SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1994
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa - Giảo chánh
Nhuận sắc: Minh Tiến & Huệ Trang
Phần 1:
Phương pháp nghiên cứu của chúng ta là chỉ giảng kinh văn, còn phần chú giải [quý vị] tự xem, thấy chỗ nào thắc mắc thì nêu lên [câu hỏi]. Nếu không có câu hỏi nào, chúng tôi sẽ giảng tiếp đoạn kinh văn kế đó. Phần kinh văn được in theo lối đảnh cách[1], còn phần chú giải thấp hơn một chữ, rất rõ ràng, rất dễ thấy. Để cho tiện xem, mọi người đều nên đánh số từng đoạn kinh văn, để sau này chúng tôi nói đến đoạn mấy, mọi người mở ra đều đúng chỗ ngay. Chúng ta xem từ đoạn thứ nhất. Đoạn thứ nhất nằm trong trang thứ hai. Bản chúng ta dùng đây không in số trang, số trang ghi bên cạnh, tức là từ nửa phần sau trang thứ nhất đếm ngược lên ba hàng.
Nhất, Phạn ngữ Sa Di, thử vân Tức Từ, vị: Tức ác hành từ; tức thế nhiễm nhi từ tế chúng sanh dã. Diệc vân Cần Sách, diệc vân Cầu Tịch.
(Một: Tiếng Phạn “Sa Di”, ở đây dịch là Tức Từ, ý nói: Dứt ác, hành điều từ, dứt nhiễm ô thế gian mà từ bi cứu giúp chúng sanh. Còn dịch là Cần Sách, hoặc dịch là Cầu Tịch)
Đây là đoạn thứ nhất, ở đầu câu ghi chữ Nhất, tức là đoạn thứ nhất. “Sa-di” là dịch âm tiếng Phạn. “Phạn ngữ Sa-di”: Tiếng Ấn Độ thời cổ gọi là Sa-di, dịch sang tiếng Trung Quốc có ba nghĩa. Đây cũng là vì thời xưa dịch kinh có cái lệ như thế này: Một chữ bao gồm nhiều nghĩa thì không dịch. Danh từ này có rất nhiều ý nghĩa, chẳng phải chỉ có một ý nghĩa; trong từ vựng tiếng Trung Quốc không tìm được chữ thích đáng để phiên dịch bèn dịch âm, sau đó kèm thêm chú giải, cách phiên dịch là như vậy đó. Ý nghĩa phổ biến nhất [của chữ Sa Di] là “Tức Từ”, nên giảng chữ Tức Từ như thế nào? Tiếp theo đó, [chánh văn] chú giải rất rõ ràng, “vị: Tức ác hành từ” (ý nói: Dứt ác, hành điều từ). “Ác” chỉ cho nhiễm ô thế gian, thế gian nhiễm ô tâm địa của chúng ta, nhiễm ô tư tưởng, kiến giải của chúng ta. Chữ “Ác” chỉ cho những điều đó, chúng ta phải đoạn trừ những ô nhiễm ấy. Ý nghĩa này hoàn toàn giống như trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã dạy chúng ta “tẩy tâm dịch hạnh” (rửa lòng đổi hạnh): Phải rửa cho những ô nhiễm trong tâm sạch làu làu, phải sửa đổi cho đúng hết thảy những hành vi lầm lạc của chúng ta, đó gọi là “đổi hạnh”. Câu này luận về nguyên tắc, nguyên lý, chứa đựng ý nghĩa rất sâu, cảnh giới rất rộng. Hãy đặc biệt ghi nhớ: Pháp thế gian nhiễm ô tâm tánh chúng ta, pháp xuất thế gian cũng nhiễm ô tâm tánh của ta! Vì thế, Đại Thừa Phật pháp dạy chúng phải vượt khỏi pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Không những chúng ta phải xa lìa pháp thế gian, mà pháp xuất thế gian cũng phải xa lìa, có như vậy mới hòng thật sự thành tựu.
Trong Phật giáo, chúng ta thường thấy nhất là hoa sen, dùng hoa sen để biểu thị pháp. Chúng ta thấy hình tượng Phật, Bồ Tát được đắp nặn [trong tư thế] đứng thì đứng trên hoa sen, ngồi thì ngồi trên hoa sen. Hoa sen tượng trưng cho điều gì? Tượng trưng cho sanh ra từ bùn lầy mà chẳng nhuốm nhơ, biểu thị ý nghĩa của chữ “Tức Ác” (dứt ác). Bùn cát dưới mặt nước tượng trưng cho lục phàm[2], nước trong ở phía trên bùn cát tượng trưng cho tứ thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Lục phàm, tứ thánh hợp thành mười pháp giới. Hoa sen nở trên mặt nước, ngụ ý cả lục phàm lẫn tứ thánh thảy đều không nhiễm; do vậy, học Phật chớ nên bị ô nhiễm bởi Phật pháp.
Ô nhiễm là gì? Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng chính là ô nhiễm. Do vậy, người học Phật hiện thời (chẳng phải chỉ hiện tại, thời cổ cũng chẳng ngoại lệ) chẳng nhiễm pháp thế gian, buông xuống được [pháp thế gian], nhưng không buông Phật pháp xuống được. Ở nơi Phật pháp bèn khởi phân biệt, chấp trước thì lại bị ô nhiễm bởi Phật pháp. Chẳng tham pháp thế gian, tâm tham buông xuống được, nhưng tham lam Phật pháp! Quý vị hãy suy nghĩ đi: Đức Thế Tôn dạy chúng ta đoạn trừ tâm Tham, chứ không dạy chúng ta thay đổi đối tượng của tâm Tham! Lòng tham của quý vị vẫn còn, không tham pháp thế gian mà tham Phật pháp, quý vị nói xem có sai quấy hay là không? Do vậy, chúng ta trông thấy hình tượng Phật, Bồ Tát, trông thấy hoa sen, phải nghĩ pháp thế gian hay pháp xuất thế gian đều chẳng được nhiễm, đấy mới là đạt được Nhất Chân pháp giới, mới là chân chánh thanh tịnh.
