YUKIO MISHIMA
Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch
Vì Ba qua đời, nên quãng đời niên thiếu thực sự của tôi đã chấm dứt. Tôi vẫn thường ngạc nhiên khi thấy rằng quãng đời thơ ấu của mình làm sao lại có thể hoàn toàn thiếu sót cái mà người đời gọi là mối quan tâm tới nhân gian cho đến thế. Tới khi nhận ra rằng mình chẳng hề đau buồn chút nào về việc Ba qua đời, sự ngạc nhiên này biến thành mối cảm hoài thờ thẫn nào đó không còn được gọi là kinh ngạc nữa.
Tôi vội vã trở về làng, và khi tôi tới nơi, Ba đã nằm yên trong quan tài rồi. Tôi đã đi bộ đến tận Uchiura và từ đó đi thuyền dọc theo vịnh tới Nariu mất trọn một ngày. Đó là thời kỳ nóng nực trong ngay trước mùa mưa và mặt trời rọi nắng hừng hực hết ngày này sang ngày khác. Ngay sau khi tôi nhìn thi hài Ba lần cuối, người ta đem chở quan tài tới hỏa trường tên mỏm đất để hỏa táng bên bờ bể.
Cái chết của người tu sĩ trụ trì một ngôi chùa miền quê thực là một việc dị kỳ. Dị kỳ bởi vì quá thích thiết. Có thể nói vị tu sĩ ấy vẫn là trung tâm tinh thần cho toàn thể địa phương, là người trông nom cuộc sống của đạo hữu trong vùng, là người mà họ ủy thác trọn vẹn cuộc đời sau khi họ nhắm mắt. Ấy thế mà chính con người này lại chết trong ngôi chùa của mình. Như thể ông đã hoàn tất chức vụ của mình một cách quá trung thực, như thể chính con người vẫn hằng đi đó đi đây giảng dậy cho thiên hạ nên nhắm mắt lìa đời như thế nào, đã tự mình thực hiện một cuộc biểu diễn cho mọi người xem và do một sự lầm lẫn nào đó đã nhắm mắt lìa đời thực sự.
Thực vậy, quan tài của Ba có vẻ như đã được đặt ở một chỗ quá ư thích hợp, trong đó người ta đã dụng ý xếp đặt đủ mọi thứ để đón nhận. Má tôi, người tu sĩ trẻ tuổi cùng các dạo hữu trong vùng đều đứng khóc trước quan tài. Người tu sĩ trẻ tuổi ấp úng tụng kinh có vẻ như vẫn còn phải tùy thuộc vào chỉ thị của Ba, lúc đó đang nằm trong quan tài trước mặt anh ta.
Khuôn mặt Ba chìm trong những đóa hoa đầu mùa hạ. Có cái gì đáng sợ trong sắc cực kỳ tươi tắn của những bông hoa này. Trông như là chúng đang ghé mắt nhìn xuống đáy một cái giếng. Vì khuôn mặt một người chết chìm xuống một mực sâu vô hạn dưới cái bề mặt lúc sinh thời, chẳng để lại chút gì cho những người còn sống nhìn thấy ngoại trừ khuôn hình của một mặt nạ; thực thế nó chìm sâu đến nỗi chẳng bao giờ người ta có thể lôi được nó lên trên mặt nước nữa. Khuôn mặt một người chết có thể cho chúng ta thấy rõ hơn bất kỳ cái gì khác trên cõi đời này là chúng ta bị tách xa khỏi cuộc sống thực sự của vật chất đến như thế nào và chúng ta đã không thể nắm được phương cách hiện hữu của vật chất đến mức độ nào. Đó là lần đầu tiên tôi phải đương đầu với một cảnh huống như thế, trong đó tinh thần đã bị cái chết biến thành một vật thể thực sự và bây giờ toi cảm thấy là mình dần dà bắt đầu hiểu được lý do vì sao mà hoa xuân, mặt trời, bàn học, nhà trường, bút chì - tất cả đều là vật chất, thực vậy - vẫn luôn luôn có vẻ lạnh lùng đến thế đối với tôi, vẫn luôn luôn có vẻ hiện hữu ở một nơi nào thực xa cách với chính thân tôi.
Má và nhiều đạo hữu khác lúc này đang đưa mắt nhìn tôi trong khi tôi đối diện với Ba lần cuối. Tính ngang bướng của tôi, tuy vậy, sẽ không chịu chấp nhận lối loại suy với thế giới của người sống mà từ ngữ “đối diện” ám chỉ. Bởi vì đó thực không giống một cuộc đối diện mảy may nào hết, tôi chỉ đưa mắt nhìn khuôn mặt vô hồn của Ba mà thôi.
Người ta chỉ đưa mắt nhìn thi hài. Tôi chỉ đưa mắt nhìn mà thôi. Biết rằng việc đưa mắt nhìn (nghĩa là việc nhìn vào một người nào đó như người ta vẫn thường làm không hề có một ý thức đặc biệt nào) là một chứng có cho thấy những ai còn sống vẫn còn quyền lợi và rằng việc đưa mắt nhìn này có thể là biểu lộ sự ác độc - tất cả những điều này bây giờ đến với tôi như một thể nghiệm mới mẻ. Như vậy, đứa thiếu niên, chưa bao giờ cao giọng cất tiếng hát, chưa bao giờ chạy quanh la hét đến vỡ lồng ngực, lúc này đang tự mình xác định sự hiện hữu của chính mình.
Mặc dù thiếu can đảm về nhiều phương diện trong lúc này tôi không hề cảm thấy xấu hỗ chút nào khi quay khuôn mặt sáng sủa ráo hoảnh không một giọt lệ về phía những người đang đến dự đám tang. Ngôi chùa ở trên một mỏm núi trên bờ bể. Phía sau những người đưa đám, những dám mây mùa hè đang cuồn cuộn trên mặt nước mênh mông của biển Nhật Bản và ngăn chặn tầm mắt tôi lại. Bây giờ người tu sĩ bắt đầu tụng bài kinh trước khám thờ Phật, bài kinh vẫn thường được đọc khi chuyển cữu và tôi đọc theo. Căn chính điện tối om. Lá phướng treo giữa hàng cột, những đồ vàng mã lấp lánh trên bàn thờ, chiếc lư trầm và những bình hoa tất cả đều chói sáng lung linh dưới ánh những ngọn bạch lạp. Thỉnh thoảng một làn gió biển lùa vào bên trong, thổi phồng tay áo tăng y của ôi. Trong khi tụng kinh tôi vẫn thường xuyên cảm thấy được dáng vẻ các đám mây mùa hạ trong lúc chúng chiếu hắt ánh sáng chói lòa vào khóe mắt tôi.
Ánh sáng chói chang bên ngoài luôn luôn rọi vào một bên mặt tôi. Nó mới chói chan, rạng rỡ làm sao - cái sự khinh nhờn lấn ép này!…
Khi đám tang chỉ còn cách hỏa trường chừng hơn hai trăm thước đột nhiên một trận mưa rào đổ ụp xuống đầu chúng tôi. May thay chúng tôi vừa đi ngay trước cửa căn nhà của một dạo hữu khá giả trong vùng nên chúng tôi có thể tìm chỗ trú mưa cùng với cả cái quan tài, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tới bãi đất hỏa thiêu.
Lò hỏa táng nằm trên một bãi nhỏ đầy đá của một mỏm đất nhô ra bể ở phía đông nam ngôi làng. Hiển nhiên nơi này đã được dùng để hỏa táng từ những thời xa xưa, vì khói không lan từ chỗ này về các ngôi nhà trong thôn.
Xa khỏi nơi này biển động dữ dội trong khi các làn sóng lớn cuồn cuộn thi nhau xô lên phía trước, dâng lên cao rồi hạ xuống thấp những giọt nước mưa thường xuyên làm mặt nước xao động, nhăn nhó. Trong tối tăm mịt mù những giọt nước mưa lạnh lùng tiếp tục xuyên thủng mặt nước, không hay biết gì tình trạng dao động dị thường của mặt bể. Nhưng thỉnh thoảng một trận gió bể bất thần thổi hắt nước mưa vào những vách đá trắng phếch trở nên đen sì y như vừa bị phun đầy mực.
