HỌC PHẬT
PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông
Phần 2: GIÁO LÝ CĂN BẢN
Thiện Ác Nghiệp Báo
I.- Dẫn:Mỗi ý nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta đều gây ra nghiệp lành, dữ và nghiệp ấy sẽ tạo ra quả báo cho hiện tại hay tương lai.
Nghiệp dẫn chúng sanh trong luân hồi, nghiệp tạo cho con người có những hoàn cảnh khác nhau: Kẻ giàu, người nghèo, kẻ sang, người hèn... cho nên hiểu được thiện ác, nghiệp báo chúng ta sẽ củng cố được niềm tin của mình vững chắc hơn, nhờ đó việc tu học để giải thoát càng thêm tinh tấn.
II.- Định nghĩa Thiện Ác Nghiệp Báo:
Thiện: Có nghĩa là lành, là tốt, là việc phải, hợp lý có lợi cho mình và cho người ở hiện tại cũng như tương lai. Ác: Có nghĩa là dữ, là xấu, là việc quấy, trái lý có hại cho mình và cho người ở hiện tại cũng như tương lai. Nghiệp: Là những tạo tác ở ý nghĩ, hành động, lời nói gây ra hậu quả cho tự thân và hoàn cảnh trong tương lai. Báo: Là quả báo, là kết quả do nghiệp đã tạo ra.
Vậy Thiện Ác Nghiệp Báolà kết quả báo ứng những việc lành, việc dữ do tự thân mình gây ra và mình phải gánh chịu với hoàn cảnh chung quanh. Nghĩa là người làm việc lành sẽ hưởng quả lành, làm việc ác sẽ chịu quả ác; ví như trồng đậu, được đậu, trồng ớt được ớt vậy.
III.- Nghĩa của Thiện, Ác:
Nghĩa của thiện ác không rõ ràng, nó thay đổi tùy nơi, tùy chỗ, tùy hoàn cảnh cho nên chúng ta cần hiểu cho được rõ ràng.
A) Thiện Ác theo thế gian:
1)Thiện ác theo phong tục: Chẳng hạn như trong gia đình có giỗ ông bà, cha mẹ người ta quan niệm phải giết hại heo, gà, vịt để nấu nướng cúng mâm to, cỗ đầy, thết tiệc đãi khách linh đình, người ta cho rằng làm như vậy là con cháu có HIẾU. Tây phương không cúng kiếng người chết. Ở Phi Châu có bộ lạc, theo phong tục cha mẹ già chết, con cháu lấy thịt cha mẹ ăn là thương mến cha mẹ, là việc làm tốt, việc làm này chúng ta sẽ lên án gắt gao, chẳng những bất hiếu mà còn vô nhân đạo, kém văn minh. Cho nên theo phong tục cùng một việc làm mà nơi cho nên nơi cho không nên, nơi cho là tốt, nơi cho là xấu.
2) Thiện ác theo luật pháp: Luật pháp đặt ra luật cũng thay đổi tùy theo quốc gia, nhằm mục đích làm cho quốc gia ấy được an ninh, bờ cõi được bảo vệ. Có nên có khi luật lệ đặt ra có lợi cho nước mình thì sẽ có hại cho nước khác, làm cho được an ninh, bảo vệ chế độ chánh trị của kẻ cầm quyền thì có hại cho những người khác. Cho nên thiệc ác theo luật pháp chưa hẳn hoàn toàn đúng.
3) Thiện ác theo thần quyền: Nhiều người tin tưởng, thờ phụng một vị thần, cho rằng vị ấy sáng tạo ra vũ trụ, hoặc cai quản con người, hoặc có quyền ban phúc giáng họa, phải làm theo lời vị ấy dạy bảo là đúng, giết hại sinh vật để cúng kiếng vị ấy là phải... trong khi ở Ấn độ, có đạo người ta không dám đụng tới con bò, đừng nói đến giết hại nó. Cho nên thiện ác theo đạo giáo cũng chỉ là tương đối mà thôi.
