(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
70. ĐẠI TĨNH - TIỂU TĨNH
Thượng tọa Tĩnh ở chùa Quốc Thanh. Nhơn Hòa thượng Huyền Sa dạy chúng:
- Bọn các ông nếu có thể một đời như đưa ma mẹ, ta bảo đảm các ông sẽ tham cứu đến nơi đến chốn.
Sư bèn hỏi:
- Chỉ như trong kinh nói: "Không được đem tâm sở tri đo lường tri kiến vô thượng của Như Lai", lại là sao?
Huyền Sa nói:
- Ông cho rằng tham cứu được triệt để tâm sở tri, lại có thể đo lường được chăng?
Sư theo đó tin nhập (nhận được). Sau Sư trụ Thiên Thai hơn ba mươi năm không xuống núi, thông suốt tam học, giữ hạnh độc cư. Ngoài lúc thiền tịch, Sư thường xem Long Tạng, mọi người xa gần đều kính trọng Sư, gọi Sư là Thượng tọa Đại Tĩnh. Có người hỏi:
- Đệ tử mỗi lần ngồi thiền ban đêm, tâm niệm cứ bay nhảy, chưa biết phải nhiếp phục thế nào, xin Thầy thương xót chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ông nên đem tâm bay nhảy tham cứu lại chỗ bay nhảy, sẽ thấy nó không chỗ nơi, lúc ấy tâm bay nhảy đâu còn! Rồi trở lại xem xét cái tâm tham cứu, tâm năng cứu bèn yên. Trí năng chiếu đã không, cảnh sở duyên cũng lặng lẽ. Lặng mà không lặng, vì chẳng có người năng lặng. Chiếu mà không chiếu vì không có cảnh bị chiếu. Cảnh và trí đều lặng, tâm tự nhiên an, ngoài không theo nhánh nhóc, trong không trụ vào định, hai đường đều dứt, một tánh an vui. Đây cũng là yếu đạo về nguồn vậy.
Sư nhân thấy nghĩa huyễn hóa trong kinh bèn làm một bài kệ, để hỏi người học:
Nếu bảo các pháp đều huyễn có
Tạo các tội ác đâu có lỗi
Tại sao nghiệp tạo lại chẳng tiêu
Mà mượn lời Phật đem dạy dỗ.
(Nhược đạo pháp giai như huyễn hữu
Tạo chư quá ác ưng vô cữu
Vân hà sở tác nghiệp bất vong
Nhi tạ Phật từ hưng tiếp dụ?)
Lúc ấy có Thượng tọa Tiểu Tĩnh đáp rằng:
Nhân huyễn gây huyễn, huyễn xoay vần
Nghiệp huyễn hay vời quả báo huyễn
Chẳng rõ huyễn sanh các huyễn khổ
Biết rõ như huyễn, huyễn vô vi.
(Huyễn nhân hưng huyễn, huyễn luân vi
Huyễn nghiệp năng chiêu huyễn sở tri
Bất liễu huyễn sanh chư huyễn khổ
Giác tri như huyễn, huyễn vô vi).
Hai Thượng tọa Tĩnh cùng chết ở núi này. Ngày nay ở chùa Quốc Thanh còn có dấu tích.