 14 thứ v.v… Đồng thời, tông này còn đề xướng giáo nghĩa sáu căn nhân và 4 trợ duyên, cũng như thuyết minh chi ly về Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc v.v… Nói chung, tông phái này chủ trương các pháp đều thật có, nhưng lại cho rằng chúng không thường hằng. Tóm lại, giáo nghĩa rất phức tạp đến nỗi các học giả Nhật Bản cho rằng giáo nghĩa Tiểu Thừa tại Trung Hoa thất truyền không phải vì quá đơn giản, nông cạn như người đời thường lầm tưởng, mà vì quá phức tạp, chi ly, quá nặng phần triết học, trở thành huyền học thanh đàm, thiếu thực tiễn trong việc tu học, chỉ thích hợp cho những học giả, nên không thu hút được quảng đại quần chúng Trung Hoa, Nhật Bản.
[12] Tác phẩm này được gọi là Ngũ Chủng Di Quy vì gồm có năm phần: Dưỡng Chánh Di Quy, Huấn Tục Di Quy, Giáo Nữ Di Quy, Tùng Chánh Di Quy, Tại Quan Cầu Pháp Lục, nội dung tổng hợp những giáo hóa về xử thế, làm người cũng như những khuôn mẫu huấn luyện đạo đức của Nho Gia, chẳng hạn như trong phần Dưỡng Chánh Di Quy, Trần Hoằng Mưu trích yếu những phần trong Châu Tử Trị Gia Cách Ngôn, Châu Tử Đồng Mông Tu Tri v.v… Tác phẩm này được hoàn thành vào năm Càn Long thứ bảy (1742).
[13] Quét dọn ở đây không có nghĩa là dọn dẹp nhà cửa mà là tập tành uốn nắn theo khuôn phép, bỏ đi những thói quen lười nhác, cẩu thả, vội vàng, bộp chộp.
[14] Khuyên là vẽ một vòng tròn, bên cạnh một chữ, có ý nghĩa giống như dấu chấm hiện thời.
[15] Thập Tam Kinh là mười ba bộ kinh điển trọng yếu của Nho Gia theo Tống Nho, gồm kinh Thi, kinh Thư, Châu Lễ, Nghi Lễ, Lễ Ký, Châu Dịch, Tả Truyện, Công Dương Truyện, Cốc Lương Truyện, Luận Ngữ, Nhĩ Nhã, Hiếu Kinh, Mạnh Tử
[16] Đây là một bộ sử do Ngô Thừa Quyền chủ biên, chép tóm tắt lịch sử Trung Quốc từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến vua Sùng Trinh nhà Minh.
[17] Thông Giám Tập Lãm, có tên gọi đầy đủ là Ngự Phê Lịch Sử Thông Giám Tập Lãm, do các văn thần soạn vào thời Càn Long nhà Thanh, chủ yếu chép sự kiện lịch sử từ cuối đời Minh đến cuối thời Ung Chánh.
[18] Theo nghĩa gốc, Quy và Củ là hai loại thước của thợ mộc. Quy là thước tròn, Củ là thước vuông.
[19] Hoằng Tán (1611-1685) là một vị cao tăng thuộc tông Tào Động sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, Sư là người xứ Tân Hội, tỉnh Quảng Đông. Thuở nhỏ Sư học Nho, thông thạo kinh điển, đến năm 20 tuổi được bổ làm “học sinh viên” của huyện. Sau khi Mãn Thanh chiếm Trung Hoa, Sư xuống tóc làm Tăng, chuyên nghiên cứu tu tập Thiền, tham học với ngài Đỉnh Hồ Đạo Khâu, được ấn khả. Thoạt đầu, Sư trụ tại chùa Bảo Tượng Lâm ở Quảng Châu, sau kế vị ngài Đỉnh Hồ làm trụ trì chùa Triệu Khánh. Suốt đời Sư chú trọng tu tập thực tiễn, tuy chuyên tu Thiền, nhưng Sư đau lòng trước tình trạng tu tập phô trương, sáo rỗng, khẩu đầu Thiền của chốn Thiền môn thời ấy, nên tuyệt không bao giờ nói đến Thiền mà chuyên hoằng dương luật nghi, đề xướng giới hạnh, coi đó là trách nhiệm của cả đời mình. Sư thị tịch năm Khang Hy 21 (1685), thọ 75 tuổi, còn để lại những tác phẩm như Đỉnh Hồ Sơn Mộc Nhân Cư, Thiền Sư Sát Cảo, Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Đề Đà La Ni Hội Thích, Tâm Kinh Luận, Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, Quy Giới Yếu Tập, Bát Quan Trai Pháp, Lễ Phật Nghi Thức v.v…
