- Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não
- Chương 02: Một môn khoa học đơn giản
- Chương 03: Sự khác biệt giữa hai bán cầu não
- Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến
- Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu
- Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động
- Chương 07: Chỉ còn não phải hoạt động
- Chương 08: Phòng trị liệu thần kinh
- Chương 09: Ngày thứ hai sáng hôm sau
- Chương 10: Ngày thứ ba, mẹ từ xa đến giúp
- Chương 11: Chuẩn bị cuộc giải phẫu
- Chương 12: Giải phẫu sọ
- Chương 13: Người bệnh cần biết
- Chương 14: Con đường dài phục hồi
- Chương 15: Phát hiện mới qua cơn xuất huyết não
- Chương 16: Sức mạnh tinh thần của mỗi người
- Chương 17: Sự an lạc trong tâm hồn
- Chương 18: Chăm sóc ngôi vườn tâm
TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm
CHƯƠNG 16
SỨC MẠNH TINH THẦN CỦA MỖI NGƯỜI
Tôi định nghĩa “trách nhiệm” là khả năng chọn lựa cách ứng phó trong một hoàn cảnh nhất định đối với những dữ kiện bên ngoài, thu nhận được qua các giác quan. Những dữ kiện này có thể kích động nhanh và tạo ra phản ứng hóa học trong cơ thể con người qua hệ thống limbic (phản ứng) và các “lập trình” ở não bộ. Những độc tố tạo ra từ các phản ứng này xuất hiện và kéo dài chỉ trong vòng 90 giây, rồi bị đẩy ra khỏi não bộ qua hệ thống tuần hoàn máu. Nên ta có thể kiểm soát bằng cách dứt bỏ chúng được, thì tâm thần ta an vui và cơ thể ít bệnh hoạn hơn. Thí dụ: tức giận. Do các điều kiện bên ngoài, “lập trình” tức giận tự động nổi lên một cách máy móc trong thần kinh não bộ. Không đầy 90 giây, các độc tố hóa học tiết ra từ cơn giận tiêu tan vào hệ thống tuần hoàn máu và bị loại khỏi cơ thể và phản ứng tự động “tức giận” ở hệ thống limbic cũng chấm dứt. Nhưng nếu có người vẫn còn giận dữ, là vì họ muốn làm như vậy, như là một đặc trưng của cá tánh họ. Họ giữ cho cảm giác tức giận vẫn còn “chạy vòng vòng” trong mạch thần kinh liên hệ ở não thùy trái, làm hại cho chính họ và khổ cho mọi người xung quanh. Tương tự như vậy đối với các tình cảm vui, buồn khác trong thất tình lục dục.
Cho nên bạn có thể kiểm soát và sửa mình để nhìn đời lạc quan, vui vẻ hơn; với cái nhìn “ô, ly nước còn đầy tới nửa ly”, chứ không phải “ôi, ly nước đã cạn hết phân nửa rồi!”. Nếu bạn đến với người khác bằng sự giận dữ, thì bạn có thể bị phản ứng lại bằng giận dữ và gây ra cuộc tranh cãi hoặc ấu đả (do não thùy trái). Hoặc người ta thấy buồn cười vì bạn quá trẻ con và họ cảm thương mà tha thứ cho bạn (từ não thùy phải). Khổ nỗi là phần lớn chúng ta chỉ phản ứng theo bản năng, không biết mình có “sức mạnh tinh thần”, có khả năng chọn lựa nên ứng xử thế nào trước mọi hoàn cảnh, làm sao vừa nhẹ lòng mình vừa vui dạ người. Bởi vì hệ thống limbic trong não chúng ta có từ thời tiền sử. Thời đó người tiền sử đã sử dụng nó để “chạy trốn” cho nhanh trước sức mạnh của thú dữ, của thiên tai; hoặc đứng lại mà đương đầu bằng sức mạnh thể chất của mình. Ngày nay, đã khác. Ta bị thượng cấp đối xử oan ức, làm hệ thống limbic khỏi lên “tức giận”; nhưng ta không thể chạy trốn hay dùng sức mạnh chống lại. Các hóa chất độc hại của cơn giận tiết ra không tiêu tán được trong hệ thống tuần hoàn máu, trở lại hại cơ thể ta. Ngày nay với sự hiểu biết, ta không hoàn toàn xử sự theo bản năng của hệ thống limbic (não bộ trái), mà là theo hiểu biết rằng mình có quyền chọn lựa, có sức mạnh tinh thần để chọn lựa (não bộ phải). Về lâu về dài, bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại đều là kết quả của sự bạn chọn lựa.