Chúng tôi đi qua một con đường hầm và đến địa điểm. Trong khi các người phu trà tì sửa soạn đồ hỏa táng, chúng tôi đứng trong đường hầm để tránh mưa.
Tôi chẳng thể thoáng nhìn thấy ngay lấy quang cảnh bể cả. Chẳng có gì ngoài những đợt sóng cùng những tảng đá ướt át, đen sì và cơn mưa. Trong khi họ đổ dầu lên lớp ván quan tài, mưa rơi lên quan tài lộp độp.
Họ châm lửa vào quan tài. Dầu đốt hiện bị hạn chế, nhưng vì đây là đám tang của một tu sĩ nên họ đã xoay xỏa được một số dầu khá lớn, và bây giờ ngọn lửa đang vật lộn với trận mưa, đang bốc cao trong không khí, rít lên như tiếng roi quất mạnh. Mặc dù đang ban gnày, ngọn lửa trong suốt nổi bật giữa làn khói dầy đặc. Làn khói cuồn cuộn dâng lên và tạ dần về phía vách đá bên bờ bể; rồi thỉnh thoảng ngọn lửa uyển chuyển uốn mình vươn cao giữa cơn mưa tầm tã.
Bất chợt có tiếng một vật gì bị nứt tung gây ra một tiếng nổ kinh hồn. Nắp quan tài bất tung.
Tôi
nhìn má đang đứng sát ngay bên cạnh. Bà đứng đó hai tay
ghì chặt chuỗi tràng hạt. Khuôn mặt bà cứng dắn kinh khủng
trông có vẻ nhỏ bé và quắt queo đến nỗi tưởng như có
thể thu gọn vào một lòng bàn tay.
Theo di ngôn của Ba, tôi tới Kyoto va trở thành một sa di tại Kim Các Tự. Lúc đó tôi được xuống tóc đi tu dưới sự chứng giám của thượng tọa trù trì. Ông xuất tiền cho tôi đi học; đổi lại, tôi hầu hạ ông, lo việc quét dọn và làm những việc vặt vãnh trong nhà. Nói theo thế tục, địa vị của tôi tương đương với địa vị một anh học trò được nuôi ăn cho ở trong chùa.
Vừa mới vào chùa tôi nhận ra ngay rằng, sau khi viên quản liêu bị gọi nhập ngũ, những người duy nhất còn sót lại chỉ là những người già cả và những người hết sức ít tuổi. Dù sao đi nữa, việc đến đây ở đối với tôi cũng là một nguồn an ủi lớn lao. Chẳng bao giờ tôi còn bị chọc ghẹo là con của một thầy chùa như tôi đã từng bị tụi học trò con nhà tục gia ở trường trung học chọc ghẹo nữa, bởi lẽ ở đây ai cũng như ai, điểm khác biệt duy nhất là tôi nói lắp và bơi xấu hơn những người khác.
Việc học của tôi ở trường trung học Đông Maizuru đã bị gián đoạn trước khi tôi tốt nghiệp; nhưng nhờ hòa thượng Tayama Dosen giúp đỡ nên bây giờ tôi sắp sửa tiếp tục sự học ở trường trung học thuộc học viện Rinzai. Tôi sẽ bắt đầu học ở đó trong học kỳ mùa thu này, sẽ bắt đầu trong non một tháng. Tuy thế tôi biết rằng ngay khi khởi sự vào trường mới, tôi sẽ bị động viên lao động trong một xưởng máy nào đó. Lúc này tôi đang ở trước những hoàn cảnh mới. Tôi hãy còn được nghỉ hè vài tuần lễ nữa. Những ngày nghỉ hè trong thời gian cư tang của tôi, những ngày nghỉ hè lặng lẽ lạ lùng trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh năm Chiêu Hòa thứ mười chín (1914). Cuộc đời khuôn phép của một chú sa di của tôi trôi qua một cách êm ả và mãi mãi sau này khi nghĩ lại tôi cảm thấy đó là những ngày nghỉ tuyệt đối cuối cùng trong đời tôi. Đến bây giờ tôi vẫn có thể nghe rõ mồn một tiếng ve sầu kêu ra rả.
Kim Các Tự mà lúc này tôi được thấy lại sau mấy háng trời đang đứng lặng im thanh bình trong ánh nắng cuối hạ. Vì vừa mới gia nhập hàng ngũ tăng lữ nên tôi có cái đầu cạo bóng nhẵn thín. Tôi có cảm giác là không khí đã ôm chặt đầu tôi; tôi có cảm giác nguy hiểm lạ kỳ là những tư tưởng bên trong đầu tôi đang tiếp xúc với những hiện tượng ngoại giới qua một màng da mong manh nhạy cảm. Khi ngước mắt nhìn Kim Các Tự với cái đầu mới này của mình, tôi cảm thấy tòa kiến trúc đó đang thẩm nhập trong tôi, không những chỉ qua đôi mắt mà còn qua cả mái đầu tôi nữa. Cũng giống như đầu tôi nóng lên khi ánh mặt trời chiếu vào và mát đi khi gió lạnh ban chiều chợt thổi tới.
“Hỡi Kim Các Tự! Cuối cùng ta đã tới sống bên ngươi!” Tôi thì thầm lòng tự nhủ lòng trong khi ngưng tay quét lá vàng một lát. “Chẳng cần là phải ngay trong tức khắc, nhưng xin ngươi thỉnh thoảng hãy kết thân với ta và phơi bầy bí mật của ngươi cho ta được thấy. Ta cảm thấy vẻ đẹp của ngươi là cái gì ta sắp sửa thấy được tới nơi, thế nhưng đến lúc này vẫn còn chưa thấy được. Xin hãy để cho ta nom thấy rõ cái Kim Các Tự thực sự hơn là hình ảnh của ngươi trong tâm trí ta. Và hơn nữa, nếu thực sự ngươi đẹp đến nỗi không gì ở thế giới này có thể sánh kịp thì xin nói cho ta hay tại sao ngươi lại đẹp đẽ như thế, tại sao ngươi lại cần phải đẹp đẽ như thế.”
Mùa hè năm ấy Kim Các Tự dường như đã dùng những tin tức đáng buồn từ chiến trường hàng ngày đến với chúng tôi như một thứ lá chắn để nó rọi bóng rạng rỡ chói chan hơn bao giờ hết. Vào tháng sáu quân Mỹ đổ bộ ở Saipan và Đồng minh đang cố gắng vượt qua đồng bằng Normandy. Số du khách tới vãn cảnh chùa giãm sút rõ rệt và Kim Các Tự dường như đang vui hưởng sự cô đơn, sự tĩnh mịch này.
Cuộc chiến loạn, sự bất an, các đống xác người và máu xương chồng chất tự nhiên đã làm tăng thêm vẻ đẹp của Kim Các Tự. Bởi vì ngày từ đầu Kim Các Tự đã được xây dựng trong sự bất an, đã được bao nhiêu người chủ trì trong lòng có nhiều hắc ám - trong đó có cả một vị tướng quân - góp công xây dựng. Lối thiết kế tán loạn của ba tầng gác, trong đó nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật chỉ có thể thấy một sự pha trộn các dạng thứ, hẳn rằng đã được khai triển thật tự nhiên từ ý định tìm kiếm một kiểu thức có thể kết tinh tất cả những bất an qui tụ xung quanh. Giả sử, Kim Các Tự đã được kiến tạo theo một dạng thức an định thì có lẽ nó đã không bao nhiếp chịu đựng được sự bất an và tất nhiên có lẽ đã băng hoại từ lâu rồi.
