Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ lục 1: Phật giáo Tây Tạng và cuộc đối thoại Liên Tôn

25/03/201213:05(Xem: 10293)
Phụ lục 1: Phật giáo Tây Tạng và cuộc đối thoại Liên Tôn
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU
Nguyên tác: LE DALAI LAMA PARLE DE JÉSUS
Éditions Brepols, Paris. 1996
Người dịch: Vĩnh An

PHỤ LỤC MỘT
PHẬT GIÁO TÂY TẠNG VÀ CUỘC ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN


Cuộc hội thảo này về Phúc Âm là một kinh nghiệm cảm động sâu sắc đối với tôi. Chỉ cần nghĩ đến là tôi tìm lại được bầu khôngkhí trang nghiêm lung linh thấm nhuần tất cả. Nhìn lại, tôi có cảm tưởng một tinh thần vô hình đã hướng dẫn tôi trong những ngày ấy. Sự minh mẫn tinh thần và chia sẻ tâm linh với tất cả những người hiện diện đã ghi lại trong ký ức tôi những ấn tượng không bao giờ quên. Với vai trò là người phiên dịch của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cuộc gặp gỡ ấy đối với tôi là một kinh nghiệm còn phong phú hơn. Tôi tự hỏi phải chăng tương giao tự nhiên và nồng nhiệt giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và cha Laurence Freeman, hai nhân vật chủ chốt của cuộc gặp gỡ đã thấm đẫm toàn thể cuộchội thảo. Nếu không thì cũng đem lại cho biến cố đáng chú ý ấy sự trangnghiêm khác thường.

Quả thật, cuộc đối thoại ấy có tầm quan trọng lịch sử. Đã hẳn, đó là lần đầu tiên vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo không phải là Kitô giáo đã trình bày và chú giải Phúc Âm trước quần chúng. Nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc những lời Kinh thánh quả là chấn động. Một bên là giọng nói với âm sắc thân quen và một bên là những từ ngữ và hình ảnh của bản văn linh thánh không phải của Tây Tạng, đem đến cho cộng đoàn tôn giáo một kinh nghiệm hoàn toàn mới lạ. Nhiều người tham dự đã cảm thấy tầm mức tâm linh đích thực của những ngày ấy. Trong những trường hợp như thế, mỗi người tìm được sức mạnh để vượt qua những tri giác thông thường và phân cách. Thật vậy, khi người ta vượt qua những trói buộc của tư tưởng duy lý và tư biện mọi khái niệm “isme” (duy…) đều bị xóa bỏ. Kinh nghiệm ấy gọi bằng gì không quan trọng, có thể là tính siêu việt, giác ngộ tâm linh hay kinh nghiệm tôn giáo. Điều chủ yếu là mọi tôn giáo lớn đều có những lời giáo huấn thiêng liêng có thể dẫn đưa chúng ta vào chính chiều sâu tâm linh ấy.

Đấy là những tình cảm nổi lên trong tôi lúc viết một bài giới thiệu ngắn về Phật giáo để in kèm theo cuốn sách lý thú này. Tôi xin đưa ra một viễn cảnh khá rộng lớn về Đạo Phật ngõ hầu độc giả chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể hân thưởng những lời chú giải của ĐứcĐạt Lai Lạt Ma trong một bối cảnh đầy đủ hơn. Trong một quan điểm nào đó, một lời dẫn nhập như thế này có vẻ thừa, bởi lẽ chính tiêu đề của chủng viện “Đối thoại với con tim rộng mở” đã diễn tả yếu tính của sứ điệp Phật giáo. Khi người ta xin Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm tắt giáo huấn Phật giáo, ngài trả lời thật đơn giản : “Hãy giúp đỡ người khác khi bạn có thể làm được ; nếu bạn không thể làm được thì ít ra tránh đừng làm hại bất cứ ai.” Lời giáo huấn này là trái tim của đạo Phật. Ở mức độ đó,không có sự khác nhau cơ bản nào giữa giáo huấn của Đức Kitô và Đức Phật. Phục vụ người khác bằng tình yêu và lòng từ bi, đó là con đường cứu độ. Hai lời giáo huấn cùng giới thiệu một phương tiện để vượt qua những giới hạn hẹp hòi của một cuộc đời ích kỷ. Cả hai thừa nhận mỗi người chúng ta đều có chủng tử của sự giác ngộ tâm linh. Tuy nhiên, những tính chất đặc thù của mỗi đạo đáng được tìm hiểu và đánh giá, không chỉ về mặt thuật ngữ, hình tượng và các điều kiện văn hóa, lịch sửhàm ngụ trong đó. Không nên vì sự khác nhau làm chúng ta xa rời điều cốt yếu, cũng không nên vì những điểm giống nhau mà bỏ qua những nét dị biệt. Cách tiếp cận của Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với các sách Tin Mừng (Phúc Âm) với sự thừa nhận cả hai phương diện vừa nói quả là đặc sắc. Đểnhận định tốt nhất những điểm nổi bật trong lời chú giải của Đức ngài chúng ta thử xác định các đặc tính hình thành thế giới tâm linh của ngài– thế giới Phật giáo Tây Tạng.

