Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Hai: Cấu Trúc Của Kinh Trái Tim

13/06/201101:50(Xem: 9181)
Phần Hai: Cấu Trúc Của Kinh Trái Tim

KINH TRÁI TIM TUỆ GIÁC VÔ THƯỢNG
(PRAJÑĀPĀRAMITĀSŪTRA-HRDAYA-SÙTRA)
Khải Thiên Dịch và chú giải

Phần Hai
Cấu Trúc Của Kinh Trái Tim

I. Cấu Trúc

Bản Tâm kinh lời Việt trên được chia thành bảy phân đoạn, biểu thị cho con đường tu tập của Bồ Tát khởi đầu bằng thiền quán, và được trình bày thứ tự như sau:

1-Phân đoạn một: Giới thiệu tổng quát: a- Chủ thể quán sát; b- Trí tuệ quán sát ; c- Đối tượng quán sát, và d- Tác năng hay hiệu lực của trí tuệ quán sát.

2- Phân đoạn hai: Giới thiệu về Tánh Không qua hai phạm trù hiện tượng và bản thể.

3- Phân đoạn ba: Giải minh về bản Tánh Không giữa những khái niệm phân biệt.

4- Phân đoạn bốn: Minh thị Bản Tánh Không vượt lên trên 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 12 nhân duyên và 4 Thánh đế bằng hình thức phủ định liên hồi.

5- Phân đoạn năm: Giới thiệu về năng lực của Tuệ giác Vô thượng và sự thành tựu đời sống “xa rời cuồng si mộng tưởng” hay đời sống “Niết bàn”.

6- Phân đoạn sáu: Xác chứng về Tuệ giác Vô thượng qua ba đời chư Phật.

7- Phân đoạn bảy: Minh thị về sức thần (thần lực) của Tuệ giác Vô thượng đối với sự diệt trừ khổ đau hay thăng chứng Niết bàn. Và, kết thúc, Tâm kinh tuyên câu linh ngữ: “Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā!”

II. Phân Tích

A. Phân đoạn một:

Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác Vô thượng, Người Tỉnh Thức Bình Yên soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không, liền thoát ly mọi khổ ách.”

Đoạn kinh mở đầu này chỉ có một câu duy nhất, cũng là câu luận đề (thesis statement) của toàn bộ bản kinh. Và sau khi đọc hết toàn bản kinh ta sẽ thấy rằng tất cả nội dung của nó được hàm chứa trong câu luận đề này một cách trọn vẹn và chặt chẽ. Ở đây, luận đề của kinh bao gồm: (1) Chủ thể quan sát (Bồ Tát Avalokitésvara), (2) Đối tượng quan sát (năm uẩn hay năm hợp thể), (3) Cơ sở quan sát (trí tuệ Bát nhã) và (4) Tác năng hay hiệu lực của trí tuệ quan sát (soi sáng tự tính của năm hợp thể là Không, và thoát ly mọi khổ ách)

(1) Chủ thể quan sát:

Bồ Tát Avalokitésvara được dịch theo hai cách: Quan Thế Âm và Quán Tự Tại, cả hai danh từ này đều chỉ cho một vị Bồ Tát. Như đã đề cập, danh từ Avalokitésvara, trong Tâm Kinh, được dịch là Quán Tự Tại nhằm nhấn mạnh “quyền năng vô ngại” của vị đại Bồ tát dùng phương tiện quán chiếu Bát Nhã để soi sáng (kiến chiếu) đương thể tức không một cách tự do. Mặc dù vậy, theo từ nguyên, Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại đều được dịch từ một danh từ duy nhất đó là Avalokitésvara. (Xem chú thích 03.) Trong nỗ lực Việt hóa, danh từ “Quán Tự Tại” được dịch là “Người Tỉnh Thức Bình Yên”. “Tỉnh thức” và “bình yên” ở đây biểu thị cho trạng thái “an tịnh” của thiền định.

(2) Đối tượng quan sát:

Đối tượng quan sát ở đây là năm uẩn hay năm hợp thể (aggregates) gồm: hợp thể của sắc (thuộc thế giới vật lý), của thọ, tưởng, hành và thức (thuộc tâm lý), nói chung là con người và thế giới sự vật hiện tượng (The world of phenomena).

(3) Cơ sở quan sát:

Ở đây, cơ sở dùng để quan sát là trí tuệ Bát nhã (Tuệ giác Vô thượng), hay trí tuệ thoát ly nhị nguyên; trực nhận thực tại như là chính nó (to their appearances as they really are). Kinh gọi là trí tuệ bên kia bờ: Trí tuệ (prajñā), Bên kia bờ (pāramitā).

