Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Chương Thứ Mười Lăm

18/07/201115:14(Xem: 8178)
15. Chương Thứ Mười Lăm
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

Chương thứ mười lăm

Thuyết tuyển trạch bản nguyện niệm Phật

Tiết thứ nhất

Chủ trương của ngài Pháp Nhiên

Ngài Pháp Nhiên hiệu Nguyên Không là tổ đầu tiên của tông Tịnh độ ở Nhật Bản, ngài dựa theo thuyết của ngài Thiện Đạo tuân theo qui tắc an tâm, khởi hạnh và tác nghiệp làm chủ yếu, đặc biệt ngài đề xướng nghĩa Tuyển trạch bản nguyện là hành trì niệm Phật, còn những thiện hạnh khác đều chẳng phải Tịnh độ trong bản nguyện Di-đà. Do đó, người tu Tịnh độ phải xả bỏ tất cả tất cả tạp hạnh, khẳng định xưng danh niệm Phật là chính nhân Phật Di-đà nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh, phải chuyên tu một chính hạnh này; cho nên xưa nay, các nhà đều nói phải xả bỏ tạp hạnh, tạp tu, nhấn mạnh nhất ý chuyên tu là công việc quan trọng của niệm Phật vãng sanh.

Tiết thứ hai

Luận về khởi hạnh

Trong an tâm, khởi hạnh và tác nghiệp, đầu tiên nói đến khởi hạnh, dựa vào Quán kinh sớcủa ngài Thiện Đạo nói có hai loại chính hạnh và tạp hạnh. Năm hạnh Đọc tụng, Quán sát, Lễ bái, Xưng danh và Tán thán thì được giải nói là chính hạnh. Còn các pháp thiện khác thì gọi là tạp hạnh. Ngài Pháp Nhiên trứ tác Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tậpgiải thích năm loại chính hạnh: “Chuyên môn đọc tụng Quán kinhlà chính hạnh đọc tụng, cho đến chuyên xưng danh hiệu Di-đà là chính hạnh xưng danh”. Ngài lại giải thích tạp hạnh: “Ngoài tụng Quán kinhra, còn thụ trì, đọc tụng các kinh khác của Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo đều là tạp hạnh. Ngoài quán sát hai báo y, chính Cực Lạc ra, còn tu các quán hạnh sự lí khác của Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo đều là tạp hạnh quán sát. Ngoài lễ bái Phật Di-đà ra, còn lễ bái Phật và bồ-tát khác là tạp hạnh lễ bái. Ngoài xưng niệm Phật A-di-đà ra, còn xưng niệm danh hiệu Phật, bồ-tát khác là tạp hạnh xưng danh; cho đến ngoài tán thán, cúng dường Phật Di-đà ra, còn tán thán, cúng dường Phật và bồ-tát khác đều gọi là tạp hạnh tán thán”. Nhưng phân biệt được, mất của chính hạnh và tạp hạnh này thì tạp hạnh có năm điều mất như sơ viễn v.v…Chính hạnh có năm điều được như thân cận v.v…Vì thế, ngài khuyên mọi người nên bỏ tạp hạnh, quay về chính hạnh.

Tiết thứ ba

Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật

Ngài Pháp Nhiên y theo thuyết của ngài Thiện Đạo, từ trong năm loại chính hạnh phân biệt hai nghiệp trợ và chính. Bốn loại đọc tụng v.v…là trợ nghiệp, một hạnh xưng danh là chính định nghiệp của bản nguyện sanh nhân, nhưng trong sanh nhân xưng danh ngài lại tiến thêm một bước đề xướng chọn lấy nghĩa bản nguyện, quyết định lấy xưng danh Phật A-di-đà làm hạnh bản nguyện chẳng phải là sự suy đoán vội vàng, mà là tham chiếu rộng về nhân của hạnh Tịnh độ chư Phật, lại thêm vào đó là kết quả của sự chọn lựa lấy bỏ. Nay lược thuật nghĩa này.