Đức Phật và giáo huấn của Ngài

Tôn giáo và đời sống tâm linh của Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt rễ sâu xa trong những lời giáo huấn đầu tiên của Đức Phật và những biến đổi trong lời giáo huấn suốt lịch sử hai mươi lăm thế kỷ. Việc huântập triết học Phật giáo tạo nên nền tảng của sự phát triển trí thức và tiếp tục hình thành thế giới quan của ngài. Trong đường hướng Phật giáo,một sự kết hợp chặt chẽ giữa học vấn và suy tư sẽ được xem như tiêu điểm của cuộc sống và chúng ta tìm thấy ảnh hưởng ấy trong cách xử kỷ tiếp vật của Đức ngài.

Vậy, Phật giáo là gì ? Có thể trả lời dễ dàng và cũngrất hiển nhiên rằng : Phật giáo là tôn giáo của Đức Phật. Nhưng dù có định nghĩa như thế, ta phải tránh cạm bẫy, đừng nghĩ rằng có một truyền thống thuần nhất được gọi là “Phật giáo” với một hệ thống tín điều và hành đạo duy nhất. Cũng như mọi truyền thống tôn giáo lớn, với thời gian, Phật giáo đã biến đổi thành rất nhiều dòng – tất cả đều cho rằng mình nắm giữ “những lời giáo huấn của Đức Phật”. Mỗi trường phái kể lại sự phát triển lịch sử của mình bắt đầu từ Đức Phật Cồ Đàm, vị Phật lịch sử đã sống khoảng sáu trăm năm trước công nguyên.

Rất khó có thể nói chính xác bản văn nào trong số những kinh điển Phật giáo khác nhau thuật lại đúng lời Đức Phật đã nói. (Chỉ riêng kinh điển của Tây Tạng đã có hơn một trăm quyển lớn thuật lạilời Đức Phật) Tuy nhiên, người ta có thể phân biệt một số ý tưởng then chốt là trọng tâm sứ điệp tâm linh của Phật giáo. Con đường dẫn đến giảithoát khỏi mọi đau khổ do Đức Phật giảng dạy đòi hỏi một sự hiểu biết sâu xa chính bản chất của cuộc sống. Cuộc sống chỉ là sự luân hồi bất tận những điều bất như ý và phương tiện để chấm dứt luân hồi ấy là sự sáng suốt sâu sắc nhận ra bản tính chân thật của nó. Mọi cá nhân khởi đầu cuộc tìm kiếm tâm linh phải hiểu rõ vận động không ngừng nối liền nhân, duyên và quả. Không gì có thể hiện hữu nếu không có nguyên nhân, và một khi mọi nguyên nhân đã được tạo ra, không gì có thể ngăn cản hậu quả xuất hiện. Cũng theo Đức Phật, chính sự bám víu sâu xa và lâu dài vào khái niệm một “ngã vị” thường hằng là nguyên nhân chính của việc conngười bị trôi lăn trong đau khổ. Biết bao điều độc hại do sự bám víu ấymà ra – quan trọng nhất là tham vọng ích kỷ, thù hận và ngu dốt (tham, sân, si) – Nó đặt nền tảng cho một cuộc sống đầy sự nhiễu loạn về tâm lývà tình cảm. Phương cách ứng xử của chúng ta với đồng loại chủ yếu là bám víu lấy những người chúng ta coi như thân thiết với ngã vị và bỏ quanhững người chúng ta quan niệm đang đe dọa ngã vị. Trên nền tảng đó, chúng ta làm những hành động vừa có hại cho mình vừa có hại cho người khác. Con đường dẫn đến giải thoát chính là phát triển sự hiểu biết sángsuốt rằng không có một ngã vị nào tồn tại một cách thường hằng.