Tuy vậy, đã biết bao lần tì tay trên cán chổi ngước mắt nhìn lên Kim Các Tự, tôi vẫn thấy lạ lùng hết sức là tòa kiến trúc này đã thực sự tồn tại ở trước mắt. Kim Các Tự mà tôi đã được nhìn khi nghỉ đúng một đêm ở đây trong lần viếng thăm trước cùng với Ba đã không đem lại cảm giác này cho tôi. Lúc này tôi khó lòng tin được drằng Kim Các Tự vẫn hằng luôn luôn ở đây ngay trước mặt tôi trong khi những năm tháng dài lê thê trôi qua.
Trong
những ngày sống ở Maizuru, khi nghĩ về Kim Các Tự tôi cảm
thấy dường như thể vẫn hằng đứng mãi tại một góc thành
phố Kyoto, nhưng bây giờ tôi đã tới và sống ở đây, ngôi
thiền đường ấy chỉ hiện ra trước mắt tôi khi nào tôi
thực sự ngắm nhìn nó, và ban đêm khi tôi nằm ngủ trong
chính điện thì dường như nó không còn tồn tại nữa. Cứ
thế trong một ngày tôi thường ra ngắm Kim Các Tự không biết
bao nhiêu lần trước sự cười cợt của các sa di bè bạn.
Tôi vẫn luôn luôn ngạc nhiên không biết bao nhiêu khi nhận
thấy ngôi chùa vẫn thực sự ở đó, và lúc trở vào chính
điện sau khi đã ngắm nhìn chán chê con mắt, tôi cảm thấy
nếu chợt quay lưng chạy ra ngắm lại lần nữa thì có lẽ
ngôi chùa sẽ biến dạng và tiêu tan đi y hệt hình bóng Eurydice,
người bạn đời của nhà nhạc sĩ tài danh Orphée vậy.
Khi đã quét hét một vòng xung quanh Kim Các Tự, tôi leo lên đồi ở phía sau chùa để tránh tia nắng mặt trời vào buổi sáng mỗi lúc một nóng bức hơn; tôi đi lên con đường nhỏ và bước về phía Tịch Giai đình. Vẫn chưa tới giờ mở cửa vườn và chẳng thấy bóng dáng người nào cả. mấy chiếc phi cơ chiến đấu, có lẽ thuộc phi đội ở Maizuru, ầm ầm lao ngang đầu trong khi bay khá thấp trên Kim Các Tự, rồi lại mất hút để lại đằng sau những tiếng ầm ĩ chối tai.
Trong khu đồi núi đằng sau chùa có một cái ao quạnh hiu đầy những cây hoa súng, được người ta gọi là An Dân trạch. Giữa ao có một gò đất nhỏ; trên gò ấy có ngọn tháp Bạch Xà Mông năm từng bằng đá đứng sừng sững. Tiếng chim hót líu lo tràn ngập bầu không khí ban mai; chẳng ai trông thấy con chim nào, song toàn thể khu rừng đều xôn xao tiếng chim ríu rít.
Trước mặt ao cỏ mùa hè mọc đầy kết thành từng đám. Một hàng rào thấp ngăn cách lối đi nhỏ với đám cỏ rậm rạp này. Một thiếu niên mặc áo sơ mi trắng đang nằm gần hàng rào, ở bên cạnh một cái cào tre đứng dựng vào thân cây phong thấp.
Thiếu niên ấy vụt nhổm người dậy mạnh bạo như thể đang khoét thủng hẳn làn không khí êm dịu mùa hè đang rập rờn trên đầu chúng tôi; tuy nhiên, khi nhìn thấy tôi, hắn ta chỉ nói: “Ồ, thế ra mày đấy ư?”
Tôi mới được giới thiệu với thằng này vào tối hôm trước. Nó tên là Tsurukawa, từ một ngôi chùa trù phú ngoại ô Tokyo tới đây. Gia đình nó đã cung cấp cho nó thừa thãi đủ mọi thứ, nào học phí, tiền tiêu vặt, nào thức ăn; và qua liên hệ nào đó với hòa thượng trụ trì nó đã được gửi đến Kim Các Tự để nó có thể nếm mùi sự tu luyện dành cho những sa di bình thường. Nó đã trở về thăm nhà trong dịp nghỉ hè mãi tới chiều tối hôm trước mới trở lại Kyoto, Tsurukawa nói năng lưu loát bằng một giọng Tokyo nghe thật hay. Hỏi ra tôi mới biết nó dự định học trường trung học thuộc học viện Rinzai mùa thu ấy theo cùng lớp với tôi, và ngay từ đêm qua, tôi bị ngỡ ngàng khôn tả vì cái miệng lưỡi liến láu vui vẻ của nó.
Lúc này khi nghe thấy nó nói: “Ồ, thế ra mày đấy ư?” tôi thấy miệng mình cứng ngắt không sao thốt được ra lời. Có vẻ như nó cho rằng sự im lặng của tôi như một thứ phê bình.
“ Như thế là được lắm rồi mày ạ. Mình đâu cần phải quét tất cả cẩn thận đến thế. Đằng nào đi nữa khi khách vãn cảnh tới đây, đâu đó lại đều bẩn hết ngay mà. Ngoài ra, mùa này cũng không có nhiều khách vãn cảnh đến đây đâu.”
Tôi chợt bật ra một tiếng cười. Cái tiếng cười mà tôi thường buộc ra một cách vô ý thức dường như đã khiến cho một số người cảm thấy thân tình với tôi. Vì thế chẳng phải là lúc nào tôi cũng có trách nhiệm về những ấn tượng phức tạp mà tôi hằng gây ra nơi người khác.
Tôi leo qua hàng rào và đến ngồi tựa lưng bên cạnh Tsurukawa. Nó nằm gối đầu lên cánh tay. Tôi nhận thấy tay phía bên ngoài cánh tay làn da xạm nắng, song phần bên trong thì trắng trẻo đến nỗi mình có thể nhìn thấy tất cả những mạch máu qua làn da. Ánh sáng mặt trời ban mai len lỏi lai láng qua các lùm cây và rải rác những bóng hình sáng xanh trên mặt cỏ. Tôi có trực giác cảm thấy liền là thằng này sẽ chẳng hề yêu mến Kim Các Tự như tôi. Bởi lẽ sự thiên chấp của tôi đối với ngôi chùa này đã hoàn toàn bắt cỗi rễ từ sự xấu xí của chính thân tôi.
Tsurukawa nói: “Tao nghe nói là ba mày mới qua đời.”
“Phải, đúng thế.”
Tsurukawa mau mắn đưa mắt nhìn sang bên,và rồi chẳng hề cố gắng che giấu là mình say dắm lối suy luận trẻ con ra làm sao, nó nói: “Sở dĩ mày thích Kim Các Tự đến như thế là vì nó nhắc nhở mày nhớ tới ba mày, có phải thế không? nghĩa là ta muốn nói, mỗi khi nhìn đến ngôi chùa này là mầy nhớ lại ba mày trước kia đã thích Kim Các Tự đến mực nào?”
Tôi thấy hài lòng là sự suy luận chỉ đúng nửa vời của nó đã không gây ra một nét thay đổi nào trên khuôn mặt không chút cảm động của tôi. Hiển nhiên là Tsurukawa đã sắp xếp một cách chính xác những tình cảm của con người vào trong những ngăn kéo nhỏ bé gọn gàng trong phòng ngủ của nó, giống như trẻ con vẫn thường thích phân loại các côn trùng thuộc loại khác nhau; và rồi thỉnh thoảng nó lại khoái lôi ra để thực hiện một vài thí nghiệm.
“Này, Ba mày qua đời làm mày buồn lắm phải không? Vì thế trông mày lúc nào cũng có vẻ buồn buồn. Tao đã nghĩ như vậy ngay từ khi mới gặp mày lần đầu vào đêm qua.”
Dẫu sao, những lời nhận xét của nó chẳng hề làm cho tôi khó chịu chút nào. Thực vậy, cảm tưởng của nó cho rằng trông tôi có vẻ buồn rầu đã khiến tôi an tâm và tự do, miệng tôi thốt ra được những lời nói nhẹ nhàng trôi chảy. “Truyện đó cũng chẳng có gì đáng buồn mày ạ.”
