Trung tâm Phật giáo Hayward xuất bản 1994
PHẦN LƯU THÔNG
1. SIÊNG TU
Tỳ kheo các ông! Đối với các công đức thường phải nhất tâm bỏ các sự buông lung như tránh bọn giặc cướp. Những điều lợi ích, đức Đại Bi Thế Tôn nói ra trước sau đã cạn, các ông chỉ phải siêng năng mà thực hành nó. Hoặc ở chốn núi non, hoặc ở nơi đầm vắng, hoặc ở dưới gốc cây hay an dưỡng trong tịnh thất, đều phải nhớ nghĩ giáo pháp đã thọ chớ để quên mất, thường nên tự gắng, tinh tấn tu hành, không để cho chết uổng, sau đến nỗi có sự ăn năn. Ta cũng như vị lương y biết bệnh mách thuốc, uống hay không uống chẳng phải lỗi của y sư; lại cũng như kẻ hướng đạo giỏi, chỉ người đường tốt, nghe mà không đi, chẳng phải lỗi tại kẻ chỉ đường.
GIẢNG NGHĨA
Đại bi: Tâm cứu khổ cho kẻ khác, gọi đó là Bi. Lòng thương của Phật và Bồ tát rộng lớn bao la nên gọi là Đại Bi. Kinh Niết Bàn, quyển 11 nói rằng: “Ba đời các đức Thế tôn lấy tâm Đại Bi làm gốc... Nếu không có tâm Đại Bi thì không thể gọi là Phật.”
Tịnh thất: Nhà yên tịnh, chỗ ở để chuyên tu tịnh nghiệp. Đây là danh từ dùng để dụ cho thiền định. Trong Trí độ luận, quyển 17 nói rằng: “Thường lạc Niết bàn từ nơi trí huệ chơn thật mà sanh; trí huệ chơn thật từ nơi nhất tâm mà có. Thí như đốt đèn, ngọn đèn không thể có tác dụng chiếu soi được khi ở trước trận cuồng phong, nếu để trong nhà kín công dụng của nó mới được trọn vẹn. Trí huệ trong tâm tán loạn cũng vậy, nếu không có tịnh thất thiền định, tuy có Trí huệ cũng không có công dụng đầy đủ. Khi được thiền định, trí huệ chơn thật mới phát sanh.”
Lương y: Thầy thuốc giỏi.
Y sư: Thầy thuốc.
Hướng đạo: Người dẫn đường.
ĐẠI Ý
Bài này đức Phật khuyên chúng đệ tử siêng năng tu tập các pháp yếu do Ngài truyền dạy từ trước đến naỵ
GIẢI THÍCH
Các công đức ở đây nói chính là chỉ cho Pháp yếu chung và Pháp yếu riêng. Tỳ kheo tâm phải thường y Đệ nhất nghĩa tinh tấn tu hành, chẳng nên để cho tâm này có một chút buông lung; lúc nào cũng phải để ý ngăn ngừa nó như bọn giặc dữ.
Đức Như lai vì lòng từ bi thuyết pháp lời lẽ đến đây đã trọn đủ không còn điều gì phải nói nữạ Tỳ kheo chỉ phải theo đó tinh chuyên tu tập. Chỗ tu hành cần phải lựa chốn sơn lâm vắng vẻ, nghĩ nhớ những Pháp yếu đã thọ, chớ khiến cho thân này thêm nhiều tội lỗi; thường thường phải dùng pháp tinh tấn để tự cố gắng, gấp rút tu hành, không nên để thân này nhởn nhơ chết uổng, đến chừng hối tiếc thì đã muộn rồị
Đức Như lai đối với các tỳ kheo nói pháp, chẳng khác nào vị lương y danh tiếng lừng lẫy, tùy bịnh cho thuốc, hễ uống là hết ngay, nhưng vì người bệnh không chịu uống mà phải bỏ mình. Đó là tại bịnh nhơn tự chiêu lấy tai họa chứ chẳng phải lỗi do bực danh y. Cũng như kẻ đi đường đã có hướng đạo chỉ cho con đường tốt, được bảo đảm an toàn lại chẳng chịu đi, để đi con đường đầy hiểm trở, giặc cước. Đó cũng là tại người đi đường muốn rước lấy điều tai họa, chứ chẳng phải do kẻ dẫn đường.
2. CHỨNG QUYẾT
Này các ông! Nếu đối với giáo lý về Khổ...bốn món Thánh đế có chỗ nào nghi ngờ nên mau thưa hỏi, không được ôm mối hoài nghi mà chẳng cầu giải quyết.
