- Chương 1: Tiếng chuông chánh niệm
- Chương 2: Nền đạo đức toàn cầu
- Chương 3: Sống biết tiết chế là giữ gìn cho đất Mẹ
- Chương 4: Thiên nhiên và tình thương bất bạo động
- Chương 5: Vượt thoát sợ hãi
- Chương 6: Sự tiếp nối đẹp đẽ
- Chương 7: Biết chăm sóc chính ta, người muốn bảo vệ môi trường
- Chương 8: Thành phố thiếu bóng cây xanh
CHO HÒA BÌNH VÀ MÔI SINH
Thích Nhất Hạnh
Sống biết tiết chế là giữ gìn cho đất Mẹ
Trong kinh Tử Nhục, Bụt có kể câu chuyện như sau: Có một cặp vợ chồng đi cùng với đứa con trai nhỏ vượt qua sa mạc để đến định cư ở xứ khác. Vì không khéo sắp xếp nên đi mới nửa đường thì đã hết thức ăn. Biết rằng cả ba người sẽ chết dọc đường nên hai vợ chồng đã bàn bạc với nhau và đã quyết định giết đứa con trai để ăn thịt dù rất đau lòng. Mỗi sáng họ phải ăn một khúc thịt trên xác đứa con trai để có đủ sức đi tiếp quảng đường còn lại. Vừa ăn họ vừa khóc than: “Ôi, đứa con trai nhỏ thân yêu của chúng ta ở đâu rồi?” Phần thịt còn lại họ vác trên vai để phơi khô và đi tiếp. Mỗi tối họ đều nhìn nhau và hỏi nhau: “Đâu rồi đứa con trai nhỏ yêu quí của chúng ta?” Rồi họ bức tóc, bức tai, đấm ngực, gào thét như điên dại. Cuối cùng họ cũng vượt qua được sa mạc, đến được vùng đất mới.
Kể xong câu chuyện, Bụt hỏi các thầy: “Các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia sung sướng khi ăn thịt đứa con của mình không?” – “Bạch Thế Tôn, không. Cặp vợ chồng kia đau khổ cùng cực khi phải ăn thịt chính đứa con thân yêu của mình”.
Cho nên đức Bụt dạy ta phải tập ăn uống như thế nào để giữ được lòng từ bi trong ta. Nếu ta ăn uống không có chánh niệm thì cũng như ta ăn thịt đứa con của chính mình.
Qua kinh Tử Nhục, Bụt dạy ta nên thực tập tiêu thụ cho có chánh niệm để có được một tương lai tốt đẹp hơn. Nhìn vào hiện tại ta có thể thấy được tương lai, vì tương lai được làm bằng hiện tại. Cho nên muốn có một tương lai tươi sáng, chúng ta phải thay đổi hiện tại. Nếu ta áp dụng kinh Tử Nhục vào đời sống hằng ngày, không những ta cứu được bản thân mình mà cứu được cả đất mẹ, tức là hành tinh xanh của chúng ta.
Trái đất của chúng ta sỡ dĩ lâm vào tình trạng nguy khốn như hiện nay là vì chúng ta sống không có chánh niệm, chúng ta sản xuất và tiêu thụ một cách thiếu ý thức, tạo ra quá nhiều chất độc gây ô nhiễm cho môi trường, làm trái đất bị nóng lên, khí hậu trở nên khắc nghiệt; bạo động, kỳ thị, hận thù và tuyệt vọng ngày càng gia tăng ở khắp nơi.
Ta vẫn thường cho rằng thân thể này là của ta, ta có quyền làm những gì ta muốn. Đó là cách nghĩ của chủ nghĩa cá nhân, mà luật pháp hình như cũng có lập trường như vậy. Theo lời Bụt dạy thì thân thể của ta không phải là của riêng ta mà thân thể của ta là của ông bà, cha mẹ, của tổ tiên và của cả thế hệ tương lai. Thân thể của ta cũng thuộc mọi người trong xã hội và mọi loài chúng sanh khác. Hình hài này là sự cấu tạo của rất nhiều yếu tố như đất nước, mây trời, cây xanh và mọi thứ chung quanh. Thân thể của ta cũng giống như đất Mẹ của ta vậy, được biểu hiện bởi rất nhiều yếu tố kết hợp lại. Và chính đức Bồ Tát Trì Địa là người đã đưa các yếu tố ấy lại với nhau.