Lấy tay giụi đôi lông mày dài ngang trán, Tsurukawa trố mắt nhìn tôi:
“Ơ!” nó nói. “Thế có nghĩa là mày ghét ba mày có phải vậy không? Hoặc ít nhất là mày cũng không ưa ông ấy.”
“Tao chẳng có điều gì ghét bỏ mà tao cũng chẳng có điều gì yêu mến gì Ba tao hết.”
“Vậy thì tại sao mày lại không buồn?”
“Nói gì thì nói, sự thực nó là như thế. Chính tao cũng chẳng hiểu tại sao nữa.”
Đụng đầu phải vấn đề khó khăn này, Tsurukawa bèn nhỏm dậy ngồi thẳng người trên cỏ.
“Trong trường hợp ấy,” nó nói, “chắc hẳn là mày đã gặp phải một truyện đau buồn nào khác.”
“Thực tình tao cũng chẳng biết nữa,” tôi đáp.
Sau khi nói vậy, tôi phân vân tự hỏi không biết tại sao tôi lại cứ hay gợi sự hoài nghi trong tâm trí kẻ khác cho đến thế. Còn đối với chính tôi thì chẳng hề có chút hoài nghi nào hết. Sự việc thực là quá rõ rệt: tình cảm của tôi bắt nguồn từ tật nói lắp của tôi mà ra. Những tình cảm ấy chẳng bao giờ xuất hiện đúng lúc. Do đó, tôi cảm thấy dường như sự kiện Ba qua đời và sự kiện tôi buồn rầu là hai sự việc cô lập, cách biệt với nhau, không hề móc nối và không hề có đụng chạm tới nhau. Chỉ một chút lệch lạc về thời gian, chỉ một sự chậm trễ nhỏ nhặt đã làm cho những tình cảm và những biến cố mà tôi đã hiểu biết quay lại trạng thái rời rạc ban đầu; trạng thái này, theo như chỗ tôi biết, có lẽ là trạng thái căn bản của chúng. Khi tôi buồn, nỗi buồn đột phát mà không cần một lý do nào hết: nó không hề có một liên hệ nào với một sự kiện hoặc một động lực nào cả.
Một lần nữa, câu truyện lại phải kết thúc vì tôi không làm sao giải thích được tí gì cho người bạn mới đang ngồi đối diện tôi cả. Rút cuộc Tsurukawa phá ra cười.
“Mày là một con người kỳ cục phải không mày?” nó nói.
Mảnh áo sơ mi trắng trên bụng nó rập rờn gợn nếp theo tiếng cười. Tia nắng mặt trời rọi qua những cành lá đu đưa khiến tôi cảm thấy sung sướng. Giống như cái áo sơ mi nhăn nhúm của thằng thiếu niên, cuộc đời của tôi cũng nhăn nheo gợn nếp. Tuy nhiên, dù cho có bị nhăn nheo gợn nếp dưới ánh sáng mặt trời cái áo sơ mi trắng của nó mới rạng rỡ làm sao! Có lẽ cả tôi cũng thế nữa.
Tách rời thế giới bên ngoài trong sinh hoạt riêng tư của nó, ngôi chùa tiếp tục sống theo những nghi thức thông thường của thiền tự. Vì đang vào mùa hè nên mỗi buổi sáng chúng tôi đều thức dậy vào lúc năm giờ. Thức dậy ở đây được gọi là “khai định”. Vừa thức dậy, chúng tôi tụng kinh khóa sáng. Công tác này được gọi là “tam thời hồi hướng”, vì chúng tôi đọc những bài kinh ấy ba lần. Sau đó, chúng tôi quét dọn bên trong và lau nền nhà. Rồi đến bữa ăn sáng gọi là “chúc tọa”. Chúng tôi vừa ăn cháo vừa lắng nghe tụng bài kinh đặc biệt của chúc tọa.
Chúc
hữu thập lợi
Nhiêu
ích hành nhân.
Quả báo vô biên
Cứu
cánh thường lạc.
Cháo có mười điều lợi
Nhiều ích lợi cho người.
Quả báo không biên giới
Cứu cánh thường an vui.
Sau khi ăn sáng, chúng tôi bắt tay vào những công việc vặt như nhổ cỏ, quét vườn và chặt củi. Sau đó, vào những ngày đi học, thời gian cho chúng tôi đi tới trường.
Rồi, sau khi đi học về một lát, chúng tôi lại dùng “dược thạch” hoặc cơm chiều. Tiếp theo thường là buổi giải nghĩa về kinh điển nhà Phật của hòa thượng trụ trì. Đến chín giờ tối bắt đầu buổi “khai chẩm”, nghĩa là giờ đi ngủ.
Đó là cuộc sống hàng ngày của tôi và mỗi ngày dấu hiệu đánh thức tôi dậy là tiếng chuông của viên quản liêu trông nom bếp nước và nghi thức trong giờ ăn.
Trước kia vốn có chừng mười hai mười ba người sống ngay trong Kim Các Tự, nghĩa là trong điện Lộc Uyển tự, nhưng vì bị trưng dụng vào quân vụ và lao động nên trong chùa ngoài ông già phụ dịch khoảng bảy mươi tuổi và bà già gần sáu mươi tuổi lo việc thổi nấu, vị chấp sự và phó chấp sự, chỉ còn có ba đứa chúng tôi. Những người già thực đã phủ đầy rong rêu nửa sống nửa chết còn bọn trẻ chúng tôi hãy còn hoàn toàn là trẻ con. Viên chấp sự cũng gọi là phó ti hết sức bận rộn với cái việc kế toán trong chùa.
Một vài ngày sau khi tới chùa, tôi được giao phó công việc đem báo tới tận phòng hòa thượng trụ trì (mà chúng tôi gọi là “Lão sư phụ”). Báo tới hàng ngày vào khoảng thời gian khi chúng tôi đã làm xong những công việc quét dọn. Đối với lũ chúng tôi có mấy đứa mà quét phải dọn lau chùi từng hành lang của ngôi chùa có tới ba mươi phòng trong một thời gian ngắn ngủi thì thực là một công việc nặng nhọc. Sau khi làm xong công việc, tôi ra ngoài huyền quan thu nhặt báo chí đem vào; tôi đi qua hành lang phía trước căn sứ giả, rồi vòng quanh phía sau “khách điện” và cứ thế len theo các hành lang kế tiếp tới Đại Thư Viện nơi Lão sư phụ đang chờ đợi. Các hành lang tôi đi qua đều hãy còn ẩm ướt vì mới được lau chùi; ở những chỗ trũng trên gỗ những vũng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời sáng ban mai và làm ướt chân tôi tới tận mắt cá. Vì đang giữa mùa hè nên cái đó lại làm cho tôi có một cảm giác thích thú. Đoạn, tôi quì xuống ở phía ngoài bức mành phòng Lão sư phụ, con có vào được không ạ?”
“Ừm!” tiếng trả lời vọng ra.
Trước khi bước vào căn phòng, tôi lấy riềm tấm áo cà sa lau kỹ đôi chân ướt; đó là một cái trò huyền bí mà tôi đã học được của mấy thằng bạn chú tiểu. Tôi ngửi thấy cái mùi vị tươi mát, nồng nặc của thế tục phát ra từ mực in trên tờ báo; lén lút liếc vội hàng chữ lớn đầu bài tôi đọc: “Đế đô không tránh khỏi bị không tập hay chăng?”
