(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
Phó Đại Sĩ, tên Hấp tự là Huyền Phong hiệu là Thiện Huệ, người Nghĩa Ô. Niên hiệu Kiến Vũ thứ tư (497) đời Tề, Ngài sanh ngày 8 tháng 5 ở làng Song Lâm, trong nhà Phó Tuyên Từ. Năm mười sáu tuổi lấy con gái họ Lưu tên Diệu Quang, sanh được hai con trai là Phổ Kiến, Phổ Thành. Năm 24 tuổi, theo dòng sông bắt cá đem đến ao Kê Đình, dìm giỏ vào nước nói:
- Đi thì thả, ở thì bắt.
Người ta bảo là ngu. Một hôm có Tung Đầu Đà người Thiên Trúc đến thăm Ngài, bảo rằng:
- Xưa tôi với ông ở trước Phật Tỳ Bà Thi cùng phát thệ nguyện độ sanh. Nay ở cung Đâu Suất vẫn còn y bát. Ngày nào sẽ trở lại?
Rồi dẫn đến suối nhìn bóng, thấy bảo cái tròn sáng. Đại sĩ liền ngộ được nhân duyên đời trước cười to nói:
- Lò rèn còn nhiều sắt, thô. Cửa thầy thuốc đầy bệnh nhân, việc độ sanh gấp gáp, đâu rãnh mà nghĩ đến cái vui thú ở thiên cung.
Rồi Ngài bỏ đồ bắt cá, dẫn nhau về nhà, nhân đó Ngài hỏi đất để tu đạo. Tung Đầu Đà chỉ rừng Song Lâm núi Tùng nói:
- Nên ở nơi này!
Ngài bèn kết am tự xưng là “Bồ tát Thiện Huệ tương lai sẽ giải thoát, ở dưới cây Song Lâm”, ở đó cày cấy, trồng rau quả như người tầm thường. Khi thu hoạch lúa má, dưa trái, Ngài lấy giỏ đựng đem bán. Ngài cùng với vợ là Diệu Quang, ngày thì làm lụng, tối về hành đạo.
Ngài ở Sơn Lâm bảy năm, một hôm hành đạo xong, cảm được bảy Phật theo đến. Phật thích Ca đi trước, sau cùng là Duy Ma. Chỉ có đức Thích Ca mấy lần nhìn, bảo với Ngài:
- Ta bổ xứ cho ông đấy!
Lại có một hôm thấy ba vị Phật Thích Ca, Kim Túc, Định Quang phóng hào quang chiếu thân mình. Ngài tự bảo đắc định Thủ Lăng Nghiêm.
Vì thế đệ tử càng đông thêm. Niên iệu Trung Đại Thông sanh năm thứ hai (530) Ngài sai đệ tử là Phó Vãng đến kinh đô dâng thư cho Lương Vũ Đế rằng:
“Đại sĩ Thiện Huệ, người tương lai giải thoát, ở dưới rừng cây Song Lâm tâu với Quốc vương:
Bồ tát cứu thế có ba điều thiện bậc thượng, trung, hạ phải nên nhận giữ:
1. Điều thiện bậc thượng: Lấy hư hoại làm gốc, chẳng vướng mắc làm tông, vô tướng làm nhân, Niết Bàn làm quả.
2. Điều thiện bậc trung: Lấy trị thân làm gốc, trị nước làm tông, được quả báo an lạc trên trời, trong loài người.
3. Điều thiện bậc hạ: Lấy việc bảo vệ nuôi nấng chúng sanh, thắng tàn bạo, bỏ giết hại, khiến dân chúng đều giữ lục trai.
Nay mộ lòng sùng pháp của Hoàng đế, muốn đến tranh luận nghị mà chưa được mãn nguyện, nên sai đệ tử đến để cáo bạch”.
Vua rất vui, sai Hà Xương viết chiếu đến, đón Ngài về triều. Vũ Đế hỏi:
- Xưa nay ai là thầy của Ngài?
Đáp:
- Theo không chỗ theo, đến không chỗ đến, thờ thầy cũng thế.