Cho nên biết giữ gìn thân thể mạnh khỏe là một cách bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của mình đối với toàn thể vũ trụ, đối với ông bà tổ tiên, đối với các thế hệ tương lai. Nếu chúng ta có sức khỏe thì mọi người, mọi loài chung quanh ta đều được thừa hưởng nguồn năng lượng dồi dào đó. Thực tập giới thứ năm là thực tập giới hạnh của Bồ tát, là đi trên con đường của Bồ tát.
Chúng ta cũng biết là chúng ta ăn cái gì thì chúng ta là cái đó. Chỉ cần nhìn vào thức ăn hàng ngày của ta là có thể biết được con người ta như thế nào rồi. Ta cần phải ăn uống để sống nhưng nếu ta ăn uống không có chánh niệm, ta sẽ làm tổn hại đến thân thể, đến tâm thức của ta. Và sống như thế là không biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ và các thế hệ tương lai. Có lúc ta cũng đủ sáng suốt để thấy rằng ta ăn món này là không tốt cho sức khỏe, thế mà ta vẫn ăn, bởi vì ta có một nỗi cô đơn trống vắng nào đó trong lòng, nó bắt ta phải ăn một cái gì đó để quên đi, để khỏa lấp những bực bội, khó chịu trong ta. Cho nên Bụt dạy là mỗi khi ta có cảm giác lo lắng, sợ hãi, ta đừng tìm cách chạy trốn hay đè nén nó bằng thức ăn. Những lúc đó, ta phải mời năng lượng chánh niệm có mặt, ta có thể đi thiền hành, hoặc thở những hơi thở có ý thức để chế tác năng lượng chánh niệm, để chánh niệm ôm ấp, chăm sóc những năng lượng tiêu cực đang làm mình khổ đau. Nếu ta không đủ chánh niệm thì khi sợ hãi, lo âu, giận hờn xuất hiện, ta lại tìm cách trấn áp nó bằng cách ăn uống thiếu chừng mực.
Đức Bụt dạy học trò của Ngài, mỗi thầy mỗi sư cô phải có một chiếc bình bát để đi khất thực. Bởi vì chiếc bình bát, gọi là ứng lượng khí, đựng vừa đủ thức ăn cho mỗi người dùng, không quá nhiều, không quá ít. Bởi vì ăn quá nhiều thì sẽ bị bịnh. Chứng béo phì hiện nay đã trở thành một vấn đề nan giải ở xã hội tây phương. Trong khi đó ở những nước nghèo khó người dân không có đủ thức ăn. Chúng ta thường ít để tâm đến việc ăn uống cho điều độ. Thực tập ăn trong chánh niệm sẽ giúp ta biết được ta nên ăn gì và ăn bao nhiêu là đủ. Ta sẽ chọn ăn những gì thích hợp với cơ thể của ta mà thôi. Và ta nên ăn ít lại, ít hơn số lượng ta thấy cần phải ăn mỗi ngày. Những người ăn ít thường là những người có nhiều sức khỏe và nhiều niềm vui. Những người ăn nhiều thường là những người có nhiều khổ đau trong lòng. Và khi ăn, ta nên nhai cho kỹ, ta chỉ nên ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể và ngăn ngừa tật bệnh, ăn uống cẩn thận như vậy thì ta sẽ không ăn thịt của tổ tiên và con cháu ta như trong kinh Tử Nhục nói.