Bấy giờ đức Thế tôn ba lần xướng lên như vậy, vẫn không có người nào thưa hỏi. Vì cớ sao? Vì trong chúng không có điều gì nghi ngờ nữa.
Khi ấy, ngài A Nâu Lâu Đà quán sát tâm của đại chúng, mới bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Mặt trăng có thể trở thành nóng, mặt trời có thể trở thành lạnh, nhưng lời Phật nói về Tứ đế không thể nào khiến cho khác được. Phật nói về Khổ đế thì chắc là khổ không thể khiến cho vui được; Tập đế thật là nhân, không thể có nhân khác được. Khổ nếu diệt tức là nhân diệt, nhân diệt nên quả diệt. Đạo diệt khổ thật là Chơn đạo, không có đạo nào khác.” Thưa Đức Thế tôn, các Tỳ kheo trong đây đối với Tứ đế, quyết định không còn điều gì nghi ngờ nữa.
GIẢNG NGHĨA
Giải quyết: Quyết định phương pháp để giải đáp một vấn đề.
A nâu lâu đà (Aniruddha): Cựu gọi là A na Luật hay A na Luật đà v.v... Trung hoa dịch là Như Ý Vô Bần. Tên gọi là A Nê Luật Đà, dịch là Vô Diệt Như Ý. Thuở đời quá khứ xa xưa, gặp thời đói khát, ngài đã từng cúng dường cho một vị Bích chi Phật một bữa ăn mà được quả báo trong 91 kiếp qua lại trong cõi Nhơn Thiên, thường thọ phước vui. Phàm có điều gì mong muốn đều được theo ý nguyện, nên gọi là Như Ý Vô Bần.
Ngài là một trong mười vị đại đệ tử, cũng là em họ của Phật, thuộc dòng họ Thích ca ở thành Ca Tỳ La.
Theo trong Huyền ứng âm nghĩa, quyển 26 thì nói rằng: “A na Luật đà, cựu gọi là A na Luật, cũng gọi là A nâu lâu đà, cũng gọi là A nê Lô đầu đều là một. Đây dịch là Vô Diệt, cũng gọi là Như Ý. Con của ngài Phạn Vương, là đường đệ của Phật.”
ĐẠI Ý
Bài này đức Phật muốn chứng quyết bốn thứ Đế lý của ngài đã nói không hề sai chạy, đổi dời, nên Ngài dạy chúng để tử có những điều gì nghi ngờ phải mau thưa hỏi để Ngài quyết nghi cho.
GIẢI THÍCH
Giáo pháp một đời của đức Như Lai bao gồm trong Tứ thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Hai đế lý Khổ và Tập gồm hết nhân quả Thế gian; hai đế lý Diệt, Đạo gồm hết nhân quả Xuất thế gian.
Bấy giờ Đức Phật bảo các đệ tử đang nghe pháp trong hội rằng: “Đối với giáo pháp Tứ đế như ai có điều gì do dự, chưa quyết hãy mau thưa hỏi để cầu giải quyết.” Như vậy Ngài lặp đi lặp lại ba lần vần không thấy có người ứng thinh thưa hỏi. Bởi trong chúng không còn điều gì nghi ngờ nữa.
Khi ấy có vị đệ tử tên là A Nâu Lâu Đà, là bực thiên nhãn đệ nhất, quán sát tâm của đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy ứng tiếng để chứng minh giáo pháp của Như lai đã nói quyết không sai lầm: “Dầu cho mặt trăng lạnh có thể biến thành nóng, mặt trời nóng có thể biến thành lạnh đi nữa, giáo pháp Tứ đế của đức Như lai quyết định không khi nào thay đổi. Vì thế giáo pháp của Phật đã nói chúng còn quyết không còn có điều gì nghi ngờ.”
Thế giới là Tướng phần của nghiệp thức biến hiện. Khi hoại, mặt trời có thể biến thành lạnh; khi thành, mặt trăng có thể biến thành nóng, nhưng giáo lý Tứ đế của Phật nói chính là nguyên lý nghiệp quả của chúng sanh, tuyệt đối không thể thay đổi.
Nguyên do sanh ra khổ não là vì từ quá khứ chúng ta gây tạo các hoặc nghiệp chứa chất hình thành. Chỉ vì khổ mà con người nảy sanh ý muốn diệt khổ. Hễ khổ nhân diệt, khổ quả cũng theo đó mà diệt, gọi là Diệt đế. Đạo đế tức ngay nơi ba món học: Giới, Định, và Huệ có thể dứt được Khổ nhân và Khổ quả, chứng được Vô thượng Biến Chánh giác, gọi là Đạo đế.