Lại hỏi:
- Sao không luận nghĩa?
Đáp:
- Lời Bồ tát chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, như như chính lý, còn nói gì nữa?
Niên hiệu Đại Đồng năm thứ hai (536), lại vào kinh đô. Vũ Đế mời vào hỏi:
- Thế nào là chân đế?
Đáp:
- Dứt mà chẳng diệt.
Vua nói:
- Dứt mà chẳng diệt tức là có sắc, có sắc nên trì độn. Như thế cư sĩ chưa khỏi được dòng tục.
Ngài đáp:
- Gặp tiền tài không cẩu thả để được, gặp khó không cẩu thả để tránh.
Vua nói:
- Cư sĩ rất biết lễ.
Ngài nói:
- Tất cả các pháp không có cũng không không, những sắc tượng trong đại thiên thế giới, tất cả đều không, trăm sông trôi chảy không ra khỏi biển. Vô lượng diệu pháp không ra khỏi chơn như. Như lai vì sao một mình vượt hẳn chín mươi sáu đường trong ba cõi? Xem tất cả chúng sinh như con đẻ. Thiên hạ không phải đạo thì Ngài chẳng an, không phải lễ thì Ngài chẳng vui?
Vua làm thinh. Ngày khác, Vũ Đế thỉnh Ngài giảng kinh Kim Cang. Đại sĩ vừa lên tòa, lấy thước đập xuống bàn một cái rồi bước xuống. Vua ngạc nhiên, Đại sĩ hỏi:
- Bệ hạ hiểu không?
Đáp:
- Không hiểu.
Đại sĩ nói:
- Đại sĩ giảng kinh xong rồi!
Một hôm, Ngài đang giảng kinh thì vua đến, mọi người đều đứng dậy. Đại sĩ ngồi yên chẳng động. Họ bảo Ngài:
- Vua đến đây rồi, sao không đứng dậy?
Đại sĩ nói:
- Đất pháp nếu động, tất cả chẳng yên.
Ngài trở lại Song Lâm, viết bài minh “Tâm Vương”:
Quán tâm không vương
Quán tâm không vương
Kỳ diệu khó lường.
Nguyên diệu nan trắc.
Không hình không tướng
Vô hình vô tướng
Có thần lực lớn
Hữu đại thần lực
Hay diệt ngàn tai
Năng diệt thiên tai
Thành tựu muôn đức
Thành tựu vạn đức
Thể tánh tuy không
Thể tánh tuy không
Hay bày phép tắc
Năng thí pháp tắc
Xem chẳng thấy hình
Quán chi vô hình
Hô thì có tiếng
Hô chi hữu thanh
Làm đại pháp tướng
Vi đại pháp tướng
Tâm giới truyền kinh
Tâm giới truyền kinh
Vị muối trong nước
Thủy trung cổ vị
Keo xanh trong màu
Sắc lý giao thanh
Quyết định là có
Quyết định thị hữu
Chẳng thấy được hình
Bất kiến kỳ hình
Tâm vương cũng vậy
Tâm vương diệc nhĩ
Nằm ở trong thân
Thân nội cư đình
Ra vào trên mặt
Diện môn xuất nhập
Ứng vật tùy hình
Ứng vật tùy hình
Tự tại vô ngại.
Tự tại vô ngại
Việc làm đều thành.
Sở tác giai thành.
Rõ gốc, biết tâm
Liễu bổn thức tâm
Biết tâm thấy Phật
Thức tâm kiến Phật.
Tâm này là Phật.
Thị tâm thị Phật.
Phật này là tâm
Thị Phật thị tâm.
Niệm niệm Phật tâm
Niệm niệm Phật tâm
Phật tâm niệm Phật
Phật tâm niệm Phật
Muốn được sớm thành
Dục đắc tảo thành
Răn tâm tự luật
Giới tâm tự luật
Tịnh luật, tịnh tâm
Tịnh luật tịnh tâm
Tâm tức là Phật
Tâm tức thị Phật
Trừ tâm vương này
Trừ thử tâm vương
Không có Phật khác
.Cách vô biệt Phật.
