- 1. Chương Thứ Nhất
- 2. Chương Thứ Hai
- 3. Chương Thứ Ba
- 4. Chương Thứ Tư
- 5. Chương Thứ Năm
- 6. Chương Thứ Sáu
- 7. Chương Thứ Bảy
- 8. Chương Thứ Tám
- 9. Chương Thứ Chín
- 10. Chương Thứ Mười
- 11. Chương Thứ Mười Một
- 12. Chương Thứ Mười Hai
- 13. Chương Thứ Mười Ba
- 14. Chương Thứ Mười Bốn
- 15. Chương Thứ Mười Lăm
- 16. Chương Thứ Mười Sáu
- 17. Chương Thứ Mười Bảy
- 18. Chương Thứ Mười Tám
- 19. Chương Thứ Mười Chín
- 20. Chương Hai Mươi
- 21. Chương Hai Mươi Mốt
Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh
Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương thứ ba
Giáo lí cõi Phật thanh tịnh và bồ-tát phát nguyện
Tiết thứ nhất
Đại thệ trang nghiêm
Phật giáo Đại thừa tin một cách sâu sắc rằng chúng sanh có khả năng thành Phật. Bồ-tát thực hành sáu pháp ba-la-mật sẽ chứng thành Phật đạo, đồng thời quán các pháp là Đệ nhất nghĩa đế, ngộ nhập lí không rốt ráo; lại còn phát tâm đại bi, nguyện độ tất cả chúng sinh. Bồ-tát trong vô lượng kiếp tinh tiến tu hành chẳng mỏi mệt, không tiếc thân mạng, tiếp nhận mười phương thế giới thanh tịnh, tự mình kiến lập cõi Phật rộng lớn, đem lại an lạc cho chúng sinh, nhất định tu thành Phật đạo; điều này đánh dấu một thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ của Phật giáo.
Trong phẩm Vấn tăng-na, kinh Phóng quang bát-nhãquyển 3 ghi: “Bồ-tát độ người không có giới hạn, trụ ba-la-mật mà thực hành bố thí, vì khắp tất cả chúng sanh mà thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định ba-la-mật, lại vì chúng sanh mà làm những việc khó làm. Bồ-tát thành tựu thệ nguyện rộng lớn, độ khắp chúng sanh không có giới hạn như thế; nhưng không hề nói tôi sẽ độ ngần ấy người có giới hạn, không thể độ thêm người khác nữa, cũng không nói tôi chỉ giáo hóa ngần ấy người đạt đến đạo, không thể giáo hóa thêm người khác nữa. Bồ-tát vì chúng sanh mà phát thệ nguyện: “Nếu bản thân tôi đầy đủ sáu pháp ba-la-mật thì tôi cũng dạy cho người khác đầy đủ sáu pháp ba-la-mật”.
Lại trong kinh Bất thoái chuyển pháp luânquyển 2 cũng ghi: “Bồ-tát đem bốn hoằng thệ nguyện để tiếp độ chúng sanh”. Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, kinh Hoa nghiêmquyển 40 ghi ra mười đại nguyện vương của bồ-tát Phổ Hiền. Phẩm Hư Không Tạng bồ-tát, kinh Đại phương đẳng đại tậpquyển 17, nói rõ hai mươi đại thệ trang nghiêm của bồ-tát.
Trên đây đều là bồ-tát khi mới phát tâm tự phát đại thệ nguyện, tu sáu pháp ba-la-mật, thệ nguyện độ thoát khắp chúng sanh; sau đó, theo thệ nguyện này để thực hành.
Giải thích Ma-ha-tăng-na-tăng-niết, Hán dịch là đại thệ trang nghiêm, ý nghĩa mặc áo giáp kiên cố. Bồ-tát vì độ chúng sanh mà phát thệ nguyện rộng lớn, hi sinh thân mình để đạt được chí nguyện. Các ngài nguyện sanh vào đời ác năm trược, dũng mãnh vô cùng, tinh tiến phấn đấu tu tập; giống như dũng sĩ mặc áo giáp lẫm liệt xông pha nơi chiến trường. Đây là thể hiện tinh thần mạnh mẽ vào thời kì đầu của Phật giáo Đại thừa, hạnh nguyện thanh tịnh cõi Phật cũng là kết tinh của đại thệ trang nghiêm.
