- Lời vào Tập
- Tĩnh Tọa
- Nắng Mới
- Trẻ Thơ
- Ra Đi
- Gọi Tôi
- Giọt Nước Đầu Ngọn Cỏ
- Vu Lan Đến Giữa Lòng Người
- Sanh Diệt
- Hồ Bondesee
- Xuân Ở Phương Nào
- Tọa Thiền
- Mây Trắng Thong Dong
- Thiền Trượng
- Nhìn Chiêm Bao
- Trăng Vẫn Trong
- Ngộ
- Đóa Hồng Cho Ai
- Mơ Hoài Ngàn Năm
- Xuân Đã Về Chưa
- Tỉnh Thức
- Nụ Cười Xuân
- Nhớ Cố Hương
- Tuyết
- Giọt Lệ Cuối
- Sắc son
- Ta Gọi Xuân Về
- Những Cánh Bướm Vàng
- Thiền Môn Còn Hình Ảnh Thầy
- Về Trong Phật Đản
- Xuân Về
- Nhớ Người
- Hạt Cát
- Nhớ Ân Sâu
- Bước Đi
- Vu Vơ
- Tụng Kinh
- Thiền Sư
- Malibu
- Đường Hollywood
- Hollywood Boulevard
- Những Người Đi Qua
- Đạt Đạo
- Bên Cánh Song
- Ngọn Đuốc Nữ Thần Tự Do
- Mộng Ảo
- Xa lạ
- Tiễn Biệt
- Bất Diệt
- Hồn Châu Á
- Tỉnh Giấc Chiêm Bao
- Đây Ngày Phật Đản
- Phật Đản Nhớ Quê Hương
- Nhớ Chùa
- Bạt 1, Dêm nay Tròn Trăng
- Bạt 2, Đi Vào Thơ Huyền Không
Mây Trắng thong dong
Tập thơ của Huyền Không
Thơ Huyền Không
Tranh bìa Đinh Cường
Khuôn nhạc Hoàng Quốc Bảo
Thanh Văn xuất bản, Califonia 1993.
---o0o---
Con sông Ô-Lâu không giữ được những giọng cười Ly Tao, cho nên tiếng thơ mới làm vỡ những đêm thâu của Khuất Nguyên. Tiếng hát tràn những đêm trắng, biết người có nghe không, mà thấu thức thi sĩ đã mỗi đêm khuya hiện về đưa tay vuốt mặt, thấy nghìn năm in bóng một mình…Thiên nhiên, tôn giáo, con người …tất cả đã chấp cánh cho Thơ, dắt người Thơ lên đỉnh núi, dìm người thơ xuống đáy vực. Cho bút mực chữ nghĩa biến thành nét sổ vắt ngang bầu trời phẳng lặng. Con đò vẫn neo sào trên một bến xưa.
Tôi vẫn từng lắng nghe thi thiết Tiếng Gọi ở từ đâu đó vọng về, rộn rã đến bàng hoàng, thôi thúc đến cấp bách dù tôi đang sống giữa những buổi trưa rất vắng của Los Angeles, những đêm rất tịch mịch của chuỗi ngày xa lạc quê hương, những năm tháng rất bát ngát của một đời lưu dân nặng trĩu. Tiếng Gọi không tên không tuổi, không sắc màu, không hương vị, không thời gian xa, không thời gian gần, không cả những cười khóc thế gian. Đã mười sáu năm, Tiếng Gọi ấy thiết tha dắt dẫn, thắp nến cho những dòng chữ viết, ươm tẩm cho những hoài vọng, vun bón cho những nổ lực hành động…Quê hương, đạo pháp, bạn lữ, đồng bào …chỉ khi ở xa rồi niềm thương mới chín tới, nỗi nhớ mới sâu xa, ý thức trách nhiệm mới vuông tròn. Từ đó, mỗi dòng thơ viết ra như một tiếng thầm thì, nói khẽ với muôn trùng nỗi lòng dâu biển.
Trong tôi vẫn thường có mặt cái cảm giác thảnh thơi của kẻ đã đi gần trọn đường trần. Hơn bốn mươi lăm năm chung sống với thơ, là một cảnh trời đẹp, một dáng mặt thủy chung, một bản tình ca êm dịu. Từ thuở bình minh, chân đã muốn đặt nhẹ lên chân trời KHÔNG BẾN HẠN, vòng tay đã ân cần thi hiến cho đất gấm lòng hoa những ngào ngạt của chút HƯƠNG TRẦN GIAN. Đi vào nẻo đời phụng sự, đã ước mơ biến KHÔNG GIAN THÀNH CHIẾC ÁO để chở che cho những tấm thân gầy trước cơn bão ý thức hệ, trước gió chướng hư vô chủ nghĩa, trước niềm đau hiện sinh tục lụy. Tới tuổi chín muồi hoài vọng, thấp thoáng nghĩ tới đường trở về, nhận làm KẺ LỮ HÀNH CÔ ĐỘC, kêu hoài tên mình cho một nhận mặt và tự nhắn hãy đi một mình để đến …Từ đó, chỉ còn mong được làm một kiếp MÂY TRẮNG THONG DONG như những làn tóc bạc gợn sóng trên đầu Krishnamurti, để bay cho hết một trăm năm hành trình, để tản mạn nơi những vô tận chân trời, để soi bóng trên những sông hồ và biển cả gió bụi. Thế là hy vọng sẽ viên thành một luân hồi Thơ. Thế là sẽ tịch lặng một trở lại Đời. Thế là hứa hẹn sẽ vẹn toàn cho một chuyến rong chơi sinh tử.
Những bài thơ được gom lại trong tập này mang nhiều dấu vết của kỷ niệm, giữ lại rất nhiều của hình bóng, ghi lại những chứng tích của một cuộc lữ chưa dừng. Thơ vẫn thủy chung với tất cả. Thơ vẫn đầy tình, thơ rất bao dung. Người chia xa, thơ ở. Cảnh cũ chìm lắng, thơ sống. Thơ đi hát rong trên mắt đời phiền muộn. Thơ thắp sáng mắt thương trên mổi mặt người. Trong thơ, có cái nhỏ nhoi của một hạt cát và cái to lớn của một mặt trời. Tập Thơ này được cưu mang và viết ra giữa những cơn đau trên giường bệnh, trước những tin buồn về quê hương, trong giăng mắt nổi nhớ niềm thương không nguôi … thế mà, thơ vẫn bình an trong ý thức, trong trắng trong tâm hồn.
Tôi muốn dành tất cả thơ tôi cho những ngôi chùa suốt đời thủy chung với quê hương, cho Phương Lang và những thôn làng mộc mạc đang chia nỗi điêu linh cùng đất nước, cho mọi tấm lòng Phật Tử vẫn sắt son hộ Đạo dựng Đời, cho những tâm hồn biết sống gắn bó với Thơ. Tôi vẫn mơ tôi được là chú tiểu bé con ngày xưa tóc bỏ quả đào, đêm đêm trèo lên mái chùa ngững mặt nhìn trời với chiếc sào trong tay hăm hở khèo rụng những vì sao bỏ vào túi áo nhựt bình. Tôi vẫn lắng nghe tiếng sóng trên mặt hồ Bodensee vẫn chẳng khác tiếng sóng của dòng Hương muôn đời trầm tịch. Sống với Thơ, ta mãi mãi vẫn là bé thơ, mãi mãi hồn nhiên tinh sạch, vẫn mãi mãi là con đò neo sào trên một bến xưa.
Los Angeles, cuối thu Quý Dậu (1993)
HUYỀN KHÔNG
Trong mộng ảo ngồi yên nhìn tăm tối
Trong tiếng cười giác ngộ rạng hào quang
Mùa thu đến trên đầu sao quá vội
Đứng nhìn thiên hạ tìm lối sang ngang
Trong hơi thở ngồi yên nhìn vạn kiếp
Nghe đất trời kể lại chuyện tiền thân
Mây trắng qua dòng sông mờ định nghiệp
Thảnh thơi bay nối tiếp giữa đường trần
Đêm thanh vắng ngồi yên nhìn quá khứ
Thác trên cao đổ xuống mãi trong đầu
Nước cứ chảy, tư tưởng dài lữ thứ
Thời gian nào do dự hỏi ta đâu
Mắt xanh sáng ngồi yên từ thuở ấy
Nẻo vô thường vùng vẫy đổi thay màu
Ta không kiếm TÂM mình mà bỗng thấy:
Kìa, đóa hồng đang nở dưới trăng sao
Los Angeles, 28 – 1998
Nắng mới
Sương sa
Hoa mới nở
Lòng xuân phơi phới đổi lòng trời
Đạo Pháp chưa tròn
Quê hương nợ
Việt Nam gọi mãi suốt muôn đời
June 8, 1978
Chùa xưa mái ngói cũ
Trèo lên nắm cây sào
Đêm khuya rồi không ngủ
Kéo rụng bao nhiêu sao?