B) Thiện ác theo đạo Phật: Theo đạo Phật, thiện là những việc hợp với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người ở hiện tại cũng như trong tương lai, áclà những việc trái với lẽ phải, có hại cho mình và cho người ở hiện tại cũng như trong tương lai. Theo thế gian pháp vàxuất thế gian phápcó thể chia thành ba loại: Hữu lậu thiện, hữu lậu ác và vô lậu thiện.
1) Hữu lậu thiện: Những việc làm lành, khi làm còn để tâm mong cầu, cho nên còn phải ở trong luân hồi để hưởng quả báo lành, không được giải thoát. Hữu lậu thiện có hai loạ: Một là Chỉ thiệntức là dừng nghỉ, không làm việc ác như không làm Năm điều trái nghịch: Giết cha, giết mẹ, giết các vị A-la-hán, phá hòa hiệp Tăng, làm chảy máu thân Phật, và không làm 10 điều ác: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai chiều, nói lời độc ác, nói thêu dệt, tham, sân, si. Hai là Tác thiệnnghĩa là làm mười điều lành: Phóng sanh, bố thí, tịnh hạnh, nói lời chân thật, nói lời phân giải, nói lời dịu ngọt, nói lời ngay thẳng, từ bi, nhẫn nhục, suy nghĩ chánh lý.
2) Hữu lậu ác: Là những việc ác, khiến cho người ta phải chịu quả báo trong lục đạo. Việc ác tuy nhiều nhưng có thể tóm gọn trong 5 tội trái nghịch và mười điều ác nêu trên.
3)Vô lậu thiện: Là những việc thiện mà người làm không có chủ tâm, không mong cầu nên không có quả báo trong lục đạo, khỏi chịu luân hồi, đây là những việc làm của hàng Bồ Tát hay Phật, như trong Kinh Kim Cang Phật dạy: Tu Bồ Đề! Các vị Đại Bồ Tát phải độ tất cả các loại chúng sanh đều được nhập Niết Bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có chúng sanh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ, tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả) thì không phải là Bồ Tát.
Chúng ta nhớ rằng, vua Lương Võ Đế, thâm tín đạo Phật, từng đăng đàn thuyết pháp, vậy mà khi gặp sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma ông hỏi:
- Một đời trẫm cất chùa độ sãi, bố thí, làm chay có công đức gì không?
Sơ tổ trả lời : “không”, bởi vì vua là người đã có nhiều phước báo rồi, nay cần làm những việc vô lậu thiện, làm mà không mong cầu, không nghĩ đến mình có làm, không nghĩ đến kết quả công việc mình đã làm; còn hỏi đến tức là còn nhớ tới, còn nghĩ về kết quả, chưa phải là việc làm của Bồ tát hạnh.
IV.- Nghĩa chữ Nghiệp:
A) Định danh: Tiếng Phạn là KARMA, ngườI Trung Hoa dịch là tạo tác, là những tác động của thân, miệng, ý tạo thành sức mạnh gây ra hậu quả cho tự thân và hoàn cảnh.
B) Các món nghiệp: Về nguyên nhân tạo ra nghiệp có ba thứ: thân nghiệp là những nghiệp do hành động của mình tạo ra,khẩu nghiệplà những nghiệp do lời nói mình thốt ra, còný nghiệp là những nghiệp do tư tưởng mình nghĩ đến.
Nghiệp lại còn có hữu lậu nghiệplà nghiệp làm cho con người phải trôi lăn trong sinh tử luân hồi,bất động nghiệp là nghiệp của hàng chư Thiên ở cõi sắc giới và vô sắc giới thiên, tâm thường định, tu theo sức định mà thọ quả trên cõi trời, quyết không biến động, bất tư nghì nghiệplà nghiệp của những vị thấy rõ chân tâm, không vướng vào nghiệp nào, mà còn có thể hóa thân trong vô số nghiệp không thể nghĩ bàn được, để hóa độ chúng sanh.
Lại có những nghiệp dẫn dắt chúng sanh chịu quả báo vào loài nào đó, vào một giống dân nào đó, dẫn phát để chịu nghiệp nhân của quả báo chung gọi là dẫn nghiệp, tuy là cùng người ở trong khu vực nhưng giàu nghèo, sang hèn, tánh tình sai khác nhau đó là thành mãn cái nghiệp nhân của quả báo riêng từng cá nhân, nên gọi là mãn nghiệp.