Tiết thứ hai
Giáo lí cõi Phật thanh tịnh
Giáo lí cõi Phật thanh tịnh, ban đầu chỉ làm thanh tịnh thế giới của chúng ta, cải thiện những khiếm khuyết của chúng ta, là một cuộc vận động giáo hóa xã hội để làm tăng lên hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng trong một thế giới không có hai Đức Phật xuất hiện đồng thời. Cho nên, các vị Bồ-tát đều chọn cho mình một thế giới trong mười phương không có Đức Phật để giáo hóa chúng sanh thành thục, thanh tịnh cõi đó. Bồ-tát cũng thành Phật ở cõi nước đó, cho đến xây dựng cõi Phật lí tưởng dần dần hướng thượng thăng hoa, nhưng hình thành cõi nước hoàn toàn không giống cõi Ta-bà, dự tính trở thành Tịnh độ trang nghiêm thanh tịnh. Bởi vì, thế giới của chúng ta đang ở thì biểu hiện đời ác năm trược, là chỗ ở của ngoại đạo, kẻ xấu, có nhiều dân tộc khác nhau; lại còn dịch bệnh, đói khát, lạnh nóng, tranh giành, chém giết; còn về đất đai thì đồi núi chập chùng, gai nhọn mọc chen nhau, rất nhiều ô uế, hôi thối lan tràn, chẳng có chỗ nào được trang nghiêm và an lạc. Tuổi thọ của con người ngắn ngủi, chúng ta thấy rõ đời này là vô thường, không có tính trường cửu. Vì cõi này có nhiều xấu xa như thế, cho nên bồ-tát lập chí nguyện kiên cố, xây dựng cõi Phật lí tưởng.
Tiết thứ ba
Phát nguyện theo kinh Đạo Hành Bát-nhã
Liên quan đến bồ-tát phát nguyện kiến tạo cõi nước Phật thanh tịnh đã nói rõ trong các kinh Đại thừa như bát-nhãv.v…Trong đó, các điều nguyện được ghi trongphẩm Hằng-kiệt ưu-bà-di, kinh Đạo hành Bát-nhãquyển 6, có thể được xem là xuất hiện vào thời kì sớm nhất. Nay trước tiên nêu ra năm điều bồ-tát phát nguyện:
1/ Không có cầm thú: Bồ-tát hành sáu pháp ba-la-mật, khi gặp nạn cọp, sói rất hung dữ vẫn không sợ. Bồ-tát tự nghĩ: “Nếu như cọp, sói ăn thịt tôi thì tôi thực hành bố thí ba-la-mật, gần đến Vô thượng chính đẳng chính giác. Tôi nguyện đời vị lai, khi tôi thành Phật, khiến cho cõi nước của tôi không có loài cầm thú”.
2/ Nhẫn nhục không sân hại: Khi bồ-tát gặp giặc cướp giữa đường, nhất quyết không sợ hãi, liền tự suy nghĩ: “Nếu như tôi chết ở đây thì thân tôi rồi cũng sẽ bỏ đi, cho dù tôi bị bọn cướp giết chết, nhưng tôi vẫn không khởi sân hận, đầy đủ hạnh nhẫn nhục ba-la-mật, sắp gần A-duy-tam Phật[1]. Tôi nguyện sau khi thành Phật, làm cho cõi nước của tôi không có giặc cướp”.
3/ Có tám nước công đức: Khi bồ-tát đến những nơi không có nước chẳng chút sợ hãi, liền nghĩ: “Vì người ở đây không có đức nên không có nước uống. Tôi nguyện khi tôi chứng A-duy-tam Phật làm cho cõi nước của tôi đều có nước uống, khiến cho mọi người trong nước tôi đều được nước tám vị Tát-vân-nhã”.
