Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Chương Thứ Mười Tám

18/07/201115:14(Xem: 9826)
18. Chương Thứ Mười Tám
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

Chương thứ mười tám

Thuyết một niệm vãng sanh và tư tưởng bản giác của tông Thiên Thai

Tiết thứ nhất

Phái chủ trương an tâm lãnh giải

Chủ trương một niệm vãng sanh phản đối nhiều niệm tương tục, chuyên lấy cổ xúy an tâm lãnh giải làm chủ yếu, gồm có các ngài như Thành Giác Phòng Hạnh Tây, Chứng Không phái Tây Sơn và Thân Loan v.v…Trong đó, ngài Hạnh Tây đề xướng nghĩa một niệm sớm nhất. Quan điểm của các ngài Chứng Không và ngài Thân Loan bị ngài Hạnh Tây đánh bại cũng chẳng ít. Nghĩa một niệm vãng sanh vốn là tư tưởng một tiếng niệm Phật có thể vãng sanh, vì nhiều niệm tương tục là tự lực tu hành; cho nên bị người tu theo bản nguyện tha lực bài xích, đả phá, đưa đến yêu cầu phải nói rõ nội dung tín tâm tha lực, thậm chí đề xướng thuyết an tâm lãnh giải.

Niệm Phật danh nghĩa tậpquyển hạ của ngài Thánh Quang nói: “Có người lập nghĩa một niệm, chỉ biết nói môn an tâm mà không chịu niệm Phật vãng sanh, uổng công giải nói niệm Phật”.

Duy tín saocủa ngài Thánh Giác nói: “Đường lối vãng sanh Tịnh độ trước tiên là tín tâm, nhấn mạnh tín tâm quyết định vãng sanh, không chú trọng xưng niệm không coi trọng số lần, không tin nguyện lực của Đức Phật là sâu rộng”.

Lại nữa, Tuyển trạch quyết yếucủa ngài Tín Tịch ghi: “Có một phái học giả đặt vấn nạn để phá hoạiTuyển trạch tập. Tập này nói rõ về phạm vi của khởi hạnh, nhưng chưa thuật rõ pháp môn an tâm”. Tức là chỉ chủ trương của ngài Hạnh Tây.

Tiết thứ hai

Nghĩa một niệm của ngài Hạnh Tây

Nay nói về nghĩa một niệm của ngài Hạnh Tây, ngài cho rằng miệng xưng một tiếng danh hiệu Phật không phải một niệm mà lắng nghe nguyện lực của Phật trí rồi lãnh giải thì mới được gọi là một niệm. Khi tâm sanh khởi lãnh giải một niệm này thì quyết định được vãng sanh, tức là dựa theo kinh Vô Lượng Thọquyển hạ nói: “Nếu người được nghe danh hiệu Phật A-di-đà liền hớn hở vui mừng, cho đến một niệm thì người này được lợi ích rất nhiều”. Đó là đầy đủ công đức vô thượng, chỉ nhờ một niệm mà được lợi ích lớn lao của công đức vô thượng. Còn những người nghi ngờ không tin là do họ chẳng hiểu các trí như Phật trí, Bất tư nghị trí, Bất khả xưng trí, Đại thừa quảng trí, Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí thì giống như không tin tội phúc mà tu tập căn lành, nếu nguyện vãng sanh về cõi nước Cực Lạc thì những người này vãng sanh trong cung điện bảy báu ở biên địa cõi nước Cực Lạc, trong năm trăm năm không thấy Phật, không nghe kinh pháp. Còn người lấy nhân chân thật hiểu rõ Phật trí thì dù một niệm vẫn chắc chắn được sanh về báo độ”. Một niệm của ngài Hạnh Tây kết hợp với Phật trí thành một thể, hiểu rõ Phật trí thì quyết định vãng sanh.

