(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
18. THÍCH ĐẠO SINH
Sư họ Ngụy, người rất dĩnh ngộ, không ưa sự ồn náo trần tục, cạo tóc xuất gia thọ giới. Ban đầu Sư vào Lô Sơn, ở U Thê bảy năm. Sau dạo đến Quan Trung, theo ngài La Thập thọ nghiệp. Tăng chúng khâm phục như thần.
Lúc trước, Sư thấy phần đầu kinh Niết Bàn nói “Trừ hạng Nhất xiển đề ra, tất cả đều có Phật tánh”. Sư bèn nói: “Xiển đề sao lại riêng không có Phật tánh được? Kinh này đến đây chưa đủ. Rồi xướng thuyết “Xiển đề đều sẽ thành Phật".
Các vị sư khác đời ấy đều trách mắng Sư, cho là tà thuyết, theo luật đáng bị tẩn xuất. Sư bèn thề:
- Nếu tôi nói không hợp với nghĩa kinh, thì xin cho hiện thân chịu ác báo. Nếu thật khế hợp tâm Phật, nguyện lúc xả thọ mạng, ngồi tòa sư tử.
Và Sư rũ áo vào Hổ Khưu sống lặng lẽ. Khi tâm có chỗ hội, Sư đến chùa Thanh Viên, ngồi dưới rặng tùng, xếp đá làm đồ chúng, giảng kinh Niết Bàn. Một hôm giảng đến chỗ Xiển đề, bèn nói có Phật tánh. Lại nói:
- Lời của ta có hợp với tâm Phật chăng?
Hàng đá đều gật đầu. Mùa hạ năm đó, sấm rền Phật điện Thanh Viên, người ta chợt thấy một con rồng bay lên múa lượn, ánh sáng trời phát ra, bóng hiện ở vách Tây. Chùa liền được đổi tên là Long Quang. Người đời đó than:
- Rồng đã bay, Sư chắc cũng đi!
Mấy ngày sau, quả nhiên Sư trở về Lô Sơn, để lại một di ảnh rơi trong hang núi. Tăng chúng đều đến chiêm lễ.
Sau Sư nghe Đàm Vô Sấm dịch lại phẩm sau của kinh Niết Bàn, quả nhiên có nói: “Người Nhất xiển để tuy đoạn thiện căn, vẫn có Phật tánh”. Sư rất mừng rỡ.
Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ chín (432). Sư đến Kim Lăng, chưa bao lâu trở lại Lô Sơn. Trụ tịnh xá Lô Sơn, giảng kinh Niết Bàn.
Tháng mười một, niên hiệu Nguyên Gia thứ mười một (434)*, Sư thăng tòa luận nghĩa mấy phen, mọi người nghe đều vui vẻ. Chợt thấy phất trần rơi xuống đất, Sư ngồi ngay ngắn, nghiêm trang tựa ghế mà tịch, thọ 80 tuổi. Sớ luận để lại là những tác phẩm rất quý báu.
* Có thuyết nói Sư tịch năm Nguyên Gia thứ 9 (432).
SAU NHỊ TỔ