Ra đi: biển cả vô cùng
Tâm tư góp lại, nhớ nhung gởi người
Biển lòng sóng vỗ mù khơi
Quê Hương, Đạo Pháp, Nụ Cười còn đây
Trăm năm vẫn ánh trăng đầy
Nghìn năm sau nữa vẫn mây cuối trời
Ta mang chút lửa trong người
Đem về sưởi ấm cuộc đời lao sinh
Ô hay! Non nước của mình
Mà sao ta phải dứt tình ra đi?
Los Angeles, ngày 6-4-1978
Có ai gọi mãi tên tôi
Hai năm xa xứ đứng ngồi không yên
Quê Hương, Đạo Pháp chưa quên
Con tim ôm trọn ba miền nhớ thương
Gọi tôi chi suốt đêm trường
Chuông chùa vang vọng trên đường tôi đi
Gọi tôi, tôi biết làm gì
Nắng mưa đổ xuống lầm lì thời gian
Trăm năm trong chiếc áo vàng
Hoàng hôn đứng đợi đò ngang không bờ
Tôi đi giữa phố bơ vơ
Hai tay sờ soạng tôi chờ tìm tôi
Năm nay, năm mốt tuổi rồi
Đáy hồn ray rức nổi trôi kiếp người
Tha hương còn đó hoa tươi
Gọi tôi, xin gởi nụ cười đắng cay
Gọi tôi trên bến đò này
Sông kia núi nọ chia tay thuở nào
Sàigòn, còn đó chiêm bao
Gọi lên một tiếng, ngọt ngào nghìn năm…
Los Angeles, S. Olive
Chiều 20-3-1979
“Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
Vạn Hạnh
Ta về từ ngọn cỏ non
Đèo queo bao kiếp vẫn còn đong đưa
Sáng ra gió thổi chưa vừa
Nắng thêm một chút hững hờ không tan
Cỏ xưa xanh mãi không vàng
Đong đưa giọt nước hiên ngang dưới trời
Bao nhiêu màu sắt đầy vơi
In trong giọt nước mỉm cười nắng reo
Mưa về giọt nước về theo
Lăn theo con suối qua đèo hát ca
Núi cao nở một đóa hoa
Cưu mang giọt nước mặn mà với trăng
Ta về tắm mát sông Hằng
Cho lòng thanh khiết như băng sáng ngần
Ngàn năm soi bóng Siêu Nhân
In trong giọt nước bao lần vinh quang
Đại dương: bản thể huy hoàng
Bao nhiêu giọt nước lang thang tìm về
Ngày nào quay lại hương quê
Hằng sa mây trắng bốn bề thong dong.
Los Angeles, Phật Đản Tân Mùi (1991)
Xót xa giữa bến trần gian
Phút giây rợn ngợp, Vu Lan lại về
Cô đơn bao phủ bốn bề
Trời xanh còn lại hồn quê trong lòng
Bao giờ rũ áo chờ mong
Thị phi rồi cũng xuôi giòng thời gian
Đi lên tột đỉnh đồi hoang
Một mình mình biết, cơ hàn ai hay
Dừng chân trong mái chùa này
Sớm khuya kinh kệ, tháng ngày đi qua
Ngậm ngùi nhớ nước nhớ nhà
Vu Lan đến giữa lòng ta phiêu bồng
Lạnh lùng như cả mùa đông
Nắng vàng không ấm, mây hồng bay xa
Hôm nay cầu nguyện quê nhà
Qua cơn hoạn nạn, rồi ra môi cười
Vu Lan đến giữa lòng người
Mục liên ẩn hiện sáng ngời độ sinh
Nhớ quê, tụng một thời kinh
Lắng nghe tất cả đạo tình mênh mông
Chùa Việt Nam, mùa Vu Lan 2524
Đêm dài tâm định vô biên
Ngày dài mở cửaThiền Môn cho đời
Nhìn dòng nước chảy về khơi
Mây bay về núi ai người nhớ thương
Thời gian sanh diệt vô thường
Nhân sanh từ cổ vấn vương vẫn còn
Mùa xuân về năm xưa
Người gởi một bài thơ
Cho đời rồi điên dại
Bốn mươi năm dật dờ
Đêm nay tôi nghỉ đây
Bodensee còn đầy
Holderline như nước
Chảy mãi suốt đêm ngày
Sóng nước Bodensee
Xui bước chân ai về
Người của trăm năm trước
Tiếng hát vọng sương khuya
Có dòng nước mắt chảy
Giữa đêm khuya vắng này
Holderline nào thấy
Loài người nếm vị cay
Sao khuya sáng lạ lùng
Hồ nước chiếu mông lung
Trời xanh không tiếng nói
Thiền tọa với vô cùng
Bodensee, khuya 19-9-1985
Xuân ở phương nào đợi đã lâu
Sương khuya phủ xuống vướng mây sầu
Nghìn trùng non nước xa xăm quá
Tết đến đây rồi, Xuân ở đâu?
Xuân ở phương nào có đến không
Chấp tay cầu nguyện ánh Xuân Hồng
Thiền Môn rộng mở chờ năm tháng
Nước chảy xuôi dòng qua mấy sông
Xuân ở phương nào giữa thế gian
Cải xanh chưa có những hoa vàng
Chập chờn bướm cũ không về nữa
Trăng nước soi đời thấy ngổn ngang
Xuân ở phương nào biết nói sao
Hàng tùng đứng ủ những chiêm bao
Tháng ngày qua lại mây không vướng
Thầm nhớ xuân xưa mỗi độ nào
Xuân ở phương nào có biết chăng
Ra đi ai chẳng ước mong rằng
Quê hương mờ bóng đầy thương nhớ
Đã mấy xuân về không nói năng
Xuân ở phương nào chẳng thấy sang
Ở đây cũng có đóa mai vàng
Hương trầm phảng phất ngàn năm trước
Xuân đạo chưa về lạnh thế gian
Xuân ở phương nào đợi ở đây
Ngàn xưa còn lại bóng trăng gầy
Hồng chung ngân nhẹ trong đêm vắng
Xóa nhạt não phiền vướng núi mây
Xuân ở phương nào thấy xuyến xao
Đèn khuya chiếu sáng cả tâm bào
Con chim về hót trên cành liễu
Có phải xuân về gọi đó sao
Xuân ở phương nào ta đã quên
Sơn hà cẩm tú bóng in thềm
Ngày đêm niệm phật qua năm tháng
Trước cổng, tùng xưa quên cả tên
Los Angeles, Xuân Quí Hợi
Tặng Annemarie Brischanin
Xếp bàn với đôi chân
Quả đất nghỉ xoay vần
Thời gian chìm chìm lắng
Trong ngoài chỉ một thân
Trăng sáng chiếu trời xanh
Đại dương nước trong lành
Giờ đây ngồi bất động
Quan sát nội tâm mình
Ta ngủ trên giường này
Bao Thiền Sư nằm đây
Chiếu chăn còn hơi ấm
Trăng soi sáng phòng này
Ta ngồi giữa Âu Châu
Nước non của nhiệm mầu
Ngàn năm rồi ghi dấu
Ngàn năm rồi chìm sâu
Ta ngồi ngắm kiếp người
Lắng nghe chiếc lá rơi
Rừng cây mở lòng hứng
Môi ta nở nụ cười
Bất động ngồi sắc son
Ta trở thành núi non
Nắng sớm mưa chiều đổi
Thiền lực chẳng phai mòn.
Hannover, đêm 21-9-1985
Có, không đùa dỡn tháng ngày
Bao nhiêu phiền não rũ bay hồi nào
Đá kia ngồi đếm chiêm bao
Nước bao nhiêu nữa cũng vào biển trong
Ngàn năm mây trắng thong dong
Phiêu bồng hóa hiện mênh mông cuối trời
Còn đây, một hóa hồng tươi
Trên môi nhân loại nụ cười còn nguyên
Thiền trượng ngàn xưa đã nắm rồi
Trong tay, xuân ấm ngập người tôi
Điều thân, vận khí, hòa hơi thở
Tôi bước chân lên tột đỉnh đồi
Xuân Ất Sửu
Một sáng ngồi núi cao
Cửa sổ mây ra vào
Chén trà thời gian uống
Chậm rãi nhìn chiêm bao
Tôi nhìn chiêm bao đi
Chén trà chẳng nói gì
Ghế bàn đang tâm sự
Với một đóa tường vi
Pháp tọa lò hương trầm
Khói lên bay xa xăm
Không gian thơm ngào ngạt
Thanh bình như nội tâm
Tâm vật yên lặng rồi
Thời gian là chiếc nôi
Ru tôi về giải thoát
Còn đâu chuyện luân hồi
Bao lần ngồi tụng kinh
Bao lần đón bình minh
Sáng nay vừa tỉnh mộng
Đón mừng Phật giáng sinh
Phật Đản Sinh trong ta
Lá non ngập rừng già
Trên đỉnh cao chót vót
Lá xanh rừng xa xa
Năm mươi tám năm trôi
Núi cao sáng nay ngồi
Thời gian nhìn mộng ảo
Phật Đản về trong tôi.