Muốn cầu thành Phật
Dục cầu thành Phật
Chớ nhiễm vật gì
Mạc nhiễm nhất vật
Tâm tánh tuy không,
Tâm tánh tuy không,
Tham sân thể thực
Tham sân thể thực.
Vào pháp môn này
Nhập thử pháp môn
Ngồi ngay thành Phật.
Đoan tọa thành Phật.
Đến bờ kia rồi
Đáo bĩ ngạn dĩ
Được Ba la mật
Đắc Ba la mật
Chân sĩ mộ đạo
Mộ đạo chân sĩ
Tự xét tâm mình
Tự quán tự tâm
Biết Phật ở trong
Tri Phật tại nội
Không hướng ngoài tìm.
Bất hướng ngoại tầm.
Tức tâm tức Phật
Tức tâm tức Phật.
Tức Phật tức tâm
Tức Phật tức tâm,
Tâm sáng, biết Phật
Tâm minh thức Phật
Rõ ràng biết tâm
Liễu liễu thức tâm.
Lìa tâm không Phật
Ly tâm phi Phật
Lìa Phật không tâm
Ly Phật phi tâm
Chẳng Phật khó lường
Phi Phật mạc trắc
Không kham nhận nổi.
Vô sở kham nhậm.
Chấp không kẹt tịch
Chấp không trệ tịch
Ở đó trôi chìm
Ư thử phiêu trầm
Chư Phật Bồ tát
Chư Phật Bồ tát
Chẳng an tâm (như) vậy.
Phi thử an tâm.
Đại sĩ sáng tâm
Minh tâm đại sĩ
Ngộ nguyên âm này
Ngộ thử nguyên âm
Thân tâm tánh diệu
Thân tâm tánh diệu
Dùng không sửa đổi
Dụng vô canh cải
Thế nên bậc trí
Thị cố trí giả
Buông tâm tự tại
Phóng tâm tự tại
Chớ bảo tâm vương
Mạc ngôn tâm vương
Không, không thể tánh
Không vô thể tánh
Hay khiến sắc thân
Năng sử sắc thân
Làm tà làm chánh
Tác tà tác chánh
Chẳng có, chẳng không
Phi hữu phi vô,
Ẩn hiện không định
Ẩn hiện bất định
Tâm tánh lìa không
Tâm tánh ly không
Thánh phàm thành Thánh
Năng phàm năng Thánh
Thế nên khuyên nhau
Thị cố tương khuyến
Khéo nên cẩn thận
Hảo tự phòng thận.
Sát na tạo tác
Sát na tạo tác
Lại bị trôi chìm
Hoàn phục phiêu trầm
Thanh tịnh trâm trí
Thanh tịnh tâm trí
Như thể vàng ròng
Như thể hoàng kim.
Kho pháp Bát Nhã
Bát Nhã pháp tạng
Đều ở thân tâm
Tịnh tại thân tâm
Pháp báu vô vi
Vô vi pháp bảo
Không cạn không sâu.
Phi thiển phi thâm.
Như Phật Bồ tát
Như Phật Bồ tát
Rõ bổn tâm này
Liễu thử bổn tâm
Người ngộ có duyên
Hữu duyên ngộ giả
Chẳng có ba đời
Phi khứ lai kim.
Lại có kệ rằng:
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng thức dậy
Đứng ngồi vẫn theo nhau
Nói nín chung ăn ở
Mảy may không cách biệt
Giống hệt hình với bóng
Muốn biết chỗ Phật đi
Chính ngay tiếng nói này.
(Dạ dạ bão Phật miên
Triêu triêu hoàn cộng khởi
Khởi tọa trấn tương tùy
Ngữ mặc đồng cư chỉ
Ti hào bất tương ly
Như thân ảnh tương tợ
Dục thức Phật khứ xứ
Kỳ giá ngữ thanh thị).
Lại nói:
Có vật trước trời đất
Không hình vốn tịch tiêu
Hay làm chủ muôn vật
Chẳng theo bốn mùa tàn.
