TÌNH NGƯỜI
Truyện của tác giả khi còn là chú điệu
Lá Bối xuất bản
Chúng tôi đinh ninh rằng chúng tôi là những người hồi cư sớm nhất, nhưng không phải. Về đến địa hạt Dương Xuân Thượng, chúng tôi biết rằng đã có nhiều gia đình về trước chúng tôi đến cả nửa tháng. Trên con đường núi đưa về chùa, cỏ mọc che cả lối đi. Chú Tâm Mãn đẫn đầu đoàn người hồi cư, có vẻ nóng nảy hơn hơn ai hết. Thật ra, trong số sáu người hồi cư, không ai là không mong cho mau về đến chùa. Xa chùa đã mấy tháng, chúng tôi không mong sao được. Những người lớn tuổi điềm đạm và lặng lẽ nhất cũng tỏ vẻ sốt ruột. Chúng tôi về chùa như một đoàn thám hiểm núi rừng: mọi người phải vạch cỏ bẻ lau cho có lối đi Tất cả đều mặc áo ngắn, kể các thầy. Áo tràng và áo nhật bình chúng tôi đều cuốn bỏ chung với những dụng cụ, mang trên vai hoặc xách nơi tay. Tất cả đều mệt mỏi rã rời. Chúng tôi đã trải qua năm sáu ngày đi bộ đường trường còn gì! Về gần đến chùa bao nhiêu lo ngại hình như đã tiêu tan. Xóm làng rải rác trên các nẻo núi đồi tuy còn mang nặng vẻ lặng lẽ khiếp sợ, nhưng cũng đã phảng phất có sinh khí. Chúng tôi thấy nhẹ nhõm cả tâm hồn.
- Chùa kia rồi!
Chú Tâm Mãn buột kêu lên một tiếng vui mừng. Dưới bóng những cây thông cao vút, mái tam quan của chùa hiện ra như một hình bóng quen thuộc và thân yêu từ những tiền kiếp xa xưa nào. Không ai là không cảm động. Tôi băn khoăn không biết dì Tư có an ổn không, có còn mạnh khỏe trong cảnh đạn lửa tơi bời. Hồi chúng tôi được giấy buộc phải tản cư, dì Tư đã nhất quyết xin ở lại chùa. Chúng tôi khuyên can thế nào cũng không được.
- Xin các Thầy và các Chú cứ về quê để mà lánh nạn. Các Thầy và các Chú cần sống để làm việc cho đạo. Tôi xin ở lại giữ chùa. Không can gì đâu, tôi già cả rồi, Với lại dù có gì đi nữa, tôi cũng không tiếc.
Chúng tôi dùng đến cả uy lực nữa, nhưng cũng không lay chuyển được dì. Cuối cùng, phải để cho dì ở lại. Tôi đã cẩn thận chỉ chỗ cho dì ẩn núp mỗi khi có tiếng súng nổ. Tôi cũng đã chỉ cách cho dì giấu gạo và thức ăn ở một nơi kín đáo. Xong cả đâu đấy và sau khi cầu Phật cho dì ở lại bình yên, tôi mới theo các Thầy và các Chú lên đường.
Vì vậy nên khi trở về, tối cứ băn khoăn lo ngại mãi, không biết dì ở nhà có bình an không. Nhưng nỗi lo ngại liền biến mất khi chúng tôi bước vào tam quan chùa. Từ xa, tôi nhận ra bóng dì Tư với chiếc áo nâu dài bạc màu, đang múc nước bên suối. Chú Mãn gọi tên dì thật to. Dì bỏ thùng xuống nhìn lên. Khi thấy bóng các Thầy và chúng tôi, dì lật đật chạy ra, và cảm động quá dì không nói năng được. Dì chỉ khóc.
Mái chùa bị đạn hư hỏng mất nhiều chỗ. Tường chùa cũng lỗ đỗ những vết đạn. Cảnh vật có vẻ tiêu điều hơn trước. Tuy nhiên ngoài những vết đạn kia, chùa không bị thương tích nào quá nặng đến nổi phải hư đổ như những nơi khác. Nổi vui mừng thứ nhất của chúng tôi và của dì Tư là số người tản cư trở về không hao thiếu một người nào.