4/ Thức ăn nước uống tự nhiên có đầy đủ: Khi bồ-tát gặp nạn lúa gạo mất mùa đắt đỏ vẫn không lo sợ, liền tự nghĩ: “Tôi sẽ tinh tiến chứng A-duy-tam Phật làm cho cõi nước của tôi thường đầy đủ lúa gạo, khiến cho nhân dân trong người nước tôi khi mong cầu ăn uống liền có ngay trước mặt; giống như cõi trời Đao-lợi muốn ăn uống liền có ngay”.
5/ Không có dịch bệnh: Khi bồ-tát ở trong vùng dịch bệnh, liền nghĩ: “Nhất định tôi không sợ hãi, cho dù thân tôi có chết ở đây, nhưng tôi vẫn tu hành tinh tiến chứng A-duy-tam Phật làm cho cõi nước của tôi không có dịch bệnh”. (Đại Chính, 8, 457, hạ).
Trên đây là khi bồ-tát gặp những nạn cọp, sói, trộm cướp, cho đến dịch bệnh, tâm không sợ hãi, chẳng tiếc thân mạng, càng chuyên tâm tinh tiến hành sáu pháp ba-la-mật. Bồ-tát tự nghĩ: “Tôi vì sắp chứng Vô Thượng Bồ-đề, đồng thời những tai nạn ấy thường làm tổn hại chúng sanh ở thế giới này, nên tôi phát nguyện đời tương lai khi tôi thành Phật sẽ kiến tạo cõi nước thanh tịnh không xảy ra những tai nạn này”.
Những điều trên, ngài Chi Khiêm dịch trong phẩm Hằng-kiệt thanh tín nữtrong kinh Đại minh độquyển 4. Ngài La Thập dịch phẩm Thâm công đứctrong kinh Tiểu phẩm bát-nhãquyển 7 đều nói giống như trên. Chỉ riêng ngài Thi Hộ, đời Tống dịch phẩm Thậm thâm nghĩatrong kinh Phật mẫu xuất sanhtam pháp tạng bát-nhã ba-la-mật-đaquyển 18, cùng với bản Phạn trong phẩm Bát thiên tụng bát-nhã, Hằng-già thiên nữ lấy năm nguyện này, chia theo sáu pháp ba-la-mật. Kinh ghi cũng có nhiều ít bất đồng, đều được cho là người đời sau biên soạn thêm. Tóm lại, bồ-tát phát nguyện ở thời kỳ sớm nhất rất là đơn giản, đồng thời còn là hiện thực chỉ dựa theo thế gian. Do nghĩ trước đến một số tai nạn xảy ra, nên thệ nguyện trừ khử nó. Như thế đủ biết đây chẳng qua chỉ là một vài điều thệ nguyện chủ yếu.
Tiết thứ tư
Phát nguyện theo kinh Phóng Quang Bát-nhã
Kinh Phóng quang bát-nhãđến Trung Quốc vào cuối đời Tào Ngụy, do Châu Sĩ Hành đến nước Vu-điền sao chép được truyền dịch sau kinh Đạo hành bát-nhãchỉ khoảng tám mươi năm. Nhưng kinh này nói về bồ-tát phát nguyện, gồm hai mươi chín nguyện, ý nghĩa phát nguyện này cũng đại để là lí tưởng hóa, dường như chưa lưu lại dấu tích của các lời nguyện xưa kia. Căn cứ vào sự thật này mà nhận định thì giáo nghĩa của Đại thừa theo thứ tự mà phát triển vươn lên. Nay chúng tôi nêu ra phẩm Mộng trung hànhtrong kinh này, quyển 13 đã nói văn phát nguyện, chúng ta có thể biết nội dung:
1/ Cơm ăn, áo mặc tự nhiên có đầy đủ: Khi bồ-tát hành ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh thiếu thốn cơm ăn, áo mặc, sống cảnh neo đơn không thể duy trì cuộc sống, bồ-tát thương xót liền phát nguyện: “Khi tôi đắc Vô Thượng Bồ-đề, khiến cho cõi Phật của tôi không có những người khốn khổ nghèo đói, được đầy đủ cơm ăn, áo mặc, tự nhiên đều có giống như ở cõi trời Tứ Thiên vương, trời Đao-lợi, cõi Thiên vương thứ sáu”.
