- Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não
- Chương 02: Một môn khoa học đơn giản
- Chương 03: Sự khác biệt giữa hai bán cầu não
- Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến
- Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu
- Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động
- Chương 07: Chỉ còn não phải hoạt động
- Chương 08: Phòng trị liệu thần kinh
- Chương 09: Ngày thứ hai sáng hôm sau
- Chương 10: Ngày thứ ba, mẹ từ xa đến giúp
- Chương 11: Chuẩn bị cuộc giải phẫu
- Chương 12: Giải phẫu sọ
- Chương 13: Người bệnh cần biết
- Chương 14: Con đường dài phục hồi
- Chương 15: Phát hiện mới qua cơn xuất huyết não
- Chương 16: Sức mạnh tinh thần của mỗi người
- Chương 17: Sự an lạc trong tâm hồn
- Chương 18: Chăm sóc ngôi vườn tâm
TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm
CHƯƠNG 3
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI BÁN CẦU NÃO
Từ hơn 200 năm nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai bán cầu não bộ con người. Người đầu tiên là Dupuis. Vào năm 1780, Dupuis đã tuyên bố là con người có bộ óc đôi, vì có hai bán cầu. Gần một thế kỷ sau, Arthur L. Wigan đã chứng kiến cuộc giảo nghiệm một người đã chết mà não bộ chỉ có một bán cầu. Người này lúc sống cũng đi, đứng, nói năng, và có ý thức như một người bình thường. Vì vậy Wigan rất hào hứng đưa ra thuyết “Con người có nhị trùng tâm”. Thuyết này gây nhiều hứng khởi cho các nhà khoa học Hoa Kỳ. Cho tới thập niên 1970, tiến sĩ Roger W. Sperry nhờ giải phẫu cắt rời hai bán cầu não để chữa bệnh “kinh phong”, đã khám phá ra vài điều mới mẻ. Trong bài diễn văn lãnh giải Nobel Y học năm 1981, tiến sĩ Sperry nhận định: “Khi hai bán cầu não bộ bị cắt rời, đương sự sẽ hành xử khác nhau như hai con người khác nhau, tùy theo bán cầu não trái hay phải được sử dụng”.
Những nghiên cứu và quan sát tiếp theo các bệnh nhân bị tách não làm đổi (để trị bịnh kinh phong) cho các nhà khoa học kết luận rằng: Khi 2 bán cầu não còn dính với nhau thì hoạt động “bổ túc” cho nhau; còn khi bị mổ tách rời thì sẽ hoạt động như 2 bộ não “độc lập”, riêng biệt. (Tiến sĩ Jekyll).
Nhờ hai bán cầu não trái và phải hoạt động bổ túc cho nhau nên chúng ta mới có những nhận xét, hiểu biết về nhân sinh và vũ trụ một cách rất độc đáo mà các loài sinh vật khác không thể có được. Sự bổ túc này rất hài hòa đến nỗi chúng ta không thể phân biệt khi nào chúng ta sử dụng bán cầu não trái và khi nào là bán cầu não phải. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể biết. Nhưng trước hết, điều quan trọng là phải biết phân biệt người thuận tay phải hay tay trái với người thiên về bán cầu não phải hay trái.
Bán cầu não phải điều khiển nửa phần thân thể bên tay trái, và bán cầu não trái điều khiển nửa phần thân thể bên tay phải. Còn người thuận sử dụng bán cầu não phải hay trái thì lại khác. Muốn biết một người thiên về sử dụng bán cầu phải hay trái thì hãy quan sát cách họ “nói năng” (sử dụng ngôn ngữ) và cách họ “nghe” và “hiểu“ lời nói (tiếp nhận và giải mã ngôn ngữ) của người khác. Nói chung, gần như 85% dân số thuận tay phải và thiên về sử dụng bán cầu não trái. Và khoảng 60% người thuận tay trái cũng thiên về sử dụng bán cầu não trái. Như vậy số người thuận sử dụng bán cầu não phải không nhiều.
Khi các dữ kiện (ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác, ý tưởng) hằng ngày không ngớt tràn ngập não bộ con người qua các giác quan, thì bán cầu não phải tiếp nhận các dữ kiện này bằng hình ảnh như hình chụp của máy ảnh, được rửa ra và được dán chồng lên nhau. Thí dụ: mắt “thấy“ cô gái này đẹp thì trong não bộ phải có nguyên hình cô gái với toàn cảnh, thí dụ cô gái ấy ở một tiệc cưới, ở quán kem, ở nhà một người bạn... Tai “nghe” tiếng giảng đạo của một linh mục thì có hình ảnh của vị linh mục đó tại nhà thờ... “Nỗi buồn” hay sự “thất vọng” cũng được não phải lưu giữ bằng hình ảnh trong một bối cảnh nào đó. Những hình ảnh này được lưu giữ cho dù sự kiện đã xảy ra cách nhiều năm, khi hồi tưởng lại ta cũng như đang “thấy” trước mắt, nhất là khi hình ảnh đó ngày xưa đã gây quá nhiều ấn tượng. Với não bộ phải, sự ghi nhận không có thời gian. Chỉ là “hình ảnh” được ghi lại “bây giờ“ và “nơi đây” với đầy đủ cảm giác rất sống động. Não bộ phải không bị gò ép phải “suy tưởng” theo một nguyên tắc hay khuôn khổ lề luật nào, và đó là não bộ của các nghệ sĩ, tu sĩ, nhà đạo đức, các nhà khoa học lo cho tương lai nhân loại, chuyên nghĩ đến những việc mà người “bình thường” không hề nghĩ đến. Não bộ phải, phần trước trán, cũng làm cho chúng ta nghĩ đến tình nhân loại, nghĩa đồng bào, cùng sống trong một dải đất, trên một tinh cầu, biết thương yêu nhau, giúp đỡ, nhường nhịn, sống chung hay chết chung với nhau.