Mấy bữa nay chúng tôi
đang giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao, nay giảng đến đoạn này, Liên Trì đại sư cũng giảng
ý nghĩa này rất rõ ràng, minh bạch. Tức là giảng đến phần Ngũ Giáo của ngài
Hiền Thủ[3], Tứ Giáo[4] của Thiên
Ở đây nói đến “thế nhiễm” (nhiễm ô thế gian), sợ mọi người nẩy sanh hiểu lầm nên nói là “pháp thế gian”. Pháp thế gian là gì? Pháp xuất thế gian là gì? Nếu chúng ta không phân biệt rõ ràng, sẽ làm hỏng đại sự! Tôi cũng thường nói: Văn tự Trung Quốc [là một loại văn tự mà] bất cứ một dân tộc nào thuộc một quốc gia nào trên cả thế giới cũng đều không có được. Văn tự Trung Quốc là một loại phù hiệu đầy ắp trí huệ. Quý vị xem kỹ chữ “thế gian”: “Thế” chỉ thời gian. “Thế” là ba mươi, ba mươi năm là một “thế”. Ba mươi năm tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, vị lai. “Gian” là giới hạn. “Thế gian” và “thế giới” có cùng một ý nghĩa là giới hạn. Ý nghĩa của hai chữ này là: Thế là chấp trước, Gian là phân biệt. Nói cách khác, chúng ta còn có phân biệt, chấp trước thì là thế gian. Quý vị học Phật pháp, học Đại Thừa Phật pháp hay học Nhất Thừa Phật pháp đều trở thành pháp thế gian. Vì quý vị vẫn có phân biệt, chấp trước, nên Nhất Thừa Phật pháp cũng bị biến thành pháp thế gian; do vậy quý vị mới bị ô nhiễm. Nếu như đối với hết thảy pháp chúng ta không phân biệt, không chấp trước thì pháp thế gian cũng là Phật pháp, cũng là pháp xuất thế gian, xuất thế hết! Mặc áo, ăn cơm, trẻ nhỏ trong vườn trẻ (ấu trĩ viên - kindergarten) đọc “mèo con kêu, chú cún nhảy” đều là giảng pháp xuất thế gian cho quý vị. Xuất thế gian như thế nào? Vượt thoát phân biệt, chấp trước, phải hiểu ý nghĩa “tức thế nhiễm” (dứt nhiễm ô thế gian) này. Nếu không, dù quý vị chẳng bị pháp thế gian ô nhiễm, cũng sẽ bị Phật pháp ô nhiễm, Phật pháp cũng thành pháp thế gian! Do vậy, nếu quý vị không hiểu Phật pháp, Phật pháp cũng trở thành thuốc độc, Phật pháp cũng hại người, nhất định phải hiểu ý nghĩa này.
Do vậy, trong hội Bát Nhã đức Phật giảng rất rõ ràng: Chẳng những đức Phật không có pháp nhất định nào để nói, mà đức Phật cũng chẳng thuyết pháp. Ý nghĩa [của lời dạy] này nhằm dạy quý vị đối với hết thảy các pháp đức Phật đã nói chẳng nên chấp trước, quý vị chỉ nên hiểu được ý nghĩa này, hiểu rõ ý nghĩa là tốt rồi, nhưng cũng chớ nên chấp vào ý nghĩa. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta những thái độ cơ bản để học Phật:
1) Thứ nhất là “ly ngôn thuyết tướng” (lìa tướng nói năng): Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp, chớ chấp trước những ngôn thuyết ấy. Sau khi đức Phật diệt độ, hàng đệ tử chép lại những lời Phật giáo huấn, trở thành kinh điển như hiện tại. Những lời nói ấy biến thành văn tự, chớ nên chấp trước lời nói; cũng giống như thế, đừng chấp trước văn tự!
2) Thứ hai là “ly danh tự tướng” (lìa tướng danh tự). Chữ “danh tự tướng” chỉ rất nhiều danh từ, thuật ngữ trong kinh Phật. “Sa-di” là một danh từ, “thế gian” cũng là một danh từ. Quý vị hiểu ý nghĩa bên trong những danh tự ấy, đừng chấp trước chúng.
3) Thứ ba là “ly tâm duyên tướng”: Càng nói sâu hơn nữa! Nói cách khác, hết thảy Phật pháp chúng ta có thể suy nghĩ, nghiên cứu được hay chăng? Không thể nào được! Nghiên cứu là rớt vào thức thứ sáu, tức Ý Thức, bị ô nhiễm rồi, quý vị bị ô nhiễm bởi Phật pháp rồi!
Chúng ta thường nghe câu nói sau đây: Nhà Phật thường nói “y văn giải tự, tam thế Phật oan” (y theo câu văn hiểu nghĩa theo mặt chữ, ba đời Phật bị oan): Cứ chiếu theo văn tự để nghiên cứu, giải thích thì tam thế chư Phật (quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai phật) đều kêu oan uổng, quý vị hiểu lầm ý Phật mất rồi! Tôi cũng đã từng nói: Trong bài kệ Khai Kinh có câu “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, tôi nói con người hiện tại hiểu sai lệch, nên trở thành “khúc giải Như Lai chân thật nghĩa” (hiểu cong vạy ý nghĩa chân thật của Như Lai), hoặc “ngộ giải Như Lai chân thật nghĩa” (hiểu lầm lạc ý nghĩa chân thật của Như Lai). Quý vị xem: Có phải là Như Lai kêu “oan uổng” hay không? Đấy chính là điều không may, bị ô nhiễm bởi Phật pháp! Khó lắm! Phật pháp khó là khó ở chỗ này. Chúng ta phải dùng được nó, chớ đừng bị nó ô nhiễm, vậy thì quý vị phải học cho ổn thỏa, học đúng vào đường lối.
