- Phẩm 1 - Tựa
- Phẩm 2 - Phương tiện
- Phẩm 3 - Thí dụ
- Phẩm 4 - Tín giải
- Phẩm 5 - Dược thảo dụ
- Phẩm 6 - Thọ ký
- Phẩm 7 - Hóa thành dụ
- Phẩm 8 - Ngũ bách đệ tử thọ ký
- Phẩm 9 - Thọ học vô học nhơn ký
- Phẩm 10 - Pháp sư
- Phẩm 11 - Hiện bảo tháp
- Phẩm 12 - Đề bà đạt đa
- Phẩm 13 - Khuyến trì
- Phẩm 14 - An lạc hạnh
- Phẩm 15 - Tùng địa dũng xuất
- Phẩm 16 - Như Lai thọ lượng
- Phẩm 17 - Phân biệt công đức
- Phẩm 18 - Tùy hỉ công đức
- Phẩm 19 - Pháp sư công đức
- Phẩm 20 - Thường Bất Khinh Bồ tát
- Phẩm 21 - Như Lai thần lực
- Phẩm 22 - Chúc lụy
- Phẩm 23 - Dược Vương Bồ tát bổn sự
- Phẩm 24 - Diệu Âm Bồ tát vãng lai
- Phẩm 25 - Quán Thế Âm Bồ tát phổ môn
- Phẩm 26 - Đà la ni
- Phẩm 27 - Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự
- Phẩm 28 - Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát
Hoà thượng Thích Từ Thông
Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001
Lúc bấy giờ, vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên ở trước Phật, tất cả đểu nhất tâm chấp tay, chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch rằng:
“ Thế Tôn ! Sau Phật diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở xứ nào mà phân thân Phật đã diệt độ hết. Bởi vì chúng con cũng muốn đọc, tụng, biên chép, giảng nói để cúng dường “Đại Pháp Chân Tịnh” nầy”.
Lúc ấy, trước mặt Văn Thù Sư Lợi và vô lượng Bồ-tát xưa kia ở thế giới Ta-bà, cùng các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và Thiên Long bát bộ, Thế Tôn hiện sức thần thông lớn: le lưỡi rộng dài tới cõi trời Phạm thế và các lỗ chân lông phóng ra vô số hào quang đủ màu, khắp soi mười phương thế giới. Các đức Phật ngồi trên toà sư tử dưới cội cây báu, cũng làm như thế: le lưỡi rộng dài và phóng ra vô lượng hào quang.
Đức Phật Thích Ca và các đức Phật dưới cây báu hiên sức thần thông mãn trăm ngàn năm, sau đó mới rút lưỡi vô và đồng thời tằng hắng, cùng chung khảy móng tay. Hai tiếng vang đó lang khắp mười phương thế giới của chư Phật, Đại địa rung động sáu cách. Trời, rồng, dạ-xoa… người và loài chẳng phải người,… nhờ sức thần Phật đều thấy cõi Ta-bà vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư tử, dưới những cây báu, thấy Phật Thích Ca và Đa Bảo Như Lai ngồi trên toà sư tử trong tháp báu. Lại thấy vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Bồ-tát và tứ chúng cung kính vây quanh đức Phật Thích Ca. Tất cả đều vui mừng như được cái chưa từng có.
Ngay lúc ấy, chư thiên trong hư không lớn tiếng xướng lên: “Cách đây vô lượng thế giới, có nước tên là Ta-bà, nơi ấy có phật hiệu Thích Ca, hiện đang vì các Đại Bồ-tát nói kinh Đại Thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Các ngươi nên vui theo trong thâm tâm, cũng nên lễ bái cúng dường Phật Thích Ca”.
Chúng sanh nghe tiếng hư không ấy rồi bèn chấp tay , quay về cõi Ta-bà, cử thanh niệm:
“ Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật !”
Rồi dùng các món hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ, lọng, xa rải xuống thế giới Ta-bà. Các vật rải đó, từ mười phương đến ví như mây đùn, biến thành một bức màn báu trùm khắp không gian, phía trên chư Phật. Bấy giờ, thế giới mười phươnh thông suốt với nhau, không gì ngăn ngại, quốc độ chư Phật trở thành “ Pháp giới không hai”.
Lúc bấy giờ, Phật bảo các hàng Bồ-tát bậc thượng hạnh rằng: “Sức thần thông của chư Phật vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn như thế. Nếu ta dùng sức thần thông ấy mà nói bày công đức của kinh Diệu Pháp Liên Hoa để lưu truyền về sau, thì dầu có trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức kiếp cũng chẳng nói hết. Tóm lại tất cả pháp của Như Lai, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả kho tàng bí yếu của Như Lai, tất cả những điều hết sức thâm sâu của Như Lai đều được tuyên bố, bày giải, nói rõ trong Diệu Pháp Liên Hoa. Cho nên, sau Như Lai diệt độ, các người phải một lòng thọ trì, đọc tụng biên chép, giảng nói và tu hành đúng theo lời nói trong kinh. Nơi nước nào mà có người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói, tu hành đúng theo lời kinh, hoặc chỗ nào có quyển kinh Pháp Hoa, bất luận nơi đó là: vườn, rừng, dưới cội cây, phòng chư tăng, nhà người thế tục, chỗ thờ Phật, núi hoang, đồng trống thì nên dựng tháp cúng dường. Phải biết chỗ có kinh đó là: đạo tràng, là nơi chư Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là nơi chư Phật chuyển Pháp luân, là nơi chư Phật nhập Niết Bàn.
Để lập lại nghĩa vừa nói, Thế Tôn nói một bài kệ.