Hôm chúng tôi trở về chùa là hôm hăm bảy tháng chạp. Cho đến chiều hôm đó, chúng tôi mới được ăn một bữa cơm nóng sốt và tươm tất, do dì Tư sửa soạn. Trong mấy tháng trời, chúng tôi ăn uống thiếu hụt kham khổ; không có bữa nào có thể gọi được là bữa, Một lít tương làm thức ăn cần thiết thì đã được pha loãng bao nhiêu lần trong những lít nước muối. Những chén cơm trộn đến hai phần ba khoai sắn bao giờ của được “tiêu thụ” một cách ít oi chừng mực. Thêm vào đó cái khổ không giường không chiếu làm cho chúng tôi ai cũng ốm và đen.
Sau khi dùng cơm, tất cả đều ngủ vùi một giấc mê mệt cho đến sáng. Qua ngày hôm sau, chúng tôi mới bắt đầu chương trình “kiến thiết”. Những đồ đạc trong chùa đều được lau chùi sửa soạn lại. Chúng tôi quyết dọn phòng xá, sắp đặt những đồ vật ngổn ngang. Định sửa soạn để ăn một cái Tết hồi cư.
Và suốt ngày hôm ấy, chúng tôi vui vẻ như đã thấy nét mặt của hòa bình. Nhưng tối đến, không khí chiến tranh và của chết chóc trở lại. Tiếng súng nổ ran bốn phía. Đạn bay vèo vèo trên mái ngói. Mọi người ngồi yên trong liêu phòng, cửa đóng kín mít. Thỉnh thoảng, ánh sáng của một trái châu từ đồn canh bắn lên, chiếu qua những kẹt cửa. Tiếp đến, những tràng liên thanh nổ ròn liên tiếp.
Tôi ngồi với chú Mãn trong nhà hậu, bên ánh đèn dầu lù mù. Chúng tôi nghĩ đến cảnh tượng chết chóc đang diễn ra bên ngoài và cùng lặng lẽ niệm Phật cho những người xấu số, nhưng rồi thời khắc qua. Đêm hăm tám trở lại yên tĩnh, nhưng một sự an tĩnh luôn luôn bị đe dọa.
Từ hôm trở về chùa đến nay, buổi tối và buổi khuya chú Mãn không thỉnh đại hồng chung nữa. Bởi vì dì Tư không cho. Dì bảo rằng có một buổi tối (hồi chúng tôi đi khỏi) vừa lên lầu thỉnh được năm sáu tiếng chuông thì dì nghe có tiếng động bên dưới. Lật đật chạy xuống, dì thấy năm sáu ông tây đang hung dữ đi vào. Họ chỉ súng vào dì đe dọa và ra hiệu không cho dì thỉnh chuông nữa. Có lẽ họ sợ rằng tiếng chuông là một ám hiệu của địch quân. Hay có lẽ vì họ ghét không muốn nghe tiếng đại hồng chung cũng nên. Từ đó, mỗi buổi tối và buổi khuya, dì không dám thỉnh chuông nữa. Tối hôm chúng tôi về, dì đã căn dặn chú Mãn.
- Buổi tối và buổi khuya mà không có tiếng chuông thì thấy nhạt nhẽo làm sao ấy. Dì chép miệng.
Mà thực thế. Không có gì nhạt nhẽo và lạnh lùng bằng những buổi tối thiếu tiếng đại hồng chung. Không khí trong chùa trở nên buồn tẻ. Núi rừng cũng tăng vẻ hoang dại. Tiếng dế trở nên dày dặc và thê lương hơn. Ở chùa, thường thường mỗi buổi khuya chúng tôi thức dậy lúc bốn giờ. Sau khi rửa mặt rửa tay xong, chúng tôi ngồi bán già trên “đơn” của mình, lắng nghe tiếng đại hồng chung và thực hành phép tĩnh tọa hay niệm Phật. Bây giờ, buổi khuya không có tiếng chuông. Chúng tôi thấy thiếu một cái gì rất quan trọng. Tôi không ngồi tĩnh tọa được nữa. Hai ba bữa nay, chúng tôi phải rời “đơn”, ra bàn thắp đèn bạch lạp ngồi học bên nhau để tìm sự ấp áp và cũng để quên rằng chùa không thỉnh chuông. Những buổi tụng niệm công phu cũng trở nên thiếu thốn buồn tẻ. Tiếng chuông gia trì nhỏ quá, yếu đuối quá, không đủ sức xua đuổi bầu không khí ảm đạm và lặng lẽ của núi đồi, trong những buổi đêm tối đen và những buổi khuya mịt mờ sương phủ.