Xưa kia, Phật A-di-đà lúc còn tu ở nhân vị là tì-kheo Pháp Tạng đã phát đại nguyện tịnh cõi nước Phật, được Đức Phật Thế Tại Vương tán thán và hiện ra cho thấy hai trăm mười ức cõi nước của chư Phật, trong đó bỏ đi những cõi nước nhơ uế chỉ chọn lấy cõi nước tốt đẹp để kiến lập bốn mươi tám nguyện của Ngài. Khi quyết định nhân hạnh vãng sanh của chúng sanh về Tịnh độ của chư Phật; hoặc lấy bố thí làm hạnh vãng sanh; hoặc lấy trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, bát-nhã, bồ-đề tâm, lục niệm, trì kinh, trì chú, xây tháp, đúc tượng, hiếu dưỡng cha mẹ v.v…làm hạnh vãng sanh; hoặc lấy xưng danh hiệu Đức Phật ở các cõi nước ấy làm hạnh vãng sanh.

Lúc tì-kheo Pháp Tạng thấy hết các cõi nước Phật, bỏ các hạnh như bố thí v.v…làm hạnh tu để vãng sanh về cõi nước này mà chỉ chọn lấy xưng danh làm hạnh tu để vãng sanh về cõi nước Phật, cho nên kiến lập nguyện thứ mười tám của Ngài.

Vì sao tì-kheo Pháp Tạng chọn lựa, lấy và bỏ như thế? Bởi vì giữa xưng danh và các hạnh khác thì công đức này có hơn và kém; đồng thời, tu hành có khó và dễ không như nhau. Nhìn từ công đức hơn và kém thì xưng danh hiệu của Đức Phật là chỗ quy về của vạn đức, tức là trong danh hiệu của Đức Phật có đầy đủ tất cả công đức nội chứng như tứ trí, tam thân, thập lực, tứ vô uý v.v…và tất cả công đức ngoại tại như tướng hảo quang minh, thuyết pháp lợi sanh v.v... Trái lại, các hạnh khác như bố thí v.v...chỉ riêng một hạnh là một điều thiện,chẳng qua là giữ một bộ phận mà thôi. Giống như tên gọi ngôi nhà ở thế gian, bao gồm đòn dông, xà nhà, rui, mè, trụ cột v.v…tất cả những thứ vật liệu này, mỗi thứ chẳng qua là một trong tất cả vật liệu để tạo thành ngôi nhà. Như thế, công đức xưng danh là tổng quát, các hạnh khác là bộ phận. Xét ra thì hai thứ công đức này có sai biệt rất lớn. Vì thế, tì-kheo Pháp Tạng quyết định chọn xưng danh làm hạnh bản nguyện sanh nhân.

Nhìn về mặt tu hành khó và dễ, thì tu hạnh xưng danh thì rất dễ, bởi vì bất cứ người nào cũng tu được; tu các hạnh khác thì rất khó, người bình thường, độn căn không thể tu thành tựu, như đúc tượng Phật, xây chùa tháp v.v…chỉ có người giàu có mới làm được, còn người nghèo không làm được. Nghiêm trì giới luật, cho đến đọc tụng kinh Đại thừa, hiểu đệ nhất nghĩa v.v…là người thượng căn lợi trí mới làm được, còn kẻ ngu độn hạ trí không làm được. Trái lại, xưng danh hiệu Phật không cần người giàu sang, nghèo hèn, không lựa chọn người thông minh, ngu si; bất luận người trì giới hay phá giới chỉ cần đi, đứng, nằm, ngồi đều xưng niệm danh hiệu Phật Di-đà thì người nào cũng có thể tu được.

Tì-kheo Pháp Tạng phát tâm đại bi bình đẳng mạnh mẽ nên tiếp nhận mọi căn cơ, đặc biệt quyết định chọn lấy xưng danh dễ tu, dễ hành làm sự hành trì của bản nguyện sanh nhân. Tức là lấy xưng danh làm công đức thù thắng, lại còn dễ tu. Vì thế, tì-kheo Pháp Tạng chọn lấy làm bản nguyện. Các hạnh khác công đức kém lại khó thực hành, cho nên Ngài bỏ, không lấy làm bản nguyện.

