- Tựa của người dịch
- 1. Vui thay Phật ra đời
- 2. Cuộc viếng thăm của nhà tiên tri
- 3. Dự lễ cày ruộng đầu năm
- 4. Thái tử nhân từ
- 5. Cuộc thi tài cầu hôn
- 6. Những cung điện như ý
- 7. Một bài ca hay
- 8. Một cảnh quan bất như ý
- 9. Cuộc đi dạo lần thứ hai
- 10. Cú sốc cuối cùng
- 11. Thú vui tan dần
- 12. Ý tưởng thoát trần
- 13. Nỗi lo của vua Tịnh Phạn
- 14. Vượt thành tìm chân lý
- 15. Cuộc tìm đạo bắt đầu
- 16. Sáu năm chiến đấu
- 17. Cúng dường
- 18. Cuộc chiến đấu vĩ đại
- 19. Thức tỉnh
- 20. Dạy đạo cho ai?
- 21. Lời dạy đầu tiên
- 22. Nỗi buồn của người mẹ
- 23. Người đàn ông thô lỗ
- 24. Những lời khen
- 25. Yêu thương loài vật
- 26. Sức mạnh của tình thương
- 27. Trở về quê hương
- 28. Vua và thần cây
- 29. Tình thương không ranh giới
- 30. Những ngày cuối cùng
- 31. Những lời dạy vẫn còn sống mãi
- Phụ chú - Mấy lời tâm huyết
3. Dự lễ cày ruộng đầu năm
Năm thái tử Tất Đạt Đa 9 tuổi, cậu được vua cha cho đi dự lễ cày ruộng đầu năm. Chính vua Tịnh Phạn là người chủ tọa buổi lễ này. Các vị đạo sĩ và tu sĩ Bà La Môn được mời tới dự. Buổi lễ được cử hành nơi thửa ruộng tốt nhất không xa hoàng thành. Không khí hôm nay thật tưng bừng náo nhiệt. Các thầy Bà La Môn đang tụng kinh rất nghiêm trang. Vua mặc hoàng bào và các vị quan cũng mặc triều phục đang đứng xoay mặt về phía lễ đài. Tất Đạt Đa cũng đứng tham dự lễ, nhưng vì các thầy xướng tụng quá lâu, cậu cảm thấy nóng nực nên đi tìm chỗ mát dưới tàn cây Diêm phù bên đường ngồi nghỉ.
Sau khi các thầy Bà La Môn kết thúc việc đọc kinh, vua Tịnh Phạn bước xuống ruộng, nắm lấy cán cày với sự phụ tá của hai vị quan võ, vua đã cày luống cày đầu tiên của mùa làm ruộng mới. Dân chúng vỗ tay hoan hô vang rền. Các nông dân bắt đầu xuống ruộng làm theo vua. Họ cày những luống cày đầu tiên trên thửa ruộng của họ.
Nghe tiếng reo hò, Tất Đạt Đa cũng chạy ra xem. Cậu nhìn thấy một con trâu đang nặng nhọc kéo cày, theo sau là một bác nông dân lực lưỡng, tay trái cầm cán cày, tay phải cầm cây roi quất mạnh vào lưng con trâu. Trời nắng gắt, mồ hôi ông ta chảy ra đẫm ướt cả thân mình. Nơi lưỡi cày đi qua đất được lật ngửa rẽ ra thành luống hai bên trông thật ngay hàng thẳng lối. Hàng ngàn con giun ở dưới đất chui lên, có những con bị lưỡi cày cắt làm đôi đang quằn quại trên luống đất. Những con chim bay sà xuống thấp đớp lấy những con giun đang vùng vẫy hoảng sợ. Rồi cậu lại thấy một con chim lớn sà xuống rượt bắt những con chim nhỏ để ăn thịt.
Trời lúc này nắng gắt, thái tử vừa mệt vì nắng, vừa chán nản vì thấy cảnh thú vật ăn thịt lẫn nhau, cậu bèn trở lại chỗ cây Diêm phù. Những hình ảnh mà Tất Đạt Đa vừa thấy thật là mới lạ, đã kích thích cậu ngồi xếp bằng dưới gốc cây và nhắm mắt lại để chiêm nghiệm những gì đã thấy. Cậu ngồi ngay thẳng với tư thế uy nghiêm và rất đẹp. Hình ảnh người nông dân cày ruộng cực khổ đổ mồ hôi dưới ánh nắng nóng bức; hình ảnh con trâu nặng nhọc kéo cày còn bị những nhát roi quất lên mình thành những vết thương dài; hình ảnh những con giun bị luống cày cắt đứt làm đôi đang vùng vẫy đau đớn; hình ảnh những con chim nhỏû sà xuống bắt những con giun; hình ảnh con chim lớn rượt bắt những con chim nhỏ để ăn thịt; những cảnh tượng tàn sát lẫn nhau để mà sống này cứ hiện lên trong đầu của thái tử. Cuộc sống quả là một cái vòng đau khổ, tất cả chỉ vì miếng ăn mà phải cực khổ, đấu tranh, tàn sát lẫn nhau để sống. Thái tử cảm thấy xót thương cho bác nông dân, con trâu, con giun, con chim ... cậu ước mong sao tất cả người và vật không còn khổ đau nữa, không còn phải vì sự sống mà ăn thịt lẫn nhau.
Một lát sau khi vua và bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề tới gốc cây Diêm phù để tìm con, thấy Tất Đạt Đa vẫn còn ngồi đó. Bà cảm động đến khóc khi thấy Tất Đạt Đa ngồi đẹp như một pho tượng nhỏ dưới gốc cây. Nhưng vua thì lại lo ngại vì thái tử mới có 9 tuổi mà đã biết ngồi trầm tư như thế thì lời tiên đoán của Đạo sĩ A Tư Đà có thể trở thành sự thật.