Tuy nhiên chúng tôi không muốn để cho cái Tế trở về trong không khí buồn tẻ âm u ấy. Vâng lời các Thầy, chúng tôi đem lư trầm, chân đèn và các đồ thờ lau chùi cho thật bóng. Dì Tư đã nhân khi rảnh việc, đi chặt về những lá chuối. Dì đã ngâm nếp và đỗ xanh.
- Thế nào tôi cũng nấu được một nồi bánh tét cho các chú xem. Ấy thế là dì bắt tay vào việc. Chúng tôi vui lòng giúp đỡ dì. Nhưng đến hôm hăm chín Tết, chú Mãn có một ý rất hay:
- Mình làm mứt ăn Tết, thưa chú.
Thoạt tiên tôi không biết nên làm mứt với cái gì. Nhưng chú Mãn giải thích ngay:
- Mình chỉ làm mứt “bình dân” thôi, bằng khoai lang và bằng củ sắn mì.
Chúng tôi liền hăng hái thực hành ngay. Khoai và sắn thì thiếu gì ngoài vừa chùa.
Dì Tư sợ người ta vào đào trộm sắn, đẵ chặt sát gốc tất cả vườn sắn từ mười lăm hôm nay. Những đọt sắn non vừa lên chừng một tấc tây; đứng ngoài nhìn vào, người ta tưởng đó là một vườn sắn trồng chừng một tháng. Sắn một tháng làm gì đã có củ! Nhờ thế vườn sắn đang còn nguyên vẹn, chưa bị đào trộm như vườn khoai.
Đường thì chúng tôi nhờ dì Tư mua thứ đường đen, ở cái chợp xép họp tạm dưới đồi Dương Xuân. Dì Tư đã khéo léo mua thêm một ít vừng. Thứ mứt của chúng tôi chẳng qua là một thứ khoai ngào, có trộn vừng rang. Thế thôi! Nhưng như thế cũng đã là sang chán đối với một cái Tết hồi cư nghèo khổ.
Điều an tâm nhất là chúng tôi đang còn lúa để xay ăn dần cho đến mùa gặt sang năm. Trước hồi tản cư, sáu bảy thầy trò đã hỳ hục đem chôn lúa sau vườn, trong những cái chum sành rất lớn. Chúng tôi đào dần lên từng chum, xong lấp đất như cũ. Sang năm, ruộng chùa thế nào cũng cung cấp kịp cho chúng tôi.
Đêm ba mươi. Nồi bánh chưng sôi sùng sục ở giữa nhà. Tất cả đều bắt ghế ngồi quanh đống lửa, từ các Thầy các Chú cho đến dì Tư. Trời hơi lạnh. Một vài tiếng súng lẻ tẻ. Chúng tôi ngồi thức và nói chuyện, đợi giờ đón giao thừa và lạy vía Đức Di Lặc. Ngoài kia, trời tối như hũ nút, chỉ có một vài vì sao lộ ra yếu ớt trên nền trời đen kịt.
Tết năm nay, chúng tôi chỉ có bảy người. Bởi vì trên đường trở về, vị Thượng tọa thầy tôi và bốn thầy khác đã thuận bước ghé thăm một ngôi chùa cổ bị tàn phá. Chúng tôi ba thầy và ba trò đã trở về trước. Mãi cho tới hôm nay, Thượng tọa chưa thấy về.
Ngồi bên đống lửa, tôi nghĩ nhiều đến vị trưởng lão đáng kính ấy. Hôm tản cư, thầy khuyên chúng tôi lên đường, nhưng chính thầy tôi lại không đi. Thật ra, trong đại chúng không ai muốn đi tản cư cả. Nhưng lệnh đã đưa ra, bắt toàn xóm tản cư, chùa cũng không thể không đi. Đại chúng đã bạch rằng Thượng tọa không thể ở lại một mình, và nếu Thượng tọa ở lại, tất cả cũng đều nhất tâm ở lại, mặc dù trái với lệnh chính quyền. Cuối cùng, Thượng tọa phải miễn cưỡng theo các thầy để đi lánh nạn. Ngài nói:
- Nếu quả đại chúng đã gây nhân tai nạn thì dù ta có lánh đi đâu cũng không trốn khỏi tai nạn.