[20] Đàm Nhất (692-771) là cao tăng đời Đường, người xứ Sơn Âm, xuất gia vào niên hiệu Cảnh Long, tinh thông nội điển lẫn ngoại điển. Lúc đầu, Sư theo học bộ Hành Sự Sao với ngài Đàm Thắng, sau lên Trường An, thờ ngài Thái Lãng của tông Tướng Bộ làm thầy, soạn sách Phát Chánh Nghĩa Ký, xiển dương sự khác biệt trong giáo nghĩa của hai tông Nam Sơn (Luật Tông) và Tướng Bộ. Sau Sư về trụ trì chùa Khai Nguyên ở Cối Kê, trước sau giảng Tứ Phần Luật ba mươi lăm lần, giảng Hành Sự Sao hơn hai mươi lần, độ chúng đến mười vạn người. Người đương thời xưng tụng Sư là “Nhân Trung Sư Tử”. Sư thị tịch năm Đại Lịch thứ sáu, thọ 80 tuổi, đệ tử có những bậc nổi tiếng trong Luật Tông như Lãng Nhiên, Thần Hạo, Biện Tú, Đạo Ngang v.v…
[21] Cửu Thứ Đệ Định (navānupūrva-samāpattayah), có nghĩa là chín loại Định được tu theo thứ tự không gián đoạn. Còn gọi là Vô Gián Thiền, hoặc Luyện Thiền, gồm Tứ Thiền trong Sắc Giới, Tứ Xứ trong Vô Sắc Giới và Diệt Thọ Tưởng Định. Do chẳng xen lẫn với những tâm khác, theo thứ tự nhất định từ định này tiến vào định kia nên gọi là Thứ Đệ Định. Do không có niệm khác xen tạp nên gọi Vô Gián Thiền. Lại do dùng những môn Thiền này để luyện cho thiền hạnh thanh tịnh, giống như luyện vàng nên gọi là Luyện Thiền.
[22] Viên Anh (1878-1953) là một vị cao tăng thời cận đại, người xứ Cổ Điền, tỉnh Phước Kiến. Pháp danh Hoằng Ngộ, hiệu Thao Quang. Sư sanh vào năm Quang Tự thứ 4 đời Thanh, mồ côi từ bé. Năm 19 tuổi đến Cổ Sơn xin xuất gia, chuyên tu theo tông Thiên Thai. Sau sang chùa Thiên Ninh ở Ninh Ba học Thiền. Năm 26 tuổi, tham học với Kính An Hòa Thượng chùa Thiên Đồng. Sau đi giảng kinh khắp vùng Phước Kiến, Chiết Giang. Năm Quang Tự 32 (1906), Sư quen thân với ngài Thái Hư, kết nghĩa huynh đệ. Khi ấy, Sư đã 29 tuổi, Thái Hư mới 18. Sư tận lực tổ chức Trung Quốc Phật Giáo Hội cũng như vận động bảo vệ tài sản của tự viện trước những âm mưu “thâu đoạt chùa chiền biến thành trường học” của chính quyền Quốc Dân Đảng. Sư từng đứng đầu hội Phật Giáo Trung Quốc. Khi cuộc kháng Nhật nổ ra, Sư tích cực vận động quyên góp thuốc men hỗ trợ quân đội. Sư đặc biệt chú trọng sáng lập những cơ cấu từ thiện, phục hưng chùa chiền các nơi, lập ra những tạp chí Phật giáo, cứu trợ đồng bào bị nạn. Tuy bận rộn với công tác tổ chức giáo hội, Sư vẫn tích cực hoằng pháp, trước tác rất nhiều, nhất là chú giải kinh Lăng Nghiêm. Trước tác gồm có Viên Anh Văn Tập, Viên Anh Đại Sư Pháp Vựng.