Thực tập ăn trong chánh niệm cho ta cơ hội tiếp xúc sâu sắc với thức ăn, ta có dịp thấy được cả vũ trụ đang có mặt trong thức ăn, cả đất trời và bao nhiêu loài chúng sanh đang nuôi dưỡng ta, do đó ta sẽ ăn với tất cả lòng biết ơn và niềm vui lớn. Ta sẽ nhìn kỹ từng món ăn trước khi đưa vào miệng, và ta sẽ nhai kỹ ít nhất 50 lần trước khi nuốt. Ăn như vậy ta tiếp xúc được với toàn thể vũ trụ, ta thấy được giá trị của từng cọng rau, từng miếng bánh mì, ta thấy được tương quan tương duyên giữa ta và mọi loài chúng sanh, và ta trân quý từng miếng ăn cho ta sự sống.
Có những niềm vui mang tính chất nuôi dưỡng và trị liệu, cho ta sự nhẹ nhàng, bình an, tươi mát, giúp ta giữ được sự tỉnh táo sáng suốt, những niềm vui đó phải biết tưới tẩm, duy trì. Bên cạnh đó có những thú vui không lành mạnh lắm, có thể gây khổ đau về sau, chẳng hạn thích uống rượu, hoặc ăn quá nhiều chất ngọt, những thú vui này có hại cho sức khỏe vì đưa nhiều độc tố vào thân tâm. Cho nên ta phải có chánh niệm để biết phân biệt.
Ngồi ăn cơm với gia đình, với bạn bè là những cơ hội quý báu mà không phải ai cũng có được. Nhiều người trên thế giới đang đói khổ, vì thế mỗi khi nâng bát cơm hoặc cầm ổ bánh mì trên tay, ta ý thức rằng mình đang có nhiều may mắn, và ta gởi lòng xót thương đến những người không có thức ăn, không có gia đình, không có bè bạn. Thực tập như thế ta nuôi dưỡng được lòng từ bi trong ta. Ta không cần phải đến chùa hay đến nhà thờ mới thực tập được điều này. Ngay tại bàn ăn, ta thực tập ăn trong chánh niệm để hạt giống từ bi luôn được tưới tẩm và nuôi dưỡng ta. Ta có thêm quyết tâm muốn có những hành động tích cực để giúp đỡ những người đang đói khổ và những người neo đơn đang cần sự chăm sóc của chúng ta.
Mỗi ngày ta nên xem lại số lượng thịt ta đã tiêu dùng. Đã có nhiều phật tử biết ăn chay trường để nuôi dưỡng lòng từ bi đối với các loài vật. Ngày nay người ta cũng nhận thấy rằng ăn chay có thể giúp giải quyết nạn đói kém đang xảy ra trên khắp thế giới và có thể ngăn chận tình trạng hâm nóng toàn cầu. Kỹ thuật nuôi súc vật để ăn thịt ngày nay đã gây nhiều thiệt hại lớn lao cho môi trường, cũng như chịu một phần tư trách nhiệm về hiệu ứng nhà kính.
Không được chánh niệm hướng dẫn trong cách ăn uống và sản xuất, ta sẽ đối xử rất bạo động với chính thân thể của mình, với mọi loài sinh vật trên trái đất này. Đất Mẹ đã phải gánh chịu rất nhiều khổ đau vì cách ăn uống thiếu chừng mực của chúng ta. Kỹ thuật chăn nuôi gia súc để ăn thịt đã là nguồn gốc gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Các chất dơ thải ra từ các nông trại, lò mổ đã đổ tràn ra các sông hồ và các nguồn nước uống. Chỉ ở nước Mỹ thôi đã có hàng trăm triệu hecta rừng bị san bằng để trồng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Những khu rừng nhiệt đới giữ độ ẩm cho trái đất và làm nơi cư trú cho biết bao nhiêu loài thảo mộc và động vật nay đã bị đốt phá và khai hoang để trồng cỏ cho gia súc ăn.