Lời nói ấy, tôi còn ghi nhớ mãi và bây giờ tôi mới nhận được tất cả sự thật mà nó hàm chứa. Biết bao gia đình nghèo đã an toàn khi họ ở lại. Biết bao gia đình giàu có đã tan rã thảm thương vì đi lánh nạn. Đi lánh nạn, những người này lại tìm thấy taì nạn. Nói như lời của dì Tư mà đúng: “Thời này, tai ương hoạn nạn đầy đường. Lấy đức mà đo chứ không thể lấy sự giàu có khôn ngoan mà đo được”. Có lẽ chiếc áo giáo phòng thân chắc chắn nhất là tâm đức của mình, là sự ăn ở theo lẽ phải của mình. Họa phước đều do con người tự tạo ra, không phải do một sự tình cờ nào đưa đến.
Dì Tư đã vớt ra khỏi nồi những chiếc bánh tét đầy đặn, hơi lên nghi ngút, bánh đã chín. Giờ cúng giao thừa cũng sắp đến. Chúng tôi sửa soạn hành lễ.
Trầm hương xông ngất. Tôi ra đứng ở gác chuông, nhìn ra bốn phía. Núi rừng đen kịt. Vài ngôi sao lung linh như sắp rụng. Nhìn ra xa, không thấy có một bóng đdèn. Có lẽ xóm làng tỉnh thức, đang đóng chặt các cửa để cúng lễ tổ tiên, đón chào giờ phút giao thừa. Lặng lễ, chú Tâm Mãn đến gần tôi:
- Không có lý mà lễ giao thừa lại không có chuông trống Bát Nhã.
Tôi bàng hoàng như tỉnh giấc. Ừ, không có lẽ mà lễ giao thừa lại thiếu chuông trống Bát Nhã? Mọi năm mỗi lần cúng lễ giao thừa, chùa đều đánh chuông trống bảy hồi, và tiếng chuông trống Bát Nhã bao giờ cũng mở đầu cho những tràng pháo đón mừng năm mới vang dội từ xóm làng bao bọc chung quanh và dưới chân các đồi núi. Năm nay, cố nhiên không ai đám đốt pháo rồi, nhưng không lẽ chuông trống giao thừa lại im tiếng nữa sao. Chúng tôi lại đưa mắt nhìn ra ngoài. Đồi núi xóm làng chìm trong bóng tối nặng nề, u tịch. Giao thừa làm sao trở về trong bầu không khí trĩu nặng khiếp sợ và lo âu?
- Hay là chúng ta cứ đánh chuông trống như thường lệ? Tôi hỏi.
Chú Tâm Mãn nhìn tôi lo âu:
- Lỡ ra Tây xách súng chạy vào bắn thì sao?
Tôi lặng thinh, nhưng nghĩ đến một năm dài u ám sắp trở về, tôi lại mạnh dạn:
- Không lo, họ cũng biết chắn hôm nay là ngày Tết Âm lịch, ta cứ đánh. Không khí nặng nề quá, làm sao năm mới dám về cho được? Ta cứ đánh chuông trống, chú ạ. Nó vào, tôi biết tiếng Tây, để tôi giải thích cho.
Thấy tôi cương quyết, chú Tâm Mãn vững tâm đi sang lầu trống.
Boong ... boong ...
Nhè nhẹ, tiếng đại hồng chung bắt đầu theo nhịp trống ngân lên. Tiếp theo, những tiếng trống oai hùng như sấm dậy mở đầu cho những tiếng đại hồng chung ngân vang sung sướng. Bảy hồi chuông náo động cả đêm khuya tịch mịch, tưng bừng đón tiếp một mùa Xuân mới. Xen lẫn trong tiếng chuông trống gnân vang, có tiếng kinh trầm trầm dậy theo tiếng mõ đều đều của các Thầy đang hành lễ. Tiếng chuông gia trì ấm áp, theo trầm hương quyện ngát cảnh chùa.
Chú Tâm Mãn một tay vịn vai tôi, một tay chỉ ra ngoài:
- Này chú xem.
Bốn phía, thấp thoáng những ngọn đèn của xóm làng trở dậy cúng giao thừa. Có lẽ cửa nhà nào cũng đã mở rộng. Núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp, đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch. Tất cả xóm làng đều đã cảm thấy Xuân về trên đất nước ly loạn.
Đại hồng chung vẫn khoai thai điểm từng tiếng rành rọt. Âm thanh ngân dài, ấm áp và thuần hậu. Chúng tôi trở vào, quỳ dưới Phật đài, cùng với đại chúng tha thiết dâng lời cầu nguyện, cầu nguyện cho một mùa Xuân đất nước an vui.