Huyền nghĩa phần sao, Biệt thời môncủa ngài Hạnh Tây trứ tác nói, xả định thiện, hành tán thiện[1]; xả các hạnh, hành xưng niệm (danh hiệu Phật); xảnhiều niệm, hành một niệm; xả chư Phật, hành thờ Di-đà là căn cứ các thuyết kinh Pháp hoa, Quán kinh. Trong bốn loại xả và hành, chỉ loại cuối cùng được ghi trong Quán kinh.Xả miệng xưng, hành tâm niệm là y cứ thuyết của Đại kinh;điều này là chân thật. Biệt thời là môn khác, hạnh khác chính là theo kinh A-di-đànói.

Quán kinh nói xả miệng xưng niệm Phật là y theo Đại kinhtu hành tâm niệm; vả lại, pháp tâm niệm này là chân thật. Môn khác, hạnh khác chẳng qua là pháp Biệt thời ý.

Cũng giống như thế, Biệt thời môntrong Quán kinh huyền nghĩa phần sao nói: “Nam mô là quy mạng, cũng là nghĩa phát nguyện hồi hướng, niệm A-di-đà Phật tức là hành, vì hiểu rõ nghĩa này nên chắc chắn được vãng sanh”.

Từ Quán kinhcho đến ‘ắt được vãng sanh’ của kinh Vô Lượng Thọđều lấy đầy đủ nguyện lực làm căn bản, bất luận đầy đủ hay không đầy đủ, nên biết niệm Nam mô A-di-đà Phật chính là quy mạng, là phát nguyện, là hồi hướng, chỉ có trí tuệ Phật mới hiểu được trong nhất tâm đều đầy đủ. Hạnh nguyện của chúng sanh được vãng sanh vốn đã đầy đủ ở trong danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật, chúng ta không cần phát nguyện, quy mạng, hồi hướng thêm nữa. Một niệm liền được vãng sanh chỉ có trí tuệ Phật mới hiểu được. Ngài Chứng Không nói Phật thể tức là hạnh. Thuyết đại hạnh, đại tín của Thân Loan đều kế thừa ý này.

Tiết thứ ba

Nghĩa một niệm của Phật trí

Tịnh độ pháp môn nguyên lưu chương của ngài Ngưng Nhiên nêu ra thuyết của ngài Hạnh Tây: “Đại đức Hạnh Tây lập nghĩa một niệm, nói một niệm là một niệm của Phật trí, chỉ cho một niệm tâm của Phật tâm chân thật. Một niệm của Phật trí là bản nguyện của Di-đà. Tín niệm của hành giả tương ưng với Phật tâm thì tâm khế hợp với nguyện lực một niệm của Phật trí, năng sở không hai, tín và trí chỉ là một, niệm niệm tương tục thì quyết định vãng sanh”.

Ngài Thiện Đạo nói: “Biển trí nguyện của Di-đà sâu rộng không có bờ mé”. Trí nguyện là nêu ra nhân và quả của Đức Phật Di-đà. Trí là quả thể được cảm từ nhân. Nguyện là bốn mươi tám nguyện phát ra từ tâm; đáp lại hạnhnguyện nên được quả trí này, đương thể của quả trí đều là nguyện tâm, do nguyện tâm mà thành, tức là Phật trí. Trong trí có đủ nguyện lực đời trước của chư Phật, cho nên chủng trí của Di-đà đã có gọi là trí nguyện; đây gọi là một niệm tâm của Phật trí. Tín tâm của hành giả khế hợp với trí này, cho nên mỗi niệm tương ưng với Phật trí.

Ngài Ngưng Nhiên còn dẫn chứng Kiến giải lượccủa ngài Hạnh Tây: “Nói nhất thừa hải là nêu pháp và dụ”. Nhất thừa tức là hoằng nguyện, hoằng nguyện là Phật trí, Phật trí là một niệm. Hải như tất cả dòng sông đều chảy ra biển cả, tất cả thiện, ác của phàm phu đều quy về trí nguyện của Đức Phật Di-đà nên đều được vãng sanh.

Kinh Vô Lượng Thọgọi là Phật trí, là ý nghĩa của bản nguyện Di-đà. Phật trí là đáp lại nhân hạnh của bốn mươi tám nguyện mà được cảm ứng quả thể, trong quả trí này đầy đủ các nguyện lực đời trước. Ngài Thiện Đạo nói biển trí nguyện của Di-đà là nói đủ nhân nguyện và quả trí. Tức là hiển rõ trong quả trí đầy đủ nguyện lực của nhân vị.