Trong đây, Tập là khổ nhân, Khổ là tập quả, Diệt là đạo quả, Đạo là diệt nhân.
3. ĐOẠN NGHI
a. Trình bày các nghi
Bấy giờ trong chúng, hoặc có những người tu hành chưa trọn, thấy Phật diệt độ sanh lòng bi cảm hoặc có những người mới vào đạo pháp nghe lời Phật nói tức thời được độ, chẳng khác nào đêm tối gặp ánh chớp liền thấy đường đi; hoặc có những người việc làm đã xong, qua được biển khổ nhưng lại nghĩ rằng: “Đức Thế tôn cớ sao diệt độ nhanh chóng đến thế.”
b. Dứt các nghi
Ngài A Nâu Lâu Đà tuy nói lời ấy mà trong chúng thảy đều thông suốt được ý nghĩa bốn món Thánh đế, nhưng Đức Thế Tôn muốn hết thảy đại chúng đều được lòng tin vững chắc, nên khởi lòng từ bi vì chúng dạy rằng: “Tỳ kheo các ông, chớ ôm lòng sầu não, dù ta có trụ ở đời lâu đến một kiếp nữa, rốt cuộc rồi cũng phải hoại diệt; hợp mà không tan là điều không thể nào có được. Những pháp tự lợi lợi tha ta đều đã nói đầy đủ, dù ta có trụ lâu ở đời cũng chẳng ích gì.”
Những người đủ duyên được độ, hoặc ở cõi trời hoặc ở cõi người, ta đều độ hết; còn những ai chưa được độ, ta cũng đều đã gây cho nhân duyên được độ. Từ đây về sau các đệ tử của ta sẽ tiếp tục làm. Thế là Pháp thân của Như Lai thường còn mà không hề nhập diệt.
GIẢNG NGHĨA
Diệt độ (Nivàna hay Nibbàna): Dịch là Hữu dư và Vô dư, đều chỉ cho khi mạng chung chứng quả. Trong kinh Niết bàn, quyển 29 nói: “Vì diệt sanh tử gọi là Diệt độ.” Trong Triệu luận nói rằng: “Diệt độ là Đại họan hằng diệt vượt khỏi Tứ lưu". Trong Hạnh nguyện phẩm sao, quyển 4 nói: " Niết bàn nói đủ là Niết bàn na, xưa dịch là nhập diệt tức.” Tức chính là Diệt, hoặc gọi là Diệt độ, có nghĩa là Diệt chướng Độ khổ.
Từ bi: Hai tâm trong tứ vô lượng tâm. Cho vui là Từ, cứu khổ là Bi. Tâm Đại từ thì cho vui tất cả chúng sanh, còn tâm Đại bi thì cứu khổ tất cả chúng sanh. Đại từ thuộc về tiêu cực, Đại bi thuộc về tích cực. Một đằng thiên về tự lợi, một đằng thiên về lợi tha.
Nhân duyên: Bất cứ một vật nào được phát sanh đều có đủ cả hai phần: Nhân và Duyên. Thí như: hạt giống là Nhân; đất, nước, phân, tro v.v... là Duyên. Nhờ nhân duyên hòa hiệp nầy mà phát sanh ra cây lúa.
Trong Triệu luận thì lại giải rằng: "Trước sau sanh nhau là Nhân, hiện tại giúp nhau mà thành tựu là Duyên. Các pháp nhờ có Nhân Duyên nương gá nhau mới được thành lập".
Trong kinh Lăng nghiêm Trường thủy sở nói rằng: “Phật giáo lấy Nhân duyên làm Tôn, vì Thánh giáo của Phật nói từ cạn đến sâu, không ngoài hai chữ Nhân Duyên.”
Pháp thân (Dharmakàya): Chơn thân của Phật. Danh từ này, Pháp tánh và Pháp tướng giải thích có phần khác biệt:
- Pháp Tướng tôn: Tôn này y cứ Duy thức luận có chia làm hai thứ: một là Tổng tướng Pháp thân, hai là Biệt tướng Pháp thân.