Học Phật pháp chẳng bị ô nhiễm bởi Phật pháp, hết thảy Phật pháp đều phải quy về tự tánh, điều này khẩn yếu lắm. Nói cách khác, giúp cho chúng ta đạt được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta mở mang trí huệ, đấy chính là Phật pháp. Chúng ta tu học không đạt được tâm thanh tịnh, chẳng thể mở mang trí huệ, [nghĩa là] chúng ta đã học Phật pháp lệch lạc, có sai lầm. Do vậy, ý nghĩa của từ ngữ “tức thế nhiễm” (dứt nhiễm ô thế gian) rất sâu, phạm vi rất rộng, nhất định phải hiểu cho rõ. Nếu không, quý vị thọ Sa Di Giới, học thuộc nhuyễn nhừ Sa Di Luật Nghi cũng vô ích. Quý vị bị Sa Di Luật Nghi ô nhiễm rồi, vậy thì đáng tiếc quá! Phải biết điều này!
“Hành từ”: Từ là từ mẫn (thương yêu, xót thương) chúng sanh. Chúng sanh luân hồi trong lục đạo, thật hết sức đáng thương. Thoạt chìm thoạt nổi trong sáu đường, người không biết chân tướng sự thật nhiều lắm, rất ư là nhiều! Chỉ có Phật, Bồ Tát, A La Hán trở lên mới thấy được chân tướng ấy, các Ngài trông thấy, thấy được rồi biết là khổ, mới hiểu sự tình ấy đáng sợ. Người thế gian mờ mờ mịt mịt, hồ đồ, không hiểu chân tướng sự thật ấy. Chư Phật, Bồ Tát biết chân tướng sự thật ấy, thương xót hết thảy chúng sanh, toan nghĩ phương pháp giúp cho những chúng sanh ấy giác ngộ, giúp cho những chúng sanh ấy nhận thức chân tướng, giúp cho họ thoát được biển khổ. Đấy chính là sự nghiệp của Phật, Bồ Tát, chúng ta thường gọi là “Như Lai gia nghiệp”. Như Lai gia nghiệp tức là sự nghiệp của Như Lai, sự nghiệp ấy chính là giúp cho chúng sanh lìa khổ được vui. “Lìa khổ” chính là thoát ly lục đạo luân hồi, đấy đúng là đại sự. Quý vị nói xem: Có sự việc nào trong thế gian lớn hơn được hay chăng?
Vì thế, xuất gia không đơn giản! Cổ nhân thường nói: “Xuất gia phi tướng tướng chi sở năng vi” (tạm dịch: Xuất gia không phải là chuyện hạng thống soái, tể tướng có thể làm được). Tướng (將) là gì? Thống soái của ba quân. Tướng (相) là gì? Tể tướng! Do trong quá khứ là thời đại đế chế nên chẳng thể nói là hoàng đế [không thể xuất gia được], con người thông thường khi phú quý đến cực điểm thì quan văn là tể tướng, quan võ là thống soái, sự nghiệp xuất gia này bọn họ không làm được. Sự nghiệp của người xuất gia là phải nối gót đức Phật, phải cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn, không thể nào so sánh được. Do vậy, người xuất gia là Thiên Nhân Sư (thầy của trời lẫn người).
Nay chúng ta xuất gia đã làm được hay chưa? Giống hay không giống? Làm không được, thậm chí đối với sự hành trì, chúng ta còn làm càn làm quấy, thua cả người tại gia; về phương diện này, người xuất gia còn thua cả người tại gia. Quý vị phải lắng lòng quán sát, vì sao tướng trạng lúc mất của người xuất gia thường đều không tốt đẹp, thường không bằng người tại gia? Tại Đài Loan trong mấy năm qua, người tại gia đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biết trước lúc mất, riêng tôi biết được mười mấy người, những người tôi không biết, không nghe nói đến còn nhiều hơn nữa! Vì sao? Người tại gia học Phật chỉ cầu vãng sanh, họ không gánh vác Như Lai gia nghiệp, nhưng người xuất gia phải gánh vác Như Lai gia nghiệp, phải tận tâm tận lực lay tỉnh người tại gia, lay tỉnh những kẻ mê hoặc, điên đảo. Chúng ta có sứ mạng ấy, có trách nhiệm ấy. Trong số những vị tại gia, có vị thân không xuất gia nhưng tâm xuất gia, cũng gánh vác Như Lai gia nghiệp như lão cư sĩ Lý Tế Hoa ở Đài Loan, vãng sanh hiện tướng lành hết sức tốt. Cụ là người sáng lập Liên Hữu Niệm Phật Đoàn, làm vị đoàn trưởng đầu tiên, như lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung. Thân phận họ không khác gì người xuất gia, hoàn toàn gánh vác Như Lai gia nghiệp.
Quán Trưởng hiện nay của chúng ta cũng mang thân phận ấy, cũng gánh vác Như Lai gia nghiệp, không xuống tóc, nhưng chúng ta coi bà như Hòa Thượng. Thân thể bà thường hay bị bệnh, tôi bảo bà: “Cái thân bệnh tật của bà đây tôi có thể trị được, chỉ cần bà chịu nghe lời, bảo đảm trị lành mọi bệnh tật nơi thân. Phương pháp gì vậy? Cạo đầu láng o đi, bệnh gì cũng không còn nữa!” Đầu bà ta cũng không đau nữa. Đau đầu là vì đầu tóc chưa cạo! Do vậy, tiểu đạo tràng này của chúng ta quả thật gánh vác sứ mạng của Như Lai.