Lại nói về nhất thừa hải. Nhất thừa tức là hoằng nguyện, hoằng nguyện là chỉ Phật trí, cũng hiển rõ nghĩa của trí nguyện. Như thế, ngài Thiện Đạo giải nói Phật trí trong kinh Vô Lượng Thọlà ý nghĩa bản nguyện lực của Đức Phật. Nhưng bản nguyện của Phật đưa đến chỗ đạt “nãi chí nhất niệm”, tin hiểu ý này là hiểu rõ nghĩa Phật trí. Xả hạnh là thuộc chấp căn cơ tự lực, khi chuyên tâm quay về nguyện lực của Phật Di-đà khế hợp một niệm của Phật trí, năng sở không hai, tín và trí chỉ là một, niệm niệm tương tục, tức là tướng vãng sanh.

Ngài lại dẫn chứng Nhất trích kítrong Tịnh độ pháp môn nguyên lưu chươngcủa ngài Hạnh Tây nói: “Như Lai năng độ là tâm, tâm là trí. Sở độ là chúng sanh”. Chân thật là một niệm tâm, chúng sanh được độ cũng là tâm, tâm là trí, trí là sở độ, cho đến nhị hà[2] cũng là tâm, bạch đạo cũng là tâm, chỉ là một niệm tâm; đây gọi là chân thật tâm, thâm tâm, nguyện tâm, đầy đủ ba tâm này nhất định được vãng sanh. Nói Như Lai năng độ là một niệm, chúng sanh sở độ cũng là một niệm; cho đến Phật trí, nguyện lực rốt cuộc cũng là một niệm, tâm lãnh giải cũng là một niệm, thể của năng, sở không hai là nói thành lập sự nghiệp thành tựu chúng sanh.

Tiết thứ tư

Bản môn Di-đà và Phật tính

Trong Pháp Nhiên thượng nhân hành trạng họa đồ quyển 29, ngài Hạnh Tây nói: “Pháp môn Tịnh độ xưa nay dẫn dụng giáo nghĩa của tông Thiên Thai mà kiến lập tích môn Di-đà và bản môn Di-đà. Di-đà đã thành Chính giác cách nay mười kiếp là Tích môn Di-đà, Bản môn Di-đà là vô thỉ bản giác Như Lai, cho nên Phật tính giống như chúng ta không có sai biệt. Đây gọi là nghe được một niệm thì đầy đủ muôn sự”.

Quán niệm pháp môn tư dụng saoquyển 4 của ngài Trí Viên nói: “Trong nghĩa một niệm, danh hiệu Di-đà đã thành Chính giác cách nay mười kiếp, kiến lập Di-đà tiếp dẫn chúng sanh là tích môn Di-đà, danh hiệu Phật-đà của vị này không nói vãng sanh. Bản môn Di-đà là Phật tột cùng vô thỉ vô chung, khi đắc một niệm tâm khởi của bản môn Di-đà này thì nói vãng sanh”. Y theo đây mà ngài Hạnh Tây kiến lập sự khác biệt Bản môn Di-đà và Tích môn Di-đà. Đức Phật Di-đà đã thành Chính giác cách nay mười kiếp là Tích môn Di-đà, vô thỉ bản giác Như Lai là Bản môn Di-đà. Bản môn Di-đà cùng với Phật tính vốn sẵn đủ của chúng ta đồng là một thể, hiểu được điều này thì gọi là đắc một niệm tâm, quyết định được vãng sanh.