Virginia, Nam Tuyền May 1985
Xuân về mơ Trăng cũ
Thấy được bóng người xưa
Cổ kim về đoàn tụ
Huyền diệu ánh trăng mờ
Phiền não vây đằng trước
Vô minh chắn phía sau
Tương lai hùng dũng bước
Đôi mắt chưa phai màu
Đêm tối đường vẫn thấy
Nẻo đạo vững đi hoài
Rồng nào không vùng vẫy
Mây nước lội ngày mai
Qua rồi mấy xuân cũ
Góc chùa trăng vẫn trong
Thiền sư chưa buồn ngủ
Ánh trăng ngập cả phòng.
Los Angeles, Xuân Bính Dần
Chặt tay cầu đạo tâm an
Người đưa trên đỉnh ngút ngàn trăng sao
Đôi mắt nhìn thẳng tâm bào
Ở đây Phật tánh nói sao bây giờ
Con người lắm nổi bơ vơ
Lang thang tìm kiếm bến bờ xa xôi
Bừng mắt sáng tâm ngộ rồi
Cánh tay rớt xuống còn tôi hiểu gì.
Phật Đản Đinh Mão (1987)
Thời gian trôi mãi vô cùng
Năm năm mai vẫn trổ bông đúng mùa
Gió xuân đêm lạnh về khuya
Quê hương mãi nhớ, mái chùa chưa quên.
Xuân về với cả vô biên
Ưu tư sẽ hết, não phiền sẽ tan
Đâu đây một đóa mai vàng
Đem về sưởi ấm hồn hoang sơ này
Ta xin tất cả tháng ngày
Nắng mưa ấm lạnh trong tay thoát trần
Ta Bà còn đó tâm xuân
Trăng chân như sáng bao lần, biết không
Hư vô nhốt sạch vào lòng
Trần gian còn lại đóa hồng cho ai
Hiên ngang đứng giữa sông dài
Nước mây còn với ngày mai muôn đời.
“Mãn thuyền không tải nguyệt minh qui”
Trời xanh có áng mây qua
Trong làn gió lạnh như hòa hơi mưa
Nhạn bay bóng hiện trên hồ
Tiền thân nước động hư vô thuở nào
Thao thức đời ngỡ chiêm bao
Trăng khuya chiếu sáng dạt dào gối ai
Tâm thiền suốt mấy đêm dài
Bình an ý thức mơ hoài ngàn năm
Nhìn con tim khi đau nằm
Bao nhiêu kiếp trước xa xăm đi về
Bây giờ tỉnh thức cơn mê
Đại dương tràn ngập bốn bề ánh trăng
Leo lên đỉnh núi bâng khuâng
Hú dài một tiếng xa gần lạnh vang
Hoa cười báo hiệu xuân sang
Đông về có nhánh mai vàng trước sân.
Good Samaritan, Thu 1992
Xuân đã về chưa ở xứ người
Buồn vui lẫn lộn xót xa ơi
Thương xuân tuyết trắng trên đầu núi
Nhớ nước, làm sao nở nụ cười
Xuân đã về chưa sưởi ấm lòng
Soi gương thấy mặt nhớ mình không
Ai mang tất cả hồn xưa cũ
Ấp ủ trong người nợ núi sông
Xuân đã về chưa quá khứ sầu
Hương trầm thoang thoảng khói bay đâu
Mùa Xuân hội ngộ bao giờ đến
Quốc hận ai đành chôn biển sâu
Xuân đã về chưa trên bước đường
Con tim sáng rực ánh quê hương
Bạc đầu vẫn nhớ hờn vong quốc
Có ngại ngùng chi vạn dặm trường
Xuân đã về chưa hãy dặn lòng
Giao thừa gợi nhớ kiếp lưu vong
Giang tay đón nhận tình dân tộc
Thâm nhập trong người nổi nhớ mong
Xuân đã về chưa nhắc nhở ai
Quê hương, Đạo pháp vấn vương hoài
Mỗi lần xuân đến nghe ray rức
Bao phủ quanh ta tiếng thở dài
Xuân đã về chưa nối đạo tình
Đời ta nguyên vẹn tuổi bình minh
Lòng ta chan chứa nguồn sinh lực
Quyết tạo mùa xuân đất nước mình
Xuân đã về chưa giữa phố phường
Mai vàng từng cánh nhớ quê hương
Đạo tình dân tộc keo sơn quá
Dâu biển không sờn chí hướng dương
Xuân đã về chưa với nụ cười
Buồm hồng rẽ sống vượt ra khơi
Thành tâm khấn nguyện mười phương Phật
Đã đứng lên rồi cố tới nơi.
Los Angeles, Xuân Nhân Tuất
Đêm khuya mình tỉnh thức
Mọi người còn ngủ yên
Trên trời trăng Thiền Tọa
Ngoài sân sáng dịu hiền
Los Angeles, khuya 16 tháng giêng năm 1984
Lá chuối non vừa nhú
Sáng nay bị phong trần
Thời gian không mới cũ
Còn nguyên nụ cười xuân
Chùa Việt Nam, sáng 02-01-84
Mưa gió chiều nay thấy nhớ nhung
Trời ơi, sao lạnh thấm vô cùng
Chuông xưa ngân lại trong chùa mới
Người Việt Nam muôn đời vẫn thủy chung
Thấm thoát bao ngày nhớ cố hương
Ruộng đồng, sông núi nặng tơ vương
Thời gian đếm mãi từng giây phút
Đất nước vời xa mấy dặm trường
Xứ lạ quê người mây trắng bay
Cố hương nhớ mãi suốt đêm ngày
Tên đường phố cũ còn nguyên đó
Tình cảm muôn đời không đổi thay
Đất mới trăng rằm vẫn sáng trong
Nhìn lên Bảo Điện gợi đau lòng
Quê nhà khuất bóng từ khi ấy
Chín tháng qua rồi, có nhớ không?
Los Angeles, March 1978
Đêm đông tuyết rơi trắng
Lạnh lùng thấm châu thân
Tôi nhớ người xa vắng
Tiền thân gặp bao lần
Dayton, đêm 22 tháng 12 năm 1983
Bây giờ ta mới hiểu ra
Phù hư mộng ảo hằng sa kiếp người
Còn đây gịọt lệ cuối rơi
Trần gian xin hứng cuộc đời xin mang.
Trong lòng ta vẫn sáng ngời
Ngoài ta đêm vẫn một trời trăng sao
Núi sông còn đóa hoa nào
Mây bay còn chở chiêm bao kiếp người
Los Angeles, Nov. 14, 1983
Ta gọi xuân về, xuân ở đâu
Núi sông xa lạ nắng vương sầu
Tâm tư một kiếp còn nguyên vẹn
Thế sự bao lần hòa biển dâu
Ta gọi xuân về, xuân vẫn đang
Mênh mông trời biển gió lang thang
Ngồi trong đêm lạnh quê hương nhớ
Chùa cũ, vườn xưa hoa cải vàng
Ta gọi xuân về, xuân đến chưa
Hồn xuân chưa đến giữa mong chờ
Hương xuân chưa ấm hồn dân tộc
Ngày tháng đi về trong ước mơ
Ta gọi xuân về, xuân quá cao
Lệ đâu ray rức mãi tuôn trào
Chuông xưa không đánh mà vang vọng
Tiếng pháo giao thừa mãi khát khao
Ta gọi xuân về, xuân đại dương
Khói chiều lam quyện bóng quê hương
Sóng dâng dào dạt tình thương nhớ
Nam Việt kêu hoài vẫn nhớ thương
Ta gọi xuân về, xuân ở đây
Hai tay nâng một đóa hoa này
Đong đưa cánh bướm vàng bay đến
Đã thấy xuân về với cỏ cây
Ta gọi xuân về, xuân bướm bay
Trang sinh nằm mộng biết bao ngày
Thời gian dù có ngàn năm nữa
Xuân đền lâu rồi, ai có hay
Ta gọi xuân về, xuân của ta
Tâm xuân tô điểm cả Ta Bà
Như trăng chiếu xuống khắp trần thế
Mỗi một con người mỗi đóa hoa
Ta gọi xuân về, xuân tự nhiên
Thoáng trong hơi thở có hoa Thiền
Cành mai, khóm trúc vương mùi Đạo
Thế giới trong ta lắng não phiền
Ta gọi xuân về, xuân lặng thinh
Đẹp như trời mộng Kim Cang Kinh
Trước chùa một cánh đào xinh nở
Là cả vườn xuân của thái bình
Los Angeles, Xuân Tân Dậu
Colombo, ngày 12-6-1982
Gió có biết từ đâu thổi tới
Ngàn năm rồi, thời gian tuần tự mãi trôi qua
Mây trên cao và trời xanh ấy chẳng bao giờ già
Những cánh bướm vàng lướt qua trên vũ trụ
Ôi những cánh bướm!