Do vậy Đức Phật rất khác với những vị thầy dạy đạo cùng thời với ngài : Ngài dạy về vô ngã (anatman) và chỉ ra rằng khái niệm tự tính hay ngã cá nhân cố định là nguồn gốc của mọi đau khổ. Nhữngluận cứ triết học dùng để chứng minh không thể có một tự tính cố định hay bất biến thường rất tế nhị và gồm nhiều chi tiết nhưng phần lớn dựa trên dòng chảy bền bỉ nằm bên dưới mọi hiện hữu do nhân quả. Tóm lại, mọi vật do một nguyên nhân sinh ra tất nhiên là tạm thời, một trong những lý do là không có gì có thể hiện hữu trước khi được sinh ra. Chúngta cũng thế, do các nguyên nhân tạo ra do đó không có bản tính thường hằng. Là những hữu thể “tạm thời”, chúng ta không thể có một ngã vị hay một tự tính cố định hoặc bất biến, mặc dù niềm xác tín vô căn cứ thường làm cho chúng ta tin vào điều trái lại (ngã vị bất biến, thường hằng).

Những nguyên lý phát biểu trên đây là nội dung của Bốn Tiên đề và như người ta thường gọi là một công thức truyền thống cô đọng toàn bộ tư tưởng Phật giáo : 1) mọi sự vật do nhân duyên sinh đều giả tạm ; 2) sự gì bị các trạng thái tinh thần tiêu cực làm ô nhiễm tất nhiên sẽ gây ra đau khổ ; 3) mọi sự vật không có tự tính hay ngã vị ; và4) Niết bàn là sự bình an đích thực.

Những nguyên tắc ấy hàm ý Bốn Chân lý Cao cả, một công thức truyền thống khác hướng dẫn việc thực hành đạo Phật : 1) có sựđau khổ ; 2) có nguồn gốc của sự đau khổ ; 3) có sự chấm dứt đau khổ ; 4) có con đường dẫn đến sự chấm dứt ấy. Chân lý đầu tiên trong Tứ diệu đế, sự đau khổ, được liên kết với ý niệm vô thường. Thật vậy, phần lớn sự đau khổ của chúng ta là do chúng ta tưởng rằng thế giới và cuộc đời phải cung cấp cho chúng ta một điểm quy chiếu cố định và bất biến, khi mà mọi việc trong kinh nghiệm hằng ngày chứng tỏ bản chất không tránh khỏi và luôn luôn có mặt của sự đổi thay. Chân lý thứ hai, nguồn gốc củasự đau khổ liên quan đến các trạng thái tinh thần tiêu cực hoặc “vô minh” vì chúng thúc đẩy chúng ta làm những hành động gây ra đau khổ. Sự chấm dứt đau khổ, chân lý thứ ba đã là niết bàn, một trạng thái bình an hoàn hảo bởi lẽ mọi đau khổ đã được đoạn trừ. Sau cùng, chân lý thứ tư chỉ rõ có một con đường dẫn đến Niết bàn, liên quan chặt chẽ với nguyên lý vô ngã, vì mọi sự thực hành đạo Phật chủ yếu nhắm đến việc thực hiện vô ngã đó. Thật vậy, sự thực hiện ấy cho phép loại trừ những trạng thái tinh thần tiêu cực, nguồn gốc của đau khổ.