Tiết thứ tư

Nghĩa bản nguyện xưng danh

Bởi vì thuyết xưng danh dễ thực hành nên bắt đầu từ ngài Long Thọ cho đến các ngài Đàm Loan, Thiện Đạo v.v…đều đề xướng. Vãng sanh yếu tập quyển hạ của ngài Nguyên Tín nói: “Nay khuyên niệm Phật không phải làm trở ngại các diệu hạnh khác, bất luận nam, nữ, sang, hèn chỉ cần đi, đứng, nằm, ngồi thì bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào tu cũng được” (Đại Chính 48, 76, hạ).

Vãng sanh thập nhâncủa ngài Vĩnh Quán cũng nói: “Hạnh của chân ngôn, chỉ quán, đạo sâu xa dễ mù mờ; giáo của tam luận, pháp tướng lí lẽ sâu sắc khó ngộ, người độn căn không tinh tiến làm sao tu được? Còn về tông niệm Phật, khi đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể niệm danh hiệu Phật, mong muốn về thế giới Cực Lạc không lựa đạo, tục, sang, hèn. Các hạnh khác đều khó tu, chỉ có niệm Phật là dễ tu”. Nhưng theo thông thường cho rằng không lựa đạo, tục, sang, hèn, pháp dễ thực hành, tức là hạnh cạn, công đức này kém nên người lợi trí tinh tiến chẳng chịu tu niệm Phật. Pháp khó hành là hạnh sâu, công đức này rất thù thắng. Nhưng nay ngài Pháp Nhiên giải thích nghĩa hơn kém, khó dễ: Danh hiệu là chỗ quy về của vạn đức, nhấn mạnh công đức xưng danh vượt hơn các hạnh khác.

Bởi vì đương thời phái Huệ Tâm tu niệm Phật đang thịnh hành, cho rằng công đức quán Phật là hơn, xưng danh là kém, đồng thời còn tôn trọng lí quán. Lại nữa, nếu phát tâm bồ-đề, trì giới mà không đọc tụng kinhPháp hoathì khó vãng sanh. Ngài Pháp Nhiên thống thiết bài xích cho đó là thuyết không thoả đáng. Ngay trong Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập, ngài nói: “Quán Phật tam-muội được lợi ích, tuy là hạnh thù thắng nhưng chẳng phải bản nguyện của Phật, cho nên không phó chúc… Nếu người đời quán Phật v.v…mà không tu niệm Phật thì chẳng những xa thì trái với bản nguyện của Phật Di-đà, gần thì trái với phó chúc của Phật Thích-ca”.

Lại nữa, trong tán thiện có hạnh trì giới của Đại thừa, Tiểu thừa. Hành giả ở thế gian đều lấy trì giới làm điều cốt yếu nhập chân, người phá giới thì không thể vãng sanh. Về hạnh phát tâm bồ-đề, mọi người đều cho rằng tâm bồ-đề là cương yếu của Tịnh độ, nếu người không phát tâm bồ-đề thì không thể vãng sanh. Lại có hạnh hiểu đệ nhất nghĩa, đây là lí quán, nhưng cũng có người cho rằng lí là nguồn gốc của Phật, không thể lìa lí mà cầu cõi Phật, không có lí quán thì không thể vãng sanh. Lại có hạnh đọc tụng Đại thừa, mọi người đều cho rằng đọc tụng Đại thừa thì được vãng sanh, nếu người không đọc tụng thì không thể vãng sanh…Bốn hạnh này là hạnh được người đương thời đặc biệt mong muốn thực hành, đem các hạnh này để lấn áp niệm Phật. Nhưng các hạnh này đều chẳng phải bản nguyện của Phật, cho nên không phó chúc”. (Đại Chính 830, 16, hạ). Tức là ngài Pháp Nhiên chủ trương lấy quy chuẩn bản nguyện mà quyết định lấy hay bỏ.