2/ Không có chúng sanh phạm mười điều ác và người thấp hèn: Khi bồ-tát hành trì giới ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh không có lòng từ bi, giết hại sanh mạng, tà kiến, nghi ngờ, phạm mười điều ác; lại thấy nhiều người mắc bệnh tật, chết yểu, thân hình tàn tật gầy yếu, thấp hèn hạ tiện, bồ-tát khởi tâm đại bi phát nguyện: “Tôi thực hành trì giới ba-la-mật, vào đời vị lai khi tôi thành Phật, khiến cho trong nước tôi không có những hạng người này”.
3/ Nhẫn nhục không hại người: Khi bồ-tát hành nhẫn nhục ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh nổi sân hận lấy cây, đao, ngói đá đánh nhau, giết hại lẫn nhau, bồ-tát liền phát nguyện: “Tôi hành hạnh nhẫn, vào đời vị lai khi tôi thành Phật, khiến cho trong nước tôi không có những người làm việc ác, khởi tâm từ bi với tất cả chúng sanh cùng sống hòa hợp; giống như cha mẹ, anh em sống chung không có giết hại nhau”.
4/ Thường luôn tinh tiến: Khi bồ-tát hành tinh tiến ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh lười biếng, không tinh tiến học pháp ba thừa, bồ-tát liền phát nguyện: “Tôi sẽ nỗ lực tinh tiến, khi tôi thành Phật, khiến cho chúng sanh trong nước tôi tinh tiến học pháp ba thừa, ai nấy đều được độ thoát”.
5/ Nhiếp tâm không loạn: Khi bồ-tát hành thiền ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh làm năm điều ngăn che[2], lìa tứ thiền, tứ không định, bồ-tát liền phát nguyện: “Tôi hành Thiền ba-la-mật giáo hóa chúng sanh, khi tôi thành Phật, cõi Phật thanh tịnh, khiến cho tất cả chúng sanh trong cõi nước tôi tâm không loạn”.
6/ Không có tà kiến: Khi bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh phạm điều ác; hoặc người tại gia, hay xuất gia, xa lìa chính kiến, làm việc vô đạo. Họ nói không có quả báo, lại nói đoạn diệt, nói có chúng sanh, bồ-tát liền phát nguyện: “Tôi nỗ lực hành sáu pháp ba-la-mật, khi tôi thành Phật, kiến tạo cõi Phật thanh tịnh, giáo hóa chúng sanh, khiến cho trong cõi nước tôi không có những người tà kiến.
7/ Không có tà tụ: Khi bồ-tát hành sáu pháp ba-la-mật, nếu thấy chúng sanh trụ ba tụ: chính định, tà định, bất định, bồ-tát liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi không thấy tà kiến, không nghe đến danh từ tà kiến”.
8/ Không có ba đường ác: Nếu bồ-tát thấy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và loài côn trùng nhỏ nhít, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi, không nghe đến danh từ ba đường ác”.
9/ Đất bằng thẳng không có cấu uế: Nếu bồ-tát thấy đất đai nhiều đồi núi, hầm hố, mọc đầy gai nhọn, cỏ cây, bất tịnh, nhơ uế, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật nguyện trong nước tôi đều bằng phẳng như bàn tay, khiến cho mọi người trong nước tôi không thấy những cấu uế”.
10/ Vàng ròng làm đất: Nếu bồ-tát thấy đất đai thuần là đất, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật nguyện trong nước tôi vàng ròng làm đất”.
11/ Không có ái dục: Nếu bồ-tát thấy trai gái luyến ái nhau, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi không có trai gái đắm nhiễm yêu đương”.
12/ Cùng một giai cấp: Nếu bồ-tát thấy sự phân biệt bốn giai cấp sát-đế-lợi, bà-la-môn v.v…liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi, không có phân biệt bốn giai cấp, chỉ có một giai cấp”.
13/ Không có phân biệt: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh có sự phân biệt ba hạng thượng, trung, hạ, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện cho chúng sanh trong nước tôi không sang-hèn, cao-thấp”.