Những cánh bướm vàng ngàn năm đẹp quá
Tôi tự tình muôn thuở vẫn chưa xong
Những cánh bướm vàng sáng rực ánh muôn lòng
Thời gian đến thời gian đi, còn đó
Colombo, vườn xuân đang bỏ ngỏ
Hoa trên trời, hoa dưới đất, hoa chung quanh
Ai ngăn được bầu trời xanh muôn thuở
Những cánh bướm vàng khắp nơi về hội ngộ
Giữa vườn xuân đang mở cửa đón chào
Những cánh bướm vàng từ Ấn Độ bay qua
Từ Mã Lai, Tân Gia Ba, Tokyo, Đại Hàn …cũng đến
Pháp Quốc, Mỹ Quốc, Thái cùng về họp mặt
Có ai buồn khi đời đẹp lắm hương hoa?
Nhớ thuở xưa tiền thân là chiếc bướm vàng
Tôi lang thang trên những dòng sông dài rộng
Từ Ấn Độ, theo Cửu Long tôi qua Tây Tạng
Dòng nước dài huyền bí chảy về Việt Nam
Miền Bắc có Hồng Hà tháng ngày nước đỏ
Miền Trung Hương Giang trong vắt sáng trời xanh
Nhởn nhơ bay, chốn thôn dã, thị thành
Thỏa thích quá trên những dòng nước mát
Tôi lặn hụp hai ngàn năm rồi đầy hoan lạc
Trên dải đất dài gấm vóc giang sơn
Tôi bắt đầu từ thuở có Hùng Vương
Viết lịch sử buồn vui cùng xứ sở
Lúc nước thịnh lúc muôn hoa đua nở
Lúc điêu tàn lúc chùa đóng cửa không nhang
Việt Nam ơi, sao thống khổ muôn vàn
Hai cánh nhỏ chiếc bướm chở đầy buồn vui vận nước
Những chiếc bướm vàng đậu trên nóc chùa Một Cột
Nhìn nước Hồ mà tưởng tượng một đóa sen
Tháng ngày qua người ta xóa đỏ bôi đen
Chùa vẫn sáng như trăng rằm vẫn sáng
Ánh sáng đến từ Đinh mở nước
Lý hiên ngang dựng xây xứ sở hùng cường
Đến thời Trần còn mở rộng biên cương
Từ Bắc chí Nam viết một dòng sử Phật
Người ta nghĩ: làm vua là sướng nhất
Nhưng vua Trần đã thoái vị làm sư
Trúc Lâm Yên Tử núi đứng bao giờ
Đợi bước chân vua vạch đường giải thoát
Việt Nam: dựng một dòng Thiền
Tôi ngây ngất triền miên bay vào xứ Huế
Đậu trên cột cờ ngạo nghễ nhìn giang san
Từ Ngự Bình có thể thấy Thuận An
Và Tôi trở về nương mình trong mái chùa Bảo Quốc
Phật Học Đường! Phật Học Đường!
Những tháng ngày dài tu học
Trang kinh xưa mở lối tự bao giờ
Rồi gió đưa mây đẩy bay suốt đường dài
Tôi đã hành đạo qua nhiều địa xứ
Đến một sáng lên đường du học
Xứ Phù Tang cặm cụi sách đèn
Ba mươi năm lẻ còn mơ trang giấy trắng
Giữa đất người còn lắm nỗi bon chen
Rồi bướm về vườn cũ lối xưa
Hòa một nhịp với quê hương mưa nắng
Nhưng ai ngờ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến
Cộng Sản cướp mất miền Nam!
Bao nhiêu cơ đồ của Phật Giáo tan hoang
Khắp sông núi chẳng nơi nào yên ổn
Từ Huế vào Sàigòn rồi xuống Cần Thơ
Thảm thương không tưởng tượng được bao giờ
Phật lộ thiên tại Biển Hồ Pleiku bị phá nổ
Phật Phan Thiết cũng bị giựt sập từ lâu
Chư Tăng và Phật Tử có được tu đâu
Chúng bắt giam chật nhà từ khắp xứ
Thân bướm nhỏ với nỗi niềm tư lự
Hai năm dài sống với Cộng Sản không xong
Một đêm kia lòng lại dặn lòng
Phải cố lên đường tỵ nạn
Biển cả mênh mông trùng dương sóng vỗ
Bảy ngày dài xếp cánh ngủ trong khoang
Mersing, thành phố nhỏ mơ màng
Tôi đã sống ba tháng dài chờ đợi
Có ngờ đâu tôi là người Do Thái
Những đêm dài tĩnh tọa nhớ quê hương
Từ Johore tôi đến Kuala Lumpur
Thủ đô của nước Mã Lai Hồi Giáo
Ra đi nào mà chẳng buồn, người ta bảo
Nhưng với tôi, khác tất cả muôn người
Mã Lai ơi! Tôi nhớ suốt đời
Tôi bay đến Paris giữa một sáng mùa đông
Gió lạnh trời ơi, gió lạnh vô cùng
Nhìn mọi người co ro trong áo ấm
Tình người nào mà không sâu đậm
Buồn nào thấm cho bằng buồn mất quê hương
Vì tự do tôi đã lên đường
Vì Phật giáo tôi đốt nến hương cầu nguyện
Khắp nẻo đường Âu Châu xao xuyến
Nghe tôi tường trình nỗi khổ đau của Phật tử Việt Nam
Từ Paris, sang London, rồi Genève Thụy Sĩ
Nước mắt nào mà không chảy trên đường đi
Từ Pháp Quốc rồi bay sang Mỹ quốc
Tôi dừng chân giữa nắng vàng California
Lắng nghe tất cả khổ đau đưa đến từ quê nhà
Tôi ôm xót xa nhiều đêm không ngủ
Và hôm nay vì ánh vàng đoàn tụ
Từ Los Angeles, tôi bay đến Colombo
Sri Lan ka, trời xanh, biển rộng và những đợt dừa
Như đã gặp tình xưa kiếp trước
Hoa trong vườn, hoa bên đường, và hoa khắp cả nước
Nở ra giữa tòa nhà Bandaranaike Memorial International Conference Hall
Bướm vàng khắp nơi bay đến dập dồn
Nhưng sao đôi mắt tôi cay
Té ra mình khóc
Có ai đọc được nổi khổ của lòng mình?
Nhìn những chiếc y vàng của nhà sư ngồi hội nghị
Tôi mơ màng nghĩ đến Việt Nam
Ngay khi đi chiêm bái nhiều nơi Phật tích
Tôi nín thở, quỳ rất lâu và không nhúc nhích
Khi đến chiêm bái chùa Kelaniya Raja Maha Vihara
Bước chân không đạp trên Ta Bà
Tôi xót xa vì Phật giáo Việt Nam bị đàn áp
Trên những đoạn đường dài bay hoài không hết
Từ Colombo đến Kandy
Rất nhiều buớm vàng bay lượn trên đường đi
Từ Anuradhapura đến Mihintale
Tôi lắng nghe trong những chiếc lá Bồ Đề rơi xuống
Tiếng thuyết pháp, người xưa còn vang động
Tôi cúi đầu vọng bái Arahant Mahinda
Gần ba nghìn năm rồi, thời gian chẳng đi qua
Lòng sùng kính muôn người còn đó
Chiếc lá Bồ Đề xưa có con bướm vàng đậu
Trên tháp xưa cao ngất có con bướm vàng bay
Thế gian ơi, có ai biết, có ai hay?
Phật giáo Việt Nam mỗi ngày mỗi héo hắt
Lòng tôi héo hắt
Quỳ rất lâu khi chiêm bái Răng Phật (The Sacred Tooth Relic)
Linh thiêng nào về với Kandy
Giã từ Sri Lanka với những đọt dừa
Phật giáo ở đây với các buổi Dana phụng cúng
Gió đẩy đưa cành dừa cảm động
Xa rồi, kỷ niệm sống mãi trong lòng
Ôi những chiếc bướm vàng long đong trong miền cộng sản
Buổi trưa nghèo không thực phẩm để Dana
Hởi ơi, những hình ảnh Tăng Già
Đói không cơm và lạnh không Cà Sa đùm bọc
Việt Nam ơi, đã cho Phật giáo một bài học
Tôi kêu lên, nỗi thống thiết của con người.