Lại nữa, Quán kinh huyền nghĩa phần bí saoquyển 1 của ngài Hành Quán đề cập đến Vô Lượng Thọ kinh, Lưu thông phầncủa ngài Hạnh Tây ghi: “Có người nghe được danh hiệu của Đức Phật Di-đà hớn hở vui mừng, cho đến thuyết ‘một niệm’ là ý nghĩa tột cùng trong kinh”. Một niệm này là được nhập một niệm trong sát na hiện tiền theo chủ trương của tông Thiên Thai để kiến lập nghĩa một niệm. Một niệm nhỏ nhiệm là một niệm vọng tâm trong thân ngũ ấm hiện tiền của hàng phàm phu chúng ta, đầy đủ thật tướng các pháp của tam thiên trong mười pháp giới, quán sát tức là tâm tính của phàm phu xưa nay vốn là thể viên thường đại giác. Nhưng các điều đã được lưu truyền này hình như chưa nhất trí về quan điểm, y theo lí chúng sanh và Phật không hai, ngộ được phàm phu chúng ta xưa nay vốn là Phật, hiểu rõ nội dung đồng nhất ấy; cho nên, không thể không cho rằng thuyết của ngài Hạnh Tây kiến lập hoàn toàn theo thuyết pháp môn bản giác của tông Thiên Thai.

Tiết thứ năm

Tư tưởng bản giác của tông Thiên Thai

Thuyết tâm, Phật, chúng sanh cả ba không có sai khác là thuyết xưa nay tông Thiên Thai đề xướng rất thịnh hành. Đặc biệt ở Nhật Bản, thời trung cổ ở Tỉ Duệ Sơn sanh ra hai phái là Huệ Tâm và Đàn Na đều cổ xúy tư tưởng bản giác là một sự thật rất nổi tiếng (thông thường nói: phái Huệ Tâm là pháp môn bản giác, phái Đàn Na là pháp môn thỉ giác. Thật ra, hai phái này đều cổ xúy tư tưởng bản giác).

Tư tưởng bản giác tức là đối với pháp môn thỉ giác mà nói từ nhân hướng đến quả, chúng sanh vốn có tính giác, lập tức nhận ra Phật cùng tột vô thỉ. Nghĩa là phàm phu chính là bản giác Như Lai, chúng ta không hiểu lí này, giốngnhư thân đeo châu báu mà ở trong xóm nghèo, khi nghe lí này thì tâm liền khai ngộ vô thỉ bản giác Như Lai tức thời có sẵn.

“Sự kiện nhất niệm thành Phật” trong Chẩm song chỉdo ngài Nguyên Tín trứ tác nói: “Đối với vị ‘danh tự tức’, gặp thiện tri thức nghe được giáo pháp chỉ trong chốc lát thì ngay chỗ ngồi liền biết tự thân tức Phật, không cầu điều gì khác, tức là trụ đại hội bình đẳng. Tức giải, tức hành, tức chứng, ở trong một niệm liền thủ chứng mau như trở bàn tay. Ý nghĩa của Viên giáo là văn, tư, tu (hành), chứng chỉ trong nhất thời, chưa dời chỗ ngồi, khi gặp giáo pháp liền nói là chứng”.

Lại nữa, Thiên Thai Pháp Hoa tông Ngưu Đầu pháp môn yếu toảndo ngài Tối Trừng trứ tác nói: “Lí một niệm của phàm phu là Như Lai tạng, tri kiến như thế gọi là danh tự tức Phật. Hiển thị chân Phật của bản giác chỉ trong một niệm của ta. Giác ngộ Phật thể của tâm tính, thủ chứng chỉ trong khoảnh khắc”.

Tu Thiền tự tương truyền nhật kýtheo truyền thuyết là cùng một tác giả (Tối Trừng) nói: “Đã liễu giải tu đại hạnh tương tục là chẳng phải ngoài liễu giải còn có hạnh nào khác để tu, chỉ cần liễu giải vị ‘danh tự tức’ là biết tất cả pháp đều là Phật pháp đều nói liễu giải tương tục này gọi là tu đại hạnh, tức là lý tự thân tức Phật. Nếu liễu giải được thì liền trụ đại hội bình đẳng, ngoài tức giải, tức hành, tức chứng thì không có hạnh nào khác để tu, khi gặp giáo pháp thì ngay chỗ ngồi liền thật chứng”.