1. Tổng tướng Pháp thân: Gồm cả hai pháp: Lý và Trí. Đồng với lối giải thích trong kinh Kim Quang Minh. Theo trong kinh này thì: “Như như và Như như trí gọi là Pháp thân.” Đây là lấy cái nghĩa Chân như chứng được và Châu giác chiếu soi gọi là Pháp thân. Nếu đứng về ba thân mà nói thì: “Tự tánh thân và Tự thọ dụng thân hiệp lại là Pháp thân.” Y trên nghĩa này mà giải thích thì Pháp thân do Lý và Trí hiển bày. Đó là thể tánh, chỗ nương của tất cả pháp Hữu vi (trí) và Vô vi (lý), nên gọi là Pháp thân. Lại cũng có nghĩa là thành tựu trang nghiêm tất cả pháp công đức gọi là Pháp thân.
2. Biệt tướng Pháp thân: Tức là Tự tánh thân trong ba thân. Đó là Chân như thanh tịnh pháp giới vậy. Chân như này là tự tánh của Phật, nên gọi là Tự tánh thân.
Lại Chân như này đầy đủ công đức Chân thường, là chỗ nương của tất cả pháp công đức Hữu vi và Vô vi, nên gọi là Pháp thân.
- Pháp tánh tôn: Tôn này thì cho lý tánh của Chân như có tướng giác trí chân thật, Lý và Trí chẳng hai, cùng với Vô vi chân như vẫn đồng, nên Chân trí cũng là Vô vi.
Lại vì Tánh và Tướng chẳng phải hai, nên Chân như tức là Pháp tánh, thì Chân trí cũng tức là Pháp tánh. Pháp Tánh, Lý Trí chẳng hai này ẩn, gọi là Như lai tạng. Như lai tạng ẩn chứa công năng thỉ giác, hiển bày Pháp tánh kia, gọi là Pháp thân, tức là lấy cái nghĩa Pháp tánh thành thân gọi là Pháp thân.
Trong kinh Bảo Quật nói rằng: “Pháp thân là pháp Chân như thật tướng. Pháp Thật tướng này ẩn gọi là Như lai tạng, hiển gọi là Thân, chỉ là một pháp Thật tướng, nhưng đứng trên hai phương diện: Ẩn và Hiển không đồng, nên có lúc gọi là Tạng, có lúc gọi là Thân.”
Như lai: Tiếng Phạn gọi là Đa đà a dà đà (Tathagata). Dịch là Như lai, là một hiệu trong mười hiệu của đức Phật. Như là Chân như, nghĩa là: nương đạo Chân như, từ nhân đến quả mà thành bậc Chánh giác, gọi là Như lai. Cũng có nghĩa là: Vì nương đạo Chân như đến trong Tam giới để hóa độ, gọi là Như lai.
Trong Chuyển Pháp Luân luận nói rằng: “Như thật mà đến gọi là Như lai... Niết bàn gọi là Như, Trí giải gọi là Lai; chánh giác được Niết bàn gọi là Như Lai.”
Trong các lối giải thích trên, ta có thể nhận định rằng: “Như là chỉ cho Bản Giác, Lai là chỉ cho Thỉ Giác. Như là chỉ cho Pháp thân, Lai là chỉ cho Ứng hóa thân, hay Như là chỉ cho Lý, Lai là chỉ cho Trí.”
ĐẠI Ý
Bài này đức Phật muốn cho chúng đệ tử đối với bốn món Thánh đế phải có lòng tin vững chắc. Đó là một chân lý bất di bất dịch, vượt ngoài không gian và thời gian.
GIẢI THÍCH
Trong bài này, đoạn thứ nhất, ông A Nâu Lâu Đà vì những người Hữu học mới chứng được Sơ quả, Nhị quả và Tam quả mà nói. Vì mới chứng được Sơ, Nhị, Tam quả, nên chưa đoạn hoặc nghiệp Câu sanh; do đó khi thấy đức Như lai sắp nhập Niết Bàn thì sanh lòng sầu não, như tôn giả A Nan... đều khóc than thảm thiết. Còn những bậc Tứ quả A la Hán công việc tu hành đã mãn, nên chỉ nghĩ rằng: “Đức Thế tôn cớ sao mà nhập diệt nhanh chóng như thế!”
Đoạn thứ hai, Phật muốn ngăn dứt các sự nghi hoặc của chúng sanh đời sau, nên Ngài dạy chúng Tỳ kheo rằng: “Không nên ôm lòng hoài nghi mà sanh sầu khổ. Dù cho ta có trụ ở đời này lâu đến một kiếp nữa, rồi cũng phải nhập Niết bàn. Con người có sanh tức phải có chết; có hợp tức phải có tan. Sanh mà không chết, hợp mà không tan thì không bao giờ có được.”