C) Sức mạnh của nghiệp: Nghiệp do tạo tác và huân tập thành sức mạnh chi phối mọi hoàn cảnh và mọi người.
1) Hành động, tánh tình con người đều do nghiệp chi phối: Tánh tình, hoàn cảnh của mỗi người không phải tự nhiên mà có như vậy, chúng có do nghiệp nhân từ những kiếp trước đã tạo ra.
2) Hoàn cảnh của dân tộc hay một người cũng do nghiệp tạo ra: Một dân tộc giàu hay nghèo, khổ đau hay sung sướng hơn các dân tộc khác, đó là do nghiệp chung của mọi người trong nước đó, còn gọi là cộng nghiệp và mỗi người còn có nghiệp riêng của mình còn gọi là biệt nghiệp.
3) Nghiệp lực chi phối sự đi đầu thai: Sau khi con người chết rồi phải tái sanh lại để nhận quả báo do mình làm ra trong nhiều đời nhiều kiếp trước, chính những tạo tác của ta làm cho chúng ta phải chịu luân hồi dể hưởng quả báo lành hay phải chịu quả báo dữ, do đó mà con người phải chịu luân hồi mãi mãi. Có bốn thứ nghiệp dẫn con người đi đầu thai: Tích lũy nghiệplà những nghiệp có từ kiếp nọ sang kiếp kia chồng chất lại, tạp quán nghiệplà nghiệp do tạp quán tạo ra trong một đời,cực trọng nghiệplà những nghiệp đặc biệt chi phối mạnh mẻ hơn những nghiệp khác,cận tử nghiệplà những nghiệp gây ra lúc gần chết, như thương vợ con, oán hận người nào ... Một trong bốn nghiệp này, nghiệp nào mạnh sẽ chi phối người ta đầu thai theo nó.
V.- Nghĩa chữ quả báo:
A) Định danh: Quả báo là kết quả báo ứng của các nghiệp nhân đã tạo ra, chẳng hạn làm lành là nghiệp nhân, được hưởng điều lành là kết quả báo ứng.
1) Các món quả báo: Có hai thứ quả báo: Chanh báo và y báo.
a) Chánh báo: Kết quả báo ứng về tự thân do nghiệp chi phối riêng cho từng người như tánh tình, hình dạng.
b) Y báo: Kết quả báo ứng qua hoàn cảnh của của từng người hay dân tộc, chẳng hạn như trong gia đình, khu vực, một nước giàu nghèo khác biệt.
2) Thời gian trong quả báo: Những hành động, lời nói, ý nghĩ con người đôi khi có quả báo ngay trong kiếp nầy gọi là hiện báo, có khi nghiệp nhân gây ở kiếp này sẽ có quả báo ở kiếp liền sau, hoặc nghiệp nhân mới gây ở kiếp trước, nay có quả báo ở kiếp nầy, nhân quả đi liền theo nhau từ kiếp nọ sang kiếp kia gọi là sanh báo,nhưng lại có những nghiệp nhân tạo tác phải trải qua nhiều kiếp, mới có đủ trợ duyên làm thành quả báo gọi là hậu báo.Chia chẻ thời gian như thế để cho dễ hiểu, lý giải tại sao có kẻ làm ác gặt ác, có kẻ cả đời làm lành lại gặp toàn là ác, đó là do nghiệp nhân tạo tác và kết quả báo ứng tu còn tùy nhân duyên.