Nhưng hai phái Huệ Tâm và Đàn Na chủ yếu thịnh hành ở thời đại Liêm Thương, nay dẫn các sách phần nhiều là mượn của người đời sau. Nhưng ngài Hạnh Tây cùng với người đồng môn là ngài Pháp Bản Phòng Hạnh Không chủ xướng nghĩa Thường tịch quang độ, và ngài Thánh Quang chất vấn ngài Pháp Nhiên có phải là thuyết ‘tín cảnh tượng viên dung’ hay không? Đều thuộc vào pháp môn khẩu truyền của phái Huệ Tâm. Do đó, chúng ta được biết là khi ngài Pháp Nhiên còn tại thế có nói những điều này.

Nay ngài Hạnh Tây lập Bản môn Di-đà và Tích môn Di-đà, Bản môn Di-đà không sai khác với Phật tính mà chúng ta sẵn đủ. Đắc tâm này nơi một niệm thì quyết định vãng sanh. Vị ‘danh tự tức’ là nghe pháp đốn giáo, nếu biết ‘tự thân tức Phật’ chính là trụ đại hội bình đẳng thì đồng một ý nghĩa này.

Ngoài niệm Nam mô A-di-đà Phật, không được quy y Phật khác, không phát nguyện khác, không hồi hướng nơi khác, chỉ liễu giải Phật trí đều là một tâm đầy đủ. Không cần hạnh nguyện của chúng sanh vãng sanh, tức giải, tứchạnh, tức chứng, không tu hạnh nào khác ngoài liễu giải là đồng một ý nghĩa. Nói ‘bình sanh nghiệp thành’, nói ‘vãng sanh tức là thành Phật’ đều dựa theo chủ trương một nghĩa lí này.

Tóm lại, phái chủ trương an tâm lãnh giải hấp thu pháp môn bản giác của tông Thiên Thai, rồi sửa đổi lại thành tông nghĩa của pháp môn Tịnh độ.

Tiết thứ sáu

Bản môn Di-đà và chỉ có nhất thừa

Thuyết Bản môn Di-đà và Tích môn Di-đà, trước đây ở Nhật Bản các nhà Thiên Thai đã từng đề xướng. Giảng diễn Pháp hoa lược nghi quyển thượng của ngài Viên Trân nói: “Trong phẩm Như Lai Thọ Lượng, kinh Pháp hoanói Đức Phật Vô Lượng Thọ ở Tây phương thật sự sống lâu vô cùng”.

Niệm Phật bảo hiệucủa ngài Giác Vận nói: “Đức Phật Thích-ca bắt đầu thành đạo ở Già-da chẳng phải Phật thật, theo lẽ đó thì Phật A-di-đà ở Cực Lạc cũng là thùy tích, chẳng phải thật”. Trong Pháp hoa can yếu lược chú tú cú tậpquyển hạ của ngài Tối Trừng trứ tác nói: “Vương tử thứ chín trong mười sáu vương tử là Tích môn Di-đà. Phật Thích-ca Mâu-ni của bản địa vô tác là Bản môn Di-đà. Phật Di-đà được nói trongQuán kinhlà Tích môn Di-đà cùng một cách nói với Bản môn Di-đà trong kinh Pháp hoa”.

Theo trên đã nói, cũng có thể biết thuyết Bản môn Di-đà và Tích môn Di-đà của ngài Hạnh Tây được thành lập từ sự hấp thu giáo nghĩa của tông Thiên Thai.

Huyền nghĩa phần sao, Nhị thừamôncủa ngài Hạnh Tây nói: “Hai loại nguyện tổng, biệt trong nhân hạnh của chư Phật đều là thùy tích lợi sanh, là phương tiện sau khi đắc quả giống như hai môn bản và tích trong kinh Pháp hoavà các thuyết trong kinh Hiền nguv.v…”

Thế nào là lợi sanh, phương tiện? Tổng nguyện phương tiện chính là biệt nguyện. Biệt nguyện phương tiện chính là Di-đà. Bốn mươi tám nguyện phương tiện chính là niệm Phật vãng sanh. Mười niệm phương tiện chính là một niệm. Vì thế, Quán kinhnói: “Ba đời chư Phật lấy tịnh nghiệp làm chính nhân”.