[23] Bảo Tịnh (1899-1940) là một vị cao tăng thời cận đại, người xứ Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang. Thuở nhỏ Sư đọc Cao Tăng Truyện bèn có chí hướng xuất gia. Sau khi tốt nghiệp đại học, Sư liền xuất gia thọ Cụ Túc Giới. Về sau, thân cận Đế Nhàn Pháp Sư để tham học giáo nghĩa Thiên Thai Giáo Quán. Năm 1927, Sư sáng lập tờ Hoằng Pháp Nguyệt San, thường qua lại giảng kinh thuyết pháp ở Thượng Hải, Hàng Châu, Hương Cảng, Quảng Đông v.v… Sư thị tịch năm 1940 tại chùa Ngọc Phật tại Thượng Hải, trụ thế 41 năm. Những trước tác nổi tiếng nhất của Sư là Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa, Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu Giảng Thuật, Phổ Môn Phẩm Dư Giảng, Phật Di Giáo Kinh Giảng Nghĩa, A Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký…
[24] Tục Pháp (1641-1728), người đời Thanh, quê ở Nhân Hòa (Hàng Châu), tỉnh Chiết Giang, họ Trầm, tự Bá Đình, hiệu Quán Đảnh, còn có hiệu là Thành Pháp. Năm lên chín tuổi xuất gia với ngài Minh Nguyên tại chùa Từ Vân núi Thiên Trúc, Hàng Châu, thọ Cụ Túc năm 19 tuổi, 20 tuổi bắt đầu giảng kinh, được ngài Minh Nguyên phó pháp kế tục đời thứ năm thuộc pháp hệ của tổ Liên Trì Châu Hoằng. Sư bác lãm kinh điển, dung thông các học thuyết, không câu nệ. Mỗi lần Sư lên giảng tòa, tứ chúng tụ về nghe rất rộng. Sư thị tịch năm Ung Chánh thứ sáu, thọ 88 tuổi, các đệ tử trứ danh nhất là Bồi Phong, Từ Duệ, Trung Chánh, Thiên Hoài. Trước tác Sư để lại gồm những bộ Hiền Thủ Ngũ Giáo Nghi, Viên Giác Chiết Nghĩa Sớ, Hoa Nghiêm Tông Phật Tổ truyện v.v.. Tác phẩm Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao của Sư được coi là tác phẩm chú giải chương Đại Thế Chí Viên Thông hay nhất từ trước đến nay. Do ngài trụ trì chùa Từ Vân nên khi nhắc đến ngài, người ta thường gọi là Từ Vân Quán Đảnh chứ ít khi gọi thẳng pháp danh.
[25] Khứ Thanh trong tiếng Quan Thoại có nghĩa là âm đọc lên giọng, nhẹ hơn dấu sắc của tiếng Việt.
[26] Trong âm Quan Thoại, chữ Dược 藥 có âm đọc là Yàu. Chữ Nhạo (樂) có ba âm đọc là Nhạc (yuè), Lạc (lè) và Nhạo (yàu).
[27] Bản kinh này có tên gọi đầy đủ là Phật thuyết Sa Di Thập Giới Nghi Tắc Kinh, do ngài Thi Hộ dịch, được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng mang số 1473, tập 24.
Ngài Thi Hộ (Dānapāla), là một vị phiên dịch kinh nổi tiếng thời Tống. Ngài vốn là người xứ Ô Điền Nẵng (Udyāna) ở Bắc Ấn Độ, được người đời xưng tụng là Hiển Giáo đại sư. Không rõ năm sanh và năm mất. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (980) đời Tống Thái Tổ, Sư cùng ngài Thiên Tức Tai cùng đến Biện Kinh (nay là Khai Phong), ngụ tại viện dịch kinh ở chùa Thái Bình Hưng Quốc, tận lực phiên dịch. Số lượng kinh do Ngài dịch rất nhiều, đủ mọi thể loại, nổi tiếng nhất là các bộ Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, Cấp Cô Trưởng Giả Đắc Độ Nhân Duyên Kinh, Quảng Thích Bồ Đề Tâm Luận, Đại Thừa Thập Nhị Tụng Luận, Lục Thập Tụng Như Lý Luận, Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Tam Muội Đại Giáo Vương Kinh, Nhất Thiết Như Lai Kim Cang Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật Đại Giáo Vương Kinh, Thủ Hộ Đại Thiên Quốc Độ Kinh, Biến Chiếu Bát Nhã Ba La Mật Kinh v.v…
[28] Tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc: Kiến Hoặc còn gọi là Kiến Phiền Não, Kiến Chướng, hay Kiến Nhất Xứ Trụ Địa. Những tên gọi này đều hàm nghĩa Kiến Hoặc là những phiền não, mê hoặc khiến cho hành nhân không thấy được đạo, mê chấp không thấy được Tứ Thánh Đế, không thấy được Phật Tánh. Do khi tu tập thánh đạo, hành nhân phải đoạn trừ những Hoặc này mới thấy được tánh nên còn gọi là Tu Hoặc. Theo luận Câu Xá, Kiến Hoặc về căn bản chính là mười Sử gồm năm lợi sử (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến) và năm độn sử (tham, sân, si, mạn, nghi). Trong Dục Giới thì với Khổ Đế phải đoạn cả 10 Sử, Tập Đế và Diệt Đế mỗi Đế phải đoạn bảy Sử (tức là loại trừ Thân Kiến, Biên Kiến, và Giới Cấm Thủ Kiến ra), Đạo Đế có tám Sử (không có Thân Kiến và Biên Kiến). Do vậy, trong Dục Giới, phối hợp với Tứ Thánh Đế như trên, ta phải đoạn 32 phẩm Kiến Hoặc. Với Sắc Giới và Vô Sắc Giới, cách tính cũng gần giống như trên, nhưng mỗi Đế đều loại thêm Sân Sử, do đó mỗi Giới phải đoạn 28 Sử. Do vậy, 32 Sử của Dục Giới + 28 Sử của Sắc Giới + 28 Sử của Vô Sắc Giới = 88 món Sử, tức 88 món Kiến Hoặc.