Bốn Tiên đề và Bốn Chân lý Cao cả cho ta một cái nhìngiản lược về tư tưởng và sự thực hành đạo Phật, nhưng còn phải trình bày một yếu tố rất quyết định cả về tư tưởng và sự thực hành : đại từ bi. Nếu sự yêu thương người lân cận và đức từ bi đã đóng vai trò ưu thắng trong sự thực hành đạo Phật từ khởi thủy của đạo thì chỉ trong truyền thống Đại thừa (maha-yana) lòng từ bi mới phát huy hết mọi độ lớn. Đã hẳn mọi Phật tử đều theo các học thuyết kể trên, nhưng còn phải xác định cứu cánh thật sự của việc hành đạo. Trong mức độ nào mà, người hành đạo tìm cách làm đau khổ của người khác chấm dứt cùng một lúc với sự đau khổ của mình ? Đối với những tín đồ của Phật giáo đại thừa, trongđó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, mục đích của việc hành đạo không chỉ là chấm dứt đau khổ của riêng mình và tìm được hạnh phúc cá nhân mà còn chấm dứtđau khổ của tất cả chúng sinh và bảo đảm một hạnh phúc lâu dài cho họ. Chỉ có đấng toàn giác mới có thể hy vọng đạt được mục đích đó. Vì thế, tín đồ của Phật giáo đại thừa nỗ lực đạt đến sự toàn giác (bodhi) của Phật tánh. Trong hình thức giản lược nhất, sự hành đạo đại thừa bao gồm sáu điều hoàn thiện (sáu ba-la-mật) định hướng cho sự phát triển cá nhânvà bốn phương tiện (tứ nhiếp pháp) dùng để khai triển tinh thần cho người khác. Sáu điều hoàn thiện là : lòng quảng đại, đức hạnh, kiên nhẫn, sự tinh tấn, tập trung và trí huệ. Bốn phương tiện là : cho người khác vật gì họ đang cần, dùng lời nói nhân từ trong mọi trường hợp, đem điều đạo đức khuyên bảo người khác và làm một tấm gương sống động cho những nguyên lý ấy. Sáu điều hoàn thiện và bốn phương tiện tạo thành “lýtưởng Bồ Tát”, chủ đề mà giờ đây chúng ta sắp đề cập đến.

Lý tưởng Bồ Tát

Lý tưởng Bồ Tát chắc chắn đã là một ý niệm tôn giáo quan trọng nhất sinh ra từ phong trào Phật giáo đại thừa. Bồ Tát, nguyênnghĩa là “người có hạnh nguyện anh hùng muốn đạt đến giác ngộ”, một conngười vị tha, được phú cho một lòng can đảm (dũng lực) lạ lùng. Các vị Bồ Tát có năng lực tự giải thoát mình khỏi đau khổ, nhưng trước tiên họ muốn đảm nhận nhiệm vụ giải thoát người khác khỏi đau khổ. Lòng từ bi của các vị không giới hạn và siêu việt mọi tư tưởng chia rẽ. Vị bồ tát là bạn thân, đầy tớ và là bà con tinh thần của mọi người không phân biệt. Sức mạnh từ bi của bồ tát được thể hiện bằng nhiều phương tiện kể cả nghệ thuật tạo hình. Trong văn hóa Tây Tạng, sự diễn tả phổ biến nhấtlòng từ bi vô cùng ấy là truyền thuyết về Tchènrézi (Bồ Tát Quán Thế Âm) có ngàn cánh tay. Tchènrézi cảm thấy đối với hằng hà sa số chúng sinh một nỗi lo lắng và một lòng từ bi mãnh liệt đến nỗi bồ tát nghĩ rằng trừ phi mình có được ngàn tay, ngàn mắt, mình mới có thể hoàn thànhđiều mong ước của tất cả chúng sinh. Do sức mạnh của hạnh nguyện hoàn hảo ấy, một ngày kia bồ tát có được ngàn tay và ngàn mắt. Đối với các tín đồ của Phật giáo đại thừa hình ảnh ấy đến nay vẫn còn là một biểu tượng tôn giáo mạnh mẽ.