Đặc biệt là trong thời kỳ Mạt Pháp, chư Phật Như Lai đều khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta tu học pháp môn này, hoằng dương truyền bá cũng là pháp môn này, chúng ta phải tận tâm tận lực hoằng dương pháp môn này cho được lớn lao, rạng rỡ trong thời đại này. Chúng ta nghiêm túc thực hiện, nỗ lực thực hiện, chúng ta biết trong thời đại này có tai nạn rất lớn. Tuy số người của chúng ta hoằng dương pháp môn này không nhiều, nhưng nếu mỗi người thật sự có thể tận tâm tận lực tự hành, hóa độ người, dẫu chẳng thể hóa giải tiêu trừ tai nạn ấy thì cũng có thể làm giảm nhẹ tai nạn đó. Vì thế, phải nghiêm túc tu học, nghiêm túc hoằng dương, đừng làm cho có hình thức, đừng làm cho dễ coi, làm vậy vô ích, hết thảy mọi sự phải cầu lấy thực tế mới được, đấy là đúng. Đấy chính là “từ tế chúng sanh”.
Ngoài ra, còn có hai ý nghĩa nữa, một là Cần Sách, hai là Cầu Tịch. Hai ý nghĩa này đều thuộc về tự lợi. “Tức Từ” là tự lợi và lợi tha, Tức Ác (dứt ác) là tự lợi, Từ Tế (từ bi cứu giúp người khác) là lợi tha. Do vậy, ý nghĩa này rất viên mãn, giải thích theo cách này rộng hơn. “Cần” (siêng năng) là tinh tấn, “Sách” nghĩa là “cảnh sách” (nhắc nhở, đốc thúc) chính mình, cổ vũ chính mình. “Cầu Tịch”: Tịch là tâm thanh tịnh. Do vậy, người học Phật chẳng cầu gì khác, chỉ cầu tâm địa thanh tịnh, chẳng bị ô nhiễm; không ô nhiễm là thanh tịnh, ô nhiễm là không thanh tịnh. Do vậy, chúng ta học Phật phải đặc biệt chú ý sao cho không bị ô nhiễm bởi Phật pháp. Pháp thế gian phải buông xuống, đối với Phật pháp chúng ta cũng phải học tập để buông xuống được, cũng đừng chấp trước! Kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống gì phi pháp). “Phi pháp” chỉ cho pháp thế gian, “pháp” là Phật pháp; Phật pháp lẫn thế gian pháp đều phải buông xuống hết.
Nay chúng ta không phải là thánh nhân, cũng chẳng phải là hạng căn tánh rất bén nhạy, nghiệp chướng, tập khí, phiền não hết sức sâu nặng. Trong Phật pháp, chúng ta chỉ chọn lấy Tịnh tông, chỉ chấp lấy Tịnh tông, bởi lẽ hoàn toàn không chấp trước thì hiện nay chúng ta chưa thể làm được, không có cách nào cả! Chỉ chấp trước Tịnh tông, còn hết thảy kinh điển Đại Thừa khác chúng ta đều buông xuống hết, như vậy là tốt! Với trình độ, hoàn cảnh hiện thời của chúng ta, chỉ có thể làm được như vậy. Kiên quyết chỉ trì ba kinh một luận, hoặc là năm kinh một luận của Tịnh Tông, hạ công phu nơi đó. Phải hạ “độn công phu” (công phu kém cỏi, cùn nhụt), chúng tôi thường nói là phải hạ “tử công phu”, [tức là] chết lòng trọn ý tu học. Trong phần chú giải có câu hỏi gì hay không? Không có câu hỏi thì chúng ta xem tiếp đoạn thứ hai.
Hỏi: Nói là “phát tâm từ bi”, có phải là chúng ta đợi đến khi nào tâm địa đối với tất cả mọi người đều điều chỉnh thành bình đẳng rồi thì mới phát tâm từ bi hay không?
Đáp: Phát tâm từ bi, thương xót hết thảy chúng sanh phải làm ngay trong hiện tại! Nếu đợi đến khi tâm mình bình đẳng rồi mới làm thì sẽ biến thành Tiểu Thừa. Phải làm ngay trong hiện tại, phải giúp đỡ người khác, tận tâm tận lực giúp người, làm được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Lúc làm cũng chẳng chấp tướng, đừng mong người khác báo đáp. Chúng ta bố thí ân huệ cho người ta không cầu báo đáp thì tâm chúng ta bèn thanh tịnh, cũng chớ nên nhớ canh cánh bên lòng “tôi làm bao nhiêu là việc tốt, tôi giúp đỡ bao nhiêu là chúng sanh”, tâm quý vị bị ô nhiễm, mất thanh tịnh rồi! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta “tam luân thể không”[5], phải làm, tận sức làm, làm xong quên đi, chớ nên chấp trước. Như vậy thì tâm mới thanh tịnh.
Đoạn thứ hai nơi trang
thứ ba, chúng ta xem dòng được in cao hơn:
Nhị, luật nghi giả, thập giới luật, chư oai
nghi dã.