Kính tặng Giác Linh Hòa Thượng Thích Thiện Minh
kỷ niệm ngày giổ đầu của Hòa thượng
Trời chẳng bao giờ vắng bóng mây
Thiền môn còn đó ảnh hình Thầy
Tối khuya chuông vẳng nơi nào nhỉ
Có thấy lòng buồn khắp đó đây
Thượng Tọa Thiện Minh của thuở nào
Cuộc đời như thể giấc chiêm bao
Bích Khê, Quảng Trị: tình đồng đạo
Mường tượng từ dung bổng nghẹn ngào
Lòng nghẹn chưa từng nói được đâu
Làm sao hết được nổi u sầu
Mai nầy lá rụng xin về cội
Đốt nén tâm hương Lể Giổ Đầu
Thầy chết trong tù có khổ không
Ngàn năm vẫn nhớ nổi đau lòng
Con đường lịch sử Thầy qua đó
Phật giáo dâng lên một đóa hồng
Tôi đã đêm đêm tưởng nhớ Thầy
Mái chùa, sông núi quẩn quanh đây
Đời như mộng huyển sao mình khóc
Lệ đổ dâng cao nổi hận nầy.
Los Angeles, ngày 17 tháng 10 năm 1979
Con người và nổi khổ đau
Trần gian và nổi nhiệm mầu tử sinh
Chắp tay lặng ngắm tâm mình
Hằng sa số Phật Đản Sinh độ đời
Hằng sa số kiếp con người
Khổ đau, mầu nhiệm cuối trời mây bay
Ngàn năm còn được một ngày
Về trong Phật Đản hôm nay tín thành
Nguyện cầu đất nước thanh bình
Tự Do, Độc Lập dân tình thắm tươi
Dù sao vẫn giữ môi cười
Khổ đau, mầu nhiệm chưa vơi trong lòng.
Kỷ niệm Phật Đản 2527
Xuân về chầm chậm ngoài song
Hương xuân sưởi ấm cho lòng thảnh thơi
Xuân về tô điểm cuộc đời
“Hoa đào năm trước còn cười gió đông”.
Người về ngắm đóa hoa hồng
Nhìn lên đức Phật mênh mông nụ cười
Xuân về muôn vạn hoa tươi
Thong dong tự tại trước lời sân si.
Chắp tay cầu nguyện sá gì
Tâm mình thanh thoát thị phi qua cầu
Ngàn năm nước chảy về đâu
Trời xanh mây trắng ai sầu mặt ai
Xuân về với tháng năm dài
Với hương đạo hạnh thơm hoài nhân gian
Xuân về mang cả hân hoan
Trao cho nhân loại ngập tràn niềm vui.
Los Angeles, Mùa đón Xuân Tân Mùi
Kỷ niệm Lể Đại Tường Cố Hòa Thượng Thiên Ân
Trầm hương thoáng lại từ đâu
Lòng nghe tất cả tiếng cầu nguyện xưa
Chuông ngân vọng đến bao giờ
Lá vàng rụng xuống thành thơ nhớ người
Về đâu những lá hoa tươi
Vườn xưa, lối cũ bóng người quanh đây
Tháp chuông vẫn ở chổ này
Đổi thay thay đổi trong ngây ngất buồn
Ai về giữa bóng hoàng hôn
Để nghe xao xuyến mãi dồn dập đau
Nhớ thương xin giữ trọn màu
Đạo tình muôn thuở mai sau vẫn còn
Ngày xưa vốn nghiệp cô đơn
Đầu thai hóa bướm bay vờn lá hoa
Trong cơn mộmg mị Ta Bà
Tiếng chuông gợi nhớ âm ba thuở nào
Chiều về lay giấc chiêm bao
Tỉnh ra mới biết trăng sao sáng hoài
Chiều nay, ai đến thăm ai
Lá vàng rụng xuống nằm dài lối đi
Mai sau còn có nghĩa gì
Đốt lò hương nguyện xin ghi tâm này
“Sắc không tự tại” nào hay
Trần gian còn đợi bàn tay độ người.
Gửi Thầy Trí Chơn và Đạo Hữu Trần Quang Thuận để kỷ niệm những ngày phục vụ đạo pháp và quê hương trong hội nghị Phật giáo tại Colombo, Tích Lan
Ta là hạt cát dòng sông
Trôi về biển cả mênh mông đất trời
Tháng ngày tỏa rộng mù khơi
Nước trong, cát trắng một đời mênh mang
Ta là một hạt cát vàng
Nằm yên giữa biển muôn ngàn năm sau
Trùng trùng sóng vỗ lòng đau
Biển ơi, có giữ nguyên màu cát không
Ta là hạt cát biển đông
Đêm ngày thao thức mãi trông lối về
Nhìn trăng, thấy rõ đường quê
Mây bay một nẻo gió về một phương
Ta là hạt cát đại dương
Vòng quanh trái đất quê hương mịt mù
Ra đi cho đến bao giờ
Ngày về sáng ấy ước mơ chẳng sờn
Ta là hạt cát cỏn con
Muôn năm thế kỷ sắc son một lòng
Biển đời vượt hết long đong
Trần gian ai đọc đôi dòng tâm tư
Bãi biển Colombo chiều 11 tháng 6 năm 1982
Như hoa nở giữa ngày xuân
Như chim hót giữa cõi rừng mênh mông
Ngày Phật Đản rộng vô cùng
Hai ngàn năm trước vẫn không đổi đời
Lâm Tì Ni mãi xinh tươi
Vô Ưu hoa nở muôn đời còn đây
Ngày xưa về lại chốn này
Sáng nay quỳ xuống chắp tay nguyện cầu
Ngày Phật Đản nhớ ân sâu
Hương trầm tỏa rộng nhiệm mầu Pháp âm
Sắc không độ kẻ luân trầm
Kiếp người mộng ảo duy tâm trường tồn
Cúi đầu ngưỡng lạy Từ Tôn
Mặc cho dâu bể dập dồn thế nhân
Ra đời trong một hóa thân
Ta Bà thị hiện giáng trần độ sinh
Xin về nhóm lửa tâm linh
Sưởi hồn ấm lại: Lời kinh sáng này
Trùng trùng điệp điệp chắp tay
Nhớ ân Phật độ tháng ngày bình an.
Kỷ niệm Phật Đản 2526
Dấu chân in mặt cát
Người đi mây trông theo
Cuộc đời là sa mạc
Biển đời thuyền nhổ neo
Mây bay qua thành phố
Trời xuống tận tam quan
Ai ngồi trên bực gỗ
Nhìn kiến bò lang thang
Mở ra Tam Tạng kinh
Ta ngồi đọc một mình
Trăng soi sao từng chữ
Giữa đất trời lặng thinh
Thiền sư đi trên đường
Áo rộng đầy tình thương
Thời gian không níu lại
Cười vang suốt đêm trường
Anh ngồi trên phiến đá
Sóng nước ngút ngàn dâng
Tôi ngồi bên cạnh đó
Ngàn năm rồi bâng khuâng
July 18/83
Thấy không, sao rụng lề đường
Tên ai gắn bó đang vương kiếp này
Nghìn năm còn đó mây bay
Đôi chân bước mãi tháng ngày nghe đau
Nơi đây sáng chói sắc màu
Nhân gian rộn rịp hồn đau bao lần
Lại qua những dấu phù vân
Người ơi, có thấy tinh thần độc tôn
“Quê nhà khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng gợi buồn lòng ai …”
Patrioge Bơkstore, một chiều tắt nắng 26-4-1978
Do you see the stars fallen down
Whose mane is written on the star?
Thousand years untill now the clouds are blown
Two legs moving forward forever by day and night but pain in the heart
Here there are many coloured lights
The noise of people playing
And the soul is suffering underneath
Coming and going leaving the footing like the cloud
And the inner spirit beckons
The sunset cannot see the homeland
On the river there is much smoke…
Who is sad
Tưởng niệm Giác linh nhị vị cố HT Thiện Minh và HT Thiên Ân
Đêm nay ngồi đếm sao trời
Như ta lặng ngắm những người đi qua
Mênh mông thế giới Ta Bà
Thu về trong một chén trà bình minh
Làm sao đếm hết hành tinh
Trăm năm sau nữa đạo tình còn không
Người đi như chiếc lông hồng
Nắng mưa gởi lại cánh đồng thời gian
Còn đây thế giới ba ngàn
Trong tim nhân loại hân hoan đón chờ
Tọa Thiền đâu thấy bơ vơ
Lang thang từ thuở bao giờ hay chăng
Đêm rằm ta hỏi ánh trăng
Ngàn năm về trước đã tằng chiếu ai
Người đi, trong mấy năm dài
Xuyến xao ta nhớ bóng hai đời người
Bổng nhiên ta nở môi cười
Khói hương mầu nhiệm rạng ngời Hoa Nghiêm
Trùng trùng duyên khởi bên thềm
Mái chùa xưa đã lặng yên thuở nào.