Kể ra cũng kỳ diệu, nhưng cho mãi tới lúc này tôi chưa hề nghĩ đến truyện Kim Các Tự bị máy bay oanh tạc. Vì Saipan đã thất thủ nên việc không tập vào chính quốc là điều từ lâu người ta đã cho rằng không thể tránh được, và nhà cầm quyền đã đẩy mạnh kế hoạch di tản một phần thành phố Kyoto; tuy nhiên, theo như chỗ tôi biết, dường như không hề có mối liên hệ giữa cuộc sống bán vĩnh cửu của Kim Các Tự với những tại họa do các cuộc không tập gây ra. Trong lòng tôi nghĩ là tòa Kim Cương bất hoại của Kim Các Tự và cái ngọn núi lửa khoa học do bom đạn gây ra phải biết rõ sự khác biệt hoàn toàn giữa bản chất của chúng, và tôi cũng nghĩ nếu hai thứ đó gặp nhau, chúng sẽ tự động tránh né lẫn nhau. Thế nhưng, sự thực vẫn là Kim Các Tự đang có nguy cơ bị thiêu tàn trong một cuộc không tập. Thực vậy, nếu mội việc cứ tiếp tục theo cái đà này thì Kim Các Tự chắc chắn sẽ trở thành tro bụi. Từ lúc mà ý tưởng này đã bắt rễ trong lòng, tôi thấy vẻ đẹp bi đát của Kim Các Tự mỗi ngày lại một gia tăng.
Đó là một buổi chiều cuối hạ, một hôm trước ngày khai trường. Hòa thượng trụ trì cùng viên phó chấp sư đã rời chùa để lo một pháp sự. Tsurukawa rủ tôi đi xem chiếu bóng, nhưng vì tôi không có vẻ mặn mà nên nó cũng cảm thấy mất hứng, Tsurukawa vẫn có cái thói như thế.
Đã được phép vắng mặt trong một vài giờ nên chúng tôi thắng bộ, đầu đội mũ học viện Rinzai, chân đi ghệt bó chặt lấy ông quần kaki, rồi rời chính đường. Ngôi chùa đắm mình trong hơi nóng hừng hực của một ngày mùa hạ và không có người khách nào tới vãn cảnh chùa cả.
“Thế bây giờ bọn mình đi đâu đây?” Tsurukawa nói.
Tôi trả lời rằng trước khi đi bất cứ một nơi nào, tôi cần phải ngắm lại kỹ lưỡng Kim Các Tự, bởi vì từ ngày mai trở đi, hàng ngày chúng tôi chẳng còn được ngắm nó vào giờ này nữa, và hơn thế trong khi chúng tôi xa chùa làm việc trong công trường, rất có thể Kim Các Tự bị máy bay oanh tạc mà cháy tiêu đi. Tôi ấp úng lắp bắp giải thích điều tôi muốn nói; Tsurukawa vừa lắng nghe vừa tỏ vẻ ngạc nhiên và nóng nẩy. Khi tôi chấm đứt câu nói ngắn ngủi này, mồ hôi đổ ra như suối trên mặt như thể là tôi dã nói năng điều gì rất đáng hổ thẹn. Tsurukawa là người duy nhất tôi bộc lộ cho hay sự quyến luyến lạ kỳ của tôi đối với Kim Các Tự. thế nhưng, trên vẻ mặt nó không có gì khác ngoài cái dáng bực bội mà tôi vẫn thường thấy trên mặt những người đang cố gắng tìm hiểu những lời nói lắp bắp ấp a ấp úng của tôi. Đó là những bộ mặt tôi gặp hàng ngày. Trong trường hợp tôi phơi bày những điều bí mật, trong trường hợp tôi nói cho người khác hay những cảm xúc nôn nao tràn ngập tâm hồn vì một hình ảnh đẹp nào đó, trong trường hợp tôi cố gắng bộc lộ những điều chất chứa trong tim gan - cái mà tôi đụng đầu ấy là một bộ mặt giống như bộ mặt này. Đó không phải là bộ mặt mà thiên hạ thường chường ra cho nhìn nhau nhìn. Bộ mặt này đang bắt chước y hệt vẻ hoạt kê của chính tôi; nói cho ngay, đó là tấm gương khủng khiếp phản ánh chính tôi. Vào những lúc như thế này, cho dẫu bộ mặt người có đẹp đẽ đến thế nào đi nữa, nó cũng sẽ biến dạng thành một cái gì xấu xí giống như bộ mặt của chính tôi. Ngay khi tôi nhận thấy điều này, điều quan trọng tôi muốn diễn tả đã tan vỡ thành một cái gì vô giá trị như mảnh ngói lợp nhà vậy.
Mặt trời mùa hạ rọi thẳng những tia sáng chói chang giữa Tsurukawa và tôi. Trong khi nó chờ đợi cho tôi dứt lời, khuôn mặt trẻ trung của nó bóng lộn những mỡ. Đôi lông mày nó lấp lánh màu vàng trong ánh nắng và hai lỗ mũi nó nở phồng lên vì hơi nóng ngột ngạt.
Tôi dứt lời. Và ngay khi vừa mới dứt lời, tôi liên cảm thấy tức giận điên cuồng. Suốt từ khi gặp Tsurukawa cho tới giờ, chưa một lần nào nó chọc ghẹo tôi vì tật nói lắp.
“Tại sao?” Tôi căn vặn nó như vậy để nó giải thích thái độ khoan dung của mình. Như tôi vẫn thường kể lại, sự chê cười khinh miệt lắm khi còn làm tôi ưng ý hơn cả sự đồng tình nữa.
Một nụ cười dịu dàng khôn tả thoáng hiện trên khuôn mặt Tsurukawa, và rồi nó nói:
“Vì lẽ tao là thằng đếch có thêm bận tâm đến những điều ấy.”
Tôi bàng hoàng kinh ngạc. Là người được nuôi nấng trong hoàn cảnh quê mùa thô lậu, tôi thực không quen với cái thứ dịu dàng tử tế như thế. Sự dịu dàng, tử tế của Tsurukawa đã dậy cho tôi biết rằng dù cho đời tôi không còn vướng mắc tật nói lắp nữa, tôi vẫn có thể là tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn thú vị ngay khi bị lột trần như nhộng. Đôi mắt Tsurukawa với hàng mi dài bao quanh đã gạn lọc tật nói lắp của tôi ra ngoài và chấp nhận nguyên vẹn phần còn lại trong con người của tôi. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn hằng sống trong ảo tưởng kỳ lạ rằng việc không ngó ngàng gì đến tật nói lắp của tôi tự nó cũng tương đương như việc tru diệt chính sự hiện hữu của cái tôi vậy.
Tôi cảm thấy trong mình có sự hòa hợp và cảm thấy hạnh phúc. Thực chẳng có gì lạ là từ đó đến nay chưa bao giờ tôi có thể quên được cái hình ảnh của Kim Các Tự dưới mắt tôi lúc đó. Hai đứa chúng tôi đi qua chỗ người phục dịch già nua đang thiu thiu ngủ; chúng tôi men theo lối mòn vắng tanh dọc theo tường chùa rồi đi tới phía trước Kim Các Tự.
Lúc này tôi vẫn nhớ cảnh đó rõ mồn một. Hai đứa thiếu niên chúng tôi đứng đó vai kề vai bên cạnh Kính Triều trì, mình mặc sơ mi trắng và chân đi đôi ủng ống da. Trước mặt hai bóng người ấy, Kim Các Tự đứng sừng sững không có gì ngăn cách. Vào mùa hạ cuối cùng ấy, vào dịp nghỉ hè cuối cùng ấy, vào chính ngày cuối cùng ấy - tuổi trẻ của chúng tôi là đà ngây ngất ở ven bờ. Kim Các Tự cũng đứng ở ven bờ này đối diện với chúng tôi, đối thoại với chúng tôi. Tới mức độ này, sự chờ đợi cuộc không tập đã đem chúng tôi xích lại gần ngôi chùa hơn.
Ánh mặt trời âm thầm cuối hạ đã lát những phiến vàng mỏng len mái Cứu Cánh đính, và làn ánh sáng từ trên hắt thẳng xuống đã làm bên trong Kim Các Tự đắm chìm vào một màn tối âm u. Cho đến mãi lúc ấy, sự bất tử với thời gian của ngôi chùa đã luôn luôn đè nặng tâm trí tôi và ngăn cách tôi với nó. Nhưng việc nó sắp bị đạn bom thiêu hủy tới nơi đã làm cho vận mệnh của nó lại gần vận mệnh của chính chúng tôi. Có thể rằng Kim Các Tự sẽ bị hủy diệt - trước cả chúng tôi nữa. Khi nghĩ như thế, tôi thấy dường như ngôi chùa đang sống cùng cuộc đời như đời chúng tôi vậy.