(Hai: Luật nghi là mười giới luật và các oai
nghi)
Đoạn này giảng về giới luật của Sa Di. Giới Sa Di tổng cộng gồm mười điều. Trong Phật pháp, đặc biệt là với người xuất gia, mười giới điều này được gọi là Căn Bản Đại Giới, bắt buộc phải tuân thủ. Mọi người nhất định phải hiểu: Những người mới học phải thọ Căn Bản Giới, người đã tu lâu cũng phải thọ. A La Hán, Bích Chi Phật cũng phải tuân thủ, Bồ Tát cho đến tận địa vị Đẳng Giác Bồ Tát vẫn phải tuân thủ. Chẳng được nói kẻ nọ đã là Tỳ-kheo, đã là Bồ Tát, luật nghi Sa Di này có thể không cần phải thọ nữa. [Nói] vậy là lầm lẫn quá đỗi! Giống như cất nhà, dựng nhà trước hết phải đắp nền, rồi mới xây tầng thứ nhất, tầng thứ hai, tầng thứ ba. Xây đến tầng thứ ba rồi không cần hai tầng dưới nữa, có được hay không? Không có đạo lý ấy! Do vậy, Căn Bản Giới từ lúc sơ phát tâm cho đến khi thành Phật đều phải thọ trì kiên cố, phải biết điều này. Nói cách khác, Bồ Tát Giới có thể không cần thọ. Ta xây nhà có thể không cần xây tầng thứ ba, còn có hai tầng dưới thì vẫn có thể ở được. Giới Tỳ Kheo có thể không cần thọ; ta vẫn có tầng trệt để ở được. Quý vị phải hiểu đạo lý này! Làm Tỳ-kheo không cần luật Sa Di nữa giống như ta ở tầng hai, không cần đến tầng trệt nữa, xong ngay, quý vị ngã lăn chiêng! Hiểu rõ sự thật này thì quý vị mới hiểu được tánh chất quan trọng của luật nghi Sa Di.
Nói thật ra, chúng ta thực hiện tốt đẹp mười điều này, giới Tỳ Kheo, giới Bồ Tát có thể gác qua một bên, có thể không cần đến. Nếu không, sẽ là giả Tỳ-kheo, giả Bồ Tát, hữu danh vô thực, ấy là dối mình lừa người. Chúng ta trọng thực chất, không làm cho có hình dáng. Trì giới niệm Phật có thể đạt đến Thượng Thượng Phẩm vãng sanh, quý vị thật sự làm được. Thọ Bồ Tát giới chưa chắc được vãng sanh, vì sao? Là Bồ Tát giả, chưa phải là Bồ Tát thật! Phải biết, phải hiểu rõ điều này. Do vậy, chúng ta phải thật sự làm, nghiêm túc, chất phác tu hành.
Sa Di có mười giới điều và hai mươi bốn oai nghi. Nay ta gọi “oai nghi” là những “khuôn mẫu sanh hoạt”. Trong cuộc sống thường ngày, xử sự, đãi người tiếp vật, chúng ta phải tuân thủ những quy củ nào? Những nguyên tắc nào? Hai mươi bốn môn ấy chính là quy củ, là nguyên tắc. Nhưng những điều ấy do Thích Ca Mâu Ni Phật định ra lúc Ngài còn tại thế, đã cách thời gian hiện tại ba ngàn năm. Nay chúng ta đang sống ở Đài Loan, còn thời ấy là Cổ Ấn Độ; do vậy, phương thức sống của chúng ta khác hẳn, hết thảy cách nghĩ, cách nhìn đều khác với tiền nhân. Chúng ta phải làm thế nào để hiểu rõ tinh thần Luật Nghi, thấu suốt đạo lý, rồi ứng dụng vào cuộc sống thường nhật của con người hiện tại, như vậy thì mới đúng. Giống như pháp luật, ngay cả hiến pháp cũng không là ngoại lệ, cứ cách bao nhiêu năm đó lại phải tu chỉnh một lần, vì sao? Thời đại khác rồi. Có những điều khoản được quy định chỉ thích hợp cho thời ấy, không phù hợp với hiện tại, cần phải tu chỉnh.
Căn Bản Giới siêu việt thời gian lẫn không gian, chẳng thể biến đổi. Căn Bản Giới chỉ gồm bốn điều: Không sát sanh, không dâm dục (đây là đối với người xuất gia mà nói), không trộm cắp, không nói dối. Bốn điều ấy gọi là Căn Bản Giới, siêu việt thời gian lẫn không gian, bất luận ở khu vực nào, bất luận trong thời đại nào cũng đều chẳng thể biến đổi. Những điều khác có thể do thời gian, địa phương, tập quán sanh hoạt bất đồng, chỉ tuân thủ nguyên tắc tinh thần, có thể tu chỉnh những điều khoản ấy. Ở Trung Quốc gọi những điều ấy là Thanh Quy. Như trong đời Đường, Mã Tổ Đạo Nhất hòa thượng đề xướng lập tùng lâm, tức là đề xướng “mọi người cùng tu chung”. Bách Trượng đại sư lập Thanh Quy, Thanh Quy ấy chính là Giới Luật được “bổn thổ hóa” (tức địa phương hóa Giới Luật, diễn dịch Giới Luật cho phù hợp với văn hóa, quy củ của một đất nước). Hiện đại hóa Giới Luật, đem tinh thần, nguyên tắc bất biến của Giới Luật ứng dụng vào cuộc sống của con người hiện đại. Đấy là [đại sư] đã vì người Trung Quốc mà chế định một bộ Tân Giới Luật đại quy mô, mọi người chúng ta đều phải tuân thủ. Từ thời Bách Trượng đến nay cũng đã gần một ngàn bốn trăm năm, tình hình của chúng ta hiện thời không còn giống với một ngàn bốn trăm năm trước. Do vậy, mỗi một đạo tràng, mỗi một chùa miếu của chúng ta đều có “Thường Trụ Công Ước”, đều có quy củ. Đó đều là những chuyện thuộc về việc hiện đại hóa, bổn thổ hóa Giới Luật thích hợp cho đại chúng cùng tu trong một đạo tràng, lập ra một quy củ.