Não bộ trái thì ngược lại trong việc ghi nhận các dữ kiện. Tiếp nhận những sự kiện từ não bộ phải như là hình ảnh của một tổng thể, não bộ trái đem ra phân tích, phê phán và sắp xếp theo hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị, thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai), tình cảm (thương ghét, vui buồn), khối lượng (nặng nhẹ, lớn nhỏ)... Nói chung là não bộ phải nhìn mọi sự dưới dạng toàn cảnh và tổng thể; còn não bộ trái thì dùng ngôn ngữ để mô tả từng chi tiết, theo thứ tự thời gian, theo phân biệt tình cảm. Thí dụ: não bộ phải khi gặp một người thì ghi nhận ngay hình ảnh người ấy gặp trong một khung cảnh nào đó. Não trái sẽ ghi chi tiết: nam nữ, chủng tộc, cách ăn mặc, nói năng, học vấn, cá tính... (Ở điểm này, ta gọi là óc nhận xét). Hay nhìn một đóa hoa. Não bộ phải chỉ ghi nhận: đóa hoa và bất cứ hoa gì thì cũng thấy đẹp. Còn não trái sẽ ghi hoa gì, màu gì, mùi gì, cánh hoa, đài hoa, cuống hoa, xấu, đẹp như thế nào.
Nhờ thu nhận hình ảnh người, vật, cảnh nên não bộ phải nhìn đâu cũng đẹp, dễ thương, độc đáo, biết tôn trọng vật hay người đã nhìn thấy, và thấy cá nhân mình chỉ là một phần trong toàn phần, không có sự kỳ thị, phân biệt hơn kém, thương ghét. Trái lại, với chức năng phân biệt, phê phán theo giá trị, xếp loại theo hạng mục, não bộ trái tạo ra nhiều dễ dàng trong đời sống, nhưng cũng từ đó làm cho đời sống thêm phức tạp hơn lên. Thí dụ: mục đích của thức ăn là để no bụng. Nhưng có người đói thấy thức ăn, thì ăn. Có người đói lại không ăn, vì thức ăn bị chê là không ngon, hay bày biện không hợp... lễ. (Còn con vật hễ đói, thấy đồ ăn thì... ăn, không cần ngon dở hay lễ nghĩa gì cả).
Thêm nữa, não bộ trái có khả năng ngôn ngữ nên biết diễn tả mọi sự mọi vật thật chi tiết, rõ nét, dễ hiểu, làm cho sự hiểu biết của loài người được tích lũy và lưu truyền càng ngày thêm phong phú, khiến cho con người càng ngày một thông minh, tiến bộ qua quá trình tiếp thu kiến thức hàng ngàn năm. Với những kiến thức được phân loại theo hạng mục, con người cũng tiên đoán được những gì sắp xảy ra, tránh được phần nào tai họa (thời tiết, giông bão, động đất, sóng thần...).
Nhưng cũng chính với những khả năng đặc biệt của não bộ trái, con người, và chỉ có loài người mà thôi, đã tạo ra biết bao khốn khổ cho chính mình và người chung quanh. Nhờ khả năng ngôn ngữ, con người biết tự đặt câu hỏi: “TÔI LÀ... AI?” Bản ngã từ đó sinh ra. Cái Tôi, cái ngã càng được trau chuốt, quan trọng hóa, thì khốn khổ tự thân của con người cũng dồn dập.
Khi bán cầu não trái bị thương tật, người bệnh sẽ mất khả năng nói và hiểu lời nói của kẻ khác. Nhưng nhờ bán cầu não phải, họ sẽ cảm nhận được là người đối diện đang nói thật hay nói dối qua sự nhận xét cách nói, giọng nói, vẻ mặt, và điệu bộ. Bán cầu não phải vì vậy có khả năng bổ túc cho bán cầu não trái về mọi lĩnh vực sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, khi não trái bị tai biến hay thương tật.
Loại tai biến mà tôi trải nghiệm là sự xuất huyết trầm trọng bên bán cầu não trái. Sau khi đã được mổ sọ để lấy khối máu khô ra, tôi đã phải mất 8 năm mới hoàn toàn hồi phục thể lực và trí lực. Các chương tiếp theo sẽ kể tiếp cho bạn biết những gì đã xảy ra. Tôi cũng nhiệt tình khuyến khích các bạn hãy tìm đọc thêm những tài liệu về khả năng của bộ óc, về sự sinh hoạt của hai bán cầu trong một con người bình thường, để bạn có thể giúp những người bị tai biến mạch máu não phục hồi một cách hữu hiệu, và giúp cho chính bạn sống cuộc đời mình tốt đẹp hơn.