Trong Pháp Nhiên thượng nhân truyện kýbản khắc vào niên hiệu Đề Hồ nói, khi so sánh các hạnh và niệm Phật thì niệm Phật hơn, hạnh khác kém, gây nên tranh luận mãi không dứt. Khi nói niệm Phật là hạnh của bản nguyện, các điều thiện chẳng phải hạnh của bản nguyện, hạnh của chân ngôn, Pháp hoav.v…tuy sâu xa, vi diệu nhưng hoàn toàn không thể so sánh. Trong Tuyển trạch tậplấy xưng danh là do chọn lấy diệu hạnh từ trong hai trăm mười ức cõi nước, các hạnh khác là thô hạnh bị xả bỏ trong hai trăm mười ức cõi nước, cho nên nói không thể so sánh. Như thế, tuy có nhiều lời luận bàn khác nhau về sự hơn kém, nhưng phải lấy bản nguyện, chứ chẳng phải lấy sự phân biệt của bản nguyện để phán đoán giá trị của nó; cho nên nói các hạnh rốt ráo không thể so sánh với bản nguyện. Ngài Pháp Nhiên đề cao tuyển trạch bản nguyện, lấy một hạnh xưng danh làm chính định nghiệp bản nguyện. Vì thế, bất luận là các hạnh trì giới, phát tâm bồ-đề, quán Phật, lí quán v.v…cho đến đọc tụng, quán sát v.v…đều gọi là trợ nghiệp, không phải hạnh của bản nguyện đều nên phế bỏ. Ngài tuyên dương tông phong ‘nhất hướng chuyên tu niệm Phật’.

Tiết thứ năm

Luận về an tâm

Như thế, thuyết lập hạnh vãng sanh của ngài Pháp Nhiên chỉ chuyên lấy một hạnh dùng miệng xưng danh niệm Phật; đồng thời, cũng theo thuyết của ngài Thiện Đạo, vãng sanh cần phải đầy đủ ba tâm Chí thành v.v…Giải thích về ba tâm thì giữa các đệ tử của ngài Pháp Nhiên phát sanh ra nhiều thuyết khác nhau; do đó, tạo thành nguyên nhân phân phái. Nhưng ngài Pháp Nhiên noi theo thuyết của ngài Thiện Đạo, lấy tương ưng trong ngoài không giả dối làm Chí thành tâm; lấy tin bản nguyện Di-đà và tin xưng danh là hạnh sanh nhân bản nguyện làm Thâm tâm; lấy hồi hướng thiện căn đã làm, phát nguyện vãng sanh làm Hồi hướng phát nguyện tâm.

Lại nữa, ngài Pháp Nhiên lấy ‘Chí tâm tin ưa, muốn sanh về nước Ta’ trong nguyện thứ mười tám, tương đương với ba tâm, tức là ‘chí tâm’ là Chí thành tâm; ‘tin ưa’ là Thâm tâm; ‘muốn sanh về nước Ta’ hợp với Hồi hướng phát nguyện tâm. Bởi vì, ngài Thiện Đạo nói phải đầy đủ ba tâm, ngài Pháp Nhiên cũng giải nói như vậy, nhưng ở trong đó ngài Pháp Nhiên cho rằng Tựu hạnh lập tín rất là quan trọng, y theo tín tâm này thì quyết định thành tựu đại nghiệp vãng sanh.

Tịnh độ tông lược saotrong Hoà ngữ đăng lụcquyển thứ 2, nói: “Tâm không để ý đến thiện ác, không phân biệt tội nặng nhẹ, chỉ cần miệng xưng Nam mô A-di-đà Phật, nhờ bản thệ của Đức Phật chắc chắn được vãng sanh, nhờ tâm quyết định này xác định là nghiệp vãng sanh. Niệm Phật vãng sanh, nếu phủ định thì không thành tựu, còn nếu quyết định thì nhất định thành công.