14/ Chúng sanh đều sắc vàng: Nếu bồ-tát thấy nhan sắc chúng sanh có nhiều sai biệt đẹp xấu, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện chúng sanh trong nước tôi không có nhiều màu da, ai nấy đều xinh đẹp đoan chính, được sắc vàng bậc nhất”.
15/ Trong nước không có vua: Nếu bồ-tát thấy trong nước có vua cai trị, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi không có danh từ vua chúa, chỉ lấy Như Lai làm pháp vương”.
16/ Mọi người đều tu ba mươi bảy đạo phẩm: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh tạo nghiệp địa ngục, cho đến người, trời trong năm đường, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi không tạo nghiệp thụ sanh vào năm đường, ai nấy đều thực hành ba mươi bảy đạo phẩm”.
17/ Mọi người đều hóa sanh: Nếu bồ-tát thấy sự sai khác của bốn loài noãn, thai, thấp, hóa, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi không có ba loài sanh ra bằng thai, noãn, thấp, chỉ có hóa sanh”.
18/ Người trong nước đắc năm thần thông, có ánh sáng: Nếu bồ-tát thấy người chưa đắc năm thần thông, không có ánh sáng, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi mọi người đều đắc năm thần thông và đều có ánh sáng”.
19/ Mọi người không có cấu uế: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh có đại tiện, tiểu tiện, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi đều giống thân trời, không có đại tiện, tiểu tiện”.
20/ Không có thời gian: Nếu bồ-tát thấy có thời gian dài ngắn, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, làm cho nước tôi không có một ngày, một tháng, một năm, mười năm v.v…không có số lượng thời gian”.
21/ Mọi người trong nước sống lâu: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh bị chết yểu, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi đều sống mãi, không có giới hạn”.
22/ Mọi người đều đầy đủ tướng đại nhân: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh xấu xí, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân”.
23/ Mọi người đều đầy đủ căn lành: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh không có căn lành, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi đều đầy đủ căn lành, giống như Đức Phật”.
24/ Mọi người không có tam cấu[3], tứ bệnh[4]: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh bị tam cấu, tứ bệnh, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi không có tam cấu, tứ bệnh”.
25/ Trong nước không có nhị thừa: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh theo nhị thừa, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện mọi người trong nước tôi không nghe đến danh từ nhị thừa, chỉ nghe Phổ đẳng chí[5] và Tát-vân-nhiên[6]”.
26/ Trong nước không có tăng thượng mạn: Nếu bồ-tát thấy chúng sanh tăng thượng mạn, liền phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, nguyện trong nước tôi không nghe đến danh từ tăng thượng mạn”.
27/ Thọ mạng vô lượng, quang minh vô lượng, thanh văn vô lượng: Khi chưa thành Phật, bồ-tát phát nguyện: “Trước khi tôi chưa thành A-duy-tam Phật thì trước phải biết thọ mạng, quang minh của tôi và số tì-kheo tăng; sau đó, mới thành A-duy-tam Phật. Còn tất cả mọi người không ai biết kiếp số, tuổi thọ và số tì-kheo tăng ở cõi nước tôi”.
28/ Cõi nước rộng lớn: Bồ-tát phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, làm cho nước tôi rộng lớn như Hằng hà sa cõi Phật”.
29/ Khôngcó tự tính: Bồ-tát hành sáu pháp ba-la-mật, nên phát nguyện thế này: “Con đường sanh tử dài, chúng sanh rất đông, hư không vô biên, tính của chúng sanh cũng vô biên; trong đó, cũng không có người được sanh ra, cũng không có người nhập Niết-bàn”. Bồ-tát suy nghĩ như thế là hành đầy đủ sáu pháp ba-la-mật, mau gần Tát-vân-nhiên. (Đại Chính, 8, 91, hạ).
Phẩm Mộng hànhtrong kinh Đại phẩm bát-nhãquyển 17 đã nói đại khái giống như kinh này. Nhưng kinh trước đem nguyện thứ mười tám là người trong nước đắc năm thần thông, có ánh sáng chia thành hai nguyện, tổng cộng có ba mươi nguyện; đây là điểm hai kinh khác nhau.