Nói riêng về thành phố Đài Bắc, quy củ của mỗi một chùa miếu không giống nhau, Thường Trụ Công Ước của mỗi một chùa miếu cũng khác nhau, [miễn sao] thích hợp với hoàn cảnh tu học của chính chúng ta. Những quy củ, công ước ấy đều thuộc vào Luật Nghi, do vậy, nhất định phải hiểu. Không hiểu sự thật này, chúng ta không thể thực hiện thông suốt những Luật Nghi ấy được. Do vậy, chúng ta đọc chúng, nghiên cứu chúng phải hiểu rõ tinh thần ở chỗ nào, phải thấu hiểu nguyên lý, nguyên tắc của chúng.
Thượng thiên Giới Luật
môn
(Thiên đầu là phần Giới Luật)
Sa Di Luật Nghi chia thành hai bộ phận: Thiên đầu giảng về Giới Luật, thiên sau giảng về Oai Nghi. Tiếp theo đây, trước hết giảng về phần Giới Luật. Giới Luật là căn bản, do Giới đắc Định, Oai Nghi nhằm phụ trợ Giới Luật, chúng là những khuôn phép trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta phải nhận thức rõ ràng hai chữ Giới và Luật. Trong trang này, đếm ngược lên là hàng thứ tư, [có ghi]: “Giới vi cấm giới, Luật tức pháp luật” (Giới là ngăn cấm, Luật tức pháp luật). Chữ Giới chỉ cho “cấm giới”, tức là ngăn cấm. Phật dạy chúng ta không được làm những chuyện nào, nên làm những chuyện nào. Do vậy, trong Giới Luật lại chia thành hai loại lớn: Một loại là Chỉ Trì (những điều không nên làm), loại kia là Tác Trì (những điều nên làm). Phật dạy chúng ta làm gì, chúng ta phải làm điều đó, không làm là Phạm Giới. Phật chẳng chấp nhận cho làm, chúng ta chớ nên làm, đó là Trì Giới. Không cho quý vị làm, quý vị cứ làm thì phạm giới rồi. Dạy quý vị làm mà quý vị không làm, cũng là phạm giới! Do vậy, Giới Luật có hai loại: Một là cấm chỉ, hai là dạy những điều quý vị phải làm. Luật là sau khi quý vị phạm giới rồi, giống như phán xét quý vị tội nặng hay nhẹ, đấy chính là pháp luật: Dùng luật pháp để đoán định quý vị tội nặng hay nhẹ. Đó gọi là Luật.
Tiếp đó là câu giải thích: “Phòng phi chỉ ác viết Giới, xử đoán khinh trọng, khai - giá - trì - phạm viết Luật” (Ngăn điều sai, dứt điều ác là Giới. Xử đoán nặng nhẹ, mở, ngăn, giữ, phạm, gọi là Luật). Giới là gì? “Phòng phi chỉ ác”. Luật là gì? Phán xử nặng - nhẹ, Khai, Giá, Trì, Phạm, chính là Luật. Quý vị chỉ cần nhớ kỹ hai câu này là được rồi.
Ở đây phải thuyết minh về “Khai - Giá - Trì - Phạm”. Mỗi một điều Giới Luật đều sống động, phương thức trì giới khác nhau, không giống nhau, phải biết điều này. Đấy là đức Phật đối với căn tánh bất đồng của hết thảy chúng sanh mà phạm vi của Khai - Giá - Trì - Phạm sẽ cạn, sâu, rộng, hẹp đều khác nhau. Giống như chúng ta dạy học trò, đối với học trò Tiểu Học chúng ta phải quản thúc rất nghiêm, vì sao? Do chúng nó chưa hiểu chuyện; không dạy dỗ, quản thúc nghiêm nhặt, chúng sẽ gây ra chuyện, bị tổn hại. Đối với học sinh Trung Học, chúng nó đã dần dần hiểu biết, cho nên hơi nới lỏng quy củ quản lý một chút. Đến bậc sinh viên Đại Học, chúng nó có năng lực phân biệt đúng - sai, hiểu rõ lợi - hại rồi, phạm vi dạy dỗ, quản thúc chúng càng được nới rộng hơn nữa.
Giới luật nhà Phật cũng cùng một đạo lý này. Đối với những phàm phu mới học, phải quản thúc thật nghiêm, thật gắt. Trong Phật pháp, như Tiểu Thừa giáo quản thúc rất nghiêm ngặt, hết sức bảo thủ. Đối với người Đại Thừa mà nói thì tương đối dễ dãi hơn. Vì sao? Người Đại Thừa có trí huệ, có năng lực phân biệt chân - vọng, có năng lực phân biệt tà - chánh, đúng - sai, thiện - ác, chính quý vị có năng lực phân biệt rồi, nên nới rộng rất nhiều. Đợi đến khi quý vị minh tâm kiến tánh, Kiến Tư, Trần Sa đều đoạn sạch, vô minh cũng phá được mấy phẩm, bèn nhập vào cảnh giới Hoa Nghiêm, “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đến lúc đó Giới Luật này mới được thật sự trì đến thanh tịnh viên mãn.