Los Angeles, Oct.26, 1987
Qua Thiền Môn: thấy trời xanh
Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện, cảnh mơ màng
Không gian là chiếc y vàng quấn thân
Thiền Môn xưa sạch phong trần
Kim Cang kinh khép trầm luân thoát rồi
Ta từ sanh tử về chơi
Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng
Thân ta là giải đất bằng
Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông
Tình ta là đóa hoa hồng
Ý ta là cả cánh đồng tâm linh
Còn đâu nữa Kim Cang kinh
Thiền Môn biến mất mà mình vô ngôn
Bình minh về ngập hoàng hôn
Kêu lên một tiếng tỉnh hồn ngàn xưa
Los Angeles, mồng 9 tháng 9 Canh Thân
Không thể làm sao tả hết lời
Khi chiều thu vắng bóng chiều rơi
Bao nhiêu thương nhớ vời mây nước
Lòng mẹ bao la gởi cuối trời
Quê cũ nghìn năm quá phủ phàng
Mà sao lòng mẹ ngập không gian
Mùa thu mang lại niềm vui cũ
Dù mẹ không còn giữa thế gian
Chuông vắng đâu đây xao động lòng
Mục Liên sống dậy: nước sông trong
Phù Tang mây quyện Vu Lan đến
Hiếu hạnh đương về bên cánh song
Lý trí thua rồi với tháng năm
Ôi, tình mẹ sáng hơn trăng rằm
Bấy nhiêu ôm trọn tình lưu luyến
Đất lạ, Vu Lan về viếng thăm
Tokyo, Vu Lan Nhâm Dần
Kỷ niệm sinh nhật Tượng Nữ Thần Tự Do
“Happy Birthday United States
Happy Birthday Miss Liberty”
Los Angeles, chiều 4 tháng 7 năm 1986
Ngọn đuốc dâng lên cao
Như dòng sữa ngọt ngào
Tự do vào lòng bé
Trời đẹp nhờ trăng sao
Ngọn đuốc dâng lên đây
Tìm đến quê hương nầy
Muôn người tự do thở
Trong không khí vui vầy
Ngọn đuốc dâng trăm năm
Đẹp như ánh trăng rằm
Tự do là sức sống
Qua rồi đời tối tăm
Ngọn đuốc dâng lên rồi
Ánh sáng ngập đời tôi
Tự do hồi sinh lại
Hai tay, dựng xây đời
Ngọn đuốc dâng mênh mông
Tự do là vô cùng
Những ai còn kềm kẹp
Xin về một bến sông
Ngọn đuốc của Nữ Thần
Chiếu sáng khắp toàn dân
Giữa trời nước xanh biếc
Bàn tay người tương thân.
Kỷ niệm ngày Viên Tịch của cố HT. Thích Thiên Ân
Lên chùa từ thuở ấu thơ
Áo vàng mấy tấm để chờ từ lâu
Đưa tay gõ cửa nhiệm mầu
Trăng sao chiếu sáng mái đầu Thiền Tăng
Người đi tắm mát sông Hằng
Có, không mộng ảo nói năng hão huyền
Tào khê nước chảy triền miên
Đèn khuya soi thấu đến miền thong dong
Người đi vào cõi mênh mông
Bình minh mở cửa dòng sông mây vào
Tháng ngày lãng đãng chiêm bao
Trăm năm sau nữa ai nào nhớ quên
Người đi đến cõi vô biên
Một lòng thanh thoát não phiền xa bay
Tâm kinh phủ mộng tháng ngày
Sắc không tự tại bàn tay độ người
Người đi giữ mãi nụ cười
Đôi môi nhẫn nại muôn đời còn nguyên
Pháp thân hòa với nhân duyên
Đêm nay ngồi tụng Hoa Nghiêm trước đèn.
Nhìn ra xa lạ vô cùng
Núi dâng hơi lửa, người chung mối sầu
Trời xanh mây trắng về đâu
Con chim viễn xứ qua cầu chiêm bao
Một mình ta đứng trên cao
Lắng nghe tất cả rạt rào dưới kia
Nhớ thương rủ áo ra về
Còn đây nguyên vẹn bốn bề tâm tư
Hilo, cuối năm 1978
Gửi Nguyên Đạt, để kỷ niệm ngày giã từ Los Angeles đi Seattle.
Chà là (Palm tree) đứng đấy tiễn đưa ai
Sáng tối, hoàng hôn ngã bóng dài
Ngất ngưỡng thân cao nhìn gió cuốn
Làm sao dựng lại: đẹp ngày mai
Dù lạ hay quen chẳng ngại ngùng
Ra đi, xây lại quãng đời chung
Đôi chân bước mãi trên đường đạo
Lý tưởng mênh mông nguyện đến cùng
Lên đường chí lớn nhớ nghe không
Phật giáo Việt Nam phải một lòng
Đã hứa trọn đời cho Đạo Pháp
Thì không quên được nợ non sông
Tiễn biệt hôm nay không tiễn biệt
Dù xa, lòng vẫn ở nơi đây
Quê hương thương nhớ trên ngòi viết
Lặng ngắm thời gian khắc khoải đầy.
Los Angeles, chiều 16-7-1978
Ai hay hoa nở bao giờ
Nhân gian tràn ngập nguồn thơ thanh bình
Xuân về mở cửa tâm linh
Trần gian còn đó mới tinh muôn đời
Cho nhau, cho một nụ cười
Trên môi nhân loại sáng ngời tình thương
Xuân Kỷ Mùi 1979
Gió vờn qua cây cành
Rung rinh hàng tre xanh
Gió đi không trở lại
Trời xanh mây hiền lành
Hồ thu con nhạn sang
Nước trong im mơ màng
Trăng treo cao lồng lồng
Bóng nhạn chìm mênh mang
Ngàn năm không giữ gió
Hàng tre đứng âm thầm
Hồ trong không lưu bóng
Nhạn qua rồi bặt tăm
Thao thức sao bóng chiều
Hồn Châu Á cao siêu
Ngàn năm ngàn năm vẫn
Như gấm dệt hoa thêu.
Viết cho Tánh Thiện (Đ. Phước)
với những buổi công phu đầy thiền vị
Hôm qua mộng thấy tụng kinh
Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng
Bao nhiêu cát của sông Hằng
Là bấy nhiêu kiếp đã tằng tử sinh
Lang thang, nghiệp chướng, tội tình
Con chim nó hót, bình minh đến rồi
Thời gian phủ mộng đầy nôi
Mỉm cười bé ngủ xa xôi kiếp nào
Nôi hồng tràn ngập chiêm bao
Mà nay ta đã đi vào trần gian
Đêm ngày ngồi tụng Kim Cang
Sắc không mộng huyễn cưu mang với người
Trong mơ thấy đóa hoa tươi
Bây giờ tỉnh dậy ta cười với ta
Giang tay đón cả Ta Bà
Lòng nghe rợn ngợp hằng sa kiếp rồi
Ngày xưa Trang Tử bồi hồi
Giữa mình và bướm ai ngồi ngắm nhau
Bây giờ xuân đến lòng đau
Ai mang áo cũ bạc màu mùa đông
Cho xin một đóa hoa hồng
Đem về cắm giữa giòng sông cuộc đời
Hương thơm bát ngát tình nguời
Say sưa tụng mãi những lời kinh xưa.
Los Angeles, cuối Xuân Canh Thân
Đây cả non sông còn vẹn mới
Đường vừa khai mạc đón người đi
Đây niềm hoài vọng ngàn thiên giới
Gót ngọc vờn hoa lưu lại gì
Đây nắng ban đầu mưa gió dứt
Cỏ cây hớn hở đượm vui nhiều
Đây người cô quạnh nằm ray rức
Như được lòng đời đón ấp yêu
Đây cảnh thanh bình đang hé dậy
Muôn chim rộn rịp hót trên cành
Đây vàng, đây bạc vừa tìm thấy
Nhựa sống dâng đầy ngập tuổi xanh
Đây ánh trăng rằm soi xứ vắng
Đêm dài quên ngủ mãi vụt say
Đây hồn dân tộc đang thầm lặng
Theo tiếng chuông ngân vọng tháng ngày
Đây cảnh chia ly vừa hội ngộ
Cảm thông, loan lạc tận bao giờ
Đây niềm giao cảm qua hơi thở
Vũ trụ chìm trong thế giới thơ
Đây phố phường trong ngày Đại Hội
Hát ca vang dội khắp đô thành
Đây đàn con dại về bên gối
Lòng mẹ bao la bát ngát tình
Đây nước sông Hương ngừng đứng lại
Soi hình Phật Đản những năm qua
Đây đoàn rước Phật đi, đi mãi
Mạch sông dâng cao khắp nước nhà
Đây những sen xinh bừng nở mạnh
Mừng ngày Phật Đản thuở xa xưa
Đây đàn chim dại vừa tung cánh
Sắc nước, trời xanh vẫn đợi chờ
Đây lá cờ thiên hồn Phật giáo
Năm màu sắc Phật lộng muôn phương
Đây hương lòng thoảng thềm tôn giáo
Phật Đản: Ngày vui khắp nẻo đường.