Nay đối chiếu Phóng quang bát-nhãvà Đạo hành bát-nhãở trước thì có thể thấy số nguyện tăng thêm là hai mươi bốn nguyện. Vả lại, ý nghĩa trong nguyện cũng có chiều hướng bao hàm lý tưởng. Nghĩa là trong kinh Đạo hành bát-nhãghi, khi bồ-tát gặp nạn cọp, sói thì lập nguyện trong nước tôi không có đường cầm thú, nhưng trong kinh này nói rộng không có cả danh từ ba đường ác. Lại nữa, kinh trước chỉ nói bồ-tát phát nguyện trong nước không có trộm cướp, giết hại, nhưng kinh này nói đem lòng từ để đối xử nhau như cha mẹ, anh em. Kinh trước nói thức ăn uống tự nhiên có đầy đủ; kinh này, không chỉ nói ăn uống mà còn nói y phục của cải cũng đều tự nhiên có đầy đủ. Kinh trước nói không có nguyện về dịch bệnh; kinh này nói trong tâm không có ba cấu.
Qua sự đối chiếu, chúng ta có thể thấy ý nghĩa phát nguyện trong kinh lại càng mở rộng. Chẳng những như thế mà kinh này còn phát nguyện: “Trong nước tôi không có phân biệt bốn giai cấp, phân biệt sang-hèn, cao-thấp, phân biệt chủng tộc. Ngoài đấng pháp vương Như Lai ra không có danh từ quốc vương; lại còn có đất đai trong nước đều bằng phẳng, do vàng ròng tạo thành, không có núi đồi, hầm hố, gai nhọn, cỏ độc; cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, không có ô uế, nhân dân đều do hóa sanh, không sanh bằng thai. Trong nước không có người tà định tụ, không có người Nhị thừa, không có người tăng thượng mạn. Mọi người đều đắc năm thần thông, thân phát ánh sáng, đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân, thọ mạng cũng đều không có hạn lượng, đủ thấy những nguyện vọng tăng thêm và hướng về lý tưởng hóa.
Mặc dù chúng ta không biết rõ người biên soạn Phóng quang bát-nhãở thời đại nào, nhưng theo năm nguyện trong Đạo hành bát-nhãtriển khai thành hai mươi chín nguyện; điều này cần phải trải qua thời gian dài, có lẽ thời gian này là thời đại đề xướng thuyết bản nguyện của Phật A-súc và Phật Di-đà.
Tiết thứ năm
Tịnh hóa cõi Phật
Như trên đã nói bồ-tát thệ nguyện kiến tạo cõi nước Phật thanh tịnh, là khi bồ-tát mới phát tâm tự trong lòng phát khởi; sau đó bồ-tát chuyên cần tinh tiến tu tập để đạt được mục đích. Nhưng thật ra không thể chỉ có năng lực một mình bồ-tát mà thực hiện cõi Phật thanh tịnh mà đầu tiên cần phải hợp sức cùng chúng sanh đã được giáo hóa mới có thể thành tựu. Theo phẩm Tịnh Phật quốctrong kinh Đại phẩm bát-nhãquyển 26 ghi: “Bồ-tát xa lìa tướng nghiệp thô như vậy, tự mình bố thí cũng dạy người khác bố thí. Chúng sanh cần cơm ăn thì bồ-tát cho cơm ăn, cần áo mặc thì cho áo mặc, cho đến họ cần những thứ tiền của để sinh sống, bồ-tát đều cho họ hết, cũng giáo hóa người khác đem của cải bố thí. Nhờ đó, bồ-tát với chúng sanh cùng chung phúc đức, hồi hướng về cõi Phật thanh tịnh. Bồ-tát trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ cũng lại như vậy”.
Bồ-tát muốn kiến tạo cõi Phật thanh tịnh thì phải tịnh hóa nghiệp thô của thân, khẩu, ý của mình và cũng phải tịnh hóa nghiệp thô thân, khẩu, ý của người khác; chính là tự mình và người đều không làm mười điều ác mà thực hành mười điều thiện, xa lìa tham, sân cho đến tâm ngu si; thân thường hành sáu pháp ba-la-mật, chẳng chấp tính tướng của các pháp, hiểu rõ các pháp không có tự tính, nguyện đem công đức này hồi hướng về cõi Phật. Tức là nói: “Từ bồ-tát đến chúng sanh, cùng chung nghiệp lực kiến tạo cõi Phật”.