Thanh tịnh viên mãn thì có còn trì giới nữa hay không? Vẫn trì giới! Như chúng tôi thường hay nói: “Trì nhưng không trì, không trì mà trì”. Người ấy nhập cảnh giới này, tự nhiên chẳng phạm lầm lỗi, không có lầm lỗi. Về mặt sự tướng, Bồ Tát vẫn nghiêm túc chấp trì như thế để nêu gương cho những người mới học, tức là “hành trì” như trong phần trên đã nói. Chính bản thân vị đó đạt đến Sự Sự Vô Ngại, vì sao vẫn còn phải trì giới như thế? Làm cho người sơ học trông thấy, khiến cho kẻ sơ học thấy Bồ Tát luôn trì giới, vậy thì chúng ta không trì giới đâu có được! Nếu không, Bồ Tát đều không trì giới, chúng ta trì giới làm gì? Gây ra tác dụng ngược, hiệu quả ngược cho hàng sơ học thì chẳng phải là từ bi! Do vậy, Phật, Bồ Tát cũng trì giới, trì giới rất nghiêm, làm cho hàng sơ học trông thấy, phải hiểu các Ngài quả thật “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, họ làm như vậy là hành trì. Các ngài đã đoạn sạch hết ác rồi, ác đã không còn nữa, những gì các ngài làm đều thuộc về Hành Trì.
“Khai” là khai duyên, chữ Duyên có nghĩa là điều kiện. Dưới một điều kiện nào đó thì có thể khai giới, khai giới chứ không phá giới! Nếu không nhằm đúng những điều kiện ấy, Phật cấm ngặt quý vị làm, quý vị cứ khai là phá giới đó nghe! Nếu dưới một điều kiện hợp tình hợp lý nào đó, quý vị phá giới ấy thì chẳng gọi là “phá giới” mà là “khai giới”. Khai giới không có tội, chẳng những không có tội mà còn có công đức. Trong kinh Phật Thuyết Vị Tằng Hữu Nhân Duyên[6] có nêu một thí dụ, sách Pháp Uyển Châu Lâm, Chư Kinh Yếu Tập[7] cũng có dẫn thuật. Đương thời có một ông vua rất nóng nảy, hầu như đầu bếp nấu thức ăn không ngon, vua ăn vào không vừa ý, toan giết gã đầu bếp. Ngày hôm ấy, nhằm lúc Phu Nhân đang trì Bát Quan Trai Giới, thấy tình hình đó, vì muốn cứu gã đầu bếp, bà liền đặc biệt trang điểm thật lộng lẫy, khuyên quốc vương ca hát nhảy múa, hy vọng quốc vương thay đổi ý niệm, quên đi chuyện đó. Do vậy, Bát Quan Trai Giới của bà trong ngày ấy hoàn toàn bị phá sạch. Đấy có phải là phá giới hay không? Bà vì muốn cứu mạng một gã đầu bếp, vì để cứu một người, nên hành động ấy thuộc về khai giới, chẳng những phá sạch giới không bị tội, lại còn có công đức lớn. Đoạn văn này ghi chép rất tỷ mỉ, chúng tôi nhớ không rõ lắm, chắc là trong những bản chú giải đều có kể về chuyện Bát Quan Trai Giới này. Do vậy, phải hiểu “khai duyên” (duyên để khai giới) là gì? Nếu không có khai duyên mà tự mình muốn tìm cơ hội [để phạm giới] thì là sai mất rồi! Ấy là phá giới, chẳng phải là khai giới! Do vậy, chuyện Khai hay Giá này chính mình phải có trí huệ để phán đoán.
Chiều hôm qua, một người bạn cũ mời tôi ăn cơm tối, tôi không biết là sinh nhật ông ta, cứ đường đột đi đến. Cũng không đến nỗi nào là hôm qua tôi mang mấy bộ Vô Lượng Thọ Kinh đến tặng ông ta, chúc ông ta vô lượng thọ, cũng rất hay! Trong thời kỳ kháng chiến, ông ta gặp phải chuyện sau đây: Ba người bọn họ cùng thực hiện công tác bí mật tại Nam Kinh, bị hiến binh (cảnh sát) Nhật Bản phát giác. Hiến binh Nhật Bản liền truy đuổi họ. Họ chạy đến ngôi chùa ở ngoài cửa Trung Hoa thành Nam Kinh, nhằm lúc chùa đang làm pháp hội, ba người bọn họ chạy vào cầu cứu lão hòa thượng. Vị lão hòa thượng ấy rất có trí huệ, ngay lập tức bảo họ cạo đầu, mặc áo hải thanh, cùng mọi người niệm Phật. Do vậy, khi đội hiến binh Nhật đuổi tới nơi, cũng không sao tìm được ba người ấy, ba người bọn họ giữ được tánh mạng vẹn toàn.
Sau khi [kháng Nhật] thắng lợi, nghĩ đến ân cứu mạng của lão hòa thượng, bọn họ đặt một tiệc rượu hết sức linh đình mời lão hòa thượng nhằm tỏ chút lòng cảm tạ. Lão hòa thượng cũng đến; tới rồi, bọn họ mới nghĩ hòa thượng thì ăn chay, mà ở đây toàn là gà, vịt, cá, thịt chất đống, đều là đồ mặn, đúng là rượu nồng thịt béo. Không ngờ vị lão hòa thượng ấy thật bất phàm, lão hòa thượng nghiễm nhiên ngồi xuống, chuyện gì cũng không hỏi đến, nâng chén vui vẻ cùng uống với họ, khiến cho bọn họ trong tâm bội phục, rất cảm động. Đó gọi là khai duyên, là khai giới, không phải là phá giới! Lão hòa thượng không có tâm ý gì, nhưng Ngài biết bọn họ thành tâm cảm kích, trọn chẳng phải là bỡn cợt người xuất gia; do vậy, Ngài thỏa ý họ, khiến cho lòng họ vui vẻ. Đấy là khai duyên, nhất định phải hiểu điều này.