Hàng triệu tấn ngũ cốc đã được sử dụng để làm rượu và để nuôi gia súc lấy thịt. Trong khi đó loài người không có lúa gạo để ăn. Theo bản báo cáo của Hội Bảo Vệ Môi Trường ở Mỹ (Environmental Protection Agency) thì trong năm 2000, khoảng 80% số lượng bắp thu hoạch được ở Mỹ đã được dùng để nuôi gia súc, gia cầm và làm thức ăn cho cá. Cho nên khi ăn một miếng thịt mà biết quán chiếu sâu sắc, ta sẽ thấy rằng để có miếng thịt này, người ta đã phải tiêu tốn một khối lượng nước và thóc lúa khổng lồ. Người ta cũng đã tiêu tốn một khối lượng tương đương để chế biến rượu. Trong khi đó, mỗi ngày có hàng triệu trẻ em chết vì đói và thiếu dinh dưỡng. Tại sao ta không dùng khối lượng lúa gạo đó để nuôi trẻ em? Khi uống rượu, nếu có chánh niệm, ta cũng thấy là ta đang uống máu của con cháu chúng ta. Khi ăn thịt cũng vậy, ta cũng sẽ thấy là ta đang ăn thịt cha mẹ, ăn thịt con cháu chúng ta, ta đang gậm nhấm dần mòn trái đất của chúng ta.
Chúng ta phải vận động làm thế nào để thay đổi nền công nghiệp chăn nuôi hiện tại. Nếu chúng ta ngưng tiêu thụ thì người ta sẽ ngưng sản xuất. Nếu chúng ta ăn thịt là chúng ta tiếp tay cho việc phá rừng, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, làm khí hậu thay đổi bất thường. Chỉ cần chúng ta thay đổi chế độ ăn uống, thay vì ăn thịt, chúng ta ăn chay là chúng ta có thể góp phần vào việc khôi phục lại sức khỏe cho hành tinh Mẹ của chúng ta. Nếu chúng ta chưa ăn chay trường được, chúng ta có thể ăn chay năm hoặc mười ngày trong tháng. Mỗi ngày chúng ta có thể ăn bớt thịt lại, làm được như vậy là đã có thể tạo ra phép lạ, giúp giải quyết được nạn đói kém đang xảy ra ở các nước đang phát triển và làm suy giảm hiệu ứng nhà kính rồi.
Trong các truyền thống Phật giáo, các tu sĩ đều ăn chay. Nhiều phật tử cư sĩ ở Việt Nam, ở Trung Quốc cũng ăn chay, có người ăn chay trường, có người ăn chay một tháng mười ngày. Tôi rất mong mọi người đều có thể giảm bớt ít nhất là một nửa số lượng thịt mình ăn mỗi ngày. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ gần đây, nhiều thiền sinh Mỹ đã cho biết là họ đã nguyện không ăn thịt nữa. Có người giảm được 50%. Điều này cho thấy rằng ý thức cộng đồng (collective awakening) đang được khơi động mạnh mẽ. Khi ta bắt đầu phát nguyện ăn chay trường hoặc ăn chay vài ngày trong tháng, ta cảm thấy rất vui và khỏe trong lòng. Ý thức cộng đồng có thể làm thay đổi thế giới.
Mọi người trong xã hội đều có thể giúp nhau thực tập tiêu thụ có chánh niệm, trong gia đình, nơi học đường, các nhà lãnh đạo các đoàn thể, ngay cả tổng thống một cường quốc đứng đầu thế giới cũng cần thực tập tiêu thụ có chánh niệm để khuyến khích dân chúng nuôi dưỡng một lối sống lành mạnh, giúp ngăn chận bạo động gây khổ đau cho đất nước.
Khi ta phá vỡ được cái vỏ bản ngã nhỏ bé của ta, ta mới thấy ta có tương quan mật thiết với mọi người, mọi loài chung quanh. Ta sẽ thấy bất cứ những gì ta làm đều có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, toàn thể vũ trụ. Vì vậy khi ta biết giữ gìn cho ta là ta biết giữ gìn cho tổ tiên, cho cha mẹ, cho các thế hệ tương lai. Ta phải biết giữ gìn cho bản thân ta lành mạnh, cả thể chất và tinh thần. Khi ta tiêu thụ có chánh niệm là ta giúp cho thân tâm được lành mạnh, góp phần trị liệu cho bản thân và cho trái đất của mình.