Sau cơn bệnh, tôi thường để nhiều thì giờ suy nghĩ, nhận xét về bộ óc con người và ngạc nhiên nhận ra nó thật kỳ diệu. Như Socrates đã nói: “Cuộc đời không quán chiếu là cuộc đời không đáng sống”, tôi thấy không còn sức mạnh nào đáng kể hơn khi biết mình có quyền năng chọn lựa sống đời hạnh phúc, không khổ đau. Chỉ là vấn đề “Nước đầy tới nửa ly”; hay “Nước cạn chỉ còn phân nửa” và biết khi nào phải dùng não bộ phải!
Con người, ai không gặp những hồi thất bại, nhũng lúc khổ đau? Nhưng từ đó hãy rút ra bài học, rồi để chúng qua đi (ý thức của não bộ phải). Đừng giữ chúng chạy tới chạy lui trong mạch thần kinh não, như một đoạn phim quay đi quay lại (ý thức của não bộ trái). Cũng đừng tự mãi trách mình “Phải chỉ.. Có lẽ...”. Giống như đi nhầm đường mà ở đó lẩn quẩn và buồn phiền. Dù biết vậy, thinh thoảng tôi cũng cho phép não bộ trái nghênh ngang, hống hách, tự cho mình khác biệt và tài giỏi hơn người, hăm hở tranh luận giành phần thắng. Nhưng rồi phần lớn trường hợp, tôi tự thấy mình khôi hài, lố bịch, nên tự động kiếm cách giảng hòa, rút lui. Hình như một nhà tư tưởng Đông phương có nói: “Thắng người phải có sức mạnh thể chất. Thắng mình là nhờ sức mạnh tinh thần”. Câu nói này rất đúng với khoa học não bộ ngày nay.
Với tôi, có lẽ vì là phụ nữ, rất dễ dàng khi hành xử “dễ thương” với mọi người. Chứ thực tình thì khi sinh ra, không có ai mang theo sách chỉ dẫn (như khi mua chiếc xe mới) để biết phản ứng với cuộc đời sao cho phải cách. Chúng ta chỉ là sản phẩm của cha mẹ và của hoàn cảnh. Nhờ ăn học và cơn bệnh sống chết của não bộ vừa qua, tôi chọn con đường tương thân tương ái của não bộ phải từ đây; vì biết rằng ai trong chúng ta cũng trên vai mang nặng những túi tình cảm tranh chấp, âu lo, hận thù, ganh tị, ích kỷ, hẹp hòi di truyền sinh học từ thuở lọt lòng.
Tôi biết rằng tôi cũng có khi lầm lỗi, nhưng tôi không nhất thiết tự mình mang mặc cảm là một kẻ tội đồ; và tôi cũng không coi những lỗi lầm của bạn là vì cố ý nhắm vào tôi. Khuyết điểm của bạn, khuyết điểm của tôi, mỗi người tự sửa lấy. Điều quan trọng là giữ tâm an vui và tốt bụng với mọi người. Tha thứ cho người và tha thứ cho mình là điều nên làm cho được. Nhìn đời phút giây nào cũng là phút giây hoàn hảo là ta đang sống ở Niết Bàn, Cực Lạc rồi đây!