Lại nữa, phẩm Phật quốctrong kinh Duy-ma-cậtquyển thượng ghi: “Trực tâm là Tịnh độ của bồ-tát, khi bồ-tát thành Phật, chúng sanh không dua dối thì sanh về cõi nước của ngài. Thâm tâm là Tịnh độ của bồ-tát, khi bồ-tát thành Phật chúng sanh đầy đủ công đức thì được sanh về cõi nước của ngài. Bồ-đề tâm là Tịnh độ của bồ-tát, khi bồ-tát thành Phật, chúng sanh tu theo Đại thừa thì sanh về sanh về cõi nước của ngài. Những pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, bốn tâm vô lượng, bốn nhiếp pháp, phương tiện, ba mươi bảy đạo phẩm, cho đến mười điều thiện đều là Tịnh độ của bồ-tát, khi bồ-tát thành Phật, chúng sanh nào thành tựu đầy đủ những pháp như vậy thì được sanh về cõi của ngài. Vì thế, bồ-tát muốn được cõi nước thanh tịnh thì tâm mình phải thanh tịnh, theo tâm thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh”. Cho nên, bồ-tát kiến tạo cõi Phật thanh tịnh thì trước hết tâm mình phải thanh tịnh.
Tịnh độ là từ trực tâm, thâm tâm của bồ-tát, cho đến do mười điều thiện mà thành tựu là nói rõ chúng sanh có trực tâm đến hành mười điều thiện mới có thể sanh về cõi của Phật. Điều này giống như Đại phẩm bát-nhãđã nói, chứng minh là nhờ tịnh hóa nghiệp thô của thân, khẩu, ý của năng hóa[7] và sở hóa[8] mới có thể tịnh hóa cõi Phật.
Trong phẩm Phật bát-nê-hoàn, kinh A-súc Phật quốcquyển hạ ghi: “Hỏi: Bồ-tát tu những đức hạnh nào mà được sanh về cõi Phật A-súc? Đáp: Bồ-tát phải học theo Phật A-súc, khi xưa Ngài cầu đạo bồ-tát tu sáu pháp độ vô cực”. Cũng đồng một ý nghĩa này.
Do đó, các kinh Đại thừa đều ghi bồ-tát ở trong vô lượng kiếp cực khổ tinh tiến hành sáu pháp ba-la-mật, sau đó mới được thành Phật trong cõi nước Phật thanh tịnh trang nghiêm. Giáo hóa chúng sanh để họ được như bồ-tát. Khi thân, khẩu, ý thanh tịnh biểu thị cho sự cần phải nên tinh tiến dũng mãnh, trải qua thời gian rất lâu mới đạt được hiệu quả. Nếu chỉ y theo các pháp duyên khởi cầu giác ngộ thì e rằng không thể nào thành Phật mà nhất định phải trải qua thời gian rất lâu như thế, lý do là ở chỗ này.
Tiết thứ sáu
Kiến tạo cõi Phật thanh tịnh và cộng nghiệp chiêu cảm
Tư tưởng cõi Phật thanh tịnh có lẽ đưa đến thuyết cộng nghiệp chiêu cảm. Căn cứ vào năng hóa của bồ-tát và thân, khẩu, ý của chúng sanh sở hóa thanh tịnh mới có khả năng kiến tạo cõi Phật thanh tịnh. Luận Đại tì-bà-saquyển 134, cũng ghi thế này: “Nếu cộng nghiệp của chúng sanh ở chỗ này tăng trưởng thì thành thế giới; như thế, cộng nghiệp hết thì thế giới hoại”. Căn cứ vào lực cộng nghiệp của chúng sanh mà tạo ra thế giới này, ý nghĩa phù hợp cõi Phật thanh tịnh. Mặc dù đối với thế giới Ta-bà do cộng nghiệp của chúng sanh tăng trưởng mà tạo thành, nhưng kiến tạo Tịnh độ thì nhất định phải có người chỉ đạo, đồng thời phải có nguyện lực của vị Phật ở cõi đó làm trung tâm; đây là điểm khác nhau.