Các núi đồi xung quanh với hàng tùng đỏ ửng đang tràn ngập tiếng ve sầu kêu ra rả, như thể vô số những tăng sĩ vô hình đang ngân nga đọc bài thần chú tiêu tai diệt họa bằng tiếng Phạn: “Khư khư khư tư khư, hồng hồng phọc la nhập phọc la, hựu nhập phọc là hựu nhập phọc la!”
Tôi nghĩ tòa nhà kiến trúc xinh đẹp sắp sửa trở thành một đống tro tàn. Kết cục, hình ảnh Kim Các Tự trong tâm tưởng tôi dần dần trở nên trùng hợp với Kim Các Tự trong chùa thực tế, y như là một bức họa đã được in lại trên một bức lụa vẽ trùng hợp với bức họa nguyên thủy; cái mái chùa trong tâm tưởng của tôi in trùng lên cái mái chùa thực sự. Thấu Thanh in trùng lên thấu thanh nhô ra bờ ao, những hàng song sắt in trùng lên hàng song sắt của Triều Âm động, những hoa đầu song in trùng lên cá hoa đầu song của Cứu Cánh đính. Kim Các Tự không còn là một kiến trúc bất động nữa. Có thể nói, nó đã trở thành một tượng trưng cho tính cách phù du của thế giới hữu hình. Do suy tư này, bay giờ ngôi chùa thực sự trở nên đẹp đẽ hơn ngôi chùa nằm trong tâm tưởng tôi. Ngày mai, bởi vì tất cả chúng tôi đều biết, lửa sẽ từ trên trời cao trút xuống như mưa; lúc đó, những hàng cột mảnh mai, những đường nét ưu nhã của mái chùa kia sẽ biến thành tro tàn, và chúng tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy chúng lần thứ hai. Nhưng lúc này đây ngôi chùa với đường nét tiêm tế xinh đẹp đang lộng lẫy đứng trước mặt chúng tôi, đang đắm mình trong làn ánh sáng chói chang của lửa hạ.
Phía viền núi nhiều đám mây hùng vĩ ùn ùn nhô lên cao giống như những đám mây tôi cảm thấy trong khóe mắt mình lúc người ta tụng kinh trong đám tang Ba. Những đám mây ấy chứa đầy một thứ ánh sáng tù động đang ngoái nhìn nét kiến trúc của ngôi chùa. Dưới làn ánh sáng cuối hạ mãnh liệt này, Kim Các Tự dường như mất hết đường nét khác nhau đã tạo nên nó; nó khư khư ôm lấy cuộn tròn trong lòng mình bóng tối giá lạnh âm u; và với nét mờ thần bí, nó hoàn toàn lãng quên thế giới chói chang đang bao quanh nó. Chỉ có con phượng hoàng trên mái chùa là bám chặt móng vào chỗ đậu và gắng sức giữ khỏi bị loạng choạng dưới ánh mặt trời chói lòa.
Khó chịu vì tôi mê mải ngắm nhìn ngôi chùa không chán mắt, Tsurukawa nhặt một hòn sỏi, rồi với dáng điệu mềm mại của người bắt banh, nó ném cục sỏi nhỏ vào ngay giữa cái bóng phản ánh mà Kim Các Tự hắt lên trên mặt Kính Triều trì. Những vành sóng gợn lan rộng qua đám cây hoa súng và nét kiến trúc mảnh mai, ngoạn mục chợt vỡ tan thành trăm nghìn mảnh nhỏ.
Từ lúc đó cho đến lúc chiến tranh chấm dứt khoảng một năm sau là thời gian tôi thân thiết nhất với Kim Các Tự, luôn luôn lo lắng tới sự an toàn và hoàn toàn mê mải đắm say vẻ đẹp của nó. Đó là một thời kỳ đường như tôi đã kéo được Kim Các Tự xuống một chiều cao ngang với mình, và tin tưởng vào điều này, tôi có thể yêu nó mà không cảm thấy mảy may sợ sệt. Cho đến bây giờ ngôi chùa vẫn chưa hề gây một ảnh hưởng xấu xa hoặc đem chất độc nào của nó tới tôi cả.
Tôi thấy phấn khởi khi biết Kim Các Tự và tôi đang cùng trải qua một nỗi nguy nan trên cuộc đời này và tôi thấy ở đó một môi giới kết tôi với cái đẹp. Tôi cảm thấy là giữa tôi và cái điều từ trước đến giờ vẫn hằng xa cách, vẫn hằng cự tuyệt chính tôi, đến lúc này đã có một cây cầu liên lạc.
Tôi hầu như say sưa ngây ngất nghĩ rằng cái ngọn lửa hủy diệt tôi chắc chắn cũng sẽ hủy diệt cả Kim Các Tự nữa. Cùng chịu một tai họa, cung chịu một vận mệnh dưới ngọn lửa chẳng lành, ngôi chùa và tôi đã tới để sống trong những thế giới thuộc cùng một thứ bực. Cũng giống như cái nhục thể yếu ớt, xấu xí của tôi, nhục thể của ngôi chùa tuy nó cứng dắn, vồn gồm toàn chất tro than dễ cháy. Nhiều lúc tôi nghĩ tôi có thể chạy trốn khỏi nơi này mang theo một mình ngôi chùa giấu kín trong thịt xương, trong thân xác tôi - y như một tên ăn trộm nuốt một viên ngọc quí khi đang trên đường đào tẩu.
Suốt trong năm đó tôi không học một bài kinh hoặc đọc một cuốn sách nào; trái lại, hết ngày này qua ngày khác, từ sáng đến tối, tôi chỉ bận rộn những bài học tu thân, giáo lý, huấn luyện quân sự và làm quen với các công tác cưỡng chế ngoài công trường. Bản tính tôi vốn đã thích mơ màng đó lại càng thêm mạnh mẽ hơn; và nhờ có chiến tranh cuộc sống con người lại càng thêm xa cách với tôi.
Đối với bọn thiếu niên chúng tôi chiến tranh là một thứ kinh nghiệm giống như một thứ mơ mộng hoảng hốt thiếu hẳn thực chất. Chiến tranh là một cái gì na ná khu biệt lập trong bệnh viện ngăn cách con người với những ý vị của cuộc đời.
Khi chiếc máy bay B.29 đầu tiên oanh kích Tokyo vào tháng 11 năm Chiêu Hòa thứ chín (1944) thì ai cũng nghĩ Kyoto sẽ bị không tập chỉ trong nay mai. Tôi âm thầm mê mộng là toàn thể Kyoto sẽ đắm chìm thành biển lửa. Thành phố này lo lắng quá nhiều đến việc bảo vệ những di vật cổ truyền; bao nhiêu những thần xã, những Phật các khác màu khác kiểu đang cố gắng quên những ngọn lửa chói rực đã phát sinh từ bên trong. Khi tưởng tượng trận đại loạn Ojin đã biến thành phố này thành hoang phế ra làm sao, tôi cảm thấy Kyoto mất đẹp một đôi phần vì đã quá lâu không biết đến tình trạng bất an của ngọn lửa chinh chiến.
Ngày mai có thể Kim Các Tự sẽ bị thiêu hủy. Cái hình thái ấy đã lấp đầy không gian từ trước đến giờ sẽ biến mất luôn. Ngay cả con chim phượng hoàng bất tử trên mái chùa cũng sẽ như con chim phượng hoàng trong truyện cổ, sẽ vỗ cánh bay vút đi xa. Và chính Kim Các Tự từ trước đến giờ bực bội, khó chịu vì hình thái của nó, sẽ tách rời được cái neo ràng buộc thân mình và sẽ nhẹ nhàng phiêu diêu nơi này nơi nọ, gieo rắc ánh sáng nhạt mờ trên mặt hồ và trên các làn sóng biển đen ngòm.