Bát-chu tam-muội nói: “Ba đời chư Phật trì niệm A-di-đà Phật tam-muội mà được thành Phật”. Đức Phật A-di-đà Phật thành Chính giác cách nay mười kiếp lẽ nào nói không thật? Chỉ có vô duyên đại từ của giác hạnh viên mãn cứu độ chúng sanh thường bị chìm trong biển khổ sanh tử vãng sanh về cõi Phật của báo thân thường trụ là khai hiển trí tuệ rộng lớn của Đại thừa. Nhờ chư Phật, bồ-tát vị lai, quá khứ, hiện tại vận chuyển Đại thừa mà độ chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử, chứng nhập quả thánh đạo. Từ vô thỉ đến nay chỉ có nhất thừa, không có thừa nào khác. Đây là bốn mươi tám lời nguyện, mười niệm vãng sanh, thùy tích lợi sanh, phương tiện sau khi đắc quả của Phật Di-đà

Bản môn Di-đà khai hiển chỉ có một niệm của nhất thừa; do đó, chỉ có một niệm này được gọi là pháp chân thật. Nghĩa là chư Phật ở nhân vị phát hai nguyện tổng và biệt, ở trong vô lượng kiếp tu hành thành Phật, chỉ nói điều này là chân thật. Cho nên thùy tích lợi sanh chẳng qua là phương tiện sau khi đắc quả.

Theo kinhBát-chu tam-muội nói, ba đời chư Phật trì niệm Di-đà tam-muội mà được thành Phật, hiển thị Phật A-di-đà chẳng phải Phật mới thành Chánh giác mà cách nay mười kiếp, tức là bản giác Như Lai vô thỉ vô chung. Vì phương tiện sau khi đắc quả không ngoài thân thùy thị hóa tích này, cho nên bốn mươi tám lời nguyện của Phật Di-đà, mười niệm vãng sanh v.v…lẽ nào nói không chân thật? Đã hiển bày chỉ có một niệm chân thật, đó là phương tiện độ sanh. Một niệm là khai hiển trí tuệ rộng lớn Đại thừa của vô thỉ bản giác Như Lai, chỉ có nhất thừa là pháp chân thật, không hai cũng không ba. Ba đời chư Phật đều do một niệm Di-đà tam-muội này mà thành Phật, cứu vớt chúng sanh thường bị chìm trong sanh tử cũng do chỉ có nhất thừa chân thật mà được vãng sanh về cõi Phật của báo thân thường trụ.

Như thế, ngài Hạnh Tây lấy một niệm để mở bày bản môn Di-đà; đồng thời, bốn mươi tám nguyện, mười niệm vãng sanh v.v…là tích môn lợi sanh, tức là hiển bày một niệm chân thật chẳng qua là phương tiện độ sanh, cho rằng nhiều niệm vô ích, đây gọi là tự lực khó hành. Nhưng nếu nghi ngờ bản nguyện của Đức Phật thì phải từ kiến địa của pháp môn bản giác để hiểu rõ những pháp tu hành kia là pháp môn Thỉ giác bất liễu nghĩa. Một khi không biết tư tưởng bản giác và không xem văn hiến của các Tổ mà dám cả gan chủ trương nghĩa mới ‘một niệm vãng sanh’ là đặc sắc của ngài. Lại từ chủ trương này thấy được sự chuyển biến và phát triển của giáo nghĩa Tịnh độ, không thể không nói đây là một sự kiện rất hay.



[1] Theo ngài Thiện Đạo, mười ba pháp quán đầu trong mười sáu pháp quán của kinh Quán Vô Lượng ThọPhậtlà ‘định thiện’, ba pháp quán sau là ‘tán thiện’

[2] Nhị hàdụ cho tham và sân. Bạch đạodụ cho con đường đưa đến Tây phương (xem trong Tuyển trạch bảnnguyện niệm Phật tậpcủa ngài Pháp Nhiên).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com