Trong kinh Bốn Loại Thức Ăn, đức Bụt dạy rằng ngoài đoàn thực, tức là thức ăn đưa vào cơ thể bằng đường miệng, còn có những loại thức ăn khác có tác dụng nuôi dưỡng hoặc tàn hoại thân tâm như xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Đoàn thực là loại thức ăn thứ nhất, thứ hai là xúc thực, tức là thức ăn đưa vào cơ thể qua đường mắt, tai, mũi, thân và ý. Khi ta xem phim hay đọc báo, xem quảng cáo, nghe nhạc hay chuyện trò là ta đang tiêu thụ, đang ăn loại thức ăn thứ hai tức là xúc thực.
Thức ăn của ta có khi là những bản nhạc giúp ta thư giãn, là hương thơm thoảng lên từ khu vườn xanh mát, là những cái đẹp của thế giới chung quanh. Cũng có khi thức ăn của ta chứa nhiều độc tố, như khi lái xe vào thành phố, những bảng quảng cáo hai bên đường sẽ đi vào tâm thức của ta. Khi trò chuyện với người khác, những lời nói đầy hận thù, bạo động của người đó cũng đi vào trong ta. Ở Mỹ, một đứa trẻ học xong Sơ Cấp, trung bình xem trên ti vi khoảng 8000 vụ giết người và 100.000 vụ bạo động khác. Chừng đó là quá nhiều chất độc cho một đứa trẻ. Một phần những chất độc làm hư hoại thân tâm là do ông bà, cha mẹ ta trao truyền lại.
Khi nói về xúc thực, đức Bụt đã kể câu chuyện một con bò bị lột da, đi đâu con bò cũng bị nhiều loại côn trùng đến bám vào da để hút máu và ăn thịt. Con bò không còn cách nào để tự bảo vệ mình. Khi con bò đi đến gần một cây cỗ thụ già hay một bức tường xưa cũ đầy rêu thì nó bị những con côn trùng trong vỏ cây hay trong bức tường bay ra bám vào nó để hút máu và ăn thịt. Nằm trên đất, nó cũng bị các loài côn trùng trong đất bám vào nó để hút máu và ăn thịt, xuống nước cũng vậy, nó cũng bị các loài côn trùng dưới nước bám vào để hút máu và ăn thịt. Khi chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà không có chánh niệm, ta cũng giống như con bò bị lột da kia, ta để cho đủ thứ độc tố bám vào thân tâm và hủy hoại thân tâm.
Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực, tức là những ước muốn sâu sắc của ta, những điều ta muốn thực hiện trong đời sống, chính những điều này cho ta nhiều năng lượng để hoàn thành. Về loại thức ăn thứ ba này, đức Bụt cũng cho ta một ví dụ rất rõ ràng:
Có một chàng thanh niên rất cường tráng đang sống trong thành phố. Không xa thành phố lại có một hố than hồng đỏ rực. Nếu không may bị rơi vào hố than đó là sẽ bị phỏng nặng, sẽ đau đớn khủng khiếp và có thể sẽ chết. Một ngày kia có hai người lực lưỡng kéo chàng thanh niên về phía hố than hồng, chàng thanh niên biết rất rõ rằng nếu rơi vào hố than đỏ là sẽ đau đớn lắm và sẽ mất mạng thôi, cho nên chàng thật sự không muốn rơi vào đó nhưng hai người lực lưỡng kia cứ ghì kéo chàng ta đi về phía hố than đỏ rực ấy.
Hai người lực lưỡng đó chính là lòng tham muốn của ta. Nếu ta không có chánh niệm và cứ muốn chạy theo danh vọng, tiền tài, sắc dục, thì ta đang bị kéo về phía hố than nóng bỏng, sớm muộn gì ta cũng sẽ bị thiêu hủy.
Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Thức ở đây tức là tâm thức của ta, ý thức và tàng thức. Về thức thực, Đức Bụt cũng có câu chuyện như sau :
Có một người tội phạm bị kết án tử hình. Nhà vua ra lệnh cho quan lính tìm bắt anh ta và đưa anh ta về thành phố. Sau khi người tội phạm được đưa về thành phố, nhà vua ra lệnh buổi sáng mang anh ta ra và đâm anh ta 100 nhát dao. Sau đó nhà vua hỏi: “Tên tội phạm như thế nào rồi, các ngươi có đâm anh ta 100 nhát không?” Các người lính trả lời: “Tâu bệ hạ, chúng thần đã đâm nó 100 nhát rồi mà nó vẫn chưa chịu chết.” Nhà vua ra lệnh tiếp: “Đến trưa hãy lôi anh ta ra và đâm anh ta thêm một trăm nhát nữa.» Sau đó nhà vua lại hỏi: “Tên tội phạm như thế nào rồi?” « Dạ thưa, anh ta vẫn chưa chết”. Nhà vua nói: “Đến tối hãy mang anh ta ra và đâm thêm 100 nhát nữa”.
Kể đến đây, Bụt hỏi: “Các thầy nghĩ sao? Người đàn ông kia có đau đớn lắm không?” Các thầy trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, bị đâm 100 nhát là khủng khiếp lắm rồi, 300 nhát thì làm sao chịu nổi ?
Tâm thức chúng ta cũng liên tục bị đâm như thế trong đời sống hàng ngày. Trước khi loài người xuất hiện, trên trái đất này đã có rất nhiều khổ đau. Khổ đau theo đạo Bụt là sự thật thứ nhất. Có sống là có khổ - dukkha, khổ vì bệnh tật, khổ vì giận hờn, chán nản, tuyệt vọng. Tất cả những khổ đau mà tổ tiên ta đã phải trải qua vẫn tiếp tục có mặt trong ta. Nỗi khổ đó liên tục tiếp diễn trong đời sống hằng ngày của ta chẳng khác gì những nhát dao liên tục đâm vào tên tội phạm. Những lời nói gay gắt của ai đó, ngay cả những ý nghĩ đen tối của ta cũng làm cho lòng ta đau nhức như bị dao cắt .
Thật ra khổ đau của ta không phải là của riêng ta, nó là khổ đau chung của mọi người và mọi loài của mọi thời đại. Đức Bụt gọi đó là Tập Đế, sự thật thứ hai. Có những khổ đau do ông bà cha mẹ để lại nhưng cũng có những khổ đau do ảnh hưởng từ các loài sinh vật khác sống trên trái đất. Bởi vì tất cả chúng ta đều có liên hệ mật thiết với nhau. Dù chúng ta không sống trong vùng đang có chiến tranh nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn ghi sâu trong tâm thức chúng ta. Có thể ý thức không hay biết điều đó, nhưng tàng thức luôn ghi nhận những gì đang xảy ra chung quanh.
Khi ta ý thức được khổ đau đang có mặt trong ta, ta sẽ tìm xem khổ đau ấy từ đâu tới, có phải nó bắt nguồn từ tâm thức cộng đồng, từ ông bà cha mẹ ta hay là do một lời nói không dễ thương của ai đó? Nếu ta cứ một mực tin rằng chính người kia đã làm cho ta đau khổ và ta cứ để tâm oán trách người đó thì ta khó mà chuyển hóa được nỗi khổ ấy. Cũng như nếu ta cứ quy trách nhiệm cho nỗi khổ tâm của mình là vấn đề hâm nóng toàn cầu, mà ta không thấy được những yếu tố khác góp phần vào việc tạo ra nó thì nỗi khổ tâm của ta cũng khó mà được chuyển hóa. Chỉ khi nào ta thấy được khổ đau của ta là khổ đau chung của tất cả mọi người trong xã hội, lúc đó ta mới có khả năng làm cho nó chấm dứt. Đó là sự thật thứ ba, Diệt Đế, khả năng chấm dứt khổ đau, đưa đến an lạc.
Sự thật thứ tư là Đạo Đế, là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Đó là con đường thực tập chánh niệm. Nếu chúng ta không thực tập tiêu thụ có chánh niệm đối với bốn loại thức ăn mà Bụt đã dạy thì chúng ta khó mà cứu vãn được hành tinh của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải đánh thức đức Bụt trong ta dậy, bởi vì chúng ta cần tuệ giác của toàn thể cộng đồng nhân loại thì mới có đủ khả năng và điều kiện để khôi phục lại sức sống của hành tinh thân yêu của chúng ta.