Lại nữa, trong Nhất mai khởi thỉnh văn, nói: “Chỉ vì vãng sanh Cực Lạc, nên miệng xưng Nam mô A-di-đà Phật, tâm muốn vãng sanh không có nghi ngờ và không xưng danh hiệu khác. Nhưng khi nói ba tâm, bốn pháp tu thì trong tâm quyết định vãng sanh về cõi nước Phật A-di-đà, tức là chỉ thuyết này”. Đây chính là khi nhớ niệm Phật thì nhất định được vãng sanh, rõ ràng quyết định sự nghiệp vãng sanh. Cho nên tâm nghi ngờ, do dự không có quyết định thì cho dù có niệm Phật cũng không được vãng sanh. Nếu niệm Phật tin sâu không nghi ngờ, khởi tâm quyết định, tức là đạo lí quyết định vãng sanh. Vì có ý nghĩa này, cho nên tâm phát nguyện bất định thì bất định, tâm phát nguyện nhất định thì nhất định vãng sanh. Quyết định được vãng sanh chủ yếu có lập tín hay không. Do đó, có thể biết ngài Pháp Nhiên kiên quyết chủ trương lấy hạnh môn làm căn bản.

Tiết thứ sáu

Chuyên tu tương tục

Liên quan đến bốn pháp tu, tác nghiệp cũng tuân thủ thuyết của ngài Thiện Đạo là chuyên tu một hạnh xưng danh, lại khuyên mọi người không thoái lui, tương tục suốt đời. Nghĩa là một hạnh chuyên tu là Vô dư tu, tương tục không gián đoạn là Vô gián tu, suốt đời không thoái lui là Trường thời tu trong bốn pháp tu. Nhưng ngài Thiện Đạo nói không tu xen tạp các thiện hạnh khác, chuyên tu năm loại chính hạnh như lễ bái v.v…gọi là Vô dư tu. Ngài Pháp Nhiên y theo ý nghĩa của Tuyển trạch bản nguyện,chuyên tu chỉ lấy một hạnh xưng danh, hai điểm này có chỗ bất đồng.

Ngài Pháp Nhiên tuân thủ chặt chẽ Vô gián tu và Trường thời tu, tự đặt thời khóa mỗi ngày niệm Phật sáu, bảy vạn biến, cũng khuyên người xưng niệm danh hiệu số biến liên tục không ngừng. Tam-muội phát đắc kí bản khắc vào niên hiệu Đề Hồ, ghi: “Mỗi ngày niệm Phật bảy vạn biến (có bản nói sáu vạn biến) chuyên cần không thoái lui”. Lại nữa, Tịnh độ tông lược sao, nói: “Mỗi ngày niệm Phật một vạn, hai vạn cho đến năm vạn, sáu vạn, mười vạn, niệm hết sức mình không kể nhiều ít”.

Hòa ngữ đăng lụcquyển 5 có ghi một trăm bốn mươi lăm điều vấn đáp trong đó có câu: “Phàm phu có thể niệm Phật hai vạn, ba vạn đều được, và không cần lấy số biến niệm Phật nhiều ít mà quyết định, chủ yếu là niệm danh hiệu Phật liên tục không gián đoạn, không nên lấy số biến làm việc quan trọng, chỉ lấy thường niệm Phật làm chính. Nếu số biến không nhất định thì sẽ có nhân duyên giải đãi; cho nên có một thuyết tăng số này”. Vì thế, khuyên mọi người phải niệm nhiều niệm tương tục.

Ngài Pháp Nhiên nói, chẳng phải niệm nhiều mà được vãng sanh, chỉ cần tin sâu thì một niệm, mười niệm cũng có thể được vãng sanh, nhưng lấy không giải đãi mà niệm số biến tương tục. Tịnh độ tông lược sao, nói: “Một niệm vãng sanh là không chỉ hạn cuộc một niệm, ý nghĩa bản nguyện Di-đà là xưng niệm danh hiệu một trăm năm, hoặc mười năm, hai mươi năm, hoặc bảy ngày, một ngày, mười tiếng, một tiếng, chỉ cần sanh khởi tín tâm thì nhất định Phật A-di-đà đến tiếp đón, một niệm quyết định vãng sanh, đắc bất thoái chuyển, xưng niệm cho đến khi mạng chung”.

Lại nữa, thư đáp của ngài Pháp Nhiên gửi Quang Minh Phòng, trongHòa ngữ đăng lụcquyển 4 ghi: “Nói ít nhất là một niệm, nhiều nhất là suốt một đời”. Thật vậy, mười niệm cũng được, một niệm cũng được, chỉ cần tin sâu sức bản nguyện đại bi của Đức Phật; đồng thời, tin chắc Đức Phật có sức công đức vô thượng tiếp dẫn chúng sanh, tức là ý nghĩa một đời xưng danh bất thoái.