THÂM NGHĨA
Như Lai thần lực là sức thần Như Lai
Nói “sức thần Như Lai” là nói cái sức nhiệm mầu huyền diệu sự giác ngộ chân lý tận cùng, sự giải thoát cứu cánh của con người đạt đến đỉnh cao trí tuệ. Sức thần Như Lai là kết quả của Giới, của Định, của Tuệ mà mọi người đệ tử Phật ai cũng có thể tu hành và thành tựu được sức thần đó. Cho nên sức thần Như Lai không được hiểu lầm với “Sức thần của Như Lai”. Bởi vì, nếu là sức thần “của Như Lai” thì mọi người không hy vọng nhờ cậy được gì. Phật “biểu diễn” sức thần là nhằm nhắc nhở cho hành giả Pháp Hoa và đề cao về Tri Kiến Phật của những người “Nhập Phật tri kiến” là thế đấy. Đạt đến đỉnh cao của trí tuệ, thể nhập “ Phật tri kiến” dùng sức tri kiến nầy mà quán sát thế giới mười phương, thì thánh phàm không còn gì ngăn cách, chúng sanh và Phật đều tháy suốt được nhau trong một pháp giới “nhất chân” “bất nhị”.
Bằng tri thức của con người, qua quá trình tu tập Giới-Định-Tuệ, con người có thể đạt đến sức thần Vô thượng. Thể hiện khả năng đó, Thế Tôn ở trước Bồ-tát, Bát bộ, Thiên Long và tứ chúng hiện sức thần. Bày tướng lưỡi rộng dày đến cõi trời Phạm Thế. Tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng, vô số hào quang đủ sắc màu, khắp soi tất cả thế giới mười phương chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, có cả vô lượng phân-thân Phật Thích Ca và chư Phật vị lai đều hiển hiện đồng thời. Sức thần Như Lai là thế đấy.
Vô lượng hằng hà sa Bồ-tát “tùng địa dũng xuất” phát nguyện thọ trì truyền bá kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, sau Phật diệt độ, điều phát nguyện đó rất chánh đáng. Thế tại sao Phật chẳng đề cập, chẳng nói năng gì?
Sự kiện nầy có thể hiểu qua 2 ý:
1. Theo tập quán thông lệ của Phật, khi có người tác bạch cúng dường hay thỉnh nguyện điều chi, nếu chấp nhận thì mặc nhiên không nói, không chấp nhận bấy giờ đức Phật mới nói lý do.
2. Chấp nhận bằng lối “mặc nhiên” ở đây còn có ý nghĩa sâu xa, tuy không nói mà nói rất nhiều. Rằng: “Bồ-tát các ông chẳng những nên thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói, tuỳ hỉ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng ngữ ngôn văn tự mà còn phải dẫn dắt chúng sanh đến chỗ ngôn vô ngôn ngôn, hành vô hành hạnh, nghĩa là nói bằng cách nói không lời, hành bằng cái hạnh vô hành nữa!
Lời nói của Như Lai là “chân chính”, là “thành thực” lời nói trước sau như một “lời nói không có ý xấu dối gạt” chúng sanh. Lời nói được đảm bảo bằng chân lý, có giá trị trùm khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Như Lai hiện bày “tướng lưỡi rộng dài” (Quảng trường thiệt tướng là một trong 32 tướng tốt của đức Phật) để khẳng định với tất cả chúng sanh điều đó.
Hướng dẫn chúng sanh tu hành phương cách nào có kết quả tốt nhất:
Hãy tu cách quán niệm âm văn. Hãy niệm: Oai Âm Vương Phật, Diệu Âm Bồ-Tát, Quán Thế Âm Bồ-Tát mà đức Phật sẽ dạy kỹ ở sau nầy.
Bởi vì:
Phật xuất Ta-bà giới..
Thanh tịnh tại âm văn…
Phật Thích Ca và vô lượng vô số phân thân Phật, sau khi thu hoàn tướng lưỡi, cùng một lúc tằng hắng và khải móng tay. Đó là cách trả lời, đồng thời là cách hướng dẫn cho vô lượng Bồ-tát về công tác giáo hoá chúng sanh ở cõi Ta-bà đó.
Chư Thiên và các hạng chúng sanh ở các cõi nước trong mười phương, hướng về cõi Ta-bà tán thán Phật, tán thán Pháp Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa là rất đúng thời. Bởi vì sức thần Phật đến đây đã viên mãn. Từ trí-huệ nhận thức thế giới, phiến diện có đối tượng “năng”, “sở” hiển nhiên, từ phóng hào quang soi sáng nhận thức thế giới toàn diện, “pháp giới nhất chân”, “bất nhị”. Đó là quá trình tiến triển, lên tột đỉnh của con đường xoắn trôn ốc rồi. Cho nên tất cả chư Thiên chấp tay hướng về cõi Ta-bà niệm:
“ Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật…”
Chỉ có kinh Pháp Hoa tuyên bày nói rõ tất cả thần lực Như Lai, tất cả tạng bí yếu Như Lai, tất cả việc sâu thẳm Như Lai. Cho nên, Bồ-tát Thượng Hạnh… các ông phải thọ trì, đọc tụng, như thuyết mà tu hành. Đức Phật nói tiếp:
Chỗ nào có quyển kinh nầy nên dựng tháp cúng dường. Chỗ đó là đạo tràng, các đức Phật ở đó mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các đức Phật ở đó mà chuyển Pháp luân, các đức Phật ở đó mà nhập Niết Bàn. Còn người nào tu học kinh nầy, thực hành đúng như lời kinh, nên chỉ người đó mà nói rằng:
“ Ngài là Phật !”.