Lòng từ bi mà vị bồ tát cảm nhận đối với chúng sinh không phải là một kinh nghiệm đơn thuần do cảm xúc, vì tình cảm của bồ tát không căn cứ vào sự bám víu và những tính toán vị kỷ, giống như suy nghĩ của một con người nhân hậu khoan dung giúp đỡ chúng ta về vật chất hoặc về tinh thần. Trái lại, đó là một tình cảm tự phát từ nơi sâu thẳm nhất trong lòng chúng ta khi thấy người khác đau khổ và nhận ra rằng mọichúng sinh giống chúng ta ở rất nhiều điểm. Nói cách khác chúng ta cảm thấy mình liên kết với người khác và có một mối đồng cảm với họ trong khi vẫn tương đối thoát khỏi mọi ràng buộc. Không có sự ràng buộc bám víu, cũng không có sự dửng dưng lãnh đạm. Dĩ nhiên, một lòng từ bi như thế cần được trao dồi kỹ càng từng bước một. Chính vì thế phải có sự tham gia của cái nhìn thấu suốt – tri kiến sâu xa – Đây chính là nhà hàng hải khéo léo điều khiển con tàu của lòng từ bi. Theo kinh điển đại thừa, chính nhờ lòng từ bi mà một vị bồ tát từ bỏ sự giác ngộ cho riêng mình còn tri kiến sâu xa cho phép siêu việt thế giới thăng trầm của cuộcnhân sinh. Nói cách khác, vị bồ tát đi theo con đường trung đạo giữa sựbình an đơn độc của không-hiện-hữu và dòng biến dịch miên trường.

Giai đoạn đầu tiên của đạo bồ tát dùng để “phát triểnđộng lực anh hùng”. Vị bồ tát bày tỏ hạnh nguyện đi tìm giác ngộ viên mãn ngõ hầu giải thoát mọi chúng sinh khỏi đau khổ. Hạnh nguyện ấy phải có nền tảng là lòng từ bi sâu sắc và niềm xác tín kiên cường về tầm quantrọng vô cùng của việc cống hiến cuộc đời mình vì lợi lạc của tha nhân.Xác tín của một bồ tát mạnh mẽ đến nỗi vị ấy sẵn sàng, nếu cần, trải qua vô lượng kiếp để hoàn thành những mong ước của mọi chúng sinh không bỏ sót. Đoạn sau đây thường được Đức Đạt Lai Lạt Ma trích dẫn, chứa đựngyếu tính của hạnh nguyện ấy :

Bao giờ hư không vẫn còn tồn tại,
Bao giờ vẫn còn dẫu một chúng sinh,

Nguyện rằng tôi còn ở lại đời đời

Để chấm dứt khổ đau cho thế giới.

Một khi đã phát triển động lực anh hùng ấy, vị bồ tátsẽ gắng sức thực hiện sáu sự hoàn thiện và bốn phương tiện. Sự luyện tập này sẽ trở thành mục đích chính của đời mình. Đối với những cá nhân đó sự thực hành tôn giáo sẽ không bao giờ chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống mà là nền tảng và cứu cánh độc nhất. Nhiều bản văn cổ của đại thừa mô tả cuộc đời của vị bồ tát. Trong số đó quan trọng nhất và nổi tiếng nhất chắc chắn là cuốn Hành trình về giác ngộ của Shantidéva (Nhà xuất bản Padmakara ấn hành tại Pháp 24290 Saint-Léon-sur-Vézère). Là một nhà thơ Phật giáo Ấn Độ sống vào thế kỷ thứ VII, Shantidéva được mọi Phật tửđại thừa tôn sùng như một vị thánh. Ở Tây Tạng, sách của ngài dùng làm quy chiếu căn bản cho những ai muốn học hỏi và thực hành lý tưởng bồ tát. Bất cứ ai đã nghe dù chỉ một ít lời giáo huấn của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại sẽ nhận thấy ảnh hưởng to lớn của tác phẩm vừa kể trên cách suy nghĩ và hành động của ngài. Độc giả cũng sẽ ghi nhận Đức Đạt Lai LạtMa ở đây dựa vào cuốn sách nổi tiếng ấy của đại thừa với sự tự nhiên vàdễ dàng như thế nào.

