- Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não
- Chương 02: Một môn khoa học đơn giản
- Chương 03: Sự khác biệt giữa hai bán cầu não
- Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến
- Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu
- Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động
- Chương 07: Chỉ còn não phải hoạt động
- Chương 08: Phòng trị liệu thần kinh
- Chương 09: Ngày thứ hai sáng hôm sau
- Chương 10: Ngày thứ ba, mẹ từ xa đến giúp
- Chương 11: Chuẩn bị cuộc giải phẫu
- Chương 12: Giải phẫu sọ
- Chương 13: Người bệnh cần biết
- Chương 14: Con đường dài phục hồi
- Chương 15: Phát hiện mới qua cơn xuất huyết não
- Chương 16: Sức mạnh tinh thần của mỗi người
- Chương 17: Sự an lạc trong tâm hồn
- Chương 18: Chăm sóc ngôi vườn tâm
TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm
CHƯƠNG 15
PHÁT HIỆN MỚI QUA CƠN XUẤT HUYẾT NÃO
Trải qua cuộc hành trình bất ngờ vào trong chiều sâu của não bộ qua cơn xuất huyết, tôi cảm tạ Đất-Trời đã cho tôi phục hồi toàn bộ từ thể lực, trí năng, tình cảm và tinh thần. Thật ra, trong thời gian 8 năm để phục hồi, tôi đã trải nghiệm một thách thức tâm lý lớn lao bởi nhiều lý do.
Khi tôi mất khả năng sinh hoạt của bán cầu não trái, tôi mất luôn cả cá tính mà rõ ràng là liên hệ mật thiết với não cầu này. Mà cá tính này có rất nhiều nét tiêu cực, không mấy tốt đẹp cho mình lẫn cho người, như: nóng giận, hay cãi lẫy, tự cho mình luôn luôn đúng, cái gì của mình là hơn hết! Phục hồi sinh hoạt bán cầu não trái có nghĩa là phục hồi cả các nét cá tính tiêu cực đó. Ngày xưa tôi không biết thì thôi. Nhưng nay, sau cơn xuất huyết não, tôi đã ý thức được những phẩm tính tốt đẹp biểu lộ từ bán cầu phải, thì các cá tính tiêu cực trên không thể chấp nhận được. Nhưng phải làm sao? Cũng như bạn thích chiếc áo, thích kiểu may, nhưng không ưa màu sắc của nó. Hoặc mua, hoặc không. Nhưng còn não cầu của bạn?
Làm sao tôi có thể cầu tiến cố gắng ăn học giỏi để có địa vị cao sang trong xã hội, mà không coi thường người dốt nát với số phận thấp hèn chung quanh? Làm sao tôi biết quý giá trị đồng tiền, biết dành dụm không phí phạm để trở thành dư giả, giàu có mà không sanh tánh muốn có thêm, tham lam và keo kiệt? Làm sao tự cho cái Tôi, cái Ngã của mình là nhất thiên hạ mà lại có thể đem lòng thương yêu, chia sẻ, cảm thông và bình đẳng với mọi người? Và quan trọng nhất là cái ý thức con người là một với vũ trụ. Tôi tự hỏi không biết phần ý thức nào của bán cầu phải sẽ bị mất đi khi bán cầu trái hoàn toàn hồi phục. Nhưng tôi không muốn mất ý thức con người với vũ trụ là một. Tôi không muốn bộ óc chạy quá nhanh theo danh lợi của cuộc đời khiến tôi phải đánh mất mình. Tôi không muốn thấy rằng mình là một cá nhân độc lập với toàn thể. Tôi cũng không muốn từ bỏ cái ý thức rằng cuộc đời là nơi thanh tịnh, an vui cho mọi người và mọi loài. Và như vậy, bán cầu phải của tôi phải làm sao để mọi người nhìn tôi mà không cho tôi là người bất thường?
Các nhà khoa học não bộ ngày nay đều đồng ý sự vận hành khác biệt của tế bào hai não bộ là điều đĩ nhiên. Nhưng sự khác biệt về cá tính và tâm lý từ hai bán cầu thì ít khi được bàn thảo đến. Thông thường, các nhà khoa học đều chế giễu não bộ phải coi như là đồ bỏ, không đáng để ý chỉ vì nó không biết nói (không có Trung tâm ngôn ngữ) và không biết về luận lý thẳng hàng (quá khứ, hiện tại, vị lai). Những nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Jekill và người phụ tá, còn mô tả bán cầu phải như là bộ phận không thể kiểm soát được, có khuynh hướng bạo động, một bộ phận dốt nát, ngu xuẩn, vô ý thức; bộ phận mà nếu người ta không có thì tốt hơn. Còn với sự ngược lại lớn lao, não bộ trái được ca tụng là nhà ngữ học, có thể biết đủ mọi thứ ngôn ngữ, nhà toán học; lại biết phân biệt thời gian, biết phương pháp học, biết luận lý học, rất thông minh và là trung tâm ý thức của con người.