Kỷ niệm ba năm xa quê hương
Los Angeles, Mùa Phật Đản 2524
Ba năm rồi sống xa quê
Đến ngày Phật Đản chưa hề dám quên
Ở đây, bàng bạc hương Thiền
Việt Nam Phật giáo triền miên muôn đời
Ngày xưa dưới cánh hoa tươi
Hôm nay Thái Tử ra đời độ sinh
Thế gian còn đó ảnh hình
Vô Ưu hoa nở tươi sinh sắc màu
Tình người vẫn giữ trước sau
Nhớ ngày Phật Đản lòng đau không cùng
Ai mang một mối tình chung
Quê Hương, Đạo Pháp trùng trùng nở hoa
Bây giờ ray rức tâm ta
Bèo mây phận nước, xót xa phận mình
Thắp lên một nén hương trinh
Cho ngày Phật Đản đượm tình Việt Nam
Cúi đầu dưới ánh Từ Quang
Cầu mong Phật độ vô vàng đó đây
Xa cành chim nhớ thương cây
Nửa vòng trái đất mang đầy tâm tư
Quê hương nhớ tự bao giờ
Mái chùa, dân tộc, hồn thơ, ruộng vườn
Ngày Phật Đản: nhớ Quê hương
Niềm đau xin gởi mười phương kiếp người.
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con chim đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lể
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Chuông vẳng nao nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
1949
Nhất Hạnhtặng Huyền Không
Giầy thơm
mang mang kho huyền sử
ly nước xanh
cười nét mắt thủy tinh
đã cao vươn từng lớp sóng bạc đầu
và tảng đá lạnh
gối sương mù
đỉnh cao gió hú
tôi thức dậy chót lưỡi tê
hạt sương ngọn cỏ trời khuya
bỗng ánh sánh xuyên ngang
lưỡi gươm lóe
chớp giật
những đám mây chạy mau
phương đông giục giã tiếng kèn
chiếc áo tơi năm nào
gió đuổi lá bay …
nét bút anh
màu nâu.
Trên cành tay nám mầu sương gió
Màu nâu
Trên đồng ruộng năm nào mồ hôi tưới lúa
giờ phút này tinh cầu luân lạc giữa trời cao
lay chuyển cánh chim bằng
không gian từng vũng
toé tung nổ vỡ
một mặt trời đang ngụp lặn ngoài kia
kính như mắt đỏ
ống kính tôi thu hình tiền sử
then cửa đã vừa bỏ lỏng
vạn kiếp xưa từng gài nẻo tuơng lai
sáng nay lôi ra, bên rừng chim hót
em thoát về
trên ngõ biết
những búp tay chồi non, nụ hoa đọt mướp
níu không gian
bàn tay
bàn tay nâng chiếc đũa người nghệ sĩ tài ba
lùa vũ trụ âm thanh
về ngưng tụ
vào đêm không tịch tịnh
chói!
lần đầu tiên đôi mắt trẻ thơ vào đời
nụ cười trong mắt
bà mẹ quê
củ hành búi tóc
lá tre chiều gom đốt
không gian um khói ấm
Bụt cười sau mây hiền dịu
đêm nay tròn trăng.
Phạm Xuân Đài
Tôi cảm thấy ngại ngùng khi định viết về thơ của thi sĩ Huyền Không. Không phải tôi không thích thơ, trái lại là đàng khác, nhưng đây là những bài thơ nhuốm mùi thiền, mà tôi lại chẳng có một trình độ nào về thiền cả. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ: sao lại phân biệt thơ thiền và thơ không thiền. Trên hết và muôn đời, thơ là thơ, lo việc chuyển tải các trạng thái đặc biệt của tâm hồn con người, với một ngôn ngữ riêng nhằm gây hiệu quả tối đa cho mục đích của nó. Tình yêu hay tôn giáo cũng chỉ là các trạng thái của tâm hồn người hướng về các đối tượng khác nhau, nhưng khí thế hiện ra thơ chúng phải được bình đẳng: phải qua các cửa nghệ thuật để tự giới thiệu mình. Người đọc thơ có cái sung sướng là không cần biết mình đã yêu chưa hoặc có kinh nghiệm gì về thiền định hay không mà vẫn cứ đọc thơ tình hay thơ thiền; vần đề là những bài thơ ấy có đem lại gì cho anh ta hay không chứ không phải anh ta phải đem lại gì cho những bài thơ ấy.
Vậy thì, thôi sẽ bắt đầu từ mùa Xuân, mùa nở đầu cho một chu kỳ sinh tử. Từ những năm thanh xuân của đời mình, nhà thơ Huyền Không đã cảm nhận mùa Xuân như sau:
Ô hay Xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bổng giật mình
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh.
Vẫn là cái giật mình mang tính cách khám phá của muôn thuở của tuổi trẻ đối với chuyển biến của đất trời, nhưng tác giả đã có đầy đủ sự già dặn và nhạy cảm tinh vi của tâm thức. Nghe được tiếng hoa đang nở và giật mình vì sự kiện ấy của mùa Xuân không phải là tài năng thính tai và mẫn cảm của đời thường mà phải là biểu hiện của một khối tâm linh trong suốt lung linh đang mở ra thế giới và cuộc đời với những ước hẹn cao thượng. Khả năng nhìn thấy, với mùa Xuân, “Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh” là một khả năng lạc quan và trong sáng, khả năng của cải đổi và của niềm an lạc. Khẩu khí của bài tứ tuyệt vịnh Xuân từ tuổi thanh xuân này đã mang dáng dấp triết học và ẩn dụ của những bài tứ tuyệt đã được ngâm nga dưới mái chùa Việt Nam từ bao nhiêu thế kỷ qua.
Nhiều năm về sau, mùa Xuân vẫn gây cảm hứng nơi thi nhân như thủa nào, nhưng ý tứ rõ rệt thẳm sâu hơn, lời lẽ dậm đà hơn, chứng tỏ bước đi chín mùi của thời gian trên tâm hồn thơ cũng như tâm hồn đạo:
Sương Xuân rải xuống sơn hà
Lòng đêm xa vắng mở ra nhiệm màu.
Sự hiền hòa của Phật giáo đã thấm nhập vào tâm hồn dân tộc Việt Nam từ bao giờ nhỉ? Có phải từ buổi những chiếc thuyền từ Ấn Độ vượt biển ghé đến Giao Châu, cách đây gần hai mươi thế kỷ, và những thiền sư lên bờ truyền giảng đạo hạnh từ bi cho dân ta? Có phải từ đấy các ngôi chùa bắt đầu tham dự vào sinh hoạt làng xã của cộng đồng Việt Nam, và đã đóng góp vào sự nghiệp giáo hóa ấy một cách thầm lặng và liên tục, hết đời nầy qua đời khác? Trải qua một lịch sử dữ dằn cay đắng vì phải luôn chống trả họa ngoại xâm cùng thiên tai, dân Việt Nam từ xưa có đạo Phật để giữ cho tâm của mình không thành dữ dằn và cay đắng, trái lại tiến triển đến chổ khoan dung cao thượng xứng đáng là dân tộc có văn hiến.
Trong một làng Việt Nam nếu đình là khu hành chánh tinh thần thì chùa là nơi tỏa bóng mát tâm linh, là môi trường hoàn toàn tự giác để tâm hồn nghỉ ngơi và hoàn thiện chính mình.
Văn học cận đại Việt Nam có một số tác phẩm văn xuôi đề cập về sinh hoạt chùa chiền như Hồn Bướm Mơ Tiên, Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khải Hưng, Lên Chùa của Thiện Sĩ v.v…, nhưng về thơ thì bài Nhớ Chùa của Huyền Không có lẽ là bài đầu tiên có tầm vóc về đề tài này. Thoạt đọc Nhớ Chùa ta dể liên tưởng đến các bài thơ mang nặng tình tự quê hương của Đoàn Văn Cừ (Chợ Tết, Đám Cưới, Mùa Xuân, Đám Hội) hay Tế Hanh (Quê Hương, Lối Con Đường Quê) mô tả một cách sinh động các sinh hoạt và tình cảm bình dị ngàn đời của nông thôn Việt Nam. Riêng Đoàn Văn Cừ, sau khi tả các hoạt cảnh của hội hè bao giờ cũng kết thúc với bóng
…Một lúc sau khi tới chổ vòng quanh
Nếp chùa trắng in hình trên trời thắm
Thì cả bọn dần dần cùng khuất lẩn
Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân.
(Đám Cưới Mùa Xuân)
…Khi chuông tới bên chùa văng vẳng đánh
Trên con đường đi các làng hẻo lánh
Những người quê lũ lượt trở ra về …
(Chợ Tết)
Vệt tháp trắng in dài trên đồng vắng
Tiếng chuông tối nhặt khoan trong yên lặng
(Đám Hội)
Như muốn khẳng định rằng cái nền không thể thiếu được trong đời sống Việt Nam chính là đạo Phật. Nhưng đến Nhớ Chùa thì ngôi chùa làng đã tiến lên thành cận cảnh.