3) Quả báo với ảnh hưởng của tự tâm: Quả báo do nghiệp gây ra có thể chia thành 2 loại : Chẳng hạn hạn như một người cố tâm bắn chết một con vật vì thù ghét nó, vì nó là miếng thịt để ăn ... sẽ có quả báo sau nầy, đó gọi là quả báo tự tâm, còn con vật kia vô tình bị giết chết, trải qua kiếp nào đó, nó sẽ giết lại người đã giết nó ở tiền kiếp, đó gọi là quả báo đối dải. Về đối đải do nhân kiếp trước đã có, tất nhiên kiếp sau có kết quả báo ứng, còn về tự tâm, một hành động có những sai khác về kết quả báo ứng. Vì một hành động có khi vô tâm, có khi hữu tâm.
a) Vô tâm: Một người lỡ đạp chết một con côn trùng, đó là hành động vô tâm, không có quả báo tự tâm, nhưng quả báo đối đãi vẫn có. Chẳng hạn ở nhà quê, có khi người ta làm gà, làm vịt, trước khi làm họ khấn: - Ngươi được hóa kiếp nầy, cầu cho ngươi kiếp sau đừng sanh làm con gà, con vịt phải bị người ta giết để ăn thịt.Dù có tâm thiện như thế nhưng quả báo đối đải không thể tránh khỏi. Một người ăn hiền ở lành, luôn luôn làm lành mà không nghĩ tới việc mình làm thì quả báo về tự tâm rất to lớn.Trái lại một người rất độc ác, dù cho việc làm ác của họ có vô tâm thì quả báo về tự tâm cũng to lớn, vì tâm họ luôn luôn có ác tâm.
b) Hữu tâm: Một người làm việc thiện để mong cầu danh lợi, thì quả báo đối đải vẫn có nhưng những việc làm nầy về tự tâm bị huân tập về đường ác, trái lại một vị quan tòa vì lẽ công bằng theo pháp luật, kết án tử tội hay một người Cảnh sát vì an ninh trật tự phải lùng bắt, giam giữ tội nhân thì đây vẫn là những việc làm về tự tâm được huân tập về đường thiện.
Có người tin nhân quả, cố ý làm việc thiện, việc làm sẽ huân tập về thiện, một người vì thù hiềm, vì danh lợi, cố ý làm điều ác thì chỗ huân tập về tự tâm rất nặng về đường dữ.
Khi làm việc lành dữ, tâm sanh vui mừng, muốn làm thêm nữa thì chỗ huân tập tự tâm việc lành dữ ấy tăng thêm hơn nhiều lắm.
V.- Sự liên lạc giữa nghiệp nhân thiệc ác và quả báo thiện ác.
A) Lý thiện ác quả báo nằm trong Lý nhân quả: Chúng ta đã biết về nhân quả, đã gieo nhân thì tất nhiên phải có quả, cho nên Thiện ác quả báo là một định luật, là một chi tiết của Lý Nhân Quả.
B) Con người vẫn có quyền và có thể thay đổi quả báo của mình: Khi mình biết đã làm việc dữ, việc ác, nếu mình biết ăn năn, sám hối thì quả báo của những nghiệp ác đó có thể thay đổi,chẳng hạn trong kinh có dạy: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm đã sám rồi tội liền tiêu, tội tiêu tâm tịnh thảy đều không, ấy mới thật là chơn sám hối”. Hoặc làm những điều thiện đối lại, thì quả báo ác cũng tiêu tan, chẳng hạn như chuyện Thủ Huồng ở Cù lao Phố, Biên Hòa, Việt Nam.
V.- Kết luận:
Lý thiện ác nghiệp báo cho chúng ta thấy rằng mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về những gì mình tạo tác nơi thân, khẩu và ý. Những tạo tác nầy gây thành nghiệp nhân có hậu quả trong hiện tại hoặc vị lai, cho nên cá tánh, hoàn cảnh của mỗi người hay một dân tộc đều do nghiệp nhân của quá khứ tạo ra.
Người ta có thể thay đổi quả báo bằng cách tu tâm dưỡng tánh, ăn năn hối cải những việc dữ đã làm, tránh vấp phải trong tương lai, chí tâm làm những việc thiện.
Hiểu rõ Lý thiện ác quả báo, người tu Phật chẳng những tạo những Hữu lậu thiện nghiệp mà còn phải tiến lên tạo Vô lậu thiện nghiệp, đó mới chính là con đường tu giải thoát vậy.
*
Sách tham khảo :
Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm Phật Pháp, THPGVN, Sàigòn, 1951
Thích Thiện Hoa Phật Học Phổ Thông,THPGTPHCM, Việt Nam, 1989