Tầm quan trọng của tri kiến sâu sắc

Chúng ta đã thấy, tri kiến sâu sắc là chìa khóa của giải thoát. Đối với một Phật tử, đời sống tôn giáo là cuộc đời đi tìm sựgiác ngộ viên mãn. Bởi vì tình trạng “ngủ mê” bắt nguồn từ sự lầm lạc nền tảng về bản chất của cái ta và của thực tại, nên để giác ngộ, điểm mấu chốt là phải nhận thức bản chất ấy là gì. Nhưng nhận thức không, không đủ. Tri kiến “cách thế hiện hữu của sự vật” phải trở thành một phần trong toàn bộ cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nói cách khác, tri kiến phải sâu sắc để có thể tác động lên toàn bộ hữu thể của chúng ta. Nhận thức toàn bộ ấy được gọi là trí huệ, trí huệ chỉ có thể sinh ratrong một tinh thần thật sự bình an. Trong biệt ngữ Phật giáo, chúng tanói về trạng thái “liên kết giữa định (samatha) và huệ (vipas-yana)”. Ởphần đầu bài chú giải về Phúc Âm, hai khía cạnh của thiền định Phật giáo được gọi là “trầm tư phân tích” và “trầm tư chiêm niệm”. Trong phầntrầm tư chiêm niệm, tinh thần và đối tượng của trầm tư hòa trộn vào nhau còn trong trầm tư phân tích tinh thần thăm dò bản chất sâu xa của đối tượng. Một người hành đạo chân chính phải đạt được sự kết hợp hai khía cạnh ấy trong cùng một động tác nhận thức đơn thuần.

Bản chất chính xác của tri kiến sâu sắc về “cách thế hiện hữu sự vật” là gì ? Trong Ấn Độ cổ, bốn trường phái triết học chínhđã phát triển để trả lời câu hỏi đó. Trường phái vaibhasika thực sự đã chối bỏ sự hiện hữu của một “tự ngã” thường hằng và bất biến, nhưng lại chấp nhận sự hiện hữu của một thực tại dưới hình thức những đơn tử khôngthể phân chia được gọi là (chư) pháp. Trường phái sautrankita bác bỏ quan điểm ấy để quan niệm thực tại bằng từ ngữ các nguyên tử và các đơn vị thời gian khách quan, không thể phân chia được. Các môn đệ của trườngphái cittamatra bác bỏ mọi quan điểm gán cho thế giới vật chất một nền tảng khách quan và chủ trương rằng chỉ tâm thức mới có một thực tại tối hậu. Trường phái madhyamaka coi mọi quan điểm trên như những định đề thuần túy cần phải bị bác bỏ bởi lẽ theo trường phái này chủ trương những quan điểm đó có nghĩa là chứng thực một vật không tồn tại trong thực tế. Đối với trường phái madhyamaka tánh Không là bản chất thực của mọi vật và mọi biến cố – nói cách khác, bất kỳ sự vật hay biến cố nào cũng đều không có một hiện hữu hay một căn tính nội tại. Tánh Không là chân lý, thực tại tối hậu và quy chế sau cùng của mọi vật. Tri kiến đíchthực về tánh Không sâu thẳm mở ra cánh cửa dẫn đến giác ngộ và giải thoát tâm linh. Phật giáo Tây Tạng cho rằng triết học của trường phái madhyamaka là đỉnh điểm của tư tưởng triết học Phật giáo và cũng là tư tưởng rất gần với sự im lặng cao cả của Đức Phật. Tương quan giữa tầm quan trọng chủ yếu của cách tiếp cận duy lý và bản chất thinh lặng nền tảng của thị kiến tâm linh tối hậu là một trong nghịch lý lớn của Phật giáo. Những giáo huấn của madhyamaka về tánh Không dường như có khả nănggiải quyết nghịch lý ấy nhiều nhất. Những tôn sư chính của dòng tư tưởng này là Nagarjuna (người đã thành lập trường phái madhyamaka vào thế kỷ thứ II) ; môn đệ chính của người là Aryadéva, Chandrakirti (ngườiđã sáng lập vào thế kỷ thứ VI trường phái prasangika, một phân nhánh của madhyamaka) và Shantidéva (tác giả cuốn Hành trình về giác ngộ).