Có rất nhiều đồng tu tại gia tự mình học Phật, phát tâm ăn chay, nhưng người trong nhà không học Phật. Thọ Bồ Tát giới rồi, người ấy có nên nấu những món thịt thà cho cha mẹ ăn hay không? Đã nói là cắt thịt cũng phạm giới mà, điều này không sai! Quý vị cúng dường cha mẹ, lúc cha mẹ vẫn chưa tin Phật thì đó là “khai duyên”, chứ không phải phá giới. Quý vị phải từ chỗ này mà cảm hóa người trong nhà quý vị. Muốn cảm hóa người ta, trước hết quý vị phải làm cho họ có cảm nghĩ tốt đẹp đối với Phật giáo, sanh tâm hoan hỷ đối với Phật pháp thì quý vị mới có thể cảm động họ được. Nếu quý vị “làm như thế này không đúng, làm thế kia cũng không đúng”, bảo họ: “Ngươi ăn thịt chúng sanh, tương lai ngươi phải đền mạng”. Quý vị càng nói người nhà càng phiền não, càng nói càng nổi nóng hơn, chẳng những không giáo hóa, cảm hóa được họ mà trái lại còn tạo khá nhiều khẩu nghiệp, vậy là sai lầm lớn rồi! Như vậy là thiếu trí huệ. Quý vị thuận theo hết thảy, người ta cảm thấy Phật giáo tốt đẹp, Phật giáo thật sự tốt đẹp! Cách một thời gian sau sẽ dần dần cảm hóa được họ, phải vận dụng trí huệ. Thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào phương tiện thiện xảo của quý vị, mà cũng tùy thuộc thiện căn, phước đức của người nhà quý vị. Do vậy, phải có tâm nhẫn nại, phải có phương tiện, làm như vậy mới đúng. Tự nhiên người ta sẽ hồi đầu, sẽ hướng thiện, muôn vàn chẳng được cậy mình học Phật mà đối địch với người nhà, làm vậy là sai, hoàn toàn sai lầm.
Phật pháp được kiến lập trên cơ sở hiếu đạo. Câu thứ nhất trong Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Câu đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu”. Vì thế, phải có trí huệ, phải có phương tiện thiện xảo, phải có tâm nhẫn nại để cảm hóa người nhà, quyết định chẳng được đối lập. Trước khi người ta chưa hiểu rõ, chưa thấu suốt, người ta muốn gì đều nên tùy thuận. Trong lúc tùy thuận, chúng ta có tâm nhẫn nại, có trí huệ, có phương pháp để dần dần chuyển biến họ, vậy mới là đúng! Đây gọi là hiếu dưỡng chân chánh!
“Giá” là cấm ngăn, quyết định chẳng được vi phạm. Vì thế, phải hiểu Khai - Giá mới có thể trì giới. Lúc nào nên Khai mà không Khai, cũng gọi là phạm giới! Lúc nào nên Giá mà không Giá thì cũng gọi là phạm giới! Đủ thấy hai chữ “trì giới” nói dễ dàng ư? Chấp chết cứng vào giới điều thì không phải là trì giới, giới luật điều nào cũng sống động. Nếu như quý vị không hiểu Giới Luật, không hiểu vì sao Phật đặt ra giới điều ấy, dụng ý ở chỗ nào, đạo lý là đâu, làm sao ứng dụng được trong cuộc sống thường ngày? Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thuận cảnh, có nghịch cảnh, những cảnh giới ấy sai biệt rất lớn, trong những hoàn cảnh hết sức rắc rối, phức tạp, áp dụng giới điều này như thế nào? Đấy chính là Khai - Giá. Quý vị hiểu rõ Khai - Giá sẽ ứng dụng linh hoạt, sống động, ứng dụng hết sức viên mãn, tự lợi, lợi tha, đấy mới là trì giới. Do vậy, [trì giới] không phải là chuyện đơn giản. Không phải chấp chết cứng vào giới điều là trì giới, quý vị đã làm hoàn toàn trái ngược, sai lầm mất rồi!
Tôi vừa mới nêu thí dụ: Lão hòa thượng thuận theo mọi người cũng ăn thịt, cũng uống rượu, bọn họ cảm động rất mạnh, đối với Phật pháp thật sự khởi sanh tâm cung kính, biết vị xuất gia ấy vĩ đại, người xuất gia bất phàm, mười mấy người bọn họ đều được độ. Nếu vị lão hòa thượng ấy theo quan niệm trì giới như mọi người đã nói thì rượu làm sao uống được? Phải bỏ ngay đi! Đúng vậy, không sai, tợ hồ chính mình rất trì giới, nhưng khiến cho mọi người đối với Phật giáo có ấn tượng kém ác, mang ấn tượng cự tuyệt bài xích, vậy là sai mất rồi! Do vậy, Khai - Giá - Trì - Phạm hết sức quan trọng, không hiểu thì đừng bàn đến trì giới. Nhất định phải hiểu điều này. Hôm nay chúng tôi giảng đến đây thôi!
Hỏi: Xin hỏi có phải là mỗi giới điều đều có Khai - Giá - Trì - Phạm?
Đáp: Đúng vậy! Nay quý vị hiểu rõ Khai - Giá - Trì - Phạm, coi trọng; sau này trong mỗi một giới điều đều có giảng đến. Trước hết là phải xây dựng quan niệm, hiểu trì giới hoàn toàn không phải là như kiểu trì giới mà mọi người thường nói, trì giới kiểu đó thì kết quả là Phật giáo sẽ bị tiêu diệt mất trong thế gian này.
Hỏi: Không thọ giới thì không có vấn đề, hễ thọ giới sẽ có cả đống vấn đề, xin hỏi nên làm như thế nào?
Đáp: Đúng vậy! Vì thế, phải nghiêm túc nghiên cứu Sa Di Luật Nghi Yếu Lược, nhất định phải hiểu rõ. Quý vị hiểu rõ được bộ sách này rồi, người ta hỏi quý vị câu gì, quý vị đều có thể giải đáp được, lại còn hiểu trường hợp nào là thích đáng, tự mình phải nên làm theo cách nào.