Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thư số 04

25/12/201113:22(Xem: 11543)
Thư số 04
TUYỂN TẬP THƯ THẦY
Tác giả: Viên Minh

[Thư số 4]

Ngày ........tháng ........ năm ........

Các con thương mến,

Nhiều lần định viết thư cho các con nhưng Thầy lại bận một vài công việc nên cứ trì hoãn hoài. Đối với Thầy viết thư cũng đạo vị, phải viết trong một lúc nào tâm hồn thanh thản, thời giờ rảnh rang. Bởi “tướng tự tâm sinh” nên nếu tâm đang bận rộn, thời giờ eo hẹp, e rằng lời lẽ cũng không chở được đạo, phải không các con?

Nay nhân ngày lễ lớn, Thầy ưu ái gửi đến các con một vài ý đạo.

Hôm về dự hội Huyền Không, Thầy dẫn quí sư lên thăm Huyền Không sơn thượng để xem rừng thiền này có thể phát triển lâu dài cho tăng chúng tu tập được không, vì đó là nơi Thầy tình cờ khám phá được trong một chuyến thăm dò thú vị.

Huyền Không sơn thượng là một số sơn động cheo leo trên đỉnh Bạch Vân nằm sâu trong rừng Nguyên Thủy, nơi xuất phát hai dòng suối Thanh Tâm, Tịnh Thủy lượn khúc hai phía Đông, Tây của chùa Huyền Không (sơn trung) và chảy ra biển Bắc hòa vào đại dương, như trở lại với thể tánh ngàn đời. Sư Minh Đức lúc mới về Huyền Không có cảm đề hai câu thơ đầy đạo vị:

Tịnh Thủy nước reo mùi giác hạnh
Thanh Tâm lòng lắng vị trần say.

Ngược giòng suối Thanh Tâm đi lên, lên mãi... Ôi, giòng suối đá mới hùng vĩ làm sao! Càng lên cao, rừng, núi, biển, trời càng cao rộng. Càng lên cao tâm hồn càng trải mở bao la như để hòa nhập vào pháp giới đại đồng viên dung vô ngại.

Đây là hồ nước trong với những đàn cá tung tăng bơi lội hồn nhiên, đây là thác nước nhỏ đổ xuống từ một bờ đá cheo leo tạo thành những âm thanh trầm hùng, hòa điệu trong bản hợp tấu của núi rừng huyền diệu. Và kìa ! Bên một gốc đá dưới tàng cây cổ thụ, một thảm rêu li ti đã xanh lại càng xanh mướt dưới những giọt sương mai còn đọng lung linh.

Lúc ấy, cao hứng Thầy có làm mấy giòng thơ mộc mạc:

Một chùm rêu xanh xanh
Nằm yên bên góc đá
Chừ xuân hay là hạ
Sương điểm giọt long lanh?

Đó phải chăng là một câu hỏi tò mò? Không, đó chỉ là một sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên như tâm hồn của trẻ thơ trước sự mới lạ của muôn loài vạn vật.

Các con ạ, chỉ một chùm rêu nằm khiêm nhường bên góc đá, nhưng nó mới kỳ diệu làm sao! Nó tô điểm cho cả một bức tranh vĩ đại của núi rừng, trời biển và mây sương... Phải chăng nó đang im lặng lắng nghe âm thanh vi diệu từ tiếng suối rì rào, từ tiếng hót líu lo của chim muông và dã thú, từ tiếng lao xao của lau lách và ngàn cây...? Hay nó đang tấu khúc vô thanh cùng với những “đá đen tròn to nhỏ đang cúi mặt tham thiền” (*). Dù sao sự hiện diện của nó cũng vĩ đại như sự vĩ đại của cả đất trời. Các con biết tại sao nó vĩ đại và toàn mỹ không? Thầy xin góp ý: vì nó chỉ là nó như nó đang là kiếp rong rêu, bé bỏng khiêm nhường, vô sự, vô tư, vô cầu, vô ngại. Vô ngại nên không cần biết bây giờ là xuân hay hạ, buồn hay vui, sinh hay tử. Bây giờ là bây giờ với mấy giọt sương còn đọng trên đầu:

Không có ngày hôm qua
Không có ngày mai
Không có lý do để phiền muộn u sầu
Cũng không cần phải nói :
Tôi nhớ lại chuyện này...
Hay tôi khấn vái cầu xin chuyện kia...
Nghiệp báo, từ bi, vô thường,
Tất cả chân lý trong đời sống
Đều nằm trọn vẹn trong giây phút hiện tại này
Hôm qua chỉ là giấc mộng
Và ngày mai ai biết sẽ ra sao !
Hãy sống trong hiện tại !

(Live Now, Ananda Pereira)

Sống trong hiện tại không phải là hiện sinh hư vô chủ nghĩa mà là một sự sống dạt dào sinh động, tích cực, yêu đời, yêu người, yêu muôn loài vạn vật. Sống trong hiện tại với tâm hồn thanh khiết, vắng lặng, hồn nhiên. Sống trong hiện tại với tâm tư cởi mở, viên dung vô trước. Sống trong hiện tại như thế mới có thể giúp đời, giúp người, hy sinh, xả kỷ. Sống trong hiện tại là quên mình đi để trả mình về vĩnh cửu. Sống trong hiện tại là để cho sự sống tự nó vận hành, sống động và trôi chảy trong suối nguồn luân lưu vô ngại của vạn pháp, là thể nhập đại đồng... Sống trong hiện tại là:

Sinh tử sự hề mạc tư mạc vấn
Kim cổ vị tằng hữu cá bất như

vì sinh tử chính là sự sống ngàn đời vô sinh bất diệt! Nên trong sinh tử ấy nào còn có không gian và thời gian. Chỉ có hiện tại, hiện tại không ngừng... Sống trong hiện tại là sống hồn nhiên như trẻ thơ, như Sư thúc nói:

Ôi hài nhi, ôi ngạc nhiên!

Ngạc nhiên nghĩa là tiếp nhận mọi sự, mọi vật một cách mới mẻ không qua lăng kính của ngôn ngữ, tư dục và quan niệm.

Một đóa hoa tự nó là một sự sống độc đáo, vô cùng sinh động, mặc cho ta gọi nó là hoa hồng hay cúc, mặc cho ta đam mê hay chán ghét, mặc cho ta gán cho nó cái đẹp dưới một quan niệm thẩm mỹ thế nào, thì đóa hoa kia vẫn là một đóa hoa như nó đang là, hồn nhiên tự tại. Chính ngôn ngữ, tình cảm và quan niệm của ta làm cho tâm tư ta thêm u ám, não phiền mà thôi, phải không các con?

Tất cả âm thanh, sắc tướng v.v... đều ở trong dòng trôi chảy của sự sống, ta không thể nắm bắt sự biến dịch lại được, mà dù cho có bắt nắm được chăng nữa thì cũng chỉ làm cho ta chán nản mà thôi. Nếu ngày tháng ngừng trôi, dòng sông không chảy, hoa nở không tàn, và mọi vật đều ngưng đọng trơ lỳ thì phải chăng đó là vĩnh cửu hay chỉ là khô chết.

Chính vì sự sống biến dịch nên tất cả đều luôn luôn đổi mới không ngừng. Và từ đó cái nhìn của ta phải là cái nhìn đầy ngạc nhiên của một em bé chưa bao giờ biết gọi tên, chưa bao giờ yêu ghét, và chưa bao giờ bước vào rừng quan niệm của lý trí vọng thức, để thấy cuộc đời tinh nguyên trọn vẹn như chính bản lai diện mục của nó.

Chân lý quá cao sâu mầu nhiệm nhưng cũng thật dung dị bình thường, phải không các con?

Chúc các con một mùa Phật đản đầy đạo vị.

Thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com