(4) Tác năng của trí tuệ quan sát:

Tác năng của trí tuệ quan sát trước hết được xác định ở hai điểm ngay trong câu luận đề của kinh: a) “Hành thâm Bát nhã” (engaged in the practice of profound Prajñāpāramitā) và b) “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” (perceived that the five aggregates are empty of self-existence). Mối quan hệ nhân quả được thể hiện rất rõ ở đây là khi Bồ Tát “Hành thâm Bát nhã” thì người sẽ “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” và do đó được “thoát ly mọi khổ ách” (overcame all sufferings and troubles). Như vậy, tác năng hay hiệu lực của trí tuệ quan sát ở đây là thực tại-giải thoát. Cũng nên lưu ý rằng, mệnh đề “độ nhất thiết khổ ách” là phần được thêm vào trong bản dịch.

B. Phân đoạn hai:

Này người con dòng Sari, hình thể chẳng khác chân không, chân không chẳng khác hình thể. Hình thể là chân không, chân không là hình thể; cảm xúc, niệm lự, tư duy và ý thức đều là như vậy.”

Phân đoạn này giới thiệu về Tính Không qua hai phạm trù: hiện tượng (phenomenon) và bản thể (noumenon). Về mặt hiện tượng, kinh giả định bằng hai hiện hữu (dharma) đối lập: sắc (hình thể) và không (chân không—không hình thù và không tướng trạng). Dựa vào hai phạm trù giả định này, kinh minh thị sự đồng nhất của bản thể: “sắc chẳng khác không và ngược lại không chẳng khác sắc; sắc là không và không là sắc”. Có thể lấy thí dụ về hình ảnh của sóng và nước để minh họa cho hai phạm trù sắc và không. Về mặt hiện tượng, sóng và nước là hai biểu hiện hầu như khác nhau, nhưng về mặt bản thể, sóng là hiện thân của nước, hay nói khác đi, sóng chính là nước. Ở đây không có khác biệt nào trong bản chất của sóng và nước. Đây là cơ sở để nhận thức về “thực tính-vô tính” của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, và thức).

C. Phân đoạn ba:

Này người con dòng Sari, tất cả hiện hữu được biểu thị là Không; nó không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm.”

Phân đoạn này giải minh bản tính Không hay còn gọi là “thực tính-vô tính” của hiện hữu (dharmas) giữa những khái niệm phân biệt, bao gồm con người và thế giới sự vật hiện tượng. Bản chất của con người và thế giới vốn không có một ngã thể độc lập, chúng là hiện hữu của duyên sinh; do đó, từ trong thâm sâu, cái mà gọi là tự tính của hiện hữu thực chất là “vô tính” hay “Không có tự tính”. Nói khác đi, bản chất của tất cả hiện hữu là không có một ngã thể (entity) độc lập, tuyệt đối. Vì vậy, chuyện sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm ở đây là do ý niệm phân biệt của con người giả định mà thôi; hiện hữu hay các pháp vốn không có những đặc tính đó. Điều này được giải thích rõ qua: (i) giáo thuyết của Trung Quán (Mādhyamika) với các mối liên hệ giữa “không, giả danh, và trung đạo”; hoặc là (ii) ba tự tính của triết học Duy thức (Vijñapati-mātratā-vāda): 1- Tự tính giả lập (parikalpita - svabhāva): hiện hữu vốn không thật nên không thể được xem như là sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm. 2- Tự tính tùy thuộc (panratantra svabhāva), hiện hữu là do duyên sinh nên không thể nói là có sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm. 3- Tự tính tuyệt đối (prinispanna-svabhāva), hiện hữu của các pháp là “như thế” (tathagata), vốn thoát ly ngoài ý niệm nhân, ngã nên không thể nói đến sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm.

D. Phân đoạn bốn:

Vì thế, này người con dòng Sari, trong Không không có hình thể, không có cảm xúc, không có niệm lự, không có tư duy, không có ý thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có hình thể, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm và hiện hữu; không có đối tượng của mắt cho đến không có đối tượng của ý thức; không có minh, không có vô minh; không có sự chấm dứt của minh, cũng không có sự chấm dứt của vô minh; cho đến không có tuổi già và sự chết, cũng không có sự chấm dứt của tuổi già và sự chết; không có khổ đau, không có nguyên nhân của khổ đau, không có sự chấm dứt khổ đau và không có con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau; không có trí giác cũng không có sự thành tựu trí giác.

Nội dung của phân đoạn này, Tâm kinh giải thích về “vô tự tính” hay “bản tính không” thông qua sự phủ định các pháp căn bản: 5 uẩn (skandhas): Sắc (hình thể) gồm nội sắc (thân thể vật lý) và ngoại sắc (thế giới sự vật hiện tượng). Nội sắc bao gồm: cảm xúc (cảm thọ), niệm lự (tưởng), tư duy (hành) và ý thức. Kế đến, Tâm kinh nói về các xứ (ayatanas), nơi sản sinh ra các tác nghiệp. Sáu xứ bao gồm: 6 nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và 6 ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp [hay hiện hữu]), cộng chung lại thành 12 xứ. Do các hoạt động giao tiếp giữa sáu nội xứ (chủ thể) và sáu ngoại xứ (đối tượng) nên hình thành sáu thức (của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), gọi chung là 18 giới (dhatus), tức 18 nền tảng của hiện hữu. Nương tựa vào 5 uẩn (hợp thể) và 18 giới mà 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão - tử) xoay tròn theo nguyên tắc của Bốn Thánh đế (khổ, tập, diệt, đạo) theo hai hướng, hoặc lưu chuyển (từ tập đế đến khổ đế) hoặc hoàn diệt (từ đạo đế đến diệt đế).