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường nhỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi:
Yên lặng, chùa tôi ngập nắng vàng
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười.
Sinh hoạt tôn giáo cũng như chốn tu hành tại thôn quê không gây ấn tượng như các loại hội hè đình đám hoặc các hoạt cảnh làm ăn năng động, nhưng Huyền Không đã đưa ra được tình cảm đằm thắm của dân làng đối với ngôi chùa của mình, không mạnh mẽ sắc cạnh nhưng nhu hòa và lan tỏa rộng như một làn hương trầm. Đó là điều mà hình như rất ít ngòi bút văn học nào của nước ta đã làm được. Có thể đã có những thiên khảo luận dày thuyết phục rằng Phật giáo đã vào Việt Nam rất sớm và ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng Việt Nam ra sao, nhưng điều này thì khác hẳn:
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đâu ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.
bởi vì những buổi chiều êm đềm như thế, những lời kinh trong ngôi chùa cổ như thế, tình cảm mến yêu của dân làng như thế đều là các thực tại sống, tồn tại sâu trong thôn quê và sâu trong ký ức mỗi người chúng ta như từng tồn tại như thế đã hàng ngàn năm.
Sau các triều đại đầu của thời đại tự chủ, đạo phật đã thôi đóng vai quốc giáo, nhưng vẫn tiếp tục thấm sâu vào các mạch ngầm của đời sống tiếp tục góp phần tạo nên tâm hồn và phẩm cách của con người Việt Nam. Nên khi cho rằng:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Thì có thể gây ra những tranh luận về lý trí trong một quốc gia trên nguyên tắc có nhiều niềm tin khác nhau về tôn giáo, nhưng về tình cảm, được điều khiển một cách kín đáo bởi vô thức, thì chúng ta thấy điều đó hầu như là tự nhiên. Có những nơi không nên vận dụng lý trí vào vì nó chẳng được việc gì cả, như ở đây chẳng hạn, một câu thơ về hồn dân tộc thì nên lấy hồn ta mà cảm ứng nó vậy. Khi đọc một câu thơ lên mà nghe lòng ta xôn xao rung động thì đúng là gặp phải mạch ngầm đã chảy miên viễn tự thâm sâu trong mỗi chúng ta tự đời não đời nào. Nhớ Chùachính là nhớ nổi niềm ấy đã nằm sâu trong hồn dân tộc và dài dọc theo dòng lịch sử.
Tu hành là một kinh nghiệm riêng tư. Nhưng một tâm hồn đạo hạnh có cách tỏa sáng riêng của nó mà thi ca có lẽ là phương tiện chuyển tải hữu hiệu nhất.
Ai xây đời trong tưởng tượng
Ai dệt đời ngoài muôn hướng
Ai khóc
Ai than
Và ai buồn vì nắng đời chưa chớm
Tìm đâu ra một sớm
Cho loài người tắm gội ý tươi xinh
(Tình Nhân Loại)
Hạnh nguyện lớn lao ấy đã được tác giả tìm thấy giải pháp thực hiện trong đạo Phật:
Hai bàn tay
Hãy dựng nên tháng ngày
Hai bàn chân
Hãy đi trên đường dài trái đất
Khắp năm châu
Sống trong lòng từ bi Đức Phật
Ngọt ngào như mật
Tình nhân loại thương nhau
(Tình Nhân Loại)
Không những “tìm thấy giải pháp”, chính tác giả thực hiện giải pháp ấy: người là một tu sĩ. Chính cái tư cách vừa là thiền sư vừa là thi sĩ đã tạo ra một ngưỡng cửa trong thi ca của tác giả: bên này là tiếng nói của đời thường, bên kia là ngưỡng cửa là tiếng nói của kinh nghiệm và cảm hứng thiền định - một vùng đất lạ nhưng đầy quyến rũ đối với “người phàm”.
Trong hơi thở ngồi yên nhìn vạn kiếp
Nghe đất trời kể lại chuyện tiền thân
(Tĩnh Tọa)
Khả năng của định lực được hé mở nằng ngôn ngữ thi ca! Thở …ngồi yên …nhìn thấy …nghe thấy …Rồi ta rón rén tiếp nhận một kinh nghiệm khác:
Đêm yên vắng ngồi yên nhìn quá khứ
Thác trên cao đổ xuống mãi trong đầu
Nước cứ chảy, tư tưởng dài lữ thứ
Thời gian nào do dự hỏi ta đâu
(Tĩnh Tọa)
Cuộc hành trình đầy riêng tư của tâm và ý, cả tác động của thời gian trong trạng thái ấy, đã được tác giả tiết lộ một phần…Chúng ta chờ đợi dẫn đi vào nhiều nẻo đường mới lạ khác, nhưng bỗng hành trình chấm dứt ở một chổ ta không ngờ nhất:
Ta không kiếm tâm mình mà bỗng thấy:
Kìa, đóa hồng đang nở dưới trăng sao
(Tĩnh Tọa)
Ta hình như không hiểu lắm sự thể như thế là thế nào, nhưng nếu diển đạt cảm tưởng tức thời của mình, thì sẽ nói: một kết thúc rất thiền! Và cũng rất thơ. Vâng, tức thời tức chưa kịp suy luận, và đó chính là cái mà nghệ thuật thi ca của thiền tư thi sĩ đem lại cho tâm hồn và khiếu thưởng ngoạn của ta vậy.
Trạng thái đạt đạo của một người tu hành dĩ nhiên không thể chia xẻ bằng ngôn ngữ thường cho chúng ta được, nhưng bài thơ Đạt Đạo của Huyền Không quả là một bài thơ đẹp, vừa về ý và lời, đẹp ở cả khả năng đưa ta lên cao một bậc khỏi những dây nhợ vướng víu của đời thường.
Qua thiền môn thấy trời xanh
Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện cảnh mơ màng
Không gian là chiếc y vàng quấn thân
Tuy là bốn câu tả cảnh tu tập chăm chỉ thường nhật ở chùa nhưng đã có sự chuẩn bị cho một vượt thoát: mảnh trời xanh trong hoàn cảnh này đã là một cái gì là lạ, khói hương thường lệ đã được chủ thể thấy giữa mình và không gian bao quanh không còn ranh giới, không gian rộng lớn có thể thu hẹp lại quấn quanh ta vừa bằng cái áo của ta, hoặc là chính ta trở thành rộng lớn mênh mông trong không gian để mặc vừa cái áo rộng lớn ấy . Tâm thức đã đạt trạng thái chuẩn bị …
Thiền môn xưa sạch phong trần
Kim Cang kinh khép trầm luân thoát rồi
Ta từ sanh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng
Điều ấy đã xảy ra. Cuộc “về chơi” đã tới đích. Không biết tự bao nhiêu kiếp đi lạc vào cõi sinh tử, không biết đã bao nhiêu lần “người đi trong không gian nhịp xe uốn vòng tử sinh” (*), bây giờ ta đã tìm thấy quê cũ yên vui rũ sạch lầm than. Người đã thầy lại bản tâm. Trạng thái sau cùng là sẽ không còn chùa, không còn kinh, bặt ngôn ngữ, tất cả chỉ là một sự bừng sáng tuyệt đối của một ngày mới vừa rạng xóa tan cơn mê đời đời kiếp kiếp của quá khứ:
Còn đâu nữa Kim Cang kinh
Thiền môn biến mất còn mình vô ngôn
Bình minh về ngập hoàng hôn
Cười lên một tiếng tỉnh hồn ngàn năm.
Sau khi đọc câu “Cười lênmột tiếng tỉnh hồn ngàn năm” tôi cũng thấy “đạt” rồi, không còn muốn viết thêm về các bài khác nữa, mặc dù còn nhiều bài tôi rất thích. Hình như đã đến chổ trọn vẹn. Qua mười sáu câu thơ của Đạt Đạo, thi sĩ thiền sư đã dẫn dắt và truyền cho tôi phần nào cái cảm giác “tỉnh hồn” – đó có lẽ là điểm cao nhất mà một bài thơ tạo được nơi nguời đọc nó. Và thế là đủ, tôi xin khép lại nơi đây cảm nghỉ này.
Trên đây tôi không dám viết về tác giả Huyền Không, đúng ra tôi chỉ viết về tôi khi đọc tác giả ấy, mà đọc cũng không trọn vẹn. Như thế lại hơn: đừng nên mang tham vọng làm những việc lớn lao quá sức mình.
Sàigòn, Mùa Phật Đản Nhâm Thìn
(*) Lữ hành của Phạm Duy
--- o0o ---
Vi tính: Ngọc Diệu Nguyên Châu