Phật giáo Tây Tạng

Phật giáo đã du nhập vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ VII và nhanh chóng trở thành triết học và tôn giáo hàng đầu của dân tộc. Quanhiều thế kỷ, bốn trường phái chính của Tây Tạng đã xuất hiện : đó là các trường phái nyingma, kagyud, sakya, và guéloug. Sự khác nhau giữa các trường phái phần lớn do niên đại và dòng dõi của các tôn sư hơn là do vị trí của học thuyết nói riêng. Bốn truyền thống ấy gắn với đại thừa; tất cả đều coi quan điểm đại thừa như đỉnh điểm của diễn từ triết họcPhật giáo. Còn quan trọng hơn nữa, các trường phái nhất trí tuyên bố Phật giáo vajrayana là con đường tâm linh tối hậu dẫn đến giác ngộ. Vajrayana hoặc “Kim Cang thừa” là đại biểu của Phật giáo bí truyền. Trong số những nét đặc trưng của con đường này, chúng ta ghi nhận tầm quan trọng của quan điểm nền tảng bất-nhị, việc thừa nhận trong các cảm xúc và lòng luyến ái nào đó những phương tiện có thể được đưa vào con đường giác ngộ, và tính chất tượng trưng phong phú về mặt tâm lý trở thành những yếu tố then chốt cho việc trầm tư chiêm niệm.

Trường phái nyingma cổ xưa nhất trong bốn trường pháiPhật giáo Tây Tạng. Nguồn gốc của nó dẫn ta về những lời giáo huấn của các tôn sư Phật giáo Ấn Độ, Padmasambhava và Shantarakshita. Các ngài đãđến Tây Tạng vào thế kỷ thứ VII. Ba trường phái khác được gọi là “các trường phái tân dịch thuật”. (Cách phân biệt giữa “cổ” và “tân” phản ánhhai thời kỳ dịch thuật kinh điển Phật giáo ra tiếng Tây Tạng). Trường phái kagyud được nhà dịch thuật Marpa Lotsawa (1012-1097) thành lập vào thế kỷ XI. Ngài chính là đệ tử của tôn sư Ấn Độ Naropa (1016-1100). KhonKonchog Gyalpo, đệ tử của nhà dịch thuật Tây Tạng Drogmi Lotsawa (992-1072) thành lập trường phái sakya khoảng thời kỳ này. Còn guéloug đã nổi lên như một trường phái độc lập tiếp theo sau cuộc cải cách triệtđể của Phật giáo Tây Tạng do Tsongkhapa (1357-1419) khởi xướng. Tsongkhapa cảm hứng mạnh mẽ từ tinh thần cải cách của phong trào Kadam do nhà đại truyền giáo Ấn Độ Atisha (982-1054) và đệ tử chính người Tây Tạng Dromtompa đưa vào. Chính vì thế, trường phái guéloug đôi khi thườngđược gọi là “trường phái Kadam mới”. Từ thế kỷ XIV, trường phái cải cách trở thành truyền thống chiếm ưu thế ở Tây Tạng, Mông Cổ và nhiều quốc gia Phật giáo ở Trung Á. Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Ban Thiền Lạt Mahai quyền bính tôn giáo cao nhất ở Tây Tạng theo truyền thống, xuất thân từ trường phái cải cách đó.