Nói “cho đến mười niệm” trong nguyện thứ mười tám là ý nghĩa nhiều nhất thì niệm suốt đời, ít nhất niệm mười tiếng. Nói mười tiếng là chỉ Đức Phật có sức đại bi, nói giới hạn thấp nhất của việc nhiếp thủ chúng sanh. Bởi vì số biến tương tục trên đây cho thấy rõ ràng điều này là suốt một đời, niệm Phật là ý chính của bản nguyện của Di-đà; đây là kiến giải rất thỏa đáng.

Tiết thứ bảy

Tự lực và tha lực

Mặc dù đệ tử của ngài Pháp Nhiên lấy nhiều niệm tương tục để khuyến khích tự lực, cũng nói vãng sanh là việc một niệm đã đầy đủ, chủ trương một niệm vãng sanh này làm mê hoặc đại chúng; cho nên ngài Pháp Nhiên cực lực chỉ trích điều sai trái này. Thư đáp của ngài Pháp Nhiên gửi Quang Minh Phòng, ngài nói: “Nghĩa một niệm vãng sanh bắt đầu lưu hành ở kinh đô đâu phải việc không thể luận bàn”. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ2 quyển nói: “Cho đến một niệm, tín tâm hoan hỉ”. Lại nữa, Kinh sớ của ngài Thiện Đạo nói: “Niệm Phật nhiều thì suốt đời, ít nhất thì mười tiếng, một tiếng, tin sâu thì nhất định được vãng sanh, cho đến tâm không có một niệm nghi hoặc, người lấy văn để phán đoán nên bị rơi vào tà kiến”.

Hòa ngữ đăng lục quyển 2 ghi ‘bảy điều văn khởi thỉnh’, nói: “Số biến niệm Phật, nhiều là khuyến khích tự lực, nhưng lại không tự giác; đây là việc thường xảy ra”. Bất luận một niệm, hai niệm đều tốt, người không có tâm tự lực thì chắc chắn lấy tha lực niệm Phật. Bất luận niệm Phật nghìn biến, vạn biến, trăm ngày, nghìn ngày, ban ngày, ban đêm, cứ niệm mãi chỉ có dựa vào nguyện lực. Người dựa vào tha lực niệm Phật thì niệm Phật mỗi tiếng, mỗi niệm không dừng là tha lực niệm Phật, có liên quan đến những điều khác cũng không ít. Dựa vào tha lực để niệm Phật có nghĩa là tha lực niệm Phật, giả sử tập hợp mấy nghìn vạn biến, biểu thị rất rõ ràng, cho nên niệm Phật không quy về tự lực.

Lại nữa, ngài Thánh Quang ở Trấn Tây, ngài Long Khoan ở chùa Trường Lạc v.v…đều kế thừa thuyết của ngài Pháp Nhiên, chủ trương số biến tương tục. Lời tựa Mạt đại niệm Phật thụ thủ ấncủa ngài Thánh Quang, nói: “Xác thực miệng niệm Phật năm vạn, sáu vạn, tâm chí thành mà trì niệm, tức là bốn pháp tu và ba tâm”. Lúc y theo đây chuyên tâm tự thực hành, miệng xưng danh hiệu Phật theo số biến là chính hạnh, khuyến hóa người khác xưng danh nhiều niệm đó là dạy người khác tu tịnh nghiệp”. Lại nữa, Tịnh độ tông danh mục vấn đápquyển hạ của ngài nói: “Một niệm là tha lực dễ hành, số biến là tự lực khó hành, chỉ trích trong kinh luận đều không nói như thế. Một niệm, số biến đều là hạnh bản nguyện, nhưng lấy một đời làm kì hạn, nói niệm nhiều liên tục là thuận theo ý của Phật tổ”.