Ngài lại dạy: “Công việc tu hành tự lợi trải qua ba Đại kiếp tăng kỳ đã được viên mãn, còn công việc lợi tha (độ người) cũng đã hoàn tất. Như thế Phật có trụ lâu ở đời này cũng không lợi ích gì hơn.”
Ở cõi trời và cõi người những ai đủ duyên được độ, đều đã độ hết, những người đủ duyên được độ ở vị lai, ta đã gây cho nhân duyên, và những Giáo pháp để độ họ ta cũng nói đầy đủ rồi. Từ đây về sau các đệ tử của ta sẽ đem Giáo pháp khai triển lưu thông. Ấy là Pháp thân Như lai không hề hoại diệt, không hề nhập Niết Bàn.
Vậy các ông không nên lo buồn, khổ não, ôm mối bi cảm mà nghĩ rằng: “Đức Như lai sao diệt độ nhanh chóng như thế. Phải biết đức Như lai nhập Niết bàn, đó là Giác hạnh viên mãn, phải nên sanh tâm vui mừng.”
c. Khuyên nhủ tu hành
Thế nên phải biết: Cảnh đời đều là vô thường, có hợp tức có tan, chớ sanh lòng sầu khổ, tướng thế gian là vậỵ Phải chuyên cần tinh tấn sớm cầu giải thoát, dùng ánh sáng trí tuệ diệt các nghi ám. Cảnh đời hư giả, không gì bền chắc, ta nay nhập diệt như trừ được bịnh dữ. Đây là xác thân nên bỏ, là vật tội ác, giả gọi là thân; nó chìm đắm trong biển cả sanh, già, bịnh, chết. Có kẻ trí nào trừ diệt được nó, như giết bọn giặc cướp mà chẳng vui mừng?
4. LỜI DẶN LƯU THÔNG
Tỳ kheo các ông, thường phải nhất tâm siêng cầu đạo Giải thoát. Tất cả thế gian dù cho Pháp động hay Pháp Bất động đều là tướng bại hoại không an. Này các ông, thôi! Không nên nói nữa. Thời giờ đã tới, ta sắp nhập Niết bàn. Đây là lời dạy bảo cuối cùng của ta.
GIẢNG NGHĨA
Pháp động: Chỉ cho Dục giớị Vì pháp ở cõi Dục giới vô thường nhanh chóng, nên gọi là Pháp động.
Pháp Bất động: Chỉ cho Sắc giới và Vô Sắc giới. Vì Pháp ở hai cõi này có tánh chất lâu dài hơn, nên gọi là Bất động.
Trong kinh Duy Ma Cật, ngài La Thập nói rằng: “Sáu cõi Dục gọi là Pháp động. Còn hai cõi Sắc và Vô Sắc thì thọ mạng số kiếp lâu dài, nên Ngoại đạo thường gọi là Pháp Bất động.”
ĐẠI Ý
Bài này đức Phật chỉ bày cái tướng Vô thường của nhân sanh, vũ trụ để khuyên chúng đệ tử cố gắng tu hành, mong cầu giải thoát.
GIẢI THÍCH
Tất cả đều là Vô thường, thì có hợp tức có tan, có thành tức có bại. Đó là công lệ muôn đời không thay đổi. Thế mà chúng sanh vì mê muội không tự nhận biết, để rồi phải chịu khổ sở đau đớn theo sự Thành, Bại, Hợp, Tan. Nên ở đây Đức Phật căn cứ bản thân mình, chỉ rõ sự vô thường để khuyên chúng sanh siêng năng tu tập mong cầu giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.
Câu: “Thường phải nhất tâm” là lời dặn dò chúng đệ tử nên biết vô thường mau chóng, phải chuyên nhất tâm an trụ trong trí tuệ thanh tịnh để mong được giải thoát.
Trong ba cõi, dù cho Động pháp hay Bất động pháp, cũng chỉ là Vô thường, Vô ngã, chẳng qua sự an trụ và thọ mạng có dài ngắn khác nhau mà thôi. Sự thọ mạng hoặc là một trăm năm, một ngàn năm, hoặc năm trăm kiếp, tám muôn kiếp rồi cũng không tránh khỏi sự hoại diệt.
Đến đây đức Phật dạy ông A Nâu Lâu Đà không nên nói nữa làm kéo dài thời gian. Bởi vì đã gần đến nửa đêm, đức Như lai muốn dùng giờ đó để nhập Niết bàn.
Câu: “Đây là lời dạy bảo cuối cùng của ta” chính là chỉ cho kinh này, lời dạy bảo cuối cùng của đức Phật vậỵ
Dịch xong tại Khánh Vân, ngày 5-6-1968