Trường phái guéloug của Tsongkhapa có thể được mô tả tóm tắt như một sự tổng hợp chính thống. Noi gương các trường phái Phật giáo đầu tiên, nó cổ vũ mọi cuộc sống tâm linh phải đặt nền tảng trên sựgắn bó chặt chẽ vào kỷ luật đạo đức. Về sự hành đạo, nó chấp nhận một loạt các giáo huấn gần gũi với phái kadam, tức là với Tsongkhapa giảng dạy. Giáo huấn ấy được gọi là lo djong – thuật ngữ Tây Tạng có thể dịch là “sự luyện tập để tinh thần trổi dậy” (phát tâm bồ đề) hoặc “sự biến đổi tư tưởng”. Đặc tính của giáo huấn lo djong đem lại cho hành giả những kỹ thuật làm biến đổi các hoàn cảnh bất lợi nhất thành những điều kiện thuận lợi cho việc triển nở lòng từ bi và nhân ái. Về định hướng triết học, trường phái guéloug hoàn toàn chấp nhận học thuyết tánh Khôngcủa đại thừa. Ngoài ra, nó thừa nhận sự phân tích phê phán như một bộ phận quan trọng của con đường dẫn đến giác ngộ. Mặc dù có cách tiếp cận duy lý hơn, truyền thống ấy tìm thấy trong giáo huấn vajrayana quan điểmtối hậu của sự hoàn thành Phật tánh. Một cách tiếp cận như thế nhất thiết đòi hỏi một sự đánh giá chính thống các quan điểm, dù rất khác nhau nhưng có sự đúng đắn và giá trị nhất định trong khuôn khổ bối cảnh riêng của từng quan điểm. Đó là những tầng lớp đa dạng làm cho Phật giáoTây Tạng vừa sâu sắc vừa phức tạp. Như chúng ta đã biết, nói về một vị trí của Phật giáo đã không đúng ; nói về một quan điểm của Phật giáo TâyTạng cũng không đúng nốt. Khi đọc những lời chú giải của Đức Đạt Lai Lạt Ma về Phúc Âm, phải hiểu rằng tri kiến của ngài xuất phát từ nhiều quan điểm và nguồn suối tâm linh vô tận. Việc đọc các sách kinh điển mộtcách kỹ lưỡng lúc nào cũng đòi hỏi năng lực tinh vi về khoa chú giải các bản văn cổ vì chỉ như thế mới đánh giá được trọn vẹn sự sâu sắc của bản văn.

Trước khi kết luận, tôi xin thêm một lời về thái độ chung mà Phật giáo chấp nhận đối với các tôn giáo khác. Theo gương mọi tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo khẳng định tính phổ quát của mình ;thật vậy đạo Phật luận bàn về những vấn đề nền tảng của cuộc nhân sinh.Trong nghĩa đó, đạo Phật cho rằng sứ điệp và học thuyết nền tảng của mình không bị giới hạn bởi bối cảnh lịch sử hay văn hóa đặc thù. Tuy vậy, ngay từ lúc đầu của truyền thống đại thừa, Phật giáo đã chấp nhận sự hiện hữu của những đạo khác, thích nghi tốt hơn với những khí chất tinh thần khác nhau. Cho nên, đây là một truyền thống tôn trọng sự đa dạng của việc chọn lựa tâm linh ở mức độ căn bản nhất. Một bản văn cổ của đại thừa đã viết : “Có những thiên hướng khác nhau, những lợi ích khác nhau và những con đường tâm linh khác nhau.” Tôi nghĩ rằng đây là nguồn gốc của từ “siêu thị các tôn giáo” mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thường dùng. Đối với Phật giáo, mọi tôn giáo lớn đều có giá trị tự thân vì đã đáp ứng nhu cầu nền tảng của hàng triệu con người. Không nên dựa vào yêusách của chân lý siêu hình để phán đoán một giáo huấn tâm linh là có giá trị hay không. Tiêu chuẩn chủ yếu là có đem lại sự cứu rỗi và giải thoát tâm linh hiệu quả không. Lịch sử lâu dài của Phật giáo và Kitô giáo chứng tỏ sự hiệu quả của hai tôn giáo trong lãnh vực đó. Như thế một cuộc đối thoại chân thành giữa hai truyền thống lớn có thể góp phần không những làm phong phú giáo huấn của mỗi bên mà còn gia tăng lợi lạc người ta đem lại cho chiều kích tâm linh của con người. Nhà triết học vàsử học tôn giáo nổi tiếng Paul Tillich có lẽ đã có lý khi nói rằng cuộcgặp gỡ giữa Kitô giáo và Phật giáo sẽ làm khởi phát một cuộc cách mạng tâm linh thực sự.

Thupten Jinpa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com