Phẩm Thích tập tương ưngphần 3, thứ 3 trong luận Đại trí độghi: “Bồ-tát có khả năng kiến tạo cõi Phật thanh tịnh, thành tựu chúng sanh. Bồ-tát trụ trong sự tương ưng với Không, chẳng hề chướng ngại, giáo hóa chúng sanh, làm cho họ thực hành mười điều thiện và các pháp lành; vì chúng sanh thực hành pháp lành nên cõi Phật thanh tịnh; vì họ không sát sanh nên được sống lâu; vì họ không có trộm cướp nên cõi Phật luôn giàu có, an vui, ước muốn được toại nguyện. Chúng sanh thực hành pháp lành như vậy là kiến tạo cõi cõi Phật trang nghiêm. Mặc dù chúng sanh làm thiện, nhưng cũng phải có hạnh nguyện của bồ-tát, nhờ sức phương tiện hồi hướng nên cõi Phật thanh tịnh; giống như trâu kéo xe, phải có người đánh xe mới đi đến chỗ”.
Điều nguyện về thế giới Phật trong phẩm Thích sơ, luận Đại trí độquyển 7 ghi: “Người làm phúc mà không nguyện là không có mục tiêu, nguyện như là người đánh xe thì mới có thể thành tựu v.v…Lại nữa, việc lớn trang nghiêm cõi Phật, nếu chỉ làm công đức thì không thể thành tựu mà cần phải có nguyện lực; giống như con bò, tuy có khả năng kéo xe, nhưng phải có người đánh xe thì mới đi đến nơi”.
Như người lãnh đạo tốt lãnh đạo ở một thôn, một thị trấn thì làm gương mẫu cho mọi người. Ngoài ra, người dân ở trong thôn, thị trấn cần phải nhất tâm tích cực đồng thời làm thiện, làm phúc đức; vẫn phải có sự chỉ đạo nhiệt thành của thôn trưởng, thị trấn trưởng. Cõi Phật thanh tịnh tuy nhờ cộng nghiệp của thân, khẩu, ý chúng sanh sở hóa mà hiển hiện, nhưng người chỉ đạo là hạnh nguyện, hồi hướng, sức phương tiện của bồ-tát thật sự không thể thiếu. Nếu không thì như bò kéo xe mà không có người đánh xe thì không thể đi đến nơi, trang nghiêm cõi Phật cũng như vậy. Vì vậy nói sự phát nguyện của bồ-tát trong các kinh Đại thừa là đặc biệt quan trọng. Bồ-tát kiến lập đại thệ nguyện đều căn cứ theo ý nghĩa này.
[1] A-duy-tam Phật阿惟三佛 (Cg: A-tì-tam Phật): Vô thượng Chính giác.
[2] Nguyên văn Ngũ cái五蓋 (S: pañca āvaraṇāni): năm thứ phiền não che lấp tâm tính, làm cho pháp lành không phát sanh được. Đó là: tham dục cái, sân nhuế cái, hôn miên cái, trạo cử ố tác cái và nghi cái.
[3] Tam cấu三垢: ba thứ câu uể, chỉ cho ba độc tham, sân, si, làm khổ chúng sanh.
[4] Tứ bệnh四病: bệnh do bốn đại chẳng điều hoà sanh ra.
[5] Phổ đẳng chí普等 至: (Cg: Phổ đẳng tam-muội): pháp tam-muội, nếu trụ trong đó thì sẽ thấy tất cả chư Phật.
[6] Tát-vân-nhiên薩芸然 (S: sarvajña; Cg: Tát-vân-nhã, Tát-bát-nhã; Hd: Nhất thiết trí): trí Phật, là trí biết rõ tất cả pháp tướng trong ngoài.
[7] Năng hóa 能化: chỉ cho bồ-tát .
[8] Sở hóa所化 : chỉ cho chúng sanh.