Kinh Vô Lượng Thọnói: “Siêng năng tu hành một đời chỉ là thời gian trong thoáng chốc, nhưng đời sau được sanh về cõi nước Phật Vô Lượng Thọ hưởng an vui vô cùng”. Vãng sanh lễ tándẫn chứng kinh văn: “Người nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc, cần phải trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi sách tấn tâm mình, khắc phục thân mình, ngày đêm không phế bỏ niệm Phật, lấy một đời làm kỳ hạn. Thân mạng một đời này dường như có chút ít khổ, nếu niệm trước mạng chung thì niệm sau được sanh về cõi nước Cực Lạc, mãi mãi thường được hưởng pháp lạc vô vi, cho đến thành Phật, không trải qua sanh tử, lẽ nào không vui!”. Đây là khuyên mọi người phải tha thiết niệm Phật số biến tương tục.

Cực Lạc Tịnh độ tông nghĩa quyển hạ của ngài Long Khoan nói: “Tin suốt đời dũng mãnh là tin công lực nhất hướng xưng danh, nương theo công lực nhất hướng cuối cùng được Phật Di-đà tiếp đón, tâm sanh nhàm chán Nam Diêm-phù-đề, nương vào tha lực sẽ thành tựu, nghĩ nhớ Tây phương là nơi hi vọng nên dựa vào tha lực để đạt được sự mong muốn. Trên đây đều là hạnh ba nghiệp ở trong tâm chân thật, cho nên gọi là hạnh tha lực”.

Đương thời, các vị đệ tử của ngài Pháp Nhiên tranh luận một niệm, nhiều niệm rất kịch liệt. Sự phân biệt một niệm và nhiều niệm của ngài Long Khoan về hạnh niệm Phật, gần đây thường nghe rất nhiều sự tranh luận về một niệm, nhiều niệm này. Tịnh độ tông danh mục vấn đápquyển hạ của ngài Thánh Quang, nói: “Tuy cùng là một môn niệm Phật của tông Tịnh độ, nhưng phái nhất niệm, phái số biến có khác biệt như nước và lửa, là nói về việc này. Ngài Pháp Nhiên tin một niệm, mười niệm đều quan trọng; đây là Vô gián tu, lấy số biến tương tục làm nguyên tắc”.

Tiết thứ tám

Vấn đề tà dâm, uống rượu và ăn thịt

Đương thời, các vị đệ tử của ngài Pháp Nhiên cho rằng do vì bản nguyện Di-đà nhiếp thủ người tạo năm tội đại nghịch và mười điều ác, cho nên người làm ác không sợ hãi, nếu như người cẩn thận không tạo ác nghiệp, mà lại nghi ngờ bản nguyện Di-đà, công khai việc tà dâm, uống rượu, ăn thịt thì số người rất đông. Điều này cùng với thuyết một niệm vãng sanh có liên quan. Về điều này, ngài Pháp Nhiên cũng hết sức ngăn cấm, tức là điều thứ tư trong ‘bảy điều văn khởi thỉnh’ ngài khuyên người niệm Phật phải giữ gìn giới hạnh. Nếu kẻ chuyên khuyến khích mọi người tà dâm, uống rượu, ăn thịt không tuân giữ luật nghi thì gọi là tạp hạnh, không thể nói dựa theo bản nguyện Di-đà mà tạo ác không sợ hãi.

Trong Hòa ngữ đăng lụcquyển 4, thư đáp của ngài Pháp Nhiên gửi Cấp Hắc Điền nói: Phạm tội là chỉ cho người tin mười điều ác và năm tội đại nghịch có thể sanh tồn ở thế gian nên chỉ cho tội nhỏ. Tội nhân này còn vãng sanh huống gì người thiện? Tịnh độ tông lược sao, nói: “Không chê ghét bất cứ người nào phạm giới, nhưng cũng không khích lệ người làm ác phi pháp”.

Cho nên, ngài Thiện Đạo cũng lấy xả bỏ ba nghiệp bất thiện trong tâm chân thật để nói phải có đủ ba nghiệp thiện trong tâm chân thật, nếu có tâm sợ tội thì mới có thể tiến lên cầu thiện nghiệp. Khoa trương bản nguyện thì rơi vào tà kiến tạo ác vô cùng. Đây chính là răn dạy những người buông lung, không biết hổ thẹn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com