(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
22. PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO
Khai Hoàng Nguyên Niên (581)
Chu Vũ đế phế giáo làm vua hai mươi năm. Tùy Văn Đế lên ngôi đổi niên hiệu là Khai Hoàng. Xuống chiếu lập chùa Tăng ở núi Ngũ Nhạc, lại lập một ngôi già lam ở chiến trường Tương Châu. Vua rắp tâm hoằng pháp. Mùa Đông năm đó, có các sa môn Trí Chu... đem hai trăm sáu mươi bộ kinh đúng hẹn từ Tây Vức trở về. Vua bèn giao cho Hữu Ty, mời người phiên dịch.
Vua họ Dương tên Kiên, người Hoa Âm, lúc mới sanh hào quang đỏ chiếu trong nhà, khí tía đầy sân. Bên cạnh nhà có chùa ni. Ni cô tên Trí Tiên, người đời gọi là Thần Ni. Gặp lúc nóng bức, mẹ lấy quạt quạt cho lạnh muốn gần chết. Ni cô từ ngoài đến bảo người cha rằng:
- Đứa bé này do Phật trời ban cho. Thân như xá lợi, chẳng thể tiêu hoại.
Bèn gọi ông là Na La Diên, Ni cô lại nói:
- Đứa bé này sẽ đến chỗ khác thường. Nhà thế tục ô uế, nên đem đến chùa nuôi dưỡng.
Người cha bèn giao đứa bé cho Ni cô. Một hôm Ni cô ra ngoài. Người mẹ đến ôm con, chợt thấy con hóa thành rồng, vẩy sừng đầy đủ, kinh sợ té xuống đất. Ni cô trở về thấy nói:
- Tại sao dám chạm đến con ta, làm cho nó muộn được thiên hạ.
Đến năm bảy tuổi, Ni cô bảo vua rằng:
- Con sau là bậc đại quý, sẽ từ phương Đông đến. Lúc Phật pháp diệt, nhờ con mà hưng thịnh lại.
Vua mười ba tuổi mới trở về nhà. Đến khi Chu Vũ Đế phế giáo, Ni cô ẩn tại nhà Dương Kiên, chưa được bao lâu thì tịch. Sau Dương Kiên quả nhiên từ Sơn Đông vào làm thiên tử, đại hưng Phật pháp, như lời Ni cô nói.
Lên ngôi rồi, mỗi lần thăm quần thần đều truy niệm A Xà Lê để làm “khẩu thật” (*), lại nói:
- Trẫm hưng ngôi vị đều do Phật pháp, lại thích ăn mè đậu. Đời trước như từ dòng đạo nhân mà đến. Vì lúc nhỏ ở chùa, đến nay ưa nghe tiếng chuông trống.
(*) Khẩu thật: Câu chào hỏi, hay câu làm chứng lời mình không dối.