Trước khi bị tai biến, não bộ trái độc quyền điều khiển ý thức của tôi từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, lấn át cả não bộ phải. Đến khi bệnh, não bộ trái không còn khả năng áp đặt nữa, não bộ phải mới được tự do biểu lộ phần ý thức của mình. Nhờ vào tai nạn chết người này, mà tôi, một nhà não bộ học, được trải nghiệm và khám phá những điều mới lạ kỳ thú về não bộ phải, mà các nhà khoa học não bộ không hề biết và cũng không “may mắn” bị xuất huyết não để được biết! Hai bán cầu não trong cùng một bộ óc không những vận hành khác nhau về phương diện thông tin trong kinh mạch tế bào, mà còn rất khác nhau trong sự tiếp nhận và giải thể các dữ kiện nhận được, khiến cho cách nhìn nhân sinh và vũ trụ hoàn toàn khác nhau. Tai biến não của tôi đã cho thấy trong tận cùng ý thức của não bộ phải là bản thể của con người, lúc nào cũng thanh tịnh và an vui. Cái ý thức trong tận cùng sâu thẳm này - mà Phật giáo gọi là “bản ngã” (Từ đúng cho trường hợp này phải được gọi là "bản môn" - PS.) - lúc nào cũng tỏa ra sự bình yên, an lạc và tình yêu thương cho mọi người và mọi loài. Nói như vậy, dĩ nhiên không có nghĩa là tôi bị mắc chứng thần kinh nhiễu loạn với nhiều cá tính khác nhau, khi vầy khi khác. Vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Xưa nay chúng ta không thể nhận biết vì chúng ta tin tưởng rằng mình chỉ có một nhận thức, một ý thức trong cái sọ này. Không khi nào ngờ rằng chúng ta có hai bán cầu não với hai cá tính hoàn toàn khác biệt trong cùng một bộ óc đang tranh cãi nhau. Chỉ cần một chút hướng dẫn là bạn có thể nhận ra dễ dàng. Phần lớn chúng ta, ai cũng có lúc thấy: lý trí muốn làm thế này (não trái) mà trong tâm hay trong bụng (não phải) muốn làm thế khác. Có người thì: tôi nghĩ (não trái) như vầy mà tôi cảm thấy (não phải) như kia. Còn người thì bảo: anh/chị sao mà dương tính quá (não trái), hãy âm (não phải) chút xíu đi! Còn nếu bạn là học trò của trường phái Karl Jung thì sẽ thấy “suy luận” (não trái) đối nghịch với “trực giác” (não phải). Mà các triết gia và khoa học gia đều đồng ý là trực giác lúc nào cũng đúng! Mục đích của tôi là giúp bạn biết rõ bạn sử dụng não bộ nào nhiều; để biết mà quân bình, không còn quá khích, hoặc biết khi nào nên thiên về trái hay phải.
Tôi nhận thấy hoạt động căn bản của não bộ phải là tỏa chiếu sự an vui, thanh tịnh và lòng yêu thương. Nếu chúng ta dùng nhiều thời gian trong đời mình để sử dụng mạch thần kinh này ở não bộ phải, thì an vui, thanh tịnh và tình yêu thương sẽ lan tỏa khắp mọi người, kể cả chúng ta; và cuối cùng, ta sẽ có an vui, thanh tịnh và tình yêu thương trên mặt đất này. Và đó là Niết Bàn, hay Cực Lạc mà Phật giáo nói đến. Cho nên khi ta biết rõ phần não bộ nào đang được sử dụng để xử lý các dữ kiện thu nhập từ bên ngoài, ta có nhiều chọn lựa để biết nghĩ, biết cảm, biết hành xử sao cho thích hợp với hoàn cảnh cá nhân và với cộng đồng nhân loại.
Từ quan điểm của tế bào thần kinh học, tôi đã vào được cảnh giới an lạc trong tận cùng thâm sâu của ý thức não bộ phải như đã trình bày, khi não bộ trái đã hoàn toàn bất động. Hai tiến sĩ Andrew Newberg và Eugene D’Aquily, nổi tiếng từ đầu thập niên này về nghiên cứu não bộ, đã giúp tôi xác định những gì tôi nhận biết xảy ra trong bộ óc tôi. Dùng kỹ thuật chụp ảnh SPECT (Phóng xạ trung hòa đơn tử chiếu rọi ra màn hình), các nhà khoa học này nhận diện được những tế bào thần kinh nào đang trong tình trạng trải nghiệm về tôn giáo hay tâm linh. Họ đã biết rõ vùng nào ở não bộ đã giúp tôi đạt đến ý thức mà tôi cho là một với vũ trụ (Thượng đế, Niết Bàn, Cực Lạc).
Một cuộc thí nghiệm khác cũng được thực hiện với các nhà sư Tây Tạng và các nữ tu khổ hạnh dòng Francisco. Những vị này được mời thiền định hay cầu nguyện trong máy SPECT. Thí nghiệm cho thấy khi các vị này thiền định tới mức độ cảm thấy sống trong Cực Lạc, hoặc cầu nguyện tới mức độ thấy mình là một với Thượng đế, thì tế bào thần kinh của họ chuyển hoạt động sang một vùng đặc biệt của não bộ phải. Trước đó, hoạt động của trung tâm ngôn ngữ ở não bộ trái ngưng hoạt động. Rồi đến vùng não trái nhận diện vật thể, không gian ba chiều và thời gian thứ tự cũng tắt theo. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao khi bị xuất huyết não, bán cầu trái chìm trong biển máu và ngưng hoạt động, thì tôi chỉ cảm giác tôi là chất loãng và hòa mình làm một với vũ trụ.