Điểm chính của phân đoạn này là ở chỗ, Kinh dùng hình thức phủ định liên hồi của nó để cắt nghĩa khái niệm “vô trí diệc vô đắc”. Mục tiêu chính của phát biểu nàylà nhằm phủ định bất kỳ sự bám víu (có thể) nào của phân biệt nhị nguyên.

E. Phân đoạn năm:

Người Tỉnh Thức Bình Yên, do không sở đắc nên sống an lành trong Tuệ giác Vô thượng và thoát ly tất cả chướng ngại. Và rằng, vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời những cuồng si mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.”

Phân đoạn này nói về sức mạnh của Tuệ giác Vô thượng hay là Trí tuệ Bát nhã. Ở đây, điều quan trọng là khi hành giả an trú trong trí tuệ Bát nhã sẽ vượt qua mọi chướng ngại của vô minh, tham ái và chấp thủ. Hay nói khác hơn là với trí tuệ Bát Nhã, hành giả sẽ thấy rõ hiện hữu như là chính nó, nghĩa là tất cả những gì xuất hiện trong tri giác phân biệt của chúng ta đều là vô ngã, vô thường. Do thấy rõ như vậy nên hành giả vượt thoát mọi chướng ngại; và lúc bấy giờ trong tâm hành giả không còn sự hiện hữu nào của sợ hãi và cuồng si mộng tưởng. Một tâm thức tịch tịnh như thế chính là miền Niết bàn cứu cánh. Dưới ánh sáng rực rỡ của trí tuệ Bát nhã, mọi phân biệt nhân ngã đều hóa thành hư ảo và mọi sự bám víu đều được rũ bỏ trong đời sống “viễn ly”. Đây là mục tiêu của Bát Nhã.

F. Phân đoạn sáu:

Tất cả chư Phật ba đời đều nương vào Tuệ giác Vô thượng mà thành tựu chánh giác.”

Phân đoạn này được xem như là điều xác chứng của Phật về năng lực và sức mạnh vĩ đại của Tuệ giác Vô thượng qua truyền thống giác ngộ của chư Phật ở quá khứ, hiện tại, và vị lai. Đây cũng là lý do tại sao trong văn học Bát Nhã nhấn mạnh rằng “Bát Nhã là mẹ của chư Phật.”

G. Phân đoạn bảy:

Vì thế, nên biết rằng Tuệ giác vô thượng là sức thần kỳ vĩ, là sức thần của trí tuệ vĩ đại, là sức thần cao tuyệt, là sức thần tối hậu, vô song, có thể trừ diệt tất cả khổ đau. Sức thần thoắt sinh từ Tuệ giác Vô thượng này là sự thật, là chân lý. Sức thần có năng lực tối thượng đó được tuyên nói trong kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng rằng: “Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đã đi qua đến bờ bên kia, svaha!”

Phân đoạn này xác định thêm một lần nữa về sức mạnh của năng lực trí tuệ, có thể diệt trừ khổ đau, siêu thoát cho chính mình và tế độ tha nhân. Đoạn kết của kinh Trái Tim, ta thấy rõ trí tuệ (wisdom) được đề cao như một chân lý tuyệt đối (Absolute truth), và đây quả thực là “trái tim” của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, một loại tư tưởng triết học ở bên kia bến bờ của nhị nguyên.

Tóm lại, nội dung của kinh Trái Tim dài không quá 300 chữ, được mở đầu bằng luận đề: “Khi tiến sâu vào nguồn mạch của tuệ giác vô thượng, Người Tỉnh Thức Bình Yên soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không, liền thoát ly mọi khổ ách”. Và nội dung chính của kinh là triển khai luận đề: “Soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không” qua sự phân tích tiến trình của 5 uẩn (hợp thể) 12 xứ, 18 giới, 12 nhân duyên và 4 Thánh đế. Rõ ràng, kinh Trái Tim có một giá trị đặc biệt về ngôn ngữ và kết cấu văn pháp, cũng như về nội dung thông điệp (xem Phần Ba) của nó. Có lẽ, đây là lý do tại sao bản kinh rất ngắn này được truyền tụng hàng ngày trong đời sống của người Phật tử. Tuy nhiên, trước viễn cảnh của thực tại, thông điệp của kinh Trái Tim cũng chính là sự thách thức lớn lao của con người. Vì lẽ, đối diện với Tánh Không, chủ thể hoặc là bị cuốn hút vào thế giới hư vô không tận, hoặc là nở nụ trưng bày sức sống luân lưu bất tuyệt của dòng thực tại.

Sóng về xóa dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã bên dòng Chân như.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com