Mặc dù tôi đã đợi chờ, đợi chờ khá lâu, song Kyoto vẫn chưa bao giờ bị không tập cả. Ngay cả khi tôi đọc trên báo ngày mùng chín tháng ba năm sau đăng tin cả một dãy phố thương mại trong thành phố Tokyo đắm chìm trong lửa và mức tàn phá thật khủng khiếp, thì Kyoto vẫn sống yên ổn dưới bầu trời trong sáng đầu Xuân xa hẳn mọi tai họa. Đến lúc gần như tuyệt vọng trong đợi chờ tôi đành cố gắng tự thuyết phục rằng bầu trời đầu Xuân ấy đã chứa đựng lửa đỏ và tàn phá bên trong, y như một cửa sổ có kính óng ánh che dấu những gì ẩn đằng sau. Như tôi đang nói ở trên mối quan tâm của tôi đối với nhân gian thật là mỏng manh. Sự qua đời cả Ba và cảnh bần cùng của Má chẳng ảnh hưởng gì đến sinh hoạt nội tâm của tôi hết. Tôi mơ ước một cái gì giống như một máy ép khổng lồ từ trên trời ụp xuống nhân gian dứt hết mọi bi kịch theo quy mô của nhân gian và nghiền nát hết mọi vật chất của nhân gian trong cùng một điều kiện như nhau. Không cần phân biệt đẹp, xấu ra sao. Đôi khi tôi thấy vẻ trong sáng khác thường của bầu trời đầu Xuân giống như ánh sáng của một lưỡi rìu khổng lồ lạnh ngắt nào đó đang lấp lánh trên mặt đất. Thế rồi tôi chỉ việc chờ đợi cho nó rơi xuống nhanh đến độ không còn cho ai kịp suy nghĩ gì hết.
Cho đến bây giờ vẫn còn một cái gì làm tôi cảm thấy lạ lùng khó hiểu. Xét tự căn nguyên tôi không hề bị những tư tưởng hắc ám chi phối. Điều quan tâm của tôi, vấn đề thực sự của tôi chỉ là cái đẹp mà thôi. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này đã chẳng có tác dụng gì đến tôi bằng cách đem theo vào đầu óc tôi những tư tưởng hắc ám. Khi tập trung tư tưởng vào cái đẹp, người ta có thể chạm trán với những tư tưởng hắc ám ở trong thế giới này mà không hay biết gì hết. Tôi dám nói rằng nhân gian vẫn có phong thái như vậy.
Tôi còn nhớ một truyện xảy ra ở Kyoto lúc chiến tranh gần chấm dứt. Một truyện tưởng như không làm sao tin được, nhưng không phải chỉ riêng một mình tôi mà bên tôi còn có cả Tsurukawa mục kích nữa.
Một hôm điện bị cắt, Tsurukawa và tôi cùng đến thăm chùa Nam Thiền. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm chùa Nam Thiền. Chúng tôi vượt qua một con đường rộng lớn rồi bước lên một cái cầu gỗ bắc ngang nơi hạ thủy các con tàu.
Đó là ngày tháng năm trong sáng. Bến hạ thủy không còn được sử dụng nữa, các đường rầy chạy xuống con dốc đã han rĩ và hầu như hoàn toàn đã bị cỏ dại phủ đầy. Giữa đám cỏ dại, những bông hoa hình chữ thập nhỏ bé, mỏng manh đang run rẩy trong gió. Ở mặt dốc khởi đầu bến hạ thủy, nước sông dơ bẩn và tù đọng. Chúng tôi đứng bên bờ hoàn toàn chìm đắm dưới bóng lá cây anh đào.
Đứng trên chiếc cầu nhỏ bé, chúng tôi lơ đễnh ngắm nhìn mặt nước. Giữa những hồi tưởng về chiến tranh, những giây lát lơ là ngắn ngủi như thế này đã để lại nhiều ấn tượng thật là tươi sáng. Những giây phút phóng tâm ngắn ngủi ấy rải rác trong thời gian, giống như những mảng trời xanh ngó qua đám mây, kể cũng kỳ lạ khi một giây lát này lại còn mãi mãi tươi mát trong tâm trí tôi, y như thể ký ức về một niềm khoái lạc thống thiết.
“Đẹp, phải không?” Tôi nói và mỉm cười lơ đãng.
“Ừ”, Tsurukawa đáp, rồi nó cũng nhìn tôi và mỉm cười. Hai đứa chúng tôi cảm thấy rõ rệt rằng hai ba giờ đồng hồ ngắn ngủi này hoàn toàn là của chúng tôi.
Bên cạnh con đường đất rộng trải sỏi có một con lạch nước trong văn vắt, trong đó những loài thủy thảo xinh đẹp đang ngả nghiêng theo dòng nước chẩy. Chẳng mấy chốc cửa Sơn Môn lừng danh hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Chẳng có một bóng người nào trong chùa. Giữa chòm lá xanh tươi những viên ngói của mái tháp chùa rực rỡ lạ kỳ, như thể có quyển sách nạm bạc khổng lồ nào đã được đặt lên đó, vào một thời gian nào có nghĩa gì không? Ở một nơi nào đó, vào một thời gian nào đó, đối với tôi chiến tranh dường như đã trở thành một sự kiện tinh htần kỳ quái không hề tồn tại trong ý thức con người.
Có lẽ chính ở cửa Sơn Môn này mà Ishikawa Goémon, tay trộm khét tiếng thời xưa, đã đặt bàn chân lên hàng lan can mà thưởng thức cảnh hoa nở rộ ở phía dưới cho đến chán mắt. Hai đứa chúng tôi cảm thấy mình trở laọi tâm hồn con trẻ và, tuy đã đến cuối mùa hoa anh đào, lá xanh mọc ra, chúng tôi nghĩ phải làm sao thưởng ngoạn cảnh sắc này cũng trong dáng điệu của Goémon ngày trước. Chúng tôi trả ít tiền vào cửa rồi leo lên các bậc thềm thực dốc, gỗ đã ngả màu đen kịt. Trong căn điện ở thượng từng, nơi tập dượt các vũ điệu tôn giáo ngày trước, Tsurukawa va đầu vào cái trần nhà thấp. Tôi bật cười, nhưng ngay sau đó chính tôi cũng chợt va đầu mình vào cái trần thấp lè tè ấy. Hai đứa chúng tôi rẽ lối khác, leo lên bậc thềm cuối cùng rồi tới lầu thượng.
Sau khi trèo lên những bậc thềm, chật chội như trong một cái huyệt, rồi cảm thấy thân thể mình bất thần được phơi ra cảnh trí rộng lớn bên ngoài thực là một sự căng thẳng khoái trá. Chúng tôi đứng đó một lúc ngắm nhìn những lá cây anh đào, những ngọn thông trong khu rừng cây um tùm thuộc thần cung Heian trải dài ra tận phía xa ngoài các dẫy nhà, những núi - Arashiyama, Kitanokata, Kifume, Minoura, Kompira - tất cả vươn lên mờ ảo khói sương mãi tới đầu những đường phố Kyoto. Sau khi đã ngắm nhìn no mắt, chúng tôi cởi giầy rồi bước vào trong điện cung kính như hai chú tiểu gương mẫu. Trong căn ngự đường u ám này có hai mươi bốn chiếc chiếu cói trải trên sàn. Ở chính giữa là phong tượng đức Thích Ca, và những cặp mắt vàng óng của mười sáu vị La Hán rực sáng trong bóng tối. Người ta gọi nơi này là Ngũ phượng lâu.