(Hữu vật tiên thiên địa
Vô hình bổn tịch liêu
Năng vi vạn tượng chủ
Bất trục tứ thời điêu).
Ngài ở niên hiệu Đại Đồng nhà Lương năm thứ mười (544), thiết lập đại pháp hội, khắp vì chúng sanh, sám hối diệt mọi tội khổ, chóng được giải thoát.
Ngài lại cho mục lục kinh kinh Phật quá nhiều, người ta chẳng thể xem khắp, bèn dựng Luân tạng, lập nguyện rằng:
- Người lên tạng môn của ta, đời đời kiếp kiếp, không mất thân người, người phát tâm Bồ đề có thể đẩy Luân Tạng cùng người trì tụng kinh, công đức không khác.
Ngài ở Song Lâm làm Phật sự rộng lớn, thường có kệ:
Tay không nắm cán mai
Đi bộ lưng trâu ngồi
Trên cầu người cất bước
Cầu trôi nước chẳng trôi.
(Không thủ bả xừ đầu
Bộ hành kỵ thủy ngưu
Nhơn tùng kiều thượng quá
Kiều lưu thủy bất lưu).
Nhà Trần niên hiệu Thái Kiến năm đầu (569), có pháp sư Huệ Hòa, chẳng bệnh mà tịch. Tung Đầu Đà cũng ở chùa Linh Nham, Kha Sơn nhập diệt. Đại sĩ thầm biết bảo Phổ Kiền, Phổ Thành rằng:
- Tung Công đang đợi ta ở cung trời Đâu Suất, không thể ở lại nữa.
Khi ấy, bốn phía, cây vừa đơm hoa đẹp đẽ chợt khô héo. Ngày 24 tháng 4, Ngài dạy chúng rằng:
- Thân này là nơi mọi khổ nhóm họp, rất đáng chán ghét. Phải tu tam nghiệp, tịnh tu lục độ, nếu đọa địa ngục, thật khó ra được, thường nên sám hối.
Lại nói:
- Ta diệt rồi, không được dời giường ngủ, bảy ngày sẽ có thượng nhân Pháp Mãnh đem tượng và chuông đến trấn ở đây.
Đệ tử hỏi:
- Sau khi quy tịch, thân thể nên làm sao?
Ngài bảo:
- Đem lên đỉnh núi thiêu.
Hỏi:
- Nếu không được thì sao?
Đáp:
- Không cần liệm vào quan tài, chỉ lấy gạch tường làm đàn tế, dời xác lên trên, bình phong màu đỏ che chung quanh, trên dựng tháp phù đồ, lầy tượng Di Lặc trấn vào.
Lại hỏi:
- Chư Phật diệt độ đều thuyết công đức, gốc gác của Thầy, chúng con có thể nghe được chăng?
Đáp:
- Ta từ trời Đệ Tứ Thiền đến, để độ các ông. Kế phụ giúp đức Thích Ca, và giúp Phổ Mẫn (Văn Thù), Huệ Tập (Quan Âm) Hà Xương (A Nan) cùng đến tán trợ, điều này trong Thích Ca Đại Phẩm có nói: “Có Bồ tát từ trời Đâu Suất đến, căn tánh mãnh lợi, chóng cùng Bát Nhã tương ưng” chính là thân ta đó.
Nói xong, ngồi kiết già mà thị tịch, thọ 73 tuổi. Đến bảy ngày sau có thượng nhân Pháp Mãnh quả nhiên đem lụa dệt tượng Di Lặc và chuông chín lỗ đến trấn ở khám. Chốc lát không thấy nữa.
Nhà Tấn niên hiệu Thiên Phước năm thứ chín (944) *. Tiền Vương mở tháp, lấy mười sáu miếng linh cốt toàn màu vàng tía và đạo cụ hơn mười món, đến Phủ Thành – Long Sơn dựng chùa Long Hoa, đắp tượng đặt thờ. Truyền thuyết nói rằng Ngài là Di Lặc hóa thân.
* Tấn Cao Tổ niên hiệu Thiên Phước từ 936-942
Tấn Xuất Đế niên hiệu Thiên Phước từ 942-944