[29] Tạp Bảo Tạng Kinh (Samyukta Ratnapitaka sūtra), gồm 10 quyển, do ngài Cát Ca Dạ và Đàm Diệu dịch chung vào thời Nguyên Ngụy, được xếp trong quyển thứ bốn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Kinh này chép về những chuyện liên quan đến đức Phật, đệ tử Phật và những duyên sự sau khi đức Phật nhập diệt. Kinh được chia thành 121 chương, đại bộ phận là những chuyện liên quan đến đức Phật. Trong kinh này còn ghi cả cuộc vấn đáp giữa vua Mi Lan Đà xứ Hy Lạp và Na Tiên Tỳ Kheo khoảng 200 năm sau khi đức Phật nhập diệt, cũng như những cuộc vấn đáp giữa vua Chiên Đàn Kế Ni Tra xứ Đại Nhục Chi với tôn giả Kỳ Dạ Đa. Nói cách khác, kinh này là tổng hợp của nhiều bài kinh ngắn được trích từ tạng A Hàm, chủ yếu dùng thí dụ nhân duyên để nêu rõ mối quan hệ giữa nhân và quả.
[30] Kinh Luật Dị Tướng do ngài Bảo Xướng soạn, hoàn thành vào năm Thiên Giám thứ 15 đời Lương (516), nội dung ghi chép những tướng trạng lạ lùng hiếm có trong các bộ kinh luật. Thoạt đầu Lương Vũ Đế sai Tăng Mân sao chép những chuyện lạ trong kinh luận, sau giao hẳn cho ngài Bảo Xướng chủ trì và sắc truyền các ngài Tăng Hào, Pháp Tánh phụ tá. Sách được chia làm hai mươi mốt loại: trời, đất, Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, quốc vương, hoàng hậu, thái tử, công chúa, trưởng giả, Ưu Bà Tắc v.v… cho đến địa ngục. Bộ sách này khá lớn, chiếm đến năm mươi quyển trong tập năm mươi ba của Đại Tạng Kinh.
[31] Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ do ông Nhiếp Vân Đài biên soạn, Hứa Chỉ Tịnh ghi lời bàn định. Nội dung thâu thập những câu chuyện trong lịch sử, trích từ các bộ sử nổi tiếng của Trung Hoa từ Sử Ký cho đến Minh Sử, khởi đầu bằng chuyện vua Thuấn, kết thúc bằng chuyện Cáp Lập Ma (tức Karmapa của Phật giáo Tây Tạng) thời Vĩnh Lạc nhà Minh.
[32] Ba Tuần (Pāpīyas, hoặc Pāpman), còn dịch là Ba Duyện, Ba Duyên, Ba Bệ, Pha Duyện, Ba Tỳ, Bát Bễ. Danh xưng thường được kinh điển xử dụng nhất là Ma Ba Tuần hay Thiên Ma Ba Tuần (Mara Pāpman). Dịch ý là Sát Giả, Ác Vật, Ác Trung Ác, Ác Ái, đều hàm nghĩa ác ma phá hoại thiện căn và sanh mạng. Theo Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi Kinh, quyển thượng, thì Ba Tuần chính là Thiên Chúa tầng trời thứ sáu trong Dục Giới. Đại Trí Độ Luận quyển 56 giảng Ma có tên là Tự Tại Thiên Vương. Theo sách Huệ Lâm Âm Nghĩa và bộ Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, chữ Tuần 旬 đúng ra phải là chữ Duyện, tức chữ Mục目 dưới bộ Câu bị viết sai thành chữ Nhật 日, nên Duyện bị ghi sai thành Tuần. Do bị ghi sai lâu ngày, hầu như không còn sách nào ghi là Ba Duyện nữa!