Cũng như Kim Các Tự, Nam Thiền tự cũng thuộc về tông Rinzai, nhưng trong Kim Các Tự theo phái Tướng quốc tự thì nơi này là đại bản sơn của phái Nam Thiền tự. Chúng tôi đứng đó giống như hai anh học sinh trung học tầm thường, tay cầm quyển sách chỉ dẫn, mắt nhìn quanh những bức họa sắc màu rực rỡ trên trần nhà mà người ta bảo là tác phẩm của Tanyu Moniroby xuất thân từ trường phái Kano và Hogan Tokuetsu xuất thân từ trường phái Tosa. Ở một phía trần nhà có hình vẽ các vì tiên đang giang cánh bay ngang bầu trời, đang thổi sáo và gẩy đàn tì bà. Ở chỗ khác, có hình một con già lăng tần già đang vỗ cánh bay, miệng ngậm cành hoa mẫu đơn trắng. Đây là con chim có giọng hót tuyệt dịu sống trên núi Thiên Trúc Tuyết Sơn, nửa trên mình nó là thân hình một người con gái mụ mẫm và nửa dưới mình nó có hình thù một con chim. Ở chính giữa trần nhà có vẻ một hình con chim hoang đường ấy mà người ta bảo là bạn thân của con chim ở trên nó Kim Các Tự; nhưng con này giống như cái cầu vồng rực rỡ, hoàn toàn khác hẳn với con chim vàng óng mà tôi từng quá quen thuộc kia.
Chúng tôi quỳ xuống trước pho tượng đức Thích Ca và chắp tay niệm kinh. Sau đó chúng tôi bước ra khỏi ngự đường. Đi từ lầu thượng lết xuống dưới thật là khó nhọc. Chúng tôi dựa lưng vào lan can, quay mặt về hướng Nam gần bực thềm cuối cùng chỗ chúng tôi đã trèo qua. Tôi thấy dường như ở một chỗ nào đó tôi có thể nhìn thấy một cái xoáy nước sặc sỡ, nhỏ bé, xinh đẹp trước mắt mình. Hẳn đây phải là một dư ảnh của những màu sắc ngưng tụ phong phú thật giống như con chim già lăng tần già kia đang núp mình đâu đó giữa đám lá xanh rờn trải rộng ra khắp nơi ở phía dưới và như thế nó đang để cho tôi thoáng nhìn thấy một góc đôi cánh mỹ miều.
Tuy nhiên, không phải như thế. Dưới mắt chúng tôi cách một con đường là am Thiên Thụ. Một con đường nhỏ, trải đá hình vuông, góc hòn nọ ăn khít với góc hòn kia, chạy băng qua khu vườn, nơi có những cây thấp, lặng lẽ đã được trồng theo một lối đơn giản; con đường này dẫn tới một tọa phu rộng rãi có cửa kéo mở toang. Người ta có thể nhìn thấy từng chi tiết trong tọa phu và các giá gỗ xiêu vẹo. Một tấm thảm màu đỏ tươi trải trên nền nhà: hiển nhiên là phòng này thường được dùng làm nơi hiến trà và cho thuê làm lễ trà đạo. Một thiếu phụ đang ngồi đó. Chính hình ảnh người đàn bà trẻ tuổi này đã phản ánh trong mắt tôi. Trong thời chiến tranh không bao giờ người ta thấy một người đàn bà mặc áo kimono dài tay lộng lẫy như người ấy. Bất kỳ ai ra khỏi nhà mà mặc áo như người này chắc chắn thế nào cũng bị thiên hạ dè bỉu, chê trách là không biết sống thanh đạm vì lòng yêu nước, và thế nào cũng phải quay về nhà mà thay áo. Tấm áo thật là sặc sỡ. Tôi không nhìn thấy rõ hàng vải, song thấy nhiều bông hoa đã được vẽ và thêu tay trên nền vải màu nước xanh, đồng thời giải dây lưng màu son vàng cuốn quanh người đang óng ánh những sợi chỉ vàng; thật dường như thể không khí xung quanh đang rực sáng vì vẻ rực rỡ của tấm áo nàng mặc. Người thiếu phụ trẻ đẹp đang ngồi trên nền nhà dáng vẻ hết sức chững chạc, có thể nói là khoe khoang nữa, nét mặt nàng nhìn nghiêng trắng bệch lồ lộ như thể được khắc nổi, vì mới thoạt nhìn tôi ngăn mình tự hỏi không biết có phải nàng thực sự là một con người hãy còn sống hay không.
“Trời đất ơi!” Tôi lắp bắp đến cực độ nói không ra lời. “Có thực là nàng còn sống hay không vậy?”
“Đó cũng là điều tao đang nghỉ. Trông nàng thật giống hệt một con búp bê, phải không mày? Tsurukawa vừa đáp vừa dựa hẳn người vào lan can và dán đôi mắt vào người thiếu phụ.
Đúng lúc ấy một vị sĩ quan lục quân trẻ tuổi trong bộ quân phục xuất hiện ở cuối căn phòng. Người ấy ngồi xuống thực thẳng người cách thiếu phụ độ hai thước và đối diện với nàng. Hai người ngồi trước mặt nhau, im lặng một lúc lâu.
Nàng đứng dậy rồi lặng lẽ biến mình trong bóng tối hành lang. Một lát sau, nàng trở lại, hai tay bưng một chén trà, đôi tay áo buông dài phất phơ trong gió nhẹ. Nàng quì ngay trước mặt chàng trai và dâng một tách trà. Sau khi mời chàng theo đúng nghi thức, nàng quay lại chỗ ngồi lúc nẫy. Chàng trai nói một điều gì đó. Chàng vẫn chưa uống tách trà. Thời gian kế tiếp có vẻ kéo dài và căng thẳng một cách kỳ lạ. Nàng cúi gục đầu và thực thấp.
Chính vào giây phút ấy xẩy ra điều không thể làm sao tin được. Vẫn ngồi tại chỗ trong tư thế thực là nghiêm chỉnh, bất chợt thiếu phụ tháo tung cổ áo. Tai tôi hầu như nghe rõ tiếng lụa sột soạt trong lúc nàng kéo vạt áo ra khỏi sợi dây lưng. Thế rồi bộ ngực trắng nõn của nàng lộ ra. Tôi nín thở. Nàng tự đưa hai bàn tay nàng nâng một bầu vú căng phồng nõn nà vạch ra ngoài. Người sĩ quan chìa tách trà đậm màu ra rồi quì gối lần đến trước nàng. Thiếu phụ đưa cả hai tay nắn bóp bầu vú mình.
Tôi chẳng thể nói là đã nhìn thấy tất cả, song tôi cảm thấy rõ mồn một như thể cảnh ấy đã xẩy ra đầy đủ trước mắt tôi; chất sữa âm ấm, trắng toát đã từ vú nàng bắn vọt vào chất trà xanh thẩm sủi bọt bên trong cái tách, chất sữa ấy đã hòa tan vào chất nước trong khi để sót lại những giọt sửa trắng ở trên đầu vú; mặt nước trà phẳng lặng kia đã bị cái bầu vú trắng nõn ấy làm đục màu và sủi bọt.
Chàng trai nâng tách nước lên miệng và uống cạn tách trà huyền bí ấy. Thiếu phụ kéo áo che kín bộ ngực căng tròn.
Tsurukawa và tôi hai đứa trố mắt nhìn cảnh ấy. Về sau nghĩ lại cố tìm một cách giải thích thuận tai, chúng tôi đi đến một kết luận hẳn đó phải là một nghi thức biệt ly giữa một sĩ quan sắp sửa lên đường ra trận với người thiếu phụ đã mang trong bụng đứa con của mình. Tuy nhiên, sự xúc động ấy khiến chúng tôi không sao tìm được một câu giải thích nào. Cứ mãi giương mắt mà nhìn trân trân, chúng tôi không kịp để ý là chàng và nàng đã rời khỏi tọa phu, chẳng để lại gì đằng sau ngoại trừ tấm thảm lớn màu đỏ.
Tôi nhìn thấy nét mặt nàng trắng trẻo xoay nghiêng, nổi bật lên như khắc và tôi nhìn thấy khung ngực nàng trắng nõn trắng nà. Sau khi nàng đã ra đi, trong suốt thời gian còn lại trong ngày hôm đó rồi cả ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa tôi cứ chăm chăm nghĩ mãi đến một điều. Tôi nghĩ thiếu phụ ấy không phải là ai khác mà chính là Uiko đã trở lại cõi trần.
Hết phần 2